Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

Thiền định là gì ?

Thiền định là gì? -- Bures-Sur-Yvette - Hoang Phong chuyển ngữ

Zen Master Thích Tuệ Uy -- HoPhap.Net
Zen Master Thích Tuệ Uy -- HoPhap.Net

Thiền định là gì ?
(Fabrice Midal)
Hoang Phong chuyển ngữ
Hỡi những ai mong muốn bảo vệ tâm thức mình!
Với đôi bàn tay chắp lại,
tôi xin được khuyên họ một lời này:
Hãy cố gắng,
giữ cho sự chú tâm và cảnh giác luôn thật mạnh,
bằng tất cả nghị lực của chính mình.
Tịch Thiên (Shantideva)
Lời giới thiệu của người dịch:

Tác giả Fabrice Midal là một nhà sư người Pháp, đỗ tiến sĩ triết học tại đại học Sorbonne Paris. Ông có một cách hành văn rất chính xác, thiết thực, thế nhưng cũng thật sâu sắc và uyên bác. Ông không viết với ngòi bút phân tích của một học giả Phật Giáo mà bằng con tim mở rộng của một vị thiền sư.
Trong một quyển sách nhỏ mang tựa đề "Phật Giáo Nhập Môn" (ABC du Bouddhisme, nhà xuất bản Grancher, 2008), sau khi trình bày về hiện trạng ngày nay của Phật Giáo tại Tây Phương trong chương I, thì tiếp theo đó trong chương II ông đã đề cập ngay đến một chủ đề thật then chốt trong Phật Giáo là thiền định. Thật thế, một tôn giáo muốn được xem là toàn vẹn cần phải có một nền móng vững vàng về cả hai mặt: trước hết là một cấu trúc chặt chẽ về tín ngưỡng, và sau đó là một phương pháp tu tập thích nghi. Thiết nghĩ ngoài phần giáo lý siêu việt thì Phật giáo còn cống hiến một phương pháp tu tập thật khoa học, thiết thực và vô cùng sâu sắc. Dưới đây là phần chuyển ngữ toàn bộ chương II của tập sách nói về thiền định.

Cũng xin mạn phép lưu ý người đọc là diễn tả một thể dạng tâm linh bằng lời nói hay bằng chữ viết mang tính cách công thức, quy ước và "thô thiển" đã là một việc khó, thế nhưng dịch thuật đôi khi cũng phải đối đầu với các khó khăn khác nữa, đấy là phải làm thế nào để chuyển đạt một cách trung thực đươc ý nghĩa đã được diễn tả bằng một ngôn ngữ khác. Nhằm mục đích tránh bớt phần nào các khó khăn này người dịch xin mạn phép ghép thêm vào nguyên bản một vài lời ghi chú nếu thấy cần nhằm giúp người đọc dễ theo dõi hơn. Các lời ghi chú này sẽ được trình bày bằng chữ nghiêng, đặt giữa hai dấu ngoặc, nhằm để dễ nhận biết và nhất là để kính trọng sự toàn vẹn của nguyên bản.
*****
 Luyện tập thiền định là gì ?
Lợi ích mang lại từ sự chú tâm là một trong những khám phá kỳ diệu nhất của Đức Phật. Sự chú tâm là một phương thuốc nhằm điều trị mọi thứ bệnh tật của chúng ta. Đấy là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa của Giác Ngộ.
Thiền trong Phật Giáo không có nghĩa là suy tư về một thứ gì hay mổ xẻ một chủ đề nào cả, mà đúng hơn là cách giúp chúng ta quán thấy ý nghĩa của thực tại trong sự toàn vẹn của nó. Lời khuyên sau đây thật hết sức giản dị : "Hãy sử dụng tâm thức mình để quan sát tâm thức của chính mình". Đấy cũng chính là sức mạnh mầu nhiệm nhất của sự chú tâm. Nếu giữ được sự cảnh giác trước các biến cố xảy ra thì chúng ta cũng sẽ vượt thoát khỏi sự chi phối của chúng dễ dàng hơn. Mỗi khi cảm thấy bực dọc thì không nên tìm cách để lẫn tránh nó, cũng không nuôi dưỡng nó hay ra sức để mà tìm hiểu nó. Tốt hơn là chỉ nên chú tâm theo dõi xem nó xuất hiện, tồn tại và biến mất như thế nào. Đấy là cách giúp chúng ta thâm nhập vào bản chất sâu kín nhất của nó để biến cải nó.
Quả thật không mấy khi khái niệm về sự chú tâm được nêu lên trong thế giới Tây Phương, ngoại trừ bởi vài học giả thật hiếm hoi chẳng hạn như nữ triết gia Simone Weil. Theo bà thì chúng ta không hề nhìn thấy vai trò đích thật của ý chí trong sự hiện hữu của chính mình, mà chỉ xem đấy như là một thứ nỗ lực, một sự cố gắng gần như là máy móc để chủ động hiện thực: "Nếu chỉ biết gồng mình, cắn răng lại cho thật chặt để thực thi đạo đức, để làm thơ hay là để tìm kiếm một giải pháp nhằm gỡ rối cho một vấn đề nào đó, thì quả thật chẳng có gì lại có thể ngu ngốc hơn thế được? Sự chú tâm nào có dính dáng gì đến các thứ ấy".
Tại nơi thâm sâu nhất của sự chú tâm đã có tiềm ẩn sẵn một sự chấp nhận nào đó mang tính cách mặc nhiên giúp chúng ta tiếp cận trực tiếp với những gì hiển hiện ra và không thắc mắc gì cả (sự chú tâm giúp chúng ta chấp nhận hiện thực hiển hiện ra như thế một cách thật "tự nhiên" và "hợp lý").
Tìm cách để hiểu biết thì cũng chẳng khác gì là một sự tránh né (tìm hiểu tức có nghĩa là phân tích một thứ gì thuộc bên ngoài chúng ta và khác với chúng ta). Một hình thức tự tránh ra xa. Con đường thì trái lại là một phương tiện giúp chúng ta đạt được một sự tiếp cận nào đó. Trở thành người Phật Giáo là một chuyện thật hết sức đơn giản: chỉ cần biết tiếp cận với những gì hiển hiện ra như thế, không tìm cách loại bỏ chúng và cũng không cố gắng nắm bắt lấy chúng (trở về với chính mình và hòa nhập với hiện thực là cách giúp mình trở thành một người Phật Giáo).
Tại sao lại luyện tập thiền định, nó mang lại cho ta những lợi ích gì ?
Thiền định mang lại sự an lạc, chữa lành các bệnh tật của tâm thức và điều dưỡng cho thân xác.
Thiền định đưa chúng ta trở về với thực tại, giúp chúng ta hòa nhập trong từng giây phút một với các kinh nghiệm cảm nhận của chính mình trong cuộc sống. Đấy cũng là cách giúp chúng ta thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của các phản ứng tự động và máy móc của tư duy, luôn liên kết với nhau để trói buộc chúng ta. Sự sống của chúng ta thật ra chỉ là một sự sinh tồn máy móc, điều khiển bởi các phản ứng tự động (sự sống ấy thật ra chỉ là một chuỗi dài các phản ứng tự động, chi phối bởi bản năng và các xu hướng sẵn có - tức là nghiệp -  khiến cho chúng ta không còn kịp suy nghĩ hay xét đoán gì nữa cả mà chỉ biết giao phó cho các phản ứng quy ước và hời hợt của tư duy điều khiển mình một cách máy móc); thiền định trái lại tập cho chúng ta biết trở về với thực tại và những gì mà chúng ta cảm nhận được. Sự trở về với chính mình sẽ mang lại cho ta một niềm an lạc vô biên. Chúng ta sẽ khám phá ra được một thể dạng thật đơn sơ, một thể dạng tự nhiên là như thế, nó không cần phải dựa vào bất cứ gì để mà hình thành (nào có gì lại có thể hiển hiện ra một cách giản dị và đơn sơ hơn hiện thực được: nó chỉ là như thế!).
Rất nhiều y sĩ và khoa học gia đã chứng minh cho thấy là thiền định có khả năng làm nhẹ bớt đi các chứng căng thẳng thần kinh và lo âu quá đáng và chữa lành được nhiều thứ bệnh phát sinh từ tình trạng trầm cảm.
Thiền định giúp mình tự biến cải một cách tích cực, nhìn thấy được nỗi khổ đau riêng tư và vượt lên trên những nhầm lẫn của chính mình.
Thiền định là cách giúp chúng ta trực tiếp quan sát các kinh nghiệm cảm nhận của chính mình. Nhờ đó chúng ta sẽ khám phá ra là các kinh nghiệm cảm nhận ấy luôn biến động, khi thì rất mù mờ, thế nhưng cũng có lúc thì khá minh bạch. Thật thế, khi thì chúng ta nổi nóng, khi lại ganh tị, lại cũng có lúc chúng ta tập trung được sự chú tâm. Tuy nhiên thông thường thì chúng ta nào có để ý làm gì đến các thứ mà chúng ta đang cảm nhận được hay đang suy nghĩ đâu. Tư duy và các kinh nghiệm cảm nhận cứ thế mà sinh ra, tồn tại được một lúc rồi biến mất.
Theo quan điểm của Phật giáo thì tư duy được hình thành một cách rất công thức dựa vào các ngôn từ hiển hiện ra trong đầu mình, để mà buộc chặt mình với chúng (tư duy được công thức hóa xuyên qua các ngôn từ quy ước, chúng điều khiển các hành động của chúng ta một cách máy móc); chúng liên tục hiển hiện và che khuất tâm thức của chúng ta khiến chúng ta không còn nhìn thấy thế giới một cách minh bạch được nữa (nhìn thế giới xuyên qua các tư duy đã được công thức hóa). Đấy chỉ là các thứ tư duy không được đúng thật bởi vì tư duy đúng thật luôn mang tính cách trực tiếp và tự phát (có nghĩa là không bị, hoặc trước khi bị công thức hóa), biểu lộ qua một cử chỉ, một ngôn từ nào đó. Nói cách khác thì Phật Giáo xem tư duy đúng thật chính là thực tại, tư duy ấy khác hẳn với các tư duy khác (luôn bị chi phối bởi quy ước và điều khiển bởi bản năng) chỉ nhằm tách rời chúng ta ra khỏi hiện thực.
Đôi khi chúng ta cũng mang trong trí những thứ tư duy thật dai dẳng tương tự như một sự ám ảnh, thí dụ: "Chẳng ai hiểu tôi cả"; "Tất cả mọi sự cứ theo nhau mà xảy đến với tôi thật tệ hại"; "Tôi chỉ là một tên vô dụng"; "Tôi chán ghét tôi vô cùng"; "Tôi chỉ là một đứa vô tích sự"; "Hắn là một tên quá hung ác và tôi thì chỉ muốn tìm cách làm thế nào để trả thù"... Thiền định chính là cách tập cho chúng ta biết quay trở về với thể dạng tâm thức không tự nhận diện mình qua các thứ tư duy đại loại như trên đây. Chẳng hạn như thay vì cho là mình đang bị sự giận dữ đày đọa khiến cho mình trở nên hung dữ thì chỉ nên đơn giản (đứng ra xa để mà) quan sát nó thế thôi (tức theo dõi và quan sát sự giận dữ và không hề xem sự giận dữ là của mình hay là chính mình). 
Thiền định giúp chúng ta mở rộng lòng mình để đón nhận một thể dạng tâm linh đích thật và để tận hưởng các kinh nghiệm cảm nhận về thực tại cũng như một tình thương yêu vô điều kiện.
Thiền định cũng là một con đường tu tập tâm linh. Mục đích của nó là giúp chúng ta buông bỏ tham vọng muốn chủ động được mọi thứ, hầu giúp chúng ta biết mở rộng lòng mình để đón nhận một thực tại to rộng hơn so với cái tôi nhỏ bé và đầy lo âu của chính mình. Đấy cũng chính là cách giúp chúng ta buông bỏ quyết tâm chỉ biết nghiền ngẫm về các tham vọng riêng tư của mình, hầu giúp mình có thể tìm thấy được sự thanh thản trong một không gian rộng mở đầy sinh khí và nhiệt tình.
Tất cả các vị thánh nhân và các nhân vật thần bí dù thuộc vào bất cứ một dân tộc nào, nếu muốn nâng cao giá trị của mình lên thì cũng đều phải dựa vào một sự hậu thuẫn liên quan đến thiền định. Sự hậu thuẫn ấy không nhất thiết chỉ thuộc vào bối cảnh cá biệt của Phật Giáo. Nó cũng đã được học phái Sufi (soufisme / sufism hay Ahl al-soufa) của Hồi Giáo và một số học phái Ki-tô Giáo cũng như một số bộ tộc thổ dân của lục địa Mỹ Châu thực hành. Căn bản thiền định ấy chỉ đơn giản là như thế. Thế nhưng thật ra đấy lại là một cách khám phá ra không gian rộng mở của tình thương yêu, giúp chúng ta vượt lên trên mọi sự trói buộc.
Nếu nhìn từ khía cạnh đó và một khi thiền định được giảng dạy thật đầy đủ và đúng đắn thì đấy sẽ là một phương tiện giúp trực tiếp mang lại cho chúng ta một cuộc sống tâm linh đúng nghĩa của nó. Con đường ấy đòi hỏi chúng ta phải có một sự quyết tâm nào đó nhằm tháo gỡ cái mặt nạ của chính mình và loại bỏ mọi thứ ảo giác, hầu giúp chúng ta đối đầu với mọi chướng ngại có thể cản trở sự mở rộng của tâm hồn mình.
Vậy sự chú tâm là gì?
Sự chú tâm là một luồng ánh sáng soi rõ những gì mà nó rọi vào. Khi chúng ta chú tâm vào hơi thở thì tình trạng xao lãng thường chi phối chúng ta cũng sẽ tan biến hết, hơi thở theo đó cũng trở nên êm dịu khiến chúng ta cảm thấy thanh thản hơn.
Mục đích của thiền định là nhằm phát huy sự chú tâm và giữ cho sự chú tâm đó không rời khỏi đối tượng được quan sát. Thí dụ tôi không nhìn vào hơi thở của tôi mà tôi trở thành hơi thở của chính tôi.
Thiền định không phải là một sức mạnh cá biệt của tâm thức mà đúng hơn là bản chất của chính tâm thức. Tâm thức là một khả năng giúp chúng ta hợp nhất với những gì mà chúng ta quán xét. Tôi cắn một miếng táo. Sự chú tâm của tôi hòa nhập tôi với hương vị của miếng táo.
Tính cách nhị nguyên mà chúng ta thường tạo dựng ra như là một thứ ranh giới nhằm phân cách người quan sát và vật thể được quan sát - tức giữa chủ thể và đối tượng, hay là giữa ta và người khác - sẽ biến mất khi chúng ta phát động được sự chú tâm.
Muốn thiền định thì phải làm thế nào?
Thiền định là cách giữ thân xác, hơi thở và tâm thức của mình luôn an trú trong hiện tại.
Nói một cách tổng quát thì chúng ta có thể tự xem mình là nơi hội ngộ giữa thân xác và tâm thức của chính mình. Tuy nhiên cũng nên lưu ý là hình ảnh tạm mượn trên đây không phải là một khái niệm của Phật Giáo (vì Phật giáo không xem tâm thức là một thực thể khác với thân xác), do đó một người Phật Giáo không được xem thân xác độc lập với tâm thức mà chỉ nên xem hơi thở đảm nhiệm một vai trò trọng yếu hơn trong việc chuyển tải sự sống và giúp cho chúng ta trở nên sinh động.

