Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Nhật và Việt sao khác nhau đến thế?

Nhật và Việt sao khác nhau đến thế?

Tác Giả: Mạc Việt Hồng    
Thứ Ba, 22 Tháng 3 Năm 2011 10:38

Nghịch lý của Việt Nam là đời sống kinh tế càng đi lên thì nền đạo đức xã hội lại càng đi xuống.
Đó là bi kịch của dân tộc.
Chẳng biết bi kịch đó còn làm ai băn khoăn nữa không?

         
Việt Nam khác Nhật là lẽ thường. Bởi, lịch sử, văn hóa, nền giáo dục của mỗi dân tộc một khác. Vấn đề ở đây là tại sao lại khác đến như vậy, trong khi cùng ở châu Á, cùng máu đỏ da vàng. Tại sao không chỉ khác nhau ở văn hóa ứng xử mà còn ở đạo đức xã hội?
   Trong những ngày qua, khi những trận động đất làm rung chuyển nước Nhật thì ở ngay nơi tâm chấn điêu tàn và đổ nát, nhiều câu chuyện đã làm rung động lòng người.
   Người ta truyền nhau bức thư gửi từ Nhật Bản của một người gốc Việt đang làm việc cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima khoảng 25 km. Anh đi trợ giúp người Nhật nhưng công việc chính là thu lượm và chôn cất những người xấu số.
   Trong bức thư này, Hà Minh Thành- tên người viết- kể về một đưa bé 9 tuổi, có lẽ đã mất cả cha lẫn mẹ lầm lũi đứng, trong gió rét, với bộ quần áo mong manh, giữa hàng người rồng rắn để chờ lấy khẩu phần ăn bé nhỏ. Cảm thương với em và sợ em khi đến lượt sẽ chẳng còn thức ăn, người đàn ông đã khoác lên tấm thân bé nhỏ của em chiếc áo và đưa em gói lương khô khẩu phần của mình. Thằng bé khom người cám ơn nhưng không ăn ngấu nghiến – như phản ứng bình thường của một đứa trẻ đang đói – mà lẳng lặng đem lên nộp lại cho người phân phát rồi quay lại đứng tiếp vào hàng.
   Hay chuyện không hề có cướp phá, hôi của ở Nhật. Chuyện dòng người dài, xếp hàng im lặng để lấy nước, lấy thức ăn, dầu thắp sáng… không hề chen lấn, xô đẩy, cãi cọ. Người khỏe tự giác chăm sóc, giúp đỡ người già yếu, có những người già được cõng trên lưng hàng km. Chuyện 30 đứa bé mồ côi ở một trường học vẫn lặng lẽ chờ cha mẹ tới đón mà mỗi tiếng kẹt cửa có thể làm lóe lên những hy vọng mong manh của chúng, chúng im lặng chịu đựng mà không hề than khóc dù có thể đã biết bố mẹ mình không bao giờ quay lại đón chúng nữa. Hay 50 kỹ sư và công nhân Nhật tình nguyện bám trụ ở nhà máy điện hạt nhân sau khi 4 tổ máy đã phát nổ và hàng trăm ngàn người cũng như hầu hết công nhân nhà máy phải sơ tán. Trong số người tình nguyện ở lại, có người chỉ còn 6 tháng nữa về hưu. Người công nhân sắp hưu trí ấy đã nhắn với lại vợ mình, “Em đừng buồn, nếu anh không về“. Những người tình nguyện ở lại đều biết rằng mình có thể hy sinh. Rồi hình ảnh những người gói hàng cứu trợ làm việc hết sức khẩn trương. Các đội tìm kiếm nạn nhân miệt mài không kể đêm ngày, hối hả, lo lắng như đang tìm chính thân nhân của mình. Còn nhiều lắm những câu chuyện cảm động…

        Vặt và cướp hoa trong lễ hội hoa Anh Đào

   
   Báo chí Việt Nam cũng đưa tin khá đầy đủ và có nhiều bài viết ca ngợi tinh thần Nhật bản, bày tỏ sự khâm phục người Nhật và không ít người đã ngậm ngùi so sánh với Việt Nam.
   Có người đặt câu hỏi, nếu Việt Nam động đất thì sao nhỉ? Ừ nhỉ, thì sao?
   Thì:
   - Động đất có khi chết 200 nhưng giẫm đạp lên nhau mà chạy, chết thêm nghìn nữa.
   - Các ban ngành sẽ họp bàn cách cứu hộ từ ngày này qua ngày kia.
   - Cướp giật hôi của sẽ phổ biến, hoa người ta còn cướp giật nói chi tới đồ ăn hay tiền bạc vào lúc hỗn quan hỗn quân như vậy. Người đi hôi của sẽ nhiều hơn người đi cứu trợ.
   - Nếu có phát khẩu phần ăn sẽ chẳng có hàng lối gì, bà già trẻ nhỏ sẽ bị chen cho bẹp ruột, ai thắc mắc hay nhìn đểu mấy kẻ chen lấn, thì “bố cho mày mấy chưởng”.
   - Sẽ xuất hiện đủ loại cò: Cò mua, cò bán, cò di tản, cò cứu trợ, cò bệnh viện… tha hồ chặt chém đồng bào.
   - Tiền và hàng cứu trợ sẽ vào tay dân thì ít, cửa quan thì nhiều.
   - Ai muốn người nhà mình đang kẹt trong đống đổ nát được đào bới, tìm kiếm trước thì hãy chi đẹp cho đội cứu hộ.
   - Khu nào có quan chức ở thì được ưu tiên cứu hộ trước, khu nào dân đen sinh sống thì cứu sau.
   - Cửa hàng sẽ thi nhau tăng giá, bắt chẹt những người khốn khổ.
   - Tổ chức nào, tôn giáo nào muốn cứu trợ thì phải được sự đồng ý của Mặt trận Tổ quốc và các cấp chính quyền kẻo các “thế lực thù địch” lợi dụng.
   .v.v.
   Bức tranh toàn cảnh động đất ở Việt Nam, nếu có, nó sẽ na ná như vậy. Nhiều người nhức lòng tự hỏi, sao dân Việt Nam lại tha hóa như thế, có khi cả thế kỷ nữa họ cũng không theo kịp nước Nhật về văn hóa ứng xử…
   Nhưng sao họ không đặt câu hỏi, quan chức Việt Nam ra sao, giáo dục của Việt Nam thế nào? Em bé 9 tuổi kia chắc chắn được dậy dỗ trong một nền giáo dục đầy nhân bản, nơi cha mẹ em không phải đi tết lễ, đút lót thầy cô để em được đối xử tốt hơn, được điểm cao hơn, không bị liếm ghế khi phạm lỗi; nơi thầy hiệu trưởng của em không mua dâm hàng chục học trò; nơi giáo viên không chửi học sinh như hát hay bằng những từ “thằng nọ”, “con kia”; nơi các anh chị lớp trên không đấm đá hội đồng, giật tóc, lột áo nhau trong những giờ ra chơi; nơi em đi học không phải qua những con đường đầy hổ tử thần bẫy người hay những cây cầu xây bằng xi măng cốt tre bởi những quan chức như Huỳnh Ngọc Sĩ.v.v.
   Người dân Việt Nam chắc chắn sẽ tốt hơn, nhường nhịn, trật tự và tương thân tương ái hơn nếu họ không sống trong một xã hội chụp giật, mua quan bán chức, tham nhũng từ trên xuống dưới; nơi kẻ có quyền hành tha hồ vơ vét cho đầy túi tham; nơi quan chức sở hữu hàng hecta đất, nhà nọ nhà kia, mỗi căn hàng triệu đô mà trẻ em phải đu dây đi học; nơi quan bố chưa nhấc đít khỏi ghế, quan con đã nhăm nhắm ngồi vào; nơi vào cửa đồn công an thì ra cửa nghĩa địa, công an đánh chết dân như đập ruồi; nơi mỗi mét rừng đầu nguồn bị đám quan tham đem bán bằng những món tiền ít hơn tiền mua mớ rau muống.v.v. Quan như thế, sao đòi hỏi dân phải mẫu mực, phải liêm khiết, không hôi của, không cướp giật?

              Giám đốc sở điện lực Tokyo khóc. Ảnh AP

       Người dân Nhật như vậy vì họ đượng hưởng nền giáo dục nghiêm khắc và trong sạch; vì họ có những quan chức biết đau nỗi đau của dân, biết khóc cùng dân như ông giám đốc sở Điện lực Tokyo dù sự cố xảy ra là do thiên tai, chứ không phải do lỗi ông; vì họ có những vị bộ trưởng như Ngoại trưởng Seiji Maehara, từ chức và xin lỗi dân vì đã nhận số tiền ủng hộ của một nữ doanh nhân nước ngoài trị giá (chỉ có) 610 đô la trong một hoạt động gây quỹ; vì họ có vị thủ tướng rớm rớm nước mắt từ xin từ chức vì không thực hiện được một trong các cam kết của mình… Ở Việt Nam có những quan chức mẫu mực như vậy không? Câu trả lời là một ngàn lần không! Thủ tướng Việt Nam vẫn tại vị sau hàng loạt các bê bối. Quan chức ta không ai chịu trách nhiệm khi thủy điện xả lũ chết dân, khi dân hàng ngày sập bẫy tử thần. Ông Lê Đức Thúy vẫn tại vị và lên Ti vi trả lời phỏng vấn về chính sách tiền tệ khi báo chí Úc đã không ít lần nhắc tên ông trong vụ nhận hối lộ 10 triệu đô la in tiền Polymer. Bác Nguyễn Trường Tô vẫn đủ can đảm ngày ngày xách cặp tới cơ quan làm việc khi cả nước biệt chuyện chủ tịch tỉnh cởi truồng…
   Thôi, đừng trách móc, đòi hỏi người dân nếu quan chức của ta như vậy! Đúng là nhà dột từ nóc dột xuống!
   Còn tại sao ư?
   Hồ Chí Minh khi sinh thời từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Dân tộc ta đã 81 “có” đảng. Như vậy, đại đa số dân chúng Việt Nam hiện nay là những người sinh ra và trưởng thành – như cách chúng ta thường nghe- “dưới ánh sáng của đảng”, “dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng”. Vậy họ là sản phẩm từ sự gieo trồng của đảng mà ra. Không lẽ nói rằng tại đế quốc hay thế lực thù nghịch ư? Không lẽ ‘thành tích’ đánh đuổi đế quốc, thực dân , giành độc lập dân tộc, tăng trưởng kinh tế… là do đảng lãnh đạo, còn suy đồi đạo đức là do thiên tai? Xưa rồi, bây giờ không phải thời kỳ nói lấy được mà người ta vẫn tin.
   Nghịch lý của Việt Nam là đời sống kinh tế càng đi lên thì nền đạo đức xã hội lại càng đi xuống.
   Đó là bi kịch của dân tộc.
   Chẳng biết bi kịch đó còn làm ai băn khoăn nữa không?

Bao La Tình Mẹ

Tác giả: Minh Triệu


Tác giả Đỗ Minh Triệu sinh năm 1968. Bị mắc chứng bệnh quái ác "Muscular Dystrophy" làm teo cơ bắp từ năm 10 tuổi.

Ba năm sau, 1991, cùng cha mẹ và 3 em gái qua Mỹ theo diện cựu tù chính trị, hiện cư ngụ tại thành phố Poway, San Diego, California.

Bài viết của Minh Triệu là một tự truyện chân thật và xúc động. Để có bài viết này, tác giả đã vất vả nhiều năm tháng, vì không thể ngồi lâu, và vì chỉ còn xử dụng được một ngón tay duy nhất để gõ phím và bấm mouse.

Ông cũng là nhạc sĩ nghiệp dư vinh danh tình mẹ bằng ca khúc "Ánh Sao Tình Mẹ" Bài hát được đưa lên Youtube gần ba năm qua, hiện đã có hơn 32,000 lượt người coi.

Mời thưởng thức bài "Ánh Sao Tình Mẹ" qua các giọng hát Mai Thiên Vân và Kim Tử Long.


http://www.youtube.com/watch?v=H4Ny-STr9X8&NR=1

http://www.youtube.com/watch?v=UQSo8hSdNA0

http://www.youtube.com/watch?v=jvFMYDeLVQo



Tác giả và mẹ Hoàng Minh Đức bên bờ Thái Bình Dương.


*

Tôi sinh năm 1968 nay đã 43 tuổi, thực sự “gìa đầu” rồi mà tôi vẫn còn được mẹ chăm sóc, thay quần áo, tắm rửa, gội đầu, bón cơm, thay tã lót cho như một em bé sơ sinh. Tôi chính thật là đứa con được mẹ thương yêu nhất trần gian. Nhiều đêm bệnh hành hạ không ngủ được, dõi mắt nhìn mẹ tóc bạc da mồi nằm giường bên, đang thiếp ngủ mệt, sau một ngày vất vả lo cho con.

Tôi thật đau lòng! Buồn lắm! Thương mẹ đến chảy nước mắt, tôi thì thầm khẽ gọi:

-Mẹ ơi, mẹ có biết con yêu mẹ vô ngần. Tình mẹ cho con bao la trời biển, cả cuộc đời mẹ đã đổ bao nhiêu nước mắt, xót thương đứa con kém may mắn nhất của mẹ. Mẹ ơi, con không thể nào sống được khi thiếu mẹ, vì mẹ là hơi thở, là mắt, là tay, là chân của con …

Đã bao lần tôi tự nghĩ và hiểu là nếu tôi chết đi, mẹ sẽ đau buồn lắm. Nhưng nỗi buồn của mẹ rồi sẽ nguôi ngoai theo thời gian. Chẳng hơn là hằng ngày mẹ phải nhìn thấy tôi sống tật nguyền đau đớn, với hình hài chẳng khác nào bộ xương cách trí, được che dấu dưới manh quần tấm áo và đôi bí tấ...

