Thứ Ba, 19 tháng 1, 2010
VỊ TRÍ, DIỆN TÍCH CÁC ĐẢO CỦA QUẦN ĐẢO HOÀNG SA ĐỐI VỚI VIỆT NAM CỘNG HÒA
Quần đảo Hoàng Sa (Parcel) người Việt Nam còn gọi là quần đảo Cát Vàng, người Trung Hoa gọi là Tây Sa, gồm 72 đảo lớn nhỏ, do san hô cấu tạo . Hầu hết các đảo đều có diện tích nhỏ hơn 1 cây số vuông và cách mặt nước biển từ 1m đến 5m. Riêng đảo Phú Lâm trong nhóm Bắc ĐảO (Amphitrite) có diện tích 3 cây số vuông và có độ cao là 15m so với mực thủy triều . Các đảo rời rạc cách nhau từ 3 cây số đến 5 cây số . Chỉ đảo Phú Lâm có cây cối miền nhiệt đới . Đảo Hoàng Sa thì lau sậy mọc lưa thưa có một ít cây dừa . Mạch nước ngọt trên các đảo cũng rất là hiếm . Đào một lỗ đường kính 2m, sâu 6m, phải đợi 4 tiếng đồng hồ sau, mới múc được 5 lít nước lờ lợ như pha muối . Những hòn đảo nhô lên khỏi mặt nước biển, có phủ một lớp phân chim hải âu dầy độ 3 phân .
Quần đảo Hoàn Sa nằm ngang và cách Đà Nẵng độ 225 dậm về phía Đông . Quần đảo này nằm giữa từ 111 độ tới 115 độ kinh tuyến Đông và từ 15 độ tới 18 đội vĩ tuyến Bắc. Hoàng Sa gồm 2 nhóm đảo chính:
1. NHÓM NGUYỆT THỀM (CRESCENT GROUP)
Gồm nhiều đảo nhỏ chìm dưới mặt nước biển . Trong số đó, chỉ có 7 đảo nhô lên khỏi mặt nước, diện tích độ một cây số vuông . Đó là các đảo Hoàng Sa, đảo Quang Hoà (Duncan), đảo Cam Tuyền (Robert), đảo Tri Tôn (Triton), Đảo Duy Mộng (Dummond), Đảo Vĩnh Lạc (Money), đảo Bạch Quy (Passu Koah). Hòn đảo gần Việt Nam nhất và cách Đà Nẵng là 196.6 dặm, cách Quảng Ngãi 157.5 dặm . Riêng đảo Hoàng Sa cách Đà Nẵng 225 dặm . Chủ quyền của VNCH đối với quần đảo Hoàng Sa đặt trên các hòn đảo quan trọng này .
2. NHÓM BẮC ĐẢO (AMPHITRITE GROUP)
Nhóm này gồm 7 hòn đảo lớn nhô lên khỏi mặt nước biển . Sáu trong bảy đảo, diện tích nhỏ hơn 1 cây số vuông . Đó là các đảo Cù Mộc (Tree Island), đảo Bắc (North island), đảo Lincoln và đảo Phú Lâm .
Riêng đảo Phú Lâm là hòn đảo lớn nhứt của nhóm Bắc Đảo và cũng là hòn đảo lớn nhứt trong quần đảo Hoàng Sa . Diện tích đảo Phú Lâm độ 3 cây số vuông, có độ cao 15m so với mực nước thủy triều . Trung Cộng đã cưỡng chiếm đảo Phú Lâm và tất cả các đảo của nhóm Bắc Đảo từ sau thế chiến thứ 2. Hòn đảo của nhóm này gần nhất cách Đà Nẵng 225 dặm .
Như đã đề cập, chủ quyền của VNCH đặt trên các hòn đảo thuộc nhóm NGUYỆT THỀM (Crescent Group). Thời Pháp thuộc, người Pháp đã xây ba dãy nhà để làm Đài Khí Tượng . Đến năm 1974 chỉ còn lại một dãy nhà sử dụng được mà thôi . Thời Đệ Nhất Cộng Hoà, đài khí tượng này trực thuộc Ty Khí Tượng Đà Nẵng . Quân trú phòng gồm một tiểu đoàn TQLC trấn giữ đảo . Sau vì nhu cầu của chiến trường, tiểu đoàn TQLC được rút về đất liền, bảo vệ an ninh cho nhóm Nguyệt Thềm do khoảng một trung đội Địa phương quân . Đây là thành phần bê bối, vô kỷ luật do Tiểu Khu Đà Nẵng đày ra đảo, do đó tinh thần chiến đấu của quân trú phòng không có . Đó là một điều sai lầm của giới chức có trách nhiệm thuộc thị xã Đà Nẵng . Chu kỳ cho các binh sĩ trú phòng và nhân viên khí tượng là ba tháng . Ngoài ra còn có lực lượng hải quân VNCH đi tuần tiễu thường xuyên quanh các đảo .
Hoàng Sa có rất nhiều vít biển . Ngoài ra còn có ốc tai tượng, ốc nhảy . Binh sĩ trú phòng và nhân viên khí tượng dùng không hết, phải phơi khô để khi đến lượt đổi vào đất liền, đem tặng cho bà con dùng, một hương vị đặc biệt của Hoàng Sa .
Thời Chúa Nguyễn, hàng năm đều có đội chiến thuyền ra Hoàng Sa khai thác các vật quý như mã não, ngọc trai ... hay những vật do thương thuyền bị bão dạt vào và chìm tại đảo .
Một lớp phân chim hải âu dầy độ 3 phân, phủ lên các đảo, là nguồn phân bón dồi dào cho nông nghiêp. Theo tài liệui địa chất có độ 11 triệu tấn phốt phát .
Thời Nhật Bổn chiếm VN, có lập đường rails, và cầu tàu, để khai thác phân chim hải âu . Nhưng sư di chuyến khó khăn, bất lợi nên cũng bỏ qua .
Trên đảo còn có nhiều mồ mả của người Trung Hoa đi đánh cá gần đó, nửa chừng bị bệnh thình lình và chẳng may chết, nên được chôn trên các đảo . Ngoài ra phía Nam của đảo Quang Hoà, cũng có ngôi miếu thờ, do binh sĩ TQLC dựng lên, nhờ vật liệu do Hải Quân VNCH chở ra từ đất liền .
(TRÍCH TÀI LIỆU CỦA BÃO BIỂN ĐỆ NHỊ HẢI SƯ, THÁI VĂN A - HẠM ĐỘI HẢI QUÂN, QUÂN LỰC VNCH, HẢI CHIẾN HOÀNG SA - 1990)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.