Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Chữ Nôm - nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến

Khái quát

Chữ Nôm là thứ chữ dân tộc của ta đã được dùng trong gần mười thế kỷ, mãi đến gần đây, cuối thời Pháp thuộc nó mới trở thành, cũng như chữ Hán, một thứ cổ tự không được dùng trong đời sống hàng ngày nữa. Thứ cổ tự này không được dạy riêng cho nên hiện nay rất ít người biết đọc. Nhưng là chữ dân tộc, nó đã cùng với chữ Hán mang chứa một phần quan trọng văn hóa dân tộc của ta, mà hiện nay một mình Thư viện Khoa học xã hội ở Hà Nội cũng còn giữ được đến 1186 quyển sách chữ Nôm. Trong công cuộc nghiên cứu văn hóa cổ của nước ta, nếu không biết chữ Nôm thì làm sao khai thác được cả cái vốn cổ chữ Nôm còn giữ được ở thư viện đấy và chắc là cũng còn rải rác trong dân gian ?
Muốn hiểu chữ Nôm, muốn đọc chữ Nôm thì điều kiện cơ bản là phải biết chữ Hán, nhưng đó là điều kiện cần thiết chứ không phải là điều kiện đầy đủ. Còn phải nắm vững phương pháp cấu tạo của chữ Nôm, nắm vững tình hình diễn biến của chữ Nôm qua các đời, cùng với nguồn gốc của nó, và để nắm được những điều kiện trên thì lại cần nắm được một số quy luật ngữ âm học lịch sử về tiếng Việt Nam và tiếng Hán Việt. Do đó chúng ta cần phải nhằm những mặt ấy mà nghiên cứu chữ Nôm.
Kể nghiên cứu chữ Nôm một cách có hệ thống thì phải nói đến người Pháp A. Chéon là người đầu tiên. Ông soạn sách Cours de Chữ Nôm làm giáo trình dạy cho người Pháp học tiếng Việt Nam, nhưng hiện chúng tôi không có sách ấy (bản của Thư viện khoa học xã hội đã bị mất từ lâu, không thấy có trong số sách chúng ta tiếp quản của Viện Viễn đông bác cổ). Kể đến các nhà học giả Trung Quốc Văn Hựu, tác giả bài "Luận về tổ chức của chữ Nôm và mối quan thiệp của nó với chữ Hán", đăng trong Yên kinh học báo kỳ 14, bài này đã được nhà học giả Nhật Bản Sơn-bản Đạt-lang giới thiệu trong Đông-dương học báo quyển 22, số 2, năm 1935. Sau nữa có nhà học giả Trung Quốc khác là Vương Lực, năm 1948 viết một bài nghiên cứu về tiếng Hán Việt, mục cuối cùng nghiên cứu về chữ Nôm đề là "Chữ Việt phỏng theo chữ Hán mà tạo thành". Hai tác phẩm sau đó chỉ nhằm giới thiệu chữ Nôm với người ngoại quốc nên chỉ là nghiên cứu về một vài khía cạnh, đặc biệt là cách cấu tạo của chữ Nôm thôi.

Hình thành

Chữ Nôm có lẽ hình thành từ những năm đầu khi người Trung Hoa chinh phục đất Giao Chỉ (Miền Bắc Việt Nam) và đặt nền đô hộ trên các bộ lạc người Việt vào đầu Công nguyên. Vì ngôn ngữ khác biệt, những chữ Nôm đầu tiên xuất hiện vì nhu cầu ghi địa danh, tên người hoặc những khái niệm không có trong Hán văn. Song chứng cứ còn lưu lại hết sức ít ỏi, khó kiểm chứng được một cách chính xác.
Phạm Huy Hổ trong "Việt Nam ta biết chữ Hán từ đời nào" cho rằng chữ Nôm có từ thời Hùng Vương. Văn Đa cư sĩ Nguyễn Văn San thì cho rằng chữ Nôm có từ thời Sĩ Nhiếp cuối đời Đông Hán thế kỷ thứ 2. Nguyễn Văn Tố dựa vào hai chữ "bố cái" trong từ ngữ "Bố Cái đại vương" do nhân dân Việt Nam suy tôn Phùng Hưng mà cho rằng chữ Nôm có từ thời Phùng Hưng thế kỷ thứ 8. Ý kiến khác lại dựa vào chữ "cồ" trong quốc hiệu "Đại Cồ Việt" (大瞿越) để cho rằng chữ Nôm có từ thời Đinh Tiên Hoàng.
Trong một số nghiên cứu vào thập niên 1990, các học giả căn cứ vào đặc điểm cấu trúc nội tại của chữ Nôm, dựa vào cứ liệu ngữ âm lịch sử tiếng Hán và tiếng Việt, so sánh đối chiếu hệ thống âm tiếng Hán và tiếng Hán Việt đã đi tới kết luận rằng âm Hán Việt (âm của người Việt đọc chữ Hán) ngày nay bắt nguồn từ thời Đường-Tống thế kỷ 8-9. Và nếu âm Hán Việt có từ thời Đường, Tống thì chữ Nôm không thể ra đời trước khi cố định cách đọc Hán Việt (nếu xét chữ Nôm với tư cách hệ thống văn tự) và chỉ có thể ra đời sau khoảng thế kỷ thứ 10 khi người Việt thoát khỏi nghìn năm Bắc thuộc với chiến thắng của Ngô Quyền vào năm 938.[1]
Bước sang thời kỳ tự chủ bắt đầu vào thế kỷ 10 chữ Nôm được hoàn chỉnh dần và mãi đến thế kỷ 13-15 mới phát triển mạnh mẽ trong văn chương.

Phát triển
Truyện Nôm Phan Trần, ấn bản Nhâm dần (1902) triều Thành Thái Chữ Nôm khảm xà cừ dùng trang trí trên điếu ống thế kỷ 19-20 thời Nguyễn

Ban đầu khi mới xuất hiện chữ Nôm thuần túy ghi âm tiếng Việt nhưng mượn dạng chữ Hán y nguyên. Phép đó gọi là chữ "giả tá". Dần dần phép ghép hai chữ Hán lại với nhau, một phần gợi âm, một phần gợi ý được dùng ngày càng nhiều và có hệ thống hơn. Phép này gọi là "hài thanh" để cấu tạo chữ mới. Kể từ thời Lê về sau số lượng sáng tác băng chữ Nôm tăng dần trong suốt 500 năm từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 20. Dồi dào nhất là các áng thi văn có tính cách cảm hứng, tiêu khiển, và nặng phần tình cảm. Những tác phẩm Nôm này rất đa dạng: từ Hàn luật , đến văn tế , truyện thơ lục bát, song thất lục bát, phú, hát nói, tuồng, chèo. Văn Nôm đã diễn tả đầy đủ mọi tình cảm của dân tộc Việt, khi thì hào hùng, khi bi ai; khi thì trang nghiêm, khi bỡn cợt.

