Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011
Ðàn ông
Huỳnh Thủy Châu
Anh là một người giỏi, tốt nghiệp MBA một trường lớn, thuộc “top ten” trong lớp, nên liền sau khi ra trường, anh được một công ty lớn mướn về ngay.
Sau thời gian đi làm rồi làm, anh lên tới chức “manager” rồi có nhà cửa, thong thả rồi mới về Việt Nam lấy vợ.
Cô này học cao, con nhà rất giàu, lại là con một. Thời buổi giờ chuyện đi lại từ Việt Nam qua Mỹ không khó khăn. Ba mẹ cô cho cô lấy Việt kiều cũng không e thẹn chi. Ông bà qua thăm nơi ăn chốn ở của hai vợ chồng. An tâm lắm.
Nhà anh ở trong một khu vực sang trọng, im ắng. Muốn ăn đồ Việt hay nhớ người Việt thì lái xe tới khu Việt cũng không xa. Cô cảm thấy hài lòng với cuộc sống bên đây. Cô sanh đứa đầu, rồi đứa thứ hai. Anh cho hai đứa đi hoc trường tư hết bởi lương anh cao, anh xài bạt mạng cho con, không tiếc chi hết.
Cô không xài tiền chồng. Hàng tháng, mẹ cô từ Việt Nam cho vài ngàn xài. Quen thói rồi.
Mỗi lần có ai hỏi tới, cô tự hào nói là cô lấy anh vì tình yêu, chứ không vì tiền, cũng không phải vì chiếc vé làm công dân Mỹ, hay vì anh là Việt kiều. Làm nhiều người nghe cứ thộn mặt ra, “Ừa, vậy mình lấy chồng/vợ mình là vì cái gì cà?”
Anh cũng vậy. Người biết anh thì kêu anh “chuột sa hũ nếp. Cô đó là con một. Mai mốt cái gia tài kết xù bên nhà cổ là của anh”. Anh kêu lên rằng anh tự thân một mình từ nhỏ, hồi anh đẫm đẫm vượt biên kìa. Anh không cần tiền của nhà cô. Anh lấy cô vì bản thân cô chứ không vì tiền gia đình cô.
Người ta nghe đó biết đó. Nhưng vẫn mừng cho anh không cần tiền, vì anh có một đống rồi. Dù gì thì tiền nhà cô để đó cũng cho anh, cho con anh chứ ai đâu.
Hai người sống trên nhung lụa vậy cũng 10 năm. Hai đứa con xinh như mộng vừa rành tiếng Anh, vừa giỏi tiếng Việt. Căn nhà to đùng với mảng vườn cắt xén tỉ mỉ tới từng chi tiết làm nhiều người nghiến răng ghen tị mỗi lần ghé thăm.
Cô hai con, mà lại càng ngày càng đẹp ra với những mỹ phẩm đắt tiền. Nội tiền mỹ phẩm hiệu REN cho cô một tháng không cũng sơ sơ $700. Huống chi những thứ khác.
Lúc sau này, mấy mẹ con cô còn đi học thêm tiếng Tây Ban Nha. Rồi thuê hẳn một cô giúp việc người Mễ về nhà. Vừa phụ việc, vừa giúp hai mẹ con học thêm tiếng Mễ. Vì hình như anh sắp có một project lớn bên Mễ. Chắc cả nhà sẽ qua đó sống một thời gian.
Ðùng một cái.
Ừa, đùng một cái.
Anh mất việc.
Ừa. Anh là “middle manager,” lương cao. Nên lúc công ty anh làm ăn thua lỗ, người ta cho anh đi trước. Anh choáng váng. Một mình anh, không sao. Nhưng giờ còn có gia đình, cái nhà to bốn phòng ngủ mới trả hơn 2/3. Một tháng cũng phải $5,000 tiền nhà, cộng thêm tiền rác, tiền điện nước, xén cỏ và đủ thứ hầm bà lằng khác. Thì cũng hết gần $6,500. Còn tiền học, tiền ăn, tiền xe, tiền cable, tiền điện thoại. Anh ngồi thừ ra trong văn phòng. Vừa thu dọn, vừa tính chi li ra như vậy. Mồ hôi trán mướt hết khuôn mặt rồi lan sang áo. Bết lại sền sệt một trách nhiệm quá lớn.
