Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Trái đạn pháo cuối cùng vào Phước Tỉnh

Xin mạn phép tác giả đổi tựa đề từ "Tự Truyện" sang "Trái đạn pháo cuối cùng
vào Phước Tỉnh"...

Lang Nam.

***

Tin Bui.


Khoảng 9 giờ tối, ngày 28.4.1975. Tôi ngồi một mình dưới mái hiên nhà, bao quanh bởi một khu vườn tương đối lớn, trồng đủ loại khoai, sắn, bắp... Màn đêm đang từ từ buông xuống, cảnh vật chung quanh đều tĩnh lặng, chỉ nghe thấy những tiếng côn trùng rên rỉ. Tôi không nhớ tôi đã ngồi đây được bao lâu rồi.
Tai tôi bây giờ như ù đi, có một thứ âm thanh rít lên liên tục, văng vẳng từ đâu vọng lại. Vì trưa nay, một trái đạn pháo của Việt Cộng nổ cách tôi không đầy 3 mét. Một miểng đạn lấy đi một miếng thịt khoảng ngón tay trỏ dưới chân phải tôi. Đang trầm ngâm ngồi suy nghĩ, tôi nghe lanh lảnh tiếng trực thăng, nhìn xéo lên bầu trời phía bên phải. Tôi thấy một đốm sáng di chuyển từ phải qua trái. Bất ngờ, đốm sáng đó lóe lên rồi tắt ngụm, không nghe một tiếng nổ, sau đó tiếng máy trực thăng cũng im bặt. Mãi sau này, tôi mới hiểu chuyện gì đã xẩy ra cho chiếc trực thăng bất hạnh đó.
Trong nhà, vẫn vang lên tiếng khóc của đứa cháu tôi, 3 tuổi, mất một cánh tay phải vì trái đạn pháo trưa nay. Ngồi một mình, tôi lần lượt nhớ lại những chuyện đã xẩy ra hôm nay cho gia đình tôi và những ngày vừa qua...

.....

