Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009
Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2009
Thứ Tư, 25 tháng 11, 2009
Thứ Ba, 24 tháng 11, 2009
Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2009
Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009
Thứ Tư, 4 tháng 11, 2009
Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2009
Video Độc Đáo
Cao bồi thứ thiệt...
Xem tiếp ...
Thiện xạ...
Xem tiếp ...
Lính lính nhảy dù anh chị em ơi!
Xem tiếp ...
Người tốt, kẻ xấu và tên bần tiện
Xem tiếp ...
Robot "Phá Rừng"
Xem tiếp ...
Chiến đấu cơ hàng đầu thế giới
Xem tiếp ...
Chiến tranh tầm xa
Xem tiếp ...
Video Cười
Cướp Giữa Ban Ngày...
Xem tiếp ...
Xuất Khẩu Thành Răng ...
Xem tiếp ...
Vô duyên đối diện ngã cái đùng ...
Xem tiếp ...
Ngồi sau chớ có càm ràm ...
Xem tiếp ...
Bang bang anh bắn nhe em ...
Xem tiếp ...
Phạt thì phạt, nói nhiều quá ...
Xem tiếp ...
Bướm ơi! chớ đậu vào đây ...
Xem tiếp ...
Nhấp thì được, lắc không được ...
Xem tiếp ...
Chỏng quá độ ...
Xem tiếp ...
Chổng quá mức ...
Xem tiếp ...
Một đám chụm lại kẻ thù gãy răng ...
Xem tiếp ...
Chơi dại ...
Xem tiếp ...
Nhảy dù ...
Xem tiếp ...
Có dây, không dây ...
Xem tiếp ...
Anh(k)hùng Texas ...
Xem tiếp ...
Hôm qua anh đến đấu trường ...
Xem tiếp ...
Ai Thắng ...
Xem tiếp ...
Tại Sao ...
Xem tiếp ...
Thứ Năm, 29 tháng 10, 2009
Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009
Thứ Tư, 14 tháng 10, 2009
Chiến tranh tầm xa
Chiến tranh tầm xa
Đây là phòng điều khiển những chiếc máy bay không người lái (drone) có trang bị vũ khí . Những điều khiển viên này ở Nevada cách mặt trận Afghanistan hàng ngàn cây số . Mỗi nhân viên ở đây điều khiển 1 chiếc máy baỵ Tay trái họ điều khiển tốc độ máy, tay phải điều khiển sự di động của máy bay .
Chiến tranh đã đổi sang thời đại mới, kỹ thuật mới và có lẽ một trật tự mới . Không biết ai sẽ chiếm thế thượng phong trong trật tự mới này
Thứ Ba, 13 tháng 10, 2009
Thứ Tư, 7 tháng 10, 2009
Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2009
Chiến đấu cơ hàng đầu thế giới Su-30MK
Chiến đấu cơ hàng đầu thế giới Su-30MK
Nga hiện tại có chiến đấu cơ hàng đầu thế giới đó là chiếc SU-30MK, chiếc này có thể dừng lại bất ngờ khi đang bay với vận tốc cao. Chưa có một chiếc máy bay nào trên thế giới hiện nay có những khả năng di chuyển đặc biệt trong một thời gian rất ngắn như chiếc này.
Chiến đấu cơ Su-30MK được trang bị hỏa tiễn tầm trung AA-12, nó đang là nỗi lo lắng cho Mỹ và khối NATO về lĩnh vực cận chiến trên không.
Một điều đáng ngại là Trung Quốc đã bỏ ra 2 tỷ đô la mua 20 chiếc SU-30MK từ Nga, nửa tổng số chiến đấu cơ ban đầu mà Bắc Kinh dự đi.nh.
Chuyện oái oăm, trong khi kỹ nghệ sản xuất chiến đấu cơ của Nga đang bị phá sản lại có thể cho ra loại chiến đấu cơ tối tân hàng đầu thế giới. Ngược lại Mỹ dường như bị tụt hậu trong cuộc chạy đua này bởi hệ quả chính trị phức tạp của chính mình.
Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2009
Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2009
Thứ Tư, 9 tháng 9, 2009
Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2009
Thứ Tư, 2 tháng 9, 2009
Thứ Ba, 1 tháng 9, 2009
Thứ Hai, 31 tháng 8, 2009
Thứ Tư, 19 tháng 8, 2009
Thứ Ba, 18 tháng 8, 2009
Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2009
PHẠM HOÀNG - KÝ
PHẠM HOÀNG KÝ
Đã mấy lần tôi dự định đi nghe / xem chương trình trình diễn piano của Hoàng nhưng cứ bận hết chuyện này đến chuyện kia làm tôi mất cơ hội hoài. Tuần rồi tình cờ anh bạn Viễn Trình email cho tấm poster, thế là tôi vội nhảy lên Net để book vé. Tôi cố tình buộc tôi không có lý do đế không đi, nên bằng mọi cách tôi phải lấy vé. Tôi còn dự định một hạ sách nếu không còn vé tôi sẽ cải trang làm kỹ thuật viên của VNTV & “lợi dụng” tình thân của anh Viễn Trình nhờ anh đưa tôi qua cửa ... Cũng may cho tôi, khi vừa gọi điện thoại đến Melbourne Recital Centre, tôi được trả lời vé đặt mua rất căng (heavily booked), nhất là cánh bên trái nơi khán giả có thể nhìn thấy bàn phím piano đã được mua hết. Cô nhân viên nói với tôi rằng nếu tôi vẫn muốn ngồi bên trái để nhìn thấy bàn phím thì chỉ còn cách mua vé cánh phía Đông tầng trên & giá vé hơi đắc một chút. Tôi vội trả lời "Được được, xin cho tôi hai vé ..." và cuối cùng tôi đã có vé trong tay .
NHỮNG NGẠC NHIÊN & CẢM XÚC ĐẦU TIÊN
Vâng những gì tôi thấy, nghe, biết hôm Thứ Bảy tuần qua trong buổi trình diễn của Phạm Hoàng đã thực sự đập mạnh vào não bộ & cảm xúc của tôi. Đầu tiên là cảm xúc mến mộ Hoàng trong lần đầu tiếp xúc, cảm xúc này đã đến với tôi không phải bởi tài năng của Hoàng mà bởi tính hòa đồng, thân thiện và khiêm nhường của Hoàng cũng như Mẹ Hoàng. Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác đã đến với tôi: ngạc nhiên khi thấy những người lớn tuổi, có người phải chống gậy đẩy xe trong cái lạnh căm căm mà họ vẫn đến tham dự, tôi rất cảm động khi thấy một cặp vợ chồng già hai người đều phải cần xe đẩy để di chuyển, kiên nhẫn đứng đợi mua vé; ngạc nhiên trước vẻ đẹp lộng lẫy, kiến trúc thật công phu của hội trường Recital (toàn bộ hội trường được thiết kế không chạm đất); ngạc nhiên khi thấy khán giả ngồi gần kín cả hội trường 1000 chỗ ngồi; ngạc nhiên khi thấy đủ mọi lứa tuổi trong thành phần khán giả; ngạc nhiên trước những ngón tay lướt trên phím đàn hàng giờ mà vẫn như nước chảy mây trôi; ngạc nhiên khi thấy khi thấy cả ngàn người ngất ngây bởi những âm thanh kỳ diệu; ngạc nhiên khi chứng kiến những tràng pháo tay theo đúng nghĩa "như không bao giờ dứt"; ngạc nhiên khi tiếng đàn ấy đã xuyên qua "lỗ tai trâu (của tôi)", đánh mạnh vào não bộ của tôi tạo nên một cảm xúc khó tả mà đến hôm nay tôi phải "ký" (viết) để giải tỏa bộc lộ cảm xúc cho chính mình, ký để chia sẻ cùng bạn bè & những người hâm mộ, ký để tỏ lòng mến mộ đến Hoàng và gia đình Hoàng, ký để bày tỏ niềm hãnh diện mà Hoàng đã mang đến cho tôi (một người Việt) nói riêng, và nói chung cho cộng đồng Việt Nam ở đây .
Tôi đến hội trường Recital tương đối sớm khoảng hơn 5 giờ chiều thì phải, lúc đó hội trường chưa mớ cửa nên tôi & H (con trai tôi) đi dạo quanh Recital Hall, chụp vài bức hình rồi ghé vô một tiệm cafe gần đó . Trong lúc chờ cafe tôi gọi cho Bác Viễn Trình (VT), thì được biết Bác đang tìm chỗ đậu xe, định rủ Bác sang uống cafe nhưng Bác trả lời rằng Bác phải đợi đồng đội mang dụng cụ quay phim đến để chuẩn bị. Uống cafe xong tôi quay lại hội trường để lấy vé, vừa bước vào hội trường đã thấy Bác VT đang lăng xăng chạy tới chạy lui nóng lòng khi chưa thấy đồng đội đến. Tôi nói chuyện với Bác VT vài câu rồi quay sang quầy vé. Khi lấy vé xong quay trở lại, gặp Bác VT đang nói chuyện với một cậu thanh niên rất trẻ và một phụ nữ trạc tuổi bốn mấy năm mươi gì đó đang đứng bên cạnh.
VT quay sang và giới thiệu với tôi:
- Đây là Phạm Hoàng và đây là chị Thắm mẹ của Hoàng.
Hoàng thân thiện bước đến bắt tay tôi và nói chuyện bằng tiếng Việt rất rành. Phải nói rằng tôi đã đọc, nghe về Hoàng trên đài, báo chí, internet và đã có thiện cảm khi chưa gặp Hoàng, nhưng mối thiện cảm ấy đã nhân lên gấp bội khi thật sự được gặp Hoàng. Tôi sẽ không ngạc nhiên khi một người nổi tiếng như Hoàng chào qua loa và nói một vài câu tiếng Anh với tôi chẳng hạn, nhưng tôi thật sự ngạc nhiên với thái độ hòa đồng thân thiện của Hoàng và đặc biệt khi Hoàng nói tiếng Việt. Nói chuyện một lúc Hoàng phải đi vào hậu trường để chuẩn bị cho chương trình của mình, lúc đó tôi lại được dịp hỏi chuyện cùng Chị Thắm mẹ của Hoàng. Chị Thắm lại cho tôi thêm nhiều điều ngạc nhiên bởi sự thân tình của Chị đối với một người mới gặp lần đầu như tôi, và tôi càng ngạc nhiên hơn nữa khi nói chuyện với Chị trong gần 20 phút sau đó. Tôi, có lẽ vì lòng mến mộ nên đã quá hăng say hỏi Chị rất nhiều câu hỏi chủ yếu về Hoàng, và tôi ngạc nhiên khi Chị đã kiên nhẫn trả lời bao câu hỏi của tôi một cách khiêm nhường và không kém phần thân mật .
