Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Hóa chất không dính - Teflon



 Dr. Mai Thanh Truyết
Cho đến nay, hầu hết dân chúng trên thế giới đều biết đến hóa chất Teflon đặc biệt là trong các công việc bếp núc. Tính chất đặc thù của hóa chất nầy là không làm thức ăn dính vào nồi niêu xoong chảo sau khi đã được phủ một lớp mõng bên trong. Nhưng trong những năm gần đây, tại Hoa Kỳ đã xảy ra những vụ kiện của dân chúng về những tính độc hại của Teflon. Tuy đây chỉ là những vụ kiện đơn lẻ, nhưng tầm quan trọng của vấn đề cũng đáng cho chúng ta cần lưu tâm đến.

Đặc tính của Teflon
Teflon là tên thương hiệu của một chất polymer do nhà khoa học Roy Plunkett (1910 – 1994) khám phá vào năm 1938. Sản phẩm nầy được hãng DuPont tung ra thị trường từ năm 1946. Đây là một hóa chất hữu cơ chứa fluor, có tính chất chịu nhiệt và không kết dính.

Khoảng 50 năm về trước DuPont đã bắt đầu sản xuất đủ loại sản phẩm dùng trong nấu nướng có phủ một lớp Teflon. Có thể nói đây là một cuộc cách mạng nấu nướng làm cho dịch vụ nầy được thực hiện dễ dàng và thâu ngắn thời gian làm bếp của những ông bà nội trợ. Các dụng cụ bếp núc mới tiếp tục ra đời, ngay cả lò nướng và xoong chảo bằng điện. Hiện tại, 70% dụng cụ nấu nướng ở Hoa Kỳ là thuộc loại không dính.

Chất Teflon không dính là do một tính chất đặc biệt của hóa chất nầy. Teflon chỉ là một tên thương hiệu dùng để gọi thay thế tên hóa chất của một loại polymer polytetrafluoroethy lene viết tắt là PTFE. Đặc tính độc đáo của PTFE là hệ số cọ sát (coefficient of friction) của chất nầy thấp nhất đối với tất cả các kim loại hiện diện trên trái đất. Do đó nó có thể được dùng như một lớp áo tráng bên trong nồi niêu trong kỹ nghệ nấu nướng.

Độ nóng chảy của PTFE là 3270°C. Vì hệ số cọ sát thấp, PTFE còn được dùng trong kỹ nghệ không gian và trong kỹ nghệ tinh luyện uranium, áo giáp chống đạn, vật cách điện v.v… Bốn năm sau khi tung ra thị trường từ năm 1950, hảng DuPont đã sản xuất trên 500 tấn PTFE tại cơ xưởng ở Virginia.
 
Nguy hại của Teflon
Với những tiện lợi đã nêu trên nhất là trong việc nấu nướng, tuy nhiên Teflon cũng cho thấy nhiều mặt tiêu cực khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Xin nhắc lại một lần nữa là khi áp dụng một hóa chất nào trong đời sống, chắc chắn chúng ta sẽ phải chấp nhận nhiều điểm thuận lợi và cũng có những bất lợi kèm theo sau. Trường hợp của Teflon cũng không là một ngoại lệ nào cả.

Từ những ứng dụng trên đặc biệt trong kỹ nghệ nấu nướng, nếu các chảo không dính được đun ở nhiệt độ cao, khí độc có thể bốc lên tùy theo nhiệt độ đang đun. Khí nầy có thể là một vũ khí có thể giết chết chim chóc, và ảnh hưởng lên con người qua cảm giác như bị bịnh cúm (flu-like), làm cơ thể bị nóng sốt trong vòng một tuần lễ tùy theo cung cách và cường độ bị tiếp nhiễm. Việc tiếp nhiễm có thể xảy ra khi chảo Teflon vẩn còn trên bếp nóng ở trong một gian nhà bếp nhỏ, ít thoáng khí và không có máy hút khói. Trong trường hợp hệ trên, nghĩa là lớp Teflon bị nun nóng quá độ, Teflon sẽ bị phân hủy và khí thoát ra có thể gây tử vong cho người. Teflon bắt đầu bị phân hủy từng phần ở khoảng 5000°F (tương đương 2600°C), và bị phân hủy hoàn toàn ở nhiệt độ 6600°F (3500°C).

Để có thể có một khái niệm để so sánh, dầu mở hay bơ bắt đầu chảy và sôi cùng ra khói vào khoảng 3920°F (2000°C), còn thịt bị cháy khi được nun nóng đến khoảng 400 – 4500°F (200 – 2300°C). Chúng ta cũng cần nên nhớ rằng khi đạt đến các nhiệt độ kể trên thì nhiệt độ của đáy chảo sẽ cao hơn khoảng 3000°F, nghĩa là lớp Teflon có thể đã bắt đầu phân hủy rồi.

Năm 2005, Hội đồng Cố vấn Khoa học (SAB) của Cơ quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ (USEPA) đã khám phá rằng hóa chất perfluorooctanoic acid (PFOA), một hóa chất dùng để điều chế Teflon là dường như gây ra ung thư (likely carcinogen). Suzan Hazen, Phụ tá Hành chánh của EPA, sau khi nhận được một báo cáo khoa học công bố rằng đã có chỉ dấu của hóa chất PFOA trong máu của 90% người HK, tuyên bồ rằng: ”Mặc dù nguồn gốc của sự tiếp nhiễm nầy còn mơ hồ, nhưng các dụng cụ nấu nướng không dính đang là một nghi vấn lớn”. Và EPA cũng đã nghiên cứu vấn đề nầy để có thể đem ra thảo luận trong các hội nghị chuyên đề sắp tới.

 
Trường hợp điển hình
Có hai trường hợp được nêu ra đây, đó là việc ảnh hưởng lên súc vật và người của hóa chất vừa kể trên. Vào tháng 6, 1999 tại West Virginia, gia đình Tennent đã kiện hãng DuPont vì đã làm chết 280 con bò của gia đình nầy do hóa chất PFOA phế thải vào bãi rác lộ thiên, không độc hại ở gần nơi cư trú của gia đình. Nước rỉ của bãi rác trên đã đi vào rãnh nước xuyên qua khu đất nuôi bò. Vụ kiện đã được dàn xếp nội bộ, nhưng số tiền bồi thường không được công bố.

Vụ thứ hai, vào năm 2004, DuPont đã phải trả 300 triệu Mỹ kim để dàn xếp một vụ kiện khác do các cư dân sống chung quanh nhà máy sản xuất Teflon ở Ohio và West Virginia căn cứ vào nguồn nước ngầm ở hai nơi nầy bị ô nhiễm vì hóa chất trên, và một số người dân bị tiếp nhiễm và sức khỏe bị ảnh hưởng cũng như có một số chỉ dấu liên quan đến mầm móng ung thư.

Tuy nhiên, Cơ quan EPA HK vẫn chưa có một quyết định dứt khoát nào về hóa chất PFOA nầy, là vì các cơ quan y tế và nghiên cứu chưa thu thập đủ dữ kiện để kết luận tính chất ung thư của hóa chất. Sự thận trọng nầy rất cần thiết và áp dụng cho mọi trường hợp. Ngoài ra, có thể còn có những sức ép khác đặt trên căn bản kinh tế-chính trị ảnh hưởng lên các kết luận của cơ quan y tế HK ngoài vấn đề ảnh hưởng lên sức khỏe và môi trường.

Cho đến nay 2006, hóa chất nầy vẫn chưa được EPA liệt kê vào danh sách hóa chất có nguy cơ gây ra bịnh ung thư. Báo Washington Post ngày 23/12/2005 có loan tải tin tức như sau: “EPA đang cứu xét sự kiện hóa chất PFOA có nguy cơ ảnh hưởng lên sức khỏe con người và phải được qui định thành luật. Hóa chất nầy là một trong những hóa chất hữu cơ sinh tụ và không phân hủy (bio-accumulative persistent organic pollutants – POPs)), liên quan đến bịnh ung thư và phát sinh dị hình dị dạng nơi thú vật; do đó, có thể gây ra ung thư cho con người”. Như vậy chúng ta đã thấy EPA Hoa Kỳ rất thận trọng trong lãnh vực làm luật.

Đối với trách nhiệm của những nhà sản xuất, trong trường hợp hãng DuPont, ngoài hóa chất PFOA, hóa chất dùng để sản xuất Teflon, hãng nầy còn sản xuất một hóa chất rất nổi tiếng là CFC viết tắt của tên hóa chất chlorofluorocarbon. Đây là một hóa chất dùng trong kỹ nghệ lạnh và là một hóa chất gây ảnh hưởng đến tầng lớp ozone của bầu khí quyển, còn gọi là hiệu ứng nhà kính.

Trong quyết định của 189 nguyên thủ quốc gia ở kỳ nhóm họp tại Montreal năm 1989, Nghị định thư Montreal ra đời với kết luận là phải chấm dứt việc sản xuất hóa chất CFC vào năm 2006. Chính hãng DuPont vào năm 1992 cũng đã tuyên bố là sẽ chấm dứt việc sản xuất chất CFC càng sớm càng tốt. Nhưng hãng nầy vẫn tiếp tục tung ra thị trường hóa chất trên. Tiếc thay, điều nầy nói lên được sức ép của những thế lực tư bản ở đất nước nầy, và các thế lực trên có khả năng khuynh đảo những luật lệ đã được quốc tế đồng thuận.

Trở qua việc sản xuất PFOA, kể từ đầu năm 2006, hãng DuPont, công ty duy nhất sản xuất chất PFOA tại HK, chiếm 25% mức sản xuất trên thế giới đã đồng ý tiết giảm dần dần sự phát thải của chất nầy vào môi trường và hứa chấm dứt vào năm 2015. Hãng cũng hiện đang nghiên cứu một loại hóa chất khác để điều chế Teflon như tổng hợp trực tiếp fluor và ethylene. Chúng ta cũng khó biết hãng nầy có giữ được lời hứa hay không, hay cũng giống như trường hợp của chất CFC.

 
Thay lời kết
Như đã trình bày trên đây, các dụng cụ nấu bếp có Teflon đem lại nhiều tiện lợi trong việc nấu nướng; tuy nhiên những thuận lợi đó có thể mang lại cho chúng ta phiền não nếu xử dụng không đúng cách.

Trong cung cách nấu nướng của Việt Nam, chúng ta thường hay nấu ở nhiệt độ cao, và chưng hay hầm thức ăn trong một thời gian dài. Điều nầy có thể làm cho lớp Teflon bị phân hủy mà chúng ta không nhận biết được. Do đó, ảnh hưởng lên sức khỏe có thể xảy ra trong một thời gian dài sử dụng mà có rất ít người lưu tâm đến. Vì đây là những chất hữu cơ bền vững, không bị phân hủy theo thời gian, sẽ tích tụ trong cơ thể chúng ta. Một khi liều lượng đã đạt đền mức gây nhiễm độc, khả năng được chữa trị lành sẽ rất thấp.

Vì vậy, đề nghị trong công việc nấu nướng, chúng ta cần thận trọng khi sử dụng các dụng cụ có lớp Teflon, cũng như không nên dùng lại các dụng cụ trên khi thấy có những vết trầy hay lớp Teflon trên mặt không còn trơn láng nữa. Điều sau nầy nói lên mức độ phân hủy của Teflon rất cao vì không còn có lớp bảo vệ trên mặt nữa.

Mai Thanh Truyết

Source Internet.

