Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016
Đêm Giao thừa đầu tiên trên đất Mỹ
Tôi xuống máy bay ở phi trường Logan, Boston khoảng 10 giờ tối, một ngày cuối tháng 11, 1981 trong cái lạnh se người. Tôi và T., một người tỵ nạn cùng chuyến và nhỏ hơn tôi vài tuổi, nhìn quanh không thấy ai. Chờ khoảng mười phút, chúng tôi tự động lần mò theo lối đi có chữ Exit để ra ngoài.
Bác Tôn Thất Ân làm việc cho Viện Quốc Tế (International Institute of Boston) có nhiệm vụ đón chúng tôi ở phi trường. Ngày đó, người đi đón có thể vào tận cửa nhưng bác ngồi chờ ở trạm lấy hành lý vì nghĩ thế nào chúng tôi cũng ra đó trước.
Tôi không có hành lý gì cả ngoài một túi nhỏ cầm trên tay, trong đó chứa vài bộ áo quần và những giấy tờ cần thiết. T. cũng thế. Bác thấy chúng tôi nên rời khỏi ghế bước lại gần. Bác Ân không lạnh lùng nhưng cũng không quá miềm nở. Bác làm việc đón đưa mỗi ngày theo phận sự một nhân viên có lương chứ không phải đón mừng một thân nhân từ bên kia trái địa cầu vừa đến.
T. có bà con ở Boston còn tôi đến một mình. Lát nữa, bác Ân sẽ đưa T. đến nhà bà con của chú ấy, và sau đó sẽ mang tôi đến nơi tạm trú đầu tiên trong hành trình tỵ nạn còn mờ mịt và chông gai của mình. Sau này gần gũi bác nhiều hơn, tôi biết bác Ân rất bao dung, rộng lượng và đầy tình nhân ái nhưng tính tình hơi nghiêm nghị. Tôi gặp lại bác Ân nhiều lần khi bác còn ở Boston và luôn nghĩ đến bác như một người ơn lớn của mình.
Cuối tháng 11, trời Boston khá lạnh. Với một người đến từ vùng nhiệt đới và cô đơn như tôi càng cảm thấy lạnh hơn nhiều.
Nhớ lại vài giờ trước đó, người đón chúng tôi ở phi trường Chicago là một cô gái Việt làm cho cơ quan thiện nguyện. Người con gái Huế có đôi mắt đẹp và giọng nói ngọt ngào, phát cho mỗi người trong đoàn chúng tôi một chiếc áo ấm. Tôi nhỏ con nên muốn một chiếc áo cỡ nhỏ. Người đẹp nhìn tôi như thương hại cho thân hình ốm yếu nhưng lắc đầu và chỉ vào thùng áo cùng một cỡ như nhau.
Nếu ở trường Luật Sài Gòn, tôi đã cám ơn đôi mắt ấy một bài thơ tả tình đầy sáo ngữ nhưng ở Chicago hồn thơ cũng đã lạnh cóng như mặt hồ Michigan gần đó. Từ Chicago, đoàn tỵ nạn từ Philippine chia tay nhau lên máy bay nội địa đi về nhiều ngã. Bầy chim xa mẹ vốn lẻ loi lại càng lẻ loi hơn.
Bác Ân lái xe đưa chúng tôi ra khỏi phi trường nhưng không đến thẳng khu nhà chúng tôi ở. Bác bảo phải ghé lại Viện Quốc Tế trên đường Commonwealth trước cho biết chỗ vì kể từ ngày mai chúng tôi sẽ phải đến đó nhận tiền ăn cho đến khi được cấp welfare (một loại tiền trợ cấp của chính phủ dành cho người nghèo khó), và cũng luôn tiện lấy thêm đồ dùng. Bác lấy một chiếc nệm mỏng và bảo đó sẽ là của tôi.
Bác đưa T. về với bà con của chú ấy trước sau đó đưa tôi đến khu nhà số 15 đường Park Vale ở Allston, cách Boston chừng 10 dặm. Khi đó căn nhà đã có nhiều người ở trước. Tôi nhập chung với một số người ở tầng hai. Tầng ba cũng có vài gia đình người Việt trong đó có gia đình anh chị Liêm mà tôi vừa gặp lại ở Atlanta đầu năm nay sau hơn ba mươi năm xa cách. Tôi rất mừng khi gặp lai anh chị. Ngày xưa chúng tôi ở chung một khu nhà nhưng ít có dịp chuyện trò vì đời sống quá tất bật khó khăn. Bây giờ khi bước qua rồi và nhìn lại chúng tôi mới thấy quý khoảng không gian và thời gian chung sống.
