Thứ Hai, 11 tháng 12, 2017

NHỮNG ĐÊM GIÁNG SINH BUỒN

                       

I-Năm 1954 Hiệp định Genèver ra đời, chia đôi VN thành hai phần, từ vĩ tuyến 17 ra tới Ải Nam Quan do VM trấn giữ. Từ VT 17 trở vào nam đến mũi Cà Mâu do quân đội Pháp tạm trấn giữ. Quân đội hai bên rút về vị trí đã ấn định. Anh cả tôi trong quân đội Quốc Gia VN(nằm trong liên hiệp Pháp). Đầu tháng 10/1954 tôi theo đơn vị anh tôi di cư vào Nam bằng tầu há mồm. Đơn vị anh tôi đồn trú trong thị xã Hội An. Con gái bà chủ cho thuê nhà, học đệ ngũ, kém tôi một lớp, thỉnh thoảng cô hỏi tôi chỉ giùm về toán hình học. Cô dụ tôi ở lại Hội An học,vì cô quen thân với con gái ông hiệu trưởng trường công lập Trần Quý Cáp.,sẽ xin cho tôi nhập học lớp đệ tứ. Hai hôm sau ông hiệu trưởng chấp nhận ,tôi noí với người anh cả sự việc trên, anh tôi ầm ừ một lúc rồi nói:
       -Ở đây chỉ dậy đệ nhất cấp,chú học hết năm phải ra Đà Nẵng,hoặc Huế mới có chương trình đệ nhị cấp, thôi anh gửi chú vào ở nhà chị(dâu) ở chợ Lớn(Sàigòn) vả lại người Hội An nói như chim hót hơi khó nghe.
Tháng 12/54 chiếc tầu Ville Sàigòn đậu tại Đà Nẵng cho 100 người di cư
vào Sàigòn. Anh tôi làm giấy tờ xong, tôi xuống tầu vaò buổi tối, được
chỉ định ở loại 3(hầm tầu). Trong đó có rất nhiều dẫy giường sắt, hai cái chồng lên nhau, người ngủ trên tôi là anh lính người Marốc. Sau khi ổn định chỗ ngủ, anh nhà bếp cuả tầu, người Việt, tay lắc chuông, mồm nói:
      -Yêu cầu mọi người lên phòng ăn, bữa nay có món thịt bò nấu sốt vang.
 Người nào người ấy làm một bụng, đang ăn có một nhân viên của bộ chỉ huy tầu thông báo:
      -Hiện nay bão đang tập trung ngoài khơi Hải Phòng, hướng bão thổi về
phiá nam, nhưng khi bão tới miền Trung gió không đáng kể, nên tầu vẫn
ra khơi, tiếp tục hành trình.
Mười hai giờ đêm, con tầu lắc mạnh mọi người nôn oẹ, anh lính Ma Rốc đưa
cái đầu ra khỏi mép giường, mửa thốc tháo, tôi né sang một bên nên không bị trúng đồ ăn anh ta thải ra. Tôi và người anh ruột loạng choạng mò lên cầu thang vào phòng ăn cuả hạng nhì ,nằm dài trên băng ghế mửa tới mật xanh, mệt không sao ngóc đầu lên. Sáng hôm sau, trời yên gió tạnh. Một anh nhân viên phục vụ cho phòng ăn hạng nhì nói:
     -Đây là phòng ăn hạng nhì, các em không được ở đây.
     -Dạ, chúng em biết, nhưng dưới hầm người ta nôn mửa , hôi hám chiụ không được. Anh hỏi hai anh em chúng tôi:
     -Các em vào Sàigòn làm gi?
     -Chúng em đi học.
     -Ngồi yên đây đợi anh một lúc.
Anh đi một lúc sau quay lại chỗ chúng tôi và nói:
     -Theo anh đi lại phòng tắm và đưa cho hai anh em tôi mỗi đưá một khăn tắm màu trắng.rồi dặn
     - Nhớ tắm kỹ cho sạch sẽ.
Trong khi chúng tối tắm, ở ngoài phòng ăn họ xịt nước làm sạch ghế và sàn.
Tắm nước nóng, xà bông thơm, người khỏe ra và thơm tho không còn ngửi
thấy mùi xú uế cuả thức ăn nôn ra đêm hôm qua. Anh phục vụ mang ra cho hai anh em chúng tôi mỗi đưá một phần thức ăn nóng hổi:
    -Các em ăn đi cho đỡ đói.