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Chữa bệnh bằng máy sấy tóc


Huỳnh Hải

chua benh bang may say toc
Cách đây hơn 10 năm, tôi bị sốt rét do nhiễm ký sinh trùng Plasmodium Vivax. Sau lần đầu tiên bị sốt rét tôi mới thấy thông cảm với bệnh nhân nhiều hơn, vì đây đúng nghĩa là một sự đau khổ về thân xác. Thường cơn sốt rét đến với tôi là triệu chứng đau nhức mình mẩy, ớn cột sống. Rồi cơ thể đột nhiên lạnh run, hai hàm răng đánh với nhau cầm cập, cái lạnh hình như từ trong xương lạnh ra, người tôi co rúm lại. Cảm giác lạnh nhanh đến nỗi không kịp mặc thêm quần áo ấm, không kịp đắp mền. Lạnh hơn nửa giờ thì cơn sốt đến, đầu đau như búa bổ. Tôi phải cởi quần áo ấm, tung mềm ra. Tôi uống thuốc đúng phác đồ sốt rét, mà cơn sốt vẫn rất khó khăn để ngưng lại. Dạ dày tôi vốn yếu, tuy không đau nhưng hay nóng xót cồn cào. Nhất là khi uống thuốc sốt rét, cảm giác xót xa lại tăng lên, kèm với những lần nôn thốc tháo ra ngoài. Lúc đó ăn uống thật vô cùng khó khăn. Cái ăn bây giờ đối với tôi chỉ là cố đưa chất dinh dưỡng vào cơ thể, để cơ thể khoẻ mạnh từ đó chống lại bệnh, chứ không còn là sự thưởng thức của những vị ngon của thức ăn nữa . Ăn vào từng miếng cũng rất khó, miệng lưỡi thì nhạt thếch mà dạ dày cứ chực nôn ra. Sau đợt sốt rét sức khoẻ tôi suy giảm rõ rệt, cân nặng giảm đi vài ký, hai chân đi không vững mà đầu thì choáng váng. Cứ mỗi đầu mùa mưa cơn sốt rét tái diễn. Tôi lại uống thuốc thuốc sốt rét đúng theo phác đồ. Sốt rét có hạ cơn nhưng rất khó khăn. Rồi sau đó, thỉnh thoảng khi đi mưa về, dù chỉ là tiếp xúc thoáng qua với mưa nhỏ, cơn sốt rét lại tiếp tục. Sự đau khổ này lại đến mỗi năm. Các bạn nghĩ xem cứ chờ đợi một cực hình sắp xảy ra vào một thời điểm mình biết trước, mà không có cách giải quyết, thật là kinh khủng quá. Tình cờ một hôm trong khi cơn sốt rét hành hạ. Tôi dùng cây kim châm cứu châm vào hai điểm ở vùng gáy và dùng máy sấy tóc để hơ vào. Lúc đó thật như đau chân há miệng, tôi không biết mình hơ máy sấy tóc bao lâu. Đến khi người dễ chịu, cơn sốt lui thì mới buông máy sấy tóc ra và ngủ một giấc ngon lành. Từ đó mỗi đầu mùa mưa, khi cơn sốt rét chực trở lại thì tôi xử dụng “chiêu cũ” và thật là hiệu quả. Năm năm qua tôi đã tạm biệt những cơn sốt rét. Thật là một sự vui mừng khó tả.
Qua câu chuyện về bản thân trên, tôi biết rằng dân gian có nhiều cách xử lý nhẹ nhàng đơn giản mà có thể giải quyết được rất nhiều bệnh. Trong quyển sách này, tôi ghi lại những kinh nghiệm nhỏ của tôi, tôi đã áp dụng và hướng dẩn cho những bệnh nhân của tôi và họ đã thu được những kết quả tốt. Hy vọng những kinh nghiệm y khoa đơn giản này sẽ mang lại một chút lợi ích cho các bạn.
Tôi xin được xem nội dung của quyển sách cùng với những thành tâm của tôi trong việc góp phần vào sự hạnh phúc và sức khoẻ của các bạn là món quà tinh thần, kính dâng lên cho cha mẹ và xin được chia sẻ hạnh phúc với người vợ yêu dấu của tôi.
Ngày 10 tháng 8 năm 2006
BS. Huỳnh Hải
CHỮA BỆNH BẰNG MÁY SẤY TÓC
Thông thường khi nghe nói chữa bệnh bằng day ấn huyệt, bằng kim thì không ai ngạc nhiên. Vì kinh huyệt và châm cứu là một phần của nền y học Trung Quốc có từ xưa. Châm cứu là dùng kim và điếu ngải cứu tác động lên mười hai chính kinh và hai mạch lớn (Đốc mạch và Nhâm mạch).
Châm cứu đã theo người Trung Hoa sang nước ta và đã được áp dụng ở Việt Nam từ lâu. Nhưng khi nghe máy sấy tóc, một dụng cụ làm đẹp, nay dùng để chữa bệnh chắc nhiều bạn cảm thấy ngạc nhiên. Những trường hợp bệnh sau đây dùng máy sấy tóc để chữa, có kết quả tốt, nhiều khi thật kỳ diệu.
LẠNH GIỮA ĐÊM
Nhiều người hay bị “phát lạnh” đột ngột nhất là vào ban đêm. Bệnh nhân cảm thấy lạnh từ trong xương. Đang ngủ giật mình thức giấc lạnh run. Thỉnh thoảng cứ gặp tình huống này. Điển hình là người bạn đời của tôi khoảng mười năm về trước. Nhiều khi đi về quê chơi, nửa đêm đang ngũ, tôi giật mình thức dậy vì bà xã đột nhiên “đánh bò cạp” rên hừ hừ. Cả nhà phải thức, bố tôi chụm củi lên để cho con dâu ngồi gần bếp hơ tay chân cho ấm. Ở thành phố thì tiện lợi hơn. Các bạn chỉ việc cắm dây của máy sấy tóc vào ổ điện là đã có một dụng cụ chữa bệnh hiệu quả. Các bạn có thể nhờ người khác hoặc tự mình hơ máy sấy tóc dọc cột sống từ trên xuống dưới (từ đốt sống ngực thứ nhất đến cột sống vùng cùng cụt, hay từ huyệt Đại chùy đến huyệt Trường cường). Hơ nóng như vậy khoảng mười phút là các bạn đủ ấm người lên ngay. Có thể hơ nóng thêm vào tay và chân. Sau những lần giải quyết có tính cách “cấp cứu” các bạn nên đi khám bệnh để tìm nguyên nhân của tình trạng “phát lạnh” để chữa tận gốc.
CẮT CƠN SỔ MŨI
Sổ mũi là một triệu chứng hay gặp khi các bạn bị cảm cúm, viêm họng, sổ mũi do thời tiết, do dị ứng. Sổ mũi hay nghẹt mũi là do tình trạng niêm mạc mũi (lớp da mỏng lót bên trong mũi) bị viêm. Các mao mạch (mạch máu nhỏ) ở vùng mũi bị sưng, đỏ. Máu bị ứ lại, có thể gây nghẹt mũi hoặc sổ mũi. Có người bị sổ mũi ít thôi. Nhưng cũng có người chảy mũi không cầm được, chùi xong nước mũi cứ chảy tiếp tục. Nếu cúi đầu xuống thì nước mũi chảy không dứt. Mũi có thể chảy ra phía trước hay chảy xuống họng. Các bạn muốn dừng ngay cơn chảy mũi không? Hãy dùng máy sấy tóc để ở một khoảng cách thích hợp (nóng vừa phải) và cho hơi nóng trực tiếp đến 2 lổ mũi. Tình trạng sổ mũi tạm thời dừng lại ngay. Nếu sổ mũi tái phát các bạn có thể hơ nóng tiếp tục.
TÊ BÀN TAY
Đây là triệu chứng của nhiều bệnh: Suy nhược cơ thể, huyết áp thấp, hội chứng Raynaud (co động mạch đầu chi), hội chứng ống cổ tay, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid… Đồng thời cùng với việc điều trị đặc hiệu của từng bệnh, các bạn có thể dùng máy sấy tóc hơ nóng hai bàn tay và hai bàn chân mục đích để giãn mạch máu, tăng tuần hoàn đến đầu các chi. Triệu chứng tê tay cải thiện nhanh.
BỆNH THOÁI HÓA KHỚP
Thoái hóa khớp là một loại bệnh khớp hay gặp, chiếm tỷ lệ 80% các bệnh khớp ở người trên năm mươi tuổi. Trong bệnh thoái hóa khớp, sụn bọc ở các đầu xương bị mòn, rách. Từ đó dẩn đến những tổn thương khác như hẹp khe khớp, tổn thương xương như mọc các gai xương, đậm đặc phần xương sát sụn. Bệnh nhân có cảm giác đau và cứng khớp, nhất là buổi sáng sau khi thức dậy hoặc đau tăng lên khi thời tiết lạnh. Nhiều người hay bị tình trạng các khớp ngón tay co cứng lại, phải dùng bàn tay kia bẻ nhẹ ra thì mới ngay lại được! Khi vận động các khớp bị thoái hóa còn nghe được tiếng răng rắc, lạo xạo trong khớp ! Hiện giờ y học vẫn chưa có cách giải quyết triệt để được bênh thoái hóa khớp. Để giảm đau, thày thuốc hay dùng loại thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol, thuốc kháng viêm non-steroid. Tác dụng phụ của thuốc thường ảnh hưởng đến dạ dày. Bệnh nhân cồn cào, đau dạ dày, nhiều trường hợp nặng có thể gây xuất huyết. Thuốc kháng viêm còn giữ nước và có thể làm chỉ số huyết áp ở người có bênh cao huyết áp càng cao hơn. Ngoài ra còn có loại thuốc xem như có tác dụng “bổ khớp” như vitamin E, Omega3, sụn cá mập, glucosamin, chondroitin… Bên cạnh sự điều trị bằng thuốc, tôi xin được giới thiệu một phương pháp không những làm giảm đau mà còn tăng sự tuần hoàn, nuôi dưỡng vùng khớp bệnh mang lại sự dễ chịu cho bệnh nhân mà không có tác dụng phụ. Đó là dùng máy sấy tóc hơ nóng lên khớp mỗi ngày hai lần, mỗi lần năm đến mười phút. Kế đến là xoa bóp, day ấn vùng khớp bệnh mười lăm phút nữa. Các bạn có thể phối hợp với việc bôi các pomade kháng viêm, giảm đau như Salicyl Pomade, Salonpas gel, Diclofenac gel…
TRÚNG MƯA
Hồi nhỏ tôi hay nghe người lớn nói bị “trúng mưa”. Đi mắc mưa về cảm sổ mũi, nhức đầu, đau mình mẩy, sốt. Thường là những người có tuổi bị “trúng mưa”. Lúc đó tôi nghĩ mưa mà cũng trúng. Tôi và các bạn nhỏ trong xóm dầm suốt cây mưa, chơi đùa, quậy phá, có thấy gì đâu. Tuy nhiên khi bắt đầu bước qua “U50” rồi mới biết. Giống như “mít ướt”. Đi mưa về là có chuyện. Nóng đầu, nghẹt mũi, sổ mũi, đau mình…! Thật là càng có tuổi càng “nhõng nhẽo”. Và tôi thấy hồi này tôi càng dễ nhõng nhẽo hơn. Nhiều khi từ chỗ làm việc đi qua chỗ gửi xe chỉ hơn hai mươi mét, về nhà cũng bệnh phải uống thuốc ba, bốn ngày sau mới hết bệnh. Thật là bực mình. Nhưng từ lúc làm quen với anh bạn này (chiếc máy sấy tóc) thì câu chuyện “trúng mưa” hình như là đã chấm dứt. Sau khi đi mưa, ngay lúc vừa về đến nhà, các bạn nên lau cho khô tóc và cơ thể, thay quần áo. Tiếp theo là cắm dây máy sấy tóc vào ổ điện hơ nóng gáy, hai tai, vùng gáy và dọc cột sống. Các bạn chú ý hơ nóng ở vùng T1 đến T3 (từ huyệt Đại chùy đến Thân trụ). Chỉ cần hơ nóng từ năm đến mười phút thôi. Bằng cách xử lý thật đơn giản này tôi đã chấm dứt được bệnh “nhõng nhẽo” của mình. Các bạn nào có bệnh “nhõng nhẽo” như tôi, xin mời, máy sấy tóc.
BachHoi-DaiTruy
SỐT RÉT
Như trong lời giới thiệu, tôi kể cho bạn câu chuyện của bản thân, tôi đã dùng máy sấy tóc để chữa bệnh sốt rét cho mình vô cùng hiệu quả. Thỉnh thoảng trong đầu tôi vẫn nghĩ, không biết tại sao hơi nóng tác động trên cơ thể có thể giải quyết được một bệnh nhiễm ký sinh trùng. Dĩ nhiên sức nóng từ máy sấy tóc không thể là kháng sinh (tương tự như Chloroquin, Fancidar) được. Nhưng tại sao cắt được cơn sốt rét, tại sao lại có thể chấm dứt bệnh sốt rét? Chỉ còn một cơ chế nữa là khi hơi nóng tác động trên cột sống, nơi xuất phát những dây thần kinh giao cảm và phó giao cảm đã làm tăng sức đề kháng của cơ thể. Nhưng tăng sức đề kháng cơ thể theo cơ chế nào thì thật là tôi không có điều kiện, trình độ để nghiên cứu cho ra lẽ. Trên thực tế tôi đã hướng dẩn vài bệnh nhân và họ cũng có được kết quả tốt như tôi. Kinh nghiệm điều trị sốt rét bằng cách dùng máy sấy tóc chưa được thực hiện trên nhiều người, nhưng vì đặc điểm đơn giản là bệnh nhân có thể tự mình áp dụng tại nhà, thu được kết quả tốt. Đồng thời hầu như không có tác dụng phụ nên tôi ghi lại đây. Có thể một lúc nào đó có ích lợi cho các bạn chăng.
Sau đây tôi xin nói rõ hơn về cách sử dụng máy sấy tóc để cắt và ngừa cơn sốt rét: Trước hết các bạn xác định 2 huyệt Đại chùy và Đào đạo (ngồi thẳng lưng cúi đầu ra phía trước, dùng lòng các đầu ngón tay đặt phía trên và giữa cột sống cổ di chuyển từ chân tóc xuống dần, khi chạm vào một chỗ lồi cao nhất ở vùng cổ thì đó là mỏm gai của đốt sống cổ C7. Giữa đốt sống cổ C7 và đốt sống D1, đốt sống ngay dưới C7, là huyệt Đại chùy. Giữa đốt sống ngực D1 và D2 là huyệt Đào đạo. Các bạn có thể xác định sai vị trí huyệt một chút nhưng khi châm kim và hơ nóng vào vẫn cắt được cơn sốt rét. Sau đó dùng kim châm cứu châm vào hai huyệt trên với độ sâu 2mm (tuyệt đối không châm sâu vì bên dưới là tủy sống ). Để kim châm cứu đúng độ sâu, các bạn dùng hai ngón tay cái và trỏ cầm kim cách đầu mũi kim 2mm rồi châm vào da rút kim ra ngay. Sau đó dùng hai ngón tay cái và trỏ bóp mạnh quanh vị trí vừa châm như động tác nặn máu. Cuối cùng là dùng máy sấy tóc hơ nóng dọc cột sống từ trên xuống dưới khoảng mười phút (chủ yếu là hơ vùng huyệt Đại chùy và Đào đạo). Cảm giác sau khi hơ nóng vùng châm cứu nóng ran lên (cảm giác nóng tại chỗ này giảm dần sau ba mươi phút). Mỗi ngày có thể áp dụng từ một đến ba lần.
(Trích từ quyển “Chữa bệnh bằng máy sấy tóc” của BS. Huỳnh Hải)

Source Internet.

