Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012
Trịnh Công Sơn: Suy tư & Cảm nhận ở cõi trần
* Đặng Tiến: Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ phản chiến ; quần chúng có hai con đường đến với anh : một là đến với người nhạc sĩ, hai là đến với người phản chiến ; họ chọn con đường thứ nhất, nếu anh có tài ; họ chọn con đường thứ hai, nếu anh đáp lại tâm tư của họ. Còn những người đi tìm một đồng chí hay chiến hữu, thì dĩ nhiên là thất vọng rồi công phẫn.
Nếu chỉ làm nhạc tình, thì Trịnh Công Sơn sẽ là Lê Uyên Phương hay Từ Công Phụng ; nếu chỉ làm nhạc đấu tranh Trịnh Công Sơn sẽ là Nguyễn Đức Quang hay Tôn Thất Lập ; nếu pha pha tình yêu và thân phận, Trịnh Công Sơn sẽ là Vũ Thành An. Nếu chỉ phản chiến, e chỉ hơn Nguyễn văn Đông.
Nhưng Trịnh Công Sơn đã tổng hợp một thời đại và xây dựng được một sự nghiệp riêng, gắn bó với vận mệnh đất nước.
* Bửu Ý: "Tắt một câu, trong dòng nhạc phản chiến, của mình Trịnh Công Sơn đã chẳng có một toan tính chính trị nào cả. Mà tất cả làm theo mệnh lệnh của con tim mình (...). Trái tim nhân ái, nhạy cảm, chỉ biết nói lên những cảm xúc nồng nhiệt của mình đối với quê hương, dân tộc, dù thiếu vắng một thái độ chính trị, nhưng trung thực. Nghĩa là tự đáy lòng mình thì mình nói".
* Phạm Duy: Tâm lý thời đó, chủ yếu là chống chiến tranh, ai mà chẳng phản chiến, cứ gì là Trịnh Công Sơn ? Trịnh Công Sơn muốn nói lên nỗi đau con người trong cuộc sống hiện đại, có tình yêu, có chiến tranh, có hận thù, có cái chết dễ dàng như chết trong mơ Anh ca tụng tình yêu và -- cũng như bất cứ nghệ sĩ nào ở trên đời này -- anh chống bạo lực và chống chiến tranh vậy thôi.
* Khánh Ly: Thời anh Sơn thì nhạc sĩ nào cũng viết nhạc phản chiến hết. Mọi người lợi dụng chữ “phản chiến” hơi nhiều. Phản chiến là không thích chiến tranh chứ gì? Thế thì người lính khi họ cầm súng họ có phải là người phản chiến không? Họ cũng muốn chiến tranh chấm dứt.
* Trịnh Vĩnh Trinh: “Một ngàn năm… một trăm năm… hai mươi năm…” thể hiện cái bất hạnh của đất nước Việt Nam, của đứa con màu da vàng. “Mẹ mong con… quên hận thù…” đủ để diễn tả nỗi buồn của dân tộc Việt và lòng ước ao của người Mẹ Việt Nam.
* Tiêu Dao Bảo Cự: Nhiều người lính của Việt Nam Cộng hoà thích nghe, hát nhạc Trịnh Công Sơn. Ngay cả người lính miền Bắc cũng vậy, tuy một số rất ít có cơ hội. Vì những điều trên họ có thể chiến đấu hăng say hơn, hay muốn đào ngũ, tùy tâm trạng và hoàn cảnh riêng từng người.
* Văn Cao: Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, người bạn già của tôi, "Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra". Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ là ở chính chỗ đó, ở chỗ không định tạo ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới. Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà ở cả ngoài biên giới nữa...
* Bùi Giáng: Anh Sơn vô tận bấy chầy
Tôi từ lẽo đẽo tháng ngày trải qua
Niềm thống khổ đứt ruột rà
Còn chăng? chỉ một ấy là là chi?