Tiện tôi cũng xin tạ lỗi cùng Hoàng và gia đình Hoàng, nếu tôi có nhỡ vì lòng mến mộ mà vô tình nói, viết điều chi phật ý xin Hoàng & gia đình Hoàng niệm tình bỏ qua.
CUỘC NÓI CHUYỆN TÌNH CỜ
Cuộc nói chuyện hết sức tình cờ giữa tôi và Chị Thắm mẹ của Hoàng bao gồm rất nhiều câu hỏi của tôi và những câu trả lời của Chị, có lẽ tôi hỏi hơi nhiều nên về sau Chị đã kể cho tôi nghe như một người (mới) thân . Tôi nghe / biết được tương đối một số điều, tôi không thể kể hết chỉ mong có thể cố tóm tắc những chuyện đã gây ngạc nhiên cho tôi và những chuyện tôi nghĩ có thể sẽ hữu ích cho các bậc phụ huynh và các em trẻ trong cộng đồng chúng ta.
Bắt đầu từ chuyện Mẹ Hoàng hỏi về con trai tôi, và sau đó tôi đã hỏi về Hoàng và gia đình của Hoàng nên được biết Hoàng sinh ra sau năm 75, lúc Hoàng được 3 tháng tuổi thì Ba Mẹ đưa Hoàng đi vượt biên. Nghe đến đây tôi trợn mắt kinh ngạc, quý vị thử tưởng tượng một đứa bé 3 tháng tuổi được Bố Mẹ bế xuống tàu đi vượt biên. Những ai đã từng đi vượt biên hầu hết đã nếm qua những giờ phút kinh hoàng. Nghe đến đây tôi liên tưởng đến những hình ảnh vượt biên, tôi bắt đầu đi vượt biên khi tôi khoảng 17-18 tuổi, chuyến cuối cùng đi thành công khi tôi đã hơn 20 tuổi. Chuyến vượt biên tuy thành công nhưng không kém phần gian nan, chưa kể đến những lần trước đó thất bại, tù tội, bị đuổi bắn, bị lạc trong rừng, chứng kiến cảnh người bị bắn chết quanh mình nghĩ đến tôi vẫn còn rùng mình . Với tuổi thanh niên 18-20 đầy sức lực mà chuyện vượt biên đối với tôi đã trăm lần gian truân, tôi cứ nghĩ đến Bố Mẹ Hoàng bế đứa con trai nhỏ bé (khi sinh ra Hoàng chỉ nặng 1.7kg) 3 tháng tuổi mà lòng thán phục sự can đảm của Bố Mẹ Hoàng.
Quả thật trên đời này những thành công vượt bực thường phải trả những cái giá không rẻ chút nào. Có lẽ vì trải qua những gian truân khó tưởng tượng như thế nên Bố Mẹ Hoàng khi bước chân đến đây đã quyết chí lập nghiệp, nuôi dạy con cái thành tài, và có lẽ Hoàng có lần đã được nghe Bố Mẹ kể về những câu chuyện gần như huyền thoại về quá khứ của mình và gia đình mình, những câu chuyện ấy đã trở thành một trong những yếu tố để Hoàng đạt đến đỉnh vinh quang ngày hôm nay chăng?
Tôi khen Hoàng giỏi quá khi đạt được những thành công như ngày hôm nay, Mẹ Hoàng đã khiêm nhường trả lời rằng Hoàng may mắn nhờ gặp thầy piano giỏi (Rita Reichman). Tôi có hai con, 1 trai 1 gái chúng chưa lớn lắm, con gái tôi năm nay chỉ mới 5 tuổi nhưng tôi và vợ tôi đã nhận thấy nhu cầu thời gian và công sức cần bỏ ra như thế nào trong việc dạy dỗ nuôi nấng con cái . Tôi cũng quen biết một số gia đình Việt Nam ở đây có con đã trưởng thành học hành thành đạt, tôi nhận thấy rằng đằng sau những thành công của các em ở những gia đình đó là biết bao công sức của cha mẹ . Dĩ nhiên yếu tố cá nhân của chính các em quyết định rất nhiều, tuy nhiên nếu cha mẹ không đặt hết tâm sức của mình vào việc giáo dục con cái thì sát xuất thành công của các em theo tôi nghĩ chắc sẽ không cao. Bởi thế đối với tôi ngoài sự khâm phục tài năng và những thành công của Hoàng, là lòng kính phục của tôi đối với Ba Mẹ Hoàng .
Tôi hỏi làm sao Hoàng có thể nói tiếng Việt giỏi như vậy, thì được Mẹ Hoàng kể lúc Hoàng còn nhỏ Mẹ Hoàng có cho Hoàng đi học 1 khóa tiếng Việt nhưng sau đó Mẹ Hoàng tự dạy tiếng Việt cho Hoàng ở nhà . Một trong những phương pháp dạy tiếng Việt của Mẹ Hoàng là cho Hoàng viết lại những chuyện gì đã sảy ra trong ngày bằng tiếng Việt rồi Mẹ Hoàng sửa. Mẹ Hoàng trước kia là sinh viên trường luật ở Sài gòn, sau khi đến Úc Bố Hoàng có bàn với Mẹ Hoàng để hai người cùng quay lại học đại học, nhưng Mẹ Hoàng đã quyết định làm việc ở nhà để chăm sóc dạy dỗ Hoàng và để phụ đỡ kinh tế gia đình trong lúc Bố Hoàng quay trở lại học (như nhiều người đã biết Bố Hoàng cũng là người thầy dạy piano đầu tiên cho Hoàng).
Tôi có hỏi lúc nhỏ Hoàng có gì đặc biệt so với những đứa trẻ khác không, thì được Mẹ Hoàng trả lời xét chung chung thì Hoàng không có gì đặc biệt lắm, chỉ có một điều đáng chú ý là khả năng tổ chức của Hoàng bộc lộ rất sớm. Hoàng có khả năng tổ chức khá đặc biệt từ những việc nhỏ như sắp xếp thời gian học cho đến những việc tham gia vào các sinh hoạt mang tính tổ chức trong trường . Lúc Hoàng học ở Wesley College, Hoàng đã từng làm captain ở đó, và các thầy cô cùng bạn bè rất nể phục tài tổ chức của Hoàng . Khả năng tổ chức của Hoàng đã giúp Hoàng cho đến bây giờ, mặc dầu với thời khóa biểu dày đặc của Hoàng hiện tại, Hoàng vẫn có thể thu xếp để đi trình diễn đó đây theo lời mời của rất nhiều tổ chức.
Tôi thật khâm phục khi biết thêm Hoàng có tính thích giúp đỡ bạn bè và biết nghĩ đến người khác . Thỉnh thoảng có những người bạn trong giới, tổ chức những buổi hòa nhạc muốn thuê Hoàng đánh đàn, Hoàng thường nhận lời nhưng nhất định không bao giờ nhận thù lao, bởi vậy mà nhiều bạn bè rất yêu mến Hoàng . Tôi cũng thật cảm động khi nghe Mẹ Hoàng nói cho tôi nghe một hoài bão của Hoàng đó là Hoàng muốn lập một tổ chức hay sinh hoạt nào đó để giúp đờ cho các em trẻ trong cộng đồng Việt Nam ở đây.
Tôi xin kể chuyện trên không chỉ nhằm mục đích khen ngợi Hoàng, vì điều này có vẻ dư thừa khi bao bài viết về Hoàng đã được đăng / đọc trên đài / báo trong cộng đồng người Việt ở đây cũng như trên toàn thế giới . Một mục đích khác mà tôi muốn mạo muội đưa ra là ngoài sự thành công vẻ vang, ngoài tài năng xuất chúng, quang trọng hơn hết là tính khiêm nhường, hòa đồng với mọi người và một tấm lòng luôn biết nghĩ đến người khác của Hoàng. Chúc Hoàng luôn mãi thành công và luôn là một tấm gương sáng cho bao người trẻ tuổi noi theo.
ĐỘNG THIÊN THAI
Theo lịch trình đúng 7:10pm ban tổ chức mở cửa cho khán giả vào hội trường. Tôi hết ngất ngưởng ngồi trên ghế đợi, lại đứng lên đi vòng vòng mà không để ý đến thông báo rằng không ai được mang mấy quay phim, chụp hình vào trong hội trường. Cho đến khi chỉ còn vài phút trước khi vào hội trường họ thông báo một lần nữa, tôi vội ù té chạy ra xe cất máy chụp hình vì máy hơi quá cỡ bỏ túi nên chẳng biết bỏ vào đâu. Tôi không muốn bị mất một giây phút trình diễn nào của Hoàng vì thế sau cú chạy nước rút khi quay trở lại hội trường toàn thân tôi nóng bừng trong khi thấy mọi người đi đường ai cũng co đầu rụt cổ vì lạnh.
Vào hội trường, cái đập vào mắt tôi đầu tiên là kiến trúc tuyệt mỹ của nó. Trước khi đến đây tôi đã cẩn thận lên web site của Melbourne Recital để ngắm hình, nhưng không gì bằng nhìn thấy tận mắt, sờ tận tay. Có lẽ hình chụp trên internet tuy đẹp nhưng chỉ cho ta thấy được một góc độ nào đó, khi đến đây mình có thể nhìn 360 độ từ trái sang phải từ trên xuống dưới mới thấy choáng ngợp bởi cái đẹp lộng lẫy của nó.
Những thiết kế hoa văn trên tường, cái sang trọng của màu sắc và những vật liệu được sử dụng, cái dịu dàng mơ màng của ánh sáng, cái choáng ngợp của không gian tất cả làm cho tôi có cảm giác tưởng tượng mình đang lạc vào động thiên thai trong những truyện cổ tích. Đặc biệt khi ánh đèn được điều chỉnh để chỉ tập trung vào sân khấu và chiếc đàn piano khi Hoàng chuẩn bị bắt đầu.
Tôi có đọc qua một tài liệu về kiến trúc những hội trường âm nhạc kiểu này, nên hiểu được phần nào những công phu kỷ xảo của nó. Những hội trường kiểu này nhất là những hội trường được xây cất gần đây, được áp dụng những kỹ thuật tân tiến nhất. Những kỹ thuật này có được là do công sức nghiên cứu của rất nhiều kỹ sư trong nhiều lãnh vực. Những công trình nghiên cứu này đã trải qua không ít thời gian để đạt đến mức độ gần như tuyệt hảo nhất là về âm thanh.