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Hồi-ký của Bà Ngô Đình Nhu




Hồi-ký của Bà Ngô Đình Nhu
Nguyễn Vy Khanh
 
 
Ở hải-ngoại, từ giữa thập niên 1980, từ sau cuốn hồi-ký của ông Đỗ Mậu, các hồi-ký về cái chết của Việt-Nam Cộng-Hòa, về cái chết của Đệ nhất cộng hòa và anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm, về cuộc chiến chấm dứt ngày 30-4-1975 ở miền Nam, ... đua nhau xuất-bản, tái-bản. Sử liệu thì cũng có dù giả-chân đầy ra đó, nhưng không thiếu những lời tự biện hộ hoặc tự đề cao cá nhân và phe nhóm; toàn là lời chót lưỡi của những con người khi có quyền lực đã không làm gì hoặc đã nhúng tay vô chàm hay đồng lõa, nay đánh bóng lại cái sai lầm, cái đồng lõa một thời, và nếu có thủ phạm thì toàn là người đã chết không còn tự biện hộ hoặc phản pháo lại “đồng đội” được nữa! Và mỗi năm đến ngày 2 tháng 11, người ta lại tổ chức tưởng niệm người đã chết, chạy theo khí tiết người bị giết, đăng đàn diễn thuyết, ra sách, viết báo về những chuyện tưởng chưa bao giờ nghe nhưng thực ra đã nghe đâu đó rồi! Năm nay là đã 50 năm sau ngày đảo chánh 1-11-1963, công tội đã rõ, nhưng người ta vẫn chưa thỏa mãn, đặc-biệt người ta mong đợi cuốn Hồi-ký của Bà Ngô Đình Nhu từ nhiều năm qua – mong đợi có thể vì tò mò và sẵn sàng “phản pháo, đính chính, chụp mũ” hơn là vì muốn biết Bà Ngô Đình Nhu nghĩ gì về những biến cố bi thảm đã xảy ra cho đất nước và cho riêng gia-đình bà và chồng bà.
 
Và cuối cùng, sau gần 47 năm im hơi lặng tiếng, bà viết xong tập hồi-ký ngày 22-8-2010 tại nhà riêng (Tịnh-Quang-Lâu) ở ngoại ô Rome nước Ý, do sự thôi thúc của cô gái út Lệ Quyên và con rể Olindo Borsoi (mà bà xem là do Chúa sắp đặt vì bà đã muốn giữ im lặng, tr. 190), và 6 tháng sau, ngày 24-4-2011, bà qua đời tại bệnh viện ở La-Mã, tên thánh Maria (bà trở lại đạo Công-giáo sau khi lập gia-đình), thọ 87 tuổi, sau 48 năm sống lưu vong. Hôm 2-11-2013 vừa qua tại nhà thờ giáo xứ Việt-Nam ở Paris, nhân lễ tưởng niệm 50 năm ngày qua đời của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu, thứ nam của ông bà Ngô Đình Nhu là ông Ngô Đình Quỳnh đã cho ra mắt quyển sách tiếng Pháp La République du Việt Nam et les Ngô-Đình ( Nền Cộng Hòa Việt Nam và Gia Đình Ngô-Đình) mà hơn một nửa là di-cảo hồi ký của mẹ ông. Ông đã cho biết lý do ra đời của quyển sách này như sau: “Cuốn sách được xuất bản hôm nay có một phần hồi ức của Mẹ tôi được ghi chép từ năm 1963. Đồng thời chúng tôi có ý muốn soi sáng một phần của lịch sử hãy còn mù mờ. Một số sai lầm về hình ảnh của hai anh em họ Ngô mà cả bên Tây Phương lẫn đảng Cộng sản Việt Nam đã lưu truyền. Từ quyển sách này chúng tôi muốn đem lại cái nhìn đúng đắn hơn, đồng thời có phần đóng góp của Mẹ tôi với nhãn quan có phần huyền bí của Bà. Thế thôi!». Chúng tôi được một tín hữu cùng giáo xứ với bà Nhu ở Paris gởi cho một bản; trong bài này chúng tôi chỉ ghi lại những điểm đặc-biệt hoặc ít được biết, hoặc theo cách nhìn và cắt nghĩa của bà Nhu, còn phần thần học tâm linh, sẽ để một dịp khác hoặc người khác trong ngành bàn đến.
 
Tập sách 246 trang nhưng phần hồi-ký do Bà Ngô Đình Nhu viết với tựa đề “Le Caillou blanc” (Viên Sỏi Trắng) được hơn 130 trang (tr. 109-241) kể cả phụ lục 3 bức thư viết tay chưa từng công bố của ông Ngô Đình Nhu viết gởi cho đồng môn Ecole des Chartes ở Paris (20-4-1956, Tết 1963 và 2-9-1963) nay vẫn được giữ ở Văn khố nhà trường này. Phần đầu do hai người con Ngô Đình Quỳnh, Ngô Đình Lệ-Quyên (tử nạn giao thông, 16-4-2012) và bà Jacqueline Willemetz dẫn nhập với tài liệu gia-đình về lịch-sử Việt-Nam từ sau ngày thành lập nền đệ nhất cộng hòa, ngày 26-10-1956, đến cuộc đảo chánh 1-11-1963 và sau đó.
Bà Ngô-Đình Nhu nhủ danh Trần Lệ Xuân, sinh năm 1924 tại Hà-Nội, thân phụ là Trần Văn Chương, con Tổng đốc Nam Định, mẹ là Thân Thị Nam-Trân - với bên ngoại, bà Nhu là cháu ngoại vua Đồng Khánh và là cháu họ vua Bảo Đại. Bà Nhu gọi ông Bùi Quang Chiêu là “ông bác” (anh cả của bà nội) bị Hồ Chí Minh ra lệnh giết một cách tàn ác giết hết cả nhà kể cả 6 người con mà đứa nhỏ nhất mới 6 tuổi; cả Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân cũng là anh em họ với thân phụ bà. Bà học Albert Sarrault, thi đậu tú tài Pháp. Năm 19 tuổi, bà kết hôn với ông Ngô Đình Nhu ở Hà-Nội ngày 30-4-1943, sau đó ông bà về sống ở Huế.
Không biết khi đặt tựa Viên Sỏi Trắng/Le Caillou blanc cho cuốn hồi-ký, bà muốn nói thân phận bà bị lịch-sử đối xử như vậy mà vẫn trắng trong, nhỏ bé, hay muốn tả nỗi lòng trơ như đá, bất nhẫn trước thời cuộc? Thật vậy, trong hơn nửa tập hồi-ký, bà nói đến chuyện tâm linh, những chuyện cao xa hơn chuyện thế tục thường tình, về sự hiện hữu của Thượng Đế và của con người. Mở đầu hồi-ký, bà Nhu ghi lại lời sách Khải Huyền “Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh: Ai thắng, Ta sẽ ban cho man-na đã được giấu kỹ; Ta cũng sẽ ban cho nó một viên sỏi trắng, trên sỏi đó có khắc một tên mới; chẳng ai biết được tên ấy, ngoài kẻ lãnh nhận” (Apocalyse 2, 17). Và thêm lời Thánh Thư Luca : “Ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất” (Luc 9, 48).
 
Bà bắt đầu hồi-ký ở chương 1, “Lý lẽ của định mệnh” như sau: “Vào cuối cuộc đời tôi, sau nửa thế kỷ im lặng, và vì ý nghĩa đơn thuần của nhiệm vụ, tôi ghi lại những gì cần phải được biết. Đó là sự giải thoát cho tất cả. Không phải để thỏa mãn tò mò nào đó, nhưng để trả lại những gì mà định mệnh đã đòi hỏi “kẻ nhỏ nhất” của Thiên Chúa, vào thời điểm của kẻ đó. Tôi bắt đầu cuốn ký ức này, nếu tôi có thể viết xong được, cốt để làm cho người khác hiểu được những đòi hỏi của một chuỗi dài đời-sống đã được định sẵn trước, nhận ra rằng cuộc sống không bao giờ có hành động trái với ý muốn của mình, mà trái lại, luôn luôn như là phải như vậy” (tr. 112).
Như vậy, bà xem thân phận bà như viên sỏi trắng “nhỏ bé” mà định mệnh đã đặt vào thời đó, nơi đó. Từ suy nghĩ về cuộc đời mình, bà khám phá ra được Thiên Chúa một cách bất chợt và khủng khiếp. Cái gì thuộc về Tạo Hóa sẽ trả lại cho Tạo Hóa để thực hiện đầy đủ và tột cùng chương trình của con người. Định mệnh, đó là cắt nghĩa đơn giản của bà lúc này là lúc bà đã bắt đầu cảm nhận sống những ngày tháng cuối đời, và trước nay bà sống một cuộc sống mà bà không bao giờ nghi ngờ gì.
Bà ra đời do một bác sĩ người Pháp đỡ đẻ thay vì là một cô mụ người Việt, ông ta nắm 2 chân trẻ sơ sinh và đánh vào mông thật mạnh cho đến khi đừa bé khóc ré lên phản đối. Đó là khung cách bạo lực mà bà đến với cuộc đời này, đã vậy mẹ bà lại thất vọng vì bà là cô con gái thứ hai. Sau bà là một em trai sẽ khiến mẹ bà càng hất hủi bà - khi cha mẹ bà vào Sài-Gòn, đã để một mình bà lại cho bà nội nhưng sinh hoạt chung với người làm, khiến bà bị bệnh nặng. Được về sống lại với gia-đình, bà lớn lên trong tự tin một cách tự nhiên, dễ chấp nhận nhưng cũng sẵn sàng đối đầu với thực tại, ở trường cũng như trong gia-đình, nhưng bà không được yêu thương như chị và em trai, trở thành đứa trẻ không thể động đến (Intouchable). Khiến về sau bà biết lúc cần xuất hiện và lánh mặt khi không còn cần thiết, cho đến khi bà phải đối đầu với Tây phương, thực-dân và đế quốc, bà vốn dè dặt một cách đặc-biệt. Đối đầu đòi hỏi sự tôn trọng tha nhân, nhưng ở đời không phải lúc nào cũng vậy, bà thường rút lui, không muốn tấn công ra mặt, cuối cùng bà chịu sự bất cảm thông hoặc ác ý của kẻ kia.
 
Năm 17 tuổi, bà gặp ông quản thủ thư viện Ngô Đình Nhu, lần đầu khi đến thăm gia-đình bà vốn là chỗ thân giao từ kinh thành Huế. Hai người mến nhau từ việc ông Nhu đến mà cô Trần Lệ Xuân chưa chưng xong hoa vừa đi mua về theo lệnh mẹ; cô gái đẩy ông Nhu vào phòng đợi nhỏ và dặn chỉ được đi ra khi cô xong chậu hoa. Sau đó thì chàng tặng sách, nàng hồi thư – được chàng tặng cho danh hiệu “Bà De Sévigné” vì thư nào cũng dài hơi và linh hoạt. Chính ông Ngô Đình Diệm quyền huynh thế phụ (đã mất) đến xin hỏi cưới cô Xuân cho em mình. Sau ngày cưới, cô Xuân hài lòng thoát gia-đình, đưa theo bà vú, về nhà chồng ở Huế. Vai trò bà đã thay đổi, hết bị rẻ rúng như ở với cha mẹ, nhất là từ khi anh cả Ngô Đình Khôi và con trai nối dòng bị Việt-minh giết, con cái bà sẽ nối dõi tông đường. Bà vú xin thôi việc sau đó vì cảm thấy không thiết yếu trong khung cảnh sống mới, điều mà bà Nhu sau này tiếc nuối, nhất là thời gian bị Việt-minh bắt lên rừng và sống ở Đà-Lạt.
 
