Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

ĐI CHÙA HƯƠNG - Trần Văn Khê, Nguyễn Nhược Pháp - Ý Lan




Chùa Hương 


Hôm nay đi Chùa Hương, 
Hoa cỏ mờ hơi sương. 
Cùng thầy me em dậy, 
Em vấn đầu soi gương. 

Khăn nhỏ, đuôi gà cao, 
Em đeo dải yếm đào; 
Quần lĩnh, áo the mới, 
Tay cầm nón quai thao. 

Me cười: "Thầy nó trông! 
Chân đi đôi dép cong, 
Con tôi xinh xinh quá! 
Bao giờ cô lấy chồng?" 

- Em tuy mới mười lăm 
Mà đã lắm người thăm 
Nhờ mối mai đưa tiếng, 
Khen tươi như trăng rằm. 

Nhưng em chưa lấy ai, 
Vì thầy bảo người mai 
Rằng em còn bé lắm, 
(Ý đợi người tài trai). 

Em đi cùng với me. 
Me em ngồi cáng tre, 
Thầy theo sau cưỡi ngựa, 
Thắt lưng dài đỏ hoe. 

Thầy me ra đi đò, 
Thuyền mấp mênh bên bờ. 
Em nhìn sông nước chảy 
Đưa cánh buồm lô nhô. 

Mơ xa lại nghĩ gần, 
Đời mấy kẻ tri âm? 
Thuyền nan vừa lẹ bước, 
Em thấy một văn nhân. 

Người đâu thanh lạ thường! 
Tướng mạo trông phi thường. 
Lưng cao dài, trán rộng. 
Hỏi ai nhìn không thương? 

Chàng ngồi bên me em, 
Me hỏi chuyện làm quen: 
"Thưa thầy đi chùa ạ? 
Thuyền đông, giời ôi chen!" 

Chàng thưa: "Vâng, thuyền đông!" 
Rồi ngắm giời mênh mông, 
Xa xa mờ núi biếc, 
Phơn phớt áng mây hồng. 

Dòng sông nước đục lờ. 
Ngâm nga chàng đọc thơ. 
Thầy khen: "Hay! Hay quá!" 
Em nghe rồi ngẩn ngơ. 

Thuyền đi. Bến Đục qua. 
Mỗi lúc gặp người ra, 
Thẹn thùng em không nói: 
"Nam vô A-di-đà!" 

Réo rắt suối đưa quanh, 
Ven bờ, ngọn núi xanh, 
Nhịp cầu xa nho nhỏ: 
Cảnh đẹp gần như tranh. 

Sau núi Oản, Gà, Xôi, 
Bao nhiêu là khỉ ngồi. 
Tới núi con Voi phục, 
Có đủ cả đầu đuôi. 

Chùa lấp sau rừng cây. 
(Thuyền ta đi một ngày) 
Lên cửa chùa em thấy 
Hơn một trăm ăn mày. 

Em đi, chàng theo sau. 
Em không dám đi mau, 
Ngại chàng chê hấp tấp, 
Số gian nan không giàu. 

Thầy me đến điện thờ, 
Trầm hương khói toả mờ. 
Hương như là sao lạc, 
Lớp sóng người lô nhô. 

Chen vào thật lắm công. 
Thầy me em lễ xong, 
Quay về nhà ngang bảo: 
"Mai mới vào chùa trong." 

Chàng hai má đỏ hồng 
Kêu với thằng tiểu đồng 
Mang túi thơ bầu rượu: 
"Mai ta vào chùa trong!" 

Đêm hôm ấy em mừng! 
Mùi trầm hương bay lừng. 
Em nằm nghe tiếng mõ, 
Rồi chim kêu trong rừng. 

Em mơ, em yêu đời! 
Mơ nhiều... Viết thế thôi! 
Kẻo ai mà xem thấy, 
Nhìn em đến nực cười! 

Em chưa tỉnh giấc nồng, 
Mây núi đã pha hồng. 
Thầy me em sắp sửa 
Vàng hương vào chùa trong. 

Đường mây đá cheo veo, 
Hoa đỏ, tím, vàng leo. 
Vì thương me quá mệt, 
Săn sóc chàng đi theo. 

Me bảo: "Đường còn lâu, 
Cứ vừa đi ta cầu 
Quan Thế Âm bồ tát 
Là tha hồ đi mau!" 

Em ư? Em không cầu, 
Đường vẫn thấy đi mau. 
Chàng cũng cho như thế. 
(Ra ta hợp tâm đầu). 

Khi qua chùa Giải Oan, 
Trông thấy bức tường ngang, 
Chàng đưa tay, lẹ bút 
Thảo bài thơ liên hoàn. 