Những đường hoa văn trang trí trên tường không chỉ mang tính mỹ thuật mà nó còn phải bảo đảm tiêu chuẩn về âm thanh, ánh sáng. Toàn bộ hội trường nặng hàng ngàn tấn được đặc trên hàng trăm dàn nhún bằng thép, và toàn bộ vách trong của hội trường được thiết kế tách biệt với vách ngoài. Cách thiết kế công phu và không ít tốn kém như vậy chỉ vì một mục đích đó là để cách âm, ngăn âm thanh ở ngoài không thể lọt vào trong và âm thanh ở trong không bị phát tán ra ngoài, và cũng để cho âm thanh trong hội trường đạt đến độ gần như hoàn hảo cho sự thưởng thức của khán thính giả.
Chỉ với những kiến thức đơn sơ đó cũng đủ làm tôi thấy rất đáng được đến đây, tôi nghĩ thầm mấy khi mình có cơ hội để đến một nơi như thế này, và tôi thầm cám ơn Bác VT đã gởi cho tôi tấm poster mấy ngày trước đó, thầm cám ơn Hoàng đã trình diễn trong đêm hôm đó để tôi được có cái duyên thật đáng quý.
HẤP HỒN ĐẠI PHÁP
Hội trường đang sáng rực ánh đèn bỗng dịu lại, những ánh đèn được điều chỉnh chỉ để tập trung vào chiếc đại dương cầm (grand piano). Hoàng trong bộ quần áo vét kiểu quý tộc thời cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, với phần trước ngắn phần sau dài, đỉnh đạt bước ra sân khấu cuối rạp người chào khán giả với một phong cách thật quý phái .
Sau một tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả, Hoàng mở màng bằng bản Sonata số 4, bản này được viết vào năm 1797 bởi nhạc sĩ thiên tài muôn thưở Beethoven người Đức. Ông sinh năm 1770 mất năm 1827, tôi không dám đề cập nhiều về tiểu sử của Ông vì ngại quý vị cho là dư thừa. Nếu quý vị nào muốn tìm hiểu thêm về tiểu sử của Ông, quý vị có thể lên Wikipedia hay Google để tìm & tha hồ mà đọc.
Bản này là một bản nhạc rất dài, sau buổi trình diễn đó con trai tôi lên internet download và in ra trọn bản dài 25 trang. Nói thế để quý vị có thể hình dung được bản nhạc này dài đến mức độ nào, và tôi nghĩ chỉ có những người chơi piano thượng thặng mới trình diễn nổi bản nhạc này. Bản nhạc được chia làm bốn đoạn, mỗi đoạn mang một bản sắc riêng mà tôi không phải là người có trình độ âm nhạc để phân tích, chỉ có thể cảm nhận sự khác biệt lơ mờ qua âm điệu.
Với bản này Hoàng đã đưa khán giả đi vào khung trời vô tận bằng những âm thanh réo rắt lúc khoan lúc nhặt, lúc chìm lắng lúc bay bổng, lúc dồn dập lúc như ngừng thở. Những âm thanh như trôi mãi, bay mãi, chảy mãi vào vô tận và vô tận. Tôi đoán bài này đã được chọn đế trình diễn cho màn đầu bởi vì ngoài tiết tấu hấp dẫn còn là chiều dài của nó. Người biễu diễn cần có một "nội lực" ban đầu để trình diễn với mức độ sung mãn nhất mới chuyển tải hết được ý nghĩa nghệ thuật của nó đến khán giả .
Bản nhạc thứ 2 Hoàng trình diễn là bản Piano Variations được viết vào năm 1930 bởi nhạc sĩ Aaron Copland người Mỹ, Ông sinh năm 1900 mất năm 1990.
Nếu trong võ học có Túy Quyền (võ say) thì ta có thể tạm gọi đây là "Túy Nhạc", khi trình diễn bản này những ngón tay của Hoàng không còn là lướt trên phím đàn nhưng bay nhảy như rồng bay phượng múa, có khi từ những cung bậc thấp nhất bay sang cung bậc cao nhất gần cả chiều dài bàn phím của cây đại dương cầm (grand piano). Lại có lúc như đôi chân của chú thỏ nhảy thoăn thoắt trên đồng cỏ mênh mông từ trái qua phải rồi lại từ phải sang trái. Nghệ thuật âm thanh trong bài này theo sự cảm nhận thô thiển của tôi, khi nhắm mắt lại tôi không còn hình dung nó phát ra từ một cây đàn piano (nhất là ở những nốt cao) mà tưởng chừng như có bao nhiêu nhạc công được tập luyện rất công phu để cùng tấu nhạc bằng lối gõ vào những thanh thép lớn nhỏ khác nhau tạo nên những âm thanh vừa hỗn loạn vừa được sắp xếp hết sức khéo léo một cách kỳ diệu.
Sau lúc nghỉ giữa buổi khoảng 20 phút, quay trở lại Hoàng tiếp tục trình diễn bài thứ ba, đó là bản Sonata số 9 được sáng tác năm 1913 bởi nhạc sĩ Alexander Scriabin người Nga, Ông sinh năm 1872 mất năm 1915 . Bản nhạc này theo cảm nhận của tôi là bản ngắn nhất trong bốn bản của chương trình. Bản nhạc này mang âm điệu lúc đầu như lang mang, buồn bã, ray rức, có lúc như bừng tỉnh để rồi kết thúc nhẹ nhàng thanh thản. Tôi có cảm giác tác giả đã sáng tác nó trong tâm trạng cô đơn, trong một căn phòng rộng rãi trống vắng, âm thanh bản nhạc có lúc như là sự cộng hưởng của nhiều tiếng chuông lớn nhỏ hợp lại và kết thúc như một tiếng thở dài nhẹ nhàng.
Bài cuối cùng Hoàng trình diễn là bản Sonata in B minor được sáng tác năm 1853 bởi nhạc sĩ Frank Liszt người Hungary. Ông sinh năm 1811, mất năm 1886, nếu tôi không đến buổi trình diễn đêm đó thì tôi sẽ chẳng bao giờ biết đến Ông và như thế là tôi đã mất đi một duyên lớn trong cuộc đời. Nếu trong tác phẩm võ hiệp Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung (một tiểu thuyết võ hiệp nhưng lại đề cao giá trị âm nhạc) có công phu "Hấp Tinh Đại Pháp", một công phu có thể hút nội lực của đối thủ thì bản nhạc của Frank Liszt được Hoàng trình diễn có thể gọi là "Hấp Hồn Đại Pháp". Tôi nói thế bởi khi Hoàng trình diễn bản nhạc của Frank List tôi đã thật sự bị "hấp hồn", tôi như mê say như ngất ngây trong vùng hỗn độn của âm nhạc, tôi đã nhắm mắt mơ màng gần suốt bản nhạc.
Đối với tôi âm thanh của bản nhạc này không còn là âm thanh của nhạc mà là tiếng lòng của con người. Vâng bản nhạc này đã thì thầm, khóc than, cười vang, tỉ tê, gào thét vào trung tâm cảm xúc của não bộ tôi. Tôi xin lỗi cùng quý vị vì không thể dùng lời để diễn tả hết tính ma lực của bản nhạc này. Sau buổi trình diễn khi bước ra cửa hall H nói với tôi "Ba ơi! con như bị lạc mất (lost) bị tan chảy (melted) vào bản nhạc cuối cùng" và tôi đã cảm nhận được tại sao H nói như vậy .
Với bản nhạc cuối cùng Hoàng không những làm mọi người ngây ngất vì âm thanh của nó, mà còn gây một sự ngạc nhiên kỳ thú khi chứng tỏ "nội công thâm hậu" của mình. Nếu so sánh sự trình diễn ba bản nhạc đầu của Hoàng là những cơn sóng cuồn cuộn từ đại dương mênh mông vỗ vào bờ tâm hồn của khán giả thì sự trình diễn bản cuối cùng là một cơn sóng thần (tsunami) khổng lồ đã cuốn sạch những tâm hồn ngất ngây nhỏ bé vào lòng của nó . "Nội lực" chơi nhạc của Hoàng có thể ví như một lực sĩ chạy marathon trên đoạn đường dài, khi gần về đến đích khán giả những tưởng những cây số cuối cùng người lực sĩ này sẽ chạy chậm lại hoặc giữ nguyên tốc độ ban đầu. Nhưng không ngờ những cây số cuối cùng anh đã chứng tỏ sức lực đầy sung mãn của mình với lối chạy tốc độ cao mà người ta chỉ có thể thấy ở những cuộc thi cự ly ngắn. Chẳng những vậy khi chạm đường ranh đích cuối cùng anh đã kết thúc bằng một nụ cười nhẹ nhàng với những nhịp thở đều đặn bình thản. Có lẽ Hoàng đã từng trình diễn ở những cuộc hội nhạc (concert) vĩ đại hơn, đã từng tham gia những cuộc tranh tài quốc tế, bởi thế cuộc trình diễn hôm đó đối với Hoàng có thể chỉ như cưỡi ngựa xem hoa .
Bản nhạc cuối cùng kết thúc với sự tiếp nối của những tràng pháo tay tưởng như không bao giờ dứt, tôi để ý thấy trong thành phần khán giả có nhiều người Úc đứng tuổi đã nhiều lần đứng dậy vỗ tay để tỏ lòng ngưỡng mộ. Tôi thật sự ngạc nhiên với tinh thần thưởng thức của khán giả trong cộng đồng chúng ta. Thành phần khán giả tuổi "primary school" hoặc nhỏ hơn chiếm khoảng 20% theo sự phỏng đoán của tôi, tuy vậy trong suốt buổi trình diễn, tôi nhận thấy chỉ 2 lần các em đã gây tiếng động trong hội trường, nhưng cũng không đến nỗi nghiêm trọng lắm.
VỀ SAU VÀ NHỮNG LẦN SAU NỮA
Chúng ta có thể chắc một điều rằng không phải NẾU mà là KHI nào Phạm Hoàng sẽ quay trở về trình diễn ở Úc . Khi đó và những lần sau đó tôi hy vọng khán giả trong cộng đồng chúng ta sẽ vẫn tham dự & tham dự với số lượng nhiều hơn nữa vì những lý do sau:
1) Phạm Hoàng là một trong những người con / em / anh xuất sắt trong cộng đồng, chúng ta hãnh diện về Phạm Hoàng và chúng ta ủng hộ Phạm Hoàng.
2) Một số người trong chúng ta có thể có cảm nghĩ rằng chúng ta không có / đủ trình độ thưởng thức âm nhạc cũng như khả năng thưởng thức những buổi trình diễn của Phạm Hoàng . Nếu quý vị có ý nghĩ như vậy quý vị sẽ ngạc nhiên khi đến tham dự một chương trình trình diễn của Phạm Hoàng . Một người thô thiển như tôi mà vẫn có thể bị hấp hồn thì tôi tin sẽ có nhiều người thích thú về những buổi trình diễn của Phạm Hoàng.
