Thứ Ba, 19 tháng 1, 2010

QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA TỪ THỜI GIA LONG TRIỀU NGUYỄN CHO TỚI PHÁP THUỘC & SAU NĂM 1954.


Quần đảo Hoàng Sa (Paracel) và Trường Sa (Spratly) nằm trong vùng biển Nam Trung Hoa (South China Sea). Trước khi Gia Long chọn Phú Xuân (Huế) làm kinh đô, chẳng nước nào dòm ngó mấy hòn đảo của hai quần đảo này cả . Đến khi Nguyễn Ánh thống nhứt sơn hà và lên ngôi Hoàng Đế năm 1802, chọn Huế làm kinh đô, Ngài cảm thấy cần bảo vệ an ninh cho Đế Đô từ phía đông, bằng cách cho chiếm nhiều quần đảo Hoàng Sa, đồng thời cho người vẽ lại bản đồ chi tiết quần đảo này . Khi sai sứ đi tấn phong ở Bắc Kinh, đã cho nộp luôn bản đồ vùng Hoàng Sa . Nhà Thanh nhận những tài liệu này đồng thời cũng thừa nhận luôn chủ quyền của nhà Nguyễn đối với quần đảo Hoàng Sa .

Đến năm 1858, khi Pháp xâm chiếm bán đảo Đông Dương làm thuộc địa, Ba-Lê đã ký kết với Bắc Kinh hòa ước, theo đó triều đình nhà Thanh, công nhận người Pháp giữ quyền bảo hộ Việt Nam . Người Pháp cho xây dựng bia chủ quyền và thiết lập đài khí tượng trên một trong các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa .

Năm 1899, Toàn quyền Paul Doumer ký nghị định thiết lập một ngọn hải đăng trên một trong mấy hòn đảo lớn . Năm 1932, nghị định 156-SC, thiết lập đơn vị hành chánh 'Delegration des Paracels' trực thuộc tỉnh Thừa Thiên . Cũng vào thời gian này, một công ty người Pháp được quyền khai thác phân chim hải âu trên các đảo, đem về Pháp biến chế thành phân bón nông nghiệp .

Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa được tái xác nhận khi toàn Quyền Đông Dương Brevier, ký nghị định phân chia ranh hành chánh của Liên bang đông dương .

Đến chiến tranh thế giới thứ 2, phe Đồng minh gồm: Mỹ - Anh - Pháp - Nga - Trung Cộng chống lại phe trục gây chiến gồm: Đức - Ý - Nhật . Với chính sách Đại Đông Á, Nhựt xua quân chiếm hầu hết các nước trong vùng và còn dòm ngó cả Úc Châu nữa, tuy nhiên càng về cuối năm 1945, phe Trục càng bị đánh bại dần . Ở Châu Âu, Đức đã bị đẩy lui dần và cuối cùng Bá Linh bị thất thủ . Riêng đối với mặt trận Đông Nam Á và Thái Bình Dương, ngày mùng 6 & mùng 8 tháng 8 năm 1945, tổng thống Hoa Kỳ Truman ra lệnh ném hai quả bom nguyên tử sang bằng hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, Nhựt Hoàng đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện vào ngày 15-8-1945. Lợi dụng sự giải giới Nhật Trung Hoa đưa hải quân chiếm lấy nhóm Bắc Đảo (Amphitrite) của quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo Phú Lâm là đảo lớn nhứt của quần đảo này (Trung Hoa gọi quần đảo Hoàng Sa là Tây Sa). Họ phá hủy tất cả bia chủ quyền, cùng những di tích Việt Nam có từ thời Gia Long triều Nguyễn và đồng thời cho xây dựng công sự phòng thủ với vài chục khẩu đại bác 105 ly, cùng một tiểu đoàn thủy quân lục chiến trấn giữ đảo .

Tương tự như hành động xâm lăng quần đảo Hoàng Sa của Trung Cộng, cuối thập niên 1950, Đài Loan đã đưa lực lượng hải quân xâm chiếm đảo ITUABU, hòn đảo lớn nhứt trong quần đảo Trường Sa (Trung Cộng gọi là đảo Nam Sa).

Đến khi Pháp trả lại độc lập cho VNCH năm 1954, hải quân của nền đệ I Cộng Hòa, đưa quân ra tiếp thu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì sự kiện đã rồi . VNCH chỉ còn cách là xây dựng lại bia chủ quyền và đài khí tượng trên các đảo thuộc nhóm Nguyệt Thềm (Crescent Group). Đó là các đảo Hoàng Sa, đảo Quang Hoà (Duncan), đảo Cam Tuyền (Robert), đảo Tri Tôn (Triton), Đảo Duy Mộng (Dummond), Đảo Vĩnh Lạc (Money), đảo Bạch Quy (Passu Koah). Sau đó, chánh phủ VNCH đưa nhân viên điều hành đài khí tượng, cùng quân trú phòng ra trấn giữ đảo, đồng thời hải quân VNCH cũng có trách nhiệm đi tuần tiễu quanh các đảo để bảo vệ .

Chánh phủ VNCH cũng đã gởi Công hàm tới Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, để phản đối Trung Cộng và Đài Loan xâm chiếm đảo trái phép . Lúc bấy giờ, dự luận quốc tế cũng chú ý tới vấn đề này, nhưng rồi công việc phản kháng của Chánh phủ VNCH cũng chẳng đi tới đâu . Trung Cộng vẫn chiếm giữ các đảo của nhóm Bắc Đảo (Amphitrite) và VNCH thì giữ các đảo thuộc nhóm Nguyệt Thềm (Crescent Group). Đối với quần đảo Trường Sa, Đài Loan vẫn chiếm giữ đảo ITUABU, còn VNCH vẫn giữ các đảo Trường Sa, Sinh tồn, Song Tử Đông, Song Tử Tây, Sơn ca, Nam Yết ...

Sự tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn duy trì trong tình trạng hiện tại .

(TRÍCH TÀI LIỆU CỦA BÃO BIỂN ĐỆ NHỊ HẢI SƯ, THÁI VĂN A - HẠM ĐỘI HẢI QUÂN, QUÂN LỰC VNCH, HẢI CHIẾN HOÀNG SA - 1990)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.