Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011
QUÀ CHO CON TRONG TÙ - Kỳ 2
(tiếp theo và hết)
Nguyễn Thừa Bình
Ngày một chút, cái lồng chim được làm lần lần theo tôi trong tù, thiếu ăn, rách mặc, sống chết vài ba viên “xuyên tâm liên” trị bá bịnh mà không bao giờ lành. Nhiều khi trong giấc ngủ, tôi thấy mình được thả về. Vợ tôi đi lấy chồng khác. Con tôi, không tìm ra đứa nào. Cái lồng chim lăn lóc, không ai để ý tới. Tôi la to thật to “Việt Cộng, Việt Cộng”. Bác Đá, anh Nhuận nằm sát bên lay tôi thức dậy: “Gì mà ú ớ dữ vậy?” Thì ra, tôi còn trong tù. May quá! Tôi còn ở tù. Còn trong tù, còn ở tù mà may quá, đố trời mà biết? Có những chiều, tôi với Nhuận và Phúc tính chuyện vượt ngục qua đường ống cống trước “láng” 27 và “láng” 28 mà băng về hướng ao cá mới đào, rồi ngoặc ngược lên ruộng mía xa xa bên phải. Ông Quý đã đi được thì mình cũng đi được. Phải mặc áo quần dân sự. Không được mang theo cái gì hết. Mùng cứ thả như đang ngủ ở trỏng. Đi khoảng một giờ đêm. Nhuận báo động giờ xuất phát. Ngày N là ngày 2 tháng 9 năm 1976 vân vân và vân vân. Thời gian còn nhiều tháng nữa, cần phải thảo luận thêm. Bây giờ đang trong kế hoạch “Tăng Gia Sản Xuất”, từng “láng”, từng tổ ra sức “Thi Đua”. Danh hiệu “Tiên Tiến” treo tòng teng như củ cà rốt và cây gậy. Khu dầu hắc bên kia đường mỗi chiều sau bữa cơm ăn rồi mà tưởng chừng như chưa ăn, anh em qua bển đi tới đi lui cho đỡ đói, bây giờ biến thành “Khu Nhà Vệ Sinh” sản xuất “Phân Bắc”. “Phân Bắc” là “cứt” và “nước đái” mà anh em đại tiện, tiểu tiện ra. Tôi không biết nguyên do làm sao mà tụi “Bộ Đội Bắc Việt” gọi là Phân Bắc?
Các “láng”, các “đội”, các tổ và các cá nhân được khuyến khích mà cũng coi như là bổn phận phải sản xuất ra nhiều chừng nào tốt chừng nấy và canh chừng kẻo đội khác, tổ khác ăn cắp thì mình hết phân mà trồng mà tưới. Nghĩ coi, ăn xong cái bụng vẫn trống trơn, còn gì đâu mà “sản xuất” ra “Phân Bắc” với phân Nam. Có bắt ráng thì cũng không có gì mà ráng. Kẹt một cái, không có ba cái thúi tha bẩn thỉu đó trên mảnh đất nhiều đá, sỏi, sạn và vụn dầu hắc nầy thì, năng xuất chắc chắn sẽ kém và một chuỗi dài lý luận “duy vật biện chứng” của cái Xã Hội Chủ Nghĩa dằn đi dằn lại đến điên cái đầu người tù cải tạo. Tôi cũng như nhiều anh em khác, biết bao nhiêu bữa cơm phải ngồi trên cái thùng phuy xăng ngày trước bây giờ là cái cầu tiêu, cất thành hàng dài vài chục cái, canh chừng từ sáng đến chạng vạng người ta ăn trộm cứt. Miệng cứ ăn lưng một chén cơm chang canh rau muống. Mũi cứ ngửi mùi thúi nồng nặc cứt. Mắt cứ thấy dòi lích nhích lúc nhúc. Tay cứ đuổi lia lịa ruồi xanh bu đầy giành ăn với người- không- phải- người... Vài anh em bước ra, xuống ngồi ngoài nắng. Trời Hè nắng nóng như lửa đốt. Nhiệt độ 39, 40 độ Celsius, tương đương trên 100 độ Fahrenheit, ai chịu nổi!? Trên nóng dưới nóng, xung quanh đều nóng, ai cũng sợ cuộc đời của mình đến đây là “un point final” nên chạy trở vô. Suy ra, những người tù “học tập cải tạo bất đắc dĩ” cũng sợ “đi đời” mới tình nguyện vào nơi cát bụi nầy.