Anh nặng nề về thông báo với vợ. Cô thấy chồng buồn thì cô cũng buồn, nhưng không ngạc nhiên, không lo chi hết.
Cô nói, “Kinh tế thị trường mà anh. Có chi đâu. Thua keo này mình bày keo khác. Mình đi về Việt Nam. Anh với em phụ ba mẹ em cái công ty của nhà em. Anh làm cả đời ở đó, không ai dám đụng tới cọng lông chân anh huống chi đuổi anh.”
Anh nhìn vợ, lắc đầu, “Thôi. Ðể anh kiếm việc khác. Chứ về bển anh làm được cái gì.”
Cô nói, “Ai biết anh làm được cái gì. Miễn sao ba mẹ em nuôi hết gia đình mình là được rồi.”
Anh ấm ức. Anh tự làm được. Giờ chỉ cần mình chi tiêu gọn nhẹ lại chút, anh sẽ cho tụi nhỏ học trường công, rồi cho người làm nghỉ việc, trong lúc anh đi kiếm công việc khác, thì cũng ổn thôi.
Cô nói để cô lo. Cô làm một cú điện thoại cho ba mẹ cô về tình trạng gia đình. Mẹ cô hoảng hồn bay sang liền. Bà mang tiền qua. Sợ con bà khổ.
Anh thất nghiệp. Loay hoay trong nhà, đi ra đi vào, ngồi Internet gởi resume đi khắp nơi. Giờ lại thêm bà mẹ vợ ngồi thừ lừ trong nhà. Chóng hết cả mặt.
Anh không hỏi vợ giúp cho tiền. Vì làm vậy thì nhục quá. Mà thói quen ăn xài của vợ cũng không hề thay đổi. Vì cô nói, đó là tiền của gia đình cô.
Sáu tháng tiếp theo cứ thế trôi qua. Anh hết sạch tiền. Ba tháng không trả tiền nhà. Có trát nhà bank tới xiết nhà. Cô cũng không lo. Vì cô nghĩ đó là cách tốt nhất để thuyết phục anh về Việt Nam với cô.
Anh thì cứ, “Nhục. Về Việt Nam huy hoàng thì về. Về kiểu này thì nhục nhã quá.” Anh nhất định “thà ra apartment ở chứ nhất định không chịu nhục”.
Ngày xưa, thua rồi mới vượt biên. Giờ thua rồi lại chạy về à. Nhục!
Cô không nghĩ thế. Cô đơn giản hơn nhiều. Có ba mẹ làm chi là lúc nguy khốn không về nhà với ba mẹ. Về nhà thì dẫu có nhục cỡ nào cũng là nhà. Hết nhục thì lại đi. Có chi đâu.
Nhưng cô yêu anh. Thêm nữa, hai đứa con cần có cha có mẹ bên cạnh. Lúc có tiền thì nhà to. Không tiền thì nhà nhỏ. Cũng không sao.
Thế là cô theo anh ra apartment ở. Căn hộ nhỏ với ba phòng ngủ cũng thoáng mát, lại rẻ. Nên anh cảm thấy như cất một gánh nặng về tiền nhà, cũng như cái nhục lết mặt ăn bám về Việt Nam.
Thêm sáu tháng nữa trôi qua. Tiền trợ cấp thất nghiệp của anh cạn kiệt. Dạo này, cô bắt đầu bớt tiền mỹ phẩm để đóng tiền cho con trai chơi bóng đá và con gái đi học múa ba lê. Cô xin thêm tiền ở nhà phụ vô trả cái xe hàng tháng. Cô bắt đầu hậm hực và cũng cảm thấy nhục.