Phải chọn một tư thế ngồi thật đúng
Ngồi không phải chỉ có nghĩa là một động tác riêng rẻ của thân xác mà liên quan đến toàn diện con người của mình.
Trước hết bạn hãy ngồi xuống. Sau đó thì hình dung ra hình ảnh của chính mình đang ngồi thật vững vàng trên mặt đất của địa cầu này.
Thân xác bạn biểu trưng cho một sự kết hợp giữa địa cầu và bầu trời cao, và con tim của bạn là chiếc vương miện của một vị đế vương. Hãy đặt chiếc vương miện của con tim bạn trở về đúng chỗ của nó (trên đầu mình). Sau đó thì hãy hình dung chiếc vương miện nằm uy nghi tại vị trí thật hoàn hảo ấy và đón chào nó. Đấy là cách tự đặt mình vào một tư thế sẵn sàng để đón nhận bầu không gian của thực tại. Hãy cố gắng hòa nhập vào cái thể dạng hiện hữu đang phát động một cách tự nhiên ấy (không cần kêu gọi đến một sức mạnh thiêng liêng nào cả). Nhìn theo khía cạnh đó thì chỉ riêng tư thế ngồi cũng đủ để biểu trưng trọn vẹn cho toàn thể giáo huấn (tư thế ngồi không những chỉ liên hệ với thân xác mà còn phản ảnh thể dạng tâm thần của mình nữa, sự liên kết đó giữa thân xác và tâm thức qua thế ngồi sẽ giúp buộc chặt sự hiện hữu của mình vào thực tại - tức đang ngồi thật vững chắc trên mặt đất này - và đấy cũng chính là nền móng căn bản nhất của giáo huấn nhà Phật).
Tùy theo học phái mà các lời hướng dẫn về phương pháp thiền định cũng có đôi chút khác biệt, tuy nhiên tất cả đều xem trọng việc chuẩn bị cách ngồi như thế nào để có thể giúp người hành thiền hòa nhập vào thân xác của mình và giữ cho thân xác đó luôn thẳng đứng và trang nghiêm (tư thế ngồi rất quan trọng vì nó sẽ phản ảnh thể dạng tâm thức của người hành thiền. Khi nhìn vào một người lão luyện đang ngồi hành thiền thì cũng có thể hình dung ra thể dạng tâm thần hay mức độ "nhập định" của người ấy. Tư thế ngồi của họ vững vàng như một trái núi, toàn thân tỏa ra một sự thanh thản, tĩnh lặng và trang nghiêm có thể khiến cho chúng ta phải bàng hoàng và kính phục).
Nếu bạn muốn ngồi đúng theo tư thế trên đây thì phải giữ lưng cho thật thẳng đồng thời vẫn giữ được sự thoải mái. Cách ngồi đó sẽ giúp bạn cảm thấy được sự "vững chắc" và "thẳng đứng" của lưng liên hệ mật thiết với sự "mềm mại" và "mở rộng" của lồng ngực - đấy là một cách biểu trưng cho sự kết hợp giữa nghị lực giúp mình nhìn thẳng vào những gì là như thế và sự mong manh (của nhịp thở nơi lồng ngực) giúp mình trở nên mềm mại hơn.
Điều quan trọng là bạn phải giữ cho thân xác luôn thư giãn. Tùy theo học phái, hai chân có thể tréo vào nhau theo tư thế hoa sen hay bán già, hoặc chỉ cần ngồi với hai chân gập lại cũng đủ. Tuy nhiên cũng có thể ngồi trên ghế - cách ngồi này cũng tốt thế nhưng phải giữ lưng thật thẳng và không được tựa vào lưng ghế (muốn cho thế ngồi được thoái mái và vững chắc thì cần phải có một "tọa cụ", tức là một cái gối hình tròn, vuông hay bán nguyệt, nhồi bông, bề dầy có thể gia giảm tùy theo từng người, đôi khi phải mất rất nhiều thời gian để điều chỉnh bề dầy của tọa cụ sao cho thật thích hợp với mình. Cũng xin mạn phép nêu lên một chi tiết nhỏ khác là các người hành thiền trong các học phái Zen đều có những chiếc tọa cụ may đúng theo quy tắc, vải bằng chỉ sợi thiên nhiên, nhuộm bằng màu lấy từ vỏ cây, tọa cụ độn bằng các vật liệu thiên nhiên như bông gòn, rơm, hoặc các loại hạt phơi khô... Tuy nhiên người mới tập có thể dùng bất cứ gì để ngồi, chẳng hạn như gối nằm hay một vật gì khác, mục đích là mông và hai đầu gối tạo ra ba điểm tựa giữ cho thế ngồi được vững chắc).
Dù sao thì bạn cũng không nên quá quan tâm hay lo lắng. Tư thế ngồi chưa phải là toàn bộ kỹ thuật tập luyện, đấy chỉ là một cách "loan báo" trước thế thôi. Ngồi thật đúng cách cũng là để biểu lộ quyết tâm của mình nhằm giữ cho thân người luôn được thẳng, linh hoạt và không ngủ gục. Chọn cho mình cách ngồi như thế cũng có nghĩa là bắt chước theo hình ảnh nhập định của Đức Phật. Một cách để trở thành Phật. Dù sao thì đấy cũng không phải là một phương tiện nhằm mong cầu đạt được một thứ gì cả. Tư thế ngồi thiền tự nó chỉ có nghĩa là sự tu tập. Có thể ví tư thế ngồi là một quả núi mà người hành thiền có thể tìm thấy nơi đó một chỗ ẩn cư thuận lợi, dù là họ đang phải sống trong bất cứ một bối cảnh nào.

Sau khi ngồi xong thì tập thở!
Sau khi chuẩn bị xong cho tư thế ngồi thì bạn hãy bắt đầu chú tâm vào hơi thở và sự chú tâm phải thật vững vàng, dù sao thì đấy cũng không có nghĩa là phải gồng mình lên mới theo dõi được hơi thở. Có thể ví sự chú tâm như một chiếc neo giúp cho mình khỏi bị trôi dạt đi nơi khác. Cứ để cho không khí thâm nhập vào cơ thể mình, khiến cho bụng căng phồng và làm nở rộng lồng ngực, và sau đó thì cứ để cho không khí tự nhiên trở ra và tan biến vào không gian. Không khí thâm nhập vào bạn và buộc chặt bạn vào mặt đất này, nó lưu chuyển xuyên qua thân xác bạn và sau đó thì ra đi. Bạn không nên tìm cách giữ lại một thứ gì cả. Không đặt ra thêm một thứ gì cả. Chỉ cần xem đấy là như thế.
Sau hết thì phải giải quyết thế nào với các ý nghĩ của mình?
ất nhiên là không thể nào tránh khỏi các thứ ý nghĩ và xúc cảm đến viếng thăm bạn, kể cả trường hợp chúng có thể tràn ngập tâm thức bạn. Thế nhưng chủ đích của phép thiền định là không nhằm vào việc xô đuổi chúng mà đúng hơn là chỉ tìm cách để quan sát quá trình xuất hiện và biến mất của chúng. Thật hết sức quan trọng phải ghi nhớ điều này.
Không có gì sai lầm hơn khi cho rằng luyện tập thiền định là cách giúp tạo ra cho mình một thể dạng không còn ý nghĩ gì trong tâm trí mình nữa. Thật thế, thiền định không phải là một phương tiện giúp mình đạt được một thành tích nào cả!
Tất nhiên là đôi khi chúng ta cũng có thể cảm thấy không được vừa ý lắm với các kết quả mang lại hoặc cũng có thể là hoàn toàn thất vọng sau khi nhận ra trong suốt buổi hành thiền mình chỉ thấy hiện ra toàn là những thứ chuyện tào lao vô tích sự, chúng liên tiếp thay nhau diễn ra trong tâm thức mình. Chủ đích của việc luyện tập là giúp thiết lập một mối tương quan đúng thật giữa chính mình và thực tại, thế nhưng trên thực tế thì mình lại vướng vào một cuộc phiêu lưu bất tận! Tuy nhiên cũng nên hiểu rằng luyện tập thiền định chính là cách giúp mình tiếp cận với thực trạng trên đây mà không bình luận gì cả (theo dõi sự vận hành của tư duy nhưng "dửng dưng" không diễn đạt hay phát lộ một xúc cảm nào dù đấy là vui hay buồn, chỉ quan sát các tư duy hiện ra và biến mất đi, chúng không phải là mình, cũng không phải là của mình). 
Phép luyện tập ấy thật đơn giản và dễ thực hiện. Ngoài sự chú tâm ra thì không có một mục đích nào khác hơn cần phải đạt được. Nhất thiết chỉ cần mở rộng lòng mình để tiếp đón bầu không gian biểu trưng cho sự hiện diện của mình và của thế giới mỗi khi chúng hiện ra thế thôi.
Thế nhưng tại sao phép luyện tập ấy lại khó thực hiện đến thế?
Nguyên tắc luyện tập thiền định tuy có vẻ đơn giản thế nhưng cũng khá khó. Thật thế, thiền định không giống như tập thể dục mà thật ra là một phương pháp toàn vẹn giúp cải biến tất cả những gì có thể làm phương hại đến bầu không gian sâu rộng của sự sống.
Đôi khi chúng ta cũng muốn đem ra thực hành những gì đã học được trong sách vở, thế nhưng khi bắt tay vào thì lại dễ thối chí.
Chúng ta chỉ muốn có kết quả ngay tức khắc. Sự kiện này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì chúng ta đều là nạn nhân của cuộc chạy đua nhắm vào hiệu quả và xu hướng hưởng thụ tối đa, cũng như của tình trạng thiếu kiên nhẫn đang lan tràn khắp nơi ngày nay. Thiền định trước hết là một nghệ thuật sống, thế nhưng ngày nay thì cái nghệ thuật ấy đã biến mất trong thế giới Tây Phương (thật ra thì nó cũng đã biến mất trong thế giới Đông Phương khi cái thế giới này chỉ biết nhìn vào lý tưởng và các giá trị vật chất của các xã hội Tây Phương). Thiền định luôn đòi hỏi phải kiên nhẫn và quyết tâm.

