Thứ Hai, 5 tháng 2, 2018

Ngày Xuân, Thử Tìm Hiểu Cách Đoán Số Mệnh Của Người Tàu Và người Việt – Lữ Giang

(Phần 1)

“…Tại sao bói Dịch phải ghi toàn những lời khó hiểu như vậy? Chu Hy đã trả lời: “Vì các công dụng trong thiên hạ, nếu nói thẳng thì chỉ dùng được một việc mà thôi. Chỉ có cách nói bằng tượng thì lúc bói toán, bao nhiêu việc trong thiên hạ đều có thể ứng vào”…”
xin_thanlinh_phuho
Trong Minh Tâm Bửu Giám, ở phần Tuân Mạng, Tử Hạ viết: “Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên.” Còn Mạnh Tử khẳng định: “Nhất ẩm nhất trác, sự giai tiền định”, tức một hớp uống, một miếng ăn, sự đều định trước. Trong Thánh Kinh, Chúa Jesus có nói: Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em (Mt 10:29).
Giáo lý Công Giáo coi việc xử dụng bói toán để đoán mệnh là vi phạm điều răn thứ nhất, đòi hỏi phải thờ phượng Thiên Chúa trên hết mọi sự. Phật Giáo coi đoán mệnh là trái với luật nhân quả.
Nhưng báo Vnexpress ở trong nước cho biết khi Tết đến là lúc các thầy bói bước vào mùa làm ăn của mình. Tại các đền chùa, người ta bàn nhiều về lễ "dâng sao giải hạn", "cắt tiền duyên", "xin bùa", "xin bát hương"... và kháo nhau về những địa chỉ "xem bói có uy tín"… Hiện nay, người làm nghề bói tướng số khá đông, mỗi người có một cách hành nghề riêng. Có người đoán vận mệnh cho khách qua những quân bài, dựa vào ngày sinh tháng đẻ, xem "sách", xem tướng..., có người còn sử dụng cả máy vi tính.
Tai Hà Nội, chùa Bồ Đề (Gia Lâm) thường rất đông người xếp hàng làm lễ giải hạn, xin bát hương, xin bùa. Ngày nào sân chùa cũng đầy ắp những đồ lễ như vàng mã ngựa giấy, hình nhân thế mạng... Tiếng tụng kinh gõ mõ không ngớt, khói hương nghi ngút. Chị H. nói: "Năm nay em mang sao Kế đô còn chồng em thì La hầu, nhất định là phải làm lễ giải hạn rồi". Chị cho biết đã đăng ký tại chùa từ 3 ngày trước. Không riêng chùa Bồ Đề, hầu hết các chùa (đặc biệt là ở Hà Nội và TP HCM) đều tổ chức các lễ như vậy trong dịp đầu năm.
Trong bài “Đầu năm đi chùa đúng chánh pháp” Thầy Thích Chân Tuệ cho rằng“Đó là truyền thống, tín ngưỡng lâu đời, chúng ta giữ gìn, từ thế hệ này, sang thế hệ khác, từ ở trong nước, ra đến hải ngoại.”
Trong những ngày đầu năm, chúng ta thử tìm hiểu qua, các “truyền thống văn hóa” đó đã dựa vào những căn bản nào và đang diễn biến ra sao.
Cách thức tìm hiểu số mạng con người
Năm 1960, một người bạn của tôi đi cưới vợ. Theo tập tục thông thường, anh dẫn vị hôn thê đi nhờ so tuổi, xem hai người ăn ở với nhau có hợp hay không. Ông thầy Tàu xem tuổi đã bảo: Anh tuổi Giáp Tuất thuộc cung Chấn, lấy cô này tuổi Mậu Dần, thuộc cung Đoài, như vậy là gặp Tuyệt Mạng. Nếu lấy nhau thì vẫn ăn ở thuận hòa, nhưng không có con trai nối dòng. Anh bạn nói với tôi: Có con trai hay không có con trai cũng chẳng dằm dò gì... Thế là anh cưới cô ta. Nay thì anh đã có 7 người con, nhưng tất cả đều là con gái, gia đình rất thuận hòa, trên kính dưới nhường.
Một người bạn khác của tôi dẫn vợ và đứa con trai đi vượt biên qua đường Kampuchia, đi đã hai tuần mà không thấy tin tức gì. Bà mẹ vợ của anh thấy sốt ruột đến nhờ tôi chở đi coi bói xem ra sao.. Tôi nghe nói ở Xóm Chùa có một bà bói bài rất hay, tôi liền dẫn bà ta đến. Vào nhà tôi thấy một bà trạc 50 tuổi, mặc bộ đồ bà ba xám, trông có vẽ quê mùa, đang ngồi xào bài trên chiếu. Thấy khách hàng đến, bà ta đưa tay làm hiệu mời ngồi xuống chiếu chớ không hỏi câu nào. Bà ta cầm bộ bài lên niệm một tý, xóc mấy cái rồi rút ra ba lá rải trên chiếu. Bổng bà buột miệng hỏi:
- Bà muốn biết tin về người con gái của bà chớ gì?
