Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Vài cảm nghĩ về Bát Nhã Tâm Kinh


Vài cảm nghĩ về

Lê Tấn Tài


o o O o o


Khi còn nhỏ, nhân dịp về nhà Bà Ngoại để coi chừng bà đang đau nặng, tôi có dịp đọc Bát Nhã Tâm Kinh trong tủ sách kinh của Ngoại . Tôi đọc, nhưng chỉ hiểu mơ hồ về sự huyền nhiệm của bản kinh (nếu tụng niệm mỗi ngày thì sẽ được hưởng phước) . Ðến nay đọc lại bản kinh nầy mới thấy được nhiều ý nghĩa thâm sâu hơn . Tôi không là gì cả - không phải tu sỉ, không phải cư sỉ, cũng không phải học giả. Lúc trẻ thì chả muốn biết gì đến các triết lý xa xôi, khó hiểu . Nhưng bây giờ già rồi, trãi qua bao nhiêu cuộc thăng trầm, vật đổi sao dời, con người đổi trắng thay đen, lên voi xuống chó, bệnh tử vô thường..., vô cùng thấm thía với chữ Không . Chữ Không như có một cái gì huyền dịu, một lực hút rất mạnh làm tôi say mê . Ðọc Bát Nhã Tâm Kinh, tôi thấy như có một luồng gió mới, nó phá bỏ tất cả quan niệm, chối bỏ luôn cả cái hiện hữu . Tôi viết bài nầy theo sự hiểu biết đơn giản của tôi, không chú thích rườm rà . Thật ra đã có hàng vạn quyển sách và bài viết của các nhà sư và học giả cao thâm, nhưng rốt lại cũng không ai hiểu gì nhiều . Có cần phải đọc nhiều, nghiên cứu chi li từng chữ, từng câu? Thật ra một chữ cũng quá đủ để giác ngộ, vì đến một lúc nào đó, giác ngộ sẽ đến như một làn chớp . Tâm kinh phải chăng là một chiếc lá trong một nhúm lá mà Phật đã truyền lại cho chúng ta ?

oo0oo

Bát Nhã Tâm Kinh tên gọi tắt của Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh, Phật thuyết giảng lúc ngoài 60 tuổi, là một bản văn ngắn nhất về Bát Nhã Ba La Mật . Trong bản Hán dịch của Huyền Trang, kinh gồm 260 chữ. Đây là bản lưu hành phổ biến nhất trong giới Phật tử Nhật bản, Chân ngôn tông, Thiên thai tông và Thiền tông . Sau đây là bản dịch Tâm Kinh của Huyền Trang, năm 649, đời nhà Đường .



Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh
Ðường Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang dịch


Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Balamậtđa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.
Xá lợi tử! Sắc bất dị Không. Không bất dị sắc. Sắc tức thị Không. Không tức thị sắc. Thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.
Xá lợi tử! Thị chư pháp Không tướng: bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.
Thị cố Không trung: vô sắc, vô thọ tưởng hành thức; vô nhãn nhĩ tỉ thiệt thân ý; vô sắc thanh hương vị xúc pháp; vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới.
Vô vô minh diệc vô vô minh tận nãi chí vô lão tử diệc vô lão tử tận .
Vô khổ tập diệt đạo .
Vô trí diệc vô đắc. Dĩ vô sở đắc cố.
Bồ đề Tát đoã y Bát Nhã Balamậtđa cố tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh niết bàn.
Tam thế chư Phật y Bát Nhã Balamậtđa cố đắc A nậu Đa la Tam miệu Tam Bồ đề.
Cố tri Bát Nhã Balamậtđa thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư!
Cố thuyết Bát Nhã Balamậtđa chú, tức thuyết chú viết:
Yết đế, Yết đế, Bala yết đế, Bala tăng yết đế, Bồ đề, Tát bà ha!

Bản Việt dịch của Thích Trí Thủ

Bồ tát Quán tự tại khi hành Bát Nhã Ba La Mật Ða sâu xa soi thấy năm uẩn đều không, vượt qua mọi khổ ách.
Xá Lợi Tử! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Xá Lợi Tử! Tướng không các pháp đây, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt.
Cho nên, trong không, không sắc, không thọ, tưởng, hành, thức; không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không nhãn giới cho đến không ý thức giới .
Không vô minh cũng không vô minh hết; cho đến không già chết, cũng không già chết hết .
Không khổ, tập, diệt, đạo .
Không trí cũng không đắc, bởi không sở đắc.
Bồ Tát nương Bát Nhã Ba La Mật Ða, nên tâm không mắc ngại; vì không mắc ngại nên không sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, rốt ráo niết bàn.
Chư Phật ba đời nương Bát Nhã Ba La Mật Ða nên chứng A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề.
Nên biết Bát Nhã Ba La Mật Ða là chú thần lớn, là chú minh lớn, là chú vô thượng, là chú không gì sánh bằng, trừ hết mọi khổ ách, chắc thật vì không dối.
Nên nói chú Bát Nhã Ba La Mật Ða, nên nói chú rằng:
Yết đế, Yết đế, Ba la Yết đế, Ba la tăng Yết đế, Bồ đề, Tát bà ha.



"Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Ða thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách."

Bồ Tát là tiếng gọi tắt " Bồ đề tát đỏa" có nghĩa là chúng sanh cầu đạo giác ngộ . Bát Nhã là cái sâu xa , bát ngát , đẹp đẻ , dịu dàng . Ba La Mật là tới bờ bên kia . Có người ví Bát Nhã như là một con thuyền chở người qua bờ bên kia . Quán là quan sát các đối tượng một cách tự tại không để các yếu tố giả tạo làm lạc hướng nhìn của hành giả . Quán tự tại Bồ Tát là một cách nói về sự đi tìm cái tính bản nhiên bên trong của chính mình, là lắng nghe tiếng kêu của trần thế, mở rộng tấm lòng từ bi để giúp người .
Tâm Kinh nói phải tu tập thực hành sâu xa mới đạt đến Bát Nhã, mới có một cái nhìn mới mẻ về cuộc sống .
Cái diệu dụng của Tâm Kinh chính là sự xác tín với những người tu tập là loại trừ được hết mọi khổ đau vì toàn bộ kinh đã chối bỏ tất cả những gì hiện hữu, nhất là thân xác (ngũ uẩn) chỉ là không .
Có năm thành tố kết hợp lại để thành cái “tôi” của con người gồm có thân (sắc), và tâm (thọ, tưởng, hành, thức) . Phật không nhìn con người riêng biệt mà con người chỉ được kết hợp bởi những cái duyên tương khắc mà thành . Thân đứng trước tâm là đúng vì không có thân thì làm sao có tâm được . Tiêu diệt thân là tự huỷ diệt . Phật không dạy thế ! Thân còn là do hơi thở (bởi thế tập yoga là để chăm sóc thân thể và quán niệm hơi thở là để giữ thân không mất). Có thân thì mới có cảm giác , cảm xúc do giác quan (thọ) . Từ giác quan dẫn đến sự nhận biết các cảm giác (tưởng) . Tưởng dẫn đến tưởng tượng , vẽ vời tạo ra thành kiến, ghen tị, giận hờn... Ðây có thể nói là tri thức, cái tri thức biện biệt, phân chia . Nhưng tưởng chỉ còn là một thái độ chưa chuyển sang hành động (hành) . Hành tạo ra cái tốt xấu . Hành chỉ là vô tâm như con nít hành động mà không có tưởng . Thức (ý thức đứng sau cùng) . Hành mà có ý thức tức là đã tạo nghiệp . Thức do những kinh nghiệm, thói quen, khởi động từ bên ngoài .Vì vậy ta sống giống như đóng một vai tuồng mà cứ tưởng đó là sống thật .Vạn vật không có tự tánh mà nhờ tác dụng của thức chúng ta mới nhận biết được sự vật . Người chết cũng có năm căn (mắt, tai, mũi, lưởi, thân) nhưng không biết gì cả .
Ngũ uẩn tạo thành cái “tôi” . Nỗi khổ của con người là do cái “tôi” lớn quá nên luôn luôn bám víu và nghĩ rằng nó sẽ trường tồn vĩnh viễn . Ðó là “chấp ngã” hay là "ngã kiến" (chỉ thấy cái tôi) . Theo Bát Nhả Tâm Kinh, nó chỉ là giả tướng, không có thật, giống như tiếng kêu của một động cơ, khi gỡ bỏ các bộ phận trong động cơ thì tiếng kêu không còn nữa . Ngũ uẩn là vô thường nhưng nếu Thức đúng thì Hành đúng, Tưởng đúng, Thọ đúng . Và Thân sẽ an nhiên tự tại . Bát Nhã giúp cho Thức đúng để thấy cái diện hữu chân thật, không bám víu vào cái Ngã vô thường .

"Xá lợi tử! Sắc bất dị Không. Không bất dị sắc. Sắc tức thị Không. Không tức thị sắc. Thọ tưởng hành thức diệc phục như thị."

Không đây chẳng phải là "không có" mà là "không có thật như ta nhận thức" . Bởi vậy cái mà ta gọi là "có" chỉ là cái "không có thật" ( giả hữu) . Chẳn hạn màu sắc hay âm thanh chỉ là những làn sóng .
Sắc là thân xác được tạo nên bởi tứ đại (đất - chất đặt như xương, nước - chất lỏng như máu, gió - chất động như hơi thở, lửa - chất nóng như nhiệt độ) , những nguyên tố mà do cái duyên nào đó kết hợp lại . Duyên là những vật hỗ trợ cho nhân để sinh ra quả, giống như hột lúa (nhân) có sức phát sinh thành cây lúa (quả) khi có những điều kiện thuận tiện (duyên) như đất, nước, phân... giúp hột lúa sinh ra cây lúa . Khoa học ngày nay đã khám phá cái gène của các loài đều giống gène của loài người, chỉ khác nhau số lượng gène mà thôi . Cái cây có gène giống con người như vậy cái cây kia cũng giống như con người .
Không trong Bát Nhã là sự Trống Rỗng (Emptiness) như bầu trời trong vắt hay như khoảng trống của căn nhà, khoảng trống của cái thùng, cái tô, cái chén.... Sắc là do duyên tạo thành, nên biến đổi theo không gian, thời gian và từ đó sinh ra mọi khổ đau . Như vậy Sắc không khác với Không vì Không không có tự tính, tức là mọi hiện tượng thân tâm đều không có tự tính và cái Không cũng không khác với Sắc vì Không vẫn có hình thể, vẫn hiển hiện ra đó dưới những hình dạng xuất hiện (nước trong bầu thì tròn, trong ống thì dài). Einstein nói vật chất chính là năng lượng, như vậy năng lượng và vật chất là một . Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng giống như Sắc Không .“Thọ bất dị không, Không bất dị thọ, Thọ tức thị không, Không tức thị thọ” . Và các uẩn khác cũng đều như vậy . Cuối cùng ngũ uẩn cũng là Không . Chúng ta không còn chấp ngã nữa . Không có cái “tôi” thì không còn vướng víu và bị ràng buộc vào điều gì nữa . Khi ý thức cuộc sống là thay đổi, vô thường, bất an thì mọi khổ đau sẽ tiêu trừ .

"Xá lợi tử! Thị chư pháp Không tướng: bất sanh bất diệt,bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm."

Vạn vật hữu hình với các hiện tượng trong vũ trụ là pháp . Nhưng theo Bát Nhã thì pháp cũng chỉ là Không Tướng, không có tính riêng biệt . Khoa học vật lý ngày nay cũng cho rằng thế giới hữu hình cũng chỉ là Không Tướng (sắc tức không) . Hiện tượng của vũ trụ mà chúng ta thấy, tưởng là Có nhưng thật sự là Không, không có thật, như sóng biển khi hợp khi tan nhưng bản thể của nó không bao giờ thay đổi (sóng tan chứ nước không tan) . Bất sanh bất diệt là bản thể thường trụ . Mây, mưa hợp tan vô định. Hòn đá, hạt cát vở tan thành bụi . Tất cả chỉ là sinh diệt của vũ trụ . Tại sao ta sinh ra đời ? Có phải là cái duyên của cái trứng và tinh trùng gặp nhau . Nếu có một trục trặc nào đó trong quá trình thụ thai thì đã không có ta . Sinh diệt là nổi lo lớn nhất của con người, nhưng sinh và diệt chỉ là một, chỉ là một sự chuyển hóa năng lượng và năng lượng thì được bảo toàn .
Bất cấu (không dơ) và bất tinh (không sạch) là nói tác dụng của nó không thể phân biệt được, đó là hai mặt của con người . Không dơ bẩn cũng không sạch sẽ . Không tốt, không xấu . Tốt xấu đối với người đời khác với tốt xấu của Phật giáo . Người đời thường bị ràng buộc trong cái giả tướng nên dùng đến những danh từ " lợi hại, thiện ác, tốt xấu ..." rồi đặt thành quy luật để bảo vệ cái Thiện và bài trừ cái Ác . Ðừng lấy cái đức tính tốt nầy mà đả phá cái tánh xấu kia, phải nếm tất cả mùi vị cay đắng của cuộc đời rồi mới thấy được cái chân thật thường hằng . Ðừng nghĩ đến Thiện, Ác thì mới hiện rõ được thật tướng .
Không tăng, không giảm, là hiện tượng viên mãn . Thuỷ triều lên bên nầy thì xuống bên kia, trên một dòng sông, bờ bên nầy sói mòn thì bờ bên kia được bồi đắp . Bát Nhã đã chối bỏ cái thuyết nhị nguyên làm phiền toái con người .

"Thị cố Không trung: vô sắc, vô thọ tưởng hành thức; vô nhãn nhĩ tỉ thiệt thân ý; vô sắc thanh hương vị xúc pháp; vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới ."

Trong cái tính Không đều không có sắc - thọ - tưởng - hành - thức . Bản chất của ngũ uẩn chỉ là cái duyên tương tác, tương sinh, có sắc nên có thọ, có hành nên có thức... Từ cái Trống Rỗng đến cái Không có gì hết . Trong đoạn văn này Tâm Kinh muốn phá chấp, không chấp vào bất cứ việc gì cả . Giải thoát là giải thoát sự khổ đau của chính bản thân mình . Cái tôi không có thực vì thân xác tôi chỉ là giả tạm . Không có thân, tức nhiên không có lục căn (mắt, tai, mũi, luỡi, xúc giác và ý tưởng) . Ðấy là các cửa ngỏ để đưa buồn vui sướng khổ vào trong ta . Không có sắc, thanh âm, mùi, vị, thì cũng không có pháp gì cả .
Thấy là do mắt . Thấy một hoa đẹp thì trầm trồ khen ngợi, khi thấy hoa tàn thì suýt xoa, tiếc rẻ, đâu có biết rằng hoa sớm nở tối tàn, chỉ là vô thường . Ðó là do cái tâm của ta nghĩ ra vậy . Từ cái ý nghĩ đi đến cái tâm thức biện biệt, khen chê, xấu tốt, được thua, hơn kém... Hoa xấu hay đẹp là do ý thức của chúng ta vậy .

"Vô vô minh diệc vô vô minh tận nãi chí vô lão tử diệc vô lão tử tận ."

