Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2009

PHẠM HOÀNG - KÝ


PHẠM HOÀNG KÝ

Đã mấy lần tôi dự định đi nghe / xem chương trình trình diễn piano của Hoàng nhưng cứ bận hết chuyện này đến chuyện kia làm tôi mất cơ hội hoài. Tuần rồi tình cờ anh bạn Viễn Trình email cho tấm poster, thế là tôi vội nhảy lên Net để book vé. Tôi cố tình buộc tôi không có lý do đế không đi, nên bằng mọi cách tôi phải lấy vé. Tôi còn dự định một hạ sách nếu không còn vé tôi sẽ cải trang làm kỹ thuật viên của VNTV & “lợi dụng” tình thân của anh Viễn Trình nhờ anh đưa tôi qua cửa ... Cũng may cho tôi, khi vừa gọi điện thoại đến Melbourne Recital Centre, tôi được trả lời vé đặt mua rất căng (heavily booked), nhất là cánh bên trái nơi khán giả có thể nhìn thấy bàn phím piano đã được mua hết. Cô nhân viên nói với tôi rằng nếu tôi vẫn muốn ngồi bên trái để nhìn thấy bàn phím thì chỉ còn cách mua vé cánh phía Đông tầng trên & giá vé hơi đắc một chút. Tôi vội trả lời "Được được, xin cho tôi hai vé ..." và cuối cùng tôi đã có vé trong tay .


NHỮNG NGẠC NHIÊN & CẢM XÚC ĐẦU TIÊN

Vâng những gì tôi thấy, nghe, biết hôm Thứ Bảy tuần qua trong buổi trình diễn của Phạm Hoàng đã thực sự đập mạnh vào não bộ & cảm xúc của tôi. Đầu tiên là cảm xúc mến mộ Hoàng trong lần đầu tiếp xúc, cảm xúc này đã đến với tôi không phải bởi tài năng của Hoàng mà bởi tính hòa đồng, thân thiện và khiêm nhường của Hoàng cũng như Mẹ Hoàng. Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác đã đến với tôi: ngạc nhiên khi thấy những người lớn tuổi, có người phải chống gậy đẩy xe trong cái lạnh căm căm mà họ vẫn đến tham dự, tôi rất cảm động khi thấy một cặp vợ chồng già hai người đều phải cần xe đẩy để di chuyển, kiên nhẫn đứng đợi mua vé; ngạc nhiên trước vẻ đẹp lộng lẫy, kiến trúc thật công phu của hội trường Recital (toàn bộ hội trường được thiết kế không chạm đất); ngạc nhiên khi thấy khán giả ngồi gần kín cả hội trường 1000 chỗ ngồi; ngạc nhiên khi thấy đủ mọi lứa tuổi trong thành phần khán giả; ngạc nhiên trước những ngón tay lướt trên phím đàn hàng giờ mà vẫn như nước chảy mây trôi; ngạc nhiên khi thấy khi thấy cả ngàn người ngất ngây bởi những âm thanh kỳ diệu; ngạc nhiên khi chứng kiến những tràng pháo tay theo đúng nghĩa "như không bao giờ dứt"; ngạc nhiên khi tiếng đàn ấy đã xuyên qua "lỗ tai trâu (của tôi)", đánh mạnh vào não bộ của tôi tạo nên một cảm xúc khó tả mà đến hôm nay tôi phải "ký" (viết) để giải tỏa bộc lộ cảm xúc cho chính mình, ký để chia sẻ cùng bạn bè & những người hâm mộ, ký để tỏ lòng mến mộ đến Hoàng và gia đình Hoàng, ký để bày tỏ niềm hãnh diện mà Hoàng đã mang đến cho tôi (một người Việt) nói riêng, và nói chung cho cộng đồng Việt Nam ở đây .