“Từ đêm nay và những đêm tới. Chúng con nên ngủ ở nhà với gia đình, khi nào tình hình êm lại, chúng ta sẽ tính tiếp...” Đó là lời nói của vị Linh Mục Chánh Xứ nói với đội giúp lễ chúng tôi. Tôi mới được tuyển vào đội giúp lễ hơn một tháng. Mỗi tối, chúng tôi thường thay phiên nhau vào nhà xứ ngủ, để 4 giờ sáng hôm sau đã phải dậy kéo chuông và chuẩn bị bàn thờ, dù là ngày thường. Mấy đêm gần đây, tình hình như đặc hẳn lại. Nhìn theo tiếng nổ xa xa tít mãi phía chân trời. Lửa pháo kích cháy rực một vùng trời bên đó.
Những ngày đầu tháng 4. Làng tôi thật náo nhiệt và hỗn loạn, người bưng kẻ khiêng. 95% người trong làng làm nghề đánh cá. Không là chủ tàu thì cũng có bà con với những người có tàu. Những ngày đó, chẳng ai màng tới việc làm ăn. Người người đều di chuyển những vật dụng cá nhân xuống tàu, đêm đến họ ngủ lại dưới tàu, nếu có chuyện gì rục rịch trên đất liền, thì tàu gia đình họ sẽ phóng ra khơi để lánh nạn và bom đạn. Hội đồng xã cho nhân viên
đi phóng thanh từng con đường, kêu gọi bà con ổn định, tình hình vẫn còn sáng sủa. Trong khi đó, tôi đoán, chính gia đình của những người đi phóng thanh đã dọn xuống tàu rồi.
Gia đình tôi từ khi dọn về đây, 1967. Bố mẹ tôi không hề dính đến nghề biển. Bố làm handyman, còn mẹ buôn bán tạp hóa. Tình cờ, hơn một năm gần đây, tôi phát giác gia đình tôi có một chiếc ghe, chuyên đi đánh tôm.
Khoảng ngày 21, 22 tháng 4, 1975. Lính từ đâu kéo về làng tôi. Tôi được biết đây là Sư Đoàn 18, đóng quân ở Long Hải. Họ di chuyển xuống Phước Tỉnh để đón ghe qua Vũng Tàu. Đến ngày 27, 28, nhịp độ càng dầy hơn, lính ngày càng đông hơn. Đêm đến họ ngủ rải rác ở những vỉa hè. Có tối nghe tiếng đồng hồ quả lắc nhà tôi điểm 12 giờ khuya. Tôi nghe bên ngoài có tiếng than... “Đ.M. nghe tiếng đồng hồ đánh, tao nhớ vợ con tao quá mày ạ...”
Trưa ngày 27.4.1975. Anh rể tôi lái Honda xuống nhà gặp bố mẹ tôi. Xin bố mẹ và các em xuống ghe như mọi người, nếu có chuyện gì thì chạy theo với mọi người ra khơi để lánh nạn... “Có lính là có đánh nhau....” Anh nói với bố mẹ tôi. Anh rể tôi đi lính pháo binh, đóng ở Qui Nhơn, cách đây 2 tháng, anh chạy hụt hơi về đến Phước Tỉnh, trên người chỉ còn cái quần xà-lỏn. Trưa hôm đó anh rể tôi khoác lên người bộ đồ lính, súng và lựu đạn đeo lủng lẳng bên mình.
Bố mẹ tôi quyết định cho chị em tôi đi trước, rồi từ từ sẽ xuống sau. Xuống tới ghe, tôi thấy đã đông người, khoảng 4, 5 chục người. Mọi người đợi bố mẹ tôi xuống là rời bến, neo theo đoàn tầu gần cửa biển. Nhưng đến khoảng 5 giờ, bố tới nhưng không thấy mẹ, bố tôi ẵm đứa em út về với mẹ, và nói anh em cứ đi đi. Khi bố tôi ẵm em tôi xuống, mọi người chúng tôi chuẩn bị rời bến.
Trong con sông làng tôi có một cái cồn, nếu không phải là dân làm biển sẽ không biết. Khi nước lớn, nhìn như một con sông rộng mênh mông, nhưng khi nước cạn, ở giữa sông nổi lên một cái cồn lớn. Anh rể tôi hình như chưa lái ghe bao giờ và cũng chưa bao giờ đi trên con sông này, vì mấy năm gần đây anh ở trong lính, nên không biết, cứ nhắm thẳng đoàn tàu đậu xa xa mà tiến tới. Thế là chúng tôi bị mắc cạn giữa dòng sông, trong khi nước đang xuống, phải đợi hôm sau trời sáng khi nước lớn nhờ một ghe người khác kéo ra.
Sáng ngày 28 tháng 4. Mọi chuyện trên ghe đều êm đẹp, mọi người thổi cơm ăn sáng rất nhộn nhịp. Đợi nước lớn trưa nay, ghe chúng tôi sẽ được kéo ra và nhập với đoàn tàu. Vì anh rể tôi là lính, nên cũng mang theo súng đạn như một người lính bình thường. Đám thanh niên xin anh rể tôi cho chúng trái khói, để mở xịt coi chơi. Vì có những nguyên tắc riêng của lính, nên anh rể tôi không cho, nhưng mấy anh em lẽo đẽo theo để xin xỏ. Cuối cùng,
không hiểu sao, mấy anh cũng lấy được một trái khói màu đỏ và mở cho nó xịt ùm trời lên, bà con trên ghe la quá. Anh rể tôi vội nhảy xuống đất (vì ghe còn mắc cạn) vùi cho trái khói xuống bùn. “...Đánh được người mặt vàng như nghệ...” Đúng, sau khi chuyện xảy ra, đám thanh niên mới biết sợ.
Chuyện gì phải đến đã đến...
Giật mình, khi tôi nghe thấy đoàn tàu đậu gần cửa biển ầm ầm rú ga, và chen nhau mạnh ai nấy chạy. Nhìn vào bờ, lính dồn xuống dày đặc cả bãi biển. Rồi tôi nghe thấy những tiếng đạn pháo xé gió rất dài ngang trên đầu chúng tôi, kết thúc bằng những tiếng nổ ngoài phía đoàn tàu. Việt Cộng đã bắt đầu pháo kích.
