Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

Sa La Lu Du Ký - 9




Đường Về LA ...


Rời Las Vegas khoảng gần 12 giờ trưa, phái đoàn gồm 5 chiếc xe thì một chiếc đã chạy về LA từ 2 hôm trước. Trong 4 chiếc xe còn lại chỉ có chiếc tiểu mỗ là không có navigator. Trước khi đi tiểu mỗ đã được một người quen mang đến cho mượn một cái navigator Tomtom mới toanh, nhưng khi sang đến nơi nó không work. Anh C trong nhóm cũng cho mượn một cái nhưng không hiểu sao khi cắm vào cái charger của xe tiểu mỗ nó cũng không work luôn. Thế là tiểu mỗ phải chơi trò "bám đuôi" vì nếu lạc thì tiểu mỗ chẳng biết đường mô mà mò. Phái đoàn vừa ra khỏi city Las Vegas một quãng thì xe của anh K & chị P đã bị đứt đuôi, cả nhóm chạy một đoạn rồi dừng lại chờ may mắn là chị P làm tài xế & anh K làm tài công cũng khá lắm nên chỉ 1 lúc là họp lại với đòan.

Chạy được nửa đường từ Las Vegas về LA, con gái của anh chị Hai chỉ điểm cho phái đoàn một cái outlet (shop đồ sale), thế là cả đoàn ghé vào khu shop này. Lúc đó đã 5 giờ chiều, được biết 7 giờ các shop ở đây đóng cửa nhóm phụ nữ lùng sục hết shop này qua shop khác quên cả thời gian. Tội nghiệp các Bác đứng chờ hoài mà đám con cháu nhất định không chịu đi, đến khi shop đã đóng cửa mà một số người vẫn còn kẹt lại trong shop vì chưa "vơ" được hết (trong đó có thành viên của nhà tiểu mỗ).

Khi đã tập trung được mọi người lên xe thì trời đã khá tối, cả đoàn phóng "như điên" để chạy về LA tưởng tượng như một đoàn "công voa" sợ bị VC phục kích vậy. Về gần đến LA trời khá tối & đường càng rẽ ngang rẽ dọc tiểu mỗ càng bám đuôi thật chặt, bằng mọi giá tiểu mỗ cứ nhắm cái đuôi xe anh Hai mà bám, đèn xanh đèn đỏ cũng mặt kệ, xe truck xe van cản đường cũng mặc kệ.

Cuối cùng thì phái đoàn đến Little Saigon đã gần 12 giờ đêm, quanh đi quẩn lại chẳng còn mấy tiệm mở cửa, may sao còn có Phở Lú vẫn còn mở cửa nên phái đoàn tấp vào (nghe nói chủ tiệm phở này cũng là chủ tiệm cà phê Lú). Chẳng biết ăn vào có Lú hay không nhưng phải nói là đồ ăn ở đây ngon hơn tiệm phở Kim Long ở Las Vegas nhiều. Nhân viên phục vụ cũng hết sức tận tình vui vẻ dầu đêm đã khuya, có lẽ biết phái đoàn là khách viễn du từ xa đến nên nhân viên ở đây đón tiếp rất nồng hậu. Vì tấm thịnh tình này mà nhóm của tiểu mỗ đã ghé lại Phở Lú thêm một vài lần nữa, lần nào cũng rất hài lòng với cách phục vụ và những món ăn ở đây.

Ăn tối xong phái đoàn kéo về nhà trọ, nhà trọ nằm ở vùng Anaheim (CA) tương đối thuận tiện, chạy ra Little Sài Gòn khoảng 10 phút, chạy về Disney Lands cũng khoảng độ 10-15 phút mà giá lại phải chăng, service rất tốt. Nhà trọ này cũng do anh C tìm và book cho cả nhóm, lần sau nếu sang LA chắc tiểu mỗ cũng sẽ đến đây.

Tiểu mỗ xin liệt kê một số khách sạn (giá cả phải chăng) mà tiểu mỗ và những người bạn đã ở qua:

San Francisco
Hotel Diva - A Personality Hotel
440 Geary St,
San Francisco 94102 ,
United States

Las Vegas
Sam's Town
5111 Boulder Hwy
Las Vegas, 89122, NV, US

Las Vegas Hilton
3000 Paradise Road, Las Vegas, Nevada, United States 89109
Tel: 1-702-732-5111 Fax: 1-702-732-5948

LA
Hotel Pepper Tree - Anaheim, CA
2375 West Lincoln Avenue, Anaheim, CA 92801
Toll Free: 877-888-5656 Fax: 714-774-8068

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2010

Sa La Lu Du Ký - 8


Las Vegas Chơi & Ăn ...

Las Vegas tập trung cả trăm khách sạn sòng bài, cái nào cũng lớn. Tụi này chỉ lựa những khách sạn thật nổi tiếng để viếng vì không đủ thời gian. Nói về cảnh thì có lẽ khách sạn Venice tiểu mỗ cho là đẹp và tinh xảo nhất (trong các khách sạn tiểu mỗ ghé qua ở đây). Đặc điểm của một số khách sạn ở đây là họ tạo ra những thành phố thu nhỏ bên trong từng khách sạn. Chẳng hạn khách sạn Venice, ngoài cảnh phố sá, kiến trúc thì sẽ có cảnh chèo thuyền đưa du khách đi trên dòng kinh; sẽ có bầu trời của Venice mây thật xanh v.v. Lần đầu tiên khi bước vào khách sạn này tiểu mỗ đã ngạc nhiên về mức độ tinh xảo & vĩ đại của những kiến trúc của nó. Họ kiến trúc một bầu trời giả mà trông như thật, bởi vì màu sắc, khung cảnh và sự rộng lớn của chúng.

Khách sạn Paris cũng có cái hay của nó nhưng cách thiết kế "bầu trời" giả thì không bằng ở khách sạn Venice, bởi những đường nối nhìn không được tinh xảo cho lắm. Tuy nhiên nếu ngồi chơi bài thì khách sạn Paris theo tiểu mỗ phải là đệ nhất. Tiểu mỗ xếp nó đệ nhất không phải bởi nó nguy nga tráng lệ hơn những khách sạn khác, mà bởi cảnh thiên nhiên (giả) của nó. Ngồi chơi trên một sòng bài ở khách sạn Paris, quý vị có cảm giác quý vị đang ngồi chơi một sòng bài ngay trên hè phố Paris (thật khó tìm một cảnh tương tự). Anh bạn của tiểu mỗ buông một câu "chơi bài ở đây có thua cũng đáng ..." (dĩ nhiên là thua chút chút). Nói thật tiểu mỗ chẳng mê bài bạc gì cho lắm (hồi xưa thì có), nhưng khi đến đây tiểu mỗ cũng không cầm lòng đặng nên đã cùng một người bạn "nhâm nhi vài cây" để thưởng thức khung cảnh ở đây, có điều tiểu mỗ đã chẳng thua chút chút mà còn may mắn ăn chút chút (thật là chịu chơi chẳng chịu chi ...).