Trong thập nhị nhân duyên, vô minh là yếu tố đầu tiên . Vô Minh là nguồn gốc của tất cả khổ đau . Diệt được vô minh là giải thoát . Nhưng Tâm Kinh lại dạy rằng : " Không có ngu dốt mà cũng không có gì gọi là ngu dốt cả" . Ai ngu, ai khôn ? Trong cuộc đời có khi bị mắng là ngu nhưng đó là người khôn (Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao) . Xóa bỏ cái dại khôn đó là Bát Nhã . Tâm Kinh dạy tiếp "Không có già, không có chết, mà cũng không có "không già" và không có "không chết" . Sống chết là lý đương nhiên, nên ta cũng không nên lo sợ nó . Thật ra chúng ta đã mất biết bao thời gian để lo sống, sợ chết . Mỗi giây phút hiện tại đều quý giá và có ý nghĩa . Ta có bao giờ sống thật với hiện tại mà lúc nào cũng hối tiếc ngày qua và mong đợi một ngày mai tốt đẹp . Ngũ uẩn đã là không thì sống chết cũng là không . Trong Không, không có gì sinh ra nên cũng không có gì mất đi .

"Vô khổ tập diệt đạo ."

Khổ là đau khổ về tinh thần và thể xác .Tập chính là ham muốn, nguyên nhân gây ra đau khổ, nó là đầu mối của tham sân si . Diệt là chấm dứt nguyên nhân của đau khổ . Ðạo là phương pháp hành trì thực tế để chấm dứt đau khổ . Khổ Tập là hai nhân quả thuộc thế gian . Diệt Ðạo là nhân quả xuất thế gian . Cặp nào cũng có nhân quả .
Chân lý thứ nhất của Tứ Diệu Ðế nói về tính chất của khổ bao gồm sinh lão bệnh tử, hay mọi thứ liên quan đến ngũ uẩn đều khổ .
Nhưng thân không có thì lấy gì có khổ . Không Khổ thì Tu Tập để Tiêu Diệt và Ðạt Ðạo làm gì ?

"Vô trí diệc vô đắc. Dĩ vô sở đắc cố."

Tâm Kinh phá chấp từ thấp lên cao, từ chấp ngã đến chấp pháp, cuối cùng phá cả chấp trí và chấp đắc . Trí là phần cao nhất của lục độ (sáu hạnh : bố thí ba la mật, giới, nhẫn, tinh tiến, định và trí huệ) . Trí còn thì con người còn phân biệt, nên khó mà giải thoát trọn vẹn được vì tâm trí luôn luôn chứa đựng tri thức . Thiền phải vô trí, chỉ chứng nghiệm mà không lý luận . Có vô trí chúng ta mới thoát khỏi óc nhị nguyên, nhưng Vô Ðắc mới giải quyết rốt ráo, không có cái gì để đạt cả . Có được thì có mất, nên cần phải tránh cái Ðắc . Cái chúng ta phát hiện có sẵn đó . Còn chấp Ðắc là còn mong muốn . Còn mong muốn thì không giác ngộ được . Phải vượt qua cái Ðắc thì mới tới cái Không .
(Câu "Dĩ vô sở đắc cố = bởi không sở đắc", xưa nay các nhà chú giải thường dựa vào nội dung của bản văn để ngắt vào đoạn sau. Nhưng gần đây có một vài nhà luận giải cho rằng nó phải thuộc đoạn trước vì Tâm Kinh muốn xác nhận thêm một lần nữa về chữ Vô Ðắc)

"Bồ đề Tát đoã y Bát Nhã Balamậtđa cố tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh niết bàn."

Hành giả tu tập theo sáu phép Ba La Mật, trong đó có phép tu quán Bát Nhã, đạt đến trình độ tâm vô sở đắc nên được coi như là Bồ Tát (Bồ Ðề Tát Ðỏa) . Người thực hành Bát Nhã cao thâm, không sở Ðắc nên không còn trở ngại gì nữa, cũng không còn sợ hãi, rời bỏ được những mộng tưởng, ảo vọng đảo điên thì sẽ đạt đến bờ bên kia, đạt đến niết bàn . Niết bàn chính là sự an lạc trong từng giây phút hiện tại . Niết bàn có sẵn đó thôi, không tìm đâu xa .

"Tam thế chư Phật y Bát Nhã Balamậtđa cố đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Ðề."

Các bậc giác ngộ (tam thế chư Phật : quá khứ, hiện tại, vị lai) hiểu được cái vô thường của kiếp người, không còn đảo điên vì ảo vọng là nhờ thực hành theo Bát Nhã Ba La Mật mà đạt đến cái không, nên đạt "Vô thượng Chánh đẳng, Chánh giác" (A nậu Đa la Tam miệu Tam Bồ đề) . Tất cả mọi người ai cũng có khả năng hiểu được chân tính của vạn vật . Vì thế nếu hành giả chịu tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định và thực hành Bát Nhã thì sẽ đắc A nậu Đa la Tam miệu Tam Bồ đề . Ðắc đây không nghịch lý với cái Vô Ðắc ở trên mà là đắc cái Không, cái có sẵn đó . Ðắc cái không có gì , tức Ðắc mà không Ðắc .

"Cố tri Bát Nhã Balamậtđa thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư!"

Chú, đại thần chú (rất thần diệu), đại minh chú (rất sáng suốt), vô thượng chú (cao nhất), vô đẳng đẳng chú (không có gì sánh bằng) là cái công năng tóm thâu mọi nghĩa lý để từ đó phát sinh ra mọi diệu dụng, là một thứ linh ngữ, mật ngữ thiêng liêng mà ở trong trạng thái nào đó con người hiểu được, do đó với nguời nầy thì linh mà với người khác thì không linh . Cũng có thể đây là tiếng reo vui mừng khi đạt đến giác ngộ, không còn đau khổ . Cái kết quả nầy hiện thực, cho nên khẳng định lại một lần nữa Tâm Kinh là Chân Thật, không có gì lừa dối .

"Cố thuyết Bát Nhã Balamậtđa chú, tức thuyết chú viết:"

Chú linh diệu như vậy, cho nên hãy nói chú Bát Nhã Ba La Mật Ða và nên nói chú rằng :

"Yết đế, Yết đế, Bala yết đế, Bala tăng yết đế, Bồ đề, Tát bà ha!"

Nguyên ngữ chữ Phạn là :

“Gate, gate, paragate, parasamgate, bodhi, svaha!”

गते गते पारगते पारसंगते बोधि स्वाहा

Ðọc chú :

Tuệ Sỹ dịch:

"Đi qua, đi qua, qua bờ bên kia, qua đến bờ bên kia. "
Theo Suzuki thì chú không dịch và không giải nghĩa, vì chú không thể hiểu và cứ giử y như thế để tăng thêm uy lực của linh ứng, chỉ dịch âm theo tiếng Phạn để có tác dụng mầu nhiệm .
Suzuki kết : “Sự thực, hình như toàn thể bản kinh được viết ra vì câu thần chú đó, và không có gì khác hơn”.

o0o

Nói tóm lại muốn hiểu Tâm Kinh không nhờ kinh nghiệm từ bên ngoài mà từ cái Phật tính ở bên trong .Từ “thực hành” được lập đi lập lại nhiều lần trong kinh . Như vậy đọc Tâm Kinh là phải thực hành, tự mình đi tìm ra những vi diệu của nó . Tâm Kinh cũng không thể coi như là những câu chú, câu niệm có những uy lực huyền bí có thể giúp con người thoát khỏi tai nạn, bênh tật, khổ ải, trầm luân, mà chính con người phải tự mình khám phá ra để tự giải thoát .
Vậy tâm kinh có phải là một liều thuốc để hóa giải cái tình trạng bất ổn của chúng sinh ?
Trong các bản Tâm Kinh được truyền tụng chỉ đào sâu chữ nghĩa, triết lý cao siêu , chứ không nói gì nhiều về khía cạnh hành động . Muốn hiểu Tâm Kinh là phải sống thiền, hành thiền liên tục trong cuộc đời của hành giả .
Thiền bằng cách làm thế nào để xóa bỏ tri thức, không vọng động, để một lúc nào đó chúng ta đạt đến một trạng thái hồn nhiên, nhẹ hẫng . Thiền là để tâm mình lắng đọng, sau đó mới quán, dùng hơi thở để điều tâm . Muốn xóa bỏ vọng động không cách nào hay hơn là quán niệm hơi thở . Quán niệm hơi thở là gì ? Ðó là chú ý đến hơi thở vào, thở ra, không để ý đến cảm xúc ."Thở vào thì biết là mình đang thở vào; thở ra thì biết là mình đang thở ra; thở vào một hơi dài thì biết mình đang thở vào một hơi dài; thở ra một hơi ngắn thì biết mình đang thở ra một hơi ngắn ..."
Người xưa luyện khí bằng cách thở bụng như cách thở của trẻ sơ sinh, đưa hơi xuống dưới phía rốn (thở cơ hoành).
Thiền là thở . Quán hơi thở là lúc nào cũng nghĩ đến hơi thở của mình là được rồi . Nhưng nếu ngồi bán già hoặc kiết già để nghĩ đến hơi thở thì có lợi hơn nhiều .
Thay đổi hiểu biết dễ hơn thay đổi tâm . Mọi tình cảm, quan niệm của chúng ta đều do Tâm mà ra .
Tâm Kinh làm đảo lộn mọi suy tư, thành kiến của con người . Tâm Kinh chối bỏ hết, chối bỏ luôn cái tâm cá nhân của chúng ta . Nhìn cuộc đời với một thái độ khác . Phải chăng là phải thay đổi tâm . Không, tâm vẫn còn đó, chỉ tháo bỏ những vướng mắc, tri thức, thành kiến mà ta có từ trước, tâm của chúng ta sẽ hiện ra một cách mới mẻ, trong sáng . Trước hết chúng ta phải nhìn lại bản thân của chúng ta, đừng lên án, đừng phê bình, đừng bênh vực để thực hiện tâm không, tức không nghĩ đến điều thiện mà chúng ta ưa thích và điều ác mà chúng ta ghét bỏ, như thế những vấn đề khác như vinh nhục, thị phi, thất tình lục dục đâu có làm điên đảo chúng ta được . Chánh kiến về sự vật không thể nhận thức theo lòng ưa ghét hay yêu thích của chúng ta được. Cuộc sống tự nó đâu có thiện ác vì mỗi lúc mỗi chứa đựng một khoảnh khắc thường trụ . Khi chúng ta nói cái nầy Có là chúng ta khẳng định , cái kia Không là chúng ta phủ định . Ðó là suy luận theo kiểu nhị nguyên . Thực tướng của vạn vật không chịu được sự phân chia, biện biệt. Nó không phải Có mà cũng không phải Không . Màu trắng là trắng, nhưng cũng không phải là trắng (phân tích ra nó gồm có 7 màu) .
Con người vô tận vì nó là "sắc không" . Cái tâm cũng vô tận vì nó là "tâm không" . Ðem cái vô tận bên ngoài mà ứng cái vô tận bên trong là hành động của bậc giác ngộ . Giác ngộ là đến bờ bên kia (đáo bỉ ngạn) , nhưng đấy chỉ là nghĩa bóng , thực ra cái bờ ấy không có ở đâu cả, nhưng ở đâu cũng có . Không phải đợi kiếp sau mới đạt đến niết bàn mà ngay bây giờ trong nháy mắt nếu chứng ta đốn ngộ chúng ta cũng đạt đến niết bàn rồi. Chúng ta cần phải đạt đến tâm trạng không còn so sánh bờ bên nầy hay bờ bên kia, không có sinh, không có tử, không có chúng sinh, không có Phật, không có Mê, không có Ngộ . Cũng như không có bóng tối và ánh sáng . Ðó là chúng ta đã giải thoát, đạt đến cảnh trí niết bàn .

San José ngày 27-6-2009


Tham khảo :

-Nghe đọc kinh
-Nghĩ từ trái tim - Ðỗ Hồng Ngọc
-Dẫn vào Tâm Kinh Bát Nhã - Tuệ Sỹ
-Bát Nhã Tâm Kinh giảng giải - Thích Thanh Từ
-Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Ða - Thích Trí Thủ

Vườn Thiền

  
 http://www.oldcottage.net/vuonthien/truyenthien/truyenthien.html

Ngỡ rằng đồ thật hoá đồ chơi!....

Nguyễn Xuân Nghĩa - Một tháng sau khi biểu diễn khả năng cô hồn cao độ với việc uy hiếp Đông hải, Bắc Kinh quay ra hăm he Hoa Kỳ.

Chẳng là cuối tuần qua, sau khi họp với Phụ tá Ngoại trưởng Đặc trách Á châu Thái bình dương của Hoa Kỳ tại Hawaii, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc lên lớp côn đồ:
“có những quốc gia đang đùa với lửa” - xin phiên dịch rằng đó là Phi Luật Tân và Việt Nam. Sau đấy, Thứ trưởng họ Trương liếc qua phía Mỹ: “và tôi mong rằng Hoa Kỳ không bị phỏng tay vì chuyện đó”. Ngon!

Đã đành là ngon rồi, vì tuần tới Bắc Kinh sẽ cho hạ thủy “tầu sân bay” đầu tiên của mình. Gọi là chơi nổi để góp mặt với đời trên biển Đông.

Nhưng chưa ai biết là hàng không mẫu hạm này có… nổi không và việc thử nghiệm là gì. Thử máy xem có chạy không, hay là còn thử cho máy bay cất cánh và hạ cánh?

Trong khi chờ đợi thì hãy nghĩ đến truyện… “hồn Trương Ba, da hàng thịt” với màu sắc Trung Hoa. Rất khôi hài ảm đạm!

***


Năm 1985, Liên Xô cho thiết kế một hàng không mẫu hạm, hạng Admiral Kuznetsov.

Năm 1988, chiến hạm đó được khởi công và sau này đặt tên là Varyag. Đến năm 1992 thì mọi việc bỗng ngưng - vì Liên Xô sụp đổ. Chiến hạm có xác mà không hồn: trông thì rõ là hàng không mẫu hạm mà bên trong chưa có hệ thống điện tử!

Khi Liên Xô tan rã, Cộng hòa Liên bang chia của cho các nước Cộng hoà tách khỏi liên bang, chiếc Varyag được gán cho Cộng hoà Ukraine - như một của nợ. Và được Ukraine kéo lên ụ làm thịt bên bờ Hắc hải! Ruột gan tanh bành, không có máy, chẳng có cánh quạt, chân vịt, hay hệ thống điều dụng. Nó trở thành khối thép vô dụng, được cho bán đấu giá năm 1998.

Đấy là lúc các đấng con trời đỏ xuất hiện. Dưới dạng con buôn Hong Kong, của một hãng lữ hành.

Họ nhảy vào cò kè mặc cả và đấu giá rồi chi ra 20 triệu đô la để mua về cái vỏ tầu mà xứ Ukraine cho là đồ phế thải. Chẳng sao, năm đó Thiên triều đang chuẩn bị việc Macao “hồi quy cố quốc”. Cho nên lý do chính thức là kéo chiếc Varyag vô hồn này về làm sòng bạc nổi trên mặt nước! Mà nội một chuyện kéo cái vỏ tầu này qua mấy đại dương và eo biển về Hoa lục cũng mất gần hai năm.

