Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Người con gái da đen có tấm lòng vàng‏

(Thân tặng chị Amy - người con gái da đen có tấm lòng vàng)

Amy.jpg
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Thân gửi các bạn một câu chuyện cảm động...Dẫu biết là chị sẽ không bao giờ có thể đọc và hiểu những dòng này, nhưng tôi vẫn mong chị biết rằng tôi đã làm đúng như lời chị nhắn: chuyển giao món quà của chị đến tất cả mọi người nhân mùa lễ Giáng sinh....Cám ơn chị Amy - người con gái da đen có tấm lòng vàng...
Hoàng Thanh/Viễn Đông
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Bước vào tiệm food to go, tôi thoáng thấy một phụ nữ da đen - mà tôi nghĩ ngay là người Mỹ đen hay Phi Châu, đứng trước quầy thức ăn dường như đang lựa chọn. Như thường lệ, tôi đứng đợi tới phiên mình. Bỗng dưng nghe chị này nói rất rõ ràng bằng tiếng Việt: “Bán cho tui một phần cơm chiên nhỏ”, làm tôi ngạc nhiên quay lại nhìn, vì không ngờ chị ta nói tiếng Việt rành thế. Da chị này rất đen, đúng điệu là dân lai Mỹ đen chính hiệu. Khi tôi ra bàn ngồi ăn, chị ấy bước đến rụt rè chỉ vào chiếc ghế bên cạnh tôi và hỏi: “Tui ngồi đây được không?”. Tôi gật đầu.
Trời Cali vào đông lành lạnh, ngồi gắp từng đũa mì Nam Vang nóng mà tôi nghe ấm cả lòng. Đang múc muỗng nước lèo thì chị da đen lên tiếng: “Trời lạnh quá, ăn cái này ngon lắm mà không chắc bụng”. Tôi quay sang nhìn thì bắt gặp chị ấy vừa đưa tay chỉ chỉ vào tô mì tôi đang ăn, vừa nói với ánh mắt có vẻ thèm thuồng. Chị nói với cái giọng chân chất rất nhà quê: “Cơm chiên nó hổng ngon bằng, nhưng nó chắc cái bụng, tui mới khiêng đồ nặng nổi”.
Thấy ái ngại, tôi nói ngay: “Chị ăn không? Tôi kêu tặng chị một tô”. Chị ấy lắc đầu: “Giờ ăn hổng kịp đâu, trễ xe bus là cả tiếng nữa mới có chuyến sau”. Tôi hỏi: “Chị làm gì mà phải khiêng nặng?”. Chị đáp: “Tui lau chùi cầu tiêu, lau sàn nhà, chùi rửa hết tất cả phòng, sắp xếp đồ đạc lại ngay ngắn, khiêng bàn ghế, nhiều bàn ghế nặng lắm, cái gì tui cũng làm hết đó, để mười giờ người ta vô thì mọi thứ phải sạch sẽ đâu vô đó”. Rồi chị tiếp, “Tui ở xa, nên 7 giờ phải dậy rồi, đi xe bus tới đây thì phải đổi xe bus khác mới tới. Nhưng đói quá nên tui phải xuống mua đồ ăn cho no bụng cái đã, rồi mới đón xe bus đi tiếp đến chỗ làm”.
Tôi cứ nghĩ chắc chị này đi làm thêm overtime ngày cuối tuần, nên tôi nói: “Chị làm thêm cuối tuần vậy, họ trả chị khá không?”. Chị nói ngay: “Tui đâu có lãnh lương, làm cho nhà thờ mà, cái này là tui tự nguyện làm, tui làm là cho Chúa, mà tui làm nhiều năm nay rồi...”. Vừa thấy tội nghiệp cho chị, tôi vừa thầm khâm phục chị đã có can đảm mà đứng chờ hai chuyến xe bus từ 7 giờ sáng, ngày Chủ Nhật - là lúc mà ai nấy đều đang ngon giấc với khí trời rất lạnh ở bên ngoài. Chị không những đã làm được điều phi thường đó, không có lương, một cách vui vẻ, mà lại từ nhiều năm qua...
Bỗng dưng tôi muốn làm quen: “Chị tên gì? Mà tại sao chị lại tự nguyện làm công việc này từ bao lâu nay, nhà thờ không có người nào phụ chị sao?”. Thấy có người quan tâm, chị có vẻ xúc động, nỗi xúc động mà tôi linh cảm như của một con người thường bị hất hủi bỏ rơi. Chị nói nhỏ lại: “Tui tên Amy, là tên Mỹ đó, còn tên Việt Nam, tui không thích nó...”. “Chị có tên Việt Nam?”. “Ừa, mà tui ghét nó lắm...”. Tôi ngạc nhiên: “Tại sao chị lại ghét tên mình?”. Chị đen im lặng, và rồi chị kể, bằng cái giọng quê mùa mộc mạc....
* TUỔI THƠ ĐEN...
“Khi Má sinh ra tui thì mọi người ai cũng đã ghét tui rồi. Chỉ vì tui ra đời dưới ngôi sao xấu, bởi vì cái màu da đen đúa không sao che giấu được của tui. Tui đâu có quyền được chọn màu da gì để sinh ra, cả Má tui cũng không chọn được cho tui.

Nhà tui nghèo lắm, ở ven bờ một con sông. Gia đình tui gồm có sáu người: Má và 5 chị em, chị Hai, chị Ba, chị Tư , tui, rồi đến em trai Út. Mấy chị và em trai là da vàng, chỉ có tui là đen thui thôi. Nhà tui nghèo mạt rệp, cả căn nhà dột nát, không có cả cái bàn hay cái giường, cái ghế. Một mình Má đi mò ốc cả ngày để bán lấy tiền mua đồ ăn cho 6 miệng ăn.
Mới ba, bốn tuổi là tụi con nít đã ghét tui. Tui tên Tí, họ Mai là họ của Má, vì Ba bỏ Má từ khi Má mới có bầu tui. Tụi con nít cả đám cứ đi theo sau tui hát nhạo là: ‘Cút về Mỹ đi con Tí đen’. Có đứa còn lấy que tre vít cứt chim, cứt gà rồi kêu cả bọn xúm lại đè tôi xuống, trét vô miệng tui, tới khi nào tui lạy, tui khóc thì tụi nó mới tha.
Năm 6 tuổi, Má cho tui với mấy chị đi học trường làng, nhưng tụi học trò khinh ghét tui lắm. Có lần tụi nó hè hội đồng tống một đống cứt gà vô miệng, tui không chống cự được nên nuốt vô cổ họng, nghe thúi ình và chua loét. Tui oẹ ra, tụi nó bốc nhét vô lại. Tui vùng vẫy, la hét. Thấy tui khóc dữ quá, mấy chị và em trai xúm lại binh, thì tụi nó đánh mấy chị, vừa đánh tụi nó vừa chửi: ‘Đồ Mỹ đen không cha cút về nước đen mà sống’. Lần đó tui chạy về khóc với Má sưng cả mắt. Má cứ im lặng và rồi bà cho tui nghỉ học luôn.
Nhiều lúc tui thèm được đi học, thèm được chơi chung, bất cứ trò chơi nào với chúng bạn, vậy mà đứa nào cũng chê là tui đen, tui dơ, tui thúi... hổng ai thèm chơi. Tui tủi thân lắm nên hỏi Má. Má bảo là Ba bỏ Má từ lúc tui chưa sinh ra nữa. Tôi ức lắm, hỏi lại: ‘Thế Ba tên gì? Sao Má không đi tìm?’. Má im lặng, rồi Má khóc. Tui thương Má quá, và tui ghét Ba lắm. Tui thề sẽ có một ngày tui tìm gặp Ba và hỏi Ba cho ra lẽ”. Tôi im lặng. Chị đen tiếp: “Tại Ba mà giờ này tui vẫn chưa biết đọc, biết viết. Người ta nói là tui mù chữ. Mắt tui sáng mà, tui thấy đường, nhìn tờ báo thì tui chỉ thấy hình, chớ không biết đọc.
Một hôm Má tui nói là: ‘Tí đen ơi, đúng là Trời thương Má con mình, mình sắp hết khổ rồi...’. Thì ra là chính phủ nước của Ba tui (chính phủ Mỹ) cho nhà tui đi theo diện con đen (con lai). Má và tui mừng hơn bắt được vàng.
Lúc vô phỏng vấn, tui run quá nên cứ khóc, mà tay chân thì lạnh ngắt. Tui cứ sợ ông Bill - tên ông hỏi chuyện Má tui, mà thấy tui đen, tui xấu, tui hôi, tui dơ... ổng không cho đi thì tui phải ở đây suốt đời tui khổ lắm.
Má tui cũng khóc, năn nỉ cô thông dịch xin ông Bill cho đi Mỹ. Lúc đó tui nghe ai cũng nói ở Mỹ sướng lắm, con nít được đi học, dù mình đen cũng không ai đánh mình, không ai nhét cứt vô miệng mình... Khi đó chị Hai và chị Ba có chồng rồi, còn chị Tư và em trai thì chưa. Má định nếu được đi Mỹ rồi thì Má sẽ nhờ người làm đơn xin chính phủ cho chị Tư và em tui đi sau.
Đêm trước hôm phỏng vấn, Má lo quá không ngủ được, mấy mẹ con cứ ngồi ôm nhau khóc cả đêm. Với gia đình tui, thì nước Mỹ là thiên đàng, chỉ tới Mỹ thì chúng tui mới hết khổ. Khi ông Bill biết rằng chị Tư và em trai còn độc thân, ông nói: ‘Chiến tranh đã làm cho Bà và các con cực khổ, nên nay vì nhân đạo, chúng tôi cho Bà, cô con gái lai và cả hai người con độc thân cùng đi, để qua Mỹ đùm bọc nhau mà sống’. Cả nhà tui khóc, vì mừng quá, đến nỗi quên cả nói lời cám ơn ông Bill...”.
* BƯỚC RẼ NGOẶC CUỘC ĐỜI...
“Đặt chân đến ‘thiên đàng’ Virginia, bốn Má con tui không biết một chữ tiếng Anh, nói không được câu nào, mà đọc cũng rặn không ra, còn viết thì một chữ bẻ đôi cũng không biết. Một người quen cùng làng ngày xưa nhận ra Má, nên giúp tìm dùm cho chúng tôi thuê một căn apartment nhỏ xíu một phòng ngủ để cả nhà ở chung.