* Giang Trang: Nhạc Trịnh như một dòng nước chảy qua cõi đời.
* Hoàng Xuân Sơn: Tuy nhiên, gạt ra ngoài vấn đề chính trị, người ca diễn cũng như người nghe vẫn còn ưa chuộng nhạc Trịnh.
* Nguyễn Vy Túy: Nếu người nghe có thể tách con người yếu đuối và nhập nhằng của Trịnh Công Sơn ra khỏi các bản nhạc của ông – thì đó là một điều tuyệt vời.
* Bùi Tín: Vì con người Trịnh Công Sơn là nặng về tình cảm, kiểu nghệ sỹ, tính chiến đấu, tính chiến sĩ còn yếu, chỉ bàng bạc. Cũng đáng tiếc.
* Bùi Đức Lạc: Nhạc Trịnh không có sức làm nản lòng anh em chúng tôi.
* Bùi Văn Phú: Nhiều sáng tác của Trịnh Công Sơn có tư tưởng phản động, nội dung không lành mạnh, chống phá cách mạng ở chỗ nào mà phải đến hơn 30 năm sau mới được những người làm văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam cho phép hát...Sự xuất hiện của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trong giai đoạn của cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã được giới truyền thông nước ngoài ví như đôi danh ca Bob Dylan và Joan Baez ở Mỹ với những ca khúc kêu gọi chấm dứt chiến tranh làm rung động bao triệu trái tim người Việt Nam, nhất là tầng lớp thanh niên, là những người sẽ phải đối diện với chiến tranh, với cái chết hơn ai hết. Tôi cũng như bao nhiêu thanh niên Việt Nam khác mê nhạc Trịnh, thuộc nhạc Trịnh vì lời ca ông viết ra là những con chữ đã xoáy xoay vào tâm thức tuổi trẻ chúng tôi trong giai đoạn đất nước có nhiều nghịch lý. Nhạc Trịnh đến với chúng tôi nhờ vào những phương tiện truyền thông đại chúng, từ sân trường học, trong quán cà phê và nhất là nhờ có một chính sách văn hoá thông tin không bị kiểm duyệt khắt khe ở miền Nam Việt Nam vào thời bấy giờ. Theo tôi nghĩ, nếu Trịnh Công Sơn có quan hệ và hoạt động cho cộng sản thì cũng đã bị bắt giam như Huỳnh Tấn Mẫm, Ngô Kha, như Dương Văn Đầy, Nguyễn Công Khế hay phải vào bưng biền như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Lê Văn Hảo. Ngược lại, dù trốn lính, Trịnh Công Sơn đã được nhiều quan chức trong giới lãnh đạo miền Nam che chở, như Đại tá Không quân Lưu Kim Cương, mà khi ông tử trận trong một cuộc giao tranh vào tháng 5 năm Mậu Thân ở vòng đai phi trường Tân Sơn Nhất, Trịnh Công Sơn đã viết lên những lời ca (ca tụng) bất tử.
* Đặng Tuyết Mai: (Trả lời Nhà báo Ngụy Vũ của Đài Little Saigon TV) Trước hết, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tất cả chúng ta đều không những ngưỡng mộ, thán phục mà còn yêu mến. Riêng đối với chị, cảm tình đối với anh Trịnh Công Sơn còn có một tí tình cảm rất là trái cấm. Trái cấm đây không có nghĩa là có tình cảm gì đặc biệt giữa đàn ông đàn bà. Không có. Nhưng thời kỳ đó, anh Trịnh Công Sơn viết những bài hát được mô tả là phản chiến.