Tôi đến hội trường Recital tương đối sớm khoảng hơn 5 giờ chiều thì phải, lúc đó hội trường chưa mớ cửa nên tôi & H (con trai tôi) đi dạo quanh Recital Hall, chụp vài bức hình rồi ghé vô một tiệm cafe gần đó . Trong lúc chờ cafe tôi gọi cho Bác Viễn Trình (VT), thì được biết Bác đang tìm chỗ đậu xe, định rủ Bác sang uống cafe nhưng Bác trả lời rằng Bác phải đợi đồng đội mang dụng cụ quay phim đến để chuẩn bị. Uống cafe xong tôi quay lại hội trường để lấy vé, vừa bước vào hội trường đã thấy Bác VT đang lăng xăng chạy tới chạy lui nóng lòng khi chưa thấy đồng đội đến. Tôi nói chuyện với Bác VT vài câu rồi quay sang quầy vé. Khi lấy vé xong quay trở lại, gặp Bác VT đang nói chuyện với một cậu thanh niên rất trẻ và một phụ nữ trạc tuổi bốn mấy năm mươi gì đó đang đứng bên cạnh.
VT quay sang và giới thiệu với tôi:
- Đây là Phạm Hoàng và đây là chị Thắm mẹ của Hoàng.

Hoàng thân thiện bước đến bắt tay tôi và nói chuyện bằng tiếng Việt rất rành. Phải nói rằng tôi đã đọc, nghe về Hoàng trên đài, báo chí, internet và đã có thiện cảm khi chưa gặp Hoàng, nhưng mối thiện cảm ấy đã nhân lên gấp bội khi thật sự được gặp Hoàng. Tôi sẽ không ngạc nhiên khi một người nổi tiếng như Hoàng chào qua loa và nói một vài câu tiếng Anh với tôi chẳng hạn, nhưng tôi thật sự ngạc nhiên với thái độ hòa đồng thân thiện của Hoàng và đặc biệt khi Hoàng nói tiếng Việt. Nói chuyện một lúc Hoàng phải đi vào hậu trường để chuẩn bị cho chương trình của mình, lúc đó tôi lại được dịp hỏi chuyện cùng Chị Thắm mẹ của Hoàng. Chị Thắm lại cho tôi thêm nhiều điều ngạc nhiên bởi sự thân tình của Chị đối với một người mới gặp lần đầu như tôi, và tôi càng ngạc nhiên hơn nữa khi nói chuyện với Chị trong gần 20 phút sau đó. Tôi, có lẽ vì lòng mến mộ nên đã quá hăng say hỏi Chị rất nhiều câu hỏi chủ yếu về Hoàng, và tôi ngạc nhiên khi Chị đã kiên nhẫn trả lời bao câu hỏi của tôi một cách khiêm nhường và không kém phần thân mật .

Tiện tôi cũng xin tạ lỗi cùng Hoàng và gia đình Hoàng, nếu tôi có nhỡ vì lòng mến mộ mà vô tình nói, viết điều chi phật ý xin Hoàng & gia đình Hoàng niệm tình bỏ qua.


CUỘC NÓI CHUYỆN TÌNH CỜ

Cuộc nói chuyện hết sức tình cờ giữa tôi và Chị Thắm mẹ của Hoàng bao gồm rất nhiều câu hỏi của tôi và những câu trả lời của Chị, có lẽ tôi hỏi hơi nhiều nên về sau Chị đã kể cho tôi nghe như một người (mới) thân . Tôi nghe / biết được tương đối một số điều, tôi không thể kể hết chỉ mong có thể cố tóm tắc những chuyện đã gây ngạc nhiên cho tôi và những chuyện tôi nghĩ có thể sẽ hữu ích cho các bậc phụ huynh và các em trẻ trong cộng đồng chúng ta.

Bắt đầu từ chuyện Mẹ Hoàng hỏi về con trai tôi, và sau đó tôi đã hỏi về Hoàng và gia đình của Hoàng nên được biết Hoàng sinh ra sau năm 75, lúc Hoàng được 3 tháng tuổi thì Ba Mẹ đưa Hoàng đi vượt biên. Nghe đến đây tôi trợn mắt kinh ngạc, quý vị thử tưởng tượng một đứa bé 3 tháng tuổi được Bố Mẹ bế xuống tàu đi vượt biên. Những ai đã từng đi vượt biên hầu hết đã nếm qua những giờ phút kinh hoàng. Nghe đến đây tôi liên tưởng đến những hình ảnh vượt biên, tôi bắt đầu đi vượt biên khi tôi khoảng 17-18 tuổi, chuyến cuối cùng đi thành công khi tôi đã hơn 20 tuổi. Chuyến vượt biên tuy thành công nhưng không kém phần gian nan, chưa kể đến những lần trước đó thất bại, tù tội, bị đuổi bắn, bị lạc trong rừng, chứng kiến cảnh người bị bắn chết quanh mình nghĩ đến tôi vẫn còn rùng mình . Với tuổi thanh niên 18-20 đầy sức lực mà chuyện vượt biên đối với tôi đã trăm lần gian truân, tôi cứ nghĩ đến Bố Mẹ Hoàng bế đứa con trai nhỏ bé (khi sinh ra Hoàng chỉ nặng 1.7kg) 3 tháng tuổi mà lòng thán phục sự can đảm của Bố Mẹ Hoàng.