Bà cảm nhận rằng rừng núi Nam-Giao, một nơi thiêng liêng độc nhất ở Việt-Nam, tượng trưng cho sự đợi chờ Thần Thánh Vạn Năng không tên, của cả một dân-tộc, trãi qua nhiều tôn giáo. Bà đã du lịch nhiều nơi nhưng chỉ có Nam Giao là đã cho bà ấn tượng mãnh liệt rằng thần linh đã chúc phúc cho dân-tộc Việt. Bà không thể lường trước cuộc sống đầy bất trắc với chồng và gia-đình chồng, nhiều lúc bà trách chồng “dối” bà (không tiết lộ gì) khi làm chính-trị, bí mật. Ban đầu ông Nhu thường sang nhà các người anh để trò chuyện, đến bữa ăn ông bà sang nhà từ đường phía bên kia kinh An Cựu để dùng bữa. Một năm làm quen với Huế và đại gia-đình nhà chồng, thì bất hạnh xảy đến cho người anh cả Ngô Đình Khôi và con trai ngày 22-8-1944. Sau đó chồng bà biến mất, sợ rơi vào tình huống của ông anh cả và ông Ngô Đình Diệm, người anh thứ ba, cũng đã bị Việt-minh bắt trên xe lửa từ Sài-Gòn về Huế và đưa ra nhốt ở miền thượng-du Bắc Việt từ tháng 9-1945 đến 12-1946. Ông Diệm được thả ở Hà-Nội nhờ chồng bà đã gặp ông Hồ, vả lại họ Hồ bí không trả lời ông Diệm được tại sao lại giết anh cả và cháu của ông. Ông Nhu đã ra Hà-Nội lúc đó, ở nhà cha mẹ bà và không ai biết ông làm gì lúc đó (bà Nhu không hay biết gì, mà ông Nhu cũng không hề kể). 20 tuổi, một mình ở Huế dù có người làm, bà dần dà thấy chồng bà không những không bảo vệ bà mà còn là một mối nguy cơ đe dọa bà và tiểu gia-đình bà (tr. 135) – may mà bà còn có an ủi: ngày 27-8-1945, bà hạ sinh cô con gái đầu Lệ-Thủy. Ông bà Trần Văn Chương cuối cùng bỏ Hà-Nội (villa bị tịch thu) vào ở Huế, ông Nhu cũng trở về Huế, nhưng cán bộ cộng-sản đến nhà tìm, bà Nhu đã khéo léo lần lữa bắt tên này chờ đến phải bỏ về và hẹn trở lại, nhưng đêm đó ông Nhu phải bỏ trốn, và bà Nhu không có tin tức chồng trong một thời-gian dài sau đó. Sau ngày 19-12-1946, chiến-tranh lại bùng nổ, bộ đội Việt-minh cưỡng bách gia-đình bà Nhu phải bỏ nhà cửa sơ tán khỏi thành phố Huế theo vào vùng họ kiểm soát, trãi qua suốt mùa Đông lạnh lẽo. Cuối cùng mẹ con bà được một linh-mục Dòng Chúa Cứu Thế đem thuyền đến giúp trốn về Nhà Dòng, ở nhà kho nơi ông Cẩn đang tạm trú, nhưng hôm sau bà ôm con 3 tuối theo xe vào Đà Nẵng và mua vé máy bay quân sự vào Sài-Gòn. Tạm trú ở nhà người chị, bà Nhu vô cùng ngạc nhiên gặp lại chồng bí mật ở nhà Dòng Chúa Cứu Thế. Sau đó ông bà lên sống ở Đà Lạt, ở nhà người chị của bà, theo bà là "thời gian hạnh phúc nhất", bà sinh thêm hai người con trai, Ngô Đình Trác 1947 và Ngô Đình Quỳnh 1952, và cuộc sống của gia-đình bà tại Đà Lạt tuy giản dị, trong khung cảnh hoang dã nhưng an ninh, lúc đầu xa rời chính trị. Nhưng rồi bà thừa nhận bà đã cô độc khi ở đây và viết: "Chồng tôi thường biến mất mà chẳng nhắn lại gì" (tr. 152).
Từ khi ông Ngô Đình Diệm, anh chồng bà, được cử làm Thủ tướng từ Pháp về nhận chức (7-7-1954), ông bà Nhu xuống Sài-Gòn để phụ tá. Ông bà Nhu và 3 con sống tạm nhiều nơi trước khi về ở trong Dinh Độc Lập. Ông Nhu làm báo Xã-Hộitòa soạn ngay trong căn nhà nhỏ hẹp. Trong lúc thủ đô Sài-Gòn tình hình chưa ổn định, phe Bình Xuyên và tay chân của Pháp liên tục quấy phá, bà Nhu đã thành công một việc ngoài sức tưởng tượng: nhân dịp tướng Nguyễn Văn Xuân mời ông bà Nhu ăn ở một nhà hàng trong Chợ Lớn, bà Nhu đã hỏi thẳng ông Xuân tại sao không cách chức tướng Nguyễn Văn Hinh tổng tư lệnh quân đội, ông Xuân đã thách thức bà Nhu tìm cho được 5 chữ ký thì ông sẽ thuận theo yêu cầu đó. Bà Nhu tình cờ gặp những người từ Bắc mới di cư vào, cùng họ vận động những người di cư kín đáo tụ tập rồi giơ cao biểu ngữ trước nhà thờ Chánh tòa Sài-Gòn ngày 21-9-1954. Dù cảnh sát Bình Xuyên được mật báo nên đã có mặt ở trại di cư trước với 2 xe tăng, bà lái chiếc xe hiệu Panhard đến và tra hỏi tại sao cảnh sát lại cấm cản người dân đi chợ. Đám cảnh sát bỏ đi, xong trở lại, bà lên xe rồ máy bỏ chạy đến trước nhà thờ nơi mà những người di cư đang chờ, và họ đã giương cao biểu ngữ ủng hộ kiến nghị của bà Nhu (đòi hỏi tướng Hinh phải từ chức). Hình ảnh và thông tin được gởi cho tờ báo tiếng Pháp duy nhất ở Sài-Gòn. Ông Trần Chánh Thành bộ trưởng Thông tin đã kiểm duyệt không cho báo-chí VN đăng tin đó, nhưng báo tiếng Pháp đã đăng tải phổ biến thông tin và hình ảnh vụ biểu dương mà không được phép của chính phủ. Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Xuân đã phải từ chức 3 ngày sau đó, trở thành “nạn nhân” đầu tiên của bà Nhu (tr. 165). Nội các Ngô Đình Diệm phải cải tổ, bà Nhu bị người Pháp với sự giúp đỡ của người Mỹ, ép đưa đi ra ngoại quốc 3 tháng để Nội các cải tổ được ổn định, và để bà Nhu không thể ra ứng cử dân biểu Quốc hội lập hiến và lập pháp sau đó. Nhưng vô ích, vì dù ở xa, bà sẽ vẫn đắc cử, với sự ủng hộ của tập thể người di cư. Bà sang Hoa-Thịnh-Đốn nơi ông thân bà làm đại sứ ở Hoa-Kỳ, ông đưa bà đến ăn sáng do thượng nghị sĩ J.F. Kennedy (về sau đắc cử Tổng thống) mời, sau đó bà ở lâu hơn ở tu viện nữ người Ý ở Hương-Cảng. Bà tận dụng thời-gian ở đó để học thêm tiếng Anh.
 
Bà Nhu trở về miền Nam và vào ở trong Dinh Độc Lập. Sau Trưng cầu dân ý 23-10-1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống, mở đầu cho nền Đệ nhất Cộng-hòa, và cử ông Ngô Đình Nhu chính thức làm Cố vấn chính-trị – với chức này, ông Nhu đề ra thuyết Nhân Vị đề cao tính siêu việt của con người, tức sự tái sinh bởi khả năng con người hành xử Đức độ như Thiên Chúa đã dạy (Mt. 19, 28). Theo bà Nhu, thực dân Pháp chưa buông tha, rút người về Cam Bốt, từ nơi đó tổ chức gây rối ở miền Nam. Vụ tiếp theo là vụ ám sát Tổng thống Diệm ở Ban-Mê-Thuột, có liên quan đến Lê Văn Kim người của Pháp đào tạo và từng là tùy viên của Thierry d'Argenlieu, đang là chỉ huy Trường Võ bị Đà-Lạt. Rồi đến vụ đảo chánh 11-11-1960 và vai trò của tướng Nguyễn Khánh từng là tùy viên của thủ tướng Nguyễn Văn Xuân và từng tổ chức những buổi pique-nique ở Đà Lạt có bà Nhu và Bảo Đại, Nguyễn Khánh xưng là đại diện cho nhóm đảo chánh. Bà Nhu tin là do Pháp giật dây. Bà Nhu đã can thiệp khi thấy tướng Khánh dùng thủ đoạn đánh điểm yếu của Tổng thống Diệm là thương người và sợ đổ máu. Bà Nhu hối chồng hất cẳng tướng Khánh và kêu gọi quân lính trung thành về chiếm lại đài phát thanh. Tướng Khánh do đó bị đám đảo chánh kết tội phản bội, nhưng đã thua nên phần lớn bỏ trốn sang Nam Vang. Đại diện CIA gặp anh em Tổng thống Diệm cam đoan là Hoa-Kỳ đã đứng ngoài vụ đảo chánh, bà Nhu có mặt ở đó đã trách móc người Mỹ “Tôi không mong chờ các ông đồng minh, tức là bạn, giữ trung lập trong vụ này!”.
Thái độ của bà Nhu gây chú ý của Hoa-Thịnh-Đốn. Vụ tiếp theo là chuyến viếng thăm Việt-Nam của Phó tổng thống Lyndon B. Jonhson ngày 12-5-1961. PTT Mỹ xuống máy bay, bất chấp nghi thức ngoại giao, thay vì đến chào PTT Nguyễn Ngọc Thơ trước, ông đã đến thẳng bà Nhu, khiến ông Thơ phải chạy theo sau lưng ông PTT Mỹ. Trong buổi điểm tâm sau đó do PTT Thơ mời, có cả ngoại giao đoàn và các dân biểu, ông PTT Johnson thêm một lần gây bối rối khi mời bà Nhu sang thăm trang trại của ông ở Texas mà bà Nhu lại từ chối với lý là chưa có dự tính đó. Vô tình bà Nhu nói dí dỏm sẽ sang thăm nếu ông PTT trở thành Tổng thống. Không ngờ lời nói đó khích động PTT Mỹ, ông kéo bà Nhu ra bao lơn nhưng vô tình sức mạnh kéo tay bà Nhu lại kéo luôn phu nhân Chủ tịch Quốc hội, ông nhìn thấy hớ hênh bèn chữa thẹn rằng muốn bà Nhu giới thiệu thắng cảnh Sài-Gòn từ bao-lơn. Không ngờ lời nói cho qua chuyện lại thành sự thật hơn 2 năm sau đó. Năm 1964, ông Ngô Đình Cẩn - thành viên cuối cùng của dòng họ Ngô Đình còn ở Việt-Nam, bị xử tử sau khi đã xin tị nạn chính-trị với lãnh sự Hoa-Kỳ ở Huế lại bị giao cho nhóm đảo chánh dựng tòa án kêu án tử hình. Bà Nhu đã viết thư yêu cầu TT Johnson can thiệp, nhưng ông đã tỏ ra “hèn hạ” (tr. 177) - Bà Nhu từng khen ông Cẩn phụ trách cả miền Trung khiến nơi đó yên bình mà không tốn kém gì cho chính quyền Sài-Gòn (tr. 182). Trước đó, vào mùa Thu 1963 khi sang Hoa-Kỳ “giải độc”, bà Nhu đã nhận lời mời đến thăm trang trại của hàng xóm của Johnson, Johnson đã không có hành động gì và trong 1 lá thư duy nhất trả lời thư bà Nhu hỏi tại sao ông ta có vẻ sợ bà, ông viết ”Làm sao tôi có thể sợ một phụ nữ tuyệt vời như bà?”. Lá thư này về sau bà gởi lại một người bạn đồng môn của ông Nhu ở Paris nhờ giữ khi bà Nhu dọn về Rome, đã bị một người đánh tiếng với con trai trưởng của bà Nhu là sắp chết nên muốn nhìn thấy nó trước khi chết, nhưng lá thư không bao giờ trở lại - về sau bà Nhu mới biết người này làm cho tình báo Pháp.
Đắc cử dân-biểu, đến năm 1958, bà đề nghị Luật Gia-Đình có mục-đích giải phóng phụ nữ về mặt pháp lý (một vợ một chồng, nam nữ bình quyền cả trong quản trị, sử-dụng và phân chia gia sản, thừa kế di sản, v.v.), đã bị đa số vẫn còn tinh thần gia trưởng, gia tộc hoặc đa thê, phản đối; dù Hiến pháp 26-10-1956 đã nêu cao nam nữ bình quyền nhưng trong thực tế, người phụ nữ vẫn phải phục-tùng chồng là người vẫn được xã-hội xem là giám-hộ. Bà tổ chức Phong trào Phụ nữ Liên đới (với hình biểu tượng Ngọn đèn dầu của những cô trinh nữ trong Thánh Kinh) kêu gọi và giúp đỡ người phụ nữ ra đời làm việc xã-hội, thiện nguyện. Bà Nhu kêu gọi tinh thần tái dựng lòng yêu nước. Cùng lúc, bà tổ chức lực lượng Phụ nữ bán quân sự (10-1961) tự nguyện, được huấn luyện tự vệ, sử-dụng vũ khí và y tế thường thức. Trưởng nữ Lệ Thủy cũng gia nhập lực lượng này từ khi 16 tuổi.
Sáng sớm ngày 27-2-1962, thêm một vụ chính biến do 2 phi công bắn phá Dinh Tổng thống. Con cái bà bị thương và bà phải vào bệnh viện vì muốn cứu con với bà vú của cô út Lệ Quyên. Biến cố khiến bà thêm ghê tởm bọn thực dân (tr. 180) - bà ghi rõ vụ bắn phá Dinh Tổng thống là do thực dân (“colon”), sau đó là căn nhà từ đường bằng gỗ của gia-đình Ngô Đình ở Huế cũng bị phá hủy, do “la rage francaise contre le Việt-Nam que nous représentions...”(tr. 181).
 
