Trong nền văn hóa của nhiều dân tộc, con số 13 bị coi như một điềm gì đó không may mắn, vì thế năm 2013 cũng đang được nhiều người cho rằng là năm sẽ xảy ra thiên tai khủng khiếp.
Theo tạp chí Nga Itogi, nếu đến Vương quốc Anh, Canada hay Australia, chúng ta không thể tìm thấy một ngôi nhà có địa chỉ số 13. Trên máy bay của tất cả các hãng hàng không Đức đều thiếu hàng ghế thứ 13. Trên các đường phố Mỹ cũng không bao giờ nhìn thấy những xe buýt mang con số 13, không bao giờ được ở trên tầng thứ 13, cũng không phải tá túc ở những căn phòng có ghi số 13. Để loại trừ con số này, người ta nghĩ ra đủ mọi cách. Ví dụ, trong một số tòa nhà có thể tìm thấy tấm biển ghi các ký hiệu "12-A", "B-12" hoặc "12 +1". Tại các bệnh viện tâm thần, người ta phải "chế" hẳn thuật ngữ đặc biệt để chỉ người mắc chứng dị ứng với con số đó là"Triskaidekaphobia". Xuất phát từ đâu mà lại có nỗi ám ảnh kinh hoàng đó đối với con số 13 và liệu sau đó có cái gì hữu lý hay không? Con số của Judas Con số 13 có tội tình gì mà người ta gọi nó là "một tá quỷ sứ"? Đôi khi nỗi sợ hãi đối với nó được người ta liên hệ với sự tích Tiệc Ly trong sách Phúc Âm, tức là bữa ăn sau cùng của chúa Jesus với các môn đồ trước khi ngài chết. Đã có 13 môn đồ ngồi với chúa hôm đó, trong số này có Judas. Trong Phúc Âm kể rằng, chúa Jesus hướng về phía môn đồ nói: "Không phải Ta đã chọn 12 người các con ư? Nhưng một trong số các con là quỷ". Và chính chương 13 của Phúc Âm John kể về sự phản bội của Judas. Trong chương 13 cuốn sách cuối cùng của Tân Ước - Khải Huyền đã mô tả con số đáng sợ của con thú 666. Ngay từ thời xa xưa, loài người bắt đầu tin rằng, tập trung quanh bàn 13 vị khách là một điềm xấu. Dị đoan này đặc biệt phổ biến trong giai đoạn xảy ra vụ dịch hạch khủng khiếp trong thế kỷ XVII. Chính thời điểm đó, người ta không hề hoài nghi việc người tập hợp quanh bàn "một tá quỷ sứ" đang tạo ra nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng, bởi vì thể nào cũng có một trong những khách sẽ bị chết bất đắc kỳ tử. Thật ra mà nói, ở giai đoạn đó, trong nguy cơ của đại dịch chết người, dù ta có tập hợp bao nhiêu khách quanh bàn thì tất cả đều mạo hiểm như nhau và xác suất phải rời sang thế giới bên kia đối với mọi người đều lớn như nhau. Thế nhưng, nỗi sợ hãi dị đoan đối với con số 13 cứ càng ngày càng được củng cố và phát triển đến đỉnh điểm vào giữa thế kỷ XIX. Mọi người đã sợ hãi và tin vào sự xui xẻo của con số 13 tới mức nghĩ ra cái nghề làm vị khách thứ 14. Tại Pháp, người đóng vai vị khách thứ 14 được mời tới khi không may gia chủ chỉ có 13 khách tới dự tiệc. Và cho đến nay trong khách sạn Statler ở Chicago vẫn có lệ: nếu tình cờ quanh bàn chỉ có 13 vị khách thì những người phục vụ ở đây sẽ đặt thêm một cái ghế thứ 14 và xếp vào đó một hình nộm trong y phục thực khách rất đàng hoàng cho "đẹp cỗ". Hình nộm này cũng được phục vụ ăn uống chu đáo như những vị khách khác và được gọi đùa bằng cái tên ngài Louis XIV. Nhân đây có lẽ không thể nào không đề cập tới cái gọi là hiện tượng "thứ sáu ngày 13". Để đánh dấu nỗi sợ hãi về hiện tượng này, các bác sĩ tâm thần cũng phát minh ra một thuật ngữ đặc biệt - paraskavidekatriafobiya (sợ thứ sáu ngày 13). Góp phần vào sự ra đời của thói mê tín dị đoan này có bàn tay của các thành viên tổ chức Hiệp sĩ dòng Đền (Templar) ở thế kỷ XIV. Lý do là, ngày 13/10/1307, vua Philipp IV ra sắc lệnh buộc tội và bắt giữ kể cả đội ngũ lãnh đạo cao cấp nhất của tổ chức này. Các thành viên Hiệp sĩ dòng Đền bị buộc tội dị giáo và báng bổ, nhiều người trong số họ phải chịu tra tấn và tử hình. Vị huynh trưởng vĩ đại cuối cùng của tổ chức Hiệp sĩ dòng Đền là Jacques de Molay đã lên tiếng nguyền rủa cái ngày định mệnh đó (13/10/1307). Kể từ thời điểm ấy, những người theo tư tưởng Templar luôn làm lễ kỷ niệm thứ sáu ngày 13/10 như một ngày không may mắn và bi thảm. Cũng từ đây, các ngày thứ sáu 13 thuộc bất cứ tháng nào cũng bị coi là xui xẻo. Con số vĩ đại Nỗi sợ hãi con số 13 thực chất chỉ là mê tín dị