Tôi vẫn kiên trì mà mày mò cắt, bẻ, cột, đan cái lồng chim cho con. Tội, con đang chờ. Tội, tâm sự mình rưng rức ngày đêm. Mấy ngày nay, các đội, các tồ, các cá nhân bắt phải hùng hục bang những mô đất cao, to, dài nhiều cây số mà chúng tôi gọi là Trường Sơn Mịt Mù. Những mô đất nầy trước 30 tháng 4 năm 1975 dùng làm chướng ngại vật ngăn T.54, T.55, PT.76 của Cộng Sản Bắc Việt. Cán bộ lớn, cán bộ nhỏ hô hào “thi đua học tập tốt, lao động tốt, sớm về đoàn tụ gia đình”, người tù “Cải Tạo Viên” hung hăng con bọ xít, cuốc thật mạnh, làm hăng say... rồi rủ nhau vào trạm xá uống từng nắm từng nắm “Hoàn Tán Tiên Đơn Xuyên Tâm Liên” mà chờ chết. Bác Đá lại hộc máu nữa. Bác Giồng và một bác nữa già nhất “láng”, tôi quên tên bỏ ăn bỏ uống mấy ngày, nằm dài thườn thược kêu ông kêu bà. Anh bạn Nhuận, Phúc, Ngang, Liêm,... làm cầm chừng. Các ổng thường hô một, hai, ba “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phơí dậy tương lai” theo nhịp cuốc đất mỗi khi thấy đâu đó thấp thoáng bóng nón cối, dép râu, cây súng AK. Mấy tên bộ đội con nghe “dzậy” tưởng là “dzậy”, khoái quá!
Một hôm vào buổi chiều, tôi ngồi nơi bực thềm ngoài đường lộ, đan cho xong cái lồng, thì thấy ông bạn Thanh hí hửng cầm một con chuột cống thật là to trong tay, đi theo sau ông bạn Hi một tay cầm “con cuối rơm” và tay kia cầm cây gỗ thông có lửa. Nhiều người bu theo, cười nói vui vẻ. Tôi thì vẫn tiếp tục cái lồng chim cho con. Nhớ ngày nhận tin nó sinh ra, tôi xin được 72 giờ phép của Quân Trường Thủ Đức. Đi xe Lam ra Xa Lộ, tôi bắt xe đò về Phan Thiết. Không sợ nguy hiểm chút nào! Đến Rừng Lá ở Bình Tuy, đường bị “đắp mô” và phục kích của mấy anh du kích Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Tưởng bị “đi đoong” rồi. May, hai bên đường hằng chục ông “mũ tai bèo che khuất nẻo tương lai” đang hờm mũi súng về chiếc xe đò Hiệp Thành mà không bắn. Lên xe hai ông “đôi dép râu giẫm nát đời son trẻ” thao thao bất tuyệt rằng thì là “Mỹ Ngụy thua. Quân ta toàn thắng...”.
Người tù Tuyên Úy Phật Giáo của “láng” 23 hay 24 gì đó, đứng chấp tay sau lưng nhìn anh em, không biết đang suy nghĩ gì, quay qua tôi hỏi: “Hổm rầy thấy anh lui cui lủi thủi làm hoài, anh làm cái gì vậy”. Tôi trả lời: “Thưa thầy, làm cái lồng chim cho con”. Thầy nói: “Biết có về được hay không?”, ngừng một chút, thầy lại tiếp: “Anh đã ở tù, chắc anh cũng không muốn ai ở tù, dẫu là con chim phải không?” Tôi im lặng. Thầy nói có nhân, có nghĩa, có tình mà sao tôi cứ khư khư nghĩ rằng, chim là chim mà người là người. Chiều hôm đó, bọn tứ quái Hi, Dũng, Lượng, Thanh có những con chuột cống là có một bữa cơm thịnh soan. Anh Triều cũng có con chuột nhưng là con nhắc đã chết từ lúc nào. Ảnh nói “nhứt bì nhì cốt”, “nhứt thủ nhì vĩ”, “lương tâm thời đại”... mà không bỏ da, bỏ đầu, bỏ ruột gì hết trơn hết trọi.
Mấy hôm nay làm lại không biết lần thứ mấy mươi cái “Lý Lịch Trích Ngang” mấy đời ông bà ông vải mình. Tù Việt Cộng, ba cái thứ nầy cũng hành hạ mình nhức đầu, nhức óc. Mới tuần trước lại “biên chế” tới, biên chế lui, khám xét “đột xuất” nầy tới “đột xuất” khác, đừ cả người. Tôi cố giấu cái lồng chim khỏi đôi mắt cú vọ của mấy tên “bộ đội” giảo quyệt. Đâu có được, nó to quá mà. Cây kim, cọng chỉ chưa chắc đã lọt khỏi cái tròng của chúng nữa là. Nhiều đứa, chắc người Nghệ An của ông Hồ, nói giọng ngòng ngọng khó nghe, “Cái ni là cái chi chi?”. Tôi nói trỏng: “Cái lồng chim”. Tụi nó rủ nhau cười rồi bỏ đi. Tôi đọc được ý của chúng, rằng: “Còn lâu mới về con ạ”. Tối nào bác Đá, bác Giồng... ngồi kế bên tôi, nằm kế bên tôi cũng thắc mắc: “Tôi già yếu và bệnh tật thế nầy, “cách mạng” giữ tôi lại làm gì!?” Tôi cũng đã biết bao lần nói với các bác rằng: “Bác già mà chưa chết thì cái miệng của bác vẫn còn sống. Việt Cộng nó sợ cái miệng bác tuyên truyền hơn là sợ cái thân tàn ma dại của bác đợi ngày xuống lỗ”.