    -Cám ơn anh đã giúp đỡ tận tình.
    -Nhớ chiụ khó học cho nên người.
Tầu cập bến Khánh hội, nghe lời mấy anh người lớn nói:
    -Các cậu theo tôi leo xuống ngang hông tầu, chớ xuống cửa trước nó cho lên xe, chở đi đồn điền cao su bắt làm công nhân. Thấy mấy anh lớn leo ngang hông tầu xuống anh em tôi leo theo. Các người xuống của trước được lãnh mỗi người 500$ và ổ bánh mỳ. Anh em tôi chạy lại khiếu nại, các nhân viên phụ trách cho chúng tôi hưởng như mọi người di cư.Hai anh em tôi
theo mấy anh người lớn ra ngoài cổng thuê xe, không chiụ ngồi trên xe cam
nhông, sợ họ chở đi làm công nhân cao su.Xe Lambreta ba bánh đậu ngay cổng kho chờ khách, tôi hỏi:
     -Xe có chạy vào chợ Lớn không, giá bao nhiêu?
     -Tài xế: Xe đậu ngay bên hông chợ, 10$ một người.
Đúng như tài xế nói, mọi người xuống xe, mấy người Nam trả mỗi người có 3$. Tôi nhất định không trả, có đồn cảnh sát ngay đấy, tôi vào đồn cảnh sát khiếu nại,tên tài xế đi theo:
    -Chúng tôi ngoài Bắc di cư vào Nam, đồng bào trong Nam không giúp đỡ còn bóp chẹt, thay vì mọi người trả có 3$ sao bắt chúng tôi phải trả 10$ một người, xin ông giải quyết, Tên tài xế:
    -Tại các anh chịu giá cả tôi đưa ra, bây giờ còn khiếu nại gì.
    -Tên Cảnh Sát(bênh tài xế):
    -Tại các anh chịu giá với người ta, thì phải trả theo thoả thuận.
Trong đầu tôi lùng bùng câu chửi thề.
Không có điạ chỉ ,số nhà, đường, cứ tưởng nhà mẹ người chị dâu ở cạnh Chợ Lớn. Hai anh em tôi hỏi hoài không ai biết tên người tôi muốn tìm. Xung quanh chợ Lớn toàn cửa hàng người Tầu. Lo són vón, không biết tối này ở đâu. Hai anh em chúng tôi ngơ ngác như Mán về thành phố. Một ông xích lô máy thấy chúng tôi, ông hỏi:
    -Hai cậu mới di cư vào Sàigòn? Nhà ở đâu đâu tôi chở về?
    -Chúng tôi không nhớ điạ chỉ?
    -Tôi chở hai cậu về ở tạm nhà thương Bình Dân có nhiều người di cư ở, tạm ở đó tìm người nhà sau. Lấy rẻ hai cậu 10$
Không còn suy nghĩ  gì, hai anh em tôi ngồi lên xe, chạy một lúc,xe đậu trước cưả bệnh viện Bình Dân. Anh em tôi xách đồ đạc vào tới cửa gặp anh Cảnh Sát trông coi nói:
   -Ở đây không cho người mới đến ở.
   -Chúng tôi học sinh xin anh cho ở tạm khi kiếm được người nhà sẽ dọn ra ngay.
   -Ừ, các anh là học sinh thì cho ở.
Anh dẫn hai anh em chúng tôi đến phòng trống không có ai ở và dặn:
    -Có tiền bạc đồ quý giá lận trong người để ở ngoài không bảo đảm.