Tấm tắc thầy khen: "Hay! 
Chữ đẹp như rồng bay." 
(Bài thơ này em nhớ, 
Nên chả chép vào đây). 

Ô! Chùa trong đây rồi! 
Động thẳm bóng xanh ngời. 
Gấm thêu trần thạch nhũ, 
Ngọc nhuốm hương trầm rơi. 

Me vui mừng hả hê: 
"Tặc! Con đường mà ghê!" 
Thầy kêu: "Mau lên nhé! 
Chiều hôm nay ta về." 

Em nghe bỗng rụng rời 
Nhìn ai luống nghẹn lời! 
Giờ vui đời có vậy, 
Thoảng ngày vui qua rồi! 

Làn gió thổi hây hây, 
Em nghe tà áo bay, 
Em tìm hơi chàng thở! 
Chàng ôi, chàng có hay? 

Đường đây kia lên giời, 
Ta bước tựa vai cười. 
Yêu nhau, yêu nhau mãi! 
Đi, ta đi, chàng ôi! 

Ngun ngút khói hương vàng, 
Say trong giấc mơ màng 
Em cầu xin Giời Phật 
Sao cho em lấy chàng. 

Nguyễn Nhược Pháp


8-1934 

Cảm nhận về bài thơ Ông đồ


ÔNG ĐỒ 
Vũ Đình Liên 

Mỗi năm hoa đào nở 
Lại thấy ông đồ già 
Bày mực tàu giấy đỏ 
Bên phố đông người qua 

Bao nhiêu người thuê viết 
Tấm tắc ngợi khen tài 
Hoa tay thảo những nét 
Như phụng múa rồng bay 

Nhưng mỗi năm mỗi vắng 
Người thuê viết nay đâu? 
Giấy đỏ buồn không thắm 
Mực đọng trong nghiên sầu 

Ông đồ vẫn ngồi đó 
Qua đường không ai hay 
lá vàng rơi trên giấy 
Ngoài trời mưa bụi bay 

Năm nay hoa đào nở 
Không thấy ông đồ xưa 
Những người muôn năm cũ 
Hồn ở đâu bây giờ ? 

***


Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm, về trưa mặc lòng.
Không hiểu sao, đến với bài thơ ông đồ của Vũ Đình Liên tôi lại bị ám ảnh đến day dứt bởi câu hát xa xôi vùng quan họ. Nhưng câu chuyện còn duyên, hết duyên ở đây lại là chuyện khác, chuyện còn và mất của một lớp người một thời đã qua đi không trờ lợi, thông qua hình tượng trung tâm: ông đồ, nói như chính tác giả thì đó là di tích tiều tuỵ, đáng thương của một thời tàn. 

Bài thơ ngũ ngôn gồm 5 khổ, khắc hoạ trọn vẹn một chỉnh thể nghệ thuật: ông đồ, trên trục thời gian tuyến tính, từ quá khứ đến hiện tại, từ còn đến mất, từ thời khắc hoàng kim cho đến khi chỉ còn vang bóng. 

Nếu coi bài thơ là một bức hoạ về hình ảnh về chân dung ông đồ thì ở góc nhìn thứ nhất là ông đồ – người nghệ sỹ tài hoa thuở còn duyên. 

Sự xuất hiện của ông đồ gắn liền với vòng quay đều đặn của thời gian, cứ thế không thể khác: 
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”.
Thời gian được tính bằng hoa đào nở y tín hiệu báo xuân, sắc màu được dệt nên bởi sắc đào tươi thắm, giấy đỏ rực rỡ, nhịp sống được tính bằng phố đông người qua, tình cảm của người đời được biểu hiện bằng hình ảnh: Bao nhiều người thuê viết, tấm tắc ngợi khen tài. 

Nổi bật trên phông nền rực rỡ, tươi vui đó là chân dung ông đồ, người nghệ sỹ trong niềm thán phục, ngưỡng mộ của mọi người: 
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay.
Hoa đào đến đây đã nhường chỗ cho hoa tay y bàn tay tài hoa của ông đồ đưa đến đâu mà như gấm hoa nở ra đến đó. Nét chữ từ bàn tay như có phép tiên của ông được so sánh như phượng múa rồng bay. Đây là hình ảnh so sánh đẹp, giàu giá trị tạo hình, nét thăng hoa trong ngôn ngữ của Vũ Đình Liên gợi tả nét chữ mềm mại mà linh thiêng, phóng khoáng mà cao nhã, có hồn như phượng múa, rồng bay. Nét chữ ấy dường như cũng chấp chới bay lên giữa hào quang của trời xuân, của sắc đào tươi thắm. Đây là một nét vẽ đẹp, ngợi ca ông đồ, một tài năng nghệ thuật. 

