Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

PHẢI CHĂNG LÀ DUYÊN NỢ


Vào thời điểm đời sống chính trị, xã hội bị xáo trộn, tình hình quân sự bên ngoài các chiến trường đưa tin về với nhiều tang tóc. Sự thúc giục lên đường cho lý tưởng tự do bảo vệ Tổ Quốc càng ngày càng nung nấu, phải nói rằng lòng yêu nước đang sôi sục khiến Tuấn tình nguyện vào lính lúc này. 
Tuấn đã chuẩn bị chu đáo mọi thủ tục trình diện nhập ngũ tại thành phố Nhatrang, xong xuôi hết rồi mới báo cho gia đình biết. Buổi chiều sau khi cơm nước xong, Tuấn thưa với Ba Má: “ngày mai con đi lính”. Như tin sét đánh, người cha giận dữ không bằng lòng vì sợ con mình rơi vào cảnh tang thương khi đi vào lửa đạn. Không thể diễn giải hay khuyên ngăn trong nỗi bực tức, người cha bèn thốt lên: "Tao biết mấy đứa đi lính là muốn lấy vợ." 
Tuấn chưa yêu ai và cũng không hề có ý nghĩ như ba mình nói, Tuấn thấu hiểu nỗi lo lắng của Cha Mẹ lúc này nhưng mọi sự đã an bài.
Chiếc phi cơ C130 chở đám thanh niên từ Nhatrang vào phi trường Tân Sơn Nhất đã xế chiều. Họ dùng xe GMC chở đám này bỏ ngay cổng phi Trường Lăng Cha Cả và chờ xe từ Trường Bộ Binh Thủ Đức đến đón về Trường. 
Nhà người anh ruột đang sát ngay đây nên Tuấn rời đội ngũ đi bộ về nhà hy vọng có cái gì ăn vì đói bụng lắm rồi. Hành trang mang theo chỉ là một cái túi xách nhỏ xíu có giây rút trên miệng, trong đó đựng một bộ áo quần và đôi dép cùng kem bàn chải đánh răng.
Vừa bước vào nhà ông anh đang giờ ngủ trưa, mở mắt ra thấy Tuấn chưa kịp mừng đã hỏi Tuấn đi đâu.  “Em đi lính”. Thế là một trận xối xả giảng đạo đức luân lý, người anh kỳ vọng Tuấn sẽ học Đại Học do anh bảo trợ, mà không ngờ ra nông nỗi này. Vậy là từ đứa em không thương tiếc.
Lòng quặn đau rời khỏi căn nhà trong khi bụng đói chưa được ăn gì, Tuấn được đưa về Trường Bộ Binh Thủ Đức ngay chiều hôm ấy. Suốt hai tháng huấn nhục không được đi phép nhưng cho gia đình đến thăm trong những mỗi cuối tuần. Gia đình ông anh là người duy nhất ở Sài Gòn không bao giờ đến thăm trong thời gian này vì đã từ đứa em không nghe lời mình. 

oOo
Đêm thứ sáu gắn Alpha, được phép về Sài Gòn cho đến chiều chúa nhật. Vì tự ái không muốn về nhà người anh đã giận, cho nên Tuấn ngủ đêm tại trường tối thứ sáu đêm gắn Alpha đó cùng với hai người bạn cùng quê và cùng trung đội cùng hoàn cảnh "con bà phước". 
Sáng hôm sau vì không chịu nỗi sự cô đơn trong doanh trại mà cả khoá  đã về Sài Gòn hết ráo, Nguyễn Anh Tuấn cùng Lê Công Cận và Phạm Trừ chúng mình ba đứa kéo nhau đi Sài Gòn chứ tội gì phải nằm lại đây. 
Sáng thứ bảy ba chàng lính mới lang thang không định chỗ đến, đi ngang qua tiệm chụp hình Mai Anh trên đường Huỳnh Quang Tiên, Tuấn chợt nhìn thấy một người con gái rất đẹp, mà theo Tuấn là rất hợp nhãn với mình, nét đẹp làm như níu kéo chùng bước chân lại và chỉ muốn bước vô chụp hình để làm quen.
Tuấn nói với hai người bạn:
- Ê vào đây chụp hình đi!
Cả ba vào bên trong không phải mục đích để chụp hình mà vì người con gái trước mặt.  
- Dạ chào các ông, các ông muốn chụp hình phải không ạ? Giọng nói rất trong trẻo của người Nam nghe ngọt làm sao, cô con gái ngồi trước bàn trả hình chào hỏi.  
Tuấn nhanh nhẩu:
- Dạ chào chị, tụi tôi cũng muốn chụp hình.
Không hiểu vì khớp hay sao mà Tuấn lại gọi bằng chị, trong khi lúc đầu từ ngoài đường đã định tán người đẹp này. Đúng là nai tơ còn nhát quá!
- Dạ tiệm hình chúng tôi nhận chụp hình, nhưng giữ phim lưu trữ lại đây, vậy các ông có bằng lòng hay không ạ?
Tuấn là người lanh miệng nhứt trong đám bạn liền trả lời:
- Dạ chúng tôi ở rất xa đây, chắc không có dịp nào trở lại để rửa  hình nữa, vậy chị có vui lòng cho chúng tôi giữ cả phim được không?
- Ở tận đâu mà xa vậy? Cô ta hỏi
- Dạ tận ngoài Nhatrang.
- Các ông cảm phiền ngồi chờ một chút, để tôi xuống hỏi ý Má tôi nhen. 
Sau một lúc trở lại cô ta nói:
- Má tôi nghe nói người Nhatrang nên đồng ý cho các ông lấy luôn phim, vì cùng đồng hương. Tuấn chớp lấy thời cơ:
- Dạ cám ơn Bác và chị nhiều. Vậy là gia đình chị cũng là người Nhatrang?
Tuấn chưa biết cách nào để mở lời theo ý định của mình, lính mà như thế này thì yếu quá, không lẽ chỉ có lý do chụp hình rồi thôi sao, Tuấn vào đề ngay;
- Chị ạ, tuị tui những ngày cuối tuần nghỉ phép như thế này, lang thang và trống vắng làm sao, hơn nữa trong quân trường lại càng buồn biết mấy vì ai cũng có nhận được thư từ người thân, bạn gái để không còn thấy mệt mỏi sau một ngày luyện tập… 
Chàng muốn làm quen với cô ấy mà không hiểu sao đớ lưỡi lại nói khác đi:
- Chị có thể giúp chúng tôi tìm giùm một người bạn được không, để được an ủi và cảm thấy không cô đơn trong những ngày ra phép?
Chàng ra quân lần đầu thiệt là vụng về và không một chút bản lĩnh. Người con gái không chần chừ:
- Tôi không dám hứa chuyện ấy đâu, vả lại... 
Cô ta bỏ lửng câu nói, Tuấn không hiểu ý nàng muốn nói gì.
Thế rồi cũng phải chụp hình là điều bất đắc dĩ xảy ra, chuyện coi như không đi đâu vào đâu.  Cả ba chào tạm biệt, hẹn một tuần sau đến lấy hình.
oOo      
Cuối tuần sau, Tuấn đến tiệm hình để lấy hình đã chụp tuần trước, nhưng cái chính là vẫn làm sao quen với cô con gái con bà chủ tiệm. Lớ ngớ không biết nói gì nữa đây, không lẽ lại tay bỏng hỏng không, ra đi vô tích sự.  Đang moi óc tìm điều gì để nói, thì bỗng từ dưới nhà, một người con gái khác thân người nhỏ hơn, trẻ hơn và cũng đẹp như người đang ngồi tại bàn trả hình.  Biết chắc là cô em rồi và tự dưng lòng ngả qua ngay người thứ hai này.
Tuấn làm quen cô bé cũng dễ dàng qua đôi ba câu chuyện về học hành, trời trăng mây nước, nhứt là nàng hỏi Tuấn về đời lính quân trường. Cái lợi thế là đang mặc đồ Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức thì khỏi cần giới thiệu mình là ai. Thời điểm Miền Nam lúc bấy giờ, tất cả hầu như con trai nào cũng xếp bút nghiên, nên chi lính đang có giá, và là điều mơ ước của các cô lúc này muốn làm người yêu của lính.
Tuấn không thể ở đây lâu hơn được nên cũng phải chào từ giã, nhưng nếu ra đi thì còn có cơ hội nào để gặp lại lần tới, nên bèn nghĩ ra cách “xin rửa hình thêm” dù không quan tâm hình vừa chụp xong có hài lòng hay không.  Trước khi ra về Tuấn có xin phép được gởi thư ra thăm mỗi tuần trong những chiều dừng quân ngưng học chờ xe cơm nhà trường chở đến.  Làm như thể viết thư cho người tình trên balô!
Người con gái da mặt trắng hồng thiệt là “liễu yếu, chưa biết gì” còn thẹn đỏ mặt quả quyết:
- Ông có viết thì viết, tôi nhận, nhưng tôi sẽ không bao giờ viết lại đâu.
Cũng hơi thất vọng một chút, nhưng nghĩ bụng không có sao cả, phải chấp nhận, nhận và đọc thư là yên tâm phần đầu rồi, Tuấn hỏi lại:
- Nhưng mà chưa biết tên và địa chỉ làm sao viết?