Thế kỷ 15-17
Thời kỳ này phần lớn thi văn lưu truyền biết tới nay là thơ Hàn luật bát cú hoặc tứ tuyệt.
Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi),
Hồng Đức quốc âm thi tập (Lê Thánh Tông),
Bạch Vân am thi tập (Nguyễn Bỉnh Khiêm) 

Thế kỷ 18-19
Thơ Hàn luật của những thế kỷ kế tiếp càng uyển chuyển, lối dùng chữ càng tài tình, hóm hỉnh như thơ của Hồ Xuân Hương hay Bà Huyện Thanh Quan. Ngược lại thể thơ dài như Ai tư vãn của Ngọc Hân Công chúa cùng thể song thất lục bát trong Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm lưu danh những nữ sĩ biệt tài thời trước. Riêng Chinh phụ ngâm được xem là một tuyệt tác, có phần trội hơn nguyên bản chữ Nho.
Thể song thấy lục bát cũng lưu lại tác phẩm Cung oán ngâm khúc, lời văn cầu kỳ, hoa mỹ nhưng thể thơ phổ biến nhất là truyện thơ lục bát, trong đó phải kể Truyện Kiều (Nguyễn Du) và Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu). Văn từ truyện thơ bình dị hơn nhưng lối hành văn và ý tứ không kém sâu sắc và khéo léo. Những tác phẩm truyện Nôm khuyết danh khác như Thạch Sanh, Trê Cóc, Nhị độ mai, Phan Trần, Tấm Cám, Lưu Bình Dương Lễ, Ngư tiều vấn đáp y thuật, Nữ tú tài, tất cả được phổ biến rộng rãi khiến không mấy người Việt lại không biết vài câu, nhất là Truyện Kiều.

Thế kỷ 19-20
Thời kỳ cuối của chữ Nôm xuất hiện nhiều tác phẩm thi ca theo thể hát nói như của Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Tú Xương v.v. Đó là chưa kể những vở tuồng hoặc chèo dân gian cũng được soạn bằng chữ Nôm như Kim Thạch kỳ duyên, Quan Âm Thị Kính.
Đối ngược lại tài liệu văn học, triết học, sử học, luật pháp, y khoa, tôn giáo nhất là văn xuôi tuy có được ghi lại bằng chữ Nôm nhưng tương đối ít. Văn vần thì có vài tác phẩm như Thiên Nam ngữ lục (thời Hậu Lê) hay Đại Nam quốc sử diễn ca (thời Nguyễn). Song sử liệu, nhất là chính sử cùng các văn bản hành chính của triều đình thì nhất thể đều bằng chữ Hán. Ngoại lệ là những năm tồn tại ngắn ngủi của nhà Hồ (thế kỷ 15) và nhà Tây Sơn (thế kỷ 18). Những văn bản hành chính như sổ sách, công văn, giấy tờ, thư từ, khế ước, địa bạ v.v. chỉ đôi khi xen chữ Nôm nếu không thể tìm được một chữ Hán đồng nghĩa để chỉ các danh từ riêng (như tên đất, tên làng, tên người), nhưng tổng thể vẫn là văn bản Hán Việt bởi quan niệm chung của giới sĩ đại phu các triều đại bấy giờ thì cho là: "nôm na là cha mách qué". Dưới triều đại nhà Tây Sơn, do sự hậu thuẫn của Quang Trung hoàng đế, toàn bộ các văn kiện hành chính bắt buộc phải viết bằng chữ Nôm trong 24 năm, từ 1788 đến 1802. Nói cách khác, chữ Nôm là công cụ thuần Việt ghi lại lịch sử văn hoá của dân tộc trong khoảng 10 thế kỷ, mặc dù đó là công cụ còn nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật cũng như mức phổ dụng so với chữ Hán.

Sự kết thúc của chữ Nôm và Hán
Chữ Quốc ngữ xuất hiện

Chữ Nôm được dùng song song với chữ Hán cho đến thế kỷ 16 khi các nhà truyền đạo phương Tây vào Việt Nam, họ đã dùng kí tự Latinh để phiên âm tiếng Việt, và chữ Quốc ngữ dựa trên kí tự La Tinh được hình thành. Mặc dù dễ học, dễ nhớ, việc dùng chữ Quốc ngữ sau đó chỉ phổ biến trong cộng đồng giáo dân trong phạm vi ghi chép Kinh Thánh chứ không được sử dụng nhiều trong việc làm phương tiện trứ tác hay truyền đạt thông tin. Chữ Nôm vì vậy vẫn là văn tự chính trong nền văn chương Việt Nam mãi cho tới hết thế kỷ 19. Sang đầu thế kỷ 20 chính quyền Pháp cho giải thể phép thi cử chữ Nho (1915 ở Bắc Kỳ và 1919 ở Trung Kỳ) và đưa chữ Quốc ngữ lên hàng văn tự chính thức bắt đầu từ năm 1908 thì chữ Quốc ngữ mới bắt đầu thay thế chữ Nôm. Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) và Hội Truyền bá Quốc ngữ (1938) cũng như sự phát triển báo chí vào đầu thế kỷ 20 đã góp phần trong việc thâu nhận chữ Quốc ngữ là văn tự chính đáng của người Việt, khép lại thời kỳ dùng chữ Nôm để truyền đạt tư duy cùng những cảm hứng của dân tộc Việt.

Địa vị chữ Nôm lu mờ

Đơn khai sinh năm 1938 ở Bắc Kỳ có bốn dạng chữ: chữ Quốc ngữ lẫn chữ Nôm cùng dấu triện bằng tiếng Pháp và vài chữ Nho
Sau khi chữ Quốc ngữ (dùng mẫu tự Latinh) được phổ biến vào đầu thế kỷ 20, chữ Nôm dần dần mai một. Mất vị trí là phương tiện ghi chép, chữ Nôm tàn lụi dần trong bối cảnh tiến trình Âu hóa ngày càng mạnh ở Việt Nam. Được sự cổ xúy của thủ lĩnh các phong trào duy tân đương thời, chữ Quốc ngữ đã trở nên phổ biến và khẳng định chỗ đứng của nó trong hệ thống văn tự mới của dân tộc theo mô hình phương Tây, thoát khỏi ảnh hưởng Hán học. Lối văn tự đó nở rộ với phong trào Thơ mới và các sáng tác của Tự lực văn đoàn. Từ đó di sản chữ Nôm về mặt kiến thức cũng như văn tịch cổ ngày càng bị đe dọa, có nguy cơ mất hẳn. Ngày nay, ở Việt Nam và cả thế giới rất ít người còn đọc được văn bản chữ Nôm từ nguyên tác. Hậu quả là một phần quan trọng của lịch sử và văn học Việt Nam đã nằm ngoài tầm tay của 80 triệu người nói tiếng Việt.

Những cách tạo chữ Nôm
Dựa vào chữ Hán, chữ Nôm đã được hình thành bằng nhiều cách khác nhau. Trong đó, có thể tóm tắt thành 5 loại dựa vào ba yếu tố hình-âm-nghĩa như sau:

Chữ Hán được vay mượn toàn diện 100% cả hình, âm và nghĩa. Ví dụ: Hán 漢, Việt 越, tỉnh 省, thành 城.
Giữ hình và nghĩa của chữ Hán, nhưng đọc theo âm Nôm. Ví dụ: 車 xe (<車 xa); 孤 côi (< 孤 cô); 局 cuộc (< 局 cục); 餅 bánh (< 餅 bính); 家 nhà (< 家 gia); 卷 cuốn (< 卷 quyển); 刀 dao (<刀 đao); 巾 khăn (< 巾 cân); 瓦 ngói (<瓦 ngoã); 心 tim (< 心 tâm).
Giữ nguyên hình và âm của chữ Hán, nhưng đổi nghĩa. Ví dụ: 沒 một (chỉ số 1, nghĩa gốc tiếng Hán là "mai một", "mất đi"); 卒 tốt (chỉ tốt >< xấu, nghĩa gốc chữ Hán là "binh lính", "chết"); 戈 qua (nghĩa là đi qua, nghĩa gốc chỉ một loại vũ khí dài); 賒 xa (chỉ xa > < gần; nghĩa gốc là mua trả góp); 昌 xương (chỉ xương động vật, nghĩa gốc là "đẹp", "hưng thịnh"); 泊 bạc (chỉ màu trắng, nghĩa gốc là “bến”, “nơi đậu thuyền”) v.v.
Giữ hình của chữ Hán, nhưng đổi hẳn âm và nghĩa. Ví dụ: 帝 đấy (tiếng Hán là "đế", chỉ vua chúa); 固 có, đối lập với "không", (tiếng Hán là "cố", nghĩa là "vững chắc"); 羅 (罗)là (tiếng Hán đọc là "la", nghĩa là "cái võng", "cái lưới", "lụa"); 略 trước, đối lập với "sau" (âm Hán Việt là "lược", nghĩa là "sơ lược", "sơ sài", "tính toán"); 別 biết, [hiểu biết] (âm Hán là "biệt", nghĩa là cách biệt, khác biệt); 及 gặp [gặp gỡ] (âm Hán là "cập", nghĩa là "đến", "kịp tới"); 弄 sống (âm Hán là "lộng", nghĩa là "đùa giỡn"); 滝 sông (âm Hán là "lung", nghĩa là "nước chảy xiết") v.v.
Ghép hai chữ Hán với nhau. Loại này hết sức phổ biến và thường ghép một thành tố biểu âm với một thành tố biểu ý (giống như chữ hình-thanh trong Lục thư). Ví dụ: tháng = nguyệt 月 (biểu ý) + thượng 尚 (biểu âm); mắt = mục 目 (biểu ý) + mạt 末 (biểu âm), trời= thượng 上 (biểu ý) + thiên 天 (biểu âm); năm (con số) = ngũ (五 biểu ý) + nam (南 biểu âm); năm (năm tháng) = niên (年 biểu ý) + nam (南 biểu âm). Thường ghép một thành tố biểu âm với một thành tố biểu ý (giống như chữ hội ý trong Lục thư)
Thêm nét và thêm chữ Hán. Ví dụ: Bố (đối lập với mẹ) = vương 王 + bố 布 + nét giản lược của 司)
Thêm bộ thủ khác. Ví dụ: 渃 nước (thủy 氵+ nhược 若); 扜 vo [vo tròn] (thủ 扌+ vu 于). Các bộ thủ thường được dùng là: 亠﹐ 刂﹐ イ﹐ 厂﹐ 广﹐ 氵, 忄﹐ 辶﹐ 土﹐ 寸﹐ 口﹐ 巾﹐ 山﹐ 犭﹐ 子﹐ 小﹐ 女﹐ 礻﹐ 灬﹐ 木﹐ 艹﹐ 日﹐ 月﹐牛﹐ 毛﹐ 片﹐ 牙﹐ 疒﹐ 瓦﹐ 石﹐ 衤﹐ 白﹐ 目﹐ 皮 ﹐ 田﹐ 米﹐ 耳﹐ 竹﹐ 舟﹐ 羽﹐ 雨﹐ 色﹐ 耒﹐ 糸﹐ 貝﹐ 走﹐ 足﹐ 車﹐ 角﹐酉﹐ 金﹐ 風﹐ 食﹐ 髟﹐ 馬﹐ 魚﹐ 赤.
Thêm các nét nháy bên trên, bên cạnh, để chỉ một chữ có âm đọc khác biệt. Ví dụ 女< nỡ, nợ, nữa (bằng dấu < cộng với chữ 女 nữ); 馬< mỡ, mựa (dấu < cộng với chữ 馬 mã). “朱 cho (dấu “ cộng với 朱 chu); “貝 buổi (dấu “ cộng với 貝 bối)
Bớt nét của chữ Hán, đổi luôn âm và nghĩa. Ví dụ: "khệnh khạng" (đều dùng chữ "cộng" 共 bớt nét, trong đó chữ "khệnh" bỏ nét phảy ノ, chữ "khạng" ヽ bỏ nét mác). "khề khà" (đều dùng chữ "kỳ" 其, chữ "khề" bỏ nét phảy ノ, chữ "khà" bỏ nét mác ヽ).
Ngoài ra còn một số chữ được viết tắt từ chữ Hán gốc và không đổi cả âm lẫn nghĩa. Những chữ này tương đương với chữ Giản thể của Trung Quốc, nhưng cũng có nhiều chữ không trùng với chữ Giản thể do được viết tắt theo lối Nôm. Ví dụ: 风 phong (viết tắt chữ 風 phong); 万 vạn (viết tắt chữ 萬 vạn); 乙 vũ (viết tắt 雨 vũ, không phải là "ất"); り tiền (viết tắt chữ 錢 tiền).

Nhược điểm
Nhìn chung chữ Nôm thường có nhiều nét hơn, phức tạp hơn chữ Hán (do phần lớn là những chữ buộc phải ghép 2 chữ Hán lại) nên khó nhớ hơn cả chữ Hán vốn cũng đã khó nhớ. Cách đọc cũng có khi không thống nhất hoặc một chữ có thể có nhiều cách đọc, cách viết, nên có người nói rằng "chữ Nôm phải vừa đọc vừa đoán". Ngoài ra, việc "tam sao thất bản" là khó tránh khỏi, phần vì trình độ người thợ khắc chữ ngày xưa, phần vì khâu in mộc bản có chất lượng không cao (chữ bị nhòe, mất nét).
Do các thanh trong chữ Nôm nhiều hơn trong tiếng Hán nên người viết phải dùng dấu nháy [»] hoặc chữ khẩu [⁶] đặt cạnh chữ để biểu thị chữ muốn viết nên rất khó đọc.

Chữ nôm của các dân tộc khác
Ở Việt Nam, không chỉ có dân tộc Kinh chế tạo ra chữ Nôm, một vài dân tộc thiểu số khác như Tày, Dao, Ngạn, v.v. cũng tạo ra chữ Nôm dựa trên chữ Hán để lưu lại ngôn ngữ của họ[2].

Chữ Nôm Tày
Chữ Nôm Dao
"Chữ nôm" của các nước khác
Do 喃 nôm = 口 khẩu + 南 nam nên chữ "喃 nôm" trong tên gọi "chữ Nôm" thường được hiểu với ý nghĩa là "ngôn ngữ của người Nam". Tuy nhiên, nếu mở rộng khái niệm "chữ nôm" ra cho tất cả các hệ chữ được sáng tạo dựa trên chữ Hán thì có người còn gọi những chữ được các dân tộc phương bắc như Nhật Bản, Triều Tiên là "chữ nôm Nhật", "chữ nôm Triều", hay gọi những hệ thống chữ của các dân tộc thuộc Trung Quốc[3] như Tráng, Đồng, v.v. là "chữ nôm Choang", "chữ nôm Đồng", v.v.