Ghe chúng tôi kẹt cứng vì đang mắc cạn, mọi người trên ghe đều trợn mắt nhìn nhau. Chúng tôi làm gì bây giờ ngoài việc đọc kinh và cầu nguyện. Vì tôi còn nhỏ nên được cho vào khoang thuyền. Bên ngoài, những tiếng đạn bay và những tiếng nổ vẫn tiếp tục. Sau khi đoàn tàu đã chạy ra xa ngoài tầm bắn của đạn pháo kích. Việt Cộng mới tính chuyện trong này. Trên cái cồn khá lớn giữa sông, ghe chúng tôi nằm trơ có một mình, chúng bắt đầu nhắm đến ghe chúng tôi. Bà con trong ghe la lên: “Chạy ra để cho họ nhìn thấy dân, họ đừng bắn nữa...” Nhưng Việt Cộng đâu có nghe thấy tiếng gào khóc của chúng tôi.
Biết là sẽ pháo trúng ghe, nên những thanh niên và người lớn nhảy xuống và bơi qua bên kia sông. Chị tôi nói với anh rể tôi cùng đi với họ, nhưng anh rể tôi không nghe, nhất định ở lại với vợ con. Nhiều người đã nhảy ra ngoài để thoát thân theo lời kêu gào của bà con. Tôi cũng chuẩn bị bò ra. Khi chị tôi đưa đứa con cho anh rể tôi bế, cũng là lúc tôi bò dưới hai cánh tay anh rể tôi để chui ra ngoài. Thì... một tiếng nổ long trời lở đất ngay bên tai tôi, miếng ván tôi đang bò trên sập xuống, tôi bị rơi thẳng xuống hầm máy. Sợ quá, tôi vội chui vào tuốt bên trong, quay ra, tôi thấy một tay anh rể tôi thòng xuống từ sàn trên, đong đưa hai ba cái rồi ngừng lại, một dòng máu tươi chảy dọc theo cánh tay nhỏ xuống dưới.
Sau tiếng nổ kinh hoàng, mọi sự chung quanh tôi đều như ngừng hẳn lại. Tôi ngồi một lúc lâu trong bóng tối dưới hầm máy, sợ hãi, nghe ngóng... không còn nghe thấy tiếng nổ của những trái đạn pháo nữa, và tôi nghe được tiếng khóc và tiếng la hét của những người bên trên. Tôi bò ra lại. Lên tới sàn trên, tôi thấy cháu tôi đang gào thét, tay trái giơ ra vời mọi người, tay phải gần trên phía vai bê bết máu. Tôi bò ra bên ngoài phía lái tàu. Một thanh niên nằm trợn mắt, bị mất một khoảng sọ lớn trên trán. Tôi sợ quá tìm cách nhảy xuống khỏi ghe và chạy vào phía bờ. Đến ven cồn, tôi phải bơi qua con rạch rộng khoảng 30 mét mới tới bờ. Tôi biết là tôi không bơi được. Quay sang bên trái,
tôi thấy 3 người đang loay hoay với cái thúng. Tôi chạy lại và một người bế tôi vào bên trong thúng và chèo vào bờ. Lúc này, mặt mũi quần áo tôi dính đầy máu, không ai còn nhận ra tôi, chân thì bị thương, máu theo đó mà ào ra.
Tới bờ, tôi tìm đường về nhà. Trên đường la liệt những quần áo lính, không một bóng người. Miếng thịt còn lủng lẳng dưới chân tôi, chưa đứt hẳn, tôi tìm miếng dẻ và cột lại. Chạy đến đầu nhà thờ, nhìn vào nhà xứ, thấy mấy ông cụ đang đứng nói chuyện với hai cha. Một ông thấy tôi chạy ngang, người toàn máu, mới vời tôi vào. Đến gần, tôi mới nhận ra bố và chú tôi cũng đứng đó, chẳng ai nhận ra tôi. Tôi mới chạy thẳng đến bố.
- Bố ơi, nó pháo trúng thuyền nhà mình, chết hết rồi...
Mặt bố tôi biến sắc, miệng há hốc, mắt trợn trừng nhìn tôi, dường như bố tôi chưa nghe được những gì tôi vừa nói. Sau một phút điếng người, vội ôm choàng lấy tôi.
- Còn... con... có sao không?
- Dạ, con bị thương dưới chân.
Cha Xứ đi lại, tay còn cầm cỗ tràng hạt, tay kia đặt lên vai tôi.
- Con hãy phó thác mọi sự cho Chúa, chiều nay cha sẽ dâng thánh lễ cầu nguyện cho gia đình con.
Chân tay bố tôi run lên, sợ không đứng vững, mấy ông cụ quanh đó nhanh tay đỡ lấy bố tôi. Khi lấy lại đươc chút bình tĩnh, bố tôi nói với hai cha và mọi người, giọng vẫn còn run.
- Con... về cho nhà con biết, rồi chạy ra ngoài đó xem sao.
Khi bố tôi đi khỏi, chú tôi vừa khóc vừa cõng tôi chạy đến phòng mạch bác sĩ, hy vọng gia đình ông này chưa di tản.
Đêm đó và những ngày kế tiếp. Gia đình tôi phải đi lánh nạn cách Phước Tỉnh 5 cây số. Khi đi qua cổng làng, tôi thấy Việt Cộng đặt khẩu đại bác, nhắm qua hướng Vũng Tàu. Chúng liên tục pháo qua Vũng Tàu mấy ngày liên tiếp. Bên kia chỉ pháo lại 1,2 trái.
Trên ghe chúng tôi hôm đó có độ 40 người. Nhờ những lời kêu gào trong khi bị pháo kích. Trên ghe còn lại khoảng hơn 10 người, 8 người bị thiệt mạng, trong đó có anh rể tôi, chị gái tôi 15 tuổi và đứa em trai tôi 7 tuổi. Đứa cháu trai tôi 3 tuổi bị mất cánh tay phải. Đó cũng là trái đạn pháo cuối cùng
của Việt Cộng vào Phước Tỉnh, và cũng là trái đạn pháo trúng giữa thuyền gia đình tôi.


Melbourne 2016.
BQT.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.