Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

Cái nhìn ''ngã kiến''


Nhà thiền có câu chuyện: ngài Quế Sâm, ngài Trường Khánh, ngài Bảo Phước là ba vị Thiền sư ngộ đạo. Một hôm, ba vị cùng đi vào Châu Thành thấy một đóa hoa mẫu đơn.

Ngài Bảo Phước nói: “Một đóa hoa mẫu đơn đẹp”.

Ngài Trường Khánh bảo: “Chớ để con mắt sanh hoa”. Tức là đã thấy đẹp, thấy xấu. Ngài Quế Sâm liền bảo: “Đáng tiếc một đóa hoa”.

Như vậy một đóa hoa, chỉ là một đóa hoa, không nói năng gì nhưng chỉ do người gán cho nó thế nào thì nó thế đó. Nó không còn đúng như thật là nó nữa mà nó đã theo mỗi cái thấy của từng người.

Nhà thiền có câu “Đất bằng dậy sóng” là vậy.

Đóa hoa thì không có việc gì, nhưng ba vị đã làm dậy sóng khiến những người ngoài nghe vậy cũng dễ bị gạt.

Tri kiến của con người lâu nay luôn mang theo cái tôi, lồng cái tôi vào trong đó. Cho nên thấy biết luôn bóp méo sự thật theo cái tôi, nhìn sự vật không đúng như thật.

Thí dụ như khi nhìn một bình hoa, người thích thì nói bình hoa này đẹp, người không thích thì nói xấu. Cũng là một bình hoa nhưng hai người nhìn thì thấy khác nhau, đó là nhìn theo cái tôi. Vậy là cái bình hoa không còn đúng như thật của nó mà đã thành cái bình hoa của tôi, của anh hoặc của chị, là bóp méo nó theo cái ngã kiến riêng, trái với tính như thật của nó.

Cũng vậy, cùng là chiếc xe hay cùng là cô gái nhưng mỗi người nhìn thấy đẹp xấu khác nhau. Rõ ràng, cứ nhìn theo cái tôi thành ra sai biệt.

Hay núi, sông thì chúng ta cũng nhìn thấy cao-thấp; sâu-cạn nhưng sự thật núi có cao-thấp, sông có sâu-cạn hay không? Sở dĩ chúng ta thấy nó cao là bởi trước kia đã thấy những ngọn núi thấp hơn ngọn núi này. Còn những người khác thì thấy núi này thấp vì trước đó họ đã thấy những ngọn núi cao hơn. Như vậy, cao thấp là do tùy người nhìn, đặt ra chứ ngọn núi đâu có nói nó cao hay thấp;
có khi người thấy cao, người thấy thấp, thành ra cãi nhau. Nhưng sự thật thì núi không cố định cao-thấp, mà tùy theo cái nhìn. Sông có cạn-sâu cũng theo cái nhìn.

Theo từng cái nhìn mà mỗi cái có khác nhau. Thành ra cãi nhau. Cãi nhau là do ngã kiến mang cái “tôi” trong đó, là bóp méo sự thật của ngọn núi, con sông v.v... chứ sự thật núi vẫn là núi, sông vẫn là sông, không có cao-thấp, cạn-sâu.

Từ đó suy ra, có ra chân lý của tôi, của anh, của chị v.v... nhiều thứ chân lý sai biệt khác nhau. Ai cũng nghĩ cái thấy của mình là chân lý rồi cãi nhau, vậy đâu còn là chân lý nữa.. Cái đó là theo ngã kiến riêng, nếu thật là chân lý thì ai cũng có thể thấy, còn chúng ta thấy chân lý ở nơi mình mà không có ở nơi người thì đó chưa phải thật là chân lý. Đó là cái lầm theo ngã kiến..

Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.