Thứ Ba, 19 tháng 1, 2010
QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA CÙNG SỰ TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN CỦA NHIỀU NƯỚC TRONG BIỂN NAM HẢI VÀ VỊNH THÁI LAN
Kể từ cuối thập niên 60's và đầu thập niên 70's, các quốc gia có trình độ kỹ thuật cao như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật, Nga Sô, Tây Đức ... đã phóng lên không gian nhiều vệ tinh nhân tạo cho nhiều mục đích khác nhau . Vệ tinh trang bị những máy móc điện tử tối tân, có thể khám phá được bí mật của lòng đại dương hay lòng đất sâu trong quả địa cầu . Cũng chính những khám phá này, được biết vùng biển Nam Trung Hoa (South China Sea) nhất là vùng biển các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có dầu hỏa nằm sâu dưới lòng biển từ 4km trở đi . Do đó sự tái tranh chấp chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa các nước trong vùng biển Nam Trung Hoa và vịnh Thái Lan bùng nổ trở lại: VNCS (Bắc Việt), Trung Cộng, Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương và VNCH ...
Vấn đề tranh chấp này đã được nhiều Ngoại Trưởng của các quốc gia liên hệ khơi mào nhiều lần, trong các cuộc họp quốc tế về luật biển nhưng cũng không đi đến đâu, vì không hội đủ yếu tố mà công pháp quốc tế về luật biển ấn định . Theo đó "hải đảo hoặc quần đảo thuộc chủ quyền quốc gia nào, thì quốc gia đó phải chưng đủ bằng cớ như sau:
1. Tổ chức hành chánh trên đảo
2. Sắc tộc của những dân chúng sống trên đảo phải chiếm đa số
3. Lịch sử, di tích trên đảo
4. Vị trí địa dư và tính chất địa chất của đảo
Các quốc gia tranh chấp đều thừa hiểu rằng, nếu hai quần đảo đó thuộc chủ quyền quốc gia mình, thì hải phận quốc gia, hải phận quan thuế đánh cá và thềm lục địa quốc gia mình sẽ tăng lên hàng trăm hải lý, theo đúng nguyên tắc về luật biến "Chuỗi hải đảo pháp lý (Archipellago)".
Tuy nhiên trong giai đoạn hiện tại, vì Hoa Kỳ còn ủnbg hộ VNCH trong cuộc chiến tranh tự vệ, nên các nước tranh chấp trong vùng, chỉ lên tiếng phản đối lấy lệ, nhứt là các nước nhỏ, vì dù sao cũng tự lượng sức mình với Đệ Thất Hạm Đội Mỹ, đang hoạt động tại Thái Bình Dương, nhứt là tại hải phận VNCH. Đúng với nhận định của ký giả Robert J. Thompson viết trong tạp chí Kinh Tế Viễn Đông như sau "Căn cứ vào quyền lực trên biển (sea power) của Đô Đốc Mahan, thì quốc gia nào có hải quân mạnh sẽ có quyền lực trên biển và chủ quyền trên các hải đảo . Nhưng hải quân và không quân là hai thứ xa xỉ phẩm, quốc gia nghèo có nó chỉ khổ thêm thôi ."
Lúc bấy giờ chính phủ VNCH cho phép các công ty ngoại quốc đấu thầu khai thác dầu hỏa nằm trong vùng lãnh hải của mình, từ vĩ tuyến 17 đến Phú Quốc . Một công ty Hoa Kỳ đã trúng thầu và khoang đúng giếng dầu có tên là Bông Hồng 9, Dầu thô phun ra được đốt cháy, mà báo chí thời bấy giờ có hình ảnh và bài viết về giếng dầu này .
Kết quả khả quan đó, làm cho chánh phủ VNCH và mọi người dân miền Nam Việt Nam đều vui mừng và tin tưởng "Nhờ may mắn có tài nguyên này mà có thể giữ chân Hoa Kỳ, tiếp tục ủng hộ cuộc chiến tranh tự vệ, chống lại CSBV và sẽ đi đến chiến thắng CS trong tương lai".
Tuy nhiên sau thời gian thí nghiệm tính toán, các chuyên viên kinh tế Hoa Kỳ cho biết, giếng dầu Bông Hồng 9 có số lượng dầu chứa chỉ đủ cho các chi phí trong việc khai thác, không có lời, hay có nhưng chẳng là bao nhiêu .
Thêm vào đó, cuộc thăm viếng Trung Cộng của Tổng Thống Nixon năm 1972, đã được chính phủ Mao Trạch Đông đón tiếp trọng thể . Sau đó, mối bang giao lạnh nhạt giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng được nối lại, kể từ sau cuộc Vạn Lý Trường Chinh của Mao Trạch Đông kết thúc năm 1949, đẩy thống chế Tưởng Giới Thạch chạy ra hải đảo Đài Loan, tử thủ phần đất tự do còn lại, cho đến khi ông chết tại đó, nhưng Đài Loan vẫn đứng vững đến ngày nay .
Khi nối lại bang giao với Trung Cộng, Hoa Kỳ bắt đầu đặt chiến tranh Việt Nam lên bàn cân và so sánh lợi hại, vì bấy giờ Hoa Kỳ đã đẩy biên giới chống CS lên tới sát nách Nga Sô . Thêm vào đó các cuộc biểu tình phản chiến của dân chúng Hoa Kỳ chống chiến tranh VN diễn ra hàng ngày trên đường phố Hoa Kỳ, cùng nhiều yếu tố khác như vụ Watergate, khiến Hoa Kỳ quyết định rút chân ra khỏi chiến tranh Việt Nam (trong danh dự) . Sau khi ép chính phủ VNCH ký hiệp định Paris một cách bất lợi về phía VNCH ngày 2701-1973, Hoa Kỳ cho thi hành chương trình "Việt Nam Hoá Chiến Tranh", một hình thức "chạy làng", của Hoa Kỳ và Mỹ đã rút toàn bộ lực lượng ra khỏi VNCH, nuốt các lời hứa với bạn đồng minh của mình .
(TRÍCH TÀI LIỆU CỦA BÃO BIỂN ĐỆ NHỊ HẢI SƯ, THÁI VĂN A - HẠM ĐỘI HẢI QUÂN, QUÂN LỰC VNCH, HẢI CHIẾN HOÀNG SA - 1990)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.