Cô nàng trả lời gọn lỏn:
- Tên tôi ngoài tấm bảng tiệm hình đó,  địa chỉ cũng ngoài đó.  
Ngoài tấm bảng ghi ẢNH VIỆN MAI ANH - 1321 Huỳnh Quang Tiên, Phú Nhuận.
Tuấn hiểu rằng đang gặp “khó khan” lúc đầu rồi, nhưng có còn hơn không.  Chàng xin phép ra về trong niềm hy vọng mong manh sẽ quen với cô em này.
Sinh Viên Sĩ Quan Nguyễn Anh Tuấn nghĩ ra cái kế, tự cho mình  có “mưu lược”: chàng  vào quân trường,  ngay ngày hôm sau viết gởi ra một cái thư giả bộ nói rằng được biết tuần sau quân trường cấm trại, không ra phép được, xin cô Mai Anh (tên tiệm chụp hình) gởi giúp hình rửa thêm vào giúp, và dĩ nhiên không quên kèm theo lời khen mọi điều và lời tán tỉnh khi vào quân trường đã mang theo bóng dáng nàng vào trong các bãi tập.  Chàng gởi thư đi và chờ đợi.
Quả thiệt cô nàng đã tin và gởi hình vào cho Tuấn.  Cũng bởi vì cô ta nói chỉ nhận thư chứ không viết trả lời, nên phải “gài độ“ bằng cách này cho nàng gởi.
Ngoài những tấm hình gởi vào, nàng cũng có kèm theo những lời cám ơn vì đã được  hỏi thăm, cũng như  chúc sức khỏe. Như vậy là “cá đã mắc câu” rồi, đã viết thư cho Tuấn rồi còn gì. Từ hôm ấy thư qua thư lại, hàng ngày Tuấn đều viết một lá thư gởi ra như là chiến thuật “tấn công liên tục không ngừng nghỉ” làm cho đối phương bị mê hồn trận. Tuấn có năng khiếu viết thư tình thật lọt lỗ tai người đọc.
Những lần phép sau đó được mặc nhiên thân thiện và tự nhiên như hai người tình, có điều cô nàng rất kín đáo, cẩn thận không hề để lộ cho gia đình biết Tuấn là bạn trai.  Sáng chúa nhật nào cũng cố ý ra giúp Mẹ ngồi trả hình cho khách, nhưng kỳ thực là để đón Tuấn ra phép.  Khi nào không có ai thì hai người ngồi sát nhau trong hàng ghế của khách hàng đối diện với bàn trả hình, nói chuyện thân mật. Khi có khách hay người nhà từ dưới nhà đi lên thì cô nàng trở lại ngồi vào bàn trả hình và giả như tiếp Tuấn là khách đến chụp hình.
Một lần nàng lấy quyển Album của mình ra cho Tuấn coi, vì là con bà chủ tiệm thì chụp chân dung vô số kể; lợi dụng có khách đến chụp hình, Tuấn đã “chôm” hai tấm hình chân dung của nàng nhanh tay bỏ túi.
Thời gian tại quân trường Thủ Đức cũng hết để chuẩn bị các Sinh Viên Sĩ Quan chuyển đi học ngành. Tuấn được đi về Dục Mỹ học Căn Bản Pháo Binh.  Một tuần lễ liên tiếp chờ máy bay chở ra Dục Mỹ,  chiều nào Tuấn cũng “chui lỗ chó” tại cổng số 10 để trốn về Sài Gòn thăm người yêu.  Khi đã yêu rồi trở nên nhớ và ghiền chi lạ, ngày nào cũng trốn ra, vì cứ nghĩ ban đêm làm sao có máy bay.
Một bữa nọ cũng trốn ra Sài Gòn, sáng hôm sau đang lang thang trên vỉa hè Lê Lợi trước khi trở lại Quân Trường thì có người đi đối diện nhìn thấy huy hiệu Pháo Binh trên túi áo Tuấn bèn la lớn: “Pháo Binh hả? Pháo Binh hả? Nó đi hồi hôm hết trơn rồi!”
Tuấn như người mất hồn vì sợ sẽ bị phạt vì trốn và trễ chuyến bay, chắc kỳ này ở lại Bộ Binh. Ba chân bốn cẳng chạy về trường, tất cả đã đi hết thiệt, chỉ còn lại một cái xắc đựng quân trang và cái balô cùng nón sắt của Tuấn bơ vơ trong gian phòng của 200 người Pháo Binh dồn lại, giờ thì quạnh hiu.
Thay đồ trận xong Tuấn lên Liên Đoàn Khóa Sinh trình diện, và bị một trận chửi tơi tả, còn bị hăm doạ chờ quyết định của Bộ Tổng Tham Mưu, có thể ở lại Bộ Binh. Tuấn toát mồ hôi hột vì trời nóng thì ít mà lo sợ ở lại ra Bộ Binh thì nhiều, bèn quyết định lặng lẽ mang vác balô trốn ra khỏi Trường Bộ Binh Thủ Đức để tìm đến Phi Trường Tân Sơn Nhất, trông cậy vào ông anh ruột đang làm thợ sửa chữa máy bay trong đó kiếm máy bay đưa ra NhaTrang. Hay tệ lắm cũng cầu cạnh nhà nàng lo giúp mua giùm vé Air Việt Nam mà bay ra, vì hy vọng nhà nàng sẽ mua được.
Tuấn cuối cùng cũng ra được đến Dục Mỹ và thụ huấn hoàn tất khoá Căn Bản Sĩ Quan Pháo Binh.  Sau khi ra trường vẫn giữ liên lạc thường xuyện với người yêu,  dù đang vùng trời góc núi nào cũng viết cho Quỳnh Như một lá thư, nhiều lúc bận đi Delô trong rừng thì viết từng ngày dồn để đó về hậu cứ gởi một lần. Lúc này tên nàng không còn là tên tiệm chụp hình nữa mà là Quỳnh Như, nàng đã cho biết khoảng hơn tháng trước.
Nhờ vậy mà tình yêu lên ngôi, sâu đậm thắt chặt tưởng đến nghẹt thở.  Đúng một năm sau ngày ra trường, Tuấn xin nghỉ phép đầu tiên một tuần lễ, thay vì về Nhatrang thăm Cha Mẹ, Tuấn lại đi xe đò từ Bảo Lộc xuống Sài Gòn thăm người yêu. Đúng là tình yêu thiệt nhiệm màu…
Trong lần đi này vì không đi được bằng máy bay mà bằng xe đò từ Bảo Lộc về Sài Gòn. Con đường thường hay bị Việt Cộng ra chận xe đò và bắt người vô rừng gần chỗ Phương Lâm. Tuấn phải nguỵ trang là một học sinh với chiếc Thẻ Học Sinh xin được của một người bạn làm Hiệu Trưởng Trường Trung Học Lê Lợi tại Bảo Lộc.
Y như rằng xe của Tuấn bị Việt Cộng chận xét, bắt những người đàn ông xuống đất hết. Riêng Tuấn thì không hiểu tại sao bọn chúng không ngó ngàng tới, thế là Tuấn thoát nạn. Tuấn tưởng là đời phải tàn rồi vì thế nào cũng bị hai tên VC lên xe lùa những người đàn ông con trai xuống đất. Tuấn cũng đã cẩn thận gởi hết giấy tờ tuỳ thân của lính cho chị ngồi cạnh, Tuấn thấy chị ấy nhét vào áo ngực.
oOo        
Bảy ngày tại Sài gòn, ngày nào nàng cũng nói dối gia đình là đi lấy phiếu báo danh vì sắp sửa thi Tú Tài. Đi chơi bên nhau trong niềm hạnh phúc ngọt ngào say đắm của tình yêu tuổi học trò bên cạnh người chiến binh rừng núi. Nàng hãnh diện sánh bước bên cạnh Tuấn và ước mong những ngày phép đừng trôi qua nhanh.
Hầu hết thời gian bảy ngày phép Tuấn dành hết cho Quỳnh Như, sáng nào cũng lấy taxi từ nhà ông anh ở Lăng Cha Cả đến Nhà Thờ Ba Chuông để hẹn hò người yêu đi chơi. Khi vào tiệm hình, lúc không có ai thì nàng đến ngồi chung một dãy ghế trước bàn trả hình, và lúc ấy hai bàn tay cứ chạm vào nhau không dứt. Nhưng khi có khách hay người nhà từ nhà dưới lên thì nàng lật đật trở về ngồi vào chiếc ghế sau lưng bàn trả hình và Tuấn tự đóng vai là người khách đến chờ chụp hình.
Những ngày phép ở Sài Gòn rất quý vì thời gian cứ trôi thật nhanh, Tuấn và Quỳnh Như hay hẹn nhau đi chơi cùng nhau như là một dịp được gần gũi. Khổ một nỗi bao giờ cô nàng cũng dắt theo cậu em út đi cùng.
Qua hai ba lần, Tuấn thấy cần phải lên tiếng hỏi: “Sao em cứ phải dẫn đứa em đi theo hoài?” Nàng trả lời: “nếu không đi theo thì má đâu cho đi”. Biết lý do nên đành phải chịu chứ làm sao bây giờ. Cha Mẹ nàng khó lắm, không cho con gái ra đường một mình.