Cả nhà tui đi làm đủ thứ nghề nặng nhọc để đắp đổi qua ngày. Tui còn nhớ lần thi vô quốc tịch, tui lo quá chừng, cứ học thuộc lòng những câu hỏi như con vẹt, vì tui có đọc và hiểu được chữ nào đâu. Có một chị người Việt đọc cho tui nghe các câu hỏi rồi biểu tui học cho thuộc, hễ người ta hỏi câu nào thì trả lời y như đã thuộc. Vậy mà may mắn ghê, tui đậu.
Khi họ hỏi tui muốn có tên Mỹ không, hay vẫn muốn giữ cái tên Việt Nam là Tí Mai, thì tui khóc. Không biết nói tiếng, tui nhờ cô thông dịch nói dùm với ổng là ‘Tui ghét lắm cái tên Tí đen, vì nó đen như màu da tui, đen như tuổi thơ nghèo hèn của tui’. Ông Mỹ trắng hỏi tui muốn tên gì. Lúc đó tui chỉ nhớ đến đứa cháu họ xa, đi lính cho quân đội Mỹ. Có một lần về thăm Má con tui ở Virginia, nó nói lý do nó đi lính là vì nó muốn đền ơn chính phủ. Tui nhớ mang máng nó có nói quân đội Mỹ gọi là... ‘AMI’... gì đó thì phải.
Thiệt tình khi đó tui không biết chữ ‘AMI’ viết làm sao nữa, nên tui nói đại với cô thông dịch là ‘Tui muốn cám ơn chính phủ Mỹ, cám ơn ông Bill đã thương mà cho Má con tui đi, nên tui muốn có tên Mỹ là AMI, có nghĩa là quân đội’. Tui còn nhớ khi nghe tui nói vậy thì cô này cười, dễ thương lắm, và cô viết tên tôi lên tờ giấy đưa cho ông Mỹ. Thế là passport của tui có cái tên Amy Mai từ đó. Mãi sau này tui mới biết là cô đã quên chữ e rờ (R), vì quân đội viết là “army”, nhưng sao có người lại nói với tui là cô ta cố tình quên...?
Sau đó vài năm, thì phát giác ra là Má tui bị có nước trong phổi. Bác sĩ sau khi hỏi cặn kẽ đã giải thích rằng, do Má ngâm nước lạnh hằng mấy chục năm liền khi đi mò ốc, nên giờ phổi Má yếu lắm. Mấy chị em sợ quá, đứa nào cũng đi làm quần quật mà không sao đủ tiền mua thuốc cho Má. May mà Trời thương, nên lại có người hàng xóm ngày xưa biết chuyện, bảo chị em tui qua Cali ở đi, thì khí hậu ấm sẽ tốt hơn cho sức khỏe của Má.
Nhưng tiền đâu mà mua vé máy bay? Cô Anh bảo, ‘Khi xưa lúc chồng cô mới chết, cô một mình với con nhỏ, sức khỏe yếu nên không sao ngâm nước nổi, nhờ Má cho cô bữa bịch ốc, khi mấy con tôm mà sống qua ngày’, nên cô muốn đền ơn Má bằng cách mua bốn vé máy bay cho chúng tôi qua Cali, cô cũng đã thuê sẵn một appartment nhỏ (cô Anh đã trả trước một tháng tiền nhà) cho Má con tui. Thế là cả nhà kéo nhau qua Cali.
Cả tháng trời không ai xin được việc làm. Khi chỉ còn vài ngày là hết tháng, tụi tui lo lắm vì tiền đâu để trả cho tháng tới? Gọi phone cho cô Anh thì cô và gia đình đi đâu rồi nên không sao liên lạc được. Một buổi tối trước ngày Giáng Sinh, mấy Má con đứng đón xe bus về nhà. Trời lại lạnh, bụng ai cũng đói, nên không còn sức để mà đi, cứ đứng mà run.
Chúng tôi thấy nhiều người đi vào một nhà thờ nhỏ. Vì lạnh quá, nên chúng tôi cũng đi vô đại, định tìm một chỗ trú cho ấm chút rồi sẽ về. Đó là buổi tối đánh dấu một bước ngoặc lớn trong cuộc đời chúng tui. Trên kia, mục sư Bảo đang giảng về tình yêu của Chúa. Ông nói: ‘Chúa luôn luôn dang rộng vòng tay yêu thương cho mọi người’.
Có lẽ lúc ấy, vì quá buồn, mỏi mệt và tủi thân, nên bốn Má con đứng khóc ròng. Một người đàn bà bước lại hỏi thăm (sau này tui mới được biết là vợ Mục Sư Bảo). Má con tui thật lòng kể hết. Vợ chồng Mục Sư cùng một vài cô chú ở nhà thờ thấy tội nghiệp, nên chở giùm mấy Má con về nhà, rồi hôm sau người ta đem đồ đến cho, bàn ghế, quần áo, tiền bạc, thức ăn. Rồi đích thân vợ chồng Mục Sư giúp điền đơn dùm Má con tui để xin tiền bệnh, tiền trợ cấp. Cũng chính nhờ sự khuyến khích, nâng đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần, mà Má con tui mới sống nổi qua ngày...”.
* CON ĐẾN VỚI NGÀI...
“Và từ đó chúng tui đi nhà thờ mỗi Chủ Nhật. Cám ơn Chúa. Cầu nguyện cho Má mau hết bệnh. Cầu nguyện cho mấy chị em có công ăn việc làm. Các cô chú trong nhà thờ đối xử rất tốt với tui, không ai nhìn màu da tui mà khinh khi hết. Tui vui lắm khi mọi người cứ kêu ‘Amy, đến phụ cô làm cái này đi!’, ‘Amy, ăn chút gì cho có sức rồi hẵng làm chứ cháu...". Và tui biết là ở nơi nào có Chúa, thì tui có tình thương...

