Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Chuyện đời “lỗ“, “lãi“ khôn lường

Chuyện đời 
“lỗ“, “lãi“ khôn lường

(Trích Luận ngữ tân thư)
Tục nhân mỗi khi nghe đến việc gì thì đều cho là việc cuối cùng. Trí nhân mỗi khi nghe đến việc gì cũng đều nghĩ đến việc tiếp theo (chưa phải cuối cùng). Hạng giả nhân sở dĩ ngồi một chỗ mà cóp nhặt tư tưởng, chính vì suốt đời lo áp đặt ý muốn của mình cho thiên hạ(!). Bậc thánh nhân sở dĩ không ngồi suông mà bịa ra học thuyết, bởi việc đời lúc nào cũng sẵn sàng đẻ ra vô số học thuyết đấy thôi(?). Khổng Tử có lần bảo với học trò: “Tiểu nhân trước lãi sau lỗ, quân tử trước lỗ sau lãi. Vì thế cứ xem kết quả lỗ lãi ở đời là có thể định được việc của quân tử hay của tiểu nhân làm vậy…“.
Đoạn lý sự trên vẫn là “Lời tựa“ trong Luận ngữ tân thư. Sau đây lại xin trích một phần của bộ sách đó:
Vợ chồng Phạm Lãi nếm mật nằm gai, quét phân hốt rác, gian khổ nhục nhã cùng Việt Vương Câu Tiễn trong vòng mười năm trời mới diệt được nước Ngô của Phù Sai, dựng nên nghiệp bá cho nước Việt. Thế mà sau khi diệt xong nước Ngô, Phạm Lãi liền không nhận quan tước, từ chối mọi vinh quang phú quý, đem vợ con bỏ trốn một mạch vào ngũ Hồ. Việt Vương không làm cách nào gọi trở lại được, mới sai đem vàng ròng đúc một pho tượng Phạm Lãi to bằng người thật, dựng ngay bên cạnh cho đỡ nhớ. Quý trọng tưởng cũng đến thế là cùng. Song số vàng khổng lồ đó biết bao giờ mới ra khỏi cung vua nước Việt? Vì vậy ai cũng cho rằng vua Việt thật khéo giả vờ mà Phạm Lãi thế là lỗ to. Có kẻ đem việc ấy than với Khổng Tử. Khổng Tử bảo:
“Thiếu Bá (tên tự của Phạm Lãi) chưa hẳn đã chịu lỗ đâu. Một nước vừa trải qua chiến tranh như nước Việt, tất có lắm công thần. Đó là những kẻ lúc gian nguy chinh chiến từng xông pha quên mình. Bề ngoài thì hô hào thật lực, khiến ai nghe tiếng cũng tưởng vì thiên hạ lắm, song trong bụng thực chất vì mình trước tiên (nguyên văn: “tiên vị ngã, hậu vị… ngôn“). Khi việc nước thành tựu rồi thì cái sự vì mình nó mới dần dần lộ ra. Đời này chưa lộ hết thì đến đời sau, đời sau nữa, v.v… Càng những đời sau sẽ càng lộ rõ. Nước Việt sở dĩ thành là bởi có những sự xông pha ấy, mà hỏng cũng tự bởi chính những cái bụng công thần ấy. Ta nghe nói người quân tử sống giữa đám công thần nguy như gà mái sống chung với bầy diều hâu, đến thân còn khó giữ, nói chi tới việc bảo bọc cho con cháu… Thiếu Bá chẳng qua vì ghê sợ điều đó nên mới phải bỏ đi đấy thôi. Song ta chắc rằng cái máu làm quan để lưu danh hậu thế của ông ta vẫn chưa dứt hẳn đâu…“. .