Vì cô cảm thấy cái nhục của chồng làm ảnh hưởng tới cuộc sống ăn xài của cô. Bạn bè bắt đầu bàn ra nói vào. Nào là “con nhỏ đó bắt đầu cực rồi. Hết thời rồi. Việt kiều giờ hết giá rồi. Bám vô Việt kiều là chết đói”. Người yêu cũ cũng bắt đầu kiếm cô hỏi thăm, “Em ơi, về với anh đi. Bỏ cái thằng Việt kiều đó mà về với anh đi cưng.”
Cô im. Trong lòng lồng lộn. Mắc chi là chồng mình cứ kêu nhục miết. Càng nhục là càng thụt vô cái vỏ bọc đàn ông của mình. Cái vỏ càng ngày càng dầy. Cái nhục càng ngày càng lớn. Càng lớn tuổi. Cái nhục càng già đi. Nặng trình trịch. Mà càng nhục thì càng khó kiếm những việc phù hợp với mình. Cứ so sánh công việc ngày xưa, giờ mình phải đi làm cái này, cái kia. Thấy nhục quá. Không dám làm. Sợ tiếng đời thị phi.
Tháng trước, một anh bạn cô ở Việt Nam qua góp vốn mở một tiệm phở /cafe/ chợ trong một khu plaza mới mở. Cô mời anh tới nhà chơi, sẵn giúp chồng cô một công việc trong tiệm. Công việc cũng phù hợp với anh. Anh sẽ phụ quản lý nhà hàng. Vì anh ở đây lâu, biết đường đi nước bước, việc giấy tờ, luật lệ anh rành. Lúc rảnh, anh phụ bưng bê vì tiệm sẽ không mướn nhiều. Thời buổi này, mọi người đều phải “chip in” một chút mới có lời. Anh nhấn nhá hai chữ “chip-in” hai ba lần như một thông điệp quan trọng. (Chip-in: hùn vô mỗi người một tay). Anh kia nói thêm, “Tôi cũng sẽ bưng bê dọn dẹp nếu cần.” Cô ngồi nghe, gật đầu đồng ý, vì cô cũng có phần hùn trong tiệm. Cái thời kinh tế đang xuống ào ào như thế. Làm gì cũng được, miễn sao có tiền thì thôi.
Nhưng...
Anh thì khác. Anh nghe tới đâu. Máu mặt nóng bừng bừng lên tới đó.
Anh gào lên, “Get out. Get out of my house. Now!” (Cút đi. Cút ra khỏi nhà tôi ngay!)
Anh kia sợ tái mặt. Vợ anh chưng hửng. Why? “Thứ thằng tôi không đi bưng bê nhá. You too. Get out. Go back to your mom.” (Cô cũng vậy. Cút đi. Về với mẹ cô đi.)
Cô nuốt nhục. Ðưa khách ra về. Cười tươi. Xin lỗi. Anh kia sau khi đã hoàn hồn cũng khách sáo, “Không sao. Lần khác vậy.”
Một tuần sau, như một ly nước tràn, cô nhờ mẹ mua ba cái vé một chiều cho cô và hai đứa nhỏ.
Về.
Về Việt Nam. Ăn bám ba mẹ. Cho bớt cái nhục. Cái nhục phải chịu đựng cái nhục vô lý của chồng mình, quá lâu.
Cô viết một cái note nho nhỏ cho anh, “Chừng nào hết nhục thì anh về với ba mẹ con em. Em vẫn yêu anh nhiều lắm.”
P.S: Người viết bài này vẫn hy vọng cho một kết thúc tốt đẹp hơn cho gia đình anh. Nước tràn ly, có hốt lại được không là tùy thuộc thái độ của anh về chữ “nhục”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.