Cách đây mấy tuần, nhờ FB mà tôi tìm được những người bạn học ngày xưa ở Việt Nam. Có người đã không gặp hoặc liên lạc với nhau trên 30 năm. Sau khi liên lạc được với nhau qua FB, chúng tôi hỏi han nhau đủ điều vì đã ba mươi mấy năm thì rất nhiều chuyện để nói.
Một người bạn nói với tôi, chắc chừng 3 năm nữa các bạn sẽ tổ chức họp mặt kỷ niệm 35 năm từ ngày chúng tôi tốt nghiệp trung học và chia tay mỗi người một hướng. Bạn tôi nói rằng lúc trước hay tổ chức mỗi 10 năm nhưng bây giờ đã bước sang hàng "năm" cả rồi, nếu chờ 10 năm có khi có người đã ra đi ...
Nghe người bạn nói vậy, nếu nghĩ thoáng qua có vẻ bi quan, nhưng thực tế đời vô thường là thế ...
Cũng nói đến việc tổ chức họp mặt, cách đây không lâu tôi được những người bạn cùng khóa học ở một đại học bên Úc yêu cầu tôi đứng ra tổ chức một buổi họp mặt kỷ niệm 25 năm ngày tốt nghiệp đại học. Tôi nhận lời và sau khi tìm được một số địa chỉ email, tôi đã gởi một email lên kế hoạch buổi họp mặt . Tuy nhiên có lẽ thời gian ấy gần ngày lễ mọi người bận đi holiday hay sao nên tôi không nhận được email nào trả lời. Bởi thế từ hôm đó đến nay tôi cũng chưa có dịp liên lạc hay tổ chức lại.
Trong những người bạn mà tôi vẫn còn giữ những chi tiết liên lạc là anh K. Có lẽ anh là một trong những người tôi gặp và quen biết từ những ngày đầu đặt chân lên đất Úc. Tôi và anh cùng phu nhân của anh hồi đó cùng học một khóa Anh Văn dành cho người di dân mới đến Úc. Sau đó Anh và tôi vào chung trường đại học & học chung khóa với nhau 3 năm . Anh K là người hiền lành và rất ít nói, nhưng anh học rất khá. Năm cuối cùng chúng tôi ra trường, lúc ấy nước Úc đang bị khủng hoảng kinh tế nên chúng tôi tìm công việc rất khó khăn.
Cuối khoá, Anh & tôi cùng đi xin việc & cùng được gọi đi phỏng vấn trong một bộ của chính phủ. Cuối cùng thì hai đứa không may mắn được làm chung với nhau. Sau này tôi vô tình đọc được danh sách tuyển chọn nhân sự trong bộ mới biết anh chỉ thiếu một chút may mắn . Anh đã được lọt vào danh sách tuyển chọn, chỉ không may năm đó ngân sách chính phủ cắt giảm nên bộ đã giới hạn số người được nhận trên toàn quốc và tôi thấy tên anh nằm chỉ ngay dưới dấu gạch ngang (điều này có lẽ anh không biết).
Anh là một trong những người rất nhiệt tình được họp mặt với các bạn học xưa ... Cuộc họp mặt chưa được tổ chức, thì hỡi ôi !!! Sáng sớm thứ Bảy vừa rồi khi đang ngồi trong lớp học piano của con, tôi nhận được một cú điện thoại báo tin anh đã ngất trong lúc đang làm việc & khi đưa đến bệnh viện thì anh đã không qua khỏi ... Một điều đáng buồn là vợ con anh đã không có dịp gặp mặt anh trong giây phút cuối, vì khi đến bệnh viện thì anh đã ra đi ...
Tôi cảm thấy hối hận vì cuộc họp mặt chưa được tổ chức ... Có một lần tôi nghe một người bạn nói rằng "...Bạn bè ngày xưa vì hoàn cảnh cuộc sống chẳng mấy khi có dịp gặp nhau. Chỉ khi nào có đám cưới hay đám tang thì mới gặp ...".
Câu nói nghe phũ phàng nhưng thực tế quả thật phũ phàng, chúng tôi rất nhiều người sống chung một tiểu bang mà một cuộc họp mặt còn khó thực hiện, huống hồ chi ...
Vài dòng tâm sự như những lời vĩnh biệt anh!!!
Melbourne 3/2018,
Làng Nam
Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018
Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018
Nhạc sĩ Lam Phương: ‘Đào hoa’ là do hoàn cảnh đưa tới!
Ngọc Lan (Trích Giai Phẩm Xuân Người Việt Mậu Tuất)
Nhạc sĩ Lam Phương, tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20 Tháng Ba, năm 1937, ở làng Vĩnh Thanh Vân, quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá (hiện nay là phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang).Sáng tác nhạc từ năm 15 tuổi, Lam Phương là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của tân nhạc miền Nam Việt Nam với trên 200 tác phẩm, trong đó hầu hết là các bài hát nổi tiếng như: Chuyến Đò Vĩ Tuyến, Cỏ Úa, Nhạc Rừng Khuya, Đoàn Người Lữ Thứ, Nắng Đẹp Miền Nam; Bức Tâm Thư, Tình Anh Lính Chiến, Chiều Hành Quân, Thành Phố Buồn, Tình Bơ Vơ, Duyên Kiếp, Em Là Tất Cả, Kiếp Nghèo, Bài Tango Cho Em, Biển Tình, Khóc Thầm, Lầm, Ngày Hạnh Phúc, Thành Phố Buồn,…Nhạc sĩ Lam Phương hiện đang sinh sống tại Orange County, miền Nam California.
Nghe tôi gọi điện thoại: “Chú ơi, con qua phỏng vấn chú để viết bài cho báo Tết nha chú!” nhạc sĩ Lam Phương nói liền: “Ừ, ghé qua chơi đi cháu!” Khi nghe tôi nhấn thêm câu, “Kể về những cuộc tình đã qua đời Lam Phương nha!” thì tác giả luôn “suốt đêm thao thức vì em” bật cười lớn “Giờ này kể lạng quạng người ta quýnh chạy không kịp.”
Cười vậy, nói vậy, nhưng ông vẫn kể, mà còn kể “mỗi người có một chuyện nhỏ nhỏ vui vui để làm bài viết của cháu lạ hơn.”
Nhìn ông ngồi trên chiếc xe lăn, cười nói một cách vui vẻ, thỉnh thoảng lại pha trò một cách rất duyên để rồi bật cười thoải mái, tôi thầm nghĩ “ông vầy mà không nhiều người mê mới lạ.” Mà, ngược lại, nghe cách ông gọi điện thoại hỏi thăm về cô bạn đồng nghiệp đi cùng tôi đến thăm ông, tôi cũng chợt nhớ câu “Chém cha cái kiếp hoa đào, mở ra rồi lại trói vào như chơi” của Nguyễn Du.
Máu đào hoa thật sự chảy trong ông, thấm vào từng thớ thịt, cho nên, ông còn thở, là còn bật lên những câu đại loại: “Cô đó đẹp quá hén!” cho dù sau đó ông tủm tỉm “chống chế”: “Trời cho mình tâm hồn như vậy chứ đâu phải mình muốn đâu.”
Phỏng vấn ai mà biết rằng họ sẵn lòng giãi bày, là tôi hỏi thẳng liền vấn đề, chứ không cần lượn lượn dẫn dắt. Cũng vậy, khi nghe ông nói “bốn người mà ông Nguyễn Ngọc Ngạn nhắc đến trong bài viết của ổng hồi năm trước là bốn người chánh đó,” tôi hỏi liền, “Còn những người phụ đâu?” – “Quên hết rồi, sao nhớ nổi.” Người nhạc sĩ ở tuổi ngoài 80 trả lời một cách tỉnh bơ, gọn bâng, rồi cười xòa.