3) Nếu quý vị có con em đang học nhạc và đặc biệt là piano, quý vị càng nên đưa con em mình đi xem những chương trình trình diễn của Phạm Hoàng, vì chúng cần có một thần tượng gần gủi như Phạm Hoàng . Tôi mạo muội đưa ra ý này không phải chỉ qua những gì tôi cảm nhận được mà còn qua lời khuyên của một người thầy dạy nhạc . H, con trai tôi sau khi đi xem chương trình của Phạm Hoàng về, H thay đổi thấy rõ . H có vẻ đam mê chuyện đàn nhạc hơn, cô giáo dạy đàn cho H cũng nhận thấy điều này . Tôi đã nói chuyện với cô rằng tôi vừa đưa H đi xem concert của Phạm Hoàng, Bà ta rất tán đồng việc này, Bà ta nói nếu có điều kiện Bà ta cũng muốn đi để học hỏi . Cô giáo dạy nhạc cho H năm nay đã ở tuổi bảy mấy tám mươi và đã dạy nhạc mấy chục năm rồi, nếu Bà ta có lời khuyên như vậy có lẽ cũng đáng đế chúng ta suy nghĩ .
Tóm lại chúng ta có rất nhiều lý do để đến dự những buổi trình diễn của Phạm Hoàn về sau và những lần sau nữa ...
LangNam@gmai.com
Thứ Ba, 23 tháng 6, 2009
Thứ Hai, 23 tháng 3, 2009
Mà Chi ...
Thoắt đi tựa bóng mây
Những si mê cuồng dại
Như gió thoảng mây bay
Ngẫu nhiên hay tiền định
Nợ trả hay nợ vay
Bao kẻ đời xa lạ
Gặp gỡ rồi chia tay
Trên đường đời ai đi
Bao hội ngộ chia ly
Cơ duyên dường đã định
Buồn chi vui mà chi ...
NTTN.
Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2009
Seaspray Du Ký - Săn Bắn & Câu Cá
Tối hôm đó, mọi người trong nhà truyền nhau tờ báo rồi một người nói:
- N mang tờ báo này về nhà đọc đi rồi tìm cách liên lạc để book cho cả gia đình cùng đi lên đó chơi cho vui.
Gia đình tôi có truyền thống đi săn từ đời Ông Cha. Ông Ngoại tôi ngày xưa làm xếp (chief) một đồn điền thời Pháp nên có súng riêng và rất mê săn bắn. Cho đến đời Cậu & Ba của tôi cũng ham đi săn. Tôi đã từng nghe nhiều giai thoại ly kỳ thích thú về chuyện đi săn trong gia đình.
Giai thoại về Ông Ngoại tôi đã từng bắn mấy con cọp dữ ở vùng cao nguyên VN . Ông đã từng canh suốt đêm để bắn heo rừng và có đêm trong lúc nằm phục bắn heo rừng Ông tôi đã nghe tiếng oan hồn của một người mẹ và một đứa bé khóc rất thảm thiết. Ông tôi đóan rằng hai mẹ con người này có thể đã bị chết vì loạn lạc chiến tranh giữa Việt Minh và Pháp thời đó. Chuyện hồn ma này đã được xác định lại mấy mươi năm sau khi nhà tôi lên vùng này sống sau năm 1975.
Giai thoại về Ba tôi một lần đi săn đã bắn trúng vai Cậu tôi bằng súng cạc bin, vì Cậu ham mồi đuổi theo con heo rừng, Ba tôi tưởng lầm Cậu là con mồi và đã nhắm "chính xác" (may mà chỉ trúng vai). Nghe kể sau khi Cậu tôi bị bắn trúng vai, mấy anh em về nhà tự lấy dao mổ để lấy viên đạn ra, không dám cho Ông tôi biết vì sợ Ông sẽ cấm không cho đi săn nữa .
Giai thoại Ba tôi được trực thăng đón tận nhà & được thả vào rừng để săn ban đêm nhưng khi trời tối chưa thấy nai hươu đâu cả mà chỉ thấy VC đầy trong rừng, may mà Ba tôi cùng người bạn đã kịp thời rút chạy ra hướng đường quốc lộ để hôm sau đón xe hành khách về nhà.
Từ nhỏ tôi đã nghe nhiều giai thoại về săn bắn, đã thấy Ông, Ba, Cậu trang bị súng ống đi săn, đã ăn lắm lọai thịt rừng từ nai, nhím, chồn, heo v.v. cho đến cả thịt voi. Có lẽ tôi cũng có chút ảnh hưởng hay di truyền chi đó của Ông, Cha, Cậu nên khi nghe đến săn bắn là tôi muốn đi liền, mặc dầu chỉ 2-3 tuần nữa là chúng tôi sẽ lái xe mấy ngày cây số đi Queensland.
Tôi đang suy nghĩ không biết phải làm sao để liên lạc với người tổ chức, tôi dự định có lẽ phải liên lạc với báo Việt Luận để xin liên lạc với tác giả và từ đó may ra tôi có thể xin được số điện thoại chăng...
Hữu Duyên Thiên Lý Năng Tương Ngộ …
Từ khi tôi có dịp được nói chuyện với một người bạn Phật tử & được giải thích về chữ Duyên, tôi ngày càng tin chữ DUYÊN một cách lạ lùng. Sau khi cầm tờ báo về nhà, đọc lại từ đầu đến cuối một lần nữa, linh cảm báo cho tôi điều gì đó khi nhìn thấy hai tên Long & Loan nghe rất quen thuộc .
Một tuần sau đó tôi vẫn lu bù với công việc ở chỗ làm và ở nhà nên chưa tiện liên lạc với quý báo, thì đùng một cái cuối tuần đó chúng tôi lại gặp nhau, lần này một người trong nhà lại đưa tôi số điện thoại liên lạc. Tôi lấy làm lạ và hỏi rằng số điện thoại này ở đâu ra vậy, thì được trả lời là trên báo TV Tuần San có 1 mục quảng cáo rất nhỏ với số điện thoại & tên Long-Loan nghe rất khớp với nột dung bài báo trên Việt Luận. Tôi cầm số điện lên và nhận ra số điện thoại thuộc vùng Altona-North hoặc Newport đâu đó, tự dưng tôi tự hỏi có phải đây là người quen mà tôi đã lâu không gặp chăng ?
Tôi bốc điện thoại lên gọi và đầu dây bên kia một giọng nói quen thuộc trả lời:
- Hello ...
- Hello ...
- Xin lỗi, có phải đây là số điện thoại của anh Long hay chị Loan không ạ?
- Phải, Loan đây ...
- Xin lỗi, có phải chị ở Altona-North không ?
- Phải... Xin lỗi có chuyện chi không ?
Tính tôi từ trước đến giời vẫn hay đùa...
- Hello, chị Loan còn nhớ em không ?
- Xin lỗi, ai dzậy ?
- Em là đứa ngày xưa ăn phá nhà chị đó ...
- Xin lỗi ai tui hổng nhớ...
- N đây...
- Thằng wỷ ...
Số là ngày xưa tôi mới chân ướt chân ráo đến Úc này gần 20 năm về trước, lúc đó chưa có bạn bè và cũng chẳng mấy người quen. Bởi duyên dây mơ rễ má từ hồi nảo hồi nao nên hai anh chị thường gọi tôi đến nhà chơi & thưởng thức mấy món đặc sản chị nấu. Lúc đó tôi vừa từ trại tỵ nạn Paula Bidong sang, không biết vì chị Loan nấu ngon quá hay vì bị đói từ bên trại mà cái gì ăn cũng ngon. Nói đùa vậy thôi chứ cái lý do tôi ăn thấy rất ngon chính là vì tay nghề nấu ăn của chị Loan, còn lý do đói chắc chỉ là việc phụ. Điều này đã được chứng minh vì sau bao nhiêu năm không gặp anh chị, khi gặp lại tôi lại được thưởng thức mấy món chị nấu (tôi xin sẽ kể sau) mà tôi vẫn thấy ngon.
Trở lại vấn đề "ăn", tôi xin mạn phép leo lề một chút để nói về cái "tật xấu" của tôi. Nếu ai còn kẹt lại VN sau năm 75 thì đều biết cảnh đói khát hồi đó như thế nào, thế mà Mẹ tôi hồi đó phải còng lưng nuôi ba thằng con trai trong nhà, thằng nào cũng ăn như "hạm". Mấy người hàng xóm lúc đó ai thấy tụi tôi ăn cũng lắc đầu nói với Mẹ tôi rằng làm sao chị có thể chạy gạo để nuôi mấy đứa này. Sau này tôi đi vào Sài Gòn ở nhờ nhà một người quen để chờ đi vượt biên, tôi còn nhớ cả nhà 4-5 người chỉ ăn có 1/3 nồi cơm thôi, riêng tôi làm trọn 2/3 nồi (trung bình mỗi bữa tôi ăn 12 chén cơm).
Thỉnh thoảng tôi đi đâu không về ăn cơm làm cả nhà khổ sở vì cơm dư nhiều quá. Kể đến đây tôi cũng xin mở ngoặc để nói lên tấm lòng biết ơn của tôi đến gia đình ân nhân này. Gia đình này không có quan hệ bà con ruột thịt chi cả chỉ quen biết gián tiếp với Má tôi, thế mà họ đã bảo bọc tôi trong bao nhiêu năm. Thời đó ở Sài gòn công an còn lùng hộ khẩu gắt gao lắm, đến nỗi những người bà con ruột thịt cũng không dám chứa tôi vì sợ liên lụy đến bản thân & gia đình họ, bởi tôi sống “ngoài vòng pháp luật”. Thế mà gia đình ân nhân của tôi không chỉ cho tôi chỗ nương thân mà còn coi tôi như con cháu trong nhà.
Tôi nhớ có một đêm công an vào nhà gõ cửa giữa khuya để kiểm tra hộ khẩu, tôi bị bắt tại trận vì không biết chạy đường nào từ trên lầu 3. Chủ nhà sau đó đã đút lót năn nỉ để công an tha cho tôi, nhận tôi là thằng cháu mới ghé lên thăm, quên đem giấy tờ... Tôi còn nhớ ân nhân của tôi chẳng những tốt bụng mà còn hiền lành hết mực, mấy lần tôi bất ngờ đi đâu không báo là ở nhà bị ế cơm quá trời. Thế mà khi về nhà, Dì tôi (chủ nhà) vẫn ngọt ngào với giọng miền Nam thật nhẹ nhàng nhắc tôi rằng "Bữa sau con có đi chơi … đâu con nói cho Dì biết …hổng thôi dư cơm wá trời bỏ uổng...". Cuộc đời tôi sao gặp những người tốt quá!