Họ phải thuê một hãng Hoà Lan với thủy thủ đoàn Phi Luật Tân chạy lòng vòng trong Hắc hải qua vịnh Bosphorus rồi xuyên kênh đào Suez không được – không ai cho một con tầu chết đi qua hải lộ hiểm yếu này – nên phải trở qua eo biển Gibraltar, xuống tận mũi Hảo Vọng của Phi Châu mới về đến Châu Á… Một cuộc hành trình lịch sử chỉ kết thúc vào cuối năm 2001, gây tốn kém hơn 30 triệu đô la và rất nhiều giấy mực của báo chí.

Về đến nơi thì chiếc Varyag không ghé Macao mà lên thẳng Liêu Ninh, nằm ụ trong quân cảng Đại Liên.

Nơi đây, chiến hạm Varyag - sản phẩm thuộc diện đồng nát của Liên Xô thời tàn lụi, thuộc diện phế thài của xứ Ukraine thời khủng hoảng – bắt đầu thoát xác. Nó trở thành tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Trung Quốc với tên mới là Thi Lang, tên của viên Đô đốc đã “giải phóng” Đài Loan vào thời Mãn Thanh. Mất 10 năm tròn cho việc đỏ da thắm thịt này!

Bây giờ, Trung Quốc có đồ chơi mới, nên hăm Mỹ là coi chừng phỏng tay!

***


Nói về việc thành hình một hàng không mẫu hạm, người ta nhớ trước tiên đến chữ "mẫu hạm".

Một chiến hạm đầu đàn, chung quanh trên dưới còn rất nhiều võ khí quái dị khác để bảo vệ và khai trển sức mạnh. Khi ra khơi thì đó là một đội quân hoàn chỉnh ngoài đại dương. Sau đấy mới là một sân bay ngoài biển, để phóng ra và thu vào các chiến đấu cơ có cánh cố định – không phải cánh xoay như trực thăng.

Một tập hợp như vậy đòi hỏi nhiều điều kiện phối hợp về tổ chức, kỹ thuật, liên lạc, kiểm soát rất phức tạp. Phải mất nhiều thế hệ thiết kế và huấn luyện mới xong.

Cho tới nay, những hình ảnh đầu tiên được tiết lộ về chiếc Thi Lang uy dũng này vẫn cho thấy nhiều của nợ ngổn ngang trên sàn bay. Còn việc máy bay lên xuống ra sao thì chưa ai biết… Dù sao, nếu cứ có động cơ để chạy ra chạy vào được vài cây số thì cũng đã là một thắng lợi vĩ đại.

Ngẫu nhiên sao, năm nay Hoa Kỳ lại kỷ niệm 100 năm ngày hạ thủy hàng không mẫu hạm đầu tiên của mình! Và các hàng không mẫu hạm thời nay của Mỹ đều sử dụng năng lượng siêu hạng: hai chục năm mới phải một lần… xạc bình điện!

Phần mình, sau 90 năm của đảng Cộng sản, từ thời “lập quốc” cách nay một vòng hoa giáp 60 năm, quân đội Trung Quốc chủ yếu là một lực lượng lục quân. Chiến pháp xứ này là lấy lượng làm phẩm, lấy quân số làm ưu thế - để trấn áp bên trong! Lục quân Trung Quốc ngày nay vẫn có chừng một triệu 600 ngàn lính, có trang bị áo quần súng ống đầy đủ. Đông lắm, nuôi không xuể, nhưng vẫn hát khúc quân hành cho vui vì là một đội quân cổ điển với võ khí lỗi thời. Mà vẫn vô dụng, vì khi hữu sự bên trong, xứ này vẫn cần tới công an võ trang, cảnh sát đặc biệt, v.v…

Hơn 700 ngàn nhân mạng chứ không ít.

Năm qua, việc ngân sách “nội an” cũng cao bằng ngân sách quốc phòng cho thấy ưu tiên của lãnh đạo: dẹp loạn bên trong hơn là bành trướng ra ngoài!

Không quân và Hải quân là những quân chủng mới chỉ được Bắc Kinh cho hiện đại hoá từ vài chục năm trở lại. Và hiện đại hóa với võ khí thụ đắc của Liên Xô trên đỉnh cao Xô viết, khi xứ này bắt đầu tan rã hơn hai chục năm trước! Binh đội của hai quân chủng này chưa tới 600 ngàn lính, còn thua lực lượng nội an. Siêu cường đại bá chưa có khả năng “giải phóng” – một định nghĩa khác của chữ “chiếm đóng” - bất cứ xứ nào nằm ngoài lãnh thổ cố hữu của họ. Muốn tái diễn một cuộc chiến tranh Triều Tiên với chiến thuật biển người thì chỉ can tội… sát sinh. Bắc Kinh rất hiểu từ cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991 khi Hoa Kỳ không tập và diệt gọn các sư đoàn ưu binh của Saddam Hussein.

Nhưng sức mạnh nào chỉ có quân số vì còn phải nói đến võ khí và kỹ thuật chiến tranh nữa chứ?

Thưa vâng: ngày nay, hơn 70% võ khí Trung Quốc vẫn lệ thuộc vào đồ nghề cổ lỗ của Nga sản xuất từ thời Xô viết, phần còn lại là học lóm, là ăn cắp và đôi khi bị cấy sinh tử phù khi đi ăn cắp mà không biết! Cho đến nay, giấc mơ đại cường hải dương của xứ này mới chỉ thành hình với hai chiến hạm duy nhất có khả năng viễn duyên và quả nhiên là đã… dám đi tuần tra ngoài khơi Somalia để cùng thế giới tham gia tiễu trừ hải tặc.

Bây giờ lại có Thi Lang!

Chúng ta sẽ rất lầm khi dựa vào Hoa Kỳ để khiêu khích Trung Quốc, như Bắc Kinh ám chỉ. Nhưng Trung Quốc sẽ rất lầm nếu đòi dằn mặt nước Mỹ để thu gọn Đông Nam Á vào trong túi.

Hãy nói về tương quan hai xứ đó: Hoa Kỳ và Trung Quốc có lãnh thổ tương tự, gần 10 triệu cây số vuông. Nhưng, Trung Quốc hơn Mỹ nhờ dân số nên… phải nuôi nhiều hơn Mỹ khoảng một tỷ người trên cùng một diện tích. Chỉ nội khái niệm “phải nuôi” ấy cũng là điều đáng kể. Hoa Kỳ có dân số hơn 300 triệu mà không bao giờ có chữ “nuôi dân”: người dân tự nuôi lấy mình và còn sản xuất dư thừa nông sản lương thực để nuôi xứ khác. Trung Quốc có một tỷ 350 triệu dân trên một diện tích tương đương mà đất khả canh thì hẹp và chưa bằng một phần ba của trung bình toàn cầu. Vặt mũi bỏ mồm là động tác truyền thống.

Làm sao đòi dọa nạt một quốc gia có truyền thống hải dương từ thời lập quốc và nay vẫn là siêu cường quân sự toàn cầu?

Bây giờ, chuyện dẹp êm nội loạn chưa xong, Trung Quốc còn đòi chinh phục thiên hạ! Bắc Kinh chỉ có thể uy hiếp Hà Nội và mua chuộc đảng Cộng sản Việt Nam mà thôi. Vì sao không kín đáo thi hành việc đó như họ đã từng làm từ hai chục năm nay? Vì sao lại hung hăng dọa nạt và còn muốn cho Hoa Kỳ phỏng tay? Vì ta sắp có tầu sân bay?

Đúng là dịp may hy hữu cho Việt Nam tỉnh ngộ.

CÂU CHUYỆN NGÀY XƯA

CÂU CHUYỆN NGÀY XƯA
DTDB

-  Huỳnh Liên, Huỳnh Liên!
Hình như có tiếng ai gọi loáng thoáng tên mình, tôi không nghe rõ? Bởi cái nơ nơi quai nón cột bị sút ra đập vào chiếc nón lá nghe phành phạch, và xe đạp chạy ngược chiều gió. Tôi tấp vào lề, rà chân chõi cho xe khỏi ngã, rồi bỏ chân kia xuống đường. Nhìn qua nơi phát ra tiếng gọi hồi nãy, thấy một người đàn ông mặc quân phục băng qua lộ đi nhanh về phía tôi. Anh đến càng lúc càng gần chỗ tôi đứng đợi. Tôi cười tươi reo lên, hỏi một lèo:
-  Ồ, chào anh Vịnh, anh về hồi nào đó? Lâu quá mới gặp lại, anh vẫn khỏe chớ?
Vẫn đôi mắt to ngời sáng, bờ mi cong buồn buồn, dáng người dong dỏng cao, nước da xạm nắng. Áo trây-di còn vướng bụi đường xa, nụ cười nửa miệng, anh chào:
-  Vâng, lâu quá không gặp! Từ ngày Nguyệt Thu ra đi đến giờ anh ít về thành phố nầy. Nhưng Tây Đô vẫn là Tây Đô của thuở nào. Mỗi ngày Tây Đô càng thêm tấp nập, phồn thịnh hơn. Huỳnh Liên vẫn khỏe, và đi học thường chớ?
Tôi vui vẻ trả lời:
-  Cảm ơn anh, Huỳnh Liên khỏe lắm, vẫn đi học bình thường. Anh về phép thường niên hay tạm dừng lại trên đường quân đi?
Anh Vịnh nhìn tôi như dò xét, bảo:
-  Anh nghỉ mấy ngày phép. Không làm gì nên gặp dịp có xe ở hậu cứ đi lãnh thuốc men cho đơn vị, anh quá giang về đây thăm thằng bạn bị thương đang nằm ở quân y viện, và tiện dịp ngắm lại cảnh thành phố trong Ngày Quân Lực 19 tháng 6.
Tôi vỗ nhẹ vào trán, cười:
-  Thiệt tình, dạo nầy Huỳnh Liên bận học thi tối tăm mày mặt nên lẩm cẩm, và hay quên quá anh ơi! Thì ra, mốt là ngày lễ rồi. Anh được thư Nguyệt Thu thường chớ?
Anh Vịnh chớp chớp mắt, nhẹ giọng:
-  Thỉnh thoảng, nhưng anh không hy vọng gì ở tương lai. Ờ, bộ Huỳnh Liên không có đi dự lễ năm nay sao?
Tôi lắc đầu cười:
-  Dạ thưa anh không. Nhà trường chỉ cho lớp Đệ thất, Đệ lục, Đệ ngũ và Đệ tam đi thôi. Còn lớp Đệ tứ, Đệ nhị, và Đệ nhứt là năm thi, nên không được đi.
Anh Vịnh mời:
-  Vậy à? Nè, Huỳnh Liên có ngại đến tiệm giải khát bên kia đường, dùng với anh ly nước không?
Tôi nhìn theo hướng tay của anh Vịnh chỉ. Liếc mắt vào cái đồng hồ của mình, thấy đã trễ giờ của lớp học thêm. Tôi định từ chối, nhưng không nỡ, nên gật đầu:
-  Thưa, được anh.
Anh Vịnh vui nét mặt:
-  Vậy, chúng ta đi.
 
Thuở đó, bọn chúng tôi còn là học sinh trường nữ Trung học Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ). Đồng phục của chúng tôi là áo dài trắng quần đen hay quần trắng. Vào giờ ra chơi, hay tan học chúng tôi từ các lớp túa ra rồi nhởn nhơ như đàn bươm bướm trắng.
Buổi tan trường hôm nay mặt đứa nào cũng tươi rói như hoa nở mùa xuân. Vì chiều thứ sáu, và sáng ngày mai thứ bảy là ngày Quân Lực nữa. Lớp Đệ tam của chúng tôi năm nay được đi dự lễ ở khán đài đặt trước cửa dinh tỉnh Trưởng kế bên tổng hành dinh của Quân Đoàn IV.
Chúng tôi gồm có 4 đứa bạn rất thân (kể cả tôi). Và mỗi đứa rõ tánh tình của nhau mồn một: Chị Trà Mi lớn nhứt trong bọn, hơn 3 đứa tôi một tuổi. Nguyệt Thu lớn hơn tôi 6 tháng, còn Ái Chi thì nhỏ hơn tôi ba tháng. Chúng tôi tự đặt cho bọn mình cái tên thật là kêu, thật là gồ ghề “Tứ Nữ La Sát”. Cái biệt danh nghe oai phong lắm lắm và nghe dữ dằn như cọp cái! Nhưng thật ra đứa nào đứa nấy nhác còn hơn thỏ đế, và “rất dễ thương”
Con nhỏ Ái Chi là em út trong bọn, mà nó lại bự hơn cả chị Trà Mi. Bởi nó ăn hàng thầy chạy! Cái miệng nó ăn xàm xạp tối ngày như heo ăn cám. Trước cửa trường, các chủ xe bán nước mía, đậu đỏ, bánh lọt, cốc, ổi, chùm ruột, xoài sống ghim đường, khô mực nướng… đều biết mặt và biết cả tên nó nữa!
Cô ta có nước da trắng hồng, thân hình tròn trịa, tánh tình cởi mở vui vẻ, dễ khóc, dễ cười ít hay hờn giận ai, phá thầy chọc bạn cũng không ai hơn nó. Con nhỏ học đâu nhớ đó, thông minh, sáng dạ chi lạ! Thường một hai tuần trước ngày thi, cả bọn học bài muốn té thở, muốn ngất ngư con tàu đi. Còn nó trước giờ thi, lấy sách lật qua lật lại xem ngấu xem nghiến thôi. Ấy vậy mà lần nào kết quả điểm bài thi của nó cũng trội hơn tôi.
Chị Trà Mi có tánh tình đoan trang, điềm đạm. Dáng chị cao, gầy, nước da ngăm ngăm, đôi mắt sáng ngời. Nụ cười cởi mở và mỗi khi miệng chị cười thì đôi mắt cũng cười theo. Chị học giỏi nhưng khiêm nhường, chớ không phải ba hoa chích chòe như con chim chèo bẻo Nguyệt Thu.
Nguyệt Thu và tôi hay chọc ghẹo bạn và đùa giỡn ngầm. Hai đứa giận hờn nhau hoài, nhưng chừng đôi ngày không gặp thì lại tìm kiếm nhau.
Tôi thường khen Nguyệt Thu có vẻ đẹp thướt tha, ẻo lả như nàng Thuý Kiều trong truyện Kiều chúng tôi đang học. Bởi nó có thân hình ốm yếu, cao, khuôn mặt trái soan, da trắng xanh, hai hàng lông mi cong e ấp đôi tròng mắt đen lay láy, to và ướt rượt. Có lần nhìn nó một hồi, con Ái Chi bảo:
-  Trong số 4 đứa mình, tao thấy mầy đẹp nhứt đó Nguyệt Thu! Nhưng cặp mắt mầy thiệt là đa tình, và ủy mị, lẳng lơ quá đi thôi! Coi chừng sẽ làm hại chết đàn ông, thanh niên đó nghe mậy!
Đi gần bên bọn chúng, không nhịn được tôi cười ha hả, và giở giọng thầy đời, cắt nghĩa:
-  Thấy chưa Nguyệt Thu? Hôm trước, tao chỉ nói mầy yểu điệu đẹp như Thúy Kiều thì mầy giận tao cả tuần lễ. Nồi đất nồi đồng ơi, hôm nay con nhỏ Ái Chi khen mầy đẹp theo kiểu của nó thì mầy làm ơn, làm phước đừng có mừng húm, mà tưởng bở là nó khen thiệt nghen. Tao biết nó muốn nói mầy có cái mặt đẹp nhưng cái lòng thì của bà phù thủy xấu xa trong truyện “Bạch Tuyết 7 Chú Lùn” Chuyên làm chuyện hại người tốt không hà. Như vậy thì là nặng nề và độc địa lắm đó mầy à!
Thế là cả bọn chúng tôi cười vui như vỡ chợ, cười như tuôn ánh sáng. Và bị nhỏ Nguyệt Thu rượt đánh, chạy tứ tung ngoài đường, ngoài sá. Chúng tôi đã quên mình, đứa nào cũng tuổi mười bảy, mười tám. Ở tuổi hồng Nguyên Đán! Cái tuổi thích nhìn sao, ưa ngắm trăng! Cái tuổi ưa thơ và nhạc tình của lính! Cái tuổi biết buồn và biết mộng mơ…
 