Quả thật trên đời này những thành công vượt bực thường phải trả những cái giá không rẻ chút nào. Có lẽ vì trải qua những gian truân khó tưởng tượng như thế nên Bố Mẹ Hoàng khi bước chân đến đây đã quyết chí lập nghiệp, nuôi dạy con cái thành tài, và có lẽ Hoàng có lần đã được nghe Bố Mẹ kể về những câu chuyện gần như huyền thoại về quá khứ của mình và gia đình mình, những câu chuyện ấy đã trở thành một trong những yếu tố để Hoàng đạt đến đỉnh vinh quang ngày hôm nay chăng?

Tôi khen Hoàng giỏi quá khi đạt được những thành công như ngày hôm nay, Mẹ Hoàng đã khiêm nhường trả lời rằng Hoàng may mắn nhờ gặp thầy piano giỏi (Rita Reichman). Tôi có hai con, 1 trai 1 gái chúng chưa lớn lắm, con gái tôi năm nay chỉ mới 5 tuổi nhưng tôi và vợ tôi đã nhận thấy nhu cầu thời gian và công sức cần bỏ ra như thế nào trong việc dạy dỗ nuôi nấng con cái . Tôi cũng quen biết một số gia đình Việt Nam ở đây có con đã trưởng thành học hành thành đạt, tôi nhận thấy rằng đằng sau những thành công của các em ở những gia đình đó là biết bao công sức của cha mẹ . Dĩ nhiên yếu tố cá nhân của chính các em quyết định rất nhiều, tuy nhiên nếu cha mẹ không đặt hết tâm sức của mình vào việc giáo dục con cái thì sát xuất thành công của các em theo tôi nghĩ chắc sẽ không cao. Bởi thế đối với tôi ngoài sự khâm phục tài năng và những thành công của Hoàng, là lòng kính phục của tôi đối với Ba Mẹ Hoàng .

Tôi hỏi làm sao Hoàng có thể nói tiếng Việt giỏi như vậy, thì được Mẹ Hoàng kể lúc Hoàng còn nhỏ Mẹ Hoàng có cho Hoàng đi học 1 khóa tiếng Việt nhưng sau đó Mẹ Hoàng tự dạy tiếng Việt cho Hoàng ở nhà . Một trong những phương pháp dạy tiếng Việt của Mẹ Hoàng là cho Hoàng viết lại những chuyện gì đã sảy ra trong ngày bằng tiếng Việt rồi Mẹ Hoàng sửa. Mẹ Hoàng trước kia là sinh viên trường luật ở Sài gòn, sau khi đến Úc Bố Hoàng có bàn với Mẹ Hoàng để hai người cùng quay lại học đại học, nhưng Mẹ Hoàng đã quyết định làm việc ở nhà để chăm sóc dạy dỗ Hoàng và để phụ đỡ kinh tế gia đình trong lúc Bố Hoàng quay trở lại học (như nhiều người đã biết Bố Hoàng cũng là người thầy dạy piano đầu tiên cho Hoàng).

Tôi có hỏi lúc nhỏ Hoàng có gì đặc biệt so với những đứa trẻ khác không, thì được Mẹ Hoàng trả lời xét chung chung thì Hoàng không có gì đặc biệt lắm, chỉ có một điều đáng chú ý là khả năng tổ chức của Hoàng bộc lộ rất sớm. Hoàng có khả năng tổ chức khá đặc biệt từ những việc nhỏ như sắp xếp thời gian học cho đến những việc tham gia vào các sinh hoạt mang tính tổ chức trong trường . Lúc Hoàng học ở Wesley College, Hoàng đã từng làm captain ở đó, và các thầy cô cùng bạn bè rất nể phục tài tổ chức của Hoàng . Khả năng tổ chức của Hoàng đã giúp Hoàng cho đến bây giờ, mặc dầu với thời khóa biểu dày đặc của Hoàng hiện tại, Hoàng vẫn có thể thu xếp để đi trình diễn đó đây theo lời mời của rất nhiều tổ chức.