Xảy ra vụ Phật giáo, bà Nhu muốn có đại diện các đảng phái và các nhóm xã-hội trong Ủy Ban Liên Phái, nhưng Tổng thống Diệm không thuận vì không muốn có bà. Nhưng khi xong Thông cáo chung và bên Phật giáo đã ký, ông Nhu lại hỏi ý kiến bà trước khi cố vấn Tổng thống ký. Bà thấy lạ vì các đòi hỏi của Phật giáo đều là những thứ chưa bao giờ cấm, bà đề nghị ký nhưng ghi tay thêm mấy chữ là những đòi hỏi trong đây chưa bao giờ cấm. Ông Cố vấn đem Thông cáo chung đến buổi họp sau đó và nói lại ý vừa kể, ngoại trưởng Phật giáo Vũ Văn Mẫu yên lặng không nói gì, nhưng Phó Tổng thống Thơ phát biểu: ”Họ uống trà sâm còn mình uống trà thường khiến mình thành người ngu”. Vì câu nói này mà ông Mẫu cạo đầu từ chức. Theo bà Nhu cũng ông VV Mẫu này đến cận ngày 30-4-1975 nghe lời thực dânủng hộ và theo tướng Big Minh (lực lượng thứ 3), nhưng đế quốc mạnh hơn muốn chấm chấm dứt chiến-tranh (tr. 188)!
Trước ngày đảo chánh, từ ngày 12-9-1963, bà Nhu và cô trưởng nữ Ngô-Đình Lệ-Thủy lên đường đi “giải độc” ở Âu châu và Hoa-Kỳ; trước khi xảy ra vụ ám sát anh em Tổng thống, bà và con gái được đông đảo cảnh sát bảo vệ, nhưng sau đó thì bị bỏ rơi, may có một gia-đình người Mỹ do 1 linh-mục giới thiệu, đã giúp đỡ mẹ con bà cho đến khi rời nước Mỹ đi Rome. Phần ông Cô vấn Ngô Đình Nhu, vài ngày trước đảo chánh đã gọi cậu Ngô Đình Trác đưa 2 em lên Đà-Lạt và dặn dò khi có biến hoặc ông Nhu chết, thì phải đưa 2 em trốn vào rừng. Khi xảy ra tiếng súng đảo chánh, các cô cậu đã chạy trốn vào rừng phía sau nhà, trãi qua một đêm trong mưa lạnh. Cả ngày hôm sau đi xuyên qua sông rạch để tránh để lại dấu vết, và cuối cùng đến một nơi trực thăng có thể đáp và chờ đợi. Chỉ trong vòng ba ngày, mấy đứa trẻ đã thoát khỏi sự nguy hại và tới được Rome trước khi mẹ và chị cũng đến đó.
Ngày 15-11-1963, bà và con gái rời Los Angeles để đi Roma sinh sống. Bị đế quốcbỏ rơi, nhưng ở phi trường đầy phóng viên báo-chí và truyền hình. Rồi lúc ghé Paris, bà cũng được đông đảo báo-chí phóng viên đón như vậy, ông đại sứ Mỹ ở Paris bí không biết phải trả lời báo-chí ra sao bèn nói “Chúng tôi có làm gì thì cũng vẫn bị nguyền rủa!”. Nhưng ít có nhà báo nào dám nói lên hết sự thật, bà Nhu được ông nhà báo Georged Mazoyer dám bênh phía bà, nhưng ông ta vừa được thăng chức giám đốc một nhật báo ở Paris ra ban chiều thì liền bị xe đụng chết khi đi bộ. Bà Nhu thấy những ai đứng về phía bà đều bị biến mất (tr. 189-190): kế đó là bà Suzanne Labin và Marguerite Higgins (3-1-1966) – được Tổng thống Kennedy gửi sang Việt-Nam điều tra riêng, bà là tác-giả cuốn Our Việt-Nam Nightmare (1965), trong đó bà cho rằng biến cố Phật giáo chỉ là một trò đánh lừa (leurre), mục-đích không vì Phật giáo mà vì muốn lấy đầu ông Diệm và thay vì bỏ lên mâm bạc như Thánh Jean-Baptiste tử đạo, thì nay phải quấn cờ Mỹ; và bà nhận xét các sư sãi rất rành tên các phóng viên ngoại quốc, gọi họ bằng tên/prénom!
Vào tháng 6 năm 1964, hiệp hội báo chí Hoa-Kỳ tổ chức mời bà Nhu và con gái Lệ Thủy sang Mỹ làm một vòng để các cơ quan thông tin báo-chí tìm hiểu sự thật (Truth Rally) về thực trạng Việt-Nam vì các cơ quan này không tin giải thích của Hoa-Thịnh-Đốn (tr. 71). Lúc đó nước Mỹ chuẩn bị bầu cử Tổng thống thay thế T.T. Kennedy, chính phủ Mỹ đã từ chối cấp visa cho 2 mẹ con bà Nhu lấy “lý do an ninh quốc-gia“. Ngày 9-5-1975, khi trả lời phỏng vấn của đài truyền hình, bà Nhu đã tố cáo chính quyền Kennedy can thiệp vào Nam Việt Nam là "nhằm tạo thanh thế và sự ủng hộ cho Đảng Dân chủ Hoa Kỳ". Bà cũng bình luận cảnh đại sứ Mỹ Martin chờ trực thăng tới đón trên nóc nhà, cờ Mỹ cuộn dưới nách: “Cường quốc Mỹ dùng để làm gì, nếu không phải là để phải trốn chạy theo họ?”.
Năm 1985 khi báo-chí Hoa-Kỳ làm kiểm điểm 10 năm Hà-Nội chiếm miền Nam, bà Nhu đã nhận trả lời phỏng vấn cho Newsweek, nhưng các cơ quan thông tin này đồng lõa với nhau để không ai liên lạc được với bà (tr. 71). Bà sống lúc tại vùng Riviera nước Pháp, lúc ở nhà bên Roma, bà trả lời phỏng vấn một lần khác để lấy tiền và vé máy bay khứ hồi cho con gái út qua thăm ông bà ngoại ở Mỹ. Bà Monique Brinson Demery phỏng vấn bà Nhu năm 2005 đánh dấu lần đầu tiên bà trả lời báo chí phương Tây sau một thời-gian khá lâu, phỏng vấn để thực hiện cuốn sách về bà Nhu, Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madame Nhu (New York : Public Affairs, 2013), nội-dung cuốn sách cho thấy bà Nhu đã nói chuyện với bà Demery với nội-dung cuốn hồi-ký.
Suốt tập hồi-ký, bà Nhu cho người đọc thấy và hiểu rằng bà căm ghét thực dân Phápvà đế quốc Hoa-Kỳ(bà gọi chung là “Occident criminel”). Bà có thắc mắc là ngoài Thánh lễ khai mạc Cộng đồng Vatican II ngày 2-12-1963 có nhắc ý lễ cầu cho anh em Tổng thống Diệm, Tòa thánh Vatican đã không lên tiếng và không làm gì về cái chết của anh em chồng bà (và người mà Tòa thánh giới thiệu giúp làm giấy tờ cho căn nhà mà Đức Cha Thục mua cho mẹ con bà ở Roma lại lừa dối cướp hết tiền gia-đình bà). Bà kể có thể đã góp phần (qua một phỏng vấn ngay trước đó) trong việc khiến cho Hà-Nội đã phải để cho Đức Cha Nguyễn Văn Thuận, cháu của ông Nhu, ra ngoại quốc chữa bệnh và thoát cộng-sản; và hơi trách móc Ngài đã không làm gì cho những cái chết của chồng và các anh em chồng bà.
Bà cho rằng sau ngày 2-11-1963 anh em Tổng thống bị giết, nước Việt-Nam rơi vào địa ngục là do các đế quốc thực dân và cộng-sản(tr. 201). Bà thêm, cái chết của Lệ Thủy con gái bà vẫn chưa được điều tra đến cùng! Về phần người Pháp, bà gọi là “tên thực dân” (colon) và so sánh với quỷ Satan khi dùng lời Chúa Jesus cảnh báo Thánh Phê-Rô: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của con người” (Mt 16, 23) – vì thực dân đã lợi dụng danh nghĩa của Giáo hội để làm chuyện Ác đã khá lâu rồi ở Việt-Nam. Bà Nhu cho người đọc hiểu rằng bao nhiêu biến cố, đảo chánh, ám sát, v.v. thời Việt-Nam Cộng-Hòa đều là do bàn tay của thực dân và đế quốc chủ động hết, do đó bà không nói nhiều đến những tay sai người Việt của chúng. Bà cho rằng với những gì bà viết ra, chỉ có đám thực dân là phải tự vấn lương tâm (tr. 190)!
Cuối cùng là những suy niệm tâm linh cuối đời của bà; bà tạ ơn Chúa đã đoái nhìn con chiên Việt-Nam qua việc đức Hồng y tân cử của Hoa-Kỳ đã đến La-Vang ngày 21-8-2009 dâng lời cầu nguyện “Đức Mẹ La-Vang cũng là Đức Mẹ của quốc-gia Hoa-Kỳ và của giáo hội Công-giáo“. Và bà cảm ơn và hiểu Chúa đã trao phó cho bà trọng trách làm mẹ và bà đã làm hết mình cho đến cuối đời!
*
Trong Phần Phụ lục, trong lá thư đề ngày 2-9-1963, 2 tháng trước ngày bị giết, ông Ngô Đình Nhu trình bày lập trường Việt-Nam chính-thực của chính phủ của Tổng thống anh ông (Việt-Nam của người Việt Nam!) trước âm mưu của Hoa-Kỳ đi chung với Liên Xô cộng-sản, âm mưu đưa đến phương-tiện thôi miên, tuyên truyền, huyền-hoặc các sư sãi rồi đẩy những kẻ này vào lửa thiêu sau khi báo cho thông tín viên quốc tế biết để đến quay phim, chụp hình (và cản cứu người “tự thiêu”!) (1). Từ ngày ra thiết quân luật 20-8-1963 thì hết còn tự thiêu, nhưng 2 thế lực kia lại xúi sinh viên học sinh xuống đường như đã làm ở Đại Hàn và Thổ-nhĩ-kỳ, nhưng ông Nhu cho là thất bại vì chính quyền bắt đi học quân sự và tẩy não chúng. Ông Nhu biết 2 thế lực đó chưa ngừng tay vì phải biện minh với cấp trên về việc chi 20 triệu đô Mỹ (2) cho âm mưu này!
 
