Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011
Xém vỡ nợ rồi bị vỡ mặt!
Nguyễn Xuân Nghĩa
Nghịch lý khi Hoa Kỳ bị hạ điểm tín dụng
Công ty lượng cấp tín dụng Standard & Poor's đã lần đầu đánh giá công trái của Hoa Kỳ vào hàng thượng đẳng AAA là năm 1941, khi Âu Châu đang mịt mù khói lửa - và Hoa Kỳ sắp gia nhập Thế Chiến II. Cuộc chiến tốn kém khiến Hoa Kỳ bị bội chi ngân sách đến mức kỷ lục là 30.3% tổng sản lượng GDP vào năm 1943, trước khi giảm dần và đạt thặng dư vào năm 1947...
Khi bị bội chi thì phải đi vay, bằng cách phát hành công khố phiếu. Và nằm dưới sự thẩm lượng của loại công ty lượng cấp tín dụng như S&P... Nhưng trải qua 71 năm thăng trầm, Hoa Kỳ vẫn giữ hạng AAA, là khách nợ thuộc loại đáng tin nhất. Thế giới chỉ có 18 khách nợ bảnh như vậy, trong số đó có 13 quốc gia/kinh tế có trọng lượng.
Thế rồi, Thứ Sáu mùng năm Tháng Tám thì Mỹ bị S&P hạ điểm từ AAA xuống AA+: công trái của xứ này vẫn thuộc loại “có giá trị cao”, nhưng hết là thượng đẳng. Một biến cố gây chấn động làm thị trường cổ phiếu Á-Âu-Mỹ thêm điên đảo hôm Thứ Hai sau 10 ngày sụt giá!
Nguyên do vì đâu?
Xin nói về chuyện lượng cấp đã.
Khi cần vay tiền qua trái phiếu thì một doanh nghiệp, địa phương hay quốc gia mời một cơ quan lượng giá độc lập vào tìm hiểu mọi chi tiết kinh tế, kế toán, tài chánh, tổ chức, v.v... để thẩm định khả năng trả nợ - hoặc rủi ro trễ hạn, vỡ nợ - và xếp hạng trong gần hai chục cấp cao thấp.
Một trái phiếu có thể bị “rủi ro tín dụng” là khi khách nợ thiếu tiền trả; bị “rủi ro hối đoái” là trả bằng đồng bạc mất giá khi đổi ra ngoại tệ; hoặc “rủi ro chính trị” là do thay đổi về chính sách, cách mạng, hay chiến tranh, loạn lạc... và cả bế tắc trong chính quyền!
Nếu muốn đi vay mà quản lý tệ hoặc... giấu biến sổ sách và khai man thì sẽ bị thị trường nghi ngờ, cho vào loại “giấy lộn”, chín cấp từ BB xuống đến D - và trả giá cắt cổ để được vay. Nếu công ty lượng cấp mà thẩm định sai thì uy tín bị giảm, và mất tiền vì mất khách...
Sự thẩm định ấy cho phép người vay cùng các ngân hàng trung gian giúp họ phát hành trái phiếu, và người mua trái phiếu, dễ “ngã giá” về tiền lãi qua thể thức đấu thầu. Nếu an toàn thì tính lãi nhẹ, nếu rủi ro thì đòi phân lời (yield, rendement) đắt hơn để phòng ngừa bất trắc.
Trị giá trái phiếu vì vậy chuyển dịch ngược với phân lời và di động theo tin tức thị trường, rõ rệt nhất là qua sự phán xét của các công ty lượng cấp tín dụng. Hàng ngày, khi báo chí loan tin trái phiếu lên hay xuống giá - và phân lời giảm hay tăng - thì đấy là sự thẩm định khách quan và tức thời của thị trường do phản ứng của cả triệu người trong cuộc trên một địa cầu luôn luôn có giao dịch. Và phân lời ấy ảnh hưởng đến lãi suất tín dụng của mọi ngành khác.
Người ta đếm phân lời bằng “điểm cơ bản”, mỗi điểm là 1/100 của 1%. “Tăng ba điểm” là +0.03%. Nhưng mấy điểm ấy là hàng chục tỷ tiền lời mà công quỹ phải thanh toán và còn ảnh hưởng đến việc vay mượn của cả nước.
Tính đến đầu Tháng Tám, số nợ của Hoa Kỳ với công chúng trong và ngoài nước đã vượt chín ngàn 900 tỷ đô la. Tiền lời của khối nợ ấy chiếm gần 6% ngân sách, là hơn 200 tỷ - và còn tăng.