Nói đến cảnh nội thất của những khách sạn ở đây chắc nói hoài không hết, hơn nữa dẫu lội bộ mấy ngày đến mỏi chân tiểu mỗ cũng chẳng viếng được bao nhiêu khách sạn. Chắc phải ở đây cả tháng may ra mới viếng được các khách sạn mình thích. Tiểu mỗ chỉ nói đến các khách sạn ở trung tâm còn nếu kể đến các khách sạn ngoài trung tâm, các khách sạn nằm chơ vơ giữa sa mạc mênh mông (như tiểu mỗ đã nhìn thấy trên đường lái xe) thì tiểu mỗ chịu thua không thể phỏng đoán được. Ngoài việc viếng bên trong các khách sạn, Las Vegas còn nổi tiếng bởi đủ các loại show. Các show phải mua vé nếu có điều kiện quý vị cũng nên thưởng thức một vài show để có những kỷ niệm nhớ đời. Một số show (free) ngoài trời quý vị cũng không nên bỏ qua, chẳng hạn như show được chiếu trên màng hình lớn nhất thế giới ở Downtown, show phun nước trước khách sạn Bellagio; show núi lửa ở khách sạn The Mirage, show cướp biển ở khách sạn Treasure Island v.v.

Kể chuyện chơi ở Las Vegas tưởng thế đã đủ, tiểu mỗ xin đề cập đến chuyện ăn. Nếu ăn đồ Tây ở đây theo tiểu mỗ quý vị nên ăn buffet ở các khách sạn, quý vị có thể ăn được nhiều món mà giá cả phải chăng. Nếu quý vị muốn ăn đồ ăn Việt Nam, tiểu mỗ nhìn thấy khá nhiều tiệm Việt nhưng theo sự hướng dẫn của một số người quen, nhóm tiểu mỗ chỉ đến tiệm phở Kim Long ở China Town, địa chỉ:
Phở Kim Long
4023 Spring Mt. Rd.
LV 89102 (China Town).

Đồ ăn ở tiệm Kim Long tương đối ngon đặc biệt là phở, nhưng tiểu mỗ xin phép có một chút nhận xét về cách phục vụ ở đây. Có thể vì ở đây đông khách nên một số nhân viên phục vụ (có thể gọi là) không được lịch sự cho lắm. Nói thế cũng oan cho tất cả các nhân viên phục vụ ở đây, một số nhân viên họ là người Mexico & cả người Việt Nam họ rất lịch sự, chỉ riêng một vài người, trong đó có một anh VN trông mặt mày rất sáng sủa nhưng có thái độ thật đáng tiếc. Anh này tiểu mỗ đoán có thể là (một trong những người) chủ nhân của tiệm này hoặc có thể là bà con thân thuộc của chủ tiệm. Tiểu mỗ đoán nếu là nhân viên chắc anh không "có gan" để xử sự "hơi lạ" với khách như vậy. Tiểu mỗ hơi thất vọng & thầm nghĩ chẳng nhẽ cách phục vụ trong các nhà hàng VN ở Mỹ tệ đến thế sao, nhưng khi về đến LA vào nhà hàng nào, mọi người từ nhân viên đến chủ ai cũng rất dễ thương,vui vẻ. Thế mới biết ở đâu cũng có "anh hùng"..., giả sử tiểu mỗ bay cái vèo đến Las Vegas, vào tiệm phở Kim Long rồi bay cái vèo về Úc thì bảo đảm tiểu mỗ sẽ có một cái nhìn rất tiêu cực về cách phục vụ nhà hàng VN ở Mỹ ...

Có một điều nhỏ tiểu mỗ cũng xin nhắc nhở quý vị về luật cho tiền tip ở tiệm phở Kim Long. Luôn mấy ngày tụi này ăn ở tiệm phở Kim Long, khi tính bill lúc nào cũng thấy số tiền tip khoảng bốn mươi mấy đô chi đó. Đến hôm cuối cùng, một vài người trong nhóm đến tiệm này ăn và được tính chỉ có 5 đô tiền tip, khi hỏi ra thì mới biết luật trả tiền tip ở đây là khi mình order món ăn cho một nhóm từ 4 người trở xuống thì tiền tip chỉ có $5US, nếu order cho nhóm từ 5 người trở lên tiền tiếp sẽ được tính khác đi (đắc hơn). Bởi thế nếu quý vị đi một nhóm đông & không muốn trả nhiều tiền tip thì nhớ chia ra thành nhiều nhóm :)

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2010

Sa La Lu Du Ký - 7


Grand Canyon ...

Ngày thứ hai sau khi đến Las Vegas tụi này thuê xe lái đi Grand Canyon, anh C là trưởng đoàn nhưng đến phút cuối con gái của anh không được khỏe nên đành bỏ cuộc. Nhập với gia đình anh Hai phái đoàn bây giờ cũng đã gần 30 người. Cảm giác lái xe trên sa mạc Neveda thật là thú vị. Mặc dầu ở ngoài nhiệt độ khoảng trên 40 độ C nhưng trong xe đã sẵn máy lạnh nên cứ thoải mái ngắm cảnh lái xe.

Trên đường đi Grand Canyon, cách trung tâm thành phố Las Vegas khoảng 30-40 phút là đập nước Hoover (Hoover Dam) được xây dựng từ năm 1931, đây là nơi cung cấp nước cho thành phố Las Vegas. Thật buồn cười, khi ở Úc chung quanh là biển thế mà sau bao năm hạn hán đa số các thành phố ven biển đều bị giới hạn nước, trong khi ở giữa sa mạc Neveda này thì nước xài thoải mái. Tiểu mỗ nghe kể, tuy ở đây là sa mạc nhưng vào mùa đông các rặng núi sa mạc này được phủ đầy tuyết bởi thế khi tuyết tan Las Vesgas mới có nguồn nước dồi dào như vậy.

Ngừng lại đập nước ngắm cảnh và chụp hình một lúc, bà con ai cũng nếm đủ cái nắng sa mạc nên lại lên đường đi tiếp đến Grand Canyon. Trước khi đến Grand Canyon, phái đoàn dừng lại ở một tiệm bán kem, nước ngọt & đồ lưu niệm. Vào tiệm này tiểu đệ mới biết mình đã vượt biên giới tiểu bang Neveda và đang ở trong địa phận tiểu bang Arizona. Bà con lại tranh thủ "giải khát" & mua đồ lưu niệm rồi lại lên xe hướng về Grand Canyon. Đoạn đường gần đến Grand Canyon khoảng 17-20km là đoạn đường không tráng nhựa (unsealed) bởi thế đoàn xe 4 chiếc tung cát bụi mịt mù, làm tiểu mỗ nhớ đến những đoạn phim cao bồi Huê Kỳ năm xưa.