Chú thích:
1- Sau ngày đảo chánh 1-11-1963, còn có 6 vụ tự thiêu Phật tử khác, nhưng không báo chí Tây phương nào để ý đến nữa! Và sau ngày 30-4-1975, đã có biết bao nhiêu kỳ thị, kiểm soát, khủng bố tôn giáo và toàn dân, tù đày, cướp của dân,... nhưng thượng tọa Trí Quang không có hành động nào, trở thành câm, lặng, đồng lõa với cộng-sản Hà-Nội! Còn vụPhái đoàn Liên Hiệp Quốc đến VN điều tra về vụ gọi là «đàn áp Phật giáo», Báo cáo được dịch ra Việt ngữ - Vi Phạm Nhân Quyền Tại Miền Nam Việt-Nam, do Võ Đình Cường dịch, 1 nhóm Phật giáo xuất-bản năm 1966, từ tay Thích Trí Quang người đề tựa, nhưng đã bỏ đi phần kết luận (1 thứ lừa dư luận từ cái thật, lộng giả thành như ... thật!). Đây là Báo cáo 234 trang trình ngày 7-12-1963 của Phái đoàn với kết luận không có đàn áp lẫn kỳ thị tôn giáo, và những đụng độ với chính quyền chỉ là do 1 nhóm nhỏ, và có tính cách chính-trị, không phải tôn giáo. Bản báo cáo bị giấu kín, đến tháng 2-1964, văn bản này đã được Thượng Viện Hoa-Kỳ xuất-bản.
2- Ông Nhu tiên đoán đúng, tiếp đó là chi tiền mua chuộc mấy ông tướng Việt-Nam làm đảo chánh và giết anh em ông ngày 2-11-1963 và sau đó là ông Cẩn, người em khác! Lou Conein đưa 3 triệu đồng tương đương 42 ngàn đô la Mỹ cho nhóm tướng lãnh đảo chánh để chia chác cho nhau, thật ra chỉ là những đồng bạc lẽ từ 20 triệu đô!
 
Nguyễn Vy Khanh
Montreal, 11-2013
Source Internet.

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Thi ca Nhật Bản


Khôi Nguyên, HVR
Từ một thể thơ được làm với mục đích hài hước, vui đùa rồi sau đó do ảnh hưởng của tư tưởng Thiền tông, thơ Haiku lột xác chuyển thành loại thi ca diễn tả những cảm giác tinh tế về nét đẹp chân thiện mỹ khác nhau qua cái nhìn về thiên nhiên và con người.
Phù Tang ký sự: Thi ca Nhật Bản
Một trong các yếu tố hình thành nét đặc thù, đa dạng và có thể khẳng định là rất độc đáo của văn hóa Nhật Bản chính là nền văn học với nhiều đặc điểm như: cụ thể, riêng biệt, tự do tự tại, không bị ràng buộc trong những hệ thống qui ước và nhất là lối biểu hiện tình cảm bằng văn chương thi ca nhẹ nhàng nhưng thâm thúy, sâu sắc. Từ đó, văn học Nhật Bản cũng dễ dàng phân biệt và so sánh với những nền văn hóa lớn trên thế giới như Âu Mỹ, Trung Đông, Trung Hoa. Đặc sắc và thú vị nhất là văn học Nhật Bản tuy có nhiều điểm tương đồng với Trung Hoa vì trên căn bản chữ viết, người Nhật vẫn vay mượn và sử dụng tiếng Hán nhưng họ lại hoàn toàn không bị ảnh hưởng đặc tính lệ thuộc vào nền tảng hoặc hệ thống tư tưởng của Nho Giáo hay Khổng học vốn được tượng trưng bằng triết học Tống Nho hoặc Đường thi. Ngược lại, nhờ vào sự giao tiếp sớm với Tây phương so với các quốc gia trong vùng, văn học Nhật Bản đã du nhập và tiếp cận với trào lưu tân học nhưng cùng lúc người dân xứ Phù Tang vẫn giữ được bản sắc của mình.
Nói cách khác, người Nhật đón nhận những điều mới lạ từ thế giới bên ngoài và cũng không loại bỏ những gì họ sẵn có, tức không có hay chính xác hơn là rất hiếm khi xảy ra hiện tượng tương khắc, xung đột giữa cũ và mới mà điển hình là ngày nay văn hóa Nhật Bản vẫn tôn trọng tinh thần võ sĩ đạo, trà đạo, nghệ thuật xếp giấy Origami, nghệ thuật ca kịch truyền thống Kabuki, thơ cổ Waka, Haiku, cũng như những khái niệm về trường phái nghệ thuật thẩm mỹ Sabi, Wabi trong thi ca luôn được lưu truyền và trân quý như những tài sản tinh thần tiêu biểu của xứ Phù Tang.
Trong khi đó, văn học Nhật Bản cũng là hình thái tương phản với Châu Âu khi những yếu tố trừu tượng như tôn giáo, triết học, âm nhạc được coi là nền tảng văn hóa tinh thần của Tây phương thì thi ca, truyện kể, thủ công và nghệ thuật trình diễn tức những biểu hiện trong đời sống thực tế hàng ngày của người dân bình thường mới chính là hạt nhân của nền văn hóa Nhật Bản.
Manyoshu. Nguồn:  .hawaii.edu
Manyoshu. Nguồn: .hawaii.edu
Dựa vào những tác phẩm thi ca cổ xưa, người ta có thể ước đoán thời kỳ ra đời của nền văn học Nhật Bản với danh tác nổi tiếng xuất hiện từ thế kỷ thứ 8 trong thời kỳ Nara (710-794) được mệnh danh viên ngọc quý là tập thơ Manyo Shu, tức Vạn Diệp Tập, có nghĩa là quyển thi ca góp nhặt 10.000 chiếc lá tượng trưng cho khoảng 4500 bài thơ được ghi chép lại trong 20 quyển của 400 tác giả đủ mọi thành phần trong xã hội. Đây là tác phẩm văn học đầu tiên của Nhật Bản với những vần thơ cổ xưa nhất được sáng tác từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 8. Trong đó, thể thơ Waka (Hòa Ca) tức lối thơ dùng câu ngắn gọn nhưng súc tích ý nghĩa của người Nhật được trải dài cùng hai dòng thơ phân loại là Trường Ca (Choka) và (Đoản Ca) kèm theo loại thơ ngắn nhất là Haiku (Bài Cú).
Haiku còn được diễn dịch là là Hài Cú do xuất nguồn từ những bài thơ ngắn mang tính cách châm biếm khôi hài gọi là Haikai (Bài Hài) và có cấu trúc theo thi luật cơ bản gồm 3 câu với 17 âm tiết chia thành 5-7-5, tức câu mở đề gồm 5 năm âm, câu giữa 7 âm và câu cuối có 5 năm. Ví dụ như bài thơ Haiku nổi tiếng bất hủ trong tập thơ Haru No Hi (Ngày Xuân) sáng tác từ năm 1687 vẫn gây nhiều tranh cãi đến nay của thi nhân kiêm thiền sư Matsuo Basho (Tùng Vỹ Ba Tiêu) là bài thơ Con Ếch hay còn gọi là Ao Cũ như sau:
Furui ike ya / Kawazu tobikomu/ Mizu no oto
Ao xưa, Ếch nhảy vào, tiếng nước lao xao
portrait-of-matsuo-basho
Matsuo Basho. Nguồn: wikipaintings.org
Chỉ với 17 âm tiết trong ba dòng thơ ngắn gọn, người đọc đã có thể hình dung ra một bức tranh sinh động vốn chìm đắm trong cỏi tỉnh mịch của thiên nhiên hay một tiểu vụ trụ là mặt ao cũ. Từ đó, cuộc đời bị khuấy động như tiếng nước vang lên khi chú ếch nhảy vào. Phải chăng nhà thơ muốn đưa ra thông điệp về luật nhân quả tuần hoàn khi chính con người luôn gieo cái nhân trong dòng đời để cuối cùng sau những âm thanh khua động, cuộc đời lại trở về cỏi yên lặng hư vô? Từ đó đến nay, đã có biết bao lời bình về ý nghĩa bí ẩn của bài thơ này và thường đặt dưới lăng kính của một công án Thiền vì tác giả vốn là một thiền sư. Ngoài ra cũng có cách nhìn ý nghĩa bài thơ Con Ếcy dựa vào tư tưởng “hòa hợp với vũ trụ” khi Basho từng nhận định về thi ca rằng: “Lời thơ chỉ sinh ra từ sự hòa hợp khi con người và vũ trụ hợp nhất”.
Chính vì mang đặc tính sử dùng ít chữ nhưng lại dồi dào âm điệu, cô động hình ảnh, ý nghĩa và giàu nét gợi ý tượng hình nên Haiku thường được ví như một bức tranh thủy mặc mà trong đó, tác giả chỉ phác họa vài nét đơn sơ để cho ngưòi thưởng thức tự mình thêm thắt và tưởng tượng, suy diễn. Cũng vì lẽ này thì hào người Ấn Độ là Rabindranath Tagore đã từng ví von rằng: “Thơ Haiku là thể loại thi ca mà thi nhân sáng tác chỉ làm công việc giới thiệu đề tài rồi tránh sang một bên vì độc giả Nhật Bản có trí tưởng tượng rất phong phú”.
Bài Mưa Rơi Đêm Trăng sau đây chính là một điển hình:
Tsuki hayashi ya/ Kozue ha ame/ Mochinagara
(Trăng trôi nhanh, Mưa trên lá, rơi tí tách)
Quả là một bức tranh tràn đầy âm thanh và màu sắc, chỉ có thể bật ra từ ngọn bút của tâm hồn thiền sư
Basho khi ông dừng chân tại một ngôi chùa trên bước đường lữ hành, ngao du sơn thủy khắp nước Nhật. Tương truyền có lần Basho đến trọ trong một lữ quán thì tình cờ gặp hai cô nàng kỹ nữ cũng ghé vào tá túc qua đêm. Khi thấy ông mặc áo hành giả, họ bèn đến đảnh lễ và bùi ngùi tâm sự, kể về thân phận nổi trôi của kiếp hồng nhan phong trần. Thời đó, giới kỹ nữ hay còn gọi là du nữ, thuộc giai cấp thấp hèn bị khinh chê trong cách nhìn phân biệt của xã hội, nhưng Basho vẫn hoan hỷ lắng nghe những câu chuyện buồn của hai nàng ca nữ rồi nâng họ đứng lên để đặt vào giữa những đóa hoa đinh hương và vầng trăng bên trời qua bài thơ “Du Nữ”:
Hitotsu ya ni/ Yujo mo netari/ Hagi to Tsuki
Một mái nhà/ Du nữ trọ/ Đinh Hương và ánh trăng
Dưới mắt của Basho hay đúng hơn là trong tâm cảm Haiku của thiền sư này tất cả mọi người đều bình đẳng, có tâm hồn trong sáng và đều có Phật tính để hòa nhập cùng vũ trụ với hoa đinh hương và ánh trăng