Ta nhớ tới cây bút thần của Lê Mã Lương trong một câu chuyện cổ Trung Quốc, nét bút đưa đến đâu, vạn vật như có thần sống dậy, sinh sôi đến đó, vẽ chim, chim cất cánh bay, vẽ công, công xoè ra múa lượn... Bao nhiêu tài năng, tâm huyết của ông đồ được gửi gắm trong nét chữ tài hoa đó. Đây là thời kỳ đắc ý nhất của ông: cái đẹp lên ngôi, tài năng được trân trọng. 

Nhưng thời kỳ hoàng kim đó của ông chỉ thoáng qua như một ảo ảnh, theo dòng hồi tưởng của nhà thơ, một hiện thực đau lòng đã xảy ra: 
Nhưng mỗi năm, mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm!
Mực đọng trong nghiên sầu...
Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay,
Lá vàng rơi trên giấy!
Ngoài giời mưa bụi bay.
Góc nhìn thứ hai, ông đồ – người sinh bất phùng thời, lúc hết duyên. 

Hai khổ ba, bốn với giọng kể và lời thơ miêu tả hiện lên ảnh hình ông đồ vẫn ngồi đấy nhưng cảnh vật quanh ông đã khác xưa: 

Ngày xuân trước, là phố đông với bao nhiêu người thuê viết thì nay đã vắng, đông giờ đã vắng. Ngày trước, họ tấm tắc ngợi khen tài thì bây giờ vẫn những con người đó nhưng qua đường không ai hay; thân quen thành xa lạ. Ngày trước, họ trầm trồ thán phục nay họ dửng dựng lạnh nhạt, tình thế đã đảo ngược, tình đời đã đổi thay. Ông đồ bỗng trở nên đơn côi, lạc lõng đến tội nghiệp giữa cái xô bồ, ồn ào của nền văn minh lạnh lùng kiểu đô thị dù ông vẫn muôn có mặt với đời. Ông đồ vẫn ngồi đấy, ông vẫn kiên gan bám lấy cuộc đời, ông càng lẻ loi, lạc bước: nên đã trở thành người sinh bất phùng thời. 

Xót xa thay, nét chữ như phượng múa, rồng bay ngày trước, giờ ngậm ngùi vì bị chôn vùi trong lãng quên nên: 
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu.
Giấy đỏ, nghiên mực, hành trang gắn liền với kẻ sĩ trên hành trình sáng tạo ra cái đẹp nhưng giờ đây cũng lặng lẽ, ủ ê trong nỗi buồn ế khách của ông đồ. 

Giấy bẽ bàng, buồn tủi, đỏ mà cứ phai dần, nhạt nhẽo không thắm lên được, mực không được bút lòng chấm vào, mực cũng đọng lại như giọt lệ khóc. 

Với thủ pháp nhân hoá giàu sức gợi, Vũ Đình Liên đã diễn tả thật tinh tế nỗi buồn không nói không cất lên được, từ lòng người đã thấm cả vào những vật vô tri khiến mực tàu, giấy đỏ cùng trĩu nặng nỗi buồn. 
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Người buồn, cảnh cũng buồn theo. Nỗi buồn của ông đồ không chỉ chiếu lên nghiên mực, giấy đỏ mà còn lan toả, mênh mang khắp không gian, khiến bức tranh xuân năm ấy mang gam màu xám lạnh, u buồn: 
Lá vàng rơi trên giấy!
Ngoài trời mưa bụi bay.
Lá vàng rơi không nghe tiếng, mưa bụi bay không ướt áo ai, mà nghe như có từng thu chết, từng thu chết cuốn ra đi theo hình bóng một lớp người. 

Quá khứ vàng son của ông đồ nay đâu còn nữa. Ông và những người như ông dường như đang lỡ nhịp, lậc bước giữa mênh mông, gió cuốn, sóng xô của cơn bão táp đô thị hoá. 

Ông chỉ là cái bóng vô hồn, tiều tuỵ đáng thương của một thời tàn. 

Góc nhìn thứ ba: ông đồ – người thiên cổ. 
Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Năm nay đào lại nở mùa xuân tuần hoàn trở lại hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ nhưng không thấy ồng đồ xưa. Cảnh vẫn như cũ nhưng người dã không còn. 

Ông đồ già đã thành ông đồ xưa ông đã nhập vào những người muôn năm cũ ông đã thuộc về những gì quá khứ xa xôi, chỉ còn vương vấn hồn ở đâu bây giờ. 