Trở lại chuyện nhà anh chị Long Loan cũng vậy, không biết bao nhiều lần tôi đã ăn cạn mấy nồi từ cơm, mì, phở, hủ tiếu, bánh trái,đồ tráng miệng tráng môi v.v. Bây giờ tôi không nhớ hết, chỉ nhớ một điều là tôi ăn nhiều lắm. Ăn phá như vậy mà tuần nào hai anh chị cũng gọi lên nhà ...
Lúc tôi mới đến Úc, anh chị Long Loan cũng là người đầu tiên dắt tôi đi đây đó câu cá, bắt ốc, bắt bào ngư v.v. Ở VN tôi chỉ biết đến cần câu tre & cái phao, qua đến đây lần đầu tiên xài cần câu có ổ quay, dây nhợ lung tung thấy lạ lạ nhưng khi đã kéo được cá lên thì nỗi hào hứng kéo được cá ở đâu cũng giống nhaụ Thời đó, cá ốc bào ngư có vẻ còn nhiều hơn bây giờ. Chuyến nào đi về cũng tha hồ ăn đồ biển, ăn đến chán chê thì thôi.
Bẵng đi một thời gian, sau đó mấy năm tôi đổi chỗ ở mấy lần & anh chị Long Loan cũng đổi chỗ nên mất liên lạc. Thời gian trôi qua ai cũng bận rộn với kế sinh nhai, rồi chỉ qua một bài báo, tôi lại được gặp anh chị, quả là "Hữu Duyên Thiên Lý Năng Tương Ngộ ".
Bốn người khiêng 1 băng ca ...
Chúng tôi đến Seaspray khoảng 6:30 chiều nhưng trời vẫn còn rất sáng. Theo dự định, chúng tôi sẽ rời Melbourne khoảng 2 giờ chiều, tuy nhiên vì một số trục trặc kỹ thuật nên mãi gần 4 giờ chiều mới xuất phát. Sau khi đến nơi, sắp xếp đồ đạc xong, cả nhà kéo nhau ra biển.
Bờ biển ở đây không giống như bờ biển của vịnh Port Philip Bay ở Melbourne, nó có vẻ giống một vài bờ biển hướng Lorne hoặc Appolo Bay hơn (bờ biển dọc theo con đường đèo nổi tiếng Great Ocean Road phía Tây Melbourne). Nếu đi dọc theo đường lái xe ngay tại khu Seaspray, ta không thể thấy được bãi biển, vì dọc theo bờ là đồi cát cao khoảng 5-6m chắn ngang phân chia giữa vùng dân cư và bãi biển. Địa hình ở đây cũng hay, vì nơi đây gió thổi trực tiếp từ biển đông vào nên thường rất mạnh, đồi cát đã đóng vai trò che chắn gió một cách hữu hiệu cho khu dân cư.
Mới đến bờ biển, vừa xuống xe chúng tôi đã thấy 4 người thanh niên lực lưỡng nặng nhọc khiêng một chiếc băng ca từ trên đồi cát đi xuống. Khi tôi nhìn theo thì thấy có một ít máu thấm qua lớp vải lưới của chiếc băng ca. Tôi đang thầm nghĩ mình mới đến bãi biển mà đã có người bị tai nạn phải cấp cứu có vẻ không được vui cho lắm. Khi đến gần thì hỡi ôi! nạn nhân trên băng ca là một chú cá mập nặng trên 100kg. Cổ & ruột của chú cá mập đã bị cắt nên máu vẫn rỉ ra. Nhìn thấy chú cá mập nằm bất động mà hàm răng nhọn hoắc vẫn nhe ra tôi nghĩ thầm, nếu mình đang bơi dưới biển mà gặp chú này thì khốn chứ chẳng chơi.
Chưa bước xuống đến biển mà nhìn thấy chú cá mập làm tôi thầm nghĩ, sao biển này lắm cá mập thế, liệu mình lội xuống nước có an toàn không ... Một lúc sau ra đến bờ thì mới biết làm sao các thợ câu này câu được cá mập lớn như vậy. Những tay câu professional xài cần & ổ câu biển thật lớn. Dây cước họ dùng nếu bảo rằng to bằng chiếc đũa thì hơi quá nhưng đại loại cũng cỡ gần bằng đầu đũa. Họ có một chiếc tàu con gọi là torpedo, chiều ngang khoảng 40-50cm chiều dài khoảng một thước, điều khiển bằng remote control. Họ móc mồi vào lưỡi câu rồi gắn mồi vào chiếc torpedo và
điều khiển cho nó chạy tít ra xa, thả mồi & lưỡi câu ngoài đó. Trong bờ họ cắm chiếc cần câu vào một cái cọc gỗ thật chắc chắn. Có thế họ mới câu được chú cá mập to cỡ đó, chứ amateur như tụi tôi nếu con cá này có cắn câu mình cũng đành chịu thua.
Phải chờ Sư Phụ thôi ...
Tôi và T thằng bạn nối khố & cũng là anh em cột chèo, quyết định quăng cần. Hai thằng sửa soạn cần xong thì được mấy anh professional câu cá mập cảnh báo rằng, bữa nay biển rất nhiều rong nên câu bờ (surf fishing) kiểu tụi tôi là không xong. Tuy nghe vậy nhưng đã ra đến đây thì cũng phải thử thời vận. Nhưng khi quăng cần mới biết gió mạnh quá, sóng nổi lên ầm ầm, nhìn đầu cần câu bị đưa tới đưa lui theo từng cơn sóng chúng tôi có thể đoán được cần đã bị vướng rong. Kéo cần lên thì ôi thôi rong rêu vướng đầy, chờ thêm một lúc nhưng chúng tôi nhắm không xong đành quyết định chuyển qua phương án B, đó là đi câu cá đối.
Trước khi đi tụi tôi đã lên Google search kỹ nên tương đối nắm vững địa hình Seaspray. Chúng tôi thâu cần và di chuyển theo con đường dọc bãi biển về hướng Nam, đi một đoạn vòng vèo đến một con kinh (creek), nơi này cửa kinh giao tiếp với biển . Chúng tôi lại đổi từ cần lớn sang cần nhỏ để câu cá đối, nhưng lúc đó nước xuống rất thấp, nên quăng cần một lúc mà chẳng thấy động tĩnh gì. Nhóm phụ nữ đã nhụt chí nên rút về nhà trọ (nhà của anh Long & chị Loan) nghỉ ngơi & lo cơm tối. Tôi & T cùng hai boy nữa quyết định ở lại thi gan 1 lúc nữa xem sao. T chuyển sang dùng mồi giả để câu vì nghe vùng này có cá taylor, còn tôi đứng chờ một lúc cũng bắt đầu mất niềm tin nhưng thấy T còn đang hăng say nên tôi rủ con trai tôi đi dạo 1 vòng cho biết phong cảnh ở đây.
Chúng tôi thả bộ theo con đê chạy dọc bờ kinh, một bên là nhà và một bên là rừng cây nước mặn. Chung quanh vùng này có nhiều bãi caravan park & khu cắm trại, tôi đoán vào mùa holiday chắc nơi này cũng nhộn nhịp lắm. Chúng tôi đi dạo một hồi cho đến chập choạng tối, lúc này thỉnh thoảng thấy mấy chú thỏ rừng chạy qua chạy lại và vài chú chim bay vội vã chắc là đang bay về tổ.
Khi quay trở lại chỗ câu thì T cũng đã ngừng tay, tôi & T bàn với nhau rồi cuối cùng hai thằng quyết định rút về nhà trọ chờ sư phụ (anh Long) lên dắt đi săn, bởi trước khi đi anh Long có hẹn tụi tôi anh sẽ lên khoảng 10 giờ tối để đưa tụi tôi đi săn .
Phát súng đầu tiên ...
Chúng tôi vừa ăn tối xong thì cũng là lúc anh Long & chị Loan lên đến nơi. Anh Long dắt tôi & T ra ngoài truyền đạt cho một vài kinh nghiệm trước khi đi săn như cách nhắm súng, lên đạn v.v. Sau đó cánh đàn ông chúng tôi lên đường.
Khi đến cửa rừng anh Long chỉ cho chúng tôi cách lái xe làm sao để người đứng sau thùng xe có thể đứng bắn dễ dàng & an toàn. T tình nguyện lái xe trước, hai boy ngồi trong xe còn anh Long, tôi & nhạc phụ của tôi đứng sau thùng xe. Anh Long đưa tôi 1 cây súng, anh giữ 1 cây còn nhạc phụ tôi đứng giữa soi đèn.
Vừa chạy một đoạn chúng tôi đã thấy hai con kangaroo nhảy từ đằng xa nhưng có lẽ mới đầu đêm nên chúng còn nhát, nhảy băng qua con đường đất phóng nhanh vào rừng làm chúng tôi chưa kịp nổ súng.
Tôi mặc 1 áo T-shirt dài tay và mang theo 1 áo jacket, nhưng có lẽ cảm giác exciting của lần đầu súng lăm lăm trong tay làm tôi cảm thấy cái lạnh đêm đó chỉ hơi man mát thật dễ chịu . Anh Long trang bị thật đầy đủ, anh làm 1 giàn kê súng trên mui xe để khi gặp mồi chúng tôi có thể tì súng lên đó mà bắn. Tuy chưa thấy con mồi nào xuất hiện sau hai con kangaroo nhưng tôi vẫn tì
súng trên bệ đưa súng theo ánh đèn để tập nhắm bắn cho quen. Chuyện này không phải là dễ lúc bắt đầu vì đêm tối mình phải chuyển họng súng theo ánh đèn để nhìn thấy mục tiêu, sau khi đã thấy mục tiêu rồi mình còn phải nhắm cho nó vào đúng giữa chữ thập trong ống ngắm.
Chúng tôi chạy giữa cánh rừng thông, thật sự đây là một lâm trại trồng thông (pine farm). Thông được trồng trong những farm này theo tôi biết sẽ được thu hoạch mỗi vài chục năm. Rừng thông ở đây bạc ngàn, chúng tôi cứ đi ngang dọc trong rừng theo sự hướng dẫn của anh Long. Khi anh quơ đèn pin qua trái thì xe quẹo trái, qua phải thì xe quẹo phải. Khi nhìn thấy thú rừng anh đập nhẹ trên mui xe để xe dừng lại. Có những lúc xe chạy lố T phải lui lại để chúng tôi có thể ngắm bắn con mồi cho chính xác.
