Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010
Sa La Lu Du Ký - 12
Tính từ sau chuyến du hý đến giờ cũng đã gần 2 tháng trời, thời gian qua thật nhanh, niềm cảm xúc cũng vơi dần lại thêm công việc dồn dập và lại là mua câu cá snappers (bao đêm thức khuya dậy sớm ...), nên tiểu mỗ đã lãng đi cái chuyện Sa La Lu ... Bỗng nhận được email của một cô bạn trong nhóm hỏi thăm sao lâu rồi chẳng thấy tiểu mỗ ký tiếp hồi kế. Thôi thì sẵn đang có một vài suy nghĩ khi nghe qua vài lời tâm sự của một anh bạn, tiểu mỗ xin ký tiếp tặng cô bạn đã nhắc tiểu mỗ và cũng đểt tặng bà con ai chưa thấy chán mấy dòng lăng nhăng ký của tiểu mỗ ...
LA đã từ lâu không có một trận mưa ...
Một hôm tụi này chở nhóm phụ nữ đến một khu shopping trên đường đi Sea World, sau đó cánh đàn ông gom xe lại cùng với đám con nít đi Sea Word. Trên đường đi Sea Word, nói đủ thứ chuyện với chú của P thì mới biết một điều lạ là đã 6-7 năm rồi LA không hề có một cơn mưa. Tiểu mỗ rất ngạc nhiên hỏi chú làm sao cây cối ở đây sống được, chú bảo rằng ở đây sương mù nhiều vì thế có thể cây cối sống bằng sương mù... Thật sự ra LA không nhiều cây cối cho lắm, nếu ai đang sống ở các thành phố ven biển bên Úc khi sang LA chắc sẽ lấy làm lạ là núi đồi và ngay cả những vùng sát biển cũng chẳng có mấy cây cối. Cây ở đây nhiều nhất là cây chà là (palm tree), kế đến là cây thông có lẽ những cây này không phải là cây tự nhiên mà được thiên hạ trồng.
Giàu nghèo cách biệt
Một điều đập vào mắt của tiểu mỗ là sự cách biệt khá rõ ràng giữa giàu và nghèo ở Mỹ. Anh bạn của tiểu mỗ một hôm trên đường đi tham quan LA có chở tiểu mỗ qua khu gia cư của những người giàu nhất nước Mỹ (Newport Coast). Chắc phải gọi khu này là "Biệt thự cư" mới đúng vì nhà ở khu này toàn là mansion rộng mênh mông bát ngát, có căn chiếm nguyên một quả đồi. Căn nào cũng có nhân viên bảo vệ canh ở trước cổng. Chắc ai cũng biết nước Mỹ là nơi những người giàu nhất thế giới cư ngụ, vì thế nếu khu này là khu giàu nhất nước Mỹ thì có nghĩa đa phần họ là những người giàu nhất thế giới rồi còn gì.
Nói đến sự giàu ở LA bây giờ đề cập đến sự nghèo để chúng ta thấy được sự khác biệt. Cách khu nhà trọ của tiểu mỗ không xa, nhà cửa vừa nhỏ vừa thấp lè tè, tiểu mỗ ở Melbourne, nếu gọi là khu nhà nghèo nhất mà tiểu mỗ nhìn thấy là một số nhà ở vùng Braybrook, nhưng chỉ là hồi xưa thôi bây giờ khu Braybrook cũng đã khang trang lắm rồi nên tiểu mỗ khó tìm ra một khu nào ở Úc này để so sánh được với khu nhà (tạm gọi là) nghèo ở LA. Ở Úc nếu vào các tiệm ăn hoặc những khu shop, chẳng mấy khi chúng ta nhìn thấy những vị cao niên phải chạy bàn hay làm công ở những nơi này, nhưng ở Mỹ thì tương đối nhiều. Tiểu mỗ có nói chuyện với một số người mới biết lương bổng cho giới làm việc tay chân ở bên Mỹ cũng thấp hơn ở Úc. Ở LA còn có những công việc thật khó nuốt (tough job), thời tiết LA vào ban ngày nhất là vào giờ trưa chắc cũng không kém gì Sài Gòn thế mà có những anh phải mặt đồ kín từ đầu đến chân giả con gà con khỉ cầm mấy cái bảng quảng cáo lúc lắc không ngừng. Nghe đâu chỉ được trả 3-4 đô một giờ gì thôi. Thế mới biết hệ thống an sinh xã hội và những dịch vụ chăm sóc người lớn tuổi ở Úc khá hơn nhiều.
Người Việt gốc Hoa & người Việt gốc Việt ai Việt hơn ai?
Trước khi đề cập đến chuyện này tiểu mỗ xin kể về những cái "Duyên Việt Hoa" mà tiểu mỗ từng gặp.