Kokuji (国字 Quốc tự) trong hệ thống Kanji của người Nhật cũng được tạo thành từ chữ Hán để ghi lại những từ và khái niệm riêng trong tiếng Nhật. Ví dụ: 畑 hatake = 火 hoả + 田 điền, nghĩa là cánh đồng khô, để phân biệt với 田 là ruộng trồng lúa nước; 鮭 sake = 魚 ngư + 圭 khuê, nghĩa là cá hồi Nhật Bản; 瓩 kiloguramu = 瓦 ngoã + 千 thiên, nghĩa là kílô-gam. Trong hệ thống Kanji hiện đại, cũng có nhiều chữ không có trong các tự điển Trung Quốc nhưng không phải là Kokuji vì đó chỉ là cách đơn giản hoá những chữ Hán đã có sẵn theo kiểu của người Nhật. Ví dụ: 円 là giản thể của 圓 viên; 売 là giản thể của 賣 mại.


Tương tự như Kokuji của người Nhật, người Triều Tiên cũng dùng chữ Hán để tạo thành một số chữ biểu ý riêng trong hệ thống Hanja của họ. Ví dụ: 畓 dap = 水 thuỷ + 田 điền, nghĩa là ruộng nước, để phân biệt với 田 là đồng khô; 巭 bu = 功 công + 夫 phu, nghĩa là người lao động.
Chữ vuông Choang của dân tộc Tráng ở cực nam Trung Quốc được phát triển dựa trên chữ Hán và thường được so sánh với chữ Nôm của dân tộc Kinh ở Việt Nam do có nhiều điểm tương đồng giữa hai hệ thống chữ viết này[4][5]. Tuy nhiên, ngoài những cách tạo chữ tương tự với cách tạo chữ Nôm là giả tá, hình-thanh và hội ý, còn có những chữ vuông Choang được tạo ra bởi những cách sơ khai hơn là tượng hình và chỉ sự (xem Lục thư).
Tuy nhiên, cũng nên phân biệt những "chữ nôm" này với những bộ chữ biểu âm như Kana và Hangul trong tiếng Nhật và tiếng Hàn hiện đại.

Đào Duy Anh

Source Internet.

TRI KỶ


Ngày xưa có một phú ông rất thích trà, phàm là người đến nhà dùng trà, dù là người nghèo hay giàu thì ông đều sẽ sai gia nhân chiêu đãi.

Một hôm, có một tên ăn mày rách rưới đứng trước cửa, không xin cơm, chỉ xin bát trà. Gia nhân cho hắn vào nhà, đun trà cho hắn. Tên ăn mày nhìn nhìn rồi nói: “Trà không ngon”. Gia nhân nhìn hắn lấy làm lạ, rồi cũng đổi một bát trà khác ngon hơn.

Tên ăn mày ngửi ngửi, nói: “Trà này ngon, nhưng nước vẫn chưa được, phải dùng nước suối trong.” Gia nhân ngạc nhiên nhìn hắn, liền vội đi lấy nước suối cất trữ từ sáng sớm ra để pha trà.
Tên ăn mày nhấp thử một ngụm, nói: “Nước rất tốt, nhưng củi sao trà không được, củi phải dùng củi sau danh sơn. Bởi vì củi phía đón nắng của núi chất củi xốp, còn sau danh sơn kia chất củi chắc cứng.”
Gia nhân thấy người này không hề tầm thường, rất tinh thông trà đạo, liền dùng loại củi tốt đun nước pha lại trà, rồi mời lão gia ra tiếp.

Sau khi trà được mang lên, phú ông và tên ăn mày đối ẩm một bát. Tên ăn mày nói: “Ừm, bát trà lần này, nước, củi, lửa đều tốt, chỉ có ấm pha trà không ổn”. Phú ông nói: “Đây là chiếc ấm tốt nhất của ta”.
Tên ăn mày lắc đầu, cẩn thận lấy từ trong tay áo ra một ấm trà bằng đất tử sa đen bóng cao trà, đưa gia nhân pha lại trà. Phú ông vừa nhấp thử, kinh ngạc trước mùi vị ngào ngạt, mê hoặc của trà, lập tức chắp tay thi lễ: “Kính nể, ta xin mua lại chiếc ấm này. Lão cho giá đi, bao nhiêu cũng được”.

Gã ăn mày nhất định không bán, dứt khoát trả lời: “Không được, chiếc ấm này là cuộc sống của ta, ta không thể bán” rồi vội vàng rót trà ra, cất lại chiếc ấm, vội vàng bước đi Phú ông ngăn lại, nói: “Ta đổi một nửa gia sản để lấy chiếc ấm của ngươi” Tên ăn mày vẫn bước tiếp. Phú ông nôn nóng: “Ta xin đổi toàn bộ tài sản để lấy chiếc ấm của ngươi.” Tên ăn mày nghe vậy, mỉm cười nói: “Nếu không phải tôi tiếc chiếc ấm này thì cũng không lâm vào bước đường như hôm nay.” Nói xong quay mặt bỏ đi.

Phú ông sốt ruột: “Như vầy đi, ấm là của ngươi, ngươi hãy ở lại nhà ta , ta ăn gì ngươi ăn đó, nhưng có một điều kiện, chính là ngày nào cũng phải cho ta nhìn chiếc ấm, thế nào?”. Giật mình trước lời đề nghị, lão nhíu mày: cũng vì miếng ăn qua ngày mà túng quẫn, chuyện tốt như vậy sao lại không nhỉ?
Vậy là hắn ở lại. Ngày qua ngày tên ăn mày ăn cùng ở cùng phú ông, ngày ngày cùng nâng niu chiếc ấm trà, chia sẻ với nhau tâm tư, thưởng trà ẩm rượu vô cùng ăn ý. Cứ thế hơn mười năm qua đi, hai người trở thành hai lão già tri kỷ thấu hiểu nhau.

Thời gian trôi mau, phú ông và tên ăn mày cũng ngày càng già đi. Một hôm phú ông nói: “Ông già hơn tôi, không có con cháu nối dõi, không có ai thừa kế chiếc ấm trà, chi bằng một mai, khi ông khuất núi, để tôi giúp ông bảo quản, ông thấy thế nào?” Lão ăn mày rưng rưng đồng ý.

Không lâu sau, lão ăn mày thanh thản ra đi, phú ông thỏa ao ước có được chiếc ấm tử sa. Lúc đầu, ông chìm trong cảm giác vui sướng, cho đến một ngày, lúc phú ông đang ngắm nghía trên dưới trước sau chiếc ấm, đột nhiên cảm thấy bản thân như thiếu thứ gì đó, cảm thấy lẻ loi. Lúc này trước mắt ông hiện lên hình ảnh ngày trước cùng lão ăn mày vui vẻ thưởng trà. Chợt hiểu, lão lạnh lùng ném mạnh chiếc ấm xuống đất...

Theo dòng thời gian, có rất nhiều thứ đổi thay, tình nghĩa giữa lão và tên ăn mày đã vượt qua cái giá trị ban đầu của ấm trà, thứ dù có tốt đến đâu nếu không có ai cùng thưởng thức thì cũng mất đi ý nghĩa của nó, thứ đáng giá đến đâu cũng không đáng giá bằng tri kỷ.

Trong cuộc sống có được một người bạn tri kỷ là quá đủ! Đây là điều mà bao người từng trải đúc kết được! Tình tri kỷ, như một thứ ấm áp không lời, một sự đồng hành vô hình.

Tri kỷ thật sự, là hiểu, là thân thiết, là đồng điệu. Giống như một chén trà xanh, chan chát mà thấm vào tận trong tim. Có những khi chỉ cần một cái ôm, một ánh mắt, là hiểu tất cả mà không cần dùng đến lời nói; có những khi chỉ cần một đoạn tin nhắn là có thể cảm động mãi sau này.