Anh Kỳ, lúc đó, là người đang chiến đấu. Thành ra, anh Kỳ đã một lần công khai trong ban Không quân, do anh Lưu Kim Cương hay mời anh Trịnh Công Sơn tới, đã đả kích anh Trịnh Công Sơn là anh đã viết những bài phản chiến. Chị nhớ lúc đó, anh Trịnh Công Sơn nói rằng, anh không nghĩ đến viết phản chiến gì hết, mà chỉ là một người nghệ sĩ viết lên niềm đau của dân tộc, những điều mắt thấy tai nghe, đau đớn thôi. Anh Kỳ nói rằng là, đương nhiên anh viết như thế, những người lính ở mặt trận… Anh Trịnh Công Sơn mới nói, anh là người đứng giữa, một chứng nhân. Anh Kỳ có nói rằng, trong hai chiến tuyến đang đánh nhau, anh chọn là người đứng giữa anh sẽ bị trúng đạn của cả hai bên. Thành ra, có sự rất căng thẳng giữa anh Kỳ và Trịnh Công Sơn.
Ngược lại, phía đằng sau, anh Lưu Kim Cương và chị rất là say mê nhạc của anh Trịnh Công Sơn và con người của anh Trịnh Công Sơn nữa. Chị hay nấu nướng. Trong Câu lạc bộ Không quân, anh Lưu Kim Cương có một câu lạc bộ nhỏ là Mây Bốn Phương, luôn luôn kéo anh Trịnh Công Sơn vào đó. Chị đem đồ nhậu đến. Anh Trịnh Công Sơn làm được bài nhạc mới là hát và hay tả cho nghe. Chị hay đến câu lạc bộ Mây Bốn Phương để nghe anh Trịnh Công Sơn đàn hát những bài hát mới.
Giao tình của anh Trịnh Công Sơn với anh Lưu Kim Cương rất mật thiết. Cũng lạ, một người rất là nhà binh, to lớn, cường tráng. Còn anh Trịnh Công Sơn rất là mỏng manh, ốm yếu. Nhưng hai người gần nhau vô cùng trong tình nghệ sĩ. Anh Lưu Kim Cương có rất nhiều nghệ sĩ tính, hát rất hay. Thành ra, họ rất thân mến với nhau. Hàng tuần, họ gặp nhau hai, ba lần.
Cho nên, lúc anh Lưu Kim Cương nằm xuống, anh Trịnh Công Sơn làm bài “Cho một người nằm xuống,” thật xúc động. Chị không lấy làm lạ, vì họ rất thân nhau.
* Vũ Thư Hiên: Giữa câu chuyện tôi hỏi Sơn tại sao anh không đi ra nước ngoài, mà ở lại để sống trong kìm kẹp? Sơn trầm ngâm:
- Mình có nghĩ tới chuyện đó chứ. Nhưng mình không thể đi. Người nghệ sĩ không thể sống xa quê hương. Xa nó, anh ta sẽ cạn nguồn cảm hứng, mà cái đó thì chẳng khác gì cái chết.
Cũng hôm đó Sơn nói với tôi:
- Mình nhiều lúc ngã lòng, nhất là khi mình thấy người ta chẳng hiểu gì về mình, chửi bới mình, hành hạ mình. Ðến nỗi muốn thoả hiệp cho xong. Nhưng nghĩ lại thấy không được. Nghệ sĩ không thể thoả hiệp với cái Xấu, cái Ác. Có thể tạm lui bước, nhưng thoả hiệp thì không bao giờ..... Khi tôi viết những dòng này thì Sơn đã an nhiên trở về với cát bụi, như anh đã nói trước. Mộ anh phủ đầy hoa của những người hiểu anh và yêu mến anh. Khi anh qua đời, có những kẻ đã coi thường anh, đã hành hạ anh khi anh còn sống, đến nghiêng mình trước linh cữu anh, và có cả những kẻ vẫn hát lời anh viết, bây giờ nhai nhải chửi anh là nhạc tặc, là tên phản quốc trên những bài báo không ai muốn đọc. Nhưng nếu Sơn còn biết những chuyện đó, anh cũng sẽ an nhiên mỉm cười. Và không nói gì hết.
NNS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.