Bốn mối tình ‘sâu đậm’
Bốn người, hay đúng hơn là bốn mối tình sâu đậm, đi qua cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa (lẫn đào hoa) này chính là ca sĩ Bạch Yến, ca sĩ Minh Hiếu, ca sĩ Hạnh Dung và người đẹp Cẩm Hường.“Và mối tình với kịch sĩ Túy Hồng nữa là năm, phải không chú?” – “Không, đó là vợ.” – “Trời, vợ thì không phải là tình sao!”
Tiếng kêu của tôi chỉ được trả lời bằng một nụ cười nhẹ của người từng viết nỗi lòng “Tôi đã lầm khi đưa em sang đây.”
“Thế còn lời đồn về Họa Mi?” – “Họa Mi không có đâu, chỉ là bạn thôi,” ông lắc đầu.
Và ông bắt đầu, như thể có đoạn phim đang chiếu chậm qua dòng hồi ức của ông: “Cô Cẩm Hường đẹp lắm, đẹp số một đó, từng là hoa hậu bên Pháp mà. Chú viết cho ‘bà’ đó mấy chục bài lận, ‘Từ Ngày Có Em Về,’ ‘Anh muốn đôi ta mãi như người tình…’ trong bài ‘Mùa Thu Yêu Thương’ đó, ‘Bài Tango Cho Em,’ nhiều lắm.”
Tôi cũng không hiểu sao ông lại bắt đầu kể về những mối tình của mình bằng “mối tình chánh cuối cùng,” không biết có phải vì cô Cẩm Hường đã qua đời, nên nói dễ hơn chăng?
“Chú quen ‘bà’ này 10 năm ở Pháp. Quen cô ấy là khi cô ấy đang có chồng, lúc chú từ Mỹ mới qua, gặp bà cái là bả bỏ chồng luôn. Mà cổ đẹp lắm,” ông cười nhớ lại.
Người em rể vẫn ở bên cạnh chăm sóc nhạc sĩ Lam Phương suốt thời gian từ lúc ông đổ bệnh đến nay, kể thêm, “Cô Cẩm Hường đẹp lắm, nói chuyện dễ thương lắm, mà chỉ nụ cười thôi là thấy chết rồi.”
“Lúc đó cô Khánh Ly qua Pháp nhìn thấy cô này chạy về ‘méc’ cô Túy Hồng, cô Túy Hồng mua vé máy bay qua coi mặt liền,” người em rể “tiết lộ” chuyện xưa.
“Chàng” Lam Phương im lặng nghe em mình kể, rồi thêm vào: “Nhưng qua làm được gì nữa, vì lỗi bả trước, không phải lỗi chú. Mà lúc đó cũng thôi rồi.”
Một khoảng im lặng để ông nhớ lại một thời mê đắm, trước khi tôi tiếp: “Đây là mối tình dài nhất đúng không chú?” – “Không, có người kéo dài đến 20 năm lận?” – “Ai?” Tôi bỗng nghệch ra. “Bà Tống Hùy.” – “Là ai?” Tôi thật sự ngạc nhiên. “Là Túy Hồng đó.” Ui trời, tôi bật cười lắc đầu, trong khi ông ngồi cười khoái chí. Ông vẫn giữ được sự hài hước, tếu táo đến vậy ở tuổi bát thập thì quả là tôi cũng nể ông luôn.
“Có khi nào cùng lúc chú quen nhiều người cùng lúc không?” – “Cũng có, mấy cô nữ sinh đó. Nói nói chứ đừng viết ra nghen,” ông bảo. Tôi trêu, “Sao lại không viết, không viết uổng à.”
“Trong thời gian sống với những người này vẫn có vô số những cuộc tình phụ bao quanh. Ăn cơm còn kiếm cháo là vậy đó. Toàn là người ta tìm tới thôi.” – Ông “ta thán” về ông, mà như thể “kể tội” ai đó.
“Là một nhạc sĩ, việc quen nhiều người tạo cho chú nhiều cảm hứng viết bài là sự thật, nhưng có khi nào chú cảm thấy có điều gì làm chú khó chịu, áy náy không?” Tôi tò mò.
“Khó chịu là khi họ đụng nhau đó.” – Ha ha ha. Tôi không ngăn được tiếng cười lớn. Không có câu trả lời nào thật hơn thế.
“Vậy giờ này chú còn quen nhiều người không?” – “Giờ hết rồi,” ông trả lời ngay. “Hết người này đến người khác thôi chứ không đến một lượt.” Tôi phải mất hai giây để hiểu hết câu trả lời “quỷ quái” mà thoạt nghe, tôi ngỡ ông đã thực sự “rửa tay gác kiếm.”
Ông trầm ngâm trước khi “biện hộ” cho chính mình, “Chắc tại số mình thôi, mình không muốn mà họ cứ tới tới, mà mình từ chối thì sợ người ta buồn.”
“Chú không tìm ai hết vì mình biết thân phận mình mà, lúc nhỏ thì nhà nghèo, có thương cũng không dám tỏ tình với ai hết. Giờ thì mình bệnh vầy, họ có đến với mình thì cũng vì hiếu kỳ, ai biết dăm ba bữa đuổi mình đi sao,” ông nói cùng nụ cười muôn thuở.
Bạch Yến, mối tình đầu?
Ông bảo ông không tìm ai, nhưng lại là người biết tỏ tình sớm. Và người đầu tiên nghe được những lời tình tứ đó là Bạch Yến.
“Nhớ năm đó ở khu Bàn Cờ có vụ cháy nhà lớn lắm, chú cùng bạn bè đi làm thiện nguyện ở đó, nhà Bạch Yến trong khu xóm đó, nên gặp, làm quen, gặp nhiều lần thì tình cảm phát sinh,” ông kể về tình yêu đầu đời.
Ông cho biết, “Bài đầu tiên viết cho Bạch Yến hình như là bài ‘Nghẹn Ngào’.” – “Tại sao lại là ‘Nghẹn ngào?’” – “Vì chú có lỗi, làm bạn mình buồn nên bạn đuổi mình về. Đó là chú tưởng tượng ra thôi chứ không có ai đuổi đâu, đó như lời thú tội vậy mà, ‘Thôi anh đi về đi, xa xôi rồi thăm nhau làm chi…’”
“Mà chú làm khổ cổ lắm. Lúc quen cổ rồi, chú còn trẻ cũng bay bướm làm cho cổ buồn, cổ khổ lắm, phải bỏ đi Pháp, rồi đi Mỹ cả 10 năm mới quay trở về. Khi về chú có gặp lại cổ, khi đó cổ cũng chưa có chồng. Nhưng chú thì có gia đình rồi. Cổ lại đi tiếp,” tác giả “Tình Bơ Vơ” kể.
“Có một kỷ niệm vui với Bạch Yến đó là quen cổ khi còn là học trò mới lớn lên. Khi đó ‘bả’ đi về quê của ‘bả,’ tình còn mới nên chú thấy nhớ nhớ, mới đón xe đò về quê gặp ‘bả.’ Xe đò chạy từ chiều đến 4 giờ sáng mới tới, mà lúc đó giờ người ta ngủ hết rồi, mình phải ở ngoài lộ, ngồi trên cái băng ghế ngoài đường ngủ chờ trời sáng mới gặp được. Đó là kỷ niệm mà chưa từng kể ai nghe,” ông cười với hồi ức cũng dễ chừng hơn 60 năm.