Tri kỷ, không cần che đậy, cũng không cần giải thích, tự nó đã hiểu, tự nó cảm nhận. Không cần dốc hết sức, cũng không cần chuẩn bị, tự nó sẽ đem đến niềm vui, tự nó sẽ như ý thơ. Không tác động vào thế giới mỗi người, chỉ đồng hành trong tâm hồn; không trở ngại cuộc sống mỗi người, chỉ mang cùng tiếng nói tâm hồn.


Source Internet.

Mẹo giúp bạn ngủ ngay sau 1 phút


Tác hại của việc ngủ không đủ giấc, mất ngủ thật đáng sợ. Và bạn đang cố gắng để giúp mình có thể ngủ nhanh, ngủ sâu hơn thì hãy làm theo cách sau:
Theo Daily Mail, tiến sĩ Andrew Weil vừa đưa ra kỹ thuật thở 4-7-8, đây được coi là một liều thuốc an thần giúp giảm căng thẳng, có thể ngủ sâu trong 60 giây mà không cần dùng thuốc.
Cách thực hiện phương pháp này khá đơn giản, không tiêu tốn thời gian của bạn mà hiệu quả thì thật tuyệt, tất cả mọi người đều có thể áp dụng.
Phương pháp này sẽ giúp bạn tăng lượng oxy đến phổi, giúp hệ thần kinh thư giãn, tăng khả năng giữ binhg tĩnh và giúp bạn đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng.
Các bước thực hiện:
– Thở ra hoàn toàn (bằng miệng)
– Ngậm miệng và hít vào bằng mũi, đồng thời đếm từ 1-4.
– Giữ hơi thở của bạn trong khi nhẩm đếm từ 1-7.
– Thở ra hoàn toàn bằng miệng và nhẩm đếm 1-8.
– Tiếp tục lặp lại các bước hít vào thở ra theo quy trình trên.
Bạn nên thực hiện cách hít thở 4-7-8 này 2 lần mỗi tối trước khi đi ngủ trong vòng từ 6-8 tuần, khi bạn đã thành thục và cơ thể quen với cách thức thả lỏng này bạn sẽ dễ dàng chìm sâu vào giấc ngủ chỉ sau 1 phút.
Lưu ý: Khi thực hiện hoạt động hít thở 4-7-8 này bạn chỉ được thở ra bằng miệng, hít vào bằng mũi, giữ nguyên vị trí lưỡi và tuân thủ đúng nguyên tắc nín thở.
Nguồn: http://soha.vn/song-khoe/tri-mat-ngu-meo-giup-ban-ngu-ngay-sau-1-phut-2015051811210431.htm


Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

NỬA NĂM TIÊN CẢNH, MỘT BƯỚC TRẦN AI…










“NỬA NĂM TIÊN CẢNH,

MỘT BƯỚC TRẦN AI…”