Mang ơn vợ chồng Mục Sư Bảo và các cô chú trong nhà thờ, nên mấy chị em tui tình nguyện làm bất cứ việc gì nhà thờ cần. Tiền thì không có, nên chúng tui đóng góp bằng công sức và thời gian. Tui không bao giờ buồn vì công việc mình làm hết. Mà cầu tiêu ở Mỹ sạch sẽ lắm kìa, không có dơ, không có thúi như mấy đống cứt gà mà hồi nhỏ tui phải nuốt đâu. Tui vui lắm, dù công việc có cực nhọc cách mấy, vì tui biết mình làm là đền đáp công ơn Chúa...
Và rồi một ngày, Chúa gọi Má tôi về với Ngài. Bà chết khi trong túi mấy chị em cộng lại hết vẫn chưa được một đồng. Lúc còn sống, Má cứ ước có tiền về Việt Nam thăm chị Hai, chị Ba và các cháu. Vậy mà mơ ước chưa thành, Má đã ra đi. Tui còn nhớ lúc biết mình sẽ không qua khỏi, Má nói với các chị em tui: ‘Ngày xưa Má cứ ước ao cả nhà mình qua đến được thiên đàng, nhưng nếu như Má có mất, thì mấy con ráng lo cho Má về Việt Nam mà chôn cất, dù gì nằm bên bờ sông ngày xưa với mấy con ốc, Má vẫn thấy ấm lòng hơn...’.
Cả nhà ai cũng đều biết ước nguyện cuối cùng của Má là được chôn nơi miền quê cha đất tổ, mà đào đâu ra tiền để chở xác Má về Việt Nam? Tụi tui chỉ biết khóc, vì không mua nổi một quan tài cho Má. Vợ chồng Mục Sư Bảo biết rõ ước nguyện của Má, nên tối nào Mục Sư cũng lên đài kêu gọi mọi người giúp một tay. Đêm nào mấy chị em cũng ngồi trên đài với Mục Sư Bảo và tụi tui cứ khóc, thương Má, mang ơn vợ chồng Mục Sư và tất cả những người hảo tâm.
Nhiều người mang tiền đến tận nhà giúp. Cuối cùng quyên góp được 16 ngàn đồng, một gia tài mà mấy chị em tui không bao giờ dám mơ tới. Phải, 16 ngàn đồng - con số này suốt đời tui không thể nào quên. Đó là công ơn của hằng trăm người, mà nhiều nhất là vợ chồng Mục Sư Bảo và bác sĩ Nguyễn Hùng. Anh Tuấn ở nhà quàn biết hoàn cảnh nhà tui, nên anh bớt cho hai ngàn tiền chi phí chuyên chở xác Má về Việt Nam. Em trai tui được mua vé đi cùng về Việt nam với Má. Rồi số tiền còn lại thì mục sư đưa cho em tui về mua đất và lo chôn cất Má. Thế là cuối cùng, Má cũng được về yên nghĩ vĩnh viễn bên vùng ven biển ngày nào, với những con ốc nhỏ ngày xưa. Tạ ơn Chúa. Tạ ơn những tấm lòng...”.
Chị Amy ngừng kể. Tôi im lặng, vì tôi biết có nói gì cũng sẽ là rất thừa thãi vào giây phút này. Bất chợt chị nói: “Tui không biết tên Ba, phải chi tui được gặp lại ông Bill năm nào phỏng vấn, có thể tui nhờ ổng tìm ra Ba tui...”.
- “Chị mong gặp lại Ba chị à? Chị không giận Ba sao?”.
- “Ngày xưa tui ghét Ba lắm. Nhưng Chúa dạy rằng ‘Mình phải biết tha thứ và yêu thương’. Tui chỉ mong gặp Ba, để nhìn ông và kêu một tiếng ‘Ba’ một lần trong đời”.
Ngừng một chút, chị tiếp: “Và tui sẽ nói rằng ‘Ba đã làm Má khổ và con buồn’. Vậy thôi...”.
* MÓN QUÀ CON DÂNG CHÚA...
Gió ngoài trời lành lạnh, báo hiệu một mùa Giáng Sinh nữa lại sắp đến. Tôi hỏi: “Năm nay Giáng Sinh, chị sẽ làm gì?”. Chị Amy buồn buồn đáp: “Tui đến nhà thờ dọn nhà cầu, khiêng bàn ghế, lau chùi các phòng, dự Thánh lễ rồi về nhà... nhớ Má. Má mới mất năm ngoái thôi, nên tui nhớ bả lắm...”. Chị lại tiếp: “Năm nào tui cũng đâu có tiền mà mua gì dâng tặng nhà thờ, hay tặng vợ chồng mục sư - người mà gia đình tui mang ơn cả đời, nên tui chỉ biết cầu nguyện cho mọi người. Nhiều lúc tui buồn lắm, vì không năm nào có tiền mua món quà gì dâng Chúa...”.

“Những gì chị làm, chắc chắn là Ngài sẽ biết mà. Tôi tin chắc là thời gian, công sức và tấm lòng của chị, sẽ là một trong những món quà mà Ngài ưng ý nhất...”.
Chị Amy chỉ cười, không nói. Tự dưng chị hỏi: “Khi nào có báo, chị cho tui xin ba tờ được không?”.
- “Được chứ”. Tôi đáp ngay.
- “Tui sẽ mang biếu vợ chồng Mục Sư Bảo một tờ, bác sĩ Nguyễn Hùng một tờ, còn một tờ tui sẽ nhờ ai đó đọc cho tui nghe, tại tui không biết chữ, rồi thì tui sẽ giữ nó mãi suốt đời. Phải chi Má còn sống, nghe đọc tờ báo này, chắc Má tui vui lắm...”.
Chị Amy nhờ tôi gửi bài viết này kính tặng vợ chồng Mục sư Nguyễn Xuân Bảo, Bác Sĩ Nguyễn Hùng cùng tất cả những tấm lòng nơi Thánh đường Sài Gòn. Chị nói, đây là món quà - từ trái tim - chị dâng tặng mọi người nhân mùa lễ Giáng Sinh.
Trước khi chia tay, tôi hứa sẽ mang tặng chị Amy ba tờ báo, và sẽ đọc cho chị nghe. Chị nói: “Cám ơn người đẹp”. Tôi ngượng ngùng: “Chị đừng gọi tôi là người đẹp, kỳ lắm”. Amy đáp: “Đẹp chứ, bởi vì chị trắng hơn tui...”.
Tôi quay đi. Chạnh cả lòng. Nhìn xuống làn da mình, tôi tự hỏi, cuộc đời này có được bao người thật sự “trắng da” hơn chị?
---Hoàng Thanh/Viễn Đông
http://www.viendongdaily.com/Contents.aspx?item=0&contentid=9615

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

CHUYỆN ĐỜI

CHUYỆN ĐỜI

Tôi chẳng biết phải gọi những câu chuyện này là chuyện gì nên đành gọi chúng là Chuyện Đời. Chỉ trong vòng một năm tôi đã chứng kiến 3 gia đình tan vỡ.  Tôi không còn ở cái tuổi ngây thơ mơ mộng để buồn cho những chuyện tình vu vơ, nhưng tôi đã buồn cho những chuyện tôi vừa chứng kiến.

Ba gia đình này đều có những điểm chung đó là: vợ chồng đã lấy nhau ít nhất cũng chục năm, có nhà gần hai chục năm; con cái đều chưa trưởng thành, 2 gia đình trong số này có con nhỏ từ 2-4 tuổi;  chồng là những người làm ăn siêng năng, lo cho vợ con; có một gia đình tương đối khá giả nhưng nói chung họ đều là những gia đình ổn định về tài chánh.

Trong đời tôi đã chứng kiến nhiều cảnh chia ly, gia đình tan vỡ, có khi lỗi bởi người chồng, có khi lỗi bởi người vợ, có khi cũng vì cả hai nhưng sao lần này tôi đã bị cảm xúc làm chủ (being emotional) hơn những lần trước đây, nhất là với câu chuyện xảy ra mới chỉ vài tuần và vẫn còn đang diễn tiến.  Thôi thì tôi cứ kể ra để vơi bớt nỗi buồn, kể ra để mọi người cùng chia sẻ & may ra có ai học được kinh nghiệm gì chăng qua những câu "chuyện đời" này.

***

Chuyện về H

Tôi biết H cũng đã hơn 20 năm rồi, tuy không thân nhưng sinh hoạt chung nên vẫn thường gặp gỡ.  Thời gian trước đây vợ chồng H làm việc rất siêng năng, H cày hai job, hai vợ chồng đã tậu được 4-5 căn nhà & một cái nhà hàng.  Với tuổi của vợ chồng H như thế theo tôi thì họ đã rất thành công về mặt tài chánh.  Đùng một cái, vợ H cảm thấy chán nản mệt mỏi vì công việc, hai vợ chồng H quyết định sang nhà hàng.  H vẫn tiếp tục đi làm, vợ H ở nhà nghỉ ngơi, đi shopping, tiệc tùng, nhảy nhót v.v.  Rồi sau đó, theo được kể, những cuộc tiệc tùng nhảy nhót càng trở nên thường xuyên. 

Anh Q bạn tôi cũng là thầy của H có lần lo lắng nói với tôi rằng "Anh lo cho H quá, nó chìu vợ quá, hai đứa con H vẫn còn ở độ tuổi cần chăm sóc mà mẹ chúng cứ đi hoài.  Cả ngày ba cha con cứ ngồi ở nhà chờ vợ / mẹ về, có hôm vợ H về rất khuya & say mướt, rồi hôm sau lại đi.  Anh lo cho gia đình nó quá nhưng không biết phải nói làm sao."

Rồi sau đó không lâu, H phát hiện vợ mình có tình nhân, hai vợ chồng ly dị.  Một người quen của tôi đến thăm nhà H về nói với tôi: "Chú thấy tội cho hai đứa con của H quá, chúng viết lên tường I DO NEED A MOTHER...".  Thế là xong, vợ H theo tình nhân, H về VN lấy cô vợ 18-20 tuổi trẻ măng, hai đứa con sống với ông bà ngoại ...


