Tạ Phong Tần
Cách đây năm năm, tôi đi chợ Tân Định (Sài Gòn) thấy bán một loại rau lạ ít người Sài Gòn biết. Rau này chỉ bán ở duy nhất một sạp thôi, những sạp rau khác không thấy bán, đó là đọt choại.
Đối với người miền Nam, đặc biệt là vùng nước ngập Đồng Tháp Mười, choại là thứ rau rừng quen thuộc. Choại có hai loại, rau mọc hoang ở rừng và rau mọc trong vườn nhà. Choại là loại dây leo, đọt non dùng làm rau ăn, phần thân choại dài và dai dùng để làm dây buộc, đánh xoắn lại thành dây thừng rất chắc chắn, dẻo dai, chịu được sức nặng. Choại không những đi vào những bữa ăn của dân quê miền Nam, mà còn đi vào từng trang sách kể về vùng đất phương Nam hoang sơ thời khai hoang lập ấp. Vùng Đồng Tháp Mười từ xưa đã có ca dao: “Rủ nhau lên đất bảy làng/ Hái rau choại chột, nhổ bàng về đương/ Choại chột thì chấm nước tương/ Bàng thì đương nóp người thương tôi nằm.”
Thuở nhỏ, tôi biết rau choại nhờ vào sách vở chớ chưa từng thấy lần nào, càng chưa được hân hạnh ăn thứ rau rừng mà người ta thường kể rằng “ngon lắm.” Theo sách thì choại vườn có thân cao to, mập mạp, thường mọc chen theo những bụi tre gai, liếp dừa, trong vườn cây tạp, dọc mé sông, thích nghi ở những vùng nước ngọt, nhiễm phèn nhẹ. Choại vườn vị ngọt, ăn rất giòn và thơm, rất hiếm gặp nên không được bày bán ở ngoài chợ như rau choại rừng.
Thấy bà chủ sạp rau bán ba bó rau gì có dây dài dài như cọng nhang, thân màu xanh, càng gần đọt thì có màu nâu non, lá cũng có màu nâu non nhạt, dài dài nhọn nhọn như lá rau răm. Tôi hỏi “Rau gì vậy chị?”, người bán nói đây là choại rừng, luộc, xào, nấu canh đều ăn rất ngon. Hỏi tiếp “Bán thế nào?”, bả nói “Một ký hai chục ngàn.” Ý trời, bán cân ký lô mà rau thì ngâm trong thau nước, mua 1 ký rau chắc phải trả tiền oan nửa ký nước rồi. Tôi cầm bó rau lên, thấy dài chừng hơn gang tay mà bề tròn có một bụm tay, nặng trĩu nước. Tôi nói: “Sao chị không bán bó? Rau bán ký mà còn ngâm nước, ăn gian dữ vậy?”. Bả nói: “Ngâm nước nó mới giòn, rau này không để khô được. Người ta cân ký bán cho tui thì tui bán ký, sao bán bó được.” Kiểu “lý lựng” này của bả nghe thiệt dễ sợ, rau hái trên rừng mà phải ngâm nước mới giòn thiệt khó tin lắm, nhưng mà bả đang “kinh doanh độc quyền,” lại còn có ba bó, ai không mua thì thôi nên tôi phải mua một bó chớ không “ý kiến ý cò” gì được. Bó rau sáu trăm gram phải trả đến mười hai ngàn đồng. Thiệt là mắc. Tôi vừa lặt rau vừa tỉ mẩn quan sát thì thấy hóa ra cái thứ choại này nó thuộc họ dương xỉ, vì hình thức và lá nó giống y chang lá dương xỉ. Khác nhau ở chỗ lá choại mọc thành dây dài còn dương xỉ mọc thành bụi thấp, lá ngắn hơn. Cọng dương xỉ nhiều xơ và cũng cứng hơn choại. Dương xỉ loại nhỏ chừng hơn gang xài trong trang trí, cắm hoa chớ không ai ăn dương xỉ bao giờ.
Quê tôi có loại cây thuộc họ dương xỉ nhưng bự hơn dương xỉ gấp mười lần, thường mọc dọc theo bờ kênh, bờ ruộng, bờ sông kêu là cây ráng. Cây ráng thích mọc ở đất bùn, nó sống hoang, không ai trồng. Dân quê tôi vẫn hái đọt ráng non (lúc nó còn màu nâu non như lá lụa) luộc ăn. Thật ra, đọt ráng ăn không ngon, chỉ để giải quyết “chống đói” những khi thắt ngặt ngoài đồng không còn thứ rau gì khác nên buộc lòng phải ăn đỡ đọt ráng. Đọt ráng có vị đắng đắng chát chát, luộc trước một nước để xả bỏ bớt vị đắng chát đó, rồi mới vớt lên để ráo xào với tép hay nấu canh cá, hay luộc lại lần nữa chấm cá kho.