Tụi này đến Grand Canyon cũng đã quá trưa, ở đây họ không cho mình lái xe đến tận nơi có thể ngắm những vách núi mà mình phải đậu xe ở bến, mua vé và được xe bus chở đi. Vé ở đây có nhiều loại nhưng tụi này mua lọai vé bao luôn cả ăn chiều (bữa ăn chiều này không nên bỏ qua). Từ bến xe bus đến nơi có thể nhìn thấy những vách núi không quá 10 phút. Một chiếc cầu hình móng ngựa bằng kính vừa được xây dựng cách đây mấy năm cho phép du khách đi ra giữa cầu để nhìn xuống giữa vực sâu.

Grand Canyon được cấu tạo bởi những vách núi rất cao, bởi thế nếu quý vị có thấy một số người chỉ dám bò mà không dám bước đi trên chiếc cầu kiếng hình móng ngựa (trong đó có một số người trong phái đoàn của tiểu mỗ) thì cũng không lấy gì làm chuyện lạ. Có đến đây nhìn thấy sự hùng vĩ của nó mới hiểu tại sao cảnh này được xếp vào những kỳ quan thế giới. Có một điều trước khi ra chiếc cầu hình móng ngựa du khách phải gởi lại tất cả đồ điện tử như mobile phone, máy chụp hình, quay phim v.v. ở lại những locker. Du khách cũng được yêu cầu mang một bao (vớ) vải ở ngoài giày của mình. Nếu ai muốn chụp hình nhớ nên chụp trước khi vào cổng chiếc cầu hình móng ngựa, vì khi vào đây du khách không được chụp hình (nếu ai muốn chụp hình sẽ có nhân viên ở đây chụp hình lấy tiền).

Rời chiếc cầu hình móng ngựa, xe bus lại đưa phái đoàn về chỗ ăn chiều. Như đã nói trên, khi đến đây quý vị không nên bỏ qua bữa ăn chiều, chẳng phải vì nó có những món cao lương mĩ vị chi cả mà chỉ bởi cảnh đẹp ở đây. Bữa ăn chiều chỉ bao gồm một số đồ ăn nấu theo kiểu Mexico cũng tạm được, nhưng cảnh hoàng hôn ở đây thì thật tuyệt vời. Hôm tiểu mỗ đến Grand Canyon vừa quá độ trăng tròn (vừa qua trung thu), nơi du khách dùng bữa ăn chiều có thế như một bán đảo, có nghĩa là đỉnh núi này chỉ có một đường đi vào còn chung quanh là vực.

Cảnh mặt trời chưa lặn hẳn ở hướng tây và cảnh mặt trăng tròn treo lơ lửng ở hướng đông trên đỉnh những vách đá cheo leo, thật là một cảnh tuyệt mỹ. Cũng cần nói thêm, khi hoàng hôn xuống khí hậu ở đây trở nên mát dịu.

Ai có ngờ giữa sa mạc hoang vu mà thời tiết của buổi chiều hoàng hôn hôm đó đã cho làm cho tiểu mỗ có cảm giác mình đang đứng trên một đồi thông Đà Lạt, một không gian thật dễ chịu, thật thơ mộng. Nhìn cảnh ở đây và đang lúc chờ chuyến xe bus cuối cùng đến đón phái đoàn, tiểu mỗ chợt nhớ đến mấy câu thơ của một nhà thơ tiền chiến (xin lỗi đã không nhớ chính xác tác giả là Xuân Diệu, Thế Lữ, hay Lưu Trọng Lư ???):

Đương lúc hoàng hôn xuống
Là giờ viễn khách đi
Nước đượm màu ly biệt
Trời vương vương biệt ly ...

Quý vị có thể cho rằng chữ "nước" trong bài thơ này không hợp cảnh sa mạc ở đây, nhưng tiểu mỗ xin thưa với quý vị dưới những vách núi đá sừng sững là một dòng sông thăm thẳm trơ trọi. Tiểu mỗ dùng từ "trơ trọi" ở đây vì hai bên dòng sông không có cây cối gì cả, chỉ có trên đỉnh núi một vài bụi cây dại lưa thưa.

Nhìn cảnh hoang vu ở đây tiểu mỗ tưởng chẳng có mấy loài sinh vật sinh sống nơi này, nhưng khi nói chuyện với những nhân viên làm việc ở đây họ cho biết về đêm sẽ có chồn, cáo, sóc xuất hiện tìm mồi. Thế mới thấy khí hậu dẫu khắc nghiệt đến đâu, địa hình dù hiểm trở đến đâu, trên trái đất này nơi đâu cũng có những loài sinh vật sống âm thầm từ đời này sang đời nọ mặc cho thế sự đổi thay ...

Thứ Ba, 12 tháng 10, 2010

Sa La Lu Du Ký - 6


Las Vegas & Đại gia đình ...

Tụi này rời khách sạn để ra phi trường SF vào khoảng 2-3 giờ chiều khi nắng mặt trời vẫn còn rực rỡ. Hôm đi từ phi trường SF về khách sạn trời đã khuya nên không thấy rõ nhà cửa hai bên đường, hôm nay mới thấy nhà cửa san sát tận đến những sườn đồi trơ trọi. Nhìn nhà cửa ở đây mới thấy may mắn nước Úc vẫn còn mênh mông nhà cửa vẫn thưa thớt.

Nói đến đây, tiểu mỗ cũng xin chia sẻ một vài chi tiết khi bay trong nội địa ở Mỹ. Luật ở Mỹ khi bay trong nội địa không được gởi hành lý free như ở Úc, một túi hành lý (từ 25kg trở xuống) phải trả lệ phí là $25US. Tuy nhiên xách tay nếu không nặng quá 5-7kg thì mỗi người có thể mang theo 1-2 cái. Khi bay về Úc có thể mang mấy cái cũng đặng miễn sao đừng quá kí lô). Một điều nữa khi lên máy bay, nếu quý vị có nhiều sách tay nhỏ mang theo thì nên sắp hàng sớm, lên máy bay trước để có chỗ để xách tay. Nếu lên muộn, nhỡ người ngồi gần đó mang nhiều xách tay có khi quý vị không còn chỗ để hành lý của mình.

Suốt chuyến bay từ SF sang Las Vegas, tiểu mỗ ngồi gần cửa sổ và đã tranh thủ thời gian để nhìn xuống đất liền, hầu hết đất đai ở đây là sa mạc. Ở Úc, tiểu mỗ đã bay từ Melbourne đi Alice Springs & đã ngắm cảnh sa mạc Úc từ trên cao. Điểm khác nhau giữa sa mạc ở Úc và ở Mỹ (nơi tiểu mỗ bay qua), theo tiểu mỗ, là sa mạc bên Mỹ có vẻ nhiều đồi núi hơn nhưng màu đất không đỏ như sa mạc ở Úc. Từ trên máy bay nhìn xuống chỉ thấy những dãy đồi núi tro trọi liền nhau, có những vùng đất hơi ngả sang màu trắng. Địa hình ở đây đặc biệt những chỏm núi rất nhọn và nhiều rặng núi có vách thẳng đứng.