Chuyện về B

B cũng sinh hoạt chung với tôi, tôi gặp B hơn 20 năm trước khi B vẫn còn là một cậu bé.  Thời gian gần đây khi gặp lại thì B đã có vợ & hai con.  Vợ chồng làm việc rất siêng năng, hai người tậu được nhà mới, xe mới.  B tuổi chưa lớn lắm khoảng 30 chi đó nhưng nhìn rất chững chạc.  Hai vợ chồng mở một nhà hàng hơi xa nhà một chút nên hàng ngày B ban đêm đi làm, ban ngày giữ con, vợ B lo nhà hàng. 

Đột nhiên cách đây vài tháng tôi thấy B biến mất, bởi B & tôi cùng chịu trách nhiệm chung cho một công việc volunteer nên tôi tìm cách liên lạc để biết tin B.  Khi biết tin mới vỡ lẽ vợ B có tình nhân, hai người ẩu đả rồi chia tay, hai đứa con nhỏ bây giờ ở với anh chị của B.  Vợ B đi ở riêng, nghe đâu B cũng về VN lấy vợ ...


Chuyện của M

Trước Giáng Sinh khoảng 1-2 tuần, M hồ hởi kể cho tôi nghe kế hoạch đi xuyên tiểu bang của gia đình M.  M còn hẹn tôi sẽ gặp nhau nếu tôi cũng sẽ đến tiểu bang đó.  Gần đến Giáng Sinh tôi gọi cho M mấy lần nhưng không thấy bắt phone.  Rồi trước Giáng Sinh một ngày tôi nhận được tin M nói M vừa ra hầu tòa, tôi ngạc nhiên hỏi M chuyện gì xảy ra.

M kể cho tôi nghe, hôm đó M & vợ có chuyện xích mích, rồi vợ M bỏ đi, đến đêm không thấy vợ về, M cho 3 con đi ngủ.  Đang nằm ngủ thì bị một người rọi đèn pin vào mặt bảo dậy, khi nhận ra người đó là cảnh sát suy nghĩ đầu tiên của M là lo lắng cho vợ, không biết vợ mình có chuyện gì không.  Nhưng khi ra ngoài phòng ngủ nói chuyện thì mới biết vợ M đã đi báo với cánh sát rằng M hành hung cô ta, tát cô ta tất cả là 22 lần vào mặt...  M nói với tôi M quá sốc không biết phải phản ứng ra làm sao vì chuyện này hoàn toàn bị bịa đặt.  Sau đó cảnh sát yêu cầu M ra khỏi nhà, vì đó chính là yêu cầu của vợ M.  M từ chối việc hành hung vợ, khi bước ra khỏi nhà thì đã thấy vợ M đang đứng với mấy người cảnh sát.  Có lẽ cảnh sát không thấy vợ M có thương tích chầy sướt tí nào nên cũng không làm khó M.

Mấy ngày sau đó M nhận được trát hầu toà, vợ M muốn có lệnh toà cấm M không được trở về nhà.  Tôi rất tin M vì tôi biết M đã lâu, tôi không dám quá lời nhưng phải nói M là một trong những người chồng "tốt nhất" tôi quen biết từ trước đến giờ.  Tôi hỏi M một lần nữa M & vợ có xô xát dưới bất cứ hình thức nào chăng, khi M xác nhận là không, tôi không biết phải nói làm sao vì chuyện gia đình của mỗi nhà là chuyện hết sức tế nhị.  Việc đầu tiên tôi nói với M là cố gắng hoà giải với nhau vì lỡ có chuyện gì thì rất tội cho 3 đứa con chúng còn quá nhỏ, M cũng đồng ý với tôi vì M rất thương con.  Tuy nhiên tôi cũng không thể không khuyên M rằng, nếu vợ M tự dưng bịa chuyện như vậy trong khi đã có với nhau 3 mặt con & sống với nhau cả chục năm, M cần phải đặt câu hỏi có việc gì đã làm thay đổi tình cảm giữa vợ M & M hay không, kể cả việc vợ M có tình nhân cũng không loại bỏ nhưng phải điềm tĩnh tìm hiểu.

Vài ngày sau M báo cho tôi biết giả thuyết tôi & M nói chuyện với nhau mấy hôm trước đó bây giờ đã thành sự thật.  Vợ M đã có tình nhân, hai người chụp hình với nhau post lên Facebook, có người báo cho M biết & M đã lên xem.  Chuyện đáng buồn hơn là một trong những người nhà của vợ M cũng ở một trong những tâ'm hình đó.  M nói với tôi M không thể tưởng tượng có người đi nhà thờ hàng tuần mà có thể "đồng lõa" trong chuyện này.  M gởi cho tôi tấm hình, tôi xem xong mà thấy nghẹn ở cổ & tự hỏi "Tại Sao?".


Chuyện đời đổi trắng thay đen, tình cảm có khi cũng thay đổi.  Nếu những người đặt hạnh phúc gia đình con cái lên hàng đầu thì có lẽ họ sẽ hành xử khác đi.  Nhưng giả sử nếu mình đã quyết định rời bỏ người phối ngẫu để đi theo một tình nhân mới, việc tệ nhất là chia tay "Có cần phải xử với nhau tệ như vậy không ?".


