Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016
SÂN TINH VÕ: NƠI VÕ THUẬT TRUNG HOA ĐI VÀO VĂN HOÁ VIỆT.
Ẩn sau những hội quán Trung Hoa, những dãy nhà lụp xụp của những con phố cổ khu vực Chợ Lớn – TPHCM, các lớp võ của người Hoa vẫn sáng đèn hằng đêm để chờ đón những người con ly hương đã chọn Việt Nam làm quê hương thứ 2 của mình.
Mặc dù mang tiếng là võ Tàu, nhưng các môn phái đều gia nhập và nằm dưới sự quản lý của Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam và Hội võ cổ truyền TPHCM. Lượng võ sinh theo học đông nhất vẫn là Thiếu Lâm. Tụ quanh khu Chợ Lớn, các võ đường lớn có uy tín luôn thu hút lượng võ sinh đông đảo đến tập.
Sân Tinh Võ được thành lập vào năm 1922 với tên gọi “Tinh Võ thể dục hội” do Tổng hội Tinh Võ Thượng Hải sáng lập, gồm Chiêu Tráng Chí (hội trưởng), Lý Nghị Hoàn (hội phó), Diệp Bá Hành (chánh trị sự), Tào Diên Sương (phó trị sự)… tập hợp 85 hội viên, trụ sở tọa lạc tại “Thất phủ Thiên Hậu cung” số 114 đường Mai Sơn, Q5, đến năm 1955 đổi tên thành Hội Thể thao Tinh Võ, nay là Trung tâm TDTT Q5, CLB Tinh Võ (756 Nguyễn Trãi, P11Q5, TPHCM).
Tổng hội Tinh Võ Thượng Hải cử bốn võ sư là Triệu Chấn Quần, Nhan Quế Chi, Bạch Liên Trân và Vương Phượng Cang sang dạy võ thuật, sau đó phát triển thêm các môn bóng bàn, bóng rổ, bóng chuyền, cờ tướng. Năm 1945, Việt Nam Tinh Võ thể dục học hiệu đổi tên thành Hội Thể dục Tinh Võ Việt Nam do võ sư Tạ Lâm Tường trực tiếp giảng dạy. Sau đó Tạ Lâm Tường mất, Lệ Nhật Lâm lên thay. Năm 1952, võ sư Triệu Trúc Khê được ban trị sự của hội mời sang dạy Thái Cực Đường Lang đến năm 1968. Một năm sau đó, Thái Cực Đường Lang bắt đầu xuất hiện trên võ đài sân Tinh Võ, thi đấu cùng các lò võ Long Hổ Hội, La Khôn, Nguyễn Hớn Minh, Hồng Nghĩa, Xuân Bình…
Võ thuật Trung Hoa du nhập Việt Nam từ rất sớm, gần như đã có một nền võ học Trung Quốc ảnh hưởng đến Việt Nam ngay từ khi những người “khách” từ phương Bắc xa xôi đặt chân lên xứ sở phía nam này. Người xưa Nam Việt thường phân biệt rất rõ võ Trung Hoa và võ Việt bằng 2 chữ: võ ta - võ Tàu.
Đến thế kỷ thứ 18, hàng đoàn người Minh Hương theo chân đoàn quân phản Thanh phục Minh thất bại xâm nhập Việt Nam, chọn Sài Gòn – Gia Định làm quê hương thứ 2 của mình. Chỉ để rèn luyện thân thể ban đầu, huấn luyện quân binh giữ gìn trật tự, võ thuật của Châu gia, Hồng gia, Thái Lý Phật chỉ mang tính hạn hẹp, chưa thoát khỏi những bức tường rào của các gia đình người Minh Hương ly xứ.
Dần dà, những Hội quán của 5 bang hội: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hẹ, Hải Nam qui tập những con người xa xứ nhằm để trao đổi văn hóa giữ gìn truyền thống của một xứ phương Bắc xa xôi và giúp đỡ nhau làm ăn lần lượt ra đời. Sau những giờ làm việc, các thanh niên người Việt gốc Hoa tập trung lại để nghe người già kể về cố hương xa xôi, để tập viết chữ Hán văn Tàu, để nghe điển tích Hạng Võ – Lưu Bang, và để cùng nhau rèn võ luyện sức khoẻ. Rồi như “mưa dầm thấm đất”, võ thuật Trung Hoa dần thoát thai và hoà nhập vào cộng đồng võ thuật Việt Nam nhờ vào những Hội quán như thế để bảo tồn một nền văn hoá.