Với kiểu kết cấu đầu cuối tương ứng mỗi năm hoa đào nở năm nay đào lại nở...9 bài thơ như sự nối kết hai mảng thời gian quá khứ và hiện tại. Hình ảnh ông đồ cứ mờ dần, mờ dần rồi mất hút trên con đường vô tận của thời gian. Cái bóng của ông không còn, địa chỉ của ông cũng không còn nữa bởi vì nhan nhản trên phố phường ngày ấy là lớp người hãnh tiến kiểu đô thị chẳng kỷ, không thông cũng cậu bồi. 

Chính vì thế hai câu kết khép lại bài thơ giống như tiếng gọi hồn cất lên thăm thẳm, day dứt: 
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Ông đồ không còn nhưng hồn có nghĩa là linh hồn ông vẫn còn phảng phất đâu đây. Hồn, cách gọi đến chính xác lạ lùng những gì đã qua không thể mất, hồn là bất tử vì thác là thể phách, còn là tinh anh. Hồn có lẽ cũng cổ thể hiểu là vẻ đẹp tâm hồn Việt, văn hoá Việt chỉ có thăng trầm chứ không bao giờ mất. 

Bài thơ đã chạm đến những rung cảm sâu xa nhất thuộc về tâm linh của giống nòi nên còn tha thiết mãi.

(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)





Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2017

Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

Khoảng Trống ...



Bởi quan tâm nên lòng ta thống khổ
Bởi hoài nghi nên ta mới tổn thương
Hãy xem nhẹ để tâm được thảnh thơi
Nơi trần thế, nhân gian là lữ khách
Biết bao điều đang ở trong tầm mắt
Nhưng mấy điều thật sự trong tầm tay
Hãy tuỳ duyên bình lặng sống mỗi ngày
Tâm đơn giản cho đời ta đơn giản
Sống nơi đâu cũng tràn đầy viên mãn
Tâm tự do cuộc sống sẽ tự do
Hạnh phúc khi lòng thôi những phiền lo
Sống tích đức không cần ai biết đến
Phúc chưa đến, họa tự dưng tan biến
Tâm thiện như hoa nở giữa vườn Xuân
Nét đẹp nhân sinh giữa chốn bụi trần
Khi hành thiện lòng bỗng dưng thanh thản
Trong cuộc sống hãy cho ta một khoảng
Để tâm ta lắng đọng, lúc khổ vui
Đó phải chăng là tuệ giác sống trong đời ...

LÀNG NAM 12/2017

Cảm tác từ bài "Lưu lại một chỗ trống" của Như Thị dưới đây ...

***



Lưu lại một chỗ trống

Đời người, vì có quan tâm, có bám víu nên có thống khổ; 
có hoài nghi, nên mới tổn thương; có xem nhẹ, nên mới thảnh thơi vui vẻ. 
Chúng ta đều là những vị khách qua đường, có rất nhiều sự tình, chúng ta đều 
không thể làm chủ được,hết thảy đều nên để tùy duyên…

Tâm đơn giản, thế giới cũng trở nên đơn giản, hạnh phúc mới có thể sinh sôi;
 tâm tự do, cuộc sống sẽ tự do, đến nơi nào cũng là hạnh phúc.

Sống biết Tích đức, làm việc tốt mặc dù không ai thấy, nhưng trời biết đất biết.
 Con người làm việc thiện, phúc dù chưa đến, họa đã rời xa; con người làm việc ác,
 họa dù chưa đến, phúc đã rời xa; người làm việc thiện, như cỏ mọc giữa vườn xuân, 
dù không ai trông thấy, vẫn ngày ngày tăng trưởng; người làm ác, như hòn đá mài dao,
 không thấy tổn hại gì, nhưng ngày qua ngày sẽ thấy chỗ hao mòn.

Là phúc hay họa đều tại tâm. Điều đáng sợ khi hành ác, không phải sợ người phát hiện, 
mà ở chỗ tự mình nhận biết; điều tốt đẹp khi hành thiện, không phải là ở chỗ người khác
 tán dương, mà là ở chỗ chính mình thanh thản.

Sống cần biết chừa cho mình một khoảng trống, thì tâm hồn mới có thể 
thoải mái linh hoạt;

Lúc đường đời hanh thông, chừa một chỗ trống trong suy nghĩ, 
chớ để đắc ý làm mê mờ tư tưởng;

Lúc thống khổ, chừa một khoảng trống cho an ủi, chớ để khổ não bóp nghẹt tâm can;

Lúc phiền não, chừa một chỗ trống cho vui vẻ, phiền não sẽ tan thành mây khói;

Lúc cô độc, chừa một chỗ trống cho bạn bè thân hữu, họ chính là một phần
 trong cuộc sống của mình.

Lưu lại một chỗ trống, đây là nét đẹp nhân sinh, 
cũng chính là tuệ giác sống trong đời. 

Như Thị


Source: Internet.