Tôi thật khâm phục khi biết thêm Hoàng có tính thích giúp đỡ bạn bè và biết nghĩ đến người khác . Thỉnh thoảng có những người bạn trong giới, tổ chức những buổi hòa nhạc muốn thuê Hoàng đánh đàn, Hoàng thường nhận lời nhưng nhất định không bao giờ nhận thù lao, bởi vậy mà nhiều bạn bè rất yêu mến Hoàng . Tôi cũng thật cảm động khi nghe Mẹ Hoàng nói cho tôi nghe một hoài bão của Hoàng đó là Hoàng muốn lập một tổ chức hay sinh hoạt nào đó để giúp đờ cho các em trẻ trong cộng đồng Việt Nam ở đây.

Tôi xin kể chuyện trên không chỉ nhằm mục đích khen ngợi Hoàng, vì điều này có vẻ dư thừa khi bao bài viết về Hoàng đã được đăng / đọc trên đài / báo trong cộng đồng người Việt ở đây cũng như trên toàn thế giới . Một mục đích khác mà tôi muốn mạo muội đưa ra là ngoài sự thành công vẻ vang, ngoài tài năng xuất chúng, quang trọng hơn hết là tính khiêm nhường, hòa đồng với mọi người và một tấm lòng luôn biết nghĩ đến người khác của Hoàng. Chúc Hoàng luôn mãi thành công và luôn là một tấm gương sáng cho bao người trẻ tuổi noi theo.


ĐỘNG THIÊN THAI
Theo lịch trình đúng 7:10pm ban tổ chức mở cửa cho khán giả vào hội trường. Tôi hết ngất ngưởng ngồi trên ghế đợi, lại đứng lên đi vòng vòng mà không để ý đến thông báo rằng không ai được mang mấy quay phim, chụp hình vào trong hội trường. Cho đến khi chỉ còn vài phút trước khi vào hội trường họ thông báo một lần nữa, tôi vội ù té chạy ra xe cất máy chụp hình vì máy hơi quá cỡ bỏ túi nên chẳng biết bỏ vào đâu. Tôi không muốn bị mất một giây phút trình diễn nào của Hoàng vì thế sau cú chạy nước rút khi quay trở lại hội trường toàn thân tôi nóng bừng trong khi thấy mọi người đi đường ai cũng co đầu rụt cổ vì lạnh.

Vào hội trường, cái đập vào mắt tôi đầu tiên là kiến trúc tuyệt mỹ của nó. Trước khi đến đây tôi đã cẩn thận lên web site của Melbourne Recital để ngắm hình, nhưng không gì bằng nhìn thấy tận mắt, sờ tận tay. Có lẽ hình chụp trên internet tuy đẹp nhưng chỉ cho ta thấy được một góc độ nào đó, khi đến đây mình có thể nhìn 360 độ từ trái sang phải từ trên xuống dưới mới thấy choáng ngợp bởi cái đẹp lộng lẫy của nó.

Những thiết kế hoa văn trên tường, cái sang trọng của màu sắc và những vật liệu được sử dụng, cái dịu dàng mơ màng của ánh sáng, cái choáng ngợp của không gian tất cả làm cho tôi có cảm giác tưởng tượng mình đang lạc vào động thiên thai trong những truyện cổ tích. Đặc biệt khi ánh đèn được điều chỉnh để chỉ tập trung vào sân khấu và chiếc đàn piano khi Hoàng chuẩn bị bắt đầu.
Tôi có đọc qua một tài liệu về kiến trúc những hội trường âm nhạc kiểu này, nên hiểu được phần nào những công phu kỷ xảo của nó. Những hội trường kiểu này nhất là những hội trường được xây cất gần đây, được áp dụng những kỹ thuật tân tiến nhất. Những kỹ thuật này có được là do công sức nghiên cứu của rất nhiều kỹ sư trong nhiều lãnh vực. Những công trình nghiên cứu này đã trải qua không ít thời gian để đạt đến mức độ gần như tuyệt hảo nhất là về âm thanh.