- Dạ thưa đúng như vậy. Không hiểu sao nó đi đã hai tuần mà tôi không nghe tin tức gì nó cả. Tôi sốt ruột quá.
Bà ta nói ngay lập tức:
- Bà đừng đi tìm nữa. Nó bỏ xác trong rừng rồi!
- Thế còn con rể của tôi thì sao?
- Cậu ấy đang về tới nơi đó. Bà cứ về đi, không chừng cậu ấy đã đợi ở nhà rồi.
Người mẹ vợ của bạn tôi vội trả tiền và bảo tôi chở về nhà ngay. Tôi và bà mới tới nhà thì thấy người bạn tôi đang ngồi trước cửa. Bà vội hỏi:
- Vợ con và con con ở đâu rồi?
- Thưa mẹ, hai đứa con lạc nhau khi có tiếng súng nổ. Con quay trở lại thì bị lính Miên bắt. Con vượt ngục và chạy thoát về đây. Con đã dò tìm khắp nơi mà không thấy vợ con của con đâu cả.
Tại sao ông thầy Tàu xem tuổi mà biết được bạn tôi nếu lấy người hôn thê đó thì chỉ có con gái, không có con trai nối dòng? Tại sao bà bói bài biết vợ của bạn tôi đi vượt biên và đã bỏ xác trong rừng trong khi người đến nhờ xem chưa hỏi câu nào? Chúng ta thử tìm hiểu xem tại sao có người có thể biết những chuyện lạ lùng như vậy.
Trong khi các nhà khoa học thực nghiệm khảo sát về cấu tạo và biến động của vật chất, các nhà triết học cố gắng đưa ra những nhận thức về nhân sinh và vũ trụ thì các nhà huyền học nỗ lực tìm hiểu về vận mệnh của con người. Các nhà huyền học đã đưa ra nhiều phương thức khác nhau để khảo sát về những diễn biến liên quan đến cuộc đời của mỗi cá nhân như tính tình, khả năng, bệnh tật, phúc họa, hôn nhân, gia đình, thọ yểu, sang hèn, v.v. Hiện nay, có vô số phương thức đang được dùng để tìm hiểu số mệnh của con người, nhưng chúng ta có thể quy gồm tất cả các phương thức đó vào hai loại: LOẠI VẤN SỰ và loại KHẢO MỆNH, người tàu thường gọi là BỐC và MỆNH. Chúng tôi xin trình bày khái niệm về hai môn này.
I.- Môn vấn sự
Tối mai đi vượt biên, tối nay đến gặp một bà bói bài để hỏi xem đi có được bằng an không. Đó là đi vấn sự. Bà bói bài này cũng như chúng ta, không thể biết được chuyện đi vượt biên có trót lọt hay không, vì cuộc hành trình này có rất nhiều chuyện bất trắc có thể xẩy ra. Phải có một bậc linh thiêng nào đó từ trong cỏi vô hình thông đạt, bà bói bài mới nói được như thế. Vậy vấn sự chính là xin thần linh cho biết những gì đã, đang và sẽ xẩy ra cho một người.
Muốn thực hiện môn vấn sự, cần phải có hai yếu tố:
- Các ký hiệu giao ước.
- Sự linh ứng của thần linh.
Chúng ta sẽ khảo sát qua hai yếu tố này.
a) Các ký hiệu giao ước
Các ký hiệu giao ước là những dấu hiệu do chính con người tự đặt ra để qua đó con người có thể đọc được câu trả lời của thần linh. Thí dụ: Trong bói bài, một người đàn bà đang có thai mà bốc lên được một con 8 chuồn là báo hiệu sinh con gái. Trong bói Dịch, khi hỏi về gia đạo mà bốc lên nhằm quẻ Hỏa Trạch Khuê hay Trạch Hỏa Cách là dấu hiệu vợ chồng có chuyện lục đục gây gổ, v.v.
Các ký hiệu này có thể được quy định rất đơn giản, chẳng hạn như cầm lên hai cái que, một ngắn và một dài, rút được que ngắn là bại, rút được que dài là thành. Cầm quyển Kiều lên và khấn: “Tôi muốn biết bệnh của mẹ tôi có qua khỏi không? Tôi sẽ mở quyển Kiều này ra, trang bên phải, từ dòng số 6 đến dòng số 10 sẽ là câu trả lời cho tôi về chuyện này”. Khấn xong, mở quyển Kiều theo linh tính ra bất cứ phần nào, rồi nhìn vào trang bên phải, đọc từ câu thứ sáu đến câu thứ 10 như đã giao ước để tìm lời giải đáp, v.v. Trong Vân Đài Loại Ngữ, Lê Qúy Đôn có ghi lại môn bói chén ở Tàu ngày xưa như sau: “Sách Thanh Lâm Yến Ngữ (của Diêp Mộng Đắc đời Tống) nói: Tống Thái Tổ thủa hàn vi thường vào miếu thờ Cao Tân, thấy trên hương án có bộ chén tre xem bói, nhân lấy xuống để bói xem danh vị của mình ngày sau thế nào. Người đời thường cho là khi gieo quẻ thấy một cái chén sấp, một cái chén ngửa (tức xin âm dương) gọi là thanh hào (hào tốt)”. Đây cũng là một hình thức giao ước đơn giản để bói.