Tôi vào đến Sàigòn là ngày 20/tháng 12, chỉ còn 4 ngày nữa là Noel. Trong số những người tạm trú ở bệnh viện Bình Dân, tôi chẳng quen ai, cũng may trước cưả bệnh viện có quán cơm, trưa hôm sau hai anh em tôi sang quán ăn cơm phần, không ngờ bà chủ quán là dân Ngõ Huyện Hà Nội, chúng tôi gọi bà bằng cô. Có chỗ ăn cơm tháng và nhờ điạ chỉ của quán cơm làm nơi liên lạc với gia đình ở ngoài Trung gửi tiền hàng tháng cho việc ăn học, kiếm trường đi học. Tối 24 là đêm Giáng Sinh, nghe nói nhà thờ Đức Bà ở đầu đường Catina có lễ nửa đêm. Có người chỉ cứ đi thẳng đường Phan Thanh Giản(Géneral Lysée).Gặp đường Công Lý quẹo phải đi một lúc sẽ thấy nhà thờ Đức Bà. Tôi luỉ thủi đi bộ một mình đến đường Công Lý thì gặp một đoàn người đi dự thánh lễ, tôi bị cuốn theo dòng người đi mà không sợ bị lạc. Nhà thờ Đức Bà giăng hoa kết đèn lộng lẫy, uy nghi. Còn một tiếng nữa mới có thánh lễ, tôi thả bộ cùng với mọi người đi dọc con đường Catina, các  tiệm buôn bán hai bên đường đóng cửa để chuẩn bị đón chúa Hài Đồng sắp sinh ra đời, ngoại trừ nhà hàng Pagode đông nghẹt khách ngồi tràn ra bờ hè, uống Cà phê và ngắm người qua kẻ lại. Người đi lên kẻ đi xuống, chen chân, nói cười vui vẻ làm tôi quên nỗi nhớ nhà, cứ thế đi miệt mài, dọc phố đường Lê Lợi( Bonard) đến tận hông chợ Bến Thành, Hàng ăn bầy bán chiếm hết lối xe chạy.Người mua kẻ bán tấp nập. Tôi chen chân trở lại nhà thờ Đức Bà để dự thánh lễ, Chuông nhà thờ kéo từng hồi cho biết thánh lễ bắt đầu. Trong nhà thờ chật cứng, tôi đứng ngoài chú tâm theo dõi thánh lễ qua âm thanh trong nhà thờ vọng ra. Một giờ khuya thánh lễ tan, tôi lủi thủi đi về con đương cũ. Trên đường Phan Thanh Giản, mấy cái village của người Pháp ,trong sân đèn xanh đỏ sáng trưng, cả gia đình quây quần vui vẻ, huyên náo ăn Réveillon. Nhìn thấy cảnh đó bụng tôi thấy đói cồn cào, cổ khát nước khô cứng. Giá trong túi tôi có được một đồng bạc thì tôi không đến nỗi khổ sở như lúc này. Gió cuốn lá đường bay xào xạc,sương lạnh buốt đôi vai, hai cặp giò tôi mỏi rã rời, cố lê mong sao về đến nhà. Tôi nhớ  mấy câu cuối bản nhạc Đêm Đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương:
            -Đêm đông ôi ta nhớ nhung đường về xa xăm
            -Đêm đông ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương
            -Đêm đông ta lê gót chân phong trần tha hương
            -Có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà.......
Nghe sao nó thấm tận đáy lòng!!! Vào cưả bệnh viện chỗ tạm trú, thấy một gia đình đang ngồi ngoài hiên quanh mâm xôi gà, ngọn đèn cầy(nến) cháy bập bùng.Bà mẹ đang chia xôi và gà cho cậu con trai khỏang 9 tuổi. Nhìn cảnh ấm cúng của gia đình bà cụ, tôi lại nhớ những ngày ấu thơ ở Hà Nội, sau khi dự thánh lễ ở nhà thờ Lớn về, bà ngoại tôi thường cho ăn xôi với gà rán(chiên), Vì tôi là con út nên mẹ tôi giành cho tôi cái đùi gà bự. Nhớ tới mẹ tôi, lòng tôi đău quặn, nước mắt đầm đià trên má. Ở hoàn cảnh hiện tại, thực sự mới thấu hiểu nỗi lòng của người xa gia đình nó đơn côi, lẻ bóng như thế nào?. Người tôi mỏi nhừ tử, rã rời, nhờ vậy, tôi đặt mình xuống chiếu ngủ một mạch tới sáng, quên đi bao nỗi buồn.........

II-Đêm Giáng Sinh Sàigòn.
Tôi thuyên chuyển về SĐ7BB(Mỹ Tho) năm 1964.Anh cả tôi đơn vị đóng ở thị xã Vĩnh Long, mỗi khi đi công tác về cục Quân Cụ (Sàigòn), anh tôi hay ghé Mỹ Tho cho ông thượng sĩ,dưới quyền về nhà với vợ con ở chợ Vòng Nho Mỹ Tho. Lần nào gặp anh cả, hai anh em rủ nhau ra quán nhậu một tăng trước khi anh về Sàigòn. Mỗi lần gặp anh tôi nhắc hoài:
     -Chị ấy( ám chỉ vợ của ổng) và nói: Cô M(em út) để dành cho chú.