Khi máy bay vừa hạ độ cao và đảo mấy vòng chuẩn bị đáp thì trời bên ngoài cũng đã hoàng hôn. Phố Las Vegas đã bắt đầu lên đèn, nhìn xuống thành phố chung quanh là đồi trọc, chỉ ở trung tâm thành phố mới có thưa thớt cây xanh, một thành phố sầm uất giữa sa mạc quả là một cảnh lạ.

Vừa bước xuống phi trường cảnh đập vào mắt tiểu mỗ là cảnh các máy đánh bài được đặt khắp mọi nơi trong phi trường. Chắc có lẽ mấy ông chủ sòng bài muốn "dọn" hết bạc cắc của khách đến đây chăng. Ở Úc nơi nào có máy đánh bài thì nơi đó trẻ em dưới 18 tuổi không được bén mản đến gần, còn ở cái thành phố tội lỗi này thì ôi thôi! máy đánh bạc khắp mọi nơi, kể cả trong một số cây xăng.

Khi vào các khách sạn ở đây cũng vậy, khách sạn nào cũng có máy và bàn đánh bài nhưng để ý kỹ mới thấy chỗ nào cũng có nhân viên canh chừng, nếu có em nhỏ nào đến gần hoặc đứng nhìn ngó vào các máy hay bàn đánh bài này thì lập tức có người đến hỏi thăm ngay. Bởi thế xã hội của họ tự do như vậy nhưng không loạn, khác với VN cái chi cũng cấm nhưng đi đâu cũng loạn chưa kể đến những phim ảnh và sinh hoạt xã hội đáng lẽ chỉ dành cho người lớn thì con nít người lớn cứ loạn xạ chẳng ai ke (care).


Tụi này đến Las Vegas vào ngày cuối tuần nên các khách sạn ở trung tâm vừa đông vừa mắc, hơn nữa kế hoạch 2 ngày đầu là thuê xe đi Grand Canyon nên theo như sự chỉ dẫn của 1 người bạn đồng nghiệp, tụi này ở một khách sạn khá sang trọng ngoài trung tâm giá chỉ có $52/đêm (giá weekday là $26/đêm)1 phòng cho 4 người. Với giá này ở Úc có chui vào hóc bà tó ở căn nhà lụp xụp cũng không thể tìm ra. Sau 2 ngày ở đây, tụi này chuyển vào khách sạn Hilton 5 sao ở trung tâm với giá rẻ không ngờ $47/đêm bao gồm cả 2 buffet & 2 cocktail, tính như vậy tụi này được ở free rồi còn gì. Chắc có lẽ họ muốn dụ mình ở đó để đánh bài nhưng gặp những kẻ ham chơi hơn ham bài nên họ đã bị "nhầm" ...


Một trong những điều gây ấn tượng nhất cho tiểu mỗ đêm đầu tiên khi đến Las Vegas là anh chị Hai. Anh chị Hai chính là chị ruột & anh rể của P đi chung nhóm, nghe tin tụi này bay đến Las Vegas hai anh chị đã lái xe mấy trăm cây số & còn mang theo bao nhiêu đồ ăn VN để cho cả nhóm gần 20 người. Tụi này mấy ngày ở SF không ăn đồ ăn VN, nên tối hôm đó đã ăn rất tận tình bao nhiêu đồ ăn anh chị Hai mang đến (mà vẫn không ăn hết). Nhưng cái quý hơn hết là cái tình, anh chị & tất cả những người con của hai anh chị đều rất hiếu khách, tuy mới gặp lần đầu mà đối đãi rất thân mật.

Trong suốt những ngày sau đó đi chơi ở Las Vegas rồi về LA, gia đình anh chị đã tiếp đãi hết sức chu đáo từ việc đưa "phái đoàn" đi chơi, đi shop, rồi mời mọi người đến nhà ăn tối quậy phá cả đêm. Đến khi đưa ra đến phi trường, chị Hai đã khóc sướt mướt còn cả gia đình thì bịn rịn không rời. Trong chuyến đi này có nhiều điều không quên, nhưng có lẽ điều này sẽ làm cho tiểu mỗ nhớ hoài, mong một ngày nào đó sẽ gặp lại anh chị ở đất Mỹ, đất Úc hay một nơi nào đó ...

Nhắc đến anh chị Hai & gia đình anh chị Hai, thì cũng phải nói đến cái "đại gia đình" trong chuyến đi này. Trước chuyến đi tiểu mỗ chỉ biết anh C và chưa từng gặp mặt ai trong nhóm, thế mà khi gặp nhau trên đất Mỹ, chỉ sau vài ngày cả nhóm đã thân tình với nhau như một đại gia đình. Bà Ngoại 80 tuổi & Bà Nội 75 tuổi (thân/nhạc mẫu của T&P), tội nghiệp hai Bà đã "lặn lội" đi theo đám con cháu ham chơi suốt bao nhiêu ngày, cuối chuyến đi nhìn hai Bà có phần hốc hác mà cảm thấy thương. Hai Bác (thân/nhạc phụ/mẫu của anh C & chị S cùng anh K & chị P) rất vui vẻ, dễ tính & thân tình. Bởi thế gia đình tiểu mỗ đã hòa tan và trong đại gia đình này trong suốt cuộc du hý một cách thật vui vẻ thoải mái.

Gia đình tiểu mỗ quá may mắn, trước khi dự định đi Mỹ tiểu mỗ không hề biết mọi người trong nhóm cũng sẽ đi Mỹ. Chỉ qua một cuộc nói chuyện tình cờ với anh C, rồi anh ấy rủ rằng "N có đi chung với tụi này không?", tiểu mỗ rất ham vui nên đã chẳng ngập ngừng "OK" ngay tại chỗ. Đâu ngờ mình lại có số hên như vậy, con trai của tiểu mỗ có thêm ba đứa bạn cùng lứa, con gái của tiểu mỗ cũng có ba đứa bạn. Những cặp đi chơi chung kỳ này chắc có lẽ toàn là "cao thủ" nên ai cũng có một trai một gái, tụi nhỏ cũng chơi ăn rơ hết chỗ nói. Xin cám ơn tất cả sự thân tình của mọi người, cám ơn tất cả sự giúp đỡ của mọi người, nếu không có đại gia đình này chắc chắn cuộc du hý của gia đình tiểu mỗ sẽ rất tẻ nhạt...

Xin xem tiếp kỳ sau ...

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Sa La Lu Du Ký - 5


...San Franc phố núi mờ sương
Có xe điện cổ có đường quanh co
Cầu treo lớn, phố Tàu to
Clam Chowder soup chẳng lo đói lòng

Phố SF nổi tiếng với những chiếc xe điện cổ (kiểu giống xe tram ở Úc, đúng ra nên gọi là xe dây cáp, nhưng xin tạm gọi là xe điện cho bà con dễ hình dung). Theo lời anh hướng dẫn viên du lịch (captain Ben) thì SF đã đi vòng quan thế giới sưu tầm mua lại rất nhiều xe điện cũ (cổ), không phải để trưng trong viện bảo tàng mà để tu sửa chở du khách chạy vòng quanh thành phố.

Lái xe điện ở đây cũng lắm công phu, những anh tài xế xe điện thường trông rất lực lưỡng. Phải lực lưỡng như thế thì mới lái nổi những chiếc xe điện này (không phải kiểu bấm nút như xe điện Melbourne). Những anh tài xế xe điện khi chạy xe đến cuối đường rây, phải nhảy xuống đẩy xe vào một bệ quay, rồi xoay chiếc xe một vòng 180 độ, trước khi có thể cho xe chạy ngược lại (không phải kiểu xe tram chạy hai đầu tân thời như ở Úc).

Trong lúc lái cũng vậy tài xế phải cật lực dùng hết sức bình sinh kéo thắng kéo ga (cần nối với dây cáp ngầm), chứ không nhàn nhã ngồi vắt giò như những tài xế xe tram ở Úc. Lúc đầu tiểu mỗ cũng thắc mắc tại sao xe điện mà chẳng thấy dây điện hay chỗ nối vào dây điện ở đâu cả, về sau tìm hiểu mới biết xe điện ở SF chạy bằng dây cáp ngầm, không phải chạy bằng motor điện như xe ở Úc. Ở dưới mỗi đường rây là một hệ thống dây cáp, giữa hai đường rây là đường khe hở để cần nối của xe có thể móc/kẹp vào dây cáp & xe di chuyển bởi lực kéo của dây cáp. Mỗi lần muốn xe chạy anh tài xế đẩy chiếc cần nối, cần này sẽ móc kẹp vào dây cáp & dây cáp lôi chiếc xe đi. Khi muốn xe dừng lại, anh kéo cần nối nhả ra khỏi dây cáp, và kéo thắng cho xe đứng lại. Nghe thì đơn giản nhưng đường ở đây dốc rất đứng, tưởng tượng các tài xế này phải điều khiển những khối sắt nặng như thế thật không dễ chút nào.

Tụi này mua vé đi xe điện 3 ngày nên có thể đi bất cứ nơi đâu trong thành phố bằng xe điện trong 3 ngày đó. Một trong những thắng cảnh ở SF có thể đón xe điện đi đến nơi đó là con đường quanh co nhất SF (tiểu mỗ chưa thấy đường nào quanh co như thế trước đây). Đây là một con đường rất dốc, được làm theo kiểu hình những chứ S nối với nhau từ đỉnh dốc xuống chân dốc. Hai bên đường là những ngôi nhà kiến trúc rất đẹp và những vườn hoa với rất nhiều lọai hoa được trồng bón chăm tỉa xinh xắn. Con đường này không dài lắm, tiểu mỗ phỏng đoán chắc chỉ dài trên dưới 200 mét gì đó nhưng xe cộ (phần lớn của du khách) tuôn chảy không ngừng, chưa kể khách bộ hành đi bộ dọc bên đường và đứng chụp hình ở hai đầu đường.

Nói chuyện chơi thời cũng nên nói chuyện ăn. Có lẽ, ai cũng biết đồ ăn ở Mỹ rẻ rề so với Úc, tuy SF có hơi mắc một chút so với LA nhưng giá cả cũng phải chăng. Đặc sản SF thì chắc có nhiều nhưng món phổ biến mà đi đâu cũng thấy là món Clam Chowder. Nếu ai chưa nếm qua thì tiểu mỗ xin tạm mô tả, như tên gọi nó là món soup được nấu chính bằng những con ngao biển (clam) cùng với cheese và một số gia vị khác. Nó đặc biệt ở chỗ thay vì ăn bằng tô như những món soup khác thì họ lại dùng một ổ bánh mì chua hình tròn giống như cái tô, móc ruột bánh mì bên trong ra & đổ soup vào. Thiên hạ ăn món này bằng cách vừa ăn soup, lâu lâu thích thì vét ruột bánh mì ăn chung với soup. Món này khi sang Las Vegas & LA vẫn thấy bán tuy nhiên phải công nhận Clam Chowder ở SF vẫn là số dách.

Có một đặc sản nữa của SF mà khi ra khu nhà hàng gần cảng nhìn đâu cũng thấy hình tượng này, đó là cua. Tuy nhiên nếu quý vị nào muốn "mò cua bắt ốc" (nhậu cua) thì nhớ cầm lòng chờ sang LA hẵn nhậu, bởi cua ở LA giá chỉ bằng 1/3 cua SF. Tụi này có thử vô một nhà hàng gần cảng SF nhậu cua, giá tính trung bình khoảng ba mươi mấy đô một con. Sau này khi về LA một con như thế chỉ còn có $10US nên tụi này đã nhậu "trả thù" một bữa chỏng vó ...

Xin xem tiếp kỳ sau ...

Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

Sa La Lu Du Ký - 4


San Franc Phố Núi Mờ Sương ...

Tiểu mỗ sinh ra ở cái xứ "phố núi mờ sương" như đã được nhắc đến trong một bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy, nhưng phải nói câu hát / thơ này rất phù hợp với SF . Không biết khí hậu SF quanh năm ra sao, nhưng thời tiết SF trong những ngày tiểu mỗ ở đây thật dễ chịu. Một kiểu lạnh se se và sương mù lãng đãng chẳng khác gì khí hậu ở vùng cao nguyên VN. Sương mù ở đây nhiều đến nỗi nó rơi như những trận mua phùn đầu xuân, nhưng sương mù ở đây thật dễ thương nó chẳng làm ướt áo ai cả mà còn làm cho mình cảm thấy rất khoảng khoái. Nhất là về chiều, khi nhìn lên đỉnh các cao ốc, tiểu mỗ có cảm tưởng như nhìn lên cảnh bồng lai bởi sương mù bao quanh làm ánh đèn toát ra từ những cao ốc trở thành một thứ ánh sáng mờ ảo tuyệt đẹp.

Một kỷ niệm sương mù làm tiểu mỗ khó quên đó là hôm tụi này rủ nhau đi ngắm cầu Golden Gate. Hôm đó ra đến nơi thì trời đã xế bóng, tuy mặt trời đã cố sức chiếu xuống SF nhưng những nàng sương mù tụ tập đông đúc đến nỗi tụi này chỉ thấy một chân cầu lờ mờ. Chờ mãi đến 2-3 tiếng sau mà các nàng (sương mù) vẫn chẳng chịu bay về trời. Ánh sáng mặt trời có vẻ chói lọi hơn một chút về hướng Tây, nhưng tụi này cố dán mắt lắm cũng chỉ nhìn thấy thêm một chân cầu thứ 2 nữa thế thôi. Cuối cùng tụi này đành quyết định rút về để ngày hôm sau lấy một tour Duck Drive (xe vừa chạy trên đường vừa lội dưới nước) mong ngắm được chiếc cầu được rõ hơn.