Giao ước phức tạp thì có môn bói Dịch (có bản có đến 3.000 câu phú đoán khác nhau), rồi đến bói bài cào. Khi những giao ước được quy định càng phức tạp thì câu trả lời càng có nhiều chi tiết. Trong bộ Chu Dịch Đại Toàn, Trình Di viết: “Kinh Dịch chỉ vì việc bói toán mà đặt ra... Nhà Tần cách đời cổ xa xưa, Chu Dịch nhờ chủ về bói toán mà không bị đốt. Người đời nay hể nói Dịch là một thứ bói toán thì cho là làm nhục Kinh Dịch.” Quả thật lúc đầu Kinh Dịch chỉ là sách bói toán. Sau đó các học giả thấy rằng cả vua lẫn dân đều tin vào bói toán, nên đã mượn môn này để truyền bá vũ trụ quan và nhân sinh quan của mình, biến Kinh Dịch thành một thứ sách triết lý. Những giao ước trong bói Dịch thường có những lời lẽ mập mờ, ngớ ngẩn, đột ngột, khiến người bói phải tùy linh cảm mà suy ra. Tại sao bói Dịch phải ghi toàn những lời khó hiểu như vậy? Chu Hy đã trả lời: “Vì các công dụng trong thiên hạ, nếu nói thẳng thì chỉ dùng được một việc mà thôi. Chỉ có cách nói bằng tượng thì lúc bói toán, bao nhiêu việc trong thiên hạ đều có thể ứng vào”. Vì lý do đó, học bói Dịch rất khó. Người đời sau phải thêm lên nhiều phú giảng nghĩa để giúp việc giải đoán được dễ dàng hơn.
Mỗi người cũng có thể tự đặt ra những giao ước riêng để bói hoặc điều chỉnh lại những giao ước đã có sẵn, thêm lên hay bớt đi, chớ không bắt buộc phải theo đúng những giao ước nhất định và cứng nhắc mà người khác đã đặt ra. Người bói có thể giao ước cách nào mà mình có thể đọc được tiếng nói của thần linh thì thôi. Vấn đề đoán trúng hay sai, không lệ thuộc vào ký hiệu giao ước mà lệ thuộc vào sự linh ứng của thần linh sẽ nói sau đây.
b) Sự linh ứng của thần linh
Sự linh ứng của thần linh là một yếu tố rất quan trọng, vì nếu thần linh không ứng thì dù ký hiệu giao ước có cầu kỳ hay cao siêu đến đâu cũng không thể đoán trúng được.
Để cho thần linh ứng, người ta thường dùng những nghi thức trang trọng, có đốt nhang đèn và đọc lời khấn trước khi bói như môn bói Cỏ Thi và bói Dịch. Có những môn đòi hỏi phải được luyện tập về phương diện tâm linh cũng như thể xác mới được linh ứng như môn Thiên Linh Cái chẳng hạn. Người luyện phải tập thiền, tu tâm, dưỡng trí, ăn chay mỗi tháng bao nhiêu ngày và nhất là không được quan hệ tình dục trong một thời gian nào đó trước khi hành nghề. Số ngày được hành nghề trong mỗi tháng có khi cũng được chỉ định rõ ràng, hành nghề những ngày khác sẽ không đoán trúng. Có môn đòi hỏi phải mang trong người một lá bùa khi hành nghề nói mới linh, v.v. Cũng trong cuốn Vân Đài Loại Ngữ nói trên, nơi phần bói chén, Lê Qúy Đôn viết tiếp: “Sách Tính Lý Gia Lễ nói, ngày xem bói phải đốt hương rồi hơ bộ chén ấy (chén dùng để bói) vào hương, khấn xong gieo quẻ xuống mâm, hể thấy cái sấp cái ngữa là tốt. Ngày nay gọi bói thế là xin âm dương (hay xin keo).” (trang 53, 40)
Chúng tôi có mời một thầy coi Thiên Linh Cái đến nhà xem. Tôi thấy có người mới thoạt nhìn, anh ta nói liền và nói về quá khứ trúng phong phóc. Nhưng khi tôi vào ngồi trước mặt anh thì anh cứ nói chuyện lang mang, hết chuyện chính trị qua chuyện buôn bán ngoài chợ. Sau 20 phút, anh xin lỗi tôi vì lần này anh không thể coi cho tôi được và xin hẹn bửa khác. Thế rồi anh mời người kế tiếp ngồi vào. Chỉ 5 phút sau là anh ta nói thao thao ngay. Về sau tôi có hỏi anh tại sao hôm đó anh không coi cho tôi. Anh ta thú thật rằng khi nào ngồi tịnh trí vài giây trước một người mà anh ta thấy có một vừng xám hiện lên xung quanh người đó, anh mới coi được. Nếu không thấy vừng xám hiện lên thì anh không dám coi, vì coi không trúng. Anh còn cho biết cái vừng hiện lên xung quanh một người xin coi cũng thay đổi màu sắc từng giai đoạn, tùy theo sự biến đổi tâm tư của người đó. Chính những màu sắc này đã giúp anh rất nhiều trong việc giải đoán. Anh nói trường hợp của tôi không phải là trường hợp cá biệt. Khi đi xem anh cũng thường gặp một vài trường hợp như thế, anh phải xin cáo từ và hẹn ngày khác.