Nhưng mà khi đã yêu thì có muôn trăm ngàn kế để nói dối, cũng phải mắc cười khi hỏi Quỳnh Như: “Hôm nay có dám nói đi chơi với anh không?” Cô ta bảo: “Thì cũng nói đi lấy phiếu báo danh”. Mắc cười trong bụng vì cái lý do “lấy phiếu báo danh”.
Một lần cả ba người đi xem ciné rạp Đakao, khi vào tới ghế ngồi, cậu em út lại ngồi giữa, tức quá Tuấn nghiêng người qua tai cô nàng nói nhỏ: “để cậu em ngồi một bên đi”. Thế là nàng bèn đổi chỗ, nhưng dù có được ngồi sát nhau thì cái diễm phúc to lớn nhất chỉ là cầm lấy tay nàng mà thôi, tại vì làm sao dám làm gì khi có kỳ đà cản mũi.
Một buổi cuối cùng Tuấn đưa nàng vào Thảo Cầm Viên, lần này không có cậu em út, bất ngờ Quỳnh Như cho biết tin sét đánh:
- Anh à, Dì Tám của em giới thiệu em cho ông thầy dạy Toán trường em và ông ta muốn làm đám hỏi trước khi sang Pháp tu nghiệp.
Tuấn chới với, và không bao giờ nghĩ rằng có chuyện này xảy ra, vừa buồn vừa tự ái, vì thấy hoàn cảnh của mình chỉ là một chuẩn uý sống nay chết mai, nghèo rớt mùng tơi thì làm sao sánh được với ông Giáo Sư, mà lại được bà Dì ruột giới thiệu. Coi như mây mù vây kín cuộc tình từ đây.  Chàng dò hỏi ý người yêu:
- Vậy còn ý em thì sao?  
Tuấn chỉ hy vọng nhân vật chính sẽ quyết định chuyện quan trọng đời mình, nhưng nàng nói tiếp:
- Còn nữa, như anh biết gia đình em là Công Giáo, em biết bên anh không có Công Giáo; mà anh biết đó, Ba Má em nhứt định không gả em cho người ngoại đạo.
Vấn đề tôn giáo như một trận đánh phủ đầu bồi thêm cho trận thứ nhứt là bà Dì giới thiệu để làm đám hỏi. Cả một khung trời sụp đổ và mọi hy vong tan nhanh sau khi nghe tin sét đánh ấy. Tuấn thở ra và dường như chấp nhận định mệnh đã an bài cho một người lính trận không có lằn ranh giữa sự sống và chết rõ rệt. Đã nhiều lần Tuấn chứng kiến đám bạn bè Biệt Động Quân Liên Đoàn 2 mà Tuấn đi Đề Lô cả năm liền, mới vừa nhìn thấy nhau đó, lát nữa nhảy trực thăng và nằm xuống vĩnh viễn.
Tuấn cũng biết cuộc sống của lính rất nghèo, không thể nào bì kịp với một ông giáo sư đang ở đô thị, và cha mẹ nào không đem lên bàn cân để nhìn xem bên nào cần cho đứa con gái mình có tương lai. Tuấn chỉ hỏi lại Quỳnh Như:
- Và tình yêu của em dành cho anh thì sao?
- Em sẽ mãi mãi yêu anh, anh là mối tình đầu của em, làm sao em quên được,.... nhưng em sợ khó cưỡng nổi ý của Ba Má quá....
Tuấn nghĩ vội trong đầu: “không làm sao quên được, yêu mãi nhưng vẫn lấy người giàu sang?”
Nói như thế có nghĩa rằng Quỳnh Như đã buông xuôi, không chủ động, và chấp nhận thua cuộc chăng. Cuộc tình của nàng hoàn toàn giấu kín, chưa có một thành viên nào trong gia đình biết được, ngoại trừ một bà chị thứ Tư, chị Mộng Tuyền, người mà lần đầu tiên Tuấn mượn cớ chụp hình để làm quen với cô ta, không ngờ lúc ấy bà ta đã là vợ của một ông trung uý Bộ Binh Sư Đoàn 5, đang mang thai ba tháng mà Tuấn không hề biết.
Tuấn chấp nhận thua cuộc và biết mình phải làm gì, coi như một kỷ niệm đẹp trong đầu đời quân ngũ. Phần Quỳnh Như lại dùng nước mắt để nói thay lời và không thể xác định sẽ tranh đấu cho phần tôn giáo, nhứt là không có đủ khả năng và bản lĩnh để vượt qua vòng lễ giáo gia đình.  Nhưng nàng cũng không phủ nhận tình yêu, và chỉ biết tình yêu này bất diệt. Tuấn làm sao tin vào nàng được nữa,  Chàng buồn bã đưa nàng trở về nhà,  và cũng lúc ấy là thời điểm chia tay để ngày mai chàng trở về đơn vị.
Ngày đầu đi phép bao nhiêu là hăm hở, nhiều hình ảnh tuyệt vời được vẽ ra trong đầu với người yêu sau một năm xa cách. Ngày trở về đơn vị mang theo nỗi tuyệt vọng chán chường như cuộc tình đang sang ngã rẽ. Tuấn buồn vô hạn và vùi đầu vào lửa đạn cho quên hết oái ăm, và thường tự an ủi mình bằng ý nghĩ "tình đầu thường hay dang dở. Hy vọng tình đầu sẽ là tình đẹp nhất...”
Ngày tháng gian khổ trong chiến trận cũng làm quên đi chút ít cuộc tình không trọn vẹn.
Một đêm tối sau ba tháng, Tuấn viết một lá thư sau khi nghe chương trình của Dạ Lan nói về các anh chiến sĩ can trường trên các nẻo đường đất nước với các em gái hậu phương. Tuấn tỏ bày ý tưởng cao thượng khuyên người yêu nhận lời cầu hôn của ông Giáo sư dạy Toán để làm vừa lòng cha mẹ. Tuấn biết không có lời khuyên thì cũng mất, vì nàng trong cảnh “áo mặc sao qua khỏi đầu”. 
Tuấn muốn mượn lời khuyên này như một sự thử thách cuộc tình đối với tấm lòng người mình yêu. Nếu nàng bằng lòng đi lấy chồng là người ấy thì rõ ràng tình yêu của nàng không xứng đáng với Tuấn và tệ hơn nữa nó không phải là tình yêu. Ngược lại nếu nàng vẫn chờ Tuấn và giá nào cũng phải làm đám cưới, đó mới chính là TÌNH YÊU ĐÚNG NGHĨA vì vượt qua nhiều chông gai... 
oOo
Oái ăm thay, thư gởi đi đã ba tháng vẫn không thấy hồi âm, làm cho Tuấn càng đau buồn và nghĩ rằng nàng đã quyết định sang sông mà không muốn làm tổn thương người tình nên không trả lời. Tuấn đã muốn người ta đi lấy chồng, thế mà bị dằn vặt và oán trách người đi, không hồi âm tức là đã chấp nhận lời khuyên để tìm đến giàu sang phú quý. Càng nghĩ càng đau đớn cho thân phận mình.
Từ ngày vắng biệt tin nhau, Tuấn tựa như con ngựa chứng sống bất cần đời, không mấy tin vào đàn bà con gái nữa và bắt đầu một đời sống phóng khoáng đối với tình cảm. Chàng quen nhiều, rất nhiều người con gái đi qua trong đời. Mỗi thị trấn nhỏ hay thành phố lớn có bước chân chàng đi qua, trên bảy ngày là thế nào cũng để lại một mối tình, chắc tình ấy cũng chẳng phải yêu nữa.
Trong số những người con gái ấy, Phương Thùy là được nhiều diễm phúc ghi dấu đậm nhất trong cái khoảng trống hụt hẫng. Phương Thùy con của gia đình thương gia có nhà hàng ăn tương đối khá lớn tại Quy Nhơn, và con của một ông Thượng Sĩ Quân Nhu. Cả nhà ai cũng yêu thích Tuấn, chỉ trừ ông già của nàng thì tuyệt đối cấm vì ông ta đã hứa gả nàng cho một anh Trung úy cùng đơn vị sau khi nàng học xong 4 năm Đại Học.
Phương Thùy tính tình ngang bướng, càng bị cấm càng làm tới theo ý mình và gần như xem sự ngăn cản của người cha là không có giá trị khi tình yêu đã lên tới tột đỉnh. Phương Thùy nhiều lần trốn gia đình ra tận đơn vị đóng quân của Tuấn để thăm.
Ba của Phượng Thùy quyết chí ngăn cản giữa con gái mình và Tuấn bằng cách gởi nàng về Cần Thơ học Đại Học Khoa Học ở đó. Gần đến ngày lễ Noel Phương Thùy cố tình năn nỉ Tuấn xin phép về Cần Thơ với nàng. Ba của Phương Thùy có một ý nghĩ sai lầm rằng: tạo cách ngăn không gian sẽ chia lìa tình yêu của con gái mình với một trung uý Pháo Binh, ông ta không hề biết như vậy càng làm cho chúng muốn xích đến gần nhau hơn. 
oOo
Tuấn hăm hở xách chiếc vali samsonite bước vội vô phòng đón khách tại phi trường Tân Sơn Nhất, chàng luồn lách ra khỏi dòng người cũng đang vội rời sân ga. Mọi người nói cười ồn ào khi gặp được người than. Tuấn dáo dác nhìn quanh, hình dung dáng dấp người trung sĩ mà Tuấn cho về Sài Gòn từ 4 ngày trước bằng một tờ giấy phép đặc biệt thăm gia đình 4 ngày với ba ngày đi đường. Chàng đã đánh điện tín cho người trung sĩ biết ngày giờ chuyến bay Air Việt Nam đi từ Qui Nhơn đến Sài Gòn.