Bây giờ về thủ phạm lời báo động:
S&P là công ty lâu đời, “tổ tiên” hành nghề từ năm 1860, và nay nằm trong hệ thống McGraw-Hill, một doanh nghiệp có yết giá trên thị trường New York (mã số MHP), chuyên về thông tin kinh doanh và nghiên cứu tài chánh. S&P nổi tiếng với các chỉ số trên thị trường cổ phiếu Mỹ (như S&P 500), Úc, Canada, Ấn Ðộ hay Ý, và là một trong ba đại gia về lượng cấp tín dụng (credit rating). Hai cơ sở kia là Moody's Investor Service, của Mỹ, và Fitch Rating, của Pháp.
S&P vừa làm Hoa Kỳ vỡ mặt vì giáng cấp tín dụng do hai thất vọng. 1) Về tài chánh là bội chi quá lớn trong khi việc giảm chi để quân bình ngân sách lại quá ít, chỉ bằng phân nửa yêu cầu là 4,000 tỷ trong 10 năm tới. 2) Về chính trị là khả năng giải quyết quá tệ của chính trường qua tranh luận rồi lối dàn xếp nửa vời vừa ban hành ngày hai Tháng Tám. Sau đó, điểm thứ ba trong tuyên cáo dài hơn 2,000 chữ, S&P còn dọa: Tiếp tục canh chừng để có thể còn giáng cấp trong thời gian tới nếu không có cải thiện! Mờ sáng Thứ Hai, Moody's lên tiếng: Giữ nguyên hạng AAA nhưng cảnh báo là đang canh chừng và có thể hạ điểm nếu chưa thấy cải thiện vào năm 2013.
Nghĩa là thị trường vừa phê phán chính trường Mỹ.
Tất nhiên là trong cuộc, từ chính quyền Barack Obama đến hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, đều phản ứng về sự phán xét này. Vẫn là đổ lỗi cho nhau. Hoặc đả kích việc lượng giá của S&P sau khi đả kích là S&P không lượng giá cho đúng các tổ hợp bị khủng hoảng năm 2008!
Thật ra, lỗi nặng nhất của chính trường là nhắm vào cuộc tranh cử 2012 hơn là triệt để giải quyết chuyện bội chi và đi vay, khi kinh tế lại bị nguy cơ “đụng đáy hai lần” làm cổ phiếu sụt giá nặng.
Trước đây, trên một diễn đàn khác (đài RFA), người viết dự đoán là Hoa Kỳ sẽ bị đánh sụt mức tín nhiệm vào tuần đầu của Tháng Tám. Lý luận bên dưới là lãnh đạo Hoa Kỳ cần bị điện giựt để tỉnh giấc thay vì tiếp tục chơi trò lừa mị chính trị. Việc dự đoán ấy thật ra chẳng có gì là ghê gớm vì thị trường đã có nhiều dấu hiệu tiên báo.
Có một chuyện khác cũng phải nói nốt cho công bằng, là... thiên hạ vẫn xếp hàng cho Mỹ vay!
***
Suốt Tháng Bảy, khi thế giới bị chấn động vì Hoa Kỳ có thể “vỡ nợ” vì chính quyền không được Quốc Hội nâng định mức đi vay quá 14 ngàn 263 tỷ đã cho phép hồi Tháng Hai.
Thế giới rúng động vì hai đảng đấu võ với ngần ấy giải pháp và dọa nạt về nguy cơ vỡ nợ - coi chừng người già hết tiền an sinh, binh lính hết lương, v.v. - mà không đạt thỏa thuận.
Vậy mà trong Tháng Bảy sụt sùi ấy, giới đầu tư lại mua công khố phiếu Mỹ nhiều nhất năm!
Làm trị giá trái phiếu tăng và phân lời giảm: Loại 10 năm hạ tới mức thấp nhất kể từ Tháng Mười Một. Và hạ tiếp. Còn thấp hơn trung bình của 10 năm qua (là 4.05%). Mức lời ấy được coi là tiêu biểu vì chi phối mọi loại lãi suất như tín dụng gia cư hay lãi suất đi vay của doanh nghiệp. Vì vậy, người viết mới lý luận ngược, rằng việc Mỹ bị giáng cấp là chuyện nghiêm trọng về tâm lý, chứ chưa hẳn đã gây khủng hoảng về tài chánh vì sẽ làm lãi suất tăng vọt! Quả nhiên, qua Thứ Hai phân lời trái phiếu không tăng mà còn giảm, một nghịch lý khó hiểu - mà hợp lý.