Thiền định cắt đứt cội rễ của lòng tham chỉ mong sao cho mọi sự xảy ra thật dễ dàng, thí dụ như khi bật đèn thì ánh sáng phải tỏa ra ngay tức khắc. Nếu chỉ biết nhìn mọi sự theo cách đó thì bạn sẽ chẳng bao giờ có thể trở thành một người hành thiền thành thạo được và cũng sẽ chẳng chủ động được một thứ gì cả. Có phải mỗi ngày khi dọn cơm thì chúng ta lại phải bày biện bát đĩa hay không? Có phải mỗi ngày chúng ta lại phải đối đầu với đủ mọi thứ xao lãng và các lầm lỗi của mình hay chăng? Chúng ta chỉ có thể thăng tiến trên con đường thiền định khi nào đủ sức tự biến cải mình nhanh hơn ảnh hưởng chi phối bởi mọi thứ hoang mang. Thật hết sức quan trọng không được xem các thứ hoang mang ấy như là các trở ngại cần phải loại bỏ mà nên xem chúng là những cơ hội nhằm giúp mình gia tăng gấp đôi sức mạnh của sự chú tâm trong cuộc sống.
Thật lạ là giai đoạn đầu bao giờ cũng dễ. Khi mới khởi sự luyện tập thì tình trạng tâm thần của mình thường chưa đủ sáng suốt, và cũng chính vì thế nên chúng ta nhận thấy dễ dàng hơn các hiệu quả mang lại, kể cả một sự tỉnh táo nào đó. Thế nhưng càng luyện tập thì chúng ta lại càng thấy hiện ra các khó khăn tinh tế hơn, do đó chúng ta cũng sẽ phải khéo léo hơn để có thể loại bỏ được chúng. Nhờ thế chúng ta cũng sẽ biết sử dụng việc luyện tập thành thạo hơn để bảo vệ mình trước những thứ gai góc của thực tại. Nếu nhìn theo góc cạnh đó thì chúng ta cũng sẽ hiểu được dễ dàng tại sao thiền học Zen lại khuyên người hành thiền phải luôn giữ "tinh thần của một người mới tu tập".
Riêng tôi thì tôi rất thích câu chuyện sau đây của thiền sư Shunryu Suzuki, một trong số các vị thầy lớn nhất của thế kỷ XX (xin chú ý Shunryu Suzuki, 1904-1971, không phải là  Daisetz Teitaro Suzuki, 1870-1966, thế nhưng người ta lại thường hay nhầm lẫn giữa hai vị này, khiến đôi khi Shunryu Suzuki phải thốt lên: "Tôi nào có phải là vị Suzuki vĩ đại đâu, tôi chỉ là một tên bé tí"). Câu chuyện như sau, có bốn con ngựa khác nhau, một con thật xuất sắc, một con khá tốt, một con trung bình và một con thật tệ. Con ngựa giỏi nhất thì phóng nước đại một cách dễ dàng. Nó đoán trước được ý nghĩ của người kỵ mã trước khi nhìn thấy bóng của chiếc roi ngựa đưa lên. Con thứ hai thì cũng phóng nhanh như con trước và phản ứng trước khi chiếc roi chạm vào người nó. Con thứ ba thì chỉ phóng khi nào ngọn roi quất vào da thịt nó và làm cho nó đau điếng. Con thứ tư thì chỉ phóng khi nào sự đau đớn bắt đầu ăn sâu vào xương tủy của nó.
Khi nghe câu chuyện trên đây thì có lẽ tất cả chúng ta đều mong được như con ngựa thứ nhất, hay ít ra thì cũng phải được như con thứ hai. Thế nhưng nếu mong muốn được như thế trong khi luyện tập thì quả chúng ta không phải là người khôn ngoan.
Đối với việc luyện tập thì con ngựa tệ nhất lại là con ngựa xuất sắc nhất. Chính sự khiếm khuyết của bạn mới đúng là những gì sẽ giúp bạn bước vào con đường một cách vững chắc nhất. Thói thường những người gặp nhiều khó khăn khi luyện tập lại chính là những người sẽ tìm thấy ý nghĩa sâu xa nhất trong việc tu tập của mình (tác giả muốn trấn an và khuyến khích chúng ta đấy).
Dù có gặp khó khăn khi luyện tập hay trong những lúc tìm cách để quay về với thực tại, thì cũng không nên xem đấy là các dấu hiệu bất lợi. Quyết tâm đơn giản được ngồi xuống mặt đất này và giữ lưng cho thật thẳng để hòa nhập với thực tại đang hiển hiện ra mới là điều quan trọng hơn cả.
Có phải mục đích luyện tập thiền định là làm cho chúng ta lắng dịu xuống hay không?
Tại Tây Phương thiền định thường được xem là một phép luyện tập giúp mang lại sự thư giãn, hơn nữa nhiều người còn xem đấy là một phương pháp trị liệu nữa. Thật thế, thiền định hàm chứa nhiều phẩm tính trị liệu thật đáng kể. Thế nhưng không phải vì thế mà có thể bảo rằng sự thoải mái là mục đích của thiền định, mặc dù trên thực tế thì các hiệu quả lợi ích ấy cũng có thể xảy ra. Chủ đích của thiền định thật ra khác hơn thế rất nhiều.
Mục đích của thiền định là nhằm biến cải toàn bộ mối tương giao giữa chúng ta và tất cả những gì mà chúng ta nhận biết được, cảm nhận được hay suy nghĩ được (tức là cách giúp chúng ta nắm bắt và cảm nhận được hiện thực đúng như thế, không để cho các xung năng và tác ý trong tâm thức làm cho nó bị méo mó và biến nó thành ảo giác).
Hành thiền không phải là cách tìm kiếm một thể dạng cá biệt nào cả vì như thế chỉ là cách nhằm thu hẹp tác động của nó mà thôi. Đấy là một cách tạo thêm các điều kiện để trói buộc nó, và đấy cũng là một trong những trở ngại hàng đầu trong việc luyện tập.
Thiền định không phải là một phương tiện giúp mình tìm thấy sự bình lặng, cũng không phải là một bát thuốc sắc để mà uống khi gặp phải khó khăn. Mục đích của thiền định là giúp chúng ta phát huy sự chú tâm hướng vào tất cả những gì hiển hiện ra hầu giúp chúng ta thoát khỏi mối ràng buộc giữa chúng ta và các thứ ấy.
Việc luyện tập thiền định không nhằm vào chủ đích làm cho tâm thức lắng xuống hoặc trở nên vô cảm trước những trắc trở trong cuộc sống. Dù sao đi nữa thì thiền định cũng không hề là một phương cách nhằm cắt rời chúng ta với thực tại.
Vị tổ thứ sáu của Phật Giáo Trung Quốc (ngài Huệ Năng) sau khi nghe một vị thiền sư giảng cho đám đệ tử của mình như sau: "Phải giữ tâm thức tĩnh lặng hầu giúp mình suy tư về sự Tịch Tĩnh và Vắng Lặng, và nhất thiết phải luôn luôn giữ tư thế ngồi và không được ngưng nghỉ", thì ông đã phản ứng lại như sau: "giữ tâm thức tĩnh lặng" là một hình thức bệnh hoạn và nhất định đấy không phải là con đường của Đức Phật.
Sau đó thì ông đã trước tác một bài thơ như sau:
 "Trong khi sống, nếu chỉ biết ngồi không ngưng nghỉ,
 Thì đến khi chết người ta sẽ được nghỉ, thế nhưng lại không được ngồi.
 Trong cả hai trường hợp thì đấy cũng chỉ là một đống xương hôi thối!
 Nào có liên quan gì đến bài học thật thiết yếu về sự hiện hữu này đâu".
Bài thơ trên đây chẳng phải là tuyệt vời hay sao! Cốt tủy của Đạo Pháp chính là đấy. Thiền định giúp chúng ta phát huy sự hiểu biết sâu kín nhất về bản chất của hiện thực và của chính mình. Đức Phật tự đặt mình vào tâm điểm của thực tại hầu quán thấy thế giới một cách minh bạch hơn.
Mặc dù thiền định là một sự dừng lại nhằm giúp mình nhận thấy minh bạch hơn những gì là như thế, tuy nhiên các kinh nghiệm ấy tự nó không hề là một chủ đích.
Sự đình chỉ giúp mang lại một thể dạng thư giãn. Dừng lại đấy. Một sự yên lặng tỏa rộng. Đấy là một quá trình thật cần thiết giúp cho sự chú tâm trở nên sắc bén hơn. Thế nhưng nếu dừng lại đấy thì quả thật đấy không phải là con đường.
Điều quan trọng hơn cả chính là sự cảnh giác.
Chú tâm và sự cảnh giác sâu xa
Kiến thức Phật Giáo (trí tuệ) không dựa vào các giáo điều bất di dịch như các tôn giáo khác, cũng không phải là kết quả do sự phân tích khoa học mang lại như thường thấy trong thế giới ngày nay. Nó cũng chẳng phải là kết quả mang lại bằng cách tổng kết các quan điểm khác nhau. Kiến thức Phật Giáo được hình thành nhờ vào kinh nghiệm cảm nhận của chính chúng ta bằng cách dựa vào sự chú tâm và cảnh giác sâu xa (tác giả không dùng chữ "trí tuệ" thế nhưng đã nêu lên ý nghĩa của thuật ngữ này thật khéo léo và đồng thời cũng không sử dụng chữ "giác ngộ" thế nhưng cũng gián tiếp giải thích được sự giác ngộ là gì bằng cách chỉ nêu lên thật ngắn gọn là "kiến thức Phật Giáo" được hình thành từ kinh nghiệm cảm nhận của chính chúng ta dựa vào sự chú tâm và cảnh giác - tức có nghĩa là nhờ vào thiền định).
Sự chú tâm là một cách hiển lộ tự nhiên là như thế khi nó tiếp cận với một vật thể nào đó và không hề phát lộ một sự bám víu nào. Thí dụ như tôi chú tâm vào làn gió đang luồn vào tóc tôi và trong trí thì không nghĩ đến bất cứ thứ gì cả (tác giả là một nhà sư đầu nhẵn thín, thí dụ này được đưa ra có lẽ là để dành riêng cho chúng ta đấy! Nếu đầu ta nhẵn thín thế nhưng trong tâm trí thì ta lại cứ cảm thấy gió đang luồn vào mái tóc bồng bềnh của mình thì đấy chứng tỏ là mình đã rơi ra ngoài sự chú tâm và đang phiêu lưu ở một nơi nào khác bên ngoài hiện thực và bên ngoài chính mình). Tôi đặt tâm thức tôi trong một thể dạng tiếp nhận thế thôi. Cái tâm thức ấy đang tập trung và hòa nhập vào một thể dạng thật thăng bằng của sự thanh thản. Nó không còn bị trói buộc trong các điều kiện chi phối nó nữa. Cái tâm thức ấy của tôi không hề tìm cách nói lên là nó thích cái này hay không thích cái kia.
Cảnh giác sâu xa là một sự hiểu biết trực tiếp, nó không cần đến bất cứ một hình thức trung gian mang tính cách khái niệm hay ngôn từ nào cả (khái niệm hay ngôn từ đều mang tính cách quy ước, cảnh giác sâu xa là một sự hiểu biết trực giác vượt lên trên mọi hình thức lý luận dựa vào khái niệm và quy ước). Nó giải thoát cho sự quán thấy nằm bên trong thị giác, nó giải thoát cho âm thanh nằm bên trong thính giác, nó giải thoát cho sự cảm nhận va chạm nằm bên trong xúc giác, nó giải thoát cho sự hiểu biết nằm bên trong tri thức. Đấy cũng là cách mà cây cổ thụ biểu trưng cho sự lầm lẫn bị đào lên tận gốc rễ (nhìn thấy nhưng không diễn đạt, nghe thấy nhưng không diễn đạt, va chạm vào da thịt nhưng không diễn đạt, hiểu biết nhưng không diễn đạt: đấy là cách nhổ bỏ tận gốc rễ mọi ảo giác của hiện thực).
Theo như các bài kinh nguyên thủy cũng như những trước tác của các vị đại sư thì trước hết ta phải phát động sự chú tâm và từ sự chú tâm ấy sẽ phát sinh ra sự quán thấy sâu xa mang tính cách cởi mở và sâu rộng hơn, giúp người hành thiền quán thấy một cách thật sắc bén các kinh nghiệm cảm nhận của mình về hiện thực, và từ đó sẽ dần dần hiểu được cái cấu trúc trọn vẹn của các kinh nghiệm ấy mà trước đây thì thông thường người ấy không hề nhận thức được. Chú tâm giúp mang lại sự an bình, bởi vì nó giải thoát cho tâm thức khỏi mọi thứ dao động thường tình khiến cho nó luôn bị rơi vào tình trạng bất định hướng.
Sự cảnh giác sâu xa phát hiện dưới hình thức của trí thông minh và của khả năng trực giác (prajna hay bát nhã) - đấy là một hình thức hiểu biết không phát sinh bằng cách kiến tạo mà thoát ra từ một bầu không gian mở rộng và quen thuộc (sự cảnh giác sâu xa không hình thành nhờ vào lý luận mà phát sinh từ sự cảm nhận của trực giác khi tiếp xúc với bầu không gian quen thuộc của thực tại, tức có nghĩa là nhìn vào thực tại và quán nhận được thực tại là như thế, cái thực tại ấy thật hết sức quen thuộc với mình và không cho thấy một mảy may nào xa lạ).
Tuy nhiên tôi lại thường nhận thấy đối với nhiều người sự diễn tiến trên đây không xảy ra đúng theo thứ tự. Sự cảnh giác sâu xa và sự chú tâm có thể cùng xảy đến một lúc, hoặc đôi khi cũng xảy ra trường hợp một trong hai thể dạng giữ một vị thế lấn át hơn.
Thiền định có phải là cách tạo ra một thể dạng trống không hay chăng ?
 Nhờ vào sự tập luyện thì nhất định cũng có có thể tạo ra một thể dạng trống không trong tâm thức được. Thế nhưng đạt được như thế để mà làm gì?
 Đức Phật không khám phá ra sự trống không, mà thật ra là cả một trí thông minh trực giác (trí tuệ) giúp mở ra cho chúng ta một bầu không gian rộng lớn của hiện thực. Thiền định là cách tập cho chúng ta khám phá ra thật minh bạch cái trò vận hành của sự lầm lẫn, hầu giúp chúng ta nhận thấy là chúng ta đang tự trói buộc mình (vào ảo giác) như thế nào và cái không gian của sự giải thoát thì lại rạng rỡ biết bao.
 Luyện tập thiền định không phải là cách trút bỏ tất cả những gì trong đầu mình mà đúng hơn là để giúp mình đối đầu với thực trạng của mình trong hiện tại (tức là tình trạng nô lệ bởi ảo giác). Thói thường chúng ta chỉ là những người dưng hoàn toàn xa lạ đối với chính mình. Chẳng những các cảm tính và phản ứng của chúng ta đôi khi có thể khiến cho chính chúng ta phải ngạc nhiên (không ngờ mình lại có thể suy nghĩ hay hành động như thế được) mà còn có thể làm cho chúng ta phải khiếp sợ nữa. Ta sống thế nhưng hình như là sự sống ấy đang được điều khiển bởi một con quái vật ẩn náu bên trong chúng ta.
 Đối với Phật Giáo thì thật ra chẳng có con quái vật nào cả. Nói một cách chính xác hơn thì đấy cũng chẳng khác gì như một đứa bé khiếp sợ một con ngáo ộp thế thôi. Cứ bật đèn lên thì sẽ thấy ngay là chẳng có con thú hay người nào ẩn nấp dưới gầm giường cả. Sự chú tâm chính là cái ánh sáng giúp cho chúng ta hết sợ.
 Nơi trọng tâm của con người luôn có một cái gì đó thật tốt (Phật tính). Chúng ta chỉ cần đón tiếp nó. Sự khám phá ấy thật kỳ thú. Nếu con người hòa nhập được với nó thì cả đám ma quỷ cũng sẽ mất hết khả năng gây ra những điều tệ hại. Thật ra thì cái đám ma quỷ ấy cũng chẳng phải là gì khác hơn là các thứ tư duy trong đầu của chính mình. Thật thế chúng nào có khác gì những bọt bong bóng đang lơ lửng, rồi đây chúng cũng sẽ phải vỡ tan để hóa thành một bầu không gian mở rộng. Sự giải thoát cũng chỉ là như thế.