Quả nhiên một thời gian ngắn sau đã nghe tin Phạm Lãi đổi tên thành Chi Di Tử Bì, sang làm quan đại phu ở nước Tề, ăn lương hai vạn thạch. Có người thấy thế cũng mừng cho Phạm Lãi, song vẫn tiếc là không thể giá trị bằng người vàng. Lại đem việc ấy hỏi Khổng Tử. Khổng Tử bảo:
“Các tư tưởng (lớn) trong thiên hạ ngày nay thông nhau như những ống cống chôn dưới gầm nhà vậy. Huống chi chính trị nước Tề với chính trị nước Việt chẳng qua đều từ một học thuyết mà đẻ ra cả. Vì vậy làm quan ở nước Tề thì khác gì làm quan nước Việt? Ta chắc rằng Thiếu Bá rốt cuộc vẫn vì chuyện nước Việt mà phải bỏ quan cho mà xem“.
Quả nhiên được ít lâu, lại nghe nói Phạm Lãi bỏ quan, về sống ở đất Đào làm dân thường. Việc ấy vốn có nguồn cơn như sau: Năm đó vào dịp kỉ niệm (5;10;15;20…) năm, ngày nước Việt diệt nước Ngô. Việt Vương ra chiếu chỉ tổ chức một tiệc yến thật lớn, lệnh cho cả trăm quan tới dự. Nghĩ đến công lao của Phạm Lãi khi xưa, Việt Vương sai sứ lặn lội sang tận nước Tề gặp Phạm Lãi để nói rõ tấm lòng nhớ nhung của mình, đồng thời tha thiết mời Phạm Lãi về dự lễ kỉ niệm. Phạm Lãi nhân đấy hỏi sứ giả:
“Nước Việt có những ai được dự bữa tiệc yến ấy?“.
Sứ giả trả lời:
“Tất cả trăm quan đều được ăn yến“.
Phạm Lãi hỏi tiếp:
“Thế còn dân thì sao?“.
Sứ giả trả lời:
“Dân chúng cũng được đến xem. Song chỉ cốt để ghi nhớ thế thôi“.
Phạm Lãi lại hỏi:
“Các quan nước Việt bây giờ là những người như thế nào?“.
Sứ giả trả lời ngắn gọn:
“Các quan nước Việt bây giờ đều là những nô bộc của dân cả“.
Phạm Lãi nghe xong nín lặng lui vào nhà trong, sai người ra bảo sứ giả hãy cứ trở về, đợi đến ngày đó tự khắc sẽ sang dự.
Sứ giả về tâu lại, Việt Vương mừng lắm. Đúng ngày lễ. Ngay từ sáng sớm, trăm quan trịnh trọng áo mão cân đai đã tề tựu đông đủ. Sau khi lần lượt dâng biểu chúc mừng, các quan chia ngôi thứ đứng xếp hàng sẵn để chờ vào ăn tiệc. Việt Vương tắm gội sạch sẽ, đích thân ra chầu chực ở nhà khách đón người bề tôi cũ, đồng thời cũng là một bậc cố nhân từng đồng cam cộng khổ với mình. Chờ mãi đến gần giờ ngọ, nghe báo Phạm Lãi đã tới, Việt Vương mừng quá vội vàng bước xuống tận thềm để đón. Ai dè chẳng thấy bóng Phạm Lãi đâu, chỉ có mấy người nhà làm ra vẻ cung kính đi theo hộ tống một con chó. Vốn là con chó trung thành của Phạm Lãi, chính Việt Vương cũng từng biết mặt. Con chó đầu đội mũ đại phu, lưng thắt đai nhất phẩm, mõm ngậm tấm thiệp mừng, vẫy đuôi rối rít. Việt Vương nhận ra “người quen“ bỗng giận tím mặt, nghiến răng lại bảo:
“Hừm! không ngờ gã Thiếu Bá này khinh trẫm đến thế là cùng“.