Chuyến Duck Drive ngày hôm sau đó là một chuyến vui nhất trong các chuyến du hý ở SF. Tiểu mỗ nhớ mang máng giá khoảng $70-80 chi đó một người (tiểu mỗ lười lắm, "chịu chơi chẳng chịu chi"). Như đã nói ở phần trên mọi việc tổ chức, book vé, mua vé v.v. đã có anh bạn lo, & bà xã tiểu mỗ chi, tiểu mỗ chỉ lo việc chơi thôi ...

Chuyến Duck Drive tour tụi này đi xuất phát từ Union Square cách khách sạn tụi này ở một vài phút đi bộ. Vừa lên xe (tàu) đã thấy vui rồi, anh captain tên Ben là một hướng dẫn viên xuất sắc. Captain Ben đã điều khiển chương trình & giới thiệu các địa điểm, thắng cảnh thật hấp dẫn sôi động trong suốt chuyến du hý. Chiếc xe vịt tụi này đi đến đâu du khách & khách bộ hành 2 bên đường ai cũng trố mắt nhình, cười & vẫy tay chào. Captain Ben phát cho mỗi người một chiếc còi mõ vịt (còi có hình giống mỏ vịt & phát ra âm thanh như vịt kêu), anh mở những bản nhạc (cả nhạc Beethoven) đủ loại rồi yêu cầu bà con "hoà tấu" theo bằng còi mỏ vịt. Những khúc hòa tấu bằng còi mỏ vịt chỉ dừng khi captain Ben dừng nhạc để giới thiệu về một cảnh hay một khu phố nào đó.


Qua lời kể của Captain Ben, tiểu mỗ biết được một phần cúa thành phố SF hiện nay trước năm 1906 là phần nằm dưới mặt nước biển. Trận động đất năm 1906 đã tàn phá thành phố SF nhưng ngược lại nó đã nâng phần đất này trồi lên khỏi mặt nước và thế là thành phố SF được mở rộng thêm một đoạn. Nhìn vào thành phố hiện nay chúng ta không thể tưởng nơi đây đã có một trận động đất kinh hoàng tàn phá phần lớn thành phố.

Thái độ sống của dân SF nói riêng và của dân Mỹ những nơi tiểu mỗ đi qua nói chung đã làm tiếu mỗ ngưỡng mộ không ít. Tuy dân Mỹ có thể tạm gọi là hơi "thô" (agrressive) trong cách cư xử chung chung & khi lái xe, nhưng ngược lại đa số từ những anh bồi bàn, lái taxi, nhân viên bán hàng, khách sạn v.v. lúc nào tiểu mỗ cũng nhìn thấy một niềm lạc quan vui vẻ ẩn hiện trên gương mặt của họ. Tiểu mỗ có nói chuyện với một anh bạn đang làm việc ở Mỹ, anh cũng đã từng sống và làm việc ở Úc. Theo nhận xét của anh, người Mỹ cởi mở hơn người Úc nhiều, có thể tiếng Anh mình không nói hay bằng họ, có thể mình là người da màu, nhưng trong công sở, nếu mình có khả năng họ sẵn sàng đưa mình lên & nếu mình là cấp trên của họ thì họ nghe theo mình răm rắp. Chuyện này theo anh (& tiểu mỗ cũng đồng ý) hơi khó ở Úc, ở Úc tóc đen làm cấp trên của tóc vàng hay tóc nâu đã là khó, mà có lên được cấp trên của mấy loại tóc đó thì cũng lắm điều rắc rối. Có lẽ phải chờ khi nào Úc có một ông thổ dân lên làm thủ tướng thì tình hình mới thay đổi :)


Xin xem tiếp kỳ sau ...

Thứ Năm, 7 tháng 10, 2010

Sa La Lu Du Ký - 3

Những người hành khất trên đất San Franc ...

Nói đến mặt phải thì cũng nên nói đến mặc trái của San Francisco. So với Las Vegas & LA có lẽ SF là nơi mà tiểu mỗ gặp nhiều người hành khất nhất. Những người hành khất này có kẻ lịch sự nhưng có kẻ cũng không kém sỗ sàng. Mấy hôm đầu mới đến tiểu mỗ cũng rộng tay nhưng sau đó thấy số lượng hành khất nhiều quá (có lẽ không bằng VN nhưng cũng tương đối nhiều) nên cũng đành làm ngơ.

Hành khất có kẻ ngồi đàn hát nghêu ngao, có kẻ làm xiếc , có kẻ gõ lon gõ trống rồi ai đi qua muốn cho thì cho, nhưng có lắm kẻ sỗ sàng gán ép. Có khi mình đang ngồi uống cafe hay ăn sáng họ xông vào nài nỉ; có khi họ chặn mình ngoài đường để vòi; có kẻ đứng ngoài đường mặc đồ fancy đưa kẹo free cho con nít (chắc chắn chúng không từ chối) rồi dụ bọn con nít chụp hình chung với họ nhưng sau đó chắc chắn bố mẹ sẽ bị vòi tiền, mà chỉ nhận tiền giấy không nhận tiền cắc (tiền cắc là ít hơn $1US).

Hình thức hành khất ở SF thật phong phú, đủ kiểu trên đời. Chẳng hạn tiểu mỗ nhìn thấy một lão hành khất ngồi ngất ngưởng với tấm bảng "Why lie, I need some money for a beer ..." tạm dịch là "dối làm gì, tôi cần ít tiền để uống bia ...". Có lão bẻ một nhánh cây tương đối rập rạp rồi núp sau nhánh cây ấy ngồi bên vệ đường, chờ thiên hạ đi qua xông ra hù một cái rồi nhe răng cười xin tiền.

Một trường hợp sỗ sàng nhất là một buổi tối hơi khuya một chút, tiểu mỗ ghé vào một tiệm ăn gần khách sạn mua food to go (take away food) cho con trai, gặp một tên da đen to lớn mở & giữ cửa cho mình vào. Tiểu mỗ bước vào và nói "thank you", mặt hắn lành lạnh trả lời "You don't need to thank me, pay me when you get out ...". Hắn nói kiểu nửa đùa nửa đe dọa, chắc hy vọng nếu có kẻ yếu bóng vía nào đó hơi lạnh chân một chút sẽ cho hắn kha khá chăng. Nhưng hắn hơi xui gặp tiểu mỗ tính hơi ngang tàng, nên nghĩ thầm "nếu nị lịch sự thì ngộ cho, nị cà chớn ngộ đếch cho xem nị làm gì ngộ ...". Bởi thế khi bước ra khỏi tiệm ăn tiểu mỗ cứ tỉnh bơ như chưa từng gặp hắn bao giờ, thế cũng huề cả làng thôi.