Đường trong rừng ngang dọc đủ hướng, nhưng anh Long có vẻ đã thuộc trong lòng bàn tay. Đi vòng quanh khoảng 15-20 phút chợt anh Long đập nhẹ trên mui xe, T dừng xe lại rất điệu nghệ, anh Long ra hiệu cho T lui xe lại một chút rồi dừng hẳn. Tôi vẫn chưa nhìn thấy gì trong khi anh Long đã đưa súng lên ngắm về hướng bên trái & nói:
- Nó đó…
- Đâu đâu ?
Tôi vừa hỏi vừa đưa súng lên ngắm về hướng anh Long chỉ. Nhìn trong ống ngắm tôi thấy 1 ánh sáng nhỏ xíu, thì ra đó là con mắt của 1 con kangaroo đang đứng nhìn ngang về hướng ánh đèn. Con kangaroo tuy lớn nhưng cái đầu lại tương đối nhỏ so với thân hình của nó, bởi thế rất khó nhắm trong ống ngắm.
Tôi còn đang cố nhắm sao cho con mắt của con mồi vào giữa chữ thập của ống ngắm thì đã nghe "đùng", anh Long vừa bắn xong nhưng con mồi vẫn đứng đó không động đậy. Lúc đó tôi cũng vừa đưa được con mắt của con mồi vào đúng chữ thập "đùng", tôi bóp cò nhưng con mồi vẫn đứng đó như thách thức . Tôi chưa kịp lên đạn thì đã nghe anh Long bắn tiếp phát
nữa, trong ống ngắm tôi nhìn thấy con mồi nhảy dựng lên rồi ngã vật xuống, thật là 1 phát bắn thiện xạ.
Tôi và anh Long nhảy xuống xe, tôi cầm súng, anh Long cầm đèn đi về hướng con mồi. Vừa đi được mấy thước thì xoẹt một chú thỏ nhảy vọt qua mặt chúng tôi, anh Long quyét đèn theo để tôi bắn nhưng có lẽ chú thỏ này đã nhìn thấy cảnh chú kangaroo vừa ngã gục nên chú phóng một mạch vào bụi cây.
Chúng tôi đến chỗ con mồi, theo sự phỏng đoán của tôi khoảng cách từ con mồi đến nơi chúng tôi bắn cũng khoảng 100m, thế mà anh Long đã bắn trúng vai con mồi. Chúng tôi kéo con mồi quăng lên xe và tiếp tục đi ...
Con Khỉ ....
Sau khi tôi đã nổ súng được 1 lần, tinh thần càng hăng say, tưởng tượng nếu lúc đó có hàng trăm con mồi xuất hiện chắc tôi vẫn bóp cò mà không biết mỏi tay. Tuy hăng như vậy nhưng tôi cũng nghĩ đến T, tội nghiệp nãy giờ T cứ lo lái xe, còn chúng tôi xôn xao bóp cò, bàn tán chuyện săn bắn phía sau thùng xe chắc T không khỏi nôn nao . Khi dừng xe lần kế tiếp, lúc tụi tôi vừa hụt một con thỏ, tôi vội nhảy xuống xe đổi tay lái cho T lên cầm súng.
Chạy 1 đoạn không xa lắm, tôi nghe tiếng đập trên mui xe & nghe anh Long nói với T:
- Nó kia, bắn đi T...
- Đâu đâu ?
- Đó ...
Cũng lại cái điệp khúc quen thuộc, anh Long lớn hơn tôi & T gần một thế hệ (cách nhau khoảng 17-18 tuổi), thế mà sao mắt anh tinh hơn mắt tụi tôi thế! T vẫn chưa nhìn thấy chi cả nên hỏi:
- Đâu, đâu ? Em hông thấy thôi anh Long bắn đi ...
- Đùng ...
Tôi nhìn theo ánh đèn pha và thấy rõ đường đạn đi trong đêm, tôi hơi ngạc nhiên dù đây không phải là lần đâu tiên nhìn thấy hình ảnh này .
Thời chiến tranh, lúc tôi còn nhỏ sống chung với Ông Bà Nội, nhà Nội tôi ở trong 1 xóm đạo di cư. Vùng đó cũng như đa số các vùng ven đô thời trước 75 thường bị mất an ninh, có nghĩa là ban ngày Quốc Gia còn ban đêm CS có thể đột nhập vào nhà dân . Ông tôi có vai vế chi đó trong hội đồng tỉnh nên đêm đến thương có lính nghĩa quân và nhân dân tự vệ canh gác . Ba tôi thời đó nghe kể sau khi bị thương được giải ngũ về ứng cử hội đồng địa phương và có trách nhiệm chỉ huy mấy chú nhân dân tự vệ .
Có 1 đêm tôi đang ngủ thì bỗng nghe tiếng súng nổ liên tục ngoài sân. Tôi trèo vội xuống giường chạy ra ngoài sân, thấy Ba tôi đang nói chuyện trên một máy điện đàm lớn, sau này lớn lên tôi hỏi thì được Ba tôi cho biết lúc đó Ba gọi về Quận để xin tiếp viện.
Đêm đó Ba tôi ra lệnh cho một số địa phương quân thay đạn lửa bắn lên trời để làm hiệu, và đó là lần đầu tiên tôi thấy cảnh đạn bắn trong đêm như pháo bông (firework) vậy. Tối hôm đó đạn bắn sáng cả vùng trời, cảnh này còn thêm hấp dẫn khi Ba tôi thụt mấy ống xi-nhan (signal) làm bầu trời thêm phần rực rỡ. Tôi còn nhớ Ba tôi cầm từng cái ông nhôm tròn, đường kính bằng khoảng lọ tăm, rút nắp đậy ở trên, gắn vào đáy ống bên dưới, rồi cầm ống dộng mạnh xuống nền xi măng ngoài sân . Kế tiếp là cảnh ánh sáng tóe lên giữa trời và tiếng leng keng của chiếc ống nhôm rơi xuống sân .
Nghĩ lại thật buồn cười, vì tôi chắc rằng đêm đó Ba tôi cùng mấy chú lính không kém phần căng thẳng trong khi bọn con nít như tôi thấy khoái chí như ngày hội vậy . Nếu không bị ai đó nắm chặt lấy tay tôi, thì chắc tôi đã chạy ngang chạy dọc trong sân để xem cảnh bắn súng.
Sau tiếng súng của anh Long, tôi thấy con mồi lật nhào, anh Long nhảy xuống xe, chạy đến con mồi và nói con này là wallaby ăn không ngon & quay trở lại xe . Chạy thêm một đoạn nữa, chúng tôi thấy một chú thỏ nhảy ngang qua đường, vừa lúc đó anh Long đập trên mui xe, tôi dừng lại hơi gấp nên mấy người phía sau hơi "lắc lư". Sau nàu lúc đã về nhà, anh Long vừa cười vừa
nói:
- Trời ơi, ông N này ổng chạy mà kiu ổng đứng lại, ổng thắng muốn chúi nhủi. Chỉ có thằng T lái xe là ngon ...
Tôi cười hề hề nói:
- Vậy là có hai chuyện để bàn: thứ nhất là chuyến sau nếu đi bắn đêm tiếp, cứ giao cho T lái xe là thoải mái, còn em sẽ đứng bắn với anh; thứ hai là trong đường dài nếu anh còn tổ chức nhiều cuộc đi săn kiểu này, anh cứ cho T một job lái xe là chắc ăn như bắp, bảo đảm mọi người dzui dzẻ ...
Kể lại chuyện con mồi, 1 chú thỏ, sau khi chạy qua chạy lại, chú đứng lại giữa đường và có vẻ chịu đèn. Tôi nghe anh Long nói:
- T bắn đi ...
- OK
- Click...
- Con khỉ ... N bắn xong hổng chịu lên đạn
- Đùng ...
Anh Long nổ súng & chú thỏ lăn quay, lúc đó tôi mới thanh minh:
- N lên đạn rồi mà ...
- T bóp cò mà đâu thấy nổ khỉ gì đâu …
- Tại đạn T lép thì T phải chịu chứ sao bây giờ ...
Tôi đùa với T , anh Long tiếp:
- T đưa súng anh coi ...
- Con khỉ tụi bây hông biết lên đạn, chắc là giựt mấy lần đạn bay ra ngoài hết rồi.
Thì ra mỗi băng đạn chỉ có 5 viên, và khi lên đạn thay vì bẻ cần lên, kéo mạnh hết về phía sau rồi đẩy ra trước, kéo chốt về chỗ cũ. Nhưng khi lên đạn, tôi đã không kéo hết về phía sau nên nó bị kẹt và cứ thế tôi giật tới giật lui khi đẩy được chốt về chỗ cũ thì đạn đã chẳng còn viên nào trong băng.
Thế là T hơi bị xui có mỗi một con mồi đứng yên một chỗ mà bắn không được. Còn gì ấm ức cho bằng khi lâm trận mà súng không chịu nổ, chẳng trách T cứ đem ba đời con khỉ ra mà kêu ...
Con nai vàng ngơ ngác...
Chúng tôi vòng qua vòng lại trong rừng thế mà đã gần hai tiếng. Cuối cùng chỉ bắn được 1 con thỏ & hai con kangaroo. Trước khi ra khỏi rừng anh Long quyết định bỏ con kangaroo chỉ lấy con thỏ. Chắc anh Long biết tôi và T vẫn còn đang hăng nên anh hứa đưa hai đứa tôi về farm của anh để bắn thỏ tiếp .
Chúng tôi vừa ra khỏi rừng, chạy một đoạn, đang rôm rả về cuộc săn vừa rồi thì một người trong nhóm la lên:
- Nai ...
- Con nai ở bên trái, anh Long ...
Tôi nhìn sang bên trái thì quả là hình ảnh một "con nai vàng ngơ ngác". Con nai đứng gần một bụi cây bên đường, thấy chúng tôi ngừng xe bất ngờ, nó nhảy băng qua bên phải con đường.
Anh Long chưa kịp dừng xe hẳn thì chú nai đã chạy vòng ra sau xe, lúc đó tôi không thấy được nó nhưng nghe T thì thào:
- Nó đang đứng sát phía sau xe anh Long ...
Tôi nói nửa đùa nửa thật:
- De xe lại tông nó luôn anh Long ...
Anh Long vẫn chưa kịp phản ứng thì con nai đã nhảy vòng sang bên trái một lần nữa. Lúc đó xe đã dừng hẳn, tôi thấy con nai phóng qua đầu xe chạy về bên phải . Anh Long ra khỏi xe nhảy lên thùng xe lấy súng chạy sang bên phải, tôi vội cầm đèn chạy theo . Chú nai vẫn nhớn nhác không biết chạy đi đâu nên cứ dọc theo con đường có lúc chú chạy tới, có lúc lại quay đầu chạy ngược lại . Tôi vẫn soi đèn theo dõi từng di động của chú, bất ngờ chú nai đứng lại quay đầu nhìn đèn, nhưng vừa khi anh Long đưa súng lên ngắm thì chú lại quay đầu chạy tiếp. Anh Long cầm súng tôi cầm đèn vẫn nhè nhẹ đuổi theo, bỗng chú nai nhảy vào một bụi cây cao quá đầu, chúng tôi cứ đinh ninh là chú nai vẫn còn ở trong bụi cây đó, nhưng khi đến gần thì chẳng thấy bóng dáng chú đâu .