Như một bà Tiên có phép thuật, mẹ biết tôi đã nghĩ đến cái chết, nên bà thường hay nói với tôi rằng :

- Con là lẽ sống của mẹ, cả đời mẹ được chăm sóc con như một em bé mẹ rất hạnh phúc.

- Con cần can đảm sống để đối diện, thi gan, thử thách với bệnh tật.

- Chẳng phải y khoa đang theo dõi từng biến chuyển trên thân xác con, chẳng phải con đã mong ước chờ đến ngày khoa học tìm ra thuốc chữa căn bệnh “Muscular Dystrophy” quái ác này. Vậy thì ít nhiều khoa học cũng cần dựa trên thử nghiệm, và trên cả thời gian là bao lâu con can đảm sống chờ đợi và hy vọng. Con hãy nói với Chúa: “Here I am, Lord; I come to do your will .”

Tôi thương mẹ và vâng lời, nên Chúa đã phải nghe tôi yếu đuối tuyên xưng đức tin, mỗi khi tôi cần tự xoa dịu đau đớn, cần có sức chịu đựng nỗi thống khổ mà tôi không thể tự vất bỏ đi được. Ngay cả đến con ruồi, con muỗi bé tí tẹo chúng cũng có thể tự do hành hạ tôi, cho đến khi mẹ tôi ra tay cứu giúp, đuổi chúng đi.

Nói chính xác là tôi đã tồn tại trên thế gian này 43 năm, cũng là một phép lạ, một sự tỏ rõ quyền năng của đấng tạo hóa có quyền ban sự sống cho con người, và Ngài chưa muốn đem tôi ra khỏi thế gian này, tôi còn phải sống bằng cách này hay cách khác trong khổ đau. Tôi nghĩ bất cứ người nào nhìn thấy tôi, cũng đều rất ái ngại và thầm nghĩ : “phải sống như thế thà chết sướng hơn”.

Thử hỏi còn gì đau khổ bằng khi tôi vẫn còn có đôi mắt để nhìn, đôi tai để nghe, cái miệng để gọi mẹ suốt ngày và nhất là còn có cái đầu tỉnh táo biết thương nhớ, giận hờn, biết cảm nhận niềm vui, nỗi buồn, biết phân biệt phải trái, đúng hay sai, biết đói, biết khát, biết nóng, biết lạnh, biết đau đớn tê dại, biết nhờm gớm khi đã tiêu, tiểu ra tã v.v...

Nói tóm lại, khuôn mặt và bộ não của tôi trong 43 năm qua vẫn nguyên vẹn, bình thường, không bị ảnh hưởng bởi bệnh “Muscular Dystrophy”, một chứng bệnh làm teo dần các cơ bắp, mà tôi đã mắc phải từ năm lên chín hay lên mười tuổi.

Cha tôi là Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mẹ tôi là Công Chức. Ngày 30-4-1975 Cộng sản miền Bắc cưỡng chiếm được miền Nam Việt Nam, thì đến ngày 29-5-1975 cha tôi phải đi trình diện “Học Tập Cải Tạo”, lúc đó mẹ tôi mới sinh em bé thứ tư được một tháng và tôi là đứa con lớn nhất mới được 7 tuổi. Lệnh bắt cha đi “học tập” nghe nói Thiếu Tá học một tháng thì về. Nhưng mà thời gian cha tôi phải “học” trong các trại tù cải tạo lâu lắm, lâu gấp 120 lần thời gian VC gian dối nói là cha tôi đi học chỉ có một tháng, trong khi cha đã học hết 5 năm ngoài Bắc, còn phải học thêm 5 năm trong Nam nữa, mới được tha về gặp lại mẹ và 4 anh em chúng tôi năm 1985.

Ngày cha đi tù cải tạo, tôi vẫn còn mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn theo tuổi đời và phát triển bình thường như bao trẻ khác. Vậy mà hai, ba năm sau, chẳng biết tôi mắc phải chứng bệnh gì, cơ thể sinh ra yếu đuối, tay chân rệu rã, đi đứng không được vững vàng. Chỉ cần một sự va chạm nhẹ vào người tôi của ai đó, tôi cũng ngã lăn ra và khó khăn lắm mới đứng dậy được. Còn va chạm mạnh thì u trán, vỡ đầu. Vì thế trong thời gian còn đi học, thầy hoặc cô giáo đã phải đem tôi đến trạm xá hay nhà thương khâu vài mũi hay nhiều hơn, cho nên trên đầu tôi mới có nhiều vết sẹo lớn, nhỏ.

Khi tôi bắt đầu phát bệnh khoảng chừng vào năm 1978 hay 1979 gì đó, thời gian này người ta đồn ầm lên là trong Chợ Lớn có một ông Thầy rất tài giỏi, chữa bệnh theo cách văn minh tân tiến, không cần dùng thuốc mà dùng “xung điện” để chữa trị. Lúc đó tôi nào biết “xung điện” là gì. Chỉ biết là người thầy “tài giỏi” này dùng hai tay đặt lên đầu, lên vai bệnh nhân để chuyền “điện” của ông (gọi là nhân điện) chạy qua cơ thể người bệnh, gặp “điện” của bệnh nhân. Hai luồng “điện” này gặp nhau, thì xảy ra “xung điện” diệt trừ căn bệnh. Cách điều trị giản dị chỉ có thế thôi. Bất kể là bệnh gì.

Thầy chữa bệnh làm phước, không lấy tiền (nhưng thầy vui vẻ nhận quà cáp bệnh nhân đem đến), vì vậy số bệnh nhân đến xin được Thầy chữa bệnh mỗi ngày rất đông. Nhà tôi ở xa, mẹ con tôi phải ra khỏi nhà từ 4 giờ sáng, đến địa điểm xếp hàng lấy số thứ tự cùng một đám đông người. Chờ tới khoảng 8 giờ thì Thầy đến cùng với người phụ tá. Người phụ tá gọi từng đợt 10 người theo số bắt đầu từ 1 đến 10, bệnh nhân trong số được gọi, mau mắn vào trong ngồi xếp thành vòng tròn, để Thầy đi chung quanh đặt tay lên đầu, lên vai truyền “điện” cho nhanh chóng .

Sáng nào cũng vậy, mẹ tôi cứ phải dùng khăn ướt lau mặt cho tôi: đứa bé 10 tuổi còn đang say ngủ, có như vậy tôi mới chịu tỉnh ngủ mở mắt ra, và mẹ mới lôi được tôi đến bên chiếc xe đạp xe đạp mini cũ kỹ, xốc tôi ngồi lên, bắt vòng tay ôm lưng mẹ cho chặt, để mẹ chở vào Chợ Lớn nhờ thầy truyền “điện”, tạo “xung điện” giúp cho cơ thể tôi cứng cáp, mạnh khỏe trở lại. Ngày nào mẹ tôi làm việc vất vả quá mệt, ngủ quên đến 6, 7 giờ sáng mới thức dậy, thì phải đi vội vã lắm. Và hôm ấy, nhanh nhất cũng phải đến 2, 3 giờ chiều, mẹ con tôi mới về đến nhà, rất mệt mỏi và đói khát. Tôi không thích thú và tin tưởng vào sức mạnh “nhân điện” của thầy, nhưng tôi vẫn ngoan ngoãn theo mẹ mỗi ngày đi chữa bệnh cho mẹ vui lòng, nhất là bà Nội tôi lại luôn nói :“có bệnh phải chịu khó chạy đi vái tứ phương cháu ạ”.



Mẹ thời tuổi trẻ.


Dù có phải “vái bệnh” vất vả tứ phương mẹ tôi cũng không ngại, nhưng sau mấy tháng nghỉ hè kiên trì theo Thầy, mà bệnh tình của tôi cũng không thấy có được một chút kết quả nào, mẹ con tôi đành bỏ cuộc, khi năm học mới đã bắt đầu. Thời gian này, mẹ tôi chở tôi đến cổng trường bằng chiếc xe mini cọc cạch, từ cổng trường tôi có thể tự đi vào lớp. Nhưng rồi sau đó, đã có vài lần tôi tuột khỏi xe, ngã xuống đường rất nguy hiểm, nên mẹ không dám chở tôi đi học bằng xe đạp nữa, bà phải cõng tôi đến trường, đưa tôi vào tận chỗ ngồi trong lớp học. Đến giờ tan học, mẹ lại bỏ công bỏ việc chạy vội đến lớp cõng tôi về, bất kể ngày nắng, ngày mưa. Muốn tôi đi học, mẹ phải cõng thôi, vì hai chân tôi bây giờ chỉ còn khả năng đi được khoảng vài mươi bước, có người đi kèm cặp bên cạnh.

Đi học mà hành mẹ tôi như thế tôi thấy ái ngại và xấu hổ lắm, nên đã nhiều lần tôi xin mẹ cho tôi nghỉ học, nhưng mẹ tôi cương quyết không cho, mẹ nói: bệnh tật như con càng phải học nhiều hơn. Con và mẹ chúng ta cùng cố gắng: mẹ cố gắng lo cho các con có cơm ăn áo mặc, các con cố gắng học chăm học giỏi, hãy nghĩ đến cha đang bị tù đày. Và mãi đến khi tôi tốt nghiệp cấp 2, phải thi vào cấp 3 không đậu, một phần vì bệnh tật, một phần vì cái “tội” con Thiếu Tá “ngụy”. Đến lúc này mẹ tôi mới đành chịu bó tay và buồn lắm, khi tôi không được tiếp tục việc học nữa.

Không đi học ở nhà quanh quẩn với bà Nội, bệnh tôi cứ vậy tăng thêm theo ngày tháng. Đến năm 1988 hai chân tôi không còn có thể đứng thẳng mà lê bước, ngay cả khi tôi dùng hai tay vịn, men theo điểm tựa mà nhấc chân đi cũng không được nữa. Muốn di chuyển quanh nhà, tôi phải ngồi xe lăn hoặc ngồi bệt xuống đất, dùng mông và hai tay chống mà lết đi, khi tôi tròn tuổi hai mươi, rất thèm đi đứng chạy nhảy với chúng bạn.

Năm 1991, gia đình tôi được qua Mỹ định cư theo diện H.O # 8. Ngay sau khi được cấp thẻ Medi-Cal, mẹ tôi đã sốt sắng đưa tôi đi chữa bệnh. Gặp bác sĩ gia đình giới thiệu tôi đến bác sĩ chuyên khoa, rồi ông chuyên khoa giới thiệu đến cả bệnh viện này, nọ. Cuối cùng tôi được chuyển đến Bệnh Viện của trường University of California of San Diego (UCSD) để khám toàn khoa, và làm tất cả những xét nghiệm cần thiết, kể cả thử DNA (Deoxyribonuleic Acid). Kết quả cho biết là tôi bị bệnh “Muscular Dystrophy - Backer”, một chứng bệnh làm teo dần bắp thịt (chỉ xảy ra cho nam giới). Bệnh này được tìm ra bởi vị bác sĩ tên Becker (M.D Becker).

Khi định được bệnh rồi, bác sĩ cho biết căn bệnh quái ác này vẫn chưa có thuốc ngăn ngừa và chữa trị, mặc dù cả thế giới, đặc biệt là nước Mỹ đã và đang nỗ lực nghiên cứu. Trong tuyệt vọng, tôi thầm cầu nguyện và rất hy vọng một ngày nào đó, các nhà khoa học sẽ tìm ra thuốc chữa trị và thuốc ngăn ngừa, để thế giới loài người không còn có ai bị mắc bệnh “Muscular Dystrophy” nữa.

Cha tôi vận rủi ngã ngựa, bị VC bắt nhốt tù 10 năm, cho tôi vận may đến được nước Mỹ, một xứ sở văn minh, giàu có và nhân ái nhất thế giới. Nên dù bệnh tật của tôi nan y không thể chữa trị, tôi cũng được an ủi phần nào, vì không phải lo lắng, chẳng biết làm gì để kiếm được miếng ăn, không phải lo sống đời tủi nhục như ở Việt Nam. Bởi vì chính phủ Mỹ có chương trình giúp đỡ những người bệnh tật, không còn khả năng lao động như tôi được chăm sóc sức khỏe, được ăn no, mặc ấm, được hưởng tiền bệnh tật, gọi là tiền SSI (Supplemental Security Income).

Tôi không có khả năng lao động nữa, nhưng mẹ tôi quả quyết: tôi vẫn có khả năng đi học để mở mang kiến thức, tránh thì giờ buồn chán, và để có thể học cho mình một ngành nghề, chỉ cần xử dụng khối óc và hai tay (khẳng khiu yếu đuối) học về văn thơ, hay học về computer chẳng hạn, còn hai chân thì cứ kệ cho nó lười biếng đặt trên xe lăn…

Nghe mẹ nói vậy, tôi cốù tảng lờ đi. Nhưng mẹ tôi không bỏ cuộc, bà cứ theo khuyến khích, thuyết phục tôi mãi bà nói:

-Học vấn rất cần thiết cho con. Tri thức đưa con đến với thế giới bao la, cho con đời sống vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn. Con thử nghĩ xem, tại sao mẹ đã luống tuổi rồi mà còn đi học, với mơ ước sẽ tốt nghiệp “Medical Assisstant” để biết lối mà chăm sóc cho con một cách khoa học, và mẹ còn mơ ước xa hơn nữa, là được tình nguyện săn sóc những bệnh nhân hoạn nạn, tàn tật ở những nước nghèo đói, khi mẹ có điều kiện và hoàn cảnh cho phép.