Ngày Quân Lực đến mỗi năm. Đại diện các binh chủng đều có mặt trong ngày đại lễ nầy. Lễ được tổ chức trên đài cao hơn mặt lộ ngoài cửa lớn của dinh tỉnh trưởng. Nơi góc đường Phan Đình Phùng (kế công viên), Đại Lộ Hòa Bình (trước văn phòng Bộ chỉ huy Quân Đoàn IV), đường Phan Thanh Giản (hông trại gia binh).       
Thành phố Tây Đô mấy bữa nay rộn rịp khác thường. Mọi ngày thì chỉ ở các công sở, trường học mới treo cờ vàng ba sọc đỏ. Hôm nay, công tư sở, tất cả mọi nơi, nhà nhà, các cột đèn, công viên, các xe nhà, xe hành khách… đều treo cờ. Lá cờ Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa bay phấp phới dưới bầu trời xanh thẳm, gió mát lồng lộng chan hòa màu nắng thủy tinh. Màu nắng đẹp của miền Nam ấp ủ dân tình hiền hòa đôn hậu.
Từ sáng sớm, bọn nữ sinh chúng tôi chỉnh tề từng nhóm, từng nhóm đứng ngoài sân trường chờ Giám thị và cô hướng dẫn đi dự lễ ngày Quân Lực. 
Trước lễ đài, có đủ mặt đại diện các binh chủng, dân, cán, chánh trong vùng IV về tham dự. Sau nghi thức buổi lễ khai mạc được hoàn tất, thì đến phần diễn hành.
Trên không gian, những chiếc phi cơ biểu diễn: Từng chiếc máy bay nhẹ nhàng bay vút lên cao, hạ xuống thấp, nghiêng cánh đại bàng, chiếc nầy nối tiếp chiếc kia, nhào lộn… Rồi cả đoàn phi cơ bay hàng ngang thả khói màu. Dệt cờ vàng ba sọc đỏ lồng lộng trên cao có nền trời xanh biếc và tiếng nổ dòn của động cơ.
Các chiến sĩ Thiên Thần Mũ Đỏ với những chiếc dù lờ lững trên không trung. Rồi những chiếc thiết giáp chạy rầm rập trên đường. Pháo binh với những cây đại pháo bên cạnh những chàng trai hùng hiên ngang sẵn sàng nghinh chiến chống địch quân xâm lăng bờ cõi.
Đoàn người nhái với thân mình vạm vỡ rắn chắc. Binh chủng Hải quân với quân phục đại lễ bên cạnh những chiếc tàu chiến, những chiến hạm…
Kế tiếp đoàn Thiếu Sinh Quân.. Nữ Quân Nhân, Biệt Động Quân, Thám Báo, Địa Phương Quân, Nhân Dân Tự Vệ, Sư Đoàn 7, Sư Đoàn 9, Sư Đoàn 21 (có biệt danh là Sét Miền Tây), Xây Dựng Nông Thôn, Nghĩa quân… Sinh viên, học sinh, công chức… Tiếp nối diễn hành qua các con đường trong thành phố được hướng dẫn.
Một lực lượng quân nhân tinh nhuệ, một guồng máy chánh quyền hùng hậu như vậy thì từ Bến Hải đến Cà Mau người dân an cư lạc nghiệp. Nam nữ thanh niên đã đem trí tài mình tô đậm cho dải giang san gấm vóc miền Nam dưới chính thể Cộng Hòa. Thì dân miền Nam không ấm no hạnh phúc tươi màu sao được.
Dân cư trong thành phố, ở các vùng lân cận, lũ lượt kéo đến dự lễ, chiêm ngưỡng những chàng trai anh dũng về từ các chiến trường. Dân, quân vui hưởng hạnh phúc trong mấy ngày lễ lớn nầy đã làm cho Tây Đô nhộn nhịp, rộn ràng, tươi trẻ hẳn lên…. Ông bà cha mẹ mừng cháu, con, người thân của mình trở lại thăm nhà. Gia đình đoàn tựu, bạn bè họp mặt, em gái hậu phương đón mừng anh trai từ các chiến trường xa xôi ở địa đầu giới tuyến. Những nơi công cộng, công viên, những rạp hát… Đâu đâu cũng rợp bóng dáng những chàng chiến binh oai hùng.
 
Trong 4 đứa bạn thân, lúc nào tôi bị ba con kia trêu ghẹo và đặt cho cái biệt danh là “Thị Nở” Khi nào vui thì bọn nó gọi tôi: “Đông Thi” (ngược lại Tây Thi có quốc sắc thiên hương, là ái thiếp của một ông vua đời nhà Đường) Tôi không giận chút nào mà khoái chí cười hí hí chấp nhận, vì biết mình xấu xí. Tôi không đẹp nên không nói làm gì, còn ba con kia tự cho mình có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thùng mà chẳng có mống “bồ” nào là chàng trai hùng lính chiến để “Ngày về phép anh hẹn mình dạo phố/ Tay chinh nhân đang năm ngón tay mềm…” Ôi, thiệt buồn ơi là buồn, và tội nghiệp thì thôi!
Chiều đến nhà tôi mượn cuốn sách “Hồn Bướm Mơ Tiên”, đem về nhà đọc cho đỡ cảm thấy cô đơn, chị Trà Mi than vắn, thở dài:
-  Ngày lễ, thấy mấy con nhỏ bạn đi chơi vui mà mắc ham. Bọn mình, đứa nào cũng vậy, ăn no ngồi co một đống! Tao nhứt định sẽ tìm một chàng lính chiến miền xa để làm đẹp phố phường cho mầy coi…
Tôi cười mỉm chi cọp định chọc quê nàng ta. Nhưng chưa kịp mở miêng thì bỗng ngoài hàng rào nhà tôi có người lính, quân phục hẳn hoi gọi mở cửa. Tôi nhướng mắt nhìn kỹ, thì ra anh Phúc, con nhà bác tôi. Anh là lính Sư đoàn 9/BB, thường đóng quân ở vùng Sa Đéc, Thất Sơn, Châu Đốc về dự lễ ghé qua thăm. Tôi nheo mắt cười tươi nhỏ giọng “khịa” chị Trà Mi trước khi đi ra mở cửa:
-  Khỏi cần tìm đâu cho mệt, anh chàng lính chiến miền xa chị muốn tìm, đã lù lù tới rồi kia.
Ra mở cửa, hai anh em tôi vừa đi vào vừa hỏi thăm nhau vui vẻ. Bỗng anh bảo:
-  Hồi nãy anh thấy hình như có ai ngồi đây với em mà?
Tôi cười, lớn họng gọi:
-  Bạn học của em. Chị Trà Mi ơi. Chị đâu rồi?
Tôi bèn đi nhanh ra sân sau, vào nhà tìm kiếm Nhưng bóng hồng Sa Mạc của chị Trà Mi đâu mất tiêu không thấy? A, thì ra nàng ta mắc cỡ, mở cửa sau trốn về mất. Anh Phúc biết được cười nửa miệng không nói gì! Anh thăm hỏi qua loa rồi từ giã. Và anh còn bảo trước ngày trở ra đơn vị sẽ ghé qua thăm ba má tôi.
Họ đi rồi, tôi ngồi lơ đãng nhìn bầu trời xanh bát ngát, điểm lác đác vài cụm mây hồng, mây trắng xa xa. Ánh nắng hôm nay đẹp như trải lụa lên trần thế. Gió mát rười rượi, lồng lộng tung bay những lá Quốc Kỳ màu vàng rực rỡ. Đường phố dập dìu nam thanh, nữ tú, muôn hồng ngàn tía đã tạo cho Tây Đô sắc thái thêm tươi trẻ, huy hoàng…
Ngoại cảnh đã làm nội tâm con bé lọ lem và cù lần như tôi cũng bị giao động! Tôi cảm thấy thương thương, buồn buồn trong nỗi nhớ nhẹ nhàng lâng lâng. Nhưng không rõ nguyên nhân có từ đâu? Tôi thấy e thẹn cười thầm “Tôi buồn không biết vì sao tôi buồn” đích thị là đây! Rồi bỗng dưng tôi cảm thấy mắc cỡ với chính mình!
Lại tiếng gọi ơi ơí của ai ngoài cửa nhà, làm con nhỏ nầy trở về thực tế vậy cà? Hình như giọng eo éo của Ái Chi? Phải, nhỏ Ái Chi đó. Nó thướt tha trong chiếc áo dài màu hoa cà, quần sa-teng đen có rô-đê dưới lai, guốc sơn vẽ hoa, vẽ bướm, gót cao. Ôi chao, con nhỏ hôm nay sao mà diện quá ta? Trên cổ đeo xâu chuỗi, và đôi bông tai bằng ngọc trai màu ngà voi. Mèn ơi, nhỏ còn xí xọn xách bóp tay, che dù hồng nữa!
Tôi mở to mắt đôi mắt ốc bươu của mình định quở, nhưng dội ngược. Vì có hai chàng chiến binh đang kè kè đi bên cạnh nó. Mở cửa ra, làm tôi ngạc nhiên quá đổi.
 Người bên trái của Ái Chi là anh Tân. Bọn “Tứ Nữ La Sát” chúng tôi đều biết anh qua đêm đốt lửa trại liên trường gồm có: Phan Thanh Giản, Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ), Tống Phước Hiệp (Vĩnh Long), Thoại Ngọc Hầu (Long xuyên), Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá), Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho)…
Thuở đó chúng tôi vừa thi xong Trung học Đệ nhất cấp và anh Tân vừa thi Tú tài hai (chưa biết kết quả).
Rồi bẵng đi thời gian dài, hôm nay gặp lại! Anh oai phong trong bộ quân phục màu cỏ úa, bên vai áo gắn huy hiệu vệt sét. Đó là biệt danh Sét Miền Tây của binh chủng SĐ 21/BB trấn đóng ở vùng rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau. Hai chàng ta cười chào tôi. Nhỏ Ái Chi hướng mắt về anh Tân, lanh miệng:
-  Huỳnh Liên, còn nhớ ai đây không?
Tôi cười, khẽ gật đầu chào anh Tân và một quân nhân khác đi bên cạnh anh:
-  Anh Tân phải không? Lâu quá không gặp. Mời hai anh và Ái Chi vào nhà.
Hai chàng quân nhân và Ái Chi muốn ngồi nói chuyện ở ghế đá ngoài sân dưới tàng cây lệ liễu cho mát. Tôi vào trong rót nước bưng ra mời khách. Anh Tân giới thiệu, anh Hải ở cùng binh chủng và là anh em bạn dì của anh. Họ ghé qua, rủ tôi đi ăn chiều và sau đó đi xem phim “Mùa Thu Lá Bay” phỏng theo tiểu thuyết của bà sẩm Quỳnh Dao đang chiếu ở rạp Tây Đô. Tôi hứa với bọn họ đi xem phim thôi. Vì chiều nay tôi phải theo ba má qua ăn cơm gia đình ở nhà bác ruột tôi trong ngày lễ lớn nầy.
 
Thời gian có chờ đợi ai? Nó qua mau như cơn gió lốc. Mấy năm sau ngày Quân Lực đó. Chị Trà Mi tròn mộng ước, có người yêu là anh Phúc con bác tôi. Khi biết họ là bồ bịch với nhau tôi ngạc nhiên quá đỗi, tra hỏi. Chị cười mỉm bẽn lẽn, nhưng mắt long lanh động tình xuân, thố lộ:
-  Có gì đâu, lúc anh Phúc vào nhà mầy, tao lẻn cửa sau đi về, không ngờ lính quính thế nào mà ống quần vướng vào hàng rào kẽm gai. Tao còn đang tháo gỡ thì anh Phúc hiện ra. Thế là chúng tao quen nhau…
Tôi cười hí hí:
-  Vậy là hai người phải cảm ơn cái hàng rào nhà tui mới được!
Ái Chi sau khi đậu Tú tài một, thi tuyển đậu vào trường Sư Phạm Vĩnh Long. Anh Tân và nó sẽ đám cưới sau khi nó tốt nghiêp.
Con Nguyệt Thu thì kín đáo làm sao! Không biết nó đi học khóa người nhái hồi nào, mà sau buổi sáng cả bọn dự lễ ngày Quân Lực đó, thì nó lặn mất tiêu! Nó lặn thật kỹ! Nó lặn thật sâu! Lặn cả tháng sau, con nhỏ mới trồi lên và thì thầm kể lể, bởi sợ “Tứ Nữ La Sát” sẽ mở phiên tòa bất thường, xử tội tên không thành thật khai báo nầy! Nguyệt Thu cười ngỏn ngoẻn khi bị bọn tôi tra khảo hạch hỏi lung tung. Nó nói:
-  Lỗi đâu phải tại tao không khai báo. Bây nghĩ coi: Ba đứa bây là cái thứ chằng ăn trăn quấn, sấu táp ăn 7 ngày không hết còn lại cái đùi. Ai mà qua mặt tụi bây được? Và nghe đây, tụi bây mỗi đứa còn có 2 con mắt, 3 đứa cộng lại là 6 con mắt, sáu lỗ tai. Bộ tụi bây điếc, tụi bây đui hết sao mà không thấy tao ra choàng vòng hoa chiến thắng?
Tôi nổi nóng, nguýt nó:
-  Đồ con mắc toi! Nói vậy mà nghe được à? Người đông như kiến cỏ. Đừng có xạo để chối quanh nghen mậy. Trước đó mầy có nói với bọn tao là mầy đi choàng vòng hoa chiến thắng đâu?
Chị Trà Mi trầm tĩnh hơn:
-  Thôi hãy kể tại sao, nguyên nhân nào mà mầy quen với anh Vịnh cho bọn tao nghe đi? Không được ăn gian nói dối.  Nếu lọt lỗ tai thì bọn tao sẽ khoan hồng tha cho không xử tội…
Mắt Ái Chi sáng ngời, nhưng cũng tru tréo hăm he :
-  Phải thành thật khai báo đừng có đía dóc, hoặc nói xạo thì bọn tao sẽ quết mầy nhừ như mấy bà Bắc Kỳ quết giò sống để làm chả lụa đó nghen.
Cả bọn ôm bụng cười bò lăn, bò lộn. Tôi nôn nóng, hối:
-  Nói đi mậy, nói nhanh đi, bọn tao đang chờ nghe chuyện tình đôi mươi lâm ly bi đát, hết thuốc chữa của mầy đây.
Nhỏ Nguyệt Thu háy tôi con mắt có đuôi. Rồi trề môi nói:
-  Vô duyên, ai cần chữa! Chuyện của tao chớ bộ chuyện của mầy sao mà mầy nóng quá vậy?
Tôi bị nó mắng chưa kịp cự lại, thì con nhỏ Ái Chi cười hí hí, xen vào:
-  Ờ há, mầy nói đúng, thật sự con Huỳnh Liên không có «viên» nào hết. Nhưng tụi tao muốn nghe duyên của hai đứa bây kìa.
Mấy đứa nó lại phá lên cười. Tôi ngu ngơ, định mở miệng nhưng chưa kịp hỏi tại sao chúng cười? Thì tôi lại bị con Ái Chi mắng át:
-  Mầy chậm tiêu quá Huỳnh Liên! Thôi nín đi, hãy nghe con Nguyệt Thu kể.
Nguyệt Thu nhướng nhướng đôi mắt phượng, sáng ngời long lanh gợn sóng tình, cười mím chi bảo:
-  Số là sáng ngày lễ tao có biết mô tê chi đâu. Tao cũng đi dự lễ như tụi bây thôi. Sắp vào lễ, bà Giám thị bươn bả đi kiếm tao thế chỗ cho con nhỏ Thân Ngu (Thu Ngân) lớp Đệ Tam 3, có tên trong danh sách choàng vòng hoa chiến thắng hôm đó, mà nó bị bịnh không đi được. Ngộ thiệt, người tao choàng lại là anh Vịnh. Tụi bây có đứa nào mà không biết ảnh? Ảnh ở xóm nhà tao trong chợ Tham Tướng đó mà. Trước kia mặc dù ở cùng đường, hàng ngày đi học gặp nhau, nhưng tao có quen ảnh đâu? Sau khi đậu phần hai, ảnh tình nguyện vào trường Võ Bị Đà Lạt. Tốt nghiệp, anh được bổ xung vào binh chủng SĐ21/BB đóng quân ở Cà Mau, Năm Căn… Sau ngày lễ tao được choàng vòng hoa cho ảnh đó, chúng tao hẹn nhau đi ăn, đi dạo trong mấy ngày anh nghỉ phép. Rồi thư đi, thư về để bây giờ thì tao trở thành người yêu của lính. Ảnh là lính chiến rày đây may đó. Sự sống bấp bênh tội lắm. Nhưng «Làm người yêu lính chiến là chấp nhận thương đau là chấp nhận xa nhau» mà lại…
 