Làng Nam
1/2011

Công Tử Vượt Biên

Công Tử Vượt Biên             

Lê Như Đức   1/11/2001
Sàigòn, vào những năm 1977, 78, nếu có ai lỡ lời nói hai chữ vượt biên thì mọi người đều e dè,sợ sệt. Chỉ cần lỡ lời vài ba câu có dính líu đến hai chữ vượt biên là có thể cải tạo mút mùa. Vậy mà y lại có cái biệt danh thật là ngộ nghĩnh và hết sức ngang tàng: Công tử vượt biên.
Tôi biết y rất rành, rành hơn bất cứ người bạn thân thiết nào của y, là vì một lý do rất đơn giản. Nhà tôi là chỗ trú chân đầu tiên của y mỗi lần vựơt biên thất bại, trốn về Sàigòn chờ móc nối chuyến kế. Mỗi lần như vậy, nhiệm vụ của tôi là đạp xe tới nhà y báo cho gia đình chuyến đi lại thất bại, cần thêm tiền chi tiêu và không quên nhắn thêm câu: "ba má, tìm cho con mối khác".
Mỗi lần thất bại như vậy, tôi lại càng thấy rõ sự trưởng thành và quyết tâm của y. Bẩy lần vượt biên không làm y nản chí mà trái lại càng làm y thêm kinh nghiệm và mưu lược hơn. Trong cuộc đời tôi, y là người bạn tôi mến phục và học hỏi được nhiều nhất. Người bạn mà có lẽ khó kiếm được trong lúc sống dưới chế độ mà "cái cột đèn nếu có chân nó cũng vượt biên". Tôi không biết được tình bạn ngày xưa đối xử giữa Bá-Nha và Tử-Kỳ như thế nào. Riêng tôi, lúc nào khi nghĩ tới y tôi đều nhủ thầm. Một trong những cái may mắn nhất trong đời tôi là được quen y. Tôi gặp y vào năm cuối cùng của trung học, trường Nguyễn Bá Tòng, Gia-định, lớp 12C1.
Tôi còn nhớ ngày đầu tiên gặp y trong sân trường Nguyễn Bá Tòng. Y là học sinh duy nhất chuyển từ trường tư Lasan Taberd tới. Chúng tôi thì ngược lại, phần lớn chuyển từ trường công Hồ Ngọc Cẩn qua. Sáu chúng tôi, băng con nhà nghèo hiếu học, đang đứng chơi trước cửa lớp, thì thấy y. Y tuy tới một mình nhưng rất là tự nhiên và tự tin. Trong khi đó băng chúng tôi thì lại e dè, ngại ngùng khi đối mặt. Có lẽ là vì tại Tường, một người bạn trong đám chúng tôi khi thấy y, nói nhỏ:
"Cái thằng đó học sinh trường Tây. Ông già nó giầu có tiếng trong xóm tao đó. Chị tao ngày xưa làm thợ dệt cho nhà nó. Nó con út, số bọc điều. Giầu tiền xài không hết. Tao nghe nói nhà nó bị kiểm kê tài sản đến hai ba lượt rồi. Vậy mà nó vẫn phây phây như thường".
Minh, người học sinh giỏi nhất trong đám tôi nhìn Tường hỏi:
"Thế nó học cừ không?"
"Tao không biết. Nhưng mà mấy thằng Tây con chắc chẳng học hành gì đâu. Tối ngày đi chọc gái rồi mút xúc-cù-là."
Tôi nhìn y từ trên xuống dưới để cố tìm xem có chất xúc-cù-là trong người y như Tường nói không. Cảm tưởng đầu tiên của tôi về y là giữa hai chúng tôi là hai thái cực. Y dáng dong dỏng cao, mái tóc bồng bềnh, quăn tự nhiên. So với chiều cao của người Việt Nam, thì y bỏ xa. Tôi thì ngược lại. Bạn bè thường gọi là "Lùn Mã tử". Tóc tôi lại thưa, loại rễ tre, xỉa thẳng đứng lên trời. Y đẻ trong gia đình giầu có, nhà tôi thì lại thiếu ăn hàng ngày. Tôi con cả, y con út. Có lẽ chúng tôi chỉ có một điều giống nhau. Học tầm thường, chả có gì đặc biệt. Tôi nhủ thầm như vậy trước khi bước vào lớp học đầu tiên của niên khóa 1978-79.
Không những tôi lầm, mà cả Tường cũng lầm luôn. Sự học vấn và kiến thức của y làm ngạc nhiên không những chúng tôi mà cả thầy chủ nhiệm Vật Lý Nguyễn văn Lành. Tôi còn nhớ thầy có nói: "Em rất có khiếu về Vật lý. Sau này có cơ hội nhớ theo ngành này. Em nhé". Chỉ trong hai tuần lễ học, bọn chúng tôi phần lớn chuyển từ Hồ Ngọc Cẩn qua, đã phải bầu y nắm một chức vụ quan trọng nhất trong lớp, đó là trưởng ban học tập.
Sở dĩ chức này quan trọng là vì trưởng lớp do chi đoàn chỉ định, trưởng ban học tập do học sinh bầu. Trưởng ban học tập phải là tay cự phách. Nó đòi hỏi không những thầy cô tin yêu mà anh em nể phục. Trưởng lớp phải là chi đoàn hay cảm tình đoàn. Trưởng ban học tập không cần nhưng phải là tay chiến, dám đối mặt với cả thầy cô lẫn chi đoàn. Y không những không chi đoàn mà còn lại là thành phần chế độ bất dung- tư sản mại bản.
Có lẽ y chiếm được hết cảm tình của lớp chúng tôi qua cách đối xử đặc biệt đầu tiên với cô giáo Hóa-Học Nguyễn thị Hoàng-Hoa, phó chủ nhiệm lớp. Sau một tuần lễ học, cô khảo bài bốn học sinh trong lớp. Tất cả đều không thuộc bài. Cô tức giận đỏ mặt, hét ầm ầm. Cả lớp im lặng. Y bỗng nhiên đưa tay lên xin phát biểu. Cô gật đầu. Y nói:
"Thưa cô, chúng em không thuộc bài thật là không đúng. Nhưng thái độ của cô đối xử với chúng em cũng không được hoàn toàn đúng lắm".
Cả bọn chúng tôi đều trố mắt nhìn y như một con quái vật. Cô nổi tiếng là dữ nhất trường. Thầy giám hiệu cũng phải kiêng. Cô đẹp, giỏi, hơi lớn tuổi, chưa lập gia đình nên ... chẳng sợ ai. Tôi nhớ: mặt cô đang từ đỏ chuyển sang tái xanh. Cô vừa nói vừa thở:
"Em nói rõ tôi nghe chỗ nào tôi đối xử không đúng?"
Y ung dung trả lời:
"Chúng em không thuộc bài, cô la thì đúng nhưng không vì vậy mà cô tức giận, nhăn nhó. Cô sẽ mau già, đau tim, chết sớm. Chúng em không thuộc bài, cô có quyền la nhưng không có quyền tự hành hạ thân thể mình như vậy!!"
Cô nhìn y một lúc rồi không nhịn được phải phì cười. Cả lớp chúng tôi phá lên cười theo. Đời cô từ đó cũng thay đổi nhiều vì học được một nhân sinh quan mới từ y.
Y học giỏi không chỉ một vài môn mà đặc biệt ở tất cả các môn học. Từ Toán, Lý, Hóa, cho đến Luận văn, Anh văn, Sinh vật, và cả ...Chính trị nữa. Thầy Khải dân tập kết, chuyên dậy môn Chính Trị học, có lần ngạc nhiên hỏi: "Kiến thức em về bác Hồ thật là uyên bác. Có nhiều chuyện về bác không hiểu em đọc từ đâu mà thầy cũng chưa từng nghe tới bao giờ".
Sau này, Tường có kể tôi nghe y nói y lấy những lời nói của những danh nhân và lãnh tụ nổi tiếng trên thế giới rồi cứ việc sửa George Washington, Charles De Gaule.... thành Giặc Hồ nói.
Không mời mà y tự nhiên coi như đã nhập vào băng chúng tôi. Không những thế mà thái độ y như đứng đầu băng chỉ huy anh em. Minh ức lắm. Vì y bị giáng chức, xuống thứ hai. Minh có biệt danh là đại tướng vì tên họ là Dương văn Minh. Một trong những đại tướng có quyết định rất lớn đến sự sụp đổ của miền Nam Việt-nam. Phạm Tất Đồng tự thủ tướng đứng thứ ba. Kế tới là Tường Kiếm Hiệp, Khánh Khổ, Sáu Luận và tôi "Lùn Mã Tử".
Chúng tôi thường gọi y là Công Tử. Sau vài lần vượt biên hụt, đổi thành Công Tử Vượt Biên. Biệt danh của Sáu Luận sau bị Công Tử đổi thành Luận Bò. Lần đầu nghe, tôi thích lắm vì nghĩ Công Tử giống tôi, cho sức học của tôi hơn nó. Công Tử giải thích: "Không đâu, nó vẫn hơn mày, nhưng tại nó cứ hay cãi bậy với tao. Nó biết sai vẫn cãi cối. Nên là con bò rừng."
Luận Bò hình như rất thích cái biệt danh này hơn. Được có tiếng hay tranh cãi với Công Tử là một vinh hạnh. Tôi buồn bã trở lại vị thứ bẩy của mình. Tuy đứng cuối trong nhóm nhưng vẫn là thứ bẩy của lớp. Tôi vẫn đứng trên nhiều người lắm, trên cả thằng chi đoàn trưởng lớp. Công Tử, dĩ nhiên đứng đầu lớp.
Một lần Tường Kiếm Hiệp khám phá ra trường Lê Văn Duyệt có một cô học sinh rất mi nhon, hay đạp xe ngang qua trường tôi đi học. Hôm đó cả bọn ở lại trễ chờ. Cô bé tuyệt vời, nhỏ nhắn, xinh đẹp thật vừa xứng với kích thước… của tôi.