Ngoài thiền định ra thì còn có phương cách nào khác giúp phát huy được sự chú tâm hay không?
 Thiền định là con đường hoàng đạo. Chẳng những đấy là một phép tu tập vượt xa hơn các phép tu tập khác, mà còn là nơi hội tụ của mọi hình thức sinh hoạt. Nếu không thiền định thì chúng ta cũng sẽ chẳng bao giờ có dịp để mà tận hưởng được hương vị của sự chú tâm và của thực tại.  
 Nếu khám phá ra được nó thì trong từng khoảnh khắc một chúng ta cũng sẽ khám phá thấy là mình có thể duy trì thật vững chắc được sự chú tâm đó và nó sẽ giúp cho mình biết sống một cách sâu xa hơn.
 Đối với một số học phái, thì nếu muốn thực hiện được điều ấy thì chỉ cần theo dõi  trong đầu mình từng động tác thật nhỏ trên thân xác, chẳng hạn như duỗi hay co tay, cầm một cây bút chì, khép hay mở một cánh cửa, nâng một ly nước lên hay là đặt nó xuống. Tuy nhiên cũng còn có nhiều phương pháp và các phép luyện tập khác có thể giúp chúng ta quay về với thực tại.
Nếu nhất quyết bước vào con đường thiền định thì cần phải tránh các thứ trở ngại nào có thể xảy ra?
 Không nên tìm cách chủ động thân xác mà chỉ cần hòa nhập với nó
 Điều căn bản nhất trong phép thiền định là phải dựa vào thân xác như một cơ sở hầu giúp mình phát động sự luyện tập. Gồng mình thật cứng để cố bắt chước theo tư thế của một người hành thiền lão luyện thì thật là vô tích sự! Hãy chú tâm vào những gì mà bạn đang có - đấy chính là điểm tựa duy nhất của bạn.
 Không nên cố gắng phát động sự chú tâm mà đơn giản là chỉ cần chú tâm thế thôi
 Không phải là cứ gồng người lên là giải quyết được mọi thứ khó khăn. Chỉ cần hòa nhập vào chính sự chú tâm. Không nên ước mong thực hiện một thứ gì cả mà chỉ cần tiếp cận thật gần với những gì đang hiển hiện ra với mình.
 Không nên sử dụng thiền định để biến sự cảm nhận của mình trở thành trống không mà chỉ nên dựa vào thiền định để ý thức được sự cảm nhận của chính mình
 Nhiều người sử dụng thiền định để tìm cách tạo ra một thể dạng vắng lặng hầu giúp mình tự bảo vệ trước những gì thật nghiệt ngã phát sinh từ sự cảm nhận của chính mình. Đấy chẳng khác gì là cách biến việc luyện tập trở thành một công cụ giúp mình trốn chạy, nhằm thoát ra khỏi thế giới và để loại bỏ các thứ xúc cảm cũng như mọi khó khăn. Thật ra thì đấy chỉ là một thứ ngục tù kiên cố hay một hình thức tự trấn an nào đó mà thôi và tuyệt nhiên không phải là một bầu không gian rộng mở giúp mình tự biến cải trước những gì đang hiện hữu. Quả đúng là việc luyện tập có thể mang lại một sự vững tin nào đó thế nhưng nếu dựa vào đấy để mà tìm cách biến nó thành một thứ công cụ để tự phòng vệ trước mọi sự tấn công trong cuộc sống thì quả không đúng với ý nghĩa của thiền định.
 Không nên đặt ra một mục đích để tìm cách đạt được nó cho bằng được, hoặc là mong cầu một thứ gì đó, đấy chỉ là những thứ chướng ngại ngăn chận mọi sự tiếp xúc với thực tại 
 Nếu bạn cố tìm cách đạt được bất cứ một thứ gì thì tức khắc việc luyện tập của bạn sẽ bị lệch lạc ngay, bởi vì bạn đã bắt đầu rơi ra bên ngoài cái sự thật trần trụi của những gì là như thế. Chính vì lý do đó mà con đường thiền định không hề có mục đích gì cả. Khi nào còn hướng vào một điểm đến và mong đợi sẽ đạt được điểm ấy thì khi đó chúng ta cũng sẽ quên mất con đường mà mình đang phải đi. Nếu giác ngộ là thực thể của thực tại thì việc mong cầu thực hiện được sự giác ngộ sẽ là một sự lạc hướng - bởi vì trong khi tìm kiếm sự giác ngộ thì ta sẽ không còn nghĩ đến những gì đang sẵn có ngay bên cạnh mình (người ta thường bảo rằng con đường thiền định thật ngắn, bởi vì chính nó đã là điểm đến, nếu hành thiền mà lại hướng vào một thứ gì khác bên ngoài cái thể dạng trần trụi của chính mình và của hiện thực chung quanh mình thì nhất định đấy sẽ là một sự lạc hướng hay là một cách đánh mất con đường).
 Không nên bám víu vào sự thoải mái do việc luyện tập mang lại
 Thay vì phải nhìn vào các biến động trong tâm thức đúng với cung cách hiển hiện của chúng thì chúng ta lại cứ nhắm vào những gì sẽ mang lại sự thoải mái cho mình. Nên hiểu rằng chủ đích cao quý nhất của thiền định là giúp chúng ta loại bỏ được thái độ chỉ biết tìm kiếm lạc thú và xa lánh khổ đau. Thiền định chính là cách giúp chúng ta khám phá ra cái thực tại đích thật vượt lên trên mọi sự diễn đạt (dù đấy là thích thú hay đớn đau).

Việc luyện tập thiền định có mang lại nguy cơ khiến chúng ta tự giam mình vào với chúng ta hay không?
 Thực thi thiền định lắm khi cũng giống như là một cách tự khép mình và tự tách rời mình với thế giới và mọi người chung quanh mình. Vậy có phải đấy là cách chỉ biết "nhìn vào cái rốn của mình" và không cần đếm xỉa gì đến muôn ngàn chuyện khác đang xảy ra trong thế gian này hay không?
 Sự thắc mắc đó cho thấy một sự mù tịt về ý nghĩa của con đường thiền quán. Sở dĩ sự thắc mắc ấy xảy ra là vì nền triết học Tây Phương chủ trương một sự đối nghịch giữa hai thể dạng năng động và bất động - sự năng động luôn được xem trọng và ngược lại thì sự bất động lại bị khinh thường.
 Sự nhận định sai lầm đó sở dĩ xảy ra là vì cách phân biệt giữa năng động và bất động không được dựa vào các kinh nghiệm cảm nhận của từng cá thể trong cuộc sống (chỉ tìm cách phân biệt hai thể dạng năng động và bất động trên mặt lý thuyết và không nghĩ đến là sự "bất động" cũng biểu trưng cho một nghị lực thật lớn, thí dụ như thái độ "bất bạo động" đòi hỏi phải có một sức mạnh nội tâm thật lớn vượt lên trên sự thúc đẩy của các phản ứng "bạo động"). Giữ sự yên lặng thường cần đến rất nhiều nghị lực, nhiều hơn là cách nói ra bằng lời. Buông thả theo sự chi phối của các thứ xung năng luôn dễ dàng hơn là phải đương đầu với chúng (nên ghi nhớ là thiền định không mang tính cách thụ động mà đỏi hỏi một nghị lực rất lớn).
 Thiền định giúp chúng ta phát huy thể dạng sẵn sàng để tiếp nhận. Người hành thiền nào có phải là một nhà tu khổ hạnh chỉ biết tìm cách rút lui khỏi sự sống. Thiền định mang lại cho chúng ta một sự cởi mở, và hơn thế nữa còn giúp chúng ta ứng xử một cách thích đáng nhất trước mọi cảnh huống xảy ra.
Vậy chúng ta có thể tự luyện tập thiền định một mình bằng cách học hỏi từ sách vở hay không?
 Chúng ta có thể bắt đầu tập luyện ngay bằng cách dựa vào các lời chỉ dẫn trong một quyển sách đúng đắn, thế nhưng sau một thời gian thì cũng phải tìm một người khác giúp đỡ thêm cho mình (xin hiểu là tác giả tu tập theo Phật Giáo Tây Tạng). Sự truyền giới là những gì thật hết sức đơn giản, cách xa hàng nghìn dặm với những thứ ảo tưởng mang tính cách thần bí. Thế nhưng nếu không có sự truyền giới thì sẽ khó lòng có thể đáp ứng ước vọng chân thật của người xin thụ giới. (nhân câu phát biểu này của tác giả cũng xin mạn phép nêu lên một gợi ý nhỏ là chữ "Mật Tông" - tiếng Hán là "Mi Zong" - là một "sáng chế" sai lầm trong ngôn ngữ Trung Quốc nhằm chỉ định một học phái Phật Giáo là Tan-tra Thừa hay Kim Cương Thừa. Học phái này được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ V tại Ấn độ và sau đó thì bành trướng sang hầu hết các quốc gia khác tại Á Châu, do đó học phái này không nhất thiết chỉ phát triển ở Tây Tạng để có thể đồng hóa với "Phật Giáo Tây Tạng" hay là để gọi học phái ấy là "Mật Tông Tây Tạng". Truyền giới là một nghi thức tu tập khá đặc thù của toàn thể học phái này và không có gì là "bí mật" cả, đấy chỉ là một cách giúp tăng cường sức mạnh và quyết tâm trong lòng người tu tập. Tóm lại thiết nghĩ nên gọi học phái trên đây phát sinh từ Ấn Độ là "Tan-tra Thừa" hay "Kim Cương Thừa" thì có lẽ đúng hơn ).
 Tiếc thay thời đại của chúng ta lại có khuynh hướng khinh thường phần nào tầm quan trọng và các nét tuyệt đẹp của nghi thức truyền giới, thế nhưng vào một lúc nào đó thì chúng ta cũng sẽ phải cần đến sự tương kết giữa hai con người (giữa thầy và đệ tử), đấy là cả một nhu cầu (nhằm mang lại tính cách thiêng liêng trong việc tu tập).
 Sự truyền giới đó không phải là một sự trói buộc nhằm giam mình trong một mối tương giao hạn hẹp với một người khác, mà đúng hơn là để kết nối giữa người tu tập với một dòng truyền thụ tâm linh. Những gì được truyền thụ không thuộc của ai cả, cũng không phải là một sự sáng tạo của một người nào cả (thụ giới không có nghĩa là nô lệ cho một dòng truyền thừa, một nghi thức hay một con người nào cả).
 Nhiều người đã sáng chế ra nhiều thứ kỹ thuật tập luyện thật hiệu quả giúp vào việc cải biến mang tính cách cá nhân. Thế nhưng phải hiểu rằng thiền định không mang một mục đích như thế. Thiền định là cách giúp chúng ta đến gần với Đức Phật, với cội nguồn giáo lý của Ngài.
 Hơn nữa và cũng là một điều thật hệ trọng là dù cho sự luyện tập có vô cùng đơn giản đi nữa thì cũng thật hết sức cần thiết phải bàn luận với một người đã đạt được nhiều kinh nghiệm đích thật. Chúng ta cần phải được hướng dẫn trên con đường nhằm giúp mình có thể khám phá ra tất cả sự phong phú của nó (tức là thừa hưởng được kinh nghiệm của một người lão luyện, tiếc thay tìm được một vị thầy chân chính và đầy đủ khả năng để huớng dẫn mình thì quả thật là khó trong hoàn cảnh hiện nay. Do đó nếu không tìm được một vị thầy như mong muốn thì tốt hơn tự mình phải cố gắng thật nhiều, và thật nhiều trước đã).

Tại sao thiền định lại cần thiết cho sự sống đến thế  ?
 Thật sự ra trên một khía cạnh nào đó thì chẳng có gì có thể gọi là tuyệt đối cần thiết cả và mỗi người đều có thể chọn cho mình một cuộc sống riêng tư. Thế nhưng cũng có nhiều người, trong số này có thể kể ra trường hợp của nhà điêu khắc Brancusi (một điêu khắc gia người Pháp gốc Ru-ma-ni, 1876-1957, là một trong những nhà điêu khắc lừng danh nhất trong thế kỷ XX), các người này nhất quyết xem Phật Giáo là lẽ sống của đời họ, dù rằng họ không hề tự nhận mình là một Phật Tử trung kiên.
 Dù sao thì đối với phần đông chúng ta (tức là những người Phật Giáo) nếu những ai không hề biết đến việc luyện tập thiền định là gì thì quả thật hết sức khó cho họ để có thể tìm thấy được hương vị trong những lời giáo huấn của Đức Phật (dù có hiểu được bằng lý thuyết thật đúng đắn giáo lý Phật Giáo đi nữa thì cũng ví như chỉ nhìn thấy một đĩa thức ăn "thơm ngon" bằng tranh vẽ hay bằng hình chụp thế thôi. Chỉ khi nào biết tréo chân ngồi xuống để mở rộng sự cảm nhận của mình hầu giúp mình hòa nhập với hiện thực thì khi đó cái hương vị ngọt ngào và các ý nghĩa sâu sắc thoát ra từ những lời chỉ dạy của Đức Phật mới có thể tỏa rộng trong tâm hồn mình được). Thật thế, mỗi người trong chúng ta đều có những lúc có thể phát lộ được một sự chú tâm cao độ giúp mình chợt thấy một vài kinh nghiệm cảm nhận nào đó. Các kinh nghiệm ấy hiển hiện ra với mình và mang lại cho mình một chút thư giãn. Thí dụ như khi ta tắm với một vòi nước hoa sen chẳng hạn, ta chú tâm vào các tia nước đổ xuống và chảy dài trên thân thể mình. Thay vì nghĩ đến những gì sẽ phải làm trong ngày hôm ấy thì ta cứ để cho các tia nước mang lại sự thoải mái cho mình. Phép luyện tập thiền định thật ra thì cũng chỉ là một phương tiện giúp chúng ta làm hiển hiện ra cái thể dạng là như thế, một thể dạng giúp chúng ta hoàn toàn hòa nhập vào những gì mà chúng ta đang làm với một tâm thức thanh thản và một con tim mở rộng. Sự luyện tập ấy chẳng mang tặng cho chúng ta một thứ gì đặc biệt cả. Nó cũng chẳng gợi lên cho chúng ta một thể dạng kỳ thú nào cả.
 Thế nhưng nếu không có nó thì quả là hết sức khó cho chúng ta bước đi một cách vững chắc trên con đường hướng về giác ngộ. Chúng ta sẽ cứ mãi bị chi phối bởi các cảnh huống đang xảy ra. Thiền định giúp chúng ta tiếp nhận trực tiếp được tất cả sự trong sáng hiển hiện ra một cách đột khởi từ sự chú tâm, nhằm giúp chúng ta biết tự trau dồi lấy mình và biến cải thể dạng mà chúng ta đang hiện có, cũng như giúp chúng ta đối đầu với bất cứ một cảnh huống nào có thể xảy ra với mình.
 Đấy là các lý do giải thích tại sao thiền định lại cần thiết đến thế. Nó giúp chúng ta hiểu được con đường của sự chú tâm là gì và cách biến sự chú tâm ấy thành một con đường.
Nên luyện tập thiền định một mình hay chung với một nhóm đông?
 Việc luyện tập thiền định liên quan đến các cảm nhận mang tính cách cá nhân. Trên một khía cạnh nào đó thì đấy là những gì thật hết sức đơn giản, cũng chẳng khác gì tắm rửa vào buổi sáng khi thức dậy.
 Đấy chẳng qua cũng tương tự như cất lời chào nhau vào buổi sáng và sẵn sàng đón chào sự sống trước mặt. Sự hòa nhập ấy thật đơn giản. Sau khi tắm mát xong thì cứ tréo chân lại và ngồi lên tọa cụ (cách luyện tập một mình). Cứ để cho sự tinh khiết chuyển động một cách tự nhiên chung quanh ta.
 Dù sao thì cách luyện tập chung với một nhóm nhiều người vẫn có thể giúp mình đi xa hơn (nhờ vào sự trợ lực). Luyện tập chung thường giúp mình thiền định được lâu hơn so với những lúc luyện tập một mình. Thí dụ như trong trường hợp đang luyện tập chung với nhiều người khác và mình cảm thấy không thể tiếp tục lâu hơn được nữa và cứ muốn đứng lên, thế nhưng nếu trông thấy các người khác vẫn còn ngồi im thì mình cũng sẽ phải cố gắng ngồi lại. Đấy cũng là một cách nỗ lực tập thể nhằm giúp tất cả mọi người vượt xa hơn các giới hạn đã được định trước, tức có nghĩa là mọi người đều có thể ngồi được lâu hơn thời gian quy định mà mình không hề hay biết.
 Thật thế luyện tập thiền định không phải là chỉ luyện tập cho riêng mình và vì mình. Chúng ta hiến dâng sự luyện tập của mình cho người khác và đấy cũng là cách biến nó trở thành một viên bảo châu (không nên giữ những gì mà mình thực hiện được mà nên hồi hướng cho người khác).