Tấm gương hiếu học của mẹ đã nâng đỡ, khuyến khích tôi, nhưng chủ đích cũng vẫn là để làm vui lòng mẹ, nên tôi đã theo mẹ đến trường Mesa College làm thủ tục nộp đơn xin nhập học. Việc đơn từ ở trường, mẹ tôi rành lắm vì bà đã theo học ở Mesa College từ năm trước rồi, tôi không phải lo lắng gì cả đã có mẹ giúp đỡ.

Những năm tháng hai mẹ con tôi theo học ở trường Mesa College tràn đầy thử thách, nhiều lúc tưởng đâu đã phải bỏ cuộc, không kham nổi những vất vả khó khăn, trần ai lắm khi đi học.

Trong diện dân nghèo “low income”, mấy mẹ con chúng tôi chỉ thuê được căn hộ trên lầu của một Apartment. Nên mỗi ngày đi học, mẹ tôi phải thức dậy từ rất sớm, dọn dẹp nhà cửa, lo điểm tâm cho cả nhà, lo nhắc nhở các em gái tôi đừng để lỡ chuyến xe Bus, phải đi học cho đúng giờ ,v.v…

Khi các em gái tôi đã ra khỏi nhà đi học, lúc đó bà mới đem cặp sách của tôi và mẹ xuống dưới lầu, cất bỏ vào trong xe trước, rồi đi trở lại nhà trên lầu, bồng tôi trên hai tay đi ra cửa và đưa chân đá cho cánh cửa đóng khóa lại, rồi khệ nệ bồng tôi xuống thang lầu, đặt tôi vào xe, kéo dây an toàn gài móc vào cẩn thận cho tôi, rồi bà mới ngồi vào ghế tài xế.

Từ nhà tôi, mẹ lái xe chạy khoảng 20 phút thì đến trường. Đậu xe vào parking của trường xong xuôi, bà ra sau xe mở “cốp” xe lên, lôi chiếc xe lăn ra ráp lại cho ngay ngắn, vững chắc, rồi mới mở cửa xe, nghiêng người vào bồng tôi ra, đặt ngồi trên xe lăn và đẩy tôi đến lớp học của tôi, tìm chỗ để xe của tôi vào đâu cho thuận tiện nhất, rồi mẹ mới đi đến lớp của bà.

Trong lớp học, vì hai tay tôi yếu, rất khó khăn “take note”, nên nhà trường trả tiền “work study” cho một sinh viên, giúp tôi ghi chép vào “note book” những lời thầy giảng dậy hay dặn dò làm “home work” ở trang nào, sách nào, và hết buổi học thì đẩy tôi đến lớp kế tiếp hay lên phòng Lab …

Khi tan học, mẹ lại vội vôi vàng vàng chạy đến đón tôi ở phòng Lab hay ở lớp học cuối cùng nào đó. Lại đẩy xe lăn tôi ra Parking, bồng tôi vào xe, cài dây an toàn, đem cất xe lăn vào “cốp” xe và lái về nhà. Về đến nhà, tôi vẫn ngồi trên xe, chờ mẹ tôi đem cặp sách của hai mẹ con lên nhà trước, sau đó mẹ mở sẵn cửa phòng, rồi mới trở xuống xe, ì ạch bồng tôi bước 18 bậc thang lên tầng lầu. Vào trong nhà, đặt tôi lên giường xong, mẹ thường phải thay tã cho tôi ngay. Sau đó hỏi tôi có muốn ăn hay uống gì không để mẹ lấy.

Lo cho tôi tạm xong, mẹ bắt đầu làm việc nhà, làm đủ thứ việc không tên, rồi lại đi học thêm một, hai lớp nữa, còn tôi ở nhà lo làm “home work” và chờ mẹ về lo bữa ăn tối cho cho cả nhà.

Mùa Đông nước Mỹ có nhiều ngày mưa phùn gío rét, tôi muốn nghỉ học ở nhà lắm, nhưng mẹ tôi vẫn cương quyết không bỏ lớp nào, nhất định chịu ướt, chịu lạnh bồng bế tôi lên, xuống thang lầu và đi học rất đúng giờ. Nhằm mùa học không có lớp ban ngày, trùng giờ cho cả hai mẹ con, chúng tôi phải chọn lớp đêm để học. Mùa Đông trời mau tối và ban đêm rất lạnh, có khi mẹ bồng tôi đặt được vào xe rồi, là cả hai mẹ con ngồi run cầm cập, thế mà xe lại phải mở máy lạnh cho kiếng trong xe hết mờ, sáng trong trở lại mới thấy đường mà lái xe về nhà, những lúc ấy mẹ luôn xuýt xoa nói:

-Tội nghiệp con quá, con ráng chịu lạnh một tí mẹ mở lại heat là ấm ngay nhé !

Đâu phải một mình tôi lạnh, mẹ cũng lạnh vậy, nhưng mẹ không lo cho mẹ mà chỉ nghĩ đến con. Mẹ con tôi chịu đựng vất vả như thế trên con đường trau giồi kiến thức. Và mẹ đã tốt nghiệp “Medical Assisstant” hồi tháng 5 năm 1997. Tôi rất hãnh diện về mẹ.



Tác giả, ngày ra trường trên xe lăn.

Và tôi cũng tự hãnh diện về mình, khi được nhận mảnh bằng AS “Associate of Art” ngành “Computer Information Science” vào tháng 6 năm 2000. Mảnh bằng này rất khiêm tốn, nhỏ bé, nhưng tôi có được nhờ vào tất cả công lao khó nhọc của mẹ. Mẹ đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt cho con niềm tin, niềm tự hào còn có mẹ nâng đỡ ủi an. Ngoài mảnh bằng tôi có được sau 6 năm, (trong khi người bình thường chỉ cần 2 năm) tôi còn học được thêm bài học “vượt gian khó” quý gía, và biết ý thức cần phải học vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Cầm được mảnh bằng AA nhỏ bé trong tay, tôi tự tin và mơ ước đến ngày sẽ cầm được mảnh bằng lớn hơn là BA hoặc BS (4 năm Đại Học) thì căn bệnh “ Muscula Dystrophy” trầm trọng hơn, theo thời gian đã làm teo hết các cơ bắp vùng ngực và lưng, ép phổi tôi teo lại, khiến tôi ngộp và khó thở, nguy hiểm đến tính mạng.

Tôi được đưa ngay vào bệnh viện “SHARP”, bác sĩ trách nhiệm đã khuyên tôi phải chọn một trong hai giải pháp:

1. Không cần sự can thiệp của khoa học, chấp nhận sự rủi ro sẽ đến. Có nghĩa là tôi sẽ chết ngộp bất cứ lúc nào.

2. Phải phẫu thuật, mở một lỗ nơi cổ, đặt ống gắn máy trợ giúp cho sự hô hấp. Như vậy mối nguy hiểm sẽ bớt đe dọa tính mạng và sự sống của tôi sẽ được dài thêm.

Thương mẹ, tôi đã chấp nhận giải pháp thứ hai.

Trước khi mổ, mẹ và tôi đã phải ký giấy chấp nhận mọi tình huống có thể xảy đến với tôi, kể cả tôi sẽ “ngủ” luôn trong ca mổ, không bao giờ thức dậy nữa. Mười giờ sáng ngày ấn định mổ, mẹ đẩy xe lăn đưa tôi đến nhập viện. Mẹ đã cầm hai bàn tay khẳng khiu của tôi, ôm hôn trán tôi trước khi hai bà y tá đẩy tôi vào phòng mổ, còn mẹ được hướng dẫn xuống lầu, đến phòng chờ đợi chờ kết quả ca mổ kết thúc (tốt đẹp hay xấu). Tại phòng chờ đợi, vì lo cho tính mạng của con, mẹ đứng ngồi không yên, đi ra đi vào bồn chồn đếm thời gian từng phút chậm chạm trôi qua như người ngớ ngẩn.

Trong năm tiếng đồng hồ chờ đợi, mẹ tôi không ăn uống gì cả, bà chỉ biết cầu nguyện rồi phó thác và xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Rồi cũng tới lúc nghe cô y tá dùng máy phóng thanh gọi mẹ tôi lên lầu. Lên lầu vừa trông thấy tôi, nét mặt mẹ liền rạng rỡ, vì mẹ biết là tôi vẫn còn sống, còn ở lại trần gian với bà, mẹ chưa vĩnh viễn mất con đứa con bất hạnh.

Mắt mẹ rưng rưng lệ nhìn vào cổ tôi, sau khi giảu phẩu đã được đặt vào một ống plastic tròn, to bằng 3 ngón tay chụm lại, trong khi tay mẹ vuốt tóc tôi như chia xẻ, như muốn gánh vác bớt cho tôi những đau đớn mà tôi đang chịu. Hiểu lòng mẹ bao la, tôi cố nén mọi đau đớn, ráng gượng nở nụ cười với mẹ cho mẹ an lòng. Nhưng nụ cười đầu tiên của con dành cho mẹ, sau khi hồi sinh vẫn còn ảnh hưởng thuốc mê, nên không trọn vẹn, không đủ xóa hết những lo âu, sợ hãi của mẹ. Tuy vậy, bao nhiêu mệt mỏi của mẹ như đã tan biến, khi cuộc đời mẹ tưởng đã cạn kiệt hy vọng, lại đong đầy niềm vui và ý nghĩa cuộc sống, khi núm ruột của mẹ vẫn còn đây. Mẹ lại được tiếp tục yêu thương, ấp ủ con trong vòng tay ấm áp, ngọt ngào tình mẫu tử. Tôi không thể ôm mẹ được, tủi thân nên nước mắt tôi trào ra, không kìm chế được nữa, dù tôi đã tự hứa không bao giờ để mẹ thấy con khóc mà đau lòng. Mẹ ơi, thế là cuộc đời con từ đây phải sống nhờ vào máy móc, và mẹ phải thêm công việc chăm sóc sệ sinh, thay ống, rửa những linh kiện nối từ máy thở vào ống thở đặt nơi cổ họng chuyền qua vòm họng, thay thế cho buồng phổi của con, giúp con duy trì sự sống.

Phần tôi, rất đau đớn vì một vật lạ, luôn nằm nơi cổ họng, nối vào khí quản. Mỗi cử động dù nhỏ đều làm tôi đau đớn khôn cùng và luôn phải nhờ mẹ giúp đỡ. Thân xác tôi như nằm trên bàn chông chịu cực hình. Tôi quá tuyệt vọng vì nỗi đau thể xác, nên tinh thần bấn loạn. Lần này, tôi thực sự không muốn sống nữa, tôi muốn từ gĩa cõi đời, muốn được giải thoát khỏi cực hình. Dù sao tôi cũng đã có 34 năm sống trong vòng tay êm đềm của mẹ, thế là đã quá đủ rồi xin hãy cho tôi trở về với cát bụi. Tôi bày tỏ cùng mẹ ý định này của tôi.

Nghe vậy, bà vội vàng ôm chầm lấy tôi, nức nở, nghẹn ngào qua làn nước mắt:

-Con bỏ mẹ đi, mẹ biết sống cùng ai, sống cho ai nữa đây! Con đi rồi còn ai để mẹ nâng giấc ủi an! Ai sẽ cho mẹ những giây phút dịu dàng hạnh phúc và hy vọng dù rất hiếm hoi, để cùng nhau đi hết đoạn đường đời cay nghiệt! Triệu ơi! mất con rồi đời mẹ thành vô nghĩa. Lạc lối về mẹ mất cả ánh sao đêm trông mong hy vọng. Con đừng bỏ mẹ bơ vơ trơ trọi giữa đường đời, vốn đã nghiệt ngã với mẹ con ta. Triệu ơi, hãy vì mẹ con can đảm lên mà sống! Mẹ ẵm bồng con, con an ủi mẹ chúng ta đỡ nâng nhau. Con ơi, đừng bỏ mẹ …

Lời mẹ than vãn làm tim tôi đau nhói, thắt ngặt lại và tôi cũng nức nở như chưa bao giờ được khóc trong đời. Tôi phải sống! Cho dù tôi tàn tật; cho dù tôi đau yếu mang bệnh nan y, nhưng sự hiện hữu của tôi mới làm cho nụ cười còn đọng mãi trên đôi môi mẹ.



Mẹ ở bên con ngày ra trường.


Sự sống là cao quí. Cuộc đời dù là bất hạnh, cùng khổ đến đâu cũng đều có ý nghĩa sống, sống vị tha và rất cần đức hy sinh cùng lòng hiếu thảo. Mẹ ơi! Hai hàng lệ của mẹ hoà với nước mắt con, tự làm thành tờ giao ước của hai mẹ con ta, phải đồng lòng gắn bó đời nhau cho đến “khi Chúa thương gọi về”. Thân xác dù tàn tật cũng không được tự ý hủy bỏ.

Tôi phải sống vì mẹ như mẹ đã từng sống vì tôi! Tôi hiểu lòng mẹ tan nát mỗi lúc nhìn tôi và lòng tôi cũng nát tan khi thấy mẹ nước mắt mãi lưng tròng!

Có phải tại vì mẹ đẹp người, đẹp nết nên phải chịu cảnh hồng nhan là đa truân?