Câu chuyện này cho chúng ta thấy muốn được thần linh ứng phải có một số điều kiện nào đó nơi người xem bói cũng như người đến nhờ xem, nếu không thì không thể có sự linh ứng. Đa số các môn bói toán không đòi hỏi những nghi thức trang trọng, nhưng tối thiểu phải có lòng thành khẩn và giữ tâm hồn thanh hư, không để nảy sinh tà tâm khi đang coi và không được lợi dụng bói chơi bừa bải.. Chỉ khi nào có thắc mắc thật sự mới được bói.
Những ai được coi là có khả năng linh thị cao, bói dễ trúng? Thông thường, những người thiên về khoa học thực nghiệm hay các môn học duy lý... bói không linh bằng những người nặng niềm tin vào thần thánh. Người ta nói, và quả thật cũng đúng như vậy, những người mù loà và những người không có kế sinh nhai nào khác hơn là làm nghề bói toán để gỡ gạo, những người có tính hồn nhiên và vô tư, ít học, sống bằng tình cảm hơn lý trí... thường được trời phú cho khả năng linh thị rất cao. Cũng trong ý niệm đó, Lê Qúy Đôn có ghi lại trong Vân Đài Loại Ngữ: “Sách Nhật Lục thuật lời Đào Tiềm nói: Trước mặt người ngây không nên nói chuyện mộng; trước mặt người trí không nên nói chuyện mệnh; phàm kẻ có bụng càn dỡ thì bị ngũ hành làm mê hoặc, có bụng thiên tư thì bị quỷ thần kiềm chế. Lời nói ấy rất đúng.” Những người thiên về duy lý, những người có bụng càn dở, thiên tư... khó bói trúng. Nói một cách tổng quát, những người có thể làm nghề bói toán phải là những người có một bản năng linh thị đặc biệt, dù nhiều hay ít. Ai cũng có thể học bói, nhưng không phải ai cũng có thể bói trúng được.
c) Khả năng giải đoán của môn vấn sự
Môn vấn sự thường chỉ cho biết các việc đã xẩy ra, đang xẩy ra hay đã có khởi điểm. Cổ nhân thường nói: “Tâm động quỷ thần tri”. Tâm có động quỷ thần mới biết được. Do đó, chỉ có thể dùng môn vấn sự để tìm hiểu quá khứ, hiện tại và một tương lai gần mà thôi. Trong bói Dịch hay bói bài, cũng có những quy ước để bói vận mệnh của cả cuộc đời, nhưng bói thường không trúng bao nhiêu.
Bốc dịch, Dịch số, Kỳ môn độn giáp, Thái ất, Lục nhâm, cảm xạ. cầu cơ, Thiên Linh Cái, gọi hồn, bói bài cào, bói bài Tarot... đều thuộc môn vấn sự cả. Không thể nói môn nào hay hơn môn nào, vì bói trúng hay không, vấn đề linh ứng đóng vai trò quan trọng.

(Phần 2)

Trong Phần I chúng tôi đã trình bày MÔN VẤN SỰ, trong phần này chúng tôi nói về MÔN KHẢO MỆNH

II.- MÔN KHẢO MỆNH
Môn khảo mệnh là môn tìm hiểu định mệnh của con người căn cứ vào các dấu hiệu bên ngoài. Các dấu hiện này có thể là những dấu hiệu xuất hiện sẵn trên con người hay trong những tác phẩm do con người làm ra. Các dấu hiệu này cũng có thể là những dấu hiệu do chính con người đặt ra để làm một cái khung rồi căn cứ vào đó để nghiệm.

A.- Đoán mệnh căn cứ vào các dấu hiệu xuất hiện ra bên ngoài của con người.
Một bác sĩ hỏi han bệnh nhân, đặt ống nghe vào nghe, lấy nhiệt độ… cũng có thể biết được bệnh của một người. Người đoán mệnh cũng có thể nhìn các dấu hiệu xuất hiện nơi mỗi con người để biết về cuộc đời của người đó. Trong các môn khảo mệnh căn cứ vào các dấu hiện xuất hiện ra bên ngoài, chúng ta thấy có các môn thông dụng sau đây: Nhân tướng, chỉ tay, chữ viết và chữ ký, các tác phẩm do con người sáng tạo, v.v.
1.- Nhân tướng học
Nhìn vào diện mạo, cách nói năng, đi đứng, cư xử của con người để đoán về số mệnh.