Nên kéo dài một buổi luyện tập trong bao lâu?
  Còn tùy vào hoàn cảnh của từng người - rảnh rỗi nhiều hay ít hoặc có những lúc quá bận rộn vì nhiều việc xảy đến. Có lúc tôi luyện tập thật chuyên cần và đều đặn mỗi ngày, thế nhưng cũng có khi thì kém hơn.
 Nếu thực lòng muốn luyện tập thì cũng nên thiền định ít nhất là hai mươi phút mỗi ngày. Tôi vẫn thường khuyên các người tu học với tôi nên luyện tập độ bốn mươi lăm phút mỗi lần. Giữ được như thế sẽ giúp cho thân xác, hơi thở và tâm thức của mình có đủ thời giờ để trở nên vững vàng hơn. Trong ngày hôm đó mọi sự xảy đến với mình sẽ diễn tiến khác hẳn đi (ta sẽ có nhiều khả năng hơn để chủ động các biến cố xảy ra và biến cải chúng trở thành tốt đẹp hơn, hay ít ra cũng không để cho chúng chỉ huy mình qua các phản ứng tự động và máy móc của mình). Nếu chúng ta luyện tập sự chú tâm thật đều đặn thì sự chú tâm cũng sẽ trung thành với mình và thường xuyên nhắc nhở mình.
 Trước khi khởi sự một buổi ngồi thiền thì cũng nên định trước là mình sẽ ngồi trong bao lâu. Sau đó thì phải cố gắng giữ đúng như thế, điều này thật quan trọng.
 Tốt nhất là nên ngồi thiền vào buổi sáng khi vừa thức dậy, tức là trước khi bắt tay vào công việc thường nhật, đấy là lúc thuận lợi nhất. Nên tìm một chỗ yên tịnh không bị ai quấy rầy.
 Tuy nhiên nếu muốn tiến bộ nhanh hơn thì ngoài những buổi ngồi thiền hằng ngày ra thỉnh thoảng cũng nên tham dự các dịp ẩn cư kéo dài nhiều ngày và đặc biệt chỉ dành riêng cho việc tập luyện thiền định. Trong các dịp như thế chúng ta sẽ có cơ hội tìm trở lại dễ dàng hơn tâm trạng của một người hành thiền khi mới tập tành, tương tự như được uống một ngụm nước tuôn ra từ cội nguồn của một con suối mát.

Sau khi hành thiền xong thì phải hành xử như thế nào trong cuộc sống hằng ngày?
 Hành thiền trong tư thế ngồi yên chỉ có thể hàm chứa một ý nghĩa đích thật khi nào nó có thể mang lại cho chúng ta một sự cảnh giác cao độ giúp chúng ta biến cải được những gì xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Nói cách khác, thiền định bằng cách ngồi yên phải đi đôi với thiền định bằng hành động. Đấy chính là cách làm phát sinh ra "đạo đức" Phật Giáo (chuyển các kết quả thiền định mà mình gặt hái được thành những hành động mang lại sự thân thiện, lợi ích và an vui cho những người chung quanh).
 Hành thiền bằng cách ngồi yên sẽ giúp cho sự chú tâm trở nên linh hoạt hơn và vững vàng hơn. Nhờ đó chúng ta sẽ ý thức được một cách minh bạch hơn từng hành động của chính mình.
 Chúng ta cũng sẽ khám phá ra phẩm tính cao độ của sự yên lặng giúp chúng ta tìm thấy sự hăng say và mối tương giao thật sinh động giữa chúng ta và bầu không gian mở rộng. Triết gia Soren Kierkegaard (1813-1855, là nhà thần học và triết gia người Đan Mạch, chủ trương thuyết hiện sinh - existentialism) cho rằng: "Sự sống và cả thế giới theo cách nhìn của chúng ta đều lâm vào một cơn bệnh thật ngặt nghèo. Nếu như tôi là một vị bác sĩ và nếu có ai hỏi tôi nghĩ gì về con người thì tôi sẽ bảo với người ấy rằng: "Hãy câm ngay đi! Để tôi kê cho một toa thuốc về sự yên lặng".
 Thiền định là một ngành y học thần kỳ. Nó mang lại cho chúng ta sự yên lặng ấy, một sự yên lặng thật cần thiết cho mỗi con người trong chúng ta.
 Nhiều vị thầy khuyên chúng ta cứ mỗi giờ thì nên dành ra một phút yên lặng. Cứ đúng mỗi giờ thì ta dừng lại và giữ nguyên tư thế của mình vào lúc ấy, dù là đang ngồi, đang đứng hay đang nằm. Ta cứ thản nhiên làm những gì mà mình cần phải làm trong suốt năm mươi chín phút trước đó, thế nhưng đến cái phút sau cùng của mỗi giờ thì nên dừng lại để thiền định. Chúng ta có thể vặn chiếc đồng đồ để báo cho chúng ta cái phút ấy.
 Khi nghe tiếng reo của chiếc đồng hồ thì hãy nên hướng tâm thức vào hơi thở của mình. Chú tâm theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra.
 Nào có nghĩa lý gì một phút trôi qua, thế nhưng cũng chỉ cần một phút thôi cũng đủ để giúp chúng ta tận hưởng những gì mang lại từ tâm thức và con tim của mình khi chúng kết hợp với nhau để cùng hướng vào không gian đang mở rộng. (Trong trường hợp không thể thiền định đều đặn một phút trong mỗi giờ thì cũng nên tự nhắc nhở mình cái phút yên lặng thật cần thiết ấy khi nào cảm thấy tâm thức mình bị dao động, bồn chồn, lo âu, tức giận, sợ hãi, hay chợt nhận thấy là mình đang cười nói huyên thiên mà không chủ động được. Những lúc ấy hãy nên cố gắng quay nhìn vào hơi thở của mình, theo dõi từng hơi thở vào và từng hơi thở ra..., sau một phút thì tự nhiên các xúc cảm bấn loạn trên đây cũng sẽ lắng bớt xuống ngay. Dù đấy không phải là một hình thức thiền định đúng nghĩa của nó, thế nhưng cũng là một liều thuốc chữa chạy tạm thời giúp cho "cơn đau" đang hành hạ mình nhẹ bớt đi).
Bures-Sur-Yvette, 16.04.12
 Hoang Phong chuyển ngữ
Source: From Hoang Phongr sent to TuVienHoPhap. Thank you.

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

NHỮNG ĐIỀU LÝ THÚ VỀ BƯU ĐIỆN VÀ TEM THƯ

Con tem đầu tiên của thế giới

con tem đầu tiên của Hoa Kỳ 1847


Con tem màu vàng 3 skilling The Three-Skilling Yellow của Thụy Điển bán $2,300,000 năm 1996
File:Gul tre skilling banco.jpg
David Feldman bán tem màu xanh  Blue Mauritius  $1,148,850 năm 1993
File:Modry mauritius.jpg
tem màu vàng này bán $1,072,260
File:Mauritius1.jpg


NHỮNG ĐIỀU LÝ THÚ VỀ BƯU ĐIỆN VÀ TEM THƯ
trần minh hiền orlando ngày 17 tháng 4 năm 2012
Hàng ngày chúng ta không để ý nhưng thực ra bưu điện và những nhân viên bưu điện vẫn âm thầm làm việc để phục vụ cho đời sống , trung gian để chuyển thư từ bưu tín . Mặc dù ngày nay internet và những tiến bộ khoa học kỹ thuật dường như muốn thay thế bưu điện nhưng bưu điện vẫn còn cần thiết .
Ở Hoa Kỳ 
Bưu điện lâu đời nhất ở Hinsdale, NH, 1816.
Bưu điệnnhỏ nhất: Ochopee, Florida,chiều dài 8-ft-4-inch chiều rộng 7-feet-3-inch.
Bưu điện  nổi , bưu thuyền: J.W. Westcott cung cấp cho tàu đi trên sông Detroit. Chiếc thuyền này có mã bưu điện riêng của mình, 48222.
Tuyến đường nông thôn dài nhất:  Route 1, Fordsville, ND, 176,5 km mỗi ngày để phục vụ 174 hộp thư.
 tuyến đường nông thôn ngắn nhất: Đường 42, Henderson, Nevada, 1,9 km mỗi ngày, 640 hộp thư.
Số thưl xử lý hàng ngày trong năm 2009: 584 triệu.
Biên chế mỗi hai tuần, tiền lương và lợi ích: $ 2,1 tỷ đồng.
Xe đưa thư: 218.684.
Địa chỉ thay đổi năm ngoái: 43,8 triệu.
Số địa chỉ giao hàng mới bổ sung vào hệ thống mail: 923595.
Tem thư, hay tem bưu chính, hay đơn giản là tem, trước đây còn gọi là bưu hoa, là một loại dấu hiệu có giá trị nhất định, thường là một mảnh giấy hình chữ nhật, dùng để trả phí cho dịch vụ bưu chính. Từ tem trong tiếng Việt có gốc từ tiếng Pháp timbre vì người Pháp đầu tiên giới thiệu tem thư vào Việt Nam.
Tiền thân của tem thư
Ngay từ năm 1653 người điều hành Bưu điện Paris (Pháp), Jean-Jacques Renouard de Villayer, đã cho ra đời billet de port payé, một mảnh giấy dùng làm cước phí tương tự như tem thư. Vì không có mặt phủ keo nên phải dùng kẹp hay dây để gắn mảnh giấy này vào thư. Không còn một bản nào còn tồn tại cho đến ngày nay.
Ở Anh cũng có những tiền thân tương tự. Hệ thống một giá trả trước bằng một loại tem cho tất cả các thư trong địa phương do William Dockwra và Robert Murray của London Penny Post phát triển từ năm 1680 đã thành công đến mức làm cho Công tước xứ York (Duke of York) phải lo ngại là độc quyền về bưu điện của ông sẽ bị chấm dứt. Do những khiếu nại của công tước nên London Penny Post phải chấm dứt hoạt động của mình chỉ sau 2 năm và được nhập vào General Post Office. Ngày nay một vài con tem hình tam giác (triangular postmark) của London Penny Post vẫn còn trong cơ quan lưu trữ văn thư, ngoài ra người ta tin rằng còn có 4 con tem này do cá nhân sở hữu.
Đầu thế kỷ thứ 19 một số thành phố đã có loại phong bì dùng để gửi thư trong thành phố có thể được xem là tiền thân của loại phong bì đã được in sẵn tem. Thí dụ như tại Sardinia (Ý) năm 1818 đã có một loại giấy của bưu điện có đóng dấu bưu phí trước (carte postale bollata), các bưu thiếp dùng để cho người đọc trả lời kèm theo trong các báo ở Anh vào khoảng năm 1818 cũng đã được trả bưu phí trước. Các tờ thư (letter sheets) phát hành vào năm 1838 tại Sydney (Úc) được xem là bưu phẩm có đính kèm sẵn cước phí (postal stationery) đầu tiên.
Con tem đầu tiên ra đời
Trước khi có phát minh về tem thư, thật khó khăn để gửi đi một lá thư đến một nơi khác. Vấn đề càng phức tạp hơn khi lá thư phải đi qua nhiều nước. Rowland Hill, một giáo viên người Anh nghĩ ra chiếc tem thư có keo dính mặt sau. Người gửi thư phải trả tiền cho phần đường mà lá thư vượt qua. Người nhận thư không phải trả tiền gì cả vì tiền gửi thư đã được trả trước rồi. Bưu điện Anh chính thức phát hành con tem đầu tiên vào năm 1840. Tem thư trở nên phổ biến tức thì ở Anh. Những quốc gia khác cũng nhanh chóng phát hành tem thư cho nước mình. Tuy vậy, vẫn còn có nhiều vấn đề về thư từ quốc tế. Một số nước không muốn nhận thư có dán tem của nước khác. Cuối cùng, vào năm 1874, một người Đức đã tổ chức Hệ thống Bưu chính Toàn cầu (UPS), văn phòng được đặt tại Thuỵ Sĩ. Ngày nay, hầu như tất cả các nước trên thế giới là thành viên của tổ chức này. Mỗi nước trong tổ chức UPS đồng ý nhận thư với bưu phí đã được thanh toán ở các nước thành viên khác.
Ý tưởng cơ bản của phát minh tem thư là không thu cước phí từ người nhận nữa mà là từ người gửi. "Hệ thống trả tiền trước" đầu tiên ra đời. Ngoài ra, đi cùng với phát minh tem thư là việc đơn giản hóa và giảm bưu phí vì thế trao đổi thư từ không còn là việc chỉ dành riêng cho giới giàu có nữa.
Ngay từ năm 1836 người Áo Laurenz Koschier tại Laibach đã đề nghị với chính phủ Áo đưa tem thư vào sử dụng để đơn giản hóa hệ thống bưu điện. Người bán sách ở Scotland, James Chalmers, cũng đưa ra một đề nghị tương tự vào năm 1838. Sir Rowland Hill, người được chính phủ Anh giao nhiệm vụ cải tổ hệ thống bưu điện năm 1835, có lẽ đã lãnh nhận đề nghị này và đưa vào chương trình cải tổ của ông. Ông được xem như là người phát minh ra tem thư.
Rowland Hill cũng chịu trách nhiệm về mẫu mã cho hai con tem đầu tiên. Hằng ngàn bản phác thảo thiết kế được gửi đến đều bị Rowland Hill từ chối. Cuối cùng ông đã lấy bản vẽ của đồng tiền kỷ niệm từ năm 1837: con tem trị giá 1 penny mang chân dung nữ hoàng Victoria I trên nền đen và loại 2 penny trên nền xanh nước biển. Con tem đầu tiên dán bằng keo được phát hành lần đầu tiên vào ngày 6 tháng 5 năm 1840 tại Anh theo đề nghị của Rowland Hill, và con tem màu xanh sau đó hai ngày. Do có trị giá là một penny nên giới sưu tầm tem thư gọi con tem đầu tiên là con tem Penny Đen (Penny Black). Henry Corbald là người đúc bản in cho hai con tem đầu tiên này. Nhà in Perkins, Bacon Petch được giao nhiệm vụ in ấn.
Tem thư lan truyền rộng rãi