Những đường hoa văn trang trí trên tường không chỉ mang tính mỹ thuật mà nó còn phải bảo đảm tiêu chuẩn về âm thanh, ánh sáng. Toàn bộ hội trường nặng hàng ngàn tấn được đặc trên hàng trăm dàn nhún bằng thép, và toàn bộ vách trong của hội trường được thiết kế tách biệt với vách ngoài. Cách thiết kế công phu và không ít tốn kém như vậy chỉ vì một mục đích đó là để cách âm, ngăn âm thanh ở ngoài không thể lọt vào trong và âm thanh ở trong không bị phát tán ra ngoài, và cũng để cho âm thanh trong hội trường đạt đến độ gần như hoàn hảo cho sự thưởng thức của khán thính giả.

Chỉ với những kiến thức đơn sơ đó cũng đủ làm tôi thấy rất đáng được đến đây, tôi nghĩ thầm mấy khi mình có cơ hội để đến một nơi như thế này, và tôi thầm cám ơn Bác VT đã gởi cho tôi tấm poster mấy ngày trước đó, thầm cám ơn Hoàng đã trình diễn trong đêm hôm đó để tôi được có cái duyên thật đáng quý.

HẤP HỒN ĐẠI PHÁP

Hội trường đang sáng rực ánh đèn bỗng dịu lại, những ánh đèn được điều chỉnh chỉ để tập trung vào chiếc đại dương cầm (grand piano). Hoàng trong bộ quần áo vét kiểu quý tộc thời cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, với phần trước ngắn phần sau dài, đỉnh đạt bước ra sân khấu cuối rạp người chào khán giả với một phong cách thật quý phái .

Sau một tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả, Hoàng mở màng bằng bản Sonata số 4, bản này được viết vào năm 1797 bởi nhạc sĩ thiên tài muôn thưở Beethoven người Đức. Ông sinh năm 1770 mất năm 1827, tôi không dám đề cập nhiều về tiểu sử của Ông vì ngại quý vị cho là dư thừa. Nếu quý vị nào muốn tìm hiểu thêm về tiểu sử của Ông, quý vị có thể lên Wikipedia hay Google để tìm & tha hồ mà đọc.

Bản này là một bản nhạc rất dài, sau buổi trình diễn đó con trai tôi lên internet download và in ra trọn bản dài 25 trang. Nói thế để quý vị có thể hình dung được bản nhạc này dài đến mức độ nào, và tôi nghĩ chỉ có những người chơi piano thượng thặng mới trình diễn nổi bản nhạc này. Bản nhạc được chia làm bốn đoạn, mỗi đoạn mang một bản sắc riêng mà tôi không phải là người có trình độ âm nhạc để phân tích, chỉ có thể cảm nhận sự khác biệt lơ mờ qua âm điệu.

Với bản này Hoàng đã đưa khán giả đi vào khung trời vô tận bằng những âm thanh réo rắt lúc khoan lúc nhặt, lúc chìm lắng lúc bay bổng, lúc dồn dập lúc như ngừng thở. Những âm thanh như trôi mãi, bay mãi, chảy mãi vào vô tận và vô tận. Tôi đoán bài này đã được chọn đế trình diễn cho màn đầu bởi vì ngoài tiết tấu hấp dẫn còn là chiều dài của nó. Người biễu diễn cần có một "nội lực" ban đầu để trình diễn với mức độ sung mãn nhất mới chuyển tải hết được ý nghĩa nghệ thuật của nó đến khán giả .

Bản nhạc thứ 2 Hoàng trình diễn là bản Piano Variations được viết vào năm 1930 bởi nhạc sĩ Aaron Copland người Mỹ, Ông sinh năm 1900 mất năm 1990.