Kho truyện truyền kì Trung Hoa xưa cũng như của ta không hiếm truyện thần tiên, trong đó có những truyện kể người may mắn lạc vào cõi tiên, lấy vợ tiên; riêng nước ta có mấy truyện thuộc đề tài này như “Bích câu kì ngộ, Từ Thức…”
Truyện Từ Thức lấy vợ tiên vốn là truyện dân gian, được Nguyễn Dư (1) chép lại trong Truyền kì mạn lục. Truyện viết bằng chữ Hán (Từ Thức tiên hôn lục), vừa kể sự tích vừa thi vị hóa các tình tiết bằng cách đan xen vào nhiều bài thơ. Có thể lược dịch truyện như sau:
Từ Thức làm Tri huyện Tiên Du (Bắc Ninh) đời Trần Thuận Tông. Cạnh huyện có ngôi chùa trồng một cây mẫu đơn hoa nở tuyệt đẹp. Tháng 2 năm Bính tý (2) người đến xem hoa đông như hội. Có cô gái, nhan sắc xinh đẹp đến xem hoa, vin cành làm hoa gãy, bị người coi hoa bắt giữ. Trời đã tối vẫn không ai đến nhận. Từ Thức gán tấm áo cừu đang mặc cứu người con gái ấy. Cô gái từ tạ cảm ơn nghĩa mà về.
Từ tính hào sảng, thích đàn, ham thơ, bê trễ việc công, thường bị quan trên quở trách bèn trả ấn từ quan. Vì yêu cảnh thiên nhiên ở Tống Sơn nên làm nhà ở tại đấy lại thường đem một tiểu đồng mang theo bầu rượu, túi thơ ngao du sơn thủy. Một hôm dậy sớm trông ra bể Thần Phù bỗng thấy ở phía xa có đám mây ngũ sắc đùn lên kết lại như một đóa hoa sen mọc lên giữa biển, vội chèo thuyền ra thì thấy một trái núi rất đẹp. Từ kinh ngạc bảo lái thuyền rằng:
- Ta đã từng lênh đênh giang hồ, thắng cảnh miền đông nam mà nay không biết trái núi này từ đâu lại mọc ra trước mắt, có phải là non tiên rụng xuống, vết thần hiện ra ở đây chăng? Sao trước không mà nay lại có?
Bèn buộc thuyền lên bờ thì thấy những vách đá cao vút nghìn trượng, sừng sững đứng thẳng, nếu không có cánh thì chưa chắc đã lên được. Từ đến vách núi đề thơ rồi trông ngắm ngẩn ngơ. Chợt thấy vách đá nứt toác ra một lối đi. Vén áo đi vào, vừa được mấy bước thì cửa hang đã đóng sập lại tối tăm mù mịt. Bụng nghĩ không còn thể nào sống được nữa, lấy tay sờ soạng lối rêu, thấy có đường hẹp uốn quanh bèn đi mò độ hơn một dặm thì thấy có đường đi lên. Bám víu trèo lên cao; dường mỗi lúc một rộng thêm và thấy cả khoảng trời xanh, lại thấy cả một vùng toàn là những lâu đài nguy nga, mây xanh ráng đỏ, kì hoa dị thảo nở đầy trước cửa. Bỗng có hai người con gái áo xanh trông thấy Từ bảo nhau rằng:
- Lang quân nhà ta đã đến!  Đoạn vội vã chạy vào báo tin; một lúc đi ra nói:
- Phu nhân chúng tôi sai mời chàng vào chơi.
Sinh đi theo họ vào, vòng quanh bức tường gấm đến cửa son, thấy những tòa cung điện bằng bạc sừng sững, có tấm biển đề: " Quỳnh Hư điện", " Dao Quang các". Từ lên điện thấy có bà tiên áo trắng, ngồi trên giường thất bảo bên cạnh có chiếc giường nhỏ bằng gỗ đàn hương, mời Sinh lên ngồi và bảo rằng:
- Tính hiếu kỳ của chàng đã thành. Chuyến đi chơi này khiến chàng thỏa nguyện bình sinh. Nhưng mối duyên gặp gỡ cũ chàng còn nhớ gì không?
Từ thưa rằng:
- Tôi là một kẻ dật sĩ ở Tống Sơn. Một cánh buồm gió, một lá thuyền nan, phóng lãng giang hồ thích đâu đến đấy. Nào có biết chốn này lại có Tử Phủ Thanh Đô! Lần lên được tới đây, chẳng khác đã mọc cánh mà bay lên đến cõi tiên vậy; song lòng trần mờ tối, chưa biết tiền đồ ra làm sao. Dám xin chỉ bảo cho được biết.
Bà tiên cười bảo:
Chàng biết sao được. Đây là núi Phù Lai, động tiên thứ 6 trong 36 động, bồng bềnh trên biển, như hai núi La Phù tan hợp theo sóng rợn; mà ta là Ngụy phu nhân, địa tiên ở Nam nhạc, thấy chàng là người cao nghĩa sẵn lòng cứu giúp sự nguy khốn cho người, nên mới làm phiền mà mời chàng đến đây.
Bà đưa mắt bảo con hầu gọi ra một tiên nữ. Từ lén nhìn thì ra đây chính là người làm gãy cành hoa ngày trước.
Bà tiên trỏ và bảo rằng:
- Đứa con tôi đây tên là Giáng Hương, ngày trước gặp nạn khi đi xem hoa, nhờ chàng cứu giúp, ơn ấy khôn quên, nay muốn cho nó kết duyên để báo đền ơn trước.
Ngay đêm ấy cho đốt đèn mỡ phượng, rải đệm rồng vàng, để hai người làm lễ giao bái. Hôm sau quần tiên đến mừng, có người mặc áo gấm cưỡi con ly từ đàng bắc xuống, có người bận xiêm lụa cưỡi rồng từ phía nam lên, có người đi kiệu ngọc, có người cưỡi xe gió, đồng thời đến họp. Tiệc yến đặt ở từng thượng trên gác Dao Quang, buông rèm câu ngọc, rủ trướng móc vàng, phía trước đặt một cái ghế bành bằng ngọc lưu ly mà để không. Quần tiên vái chào nhau rồi cùng ngồi ở những ghế bên tả; Từ Thức thì ngồi ở giường bên hữu. Ngồi xong, có tiếng truyền hô là Kim Tiên đã đến, mọi người đều bước xuống đón cúi lạy chào. Đoạn lên gác tấu nhạc. Tiệc bày mâm bằng mã não, đĩa bằng ngọc thạch, các món ăn đều rất kỳ lạ, lại có những thứ rượu kim tương, ngọc lễ, mùi hương đưa lên thơm nức, dưới trần không bao giờ có được như vậy…Rồi có những người trẻ nhỏ, chia ra từng lớp mà múa điệu Lăng Ba…
Phu nhân mời tiệc. Giáng Hương rót rượu… Mọi người cùng nhập tiệc rất vui vẻ.
Rồi mặt trời gác núi, khách khứa đều giải tán cả. Từ đùa bảo Giáng Hương rằng:
- Thì ra tất cả các cõi trời đều có chuyện phối ngẫu cả. Cho nên ả Chức Nữ lấy chàng Ngưu Lang, nàng Thượng Nguyên tìm chàng Phong Trắc, Tăng Nhụ có bài ký Chu Tần, Quần Ngọc có bài thơ Hoàng Lăng, cảnh khác nhưng tình cũng giống nhau, nghìn xưa vẫn thế. Nay quần tiên ai về chỗ nấy, sống trong cảnh quạnh quẽ cô liêu, đó là vì lòng vật dục không nẩy sinh, hay là cũng có nhưng phải gượng đè nén?
Nàng đổi sắc mặt nói:
Mấy người ấy là khí huyền nguyên, là tính chân nhất, thân hầu cửa tía, tên ghi đền vàng, ở thì ở phủ thanh hư, chơi thì chơi miền sung mạc, không cần gạn mà lòng tự trong, không cần lấp mà đục vẫn lặng. Không như thiếp bảy tình chưa sạch, trăm cảm dễ sinh, mình ở phủ tía nhưng lụy vướng duyên trần, thân ở đền quỳnh mà lòng theo cõi dục; chàng đừng nên nhân một mình thiếp mà cho tất cả quần tiên đều thế.
Từ nói:
Nếu thế thì em còn thua các tiên kia xa lắm.
Vợ chồng cùng vỗ tay cả cười...
Thấm thoát đà một năm trôi qua. Những sáng sương sa, những đêm trăng sáng, tiếng thủy triều nghe vẳng đầu giường, đối cảnh chạnh lòng, một mối buồn bâng khuâng khiến Từ không sao ngủ được. Một hôm trông ra bể, thấy một chiếc thuyền buồm đi về phương Nam. Từ trỏ bảo Giáng Hương rằng:
Nhà tôi đi về phía kia kìa, song biển cả trời xa, chẳng biết là ở tận đâu. 
Rồi nhân lúc rỗi, chàng nói với nàng rằng:
- Tôi bước khách bơ vơ, lòng quê bịn rịn, lệ hoa thánh thót, lòng cỏ héo hon, dám xin thể tình mà cho được tạm về một chuyến, chẳng hay ý nàng nghĩ thế nào?