Cây ráng già người ta đốn về phơi khô, tước bớt bản lá đi, bó lại thành chổi, kêu là chổi ráng. Khác với miền Bắc, miền Nam dùng chổi ráng, chổi sống dừa khô để quét sân, vườn, quét đường, quét lúa… chớ không dùng chổi tre. Nhà ở nông thôn thường làm nền nhà bằng đất nện, mùa mưa thường ẩm ướt, quét nhà phải dùng loại chổi lớn và cứng bó bằng cây ráng già thì nhà mới sạch hết đất ẩm. Lúc tôi bảy tám tuổi, mẹ tôi đi chợ hay mua cho tôi mấy cây chổi ráng nhỏ xíu dài chừng hai gang tay người lớn, màu lá mới vàng hươm ngã xanh, thơm mùi nắng. mùi cây cỏ. Tôi thích lắm, lấy cây chổi này mỗi ngày ra quét cái sân xi măng trước nhà bày đồ hàng ra ngồi chơi với mấy đứa nhỏ bên hàng xóm. Lớn rồi mới biết mình bị dụ khị, thay vì kêu “Mày đi quét sân” thì không nói, mà làm bộ cho cây chổi nhỏ.
Nghe nói người Đồng Tháp còn nấu món cháo nhộng ong với măng tươi, đọt choại vườn và nấm rơm, dân nhậu thì khoái cái món đọt choại cùng các loại rau khác nhúng vào lẩu cá, lẩu lươn. Vào mùa nước nổi, người ta làm món đọt choại, bông điên điển nấu canh chua lươn. Còn dân Long An thì khoái món đọt choại sống chấm cá kho, hoặc trộn nước mắm giấm tỏi ớt làm gỏi, hay luộc chấm nước tương, nước cá, nước thịt kho hay mắm nêm.
Người Cà Mau lại khoái món đọt choại xào tép. Vào đầu mùa mưa, nước ngập xăm xắp dưới chân rừng, cũng là lúc các loài thực vật xanh tươi trở lại, đó cũng là thời gian dân Cà Mau “chuyên trị” đọt choại xào tép (đã lột vỏ) mà choại lẫn tép đều có thể dễ dàng tìm kiếm quanh nhà.
Lặt rau choại xong, đem rửa rồi xào như làm món rau muống xào tỏi. Cũng tỏi, cũng bột ngọt, cũng tiêu, cũng muối thêm vào, xúc ra được một dĩa trung trung ăn với nghêu kho riềng.
Đúng là choại giòn thiệt, vị thanh mát, nhai kêu rau ráu trong miệng, nhưng nếu không có gia vị thì chắc là lạt nhách. Lại thêm nó có hơi bị… cứng, dai, nhai mỏi miệng. Vậy mà “nghe đồn rằng” đọt choại ăn ngon lắm, nước luộc choại ngọt húp ngon hơn bất cứ loại rau nào. Vậy mới biết, lắm khi đói quá, khẩu vị người ta cũng giống như nhà Chúa ăn phải món “mầm đá” của Trạng Quỳnh mà cứ khen ngợi loạn cả lên. Làm một dĩa rau muống đìa xào tỏi tương tự ăn ngon hơn nhiều, mà giá tiền mua rau muống chỉ bằng một phần ba mua đọt choại.
Người miền Nam xài chổi đót từ miền Trung đem vô, xuống đến khu vực phía Nam là nó đổi tên thành chổi bông cỏ, nói chổi đót thì không ai biết. Chổi bông cỏ thường được người thành thị dùng quét nhà nền gạch láng bóng, khô ráo, chớ không thể quét sân hay quét nước được. Nhìn rau choại tôi lại nhớ đến cây ráng, nhớ đến những mùa nắng gắt rủ nhau xách dao bầu đi dọc bờ sông, bờ kênh đốn ráng già về phơi khô bó chổi, nhớ đến sau mùa gặt lại đi xin rơm đập cập về tước ra lấy phần lõi bên trong bó thành những cây chổi rơm màu vàng óng thơm mùi lúa mới. Để rồi lấy làm tiếc nuối khi ngày nay tôi không thể tìm thấy một hình ảnh nào về cây chổi ráng, chổi rơm.
Nói gì thì nói, choại vẫn được bán giá cao ngất ngưỡng ngoài chợ như một thứ “hàng độc,” vẫn “bán chạy như tôm tươi,” mới 9 giờ sáng đã hết nhẵn hàng. Ngon hay không ăn rồi mới biết, chỉ cần “lạ” và “độc” là choại nghiễm nhiên đứng vào “top trên” một cách ung dung.
Choại vẫn đường hoàng “leo” vào chễm chệ trên mâm cơm những gia đình khá giả, nhà hàng đồng quê ở trung tâm Sài Gòn. Thôi thì dù cho rau choại có bán ở Sài Gòn với giá trên trời, người này khen choại ngon, người kia chê choại dở ẹt thì kẻ thức giả lẫn thức thiệt cũng nên ăn một lần cho biết với người ta, kẻo khỏi phải hối tiếc muộn màng kêu lên “choại ơi là choại!”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.