Tôi đang ngây ngất ngắm thì bỗng Công Tử phán: "Con nhỏ này, tưởng gì chứ cho tao ba ngày là tao sẽ ẵm em đi học ngay." Cả bọn nhao lên, chửi bới um sùm. Công Tử nói: "Tụi bay dám cá không, nếu tao làm được thì từ đây sẽ là đại ca nhóm. Còn không, bao tụi mày một chầu. Đi đâu ăn cũng được." Chúng tôi đồng ý.
Ba ngày sau, Công Tử đạp xe chở nàng ngang qua trường chúng tôi. Tôi nhìn nàng ôm eo ếch của Công Tử thật tự nhiên và tình tứ !! Phải chi trong đời tôi được một lần đạp xe chở nàng đi học nhỉ? Từ đó tất cả đều phục tùng tuy rằng sau này khám phá ra cô bé là em họ của Công Tử !!
Chuyến vượt biên đầu tiên của Công Tử vào cuối tháng mười một năm đó. Chúng tôi được tin, hùn tiền, đãi Công Tử bữa tiệc cuối cùng tại vườn nhà Tường Kiếm Hiệp vào chiều thứ bẩy. Sở dĩ nhà Tường được chọn là vì ở cuối xóm dưới. Chung quanh nhà là ruộng rau muống. chúng tôi tha hồ nói năng phản động tới chế độ mà không sợ sự soi mói của mấy tên công an phường.
Căn nhà Tường nhỏ ba gian, vá víu bằng đủ mọi loại vật liệu kiếm được. Mái nửa lá nửa tôn, thỉnh thoảng chen vài viên ngói mẻ, vách chỗ gạch chỗ đất, có chỗ vá cả bằng miếng các tông bự. Tường sống với ba và chị. Ba Tường và Tường chuyên môn cắt, bó rau muống để chị Tường đem bán ngoài chợ nhỏ. Trước khi mất nước, chị Tường làm thợ dệt cho nhà Công Tử. Ba Tường phải kiêm luôn việc bán rau. Giữa nhà đặt một cái bàn nước cọc cạch, mấy cái ghế xiêu vẹo và hai tấm phản hai bên để ngủ và ngơi. Đặc biệt chung quanh vách nhà là những giá sách với đầy áp sách...kiếm hiệp. Bố con Tường mê đọc chuyện kiếm hiệp và ...cắt rau muống. Đặc biệt dù nghèo cũng không muớn, mà chỉ mua chuyện về đóng thành sách, trưng khắp nhà.
Hôm đó chúng tôi đãi công tử bằng một con gà luộc, một đĩa dồi chó và ba chai bia quốc doanh. Thủ Tướng nói phải cho công tử ăn món quê hương để suốt đời nhớ ...bọn Việt cộng!!
Công tử ở lại nhà Tường mãi tới đêm khuya để nói chuyện với ba Tường. Tôi tưởng họ đang bàn chuyện đất nước hoặc kinh tế thế giới. Sau nghe mới biết họ đang nói chuyện ...kiếm hiệp!!
Tối Chủ nhật hôm sau, công tử đáp chuyến xe lửa đi Nha-Trang rồi xuống ghe ra khơi. Ngày thứ hai kế là ngày dài nhất của bọn chúng tôi. Ngồi nhìn chỗ trống của Công Tử trong lớp, bọn chúng tôi lúc bồi hồi, lúc phập phồng, lúc lo lắng. Chúng tôi phải báo cáo láo với thầy Lành là công tử bị ốm nặng.
Qua sáng thứ năm, công tử lù lù bước vào lớp, cả bọn nửa buồn nửa vui. Buồn vì công tử đi chưa được, vui vì lại gặp được người mình ưa thích.
Giờ ra chơi, cả bọn bu lại hỏi. Công Tử kể:
"Tao xuống ghe nhỏ để ra ghe lớn. Đợi tới gần sáng chả thấy ghe mẹ gì mới biết bị lừa, nên về thăm tụi mày lại."
Tháng sau, Công Tử lại từ gĩa chúng tôi để đi Phan-Thiết. Mặc dù tài chánh eo hẹp, chúng tôi cũng cố gắng tổ chức lại một bữa tiệc tiễn tại vườn nhà Tường. Lần này thiếu món dồi vì nghe nói thịt chó ăn xui.
Hình như thịt gà cũng xui nên công tử lại trở về đi học lại. Hai lần sau đó, chúng tôi chỉ đãi uống chứ không ăn. Khánh Khổ than với tôi: "Khổ quá, công tử chưa tới Mỹ thì mình đã phải khai phá sản". Lúc nào y cũng có thể than khổ.
Lần thứ năm Công Tử đi ở Vũng-Tầu thì bị bắt và đưa vào Bình-Ba cải tạo lao động. Chúng tôi không thể giấu được trường mãi. Lúc đó thầy trò trong cả trường mới biết tới một nhân vật có biệt danh "Công Tử Vượt Biên".
Chi đoàn họp liên tục, phê bình, kiểm điểm sáng tối. Bọn chúng tôi thủ khẩu như bình. Huyền thoại về công tử được mọi người mọi lớp truyền tụng hơn cả huyền thoại về ...Hồ Chí Minh.
Mỹ-Ngọc, hoa khôi của trường tuyên bố sẵn sàng ra đi với công tử bất cứ lúc nào dù là đi ... kinh tế mới. Bích-Huyền, Bích-Ca, hoa hậu song sinh đều đồng ý cùng nâng một khăn, sửa một áo nếu công tử có... sức. Thầy chủ nhiệm bị giám hiệu gọi lên khiển trách vì để công tử nghỉ ốm nhiều mà không báo cáo. Cô Hồng-Hoa thỉnh thoảng trong lúc giảng bài đi xuống ngồi vào chỗ trống của Công Tử, đăm chiêu nghĩ ngợi thương nhớ về một người học trò ưu tú của mình.
Bốn tháng sau, bố mẹ Công Tử tìm được mối chạy năm cây vàng để công an thị xã Vũng-Tầu lén chở Công Tử về Sàigòn.
Sợ phường khóm gây rắc rối cho nhà mình, công tử tới nhà tôi trú ngụ vì bố tôi là tổ trưởng tổ dân phố có thể biết trước ngày nào phường khóm tới khám nhà.
Công Tử, tôi và đứa em kế chia nhau căn gác lửng cuối nhà. Căn gác nhỏ chỉ kê vừa hai cái bàn học và trải cái chiếu gai. Vậy mà Công Tử ở đó hơn nửa năm.
Trong năm đó công tử vượt biên hụt hai lần nữa. Lần sau nhờ có kinh nghiệm nên không bị tó. Tôi trở thành người đưa tin giữa công tử và gia đình. Mỗi lần sang nhà công tử nhắn tin, tôi đều ghé lại nhà Luận Bò để cho tin tới mọi người trong nhóm.
Đối diện nhà Luận có một bông hoa biết nói mà Luận theo đuổi từ hồi mặt mới mọc mụn. Luận thường tự hào gọi nàng là "Thiên hạ đệ nhất Niên".
Niên thường ngồi cạnh cửa sổ nhà để xếp hàng mà nhà Niên dệt mướn. Thỉnh thoảng cuồng chân, nàng đi dạo vài vòng trước nhà. Lúc nào Niên cũng mặc áo vàng in bông cúc nổi và quần xa tanh bóng đen. Tôi thắc mắc, Luận thật tình trả lời: "Hỏi công tử đó. Tao tốn cả đời theo đuổi không thành. Công tử chỉ nhập nhóm ca với em mấy ngày là em mê tít. Mẹ kiếp, giọng công tử Bắc kỳ the thé vậy mà mắt em cứ lim dim, phê giọng trầm và ấm !!".
Đó là lần đầu tiên tôi mới hiểu tại sao Luận hay so đo, ghen tương với công tử.
Niên dáng thanh và cao. Nếu mang guốc cao gót, tôi chắc Luận chỉ đứng tới tai Niên. Công tử đứng với Niên thật là xứng đôi, như Rồng với Phượng. Niên đứng với Luận như Phượng với ...Ngưu. Tôi chắc chính Luận cũng biết vậy. Khi tôi về là Luận vội chạy qua nhà Niên để cho tin và cũng để...chiêm người đẹp.
Chiều hôm ấy tôi cố tình nói chuyện về Luận rồi đưa đẩy tới Niên. Tôi có hỏi sao Công Tử không tìm cách liên lạc với Niên. Công tử trả lời:
"Mày nghĩ tao đang nghỉ hè hay sao mà thăm với viếng. Việt cộng biết chuyện giữa tao và Niên. Tao chắc nó bám Niên kỹ lắm. Nếu tao gặp Niên là sẽ gặp ...Bác ngay. Cuộc đời có những cái mình phải hiểu để sống. Số tao sinh ra là để vượt biên, đi Mỹ học, số Niên là ở đây ca hát ...xây dựng chủ nghĩa. Hai đường đi hai nẻo, phải dứt khoát thì mới làm được cái mình muốn".
Rồi công tử kể tôi nghe chuyện tình với Niên. Câu chuyện tình đầy tính chất ...xã hội chủ nghĩa.
Mùa hè năm trước, tất cả các học sinh trong phường phải đăng ký sinh hoạt đoàn thể. Như thường lệ công tử ra trình diện trễ hai ngày. Tên Việt cộng ủy viên thanh niên thấy gai mắt, cho công tử đứng chờ chơi. Đang lúc đó thì Niên tới phàn nàn là tổ ca của nàng thiếu Nam, chỉ toàn mấy em gái choai choai mười hai mười ba thôi. Công tử kể: "Tên ủy viên nghe xong, sực nhớ tới tao, nó đưa hàm răng vàng ố, ám khói thuốc lào ra cười hô hố chỉ tao nói: "Đồng chí xung phong vô tổ ca ngồi kia kìa". Tao đứng dậy tính phản đối, thấy Niên quay qua nhìn, tao gật đầu ngay."
Cũng như mọi chàng trai đất Việt, lần đầu tiên gặp người đẹp, công tử bỡ ngỡ nói một câu hết sức ...lãng mạn cách mạng. "Dân Việt nam ăn toàn bo bo không, sao lại có người như Niên, xinh đẹp như vậy". Niên đỏ mặt, đổi đề tài, hỏi nhà Công Tử ở chỗ nào trong phường để nàng biết, tới gọi đi họp khi cần. Công tử kể tiếp: "Tao chỉ nhà, Niên không tin nói nhà tao chỉ đến bà chị kế tao là hết. Tao nói ông gìa anh mới nhận anh làm con nuôi tối qua."