Nếu trong võ học có Túy Quyền (võ say) thì ta có thể tạm gọi đây là "Túy Nhạc", khi trình diễn bản này những ngón tay của Hoàng không còn là lướt trên phím đàn nhưng bay nhảy như rồng bay phượng múa, có khi từ những cung bậc thấp nhất bay sang cung bậc cao nhất gần cả chiều dài bàn phím của cây đại dương cầm (grand piano). Lại có lúc như đôi chân của chú thỏ nhảy thoăn thoắt trên đồng cỏ mênh mông từ trái qua phải rồi lại từ phải sang trái. Nghệ thuật âm thanh trong bài này theo sự cảm nhận thô thiển của tôi, khi nhắm mắt lại tôi không còn hình dung nó phát ra từ một cây đàn piano (nhất là ở những nốt cao) mà tưởng chừng như có bao nhiêu nhạc công được tập luyện rất công phu để cùng tấu nhạc bằng lối gõ vào những thanh thép lớn nhỏ khác nhau tạo nên những âm thanh vừa hỗn loạn vừa được sắp xếp hết sức khéo léo một cách kỳ diệu.

Sau lúc nghỉ giữa buổi khoảng 20 phút, quay trở lại Hoàng tiếp tục trình diễn bài thứ ba, đó là bản Sonata số 9 được sáng tác năm 1913 bởi nhạc sĩ Alexander Scriabin người Nga, Ông sinh năm 1872 mất năm 1915 . Bản nhạc này theo cảm nhận của tôi là bản ngắn nhất trong bốn bản của chương trình. Bản nhạc này mang âm điệu lúc đầu như lang mang, buồn bã, ray rức, có lúc như bừng tỉnh để rồi kết thúc nhẹ nhàng thanh thản. Tôi có cảm giác tác giả đã sáng tác nó trong tâm trạng cô đơn, trong một căn phòng rộng rãi trống vắng, âm thanh bản nhạc có lúc như là sự cộng hưởng của nhiều tiếng chuông lớn nhỏ hợp lại và kết thúc như một tiếng thở dài nhẹ nhàng.

Bài cuối cùng Hoàng trình diễn là bản Sonata in B minor được sáng tác năm 1853 bởi nhạc sĩ Frank Liszt người Hungary. Ông sinh năm 1811, mất năm 1886, nếu tôi không đến buổi trình diễn đêm đó thì tôi sẽ chẳng bao giờ biết đến Ông và như thế là tôi đã mất đi một duyên lớn trong cuộc đời. Nếu trong tác phẩm võ hiệp Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung (một tiểu thuyết võ hiệp nhưng lại đề cao giá trị âm nhạc) có công phu "Hấp Tinh Đại Pháp", một công phu có thể hút nội lực của đối thủ thì bản nhạc của Frank Liszt được Hoàng trình diễn có thể gọi là "Hấp Hồn Đại Pháp". Tôi nói thế bởi khi Hoàng trình diễn bản nhạc của Frank List tôi đã thật sự bị "hấp hồn", tôi như mê say như ngất ngây trong vùng hỗn độn của âm nhạc, tôi đã nhắm mắt mơ màng gần suốt bản nhạc.

Đối với tôi âm thanh của bản nhạc này không còn là âm thanh của nhạc mà là tiếng lòng của con người. Vâng bản nhạc này đã thì thầm, khóc than, cười vang, tỉ tê, gào thét vào trung tâm cảm xúc của não bộ tôi. Tôi xin lỗi cùng quý vị vì không thể dùng lời để diễn tả hết tính ma lực của bản nhạc này. Sau buổi trình diễn khi bước ra cửa hall H nói với tôi "Ba ơi! con như bị lạc mất (lost) bị tan chảy (melted) vào bản nhạc cuối cùng" và tôi đã cảm nhận được tại sao H nói như vậy .