Nói xong, lập tức sai sứ sang trách mắng Phạm Lãi thậm tệ. Lại còn doạ sẽ cử binh sang đánh nước Tề để bắt Phạm Lãi về trị tội. Phạm Lãi nghe mắng cứ tỉnh bơ, kể cả những lời dọa cũng không hề làm thay đổi sắc diện, chỉ vuốt râu bảo với sứ giả:
“Ta nghe nói người quân tử làm mà không cậy công. Bậc thánh nhân thành công mà không ở lại. Vua Việt dẫu không được coi là thánh nhân, song cũng đã từng là người quân tử. Nay bỗng dưng lại tổ chức kỉ niệm rầm rĩ như thế, hẳn là muốn khoe mãi cái công trạng một thuở ấy của mình. Thế là cái “tâm“ của nhà vua đã thiên đi rồi, đâu còn gọi là quân tử nữa? Lại nghe nói trăm quan nước Việt ngày nay đều xưng là nô bộc của dân cả. Thế nghĩa là nhà vua mở tiệc để đãi nô bộc đấy chứ. Đâu phải đãi kẻ quân tử? Đãi nô bộc thì ta cho nô bộc sang dự có gì mà không phải?“.
Sứ giả trở về cứ nguyên văn như thế tâu lại. Vua Việt không bắt bẻ vào đâu được, lại sợ thiên hạ chê cười nên đành phải lờ đi, không đả động gì đến việc cử binh đánh Tề nữa. Sau việc ấy, không hiểu sao đám quan viên ở nước Tề lại tỏ ra căm tức thay cho các quan nước Việt [quả là những tư tưởng (lớn) thông nhau thật]. Phạm Lãi vì thế thường bị gièm pha, cô lập ngay giữa triều đình nước Tề. Cả con cháu cũng thường xuyên bị kẻ khác rình mò ám hại… Phạm Lãi quyết chí bỏ quan, trở về đất Đào làm một kẻ thường dân, thề vĩnh viễn không bàn đến việc thiên hạ nữa. Từ đó mới được yên ổn.
Chuyện Phạm Lãi lần thứ hai bỏ quan chung quy chỉ có vậy. Song có kẻ vẫn không hiểu nguyên do tại sao, cho rằng cơ nghiệp của Phạm Lãi thế là cuối cùng cũng bị lỗ thật sự. Lại đến than với Khổng Tử. Khổng Tử bảo:
“Thiếu Bá tuy làm quan ở nước Tề, nhưng trong lòng vẫn ngóng về nước Việt. Thấy vua quan nước Việt ngày trước thường tự coi mình là “phụ mẫu chi dân“ (cha mẹ của dân) thì biết là giả dối, song đó mới chỉ là sự giả dối ngoài da thịt, vẫn hy vọng đến một ngày nào đó có thể sẽ tỉnh ngộ lại mà sửa chữa, hòng tử tế hơn được chăng? Nay nghe nói vua quan nước Việt lại xưng là “nô bộc chi dân“ thì biết là sự giả dối đã ăn vào tận cốt tuỷ rồi, không thể cứu vãn được nữa. Vậy nên mới dứt hẳn mộng làm quan đấy thôi. Có điều ta chắc người như Thiếu Bá không khi nào lại chịu trắng tay đâu“.
Phạm Lãi về ở đất Đào, vợ chồng con cái tự cày cấy lấy mà ăn, tự dệt vải mà mặc. Song từ đó tập trung toàn bộ mưu lược vào việc làm ăn buôn bán, vì khéo tính toán nên chẳng mấy chốc trở nên giàu có, lãi kể đến ức vạn. Lại viết sách dạy thiên hạ cách làm giàu, xưng là Đào Chu Công, danh tiếng lừng lẫy. Phạm Lãi từ đó không những lưu danh sử kí, mà sách của Đào Chu Công cùng những giai thoại khôn ngoan tuyệt đỉnh của ông còn truyền đến tận ngày nay, đời nào đọc đến cũng phải nghiêng mình bái phục. Quả là cuối cùng vẫn không chịu lỗ tí nào.
Tháng 4 năm Đinh Hợi (2007)
Phạm Lưu Vũ
Source http://phamluuvu.wordpress.com/chuy%E1%BB%87n-d%E1%BB%9Di-%E2%80%9Cl%E1%BB%97%E2%80%9C-%E2%80%9Clai%E2%80%9C-khon-l%C6%B0%E1%BB%9Dng/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.