Nếu biết rằng tiếng Nhật là một loại ngôn ngữ đa âm mà thơ Haiku lại gói ghém trong 17 âm tiết thì ta sẽ thấy việc sáng tác thể thơ này bằng Nhật ngữ thật là một thử thách không nhỏ. Ví dụ như giống chim cuốc trong tiếng Nhật gọi là Hototogisu vốn đã chiếm mất năm âm tiết của dòng thơ đầu tiên, nhưng điều này cũng không thể trói buộc được hồn thơ lai láng của danh sư Basho qua bài “Chim Cuốc”
Hototogisu/ Naki naki tobu zo/ Isogawashi
Chim cuốc/ bay lượn hót vang/ bận rộn vội vàng
Dựa theo hình thức và thời kỳ xuất hiện, Haiku được coi là thể thơ phát sinh từ loại thơ Đoản Ca, tức Tanka là thể thơ tiêu biểu nhất của Waka tên gọi chung loại thơ viết bằng tiếng Nhật để phân biệt với thơ làm bằng tiếng Hán. Do đó, người Nhật cũng có tập quán gọi Tanka là Waka.
Một bài thơ tanka có 31 âm tiết, chia thành 5 câu gồm 5-7-5-7-7. Từ khoảng giữa thế kỷ 15, thơ Tanka bắt đầu bước vào giai đoạn tàn lụi khi trên thi đàn Nhật Bản xuất hiện thể loại Renga (liên ca). Renga cũng có nhịp phách 5-7-5-7-7 như tanka nhưng tách thành hai phần gồm 3 câu 5-7-5 và hai câu 7-7 và có số lượng câu không hạn chế.
Renga chính là một trò chơi theo kiểu nối lối, tức sáng tác thơ nối tiếp theo đề tài đưa ra của các nhà thơ Tanka. Đến đầu thế kỷ 16, dòng thơ Renga trở nên thịnh hành và phát triển khắp Nhật Bản nên dần biến dạng thành loại thơ trào phúng mang tích bình dân hơn rồi chuyển qua chủ đề hài hước, châm biến gọi là Haikai, tức tiền thân của thể thơ Haiku. Vì vậy, haiku có nguồn gốc từ Tanka, Renga.
Tuy khó có thể xác định được thời điểm xuất hiện chính xác, nhưng Haiku được người Nhật ưa chuộng vào thế kỉ XVII và trở thành một thể thơ riêng biệt trong thời kỳ Edo (1603 – 1867) rồi được lưu truyền cho đến nay. Lúc đó, Haiku không còn là những vần thơ đùa diễu mà thay vào đó là âm hưởng bàng bạc, sâu thẳm đầy ý tưỏng thâm trầm của Thiền tông và nhất là cách ngôn từ trở nên văn hoa bay bổng hơn. Haiku phiên âm theo Hán tự là Bài Cú, có nghĩa là câu nói để trình bày.
Về Nội dung và hình thức nghệ thuật thì một bài thơ haiku phải bộc lộ được cảm nhận về thời gian qua cách sử dụng Kigo (Quý ngữ) để miêu tả thời tiết và các mùa xuân, hạ, thu, đông hoặc là các hình ảnh, sự việc mang tính đặc trưng của từng mùa theo chủ đề sáng tác. Việc dùng Kigo để diễn tả mùa còn thể hiện sự gắn bó sâu sắc nơi cảm tình của người Nhật với thiên nhiên. Người dân xứ Phù Tang xưa nay nổi tiếng rất yêu quý cảnh vật thiên nhiên nên có nhiều cảm quan tinh tế về thời tiết, nhất là sự thay đổi cảnh sắc bốn mùa. Tuy vậy, ý niệm thiên nhiên trong thơ Haiku thường được tượng trưng qua những hình ảnh bình dị, nhỏ bé, tầm thường như chú ếch, con quạ, chú khỉ nhỏ bé, chim đỗ quyên, tiếng ve sầu, đóa hoa dại nở bên bờ suối, hòn đá, dòng nước. Qua đó, hai đề tài sáng tác nổi bật nhất của Haiku là thiên nhiên và cuộc sống thường nhật.
Do một bài thơ chỉ gồm 17 âm tiết nên các nhà làm thơ Haiku thường bắt đầu từ những điểm rất giản dị rồi nhấn mạnh vào một khoảnh khắc nào đó gây chú ý nơi người đọc để hướng dẫn cảm xúc đưa ra ý niệm tương quan về hình ảnh của chủ đề. Trong một bài thơ haiku thường có một hình ảnh lớn là vũ trụ tương xứng với một hình ảnh nhỏ là đời thường. Vì lẽ này, Haiku cũng không diễn tả cảm xúc mà chỉ ghi lại sự việc xảy ra ngay trước mắt theo bút pháp hạn chế sử dùng tỉnh từ và trạng từ để dành sự tưởng tượng cho người đọc. Thơ Haiku rất giàu sức tưởng tượng, suy diễn cũng nhờ vào đặc điểm này.
Nói chung, qua thể loại thơ Haiku, người đọc dễ dàng liên tưởng đến nghệ thuật hội họa hơn âm nhạc khi nhìn ra đó là hình ảnh của những bức tranh thủy mặc, chú trọng về họa ý hơn là nét họa. Cuối cùng, câu kết lưng chừng của một bài thơ Haiku mới chính là đại ý chuyên chở những thông điệp của tinh thần Thiền tông.
Tuy thơ Haiku thông thường có cấu trúc âm tiết 5- 7 – 5 trong ba câu nhưng đôi khi ngay Matsuo Basho, người được tôn là bậc tổ sư của Haiku cũng phá lệ khi sử dụng ít hơn hoặc nhiều hơn 17 âm tiết chẳng hạn bài thơ sau đây có 19 âm tiết:
Kare eda ni (7 âm) / Cành khô
Karasu no tomarikeri (9 âm) / Quạ đậu
Aki no kure (7 âm) / Chiều tàn Thu
Thêm điểm quan trọng khác trong thơ Haiku là những cảm giác về nét đẹp thiên nhiên và tâm hồn. Từ một thể thơ được làm với mục đích hài hước, vui đùa rồi sau đó do ảnh hưởng của tư tưởng Thiền tông, thơ Haiku lột xác chuyển thành loại thi ca diễn tả những cảm giác tinh tế về nét đẹp chân thiện mỹ khác nhau qua cái nhìn về thiên nhiên và con người. Đó là những cảm xúc như Yên lặng (sabi), Đơn sơ (wabi),
Buồn thương (aware), Nhẹ nhàng (karumi), U huyền (yugen), …
Sabi (tịch) là cảm xúc về sự tĩnh mịch sâu xa của sự vật, tự chúng bộc lộ những điều kỳ diệu, như trong một không gian vắng lặng, tiếng ve như thấm sâu vào đá qua bài thơ Tiếng Ve Sầu
Shizukasa ya/ Iwa Ni Shimiiru/ Semi No Koe
Sự yên tĩnh /thấm sâu vào đá/ tiếng ve sầu
Nếu cảm thức sabi là tâm điểm gắn với tư tưởng Thiền tông thì wabi lại gần gũi với các sự vật bình thường hơn. Đó là những cảm nhận lắng đọng về những thứ nhỏ nhoi, mong manh như con ốc nhỏ, một chiếc lá rơi, một giọt sương mai…Cảm thức aware là niềm bi cảm, xao xuyến trước mọi vẻ đẹp đ ư ợm m àu u buồn của sự vật. Tuy nhiên, đó không phải là cái bi lụy, bi tráng mà aware là một niềm bi cảm thâm trầm.
Còn Karumi bắt nguồn từ chữ karushi, nghĩa là nhẹ nhàng, thanh thoát. Karumi thể hiện phong thái ung dung, tự tại của thi sĩ. Thi sĩ haiku thường cảm nhận và biểu đạt được vẻ đẹp của con người và sự vật bé nhỏ tưởng chừng như bị quên lãng. Phát hiện từ trong những vật bình thường, cái đẹp bình dị, đơn sơ là một cảm xúc mang tính karumi. Karumi thường mang đến cho người đọc những phút giây bình yên trước những cảm nhận về đời thường.
Tóm lại, từ cảm xúc về sự cô tịch (sabi) để nhận ra cái đẹp ở sự bình dị, thân thuộc (wabi) và sự nhẹ nhàng thanh thoát, ung dung, tự tại (karumi) cho đến vẻ đẹp buồn (aware), thơ Haiku đã chuyên chở những tư tưởng mang dấu ấn Thiền tông và văn hóa đặc thù Nhật Bản.
Đồng thời, khi đề cập đến thơ Haiku cũng không thể không nhắc đến loại thơ tương đồng được gọi là thơ Senryu, tức Xuyên Liễu, xuất hiện từ thế kỷ thứ 18. Văn học Nhật Bản có truyền thống trào lộng từ lâu đời, từ những câu chuyện huyền thoại trong tác phẩm lớn đầu tiên là Kojiki (Cổ Sự Ký) vào thế kỷ thứ tám đến những hài kịch Kyogen (Cuồng Ngôn) vào thế kỷ 14 và phát triển đến đỉnh cao nhất của thơ ca trào lộng là thơ Senryu mà những tuyển tập đầu tiên ra đời từ năm 1765.
Senryu là thể thơ có hình thức giống như Haiku, nghĩa là cũng là bài thơ mười bảy âm tiết chia thành ba câu 5, 7, 5 nhưng khác nhau về nội dung và cảm quan. Senryu gần với thơ ca dân gian vì chuyên về đề tài hài hước và thường không có tên tác giả, nhất là thơ senryu cũ trước kia.
Thơ senryu có nguồn gốc từ cuối thế kỷ 17 và lan truyền nhanh chóng trong xã hội vào thế kỷ mười tám đến nỗi số lượng vượt hẳn Haiku dù Haiku có từ hàng trăm năm trước. Thể thơ có tên là Senryu do phát xuất từ bút hiệu Senryu của nhà bình luận thi ca Karai Hachiemon (1718-1790), là người đầu tiên thực hiện các tuyển tập thơ trào lộng mới có mười bảy âm tiết. Thơ Senryu cũ khuyết danh có khoảng 120.000 bài. Các bài Senryu thời Minh Trị Thiên Hoàng trở đi được coi là dòng thơ Senryu hiện đại.
Haiku và Senruy. Nguồn: http://yesterdayspoem.blogspot.ca
Haiku và Senruy. Nguồn: http://yesterdayspoem.blogspot.ca
Đặc tính hài hước của loại thơ Senruy là châm biếm thói hư tật xấu và bản tính con người trong khi Haiku lại đưa nhãn quan nhìn sâu vào thiên nhiên và tâm hồn hướng Thiền.
Một bài thơ Senryu nổi tiếng sâu sắc vì lối châm biếm người đời thường hay chạy theo danh vọng, tiền tài vốn là những chỉ là những chiếc bóng của mình, như sau
Fukikeseba/waga mi ni modoru/kageboshi
Thổi tắt nến rồi/cái bóng của ta/Trở về trong ta