Qua những cuộc khảo sát kéo dài nhiều thế kỷ, các nhà huyền học Đông cũng như Tây đã để lại nhiều sách vở nói về tương quan giữa tướng mạo và vận mệnh con người. Trong ca dao tục ngữ của Việt Nam, chúng ta cũng thấy có nhiều câu nói về cuộc đời của con người qua tướng mạo bên ngoài, chẳng hạn như:
– Những người thắt đáy lưng ong,
Vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.
– Những người béo trục béo tròn,
Ăn vụng như chớp, đánh con cả ngày.
– Đàn ông không râu bất nghì,
Đàn bà không vú lấy gì nuôi con.
– Đàn bà tốt tóc thì sang,
Đàn ông tốt tóc thì mang nặng đầu.
– Đàn bà lanh lảnh tiếng đồng,
Một là sát chồng, hai là hại con.
– Đàn ông miệng rộng thì sang,
Đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà.
– Những người ti hí mắt lươn,
Trai thì trộm cắp, gái buôn chồng người.
– Những người phinh phính mặt mo,
Chân đi chữ bát thì cho chẳng màng,
– Đừng chơi nhà thằng lé, đừng ghé nhà thằng lùn.
– Lưỡng mục bất đồng tâm bất chính, v.v.
Đây là những câu đoán mệnh một cách đơn giản, do giới bình dân xử dụng, nhưng qua kinh nghiệm người ta thấy cũng có phần đúng. Đi vào môn tướng pháp thì khá phức tạp. Người ta căn cứ vào tất cả mọi thứ trên con người để khảo sát về tính tình, tuổi thọ, bệnh tật, địa vị xã hội, họa phúc an nguy… của mỗi người. Sách khảo mệnh bằng nhân tướng khá nhiều, trong đó bộ Ma Y Thần Tướng là bộ sách được nhiều người tôn sùng. Trong sách đó chúng ta tìm thấy những câu như: Mắt như mắt chuột là đồ trộm cắp. Đầu nhọn trán lép không thể cầu quan. Tai lệch, mắt ghé, hậu vận phá. Sống mũi như sống dao, mắt lộ không chuyển là người bạo ngược và hạ tiện. Sơn căn có nốt ruồi, nếu không bệnh tật lâu thì khắc phu. Thân nhỏ mà tiếng vang sẽ phạt đạt. Mũi thành ba khúc tướng phá bại, v.v. Ngoài các sách gia truyền được dấu kín, trên thị trường hiện nay có rất nhiều sách của các tác giả Đông phương và Tây phương nói về đoán mệnh qua nhân tướng, ai cũng có thể tìm mua được.
2.- Xem chỉ tay
Đây là một môn nếu được nghiên cứu kỷ càng sẽ khá chính xác. Nhiều sinh viên y khoa của Pháp hay Hoa Kỳ đã mở nhiều cuộc khảo sát về chỉ tay để định bệnh và làm luận án tiến sĩ y khoa bằng môn này. Trong môn xem chỉ tay của Đông Phương, người ta thấy có nhiều chỉ dẫn rất đúng. Thí dụ: Đường hôn nhân chẽ đôi thì không tránh khỏi ly dị. Trí đạo dài quá mức là dấu hiệu của bệnh đau đầu hay thần kinh tâm trí (chứ không phải học giỏi đâu). Đàn bà mà đường hôn nhân có hình cù lao thì không tránh khỏi ngoại tình. Trên đường sinh đạo có hình cù lao thì sẽ bị bệnh về bao tử hay bệnh lao phổi. Trên đường tâm đạo có hình cù lao thì hoặc là bị thất vọng về tình hoặc là bị đau tim, v.v.
3.- Môn xem chữ ký và chữ viết
Môn này do cã học giả Đông phương và Tây phương nghiên cứu và viết thành sách. Xem những nét của chữ viết và chữ ký, người ta có thể biết được tính tình, bệnh tật và con đường công danh sự nghiệp của một người.
Trên đây là ba môn thông dụng nhất. Người Pháp có câu: “Le style, c’est l’homme.” Văn là người. Đọc văn của một người chúng ta có thể biết tính tình và phong cách của người đó.
B.- Đoán mệnh căn cứ vào các mô thức do con người đặt ra để nghiệm.
Sách Bát Tự Hà Lạc nói người tuổi Ngọ mà an ra được quẻ Kiền là cách “mã tê phong” (ngựa hí gió), chắc sẽ được quý hiển. Trong Tử Vi, đàn bà mà cung Phu có sao Đẩu Quân là cách “tắc cù mộc chi cô”, tức làm vợ cả mà cô độc, chồng cứ đi theo mấy con vợ bé hay bồ. Quẻ Kiền hay sao Đẩu Quân chỉ là những ký hiệu do con người đặt ra để ghi nhận và thông đạt các biến cố.
Môn khảo mệnh không đòi hỏi sự linh ứng của thần linh, nhưng đòi hỏi người coi phải có những nhận xét tinh tường, uyển chuyển và sắc bén.