Con tem "Số Một Đen"
Chỉ một thời gian ngắn sau khi hai con tem đầu tiên của thế giới được phát hành các quốc gia khác đã làm theo. Năm 1841 và 1842 một số tem ở địa phương được phát hành tại Mỹ. Kế tiếp theo đó là các con tem của Brasil và của hai tiểu bang Thụy Sĩ: Zürich và Genf. Con tem Đức đầu tiên là Số Một Đen (Der Schwarzer Eins) được Vương quốc Bayern phát hành ngày 1 tháng 11 năm 1849. Tiếp theo đó là các vương quốc Đức Hannover, Vương quốc Phổ, Sachsen và Schleswig-Holstein vào năm 1850. Con tem đầu tiên của Áo được phát hành vào ngày 1 tháng 6 năm 1850 và cũng có giá trị ở Liechtenstein.
Sau đó không lâu đã xuất hiện các loại tem thư khác thí dụ như con tem đầu tiên dùng để gửi báo ở Áo vào năm 1851. Con tem được phát hành nhân dịp khai mạc tuyến tàu hỏa đầu tiên ở Peru trong tháng 4 năm 1871 được xem là con tem đặc biệt đầu tiên. Thế nhưng không phải tất cả các nhà sử học đều đồng ý với quan điểm này.
Tem thư trở thành vật được sưu tầm
Cùng với việc tem thư lan truyền đi rộng rãi khắp thế giới, sưu tập tem cũng trở thành phổ biến. Quyển album sưu tập tem đầu tiên được phát hành vào năm 1860. Ngay năm sau đó tiền thân của cuốn tổng mục tem ngày nay cũng đã ra đời. Năm 1862 là năm tờ báo chuyên về sưu tập tem đầu tiên ra đời. Đấy là tờ The Monthly Advertiser, phát hành lần đầu tiên vào ngày 15 tháng 12 năm 1862 tại xứ sở nơi tem thư ra đời (Anh). Bên cạnh đó các hiệp hội những người sưu tập tem và sự kiện tổ chức đặc biệt dành cho những người chơi tem ra đời ngày càng nhiều. Ngay trong năm 1856 đã có nhiều cuộc gặp gỡ của những người sưu tập tem tại Mỹ. Năm 1866 hội những người sưu tập tem đầu tiên, Excelsior Stamp Association, được thành lập tại Mỹ. Tiếp theo đó là Royal Philatelic Society được thành lập tại Luân Đôn năm 1869.
Tem thư giả xuất hiện

Đi kèm theo việc tem thư lan truyền đi nhanh chóng không những chỉ có các hiện tượng tốt. Ngày càng có nhiều người làm giả nhận ra việc giả mạo tem thư sẽ mang lại nhiều lợi tức.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi các con tem đầu tiên được đưa vào sử dụng, vào ngày 6 tháng 5 năm 1840, đã xuất hiện tem giả hoàn toàn đầu tiên. Thêm vào đó còn có nhiều hình thức giả mạo một phần các con tem có giá trị trong hệ thống bưu điện, tức là con tem thật chỉ được sửa đổi vài phần để tăng giá trị bưu điện của nó lên. Trong số này thí dụ như là thay đổi màu bằng các phương pháp hóa học hay dùng các thủ thuật thay đổi con số để làm giả một con tem có giá trị cao hơn.
Nhiều lúc người ta dùng các con tem chết (tem đã dùng, có đóng dấu) và bằng phương pháp thủ công cực nhọc để từ 2 (hay nhiều) con tem này làm ra một con tem sống (mới, chưa dùng). Dấu đóng của bưu điện được tẩy xóa đi bằng phương pháp hóa học.

Các cơ quan quản lý bưu điện cũng đã sớm có nhiều biện pháp bảo vệ chống lại việc giả mạo tem thư. Biện pháp bảo vệ lâu đời nhất chống lại việc giả mạo tem thư là hình in chìm trên giấy đã được áp dụng cho các con tem đầu tiên của thế giới theo lời đề nghị của Rowland Hill.
Một số nước sử dụng loại giấy đặc biệt để sản xuất tem. Ở loại giấy này bột giấy được pha thêm sợi tơ lụa thường có nhiều màu mà sau này có thể nhìn thấy trên giấy. Trong một vài đợt phát hành tem người ta đặt kèm vào giấy còn ướt sợi tơ có màu. Biện pháp bảo vệ này được áp dụng trong các đợt phát hành tem của các vương quốc Đức Bayern và Württemberg và ở Thụy Sĩ. Giấy có màu cũng làm cho việc giả mạo khó khăn hơn. Nếu giấy chỉ có màu trên một mặt người ta gọi đó là giấy nhuộm. Biện pháp bảo vệ này được áp dụng thí dụ như cho các con tem đầu tiên của Bayern. Tại Áo tem có thêm một vạch sơn bóng để chống lại việc tẩy xóa dấu bưu điện để sử dụng lại con tem.
Đỉnh cao của tem thư


Con tem Áo 10 Heller
Vào khoảng thời gian chuyển tiếp giữa hai thế kỷ, những năm 1900, trước Đệ nhất thế chiến, sự lan truyền tem thư đạt đến đỉnh cao. Tàu hỏa liên tục được mở rộng, nhờ vào đấy tem thư đã trở thành phương tiện truyền thông quan trọng nhất. Số lượng mỗi đợt phát hành tăng vọt, thí dụ như hai con tem quan trọng nhất của Áo, tem 5 và 10 Heller của năm 1908 đạt số lượng phát hành mỗi loại trên 3 tỉ. Nhưng các con tem này chỉ được sử dụng trong phần lãnh thổ Áo của Đế quốc Áo-Hung vì Hung phát hành tem riêng của mình từ khi có Hiệp định năm 1867.
Tem thư làm phương tiện tuyên truyền
Trong Đệ nhất thế chiến tem thư bắt đầu được sử dụng như là một phương tiện tuyên truyền. Các quốc gia đang có chiến tranh giả mạo tem thư theo hai cách khác nhau để gây thiệt hại cho đối phương. Ở cách thứ nhất người ta cố gắng giả mạo thật giống tem của đối phương rồi thông qua người trung gian dùng tem giả lợi dụng bưu điện của đối phương gửi đi các vật liệu tuyên truyền. Việc vài cá nhân mua một số lượng lớn tem thư nhất là trong lúc đang có chiến tranh sẽ không giấu diếm được đối phương. Ở loại gọi là giả mạo tuyên truyền, nội dung hay hình ảnh của con tem bị thay đổi đi theo các mục đích tuyên truyền. Thí dụ như sửa dòng chử "Deutsches Reich" (Đế chế Đức) lại là "Futsches Reich" (Đế chế sụp đổ). Loại giả mạo này phổ biến nhiều nhất là trong Đệ nhị thế chiến.
Không những chỉ có các kẻ thù của một quốc gia xem tem thư như là một phương tiện tuyên truyền lý tưởng. Một số các quốc gia khác như Đế chế Đức phát xít hay Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Cộng hoà Dân chủ Đức cũng sử dụng các chủ đề trên tem thư để làm nơi tuyên truyền.
Kinh doanh tem thư hiện đại
Từ khi máy đóng dấu tem được đưa vào sử dụng trong doanh nghiệp cũng như trong bưu điện, tem được dùng ngày càng ít đi. Nhất là khi điện thoại và thư điện tử phổ biến rộng rãi người dân cũng ngày càng ít khi dùng đến tem thư. Một số nước hầu như chỉ phát hành tem thư dành cho dân sưu tập, vì đó là một nguồn thu ngân sách đáng kể, hơn nữa lại là bằng ngoại tệ.


Con tem của STAMPIT
Tại Đức bắt đầu từ năm 2002 người ta đã có thể in tem từ Internet bằng phần mềm STAMPIT của Bưu điện Đức. Gần đây việc nới lỏng độc quyền vận chuyển thư (của bưu điện nhà nước), một biện pháp trong cải tổ bưu chính, đã cho phép các doanh nghiệp cá nhân có thể tự phát hành tem thư. Năm 2004 Công ty cổ phần PIN ở Berlin (Đức) cho ra đời tem thư mang chủ đề về Abrafaxe, một nhân vật anh hùng trong loạt truyện khôi hài thời Cộng hoà Dân chủ Đức.
Từ năm 2003, Bưu điện Hà Lan và Phần Lan (tại Phần Lan thoạt tiên chỉ dành cho các công ty) đã đưa vào sử dụng loại tem do chính khách hàng tự thiết kế lấy bằng cách có thể in một tấm ảnh, bản vẽ hay biểu trưng trên một khung được quy định trước. Ở Áo ngay từ năm 2003 người ta cũng đã có thể yêu cầu in tem thư riêng của mình với số lượng tối thiểu là 200 con tem.

Tem Mũi Hảo Vọng
Tem thường có hình chữ nhật vì hình này cho phép sắp xếp tem trên giấy in tốt nhất. Hình vuông ít có hơn, ngoài ra các tem hình tam giác cũng đã xuất hiện khá sớm, được biết đến nhiều nhất có lẽ là con tem Mũi Hảo Vọng. Trong những thập niên gần đây nhiều quốc gia đã phát hành tem có đủ loại hình dáng khác nhau mà nhiều nhất là hình tròn. Cộng hòa Sierra Leone là quốc gia được nhiều người sưu tập tem biết đến vì hay phát hành tem có những dạng đặc biệt như huy hiệu, trái cây, chim, bản đồ hay hình trái dừa. Bưu chính Pháp đã phát hành nhiều tem hình trái tim; Bưu chính Nga có tem năm mới hình quạt, mỗi tờ tem hình tròn chia làm 8 con tem, mới trông như hộp pho mát vậy.
Con tem có răng cưa đầu tiên
Các tem thư đầu tiên không có răng cưa, nhân viên bưu điện phải dùng kéo để cắt rời từng con tem. Người Anh Henry Archer là người đầu tiên tìm cách tốt hơn là dùng kéo để tách rời các con tem. Đầu tiên ông thiết kế một máy đục lỗ dùng dao. Máy này dùng các dao nhỏ đặt cạnh nhau rạch khía có khoảng cách đều giữa những con tem. Các con tem được rạch khía xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1848 ở các quầy bưu điện. Thế nhưng Henry Archer vẫn chưa hoàn toàn bằng lòng với chiếc máy của ông. Chẳng bao lâu sau đó ông thay thế các con dao bằng kim đục lỗ. Hệ thống tách rời tem này được các nhân viên bưu điện ủng hộ và sau khi tem có răng cưa được phát hành tại Anh nhiều bưu điện của các quốc gia khác đã áp dụng cải tiến này.