Bên kia, một bên với dẫy nhà quăng lựu đạn bữa trước, anh Minh ngày cũng như đêm khóc lóc, la hét, chửi bới om sòm những lời lẽ có khi vô nghĩa điên khùng mà có lúc như xỏ xiên, mánh khóe, trịch thượng. Ảnh vẫn là người điên mà. Ảnh là người mất trí mà. Ai trách gì ảnh đâu!? Ai bảo những người tù Cộng sản mang tên “Cải Tạo” không phải toàn là kẻ điên. Điên hết đó chớ. Điên là dẫn xác tới bảo người ta nhốt mình lại. Điên là vì có miệng không được nói gì hết. Điên là vì phải tung hô kẻ giết chết mình từng ngày... Nhưng nếu không điên thì cả thẩy đã chết hết từ lâu rồi còn gì!
Đã hơn một tháng làm tới làm lui, cái gì cũng có hồi kết thúc. Cái lồng chim làm cho thằng con cũng đã xong. Có điều, nó giống như một cái bẫy giông ngoài quê tôi. “Giông” là loài bò sát, thịt ăn ngon, da nhiều màu, sống trong hang vùng đât cát trong hai Tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Dù giống thứ gì, nhưng chắc chắn nó khoái lắm vì màu mè sặc sỡ. “Xanh xanh đỏ đỏ, trẻ nhỏ nó thích” mà. Một sáng, có tin hết sức sửng sốt là anh bạn Nguyễn Văn Thanh của tôi, người có thể nói ra rằng “đồng bệnh tương lân” mà cũng “đồng khí tương cầu”. Cái lạnh mùa Đông vừa qua, ảnh lên suyễn, tôi lên suyễn tưởng đứt hơi, ảnh về với Chúa, tôi về với Phật rồi. Ảnh cho tôi hít Ventolin, quý hóa biết chừng nào. Lạ đời cái chứng bệnh suyễn như giỡn chơi, hai bơm Ventolin là đỡ ngay. Ảnh người cao dong dỏng, lưng hơi khòm, sức khỏe yếu. Anh em nói ông Thanh “trốn trại” rồi. Tôi bàng hoàng, thảng thốt. Nhìn chỗ ảnh ngủ, cái mùng nhà binh của lính Việt Nam Cộng Hòa hồi đó còn buông kín mít. Ảnh đi hồi nào cà? Có ai nữa không? Gan nhỉ. Tôi hỏi tới hỏi lui mà không sao trả lời được. Hơi trưa một chút, ai ai cũng biết, có một Linh Mục, nghe nói là Tuyên Úy Công Giáo của Trường Bộ Binh Thủ Đức cùng đi. Tôi biết ông ta lùn, nhỏ con, điềm đạm. Ai ngờ hai người “trói gà không chặt” nầy lại cứng cáp đến như vậy. Anh Thanh, những lúc chúng tôi không đi lao động, kể rất nhiều về danh gia vọng tộc của mình cho tôi nghe. Nào là bên cha “giàu”, bên mẹ “giỏi”. Nào là các ông cậu Đại Sứ Lưu Động Ngô Đình Luyện, nào là ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, nào là ông Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm..., nào là ông anh cả Nguyễn Văn Thuận, Giám Mục Giáo Phận Nha Trang...Và nào là ảnh, tại sao lại phải ngồi tù. Tại “Cậu Ấm” Thanh nhà ta ham thọt billard, vân vân và vân vân. Khoảng sáu giờ chiều, tụi bộ đội cha, bộ đội con tri hô om sòm rằng “hai thằng “Ngụy” đã bắt lại được rồi”. Một thằng đeo lon Đại Úy giọng trọ trẹ Thanh-Nghệ-Tĩnh, nghiến răng gằn từng tiếng: “Trốn trại, trốn trại, mần răng mà thoát. Thoát mô được”. Ở đây, vượt ngục bị gọi là “trốn trại” có thể bị bắn chết như chơi, bắn chết là thường. Bắn chết có thể từ lệnh tử hình không có toà tiết gì cả, bắn công khai, bắn có pháp trường. Bắn chết có thể theo lối thủ tiêu một cách âm âm u u, xác có thể còn mà cũng có thể không tìm đâu ra. Mười mấy tên bộ đội súng đạn, lưỡi lê hùng hổ bao quanh hai người tù vượt ngục bị bắt