Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016
Bob Dylan - Người viết Thơ thành Nhạc
Bob Dylan đã viết gì để hội đồng chấm giải dúi vào tay ông giải thưởng Nobel văn học chứ không phải một tác giả văn học thực thụ đã lăn lộn nhiều năm? Câu trả lời: ông viết nhạc.
Dù không phải một cái tên lạ hoắc hay mới toanh nhưng thực tế là vài tiếng sau khi một trong những ca sĩ – nhạc sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ 20, Bob Dylan, được trao giải Nobel văn chương năm 2016, giới chuyên môn cũng như truyền thông vẫn chưa khỏi bàng hoàng.
Murakami sẽ bắt đầu cắt 1 câu thành 3 dòng
Phản ứng đầu tiên của tờ Paris Review, tạp chí lâu đời cho giới cầm bút, đó là: "Hỡi các nhà văn, hãy tập đàn guitar thôi nào! Hãy vứt hết những chiếc máy gõ chứ hay những chiếc bút chì sắc nhọn, hãy mua một cây acoustic guitar hay một cây harmonica ấy".
Và họ dự đoán tiếp sau đây, Haruki Murakami sẽ bắt đầu cắt 1 câu thành 3 dòng, đặt tên sách là Tuyển tập lời bài hát, trong khi đó Don DeLillo đàm phán thu âm cùng hãng Columbia, còn Milan Kundera sẽ tham dự festival âm nhạc tại Newport năm 2017.
Thực ra, chuyện Bob Dylan giành giải không đến nỗi là chuyện từ trên trời rơi xuống. Năm 2008, ông từng nhận được giải Pulitzer. Và lâu nay, giới cá cược cũng đã đặt cửa khá cao cho ông trong cuộc chạy đua tới giải thưởng văn học danh giá nhất hành tinh.
"Vì đã tạo nên những biểu đạt đầy chất thơ trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của nước Mỹ", đó là lời của hội đồng xét giải Nobel khi xướng tên Bob Dylan.
Người viết thơ trong nhạc
Không phải lúc nào cũng có thể mở lên một album của Bob Dylan. Đôi khi, âm nhạc của ông đem đến một cảm giác như đang lái một chiếc ô tô mui trần, vỡ nắp, lao trên một sa mạc mênh mông, cát lạo xạo dưới lốp xe. Trên băng sau, một ai đó mặc chiếc quần jeans bạc màu, cầm guitar và hát:
How does it feel, ah how does it feel?
To be on your own, with no direction home
Like a complete unknown, like a rolling stone
(Cảm giác đó ra sao? Cảm giác đó ra sao? / Tự đi trên đôi chân, không biết nơi đâu là hướng về nhà / Như một hòn đá lăn, hoàn toàn chẳng ai hay biết)
Dylan kể chuyện bằng âm nhạc, những câu chuyện tình buồn và những câu chuyện đời buồn của con người trong một thời đại mà Jack Kerouac gọi là “chỉ có thế thấy dòng Mississippi cuồn cuộn chảy qua hàng rào thép gai”. Các nhân vật của Dylan tựa như những hồn ma của nước Mỹ xa xưa đã mất, nhuốm sắc màu rong ruổi, buồn bã nhìn quá khứ khép lại sau lưng.
All the people we used to know
They're an illusion to me now
Some are mathematicians
Some are carpenter's wives
Don't know how it all got started
I don't what they're doing with their lives
But me I'm still on the road
(Những người chúng ta từng quen / Giờ họ trong tôi chỉ là ảo ảnh / Một vài nghiên cứu toán / Một vài là vợ của người thợ mộc / Chẳng hiểu tất cả chuyện đó bắt đầu từ đâu /
Tôi không biết họ đang làm gì với cuộc đời của họ / Nhưng tôi vẫn cứ đi)
Emily Dickinson từng nói: "Nếu tôi cảm thấy như đầu lìa khỏi cổ, tôi biết đó chính là thơ ca". Nếu hiểu theo cách này, chẳng ai còn nghi ngờ gì về tính thơ trong lời hát của Dylan cả.