Tôi đến sau và được xếp nằm gần cửa sổ nhưng chắc không phải là một ưu tiên. Nằm gần cửa kính thường lạnh hơn và gió lọt vào. Sau này mới có giường nhưng mấy tháng đầu ai cũng nằm dưới sàn gỗ. Cảm giác bất an tràn ngập kín trong lòng. Tất cả đều xa lạ. Từ những người chung quanh đến cảnh vật mùa đông, không ai và không có một ngoại cảnh nào có thể gọi là cảm thông, chia sẻ với mình.
Đúng như lời cô gái Việt ở Chicago cảnh cáo, Boston chào đón tôi bằng những cơn bão tuyết triền miên suốt mùa đông đầu rét buốt. Đêm giao thừa của ngày Tết Việt Nam đầu tiên trên nước Mỹ không có bánh chưng xanh, không có rượu nồng pháo nổ, không một lời chúc tụng ngoại trừ âm hưởng của những bông tuyết trắng bị gió đùa vào cửa sổ.
Tôi đã băng qua nhiều ngọn núi trong đời mình nhưng những năm đầu trên đất Mỹ là ngọn núi cao nhất. Tôi phải vượt qua, nếu không, tất cả các thành tựu trong quá khứ sẽ trở thành vô nghĩa.
Đúng giao thừa, người anh lớn tuổi nhất trong nhà đang cặm cụi sửa soạn một bàn thờ nhỏ trong phòng khách để cúng ông bà. Bàn thờ đơn giản, chỉ một lon hương, hai cây đèn, một nải chuối và một bình hoa.
Thấy anh chuẩn bị cúng, tôi và những người ở cùng nhà ra khỏi phòng, nghiêm trang đứng sau lưng anh. Anh khấn vái xong, chúng tôi, những kẻ không họ hàng, thân thuộc gì với nhau, cũng lần lượt mỗi người thắp một cây hương, cúi đầu vái ba vái. Không biết vái về đâu và cũng không biết từ phương Đông xa xôi, tổ tiên ông bà có nghe được lời cầu nguyện của những đứa con đang lạc loài trên đất khách. Không có tiếng khóc trong đêm giao thừa đầu tiên nhưng lòng ai cũng nặng trĩu ngậm ngùi.
Không nói ra, nhưng hình như người nào cũng sợ phải đối diện với nỗi cô đơn, lạc lõng trong đêm giao thừa. Chúng tôi, thay vì về lại phòng mình, ngồi quây quần nhau chung quanh chiếc bàn dài. Vài đĩa cánh gà chiên. Vài lon bia. Một bình trà. Những bầu tâm sự. Mẹ già. Người yêu. Bè bạn. Những câu chuyện vượt biên hồi hộp và gian khổ.
Có một điều không ai trong chúng tôi đã hối tiếc việc ra đi. Chúng tôi kể lại cho nhau nghe chặng đường nguy hiểm của mình một cách hảnh diện. Thành quả dù lớn hay nhỏ cũng đều có giá và tự do thường phải trả giá đắt nhất, đôi khi bằng chính mạng sống của con người.
Năm 2010, nhân ngày 30 tháng 4 đài VOA có phỏng vấn tôi lý do ra đi và tôi trả lời, bởi vì “Quê hương Việt Nam sau 30-4-1975 là quê hương để nhớ để thương chứ không phải để sống”.
Và như thế, tôi đón cái Tết đầu tiên với những người xa lạ nhưng vô cùng cần thiết trong đời sống mới, những người đã gọi nhau là đồng hương và tôi cũng được hưởng thêm một tình cảm mới mà chúng tôi gọi là tình đồng hương. Giống như một gia đình, lắm khi vui và cũng có khi buồn nhưng từ những bước đầu khó khăn, nhỏ nhoi và vui buồn đó, cộng đồng Việt Nam đã được sinh ra và lớn lên vững mạnh đến hôm nay.
Trần Trung Đạo
Source Internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.