Hôm sau Niên đi hỏi dò sự thật trong xóm mới biết công tử là con út trong nhà, ít khi ra đường nên phần lớn mọi người không biết tới. Gặp công tử, Niên hỏi: "Anh làm gì mà tối ngày cứ ru rú ở trong nhà không?". Công tử đáp: "Tại chưa gặp Niên nên không muốn ra ngoài, bây giờ thì lúc nào cũng nằm ngoài đường."
Từ đó phường 7, quận Phú-Nhuận có chuyện tình để mọi người kháo cho qua những tháng ngày vô vị dưới chế độ ba khoan. Khoan sống, khoan hưởng và khoan yêu. Họ nhìn Công Tử và Niên để ước sao cho cuộc tình được êm đẹp và thành tựu. Hình như Công Tử và Niên cũng thấy. Họ lúc nào cũng quyến luyến và ước mơ.
Mùa hè chấm dứt, chị phụ trách sinh hoạt phường, tổ ca, Quách thị Cẩm-Niên đặt bút phê vào sổ sinh hoạt của Công Tử: tiên tiến vượt chỉ tiêu. Tên ủy viên thanh niên phường gầm gừ phản đối ngầm.
Một ngày cuối đông năm 1979, công tử đưa tiền cho đứa em gái tôi dặn ra chợ Phú-Nhuận mua sôi và thịt vịt. Hôm đó nhà chúng tôi được thưởng thức một món mà mọi người ưa thích. Tôi có linh cảm xa nhau thật nhiều. Tối hôm đó công tử nói: "Bố mẹ tao đóng tiền bán chính thức xong rồi. Ngày mai em họ tao tới đón tao xuống Rạch-Gía."
Công tử đưa tôi xem thẻ căn cước mới có tên Tầu là Lý Phu Trình. Tôi nói: "Công tử Vượt Biên giờ trở thành Cái Nị Dượt Piên". Chúng tôi cười nói nhiều tới khuya.
Ba tháng sau, không thấy tin tức gì của công tử, tôi ghé qua nhà hỏi. Bà mẹ Bắc-Kỳ, thật Việt Nam, thấy tôi bà ôm mừng khóc: "nó đã tới được Mã Lai rồi con ạ." Tôi từ gĩa vội để chạy qua nhà Luận báo tin.
Mọi lần thì khác, nhưng lần này vừa thấy chiếc xe đạp Mỹ mà công tử để lại cho tôi đậu trước nhà Luận, Niên có linh cảm tin mừng, chạy vội băng qua đường.
Đó là lần đầu tiên tôi giáp mặt Niên. Niên có gương mặt trái soan. Cặp mắt không to không nhỏ, rất đi đôi với khuôn mặt. Mũi Niên hơi cao, có sóng, không tẹt như mũi người Việt nam. Mái tóc dài ngang lưng, không dầy không thưa nhưng đen nhánh như hai hàng lông mi của nàng. Da Niên trắng tựa như người sinh đẻ ở Gia-Nã-Đại. Mái tóc đen dài, gương mặt trái soan, làn da trắng, chiếc áo vàng in hình bông cúc nổi, cái quần xa tanh bóng đen, những thứ ấy tương xứng, đối chọi làm Niên đã đẹp càng đẹp thêm. Không chỉ đẹp, dáng Niên cao cao trông sang và quyền qúi. Phải nói Niên là một kỳ công tuyệt mỹ của tạo hóa. Bây giờ tôi mới hiểu hết câu nói đầu tiên, ngớ ngẩn của Công Tử khi gặp Niên. "Dân Việt Nam ăn toàn bo bo không, sao lại có người như Niên, xinh đẹp như vậy."
Niên bước vào nhà Luận, căn nhà tự nhiên như sáng hẳn ra. Không hiểu từ mái tóc Niên hay từ thân thể Niên, cũng có thể từ sự tưởngtượng của tôi, tôi như thấy một mùi thơm ngọt dịu thoảng qua. Niên không để ý gì cả, chỉ hỏi vội: "Có tin gì của ảnh, chưa anh?" Tôi gật đầu đáp: "Tới Mã Lai rồi". Chưa đầy một phút sau, hai dòng nước mắt vui mừng đã chảy dài trên gương mặt xinh đẹp của Niên. Tôi cảm động cũng không cầm được nước mắt. Luận Bò cũng khóc. Chúng tôi nhìn nhau, khóc vui mừng thật dễ dàng.
Chín tháng sau tôi mới nhận được lá thư đầu tiên của Công Tử gửi từ một nơi có cái tên lạ hoắc của tiểu bang Texas. College Station.
Thủ tướng gật gù giải thích: "Thì đúng rồi, Công tử phải ở chỗ những người giỏi của nước Mỹ. College Station là chỗ của những người ít nhất phải có bằng Đại học ở." Chúng tôi đều nhất trí.
Tôi mang thư qua nhà công tử khoe. Hai ông bà nhìn tôi một lúc rồi khẽ nói:
"Hai bác có chuyện muốn nói với cháu. Trước khi nó đi, hai bác có đóng thêm một chỗ, phòng nếu đi không xong sẽ có mối khác cho nó. Lúc nó đi có nói nếu trót lọt thì để dành cho cháu để cám ơn gia đình cháu đã giúp nó. Tiền bác đã đóng rồi, lấy về cũng không được. Cháu về thưa với bố mẹ, rồi sang cho hai bác hay."
Trên đường về, tôi bàng hoàng như người bị say sóng. Bố tôi nghe xong nói: "Trời Phật thương gia đình mình rồi con ơi. Cơ hội ngàn vàng con đừng bỏ. Con phải đi để cứu các em con và cứu cả bố mẹ thoát khỏi chế độ cộng sản này.. Con đi bố chỉ mất chức... tổ trưởng là cùng. Chức cái quái gì, toàn là làm không công cho tụi nó không. Đã vậy chúng con phê bình bố là không quản lý tốt."
Hai tuần sau, tầu tôi cập bến Mã Lai. Tôi cũng được chuyển qua đảo Pulau Bidong như Công Tử.
Vì thuộc diện chờ nước Mỹ hốt rác nên tôi ở đảo gần hai năm. Sau khi bị từ chối bởi Úc, Pháp, Ý và Thụy Sĩ, tôi mới được Mỹ hốt. Tôi tới Houston vào cuối đông năm 82. Trời năm đó lạnh và u ám.
Công tử ra đón tôi ở phi trường. Vẫn phong thái và kiểu nói của năm xưa, tôi thấy trời đất chuyển ấm và sáng dần.
"Lùn Mã Tử, tao trốn mày gần nửa vòng trái đất, vậy mà mày cũng bám theo. Làm sao tao có thể dứt mày được đây?"
Tôi trả lời:
"Khánh Khổ nói số mày đẻ bọc điều, sinh ra để sống trong nhung lụa. Số tao với nó là số khổ, do đó tao phải bám sát mày. Chỉ cần một tí cái bọc điều của mày, là hưởng suốt đời không hết."
Đúng như đại tướng đoán trước, chương trình học bốn năm của đại học Mỹ, Công Tử chỉ tốn ba năm hơn. Tôi vào trường được hơn một năm, Công Tử tốt nghiệp kỹ sư cơ khí và chuyển lên Fort Worth làm cho một hãng máy bay quốc phòng nổi tiếng.
Ngày tôi ra trường, Công Tử lái xe về mừng. Gặp tôi, Công Tử thành thật:
"Tao tính mua tặng mày một món quà thật lớn. Nhưng tuần sau tao xong Cao học, mày lại phải trả nợ, mua đồ mừng tao. Do đó đổi ý không mua gì cả. Mày mới ra trường chưa có nhiều tiền, chơi cái trò tư bản này không xong đâu."
Tôi có hỏi Công Tử có tiếp tục học lên Tiến Sĩ không? Công Tử trả lời:
"Phải ngưng một thời gian, ba má tao nói ngưng học, đi lấy vợ học mới...thông ra thêm. Ông bà cũng gìa rồi, tao tính về thăm một chuyến, tiện thể tính bề gia thất."
Ngập ngừng một lúc tôi mới nói Công Tử một điều mà tôi đã giấu hơn sáu năm nay:
"Niên đã lấy chồng lâu rồi, chắc giờ con cũng đã lớn."
Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi thấy mặt Công Tử đổi sắc. Công Tử nhìn tôi một lúc như muốn hỏi điều gì, nhưng rồi thôi, chỉ quay đi nhìn về một hướng xa xa.
Tôi hiểu Công Tử muốn hỏi gì nên khẽ đáp:"Luận Bò."