Thế giới của Dylan luôn có những con người rất cụ thể, chẳng hạn như một chàng trai tới New Orleans rồi làm việc trên một con thuyền đánh cá trong Tangled up in blues, một tội phạm da đen bị bắt giam vì bắn chết 3 người trong Hurricane, hay một người mẹ của 9 đứa con tới từ Baltimore bị chủ nông trang sát hát trong The Lonesome Death of Hattie Carroll,... Thế nhưng, cái thế giới ấy giống như nằm sau một ô cửa chớp, chỉ có thể nhìn vào mà khó lòng chạm đến. Cùng một lúc, Dylan phơi bày tất cả ngôn ngữ nhưng lại không phơi bày gì cả.
Bạn vừa nghe vừa tự hỏi, những chi tiết như nằm mơ thấy thánh Augustine nước mắt ròng ròng, hay ngài Jones bước vào một căn phòng và bắt gặp một người đàn ông trần truồng không quen biết, chúng có ý nghĩa gì không, hay chúng chỉ là một giấc chiêm bao phi lý và lộn xộn? Vài lúc, bạn nghĩ Bob Dylan một nhà thơ thế hệ Beat bị ma ám, vài lúc, bạn cảm tưởng ông là một Luis Bunuel tái tạo ảo giác bằng con chữ, vài lúc khác nữa, bạn lại đinh ninh ông là một Edgar Allan Poe của những người phiêu bạt.
Cứ cắt nghĩa đi. Bạn sẽ cố gắng hiểu Dylan, để rồi, tất cả những gì bạn hiểu được, đó là bạn chẳng hiểu gì về Dylan cả. Thi thoảng, bạn bắt gặp một vài câu tâm đắc, kiểu như:
I hear the ancient footsteps like the motion of the sea
Sometimes I turn, there's someone there, other time it's only me
(Tôi nghe những tiếng bước chân xưa cũ như chuyển động của đại dương / Đôi khi tôi quay lại, có người đang đứng đó, những lần khác chỉ có mình tôi)
Nhưng thế thôi là đủ để bạn yêu ông ấy. Thơ ca mà, hiểu để làm chi đâu, chúng chỉ là để uống trong những đêm sầu, trong những đêm khi đang “leo lên mười hai ngọn núi phủ sương, lê lết vào sáu đại lộ ngoằn nghoèo, len vào giữa bảy khu rừng buồn bã”.
Và rồi, như nhân vật ông toán sư trong Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Chốn tận cùng thế giới của Murakami, đi đến kết luận đầy cảm tính rằng, Bob Dylan hát cứ như là nghe một đứa trẻ đứng bên cửa sổ xem mưa vậy.
Nhớ lại trong ca khúc Mr.Tambourine man, Dylan viết:
Hey, Mr. Tambourine Man, play a song for me
In the jingle-jangle morning I'll come following you
Take me on a trip upon your magic swirlin' ship
My senses have been stripped, my hands can't feel to grip
My toes too numb to step, wait only for my boot heels
To be wanderin'
I'm ready to go anywhere, I'm ready for to fade
(Này, người gõ tambourine, hãy chơi cho tôi một khúc nhạc / Trong buổi sáng đinh đang, tôi sẽ đi theo người / Đưa tôi đi trên con tàu ma thuật của người / Những giác quan của tôi trơ trụi, bàn tay tôi không còn nắm được lấy / Những ngón chân quá tê cóng để bước đi, chỉ đợi cho gót giày lang thang đây đó / Tôi đã sẵn sàng tới bất cứ nơi đâu, tôi đã sẵn sàng để úa tàn)
Có khi, nghe Bob Dylan cũng như nghe người gõ tambourine đó. Nghe không phải để hiểu thêm về cuộc sống, vì đã quá hiểu về cuộc sống và đã chán ngấy cuộc sống rồi, nghe để úa tàn thôi.
Source news.zing.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.