Các nhà huyền học đã đưa ra rất nhiều mô thức khác nhau để ghi nhận các biến cố xẩy ra trong cuộc đời con người. Mỗi mô thức có cấu trúc khác nhau và xử dụng các ký hiệu không giống nhau. Tuy nhiên, ngày xưa Dịch lý là một môn học phổ biến, nên các nhà huyền học thường lấy Dịch lý làm căn bản chính, sau đó phối hợp với các môn khác để hoàn thành cấu trúc. Trong các môn xử dụng mô thức do con người đặt ra để đoán số mệnh, người ta thấy có một số môn được nhiều người biết đến như Địa Lý, So Tuổi, Bát Tự, Tử Bình, Tử Vi, v.v. Trong các môn này, hai môn Tử Bình và Tử Vi được coi là thông dụng nhất. Môn Tử Bình thông dụng ở Trung Hoa, còn môn Tử Vi được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Môn Tử Vi được xây trên một cấu trúc hoàn chỉnh nhất và được nhiều người Việt Nam biết đến nhất, nên chúng tôi chọn môn Tử Vi làm thí dụ điển hình việc việc dùng mô thức nhân tạo để nghiệm về số mệnh con người.
Khoa Tử Vi có từ đời Đông Tấn, vào niên hiệu Vĩnh Hưng Nguyên, tức khoảng 304 sau Tây Lịch. Việc hình thành và xây đắp khoa tử vi là công trình của các Chúc quan, tức các quan coi việc cúng tế và làm lịch ở Trung Hoa ngày xưa. Cụ Trần Đoàn không phải là người sáng lập ra khoa Tử Vi mà chỉ là một trong những người tập hợp và hệ thống hóa khoa này mà thôi. Còn có những học giả khảo cứu về khoa Tử Vi sâu rộng hơn cụ Trần Đoàn nhiều, chẳng hạn như Thiệu Khang Tiết, Cao Xữ Dị, v.v. Họ đã để lại những bộ sách khảo cứu rất vĩ đại và là gia bảo của hai phái Bắc tông và Nam tông, những người ngoài khó đụng tới được.
Cụ Trần Đoàn nói khoa Tử Vi bao gồm sáu khoa sau đây: Thiên Căn, Lịch Phổ, Ngũ Hành, Ngũ Sự (nhân tướng học), Tạp chiêm và Hình Tượng. Khi nghiên cứu, chúng ta thầy Dịch Lý và Địa Lý cũng đã được các nhà huyền học khai thác rất nhiều khi lập ra khoa Tử Vi. Nói như thế không có nghĩa là các nhà huyền học đã căn cứu vào các môn đó để giải đoán số mệnh của con người qua lá số Tử Vi. Họ chỉ mượn các khoa này để hình thành mô thức của lá số Tử Vi, rồi dùng mô thức đó để nghiệm về số mệnh con người mà thôi. Do đó, trong khoa Tử Vi, nghiệm đóng vai trò chính. Các lý giải căn cứ vào Dịch Lý, Ngũ Hành, Hình Tượng… có giá trị rất ít.
Khoa Tử Vi được thiết lập trên thuyết Tam Tài trong Dịch Lý, gồm Thiên, Địa, Nhân. Thiên là cấu trúc của lá số, Địa là môi trường gia đình và xã hội, và Nhân là tướng mạo của con người. Chỉ dùng lá số thôi thì đoán không thể đúng được. Đọc chính thư của phái Nam Tông, chúng ta thấy dưới mỗi câu phú đều được ghi chú rất nhiều về phần Địa định và Nhân định. Thí dụ Thanh Long ngộ Thiên Không được ghi là “hưng nghiệp cách”, nhưng không phải ai có cách này ở Mệnh thì cuộc đời sẽ phát mạnh đâu. Ở dưới câu phú này ghi rõ: Nều cha mẹ nghèo thì bắt đầu tuổi thành niên, sự nghiệp sẽ đi lên. Trái lại, nếu cha mẹ và dòng họ giàu có, kể từ tuổi trung niên, khi sự hổ trợ của môi trường gia đình không còn nữa, cuộc đời sẽ đi xuống rất nhanh. Trong tạp thư bán trên thị trường không có những ghi chú về yếu tố địa định đó nên người đoán thường đoán sai. Không bao giờ con người “hưng nghiệp” từ cái thịnh mà chỉ “hưng nghiệp” từ cái suy. Không phối hợp lá số với nhân tướng và môi trường sống để đoán thì không phải là khoa Tử Vi.
Lá số Tử Vi thường được trình bày theo một cái khung hình vuông hay hình chữ nhật. Phần ở giữa là Thiên bàn. Phần xung quanh được gọi là Địa bàn. Địa bàn được chia làm 12 cung, biểu hiệu cho 12 cung của vòng hoàng đạo, 12 địa chi, 12 phương hướng, 12 chu trình biến hóa âm dương…, đặc biệt nhất là 12 nhân tố cấu thành số mệnh của một người, đó là Mệnh, Phụ, Phúc, Điền, Quan, Nô, Di, Ách, Tài, Tử, Phối và Huynh.