Xấu nên phải kiếm người đẹp
Một điểm chung của những người phụ nữ từng làm chàng trai bước đi từ “Kiếp Nghèo” rung động, là, họ đều là những người phụ nữ đẹp. Câu nào nhắc đến “người xưa” của ông đều phải có dính đến chữ “đẹp.” “Vì mình xấu nên phải kiếm người đẹp,” ông bảo thế, nhưng tin hay không là ở người nghe.
“Cô Hạnh Dung thì không nổi tiếng nhưng đẹp,” ông kể tiếp. “Nhớ có lần đi công tác ở Phù Cát. Sau khi biểu diễn xong rồi thì về phòng ngủ. Nói phòng chứ chỗ nhà binh thì chỉ trải chiếu ra nằm ngủ. Giữa đêm bị pháo kích, ù té chạy tán loạn. Nhớ cổ cũng chạy thấy mình thì kêu ‘Em ở đây nè, em ở đây nè.’”
Ca sĩ Hạnh Dung ở Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương, chuyên đi hát cho lính nghe. Cô không là người nổi tiếng, nhưng những bài hát ông viết trong giai đoạn quen cô là những bài hát để đời, từ “Giọt Lệ Sầu,” ‘Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi,” đến “Phút Cuối” và đặc biệt là bài hát làm “điên đảo” nhiều thanh niên trai tráng một thời: “Thành Phố Buồn.”
Với ca sĩ Minh Hiếu, người ông cho rằng “tình nghệ sĩ thôi chứ không phải đậm đà,” ông cũng mơ màng nhớ kỷ niệm xưa, “Hồi mới quen, có lần cổ rủ về nhà ăn cơm. Cổ làm dĩa gỏi, trên đó một bên cổ xếp sợi dây leo thành hình chữ MH, bên kia thì chữ LP.”
Minh Hiếu chính là nguồn cảm hứng để ông viết bài “Biển Tình” mà một người bạn tôi từng nhận xét: “Trong tất cả những bài hát của Lam Phương, ‘Biển Tình’ là bài có giai điệu lạ nhất, nghe nhạc mà cảm giác như từng đợt sóng từ ngoài khơi vỗ thẳng vào lòng mình.”
Mối tình nghệ sĩ không đậm đà với Minh Hiếu cũng ghi dấu bằng những giai phẩm thật đẹp như “Biết Đến Bao Giờ” mà lứa chúng tôi, những đứa trẻ lớn lên sau 1975, khi bắt đầu biết nghêu ngao những bản nhạc vàng thì đó lại là những câu, “Đời là vạn ngày sầu, biết tìm vui chốn nào…”
Ông kể thêm, “Chú viết bài ‘Em ơi suốt đêm thao thức vì em” (Em Là Tất Cả) là lúc chú lên nhà cổ chơi, khi ra về, cổ nói ‘nhớ mai lại nghe.’ Chỉ một câu đó mà chú có ý tưởng viết bài hát đó trong một đêm.”
Khi tôi hỏi, “Với chú, mối tình nào sâu nặng nhất, khiến chú cảm kích người đó nhất?” ông đã trả lời rất khéo, “Khó nói được lắm, vì mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau.”
Hỏi ông khi nhìn lại hết những người phụ nữ mà ông từng có tình cảm với, ông thấy đó là những tình cảm đẹp để nghĩ về hay có gì hối tiếc, ông cho rằng, “Thường là đẹp, ít người nào làm mình hối tiếc lắm. Vì khi mình thương người ta, là mình thương cái đẹp của người ta, sau khi tan vỡ, thì những điều đẹp làm mình nhớ.”
Vừa viết vừa khóc
Theo ông, những sáng tác ông viết ra rất ít sự tưởng tượng, mà hầu hết đều thoát thai từ chính những gì ông trải nghiệm, liên quan đến cuộc đời ông, mặc dù có thể đó chỉ là một cảm xúc thoáng qua, nhưng nó là của ông, không vay mượn.
“Có bài nào chú vừa viết vừa khóc không?” Tôi tiếp tục cuộc chuyện trò, đôi khi tưởng chừng lạc ra ngoài đề tài đã định.
“Có chứ. Đời chú có hai lần vừa khóc vừa viết, một lần là khi viết bài ‘Kiếp Nghèo,’ một lần là viết bài ‘Một Mình.’ Viết mà khóc, vì đó là viết cho chính thân phận mình,” ông trả lời.
Để phá vỡ không khí có phần trầm lại, tôi đưa luôn câu “Vậy có bài nào chú vừa viết vừa cười không?”
Ông cười hiền lành, và trả lời, “Không.”
“Cuộc đời chưa cười được. Ngay cả khi viết bài ‘Mùa Thu Yêu Thương’ lúc gặp bà Cẩm Hường, giai điệu nhạc vui tươi vậy nhưng nghe kỹ sẽ cũng thấy chứa trong đó nỗi buồn bàng bạc,” ông tâm sự.
“Vậy thì điều gì có thể làm chú cười vui?” – “Là những gì không làm mình buồn.” – “Thế những gì làm chú buồn?” – “Cũng không biết. Thật ra lòng mình giờ dường như lắng đọng, không gì làm mình vui cũng như buồn. Muốn vui mà không vui được, vì phải có người tạo cho mình vui, mà mình đâu có ai đâu.”
Ông lại như rơi vào một khoảng lặng sau vài câu ứng đáp thật nhanh.
“Đào hoa là do hoàn cảnh đưa tới thôi, chứ mình có muốn cũng không được, mà không muốn cũng không được. Hoàn cảnh thôi. Trời cho mình tâm hồn như vậy. Hoàn cảnh đưa tới mọi thứ. Trời cho đào hoa quá và giờ cũng cho luôn chiếc xe lăn ngồi một mình.”
Và ông lại như nói, dường như không phải chỉ để cho tôi, mà là cho hết những người thương quý ông hiểu.
Tôi nhìn người nhạc sĩ ngồi đó, đôi tay đan vào nhau, mắt lạc về một nơi nào, xa lắm. Không tấm hình nào chụp ông lúc ngồi xe lăn mà lại thiếu nụ cười, một nụ cười chưa bao giờ xuất hiện lúc ông còn trai trẻ. Nhưng, cả khi ông cười tươi lẫn lúc ông cười mỉm, đôi mắt ông cũng đều buồn, nỗi buồn định mệnh của người đào hoa. (Ngọc Lan)
Source: https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/nhac-si-lam-phuong-va-nhung-cuoc-tinh/
Học Cách Bằng Lòng
- Khi bạn cảm thấy mình muốn chết, hãy đến thăm viện ung bướu.
- Khi bạn thấy mình bất hạnh, hãy đến thăm cô nhi viện.
- Khi bạn thấy mình không có nơi nương tựa, hãy đến thăm viện dưỡng lão.
- Khi bạn cảm thấy mình nghèo khổ, hãy đến thăm trại tỵ nạn.
- Khi nào bạn thấy mình sắp bỏ cuộc, hãy nghĩ đến lý do bắt đầu.
- Khi bạn thấy cuộc đời không còn gì ý nghĩa nữa, hãy nghĩ về Mẹ.
- Bạn sẽ thấy những gì mình đang có là niềm mong ước của nhiều người khác.
- Đừng bao giờ trách "Tại sao mình không được như người ta,
trong khi nhiều người chỉ ao ước được như bạn.
- Và bất cứ ai cũng có thể tu hành để an lạc và hạnh phúc ngay
giữa đời thường, bạn cũng thế nhé.
Source: Internet.
Bóng Thời Gian
Không hình, không tuổi, không tên
Chảy ngang trần thế dệt nên tháng ngày
Không màu, không sắc hiển bày
Xuân thì thuở nọ chiều nay bạc đầu..