Có thật định mệnh đố kỵ muốn làm chết đuối "người trên cạn mà chơi"?

Ôi, định mệnh! Định mệnh sao quá trớ trêu! Định mệnh đã dành riêng cho mẹ những bất hạnh truân chuyên. Từ tuổi 30, mẹ đã phải một thân một mình nuôi dạy bốn đứa con thơ dại, vất vả nhất là chăm sóc đứa con tật nguyền, chăm sóc bà nội nay ốm mai đau, thay cha báo hiếu, lo mộ phần an nghỉ cho bà nội, lo kiếm thêm tiền thăm nuôi, tiếp tế lương thực, thuốc men cho cha trong suốt 10 năm tù cải tạo từ Bắc vào Nam. Mẹ quá vất vả, tảo tần, dãi nắng dầm mưa, bất chấp mọi gian nan, khốn khó, hiểm nguy luôn đe dọa đến tính mạng, vì mẹ phải buôn chui, bán chợ đen, chợ đỏ dưới mắt cú vọ của công an nhân dân, mẹ mới đem lại sự ấm no cho gia đình 6 người, trong hoàn cảnh cả nước ăn bo bo, mì sợi, ngô, khoai thay cơm gạo, sau ngày miền Nam được “giải phóng”, cha được “đi học” mút mùa.

Ôi! Mẹ hiền của tôi, một người mẹ vất cả đời mà không hề than vãn, mẹ âm thầm tận tụy, cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho gia đình. Qua mẹ, tôi nhớ đến câu danh ngôn: "Thượng đế không thể ở khắp mọi nơi, nên Ngài phải sinh ra những người mẹ". Và tôi liên tưởng đến Đức Mẹ Maria đã phải chứng kiến những nhục hình tra tấn của quân dữ trước giờ Jesus, con một của Người bị đóng đinh trên thập giá. Còn mẹ tôi, cũng khổ đau không kém gì Mẹ Maria vì mẹ suốt đời phải xót xa nhìn đứa con trai đầu lòng duy nhất của mình, hằng ngày phải chịu khổ hình trong bệnh tật.

Thật không giấy bút nào tả xiết và tôi cũng không đủ khả năng để nói lên được lòng can đảm và sự chịu thương chịu khó, sự kiên trì cùng trái tim đầy ắp yêu thương, nhân hậu của mẹ tôi. Tôi chỉ biết yêu mẹ bằng luỹ thừa tình yêu mẹ mỗi ngày và sống, dù là sống nhờ mẹ và máy móc dây nhợ quanh người.

Có lần tôi những tưởng đã mất mẹ vĩnh viễn, khi bà bị một tai nạn xe hơi rất nặng giữa xa lộ 163, bà bị gãy chân và bể đầu bất tỉnh. Tưởng mẹ tôi đã chết trong xe, người gây ra thảm trạng cho mẹ tôi đã bỏ chạy trốn mất. Ấy thế mà, sau bảy tiếng đồng hồ phẩu thuật, vừa hồi tỉnh, điều mẹ tôi quan tâm đầu tiên là hỏi:

-Triệu đâu? Con tôi vẫn bình yên chứ?

Sau tai nạn đó mẹ tôi lại mang thêm trong chân những chiếc đinh vít inox, mà những lúc trái gió trở trời thường làm mẹ tôi nhức nhối khổ sở lắm. Những lúc ấy, tôi thương mẹ biết chừng nào.

Mẹ Hoàng Minh Đức ơi, chúng con yêu thương và kính trọng mẹ vô ngần, vì trong bất cứ hoàn cảnh nào, mẹ cũng luôn dậy bảo, nhắc nhở anh em chúng con phải biết vâng lời, sống ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, luôn thật thà, khiêm cung, không hiềm tỵ ganh ghét bất cứ ai. Nhờ có mẹ răn dậy cẩn thận như thế nên anh em chúng con, chưa hề biết gian dối hay ganh ghét ai bao giờ.

Mẹ chính thật có trái tim vĩ đại dành của chúng con (và cha nữa). Nhưng cha đã từ chối nhận, đã rũ bỏ mẹ và 4 anh em chúng con ngay sau khi đến được nước Mỹ, trong khi mẹ luôn nghĩ sẽ cùng cha sống đến gìa, yêu đến gìa ...

Thử hỏi có người nào không âu sầu, khi biết đứa con trai duy nhất, bị mắc căn bệnh nan y, không thể nối dõi tông đường. Mẹ cũng vậy, mẹ rất đau buồn và còn phải nhận thêm cay đắng khi “thuyền tình đã neo bến mới”. Dù đau buồn cay đắng, mẹ vẫn không hề biểu lộ sự giận dữ vì lòng mẹ rất nhân hậu, bao dung. Mẹ đã nói:

-Cha khổ nhiều vì CS rồi, đừng ép buộc cha thêm khổ sinh ra uất ức, la hét, chưởi rủa khi phải ở lại với chúng ta. Hãy để cha quyết định theo cách tốt nhất mà cha chọn. Nếu từ bỏ mẹ con mình mà cha hạnh phúc, thì hãy chấp nhận.

Tôi biết, mẹ nói vậy là để trấn an anh em chúng tôi và để che dấu cõi lòng tan nát, an phận chấp nhận quyết định của cha. Cách đây không lâu, mẹ nhờ cô bạn mở cho một địa chỉ e-mail, khi được hỏi mẹ chọn “password” là những chữ gì, mẹ đã nói ngay câu “đả đảo ông chồng” rồi mẹ và cô bạn cùng cười vang. Tôi cũng chua xót cười theo và thương mẹ hiền lành chỉ biết hô “đả đảo” khi cha tuyệt tình!

Cha ơi, hai mươi năm đã trôi qua, cha sống có hạnh phúc không, cha có toại nguyện với các em trai khôi ngô, khỏe mạnh “nối dõi tông đường”, cha có cõng các em trên lưng cha, như mẹ đã cõng con nhiều năm tháng trên lưng mẹ. Lưng mẹ êm đềm và ấm áp lắm, không biết lưng cha thế nào, con chưa một lần được cha cõng trên lưng, được vòng tay ôm cổ cha âu yếm, đấy là điều con mãi nuối tiếc. Và bây giờ thì con không còn có thể vòng tay ôm cổ cha được nữa, nếu như cha có về và muốn cõng con, khi hai cánh tay con thịt đã teo biến hết, chỉ còn da bọc lấy xương, lõng thõng và vướng víu khi mẹ tắm rửa, thay quần áo cho con. Khi con xử dụng computer, mẹ phải nhấc cánh tay khẳng khiu của con đặt lên bàn, cầm mấy ngón tay con đặt trên con chuột (mouse) kéo từng ngón vào vị trí chính xác thuận tiện nhất, để con có thể bấm xử dụng được dễ dàng. Tuy vậy, chốc chốc con lại gọi mẹ ơi, mẹ hỡi để mẹ chạy đến giúp, vì đẩy tới đẩy lui, con “mouse” đã chuồi ra khỏi tay con rồi, mà con không thể tự nắm bắt nó lại được.

Cha ơi, con chợt nhớ đến cha mà viết những dòng chữ này, nếu cha có tình cờ đọc được, xin hiểu lòng con, đứa con trai tàn tật thân xác từ thuở ấu thơ, luôn khao khát tình cha. Bởi vì tình mẹ dù có bao la, cũng không thể phủ trùm thay thế tình cha cho con. Con đã có “Ánh Sao Tình Mẹ”, con cũng muốn có những nốt nhạc cho tình phụ tử, là thật lòng con đấy!

Và hơn tất cả con luôn cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, đã ban cho con đủ sức chịu đựng và "xin vâng" đón nhận mọi khổ đau và cho con còn sống đến hôm nay.

Con xin tri ân nước Mỹ. Vinh danh mẹ. Tạ ơn cha. Cám ơn các em gái Trinh - Trâm - Bình và các cháu đã chăm ngoan, học giỏi thay anh, thay bác Triệu bù đắp, đóng góp tài sức cho gia đình, cho xã hội. Cám ơn các em rể thủy chung, mạnh mẽ, thẳng ngay như tùng như bách làm cột trụ vững chắc cho gia đình được tràn đầy hạnh phúc, luôn vang tiếng cười.

Con cũng nguyện xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho tất cả mọi người đã đối đãi tử tế với gia đình con, cách riêng là an ủi, giúp đỡ mẹ và con trong hoạn nạn. Đặc biệt cám ơn anh chị Cao Ngô An đã không quản ngại vất vả làm tài xế đưa mẹ đi chợ, giúp mẹ nấu nướng, đưa em đi khám bệnh, đi những nơi cần thiết, từ khi mẹ bị tai nạn xe hơi trên xa lộ, không lái xe được nữa. Em ơn anh nhiều lắm.

San Diego 3/3/11.

MINH TRIỆU

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Tôi Hét Lên!

Tôi Hét Lên!                            Tác giả: Nguyễn Trung Tiện
 
Tác giả là một Linh mục dòng truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago, đang ở Alice Springs, Northern Territory, lo cho thổ dân vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu.  Với nhiều bài viết giá trị, ông là tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười, 2010.  Sau đây là bài viết mới của tác giả.

***
Tôi mệt nhọc với cuộc đời,
Tôi khò khè với cuộc sống!
Tôi làm hãng cam, làm anh cai.
Tôi đếm tiền.
Tôi, vợ đẹp.
Tôi, con khôn.
Tôi ung thư.
Tôi hét lên!
. . .

Hai mươi năm rồi, ngày nào tôi cũng mệt thở không ra hơi, đầu nhức căng căng, tim đập hồi hộp, thần mắt khờ khạo; bởi sáng nào cũng vậy, tôi dậy thật sớm, hốt hoảng như người bị ma đuổi, tôi phóng thật lẹ vào sâu trong phòng tắm.  Nước ấm dội xuống cuống cuồng, tôi sấy tóc hối hả, tôi chải tóc vội vàng, tôi mặc quần áo thật lẹ, tôi ba chân bốn cẳng phóng ra xe, đề máy, tôi biến mất vào dòng đời xe cộ ngược xuôi.

Tách rời dòng xe đen nghìn nghịt như những con bọ hung đông lạnh không nhúc nhích trên xa lộ chằng chịt dọc ngang, tôi kiếm đường tắt, hốt hoảng bẻ trái, lừa lừa quẹo phải, tôi bực bội bấm còi, tôi phóng vội vàng vào hãng cam.

Ngồi nhặt những trái cam tươi, tôi xếp vào thùng đều đặn như người máy.  Ngồi đếm những quả cam bóng lực lưỡng da căng tròn, tôi xếp vào thùng gỗ, đường rầy dây chuyền lăn đều đẩy tới những vòng quay.  Nơi cuối đường, thùng gỗ đầy cam chầm chậm lăn vào lòng xe vận tải.  Đầy những thùng cam, xe vận tải đề máy quay tròn mười sáu bánh xe lăn tới những nẻo đường xa lộ.  Xe vận tải khác trống hoắc lầm lì lăn bánh tới, nóng nẩy chờ đợi những thùng gỗ cam tươi chất đầy lòng xe…

Hai mươi năm của cuộc đời vừa qua, tôi ngồi nhặt cam, xếp cam, lương khá.  Thoạt tiên là mười lăm đồng.  Năm năm sau lương tăng lên.  Năm thứ bẩy, tôi hóa thành anh cai, nhận được lương phụ trội làm xếp.  Được làm anh cai, tôi tới hãng sớm hơn, ở lại cũng trễ hơn.  Nhưng cũng chẳng sao.  Sớm và trễ đều hóa ra những đồng tiền bạc trăm bạc ngàn vào ngày thứ Sáu cuối tuần.  Bởi thế tôi hăng hái lao vào nghề xếp những trái cam vô thùng gỗ.  Cuộc đời bỗng dưng ngập những tiền là tiền.  Cuối tuần, cầm tờ ngân phiếu hãng cam trả với bốn con số, tim tôi đập mạnh, niềm vui tiền bạc dâng lên tê tê đầu lưỡi, bao nhiêu nhọc nhằn cực khổ bởi sáng dậy sớm, chiều về trễ, hốt hoảng tranh giành đường đi trên xa lộ tự nhiên tan biến bởi những đồng tiền vào ngày thứ Sáu cuối tuần.

Tôi hát nho nhỏ,
“Tiền là tiên là Phật,
Là sức bật của tuổi trẻ,
Là sức khỏe của tuổi già.”

Tiền!
Có tiền là có tiên.  Vợ tôi đã đẹp giờ lại càng thêm đẹp bởi những đồng tiền của hãng cam.  Nàng sửa cằm, bơm môi, nâng ngực, cắt mắt, nàng đẹp rực rỡ, nàng ăn trắng mặc trơn.  Tôi muốn ăn Phở, nàng nấu Phở nước trong.  Tôi muốn ăn cháo lòng rắc tiêu sọ, cơm sườn tàu hủ ky, nàng lái xe Bimmơ xuống phố mua cơm cháo.  Tôi muốn hút thuốc ba số 5, nàng ghé vào tiệm mua cho tôi mấy cây.  Cẩn thận, nàng còn mua thêm mấy gói thuốc con mèo.  Con tôi hai đứa, mịn da đẹp thịt, học hành giỏi giang trong trường đại học tư thục nhờ lương bốn số cuối tuần của anh cai hãng cam.  Nhà tôi cất cao nhất khu đồi, bốn phòng rộng thênh thang.  Hai vợ chồng tôi một phòng, căn phòng có màn cửa nhung.  Một đứa con gái, một đứa con trai, mỗi đứa một phòng.  Mỗi phòng căn bản là một TV và một máy vi tính.  Cạnh phòng ăn là bar rượu rộng thênh thang.  Dưới hầm nhà, xếp đều tăm tắp những chai rượu VSOP, rượu vang đắt tiền.  Cạnh phòng ăn, tôi gọi người tới biến thành căn phòng có ghế da hơi nằm dài theo dõi dàn máy home theater hiệu Sony chiếu phim trên màn ảnh đại vĩ tuyến.  Asia, Thúy Nga, Vân Sơn, phim Việt Nam, tôi nằm dài coi trong rạp nhà, mà tưởng là mình đang ngồi coi trong rạp màn ảnh 4D bốn chiều.