Trên địa bàn được an các sao. Những sao này họp lại thành một triều đình, có vua, có quan, có lính, có dân. Bộ Tử Phủ Vũ Tướng được gọi là Hoàng Gia Tôn Tộc thế. Bộ Cơ Nguyệt Đồng Lương là Tứ Trụ Triều Đình thế (tượng trưng cho quan văn) và Bộ Sát Phá Liêm Tham là Tỳ Hưu Nhiệm Vị thế (tượng trưng các quan võ).
Các sao còn được chia ra bốn vòng, thể hiện số mệnh của con người đi từ tiền kiếp qua hiện kiếp đến hậu kiếp. Vòng Tử Phủ là Vòng thác nghiệp (thụ đắc nghiệp ngả), Vòng Tràng sinh là Vòng thể hữu (tiến trình hình thành, sinh vượng và hủy hoại của con người), Vòng Lộc tồn là Vòng thụ hữu (thụ nghiệp trong hiện sinh), và Vòng Thái tuế là Vòng triển hữu (triển khai nghiệp hữu trong môi trường).
Với những nét đại cương được vạch qua như thế, chúng ta thấy môn Tử Vi là một môn bác học được kiến tạo theo những ý niệm rất cao siêu và sâu sắc. Nhưng không phải tính cách bác học của mô thức này làm nên vận số con người. Mô thức chỉ là một cái sườn, một hư cấu mà các nhà huyền học căn cứ vào đó để nghiệm rồi ghi nhận bằng những câu phú. Mô thức tự nó không mang một giá trị thiết thực trong việc giải đoán. Các nhà huyền học đã dùng mô thức này để thực nghiệm trên hàng triệu người, từ bậc vua chúa đến các bậc thứ dân, trong gần 7 thế kỷ trước khi được hệ thống hóa.
Vì khoa Tử Vi là một khoa nghiệm lý, dùng một cái sườn làm căn bản để nghiệm, nên khi giải đoán phải căn cứ vào những cái đã phát hiện để đoán, đừng đem Dịch lý và nghiệp hữu vào lý giải một cách vu vơ. Sau đây là một thí dụ cụ thể trong tiến trình hình thành các câu phú đoán về Tử Vi:
Người ta nghiệm thấy những người có lá số Mệnh an tại cung Tỵ hay Hợi có hai sao Liêm Trinh và Tham Lang, thường có cuộc đời gian khổ và hay bị ngục tù. Người ta đưa ra hai câu phú để ghi nhận:
Liêm Tham Tỵ Hợi miễn bàn,
Chàng Tiêu thủa trước tân toan ngục tù.
Nhưng có lúc người ta thấy có lá số Mệnh an tại Hợi có Liêm Tham tọa thủ mà đương số vẫn phây phây, không hề bị gian nan ngục tù gì cả. Người ta xem lại thì thấy lá số đó có thêm sao Hóa Kỵ ở Mệnh (tuổi Bính và Quý có thêm sao Hóa Kỵ), nên tạm thời đưa ra kết luận sao Hóa Kỵ có thể hóa giải được những cái xấu của Liêm Tham Tỵ Hợi. Lúc đó phái ngũ hành nhào vô giải thích rằng Hóa Kỵ thuộc hành thủy nên đã chế ngự bớt cái hỏa của Liêm Trinh đi, làm cho Liêm Tham không còn tác họa nữa.
Một thời gian sau, người ta khám phá ra có một số người có lá số Mệnh cư tại Hợi có cả Liêm Tham lẫn Hóa Kỵ mà vẫn gian nan ngục tù. Người ta xem lại thì thấy có thêm sao Thiên Hình hoặc Văn Xương, Văn Khúc. Kết luận thứ ba được đưa ra: Liêm Tham Tỵ Hợi hội Thiên Hình hay Xương, Khúc thì Hóa Kỵ không hóa giải được. Với sao Thiên Hình thì phái ngũ hành cho rằng Thiên hình là hỏa, đã làm tăng cái hỏa của Liêm Trinh lên nên Hóa Kỵ không hóa giải nổi. Nhưng với Văn Xương và Văn Khúc thì thấy phái này ú ớ, vì Văn Xương là kim và Văn Khúc là thủy, cả hai hành này yểm trợ mạnh mẽ cho Hóa Kỵ, tại sao Hóa Kỵ không dẹp được Liêm Tham?
Chúng ta thấy một số nhà huyền học hay dùng Dịch Lý và nghiệp hữu để giải thích các cung cách của khoa Tử Vi, nhưng đây là một cách làm cho môn Tử Vi tăng thêm phần uyên bác mà thôi. Giải đoán phải dựa vào nghiệm làm căn bản. Lá số chỉ là một hư cấu.