Một nền võ học đa dạng Gia nhập làng võ và nhanh chóng phát triển mạnh, võ thuật Trung Hoa thể hiện rõ nét tính đa dạng của mình với sự góp mặt đủ môn phái: từ Thiếu Lâm Bắc Phái mạnh mẽ về cước, từ Thái Cực Quyền uyển chuyển nhẹ nhàng, Thái Cực Đường Lang nhanh gọn đến Hồng Gia Quyền nội công thâm hậu. Hầu như tất cả các anh tài đều về tụ họp quanh Chợ Lớn, vùng đất được xem là 1 thành phố Trung Hoa nhỏ bé tại Việt Nam. Những tên tuổi lớn lần lượt ra đời như Đỗ Phi Long, Triệu Trúc Kê, Tạ Ngọc Long hay Châu Trí Hùng. Mà với người Trung Hoa, truyền thống “văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị” đã kích thích thích phát triển của các võ đường.
Đến đầu những năm 30 của thế kỷ 20, các đệ tử của Hoách Nguyên Giáp cũng thâm nhập Sài Gòn để mở Tinh Võ Môn trên đường Cây Mai - Võ Tánh (Nguyễn Trãi hiện nay). Dần dần không chỉ thanh niên người Hoa mà cả thanh niên người Việt cũng theo học và góp phần phát triển các môn phái của mình.
Trước 1975, võ cổ truyền (tức võ tự do) ở Sài Gòn – Chợ Lớn có khoảng 15 môn phái thuộc Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam. Võ đài thời đó có hai hình thức thi đấu gồm võ tự do (được sử dụng các đòn chỏ, gối, đấm, đá, kể cả đá hạ bộ) và quyền anh, chia làm bốn hạng: Hạng muỗi (võ sĩ đánh đài lần đầu); hạng ruồi (võ sĩ đã tham gia đánh đài từ 3 – 5 trận); hạng gà (từng thượng đài nhiều lần, có trận thắng) và hạng lông (rất hiếm) dành cho số ít võ sư thách đấu nhau nhằm gây quỹ ủy lạo người nghèo, người bệnh tật.
Võ tự do, người thi đấu mang “găng sáu” (six), môn quyền anh, võ sĩ mang “găng chín” (neuf), nam võ sĩ đấu đài mình trần, mặc quần đùi, mang giáp bảo hộ hạ bộ (coqui). Trọng lượng hai võ sĩ cho phép chênh lệch tối đa 3kg. Mỗi đêm sân
Tinh Võ có khoảng 5 độ đài, để đỡ nhàm chán, trong ba độ võ tự do chen vào hai độ quyền anh. Mỗi trận ba hiệp (3 phút/hiệp), giữa mỗi hiệp giải lao một phút, giá vé 200 đồng, võ sĩ chiến thắng được nhận 1.800 đồng từ ban tổ chức, kẻ “rớt đài” được an ủi 800 đồng. Trước trận đấu, hai võ sĩ ký bản cam kết “Ban tổ chức hoàn toàn không chịu trách nhiệm về tính mạng võ sĩ”, nói nôm na là… “đánh chết ráng chịu”!
Sân Tinh Võ là nơi vinh danh các “tay đấm vượt thời gian” làng võ miền Nam (1925 – 1975): Nguyễn Văn Phát (Kid Dempsey), sư Muôn, Đông Phương Sóc, Kim Sang, Văn Thọ, Minh Cảnh, Minh Thành, Minh Sang, Huỳnh Tiền, Trần Xil, Xuân Bình, Nguyễn Nhiều, Lê Đại Hoan, Mai Thái Hòa, Nguyễn Son, Từ Thanh Nghĩa, Trần Mạnh Hiền, Kê Hoàng Hổ, Lý Huỳnh Cường, Xuân Hùng, La Khôn, Nguyễn Hớn Minh, Mã Thành Long, Trần Minh…
Source: www.facebook.com/kienthucvothuat2014/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.