Thời gian, hai chữ nhiệm mầu
Là phương thuốc để quên sầu thế gian..
Thời gian, hai tiếng gian nan
Nhọc nhằn nhân loại, vội vàng đến, đi.
- Thời gian thực sự là gì ?
Thủy chung, bạc bẽo cũng vì thời gian .
Những ngày hội ngộ hân hoan..
Chén mừng chưa trọn đã tàn cuộc vui..
Thời gian chờ đợi, ngậm ngùi
Tháng ngày như thể thụt lùi đứng yên..
Khi tâm tư nặng ưu phiền
Phút giây nghe cứ dài thêm, mỏi mòn..
- Thời gian trôi cuốn, dập dồn..
Hỏi người... ai biết mất còn về đâu!
Thở vào, sống với lo âu..
Thở ra, nghiệp quấn theo sau kiếp đời..
Quyền uy, nhan sắc một thời
Thời gian thầm lặng đổi dời, phôi pha..
Chợt nghe bóng xế chiều tà..
Hư không vọng đến lời ca vô thường..
Thời gian vốn chẳng vui, buồn
Nỗi niềm riêng dệt ngàn muôn sắc màu..
- Có người ẩn sỹ rừng sâu
Cõi lòng vô niệm qua cầu thời gian..
Như mây như gió thênh thang
Thân trong trần thế, hồn tan luân hồi..
Đời mưa, nắng.. Mặc tình trôi !
Thiên thu về ngự chỗ ngồi thiên thu..
Như Nhiên -
Thich Tánh Tuệ
Source: Internet.
Ở Hiền Gặp Lành
Bửu Uyển
Từ lúc còn học Trung học, tôi đã thích nghề dạy học, thích được tiếp xúc, gần gũi với các em học sinh. Nhưng số phận lại không cho tôi đậu vào trường Sư Phạm, mà lại đậu vào trường Quốc Gia Hành Chánh.
Sự yêu thích nghề dạy học cứ theo đuổi tôi , ngay cả khi tôi đã là một viên chức hành chánh. Năm 1967, tôi được bổ nhiệm làm Phó Quận Trưởng quận Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Sự yêu thích được dạy học đã thúc đẩy tôi làm đơn gởi đến Ty Giáo Dục tỉnh Thừa Thiên, sau khi được sự chấp thuận của Trung Tá Quận Trưởng. Ty Giáo Dục Thừa Thiên đã đồng hóa văn bằng Tốt Nghiệp Quốc Gia Hành Chánh của tôi với văn bằng Cử Nhân. Và họ sắp xếp cho tôi dạy Công Dân Giáo Dục lớp Đệ Tứ và Quốc Văn lớp Đệ Ngũ tại trường Trung Học Phú Lộc. Tôi thỏa mãn với ước nguyện của mình là được sống và sinh hoạt với các em học sinh tươi trẻ . Tôi chăm chỉ giảng dạy và rất thương mến các em. Số học sinh của tôi vào khoảng 5, 6 chục em, cả nam lẫn nữ. Trong số các nam sinh lớp Đệ Tứ, tôi mến em Liêm nhất. Em thông minh, tánh tình hiền hòa, các bạn trong lớp ai cũng mến em.
Một hôm, khi đi quan sát ở ấp Hòa Mậu, thuộc xã Lộc Trì, tình cờ tôi gặp em Liêm. Em sống chung với cha mẹ nơi đó và là đứa con duy nhất của gia đình. Liêm vui vẻ mời tôi ghé thăm gia đình em. Đây là một gia đình quá nghèo, nhà cửa rách nát , xiêu vẹo. Cha mẹ em trồng khoai sắn quanh nhà , và chỉ đi làm thuê, làm mướn cho những gia đình khá giả trong làng, chứ không có công việc làm ổn định. Tôi thành thật nói với Ông Sửu, cha của cháu Liêm: " Thưa bác, nếu bây giờ bác có chút ít tiền, bác làm gì để cải thiện cuộc sống của gia đình và nhất là giúp cho em Liêm được tiếp tục ăn học? " Ông Sửu trầm ngâm một chút , rồi nói : " Thưa thầy, nếu tôi có ít tiền, tôi sẽ mua lại 2 sào ruộng ở gần nhà đây để canh tác, có thể sống được.Hai sào ruộng đó đã bị bỏ hoang từ mấy năm nay... " Sau đó, tôi đã nhờ ông Xã Trưởng liên lạc với chủ ruộng, mua lại phần đất ấy , rồi giao cho gia đình ông Sửu canh tác.
Từ khi có hai sào ruộng để cày cấy, gia đình ông Sửu bắt đầu có cuộc sống tương đối đầy đủ, không còn thiếu thốn như trước nữa.
Vào một ngày Chúa Nhật, vợ chồng tôi đi thăm một trại chăn nuôi heo và gà của Thầy Tứ ở Nam Giao. Thấy những con heo, giống Durock, da màu vàng, vừa lạ mắt vừa dễ thương. Tôi bèn nghĩ đến gia đình em Liêm, nên mua 2 con heo con, một cái, một đực, mang biếu gia đình ông Sửu. Ông Bà mừng rỡ và chăm sóc kỹ lưỡng lắm , nên heo chóng lớn. Chỉ chín, mười tháng sau, ông Sửu khoe là heo đã gần 100 kí. Ông Sửu gầy giống cho heo đẻ. Lứa đầu tiên, heo đẻ được 7 con. Trong làng chưa ai có giống heo này, nên nhiều người hỏi mua, ông không bán. Nhưng sau thấy được giá, ông bán bớt 5 con, còn để lại 2 con tiếp tục nuôi gầy giống. Riêng con heo đực, bà con trong làng xin phối giống, ông cũng thu được khá nhiều tiền.
Trong những ngày gần Tết Đinh Mùi, khi vào lớp học, tôi thấy nhiều em học sinh đã mặc áo quần mới. Nhưng em Liêm vẫn mặc áo quần bình thường như mọi ngày.
Nhân dịp cuối tuần, vợ chồng chúng tôi qua chợ Đông Ba mua cho Liêm một bộ áo quần mới, áo " sơ mi " trắng, quần dài màu xanh đậm. Hôm sau, tôi đem bộ áo quần mới này tặng cho Liêm. Em mặc vừa vặn, nét mặt vui mừng , hớn hở. Ông Sửu cảm động nói : " Cháu Liêm năm nay đã 15 tuổi, đây là lần đầu tiên cháu có một bộ áo quần mới nhân dịp Tết sắp đến, không biết nói gì cho hết để cám ơn ông bà Phó ".
Mấy tháng sau, vào một buổi trưa, ông Sửu đến tìm tôi ở quận, mặt mày buồn bã, ngơ ngác. Ông nhìn trước, nhìn sau, thấy không có ai, ông ghé sát vào tai tôi và xúc động nói : " Ông Phó ơi , thằng Liêm bị " giải phóng " bắt đi mất rồi, họ nói họ chiêu mộ thằng Liêm làm du kích chứ không có ý làm hại gì nó đâu ! " Tôi sững sờ, thương cháu Liêm, và thương ông Sửu quá vì ông chỉ có một đứa con mà thôi. Tôi miễn cưỡng an ủi ông Sửu: " Bác yên lòng, bác sống thật thà, chất phác, chắc Trời sẽ thương đến cháu Liêm mà phù hộ cho cháu ".