 Nghe vậy tôi cười trừ cho qua chuyện,vì lúc đó còn độc thân. Đời phơi phới lập gia đình sớm cho quẩn chân. Thiếu úy ở tỉnh nhỏ có giá, quen mấy em trường trung học Lê Ngọc Hân , tối nào hứng đến nhà xin phép bố mẹ em cho em đi xem phim, hoặc đi dạo phố vào quán ven sông, ngồi ăn kem, nghe nhạc, nhìn cảnh trăng nước thật hữu tình. Đến khi anh tôi tử nạn làm tôi hụt hững. Về Sàigòn  tôi ghé thăm mấy cháu con ông anh cả, lần nào cũng thấy M ở nhà ông anh, săn sóc mấy cháu, có đứa mới được hơn một năm, còn bú bình, làm tôi xúc động vả lại lúc này M trổ mã ra vẻ một thiếu nữ dậy thì, làm lòng tôi nao nao,xao xuyến lạ thường.Có lần M bắt gặp tôi đang chăm chú nhìn mình, mặt cô đỏ gay, e thẹn.Một lần  M đang bế đứa cháu, tôi giả vờ giành bế, mục đích cầm tay M xem phản ứng cô ra sao? M ngước mắt nhìn tôi miệng mỉm cưới. Bốn mắt nhìn nhau như trao một tín hiệu......Về Mỹ Tho làm việc lòng tôi thấy nao nao mỗi khi hình dung ra đôi mắt to đen láy của nàng, hình như đã nhìn thấu tim tôi. Lần sau đó Tôi đánh bạo mời M đi xem phim, mới đầu nàng khước từ, nhờ tôi năn nỉ nên xuôi lòng, chúng tôi hẹn nhau trước của rạp Eden(đường Catina) Sở dĩ tôi chọn rạp này vì trên lầu có từng lô hai người, dành riêng cho các cặp tình nhân. Lúc này M làm thư ký đánh máy cho cố vấn Mỹ tại trường kỹ sư điện Phú Thọ, do vậy việc đi đâu ít bị nhà kiểm soát. Tuần nào tôi về SG cũng kéo M đi coi phim, có hay mấy thì hai chúng tôi ít coi được hết phim vì mải........ Đêm Giáng Sinh năm ấy, bằng mọi giá tôi dọc từ Mỹ Tho về SG, mời M đi xem phim xong ra dự thánh lễ nhà thờ Đức Bà còn dư thời giờ. Tôi hẹn M tại ngã tư Nguyễn Huệ- Lê Lợi(Bonard) 9giờ có mặt tại điểm hẹn.Tôi ngồi ghế đá công viên quan sát dòng người đi như trẩy hội. Tám rưỡi tôi đã có mặt tại điểm hẹn, 9 giờ không thấy M tới. 9 rưỡi cũng bặt tăm, lòng tôi sốt ruột. Thời gian như chậm lại.Một giờ trôi qua như một thế kỷ,tôi thắc mắc lý do gì M lỗi hẹn. Cả đời tôi chưa bao giờ hút một điếu thuốc, vậy mà đêm đó ,tôi hút hết một bao Salem . Khói thuốc làm cổ tôi khô cứng, hai ngón tay vàng khè vì ám khói thuốc. 11giờ khuya, không còn hy vọng ,chán chường, tôi thả bộ đến quán rượu Thanh Thế uống vài ly xếc, người ngà ngà say, tôi vẫy Taxi về nhà ngủ, bỏ thánh lễ nửa đêm.

III-Tháng tư đen(1975)
Năm đầu giam tại Hốc Môn(thành Ông Năm) Đêm Giáng Sinh, tôi đứng trên ca bô chiếc xe GMC hư đậu tại bãi cỏ, nhìn về phía Sàigòn trời rực sáng, lòng nghĩ miên man về gia đình: Không biết vợ con tôi có dự thánh lễ nửa đêm? Có nấu nướng gì cho con ăn khi xem lễ về? Bao nhiêu nỗi nhớ thương gia đình làm lòng tôi chùng xuống, nước mắt đầm đià trên má. Người tôi nhuốm sương lạnh run cầm cập, tôi vào ngồi trong cabine xe, đầu suy nghĩ lung tung.Nỗi nhớ nhung ,cô đơn da diết gấp ngàn lần lúc còn độc thân,xa gia đình, bơ vơ giữa đêm Giáng Sinh tại Sàigòn năm 1954.Vừa buồn vừa giận vì bị VC lừa. Chúng ra thông cáo cấp úy mang theo 10 ngày ăn,cứ tưởng 10 ngày học tập, bây giờ đã 6 tháng trôi qua, không có một tia hy vọng gì chúng thả. Khi chúng hốt gọn SQ vào rọ, nó nói tráo trở:
      -Ai nói các anh học tập 10 ngày,thông cáo nói rõ mang theo 10 ngày ăn.
