Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

Có và Không



    Con người từ ngàn xưa vẫn khắc khoải mãi sự hiện hữu: Cả vũ trụ này và bản thân ta đang sống, đang suy nghĩ, đang hoạt động… có thực sự là “” hay chỉ là “trò hư ảo”?
    Triết lí Đông, Tây thời cổ đại cũng đã bàn dến vấn đề này. Đến thế kỉ XVII, René Descartes là nhà toán học & khoa học thực nghiệm và cũng là người đặt nền móng cho triết học hiện đại phương Tây đã tập trung giải quyết vấn đề trên bằng tinh thần duy lí. Descartes chủ trương: "Trong khi tìm kiếm đường thẳng đến chân lý, ta không cần để ý những điều mà chúng ta không nắm được một cách chắc chắn như việc chứng minh bằng đại số và hình học…". Dựa trên tiêu chí này, Descartes đã suy niệm cho rằng: Tôi hiện hữu, Tôi có thực, không hư ảo chút nào… “Je pense donc je suis” – Tôi suy nghĩ, vậy tôi hiện hữu.

1/. Có và Không trong triết học Trung  Hoa
Ảnh cùng dòng
    Trung Hoa xưa đã có 2 luồng tư tưởng cố gắng lí giải vũ trụ: Luồng tư tưởng thứ nhất tìm thấy trong thiên “Hồng Phạm” của Kinh Thư (khoảng thế kỉ IV tr. CN) giải thích vũ trụ bằng Ngũ hành; luồng tư tưởng thứ hai tìm thấy trong “Dịch Truyện” (văn bản khởi nguồn của Kinh Dịch) giải thích bằng Âm Dương. Riêng thiên Hệ Từ của Kinh Dịch lí giải vũ trụ như sau: “Dịch có Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái”. Về sau hai luồng tư tưởng này kết hợp lại bởi Tư Mã Đàm. Đến Lão tử: gọi hữu thể đầu tiên là “Đạo”. “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”. Đạo” là cái tự nhiên mà có. “Đạo” chỉ có thể trực giác để biết chứ không thể giải thích, truyền đạt: “Đạo khả đạo phi thường đạo”. “Đạo” vì thế mà “vô danh”. “Vô danh thiên địa chi thủy” (Cái không tên là nguồn gốc của trời đất) (1)
    Từ “Đạo”, Lão tử bàn đến “”. Lão tử Đạo Đức Kinh chương 40 viết: “Thiên hạ chi vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô” (Mọi vật trong trời đất sinh từ “”, “” sinh từ “không”). Đến Trang tử, Nam Hoa kinh cũng nói nhiều đến “Đạo”, đến “vô danh” nhưng chủ yếu là để đề cao việc thuận theo lẽ tự nhiên trong đời sống chứ không có tham vọng bàn đến hữu thể đầu tiên của vạn vật. 
    Nam Hoa kinh kể: Liệt tử hỏi: Trời đất có tận cùng không? Có huỷ hoại không? Trang tử đáp: Điều đó không biết được. Trang tử lại kể chuyện nằm mộng hóa bướm, lúc tỉnh dậy cứ suy nghĩ mãi không biết Trang Chu đã nằm mộng thấy mình hóa bướm hay là mình đang là bướm đây và đang nằm mộng hóa Trang Chu. Suy nghĩ của Trang tử và Descartes giống nhau ở chỗ cùng nghi ngờ về sự hiện hữu của mình nhưng Trang tử khác Descartes ở chỗ chỉ dừng ở nghi vấn mà chưa giải quyết triệt để.

2/. Có và Không trong tư tưởng Phật giáo.
    Đến tư tưởng Phật giáo, thì vấn đề  Có    Không  lại được bàn đến nhiều và sâu sắc hơn.
    Có-Không tính trong tư tưởng nhà Phật chính là Vô thường tính + Vô ngã tính - tức Hiện tượng và Bản chất  hay Thời gian và Không gian, là những tính chất cấu thành và vận động của mọi sự vật. Mọi sự vật biến dịch như chiếc bánh xe luôn quay hoặc như một dòng suối triền miên tuôn chảy, dù trong một khoảnh khắc thật ngắn vẫn chuyển tiếp đến sự kế tục; mỗi sự vật phát sinh từ những cái khác trước đó rồi lại chuyển biến thành cái khác nữa sau đó; tất cả không những vô thường trong từng năm, tháng, ngày, giờ mà còn vô thường trong từng sát-na sanh diệt. 
    Chân lý vi diệu Vô thường + Vô ngã đã được vị Thiền sư thời Lý là Từ Đạo Hạnh khéo diễn đạt như sau:

Chùa Thầy ở chân núi Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội (trước đây thuộc Hà Tây) xây từ thời nhà Lý, thờ Thiền sư Đạo Hạnh.
(ảnh Trần Chung)
 
 
Bài kệ của Thiền sư Đạo Hạnh
    Thiền sư Đạo Hạnh tức Từ Đạo Hạnh (1072-1116) là Thiền sư đời Lý. Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp, Việt Điện U Linh của Lý Tế Xuyên và nhiều bộ sử như Đại Việt sử lược, Việt sử tiêu án, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí… đều có chép chuyện Từ Đạo Hạnh. Về sau Phan Kế Bính đã đúc kết lại mà viết truyện Từ Đạo Hạnh trong Nam Hải Dị Nhân liệt truyện với nhiều chi tiết linh dị kèm bài kệ:
                        Tác hữu trần sa hữu;
                        Vi không nhất thiết không.
                        Hữu vô như thủy nguyệt.
                        Vật trước hữu không không. (2)
Bài kệ được Phan Kế Bính dịch thơ:
                        Có thì có tự mảy may,
                        Không thì cả thế gian này cũng không.
                        Thử xem bóng nguyệt dòng sông,
                        Ai hay không có, có không là gì?
 
    Bài dịch thơ thật hay nhưng vì dịch thuật là sáng tác mới nên đã thoát đi nhiều ý . Hãy xem từng câu chữ của nguyên tác: Cho là có, thì hạt cát, hạt bụi cũng là có.  Quyết là không, thì tất cả đều không, bởi chúng là không thực có. “Có-Không” như bóng trăng dưới nước. Chớ cho rằng cái “không” là có và cái “có” là không.
    Một bài kệ đã gom được hết ý cơ bản của “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc …” thể hiện tuệ giác nơi đạo Phật.
-o0o-
 
CHÚ THÍCH:
(1) Chương I của Lão tử Đạo Đức kinh: “Đạo khả Đạo phi thường Đạo; Danh khả Danh phi thường Danh. Vô danh thiên địa chi thủy; Hữu danh vạn vật chi mẫu…”, nghĩa là Đạo mà truyền đạt được không phải thật là Đạo. Danh mà gọi tên được không phải thật là Danh. “Không tên” là nguồn của trời đất; “Có tên” là mẹ của vạn vật….
(2) Bài kệ có tên là 有空 Hữu-Không. Có lẽ đây chỉ là tên do người chép sử, chép truyện đời sau đặt chứ thực sự kệ là lời ứng khẩu của Thiền sư về Đạo pháp, không có đầu đề.

Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.