Mắt tôi buồn buồn, tay xoay xoay ly nước mía nghĩ ngợi xa xôi. Vì nay bọn «Tứ Nữ La Sát» của chúng tôi đã tản lạc hết rồi. Trà Mi trở thành chị dâu sau khi lấy anh Phúc con bác tôi. Ái Chi học trường Sư Phạm ở Vĩnh Long, ít khi thư từ cho tôi vì nó đang lặn ngụp trong tình yêu bên anh Tân, thì còn thì giờ đâu nhớ đến con bạn nầy nữa. Nhưng tôi không buồn mà mừng và chúc phúc cho bọn nó. Nguyệt Thu sau khi đậu Tú tài một, nó được hội Cha Mẹ Nuôi Quốc Tế bảo lãnh qua bên Mỹ học 4 năm. Vì tương lai, nó từ giã người yêu ra đi cũng gần 2 năm rồi.
-  Huỳnh Liên nghĩ gì mà có vẻ xuất thần quá vậy?
Tôi giựt mình nuốt vội ngụm nước mía, trả lời:
-  Em nghĩ chuyện ngày xưa.
Anh Vịnh hỏi xuôi:
-  Vậy sao? Huỳnh Liên không nghĩ đến chuyện tương lai?
Tôi cười, tự nhiên:
-  Dạ, có chớ anh.
-  Liên nghĩ gì về tương lai?
Tôi cười e thẹn:
-  Năm rồi em trợt vỏ chuối, năm nay hy vọng sẽ thi đậu phần hai.
-  Chỉ vậy thôi sao?
-  Thưa anh, chỉ vậy thôi. Tham lam quá thì Trời Phật không đáp lại sự yêu cầu của mình. Em nghe nói Nguyệt Thu sắp dời qua tiểu bang khác? Nó học hành theo kịp người ta không? Em mong được dự đám cưới của hai người…
 
Thời gian lặng lẽ qua mau! Nay cũng gần 40 năm rồi. Mỗi cái tích tắc của kim đồng hồ thì trên thế gian nầy có biết bao nhiêu vật đổi sao dời! Bây giờ tôi đã hai màu tóc. Hàng ngày giữ hai đứa cháu ngoại kháu khỉnh dễ thương. Sống an nhàn với tuổi già không còn háo thắng, tranh đua, bươn chải như mấy mươi năm trước lúc gia đình bôn đào khỏi quê hương lưu lạc đến xứ người.
Sau cuộc đổi đời đó, bạn bè xưa kẻ còn người mất, mỗi đứa một nơi. Vợ chồng anh Phúc và Trà Mi vẫn kẹt bên nhà. Họ đã là ông bà nội, ngoại rồi. Tội nghiệp, Ái Chi sống nghèo khổ với 4 đứa con, từ khi giặc vào nó bị nghỉ dạy và anh Tân chết trong tù cải tạo. Mà thỉnh thoảng tôi cũng gởi quà về cho nó nhưng có nhằm nhò thấm tháp gì đâu! Như cơn nắng hạ nhễu vài giọt mưa. Còn  Nguyệt Thu thì tôi không có tin tức gì của nó cả. Mặc dù sau nầy tôi có nhờ các đài, và báo chì kiếm tìm nhưng bóng chim tăm cá.
Người ta tưởng ở Mỹ sung sướng lắm! Nhứt là trong tâm tư của những họ hàng tôi còn kẹt lại ở quê nhà. Sau những năm tháng dài làm việc vất vả để phụ chồng nuôi con ăn học. Bây giờ mấy đứa nhỏ của chúng tôi ra trường đi làm có tiền, chúng không còn nhờ vào hai bộ xương già nầy nữa. Thật sự nếu có nhờ cũng hết xí-quách rồi, còn sức đâu đi cày như hồi chân ướt, chân ráo mới đến xứ nầy.
Ở Mỹ sung sướng thật, đó là tự do. Mùa hè năm nay, từ tiểu bang xa tôi đi qua qua miền Bắc California dự đám cưới đứa cháu con của người em cô cậu với phu quân tôi. Trong dịp nầy chúng tôi lấy hai tuần nghỉ hè để viếng vài thắng cảnh nổi tiếng của Thung Lũng Hoa Vàng và Vùng Vịnh nầy cho mãn nhãn.
Hôm đó, vợ chồng cô em họ, rủ chúng tôi đi dự ngày Quân Lực 19 tháng 6. Do cựu Tù Nhân Chánh Trị, và cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tổ chức tại một hội trường lớn. Người người đến dự đại hội đông đảo, các hàng ghế dài người ngồi chật hết. Còn một số quan khách khá đông đứng sau, và dọc theo hai bên hông của hội trường.
Thú thật, trong đời tôi từ đi học cho đến bây giờ, tôi mê và thích hát nhứt bài Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa. Vì ngay từ còn đi học tôi được hát mỗi buổi sáng trước khi vào lớp. Tôi được hát vào các buổi lễ đông người lúc còn ở quê hương cũng như lúc bôn đào nơi hải ngoại. Tôi được tự do hát. Tôi hát trong tâm hồn phơi phới, hát trong hiên ngang, hát trong niềm phấn khởi, hát trong niềm tự hào, hát trong niềm kiêu hãnh dâng lên. Tôi hát mà đắm hồn mình theo lời ca điệu nhạc rền vọng nơi hội trường, và vang vang trong không gian.
Trên 3 hàng ghế tôi ngồi, xéo bên tay phải có một phụ nữ dáng người thư thả, nét mặt thanh tú dễ nhìn mà tôi cảm thấy hình như đã gặp bà ta ở đâu? Suốt buổi lễ, mắt tôi cứ dán vào người đàn bà ấy. Tôi cố moi trí mình để nhớ, và hồi tưởng… Nhưng vô hiệu! Bỗng người đàn bà đó quay nhìn xuống. Mắt chúng tôi chạm nhau. Rồi cả hai mỉm cười lịch sự cùng nhẹ gật đầu chào.
 Sau phần nói về ý nghĩa ngày Quân Lực của ban tổ chức, thì đến phần văn nghệ bỏ túi, lính hát, lính nghe. Không khí hội trường trở nên ồn ào, náo nhiệt, vui tươi. Những bộ quân phục các anh mặc, và huy hiệu gắn trên áo các anh tượng trưng cho từng binh chủng một, như: SĐ7/BB, SĐ9/BB, SĐ Dù, Chiến Tranh Chánh Trị, Biệt Động Quân, Không Quân, Hải Quân… Ngày hôm nay, gần như đủ mặt cựu quân nhân các binh chủng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Kẻ ngồi người đứng hàn huyên tâm sự, ăn uống, truyện trò thỏa thích. Tôi cảm thấy lòng bồi hồi xúc động nhớ đến thuở ngày xưa!
-  Chị ơi, xin lỗi chị ở đâu đến, sao trông mặt chị quen quá?
Tôi quay lại. Thì ra người phụ nữ ngồi trên tôi lúc nãy. Tôi cười :
-  Tôi ở tiểu bang xa mới qua đây. Tôi cũng thấy chị quen mặt lắm. Xin lỗi chị tên gì và đến Mỹ năm nào?
Tôi lại đường đột hỏi chị! Tôi đã phạm vào một trong những điều kỵ về lịch sự xã giao mà người dân bản xứ không bao giờ hỏi nhau như vậy. Nhưng tôi là người Á Đông! Lại là người Việt và nhứt là ở miền Tây nữa!
          Người phụ nữ đối diện tôi, tuy đứng tuổi, nhưng vẫn còn nét trang nhã, nhứt là miệng chị cười tươi như hoa nở. Chị vui vẻ trả lời :
-  Tôi du học trước ngày Việt Cộng chiếm miền Nam, Thu là tên của tôi. Còn chị đến đây năm nào? Việt Nam chị ở đâu, và chị tên gì nhỉ?
Đó, thấy chưa? Tôi tự biện hộ cho mình như vậy, có sai đâu? Chị ta cũng hỏi tôi thế mà! Tôi cởi mở, cười bảo :
-  Tôi ở Cần Thơ, tên Liên. Việt Cộng vào, chạy bỏ xứ!
Không ai bảo. Bỗng dưng chúng tôi cùng một lúc chỉ mặt nhau, và cùng một lúc nói như hét: «Huỳnh Liên! Nguyệt Thu!». Rồi chúng tôi ôm chầm lấy nhau, nức nở, nghẹn ngào!
Tôi vẫn nhớ rất rõ, Nguyệt Thu sang Mỹ học. Chúng tôi thỉnh thoảng thư từ thăm hỏi nhau. Sau ngày 30 tháng 4 năm 75, Việt Cộng chiếm miền Nam thì chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc cho đến nay.
Nỗi vui mừng, cảm động, bùi ngùi quấn chặt hai đứa. Bỗng Nguyệt Thu buông tôi ra, nước mắt còn ràn rụa, mà miệng cười tích toác, bảo:
-  Mầy đứng đây, đừng đi đâu hết, đợi tao một chút nghen Huỳnh Liên.
Tôi chưa kịp phản ứng, nó lẻn vào đám đông mất dạng. Vài phút sau, con nhỏ săng sái kéo lôi tay một người đàn ông có dáng gầy, cao, đi về phía tôi:
-  Huỳnh Liên, mầy nhìn kỹ xem ai đây?
Tôi chớp mắt, ngỡ ngàng, miệng lắp bắp như đang bị mắc nghẹn:
-  Anh, Anh… Anh Vịnh! Phải anh Vịnh không ? Nồi đồng, nồi đất ơi, tui có nằm mơ không cà?
Hơn 40 năm rồi, chúng tôi mới gặp lại! Vợ chồng tôi đến nhà nó ngủ một đêm. Hai ông chồng chúng tôi khề khà bên mấy lon bia kể chuyện vui buồn lúc còn trong đời quân ngũ. Những thống khổ, đoạn trường lúc trong tù cải tạo. Còn tôi và nó tha hồ kể cho nhau những chuyện ngày xưa. Tôi kể những chuyện xảy ra, nhứt là lúc nó rời quê hương đi du học, và sau khi Việt cộng chiếm miền Nam… Hai đứa chúng tôi có lúc cười như điên, có lúc thì đầm đìa nước mắt.
Nó bảo:
-  Mầy biết không Huỳnh Liên? Trước ngày tao du học. Tao và anh Vịnh hẹn là sẽ đợi chờ nhau. Khi tao đi học 4 năm trở về sẽ làm đám cưới. Như mầy biết, tao đi chưa được 3 năm, thì miền Nam bị mất, và bọn tao cũng mất liên lạc từ đó. Cho mãi cách đây 4 năm, ảnh và tao tình cờ gặp lại. Thì ra ảnh đến Mỹ theo diện H.O từ 5 năm trước. Chúng tao ở cùng thành phố, chỉ cách nhau mấy con đường thôi. Vợ ảnh đã qua đời, để lại 3 đứa con. Đứa nhỏ nhứt cũng đã đi làm và lập gia đình năm rồi.
Nói đến đây, nó nhìn tôi cười chúm chím, tiếp:
-  Mầy xem, cuộc đời như một giấc chiêm bao! Giờ thì bọn tao sống chung với nhau. Từ trước cho đến gặp lại ảnh tao vẫn chưa lập gia đình. Cũng có nhiều cơ hội để tao lấy chồng chớ. Nhưng không biết sao tao không muốn. Có lẽ số tao mắc nợ ông Vịnh nầy! Bọn tao đã hưu trí rồi, nên hay đi viếng chỗ nầy chỗ kia trên nước Mỹ. Có khi đi qua các nước khác, nhưng chưa về Việt Nam lần nào… Vì ba má tao đã qua đời, chị và anh tao cũng chết mấy năm trước. Hai đứa em tao bảo lãnh qua, cũng ở gần đây… Bây giờ thì bọn tao là đôi bạn già sớm tối có nhau, vui vẻ lắm… Còn bọn mầy thì sao? Anh Hải còn tiếp tục ngành luật như thuở ngày xưa ở quê nhà không?
Nheo mắt buồn nhìn nó, tôi cười lí lắc:
-  Qua bao nhiêu thăng trầm dâu bể của cuộc đời! Qua chuyến vượt biên thừa chết thiếu sống, bọn tao đến đây “lỡ chợ, lỡ quê” nên chẳng còn tâm trí đâu để mà giồi mài kinh sử. Đến xứ tạm dung, vợ chồng tao làm “cu li” đi cày mệt nghỉ để nuôi đám nhỏ học hành. Bây giờ chúng đã lớn, có công ăn việc làm tự lo hết rồi. Ông chồng tao đã hưu trí, bây giờ một tuần đôi ba lần ra dòm ngó giúp cho công việc của con gái, và ngày ngày đưa rước hai đứa cháu ngoại đi học là niềm vui của ổng. Còn tao vẫn là câu mầy hay bảo lúc xưa “Con Huỳnh Liên đặng không mừng, mất không lo… lơ thơ tơ liễu buông mành…”  Để hoài niệm một thời đã qua, tao hay viết lách bày tỏ nỗi lòng của mình và của tha nhân! Mầy nghĩ coi, có ai mà biết trước được ngày sau sẽ ra sao!
 