Mọi người vỡ lẽ , chúng chơi chữ. Đau thật!
Cái khổ tâm, vợ con không biết VC giam chồng ở đâu? hay mang đi thủ tiêu hết? Chồng không hay biết gia đình mình sinh sống ra sao? Vì lúc trước vợ con chỉ sống với đồng lương hàng tháng của chồng! Bao nhiêu câu hỏi đặt ra nhưng không có câu trả lời.

IV-Hoàng Liên Sơn 1976.
  Sau một năm tù trong Nam, VC lựa ra 2/3 số sĩ quan, chuyển ra HLS nhốt, dọc biên giới Trung Cộng. Ngoài mìền Bắc mùa hè nắng vỡ đầu, không một ngọn gió, cây cao đứng im như mặc niệm, dù là trong rừng núi.
Mùa đông nhiệt độ xuống thấp 3-4 độ C. Gió lạnh từ phía TC thổi qua, lạnh buốt(Lửa cơ thiêu đốt,dao hàn cắt da). Hàng ngày ăn vài củ sắn(khoai mì) không thịt cá thì làm sao cơ thể có đủ Calori chống chọi với băng giá.Nó lạnh từ trong ruột lạnh ra. Ngoài hai cái mền trại phát, họ bắt tù đi vào rừng lấy lá chuối khô trải xuống xạp nằm, cho đốt mỗi lán một đống lửa, nhưng chúng tôi đốt hai. Có bao nhiêu quần áo mặc cho hết kể cả áo mưa Poncho. Càng lạnh càng đói, cào cấu tâm can. Tôi đi rừng thấy nương lúa nếp của dân, nhìn trước sau không thấy ai, dứt mươi bông để tối sẵn có than nướng ăn cho bao tử đỡ biểu tình. Vừa sưởi ấm, vưà nghe hạt lúa nổ vui tai, nhặt hạt bỏng dính đầy tro ăn luôn,uống thêm một bình nước ấm để đánh lừa bao tử. Một điều luôn luôn xẩy ra trong tù, hễ tù ngồi đông với nhau là kể chuyện ăn uống, không thiếu gì món ăn trong đêm Noel, rượu khai vị, xôi gà.....Anh bạn nằm cạnh tôi, không biết đi rừng vớ được cái gì mà suốt từ chiều đến giờ, trên thổ hạ tả liên tục. Anh ngồi lì trong cầu tiêu xả hết chất độc trong bụng, về lại lán mệt lả,nằm li bì một chỗ. Mọi lần anh là người đóng góp nhiều câu chuyện Tiếu Lâm thời đại mới, đôi khi xỏ xiên chế độ XHCN (xạo hết chỗ nói). Buổi chiều ngày 24/12 tập họp điểm danh, CB dặn:
     -Tối nay các anh đi ngủ sớm.
Suốt những năm tù về sau, hễ đến đêm Giáng Sinh là tụi CB bắt tù đi ngủ sớm, tăng cường tuần tra trong lán tù ở.Không biết biến cố nào ở đâu xẩy ra trong đếm Giáng Sinh làm tụi CS ám ảnh, luôn luôn đề phòng,sợ hãi, Vừa 8 giờ, vệ binh ,CB, súng, đèn pin chiếu, đi khắp lán trại giục tù đi ngủ. Tôi lên sạp nằm thấy anh bạn nằm cạnh bệnh, thở khò khè,sờ chân tay anh lạnh nhắt, tôi cho anh lán trưởng biết, tiện CB đang đi kiểm soát, anh báo cáo tên CB trực trại tình trạng sức khoẻ cuả anh đội viên. Tên CB bộ vào lán đến xem, có đúng tình trạng như anh trưởng lán báo cáo, hắn nói với anh trưởng lán:
     -Anh cắt ba anh khoẻ khiêng anh này tới trạm xá trung đoàn.