mà hai tay trói ngoặt sau lưng. Các ảnh bị đánh nhiều, bị đói quá... đi mà ngã lên ngã xuống, té tới té lui!. Kìa, một đứa trở báng súng đánh vào đầu anh Thanh rồi đầu ông Linh Mục mà chửi. Hai ba đứa lôi kéo xềnh xệt hai xác người không còn sức lết được nữa. Ác nghiệt quá! Đứng nhìn mà nỗi đau quặn trong lòng. Hai ông Bác Sĩ Láng Trưởng Sơn và Hoa già dặn, khôn khéo... im lặng. Ông Láng Trưởng Phi Công Lương mặt hầm hầm, không biết là tức tụi Việt Cộng hay ghét các ông “trốn trại”? Ổng người Quốc Gia hay Cộng Sản, đố ai biết. Có ngưòi thắc mắc: “Đi cả ngày, sao lại bị bắt cà!?”. Có người quây lưng lại đi vào “láng”, hai hàng nước mắt đang rơi. Có người nghiến răng ken két không giấu vẻ căm thù. Ông bạn Giáo Sư Anh Văn Trần Khánh Thiện, người cùng quê quán của tôi vốn ghét cay ghét đắng bọn Việt-Minh-Việt-Cộng nói: “Làm gì dữ vậy. Đồ dã man!”. Ảnh đã nhiều lần “nói tầm bậy mà trúng tầm bạ” với tôi rằng: “Chắc mình sẽ bị đưa ra Bắc”. Tôi bực mình nói lại: “Ra là mầy ra! Miệng ăn mắm ăn muối nói tào lao”. Hôm sau có người đưa tin, cả hai ông bị quăng vào và nhốt trong thùng Conex mà chịu nỗi thống khổ, oan khiên... Vài người chùm nhum lại nói, “Chỉ cái nóng không thôi cũng đủ chết khô mấy ổng ở trỏng rồi. Tội nghiệp!”
Một chiều cuối tháng 6 năm 1976, hàng đoàn xe GMC cũng có, Molotova cũng có, che kín mít, nối đuôi dài chờ chở chúng tôi đi đâu đây? Xe chạy, ai cũng nghĩ chắc mình bị đày ra “Côn Đảo” hay ít nhất cũng là Phú Quốc. Nhưng cũng có vài anh em chán tù, ngán đói mà cho rằng mình sẽ được trả tự do ở “Thành Phô Hồ Chí Minh”. Cái lồng chim vừa làm xong, treo lủng lẳng sau cái ballot đã gây phiền hà quá nhiều cho anh em đang chật cứng chỗ ngồi. Thông cảm cho nhau, chứ làm sao, làm gì bây giờ!? Có anh nói “Đói thấy mẹ, bày đặt lồng chim, lồng chó”. Tôi có buồn mà cũng có thương cho anh em cũng như tội nghiệp cho chính mình đây. Một chỗ ngồi chút xíu tồi tàn tối tăm cũng không có. Xe chạy trong đêm, không biết chạy đi đâu. Một số anh em kháu với nhau rằng, “xe mình đang chạy về hướng Sài Gòn”. Người thì nói, “về Sài Gòn là thả mình ra chớ gì”. Người thì nói, “về Sài Gòn là chạy xuống Năm Căn, Cà Mau nhốt tù rục xương”. Có người xem ra bất mãn, la to “chạy đâu chạy mặc kệ cha nó”. Bước xuống xe, một rừng tụi “bộ đội” mang súng dài súng ngắn, dắt chó lớn chó nhỏ đứng, đi, chạy... mà lùa bọn tù xớ rớ, xơ xác thành hàng một lên tàu đang đậu bên bờ Sông Sài Gòn ở Tân Cảng, kế Xa Lộ Biên Hòa. “Rồi, đi Phú Quốc rồi”. “Rồi, đi Côn Sơn rồi”... Không ai còn nói “Rồi, thả mình ra rồi” nữa đâu. Tôi cũng tự nói với mình, rồi cái lồng chim lại tiếp tục theo đời tù của ba rồi con à. Không biết bao giờ ba về? Không biết bao giờ cái lồng chim nầy con nhận được? Ba còn đang đi, đi nữa, đi hoài... mang nó đi theo, ngay cả trong giấc ngủ. Ba đâu nghĩ ra có lúc phải xa con lâu quá như vậy. Đâu biết rằng hồi năm ngoái, con trên tầng ba Chung Cư Minh Mạng khóc xuống, ba trên chiếc xích lô chở đi “học tập cải tạo” nhìn lên mà lòng thương xót biết chừng nào. Con cứ khóc mà ba thì cứ đi. Đi cho cố, đến nay vẫn còn đi, đi nữa, đi cho ngày một xa dần xa dần các con ra, xa dần mẹ con ra. Trên tàu, sau nghe nói là Tàu Sông Hương, chúng tôi cùng những anh em Trại Long Giao ở Long Khánh bị đùn lúc nhúc như dòi trong đáy khoan tàu chở than, đen thui, bụi bặm. Không còn gì nghèo đói, rách nát, bần cùng hơn tù Việt Cộng. Không còn gì bẩn thỉu, dơ dáy, bần tiện hơn tù Việt Cộng. Không còn gì tận cùng đau khổ, nhục nhã hơn tù Việt Cộng. “Không còn gì, không còn gì...”, “Việt Cộng, Việt Cộng, “trời không dung, đất không tha”. Cái lồng chim nầy, tôi đã dùng hết mọi mánh khóe với bọn cai ngục mới còn lại. Tôi cũng hết nước miếng giải thích với anh em nầy đến anh em khác tại sao tôi nâng niu, quý mến nó biết chừng nào. Và tôi cũng biết im hơi lặng tiếng những lần bị mắng mỏ là “vô tích sự”, là “điên khùng”. Nó phải còn lại vì, đã gần nửa năm nay, ruột gan của tôi đã để hết vào nó, gởi gấm vào nó một tâm sự cha con như một hoài bão to tát trao lại cho một đứa con đích tôn cầu tự. Nỗi đau lòng ở đây là, con một đường, cha một nẻo. Mơ ước tầm thường là, gần gũi với các con khi còn quá bé thơ cũng không được. Con dần dần lớn lên trong một xã hội được dạy chửi cha mẹ là “Nguỵ Quân”, “Ngụy Quyền”, đâm oán trách cha. Người vợ thì tay bồng tay bế vừa nuôi con, vừa nghĩ chồng biệt tăm biệt tích lại vừa trăm đường khốn đốn. Có khi cũng giận ông chồng sao ngắn nghĩ quá, hồi đó không biết ăn hối lộ?. Biết làm sao bây giờ!? Có điều, mình cũng giận mình, tại sao cứ ở đây phí phạm một đời? Mắt rưng rưng! Ai bảo những người lính không có nước mắt? Cuộc đời vốn không bằng phẳng. Những thách thức cay nghiệt thường làm mất lương tri và chai lì cuộc sống nếu, chúng ta thiếu tính chung thủy và đuối sức chịu đựng. Những người tù có mị danh “cải tạo viên” bây giờ ít nói lại, trầm tĩnh hơn. Những người vợ, những người yêu đã bắt đầu ra đi, không lời từ biệt.... Một tấm lòng làm “Kỷ Vật Cho Em”, những đôi bông tai, những nhẫn, những cà rá, những lược, cài... của những người chồng làm cho vợ, làm cho người yêu bây giờ biết trao cho ai!? Cái lồng chim nầy ba làm cho con, chắc con không bỏ ba mà không nhận?
Chiếc tàu cứ chạy, người lính tù gốc Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa cứ quả quyết, “Nó ra Bắc rồi”. Nó ra Bắc thiệt rồi. Chúng tôi đi tới đâu cũng được dàn chào những chó săn, súng ống, giáo mác, những cái gọi là Dân Quân và gạch đá, chửi rủa... Qua Bến Phà Âu Lâu trên Sông Hồng, cái lồng chim móc sau ballot vướng vào cái áo bao cát của ông bạn Dũng Cận, còn chút nữa hai đứa nhào xuống nước sông màu đỏ hồng đang cuồn cuộn mà tìm Ma Da, Hà Bá nếu không nắm được cái áo ông già lái phà mấy chục năm nay. Các ông Ninh, Thuật, Đài... bảo “quăng đi”. Nói thì nói vậy, ai nỡ quăng với quẳng nó đi cho đành. Ai cũng biết, tôi trân quý nó biết chừng nào. Nó theo tôi, tôi giữ nó qua bên kia bờ Sông Hồng, đi sâu vào rừng, đến tận cùng sông núi Xã Lạc Hồng, Huyện Trấn Yên, Tỉnh Yên Bái, qua “Cốc”, lội “Suối Nhị Tì”, băng “Đồi Thằn Lằn”, leo “Dốc Cây Đa”, chun vô “Hang Dơi”...