Điều đáng tiếc là từ xưa đến nay, môn Tử Vi được coi là môn bí truyền. Lúc đầu môn này được lập ra để triều đình chọn người làm quan, nên không cho xử dụng trong nhân gian. Về sau môn này trở thành gia bảo của các môn phái gồm hàng ngàn tập nên ít ai được có cơ hội nghiên cứu. Các sách bán trên thị trường chỉ là tạp thư, tam sao thất bổn, chỉ ghi phần Thiên, không nói đến phần Địa và phần Nhân, nên không biết phải giải đoán như thế nào. Hơn nữa, khoa Tử Vi được nghiệm theo cấu trúc của xã hội Trung Hoa ngày xưa. Cấu trúc đó đã thay đổi, nên phải rất thận trọng, nhất là khi áp dụng tại Hoa Kỳ. Các nhà huyền học Đài Loan và Hồng Kông đang cố gắng nghiệm và hiệu đính lại theo cấu trúc mới của xã hội. Chúng ta không nên tự mãn với những tạp thư bán trên thị trường.
Một môn khác được người Tàu cũng như người Việt ưa thích là môn so tuổi của hai người khi kết hôn hay làm ăn chung với nhau. Đây cũng là một khoa nghiệm lý.
Việc coi tuổi khá phức tạp. Người bình dân thường tin rằng xem tuổi phải căn cứ vào “tam hợp” và “tứ hành xung” theo ngũ hành của năm sinh. Tuổi hai người nằm trong tam hợp như Thân-Tý-Thìn, Tỵ-Dậu-Sửu hay Hợi-Mão-Mùi thì tốt. Trái lại, tuổi hai người nằm trong tứ hành xung như Tý-Ngọ-Mão-Dậu, Dần-Thân-Tỵ-Hợi hay Thìn-Tuất-Sửu-Mùi thì xấu. Nhưng sau khi nghiên cứu về huyền học Trung Hoa, tôi mới thấy rằng cách xem trên không đúng với huyền học Trung Hoa. Người Trung Hoa xem tuổi của hai bên như xem địa lý, căn cứ vào “cung phi” thuộc tuổi. Cung phi được thiết lập theo hàng Can của tuổi chứ không phải theo hàng Chi như giới bình dân thường tính với nhau. Cách xem này khá phức tạp nên phải nhờ đến những nhà chuyên môn. Khi so tuổi, người so phải đối chiếu cung phi thuộc tuổi của cả hai bên và cho biết nếu kết hôn với nhau, những chuyện gì có thể xẩy ra. Thí dụ: Người nam tuổi Canh Dần thuộc cung Khôn, lấy vợ tuổi Ất Mùi thuộc cung Càn là gặp Phước Đức, sẽ làm ăn giàu có. Trái lại nếu lấy vợ tuổi Quý Tỵ là gặp Ngũ Quỷ, trong gia đình sẽ luôn có chuyện cãi cọ bất hòa,v.v. Ông thầy Tàu coi tuổi cho người bạn tôi nói ở trên đã coi theo cách này.

CÓ NHỮNG CHUYỆN KHÔNG BÓI ĐƯỢC
Trước khi chấm dứt bài này, tôi xin kể lại một chuyện bói toán trong Cổ Học Tinh Hoa: Đời Đông Chu, có hiền tài là Khuất Nguyên bị bọn nịnh thần dèm pha nên bị Sở Vương loại ra và không cho gặp mặt. Ông thấy đời kẻ sĩ như thế này thì quá vô dụng, không còn làm được việc gì ích quốc lợi dân, nên tâm buồn ý loạn, không biết phải hành động như thế nào, bèn đến gặp quan Thái Bốc Trịnh Thiềm Doản, chuyên về bói cỏ thi, mà vấn kế. Thiềm Doản phủi mu rùa và sửa lại cỏ thi cho ngay ngắn rồi hỏi:
– Ông muốn dạy tôi việc chi?
Khuất Nguyên ôn tồn đáp:
– Tôi có nên giữ mãi lòng trung hay nên đưa đón theo đời để kiếm miếng ăn? Tôi có nên tiếp tục giữ lòng chính trực hay trơn tru tròn trỉnh như mỡ như da để được như cây cột? Tôi có nên cứ ngang tàng như con thiên lý mã hay bắt chước con vịt nước theo sóng mà nhấp nhô? Trước tình thế này tôi có nên giữ phong thái của loài hoàng hộc hay tranh ăn với nhóm gà vịt?
Thiềm Doản đặt cỏ thi xuống rồi tạ rằng:
– Ở đời, thước có khi ngắn mà tấc có khi lại dài, vật có chỗ không đủ và trí có chỗ không sáng. Số có chỗ đoán không tới và thần có chỗ cũng không thông. Vậy ông cứ theo lòng mà làm. Cỏ thi và mu rùa quả không biết được những việc ấy.
Nghe những lời ấy, Khuất Nguyên đã theo lòng mình mà làm, trở về vui thú điền viên, viết tập Ly Tao nêu cao chí khí mà để lại cho đời.
Ngày đầu năm, xin chúc độc giả một mùa Xuân vui vẽ nơi đất khách quê người.
Ngày 1.2.2018
Lữ Giang
Source: http://ethongluan.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.