 Một anh trong lán tặng chiếc Ponch làm võng, anh em đặt anh trong chiếc võng, lấy nửa chiếc mền trải trên võng, đặt anh bệnh nằm vaò võng, nửa tấm mền còn lại, đắp kín người anh, chiếc mền thứ hai phủ bên ngoài võng cho khỏi gió lạnh. Tên bộ đội vai đeo súng, tay cầm đuốc soi đường. Từ trại tới trạm xá trung đoàn khoảng cách ba cây số. Tôi là người thứ tư mang theo đồ đạc của anh bệnh. Tới trạm xá một anh tù (CT) tiếp nhận và chỉ cho mấy anh đem anh bệnh đặt trên chõng tre trong căn nhà lá rồi hỏi:
      -Anh ta bệnh gì?
      -Không biết anh bệnh gì, có thể anh ta vào rừng ăn một loại nấm hay cây gì độc hại ,nên trên thổ hạ tả liên miên?
      -Anh nào mà chở đến đây 99% nằm chờ chết vì không thuốc, không bác sĩ !!!!!!
Sau khi đặt anh bệnh nằm trên giuờng, đắp mền kín người cho anh đỡ lạnh.
Ngay từ lúc đi,biết ngoài trời lạnh, tôi lấy chiếc mền phủ từ đầu đến chân, lấy dây buộc chặt vào cổ,bụng, chỉ để hở hai con mắt nhìn đường. Lúc về ngược gió, lạnh buốt, hai hàm răng đánh vào nhau kêu cầm cập. Nghĩ đến thân phận anh ta, thế cũng xong một đời, còn mình thì sao đây? Cứ kéo dài cái đói lạnh rồi cũng đến một ngày nào giống anh bạn! Thân xác chôn vùi nơi rừng thiêng nước độc, chỉ tội cho vợ con đêm ngày trông chờ chồng về, nào có biết. mấy người tù trong chế độ CS được trở về. Tự nhiên tôi thấy mặn môi...nhưng không quên đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn anh sớm về cõi Vĩnh Hằng. Từ đêm Noel đó, tôi hay hát lẩm nhẩm bài Đêm Tháng Vô Cùng(Silent Night) :
       -Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng
       -Đất với trời, xe chữ đồng
       -Đêm nay Chúa con thân thánh tôn thờ
       -Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa
       -Ơn châu báu không bờ bến.
       -Biết tìm kiếm của chi ơn đền.
       -Ôi chúa thiên đàng, cam nếm cơ hàn
       -Nhấp chén tiệc, vương phong trần
       -Ôi Thiên Chúa thương người đến quên mình
       -Bơ vơ chốn quê nhà lúc sinh thành
       -Ai đang sống trong lạc thú
       -Nhớ rằng Chúa đang bên mình.
Bài hát đó làm tôi tạm quên những nỗi đắng cay hàng ngày gánh chiụ.
Xin Chuá giáng trần, ngó lại, thương cho những người tù đang sống vất vưởng trong lao tù Cộng Sản , ngày đêm chĩ biết trông cậy vào ơn Chuá.

V-Trại Hà Tây.
Năm 1979, Trung Quốc chuẩn bị đánh VN tại biên giới Việt Trung, VC đưa hết các trại tù gần biên giới về đồng bằng. Tôi may mắn được chuyển về trại Hà Tây, thời gian này VC cho thân nhân đến thăm nuôi, hoặc gửi quà 3kg một tháng, tương đối đỡ bị cái đói dằn vặt. Biết CB trại và toán tuần tra, sẽ đi từng khu không cho tụ tập, bắt ngủ sớm. Chiều 24/12 đi lao động về, chúng tôi nấu nướng vài thứ cơm nếp, chè, bầy thêm bánh ngọt nhà gửi.Điểm danh xong họ khóa cửa, chúng tôi một số người có phần hùn thức ăn mời thêm các anh em con bà(Phước) tham dự cho đông. Vừa ăn vừa hát những bài thánh ca, tình ca, vưà hát nước mắt chẩy dài. Gượng vui trong nỗi nhớ nhà.