Hàng loạt anh em chết vì “sốt vàng da”, bị cây đè, bị sơn lâm chướng khí, bị rớt xuống hố sâu thăm thẳm không thấy đường lên, bị đánh đập tàn nhẫn, bị kỷ luật bỏ đói hay bị thủ tiêu. Anh Lộc bị giết trên “Dốc Cây Đa” gần cây đa già khú đế, sát bên Trại 12. Ảnh vượt ngục không thoát, bị bắt. Giả chở về trại, chúng bắn ảnh chết giữa đường, phao vì bỏ chạy. Tôi Trại 9 dưới dốc, nghe rõ ràng ràng những tràng súng AK của bọn khát máu. Khí hậu ở đây thất thường và khắc nghiệt quá, tôi cứ bị cấp cứu vì bệnh suyễn hoài. Có điều nó cũng dễ trị, chỉ chích một mũi Theophylline là khoẻ re liền. Vì trong thời kỳ xây dựng, chúng tôi buộc phải chặt, khiêng, vác những cây thật to làm cột nhà. Tôi bị hộc ra máu, khạc, ho ra máu hoài. Lo lắm mà biết làm sao bây giờ. Số mạng do trời, biết nghĩ vậy thôi. Có những đêm giật mình vì tiếng thét khiếp đảm của anh em nào đó đã kinh qua một tai nạn suýt chết. Thôi thì, thương con chỉ biết để trong lòng, cái lồng chim ba vẫn giữ. Xin Phật Trời phò hộ cho. Một hôm băng rừng, lội suối chặt nứa mang về đan tranh lợp nhà, thấy mất cái lồng chim. Tức giận hết sức, làm sao mà nén được? Tôi la toáng lên, tôi chửi toáng lên. Hôm đó đến bao giờ quên được, tôi lội qua sông ngay chỗ xoáy nước sâu, bị cuốn trôi, tưởng mãi mãi xác không tìm ra. Trời thì lạnh, bó nứa thì to, bụng thì đói, đuờng thì xa... lại mới bị suýt chết, bảo Trời mà im với nín được. Ai đó tàn nhẫn quá! Người ta đã tháo bung ra hết những sợi dây điện nhiều màu để làm dây phơi quần-áo-bao-cát cho những kẻ tù khố rách áo ôm. Người ta bẻ những cọng dây kẽm gai cho thẳng để làm những que sắt nhọn đâm cua đồng, xâu ếch nhái, chẫu chuộc hay làm cái xiên mà nướng khoai lang, khoai mì... Họ có nghĩ ra rằng, những cọng dây điện nhiều màu và những cọng sắt kia đã theo tôi từ những lúc ăn cơm mọt nấu Gạo Trường Sơn, lao động trầy da tróc vẩy, đến những đêm ngủ nghê trong cơn mê mộng mị hay hồi thoát chết ngày qua Sông Hồng và ngay cả hồi “canh cứt” ở Biên Hòa!? Họ có biết rằng, dấu vết những ngày tay chân bị đâm chảy máu khi gỡ những khoen gai sắt? Họ có thông cảm được không, tôi phải giữ im lặng, bình tĩnh biết chừng nào khi nhiều anh em nói ra nói vào? Trong tù, họ cũng biết, tôi giữ đuợc nó đến ngày hôm nay đâu phải chuyện dễ? Chưa nói, tôi còn gì cho con tôi bây giờ? Không còn gì hết. Bây giờ không có gì hết. Tất cả tiêu tan như sự nghiệp, như cuộc đời của mình bây giờ trong “tù không án”, khổ sai, biệt xứ... mà sự sống như chỉ mành. Người ta nỡ lòng phá cái lồng chim mà họ nghĩ là “vô tích sự” trong cõi tù. Nhưng người ta cũng mủi lòng nhìn tôi đau khổ biết chừng nào! Không ai nhận, không ai chỉ ai đã làm cái việc mà tôi cho là bất nhẫn, vô tâm. Người ta cũng có nỗi lòng nhất thời đã bay đi mất mà thực tế “duy vật biện chứng” giáng đòn đau điếng quá, khiến họ phải làm những việc mà bình thường họ cũng xót xa lắm. Không phải là lý luận viễn vông mà thấy đó, nhiều anh em cũng rướm nước mắt như tôi đang khóc. Những ao ước đơn sơ nhất cũng tan hoang như cuộc đời đang dàn trải ra trước mắt. Một cái lồng chim không giống ai, rẻ tiền, nghèo nàn để dành làm quà cho con cũng không có được. Cuộc đời khi mạt rệp rồi, như một vật tròn, cứ lăn mãi, lăn mãi xuống hố sâu hèn mọn, trắng tay. Tôi còn đang khóc, như khóc cho số phận mình và cho tương lai chắc rằng không mấy sáng sủa của vợ tôi và của các con tôi. Là một người lính, tôi cũng gan lì chiến đấu can trường ngoài mặt trận. Là một con người bình thường, tôi đầy trong lòng tính nhân bản đa cảm, đa sầu. Ai bảo người lính không biết khóc? Ai bảo người đàn ông không có nước mắt? Ngoài kia, mưa phùn rơi rơi cả tháng không dứt. Gió Bấc lạnh quá là lạnh đang thổi thốc vào thân thể không mảnh áo quần che thân lành lặn, làm tím da thịt, như muốn vắt khô sự sống những người tù tập trung. Chạnh nghĩ những ngày hạnh phúc với gia đình đã qua đi mà gặm nỗi niềm cay đắng!. Chắc chắn là, các con bây giờ, mỗi đứa lớn thêm hai tuổi nữa rồi, sống như thế nào? Vợ tôi có lẽ ưu phiền nhiều lắm, mỏi mòn ngóng với trông người chồng đi sao đi được cứ đi hoài! Ba Má tôi dĩ nhiên già yếu quá rồi, phần nghèo khổ, phần nhớ thưong con, ngồi lo “tre già khóc măng non”. Hằng đêm, tôi thường cầu nguyện cho Ba Má tôi được an khang tuổi già, vợ tôi thêm nghị lực và các con tôi đừng bịnh hoạn. Ở đây chưa bao giờ nghe được tiếng chuông chùa và lời kinh cầu. Thiên Đàng Cộng Sản không có chùa, không có nhà thờ.