Tệ xá Diễm Diễm Khánh An
DƯ THỊ DIỄM BUỒN
Tuyển tập truyện ngắn:
“Những Chặng Đường Tôi Đã Đi Qua”

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Chuyện Người Nghĩa Quân Thờ Hình Của Chính Mình

Chuyện Người Nghĩa Quân Thờ Hình Của Chính Mình
                                      Tác giả :Phạm Thành Châu.                                                                                      
Rừng thiêng sơn trại không hò trận
Chỉ thấy tiêu điều những bóng ma
(Viên Linh)

Tết năm đó tôi về Việt Nam ghé thăm bạn bè. Đến miền Trung, tôi được một người bạn rủ thăm mộ một người bạn khác. Từ một thị trấn miền biển, chúng tôi ra quốc lộ Một, theo hướng bắc, lên một đèo nhỏ, đến đỉnh đèo, thay vì xuống dốc, bạn tôi cho xe chạy vào một đường mòn dọc theo chân núi. Đây là một vùng hoang vắng, cằn cỗi, toàn đá, cây lưa thưa, cao không quá đầu người. Chiếc xe gắn máy cứ nhảy chồm chồm, như con ngựa trở chứng, mấy lần suýt ngã xuống vực. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được một nơi, hơi bằng phẳng, có mười mấy ngôi mộ đất, nằm rải rác trên một diện tích khoảng một cái sân lớn. Bạn tôi chỉ một mô đất có miếng gỗ nhỏ ghi chữ Tư bằng hắc ín bạc màu.
- Nó nằm đây!
Chúng tôi lấy nhang, đốt lên, đứng trước mồ bạn, khấn vái mấy câu. Trong giây phút tưởng niệm, tôi như hình dung rõ bạn tôi trong những ngày cùng ngồi chung lớp, chung trường. Bạn tôi vui tươi, khỏe mạnh, yêu đời, lúc nào cũng nói chuyện tếu được, khiến cho dù ai có chuyện buồn cũng phải bật cười… Rồi cảm tưởng như tất cả những người nằm trong các ngôi mộ rải rác chung quanh đều là bạn thân thiết, vong linh họ đang đứng bên cạnh, tò mò nhìn xem chúng tôi làm gì? Ý nghĩ đó khiến tôi thêm ngậm ngùi, thương cảm. Tôi khấn lầm thầm. “Chúng tôi rất hãnh diện có được những người bạn đã chọn một cái chết hào hùng để bảo vệ tự do, bảo vệ đồng bào. Sự hy sinh của các bạn càng thêm ý nghĩa sau khi cộng sản Bắc Việt chiếm đóng Miền Nam. Dân chủ, tự do không còn nữa!” Tôi cũng trấn an người bạn học quá cố của chúng tôi khi nói về cuộc sống ổn định của vợ và các con của bạn “Anh em đồng môn luôn tìm cách an ủi, giúp đỡ chị và các cháu”. Khấn xong, chúng tôi đem nhang cắm lên tất cả các ngôi mộ.
- Chỉ thằng nầy là dân hành chánh, còn mấy cậu nằm chung quanh toàn quân nhân. Nhảy dù với nghĩa quân.
- Có lẽ phải xây một cái khung cho tất cả các ngôi mộ nầy, rồi đổ đất lên mới không bị mồ xiêu mả lạc.
- Lần trước, lên đây, tôi có gặp anh chàng sống một mình trong mái tranh đằng kia, mình có thể nhờ anh ta lo vụ nầy…Chắc không tốn bao nhiêu.
Mới buổi sáng mà nắng đã gay gắt. Tôi đứng nhìn quanh. Một bên là núi cao, một bên là sườn núi thoai thoải, chạy đến một rừng cây xanh có lẽ là điểm nước, thấp thoáng sau hàng cây là quốc lộ Một, mấy chiếc xe đang chạy trên một cây cầu nhỏ, bắc qua một con suối, về mùa hè nên nước cạn, chỉ thấy lấp loáng ánh nắng qua những gộp đá nhỏ. Bạn tôi chỉ tay về hướng bên kia đồi.
- Nhà anh ta dưới tàng cây lớn kia kìa, nếu để ý, quá khỏi tàng cây, có cái gò cao, giống hình người đang ngồi. Bạn thấy chưa? Đó là cái gò mối, nhưng người ta đồn đãi là mộ của một cô gái rất linh thiêng. Bây giờ mình thử đến đó xem sao.
Chúng tôi đi băng qua đồi. Đường rất khó đi nên phải đẩy bộ chiếc xe gắn máy, có khi phải khiêng qua những những tảng đá lớn chắn lối hay những rãnh sâu. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đến nơi. Đó là một căn nhà tranh vách ván, nằm dưới một cây mít có tàng lớn che gần hết mái nhà. Sau nhà là một khu vườn vuông vức mỗi cạnh độ vài trăm thước, trồng cây lưu niên làm hàng rào, trong vườn là những luống khoai lang, khoai mì và bắp, góc vườn có một giàn bầu hay bí gì đấy. Nhà vắng tanh. Chúng tôi lên tiếng.
- Có ai trong nhà không?
Một người đàn ông từ sau bếp bước ra.
- Có tôi!
Anh ta khoảng trên bốn mươi, người hơi ốm nhưng rắn rỏi, da sạm nắng, tóc cắt ngắn, đôi mắt chơn chất sáng lên niềm vui của kẻ sống cô độc được có người đến thăm.
- Chào quí anh. Quí anh có chuyện gì mà lên chỗ hẻo lánh nầy?
- Chúng tôi đi thăm mấy cái mộ đằng kia, nhân tiện ghé thăm anh, định nhờ anh chút chuyện.
Anh ta cười, đưa hàm răng vàng khè vì khói thuốc.
- Lúc mấy anh đi lên, tôi đã thấy rồi. Vậy chứ mấy anh có thân nhân, bạn bè gì nằm ở đó?
- Có ông bạn học…Lên thăm, và định xây cho nó cái mộ cho tươm tất, để mộ đất, lâu ngày, gió mưa trôi hết, sau nầy tìm không ra.
- Mời hai anh vô nhà ngồi uống nước.
Chúng tôi bước vào. Đó là một ngôi nhà tranh nhỏ tầm thường. Nhà ba gian, giữa là bàn thờ, có tấm màn che. Bên trái là chiếc giường nhỏ, có lẽ là chỗ ngủ của chủ nhà, bên gối tôi thấy có mấy quyển sách, vì phép lịch sự tôi không nhìn kỹ sách gì nhưng như thế chứng tỏ chủ nhà là người có học và có thú vui đọc sách. Bên phải là một căn buồng đóng cửa. Trước bàn thờ là bàn nước bằng gỗ mộc, cũ kỹ, để một bình tích trong trái dừa khô, giúp cho nước giữ nóng được lâu, mấy cái ly thủy tinh trên một dĩa lớn. Có bốn cái ghế dựa để tiếp khách. Anh kéo ghế mời chúng tôi rồi xuống bếp thổi lửa nấu nước, pha trà. Chúng tôi ngồi nhìn quanh, hỏi vọng xuống bếp.
-Anh sống một mình sao?
Anh ta đi lên nhà trên.
- Tôi sống một mình. Cũng hơn mười năm.
- Không buồn à? Kiếm một bà về ở chung để có người chuyện trò, ốm đau còn nương tựa nhau.
- Tôi có vợ rồi, nhưng vợ mất, tôi ở vậy…thờ vợ.
Tôi pha trò.
- Anh có hiếu với vợ dữ! Cô vợ anh chắc sẽ mỉm cười nơi chín suối khi có được người chồng chung tình như anh.
Anh ta chỉ cười, xuống bếp lấây ấm nước lên, mở nắp bình tích, bỏ trà, chế nước sôi vào.
- Sống một mình cũng quen. Xuống phố thấy xe cộ, người nói, ồn ào, chỉ muốn về nhà cho yên tĩnh.
- Đất vùng nầy cằn cỗi, sao vườn anh tươi tốt vậy?
-Phải xuống suối móc sình lên đắp, mấy đời như thế nên mới trồng trọt được. Mấy anh đi thăm mộ ai ở đằng đó?
- Thăm người bạn, tử trận hồi bảy lăm. Bởi vậy mới định nhờ anh…
Anh ta ngồi lên giường, gác tréo chân, thong thả vấn điếu thuốc lá.
- Thỉnh thoảng tôi có ghé thăm chừng, thắp nhang, dọn cỏ mấy ngôi mộ đó. Mấy anh định xây cho mộ nào?
- Có ông bạn học nằm đó. Cũng định xây luôn cái khung chung quanh tất cả các ngôi mộ rồi đắp thêm đất lên cho mưa lũ khỏi trôi mất. Anh có thể giúp được không?
- Có phải mấy anh định xây mộ cho ông phó hành chánh nằm đó không?
- Sao anh biết?
- Tôi là lính phòng thủ quận hành chánh. Nghĩa quân tụi tôi với ông phó thân lắm. Đúng ra thì ông phó không có nhiệm vụ tác chiến, thiếu tá quận trưởng bảo ông đưa gia đình về Sài gòn, mục đích để khỏi phải đánh nhau, nhưng ông phó chỉ gửi vợ con đi còn ông ta thì ở lại. Ôâng phó bảo đã tốt nghiệp sĩ quan Thủ Đức mà lại trốn chui trốn nhủi thì nhục lắm. Mời mấy anh dùng trà.
Vẻ dè dặt không còn trong cách đối xử của anh ta.
- Các anh yên tâm. Nếu các anh muốn xây thêm cái “khuỷnh” cho tất cả các ngôi mộ thì tôi cũng xin góp chút công. Tôi chỉ tính vật liệu thôi, không tính tiền công. Bây giờ tôi đề nghị thế nầy. Các anh ở lại đây nghỉ trưa, chúng ta sẽ có thì giờ bàn lại kỷ hơn chuyện mồ mả. Tôi xin mời các anh một bữa trưa. Chỉ kẹt là không có rựợu, chớ còn mồi thì lúc nào cũng sẵn sàng. Bắt con gà rồi quơ bậy mớ rau thơm là có ngay một nồi cháo. Hai anh cứ ngồi chơi, đợi tôi. Hay là ra sau hè, có gió, mát hơn ở trong nhà.
- Tụi tôi đâu biết nhậu, có cháo gà mà húp cũng đủ khoái rồi.
Hai đứa tôi ra sau hè, tôi nằm đong đưa trên võng, người bạn ngồi trên cái ghế dài, tựa vào vách nhà. Gió biển thổi lên mát rượi, mấy con chim sâu hót trong bụi rậm, tiếng gió rì rào trong cảnh vắng vẻ, tĩnh mịch… Đúng là cõi thần tiên nơi góc núi. Hai đứa tôi chuyện trò linh tinh một lúc, độ hơn nửa giờ thì anh ta bưng nồi cháo ra, đặt trên một cái bàn nhỏ, thêm mớ chén, đũa, vậy là chúng tôi vừa sì sụp vừa chuyện trò.
- Bây giờ anh kể vụ bảy lăm, ở đây, xảy ra những chuyện gì? Tụi tôi chỉ nghe mang máng có đánh nhau dưới cầu kia, anh có tham dự không?
- Có chứ! Khi có vụ di tản từ Cao Nguyên xuống thì ở quận, tụi tôi được lịnh ứng chiến. Ông phó hành chánh, tức bạn của hai anh, dẫn trung đội nghĩa quân tụi tôi lên chốt trên kia. Tụi tôi đóng ở đó được mấy ngày thì có một đại đội dù đến tăng cường. Ông phó phối hợp với bên dù cho gài mìn dưới cầu đằng kia, chờ tụi hắn đến thì giật sập cầu và chận đánh. Một toán nằm dọc bờ suối, phục ở đó, chờ địch. Tôi và một anh nhảy dù lo việc giật mìn. Nhiệm vụ tôi hễ bấm xong mìn thì lên chỗ gò kia nằm, theo dõi và gọi máy báo cáo khi thấy địch xung phong lên núi. Thế rồi, địch xuất hiện, chạy một dọc cả chục chiếc xe lớn chở đầy bộ đội. Tôi bấm mìn giật sập cầu, mấy anh nhảy dù thụt M72, cháy mấy chiếc xe đi đầu, rồi xả súng như mưa. Từ ngày tôi đi nghĩa quân, thỉnh thoảng có hành quân lùng sục du kích, nhưng việt cộng chỉ bắn mấy phát rồi bỏ chạy, chứ chưa thực sự đụng độ bao giờ. Đến lúc đó tôi mới biết thế nào là đánh nhau. Ôi thôi! Súng nổ khắp nơi, rầm trời, rầm đất. Tôi bò lên chỗ gò mối nằm dòm chừng để báo cáo tình hình. Đến chiều thì xe tăng tụi nó đến. Đại bác của xe tăng thụt phe ta chạy tứ tán, phải núp sau mấy tảng đá, hi vọng tụi nó xung phong theo bờ suối thì nhào ra. Vậy mà chúng chỉ bắn cầm chừng, đến tối, chúng vào giở nhà dân bắt cầu, suốt đêm, sáng hôm sau chúng đi mất tiêu. Coi bộ chúng không thiết đánh nhau, chỉ lo chạy vô phía Nam mà thôi. Sáng đó tụi tôi cũng thu dọn chiến trường, chôn mấy người chết, băng bó người bị thương rồi cũng di chuyển theo đường núi về hướng Nam. Đến tháng Năm thì tan hàng, ai về nhà nấy. Tôi về trình diện chính quyền cộng sản, đi học tập, nghĩa là đi nghe chửi, lao động sản xuất rồi được về nhà. Tôi về đây phụng dưỡng ông bà già. Được năm năm hai ông bà qua đời, tôi vẫn ở đây lo hương khói, chăm nom mồ mả cha mẹ, vợ con cho đến bây giờ.
Ăn xong chúng tôi phụ nhau dọn dẹp chén đũa. Anh đem bình trà và ly ra.
- Trưa nào tôi cũng ra đây làm một giấc. Gió mát lắm!
Tôi nhìn lên đồi, thấy cái gò mối giống hình người ngồi xây lưng về phía chúng tôi.
- Tôi có nghe kể về chuyện cô gái chết nhưng linh thiêng lắm. Anh biết chuyện đó không?
- Chuyện linh thiêng thì tôi không tin, vì đôi khi chỉ là sự trùng hợp tình cờ. Nhưng chuyện về cô gái đó thì tôi biết rõ. Vì nó xảy ra cùng lúc với vụ đụng độ mà tôi vừa kể cho mấy anh nghe đó.
- Anh có thể kể vắn tắt cho tụi nầy nghe được không?
- Chuyện chẳng có gì lạ lùng cả. Lúc đụng độ thì cái gò mối chưa cao và to như vậy…
Tôi đoán chừng.
- Sau đó cái gò mới nổi lên giống hình cô gái ngồi nên người ta thêu dệt nên một chuyện linh thiêng, phải không?
- Cũng gần như thế. Trong toán nghĩa quân, có một anh chàng là chồng của cô gái ở nhà nầy, nên ông phó giao cho hai vợ chồng cái chốt đằng kia, canh chừng địch. Coi như vừa làm việc nhà vừa làm việc nước. Hai người mới cưới nhau được có nửa năm.
Anh ta trầm ngâm.
- Cô ta có bầu được ba bốn tháng. Lúc đụng độ, cô ta không ở trên chốt mà ở nhà, ở đây. Cô với cha mẹ nấp dưới hầm nên vẫn bình yên. Sáng hôm sau, sau vụ đụng độ, cả đơn vị, dù và nghĩa quân theo đường núi vào Nam. Anh chàng nghĩa quân có hẹn với vợ là sẽ quay lại. Nếu tình hình khó khăn, nguy hiểm thì anh ta sẽ về ban đêm, điểm hẹn là cái gò đó. Thế nên, khi thành phố bị địch chiếm, làng xã bị kiểm soát, cô ta không hi vọng gặp chồng ban ngày nên buổi tối cô ta thường mang chiếc võng, mùng mền ra ngoài chốt kia ngủ để chờ chồng. Thường thì cô ngủ lại ở đó đến gần trưa mới vô. Cha mẹ thấy cô mang bầu, thương con, cứ để cho cô ngủ, khi nào thức dậy thì vô nhà. Bữa đó đến chiều, không thấy cô vào, bà mẹ mới ra đánh thức con. Không ngờ ra đến nơi thì chỗ con gái nằm, mối đã đùn lên ngập xác cô, như một nấm mộ. Hai ông bà chưa biết tính sao thì hôm sau, mối phủ cao lên nữa, đành để vậy. Hôm trước đó, cô gái đã than là trong người khó ở, bị sốt, không chịu ăn uống. Cha mẹ cản ngăn nhưng cô vẫn lên chốt ngủ chờ chồng. Có lẽ cô bị trúng gió hay trở bịnh bất ngờ, không ai cứu giúp nên phải chết, vừa lúc mối đùn gò ngập luôn xác của cô.
- Nhưng nghe nói cô linh thiêng lắm, anh có biết tại sao không?
- Số là một năm sau đó, có chuyện xảy ra dưới quốc lộ, chỗ đường mòn mà mấy anh dẫn xe vô lúc nãy. Chuyện như thế nầy. Một buổi tối, trời mưa to, có chiếc xe khách chạy lên đèo. Vì mưa quá lớn không thấy đường sá gì cả, anh tài xế phải lái rất cẩn thận. Lúc xe vừa định quẹo cua, đổ đèo thì thấy một chị đàn bà, bụng mang bầu, đi băng qua đường. Anh tài xế hoảng kinh, vội thắng gấp rồi thò đầu ra cửa xe chửi thề chị đàn bà là đui, là ngu. Chị ta không nói năng gì cả, cứ lẳng lặng đi qua rồi khuất trong mưa. Chửi xong anh ta cho xe chạy. Nhưnh chưa kịp sang số thì thấy một chiếc xe tải chết máy, nằm lù lù một đống, không đèn đóm, không dấu hiệu gì cả. Nếu không vì chị đàn bà băng qua đường mà phải thắng gấp, anh ta đã cho xe húc vào đít chiếc xe tải chết máy nằm đó rồi, chắc chắn là xe phải rớt xuống đèo. Thật hú vía! Anh tài xế xuống xe, cứ hướng chị đàn bà đã đi khuất mà vái lạy rối rít. Không hiểu nghe ai kể mà anh tài xế, ít lâu sau, ra kêu người nhờ xây cái miếu chỗ khúc quanh suýt xảy ra tai nạn. Không may cho anh ta, mới đổ gạch xuống đó thì gặp mấy ông công an xã đi ngang. Họ dừng lại hỏi lý do xây miếu, hỏi giấy phép. Anh tài xế kể lại chuyện xảy ra hôm trước, nhưng chẳng ai tin. Vụ xây miếu bị ngưng. Mấy ông công an kéo nhau lên chỗ gò mối, ông trưởng công an xã rút súng bắn vào cái mộ để thị uy “Chết là hết. Không có ma quỉ, thần thánh gì cả. Cái mộ nầy sẽ bị san bằng nay mai” Vì mấy ông đó đi nhậu về, say quá nên khi xuống đồi, xe bị lọt hố, ông trưởng công an xã bị gãy tay. Thế là người ta đồn rầm lên là ông ta bị “Cô” vật.
- Tôi có đọc một truyện ngắn tương tự. Có lẽ người ta dựa theo đó, cùng với lòng thương cảm cô ta mà thần thánh hóa câu chuyện để người đời truyền tụng.
Anh ta như không để ý lời tôi, kể tiếp.
- Ít lâu sau, anh tài xế được nhắn ra, cho phép tiếp tục xây cái miếu, nhưng không ai dám giúp vì sợ bị bắt. Vừa may gặp tôi, tôi thầu luôn. Xây xong miếu, tôi vào chùa, xin thầy trụ trì viết cho một bài vị bằng chữ nho. Phần trên để mấy chữ thật lớn Anh Hùng, Liệt Nữ. Dưới đó là tên cô gái và tên mấy anh lính chết trận. Tôi đem đến thợ đá nhờ chạm cho một bia nhỏ để thờ trong miếu. Thành ra, ngày rằm, mồng một, xe cộ ngang qua đấy thường dâng lễ vật, khấn vái, xin “Cô” phù hộ đi đường bình an.
- Bộ anh nhớ hết tên mọi người chết trên đó sao?
- Nghĩa quân là đồng đội, cùng đơn vị bao nhiêu năm. Với các anh bên nhảy dù, sống với nhau hàng tuần lễ, chỉ cần nghe tiếng nói tôi cũng biết là ai, tên gì. Vả lại phải nhớ tên mấy người đã chết, để sau nầy thân nhân đi tìm mà chỉ cho họ.
Thấy trời đã về chiều, tôi bàn đến chuyện xây mả, anh ta đề nghị.
- Nên xây từ từ, không cho chính quyền biết, hết tiền tôi sẽ ghé nhà quí anh lấy thêm.
- Anh đừng lo, tôi là Việt kiều, anh cứ tính công vào cho sòng phẳng. Chẳng bao nhiêu mà ngại. Tôi để tiền lại, anh cứ ghé bạn tôi mà lấy.
Tôi nhờ anh ta đưa chúng tôi ra thăm gò mối là mộ của cô gái. Trông không khác bất cứ gò mối nào ở trong rừng, nhưng rất to, kích thước cũng cỡ một ngôi nhà nhỏ. Đứng gần thì không hình dung được, nhưng nếu lùi ra xa, đi vòng phía bên kia, sẽ thấy giống hình một người đàn bà với mái tóc dài, ngực lớn, ngồi xây mặt vô núi. Có một cái nấm nhỏ hơn, giống đứa bé ngồi tựa vào lòng mẹ. Tôi hỏi.
- Trông giống Hòn Vọng Phu, nhưng sao Hòn Vọng Phu nầy lại xây mặt vô núi?
Anh ta có vẻ đăm chiêu.
- Hai mẹ con chờ người trong núi ra.
Buổi chiều âm u, cảnh vật im lìm, tôi cảm thấy rờn rợn, tưởng chừng cái nấm mộ vĩ đại giống hình người kia cũng có linh hồn, có cảm giác và đang lắng nghe chúng tôi chuyện trò. Tôi nói.
- Đáng lẽ phải đem nhang ra đây…
- Vô nhà cúng cũng được. Trong đó có thờ cô ta.
Khi vào nhà, chúng tôi xin được thắp nén nhang, lễ trước bàn thờ tổ tiên, thân nhân của chủ nhà. Anh ta vén tấm màn che bàn thờ lên và lấy nhang, quẹt diêm đốt, trao cho chúng tôi. Tôi thấy trên bàn thờ có để hình hai người lớn tuổi, có lẽ là cha mẹ anh ta. Phía trước là hình một cô gái, diện mạo bình thường, hơi mập, mặt tròn, nụ cười hiền lành, chất phác. Cạnh hình cô ta là hình một người thanh niên.
- Có phải hình thờ bên cạnh là chồng cô ta không?
-Đúng rồi! Vợ chồng phải thờ bên nhau cho có đôi.
Tôi nhìn hình người đàn ông, thấy ngờ ngợ như gặp ở đâu? Nghĩ mãi một lúc, quay nhìn anh ta… hóa ra là hình của chính anh.
-Ủa, anh chưa chết mà sao lại thờ, hay là hình người khác?
- Hình của tôi đó! Cô ta là vợ tôi. Khi cô ấy mất, tôi về đây phụng dưỡng cha mẹ vợ.
- Nhưng sao anh lại thờ chính mình?
Anh cười buồn, đôi mắt xa xăm.
- Khi học tập cải tạo, cán bộ bảo rằng nước Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa. Tối đó, tôi nằm khóc suốt một đêm. Tôi biết, thế là hết. Đất nước tôi, quê hương, bản quán của tôi đã bị người ta chiếm mất rồi! Cán bộ nói rõ là chúng tôi đáng tội chết, chúng tôi không còn là người dân nước Việt Nam nữa. Chúng tôi sẽ bị kiểm soát, theo dõi như những người tù.
Bạn bè, đồng đội, đứa nào cũng buồn, không muốn gặp mặt nhau! Tôi như người lính duy nhất còn sống sót, lang thang giữa một vùng quen thuộc nhưng không còn nơi để trở về. Cảm tưởng rõ rệt nhất là khi tôi đứng trước quận hành chánh nhìn vào. Quận đường vẫn nguyên vẹn, vọng gác trước cổng, nơi tôi thường ngồi gác vẫn còn đó, nhưng tôi không còn quyền yêu thương nơi đó nữa. Tôi đã bị xua đuổi khỏi quê hương tôi.
Tôi sống một mình ở đây nhưng lại cảm thấy được gần gũi với bao người thân yêu chung quanh. Thỉnh thoảng tôi ra ngồi tâm sự với vợ con tôi ở gò mả ngoài kia. Khi thì tôi qua bên kia đồi, cạnh các ngôi mộ, chuyện trò với đồng đội nằm dưới đó. Tôi nghe được, hiểu được những gì các bạn nói với tôi. Tôi nghe cả tiếng cười đùa của họ, nghe cả tiếng lách cách của súng đạn va chạm nhau, ngửi được cái mùi lính, mùi quen thuộc của mồ hôi thấm vào áo trận. Tôi ngồi đó để cảm thấy được an toàn đồng đội như những lúc hành quân, những ngày đóng chốt cũng như khi đụng độ với giặc.
Tôi ngồi đó để tưởng nhớ nước Việt Nam Cộng Hòa thân yêu của tôi.
Tôi để hình tôi trên bàn thờ là coi như mình đã chết theo với nước Việt Nam Cộng Hòa của tôi. Tôi chỉ sống lây lất, lo nhang khói cho đồng đội, cho cha mẹ, vợ con. Khi nào thực sự nhắm mắt thì tôi đã có sẵn cái huyệt mộ, gần vợ con tôi, ngoài kia.