VI-Trại Z30D (Hàm Tân)
Tháng 4/1983, Tôi chuyển về Nam,trại Z30D Hàm Tân. Cuốc đất hơn một năm, một anh bạn quen cùng chuyển trại từ Hà Tây. Anh ta làm anh nuôi, nấu nướng cho bệnh nhân nằm trạm xá,anh được thả, giới thiệu tôi với CB nhân lực qua một gói thuốc lá thơm Thái Lan( Sơ Mít) tôi xuống thay thế anh. Trong hai năm làm ở trạm xá, tôi hết lòng săn sóc nấu nướng cho các anh bệnh,. Mỗi lần nấu cơm(dăm ký gạo) tôi phải mất hai tiếng để nhặt sạn (đá)(Nhà kho trộn thêm đá để lấy bớt gạo, hoặc dùng quả cân có rốn. Khi nhập họ nhét cục chì vào rốn, cân cho đủ, nhưng phát gạo cho tù thì rút cục chì ra)
Đủ hình thức bớt xén. Nấu cháo khỏi cần nhặt sạn.Vì cả một chảo cháo lỏng, lớn ,sạn rớt xuống đáy chảo. Mùa lạnh tôi nấu một chảo nước sôi, ai muốn tắm nước nóng thì dùng, nếu gần hết lại nấu tiếp chảo khác. Củi rừng hết là có người mang tới. Nghe trong tù tắm nước nóng, ít ai tin. Anh Nghiêm Phú Phát là người tắm nước nóng nhiều nhất. Tù chuyển vào Nam, thuận tiện cho thân nhân tới thăm, còn muốn thăm tù ngoài Bắc, thân nhân phải mua giấy giả, chứng nhận là công nhân viên nhà nước mới mua được vé xe lửa. Ở trại Hà Tây gần Hà Nội, Nam Hà cạnh Phủ Lý, thân nhân đi thăm đỡ vất vả, còn trại Vĩnh Phú ngoài xe lửa, xe đò, phà rồi xe trâu, cả 10CS mới tới trại( xem bài của Bích Huyền thăm chồng tại trại Vĩnh Phú).
      Tù giam quanh quẩn trong MN, tuy vậy cũng có gia đình không đủ tài chính đi thăm chồng. Vì lúc trước tiền lính tính liền... Trạm xá lúc nào cũng có khoảng gần 20 bệnh nhân, trong đó có anh Nghiêm Phú Phát chơi guitar rất hay. Đêm Giáng Sinh năm 1984. Tôi nhà bếp nấu xôi lạp xưởng, chè đậu xanh, bánh trái các anh góp chung để vô số trên bàn. Trạm xá xa khu giam tù ,Công An tuần tra khu tù ở, còn bệnh xá chúng không màng. Anh Phát đánh đàn tôi hát thánh ca, nhạc trữ tình. Vui trong tận cùng của nỗi đau tuyệt vọng!!!!!

VII-Trại giam Phan Đăng Lưu (Gia Định) .
         Tôi được tha khỏi tù(CT) đầu năm 1985. Đúng một năm sau tôi đi vượt biên bi bắt tại Nhà Bè(Phú Xuân). Đầu năm 1986, bị giam tại Phan Đăng Lưu. Chỉ còn mấy ngày nữa là đêm Giáng Sinh. Trại PĐL sát ngay chợ Bà Chiểu(Gia Định), người bán rao hàng nghe rõ mồn một. Tiếng nhạc Noel: Đêm Thánh Vô Cùng, Đêm Đông, Cao Cung Lên....Nghe lồng lộng, thảm thiết cho kẻ tù đầy. Mới bị bắt, sau một tháng trại mới cho người nhà đến thăm. Bụng đói cồn cào, tôi ngồi diện bích tập Yoga, cố tập trung vào hơi thở để khỏi nghe mấy người bên cạnh đang ăn, bàn về cách pha thêm bột gia vị cho thức ăn thêm ngon. Miệng tôi nuốt nước miếng liên tục. Vừa đói vừa mệt tôi thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn, mơ thấy mình ăn Bò Bía, lúc tỉnh dậy,mắt mở trao tráo, nghe rõ mọi người nói ,vậy mà mồm tôi vẫn còn nhai không khí. Cái đói quần quại đến như vậy. Buổi chiều, mỗi tù được phát một chén cơm lưng miện và bát canh(đại dương) hai ba cọng rău muống già,và nước.Với phần ăn nghèo nàn, một tuần mới đủ chất bã thải ra ngoài. Chỉ sợ đói, không sợ lạnh ,vì nằm