Cuộc sống tôi thênh thang.  Xe Bim-mơ, vợ tôi một cái, tôi một cái.  Tôi yêu vợ, yêu con, và yêu cuộc sống!

Bởi yêu vợ và yêu con, tôi anh cai hãng cam làm thêm ngày thứ Sáu, thứ Bẩy, và luôn cả ngày Chúa Nhật.  Hai chục năm rồi, ngày nào tôi cũng đi làm.

Tôi đếm tiền mỏi tay!
Tiền giấy đếm, sướng những đầu ngón tay.
Tôi hạnh phúc mênh mông!
Đời tôi màu hồng.
Chuồn chuồn bay đầy trên cánh đồng cỏ xanh.
Chuột đồng no nê căng tròn rong chơi trên đồng lúa vàng.
Cá chem chép vàng ươm êm đềm bơi lội dọc theo bờ sông đỏ màu phù sa.
Tôi, thiên đàng trần thế!
Hồn ơi, vui lên!

Sáng hôm qua, như thường lệ, tôi dậy sớm, cổ họng đau ran rát.
Đi khám, bác sĩ nói,
— Ung thư cuống họng.
Lần đầu tiên trong đời tôi nếm vị thuốc.
Những lần chạy chemotherapy, tóc tôi rụng, đầu tôi sói sọi!
Thân thể xanh xao.  Mặt bủng da chì!
Tôi vàng như những trái cam mà có một thời tôi xếp xếp gói gói vào thùng gỗ năm xưa.
Tôi húp phở, phở không ngon.
Tôi chán những chén cháo lòng rắc tiêu sọ.
Tôi ói ra những miếng cơm sườn nướng tàu hủ ky.
Tôi ho sặc sụa với hơi thuốc ba số 5, thuốc đầu con mèo.
Tôi nhổ ra phèn phẹt ngụm rượu đỏ Cabernet Sauvignon.
Tôi giờ này chỉ còn nuốt được những viên thuốc ung thư.
Sáng sáng nhìn qua khung cửa,
Bình minh rực rỡ,
tôi mơ sức khỏe.
Tôi khóc!  Trời ơi, sao đời phù vân!

Nếu biết thế, tôi sẽ không sống như tôi đã từng sống hơn hai mươi năm vừa qua.
Trời mùa hạ xanh tươi, nhưng sao tôi thấy lá vàng đong đưa bên khung cửa.
Tôi hối tiếc cho những ngày xưa, những ngày còn sung mãn.
Cuối tuần, vợ tôi ghé vào viếng thăm.
Mười ngón tay của nàng, mầu hồng tô son thơm mùi phưng phức.  Cặp môi trái tim, mắt phượng mở lớn, đôi ngực căng tròn, nước hoa từ thân thể nàng bốc mùi thơm hăng hắc.  Tôi nhìn nàng, dáng nàng sang, tóc nàng đen óng sợi tóc dầy, tôi mơ ước sức khỏe ngày xưa.

Nàng hỏi, “Bao giờ anh về?”
Con tôi hôn lên vầng trán, “Thôi, con phải về,
Ngày mai con có bài thi cuối khóa.
Chúc bố chóng bình phục.”

Nhưng tôi vẫn tuột dốc.
Ung thư cổ họng gậm nhấm ăn mòn thân xác.
Tôi rớt xuống.
Tôi chạm đáy vực sâu.
Tôi đốt nến, nhìn lên tượng thánh giá.
Tôi đôi môi mấp máy như Hàn Mặc Tử:
“Ave Maria, Thánh Nữ Đồng Trinh,
Xin chữa con!
Xin cứu con.
Nếu bây giờ,
Phép lạ xẩy ra,
Con sẽ vẫn đi làm ở hãng cam,
Con sẽ vẫn làm anh cai,
Nhưng con sẽ không đi làm thêm ngày thứ Bẩy, Chúa Nhật.
Bởi con đã nhận ra đời sống này vô thường!
Có đó rồi mất đó,
Vô thường!  Vô thường!  Đại vô thường!”.

Nhưng phép lạ không xẩy ra.
Tôi tiếp tục mệt nhọc với ung thư,
Tôi khò khè với bệnh tật!
Ung thư tiếp tục phá nát cuống họng!
Tôi nằm dài trên giường bệnh,
Con tôi hỏi, “Bố ơi, bao giờ bố về?”.
Tôi khóc, không nói được nữa, bởi ung thư đã phá rách toang cổ họng.

Tôi run run năm đầu ngón tay, viết lên trên tờ giấy trắng tinh, “Sao hai đứa con gầy vậy?”
Con tôi nói, “Bố ơi! Mẹ bỏ đi rồi!”
Tôi hét lên!  Tiếng hét cuồn cuộn xoáy sâu đẩy tôi rơi xuống vực thẳm!
Tôi mở mắt ra,
Người ướt đẫm mồ hôi!
Nhìn qua khung cửa,
Tôi nhận ra bình minh thứ Bẩy cuối tuần rộn ràng khua vang.
Bên khung cửa,
Có chú chim nho nhỏ say mê hót vang khúc hát bình dị, “Good morning!  Chào bình minh buổi sáng.”

Tỉnh cơn ác mộng,
Tôi KHÔNG hốt hoảng như người bị ma đuổi, phóng thật lẹ vào sâu trong phòng tắm như mọi ngày trong hai mươi năm qua.
Nhưng tôi quỳ bên chân giường, tôi đọc một lời kinh nho nhỏ với Chúa, với Phật, và với Bụt.
Thấy tôi bước xuống nhà pha ly café buổi sáng, vợ tôi ngạc nhiên hỏi,
— Ủa, không đi làm sao?
Tôi đáp cộc lốc,
— Không!
Nhưng mặt tươi như hoa, nhìn qua khung cửa, hát nho nhỏ một bài ca…

                         Linh mục Nguyễn Trung Tiện

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

Thư của một người Nhật gốc Việt ‏ 2

Xin chào anh Đào

   
Em là Minh Thành đây. Anh và gia đình khỏe không ? Mấy ngày nay mọi sự đều quay cuồng lên cả. Mở mắt cũng thấy xác chết, nhắm mắt cũng thấy xác chết. Mỗi thằng tụi em mỗi đứa phải trực 20h/một ngày. Ước gì thời gian dài 48 tiếng một ngày để mà còn đi tìm cứu người. Điện nước không , thực phẩm gần như số không ? Di tản dân chưa xong thì lại có lệnh đưa dân đi di tản tiếp.
    Em đang ở Fukushima, cách nhà máy điện Fukushima 1 khoảng cách 25km, có rất nhiều chuyện có thể viết nên thành sách về tình người trong hoạn nạn.

     Ngày hôm kia em đã tìm thấy và cứu được một người VN. Anh ta tên là Toàn đến từ Mỹ, kỹ sư nguyên tử lực làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, anh ta bị tai nạn ngay cơn động đất đầu tiên, mọi thứ hỗn loạn nên chẳng ai giúp anh ta liên lạc cả.

    Tình cờ biết được em đã liên lạc với Đại sứ quán Mỹ và phải công nhận tụi Mỹ nó nhanh, ngay lập tức trực thăng của quân đội Mý đến bệnh viện bốc anh ta đưa thẳng ra hạm đội 7.

    Còn lại một số tu nghiệp sinh VN ở trong vùng này thì em đang tìm vẫn chưa có thông tin rõ ràng. Nếu có thông tin chính xác tên tuổi, nơi làm việc của họ thì dễ tìm kiếm hơn. Ở Nhật cảnh sát không có quản lý gắt gao về hộ tịch như ở VN và luật bảo hộ thông tin cũng khiến cho việc tìm thông tin của họ cũng khó. Em gặp một phụ nữ Nhật có làm việc chung với 7 cô gái đến từ VN làm việc với tư cách tu nghiệp sinh, chỗ họ làm cách bờ biển khoảng 3km, bà ta nói rằng họ không biết tiếng Nhật và lúc chạy loạn thì họ chạy theo bà ta, nhưng sau đó thì không biết chạy đi đâu còn sống hay là chết.Trong đó bà ta chỉ nhớ tên một cô gái tên là Nguyễn Thị Huyền (Có thể tên là Hiền) vì làm việc chung nhau.

    Nhân viên Đại sứ quán và chính phủ VN vẫn chưa thấy xuất hiện ở đây, dù đọc trên báo mạng của VN thấy họ nói lo lắng cho dân VN rất tốt, toàn xạo cả.
    Ngay cả cảnh sát tụi em còn đói khát tả tơi thì huống chi tới mấy đứa nhỏ tu nghiệp sinh VN. Nỗi khổ nhất ở vùng này bây giờ là Lạnh, Đói, Khát, không có điện, thiếu thông tin. Dân chúng thì vẫn bình tĩnh, lòng tự trọng và luân lý của họ tốt nên chưa đến nỗi loạn nhưng nếu tình hình này kéo dài thêm chừng 1 tuần nữa thì có khả năng tình hình an ninh không thể kiểm soát nổi. Họ cũng là con người mà, khi cơn đói khát đã vượt quá lòng tự trọng và nhân cách thì cái gì cũng phải làm thôi. Chính phủ đang lập cầu không vận thực phẩm và thuốc men vào vùng này nhưng chỉ như muối bỏ biển.

    Có nhiều chuyện muốn kể cho anh nghe để đăng trang tin của anh nhưng mà nhiều đến độ bây giờ em cũng chẳng biết gì mà viết nữa.

    Có một câu chuyện cảm động ngày hôm qua một đứa bé Nhật đã dạy cho một người lớn như em một bài học làm người.

    Tối hôm qua em được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng em chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, em sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn. Nên mới lại hỏi thăm.Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất  và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhiìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe em hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh em mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của em bị rơi ra ngoài, em nhặt lên đưa cho nó và nói: " Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói".


    Thằng bé nhận túi lương khô của em, khom người cảm ơn. Em tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.Ngạc nhiên vô cùng , em hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: " Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ".
    
    
    Em nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc để mọi người không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy em một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh. 
    Một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.

    Nghĩ lại câu nói của ông già Fuwa nguyên chủ tịch Đảng CS Nhật giáo sư dạy em về Tư bản luận đã nói rằng " Nếu Mac sống lại, ông ta sẽ thêm một câu vào trong cuốn Tư bản luận đó là " Chủ nghĩa CS chỉ thành công trên đất Nhật".
    Vài dòng gửi cho anh, chúc anh khỏe .Tới giờ em vào phiên trực nữa rồi.
    Chúc anh và gia đình vạn sự an khang.