Source Internet.

Trở lại con đường số 7 bi thảm!



Lữ Giang
Cuốn “Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất và sự thật cuộc triệt thoái Quân Đoàn II của ký giả Đỗ Sơn vừa xuất bản đã cung cấp cho chúng ta thêm một số sử liệu mới liên quan đến cuộc triệt thoái khỏi Cao Nguyên vào tháng 3 năm 1975, nhất là những gì đã xảy ra trên Đường Số 7 nối liền Pleiku với Phú Yên dài 182 km. Đây là một cuộc rút quân rất bi thảm, đưa đến sự chết chóc tang thương cho hàng chục ngàn binh sĩ, gia đình và dân chúng, kéo theo sự sụp đổ của toàn miền Nam.
Kể từ khi những bài tường thuật tại chỗ về cuộc rút quân này của ký giả Nguyễn Tú được đăng nhiều kỳ trên nhật báo Chính Luận ở Sài Gòn vào tháng 3 năm 1975 dưới đầu đề Ngày Chúa Nhật Buồn” cho đến nay, vẫn còn rất nhiều bí ẩn chưa được làm sáng tỏ.
Trước khi nói về những tiết lộ mới của Tướng Phạm Duy Tất, chúng tôi xin trình bày tóm lược về lệnh rút quân, con đường rút quân và những diễn biến tổng quát để độc giả có thể theo dõi cuộc rút quân này một cách dễ dàng.
RA ĐI KHÔNG CÓ LỆNH HÀNH QUÂN!
Sau khi Ban Mê Thuột bị thất thủ, ngày 14.3.1975 Tổng Thống Thiệu cùng với các tướng Trần Thiện Khiêm, Đặng Văn Quang và Cao Văn Viên đến Cam Ranh họp với Tướng Phạm Văn Phú và ra lệnh rút khỏi Kontum và Pleiku. Ông Thiệu nói rằng phải rút nhanh để tập trung quân phản kích lấy lại Ban Mê  Thuột theo đường 21, lấy Khánh Dương làm bàn đạp. Con đường để rút là Liên Tỉnh Lộ 7 nối liền Pleiku và Phú Yên vì không còn con đường nào khác.
Không ai tin vào mục tiêu ông Thiệu nói vì chuyện đó không thể làm được. Trong thực tế, lệnh rút quân là để tái phối trí theo kế hoạch “đầu bé đít to” do đầu óc thiển cận của ông Thiệu tưởng tượng ra, đó là dùng Đèo Cả làm biên giới mới của miền Nam! Chính kẻ đẻ ra kế hoạch này mới làđầu bé đít to.
Sau khi họp với Tổng Thống Thiệu, Tướng Phú về Pleiku triệu tập ngay các chuẩn tướng Trần Văn Cẩm (tư lệnh phó), Phạm Ngọc Sang (không quân) Phạm Duy Tất (biệt động quân) và đại tá Lê Khắc Lý (tham mưu trưởng) bàn việc rút quân và đưa ra quyết định như sau:
(1) Để bảo đảm bí mật tuyệt đối, không làm văn bản, chỉ truyền khẩu lệnh; cấm tiết lộ cho địa phương quân và các tiểu khu. Phải rút nhanh gọn, đem theo vũ khí và một cơ số đạn đủ cho một trận chiến đấu. Rút theo kiểu cuốn chiếu, ở xa rút trước, ở gần rút sau.
(2) Chuẩn tướng Phạm Duy Tất chỉ huy hành quân; chuẩn tướng Cẩm đôn đốc kiểm tra; chuẩn tướng Sang điều điều động máy bay vận tải chở hàng hóa quý hiếm, dọn sạch hai bên đường rút quân bằng máy bay oanh tạc; đại tá Lý điều động công binh sửa đường, bắc cầu, v.v.
Inline image 1
Quân và dân trên đường "rút quân"
Đây là một cuộc hành quân lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam nhưng không có Lệnh Hành Quân, không phải vì sợ bị tiết lộ như ông Thiệu nói, mà vì ông Thiệu muốn trốn trách nhiệm: Nếu thành công, ông hưởng, còn nếu thất bại, ông sẽ đổ tội cho cấp dưới! Đó là căn bệnh trầm kha của ông Thiệu. Tuy kế hoạch đưa ra như vậy, nhưng khi rút quân, Tướng Phú đã phải thay đổi lệnh nhiều lần.
KHÁI LƯỢC VỀ ĐƯỜNG SỐ 7
Liên tỉnh lộ 7 là một con đường nối liền quốc lộ 14 ở Pleiku với tỉnh Phú Yên dài 182 km, đi ngang qua tỉnh Phú Bổn. Đây là con đường rừng núi hiểm trở, bị bỏ hoang từ lâu.
Từ thành phố Pleiku phải đi theo quốc lội 14 về phía nam khoảng 44 km mới đến ngả ba đi vào đường số 7, thường được gọi là “chĩa ba” Mỹ Thạnh. Từ Mỹ Thạnh đến thị trấn Hậu Bổn (còn gọi là Cheo Reo) phải vượt một đoạn đường dài khoảng 84 km, băng qua đèo Chư Sê. Tỉnh Phú Bổn nằm trên độ cao từ 150m đến 1.000m với núi rừng trùng điệp, được chia thành 3 quận là Phú Thiện, Phú Túc và Thuận Mẫn.
Từ thị trần Hậu Bổn muốn đi Phú Yên phải qua đèo Tuna cách thị trấn Hậu Bổn 4 km, rồi quacầu Phú Túc và đến Củng Sơn, nơi đây sẽ gặp Sông Ba. Quảng Đường này dài khoảng 48 km. Bên kia Sông Ba là xã Sơn Hà, quận Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Từ Củng Sơn đến Tuy Hòa còn khoảng 50 km nữa. Nhưng đoàn quân sẽ không đi về Tuy Hòa mà theo Liên Tỉnh lộ 5 để vào Nha Trang.
Trên đoạn đường này có hai cái cầu phải làm. Cầu thứ nhất là cầu Phú Túc. Cầu này chỉ dài có 40m thuộc loại cầu Eiffel, nên Liên Đoàn Công Binh Chiến Đấu từ Pleiku xuống chỉ làm trong một đêm là xong. Cầu thứ hai là cầu Sông Ba, thường gọi là cầu Le Bac (tiếng Pháp là “le bac” là phà hay đò ngang), rộng đến 600m nên gặp khó khăn. Quân Đoàn 2 phải dùng trực thăng chở dụng cụ và công binh từ Nha Trang thả xuống Củng Sơn để làm cầu phao dã chiến. Công việc kéo dài 4 ngày mà vẫn không xong, Cục Công Binh ở Sài Gòn phải tiếp ứng, cho trực thăng Chinook chở các vĩ sắt đến lót để xe chạy khỏi bị lún.
DIỄN TIẾN CUỘC HÀNH QUÂN
Khi cuộc hành quân bắt đầu, Tướng Trần Văn Cẩm làm Tự Lệnh Tiền Phương. Đại Tá Nguyễn Văn Đồng Tư Lệnh Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh Thiết Giáp chỉ huy cuộc hành quân, Tướng Phạm Duy Tất điều động Biệt Động Quân. Đại Tá Lê Khắc Lý vì tiết lột cho Mỹ biết việc rút quân nên không còn được giao phần hành gì.
Kế hoạch rút quân là “Rút theo kiểu cuốn chiếu, ở xa rút trước, ở gần rút sau”.
Lúc 13 giờ chiều 15.3.1975, Liên Đoàn 6 BĐQ từ Kontun về cùng với Thiết Đoàn 19 mở đường đưa Công Binh vượt qua khỏi thị trấn Hậu Bổn, đến cầu Phú Túc và bảo vệ Công Binh làm cầu. Ngày 16.3.1975 đoàn này đã đi tới Củng Sơn an toàn và đợi làm cầu Sông Ba để vượt qua.
Ngày 17.3.1975, Liên Đoàn 7 BĐQ mới từ Sài Gòn ra và Liên Đoàn 23 đã cùng Thiết Đoàn 21 chiến xa M48 tiến về thị trấn Hậu Bổn, kéo theo một đoàn xe quân sự dài hơn 2.000 chiếc và gần 2.000 phương tiện giao thông dân sựBộ Tư Lệnh Tiền Phương và Bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn 2 Thiết Giáp đến đóng trong một trường tiểu học ở thị xã Hậu Bổn. Liên Đoàn 7 chiếm đèo Tuna, cònLiên Đoàn 23 bảo vệ thị trấn Hậu Bổn.
Inline image 2
Đèo Tuna ngày nay
Ngày 18.3.1975, Thiết Đoàn 3 kỵ binh, Liên Đoàn 22, Liên Đoàn 4 và Liên Đoàn 25 đi tập hậu cũng tiến về thị trấn Hậu Bổn an toàn. Tướng Tất đặt Bộ Chỉ Huy trong một trường tiểu học khác ở phía Tây thị xã. Nhưng đến 9 giờ ngày 20.3.1975 toán quân cuối cùng mới rút khỏi Hàm Rồng.
TƯỚNG PHÚ RA LỆNH “ĐẠP LÊN MÀ ĐI”
Tuy nhiên, lúc 20 giờ tối ngày 16.3.1975, Bộ Chỉ Huy Tây Nguyên của Cộng quân được tin quân đội VNCH đang rút khỏi Cao Nguyên, liền ra lệnh cho Tiểu đoàn 9 thuộc Trung Đoàn 64 của Sư Đoàn 320 đang đóng chận đường 14 ở khúc quận Thuận Mẫn cách tỉnh lỵ Hậu Bổn khoảng 15 cây số, tiến lên chận đường đoàn quân của VNCH. Tiểu đoàn này đã giao chiến với Liên Đoàn 7 ở đèo Tuna. Một phi tuần A37 đã được gọi đến yểm trợ nhưng lại ném bom vào quân của Liên Đoàn 7 khiến Đại Tá Nguyễn Kim Tây bị thương. Một cuộc cãi lộn đã xảy ra giữa Đại Tá Đồng và Liên Đoàn 7, sau đó Liên Đoàn 7 biến mất. Tướng Tất phải đưa Liên Đoàn 25 từ sau tiến lên cùng với Thiết Đoàn 21 nhổ chốt đèo Tuna. Nhưng Đại Tá Đồng nói với tôi rằng lúc đó địch quân đã chiếm ưu thế, mình cho chiếc M48 nào lên chúng bắn cháy chiếc đó. Không ai chịu tiến lên nữa. Cộng quân lại pháo kích dữ dội vào thị trấn Phú Bổn gây hỗn loạn.
Tiếp theo, Cộng quân huy động cả Sư Đoàn 320 đang đóng ở phía bắc Buôn Hô, Ban Mê Thuộc, dùng trên 110 xe các loại, chạy về thị trấn Hậu Bổn qua ngã quận Thuận Mẫn, và ngày 20.3.1975 mở cuộc tấn công vào thị trấn Hậu Bổn và đoàn quân đang tháo chạy trên Đường Số 7. Tình hình không còn cứu vãn được. Lúc 3 giờ chiều, Tướng Phú gọi máy ra lệnh cho Tướng Tất “Đạp lên mà đi” (theo mật khẩu có nghĩa bỏ chạy). Lúc 17 giờ 30, một trực thăng đến bốc Tướng Tất và Đại Tá Hoàng Thọ Nhu, tỉnh trưởng Pleiku đi. Sau đó, theo lệnh của Tướng Phú, ông trở lại bốc Tướng Trần Văn Cẩm đưa về Tuy Hòa. Máy bay được phái đến phá hủy các chiến cụ nặng, gây thêm cảnh hỗn loạn trong đoàn người tháo chạy.
Trên đây chỉ là những nét chính của cuộc rút quân được trình bày với hy vọng giúp độc giả có một cái nhìn tổng quát về những gì đã xảy ra.
NHỮNG TIẾT LỘ CỦA TƯÓNG TẤT
Trong cuốn sách nói trên, Tướng Tất đã tiết lộ nhiều bí mật liên quan đến cuộc rút quân. Chúng tôi chỉ xin nêu một vài ví dụ cụ thề:
1.- Vai trò Tướng Tất trong cuộc tháo chạy
Vấn đề trước tiên được Tướng Tất xác định là ông không phải là “Tổng Chỉ Huy” của cuộc triệt thoái. Ông cho biết tuy các đài phát thanh và báo chí lúc đó nói “Tướng Tất đang chỉ huy cuộc triệt thoái khỏi Tây Nguyên”, nhưng tại cuộc họp ở Quân Đoàn chưa có ai nghe đến 3 chữ Tổng Chỉ Huy. Tướng Phú chỉ ra lệnh cho ông phải đưa lực lượng Biệt Động Quân về đến Nha Trang. Ngay cả những đơn vị Biệt Động Quân do chính Quân Đoàn xử dụng thì cũng không nằm trong hệ thống chỉ huy của ông.
2.- Vấn đề chỉ rút chủ lực quân, bỏ lại tất cả.
Tướng Tất tâm sự: “Khi nghe Tướng Phú chuyển Quân Lệnh của Tổng Thống Thiệu, chúng tôi lặng người, nghẹn lời, như sét đánh trúng vào đầu mình. Rồi lại nghe là phải thi hành ngay lập tức, rồi lại nghe tướng Phú đã bị Tổng Thống hăm lột chức – bỏ tù nếu không thi hành nghiêm chỉnh...”  Ông cho rằng cái Quân Lệnh này vô lý, vừa quá nhẫn tâm mà lại không thực tế. Ông chỉ huy đoàn quân đoạn hậu, là lúc dân chúng sẽ chạy nhập vào nhiều nhất. Ông nói tiếp:
"Tôi đưa đoàn quân rút lui sau chót suốt trên Quốc Lộ 14 đến ngả rẽ vào con đường số 7, tôi dừng lại cho đoàn quân đi qua rẽ về hướng Cheo Reo. Những xe hàng xe tải của dân, chiếc nào cũng đầy ắp người và đồ đạc cứ nối dài mãi. Cái cảnh như vầy, hể mất an ninh thì chắc chắn không tài nào đối phó nổi. Như vầy chẳng khác gì một đơn vị chuyển trại, hay chuyển vị trí đồn trú chứ đâu phải là một cuộc hành quân rút lui trong tư thế sẵn sàng chiến đấu nếu gặp địch tấn công?"
3.- Về lệnh của Tổng Thống Thiệu
Khi ông đang chờ lệnh ở trường tiểu học, bổng Tướng Phú gọi ông và nêu nghi vấn: Lệnh Tổng Thống nói bỏ Tây Nguyên nhưng không nói rõ bỏ đến đâu, có phải giữ lại Phú Bổn không, rút khỏi Phú Bổn sau này trăm tội đổ ngược lên đầu chúng ta, chắc là mình phải giữ Phú Bổn, Tất à!
Như vậy Tướng Phú cũng đã biết quá rõ bệnh trầm kha của Tổng Thống Thiệu là khi gặp khó khăn cứ ra lệnh mập mờ, được thì dành phần thắng cho mình, thua thì đổ tội cho cấp dưới. Trong trận Phước Long cũng như trong việc rút khỏi Cao Nguyên hay miền bắc Trung phần... ông Thiệu cũng chơi trò đó!
Tướng Tất đã than phiền Đại Tá Lê Khắc Lý vì quá bận nhiều công việc nên không làm Lệnh Hành Quân. Nhưng sự thật không phải như vậy. Chính Tổng Thống Thiệu bảo chỉ ra lệnh miệng chứ không làm văn bản gì cả. Ông Thiệu cũng đã ra lệnh miệng cho Tướng Phú rút quân chớ có văn bản nào đâu?
Chuyện Tướng Tất tiết lộ còn nhiều, xin đọc trong sách của Đỗ Sơn.
KẾT QUẢ RẤT BI THẢM
Theo tài liệu của Hà Nội, trong cuộc rút quân khỏi Cao Nguyên, họ đã loại khỏi vòng chiến 28.514 sĩ quan và binh sĩ QLVNCH, trong số đó có 4.502 chết hoặc bị thương, 16.822 bị bắt làm tù binh, trong đó có 779 sĩ quan. Họ đã thả ra 7.190 người.
Tài liệu của VNCH ước lượng trong khoảng 160.000 người chạy theo đoàn xe di tản, chỉ có khoảng 60.000 tới được Tuy Hòa. Số còn lại chết trong rừng hay phải quay trở lại Pleiku. Sáu Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân với khoảng 7.000 quân, chỉ có 900 về đến Nha Trang và đóng trong thành phố.
Mặc dầu đã có nhiều cố gắng, cho đến nay những người viết sử vẫn chưa có đủ sử liệu để viết về cuộc rút quân này một cách đầy đủ và chính xác. Chúng tôi mong rằng, sau những tiết lộ của Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất, các chiến sĩ biệt động quân và những người có tham dự vào cuộc rút quân này nên cố gắng ghi lại những điều mắt thấy tai nghe. Đừng để kẻ chiến thắng múa gậy rừng hoang.
Ngày 21.11.2013
Lữ Giang
 

Source Internet.