Chàng nghĩ thầm “lạ kìa, chẳng lẽ không nhớ đón mình, hay là  tới trễ?”  Tuấn tự an ủi và rảo bước ra trước cửa phòng, đứng chờ ngay sát đường xe cộ qua lại. Bất ngờ Tuấn nghe tiếng ai nói bên cạnh:
- Trung úy đứng chờ ai vậy?
Tuấn quay nhanh người qua bên trái và nhận ra một sĩ quan cũng thấy quen mặt nhưng không biết tên, dường như cùng trong Quận Hoài Ân với mình. Tuấn cười thật tươi với cái bắt tay:
- Tui chờ cậu em đến đón, mà giờ này sao không thấy, hổng biết chuyện gì xảy ra. Trung Uý cũng về Sài Gòn?
Người hỏi Tuấn cũng đang mặc quân phục với cấp bậc Trung úy. Người ấy tự giới thiệu tên là Phan, Sĩ Quan Ban 4 Chi Khu Quận Hoài Ân cũng đang về phép thăm gia đình. Anh ta nói:
- Thôi Trung uý cứ theo về nhà tôi nghỉ tạm đi, có gì mai tính.
Trung uý Nguyễn Anh Tuấn lấy một kỳ phép thường niên cuối năm, đánh một chuyến đi Cần Thơ thăm người yêu đã hẹn hò sẵn trước, chàng cẩn thận cho một trung sĩ đàn em về nghỉ phép thăm gia đình Sài Gòn và hẹn hôm nay đến đón chàng tại phi trường; vì lâu lắm - cũng mấy năm - không trở lại Sài Gòn nên ngại vì không quen ai ở đây. Giờ có anh bạn nhận ra mình mà gợi ý cùng đưa về nhà,  chàng đồng ý ngay như  một cơ hội hiếm quý.
- Dạ, mà có phiền cho anh và gia đình không?
- Sao lại phiền hả anh,  mình là bạn cùng đơn vị mà.  
Tuấn là Trung đội Trưởng một trung đội Pháo Binh biệt phái yểm trợ trực tiếp cho quân Hoài Ân Bình Định,  còn anh chàng trung uý này tuy là cùng trong một Quận nhưng ít gặp nhau. Trung Uý Phan vẫy chiếc xe Taxi xáp lại, hai người cùng bỏ hành lý lên xe và chui vào ngồi  phía sau xe.
Tuấn cũng thấy mắc cười, tự nhiên rơi vào một ngả rẽ không định trước, giống như mặc cho dòng đời trôi về đâu thì về. Có những điều bất ngờ  lý thú như vầy,  hay là còn gọi “có quý nhân phù trợ” cũng nên,  Tuấn thấy vui vui trong lòng.
Chỉ còn hai ngày nữa là đến Giáng Sinh, đường phố buổi chiều tấp nập nhộn nhịp khác thường.  Sau khi nói vài câu chuyện xã giao và chuyện ngoài đơn vị, Tuấn chăm chú nhìn ra hai bên đường, cố tìm những hình ảnh quen thuộc mà mới đây đã hơn ba năm chàng lui tới chốn Lăng Cha Cả, Ngã Tư Bảy Hiền này.
Xe ngừng lại trước một cái hẻm gần Ngã Tư Bảy Hiền trên đường về Bà Quẹo.
Trung uý Phan nói nhanh:
- Tới nhà  rồi anh,  mình xuống đây nhé!  
Tuấn cũng đáp theo:  
- Vậy hả!  
Và cả hai cùng ra khỏi xe. Tuấn lẽo đẽo theo Phan vô nhà người bạn.  Sau khi chào hỏi giới thiệu với người nhà của Phan về Tuấn xong xuôi, Phan giục:  
- Anh Tuấn tắm rửa nghỉ ngơi cho khỏe rồi mình ăn cơm chiều với gia đình tôi luôn thể nhé.
Đâu có cách  lựa chọn nào khác hơn khi đã leo lên lưng cọp rồi, Tuấn cười hề hề:
- Dạ dạ, cám ơn anh nhiều. 
Cơm nước xong, Tuấn thấy trong nhà có chiếc xe Lambretta màu trắng đỏ - ngày trước chưa đi lính, Tuấn vào Sài gòn thăm  ông anh thường đi loại xe này nên có vẻ tin tưởng tài cầm lái của mình - ngỏ ý mượn chiếc xe chạy xuống thăm nhà người bạn.  Nói là thăm người bạn chứ thực ra đi tìm lại người yêu cũ, xem giờ nàng ra sao, “đã có chồng chưa, được mấy con?”
Phan rất nhiệt tình đồng ý, thế là Tuấn đi ngay và dĩ nhiên là rành đường khu này lắm. Tuấn đến khu nhà Thờ Ba Chuông  trên đường Huỳnh Quang Tiên, cốt ý tìm cho được Quỳnh Như,  người chàng yêu đầu  tiên, nhưng mất liên lạc đã mấy năm.
Chàng miên man nhớ về dĩ vãng 4 năm trước kể từ ngày gặp đầu tiên đến lúc chia tay sau lần đưa đi chơi ở Thảo Cầm Viên, chuyện tình lững lờ không đoạn kết… Tuấn đã tới tiệm hình từ hồi nào, những con đường quá quen thuộc không làm cho Tuấn lạc đường.
Tiệm chụp hình y chang như ngày xưa chàng đến hàng tuần. Tuấn dựng chiếc xe Lambretta trước thềm, ngần ngừ vài giây để định thần sẽ nói những gì khi vào bên trong. Chàng biết chắc là Quỳnh Như giờ đây đã có chồng con và đang sống trong nhung lụa ở một nơi nào đó, đến đây chỉ hy vọng tìm biết tin tức về người yêu cũ mà thôi.
Chàng bước vào tiệm, chỉ kịp cúi đầu chào người đàn bà đang ngồi ở dãy ghế sát bức tường dành cho khách ngồi chờ nhận hình hay để tới phiên mình vào bên trong chụp hình, dãy ghế mà bốn năm trước đây Tuấn cũng thường hay ngồi đóng vai người khách đến chờ lấy hình, khi vắng người thì Quỳnh Như đến ngồi cùng.
Người đàn bà này là chị thứ Hai của Quỳnh Như, giống người yêu của mình như đúc và cũng rất đẹp, như vậy là ba chị em gái, kể cả người chị gặp đầu tiên Tuấn muốn tán tỉnh đều có khuôn mặt giống nhau. Chị Hai đang ngồi nói chuyện bâng quơ với cô em gái Quỳnh Như đang đối diện tại bàn trả hình. Tuấn tưởng như đang nằm mơ, vì tất cả hình ảnh tiệm hình Mai Anh không có gì thay đổi. Quỳnh Như cũng dáng nét ngày xưa, không thấy có gì thay đổi như dấu hiệu có chồng có con. Nàng vẫn dáng người nhỏ xíu, nước da trắng hồng, khuôn mặt thon hiền phúc hậu trong dáng nét sang trọng của một cô tiểu thư đài các.
Tuấn sững sờ như không tin vào mắt mình đã nhìn thấy Quỳnh Như bằng xương bằng thịt đang ngồi đây. Cảnh cũ bốn năm trước giờ hiện ra y như vậy, chàng có linh tính rằng Quỳnh Như chưa đi lấy chồng.
Người chị cũng hết sức ngạc nhiên, không biết người trung uý này là ai, sao gặp em mình cũng chết trân vài giây và hai người nhìn nhau sững sờ không nói một lời. Linh tính cho người đàn bà có kinh nghiệm đời hiểu được rằng không phải là một người khách bình thường đến để chụp hình hay nhận hình.
Sau vài giây sững sờ đến kinh ngạc, Quỳnh Như tưởng rằng không là sự thực mà là mơ chăng, hay là Nguyễn Anh Tuấn đã chết trận nay hiện về? Người anh rể của Quỳnh Như là Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng, chết cháy khi rớt máy bay năm ngoái. Quỳnh Như cũng nghĩ người yêu của mình đã chết hay ít nhất cũng chết trong lòng nếu như câu nói “lính đi tới đâu có vợ tới đó” là đúng sự thực.
Bất ngờ Tuấn hỏi:
- Em còn nhớ anh không?
Quỳnh Như lắp bắp như vừa run sợ, vừa hồi hộp ú ớ không nên lời và trả lời như một phản xạ trong sự bực tức không mang ý nghĩ nào hết:
- Nhớ chứ! Nguyễn Anh Tuấn mà… ư, ư, ư anh Tư chết rồi!