    Hà Minh Thành

Thư của một người Nhật gốc Việt ‏ 1

Anh Hùng thân mến,
Xin chuyển tiếp đến anh bức thư của Tiến sĩ Hà Minh Thành, một người Việt sống tại Nhật Bản và đang tham gia giải quyết hậu quả động đất và sóng thần tại Fukushima.
Theo tôi thì đây là một bài viết rất sâu sắc, đáng để cho tất cả mọi người trên trái đất này đọc, nhất là người Việt, để mà suy ngẫm về bản thân mình, về đồng bào và dân tộc mình.
Có lẽ không có cường quốc nào trên thế giới có khả năng đảm bảo an toàn của nhà máy điện nguyên tử tốt hơn so với Nhật Bản. Vậy mà đất nước vĩ đại này cũng không tránh khỏi thảm họa hạt nhân.
Hy vọng những người đang cổ động và thúc đẩy việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử ở Việt Nam sẽ suy nghĩ lại… Không thể dùng mấy lời hứa hão và con số xác suất để biện hộ cho độ an toàn của nhà máy điện nguyên tử. Không thể bịt tai, bịt mắt để chạy theo giấc mộng của bản thân, mà quên rằng không ai, không thế lực nào có quyền hy sinh hàng triệu người khác!
Bằng việc chuyển tiếp bức thư này, tôi muốn bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc và lòng tôn trọng cao độ của tôi đối với nhân dân Nhật Bản.
Theo tôi thì trang Bauxitevn nên đăng lại bức thư của Tiến sĩ Hà Minh Thành để nhiều người tham khảo.
Hoàng Xuân Phú
Xin chào anh Đ.,
Xin được giới thiệu tôi tên là Hà Minh Thành. Qua anh N. H. V. tôi mới được biết anh và trang tin của anh dù tôi làm việc cách chỗ của anh cũng không bao xa. Xin hân hạnh được làm quen với anh.
Hiện tại tôi đang được tăng phái công tác hỗ trợ cho cảnh sát tỉnh Fukushima, chỗ tôi đang làm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 khoảng 25 km. Gọi là lên đây hỗ trợ giữ an ninh chứ mấy ngày nay chỉ đi nhặt xác người không thôi. Dân địa phương họ tự động thành lập các đội tự quản, tương trợ lẫn nhau. Giả sử có ai muốn ăn cắp ăn trộm cũng khó. Vấn đề an ninh không lo lắm. Người chết nhiều quá, tụi tôi chỉ còn lấy dấu tay, chụp hình và trùm mền lại rồi giao người đem đi thiêu. Ngày đầu còn mặc niệm, có cảnh sát tăng phái còn khóc nhưng bây giờ thì không còn thời gian để mà mặc niệm và khóc nữa. Hôm qua còn không có chỗ để mà thiêu họ nữa đó anh. Khủng khiếp.
Ký giả của Hoàn Cầu thời báo Trung Quốc Vương Hy Văn hôm qua theo tôi một ngày để lấy tin, khi đi ngang qua một ngôi nhà bị sập mà tiền giấy có lẽ từ ngôi nhà đó trôi ướt nằm tứ tán cả bãi đất chắc cũng vài chục triệu yen nhưng mà chẳng ai thèm nhặt, đã phải thốt lên: "50 năm nữa, kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ đứng đầu thế giới, nhưng vĩnh viễn Trung Quốc không thể được gọi là cường quốc vì 50 năm nữa người Trung Quốc cũng chưa thể có trình độ dân trí và ý thức đạo đức công dân cao như người Nhật hiện tại. Tôi hổ thẹn mình là con cháu của Khổng Tử nhưng không hiểu cái đạo Nhân Nghĩa làm người bằng họ."
Người Trung Quốc 50 năm nữa không bằng họ còn người Việt mình không biết bao nhiêu năm nữa mới có dân trí như vậy. Mấy ngày nay tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình người trong hoạn nạn lắm nhưng có một chuyện khiến tôi cảm động nhất đã khiến một người lớn như tôi từng có bằng Tiến sĩ công học ở Đại học Đông Bắc (Tohoku Dai) cũng phải hổ thẹn về một bài học làm người.
Câu chuyện tối hôm kia tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn. Nên mới lại hỏi thăm. Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh run lập cập tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: "Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói".Thằng bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi nghĩ bình thường tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ".
Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc để nó và mọi người đang xếp hàng không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy một thằng có ăn có học từng có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh. Tôi nghĩ một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.
Lên đây rồi bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của vị thiền sư sư phụ của tôi ở Tokyo trước khi lâm chung dạy lại cho tôi đó là "Nhân sinh nhất mộng, bất luận kiến tâm, Tâm vô sở cầu thị Phật". Cái sự hy sinh vì người một cách vô ngã của đứa nhỏ 9 tuổi khiến tôi ngộ ra được những điều cả cuộc đời bon chen của mình tôi chưa nhận thấy được. Tôi nhường khẩu phần ăn tối của tôi cho thằng bé để nhận của nó một lời cám ơn, còn nó cho đi cả buổi ăn tối của nó một cách vô tư không so đo dù nó đói còn thê thảm hơn tôi nhiều và chắc còn phải đói nhiều trong cả cuộc đời vì không gia đình nữa. Những công án thiền của Bích Nham Lục, Vô môn quan hoàn toàn vô nghĩa so với hành động của một đứa bé 9 tuổi.
Xưa nay tôi không phục lắm người Nhật từ khi còn đi học, làm kỹ sư rồi làm cảnh sát thì phải luôn tiếp xúc với những người Nhật ở mặt trái của xã hội. Nhưng mà hành động của người dân Nhật trong vùng động đất bây giờ đã khiến tôi phục họ thật sự.
Tình hình quanh nhà máy điện hạt nhân vẫn còn an ninh, hiện tại tụi tôi đã được phát sẵn khẩu trang và đồng phục nylon. Ông Kan sáng nay họp báo dự tính đến tình huống xấu nhất là bỏ cả vùng miền Đông. Tôi không phải chuyên ngành về nguyên tử lực như anh nên không hiểu lắm về tác hại của phóng xạ. Nhưng tôi nghĩ cũng đang nguy hiểm. Tụi TEPCO vụ này chủ quan quá. Anh Đ. nếu được nên sắp xếp cho vợ con về VN trước thì tốt nhất. Tôi sợ tới lúc xấu nhất không còn vé máy bay.
Tôi thì bà xã người Nhật, con gái cũng mới ra trường y tá và cũng đang hoạt động cứu trợ thiện nguyện ngay tại Fukushima này. Tôi hỏi con gái tôi "Tình hình có vẻ nguy hiểm, con có muốn đi VN lánh nạn không". Nhỏ con gái của tôi trả lời "Đi đâu bây giờ, xung quanh con với cha người ta chết với bị thương hàng hàng lớp lớp. Không lẽ bỏ chạy. Thôi kệ, tới đâu hay tới đó."Tôi gọi điện thoại về hỏi bà vợ tôi tính sao, có cần chạy qua quê chồng trú tạm lánh nạn một mình không thì bà xã tôi nói với tôi rằng người Nhật của họ thì 36 kế của Tôn Tử binh pháp họ chỉ dùng được tới cái kế 35. Cái chước cuối cùng "Tẩu vi thượng sách" không có chỗ dùng vì cái xứ đảo này không có chỗ nào để mà chạy nữa. Cùng lắm chịu chết thôi. Thôi thì tôi thân phận dính líu tới cái tổ quốc thứ hai này rồi. Vợ con gì cũng không chạy không lẽ một mình tôi bỏ nhiệm sở. Già rồi có hít chút phóng xạ vô nữa cũng chẳng sao cả. Mang cái ơn nghĩa với đất nước này cũng nhiều thôi thì bây giờ cùng đến lúc có cơ hội để trả ơn cho họ vậy.
Hy vọng không có gì xảy ra, khoảng 3 tuần nữa có thể trở về Saitama. Hy vọng được gặp anh Đ. nếu anh còn ở Nhật, anh em mình tâm sự nhiều hơn. Tôi năm nay 56 tuổi.
Chắc cỡ tuổi của anh. Chúc anh và gia quyến an toàn.
Hà Minh Thành

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Tái Sinh Ở Phương Tây (Giáo Sư HAZEL DENNING)

Tái Sinh Ở Phương Tây
(Reborn in the West)
của Vicki Mackenzie
Nguyên Ngọc chuyển Việt ngữ

Giáo Sư HAZEL DENNING

Vào một buổi chiều lười biếng ở Sydney, tôi mở Tivi và thấy chương trình Oprah Winfrey đang tranh luận về kiếp trước kiếp sau, cuộc tranh luận rất sôi nổi. Đây là một "talk show" của Mỹ. Khách mời là Dr. Hazel Denning, bác sĩ phân tâm học, là một phụ nữ có tuổi, thông minh, ăn nói rất lưu loát và là sáng lập viên của hội Association for Past life and Therapies (Hội Nghiên cứu kiếp trước kiếp sau để ứng dụng vào việc chữa trị). Là một người tiền phong trong lãnh vực này, bà đã đi nhiều nơi trên thế giới thuyết giảng về luân hồi.
Ngoài tài ăn nói rõ ràng lưu loát về đề tài luân hồi, về vấn đề kiếp trước ảnh hưởng đến kiếp hiện tại, bà còn là một bác sĩ tâm lý trị liệu rất giỏi. Tôi nghĩ công trình nghiên cứu của bà về luân hồi vào khoa tâm lý trị liệu ở Tây phương sẽ là những tài liệu quý báu cho tôi, nên tôi tìm cách hội kiến với bà.
Máy bay hạ cánh xuống một phi trường nhỏ ở miền Nam California. Giáo sư Denning thân hành ra đón tôi. Người nhỏ thó, lưng thẳng đi đứng nhanh nhẹn tuy đã ngoài tám mươi. Bà ung dung lái xe về nhà ở Riverside, nơi sản xuất cam nổi tiếng của Cali. Trong căn phòng làm việc của bà treo đầy bằng cấp, chứng chỉ: hai bằng tiến sĩ, hai bằng thạc sĩ, bằng cấp cử nhân và rất nhiều văn kiện chứng thực bà rất uyên bác về khoa thôi miên và khoa cận tâm lý (Parapsychology).
Trong hai ngày tôi ở lại nhà bà, bà kể cho tôi nghe về công việc của bà và giải thích lý do bà chọn công việc này. Từ hồi nhỏ, giáo sư Denning hay thắc mắc muốn tìm hiểu "tại sao" về việc này việc nọ, tại sao con người phải chịu khổ đau. Bà không tin đó là ý Chúa (God). Bà cho là tin như vậy có vẻ không hợp lý.
Năm ngoài hai mươi tuổi, tình cờ bà được đọc một cuốn sách về luân hồi. Bà vui mừng,"Ôi chao! Tôi đã tìm được giải đáp cho những thắc mắc của tôi rồi. Tôi quá đổi vui mừng và suy nghĩ: cuối cùng thì tôi cũng tìm được một lời giải hợp lý, có thể lý giải được tất cả những bất công của thế gian".
Hồi đầu thì bà chưa tin lắm. Bà tìm đọc những tài liệu xưa để xem những thức giả đời trước nghĩ sao về luân hồi, và khám phá ra rằng tất cả những tôn giáo lớn trên thế giới đều tin luân hồi kể cả Thiên chúa giáo cho đến năm 533 sau Tây lịch, thì một ông vua La Mã và bà hoàng hậu cấm không cho nói đến luân hồi nữa. Có hai giáo hoàng bị giết vì muốn giữ đoạn nói về luân hồi trong kinh sách. Ít người biết biết đến dữ kiện này. Cũng không mấy ai biết chuyện những cha cố ngày xưa như cha Origin và ông thánh Augustin đều tin có luân hồi. Bà nói, "Vậy những người nào nói rằng tin có luân hồi là trái với giáo điều Thiên chúa giáo là không biết những chuyện này". Bà càng thích thú hơn khi khám phá ra những nhân vật nổi tiếng từ cổ chí kim đều tin có luân hồi, từ Plato, Aristotle, Socrates đến Henry Ford, Gladstone, Thomas Edison, đại tướng Patton và nhiều người khác nữa. Bà áp dụng những hiểu biết về luân hồi vào khoa chữa bệnh tâm thần để tìm hiểu nguyên do sâu xa do đâu mà bệnh nhân dường như sống ở một thế giới khác, hay có nhiều sợ hãi vô lý (phobia).
Tôi nóng lòng muốn biết giáo sư Denning làm sao dung hòa được hai vai trò có vẻ trái ngược, vai trò của một bác sĩ tâm thần và vai trò của một người dùng thuật thôi miên đưa bệnh nhân trở về kiếp trước. Làm sao bà có thể chấp nhận lối giải thích của các bác sĩ tâm lý trị liệu hiện nay dùng chữ nghiệp (karma) để giải thích rằng những gì xảy ra trong đời này đều do nghiệp chướng đương sự đã tạo nên từ nhiều đời trước.
Giáo sư Denning không tin môi trường sống là tác nhân chính ảnh hưởng đến cách hành xử của một người. Bà công nhận hoàn cảnh bao quanh đời sống cũng đóng một vai trò khá quan trọng nhưng không phải là yếu tố chỉ huy. Theo bà thì mục đích của đời sống ở thế gian là để tu tâm
hướng thượng. Một người tái sanh ở lại cõi trần là để thanh toán, thành tựu những gì mình làm dang dở trong những kiếp trước. Bà nói có những đứa trẻ sanh ra với một bản tánh yêu đời, đứa khác thì hay cáu giận, tức là mang theo chủng tử của kiếp trước. Theo bà thì số phận (destiny) của mỗi người không thể thay đổi được những phước báu của cha mẹ hay môi trường chung quanh có thể làm cho đời sống của người ấy thoải mái hơn hay khó khăn hơn.
Vì thế giáo sư Denning quyết định trở nên một nhà thôi miên chuyên nghiệp. Bà muốn dùng thuật thôi miên đưa bệnh nhân trở về sống lại kiếp trước của mình. Bà rất cẩn trọng, tỉ mỉ và trung thực trong công việc này. Bà không tìm cách khống chế tư tưởng của bệnh nhân. Bà nói ngày trước trong khoa thôi miên người ta thường dạy phương pháp gợi ý cho bệnh nhân (post-hypnotic suggestion) dùng những câu như "Không được ăn thức ăn này. Thức ăn này ghê lắm v.v...". Tôi không dùng phương pháp ấy, trái ngược với nguyên tắc của tôi. Tôi tìm được cách riêng của tôi mà không cần khống chế tâm ý của bệnh nhân. Vì thế tôi muốn dùng cụm từ "đổi đời" (altered state) thay vì hai chữ thôi miên".