Ngoài kia, gà rừng gáy sáng. Tiếng kẻng lao động. Một ngày nữa trong tù. Trong Nam, dù tệ đến đâu, cũng còn dây điện, cọng kẽm gai làm cái lồng chim cho con. Ngoài Bắc, không có cái gì để làm ra cái gì cho con, Vũ Chinh ạ! Thôi, cha còn không có, huống gì đồ chơi, phải không con!?. Cái mạng sống của ba, ba còn chưa giữ nổi, nói gì cái lồng chim, Cuộc chiến nào cũng để lại bi thương. Bi thương nhất vẫn là, những cuộc chiến tương tàn huynh đê mà kẻ thắng trận hả hê tàn bạo không tình ruột thịt. Ba cố làm ra, cố giữ cho được, nhưng cái lồng chim đó cũng không còn. Thân xác nầy, cha mẹ sinh ra, ân nghĩa đâu chưa đền, có lẽ nào rã rời hủy hoại? Không nghĩ đến làm chi, cho từng ngày đi qua những tháng năm đời tù. Nghĩ quá, cũng chỉ heo hút nỗi đau buồn giết mình chết đi mà thôi. Mình còn hiện hữu ở đây bây giờ là cuộc sống rong rêu bám hờ một cõi thế gian nào đó không phải là của con người. Tôi ngồi xuống, đọc bài thơ không rõ xuất xứ đã thuộc từ lâu lắm, “Tích ngã vị sinh thời. Minh minh vô sở tri. Thiên công hốt sinh ngã. Sinh ngã phục hà vi. Vô y sử ngã hàn. Vô phạn sử ngã cơ. Hoàn nhĩ thiên sinh ngã. Hoàn ngã vị sinh thời”.
Có ai biết trước cớ sự vật đổi sao dời? Tôi từ Phan Thiết, cách Sài Gòn gần 200 cây số lại vào học Trường Trung Học Chu Văn An ở Chợ Lớn mà làm “Précepteur” ở Tân Định. Cưới vợ, một cô nữ sinh Bắc Kỳ, hoa khôi Trường Trung Học Văn Hiến, 6 năm 3 đứa con. Theo nhau Sài Gòn, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Đức, dù đời vất vả mà vui. Rồi đất trời như tận thế, đão điên thế sự nhân tình. Không có ai còn được ở gần với ai. Đoạn trường bắt đầu nỗi thống khổ bi ai. Người ta ngoài Bắc vào, đem theo cái bần tiện mua sự giàu sang trong Nam. Bọn người dưới mị danh Xã Hội Chủ Nghĩa cầm súng đạn thời chiến tranh đi ăn cướp, ăn giựt, ăn trộm của cải đồng bào sa cơ thất thế đem về quê hương ba đời bần cố nông của mình mà xây lâu đài, mà xây mả mồ ông bà cố tổ của mình. Người Miền Nam đánh giặc, đơn giản là bị bắt buộc phải cầm súng bảo vệ mảnh đất thưong yêu của mình, không biết mánh khóe người Miền Bắc trí trá, nhất định phải chiếm cho được Miền Nam bằng máu của toàn dân Việt Nam cho cái gọi là Cộng Sản Quốc Tế? Người ta áp dụng thói cai trị “tân pháp” theo kiểu Vệ Uơng bên Tàu ngày xưa giúp Tần Hiếu Công. Những đứa bé chưa biết hình thù một cây kẹo ra làm sao. Những người lớn một đời chết với “hộ khẩu”, ‘tem phiếu”, “hợp tác xã”... chưa bao giờ có một kí đường, một lít nước mắm, dù là loại không ra gì. Tôi đã thấy, tôi đang thấy, tôi đã nghe tôi đang nghe như vậy ở đây nầy, một lần nữa nhắc lại tên, Xã Lạc Hồng, Huyện Trấn Yên, Tỉnh Yên Bái năm 1976. Người ta làm cho chúng tôi đói thiệt là đói như sắp sửa chết để “sức đâu tụi nó đề kháng mà chống với chọi”. Những câu nói mà ai ở tù Cộng Sản lại không nghe. Nhưng trật lất. Lấy