Ngẫm lại thì trong Tháng Bảy, nhà đầu tư trái phiếu nào có 10 triệu bỏ ra cho Mỹ vay là lời 183,000 đồng! Chuyện đáng nói: Phân lời 1.83% ấy là gấp ba trung bình của công trái của mọi quốc gia còn lại trên địa cầu - là 0.62%. Mà giới đầu tư không chỉ là các tỷ phú, quỹ đầu tư hay chuyên viên giao dịch trái phiếu (bond traders) mà còn có ngân hàng trung ương của các nước. Trong Tháng Bảy, các ngân hàng này mua vào (cho vay ra) 35% tổng số trái phiếu Mỹ loại có hạn kỳ hai, năm và bảy năm (trị giá gần 100 tỷ), tăng đến 30% so với Tháng Sáu.
Cái hợp lý là khi thiên hạ la trời rằng Mỹ sắp vỡ nợ thì cho Mỹ vay vẫn là bến đậu an toàn cho tài sản của mình! Ðâm ra, A Á Â gì thì vẫn chỉ là so sánh!
So với tổng sản lượng, Hoa Kỳ mắc nợ chỉ thua - bằng phân nửa - Nhật Bản, là xứ đi vay gấp đôi tổng sản lượng, nhưng chủ yếu là vay dân. Còn Mỹ thì vay tứ phương và vẫn còn vay. Tính đến ngày bốn Tháng Tám, công trái của Mỹ là 14 ngàn 564 tỷ, trong đó, chín ngàn 894 tỷ là nợ công chúng trong và ngoài nước.
Nhưng vì là thị trường trái phiếu lớn nhất - hơn tổng số của năm thị trường đi sau - nên có độ “sâu” khả dĩ chịu được những đợt vào ra hàng trăm tỷ đô la một ngày mà không bị chấn động. Xứ khác thì không thể nhận nổi những đợt sóng như vậy và hệ thống ngân hàng có thể sụp đổ. Và chủ nợ có thể bán trái phiếu Mỹ rút về tiền mặt để thủ thân mà không gặp trở ngại. Các quốc gia có tiền đầu tư, từ Argentina đến New Zealand hay Saudi Arabia, đều tính như vậy nên vẫn ào ạt cho Mỹ vay... dù biết chắc là Hoa Kỳ có thể bị giáng cấp tín dụng - là điều S&P hay Moody's và Fitch đã nói nhiều lần từ hồi Tháng Ba qua Tháng Bảy.
Rồi sau khi S&P đã hạ điểm, từ Âu qua Á, hầu hết mọi xứ liền thông báo là vẫn duy trì việc đầu tư đó vào thị trường Mỹ. Bắc Kinh cho Tân Hoa Xã rả rích đả kích Mỹ, nhưng chính quyền nín thinh với 1,160 tỷ trong dự trữ ngoại tệ 3,200 tỷ là... cho Mỹ vay, chưa kể cả ngàn tỷ đầu tư qua ngả khác vào Mỹ! Khi thiên hạ mua vào, Trung Quốc cũng mua, mà chậm hơn thôi!
Về hậu quả từ AAA mà xuống AA+ thì, như kinh nghiệm Tây Ban Nha sau khi bị giáng cấp, phân lời có thể tăng 40 điểm (0.40%) khiến công quỹ Hoa Kỳ tốn thêm mấy chục tỷ, từ 30 đến 60 chẳng hạn. Nhưng so với cả ngàn tỷ bội chi thì... chưa thấm vào đâu, huống hồ phân lời lại còn hạ. Trong khi ấy, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm - khi hai thị trường Âu-Nhật chưa ra khỏi trì trệ. Nếu điều ấy xảy ra, các thị trường cổ phiếu còn suy sụp và thiên hạ lại dồn tiền vào bến đậu an toàn: Trái phiếu Mỹ.
Bây giờ, chuyện “Tái ông thất mã”: Khi bị thị trường cho vỡ mặt, chính trường Mỹ sẽ giật mình vì cử tri nổi giận. Nhờ vậy, lãnh đạo phải giải quyết vấn đề trường kỳ thay vì chơi trò chính trị cố hữu.
Nhìn xa hơn, vụ Hoa Kỳ vỡ mặt sau khi Âu Châu xanh xám vì mấy chục năm bao cấp kinh tế khiến dân Mỹ sẽ nhìn lại: Có muốn tiếp tục tăng chi để đạt kết quả xã hội và hậu quả kinh tế như Âu Châu không? Trong cái rủi lại có cái may. Và nếu quả như vậy, có khi Mỹ kim lại... lên giá trong mấy tháng tới!
Một nghịch lý khác...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.