Phạm Thành Châu
 

Câu Chuyện Hy Hữu

Câu Chuyện Hy Hữu
MX Mai Văn Tấn
Nhớ mãi một câu chuyện tôi cứ nghĩ không bao giờ xẩy ra trong đời người. Nhưng nó đã xẩy ra một cách hết sức bất ngờ trong những ngày lao tù dưới chế độ CS ở miền Bắc Việt Nam. Hình như một sự mầu nhiệm nào đó để ngăn cản những người CS bớt làm điều ác để mọi người bớt nguyền rủa và chính bản thân cũng như gia đình họ gặp những điều an lành hơn. Câu chuyện khó có thể tin và ngoài sức tưởng tượng của con người.

Những ngày tháng ở trại tù cải tạo (trại 2 liên trại 2) Hoàng Liên Sơn, gần bản Mường Côi thuộc huyện Nghiã lộ. Ngày ngày đoàn tù lao động như lấy gỗ, chặt giang, nứa, củi… hoặc đi nhận thực phẩm ở Phù Yên đều đi ngang qua các nhà của dân chúng ở hai bên đường. Họ là thành phần bị chỉ định cư trú mà CS gọi là “Khu Kinh Tế Mới“. Có những người từng làm việc hoặc ở trong quân đội của chính phủ Pháp. Những người sống dưới chế dộ cộng sản nhưng không đúng đường lối hoặc quan điểm. Tóm lại những người mà chế độ cho là nguy hiểm, xét lại hay có hại đối với chế độ, thêm vào đó là người dân bản xứ.

Ðặc biệt mỗi lần ngang qua nhà anh Trung (anh bị thương ở tay cử động khó khăn, VC gọi là Trung Khều làm nghề thợ may), quản giáo và vệ binh (danh từ VC) hay ghé lại nhà anh ngồi nghỉ, uống nước chè hút thuốc lào và tán gẫu. Nhân tiện những người tù cũng ngồi la liệt hai bên đường trước cửa nhà anh để nghỉ. Anh hay đem thuốc lào và nước để anh em dùng. Thời gian này anh em nghiện thuốc lào bất đắc dĩ vì không có thuốc lá. Mặc dầu trong bụng lúc nào cũng cồn cào vì cái đói triền miên, nhưng thuốc lào hình như cần thiết hơn. Thấy sự đối xử anh Trung rất khác biệt với những người khác. Ðó là điều hiếm hoi trong một chế độ lấy lừa dối làm chính, xem mạng người như cỏ rác và đầy hận thù. Các con của anh cũng khác xa với “cháu ngoan bác hồ” [mất dậy không chỗ nào nói nổi], không bao giờ gọi chúng tôi là “thằng tù”.

Một lần chúng tôi ngồi nghỉ trước nhà anh trên lề đường để uống nước và hút thuốc lào do con anh mang đến. Nội quy cấm không được tiếp xúc với dân, nếu vi phạm sẽ bị cùm trong nhà kỷ luật vì vậy mọi sự tiếp xúc phải lén lút đừng để bọn cán bộ bắt gặp. Nhân tiện tôi hỏi cháu sao không gọi các chú là “thằng tù“ giống như các đứa trẻ khác. Cháu trả lời “Bố cháu dạy các bác các chú là thành phần học thức miền Nam, vì vận nước phải đi tù chứ không có tội tình gì cả. Các con phải đối xử lễ độ với họ và tôn trọng họ“. Thấy sự việc càng ngày xẩy ra không đơn giản, phải có nguyên do xâu xa nào đó mà tôi chưa biết. Trong đầu tôi tự hỏi mãi “tại sao”, mà chính tôi chưa bao giờ trả lời được. Lúc bấy giờ trong trại khoảng 300 tù nhân chỉ có 2 người là TQLC, tôi và anh Nguyễn Văn Ðốc. Nhưng anh Ðốc làm thợ rèn không bao giờ ra khỏi trại, chỉ một mình tôi TQLC lao động ngoài trại (Anh Ðốc đã mất vài năm nay tại Houston.)

Mãi đến ngày gần Tết năm 78, tôi được trại giao công tác lấy lá dong mang về trại để gói bánh chưng cho bộ đội lẫn tù nhân. Tôi đi ngang qua nhà anh, thấy anh ra hiệu tôi xuống suối trước cửa nhà anh, rồi anh đi theo xuống gặp tôi và lại ngồi gần tôi. Một lúc rất lâu anh không nói năng gì cả. Tôi thấy anh ngồi trầm tư và suy nghĩ, đôi mắt nhìn tôi chăm chú. Tôi ngồi im lặng tôn trọng sự suy nghĩ cuả anh. Một lúc sau anh bắt đầu kể với giọng trầm buồn.