cái vật chất kiểu “duy vật” mà lý luận cùn với con người được un đúc từ tinh thần “duy lý”, “duy linh”... có bao giờ đúng đâu? Tôi đó, vẫn ôm ấp làm cho được cái lồng chim làm quà cho con. Bạn tù tôi đó, những anh em mài mài, dũa dũa làm cho được những thứ trang sức đẹp biết chừng nào để cho vợ, cho con, cho người yêu... làm kỷ niệm. Chúng tôi đau lắm chớ, quê hương đi vào con đường tối mịt mùng. Chúng tôi, những người tù có khi không có một hột cơm trong bụng nhưng có bao giờ quên cha mẹ, anh chị em, vợ con, ngay cả bà con lối xóm, bạn bè... Người ta không thể lấy tâm lý của kẻ ăn thịt mà áp đặt, mà so sánh được với tâm lý của người ăn rau. “Đông là Đông, Tây là Tây. Đông, Tây không bao giờ gặp nhau”, không nghe nhà văn người Anh, Rudyard Kipling nói hay sao? Cộng Sản là Cộng Sản, Quốc Gia là Quốc Gia. Quốc, Cộng không bao giờ chơi với nhau được đâu. Người thua trận cúi đầu chịu nhục là đương nhiên nhưng không bao giờ bị khuất phục. Kẻ thắng trận huyênh hoang máu vong bản, gieo rắc hận thù sẽ gặt lấy họa diệt vong. “Gieo gió gặt bão” làm sao tránh khỏi.
Ngồi trong cái nhà tôle tiền chế thời Mỹ còn lại, lần đầu tiên tôi được nghe gọi là “láng” ở những ngày đầu vào tù Việt Cộng tại Biên Hòa tháng 7 năm 1975. Bây giờ ở đây cũng là “láng” nhưng “láng” là vách làm bằng nứa, mái cũng làm bằng nứa, giường cũng làm bằng nứa, cái gì cũng làm bằng nứa với nứa, trống trước hở sau, nắng dọi mưa dột, lạnh chết cha. Ngồi đây, anh em không ai còn nói tới ngày thả mà cũng chẳng ai nói tới cái chết mà sợ. Họ vui mà sống. Họ lầm lũi mà sống. Họ “đếch” còn sợ ai như những ngày tháng đầu “Mặt Trận Giải Phóng”, “Bộ Đội Bắc Việt” bắt người nầy, bắn người kia, bỏ tù người nọ theo thói răn đe kiểu Xã Hội Chủ Nghĩa Chủ Nghĩa Xã Hội... mù mờ Thiên Đường Cộng Sản không tưởng trong lịch sử loài người. Những thế lực ma quái Việt Minh, Việt Cộng như cố thiêu đốt hết thẩy tình cảm đời thường của một con người, chỉ để lại trần truồng một “Con-Người-Không-Còn-Là-Con-Người-Con-Vật-Cũng-Không-Ra-Con-Vật” không biết khóc, không biết cười, không biết vui, không biết buồn, không biết yêu, không biết ghét... chỉ biết hận thù “Mỹ Ngụy”. Biết làm sao bây giờ!? Nghìn trùng xa cách những người yêu nhất, chỉ có một lời, mong trời mau sáng theo vòng “bĩ cực thái lai”.
Riêng con Vũ Chinh, ba cố gắng hết sức làm sao cho con có cái lồng chim như một món quà đặc biệt ba dành cho con như đứa con cầu tự. Nhưng con thấy đó, tan hoang! Tan hoang cái lồng chim của con, con nên nghĩ là nhỏ nhưng tan hoang cả đất nước thì không nhỏ chút nào con à. Vì trong đó có sự tan hoang của gia đình mình, của các con và ba với má một thời đã thương yêu nhau, một đời phải xa nhau! Thôi con, cái mạng sống của ba, ba còn chưa giữ nổi, nói gì cái lồng chim!
Nguyễn Thừa Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.