- Giáng Hương bùi ngùi không nỡ dứt. Từ lang nói:
Tôi xin hẹn trong một thời kỳ bao nhiêu lâu, để về cho bạn bè gặp mặt và thu xếp việc nhà cho yên, sẽ lại đến đây để với nàng cùng già ở chốn làng mây bến nước.
Giáng Hương khóc mà nói:
- Thiếp chẳng dám vì tình phu phụ mà ngăn cản tình quê hương của chàng. Song cõi trần nhỏ hẹp, kiếp trần ngắn ngủi, dù nay chàng về nhưng chỉ e liễu sân hoa vườn, không còn đâu cảnh tượng như ngày trước nữa.
Nàng bèn thưa với phu nhân, phu nhân nói:
- Không ngờ chàng lại nặng lòng trần như vậy. 
Nhân cho một cỗ xe cẩm vân để chàng cưỡi về. Nàng cũng đưa cho chàng một bức thư viết vào lụa mà nói:
- Ngày khác trông thấy vật này, xin đừng quên mối tình ngày cũ.
Rồi tràn nước mắt mà chia biệt.
Chàng đi chỉ thoắt chốc đã về đến nhà, thì thấy vật đổi sao dời, thành quách nhân gian, hết thảy đều không như trước nữa, duy có những cảnh núi khe là vẫn không thay đổi sắc biếc mầu xanh thủa nọ. Bèn đem tên họ mình hỏi thăm những người già cả thì thấy có người nói:
Thuở bé tôi nghe nói ông cụ tam đại nhà tôi cũng cùng tên họ như ông, đi vào núi mất đến nay đã hơn 80 năm, nay đã là năm thứ 5 niên hiệu Diên Ninh (3) là đời ông vua thứ ba của triều Lê rồi.
Chàng bấy giờ mới hậm hực bùi ngùi; muốn lại lên xe mây để đi, nhưng xe đã hóa làm một con chim loan mà bay mất. Mở thư ra đọc, thấy có câu: "Kết lứa phượng ở trong mây, duyên xưa đã hết, tìm non tiên ở trên bể dịp khác còn đâu!" mới biết là Giáng Hương đã nói trước với mình những lời ly biệt. Chàng bèn mặc áo cừu nhẹ, đội nón lá ngắn, vào núi Hoành Sơn, rồi sau không biết đi đâu mất. 
Chuyện Từ Thức vừa là truyền thuyết lại vừa là cổ tích (4) bởi dấu vết xưa còn lại đến nay là động Từ Thức ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Động có 2 phần, phần ngoài giống như một chiếc bát úp khổng lồ trên nền đá phẳng. Nơi đây còn dấu tích đền thờ Từ Thức, phần sau gồm nhiều hang động khác được mệnh danh là các kho: kho tiền có những lớp thạch nhũ xanh hình tròn từng lớp chồng lên nhau, kho vàng là những thỏi đá óng ánh mầu vàng, kho muối là một quần thể thạch nhũ bé, trắng toát, kho gạo có những hòn đá mịn màu nâu bạc kết lại với nhau. Vào trong, một cổ tam sinh có đủ trâu, dê, lợn, một mâm cỗ giống như mâm ngũ quả bằng đá. Càng vào sâu, lòng động rộng thêm; nơi đây tương truyền còn dấu tích buồng tắm của Giáng Hương và thư phòng của Từ Thức bằng đá với những khối thạch nhũ chảy xuống tạo nên những bông hoa, những quả đào tiên, vầng trăng và có cả những đôi chim, những thanh đá gõ vào phát ra âm thanh như chuông… Sâu hơn nữa có 2 dấu chân người in vào đá từ bao giờ, tương truyền là dấu chân Từ Thức. Một vài nụ đá xinh xắn và một vài đường nét trên một mặt đá phẳng tạo thành bàn cờ tiên. Cuộc tình huyền thoại Từ Thức-Giáng Hương được tưởng tượng bằng ''đôi gò bồng đảo'' bên một vũng nước trong suốt có thể nhìn thấy những hòn đá dưới đáy được cho là giếng tiên; ngày xưa Giáng Hương từng tắm nơi đây. Một dải đá màu lục lốm đốm và một dải đá có những hình thù như ếch nhái được cho là ao bèo trong sự tưởng nhớ quê hương của Từ Thức. Cuối những hang động này có một ngã rẽ, tương truyền là đường lên tiên của Từ Thức. Tại đây có quán nghỉ chân bằng đá với những mắc treo áo, mũ bằng đá. Bên cạnh ''đường lên tiên'' lại có một ngã rẽ sâu xuống theo đường xoáy ốc hun hút gọi là đường xuống Địa ngục. Sau lưng động là núi Thần Phù, hang Dơi... 
Văn hóa nước ta và Trung Quốc rất gần nhau nên truyện Từ Thức lấy vợ tiên có nhiều nét giống với truyện Lưu - Nguyễn nhập Thiên Thai:
Đời Hán Minh Đế, niên hiệu Vĩnh Bình (năm 62), Lưu Thần và Nguyễn Triệu là nông dân ở huyện Diệm vào núi Thiên Thai (5) hái thuốc bị lạc không tìm được đường về, suốt mười ba ngày phải ăn những quả đào hái được trên núi để cầm hơi. Bỗng nhiên hai chàng chợt nhìn thấy giữa khe núi trôi một bát cơm vừng. Hết sức mừng rỡ vì chắc chắn có thôn xóm ở gần đây, hai chàng cùng men theo dòng suối đi lên vài dặm thốt nhiên thấy bên bờ suối có hai cô gái nhan sắc tuyệt trần cùng bước ra nghênh tiếp. Hai cô cùng cười và đồng thanh gọi:
- Lưu, Nguyễn hai vị lang quân, xin hãy mang trả chén cho chúng thiếp.
Trong nỗi vui mừng, hai nàng lại có vẻ như hờn giận:
- Cớ sao hai chàng lại đến muộn thế?
Hai nàng mời Lưu Nguyễn cùng về. Nhà lợp ngói trúc, che trướng lụa hồng, trang trí cực kì hoa mỹ, bên trong đặt hai giường lớn, lại có đến mười thị nữ đứng hầu.
Hai nàng cho người làm cơm; chớp mắt đã thấy cơm vừng, nem dê núi, thịt trâu non dọn lên cùng với bao nhiêu là mỹ tửu… Chợt một đoàn thiếu nữ bưng đào tiên đến đồng thanh chúc mừng hai vị tân lang. Nhã nhạc tấu lên cùng rượu mừng. Lưu Nguyễn vừa mừng vừa sợ.
Tiếp đến là những ngày hoan lạc. Lời dịu dàng, êm ái của các nàng tiên khiến hai chàng quên hết chuyện trở về.
Mười ngày trôi qua, hai chàng lại ngỏ ý muốn về quê. Các tiên nữ cùng kể cho hai chàng về mối phúc duyên nhờ khéo tu ngày trước mà nay lên được cõi tiên; xin chớ nên mê muội mà vội quay về.
Thấm thoắt đông qua, xuân lại, trăm chim đua hót khiến hai chàng càng thêm nỗi sầu nhớ cố hương. Sau mấy lần khẩn cầu, các tiên nữ biết không thể giữ hai chàng được nữa, đành phải tấu nhạc vũ, thiết yến tiễn hai chàng xuống núi, chỉ đường về.
Lưu, Nguyễn về đến làng thôn thì thấy cảnh vật đã thay đổi hết; đem tên họ mình hỏi đến những trai trẻ, thảy đều không biết; may thay có được một người nghe ra và nhận mình là cháu bảy đời rồi kể rằng ngày trước có nghe cha ông kể về cụ viễn tổ lên núi hái thuốc không thấy trở về…(6)
Hai truyện trên của ta và Trung Hoa có nhiều điểm giống nhưng cũng có nhiều khác biệt. Truyện Từ Thức tuy xuất xứ là truyền thuyết dân gian song đã qua quá trình trước tác của nhà văn, việc tạo nên ngôn ngữ tính cách nhân vật, cách bố trí tình tiết… được cách điệu nhiều, trở nên hoa mĩ hơn so với truyện Lưu Nguyễn. Xuất thân nhân vật trong hai truyện cũng khác : Từ Thức là nho sinh trong khi Lưu Nguyễn chỉ là hai nông dân. Tuy vậy nếu xét số lượng thì truyện truyền kì Bồng Lai tiên cảnh Trung Hoa có nhiều hơn ta. Ngoài truyện Lưu Nguyễn, họ còn vô số những chuyện kể về thần tiên giao tiếp với người. Nguồn gốc truyện bắt nguồn từ thượng cổ:
Sơn Hải Kinh (7), cuốn sách địa lý thần thoại thời cổ đại của Trung Quốc đã nói đến những vùng đất xa xôi có tiên ở.
 