Vừa dứt câu nàng liền bỏ chạy nhanh như ma đuổi, xuống dưới nhà mất hút. Tuấn ngơ ngác không thể hiểu nổi chuyện gì vừa xảy ra. Tuấn quay sang người chị, và đoán rằng đây là Chị Hai, vì trước đây có nghe Quỳnh Như nhắc tới nhiều lần.
- Dạ thưa chị, chị có phải là Chị Hai không ạ?
- Sao cậu biết tôi?
Chị Hai hỏi lại như một phản ứng tự nhiên. Tuấn tự tin và mạnh dạn nói ra hết sự thực:
- Dạ, em là Nguyễn Anh Tuấn, bạn của Quỳnh Như từ bốn năm trước, em có nghe Quỳnh Như nói nhiều về chị nên em biết.
Người đàn bà trông giống Quỳnh Như như hai giọt nước và rất đẹp. Tuấn còn biết chị ta có chồng cùng binh chủng với mình và hiện đang là Huấn luyện viên tại Trường Pháo Binh Dục Mỹ.
Tuấn rất bồn chồn, sốt ruột, chưa hiểu tại sao Quỳnh Như nói ú ớ không thành tiếng và bỏ chạy, linh tính cho chàng hiểu có chuyện không bình thường nơi nàng. Tại sao phải bỏ chạy trốn tiếp chuyện với mình, mà đáng lý ra sau bao nhiêu năm bặt tin giờ mừng lắm mới phải?
Tuấn cố gắng phủ lấp thời gian sững sờ đầy thắc mắc này bằng cách gợi chuyện với người chị, và không quên nói về mối tình của mình cho chị biết ngỏ hầu tạo sự thân thiện hơn để dễ dàng tìm cho ra sự thực. Chính chị cũng ngạc nhiên về thái độ của cô em khi gặp Tuấn rồi ú ớ và bỏ chạy.
Có khách đến chụp hình và người chị phải bận, Tuấn đang còn dật dờ thắc mắc về nét mặt của Quỳnh Như khi vừa gặp mình và không nói được câu gì, thì cũng vừa đúng lúc một người đàn bà khác từ dưới nhà bước tới cạnh Tuấn và nói:
- Em mới về hả ?  
Chị Tư là người mà bốn năm trước Tuấn có ý định làm quen với nàng khi cùng với mấy người bạn đi ngang qua tiệm chụp hình, một tuần lễ sau đến lấy hình lại gặp Quỳnh Như, em người này và chàng đã đổi ý làm quen với Quỳnh Như. Chỉ có chị Tư là người duy nhứt trong nhà biết được lai lịch cuộc tình giữa Tuấn và Quỳnh Như.
Hai người gặp nhau như hai người thân nhau lâu rồi, chàng rất tự nhiên:
- Dạ em chào chị Tư, em mới về tức thì.
Nỗi vui mừng hiện rõ trên nét mặt hai người, và đây cũng là cơ hội để chàng tìm hiểu về hoàn cảnh của Quỳnh Như hiện giờ, nhứt là tại sao nàng tỏ vẻ thất thần kinh ngạc và bỏ chạy.
Chị Tư mời Tuấn vào bên trong bức màn ngăn đôi phòng tiếp khách và chụp hình, sát cạnh tường có một cái bàn nhỏ và thấp cùng với hai chiếc ghế, dùng để khách ngồi chờ đến phiên mình sẽ chụp hình.
- Chị nghe Quỳnh Như nói có em đến, chị mừng lắm nên chị lên đây thăm em.
Tuấn chợt nhận ra rằng Quỳnh Như bỏ chạy, nhưng không quên báo cho chị Tư biết là có mình về. Tuấn như mở cờ trong bụng vì có đường giây để phanh phui chuyện bặt tin của nàng; Tuấn bèn trút hết ưu tư, thắc mắc và không quên khai thiệt hết mọi sự về chuyện hai người từ ngày quen nhau đến khi bặt tin.
- Em về đây hôm nay mục đích để tìm hiểu xem Quỳnh Như đã có chồng và mấy con rồi cũng như hạnh phúc ra sao. Vừa rồi sau khi hai đứa em nhìn nhau một lúc lâu, tưởng như là nằm mơ không ai nói được lời nào, tất cả đều xúc động và em hỏi Quỳnh Như “Em có còn nhớ anh không?” Bất ngờ nàng ú ớ “Nhớ chứ, nhớ chứ, Nguyễn Anh Tuấn mà, ơ ơ anh Tư chết rồi…”  và đứng bật dậy chạy vô bên trong ngay. Có chuyện gì vậy chị?  
Tuấn còn nhớ như in hình ảnh hốt hoảng bất thường của Quỳnh Như. Chàng hiểu lờ mờ có chuyện gì không lành rồi đây.
Chị Tư kể hết những gì đã xảy ra trong bốn năm ở đây cho Tuấn nghe: Quỳnh Như đã bị bệnh, mà cả nhà lẫn bác sĩ không biết bệnh gì, nàng bị ói triền miên và mất ngủ liên tục. Vì là con gái út nên được cưng chìu thương yêu lắm, gia đình tìm mọi cách để chữa bệnh, cũng đang dự tính đưa nàng sang Nhật để trị liệu vì Bác Sĩ Việt Nam nói với người Mẹ “Bà hãy tìm hiểu xem có ai làm điều gì cho cô ta buồn hay không?” Mẹ nàng hiểu ý Bác Sĩ và đã nhiều lần lục tung khắp phòng nàng để tìm dấu vết nhưng không thấy gì.
Chị Tư còn kể, có lần vào buổi trưa, đợi cho cả nhà nghỉ trưa, nàng len lén đem hết tất cả thư từ kỷ vật lên sân thượng, tay tìm chiếc hột quẹt trong túi áo định đốt tất tả dấu tích của Tuấn. Nhưng ba lần, ba buổi trưa đều không can đảm đốt sạch.
Chị hiểu tâm trạng của em mình, nhưng vì không biết tin tức của Tuấn nên chị không thể thố lộ cho Ba Má chị biết. Chị nói:
- Không hiểu sao mà bao nhiêu đám dòm ngó dạm hỏi, nó nhứt định từ chối và không muốn lấy chồng.
Tuấn ngồi thừ người ra, hết sức cảm động và hiểu tấm lòng chung thuỷ và tình yêu của Quỳnh Như dành cho mình trong bốn năm qua, thế mà mình cứ nghĩ oan rằng nàng đã phụ bạc, lấy ông giáo sư giàu sang, phụ tình người lính trận. Tuấn mượn dịp này cũng trút hết thương yêu mà mình đã dành cho nàng, như là một cơ hội muốn gởi đến người thủy chung.
Đang còn nói chuyện với người chị thứ Tư, thì Quỳnh Như từ dưới nhà lò dò bước lên. Chắc giờ đã “hoàn hồn” hay ấm ức chưa giãi bày tâm sự chăng? Chị Tư thấy nàng đến bèn nhường chổ và lui vào phòng trong.
Tưởng đây là cơ hội bằng vàng để hiểu nhau, Tuấn hỏi có nhận được thư chàng gởi từ Bảo Lộc khuyên nàng nhận lời cầu hôn không? Nàng lắc đầu mà không nói gì thêm. Tuấn nói bất cứ đề tài nào về chuyện thi cử học hành hay cuộc sống thì nàng đều trả lời, còn tuyệt đối im lặng khi Tuấn nhắc đến chuyện tình cảm.

Tuấn nhờ chị Tư cho biết tình trạng sức khỏe và cuộc sống cũng như những sự kiện muốn đốt tất cả thư từ, muốn đi tu nhà dòng mà không nhận lời cầu hôn với bất cứ đám nào ngỏ ý. Không nói ra nhưng Tuấn hiểu nàng bị bệnh Tương tư nặng.
Ngồi với nhau gần một giờ đồng hồ nhưng cả hai như đang lâm vào bế tắc, làm cho Tuấn bực dọc về thái độ không hợp tác để hiểu nhau hơn. Quỳnh Như như giận chàng ghê lắm, và cứ nghĩ chàng là người phụ bạc, vì người ta thường nói “lính đi tới đâu là có vợ tới đó”. Không có điều gì để chứng minh lòng của chàng trong bốn năm xa vắng, may mắn Tuấn lấy từ trong cái ví hai tấm hình mà chàng đã “chôm” khi nàng khoe cuốn album từ thời gian mới quen.
Hai tấm hình đã hoen ố màu, lủng lỗ vì lâu năm, tấm hình đã theo chàng khắp núi rừng sông suối khi hành quân là nhân chứng sống cho tấm lòng của chàng. Tuấn lấy ra và đưa cho Quỳnh Như xem. Có lẽ một sự cảm động vô biên ùa nhập vào nàng lúc thấy được tấm hình, chắc nàng phải tin vào tình yêu của người lính trẻ nhưng vẫn giữ thái độ im lặng.
Tuấn cảm thấy khó chịu và không kiên nhẫn được, đồng thời cũng thấy mình đang ở thế thượng phong nên muốn “tháu cáy” và thử lòng nàng. Chàng hăm doạ:
- Nếu em không nói gì với anh thì anh đi về vậy.