Đã kể đến kẻ hành khất thô lỗ nhất tưởng cũng nên nhắc đến kẻ hành khất lịch sự nhất mà tụi này đã gặp, đó là (tạm gọi) một chàng sồn sồn ngồi bơm bong bóng rồi nặn thành hình con này con kia phát free cho con nít qua đường. Tụi này tưởng anh chàng này lại dở trò dụ khị con nít rồi đòi tiền cha mẹ, nhưng anh ta cứ tỉnh bơ phát free đứa nào muốn lấy cái nào thì lấy. Anh chàng này quả cao cơ vì tụi này chờ thử một lúc vẫn chẳng thấy anh ta vòi vĩnh gì cả, và thế là một anh bạn trong nhóm đã móc ra mấy đồng để tặng cho anh ta, dân du lịch lịch sự ai mà lấy không bao giờ ...





Xin xem tiếp kỳ sau ...

Thứ Ba, 5 tháng 10, 2010

Sa La Lu Du Ký - 2


...Ngồi trên chiếc máy bay ọp ẹp (tiểu mỗ gọi thế bởi vì chiếc máy bay này chỉ có 2 hàng ghế, mỗi hàng 2 ghế và tiểu mỗ phải ráng ép mình mới chui vào được cái toa-lẹt) nhìn qua cửa sổ, thành phố Honolulu được bao bọc chung quanh là biển với một vài tàu chiến đậu ở cảng và một và máy bay quân sự kiểu C113 đậu trong sân bay. Nhà cửa san sát nhưng nhà cao tầng cũng không có vẻ cao lắm. Chắc có lẽ đất đai hiếm hoi vì sát bên biển là núi, chẳng có bao nhiêu đất bằng nên nhà được cất tận vào các khe núi trông cũng lạ & đẹp. Thế là bái bai Honolulu ngoài việc thưởng thức một vài món ăn và ly kem (to cỡ bằng tô phở nhỏ ở Úc), cộng thêm mua một vài post cards & đồ lưu niệm, tiểu mỗ đã chẳng có dịp tung tăng phố xá Honolulu.

San Francisco ...

Rời Honolulu (khoảng 3-4 giờ chiều) bay đến San Franc có lẽ chuyến bay cũng không lâu lắm nhưng vì múi giờ khác nhau nên khi đến San Franc thì đã hơn 10 giờ đêm (theo hoạch định nếu không trục trặc tiểu mỗ đã đến đây lúc 9 giờ sáng). Từ trên máy bay nhìn xuống, thành phố San Franc sáng rực ánh đèn. Chiếc cầu Golden Gate nổi bật lên trong đêm. Tiểu mỗ đã từng nhìn thành phố Melbourne & Sydney từ trên cao về đêm nhưng phải nói ánh sáng không rực rỡ như ở SF.

Đáp máy bay xuống phi trường SF, tiểu mỗ không bị soát
hành lý hay hạch hỏi gì cả vì thủ tục đã được làm ở phi trường Honolulu. Từ Honolulu bay sang SF được coi là chuyến bay nội địa nên mọi sự được dễ dàng. Tuy nhiên cũng nên nhắc đến việc lần đầu tiên nhập cảnh vào phi trường Honolulu, nhân viên hải quan đã bắt mình phải mở hành lý ra cho họ soát và có cá thủ tục lăn tay. Có lẽ họ thấy tiểu mỗ đi với gia đình vợ con đùm đề nên chỉ soát qua loa. Có điều khi bay trong nước Mỹ, mình không được khóa hành lý hay vali của mình, khi qua cửa hải quan phải cởi giày và nếu có laptop phải lôi ra khỏi vali hay túi của mình bỏ vào một cái khay (tray) riêng để họ scan.

Tiện xin nhắc với bà con trước khi bay đến Mỹ bà con cần phải lên internet theo địa chỉ dưới đây để điền & xin giấy Visa nhập cảnh (ESTA visa waiver).
https://esta.cbp.dhs.gov/esta/esta.html?_flowExecutionKey=_c95498E00-F237-A001-92CD-6BAD2D8518BA_k925329E9-E18E-D927-FC3A-182742431998

Sau khi đã được chấp thuận bà con nhớ in ra mang theo để làm thủ tục nhập cảnh. Khi tiểu mỗ xin giấy này thì không phải trả tiền, nhưng nghe nói sau tháng 9 vừa qua chính phủ Mỹ (chắc có lẽ vì kẹt tiền) đã quyết định lấy lệ phí khoảng $20US một visa thì phải.

Sau khi nhận hành lý tiểu mỗ vọt vội ra cổng để đón taxi vì đã gần 12 giờ khuya. Chỗ khách sạnh
tiểu mỗ ở SF là trung tâm thành phố bởi thế gần nửa đêm mà quán xá người qua lại vẫn tưng bừng. Anh tài xế taxi nghe theo giọng nói tiểu mỗ đoán chắc là người Nga hay Đông Âu chi đó, anh ta lái xe như điên bấm còi inh ỏi làm mình hơi xốc vì đã quen cách lái xe "lịch sự" bên Úc. Có điều anh chạy về khách sạn rất nhanh nên tiểu mỗ chỉ phải trả $35US, tuy nhiên vì không biết lệ cho tiền tips ở Mỹ (sau này được nghe nói khoảng 10%) phần mừng vì cuối cùng đã đến được khách sạn nên tiểu mỗ rút tờ $50US đưa cho anh. Cũng may nhờ có anh bạn đến trước checkin khách sạn sẵn sàng nên tiểu mỗ chỉ vào nhận phòng sau đó được sự chỉ dẫn của anh bạn xuống nhà hàng bên cạnh khách sạn "quất một trận" thỏa thuê rồi lên phòng lăn ra ngủ.

Chuyến đi này tiểu mỗ rất may mắn được anh bạn chung sở (anh C) lo đủ mọi điều từ A đến Z, anh ta đã sang Mỹ 2-3 lần bởi thế anh biết ở đâu book khách sạn nơi nào, đi chơi nơi nào v.v. Bởi thế tiểu mỗ cứ việc theo kế hoạch của anh mà hưởng phước. Ở SF tụi này không thuê xe nên chọn khách sạn nơi trung tâm thành phố tiện việc ăn uống tham quan. Khách sạn tụi này ở cách khách sạn California (khách sạn đã được làm tựa đề của một bài hát ban Eagles - Hotel Carlifornia) khoảng một dãy phố (one block). Từ khách sạn này có thể đi bộ 5 phút đến trạm xe điện để đi vòng quanh city, khoảng 10 phút đi bộ xuống khu China Town. Khu China Town ở đây là China Town lớn nhất thế giới (ở ngoài China), nếu muốn mua đồ lưu niệm thì nên đến đây mua, đừng mua ở những khu phố Tây sẽ bị đắt hơn nhiều.