Với bản nhạc cuối cùng Hoàng không những làm mọi người ngây ngất vì âm thanh của nó, mà còn gây một sự ngạc nhiên kỳ thú khi chứng tỏ "nội công thâm hậu" của mình. Nếu so sánh sự trình diễn ba bản nhạc đầu của Hoàng là những cơn sóng cuồn cuộn từ đại dương mênh mông vỗ vào bờ tâm hồn của khán giả thì sự trình diễn bản cuối cùng là một cơn sóng thần (tsunami) khổng lồ đã cuốn sạch những tâm hồn ngất ngây nhỏ bé vào lòng của nó . "Nội lực" chơi nhạc của Hoàng có thể ví như một lực sĩ chạy marathon trên đoạn đường dài, khi gần về đến đích khán giả những tưởng những cây số cuối cùng người lực sĩ này sẽ chạy chậm lại hoặc giữ nguyên tốc độ ban đầu. Nhưng không ngờ những cây số cuối cùng anh đã chứng tỏ sức lực đầy sung mãn của mình với lối chạy tốc độ cao mà người ta chỉ có thể thấy ở những cuộc thi cự ly ngắn. Chẳng những vậy khi chạm đường ranh đích cuối cùng anh đã kết thúc bằng một nụ cười nhẹ nhàng với những nhịp thở đều đặn bình thản. Có lẽ Hoàng đã từng trình diễn ở những cuộc hội nhạc (concert) vĩ đại hơn, đã từng tham gia những cuộc tranh tài quốc tế, bởi thế cuộc trình diễn hôm đó đối với Hoàng có thể chỉ như cưỡi ngựa xem hoa .

Bản nhạc cuối cùng kết thúc với sự tiếp nối của những tràng pháo tay tưởng như không bao giờ dứt, tôi để ý thấy trong thành phần khán giả có nhiều người Úc đứng tuổi đã nhiều lần đứng dậy vỗ tay để tỏ lòng ngưỡng mộ. Tôi thật sự ngạc nhiên với tinh thần thưởng thức của khán giả trong cộng đồng chúng ta. Thành phần khán giả tuổi "primary school" hoặc nhỏ hơn chiếm khoảng 20% theo sự phỏng đoán của tôi, tuy vậy trong suốt buổi trình diễn, tôi nhận thấy chỉ 2 lần các em đã gây tiếng động trong hội trường, nhưng cũng không đến nỗi nghiêm trọng lắm.

VỀ SAU VÀ NHỮNG LẦN SAU NỮA

Chúng ta có thể chắc một điều rằng không phải NẾU mà là KHI nào Phạm Hoàng sẽ quay trở về trình diễn ở Úc . Khi đó và những lần sau đó tôi hy vọng khán giả trong cộng đồng chúng ta sẽ vẫn tham dự & tham dự với số lượng nhiều hơn nữa vì những lý do sau:

1) Phạm Hoàng là một trong những người con / em / anh xuất sắt trong cộng đồng, chúng ta hãnh diện về Phạm Hoàng và chúng ta ủng hộ Phạm Hoàng.

2) Một số người trong chúng ta có thể có cảm nghĩ rằng chúng ta không có / đủ trình độ thưởng thức âm nhạc cũng như khả năng thưởng thức những buổi trình diễn của Phạm Hoàng . Nếu quý vị có ý nghĩ như vậy quý vị sẽ ngạc nhiên khi đến tham dự một chương trình trình diễn của Phạm Hoàng . Một người thô thiển như tôi mà vẫn có thể bị hấp hồn thì tôi tin sẽ có nhiều người thích thú về những buổi trình diễn của Phạm Hoàng.

3) Nếu quý vị có con em đang học nhạc và đặc biệt là piano, quý vị càng nên đưa con em mình đi xem những chương trình trình diễn của Phạm Hoàng, vì chúng cần có một thần tượng gần gủi như Phạm Hoàng . Tôi mạo muội đưa ra ý này không phải chỉ qua những gì tôi cảm nhận được mà còn qua lời khuyên của một người thầy dạy nhạc . H, con trai tôi sau khi đi xem chương trình của Phạm Hoàng về, H thay đổi thấy rõ . H có vẻ đam mê chuyện đàn nhạc hơn, cô giáo dạy đàn cho H cũng nhận thấy điều này . Tôi đã nói chuyện với cô rằng tôi vừa đưa H đi xem concert của Phạm Hoàng, Bà ta rất tán đồng việc này, Bà ta nói nếu có điều kiện Bà ta cũng muốn đi để học hỏi . Cô giáo dạy nhạc cho H năm nay đã ở tuổi bảy mấy tám mươi và đã dạy nhạc mấy chục năm rồi, nếu Bà ta có lời khuyên như vậy có lẽ cũng đáng đế chúng ta suy nghĩ .

Tóm lại chúng ta có rất nhiều lý do để đến dự những buổi trình diễn của Phạm Hoàn về sau và những lần sau nữa ...

LangNam@gmai.com