Năm 1980 bà lập hội "Association for Past Life Research and Therapies" và vui mừng thấy hội phát triển nhanh hơn dự tính, vì số người tin và muốn tìm hiểu luân hồi ngày càng đông. Bà khẳng định rằng khoa hướng dẫn bệnh nhân nhớ lại kiếp trước (Past Life Therapy) trở nên một dụng cụ hữu hiệu trong khoa tâm lý và y khoa toàn diện - chữa trị cả thân và tâm. Đường hướng này không những phát triển nhanh ở Mỹ mà còn lớn mạnh ở các nước khác trên thế giới. Bà được mời đi nói chuyện nhiều lần ở Á châu và ở trường đại học Ultrecht của Hòa Lan, một trường đại học xưa nhất, mà cũng là trường đại học đầu tiên có giảng dạy môn cận tâm lý (parapsychology).
Ở Mỹ những người tìm đến với Dr. Denning gồm đủ mọi thành phần xã hội. Bà dùng phương pháp thông thường trước. Nếu không có kết quả thì bà đưa bệnh nhân trở về kiếp trước để tìm hiểu nguyên nhân. Bệnh nhân của bà gồm đủ mọi hạng người, mục sư có, chuyên viên có, rất nhiều nhà giao, nhiều quân nhân và các thành phần khác. Thường thường ai cũng muốn hỏi. "Mục đích của đời sống là gì?", "Tôi đang làm gì ở đây", "Tôi trở lại lần này để làm gì?"
Bệnh nhân của bà thường ở lứa tuổi ba mươi đến bốn mươi, nhưng có một cô bé chín tuổi xin cha mẹ đến gặp bà để tìm hiểu tại sao cô sợ máu lắm. Mới chín tuổi nhưng cô rất chững chạc. Vừa thiếp đi cô bé thấy kiếp trước của mình là một ông già đang giẫy chết vì bệnh tim. Bỗng dưng cô la lên, "Không, tôi không phải chết vì bệnh mà vì tôi quá đau khổ". Rồi cô bắt đầu kể đến ông già - tức là tiền thân của cô - đưa vợ đi ăn tiệm. Một tên cướp vào tiệm bắn chết nhiều người trong đó có vợ ông. Cô thấy người "vợ" chết trong vũng máu - ấn tượng hãi hùng đó theo thần thức qua đến đời này. Thêm vào đó là mặc cảm tội lỗi đã không cứu được người "vợ" của mình ray rức hành hạ cổ, bà kết luận.

Quan điểm của giáo sư Hazel Denning về vấn đền này rất rõ ràng vì bà chứng kiến hàng ngàn bệnh nhân đã đổi đời, bà đã thấy rõ bao nhiêu thảm cảnh trong nhiều kiếp của họ và bà đã triển khai riêng lý thuyết của bà. Cuộc đàm thoại sau đây giữa cô Mackenzie với giáo sư Denning, vì vậy, không những có giá trị về mặt thông tin mà còn rất thù vị và hào hứng.

Vicki Mackenzie: Tại sao lại có hiện tượng tái sanh?
Hazel Denning: Khi đưa một người trở về kiếp trước và tìm hiểu tại sao đương sự chọn tái sanh vào gia dình này, và mục đích của họ trở lại thế gian để làm gì thì ai cũng có câu trả lời tương tự: "Quả thật tôi không muốn trở lại thế gian chút nào. Ép mình vào cái xác phàm như đi vào tù, ngột ngạt lắm". Khi tôi hỏi lại: "Vậy tại sao ông/bà lại trở về, có ai bắt mình ở lại đâu?" thì câu trả lời luôn luôn là: "Vì thế gian là một trường học để rèn luyện nhân phẩm của mình. Muốn trau dồi tâm linh, muốn hướng thượng thì phải trở lại thế gian. Mà thật tình tôi muốn tu tâm nên tôi phải trở lại thế gian này". Đó là câu trả lời tôi ghi lại.

Vicki Mackenzie: Theo kinh nghiệm của bà thì người ta trở lại thế gian này bao nhiêu lần?
Hazel Denning: Vô lượng kiếp, cho đến khi họ học hỏi thành tựu được những điều mong muốn. Ngay cả trong đời hiện tại này có người phải mất nhiều năm mới thấy rõ ý nghĩa của những chướng ngại khó khăn xảy ra cho mình. Có một bà khi đến phòng mạch lần đầu tuyên bố rằng, "Tôi đến đây muốn hỏi về tình yêu lứa đôi". Trả lời thế nào với bà này? Là bác sĩ chuyên môn về khoa tâm lý, tôi không thể nói bà cứ yêu đi rồi sẽ được yêu. Bà vẫn đến phòng mạch nhưng không thường xuyên. Mãi đến mười tám năm sau bà mới tìm ra "chân lý". Trong thời gian không gặp mặt, bà có một đời chồng, ly dị, ăn ở với một ông khác, lấy chồng lần thứ hai, rồi cũng ly dị, ăn ở với năm, sáu ông khác nữa cho đến một hôm bà không chịu đựng được cảnh sống một mình nữa và cương quyết đi gặp tôi mỗi ngày cho đến khi nào tìm được nguyên nhân tại sao bà không thể chung thủy với một người. Cuối cùng thì bà thấy kiếp trước bà là con gái của một gia đình giàu có ở Hy Lạp. Khi chừng mười bốn tuổi, cô bé yêu cậu người làm cùng tuổi. Khi biết được, cha cô nổi trận lôi đình đày người yêu của cô ra một hòn đảo và bán cô cho một người đàn ông lớn tuổi. Quá đau buồn uất ức, cô tự tử chết. Trước khi chết, cô nguyện rằng. "Tôi thề sẽ không bao giờ, không giờ thương yêu ai nữa".
Qua bao năm kinh nghiệm với công việc này, tôi thấy tư tưởng hay ý nguyện cuối cùng trước khi chết, nếu là tiêu cực sẽ theo người đó qua kiếp sau. Thí dụ nếu mình chết với lòng giận dữ, với tâm thù hận thì kiếp sau mình phải tu tâm dưỡng tánh để rửa lòng, để xả bỏ những thù hận của kiếp trước.
Trở lại chuyện bà khách. Sau khi biết tiền kiếp của mình, bà gặp được một người chồng tử tế và có hai đứa con. Bà đang hụp lặn trong hạnh phúc mà trước đây bà không thể tưởng tượng có ngày bà có thể được hưởng.
Sau khi chứng kiến câu chuyện bà này, tôi nghiệm rằng có nhiều người không thể một sớm một chiều mà tìm được lời giải. Họ cần phải trải qua nhiều biến cố nữa trước khi thấy cái nghiệp của mình. Và câu chuyện này cũng giúp tôi đi đến kết luận rằng mình không thể tự dối lòng. Cho đến khi mình thấy được cái nhân của đời trước, mình mới có thể giải quyết giải quyết cái quả của đời này. Nhiều khi phải đi sâu vào nhiều đời trước mới thấy được cái "nhân" chính đang chi phối đời sống hiện tại.

Vicki Mackenzie: Có những người đa nghi cho rằng bệnh nhân tưởng tượng ra những hình ảnh, thêu dệt nên những câu chuyện trong tiềm thức của họ để biện minh cho những đau buồn ưu não của họ?
Hazel Denning: Nếu quả đúng như vậy thì khoa tâm lý học phải giúp được bệnh nhân giải quyết mọi ẩn ức của họ chứ. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Có nhiều bệnh nhận của tôi theo khoa tâm lý trị liệu trong nhiều năm mà không ăn thua gì.

Vicki Mackenzie: Bà có cho rằng chính mình tự chọn đời sống của mình không?
Hazel Denning: Đúng vậy. Để tôi kể cho cô nghe một chuyện rợn tóc gáy. Một người đàn bà đến nói với tôi rằng: "Mẹ tôi đang hấp hối, cha tôi thì chết rồi. Cả cha lẫm mẹ tôi bầm dập sờ mó tôi hồi tôi mới ba tuổi cho đến năm tôi mới mười ba tuổi". Khi thiếp đi, bà sống lại cảnh tượng bị cưỡng hiếp hồi còn bé và la lên, "Cha ơi đừng, đừng làm con đau!" và bà nói tiếp liền "Tôi muốn tha thứ cho mẹ tôi trước khi bà chết nhưng tôi thấy khó tha thứ quá, tôi thù ghét cả cha lẫn mẹ".
Nếu một người muốn sẵn sàng tha thứ, muốn quên hận thù cũ thì người đó đã được một sự chuyển hóa tâm linh cao và có thể hóa giải được. Nhưng nếu người nào nói ra rằng, "Đừng nói đến chuyện tha thứ những quân dã man đó, Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho họ. Tôi thù ghét họ". Thì đừng tìm cách giúp họ tha thứ vì tâm họ chưa sẵn sàng.
Đối với bà này, tuy bà nói sẵn sàng tha thứ cho cha mẹ, nhưng tôi nghĩ "Làm sao tôi có thể giúp bà ta tha thứ cho người cha, người mẹ đã làm những chuyện ghê tởm như thế đối với con mình"? Tôi bức rức, dằn vặt mãi và cuối cùng chính bệnh nhân đã giúp tôi tìm câu giải đáp. Bà thấy kiếp trước, thời Đức Quốc Xả, bà là một đứa trẻ bụi đời, sống lang thang đầu đường xó chợ và đã giết chết một đứa trẻ khác. Sau đó họ bị bắt vào Auschwitz, một trại giam người Do Thái, và bắt phải làm công việc kiểm soát những đứa trẻ Do Thái bị giết đã chết hẳn chưa. Lúc đầu công việc không làm bà phiền hà mấy, nhưng ngày lại ngày nhìn bao nhiêu xác trẻ con, bà chịu không được nên đã bỏ trốn và bị bắn chết. Bệnh nhân nói thêm rằng, "Đời sau, khi tái sanh, tôi muốn cha mẹ tôi hành hạ tôi để tôi trả nghiệp cho mau. Vì vậy tôi phải cám ơn hai vị này đã giúp tôi trả nghiệp báo".

Vicki Mackenzie: Có bao giờ bà chứng minh được những mẫu chuyện tiền thân này thật sự xảy ra không?
Hazel Denning: Có chứ. Tôi vẫn để tâm theo dõi mỗi khi có dịp tốt. Thí dụ trường hợp một thân chủ nhất định không cho các con đi coi đoàn biểu diễn của gánh xiếc. Bà biết cấm đoán như vật thật là vô lý nhưng bà không thể làm gì khác hơn. Khi được đưa trở về kiếp trước thì bà thấy chính bà là "con mụ mập" (the fast lady) của một gánh xiếc và bà ghét cay ghét đắng vai trò của mình. Bà nhớ cả tên người đàn bà mập ấy và cả tên thành phố nữa. Có một bệnh nhân khác có mặt hôm đó biết thành phố này. Ông tình nguyện sẽ tìm đến xem thì quả nhiên đầu thế kỷ 20, ở thành phố đó có một bà mập tên đó đã theo đoàn hát xiếc kiếm ăn như lời bà kia tả lại. Trong đời hiện tại bà này cũng mập.
Một bệnh nhân khác nhớ lại kiếp trước bà là một phú thương đàn ông bị chết chìm theo chiếc tàu Titanic. Bà nhớ tên tuổi của người đàn ông này. Về sau tìm xem sổ sách thì quả nhiên người đàn ông ấy là hành khách trên chiếc tàu Titanic. Bà kể khi nhìn thấy tên trong sổ bà rùng mình ớn lạnh!
Ngoài những chứng cớ cụ thể này, những chứng cớ cho thấy những chuyện tiền thân mà các thân chủ tôi nói ra là có thật, và nó rất hợp tình hợp lý với bối cảnh riêng của từng người. Nhờ đó họ có thể đổi đời, có thể thoát được những ray rứt, những sợ hãi vô lý làm xáo trộn đời sống hiện tại của họ.

Vicki Mackenzie: Có ai tỏ ra có mặc cảm tội lỗi khi nhìn thấy những việc xấu họ đã làm trong những đời trước?
Hazel Denning: Không hẳn như thế sau khi họ hiểu mục đích của sự tái sanh và duyên nghiệp. Tôi giải thích cho họ thấy rằng những chuyện xảy ra trong quá khứ không quan trọng mấy. Quan trọng chăng là những gì mình học hỏi được từ những biến cố ấy, và dường như đây mới là nguyên tắc căn bản.
Có một trường hợp rất lạ lùng. Một bệnh nhân vừa bước vào phòng mạch là ngồi phịch xuống ghế, đấm mạnh hai tay vào thành ghế và la lớn, "Tôi ghét Chúa! Jesus Christ là một kẻ lừa đảo! Tôi đã cố gắng làm hết mọi thứ, đã đi tìm thầy chuyên môn, đã học hết kinh Thánh mà vẫn không thay đổi gì được cuộc sống của tôi. Tôi khổ quá!" Bà gặp toàn chuyện xui. Rờ tới cái gì thì hỏng cái đó mặc dù bà là một người có khả năng xuất chúng. Sự nghiệp làm ăn bà gây dựng nên tưởng như thành công, cuối cùng cái gì cũng thất bại. Đường chồng con cũng xấu. Tuổi còn trẻ mà trông như một bà già. Bác sĩ nói cơ thể của bà già trước tuổi đến hai chục năm.
Khi được hướng dẫn trở về kiếp trước thì thấy bà là một hồng y trong Tòa Án Dị Giáo (The Inquisition) do giáo hội La Mã Thiên Chúa chủ trì để trị tội những người ngoại đạo. Sự việc này làm đức hồng y (tiền thân của bà) rất đau khổ. Ngài biết trị tội những người ngoại đạo là sai lầm, nhưng đó là việc giáo hội muốn làm. Khi được hỏi tại sao bà trở thành công cụ chính trong Tòa Án Dị Giáo thì bà buột miệng nói rằng, "Đó là để cải tổ lại giáo hội vì giáo hội thời ấy quá hủ hóa, và tôi được giao trọng trách này". Qua những chuyện tương tự, tôi thấy rằng những việc làm khủng khiếp đều có mục đích riêng.