Nói đến China Town SF, tưởng cũng cần nhắc đến (nếu tiểu mỗ không lầm) China Town SF là nơi Lý Tiểu Long được sinh ra & đã cư ngụ sau khi anh từ Hồng Kông trở về Mỹ. Theo một số tài liệu
thì Lý Tiểu Long đã mở lớp dạy võ cho người Tây Phương và gặp sự chống đối từ hội người Hoa. Anh được mời đến một nơi ở China Town để giải quyết vấn đề. Sau khi anh đồng ý đấu với một cao thủ người Hoa với điều kiện nếu anh thắng anh sẽ được quyền mở võ đường dạy cho người Mỹ, anh đã thắng nhưng khi quay lưng đi, anh đã bị đối thủ của anh đánh lén vào lưng. Tai nạn này làm cho Lý Tiểu Long phải nằm liệt giường suốt bao nhiêu tháng trời. Các bác sĩ Mỹ thời đó nói rằng anh sẽ phải ngồi xe lăn suốt đời nhưng Lý Tiểu Long đã không chịu khuất phục trước nghịch cảnh. Anh đã dùng thời gian này nghiên cứu triết học, võ học và tập luyện thật khắc khổ để cuối cùng không những anh đi lại bình thường mà còn trở thành một cao thủ võ lâm, một ngôi sao sáng ngời trên màn bạc. Tiểu mỗ xin mạn phép leo lề một chút vì lòng ngưỡng mộ bậc anh tài, và câu chuyện này cũng là một tấm gương cho hậu thế soi khi gặp nghịch cảnh.



Thành phố SF mang hình ảnh rất đậm châu Âu, tuy vật giá ở đây (chỗ ăn ở) có đắt hơn so với LA hay Las Vegas nhưng nó là một thành phố đáng được đến thăm.

Xin xem tiếp kỳ sau ...

Sa La Lu Du Ký - 1



Sa La Lu Du Ký

Đã mấy hôm rồi trở về xứ Kangaroo sau một chuyến du hý mà đầu óc vẫn còn mơ tưởng đến cuộc du hý, nên tranh thủ ký vài dòng để chia sẻ cùng bằng hữu những điều tai nghe mắt thấy, một vài kinh nghiệm vụn vặt & cũng để tạ ơn những ân nhân đã giúp đỡ tiểu mỗ cùng gia đình hoàn thành một cuộc du hý thật vui vẻ đầy thú vị.

Sa La Lu?

Trước tiên tiểu mỗ cần phải giải thích tại sao tiểu mỗ lại gọi cuộc du hý này là "Sa La Lu". Số là theo hoạch định tiểu mỗ sẽ bắt đầu cuộc hành trình bay từ Úc sang San Francisco (Sa) chơi vài hôm rồi lại từ SF bay qua Las Vegas chơi thêm chút nữa trước khi lái xe về Los Angeles (La). Tuy nhiên trước khi bay lên Sydney để chuyển chuyến bay sang SF, phút cuối có trục trặc làm nhà tiểu mỗ bị trễ chuyến bay sang SF. Hãng Qantas sau đó đã chuyển tiểu mỗ sang chuyến bay đi Honolulu (Lu) rồi từ Honolulu bay sang SF. Đó là "gốc tích" của cái tên cúng cơm mà tiểu mỗ đặt cho bài ký này.


Honolulu ....

Tuy bay sang Honolulu tiểu mỗ được nhìn thấy thêm một địa danh mà xưa kia (theo trí nhớ lờ mờ của tiểu mỗ) 2 vị tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu & tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson đã từng có cuộc họp cao cấp vào năm 1968. Nhưng sự thay đổi chuyến bay này đã làm tiểu mỗ đến San Francisco trễ hơn 12 tiếng đồng hồ theo dự định. Chưa kể chiếc máy bay từ Sydney sang Honolulu đã nhỏ, chiếc máy bay từ Honolulu sang San Francsico còn nhỏ hơn nhiều. Bởi thế việc ăn uống và phương tiện giải trí trên máy bay thiếu thốn hơn so với chiếc Boeing 747 mà tiểu mỗ đã mua vé. Tiểu mỗ đang định viết thư complain gởi đến Qantas, nghe nói có khi họ cho mình một vé free đi chơi đâu đó không chừng (nếu thành công tiểu mỗ sẽ báo cho bà con biết đặng mai mốt gặp trường hợp tương tự bà con có thể khiếu nại).

Xuống phi trường Honolulu, tiểu mỗ cứ tưởng rằng mình đến một thành phố Á Châu nào đó mà người bản địa nói tiếng Anh giọng Mỹ nhìn & nghe hơi ngộ ngộ. Tiểu mỗ có nói chuyện với vài người họ cho biết ngoài người thổ dân Haiwain trông rất giống Á châu, dân Đại Hàn, Philipine & Việt Nam cư ngụ ở đây cũng rất nhiều. Khí hậu nơi đây nóng ẩm rất dễ chịu, làm cho người mình rất relax & cộng thêm một chuyến bay dài làm tiểu mỗ cứ muốn nhắm tít mắt lại.

Theo dự định thì tiểu mỗ sẽ chờ khoảng 3 tiếng tại phi trường trước khi chuyển chuyến bay sang San Francisco. Tiểu mỗ định thuê taxi cùng cả nhà chạy ra Honolulu city xem tí cho biết nhưng khi hỏi những nhân viên sân bay thì họ bảo vào city rất kẹt xe và họ khuyên không nên take risk, nên cuối cùng tiểu mỗ đành đi vòng vòng trong phi trường xem mấy cái shop. Tuy nhiên cuối cùng tiểu mỗ đã phải chờ đến 4 tiếng mới có chuyến bay.

Có một điều tiểu mỗ cần chia sẻ với bà con là trước khi bay từ Sydney nhân viên ở đó nói rõ rằng tất cả các hành lý sẽ được tự động chuyển theo chuyến bay của mình. Cũng may khi đến phi trường Honolulu, tiểu mỗ đang đứng lớ ngớ gần chỗ lấy hành lý thì một nhân viên hải quan hỏi tiểu mỗ đi chuyến bay nào để ông chỉ chỗ lấy hành lý. Tiểu mỗ cám ơn và nói rằng hành lý của mình đã được tự động chuyển sang chuyến bay đi San Francisco, ông ta bảo ở phi trường này không có hành lý nào tự động được chuyển đi cả, mình phải tự pickup hành lý và mang vô cửa hải quan để được xét lại và mình phải tự gởi tiếp sang chuyến bay của mình. Tiểu mỗ còn đang bán tín bán nghi nhưng nghĩ cứ đi dạo một vòng xem thử thì thấy hành lý của mình đang nằm lăn lóc ở gần đó. May mắn nếu không đứng lớ ngớ ở đó và được ông nhân viên này nhắc thì khi qua San Fran chắc phải làm Tarzan ...

Xin xem tiếp kỳ tới ....