Thật quái lạ, hai bên bụi cây đều là cỏ thấp, phía sau bụi cây là hàng rào farm tương đối cao. Chú nai đã không nhảy qua hàng rào này mấy lần nên mới chạy dọc theo con đường thế mà bây giờ nhìn đâu cũng không thấy. Chúng tôi rọi đèn bên phải, bên trái, rọi cả vào trong farm. Farm này chỉ
có cỏ chắc là để nuôi bò nên nếu chú nai chạy vào đây khi quyét đèn chúng tôi cũng có thể nhìn thấy, chú nai đã biến mất như một bóng ma ...
Thật sự trước đó tôi không hề biết rừng ở Úc lại có nai, khi quay lên xe tôi hỏi anh Long:
- Ủa, rừng ở đây có nai hả anh Long?
- Có chứ ...
- Hay là nai trong farm bị sổng chuồng ...
- Không, đây là nai rừng, người ta gọi là "hog deer"
- Vậy mà trước giờ em vẫn tưởng ở Úc không có nai rừng.
Anh Long tiếp:
- Hôm trước thằng W con anh tông một con nai ở Honey Suckle (cách Seapray khoảng 5-7km về hướng Bắc ) cũng gần vùng nàỵ Nó lôi con nai bỏ lên thùng xe mang về, nhậu hết sẩy ...
Lúc sau, khi về đến nhà, kể lại chuyện thấy con nai bên đường, chị Loan vừa cười vừa nói:
- Cái ông wỷ Long nè, bữa trước thằng W nhà chị nó tông một con nai bị banh cái đầu xe, dzậy mà khi về tới nhà nó dzô kiu Ba nó, ổng hổng lo cái xe mà chỉ lo ra coi con nai .
Chị Loan kể, tối đó thằng W lái xe về, chạy vô gọi:
- Ba, con mới tông con nai
Anh Long chạy ra:
- Thiệt, nai hả ...
Rồi ảnh nhảy lên thùng xe khiêng con nai với thằng W mà chẳng màng gì tới chiếc xe.
Theo đúng sách vở ...
Chúng tôi vẫn còn tiếc hùi hụi con nai bên đường thì anh Long đã dừng xe lại trước cổng farm. Anh nhảy xuống mở cổng rồi chạy xe vào trong farm, anh dừng xe cho tôi, T & H con trai tôi ra khỏi xe . Nhạc phụ của tôi đã thấm lạnh sau hơn 2 tiếng đồng hồ nên không muốn ra khỏi xe nữa . Khổ một nỗi H bị cận thị mà lại quên mang kiếng cận, nên khi giao cho H cầm đèn rọi cho tôi & T bắn là hơi thất sách .
Ba chúng tôi leo lên thùng xe, tôi đứng bên trái, T đứng bên phải còn H đứng giữa cầm đèn. Thỏ trong farm có vẻ nhiều hơn trong rừng nhưng chúng cũng nhát hơn. Địa hình farm của anh Long không bằng phẳng, nhưng có chỗ cao chỗ thấp, địa hình này rất thuận tiện cho săn thỏ. Bởi địa hình nhấp nhô thỏ không thấy mình từ xa, có khi xe mới nhô lên một con đồi là đã thấy mấy chú thỏ đứng sững sờ ở đó. Có lẽ khi bất ngờ nhìn thấy ánh đèn mấy chú có vẻ ngạc nhiên nhìn chằm chằm vào ánh đèn, còn nếu địa hình bằng phẳng hơn, mấy chú có thể nhìn thấy ánh đèn từ xa, và theo tôi để ý thì cơ hội mấy chú bỏ chạy rất cao, trước khi mình có thể tới gần vừa tầm bắn .
Anh Long mở đèn pha, cặp đèn pha của chiếc Toyota Hilux quyét sáng cả 1 vùng, thế nhưng vẫn không đủ ánh sáng nếu không dùng thêm chiếc đèn rọi trên thùng xe . Lúc xe vừa mới vượt qua đỉnh đồi đang ở tư thế chúi xuống dốc, chúng tôi thấy một đám 4-5 con thỏ, chúng khựng lại nhìn đèn một chút rồi bắt đầu bỏ chạy, tuy nhiên hai con trong đám như có vẻ vẫn chưa thỏa chí tò mò nên đứng lại nhìn ánh đèn . H không nhìn rõ nên khi thấy mấy chú thỏ chạy loạn xạ H quyét đèn đuổi theo, tôi phải 1 tay cầm súng 1 tay nắm lấy tay H chỉnh ánh đèn chiếu vào hai chú thỏ đang đứng . Làm như vậy hơi bất tiện bởi người ta thường nói "nhát như thỏ", mấy chú này thường không đứng lâu, mấy lần sau khi tôi cầm tay H chỉnh hướng đèn cho đúng khi cuối xuống định nhắm bắn thì con mồi đã chạy mất tiêu . Lucky cho tôi & T lần này, hai chú thỏ có vẻ lì lợm .
- Đùng ...
- Rắc rắc đùng ...
T đã bắn 2 phát trong khi tôi vẫn còn đang dán mắt vào ống ngắm để đưa 1 trong hai chú vào đúng chữ thập .
- Đùng
Tôi bóp cò, một chú ngã lăn quay.
- Đùng
Chú còn lại đã trúng đạn của T, anh Long ngồi trong xe nói vọng ra:
- Trúng hai con rồi ...
T hỏi:
- T có bắn được con nào không?
Tôi nói:
- Chắc chắn là T đã bắn trúng 1 con, bởi nãy giờ N mới bắn có 1 phát thôi .
Anh Long giải thích:
- N bắn trúng con bên trái, T bắn trúng con bên phải.
Quả là sư phụ, ngồi trong xe không biết anh nghe được tiếng súng hay thấy được đường đạn đi mà phán đoán thật chính xác .
T khoái chí :
- Ha ha ... dzậy là T cũng bắn được 1 con .
Tôi thắc mắc:
- Làm sao T có thể bắn nhanh hay vậy, N mới bắn 1 phát mà T đã làm 3 phát liền.
T nói:
- T đâu có nhắm ống ngắm đâu, T đứng bắn luôn .
- À thì ra, N cứ phải theo đúng sách vở, kê súng lên bệ gỗ, nhắm mục tiêu đúng giữa chữ thập mới bóp cò .
Nói đến chuyện "đúng sách vở" tôi nhớ bao nhiêu năm về trước lúc còn là sinh viên nghèo, vào mỗi mùa nghỉ hè, T & tôi cùng mấy đứa bạn thường tụ tập binh sạp xám giải khuây . Chúng tôi thường gài mấy độ sạp xám nhẹ như 1 chi 5-10 cent hoặc đứa nào thua thì "mời" anh em ra ngoài uống nước . Có khi không tiện đi ra ngoài chúng tôi gài độ uống nước tại nhà nhưng luật được đổi ngược lại, đứa nào thua thì tự mời mình uống nước lã. Gài độ kiểu này có đêm cả đám thức trắng mắt sáng ra đứa nào cũng bơ phờ, không phải vì muốn thức mà vì đứa nào cũng uống nhiều nước quá cứ vừa nằm xuống là phải đứng dậy đi "xả hơi", thật là chẳng cái dại nào giống cái dại nào .
Tôi muốn nhắc đến chuyện binh sạp xám là bởi vì T hay có thói quen binh theo sách vở rất cẩn thận theo kiểu "thùng thủ cù lũ dương" . Bởi thế tôi hay tìm cách đè cây đầu hay cây giữa của T tùy theo sự suy đoán của tôi, mà thường là tôi thành công nếu tôi đoán đúng bài của T . Thế mà giờ đây đi săn tôi lại là thằng săn "theo sách vở" còn T thì ngược lại. Có điều qua kinh
nghiệm cuộc săn tôi nhận thấy cứ theo sách vở sư phụ dạy thì có vẻ tốt hơn. Bằng chứng la sau cuộc săn đêm đó, khi điểm lại chiến tích, tỷ số con mồi T hạ được so với tôi là 1/3. Thế mới biết câu "Đi săn mà không nghe lời sư phụ thì trăm đường lỗ to" ...
TẢ XUNH HỮU ĐỘT
Anh Long cứ thế lái xe, lúc lên đồi lúc xuống dốc, mỗi lần anh dừng xe lại là chắc chắn có con thỏ đứng gần đâu đó, chỉ có điều tôi & T mắt hơi bị kém nên cứ hát mãi bài ca "đâu đâu..." làm anh Long cứ phải lập lại cái điệp khúc "đó đó ...". Có một lần một con thỏ đứng trước đầu xe chỉ khoảng 20-30m nhưng tôi & T nhìn qua nhìn lại hoài vẫn không thấy, cho đến khi anh Long chạy đến gần còn khoảng 5-10m, chú thỏ phóng đi thì tôi & T mới nhìn thấy.
Chúng tôi chạy vòng vòng trong farm của anh Long bắn hết mấy băng đạn, T cũng bị tình trạng giống tôi đó là mất đạn không ít vì không biết cách lên đạn. Bới vậy có lúc chúng tôi nhắm được con mồi trong ống ngắm nhưng khi bóp cò thì súng không nổ. Có lúc T & tôi hết đạn cùng lúc đành nhìn con mồi đủng đỉnh chạy đi. Chúng tôi biết mỗi băng đạn có 5 viên, nhưng cứ bị bắn đạn lép vì khi bắn đến viên thứ 2 thứ 3 thì đã hết đạn rồi .
Chúng tôi tả xung hữu đột trong farm, bắn cho đến khi mấy chú thỏ sợ quá chạy hết sang mấy farm bên cạnh mới thôi . Trong farm đêm đó có mấy con ngựa, tôi nói nhỏ với T:
- Bắn làm sao mà thỏ không trúng lại trúng mấy con ngựa này thì đổ nợ ...
Chúng tôi săn trong farm khoảng nửa tiếng và chiến lợi phẩm là 4 con thỏ. Anh Long nhìn mấy con thỏ nói:
- Trời vừa mưa xong mấy cơn, cỏ mọc nhiều nên thỏ tơ cũng nhiều. Con nào con nấy mập như vậy ăn ngon lắm.