Vừa nói chàng vừa đứng lên để chờ xem phản ứng của nàng. Đã lỡ phóng lao nên đành theo lao,  chàng bỏ ra bên ngoài phòng chờ đợi với nét mặt vừa giận vừa buồn. Ngay lúc này Tuấn chấp nhận một sự thất bại và nghĩ sẽ xa nhau vĩnh viễn vì thái độ giận hờn của nàng.
Nàng cũng bước theo và ngồi cùng bàn trước dãy ghế dành cho khách đợi lấy hình. Bên trong chỉ có hai người còn không nói được gì, huống hồ bây giờ có thêm chị Hai thì biết nói gì bây giờ. Không khí càng căng thẳng và không giải quyết được điều gì cho hết nỗi lòng muốn nói. Tuấn đang rất bực mình, bỗng đâu có một người Sinh Viên Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt bước vào.
Không phải là khách đến chụp hình, qua sự chào hỏi của anh chàng Sinh Viên Sĩ Quan này với người chị là biết ngay anh ta rất thân mật với gia đình. Tào, tên người Sinh Viên cũng được người chị mời ngồi cùng bàn, Tuấn cũng thấy nét bối rối đôi chút trên gương mặt Quỳnh Như, nên đoán rằng đây là người đang đeo đuổi nàng chăng.
Dù là ai Tuấn vẫn không quan tâm, chỉ thấy mình là “người đến trước, là người quan trọng trong đời nàng, người đã làm nàng lâm bệnh và mình là người phải được ưu tiên hơn hết.” Hình ảnh Quỳnh Như mất ngủ, ói triến miên và ba buổi trưa liên tiếp cố đốt cho được kỷ vật tình yêu, đã chứng minh điều Tuấn đang tự hào. Nhưng khổ nổi có ba người lại càng bế tắc hơn.
Vừa lúc ấy Ba Mẹ nàng từ xa về nhà. Chiếc Mazda đậu trước sân, hai người bước vô, người chị cả đứng lên giới thiệu:
- Thưa Ba Má đây là cậu Tuấn, bạn của Em Quỳnh Như từ bốn năm trước, và đây là cậu Tào.    Không biết chị giới thiệu “người bạn bốn năm trước” như vậy có có ý gì? Tuấn cũng cảm thấy hãnh diện hơn vị trí của người con trai trước mặt. Hai Ông Bà đi vội vào trong sau khi nhận lời chào của Tuấn và người Sinh Viên Sĩ Quan khoá 2 Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt. Chàng ta hôm nay tới để mời nàng dự buổi dạ vũ đêm giáng Sinh còn hai ngày nữa. Sở dĩ Tuấn biết chàng là Sinh Viên Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị vì chàng đang mặc quân phục đi phép của Trường.
Quỳnh Như vẫn im lặng, sự im lặng đến khó hiểu và khó chịu khi dối diện một lúc hai người con trai…
Chị Tư đã được Tuấn cho biết, vì thư gởi cho nàng khuyên đi lấy chồng không đến tay nàng, Tuấn thì cứ tưởng nàng bằng lòng nhận lời cầu hôn nên không hồi âm. Còn Quỳnh Như thì sau dịp đi chơi ở sở thú về không bao giờ nhận được thư của Tuấn nên nghĩ rằng chàng đã có vợ khác. Nàng giận đời, giận chàng phụ bạc, giận đàn ông, và không tin tưởng bất kỳ ai nên mới có ý định đi tu.
Chị Tư đã hiểu ngọn ngành và đã nói ngay với mẹ nàng về người con trai đang còn ngồi phía trước ngay sau khi Mẹ nàng vừa vào bên trong. Mẹ nàng dày dạn kinh nghiệm để hiểu rằng “thì ra là tại người con trai này nên con gái cưng của bà sinh ra bệnh.” Bà làm một quyết định rất nhanh khi hay người con trai ngoài phòng khách chuẩn bị cáo từ ra về.
Phần Tuấn thấy tình thế không giải quyết được gì, coi như mất nhau vĩnh viễn, chàng vừa cầm tay lái chiếc xe Lambretta, định bật chân chống để lên xe thì cô giúp việc đến đúng lúc:
- Thưa Cậu, Bà mời Cậu ngày mai đến đây lúc chín giờ nếu không có gì trở ngại, cho Bà muốn nói chuyện với Cậu.  
Tuấn hiểu chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Nếu cô giúp việc nói trễ vài giây thì chuyện tình coi như chấm hết từ đây. Ngày mai Tuấn đi Cần Thơ mà không bao giờ trở lại. Tuấn suy nghĩ vài giây ngần ngừ rồi trả lời:
- Được, chị thưa với Bà ngày mai tôi sẽ trở lại.
Đúng là nàng bị bệnh, làm Mẹ Cha không yên lòng, Bà quyết định phải gặp Tuấn và tìm hiểu cho ra lẽ. Đúng là một duyện nợ sắp sẵn chăng? Sao có sự sắp xếp để Mẹ nàng mời đúng lúc, nếu không thì chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa? Bà là một người Mẹ có uy quyền trong gia đình, Bà cực kỳ nghiêm khắc trong việc giáo dục con cái và nhất là chuyện hôn nhân thì để ý từng li từng tý, phải môn đăng hộ đối. Không dễ gì một người lính nghèo như chàng được bà để tâm.
Nhưng chuyện gì sẽ đến, Tuấn có linh cảm nên quyết định hoãn lại chuyến đi Cần Thơ để gặp Mẹ nàng, mặc dù biết người yêu Phượng Thùy ở Cần Thơ đang chờ chàng.
Ngày hôm sau đúng giờ hẹn, Tuấn đến tiệm chụp hình Mai Anh khi tiệm vừa mở cửa nhưng chưa có khách. Chàng hồi hộp không ít dù biết chắc nội dung câu chuyện mà Mẹ nàng sẽ nói đến. Tuấn tự thấy mình có trách nhiệm với một chuyện tình lẽ ra dễ dàng kết thúc, nào ngờ lâm vào tình huống bi đát như vậy. Chắc mẹ nàng mời chàng tới cũng vì chứng bệnh “tương tư” này đây. Biết đâu chàng trở thành người “thầy thuốc” hay chính là viên thuốc khiến nàng hết bệnh cũng nên. Cũng vì thế mà Tuấn rất tự tin trong cuộc nói chuyện sắp xảy ra.
Từ chín giờ sáng, Bà làm một cuộc phỏng vấn về đời chàng cho mãi đến giờ cơm trưa, bà không tỏ ý chấm dứt câu chuyện mà mời Tuấn ở lại dùng cơm trưa cùng gia đình. Xem như giai đoạn một có nhiều “thắng lợi”. Một người Mẹ có nhiều mặt con và nhiều kinh nghiệm trường đời nên chủ động tìm hiểu tình cảm của Tuấn dành cho con gái của bà hôm nay cũng như trong suốt ba năm xa cách.
Bà đặt vấn đề thẳng thắn:
- Xin lỗi cháu, bác nghe người ta thường nói “lính đi tới đâu có vợ tới đó”, có đúng không?
Tuấn hiểu ý Bà muốn nói về mình có lăng nhăng hay vợ con gì rồi hay chưa, chàng mạnh dạn trả lời:
- Dạ thưa Bác, chuyện ấy nói về lính có lẽ cũng có thể xảy ra, nhưng cũng có thể không vì không phải ai cũng giống như vậy.
Nói tới đó chàng muốn chứng minh cho Bà thấy được lòng chung thuỷ của mình, chàng móc ví lấy ra hai tấm hình chân dung của Quỳnh Như đã hoen ố ngả màu và có nhiều chỗ loang lổ rách vì thời gian mang theo người trong lúc hành quân.
Hai tấm hình như là nhân chứng cho tình yêu, nhân dịp này Tuấn cũng bày tỏ hết tất cả sự thật về mối tình kể từ ngày mới quen cho đến khi sự việc vỡ lỡ, sau khi thư gởi đi không nhận được hồi âm... Tuấn cảm thấy mình có nhiều thuân lợi, nên không ngại ngùng thố lộ ra hết.
Thì ra đã có một sự hiểu lầm, nàng ở Sài Gòn không nhận được thư của Tuấn và đã nghĩ rằng chàng là người lính đa tình, phụ tình và có lẽ đã có vợ. Nàng đã thất vọng và sinh bệnh tương tư, rồi hận đàn ông con trai.  
Chàng kể từ khi gởi cho nàng lá thư yêu cầu nàng vâng lời Cha Mẹ nhận lời cầu hôn của người Giáo sư, mà không nhận được hồi âm cũng nghĩ nàng đã lên xe hoa. Một câu chuyện tình giữa Tuấn và Quỳnh Như được diễn lại từ giây phút mới quen ra làm sao cho đến sau một năm về phép, và ba năm sau đó không còn liên lạc với nhau. Tất cả chi tiết chàng không ngại kể ra hết cho bà nghe. Bà nghe với một sự chăm chú rất đặc biệt.