đoan. Theo cách nhìn của giáo hội thì nó xuất phát chính từ những nỗi sợ hãi và định kiến sai lầm. Theo nhận định của cha Pavel Ostrovsky, Trưởng tu viện Uspensky thành phố Krasnogorsk gần thủ đô Moskva, trong cuộc trò chuyện với phóng viên tạp chí Nga Itogi: "Chúng ta phải nhớ rằng, chính chúng ta mới là thợ rèn cho hạnh phúc hay bất hạnh của mình - chúng tôi đã được toàn quyền quyết định việc này. Không có số hoặc điềm báo nào có thể tước đi cái quyền đó, tất nhiên, nếu như chính bản thân con người không coi trọng một cái gì khác lớn hơn thế". Bất kỳ nhà tâm lý học nào cũng sẽ nói rằng, những sự mê tín dị đoan nhiều người sử dụng như một công cụ để kiểm soát cuộc sống của mình. Nhà tâm lý học Irina Jakovich lý giải: "Đây là phương pháp đặc biệt của trò vờn dứ nỗi sợ hãi, được gọi là sự bù trì lại. Khi tiếp cận trò vờn dứ với một năng lượng khủng khiếp nào đó, con người bằng cách ấy muốn thử phá hủy nó đi". "Tất nhiên, chúng ta chẳng thể kiểm soát được cái gì hết, nhưng một sự tương tác với định mệnh ác nghiệt cũng là phương thức tự động rèn giũa để trấn an bản thân mình, làm tức cười hoặc tự cổ vũ cho mình trở nên lạc quan hơn”. Con người không thể sống trong thế giới bất tường minh và không có hệ thống; thiên nhiên đã đặt vào trong chúng ta nhu cầu tìm kiếm các liên kết và các quy luật. Con người cần phải tin vào một cái gì đó, phải có một cái gì đó để mà sợ hãi hoặc phải có một cái gì đó để lảng tránh. Nhà tâm lý học lý giải tiếp: "Chúng ta cần phải biết các khu vực nguy hiểm để đi vòng tránh chúng, nên bộ não con người luôn luôn cố gắng phát hiện ra khu vực này. Và tìm thấy chúng rồi, chúng ta hiểu rằng, cần phải học cách đối phó với số phận tàn khốc, thuần hóa nó, vượt lên trên nó". Để tránh bị phụ thuộc vào nỗi sợ hãi con số 13 và vượt lên trên những định kiến cổ hủ, 13 người Mỹ trong thế kỷ XIX đã thành lập câu lạc bộ "13" ở thành phố New York. Mục đích của việc này là chế nhạo thói mê tín dị đoan và kiêng kị phi lý đối với con số không may này. Lễ khai trương hoành tráng của câu lạc bộ thực hiện vào thứ sáu ngày 13 trong căn phòng số 13 và tiền phí hội viên suốt đời có giá 13 USD. Ngoài ra, tại cuộc họp của câu lạc bộ, người ta thường cố tình đập vỡ gương và rắc muối. Người ta kể rằng, ý tưởng này khiến vị Tổng thống thứ 26 Theodore Roosevelt thích thú đến mức chính ông cũng gia nhập câu lạc bộ "13". Hiện nay, các cuộc họp kiểu như thế đã trở nên phổ biến trên thế giới và nhiều chi nhánh câu lạc bộ "13" được phát triển cả ở các thành phố khác. Thành viên câu lạc bộ khẳng định: Không có gì khủng khiếp xảy ra với họ cả và con số 13 là con số đẹp nhất trên thế giới. Thuần túy toán học Có ý kiến cho rằng, cơ sở của những mối ngờ vực đối với con số 13 là lý giải bằng toán học. Thật vậy, con số 12 đại diện cho sự hài hòa và trọn vẹn. Mỗi năm có 12 tháng, có 12 ký tự trong cung hoàng đạo; ngày và đêm đều kéo dài trong 12 giờ. Con số 13 đứng sau số 12 lại phá đi sự hòa hợp và trật tự đó như thể bắt đầu chu trình khác. Các nhà số học nghĩ thế nào về vấn đề này? Nhà số học Alice Moskvina trong cuộc trao đổi với phóng viên Itogi cho biết: "Con số 13 là sự khởi đầu một chu kỳ mới, mà cái mới luôn ẩn chứa sự chưa tường minh nên có vẻ như là nguy hiểm. Thói mê tín dị đoan và nỗi sợ hãi trước con số 13 tồn tại dai dẳng được còn do có một thực tế là người ta thường hay sống theo quán tính và bị chi phối bởi những nguyên tắc cũ kỹ mà không phải lúc nào cũng áp dụng được trong hoàn cảnh mới…". Trong cách nhìn của môn số học, con số 13 tượng trưng cho không chỉ sự khởi đầu của một chu kỳ mới và phá vỡ mối liên hệ với quá khứ, mà còn là sự tàn phá các ảo tưởng, cái nhìn thẳng thắn vào sự thật. Tự bản thân nó không là may mắn, cũng không là bất hạnh. Con người không có lý do gì để e ngại năm 2013. Cũng theo nhà số học Alice Moskvina: "Năm nay không phải là năm định mệnh hay ẩn chứa nhiều thảm họa thiên tai khủng khiếp". |
Theo VNE
Source Internet.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.