Khoảng năm 1968, 1969 và 1970, chính phủ giúp cho các xã, ấp trùng tu, tái thiết lại những cơ sở dân dụng công cộng như đê điều, cầu cống, đường sá, đình làng v.v. Dân chúng xã Lộc Tụ ( Quận Phú Lộc ) đã lập dự án, xin trùng tu lại đình làng của xã, do đã bị hư hại nặng nề vì chiến tranh. Đơn xin của dân chúng xã Lộc Tụ đã được Hội Đồng Bình Định Và Phát Triển tỉnh Thừa Thiên chấp thuận, được Cơ Quan Viện Trợ Mỹ ( USAID ) tài trợ.
Với ngân khoản được cấp, và với quyết tâm xây dựng lại quê hương của dân chúng, đình làng xã Lộc Tụ đã được tái thìết, đẹp đẻ, uy nghi. Hội Đồng Xã quyết định tổ chức Lễ Khánh Thành đình làng mới một cách long trọng , với sự chủ tọa của Trung Tá Quận Trưởng. Nhưng Trung Tá Quận Trưởng đã ủy nhiệm tôi thay mặt cho ông trong buổi Lễ Khánh Thành đó.
Đến ngày, giờ đã được ấn định, tôi đi đến đình làng Thừa Lưu để làm nhiệm vụ. Đình làng nằm cách quốc lộ khoảng 500 mét. Khi xe của tôi dừng lại ở đầu con đường mòn dẫn vào đình làng, tôi thấy nhiều người đứng ở đó. Tôi nghĩ là họ đứng đón tôi như những lần trước. Nhưng khi tôi vừa bước xuống xe, thì hai vị bô lão đến nắm tay tôi và nghiêm nghị nói : " Ông Phó quay về quận ngay đi, ông không nên vào đây! ".
Nhìn vẻ mặt bồn chồn, lo lắng của mọi người chung quanh, tôi hiểu, họ không muốn tôi đi vào đình làng. Hình như có vấn đề gì đó không tốt lành sẽ xảy đến cho tôi, nếu tôi đi vào đó.
Tôi vội vã lên xe quay về quận. Khi đến trụ sở xã Lộc Tụ, tôi vào văn phòng xã, xử dụng máy truyền tin của xã, liên lạc với Trung Tá Quận Trưởng, báo cáo sự việc vừa xảy ra.
Với kinh nghiệm, Trung Tá hiểu ngay có một sự việc gì đó không bình thường, có thể xảy ra ở đình làng. Ông lập tức điều động 2 trung đội địa phương quân cơ hữu của quận, một tiểu đội Cảnh sát Dã Chiến, phối hợp với một trung đội Nghĩa Quân của xã, mở cuộc hành quân bao vây khu vực đình làng Thừa Lưu. Lực lượng hành quân đã mau chóng bắt được 2 tên du kích và 3 kẻ lạ mặt tình nghi. An Ninh Quân Đội đã lấy khẩu cung và khai thác ngay 2 tên du kích . Kết quả được biết : Chúng âm mưu ám sát ngươì sẽ đến chủ tọa, cắt băng khánh thành đình làng, bằng cách bố trí 2 khẩu thượng liên, một khẩu đặt trên cây đa, một khẩu đặt trên nóc đình làng. Cả 2 khẩu thượng liên đó đều chĩa mũi vào vị trí vị chủ tọa sẽ đứng cắt băng khánh thành. Mật lệnh khai hỏa là một hồi chiêng trống từ đình làng vang lên. Trường hợp âm mưu này được thực hiện , thì vị chủ tọa cắt băng khánh thành không thể nào thoát chết được. Nếu tôi không được cảm tình của dân chúng ở đây, họ sẽ không cảnh giác, và ngăn cản tôi đâu, có lẽ ngày đó tôi đã chết ở đình làng Thừa Lưu rồi.
Ngày 30 tháng 8 năm 1970, toàn quốc tổ chức bầu cử bán phần Thượng Viện. Cuối ngày , tôi có nhiệm vụ áp tải tất cả thùng phiếu của Quận Phú Lộc về Tòa Hành Chánh tỉnh để kiểm phiếu. Đoàn xe chở thùng phiếu gồm nhiều chiếc, một xe bọc thép ( chạy bằng bánh cao su) dẫn đầu, kế đến là một xe GMC chở thùng phiếu, sau đó là 2 xe GMC chở Nghĩa Quân theo hộ tống. Khi đoàn xe đến một khoảng đồng trống gần xã Lộc Điền ( truồi ) thì bị VC phục kích. Chúng bắn cháy chiếc xe bọc thép dẫn đầu, nhưng bị các nghĩa quân phản ứng dữ dội, chúng phải rút lui, không kịp phá chiếc xe chở thùng phiếu. Tôi hoảng sợ, nhảy ra khỏi xe, rồi lăn xuống một cái rãnh cạn bên đường.. Tôi nghĩ rằng càng xa chiếc xe chở thùng phiếu , thì càng an toàn, nên tôi bò vào những bụi rậm gần đó. Quá lo sợ, trời lại tối nên tôi không nhận ra được phương hướng nào nữa. Tôi cứ cắm đầu, cắm cổ bò. Khi tôi bò đến một khoảng đất có nhiều bụi gai, thì một tiếng nói vang lên, tuy nhỏ nhưng rõ ràng : " Ông Phó ! ông Phó ! dừng lại ngay, ông đi về hướng đó là chết, chúng nó bố trí dầy đặc ở đó. " Phản ứng tự nhiên, tôi dừng lại, nhìn quanh xem ai đã nói với tôi câu đó. Nhưng tôi rụng rời kinh hải khi một du kích xuất hiện, tay lăm lăm khẩu súng AK47. Anh ta lôi tôi xuống một hố cá nhân gần đó, rồi lễ phép nói : " Thưa thầy, em là Liêm đây, thầy đừng sợ, thầy cứ nằm dưới hố cá nhân này , ém đến sáng, khi nào có lính quận đến, rồi hãy ra. Em đi đây. " Anh ta biến mất sau những bụi rậm.
Đang nằm dưới hố, bỗng tay tôi chạm vào một con vật gì lạnh ngắt. Tôi rùng mình sợ hãi, vì nghĩ rằng đó là một con rắn. Trong hoàn cảnh nầy mà bị rắn độc cắn., thì vô phương cứu chữa. Nhờ một chút ánh sáng le lói của mãnh trăng hạ tuần từ trên cao rọi xuống, tôi thấy đó là một con nhái chứ không phải con rắn. Tôi bắt con nhái , rồi nhẹ nhàng thả nó lên miệng hố. Tôi thì thầm với nó : " Nhái ơi, tau cứu mầy đấy nhé ! đi về nhà đi, kẻo cha mẹ mầy trông ! "
Tôi chợt nghĩ số phận của tôi, rồi sẽ ra sao đây. Tôi nhắm mắt lại và lâm râm cầu nguyện : " Lạy Chúa, lạy Mẹ. con xin phó thác mạng sống của con trong tay Chúa, trong tay Mẹ. Xin Chúa, xin Đức Mẹ che chở, phù hộ cho con ! " Tự nhiên tôi thấy bớt sợ hãi, và trong đầu óc tôi, bắt đầu nhen nhóm chút hy vọng.
Tôi nằm im dưới hố, nhưng câu nói của chú du kích mà tôi không nhìn rõ mặt, cứ văng vẳng bên tay tôi: " Thưa ông Phó, em là Liêm đây, thầy đừng sợ! ". Liêm là ai trong hàng ngũ địch quân mà lại cứu tôi. Đầu óc tôi rối loạn . Quá mệt mõi, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Tôi giật mình thức giấc, mơ hồ nghe như có tiếng bước chân đi trên lá khô. Nhìn qua kẽ lá ngụy trang trên miệng hố, tôi thấy Đại Úy Thuật, Chi Khu Phó, mặc đồ trận, tay cầm khẩu M16, dẫn đầu một toán lính, đi hàng ngang, đang tiến về phía tôi. Tôi mừng rỡ , la thật lớn : " Đại Úy Thuật, tôi đây ! " Đại Úy Thuật dừng lại , đứng im một lát rồi hô lớn : " Ai đó! lập lại đi !.. " Tôi dùng hết sức mình, kêu lớn : " Đại úy Thuật, tôi đây, Phó Uyển đây ! " Đại úy Thuật và một nghĩa quân đến kéo tôi từ dưới hố lên. Tôi không đi được, nên một anh nghĩa quân phải cõng tôì đi về hướng quốc lộ.