Trong buổi cơm trưa, cả nhà nhất là Mẹ nàng rất ân cần nồng hậu chuyện trò thân mật, cũng như không quên nhắc nhở Quỳnh Như gắp thức ăn cho chàng. Tuấn đã hiểu một sự bằng lòng không chính thức của Mẹ nàng. Riêng Quỳnh Như vẫn giữ im lặng và dường như chưa xoá tan hết giận hờn “biền biệt bỏ ta đơn côi đến những ba năm”, hay sao đó mà vẫn chưa lộ vẻ săn sóc thiết tha. Coi vậy mà nàng cố chấp lắm và không dễ tin.
Cả nhà, Ba nàng và các người chị, em trong bữa cơm trưa có lẽ cũng chưa hiểu rõ chuyện gì của Tuấn và Quỳnh Như đã xảy ra, nhưng trong tâm biết chắc một điều rằng “Mẹ mình đã chấp nhận người con trai này cho nên mới được diễm phúc được bà mời dùng cơm cùng gia đình. Bà ta rất quyết đoán và nghiêm khắc từ trước tới nay. Thế mà hôm nay lần đầu tiên có một người lính xa lạ được ăn cơm chung.”
Sau giờ cơm Mẹ Quỳnh Như mời ra phòng chụp hình chỗ cũ lúc đầu, bà bỏ ngủ trưa nói chuyện tiếp. Bao nhiêu là vấn đề, nhứt là mọi thắc mắc về tình cảm của chàng dành cho con gái bà, bà hy vọng tìm ra được một “kẽ hở nào đó để thấy người lính làm con Bà khổ không có chút tình chân thật”. Nhưng không, Tuấn rất khôn ngoan và tự biết mình phải nói gì để tạo niềm tin cho người Mẹ đang kỳ vọng vào chàng.
Bà cũng đặt đến vấn đề tôn giáo là một trở ngại cho chàng và Quỳnh Như khi mà truyền thống của gia đình Bà không gả con cho người ngoại đạo. Bà hỏi:
- Như cháu biết, gia đình Bác là Công Giáo cho nên là một trở ngại cho hai cháu, Bác không biết Ba Má của cháu có bằng lòng cho cháu theo đạo hay không?
- Dạ thưa Bác, chuyện này cháu cũng không biết được, phải cho cháu thời gian để hỏi và xin phép Ba Má cháu.  
Tuấn cũng muốn lấy lòng bà, làm bà yên tâm nên bồi thêm một câu:
- Theo cháu nghĩ, Ba Má cháu không khó lắm và đạo nào cũng tốt, cũng hướng dẫn con người đến chân thiện mỹ.
Thực tình Tuấn cũng chưa biết chắc đây có là một trở ngại lớn của gia đình chàng hay không.
Câu chuyện trong không khí thân tình nhưng hoàn toàn bao hàm ý nghĩa điều tra về bản thân, về tâm tính và cuộc sống đời lính của Tuấn, nhứt là trên lãnh vực tình cảm của Tuấn trong suốt thời gian mất liên lạc.
Trong suốt thời gian từ 9 giờ sáng đến năm giờ chiều xem như Tuấn chịu đựng một cuộc thẩm vấn. Tuấn vẫn còn yêu Quỳnh Như đậm nét, nên đây là cơ hội để chinh phục Mẹ nàng, trong các câu trả lời cũng có khi thêu dệt thêm cho đức tính chung thuỷ nhiều hơn, và đôi lúc cũng giấu đi gần hết những gì “hư đốn” của một người lính độc thân sau những ngày hành quân về phố.
Gần cuối câu chuyện Mẹ Quỳnh Như nói một câu mà Tuấn cho rằng đi vào “lịch sử cuộc tình”, như là một lời phán quyết cuối cùng hàm ý chấp nhận:
“Bây giờ cháu cứ yên tâm, nếu hai Bác mà biết hai cháu như thế này thì hai Bác không để hai cháu khổ đến ngày hôm nay đâu.”
Câu nói như một lời bằng lòng chấp nhận cuộc tình giữa Tuấn và con gái Bà.
Buổi chiều nắng đã chui vào tận thềm nhà bên trong cửa tiệm.
Chiều xuống nhanh của ngày áp Giáng Sinh, dòng người xe cộ xuôi ngược, Tuấn trên đường về nhà Phan chợt nhớ ra rằng cần phải mua vé máy bay trước để đi từ Sài Gòn lên Đà Lạt, sau khi từ Cần Thơ về. Tuấn gọi taxi xuống chỗ bán vé Máy Bay gần chợ Bến Thành. Ngày mai đi Cần Thơ bằng xe đò
Sau khi mua xong vé máy bay, không hiểu tại sao Tuấn lại ghé vô nhà Quỳnh Như trở lại, có lẽ muốn biết thái độ của người yêu đã hết giận chưa trước khi về ngả Tư Bảy Hiền ngủ nhờ nhà Phan một đêm nữa.
Cửa tiệm đã đóng, chỉ còn ánh đèn sáng trên lầu hai hắt ra đường, đang lớ ngớ nhìn thì thấy phía bên kia đường trên dãy lầu có nhiều người hóng mát ngoài balcon ra dấu chỉ cho Tuấn biết là có người của gia đình Quỳnh Như đang trên lầu hai và cũng hóng mát ngoài balcon.
Tuấn vội chạy ra giữa đường nhìn lên thì may sao có Ba Má Quỳnh Như ở đó nhìn thấy Tuấn, Bà ra dấu chờ Bà xuống mở cửa. Tuấn lại được mời vào nhà một lần nữa trong sự vui mừng của Bà. Bây giờ Tuấn trở nên “có giá” và là kẻ Bà cần, vì nếu không thì bệnh của con Bà sẽ nặng hơn sao?
Chừng 30 phút nói tiếp chuyện của hai kẻ khổ vì yêu, Mẹ Quỳnh Như biết rất rõ con gái Bà bị bệnh tương tư anh chàng lính trận miền xa này, nên Bà cố tình gài cho Quỳnh Như xuống gặp Tuấn tối nay, Bà bảo:
- Bác đưa cho cháu một viên thuốc ngủ valium 2, để Bác gọi em nó xuống và cháu đưa thuốc cho em uống nhen! (Ý người Mẹ muốn tạo cơ hội cho hai đứa gần nhau).
Quỳnh Như đang trong phòng trên lầu cũng biết có Tuấn đang dưới phòng trệt. Từ khi gặp lại Tuấn hôm qua tới giờ, trong lòng nàng thì sướng vô ngần, mà mặt thì vẫn còn giận, thế mới có câu “đàn bà nói có là không, nói đi là ở, lấy chồng là đi tu”. Mẹ Quỳnh Như gọi cỡ nào cô nàng cũng ở lì trên lầu hai không xuống.
Thế là đã khuya rồi, Tuấn phải chào ra về, ngày mai Tuấn ra bến xe đò sớm và đi Cần Thơ.   Lúc này lòng rối như tơ vò, trên chuyến xe đò đi Cần Thơ thăm một người yêu, nhưng lòng cứ nghĩ về người yêu cũ đang đau bệnh vì mình, người yêu đầu mới vừa gặp lại. Lòng cũng đã dứt khoát ngả về Quỳnh Như, nhưng vẫn thấy ngậm ngùi và tội cho Phương Thùy, làm sao bây giờ??? Chàng đúng là đang ở ngả ba đường.
Tuấn quyết định dứt khoát chọn Quỳnh Như làm vợ và trong 7 ngày tại Cần Thơ quyết tâm giữ cho Phương Thùy vẫn còn nguyện vẹn, để mãi Phượng Thùy tôn trọng mình mà không cho là kẻ sở khanh và mối tình sẽ đẹp mãi, nàng sẽ nhớ đời.
Bảy ngày ở Cần Thơ qua mau, Tuấn với tâm trạng “chòng chành đứng giữa hai thuyền” nên không thấy vui chút nào bên Phượng Thùy, đôi khi thấy lương tâm cắn rứt vì mình đang phản bội Phương Thùy.
Chiếc xe đò trả chàng trở lại Sài Gòn trong buổi trưa nắng gắt vào chiều 30 tháng 12, ngày cuối cùng của một năm. Tuấn xách vali đi thẳng vào tiệm chụp hình chưa tới giờ mở cửa buổi chiều, mà chỉ hé cửa chút xíu vừa đủ một người lách qua. Tuấn thấy một chàng thanh niên đang ngồi tại chiếc bàn mà bảy ngày trước chàng đã ngồi để Mẹ Quỳnh Như “thẩm vấn”. Quỳnh Như đang tiếp chuyện một người con trai lạ hoắc. Linh cảm cho Tuấn hiểu đây phải là một “con nhạn là đà” nào nữa đây đang tán tỉnh người yêu của mình? Không hiểu sao Tuấn quyết định “dằn mặt” người con trai lạ hoắc này mà không cần biết chàng là ai bằng lối hỏi kẻ cả như một người chồng của Quỳnh Như đi xa mới về:
- Má có ở nhà không em?    
Sự xuất hiện của Tuấn thật đột ngột, Quỳnh Như thực lòng đã chờ cái giờ xuất hiện này từ mấy ngày rồi, còn tiếp người con trai kia - một kẻ tình si cũng khoá 2 Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, người bạn cùng khoá với Tào mà Tuấn đã gặp hồi bảy ngày trước - là chuyện bất đắc dĩ. Anh thanh niên này cùng xóm với Quỳnh Như, về phép đến thăm Quỳnh Như. Chàng âm thầm trồng cây si nhiều năm. Tuấn cố ý hỏi “Má có ở nhà không em?” như cho chàng thanh niên kia hiểu mình là gì trong căn nhà này, và nhất là Tuấn cũng đang mặc đồ trận.