Nguyên liệu được sử dụng nhiều nhất để in tem là một loại giấy được sản xuất đặc biệt chỉ dùng để in tem. Có loại giấy chứa chất phát quang nhằm để chống giả mạo và để cho các máy đóng dấu tự động nhận ra vị trí của con tem cần đóng dấu trên phong bì. Ngoài ra một số bưu điện còn sử dụng cả gỗ hay vải, thí dụ như Bưu điện Thụy Sĩ đã dùng hai nguyên liệu này phát hành tem chỉ dành riêng bán cho người sưu tập tem. Vương quốc Bhutan, phát hành tem riêng từ năm 1955, còn đưa ra cả tem dưới dạng đĩa hát thật có thể hát được một mặt, có đường kính từ 68 mm đến 100 mm. Cộng hòa Burundi nhân dịp kỷ niệm ngày độc lập lần thứ 3 đã phát hành nhiều loại tem trên vàng được dát mỏng.
Tem lỗi


"Jenny in ngược"
Mặc dù được in thử nhiều lần và qua nhiều kiểm tra kỹ lưỡng song vẫn có tem bị in hỏng. Loại tem này thường chỉ được những người sưu tập tem chú ý đến. Nổi tiếng nhất trong loại tem lỗi này là con tem 3 skilling vàng (Gul tre skilling banco) của Thụy Điển, được biết chỉ còn có một con, và con tem Jenny ngược đầu (Inverted Jenny) của Mỹ từ năm 1918.
Tem in nổi
Loại này hiếm thấy nhưng thay vì in màu thường, con tem được in màu và nổi (người mù có thể sờ thấy các vân nổi của hình in trên con tem.
Các loại tem thư

Ngoài tem thư được bán và dùng rộng rãi nhiều nước trên thế giới đã hay vẫn còn có một số loại tem đặc biệt.
Tem công vụ


Một trong những con tem Việt Nam đầu tiên (Tem giấy dó) được phát hành năm 1949.
Tem công vụ là loại tem chỉ được các cơ quan hay công sở dùng để gửi bưu phẩm hay bưu kiện mang tính chất công vụ. Vì thế loại tem này không được bán tại các quầy bưu điện.
Con tem công vụ đầu tiên là do Ấn Độ, vào thời gian đó vẫn còn là thuộc địa của Đế quốc Anh, phát hành vào năm 1866. Tại Đức con tem công vụ đầu tiên được phát hành vào năm 1920, sau Đệ nhị thế chiến bị bãi bỏ. Áo chỉ có tem công vụ trong thời gian bị Đức quốc xã chiếm đóng (từ 1938 đến 1945). Thụy Sĩ phát hành tem công vụ từ 1918 đến 1945, ở Liechtenstein từ năm 1932. Việt Nam phát hành bộ tem sự vụ (công vụ) đầu tiên vào tháng 7 năm 1953 với giá mặt tính bằng Kg thóc.
Sưu tập tem là một thú riêng, sưu tầm tem thư và những vật phẩm liên quan như phong bì,... Nó là một trong những thú sưu tập phổ biến nhất trên thế giới, ước tính chỉ riêng ở Mỹ đã có hơn 20 triệu người theo đuổi sở thích này. Người ta nói rằng, sưu tập tem là vua của các loại sưu tập. 
Sưu tầm tem không giống với tem học, môn học về tem thư. Nhà tem học không nhất thiết phải là người sưu tập tem. Nhiều người sưu tập đơn thuần với mục đích giải trí và không quá quan tâm đến các chi tiết nhỏ về con tem, nhưng để có một bộ sưu tập tem lớn và toàn diện, việc có kiến thức về tem học là rất cần thiết.
Các nhà sưu tập tem đôi khi đóng vai trò là nguồn tiền đối với một số quốc gia chuyên in các bộ tem số lượng hạn chế với thiết kế đặc biệt dành riêng cho việc sưu tập. Những loại tem được in kiểu này phần nhiều vượt qua nhu cầu về tem thư trong nước, nhưng đồng thời có những chi tiết thiết kế đặc biệt mà những nhà sưu tập muốn có trong bộ sưu tập của mình.
Nhiều người sưu tầm, nhìn thấy là giá của những tem hiếm đang tăng lên, đã bắt đầu đầu tư vào tem. Tem hiếm là đầu tư hữu hình có thể giữ và mang theo dễ dàng, cho nên tem là lựa chọn tốt đối với tác phẩm nghệ thuật hay kim loại quý.
Ngày nay, không chỉ trên thế giới mà ở cả Việt Nam, sưu tập tem đã trở thành lọai hình sưu tập chiếm số lượng đông đảo, khi mới ra đời vào năm 1840, tem chỉ làm nhiệm vụ thanh toán cước phí bưu chính, làm nhiệm vụ vận chuyển và làm tăng doanh thu bưu chính. Ban đầu, tem thư phát hành là tem phổ thông - tức là tem phát hành với số lượng lớn - hình ảnh và màu sắc trên tem không đẹp. Do nhu cầu bưu chính, nhiều lọai tem khác nhau đã ra đời khiến cho con tem trở nên phong phú và đa dạng hơn. Và để phục vụ cho nhu cầu sưu tập, con tem ngày nay đã in ấn càng lúc càng đẹp hơn, phong phú với nhiều chủ đề nhằm quảng bá đất nước, con người.
Mỗi con tem là một tác phẩm thu nhỏ, có tính chất đồ họa đặc biệt, ban đầu người ta xem tem chỉ là một vật để phục vụ bưu chính- nhưng lâu dần con tem bị dán và dần mất đi, và nguyên tắc tem là không tái bản , vì vậy lâu dần nêu không sưu tập và cất giữ, con tem sẽ bị mất đi. Từ những nguyên nhân trên, bộ môn sưu tập tem đã ra đời và trở thành một bộ môn nghệ thuật cho đến ngày nay.
Năm 1841, phong trào sưu tập Tem xuất hiện tại Anh và nhanh chóng lan rộng ra khắp thế giới.
Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) được thành lập ngày 09-10-1874 tại Thụy Sĩ;
Liên đoàn Tem chơi Quốc tế (FIP) được thành lập ngày 26-6-1926 tại Paris (Pháp).
Liên đoàn Tem chơi Châu Á - Thái Bình Dương (FIAP) được thành lập ngày 14-9-1974 tại Singapore.
Hội Tem Việt Nam được thành lập ngày 30-12-1960.
Chủ đề trên tem sưu tập

Người sưu tập thường có xu hướng sưu tập theo chủ đề mình thích, thông thường chủ đề do người chơi tự chọn lấy riêng cho bản thân mình. Thông thường người chơi có thể có từ 1 đến 50 chủ đề chơi. Ví dụ, chủ đề: hoa, bướm, cây cỏ, di sản hay danh nhân, thuyền bè... Chủ đề nào được nhiều người chơi nhất sẽ làm cho giá tem mau lên giá nhất. Các chủ đề được nhiều người chơi nhất là: chủ đề bướm, hoa lan và di sản thế giới.
Các thuật ngữ trong sưu tập tem 

Mint stamp : có nghĩa là tem sống, tức là tem còn lưu hành nhưng chưa qua sử dụng.
Hinge stamp: có nghĩa là giấy gắn tem, là mảnh giấy nhỏ hình chữ V, 1 đầu dán vào sau lưng tem, 1 đầu dán vào album. Thời trước, người chơi tem thường dùng cách này để dán tem vào album vì album có băng gài tem chưa thông dụng như bây giờ.
MINT NEVER HINGED (MNH) hay MINT UNHINGED (MUH): tem sống hoàn hảo, không có giấy gắn tem phía sau. Loại này có giá trị rất cao.
MINT VERY LIGHT HINGED (MVLH): tem sống đã được lột bỏ giấy gắn tem, hầu như không còn dấu vết của giấy gắn tem ở mặt sau tem. Giá trị ngang bằng tem sống.
MINT LIGHT HINGED (MLH): tem sống đã được lột bỏ giấy gắn tem, chỉ còn vết rất mờ của giấy gắn tem ở mặt sau tem. Giá trị thấp hơn tem sống và giá cả cũng vậy.
MINT HINGED (MH): tem sống vẫn còn nguyên giấy gắn tem ở mặt sau tem; hoặc tem sống đã được lột bỏ giấy gắn tem nhưng vẫn còn dính lại một ít giấy gắn tem hay vẫn còn dấu vết của giấy gắn tem ở mặt sau tem. Lọai tem này giá trị gần như tem sống tuy nhiên là tem sống không hoàn hảo , giá trị thấp hơn tem sống một bậc.
FDC (viết tắt từ tiếng Anh First Day Cover), hay Phong bì Ngày phát hành đầu tiên, do cơ quan bưu chính hay một công ty có thẩm quyền phát hành cùng ngày phát hành bộ tem. Phong bì này có hình minh họa phù hợp với nội dung của bộ tem. Tem được dán lên trên phong bì và được hủy bằng dấu kỷ niệm đặc biệt, gọi là con dấu Ngày phát hành đầu tiên.
Tem không răng là tem thư có hình ảnh và nội dung giống y hệt tem có răng, nhưng thay vì có răng cưa để dễ xé tem khi gửi thì nó được cắt phẳng theo hình thù của con tem (chữ nhật, vuông, ...).
Tem hủy theo yêu cầu hay tem CTO (viết tắt từ tiếng Anh: cancelled to order) là các tem thư bị hủy bỏ bằng việc đóng dấu bưu điện trước khi được bán cho các người sưu tập tem hoặc các nhà buôn tem.
Tem chết là những tem thư đã được đóng dấu hay bị hủy và không còn giá trị thanh toán bưu chính, chỉ còn chức năng sưu tập.
Tem mẫu, hay còn gọi là tem specimen, là loại tem đặc biệt dùng cho các cơ quan bưu chính, các nhà buôn tem để phân biệt giữa tem giả và tem thật. Tem mẫu thường được cơ quan bưu chính đóng, hoặc in đề, chữ specimen (tiếng Anh) lên trên mặt. Tem mẫu thường phát hành với số lượng ít và có giá cao hơn tem thông thường. Tem mẫu thường là tem đối chứng - nên chỉ có được bán tại ưu cục chính.
Maximum Postcard ( viết tắt là MXC ) - còn gọi là bưu thiếp cực đại, cũng gọi là bưu thiếp tương tự, dùng tem đang thời hạn phát hành dán trên mặt hình ảnh của bưu thiếp và hình ảnh của con tem tương đồng hoặc tương tự với hình ảnh của bưu thiếp, và địa điểm của con dấu bưu chính đóng huỷ tem có tương quan đến hình ảnh con tem, kết hợp thành một vật phẩm bưu chính. MXC có thể được gửi trong ngày phát hành đầu tiên có con dấu và ngày phát hành trùng khớp với nhau. MXC thường phát hành với số lượng rất ít nên dễ đẩy giá lên rất cao.
Postage stamps – tem quốc gia phát hành bao gồm các thuật ngữ
Definitive stamps – Tem phổ thông – tem thường gặp nhất – bao gồm nhiều mẫu có khi cùng mẫu nhưng có khi khác màu.
Commemorative stamps – Tem phát hành nhân các ngày kỷ niệm, thông thường lọai tem này phát hành đơn lẻ hoặc theo bộ có ghi ngày kỷ niêm trên tem. Hầu như các nước phát hành tem này thường phát hành đơn lẻ.
Revenue stamps – tem phát hành đặc biệt dùng để chi trả thuế.
Postal stationery – vật phẩm bưu chính : bao gồm bì thư, tờ kỷ niêm hay các vật phẩm liên quan như sổ tem, tờ khai sinh, v,..v…..
Sheets: là thuật ngữ dùng cho tem phát hành theo tờ.
Sheetlets – là tờ tem không phát hành riêng lẻ, thông thường in dập cả tờ, in toàn bộ mẫu hoặc trọn bộ, không bao gồm blocks, thông thường có dính lề bên ngoài mô tả cùng chủ đề của tem. Cá biệt có tem phát hành cả tờ nhưng tất cả các con tem trên tờ này đều khác nhau hoàn toàn.
Miniature sheet – tem phát hành tờ giống nhau trọn bộ chủ đề nhưng có số lượng ít hơn sheetlets , thông thường có 1, 2 hoặc 4 bộ.
Souvenir sheets – là tờ tem rất đặc biệt dùng để phát hành kèm theo tem đơn lẻ và hợp thành trọn bộ tem. em được in hay giữ trong một hình thức như cuốn sổ tay nhỏ, dài, bìa bên ngoài bằng giấy cứng có in hình mẫu tem cũng như số lượng tem có bên trong và giá tiền của nguyên sổ tem. Sổ tem lần đầu tiên được phát hành ở Luxembourg vào năm 1895 nhằm mục đích tạo sự thuận tiện cho người tiêu dùng. Rất nhanh chóng sổ tem được nhiều nước khác tiếp nhận và thực hiện. Một số người chỉ sưu tập sổ tem mà thôi; và một số các sổ tem xưa trở nên rất có giá trị hiện nay. Những quốc gia thường phát hành sổ tem cũng có in những album riêng để cho người chuyên sưu tập sổ tem dùng.
Corner blocks hay plate blocks – khối 4 hay dây 4 , thường giống nhau trong cùng một mẫu, rất hiếm vì rất khó đễ xé dây 4 hay khối 4 kiểu này, giá trị rất cao.
Stamp Booklet : sổ tem - hay sổ lưu niệm - là một cuốn sổ tay nho nhỏ chứa cả dây tem giống nhau và kèm theo hình ảnh minh họa hay có khi là cả một câu chuyện hoàn chỉnh hay lời thuyết minh trọn vẹn về tem.
Stamp Joint Issued: Tem phát hành chung - là tem phát hành chung giữa 2 quốc gia, 3, 5 hay cá biệt có đến 10 quốc gia phát hành chung một mẫu tem duy chỉ khác nhau về mệnh giá và tên quốc gia hay các vật phẩm liên quan, còn mẫu tem phát hành chung là phải giống nhau. tem phát hành chung phổ biến gồm 2 mẫu giữa hai quốc gia. Số tem in trùng với số quốc gia phát hành chung.
Souvenir Folder : Là một tờ kẹp cả bộ tem gọi là một Folder - Folder ngày nay có sự khác biệt . Trước kia Folder phát hành thường kèm bộ tem và đóng luôn dấu hủy và ngày phát hành đầu tiên. Ngày nay, Folder chỉ là tờ chứa cả bộ tem chỉ để thuyết minh cho bộ tem.
Hinge: Miếng dán tem - Dùng để dán tem vào album, thường để lại dấu sau lưng tem khiến tem phần nào mất giá trị.
Hingeless: tem không có dấu bị dán vào album.
Handstamp: Dấu hủy bằng tay thay vì hủy bằng máy.
Handback: Bì thư được xin dấu hủy bằng tay và được đưa lại cho người gởi thay vì bỏ vào thùng thư gởi đi.
Grease, Stains on Stamps: các vết ố, bẩn trên tem.
Grill: Các ô vuông nhỏ được in dập vào sợi giấy dùng để in tem. Mục đích là cũng để tránh tình trạng người ta tẩy rửa các dấu hủy để dùng tem lại, vì khi đóng dấu hủy lên tem có grill có ô vuông nhỏ này sẽ ăn mực rất đậm, khó mà tẩy xoá được.
Air Cover: Phong bì hoặc các loại giấy gói có dán hay in tem hàng không, nhãn hàng không hoặc các hình thức khác như dấu hủy xác nhận nó được chuyên chở bằng máy bay.
Backprint: Là bất cứ những gì được in ở mặt lưng của con tem.
Block: Một nhóm có ít nhất 4 tem còn dính liền nhau, 2 con theo hàng ngang và 2 con theo hàng dọc. Block có thể có nhiều hơn 4 tem nhưng phải ít hơn 1 tờ tem.
Bogus: Tem giả, tem ma. Tem loại này được những tay in tem lậu phát hành nhằm mục đích trục lợi, móc tiền của dân chơi tem. Tem loại này thường mang tên của các quốc gia không hiện hữu hoặc không được quyền phát hành tem. Booklet pane là một trang tem trong cuốn sổ tem, một trang tem thường có 6 con tem hoặc ít hơn. Thường các cạnh của trang tem được cắt xén thẳng hàng nên con tem trong mỗi trang tem sẽ có ít nhất một cạnh thẳng, không có răng.
Bull’s Eye: Mắt Bò - thuật ngữ dùng để chỉ những con tem có dấu đóng ngay chính giữa, thẳng thắn, rõ ràng ngày tháng năm và địa danh. Tem có dấu mắt bò rất được giới sưu tập tem yêu thích và cũng có câu lạc bộ riêng của những người chuyên sưu tập loại này.
Cachet: Phần hình minh hoạ hay trang trí nằm phía bên trái của phong bì. Cachet thường dùng để đánh dấu các ngày lễ, ngày kỷ niệm một sự kiện hay nhân vật. Cachet được dùng phổ biến nhất trên các phong bì phát hành ngày đầu tiên – FDC. Cachet trên FDC rất đa dạng và phong phú như được in, vẽ tay hoặc bằng lụa, bằng kim loại… dán lên phong bì.
Cancellation: Dấu hủy bỏ tem.Dấu hủy được dùng với một mục đích duy nhất là tránh không cho người ta tái sử dụng tem. Dấu huỷ có thể là những đường gạch ngang, gạch chéo bằng mực hay các dấu trong, lục giác, tam giác, sọc ngang…. đóng lên trên con tem.
Catalog: Danh mục tem. Loại sách đặc biệt nhằm phục vụ cho giới chơi tem. Sách in hình và chi tiết của tất cả các mẫu tem được các quốc gia trên thế giới phát hành hợp pháp. Tem được sắp xếp và đánh mã số theo thứ tự ABC của tên quốc gia và ngày phát hành. Sách liệt kê đầy đủ chi tiết của từng con tem như: loại tem, ngày phát hành, số răng tem, màu sắc, sự khác biệt nếu có, kỹ thuật in, loại giấy, có hay không có dấu nước... và giá trị thị trường của tem sống lẫn tem chết. Mỗi quốc gia thường xuất bản danh mục tem thư riêng của mình với chi tiết đầy đủ hơn các cuốn danh mục tổng quát của cả thế giới.Trên thế giới có một số danh mục tem rất nổi tiếng như Stanley Gibbons (Anh), Michel (Đức), Yvert & Tellier (Pháp), Zumstein (Thụy Sĩ), Bolaffi (Ý), Scott (Mỹ)... Trong số này Stanley Gibbons là cuốn danh mục đầu tiên và tồn tại lâu dài của thế giới, được xuất bản ở London từ năm 1865. Danh mục tem là một loại sách mà người chơi tem, nghiên cứu tem cũng như mua bán tem không thể thiếu được, vì không có nó người ta hoàn toàn không có ý niệm gì về con tem mình đang có trong tay cả.
Catalog value: giá trong danh mục tem.Trong danh mục tem thường có ghi chú giá thị trường của mẫu tem liệt kê trong 2 cột cuối bên phải của phần mô tả mẫu tem. Cột bên trái là giá của tem sống và cột bên phải là giá của tem chết. Giá trong danh mục tem chỉ có tính tượng trưng để làm cơ sở cho người sưu tập cũng như lúc giao dịch mua bán tem. Mọi người thường dựa trên bảng giá trong danh mục tem mà trao đổi, mua bán sao cho hợp lý với sự thoả thuận của đôi bên. Đối với các nhà buôn tem bảng giá này chỉ là một cái mốc để cho họ bán tem một cách hợp lý hơn. Rất nhiều nhà buôn bán tem cho khác hàng với giá chỉ bằng 50%-60% cho loại tem này hoặc 25%-33% cho loại tem kia so với giá trong danh mục mà thôi. Nhưng cũng có nhiều con tem được bán ra với giá gấp hai hay 3 lần trên thang giá nhưng người tiêu thụ vẫn mua như thường do mức cung cầu thực tế. Danh mục tem được xuất bản hàng năm để thêm vào những mẫu tem mới được phát hành cũng như cập nhật giá mua bán tem hiện hành. Thuật ngữ Catalog Value (giá trong danh mục tem) thường được viết tắt là CV hay C/V.
Các bộ tem nổi tiếng thế giới