Chúng tôi thu chiến lợi phẩm rồi rời farm trở về nhà. Về đến nhà anh Long ra tay làm hết mấy con thỏ, bỏ vô tủ lạnh để ngày hôm sau chị Loan nấu món cà ri. Tôi học thêm cách làm thỏ kiểu Úc, xưa kia tôi cũng đã từng làm thịt thỏ ở VN, nhưng cách làm của anh Long thật nhanh gọn. Anh Long làm đến một con thỏ do tôi bắn, ảnh nói:
- Chu cha coi ông N ổng bắn nè, con thỏ có hai cái đùi mà ổng bắn trúng đít nát bấy hết hai cái đùi ...
Mọi người cười ồ lên, tôi bào chữa:
- Rõ ràng là em nhắm cái vai nhưng chẳng hiểu sao lại bắn trúng cái mông ...
Sau khi rửa tay thay quần áo xong, chị Loan pha một bình trà. Đã bao năm không gặp, bao nhiêu chuyện để tâm sự. Chúng tôi ngồi nói chuyện với vợ chồng anh Long cho đến ba giờ sáng ...
MỘT THỜI THƠ ẤU
Ngày hôm sau anh Long đưa chúng tôi đến farm của một ông bạn để câu cá. Chủ farm một ông Tây to lớn, vẻ mặt trông phúc hậu. Phía sau farm của ông là một dòng sông nhỏ nghe nói có nhiều cá hanh. Tuy nhiên có lẽ ngày hôm đó chúng tôi đến không đúng con nước hoặc không đúng ngày nên sau khi quăng cần, chờ một lúc vẫn chẳng thấy động tĩnh gì. Anh Long đổi ý quay lại xe lấy khẩu súng và rủ tôi đi săn thỏ với anh ở quanh khu đó.
Chúng tôi dọc theo bờ sông đi một đoạn đã thấy mấy chú thỏ đang nhởn nhơ nhảy nhót ở đằng xa. Tuy nhiên săn thỏ ban ngày khác với săn ban đêm ở chỗ ban đêm thỏ có thể vì ánh đèn lóa mắt không nhìn thấy người săn, còn ban ngày chúng rất tinh mắt có thể nhìn thấy người từ xa và bỏ chạy trước khi mình có thể đến gần tầm bắn. Bởi thế tôi và anh Long cứ phải tay xách súng đi trong tư thế lom khom, có lúc phải bò dựa theo những mô đất hoặc bụi cây để thỏ không phát hiện ra mình.
Mặc dù phải di chuyển trong tư thế lom khom và mắt luôn dán căng về phía trước, nhưng đầu óc tôi bỗng dưng liên tưởng đến một thời ấu thơ khi nhìn thấy những cảnh vật chung quanh. Cảnh ở đây đối với tôi sao nó thân thương kỳ lạ, có lẽ bởi những dòng suối nhỏ chạy quanh, có lẽ bởi những bụi cây, những gò đất, những đồng cỏ trông đâu cũng thấy hết sứ quen thuộc.
Sau năm 1975 gia đình tôi di cư về sống ở một vùng quê, có lẽ bởi Ba Mẹ tôi "chán đời" sau cuộc biến động 30-4 và sau những ngày tù cải tạo, hoặc có lẽ muốn tránh sự để ý của chính quyền lúc bấy giờ. Dẫu với lý do nào thì gia đình tôi đã trả một giá rất đắt cho quyết định này, khi cả gia đình từ Ba Mẹ tôi cho đến đứa em trai út (5 tuổi) hàng ngày phải quần quật lao động để đổi lấy những "công điểm" mà giá trị một năm của nó không đủ nuôi sống gia đình trong một tuần.
Thôi hãy gác chuyện đau thương của gia đình tôi và của đa số những người dân VN phải chịu đựng thời đó để tìm lại một chút kỷ niệm thân thương của tuổi ấu thơ. Niềm an ủi thời ấu thơ của tôi có lẽ là cảnh đồng quê. Tôi còn nhớ sau những ngày lao động mệt nhọc hoặc sau những giờ nghỉ ngắn ngủi tôi thường tìm một bóng cây nằm nhìn lên trời xanh. Hoặc có những buổi hoàng hôn đứng trên đồi cao nhìn ra cánh đồng lúa, mía xanh rì uốn mình như những đợt sóng vô tận trong gió chiều lồng lộng.
Có những buổi trưa tranh thủ giờ nghỉ tôi lang thang trên cánh đồng tìm những ổ chim cút, chim chiền chiện. Có lúc tôi cùng lũ bạn ngụp lặn dưới những dòng sông, dòng suối không biết chán. Dẫu sao thượng đế vẫn an ủi những đứa trẻ chúng tôi thời đó khi ban cho chúng tôi cảnh đẹp thiên đường giữa một địa ngục trần gian.
Giờ đây bước trên cánh đồng của một đất nước xa xôi mà sao tôi thấy nhớ da diết một thời ấu thơ. Khí hậu ở đây không giống khí hậu ở VN, thế mà sao những bụi cây, đồng cỏ, con suối lại giống VN đến thế. Ôi! lòng yêu quê hương của con người thất khó hiểu, nó dường như ngấm vào máu thịt, ngấm vào từng dây thần kinh, từng cảm xúc trong ta mãi mãi và mãi mãi. Xin lỗi tôi lại lạc đề của chuyến đi săn, nhưng dầu sao những cảm xúc của tôi có lẽ cũng như bao cảm xúc của những người VN tha phương kha'c cũng rất cần được chia sẻ.
Xin trở lại cuộc săn bắn ngày hôm đó, sau khi "bò lết" một đoạn chúng tôi gặp rất nhiều thỏ, nhưng vì ban ngày chúng tinh mắt nên thường bỏ chạy trước khi tôi có dịp ngắm bắn. Một điều khó khăn cho tôi khi săn ban ngày là việc giữ súng khi bắn. Khi đi săn đêm trước đó chúng tôi đứng sau thùng xe và có bệ kê súng nên không bị run tay. Đi săn ban ngày như hôm đó, nếu may tôi có thể gác súng lên một nhánh cây hoặc một mô đất, nhưng có lúc phải ở trong tư thế nửa quỳ nửa ngồi, súng cứ nhô lên nhấp xuống theo nhịp thở rất khó ngắm. Đó là chưa kể việc tim đập thình thịch vì phải đi trong tư thế lom khom và hồi hộp khi nhìn thấy con mồi. Lắm lúc có chú thỏ đứng một chỗ "vuốt râu" thật lâu mà tôi bắn mãi không trúng.
Tôi và anh Long đã băng qua mấy cánh farm bắn được 5-6 con thỏ, lúc mặt trời còn độ 2-3 con sào chúng tôi bất ngờ nhìn thấy một chú chồn (fox) chạy gần bờ suối. Anh Long khoát tay ra dấu cho tôi chạy về phía anh vừa chỉ về hướng con chồn dang chạy vừa nói :
- Anh & N đuổi theo bắn con này, nếu bắn được về nấu giả cầy nhậu hết ý ...
Thế là chúng tôi cứ mải mê đuổi theo chú chồn, chú ta cứ chơi trò trốn tìm, lúc ẩn lúc hiện làm chúng tôi quên mọi người đang câu cá ở bờ sông. Lúc sau chúng tôi sực nhớ và quay trở lại bờ sông thì mọi người đã rút trại, tôi gọi điện thoại thì mới biết mọi người rủ nhau đi Honey Suckle dạo chơi vì câu chẳng được con cá nào .
Tôi và anh Long lái xe trở về nhà, vừa lúc trời đổ mưa to, chẳng bao lâu sau mọi người cũng quay trở về . Chúng tôi mở chai rượu vang ra uống chưa hết chai thì trời đã ngưng mưa . Nhìn ra ngoài thấy trời vẫn còn sáng, anh Long rủ tôi và T đi săn tiếp .
Tôi & T mỗi thằng ôm một cây súng, anh Long lái xe trở lại địa điểm chúng tôi vừa săn trước đó . Trời vừa mưa xong lại là lúc chạng vạng tối, thỏ rừng chạy khắp mọi nơi nhưng không hiểu sao tôi & T chẳng bắn được con nào . Chúng tôi lùng sục từ farm này sang farm kia, có lúc tưởng đã bắn trúng mấy chú thỏ nhưng khi đến nơi thì mấy chú đã không cánh mà bay . Chúng tôi vẫn còn đang rất hăng, có lẽ vì chưa hạ được chú thỏ nào, nhưng trời mỗi lúc một tối chúng tôi lại chẳng mang đèn theo nên đành phải quay về .
Tối hôm đó chúng tôi nhậu món cà ri thỏ do chị Loan nấu . Ai cũng vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon . Món này ngon ở chỗ nó chẳng có tí mùi thịt rừng nào mà ngược lại còn có một mùi thơm thật hấp dẫn, chưa kể đến vị nêm nếm rất vừa miệng . Nhóm phụ nữ muốn học hỏi bí quyết nấu thịt rừng của chị Loan, chị bật mí cho biết ngoài cách nêm nếm ra, khi nấu thịt rừng (thịt rừng nào cũng vậy) nên dùng nước dừa tươi chẳng những tránh được mùi hôi (thịt rừng) mà còn cho thêm vị thơm ngon đặc biệt. Thế là các bà đã học được thêm một bí quyết cho kho tàng nấu ăn của mình, chỉ tiếc từ đó đến nay chưa ai có dịp thử qua (vì muốn thử thì cần phải có thịt rừng).
Hai ngày đi săn trôi qua thật nhanh, thật lòng mà nói tôi rất thích đi săn, tuy nhiên có lẽ vì ở Úc đã lâu chẳng mấy khi làm chuyện "sát sanh" nên khi nhìn những chú thỏ & kangaroo bị trúng đạn, tôi thật sự cảm thấy tội nghiệp . Nhưng sau đó nghe anh Long kể chuyện Hội Đồng Địa Phương (local Council) ở đây thỉnh thoảng phải bỏ tiền ra thuê người diệt bớt thỏ & kangaroo vì dân số của chúng tăng quá mức làm ảnh hưởng tai hại đến môi trường xung quanh, chưa kể đến việc mấy chú phá hoại nông sản của các chủ farm trong vùng. Nghe thế lương tâm tôi cũng cảm thấy đỡ áy náy. Dẫu sao cuộc đi săn này đã cho tôi cơ hội gặp lại anh chị Long & Loan, nó cũng cho tôi cơ hội để hồi tưởng lại một thời ấu thơ, hồi tưởng lại những hình ảnh quê hương một thời đã qua . Tôi chợt nhận ra, nỗi nhớ quê nhà tưởng chừng đã vơi theo thời gian nhưng không ngờ nó vẫn còn mãnh liệt, da diết đến như vậy ...
Melbourne 12-2008