Tuấn đặt chiếc vali xuống đất khi đã đi vào đến gần cuối phòng, chỉ còn mấy bước nữa là vào phía sau. Chàng cố tình dám ngang nhiên vô tận gần phòng trong vì biết chắc có Mẹ nàng “đỡ đầu”. Đặt vali xuống, chàng bước hẳn vào phía trong nhà bếp rất tự nhiên như người chồng của Quỳnh Như từ vùng hành quân trở về. Chàng thanh niên kia sao mà yếu bóng vía quá, đang cầm chiếc tách trà trên tay bỗng rơi xuống nền gạch vỡ toang, không biết vì tuyệt vọng hay vì hồi hộp vô ý?
Mẹ Quỳnh Như hay tin Tuấn về lật đật gọi người giúp việc đi mua phở cho Tuấn. Bà cố tình gọi lớn cho người con trai đang ngoài phòng khách mà Bà không thích:
- Quỳnh Như, con vào Má bảo cái này.
Quỳnh Như không dám ngồi lâu thêm một giây, và chàng si tình kia cũng tự động ra về.
Bà bắt Quỳnh Như tự tay đổ phở ra tô từ cái càmen do người giúp việc mua về và mời Tuấn ăn phở. Quỳnh Như đã thực sự hoàn hồn, tỉnh táo trở lại và không còn giận Tuấn nữa, có lẽ trong thời gian Tuấn đi Cần Thơ, nàng cũng đã nghe người chị thứ Tư nói hết cho nàng biết về tấm lòng trong 3 năm xa vắng của Tuấn, chứ không phải như Quỳnh Như đã hiểu lầm chàng phụ tình và đã có vợ rồi.
Mẹ nàng còn muốn chắc ăn hơn ra lệnh cho con gái:
- Con đưa anh con lên phòng thay áo quần tắm rửa cho khoẻ.  
Tuấn hết sức ngạc nhiên và đang lâm vào tình trạng bị động, bị bắt buộc phải ở lại trong căn nhà này? Thế rồi Tuấn cũng răm rắp làm theo. Chàng có một ngày mai nghỉ dưỡng sức để ngày mốt, ngày đầu năm mới chàng bay về Đà Lạt, nên có ở đây một ngày cũng không sao.
Bà Mẹ thì cố tình tạo không khí hoà bình thân thiện, vì Bà đã quyết định Tuấn là con rể rồi mà, nên mặc nhiên bảo mình tắm rửa thay quần áo. Ôi cái duyên trời định liệu!
Sáng hôm sau tình huống biến chuyển theo một hướng mới. Mẹ Quỳnh Như nói với Tuấn:
- Cháu nên ở lại đây chơi thêm vài ngày nữa đi, sau bao nhiêu năm ngăn cách, Bác muốn hai cháu có dịp gần nhau và thân thiện hơn, hôm nay cháu đi đổi vé máy bay đừng đi Đà Lạt nữa.
Tuấn làm theo lệnh như cái máy và cũng thấy sung sướng trong lòng, vì được sự cho phép Cha Mẹ nàng ở lại thêm trong căn nhà này. Thế là Tuấn đi đổi vé, thay vì đi Đà Lạt ngày New Year thì bảy ngày sau sẽ bay về Nhatrang gặp Cha Mẹ chàng.
Cả nhà đã có sự sắp đặt trước, đến tối thì nghe Mẹ nàng bảo:
- Ngày mai hai cháu đi Vũng Tàu chơi, có xe nhà đưa đi.
Tuấn từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và toàn là những điều bất ngờ rất thích thú mà chàng không bao giờ hình dung ra được và dĩ nhiên là Tuấn chỉ biết cám ơn mà không phản đối.
Sáng hôm sau, lúc 4 giờ mới biết gia đình dùng chiếc xe nhà mới tinh, cho tài xế đưa Tuấn và Quỳnh Như cùng người chị Cả và hai cậu em trai đi Vũng Tàu.
Khi đến biển, Tuấn và người yêu mới có dịp phơi bày sự thân mật mà những ngày tại nhà nàng vẫn giữ kẽ. Thế là hai đứa tự nhiên ôm nhau dìu đi trong con sóng biển. Và dĩ nhiên tha hồ trao cho nhau không nhớ có bao nhiêu nụ hôn. Ôi tình yêu được hâm nóng trở lại và cuồng nhiệt!   Đây cũng là điều gia đình nàng mong muốn, vì không muốn nàng tiếp tục mất ngủ và ói mửa triền miên nữa.
Tình yêu quả thật nhiệm màu, tình yêu đã chữa lành bệnh cho Quỳnh Như ngay từ khi có Tuấn hiện diện trong căn nhà này. Cả nhà ai cũng lộ vẻ vui mừng, và cũng là dịp Tuấn được gia đình Quỳnh Như ưu đãi.
Hết những ngày phép, Tuấn phải bay về Nhatrang trình bày với Cha Mẹ chàng về một biến cố quan trọng vừa xảy ra. Dĩ nhiên muốn được Cha Mẹ bằng lòng, Tuấn phải kể rõ đầu đuôi câu chuyện tình 4 năm về trước, nhưng đã phải 3 năm ngăn cách, và dĩ nhiên cũng có phần lâm li hoá câu chuyện tình cho thêm mùi mẫn để Ông Bà Già cảm động mà đồng ý cho Tuấn theo đạo.
Tuấn gởi điện tín vào Sài Gòn báo cho nàng biết Ba Má chàng đã bằng lòng cuộc tình vì thấy tội nghiệp quá.
Những sự kiện tuần tự xảy ra nếu lá thư Tuấn kêu nàng nhận lời cầu hôn của ông giáo sư dạy toán không bị lạc, nghĩa là tới tay nàng thì có thể sự tình đã rẽ sang hướng khác.
Nếu không mất liên lạc nhau, Quỳnh Như nhận được thư và thấy “ê chề” khi nghe người yêu của mình khuyên đi lấy chồng, có thể giờ này nàng không còn độc thân.
Nếu không có sự hiểu lầm rồi oán trách người tình bội phản, đến mức lâm bệnh nặng, thì làm sao Cha Mẹ Quỳnh Như bằng lòng gả con mình cho người lính trận nghèo xác xơ.
Nghiệm ra có nhiều điều để nhận biết chuyện hôn nhân, chuyện vợ chồng là có duyên nợ. Sau bốn năm không gặp lại kể từ ngày quen, nếu Tuấn không có cuộc hẹn hò với Phượng Thùy dưới Cần Thơ thì không làm sao có dịp gặp lại người yêu đầu đời để rồi phải đoạn tuyệt mối tình cùng Phượng Thùy ngay từ khi ấy, cũng may Tuấn còn bản lĩnh để giữ cho Phương Thùy vẫn còn là con gái vì biết chắc Tuấn không cưới nàng, và muốn nàng không nghĩ mình là sở khanh
Thế nhưng vì thời cuộc, vì chuyện gia đình, phải đến hai năm sau Tuấn – Quỳnh Như mới làm đám Hỏi, và cũng hai năm sau nữa mới làm đám Cưới. Cuộc tình có tất cả 8 năm kể từ ngày quen nhau, cho đến ngày nàng nhận bó hoa cưới của Tuấn từ chiến trường mật khu Lệ Minh Pleiku vội vàng về trao. Tám năm chờ đợi để trở thành người vợ lính. Ngày mới quen người Sinh Viên Sĩ Quan với hai bàn tay trắng trong những ngày đầu tập làm lính. Ngày đám cưới, chàng là Pháo Thủ miền Tam Biên trấn thủ lưu đồn, bụi đất đỏ bám chặt bộ trielli, với một tài sản to tướng làm quà cưới là sáu khẩu súng cà nông 105 ly. Đang làm đám cưới nhưng đại bác vẫn nổ trên vùng đất đỏ.
Chàng vội vã đáp máy bay từ Mật khu Lệ Minh- Pleiku về Sài Gòn đưa tay cho nàng xỏ nhẫn trước sự chứng kiến của đông bà con và Vị Linh Mục Nhà Thờ Ba Chuông.
Hơn tròn một năm sau đó, chàng Pháo Thủ chui vào tù. Người yêu chờ đợi đúng tám năm để được lên xe hoa, giờ đây chờ tiếp cũng gần tám năm nữa trong bối cảnh khốn cùng của Đất Nước khi giặc tràn vào. Chồng trong trại tù ngoài Bắc. Chồng biền biệt không tin tức ngày trở lại. Mười sáu năm trong đợi chờ và khổ đau của một đời người con gái và của một người vợ đang còn rất trẻ.
Sau khi ra tù hai người mới thực sự sống bên nhau dù trong hoàn cảnh bát nháo của buổi loạn ly giặc tràn vào đất nước. Cũng một cái vòng vô tình mà trùng hợp, tám năm sau nữa hai kẻ dắt díu nhau lên máy bay qua Miền Đất Lạ cho đến bây giờ.
Nguyễn Trãi

Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.