Trung Quốc:
Trung Quốc nhất phiến hồng (tem bị thu hồi khi họa sĩ vẽ bị mất đảo Đài Loan)
Hồng hầu - tem Tết khỉ đỏ phát hành năm 1980.
Hoa cúc
Mẫu đơn
Cá vàng
Con tem SARS.
Việt Nam
Chiến sĩ xanh lá mạ
Mạc Thị Bưởi
Thủ công mỹ nghệ
Mỹ
Tem máy bay Curtis JN-4 in lỗi.
Thụy Điển
The Treskilling Yellow bị lỗi.
Jenny in ngược - một huyền thoại tem Mỹ
 



Con tem Jenny in ngược hay (Inverted Jenny hay Jenny Invert) là con tem được phát hành năm 1918 in hình một máy bay hai tầng cánh có tên Curtis JN-4 nhưng do vô tình hình ảnh máy bay trên tem đã bị in lật ngược lại. Vì thế nó đã trở thành con tem in lỗi nổi tiếng nhất trong lịch sử bưu chính Mỹ. Số phận của 100 con tem Inverted Jenny được kể lại vắn tắt là đã rơi vào tay một nhà sưu tập vào năm 1918 và được ông ta bán lại với giá 15.000 USD. Vài tuần sau đó, số tem này bị xé lẻ và được bán với giá vài trăm USD một tem nhưng block 4 đặc biệt với mã số của tờ tem bị in ngược đã được giữ lại cẩn thận. Năm 1954, block 4 đặc biệt này được bán với giá 18.250 USD và đến năm 1989 nhà đấu giá Christie đã đẩy nó lên tới giá 1.100.000 USD.


Vào tháng 10-2005, block 4 đặc biệt này đã được đưa ra bán đấu giá với 2.970.000 USD. Lúc đó, Kerby Confer, một nhà sưu tập tem thượng hạng, chủ nhân của block 4 đặc biệt này, cũng đã xuất hiện sau 16 năm ẩn danh. Sau khi block tem được bán xong, trước 40 nhà sưu tập tham gia đấu giá, Kerby Confer hả hê tuyên bố: "Vậy là tôi đã trở thành một phần của lịch sử". Chỉ cần nghe thế thôi cũng đủ hiểu con tem kia có sức quyến rũ và có giá trị lịch sử cao đến như thế nào. Người mua, cũng là một nhà sưu tập ẩn danh, qua trung gian là nhà sưu tập nổi tiếng Charles Shreve. Vào ngày 26-12-2007, một nhà điều hành làm việc tại Wall Street đã mua 1 con tem này với giá 825.000 USD trong một cuộc bán đấu giá tại nhà đấu giá Heritage Auction Galleries (Mỹ) nhưng người này cũng từ chối tiết lộ danh tính. Người môi giới tại nhà bán đấu giá cho biết người mua chính là nhà sưu tập tem đã bỏ lỡ cơ hội mua một con tem Jenny in ngược khác được bán với giá 997.500 USD trước đó một tháng.

THẾ ĐIỀU GÌ ĐÃ XẢY RA ???

Trong thập niên mười của thế kỷ 20, Bưu điện Mỹ đã thực hiện hàng loạt cuộc thử nghiệm để vận chuyển thư từ bằng đường hàng không. Việc này đã được thực hiện chính thức vào ngày 15-05-1918, qua các chuyến bay giữa Washington - Philadelphia - New York. Để chuẩn bị cho những chuyến vận chuyển này, Bưu điện Mỹ đã quyết định cho in một con tem với giá mặt 24 cents, đắt hơn 3 cents so với thư first-class. Tem in hình máy bay Curtiss, loại máy bay hai tầng dùng cho việc vận chuyển thư từ.

Công việc thiết kế và in ấn được thực hiện với một tốc độ chóng mặt: lên bản thiết kế ngày 4-5-1918 và in ngay vào ngày 10-5-1918 với 100 tem trên một tờ, khác với trước đây chỉ in 1 tờ lớn 400 tem và cắt ra thành 4 tờ nhỏ 100 tem. Vì con tem được in hai màu nên giấy in phải được đưa qua máy in hai lần nên lỗi in ngược đã xảy ra ở những con tem 1869 và 1901. Ít nhất có 3 tờ tem in lỗi như thế đã được phát hiện và hủy ngay sau đó. Tuy nhiên, người ta tin rằng còn 1 tờ tem như thế không bị phát hiện và thế là các nhà sưu tập tem đổ xô đi săn lùng tờ tem in lỗi đặc biệt này.

Những con tem đầu tiên được đưa đến các bưu điện vào ngày 13-5-1918 để lưu hành. Ý thức được giá trị tiềm tàng của tờ tem in lỗi nói trên, rất nhiều nhà sưu tập tem đã đổ xô đi mua bộ tem mới và luôn tranh thủ để ý tìm tờ tem in lỗi đó. Nhà sưu tập W. T. Robey là một trong số đó. Trong bức thư ông viết gửi cho một người bạn vào ngày 10-5-1918 có đoạn "sẽ không vô ích nếu để ý tìm kiếm tờ tem có lỗi in ngược đó" và trong lá thư sau đó là "tim tôi như ngừng đập khi nhân viên bưu điện đưa cho tôi tờ tem in lỗi".  Robey mua được tờ tem in lỗi và hỏi mua thêm 3 tờ nữa nhưng 3 tờ tem này không bị in lỗi.

Một số nguồn tin không chính thức về sự kiện này kể lại: Robey đã lập 3 tài khoản sau đó - dù ông đã liên hệ với các nhà buôn tem và báo chí để thông báo về phát hiện của ông. Sau đó một tuần, dù bị các thanh tra bưu điện viếng thăm, ông vẫn tìm cách giấu biến đi tờ tem và bán lại cho một nhà buôn tem nổi tiếng người Philadelphia là Eugene Klein với giá 15.000 USD. Klein sau đó đã nhanh chóng bán lại tờ tem này cho "Đại uý" H. R. Green, con trai của Hetty Green, với giá 20.000 USD.

Klein đã khuyên Green nên chia nhỏ tờ tem này ra sẽ bán được giá cao hơn và Green đã nghe theo. Ông ta đã chia nhỏ tờ tem này thành 1 khối 8 tem, vài khối 4 tem và còn lại là những con tem lẻ. Green giữ lại một số tem và để lại một tem trong két sắt của vợ ông ta. Chiếc két sắt này được đề nghị đưa ra bán đấu giá lần đầu tiên vào năm 2002 bởi nhà Siegel (Siegel Auction Galleries Rarity Sale), tổ chức vào ngày 18-5-2002. Tuy sau đó chiếc két sắt này không được đưa ra đấu giá nhưng theo giới báo chí bưu chính, nó đã được một quỹ bí mật sắp xếp mua lại với một giá đáng kể.

CUỘC TRAO ĐỔI TEM LỊCH SỬ
 

Con tem Z-GRILL của Donald Sundman
 
Vào cuối tháng 10-2005, một nhà sưu tập vô danh, mà người ta cho là nhà tài phiệt Bill Gross, đã mua block 4 đặc biệt có mã số của tờ tem Jenny in ngược với giá 2.970.000 USD. Chẳng bao lâu sau, ông ta đã tổ chức cuộc trao đổi tem với Donald Sundman, Chủ tịch Công ty tem Mystic, để đổi block 4 này lấy con tem USA 1c Z Grill. Hiện chỉ còn tồn tại 2 con tem Z Grill này, con tem còn lại đang nằm trong viện Thư viện công cộng của New York. Nhờ vào sự đổi chác này mà Gross trở thành người duy nhất sở hữu bộ tem hoàn chỉnh của nước Mỹ.
 
VÀ CÂU CHUYỆN GÂY XÔN XAO DƯ LUẬN
 

Con tem Jenny in ngược giả mạo
 
Vào năm 2006, trong cuộc bầu cử của công nhân ở quận Broward, Florida, người ta đã phát hiện ra một bì thư của cử tri có dán con tem này gửi đến nơi bỏ phiếu. Bì thư không ghi tên người gửi nên phiếu bầu này không hợp lệ. Câu chuyện trên lập tức gây xôn xao trong giới sưu tập tem Mỹ. Bì thư này ngay lập tức được gửi đến cho các chuyên gia giám định và Peter Mastrangelo, Giám đốc của APS tại Pennsylvania, đã xác nhận con tem này là giả dựa vào răng tem trên dưới và màu mực xanh dùng để in tem.
 
Ngày 13-11-2006, Dan Jacoby, một người đàn ông đứng tuổi ở Sarasota, Florida đã liên hệ với đài CNN để xác nhận rằng mình đã dùng 1 con tem chỉ đáng giá 50 xu để dán trên bì thư nói trên. Và cuối cùng, vào ngày 03-12-2006, con tem trên đã được chính thức xác nhận là 1 con tem Jenny in ngược giả mạo.

Câu chuyện này gợi nhớ tới một bộ phim Mỹ được sản xuất năm 1985 "Nhà triệu phú Brewster". Phim kể về một người đàn ông tên là Brewster đã được thách thức sử dụng cho hết số tiền 30 triệu USD trong 30 ngày và một trong những việc ông ta đã làm là dán 1 con tem Jenny in ngược lên bưu thiếp để gửi đi.
 
Charles Hack, một nhà buôn bán bất động sản và là một người yêu thích tem, sau khi mua 1 con tem Jenny in ngược với giá 297.000 USD, đã tuyên bố: "Con tem Jenny in ngược này ngoài việc đáng giá một gia tài thật sự, nó còn là một BIỂU TƯỢNG CỦA NƯỚC MỸ ".
 
trần minh hiền orlando ngày 17 tháng 4 năm 2012