Tiểu mỗ quen rất nhiều bạn người Việt gốc Hoa, không biết duyên tiểu mỗ thế nào mà thường tiểu mỗ chơi rất thân với những người bạn này, mặc dầu đa số tiếng Việt của họ không rành. Hồi ở Sài Gòn, một trong những anh bạn người Hoa của tiểu mỗ tên là S, mỗi lần tiểu mỗ đi vượt biên thất bại về buồn là tìm anh để đi uống cà phê & tâm sự cho vơi nỗi thất vọng. Anh S rất hiền tính ít nói, anh ở Quận 10 nhưng nhà cha mẹ của anh ở Lái Thiêu nên thỉnh thoảng tiểu mỗ và anh S lái xe đạp từ Sài Gòn về Lái Thiêu chơi. Khi tiểu mỗ đi vượt biên sang đây vẫn thường giữ liên lạc & lần tiểu mỗ về VN đầu tiên đã vội chạy đi thăm nhà anh. Tiếc rằng sau này anh đi Canada & tiểu mỗ dời chỗ ở thường xuyên nên đã mất liên lạc cùng anh. Mỗi lần có dịp tiểu mỗ vẫn cố tìm địa chỉ liên lạc của anh mà đến nay vẫn chưa tìm được.
Một người bạn gốc Hoa khác là T, xưa học cùng khóa ở Uni với tiểu mỗ. T nhỏ hơn tiểu mỗ chắc khoảng 3-4 tuổi nên tiểu mỗ xem T như em trai mình. T có biệt tài ngoài việc nói được 2-3 thứ tiếng Hoa T nói tiếng Việt rành hết chỗ nói. Cả Ba Mẹ của T cũng vậy nếu chỉ nghe giọng nói không thể biết họ là người Hoa. Lúc còn học ở Uni, Tiểu mỗ & T chơi thân đến nỗi Ba Mẹ của T (hồi đó chưa biết tiểu mỗ nhiều) phát lo vì thấy ngày nào hai thằng cũng đi chơi chung với nhau. Đến bây giờ đã hơn hai mươi mấy năm, và vì ai cũng bận gia đình công việc nên chỉ thỉnh thoảng mới gặp nhưng tình anh em vẫn "mặn nồng" như xưa, bất cứ lúc nào tiểu mỗ có việc gì chỉ cần gọi T một tiếng, tiểu mỗ có thể hoàn toàn tin tưởng T 101% nếu tiểu mỗ có việc cần đến T & ngược lại.
Trong chuyến đi vừa rồi tiểu mỗ đã gặp rất nhiều các Cô, Dì, Chú, Bác, Anh Chị, bạn bè, con cháu người Việt gốc Hoa, mà nếu không nói ra thì tiểu mỗ không thể nhận ra. Đầu tiên là P, P bằng tuổi tiểu mỗ, nói tiếng Việt sõi đã đành, hát tiếng Việt còn hay hơn Trường Vũ. Anh K phu quân của chị P cũng thế, anh là người gốc Hoa sinh sống ở Cần Thơ trước khi vượt biên sang Canada rồi sang Úc. Vừa gặp anh vài hôm là tiểu mỗ đã nể cái chất "Việt" của anh rồi. Anh sổ vài câu Cao Bá Quát & nhắc đến một số nhân vật cùng thơ văn thời nhà Nguyễn là tiểu mỗ nhận ra anh rất rành văn chương & lịch sử VN. Chị P & chị S cũng thế, khi ngồi nghe nhạc chỉ nghe qua một vài câu của một bản tiền chiến thì các chị đã hát theo & có những lời bình về tác giả, tác phẩm thật sâu sắt. Tiểu mỗ quen rất nhiều bạn người Việt gốc (& rễ) VN nhưng nói thật, nhiều người trong số đó chưa chắc đã có kiến thức & chất Việt như những người bạn gốc Hoa này. Thân phụ của chị P & chị S, Bác K đã sáu mươi mấy tuổi, không những Bác rành sáu câu về lịch sử VN, mà còn rất thích nhạc Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng v.v. Khi gặp mấy người con của anh chị Hai tiểu mỗ đã ngạc nhiên về khả năng tiếng Việt cũng như nhạc Việt nhất là nhạc trẻ, có nhiều điều tiểu mỗ đành chịu "out of date" khi gặp những người này.
Bài học "Nuôi dạy con cái?"