Đại Úy Thuật đã báo cáo sự việc với Trung Tá Quận Trưởng, nên khi chúng tôi vừa ra đến quốc lộ, đã thấy Trung Tá Quận Trưởng đứng đón tôi ở đó. Ông ôm chầm lấy tôi và cảm động nói : " Chúc mừng ông Phó, tôi cứ nghĩ là ông Phó đã bị tụi nó bắt đi rồi ! ".
Trung Tá Quận Trưởng cho xe đưa tôi lên nhà tôi ở Huế ngay. Bước vào nhà, tôi quá xúc động, ôm nhà tôi vào lòng, và chỉ nói được một tiếng " Em " khi nghĩ lại những sự việc đã xảy ra đêm hôm qua.
Ngay khi ấy, nhiều xe hơi dừng lại trước nhà tôi. Đại Tá Tỉnh Trưởng, Ông Phó Tỉnh Trưởng, nhiều vị Trưởng Ty và vài nhân viên tháp tùng Đại Tá, đến thăm tôi. Đại Tá thân mật nắm tay tôi và nói : " Chúc mừng ông Phó, thấy ông Phó trở về bình an, tôi mừng lắm ! Tối hôm qua, khi nhận được tin chẳng lành, tôi đã điện thoại cho Cha Trinh ở Giáo Xứ Phú Cam, nhờ Cha dâng một Thánh Lễ, xin bình an cho ông Phó . Thật bất ngờ, sáng nay nghe tin ông Phó an toàn trở về, tôi vui mừng lắm ! "
Mọi ngươì đến bắt tay chúc mừng tôi. Thì ra việc tôi mất tích đêm hôm qua, đã gây xúc động cho các giới chức tỉnh Thừa Thiên. Nay thấy tôi bình an trở về, ai cũng vui mừng. Nhưng không một ai biết lý do nào đã giúp tôi an toàn trở về.
Khi những vị khách đã ra về, nhà tôi đến bên tôi, ngạc nhiên hỏi : " Anh, có chuyện gì vậy ? " Tôi vỗ vỗ vào vai nhà tôi và nói : " Anh sẽ kể cho em nghe , chuyện dài dòng lắm ! "
Năm 1971, tôi được thuyên chuyển đi làm Phó Quận Hương Thủy. Cuối năm 1972, tôi được điều động ra làm Phó Tỉnh Trưởng Quảng Trị. Tháng 12 năm 1973, tôi lại được đổi vô làm việc ở tỉnh Phong Dinh ( Cần Thơ ) cho đến ngày mất nước. Tôi đi tù cải tạo cho đến 1982 mới được cho về.
Gia đình tôi đi dịnh cư ở Mỹ theo diện HO từ tháng 11/1992.
Năm 2008, được tin bà mẹ nuôi của tôi đau nặng. Bà đang ở Vỹ Dạ, Huế. Năm ấy bà đã gần 100 tuổi. Vợ chồng chúng tôi vội vã về thăm bà. Ngoài thuốc men đầy đủ, mỗi ngày nhà tôi nấu cháo, hầm súp cho bà thời. Thật vui mừng, vì chỉ mấy ngày sau, bệnh tình của bà mẹ nuôi của tôi đã thuyên giảm, ăn uống bình thường, nói cười vui vẻ.
Một hôm, chúng tôi nhận được điện thoại của chị Cam Đường, bạn học cùng lớp với nhà tôi , mời chúng tôi xuống Cầu Hai chơi, nhân dịp làng tổ chức cúng vị Thần Hoàng của làng. Chị ấy cho biết là vui lắm, ở xa về mà gặp dịp nầy là hên lắm đó ! Chúng tôi nhận lời mời của chị Cam Đường ngay, và hứa sẽ xuống Cầu Hai đúng ngày, giờ. Chúng tôi thuê một xe nhỏ để đi. Nhà tôi còn rủ thêm 2 người bạn nữa, cùng đi với chúng tôi.
Đã được báo trước, nên khi xe vừa đến chợ Cầu Hai , đã thấy chị Cam Đường đứng đón chúng tôi. Chị ấy dẫn chúng tôi đến đình làng Đông Lưu ( Cầu Hai). Hôm nay là một ngày hội lớn của làng. Cờ đuôi nheo được treo khắp nơi. Dân làng hớn hở, tấp nập tụ tập ở đình làng.
Chúng tôi vào ngồi ở hàng ghế cuối cùng của Giang Đại Sảnh. Trước mặt chúng tôi là một bàn thờ lớn, hoa quả, hương đèn rực rỡ; một con heo quay vàng rộm, đặt trên một cái bàn ở trước bàn thờ. Vừa ngồi yên chỗ, một hồi chuông, trống bát nhã vang lên rộn rã, báo hiệu giờ hành lễ sắp đến. Một vị bô lão, mặc áo rộng xanh, đầu đội khăn đóng, bước ra nói với bà con tham dự lễ Chạp đang ngồi trong đại sảnh: " Thưa quí vị quan khách, thưa quí bà con, hôm nay chúng ta tụ họp nơi đây để cử hành lễ " Chạp ", kính ngày húy kị Ngài khai canh của vùng đất mà chúng ta đang sống. Với lòng thành kính và biết ơn, chúng ta sẽ cử hành những nghi lễ cổ truyền mà ông cha chúng ta đã truyền lại cho con cháu, để dâng lên Ngài khai canh. Trước khi cử hành các nghi lễ, chúng tôi xin giới thiệu một số quan khách đã đến tham dự ngày giỗ " Chạp " hôm nay. Chúng tôi xin giới thiệu Ông Phó Chủ Tịch Huyện Phú Lộc, chúng tôi xin giới thiệu Ông Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Xã Lộc Trì, chúng tôi xin giới thiệu vị Đại diện Mặt Trận Tổ Quốc huyện Phú Lộc, chúng tôi xin giới thiệu đồng chí Lê Văn Liêm, Chỉ huy quân sự xã Lộc Trì.. "
Vừa nghe vị bô lão xướng tên Lê Văn liêm, tôi sững sờ tự hỏi : " Đây có phải là em Liêm, học trò của tôi ngày trước không ? ". Vừa vui mừng, vừa phân vân, tôi đi đến trước mặt người đàn ông vừa đứng dậy chào bà con khi được xướng tên là Lê Văn Liêm. Đứng trước mặt anh ấy, dù đã 41 năm trôi qua, tôi vẫn nhận ra ngay đây là em Liêm , người học trò của tôi ngày xưa, mà tôi thương mến. Tôi cảm động nói với Liêm : " Em Liêm, em có nhận ra tôi không ? Tôi là thầy Uyển đây " Chàng thanh niên sau một khoảnh khắc ngơ ngác, đã ôm chầm lấy tôi: " Ông Phó , ông Phó.." Liêm nghẹn ngào, không nói thêm gì được nữa, hai hàng nước mắt chảy dài xuống má "..