theo kiểu cá hộp. Trong tù có một điều luật bất thành văn. cứ đến ngày lễ lớn :Giáng Sinh,tết dương lịch, âm lịch, anh em tù tổ chức văn nghệ bỏ túi. Anh trưởng phòng kêu gọi mọi người đóng góp cho chương trình văn nghệ được phong phú: tân nhạc,vọng cổ, ngâm thơ, kể chuyện....... Một anh bạn lúc trước cùng tù với tôi ở trại Hà Tây, anh biết tôi hay hát, anh này bị bắt cùng chuyến vượt biên với tôi. Anh ta chăm chú nhìn ban tổ chức VN pha một thẩu nước chanh, hai ba điã bánh thèo lèo để (bồi dưỡng) nhưng người ca hát...Mồm anh nuốt nước bọt liên tục(đói rụng rời tay chân)Anh dùng cùi trỏ thúc, ra hiệu cho tôi hát. Giờ này 10giờ đêm, bụng tôi đang sôi òng ọc(đói ăn thì miệng phải bò) tôi giơ tay xin hát . Mọi người hát gì thì hát, tôi hát bài Đêm Thánh Vô Cùng, nếu CB ghép tội đưa sang biệt giam(cachot) như anh Duy Trác đang bị giam. Một mình một cõi, nước tắm giặt thoải mái, còn bên buồng tập thể, có 3 gáo(3 lít) tắm,gội,giặt
Hát xong bài ĐTVC họ hoan hô và yêu cầu tiếp. Để có hơi, tôi ăn một cái bánh, uống một ly nước chanh(qua hàng chanh đường)Nước chanh,bánh ngọt đi đến đâu cơ thể tôi thấy khoảng sái đến đó, trong khi đó anh bạn lợi dụng tôi hát (bên Tầu có loạn) ăn lia chia tự nhiên như người Bắc Kỳ 2 nút.
Đánh đúng tâm lý người tù cô đơn, nhớ nhà, tôi hát bài Đêm Đông cuả nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương bốn câu cuối:
              -Đêm đông ôi ta nhớ nhung đường về xa xăm
              -Đêm đông ta mơ giấc mơ gia đình yêu đương
              -Đêm đông ta lê gót chân phong trần tha hương
              -Có ai thấu tình cô lữ đêm đông ở tù(thay vì không nhà)
 Không thấy ai vỗ tay hoan hô mà chỉ nghe tiếng thở dài não nề kèm theo tiếc nấc... Bầu không khí trở nên ngộp ngạt, để phá tan cảnh tượng thê lương,anh nhà trưởng yêu cầu ông Tầu trưởng ban tổ chức vượt biên kể chuyện ông đi vượt biên:
    -Lù mẹ ló, nhà mìn có giỗ thấy ló đi ngang, mìn mời lơi, ai ngờ ló xà vaò nhà xin tham gia, đến khi mìn vượt biên bị bắt ló hỏi:
    -Động cơ nào đưa anh đi vượt biên?
Mìn tìn thật: Dạ thưa động cơ Yamaha.
Ló tưởng mìn giỡn mặt, ló đánh chết mẹ !!!!!
Đêm hôm đó mọi người ngủ say còn mình tôi thao thức nghĩ đến gia đình không sao chớp mắt. Sao cuộc đời mình nhiều oan khiên :mười năm tù(cải tạo) bây giờ lại tù, không biết ngày  ra? Nhớ lời tổng thống Thiệu nói:
         -Nước mất ,mất tất cả.
Nhờ tôi hát đêm hôm qua, có nhiều người cảm tình mời tôi ăn sáng, tặng ít bánh tráng,bún, kẹo... Tôi chia cho anh bạn cùng cảnh ngộ. Sống ở Mỹ mấy chục năm, mỗi khi mùa Giáng Sinh về, nghe bản nhạc Silent night, nhớ lại cái đói,lạnh những năm tháng trong ngục tù Cộng Sản, lòng tôi thấy buồn man mác. Thương cho những người dân Việt Nam hiện sống trong chế độ CS, bị bóc lột đến xương tủy, triền miên trong đói lạnh. Cầu xin Thượng Đến mau giải thoát họ./.

                       Muà Giáng Sinh 2013
                         Lê-Hoàng-Nguyên         
 


 Source: Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.