Tiểu mỗ ngạc nhiên hơn nữa khi nói chuyện với Chú & Thiếm của P (cũng là người Hoa), theo Chú Thiếm cho biết về nhà Chú Thiếm bắt các em phải nói tiếng Việt. Điều này làm cho tiểu mỗ thấy hổ thẹn vì mình là "người Việt gốc Việt" mà không làm được chuyện đó. Chú Thiếm có hai người con mà cả hai đều học hành thành công & rất ngoan. Có người hỏi Chú Thiếm dạy dỗ làm sao mà mấy em ngoan như vậy, hôm tụ tập ở nhà anh chị Hai, Thiếm mới chia sẻ một vài kinh nghiệm mà tiểu mỗ nghe qua phải tâm phục khẩu phục. Thiếm cho biết Thiếm không bao giờ đánh con, thậm chí không bao giờ la con, Thiếm nói khi nhỏ lúc nào các em có lỗi Thiếm ngồi xuống cố giải thích nói chuyện cho các em hiểu, thỉnh thoảng khi làm việc gì Thiếm gọi các em phụ để các em tập làm việc cho quen, và được gần gũi hơn với cha mẹ. Chỉ nghe mấy điều như vậy thôi tiểu mỗ nghĩ thầm, có bao nhiêu bậc cha mẹ, học cao hiểu rộng sống trong xã hội văn minh chắc gì đã có cái nhìn sâu xa, có một cách dạy con hay như vậy chăng? Tiểu mỗ không dấu diếm gì, liền sau chuyến đi này, tiểu mỗ đã cố áp dụng những điều học lóm được của Thiếm và đã thấy kết quả rõ rệt.
Nói về triết học, tiểu mỗ thuộc loại dốt đặt cán mai, nhưng tiểu mỗ nhớ lờ mờ lúc xưa có đọc một cuốn triết hình như là của một triết gia người Đức, ông ta cho rằng một trong những mục đích chính trong cuộc sống là di chuyền giống nòi (reproduction), tiểu mỗ đọc đoạn này thấy thấm ý lắm. Hôm trước tiểu mỗ vô tình đọc được một bài giảng của ngài Đạt Lai Lạt Ma giảng ở một trường đại học Mỹ sau khi ngài nhận được giải Nobel Hòa Bình năm 1989 (có lẽ cuốn sách có tên Great Speeches Change The World). Trong đó ngài đã nói rằng mục đích chính của cuộc sống là hạnh phúc (happiness). Tiểu mỗ có hai đứa con và tiểu mỗ cảm nhận rằng có con chính là một niềm hạnh phúc mặc dầu không kém những khó khăn kèm theo. Có lẽ sự thành công lớn nhất của đời người (nếu mình không đi tu hoặc ở độc thân) là nuôi dạy con cái trở thành người tốt, thành công, và có ích cho xã hội. Bởi quan niệm đó nên cá nhân tiểu mỗ thường đặt việc nuôi dạy con cái là việc hết sức quan trọng. Vì lý do đó mà tiểu mỗ đã lang mang từ linh tinh du ký sang việc dạy dỗ con cái, mong quý tha lỗi cho sự "lạc đề" của tiểu mỗ. Tiểu mỗ cũng hy vọng có ai đó đã làm cha mẹ may mắn chia sẻ ý tưởng này của tiểu mỗ.
Để kết thúc, như đã hứa ở phần đầu tiểu mỗ xin tiết lậu cho quý vị biết kết quả viết thư khiếu nại với hãng Qantas ra sao. Sau chuyến đi tiểu mỗ có liên lạc với travel agent nơi mình mua vé và kể cho họ nghe việc đình trệ chuyến bay của mình. Cô nhân viên ở đây cũng rất tử tế và hết lòng giúp đỡ bằng cách khuyên tiểu mỗ viết một lá thư và đưa cho cô ta xem để góp ý. Sau khi xem qua lá thư tiểu mỗ viết, cô ta góp ý với tiểu mỗ là nên viết mạnh hơn kẻo họ có thể chỉ gởi lá thư xin lỗi là huề cả làng. Cô ta còn gởi cho tiểu mỗ một cái link để tiểu mỗ post lá thư của mình lên web site này, đồng thời cô ta cũng góp ý với tiểu mỗ rằng nên in lá thư bỏ vào phong bì đàng hoàng và gởi đến địa chỉ như đã được ghi trên web site. Kết quả là sau 3 tuần tiểu mỗ nhận được 1 voucher trị giá $400 (tiểu mỗ đoán là cho phần khiếu nại trên web site) và sau đó 2 tuần tiểu mỗ lại nhận được một voucher nữa trị giá $500 (có lẽ là cho phần khiếu nại bằng thư), tiểu mỗ cũng chẳng biết cách làm việc của Qantas mần răng, nhưng thôi tổng cộng được "tặng" $900 thế là tốt rồi (có còn hơn không :)). Bây chừ tiểu mỗ sẽ canh me để xài voucher này đi du hý ở một địa điểm khác và hy vọng khi về tay vẫn chưa quá run để viết vài dòng linh tinh ký tặng bà con ...
Melbourne 24/11/2010
Làng Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.