Liêm quên mình đang đứng giữa đình làng, và có nhiều người hiện diện nơi đây, anh quay xuống hàng ghế kế cận và vui mừng gọi lớn : " Ba ! ông Phó đây nè! "
Một cụ già mặc áo dài đen, bịt khăn đóng, đứng bật dậy, chạy đến ôm chầm lấy tôi. Ông cảm động thì thầm bên tai tôi: " Ông Phó, ông còn sống, tạ ơn trời đất " Đôi mắt ông đỏ hoe..
Liêm nói với vị bô lão điều khiển chương trình: " Thưa bác Hương Cả, tình cờ hôm nay, chúng tôi gặp lại một người bà con thân thiết của gia đình, đã thất lạc gần 50 năm nay. Xin bác cho phép gia đình chúng tôi về nhà trong chốc lát, chúng tôi sẽ trở lại ngay. "
Liêm và ông Sửu kéo tay tôi ra ngoài. Ông bà Sửu cứ nắm chặt tay tôi, như sợ tôi biến đi mất ( ? )
Nhà của ông bà Sửu bây giờ là một căn nhà gạch, lợp toles, không còn là một căn nhà lá lụp xụp như xưa nữa. Bước vào nhà, chúng tôi vừa ngồi xuống ghế, bỗng ông bà Sửu và Liêm quì xuống trước mặt chúng tôi, rồi cùng cúi gập người , lạy 3 lạy, trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Tôi đỡ ông bà Sửu đứng dậy, và cảm động nói : " Hai bác làm gì vậy? Sao lại dành cho chúng tôi sự tôn kính quá to lớn như vậy ? Chúng tôi có công lao gì để xứng đáng nhận đại lễ này ? ". Ông Sửu nói ngay: " 3 lạy nầy cũng chưa xứng đáng với công ơn mà ông Phó đã dành cho gia đình tôi " Ông chỉ ra đám ruộng ngoài xa, xanh mướt, mới trổ đòng đòng. Ông chỉ vào đàn heo đông đúc ở cuối vườn, ông chỉ vào căn nhà...và nói : " Tất cả của cải nầy là của ông Phó đã cho gia đình tôi . "
Tôi thân mật cầm tay ông Sửu và nói : " Bác Sửu ơi, 2 sào ruộng và mấy con heo , có đáng gì so với ân huệ to lớn mà cháu Liêm đã dành cho tôi ! ". Liêm vội ngắt lời tôi: " Thưa thầy, chuyện xảy ra đêm hôm ấy, không một ai hay biết. Vậy em xin thầy hãy quên chuyện ấy đi, em cám ơn thầy! " Ông Sửu không biết chuyện gì, chỉ trố mắt nhìn tôi và Liêm. Rồi ông nói tiếp : " Năm 1971 nghe ông Phó đổi lên quận Hương Thủy,chúng tôi có lên đó tìm ông Phó. Nhưng ở quận Hương Thủy cho biết ông Phó đã đổi ra Quảng Trị. Chúng tôi lại ra Quảng Trị, mong gặp được ông Phó , nhưng lúc đó, ông Phó đã đổi vô tỉnh Phong Dinh-Cần Thơ, tận trong Nam....cho đến 30 tháng 4 năm 1975, chúng tôi không hề biết tin tức gì về ông Phó nữa! Từ đó, chúng tôi chỉ sống với kỷ niệm, với lòng biết ơn và thương nhớ ông Phó. Chúng tôi cứ nghĩ là ông Phó đã chết, nên cha con chúng tôi thiết lập một bàn thờ, để thờ ông Phó. Trên bàn thờ không có ảnh, không có bài vị, chỉ có hai chữ " Ông Phó " do cháu Liêm viết lên một tấm bìa cứng. Tuy đơn sơ như thế, nhưng mỗi ngày, vợ chồng, cha con chúng tôi đều thắp nhang lên bàn thờ để tưởng nhớ đến ông Phó. "
Bà Sửu tiếp lời ông Sửu: " Thưa ông Phó, ngày hôm nay được gặp lại ân nhân của gia đình chúng tôi, chúng tôi sẽ bắt gà, bắt vịt nuôi trong nhà để làm một bữa cơm thiết đãi ông bà Phó và các vị cùng đi. Ngày hạnh phúc hôm nay, chúng tôi đã trông chờ gần 50 năm rồi đó ".
Nhưng một người bạn của nhà tôi, chị Như Quê nhắc nhỡ: " Anh chị Uyển ơi, chúng ta đã hẹn với các bạn ở Huế, trưa nay tụi mình sẽ dùng cơm với các bạn, mà bây giờ đã hơn 11 giờ rồi. Chúng ta nên xin phép hai bác Sửu, đi lên Huế kẻo các bạn chờ. "
Tôi đành phải cáo lỗi với ông bà Sửu và cháu Liêm. Ông Sửu buồn buồn nói với chúng tôi : " Gặp lại ông bà , chúng tôi vui mừng khôn xiết, mà ông bà đã vội ra đi, biết khi nào mới gặp lại ông bà. " Tôi an ủi ông bà Sửu: " Vì chúng tôi đã hẹn trước với các bạn, chúng tôi phải có mặt ở Huế trưa nay. Chúng tôi sẽ về thăm hai bác và cháu Liêm. " Ông bà Sửu và cháu Liêm , bùi ngùi từ biệt chúng tôi..Khi mọi người đã lên xe, chúng tôi vẫn thấy gia đình ông Sửu buồn bã nhìn theo.
Chiếc xe con chở chúng tôi đã chạy đều trên quốc lộ, hướng về Huế. Bỗng chị Hồ Thị Hảo, một người bạn của nhà tôi, nói với mọi người trên xe : " Hôm nay, chúng tôi tình cờ biết được câu chuyện của anh Uyển và gia đình ông Sửu. Câu chuyện làm chúng tôi ngạc nhiên và xúc động lắm, nhất là đoạn kết, lại rất có hậu, làm chúng tôi nhớ đến vài câu ca dao, tục ngữ của quê hương mình, thật hay, thật đúng , như câu : " Trồng cây ngọt thì được ăn trái ngọt " hoặc câu : " Gieo nhân nào thì gặt quả ấy " hay câu: " Ở hiền thì gặp lành "...Xin chúc mừng anh.
( Tháng 1-2018)
Source: Internet.
Thứ Năm, 22 tháng 3, 2018
GIÀ KHÚ ĐẾ!
Bs Đỗ Hồng Ngọc
1. “Già khú” là giai đoạn một, thêm một bước nữa thì gọi là “già khú… đế”. Khú, Từ diển tiếng Việt bảo là “để thâm lại và có mùi hôi”, thí dụ dưa khú, tức là một thứ dưa để lâu quá, sắp hư. Khú đế là “vua” của khú, hơn hẳn các khú!
Thật là một sai lầm lớn khi ta nghĩ rằng già sẽ đến từ từ, cứ từ từ mà thích nghi, mà giải quyết mọi chuyện lần lượt.. Không đâu. Già nó xồng xộc trên trời rơi xuống, dưới đất vọt lên. Không những xồng xộc nó còn gia tốc, tàn bạo như cơn sóng vỗ vào bờ đá, vội vã để mau chóng nhập vào dòng nước cuồn cuộn đuổi theo sau. Nó mạnh mẽ và tàn nhẫn, tung tóe, tan tác, lắng chìm, không một chút xót thương. Nó lãnh đạm bởi nhiệm vụ nó phải thế. Nó thú vị bởi nó không phân biệt. Giàu nghèo sang hèn, da trắng da đen… Còn ta, ta chần chờ, chểnh mãn, làm ngơ… Hãy đợi đấy. Đi đâu mà vội… Không đâu! Một hôm già bỗng chuyển hệ sang già…khú, rồi khú đế đột ngột làm đảo lộn mọi thứ tính toan. Quên tuốt những ký ức, lẫn lộn điều nọ với điều kia, thứ này với thứ khác, tai không nghe rõ, nói không trôi chảy, mắt không nhìn tinh… như làn sóng đã bắt đầu tung tóe!