- “Năm 73 sau ngày ngưng chiến, một buổi sáng nhiều sương mù, tôi đi theo bờ biển để tìm cua, ốc tại thôn Gia Ðẳng. Vì không kiểm soát được nên tôi lọt qua phòng tuyến của anh và bị các anh bắt được. Tôi rất lo ngại là sẽ bị các anh đánh đập, nhưng ngoài sức tưởng tượng của tôi, các anh đã đưa thuốc cho tôì hút và tử tế đưa tôi về BCH của các anh. Tôi được một anh lính Thủy đánh bộ mang quân hàm Thượng úy hay Ðại úy gì đó, tôi không biết chắc chắn lắm, dẫn tôi ra Huế để ăn uống và xem chiếu bóng bằng xe ôtô con. Thú thật anh, trong lòng tôi vô cùng cảm xúc cách đối xử tử tế của các anh. Nhưng tôi không thể ở lại với các anh mặc dù tôi rất muốn, vì các anh cũng biết tôi còn gia đình hiện đang sống bên kia và sẽ bị trù dập nếu tôi là hàng binh. Sau một ngày đi chơi rất thoải mái tôi được các anh trả về đơn vị tôi. Từ đơn vị của các anh tôi chạy về đơn vị tôi. Thú thật tôi không ngờ các anh không bắn theo tôi mà thực sự có ý định thả tôi. Tôi về phải làm tờ kiểm điểm và phải nói lên sự đối xử tàn ác của các anh. Thú thật anh lương tâm tôi rất xẩu hổ nhưng không viết như vậy không được.

Rồi đến ngày “Giải phóng miền Nam“, tôi bị phục viên và được chỉ định đem gia đình về đây sinh sống. Tôi nghĩ chế độ nào dù bạo tàn hay nhân đạo theo thời gian cũng phải thay đổi, con người dù sống một thế kỷ rồi cũng mai một đi. Chỉ có tình người là trường tồn vĩnh cửu, mặc dầu chế độ và xã hội hiện tại rất hiếm hoi. “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng“. Ngày hôm nay tôi đối xử tử tế với các anh là vì tôi nhớ mãi sự tử tế của các anh đối xử với tôi, mà trong tư tưởng tôi luôn luôn bị nhồi nhét các anh là thành phần ăn gan uống máu đồng loại. Tôi nghe bộ đội nói tên anh và cho tôi biết anh là “Lính Thủy đánh bộ“ trốn trại vừa bị bắt lại còn đang kỷ luật.

Ngày hôm nay tôi kể cho anh nghe câu chuyện này mà tôi đã dấu kín từ lâu. Tôi biết anh là lính thủy đánh bộ nên thổ lộ cảm nghĩ của tôi vì tôi tin anh cùng đơn vị đã bắt tôi cũng đã biết hoặc đã nghe chuyện này. Tôi muốn nói với anh lời cuối, anh nên giữ gìn sức khoẻ, đừng có trốn trại mà sẽ không bao giờ thoát được mà chỉ thiệt thân, hãy chờ đợi ngày về với gia đình. Tôi không biết thời gian nào nhưng tôi nghĩ rằng sẽ lâu lắm. Ðiều tiên quyết là anh phải còn sống mới về xum họp với gia đình, anh nên nhớ điều hết sức quan trọng này.”
Sau khi nói xong anh đưa tôi gói xôi và trở lại nhà, và nói “Anh ăn đi tôi không có gì hơn để giúp anh.” Trong khi vừa ăn xôi vừa nghĩ lại những lời tâm sự của anh.

Ðúng là năm 73 sau khi có lệnh ngưng chiến tại chỗ đơn vị của Thiếu Tá Trần Quang Duật, Tiểu Ðoàn Phó TÐ1/TQLC có bắt được 1 tù binh đi lạc vào tuyến phòng thủ của TÐ1 ở thôn Gia Ðẳng. Sau khi giải giao về BCH/LÐ/258 đang đóng ở Hội yên. Lữ đoàn Trưởng Ðại Tá Ngô Văn Ðịnh đã xin lệnh cấp trên để đưa anh ra thị xã Huế ăn uống vui chơi mong tìm hiểu thêm tin tức và mong anh ta hồi chánh. Tôi được cấp xe, tiền để đưa anh ra Huế ăn uống và xem chiếu bóng. Tôi không hỏi tên anh vì tôi nghĩ anh sẽ nói tên giả. Ðầu tiên ăn phở anh ăn ngon lành như chưa từng được ăn ngon như thế, được uống cà phê, hút thuốc lá và đi xem chiếu bóng. Trước khi về tôi đưa anh ra quán chè ở cồn Hến để anh giải lao và nhìn đồng bào ta nhộn nhịp qua lại. Anh đăm chiêu và tận hưởng những gì được ưu đãi, chắc anh nghĩ trong đời anh khó có dịp được hưởng lần nữa. Một lúc anh nói với tôi: “Các anh tử tế lắm, ăn uống rất ngon và thành phố tấp nập. Tôi thích lắm, nhưng tôi không ở lại với các anh được vì tôi còn gia đình đang sống bên kia”. Trên đường trở về tôi được lệnh trả anh về cho TÐ1/TQLC để đơn vị này thả anh tại nơi bắt anh để anh trở về đơn vị.

Biết rõ và nhớ rất rõ từng chi tiết theo lời tâm sự của anh. Nhưng suốt thời gian nghe anh tâm sự, ngồi lặng yên tôi lắng nghe. Không xác nhận cũng như không nói lời nào cả. Ở tù với CS một thời gian tôi thấm thiá sự gian trá lừa lọc và tàn ác của họ. Năm 1979 khoảng tháng 7 trời rất là nóng bức từng cơn gió Lào làm cháy da thịt. Tôi xuống suối để rửa mặt cho đỡ nóng bức. Anh xuống theo và gặp tôi. Anh Trung đưa cho tôi 2 củ khoai lang đã chín, vài viên kẹo, một nắm thuốc lào và nói: “Tôi chỉ có thể giúp anh bấy nhiêu, anh cũng biết là mọi người rất nghèo, không dư dả như miền Nam của các anh. Tôi nghe 5 người trốn trại sẽ được di chuyển đến trại khác vào ngày mai. Tôi chúc anh may mắn, và tôi nghĩ chúng ta khó có ngày gặp lại. Mong anh giữ gìn sức khoẻ”.

Tôi suy nghĩ sự chuyển trại là một tin không bao giờ cho tù nhân biết, nếu tiết lộ sẽ có biện pháp kỷ luật ngay. Chắc là anh tin tôi mới cho tôi biết. Tôi bèn nói nhanh với anh vì ngập ngừng thì tôi sẽ không bao giờ dám nói: “Người Lính Thủy Ðánh Bộ mà anh kể chính là tôi”. Nói xong tôi chào anh và quay lưng lên đường nhập chung với đội. Ðúng ngày mai, 5 người chúng tôi chuyển về liên trại nhập chung với những người trốn trại ở các trại khác di chuyển về trại Phú Sơn 4 Bắc Thái để công an quản lý. Tôi nhớ mãi hành động cũng như cách cư xử thân thiết và tử tế của anh. Tôi nguyện trong lòng một ngày nào đó, nếu còn sống sót để trở về với gia đình tôi sẽ tìm gia đình anh để thăm. Mãi đến cuối năm 87 tôi mới được thả ra khỏi trại cải tạo về với gia đình. Về đến nhà bao nhiêu chuyện phải lo: lo ăn, lo mặc, lo chỗ ở, lo kiếm tiền để sinh sống cho chính mình và gia đình mình. Sau đó phải lo giấy tờ hồ sơ để xuất cảnh. Bao nhiêu chuyện phải gánh vác không còn thì giờ nghĩ đến gia đình anh Trung cho đến khi gia đình tương đối ổn định sau khi được định cư ở Hoa Kỳ.

Năm 1994, nhân một chuyến làm ăn ở Kuala Lumpur (Malaysia) với 1 người Hoa quốc tịch Mã Lai. Trong khi chờ đợi hợp đồng với 1 xưởng mộc, anh ta hỏi tôi có muốn về thăm viếng VN hay không. Tôi không có ý định về VN vì chế độ CS còn tồn tại, cha mẹ tôi đã qua đời, hơn nữa tôi mới rời đất nước một thời gian ngắn khoảng 4 năm, không có lý do để về VN. Bỗng tôi nghĩ đến anh Trung tôi đổi ý muốn về VN một chuyến. Sau vài ngày ở Saigon, tôi tìm cách đi ra miền Bắc đến tỉnh Hoàng Liên Sơn tìm gia đình anh Trung. Ðáng tiếc cảnh vật cũng như người đã thay đổi, không có cách gì tìm lại được gia đình anh. Tôi trở lại Saigon trong lòng vô cùng hối tiếc và ân hận. Nhưng tôi nghĩ mọi việc đều được thượng đế an bài, tôi cố công đi tìm nhưng không gặp được cũng là do ý trời. Lý luận như thế để lường gạt lương tâm được yên ổn không còn bứt rứt nữa.

Vài ngày sau đó không có chuyện gì để làm, hơn nữa Saigon nóng bức và chật chội, tôi có ý định về miền Tây chơi. Tôi ra bến xe Tân cảng Phú lâm mua vé xe về Cần thơ.

Trong khi chờ đợi xe khởi hành, tôi ngồi quán uống nước nhìn người qua lại tấp nập và vội vã hình như thời gian không đủ đối với họ. Bỗng nghe 2 anh khuân vác giành mối gây nhau bằng giọng Bắc mà theo kinh nghiệm xương máu của tôi đúng là giọng Bắc Kỳ năm 75. Hai anh cãi nhau nhiều, nhưng chỉ một câu làm tôi chú ý và ngạc nhiên. “Mày, con Trung Khều, bố con mày là thành phần phản động phải sống ở vùng núi, không được sống vùng đồng bằng như gia đình tao, tao không xem mày ra gì c...” Câu nói này làm trong đầu óc tôi hiện lên hình ảnh quen thuộc xa xưa, nhưng không biết chắc đúng hay không. Ðợi 2 anh cãi xong lại gần anh bị anh kia mắng, tôi hỏi: “Anh quê ở đâu mà vào Nam làm nghề khuân vác”. Anh nhìn tôi ngỡ ngàng và đôi chút ngạc nhiên. Tôi bèn mời anh lại chỗ tôi ngồi và gọi nước cho anh.

Một lúc sau anh ta tâm sự, “Gia đình tôi trước ở Mường Côi tỉnh Hoàng Liên Sơn. Sau đó cả gia đình di chuyển về Phủ Lý tỉnh Nam Ðịnh để sinh sống. Nhưng cuộc sống quá khổ thiếu thốn đủ thứ, gia đình quá nghèo nên tôi định vào Saigon để kiếm tiền giúp gia đình.” Tôi bèn hỏi “Hồi nẫy tôi nghe anh kia nói bố anh là Trung Khều phải không?” Anh nhìn tôi và nói: “Bố tôi là bộ đội phục viên, tay bị thương nên mang tật”. Tôi bèn nói bố anh làm nghề thợ may phải không? Anh ngạc nhiên hỏi vì sao tôi biết. Anh nhìn tôi chăm chú và nói “Bác là Việt kiều ở nước ngoài về phải không?” Tôi hỏi tại sao anh lại đoán chắc như thế. Anh bèn chỉ đôi giầy tôi đang mang và nói “Ða số người ta chỉ mang dép mà bác lại mang giầy Adidas”. Tôi mỉm cười nói với anh ta “Tôi cũng ở Mường Côi Hoàng Liên Sơn 3 năm”. Anh cười nói “Bác nói giọng Nam rặt sao lại ở Hoàng Liên Sơn?”. Tôi bèn nói tôi ở tù cải tạo ở đó. Anh ta mừng rỡ nói, “Bác ở trại tù 9 căn bị cháy hết đó phải không?” Tôi nói phải, anh nhớ dai lắm. Anh ta nói thêm: “Các bác các chú ở trong trại đó lao động ngang qua nhà cháu, hay nghỉ hai bên đường trước cửa nhà để uống nước và hút thuốc lào”. Tôi liền nghĩ: “Khổ công lặn lội đi tìm không được, tình cờ lại gặp cố nhân”. Tôi bèn hỏi thăm bố mẹ anh ta. Anh ta kể: “Bố cháu bây giờ yếu lắm, di chuyển đi lại khó khăn, không làm gì cả. Chỉ có mẹ cháu buôn bán ngoài chợ Phủ Lý nhưng không đủ ăn. Không có vốn làm sao kiếm tiền được. Gia đình cháu rất vất vả và nghèo khổ.” Tôi lấy 200 đồng (Dollars) để giúp anh và gia đình anh và gửi lời hỏi thăm bố mẹ anh… Tôi nói tên tôi cho anh biết và nghĩ rằng bố anh có lẽ còn nhớ. Tôi viết địa chỉ cho anh để sau này anh có thể liên lạc được với tôi.

Sau 7 ngày lang thang ở VN, tôi trở lại Malaysia để tiếp tục công việc làm ăn... Trong lòng tôi thực sự thơ thới, hân hoan cũng như tràn đầy hạnh phúc, như vừa trút bỏ gánh nặng ngàn cân trên vai và đã thực hiện được điều tâm nguyện của mình. Mọi việc lặng lờ trôi vào quá khứ và tôi quên bẵng đi một thời gian. Năm 1995 khoảng tháng 5, tôi nhận được một lá thư. Lời lẽ trong thư là lời lẽ của một anh bộ đội miền Bắc đã phục viên. Tôi muốn gìn giữ từ ngữ của anh dùng để người đọc có ý niệm rõ chứ tôi không có ý dùng từ ngữ VC…..
“Tôi được con tôi kể lại, anh tặng cho nó và gia đình tôi một số tiền quá lớn đối với trí tưởng tượng của tôi. Tôi nghĩ trong chế độ xã hội hiện nay rất thiếu tình người, không ai cho tôi một số tiền lớn lao như thế và đối xử tử tế như anh vậy. Nhờ đó vợ tôi có số vốn buôn bán, cuộc sống đỡ hơn trước nhiều lắm. Thật sự bây giờ tôi không thể nào hình dung được hình ảnh của anh, hình như thời gian đã làm cho tôi quên mất. Nhưng việc làm của anh đã giúp cho tôi “một ấn tượng bức xúc” không bao giờ tôi quên được. Tôi rất mừng cho anh và gia đình anh đã thoát khỏi sự cùng cực đau khổ. Là nạn nhân của một chế độ bất nhân, tàn bạo và hận thù nhưng mọi người trên thế giới mở rộng vòng tay giúp đỡ. Chế độ đó, tôi đã phục vụ cả cuộc đời tôi và hy sinh xương máu để bảo vệ.
Cuối cùng tôi xin nói với anh rằng. Thuyết nhân quả của nhà Phật đã đánh tan bức tường vô thần trong đầu óc tôi. Bây giờ sự suy nghĩ của tôi vào giờ phút còn lại của cuộc đời hoàn toàn thay đổi hẳn. Tôi tin tưởng hoàn toàn vào câu nói của nhà Phật “Gieo nhân nào hưởng quả nấy”

Tôi thành thật cảm ơn anh. Sự tử tế của anh đã làm biến đổi con người tôi thành người tốt như hiện nay, theo ý tôi nghĩ