Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Tiếng Hán Việt



Phạm Văn Bân
***
  

        Tiếng Hán Việt có ảnh hưởng rất lớn trong tiếng nói Việt Nam! Cứ mở bất cứ tài liệu, báo chí Việt Nam nào ra thì người ta sẽ thấy đầy tiếng Hán; thậm chí ngay cả trong hình thức văn chương truyền khẩu, bình dân nhất là ca dao, vốn được xem là dùng toàn tiếng Việt thuần túy, cũng đầy tiếng gốc Hán. Thử lấy một thí dụ là bài ca dao "Lỡ Làng" trong cuốn Hán Văn Giáo Khoa Thư của Võ Như Nguyện và Nguyễn Hồng Giao. Bài này làm theo thể thơ lục bát biến thể, thuần túy Việt Nam:
       Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay!
Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu!
Cá cắn câu, biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra ?

       Thoạt đọc thì ai cũng cảm thấy chỉ có hai chữ "tầm xuân" (nghĩa là tìm xuân, tên một loài hoa) là tiếng Hán Việt, ngoài ra bài ca dao dùng toàn tiếng Việt thuần túy. Tuy nhiên, xem kỹ thì không phải vậy.
 
Những tiếng Hán Việt vẫn còn giữ nguyên âm Hán là: hoa, tầm xuân, đồng, không, như, câu. Những tiếng Việt có gốc Hán là: hái do chữ Hán "thái", vườn do chữ Hán "viên",  do chữ Hán "gia", xanh do chữ Hán "thanh", biếc do chữ Hán "bích", tiếc do chữ Hán "tích", thay do chữ Hán "tai", lồng do chữ Hán "lung".
 
Toàn bài có 71 chữ, trong đó tiếng Hán chiếm 11 chữ, tiếng Hán Việt chiếm 10 chữ và tiếng Việt thuần túy chiếm 50 chữ.     





       Bây giờ hãy xét một bài ca dao khác mà tôi không nhớ tựa đề, chỉ còn lưu lại một cảm tình, khâm phục cho ý chí cần cù kiếm sống của người dân quê lam lũ Việt Nam (chân phải cứng và đá phải mềm!):  
Người ta đi cấy lấy công,
Tôi đây đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời, trông nước, trông mây,
Trông mưa, trông gio', trông ngày, trông đêm,
Trông sao chân cứng, đá mềm,
Trời trong bể lặng mới yên tấm lòng
.

       Bài này chỉ có một tiếng Hán Việt vẫn còn giữ nguyên âm Hán là: công. Những tiếng Việt có gốc Hán là: trông do chữ Hán "trướng", cứng do chữ Hán "cang, còn đọc là cương", yên do chữ Hán "an".  Toàn bài có 42 chữ, trong đó tiếng Hán chiếm 1 chữ, tiếng Hán Việt chiếm 11 chữ và tiếng Việt thuần túy chiếm 30 chữ.    

       Sự kiện lẫn lộn tiếng Hán, Hán Việt và Việt thuần túy đòi hỏi người Việt phải học kỹ lưỡng tiếng mẹ đẻ của mình để có thể hiểu, nói và viết tiếng Việt thành thạo, đúng chánh tả và dùng đúng nghĩạ.
 
       Không phải cứ sinh ra là người Việt thì tự nhiên biết nói tiếng Việt đúng giọng, xài đúng nghĩa và viết đúng chánh tả! Để hiểu tiếng Việt cho thấu đáo thì bắt buộc phải hiểu cái gốc chữ Hán của nó; giống như muốn hiểu tiếng Pháp thì phải lần về cái gốc La tinh, Hy Lạp.
 
       Trong tiếng Việt,  những tiếng Hán Việt nào đã phổ thông, đã Việt hóa rồi thì tha hồ xài. Được vậy thì giọng nói, câu văn nghe mới tự nhiên.
 
       Trong trường hợp cần nghiêm trang như đặt tên trong giấy khai sanh (khác với tên tục - để kiêng - như thằng Cu, cái Tẹo), tên cơ quan, tên tổ chức hoặc cần diễn tả ý tứ một cách trang trọng, gọn gàng thì nên dùng tiếng Hán Việt, bởi vì tiếng Hán Việt trong nhiều trường hợp đã ít nhiều mang theo nó cái sâu sắc, súc tích hoặc chính xác của tiếng Hán.

Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.