Già đến đột ngột và tàn bạo. Như một cơn động đất, không cần phải hỏi han, không cần báo trước.. Như một cơn bão dữ, thổi ào qua, cuốn tất cả không thương tiếc. Khi nó khú đế, nó sẵn sàng làm ta trở nên lố bịch, buồn cười, ngớ ngẩn, đáng thương.. Khi nhìn quanh những người già khú đế mà… còn khỏe, ta nghĩ ta chắc cũng sẽ như họ. Còn lâu. Số người như vậy rất hiếm.
Nhưng, như vậy phải chăng làm ta sẽ nhìn đời bi quan ? Không đâu. Trái lại. Nó làm cho cuộc sống của ta có chất lượng hơn, có ý nghĩa hơn. Người ta không cảm nhận được thời gian vì thực ra chẳng có thời gian.
2. Thỉnh thoảng gặp người bạn thân lâu ngày chưa gặp lại, thấy bạn sao mà nhăn nheo, già khú, hỏi mới biết còn nhỏ hơn mình vài tuổi! Bạn kể cho nghe chuyện đôi khi gặp lại « người xưa » của bạn, tưởng tình ngỡ đã quên đi như lòng cố lạnh lùng, người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang… Ai dè không vậy. Đôi mắt huyền xưa, chiếc mũi dọc dừa… bây giờ khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang; vai gầy guộc nhỏ, từng ngón xuân nồng bây giờ chuối ngự…. Còn ta thì sao? Nguyên Sa bảo ta chỉ có thể đo đếm tuổi mình qua ánh mắt cố nhân. Thử nhìn vào gương. Có gì khác lạ đâu nào? Ấy là bởi mình quen nhau quá rồi nên chẳng kịp thấy đổi thay. Thế nhưng, đã không còn những dấu chân chim ở khóe mắt mà hằn sâu như vạn lý trường thành… Khóe miệng thì nặng nề trễ xuống như bị sức hút của quả đất. Ở một nơi không có trọng lực chắc không đến nỗi?
Bạn nhắc toàn chuyện nửa thế kỷ trước… Nào đi cắm trại Suối Lồ Ồ với Nguiễn Ngu Í, Lê Phương Chi, Hồ Xích Tú, Nguyễn Công Thuần, Quách Giao…, nào lang thang chợ sách vỉa hè Saigon, “truy lùng” sách quý, nào cà phê chiều tím, chiều nhớ thương ai… Mấy đứa cháu nội mười bảy mười tám ra vòng tay chào bác, chào bác… Bạn quắc mắt: “Ông” chớ sao lại bác! Thấy chưa, tụi nó gọi ông bằng ông nội mà gọi tui bằng bác, thấy chưa?
Bạn có khoảng đất rộng chơi cây kiểng một thời. Cả một vườn mai vàng rực cho những ngày Tết nay đà xơ xác. Căn nhà rộng đã nhường cho các con, cất một mái nho nhỏ bên cạnh như một cái am cốc, một tủ sách, một cái TV, và nhất định không xài điện thoại di động, vi tính… Đủ rồi đó, nay mai, sẽ dọn dần về những căn nhà nhỏ hơn, nhỏ hơn nữa. Rồi cùng mà cười. Bạn nói đã làm xong di chúc. Và cũng đã căn dặn, rải xuống sông Soài Rạp, quê nhà.
********
Nhưng thật lạ lùng, bạn bè cũ cứ ngồi với nhau một lúc nhắc những chuyện xưa bỗng dưng ai nấy đều trẻ lại không ngờ. Trẻ như không hề có thời gian.
Muốn tìm lại tuổi trẻ,
Cứ đi kiếm bạn già!
Chuyện xưa như pháo nổ,
Tuổi trẻ về tà tà
Thân người dùng quá đát,
Bệnh tật tới phà phà!!!
Chữa đây, nẩy ra đó?
Bực mình cười ha ha.
Chẳng chữa, xây kim tĩnh!
Quên quá, thì cứ khà,
Tụ tập khú và đế,
Bên nhau, ta với ta.
Xin chuyển tới các bạn lớn tuổi các lời khuyên này:
10 phương cách ngừa té của người tuổi trên 60....
Advice To All Seniors. Study in United States shows over 51% of old people fall down from climbing stairs. Every year, many Americans are killed by climbing stairs.
Experts Reminder: After 60 years of age, these 10 actions should be avoided:
*1) Do not climb staircase. If must climb, hold on firmly to staircase railings.
Đừng lên lầu. Nếu cần, nên vịn chắc vào thành thanh lầu
[ No, no! Please do climb staircase! It's the best exercise for your body. However, do hold on to the handrail !
*2) Do not rapidly twist your head. Warm up your whole body first.
Đừng vội vả quay đầu. Tập cho toàn cơ thể ấm trước
Đừng vội vả quay đầu. Tập cho toàn cơ thể ấm trước
*3) Do not bend your body to touch your toe. Warm up your whole body first.*
Đừng khum người để với đụng ngón chân. Tập cho toàn cơ thể ấm trước
Đừng khum người để với đụng ngón chân. Tập cho toàn cơ thể ấm trước
*4) Do not stand to wear your pants. Wear your pants while sitting down
Khi mặc quần, nên ngồi xuống
*5) Do not sit up when lying face up. Sit up from one side (left hand side, or right hand side) of your body.
Đừng ngồi dậy khi mặt nhìn lên trên.. Nên chống tay ngồi nghiên lên 1 bên trước đả
*6) Do not twist your body before exercise. Warm up whole first.
Đừng vặn người trước khi tập thể dục. Tập cử động cho toàn cơ thể ấm trước
*7) Do not walk backwards. Falling backwards can result in serious injury.*❤
Đừng đi ngược ra sau lưng. Ngả ngược ra sau lưng, có thể gây thương tích nặng
Đừng ngồi dậy khi mặt nhìn lên trên.. Nên chống tay ngồi nghiên lên 1 bên trước đả
*6) Do not twist your body before exercise. Warm up whole first.
Đừng vặn người trước khi tập thể dục. Tập cử động cho toàn cơ thể ấm trước
*7) Do not walk backwards. Falling backwards can result in serious injury.*❤
Đừng đi ngược ra sau lưng. Ngả ngược ra sau lưng, có thể gây thương tích nặng
*8) Do not bend waist to lift heavy weight. Bend your knees and lift up heavy object while half squatting.
Đừng khum lưng khiên đồ nặng. Cong đầu gối, khum chàng hảng khi khiên vật nặng
Đừng khum lưng khiên đồ nặng. Cong đầu gối, khum chàng hảng khi khiên vật nặng
*9) Do not get up fast from bed. Wait a few minutes before getting up from bed.
Đừng nhổm dậy quá lẹ trên giường. Chờ vài phút trước khi ra khỏi giường
Đừng nhổm dậy quá lẹ trên giường. Chờ vài phút trước khi ra khỏi giường
*10) Do not over force defecation. Let it come naturally..
Đừng ráng rặn khi đại tiện. Để nó ra tự nhiên!
Đừng ráng rặn khi đại tiện. Để nó ra tự nhiên!
Ghi chú : Có bạn trách sao thấy cứ viết đề tài trẻ con hoài! Vậy nên, có bài “Già khú… đế” này riêng tặng bạn bè tôi, những người đang hoặc sẽ… “khú đế”.. Trên 70 tuổi mới nên đọc…
Source: Internet.