Houston, đầu Đông, năm 2000
Lê Như Đức

Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

CÂU CHUYỆN VỀ CẢM NHẬN

CÂU CHUYỆN VỀ CẢM NHẬN



Một anh sinh viên trẻ xuất sắc xin việc vào chức vụ quản lý trong một công ty lớn. Anh ta đã vượt qua cuộc phỏng vấn đầu tiên, ông giám đốc là người phỏng vấn anh lần cuối trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Ông giám đốc nhìn thành tích học tập xuất sắc của anh trong hồ sơ xin việc, từ trường trung học cho đến các nghiên cứu ở bậc hậu đại học, chưa một năm nào anh không đạt điểm cao.

Ông giám đốc hỏi, "Anh đã bao giờ được học bổng nào ở trường chưa?"

Anh thanh niên trả lời, "Chưa".

Ông giám đốc hỏi, "Vậy có phải cha của anh đã trả học phí cho anh không?"

Anh trả lời: "Cha tôi qua đời khi tôi được một tuổi, người trả tiền học phí cho tôi là mẹ tôi.


Giám đốc hỏi: "Mẹ anh làm việc ở đâu?"

-  Mẹ tôi giặt quần áo

Người giám đốc yêu cầu được xem bàn tay của anh.  Anh sinh viên chìa đôi bàn tay trơn tru và mềm mại ra.

Giám đốc nói, "Tôi có một yêu cầu, khi anh về nhà hôm nay, hãy đi rửa sạch bàn tay của mẹ anh, rồi sáng ngày mai anh đến gặp tôi."

Cậu sinh viên cảm thấy cơ hội xin được việc làm rất cao. Khi về nhà anh vui vẻ yêu cầu mẹ mình để cho anh rửa tay của mẹ. Mẹ anh cảm thấy lạ, vui vẻ nhưng với cảm xúc lẫn lộn, bà đã đưa tay cho con trai bà.

Anh thanh niên đã rứa tay cho mẹ một cách chậm rãi.  Anh đã rơi lệ khi làm việc này.  Đây là lần đầu tiên anh nhìn thấy bao vết nhăn, & vết thương bầm tím trên đôi tay của mẹ.  Có những vết thương đau đớn đến nỗi bà phải rùng mình khi bàn tay được rửa bằng nước.

Đây là lần đầu tiên anh nhận ra rằng đôi bàn tay mẹ anh giặt quần áo hàng ngày để anh có tiền trả học phí. Các vết thương trên tay bà là cái giá mẹ anh đã trả cho văn bằng tốt nghiệp, kết quả xuất sắc và tương lai của anh.

Sau khi rửa tay cho mẹ xong, anh đã lặng lẽ giặt tất cả các quần áo còn lại cho mẹ.

Đêm đó, hai mẹ con đã nói chuyện với nhau thật lâu.

Sáng hôm sau, anh thanh niên đã đến văn phòng của Giám đốc.


Giám đốc nhận thấy những giọt nước mắt trong mắt của thanh niên và hỏi:
- Bạn có thể cho tôi biết bạn đã làm gì và học được gì ngày hôm qua trong căn nhà của bạn?

Anh trả lời: 
- Tôi đã rửa sạch bàn tay của mẹ tôi, và cũng đã giặt sạch tất cả các quần áo còn lại cho mẹ.

Ông giám đốc hỏi:
- Làm ơn cho tôi biết anh cảm nghĩ của anh.

Anh thanh niên nói:

- Trước nhất, tôi bây giờ đã biết thế nào là sự cảm nhận. Nếu không có mẹ tôi thì tôi đã không thành công như ngày hôm nay. Kế đến, qua làm việc và giúp đỡ mẹ, tôi cảm nhận ra thế nào là vất vả và khó khăn để  hoàn tất một công việc. Sau hết, tôi cảm nhận tầm quan trọng và giá trị của mối quan hệ gia đình.

Giám đốc nói:
- Đó là những gì tôi đang tìm kiếm ở nơi người quản lý cho công ty. Tôi muốn tuyển một người có thể cảm nhận được sự giúp đỡ của người khác, một người biết được nỗi khổ của người khác khi hoàn thành một công việc, và một người không chỉ đặt tiền bạc là mục tiêu duy nhất trong cuộc sống. Bạn đã được chọn."

Sau đó, người thanh niên này làm việc rất chăm chỉ, và nhận được sự tôn trọng của cấp dưới của mình. Mọi người làm việc siêng năng với tinh thần đồng đội cao, năng xuất công ty được cải thiện đáng kể.



Lời Khuyên:

Những đứa trẻ được bảo vệ và thường xuyên được chiều chuộng, chúng sẽ phát triển tâm lý ích kỷ và luôn luôn nghĩ về mình trước. Chúng sẽ làm ngơ những nỗ lực của cha mẹ. Khi chúng bắt đầu có việc làm, chúng sẽ tâm niệm rằng mọi người phải lắng nghe chúng, và khi chúng trở thành một người quản lý, chúng không bao giờ biết những nỗi khó khăn của nhân viên của mình, sẽ luôn luôn đổ lỗi cho người khác.  Đối với những người này, họ có thể là người học giỏi, có thể thành công trong một thời gian, nhưng cuối cùng sẽ không cảm thấy thỏa mãn, chúng sẽ phàn nàn, hằn học, và luôn tranh đấu để đạt nhiều hơn nữa. Nếu chúng ta là những người cha mẹ nuông chiều con cái, chúng ta có thực sự thể hiện tình yêu con không hay chúng ta hủy hoại chúng?

Bạn có thể để con mình sống trong một ngôi nhà lớn, ăn những bữa ăn ngon, học dương cầm, xem TV màn hình lớn. Nhưng khi bạn cắt cỏ, hãy cho chúng cùng làm. Sau khi ăn, để cho chúng rửa bát đĩa của mình và cùng với anh chị em của chúng. Không phải vì bạn không có tiền để thuê người giúp việc, máy rửa chén, nhưng đó là vì bạn muốn yêu thương con cái một cách đúng đắn.


Bạn muốn cho chúng hiểu rằng, dù cha mẹ chúng giàu có bao nhiêu, nhưng một ngày nào đó tóc của họ sẽ bạc màu, giống như người mẹ của cậu thanh niên trong câu chuyện kể trên. Điều quan trọng nhất là con của bạn biết cảm nhận được những công lao, kinh qua những khó khăn và học được khả năng làm việc hài hòa với những người khác để đạt được mục tiêu chung.

A Story of Appreciation
One young academically excellent person went to apply for a managerial position in a big company.  He passed the first interview, the director did the last interview, made the last decision.

The director discovered from the CV that the youth's academic achievements were excellent all the way, from the secondary school until the postgraduate research, never had a year when he did not score.

The director asked, "Did you obtain any scholarships in school?" the youth answered "none".

The director asked, "Was it your father who paid for your school fees?" The youth answered, "My father passed away when I was one year old, it was my mother who paid for my school fees.

The director asked, "Where did your mother work?" The youth answered, "My mother worked as clothes cleaner. The director requested the youth to show his hands. The youth showed a pair of hands that were smooth and perfect.

The director asked, "Have you ever helped your mother wash the clothes before?" The youth answered, "Never, my mother always wanted me to study and read more books. Furthermore, my mother can wash clothes faster than me.

The director said, "I have a request. When you go back today, go and clean your mother's hands, and then see me tomorrow morning.*

The youth felt that his chance of landing the job was high. When he went back, he happily requested his mother to let him clean her hands. His mother felt strange, happy but with mixed feelings, she showed her hands to the kid.

The youth cleaned his mother's hands slowly. His tear fell as he did that. It was the first time he noticed that his mother's hands were so wrinkled, and there were so many bruises in her hands. Some bruises were so painful that his mother shivered when they were cleaned with water.

This was the first time the youth realized that it was this pair of hands that washed the clothes everyday to enable him to pay the school fee. The bruises in the mother's hands were the price that the mother had to pay for his graduation, academic excellence and his future.

After finishing the cleaning of his mother hands, the youth quietly washed all the remaining clothes for his mother.

That night, mother and son talked for a very long time.

Next morning, the youth went to the director's office.

The Director noticed the tears in the youth's eyes, asked: "Can you tell me what have you done and learned yesterday in your house?"

The youth answered, "I cleaned my mother's hand, and also finished cleaning all the remaining clothes'

The Director asked, "Please tell me your feelings."

The youth said, "Number 1, I know now what is appreciation. Without my mother, there would not the successful me today. Number 2, by working together and helping my mother, only I now realize how difficult and tough it is to get something done. Number 3, I have come to appreciate the importance and value of family relationship."

The director said, "This is what I am looking for to be my manager.  I want to recruit a person who can appreciate the help of others, a person who knows the sufferings of others to get things done, and a person who would not put money as his only goal in life. You are hired."

Later on, this young person worked very hard, and received the respect of his subordinates. Every employee worked diligently and as a team. The company's performance improved tremendously.

A child, who has been protected and habitually given whatever he wanted, would develop "entitlement mentality" and would always put himself first. He would be ignorant of his parent's efforts. When he starts work, he assumes that every person must listen to him, and when he becomes a manager, he would never know the sufferings of his employees and would always blame others. For this kind of people, who may be good academically, may be successful for a while, but eventually would not feel the sense of achievement. He will grumble and be full of hatred and fight for more. If we are this kind of protective parents, are we really showing love or are we destroying the kid instead?*

You can let your kid live in a big house, eat a good meal, learn piano, watch a big screen TV. But when you are cutting grass, please let them experience it. After a meal, let them wash their plates and bowls together with their brothers and sisters. It is not because you do not have money to hire a maid, but it is because you want to love them in a right way. You want them to understand, no matter how rich their parents are, one day their hair will grow gray, same as the mother of that young person. The most important thing is your kid learns how to appreciate the effort and experience the difficulty and learns the ability to work with others to get things done.

Nguồn Internet.