Vicki Mackenzie: Đứng trên góc độ này, nghiệp báo trở nên khúc mắc, ly kỳ khó hiểu, phải không thưa bà? Vì nếu quan niệm những kẻ phạm tội ác chỉ là những công cụ giúp người kia trả nghiệp thì họ đâu có tội lỗi gì?
Hazel Denning: Thật ra thì cũng khó nói lắm. Trùng trùng duyên khởi, cái nọ xọ cái kia, khó mà giải thích chữ nghiệp một cách rốt ráo. Mọi vật hiện hữu trên đời đều phụ thuộc tương tác lẫn nhau, chúng nương nhau mà sống. Nói một cách giản dị,có thể lấy ví dụ của một người chỉ thấy hạnh phúc trong sự đau khổ (masochist) có thể thỏa mãn nhu cầu của một người chỉ thấy vui sướng trên sự đau khổ của kẻ khác (sadist). Hai loại người này nương tựa vào nhau mà sống. Không có cái gì xấu hoàn toàn. Mỗi kinh nghiệm là một bài học. Ta có thể là thủ phạm làm điều ác trong một kiếp nào đó nhưng cũng có thể là nạn nhân trong một kiếp khác. Và cứ như thế, con người sống từ đời này qua đời khác cho đến khi nào họ học được bài học.
Tôi tin rằng chính chúng ta tự chọn con đường mình đi, dễ dàng hay chông gai là cũng do mình. Một khi mình nhận chân được sự thật đó và chấp nhận mục đích của đời sống hiện tại thì hoàn cảnh chung quanh có thể thay đổi. Nếu một người biết nhận trách nhiệm của mình thì người đó có thể giải quyết được nhiều vấn đề. Còn những kẻ ngu muội không biết nhận trách nhiệm của mình mà cứ đổ lỗi cho người khác thì họ chưa sẵn sàng thay đổi. Chúng tôi, bác sĩ chuyên môn, phải thấy và biết rõ điểm này.
Khi đạt đến mức tỉnh thức tối thượng thì linh hồn (the soul) tự dưng hiểu thấu mọi lẽ - hiểu được mình là ai, tại sao mình hiện hữu ở đây; thấy những gì mình đã làm trong kiếp trước, và những gì mình sẽ làm về sau này vân vân và vân vân. Nhưng chính cá nhân người đó phải tự mình học hỏi. Và tôi cũng không hiểu lý do tại sao chúng ta phải học hỏi nhiều quá như vậy, nhưng tôi không phải là người tạo ra những quy luật ấy mà chỉ tìm cách phân tích lý giải chúng thôi.
Có người thật sự không muốn thay đổi hoàn cảnh không mấy tốt đẹp của mình như chuyện một bà nọ sinh ra với hai con mắt gần như mù. Bà phải đeo mắt kiếng dầy cộm. Sau khi soi căn, bà biết rằng chính bà muốn mắt mình như thế để ít thấy những phù du vật chất, để quên cái ngã của mình, để quay nhìn vào bên trong. Từ đó, bà vui vẻ với cặp mắt gần như mù của mình và không chịu tìm cách làm cho mắt sáng hơn.

Vicki Mackenzie: Bà có thấy ai chọn trở về gần gũi với những người họ quen biết từ nhiều kiếp trước không?
Hazel Denning: Có, Nhưng vai vế thì thay đổi. Có người tái sanh với nhau để giải quyết nhiều vấn đề còn dang dở. Có người muốn trở lại để giúp đỡ những người thân. Tôi cho rằng các thánh tử đạo, hay những người chọn cái chết vì chính nghĩa là họ tự nguyện làm như vậy để thức tỉnh lương tri của nhân loại. Cho nên nói rằng nghiệp báo chỉ thể hiện như một sự trừng phạt thì không đúng, cũng có nghiệp dữ, nghiệp lành. Đó là luật nhân quả.
Tôi có quen biết một bà bác sĩ, một người đàn bà rất dễ thương mà lấy một ông chồng dễ ghét nhất trần gian. Khi nào ông cùng mè nheo, gắt gỏng, độc ác mà chính ông không cố tình độc ác. Dần dần, bà chán nản không còn thương chồng nữa. Nhưng không bao giờ bà có ý định ly dị.
Một hôm bà đến xin soi căn và thấy rằng bà đã gặp ông này ở một kiếp trước khi ông là một linh hồn lạc lỏng. Bà hứa kiếp sau sẽ lấy ông làm chồng và sẽ giúp ông tìm lại linh hồn mình. Và sau đó thì bà thay đổi thái độ, thật tình yêu thương ông, dịu dàng kiên nhẫn với ông và chỉ một năm sau thì ông cũng đổi tính. Ông đi nhà thờ với bà, ông lái chiếc xe sport màu đỏ rong chơi khắp phố phường. Ông nói năng vui vẻ, hài hước ai cũng thích.
Tôi dùng câu chuyện này để khuyên răn những gia đình có chồng nghiện rượu. Tuy người vợ tha thứ sự nghiện ngập của chồng nhưng tình cảm đối với chồng thì đã sứt mẻ. Tôi nói với họ rằng. "Nếu chị thật tình thương yêu và muốn cải hóa chồng thì chị không nên dùng giọng lời gay gắt với chồng mà nên bộc lộ tình thương, ăn nói dịu dàng thì ông sẽ thay đổi". Có nhiều bà nghe lời và đã thành công.

Vicki Mackenzie: Bà cho biết sau khi chết, hồn có một thời gian nhất định để đi đầu thai không?
Hazel Denning: Có người tái sanh trong vòng vài tiếng đồng hồ sau khi chết, nhất là lính tráng chết ngoài trận mạc. Họ không chịu được cảnh hồn họ lang thang. Họ muốn nhập xác liền. Có lẽ lý do này giải thích được hiện tượng thiên hạ sinh đẻ nhiều sau những trận chiến tranh. Có nhiều người thì mấy trăm năm sau mới tái sanh. Có nhiều linh hồn từ thời Atlantean Age mà bây giờ mới trở lại trần gian. Có lẽ họ chờ đúng thời cơ để đem những hiểu biết mới giúp cho sự chuyển tiếp qua thời đại mới. (New Age).

Vicki Mackenzie: Có khi nào bà đã gặp những người đã từng sống ở hành tinh khác hay cõi giới khác không?
Hazel Denning: Thỉnh thoảng cũng có. Rất nhiều người cho rằng hạ giới là hành tinh thấp nhất trên cột luân hồi (the totem pole). Có mấy người nói rằng trước kia họ sống trên một hành tinh khác. Có một ông viết một thứ chữ lạ hoắc rồi dịch lại tiếng Anh. Ông nói hành tinh ấy có một văn hóa khắc hẳn. Ông còn nói khi ấy ông hiểu được "nguyên lý đồng thời" - hiện tại, quá khứ và vị lai đều đang thể hiện ở giây phút này. Thật là khó hiểu.

Vicki Mackenzie: Bà có biết những kiếp trước của bà không?
Hazel Denning: Có chứ. Đời trước kiếp này của tôi rất lạnh lẽo. Tôi là một phụ nữ sinh ra ở nước Anh, lấy chồng là một người làm ngoại giao giàu có, nhà cao cửa lớn, có nhiều gia nhân hầu hạ, tiệc tùng liên miên nhưng tôi rất cô đơn, sống không có tình thương. Khi gần chết, tôi còn nhớ gia nhân rón rén bước không dám gây tiếng động, tôi đã nắm tay em gái tôi và nuối rằng, "Nếu chị được sống lại từ đầu, chị sẽ thương yêu nhiều hơn".
Và trong đời này, một em gái tôi chết lúc chín tuổi, tôi mới mười một tuổi. Tôi đã thương khóc em trong hai năm. Tôi cần kinh qua sự đau khổ như vậy mới lấy lại được cảm xúc bình thường.
Nhưng kỷ niệm khó quên nhất xảy ra lúc tôi đang ở trong phòng tắm. Tôi bị đau gan từ lúc học lớp tám. Tôi hay bị những cơn đau túi mật hành hạ, đau đầu đến buồn nôn làm tôi khổ sở lắm. Hồi trước tôi cũng hay nóng nảy. Có hôm cơn giận nổi lên khiến hai mạch máu nhỏ ở cổ bị đứt. Có nhiều lúc tôi có cảm tưởng như cơn giận làm chóp đầu của tôi có thể bay đi mất. Nhưng không ai biết vì tôi không để lộ ra ngoài. Cách đây chừng mười năm, một hôm tôi đang tắm dưới một vòi sen thì cơn nhức đầu kéo tới. Tôi dằn giọng nói lớn, "Chúa ơi, tôi muốn biết tại sao tôi bị bệnh gan hành hạ, tại sao tôi phải chịu đau khổ như thế này?" Vừa dứt lời bỗng nhiên tôi thấy mình là một người lính theo Thập Tự Chinh thời Trung Cổ, vừa bị một giáo xuyên qua gan. Tôi tức giận sắp phải chết vì một "chính nghĩa" mà tôi không còn tin tưởng nữa. Tôi chán ghét những việc chúng tôi đang làm - đốt phá những đền đài đẹp đẽ - nhưng tôi không làm gì được hơn. Tôi biết tôi sắp chết và sẽ không bao giờ thấy lại được người vợ và hai đứa con trai. Tôi chết trong giận dữ, và chứng đau gan bây giờ là biểu hiện của cơn giận xa xưa ấy. Giây phút ấy trong phòng tắm, tôi nghe một giọng thì thầm: "Nguyên do của tính nóng giận của ngươi bắt nguồn ở đây". Từ ngày đó, tôi không bị cơn đau túi mật hành hạ nữa.

Vicki Mackenzie: Biết được kiếp trước của mình có lợi ích gì trong kiếp sống hiện tại không?
Hazel Denning: Những hiểu biết về kiếp trước kiếp sau giúp tôi sống an nhiên tự tại. Đối với tôi, thế giới kia cũng rất thật như thế giới này. Cho nên khi mẹ tôi mất, rồi chồng và con trai lần lượt qua đời, tôi không đau buồn mấy. Ngày con tôi tử nạn xe mô tô, tôi vẫn tiếp tục đi thuyết giảng tại một trường đại học đã được sắp đặt trước. Khi biết ra, một giáo sư ở trường hỏi sao tôi có thể dửng dưng trước cái chết của con như vậy. Tôi đã trả lời rằng đối với người ngoài thì tai nạn ấy là một thảm cảnh, nhưng đối với tôi thì khác. Tôi biết con tôi là thầy tu trong ba kiếp trước. Trở lại lần này là cậu muốn nếm mùi đời. Cậu sống mau, sống vội, bất chấp nguy hiểm. Tôi biết con trai tôi không muốn kéo dài đời sống như vậy và cậu quyết định rời bỏ cõi trần sớm trước khi chuyện gì xấu có thể xảy ra. Tuy tôi thương tiếc con, và cũng như những bà mẹ khác, tôi vẫn mong được thấy ngày con khôn lớn, nên người v.v... nhưng trong thâm tâm, tôi mừng cho con đã giải thoát vì tôi biết con tôi sống trong đau khổ. Trường hợp chồng tôi cũng thế. Một buổi sáng đang chơi tennis, ông gục chết trên sân cỏ. Sau khi được tin, tôi vào phòng đọc sách gọi điện thoại báo tin cho gia đình và bỗng dưng một cảm xúc kỳ diệu chưa từng có đã đến với tôi. Căn phòng như sáng hơn và ấm áp hơn. Lông măng trên hai tay tôi dựng đứng hết và tôi cảm thấy được an ủi, khích lệ và sung sướng lạ lùng dường như được ôm ấp bởi tình yêu của nhà tôi, khi ấy tôi nghe tiếng ông thầm thì: "Em ơi, anh sung sướng được ra đi như ý muốn". Tối hôm ấy tôi vẫn đi dự buổi họp ở trường. Tan họp, tôi mới báo cho mọi người biết tin và ai cũng xúc động thương tiếc làm tôi phải đi an ủi từng người.
Khi người thân qua đời thì đau buồn là chuyện thường tình, nhưng tôi không chịu được cảnh người ta tỏ ra bi thương thái quá, vì như vậy chứng tỏ họ có mặc cảm tội lỗi gì với người chết.

Vicki Mackenzie: Theo như bà nói thì mọi chuyện xảy ra đều có lý do? Và cuối cùng thì cũng đưa đến sự tốt đẹp?
Hazel Denning: Đúng thế... Tôi cho rằng con người được sinh ra với một trí tuệ sáng tạo vô bờ mà chúng ta đã ngu muội không thông hiểu, đã phá hoại và lãng quên những khả năng ấy. Thời đại này là thời đại chúng ta có thể trở về với bản năng chân thật của chúng ta.

Cũng giống như những mẫu đối thoại với các vị "gurus" Tây phương khác về luân hồi, buổi nói chuyện với Dr. Denning thật là hứng thú. Những điều tôi học được ở bà cũng như ở nhiều nhà chuyên môn khác về kiếp trước kiếp sau cũng không khác những điều tôi đã được nghe mấy Lạt Ma của phương Đông giảng dạy. Chi tiết về trường hợp tái sanh có thể khác nhau nhưng chân lý thì chỉ có một, là chân lý mà Lama Yeshe và Lama Zopa đã nói cho chúng tôi nghe trong chiếc lều trên sườn núi của Kopan rằng sau khi chết sẽ có một đời sống khác; rằng đời sống kế tiếp như thế nào là do nghiệp báo của bao đời trước quyết định; rằng trạng thái tâm thần khi hấp hối đóng một vai trò quan trọng ảnh hưởng đến đời sau; rằng người ta thường trở lại sống với những người có nghiệp duyên với chúng ta; rằng những đau khổ của đời này là chính chúng ta tạo ra v.v... Không nên oán ai, đổ lỗi cho ai vì chính mình vẫn luôn luôn làm chủ đời mình.

(Trích: Đặc San Hoa Nghiêm, Mừng Xuân Tân Mão, Phật lịch 2554 - 2011)