Sách Liệt Tử -Xung Hư Chân Kinh cũng đã mô tả Bồng Lai như sau: “Phía đông của Bột Hải, không biết là xa bao nhiêu dặm, có một vùng nước lớn. Đó là một vùng trũng không đáy. Bởi không có đáy nên nó được gọi là Quy Khư. Nước từ tám phương trời và chín vùng đất cùng nước sông Ngân Hà đều đổ vào nơi này, thế mà nước ở đấy chẳng tăng chẳng giảm. Ở nơi này có 5 ngọn núi. Ngọn thứ nhất tên là Đại Dư, ngọn thứ hai là Viên Kiều, ngọn thứ ba là Phương Hồ, ngọn thứ tư là Doanh Châu, và ngọn thứ năm là Bồng Lai. Các núi này cao 30.000 dặm, và chu vi 30.000 dặm. Đỉnh núi là vùng bằng phẳng, có đường kính 9.000 dặm. Các núi cách nhau 70.000 dặm, là nơi dân cư ở. Những đền đài và đạo quán trên đỉnh núi thì bằng vàng và ngọc. Cầm thú ở đó có màu trắng tinh khiết. Cây cối bằng ngọc trai và san hô. Hoa trái có vị thơm ngon dễ chịu. Ai mà ăn được hoa quả ấy sẽ không già và không chết… 
Khoảng thế kỉ thứ 6 TCN, tư tưởng Đạo gia của Lão Tử (8) muốn loài người quay về cuộc sống tự nhiên. Đạo đức kinh của Lão Tử đã mô tả một cõi tiên ở trần thế với cuộc sống của một “tiểu quốc quả dân”, một xứ sở lý tưởng, an bình, no ấm, không có áp bức, không giành giật, cạnh tranh, ở đó mọi người có thể “ăn món ngon của mình, mặc đẹp y phục của mình, vui với phong tục mình, yên vui nơi mình ở. Lân bang có thể trông thấy nhau…” (9)Tin vào các thư tịch cổ đầy huyền thoại ấy, nhiều vua Trung Hoa đã dày công tìm kiếm cõi tiên.
Kể từ các đời vua Uy Vương, Tuyên Vương, Chiêu Vương của nước Yên (311-279 TCN), nhiều chuyến hải hành đã được tổ chức để tìm đảo Bồng Lai (10), Đời Tần (221-206 TCN), Tần Thủy Hoàng là bạo chúa nhưng cũng mơ tưởngchân nhân của tiên giới. Sử Ký Tư Mã Thiên-Tần Thủy Hoàng bản kỷ có chép việc Lư Sinh được Thủy Hoàng giao bao nhiêu là vàng bạc, đóng tàu ra biển tìm đảo Bồng Lai, mong gặp chân nhân để được thuốc trường sinh. Thủy Hoàng nói với Lư Sinh: - Ta rất thích bậc "chân nhân"; và từ đó tự coi là "chân nhân" chứ không gọi là "trẫm"...
Đến đời Đông Tấn, Đào Tiềm viết Đào hoa nguyên ký (11) kể chuyện người đánh cá Vũ Lăng tình cờ đến được Đào nguyên. Ở đây cách biệt hẳn với ngoài, cây cỏ tốt tươi, đời sống an bình, trẻ già đều hớn hở vui vẻ. Người đánh cá ở lại vài hôm rồi theo đường cũ trở về. Thời gian sau trở lại, tìm những chỗ trước đã đánh dấu, nhưng mơ hồ, không còn thấy đâu nữa.
Sự thực thì Đào hoa nguyên kí và Đào hoa nguyên thi của Đào Tiềm là tác phẩm giàu chất văn chương, mô phỏng, thi vị hóa truyền thuyết dân gian về cõi tiên đã có từ xa xưa để nói lên ước nguyện muốn thoát khỏi cảnh đời chật hẹp.
Ở nước ta, Lê Thánh Tông, vị vua giỏi thơ nôm cũng đã viết đến 10 bài thơ về Lưu Nguyễn gặp tiên; riêng với tựa đề “Tiên nữ tiễn Lưu Nguyễn”, vua đã làm đến 4 bài thơ nôm khác nhau. Sang thế kỉ XX, có “Hai tiên nữ nhớ Lưu Nguyễn” của Bích Khê, ”Đào nguyên lạc lối” của Vũ Hoàng Chương và đặc biệt nhất là “Thiên Thai” của Văn Cao: bài hát đã biến hóa truyện Lưu Nguyễn xưa thành khúc nhạc tuyệt vời cùng lời ca đầy trăng đầy hoa và đầy mộng.
Đọc Lưu Nguyễn nhập Thiên ThaiTừ Thức tiên hôn lục, nghe bài hát Thiên Thai của Văn Cao… ta cũng không thể không nhớ đến Tống biệt của Tản Đà. Không ai tả cảnh tiên, tả cảnh chia tay bịn rịn, tả nỗi ngẩn ngơ của Lưu, Nguyễn, của Từ Thức… khi trở lại trần gian hay như Tản Đà:
Lá đào rơi rắc lối Thiên thai,
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi.
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai.
Ước cũ, duyên thừa có thế thôị
Đá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, huê trôi,
Caí hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ nay xa cách mãi.
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
Đọc truyện truyền kì Bồng Lai tiên cảnh, nghe khúc nhạc Thiên Thai, ngâm bài thơ Tống biệt mấy ai không bâng khuâng vơ vẩn. Phải chăng truyện, thơ, ca… đã đưa con người về nơi huyền ảo, làm dịu đi bao nỗi nhọc nhằn trần thế ? Một lối thoát cho tâm lí loài người ? Giữa chốn trần ai luôn đau đớn khổ ải, luôn đấu tranh giành giật… tự nghìn xưa, con người vẫn thường mơ về chốn thần tiên - ở đó cuộc sống bình an không còn nhọc nhằn, phiền não, không có tuổi già, bệnh tật, ốm đau, chết chóc…
---------------------------------
CHÚ THÍCH:
(1) Dương Quảng Hàm trong Việt Nam thi văn hợp tuyển ghi tên tác giả Truyền kì mạn lục là 阮 璵; chữ này đọc là Nguyễn Dư ( 以 諸
魚 韻 : Dĩ chư thiết, ngư vận - Từ nguyên tự điển ) chứ không đọc là Nguyễn Dữ như nhiều sách, kể cả sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành. Chữ Dư 璵 vốn có nghĩa rất đẹp: tên một loại ngọc quí.
Theo TS. Nguyễn Đăng Na và một số học giả thì tác giả Truyền kì mạn lục là 阮 嶼 (Nguyễn Tự) .
(2) năm 1396.
(3) năm 1458.
Truyện có nêu chi tiết khi Từ Thức về làng cũ “đem tên họ mình hỏi thăm những người già cả thì thấy có người nói: Thuở bé tôi nghe nói ông cụ tam đại nhà tôi cũng cùng tên họ như ông, đi vào núi mất đến nay đã hơn 80 năm”. Điều này không khớp với 2 thời điểm được Nguyễn Dữ ghi cụ thể trước đó: Từ Thức gặp Giáng Hương năm Bính tý, đời Trần Thuận Tông (1396) sau đó lên tiên rồi trở lại trần thế vào năm thứ 5 niên hiệu Diên Ninh triều Lê (1458) như vậy tính được chỉ có 62 năm. Vậy có lẽ Nguyễn Dư đã nhầm về các khoảng thời gian giữa các triều đại.
(4) Tích 跡 : dấu vết. Cổ tích 古 跡 : dấu vết xưa.
(5) Thiên Thai vốn là tên một ngọn núi ở huyện Thiên thai, Triết Giang, Trung Quốc.
(6) Dịch từ “Dân gian truyền thuyết - Lưu Thần, Nguyễn Triệu ngộ tiên kí - Đào nguyên xuân hiểu” - Biên tập: Tuyết Đạt Vân” (民间传说;刘晨阮肇遇仙记 桃源春晓编辑:雪达云http://www.tt1890.com ).
(7) Sơn Hải Kinh được mệnh danh là là “Bách khoa toàn thư thời cổ ” của Trung Quốc: vừa kể chuyện thần thoại với hàng loạt quái thú kỳ dị vừa bàn về địa lý, động thực vật, khoáng vật, vu thuật, tôn giáo, cổ sử, y dược, tập tục, dân tộc thời kỳ cổ đại. Sơn Hải Kinh nguyên bản có hình vẽ mô tả, gọi là “Sơn Hải Đồ Kinh”; bản này đến đời Ngụy Tấn thì thất truyền. Về tác giả và thời gian hoàn thành Sơn Hải Kinh: nay chưa xác định được; trước thì cho rằng do Bá Ích và Đại Vũ làm, nhưng hiện giờ các học giả Trung Quốc cho rằng sách này được được viết vào khoảng từ thời Chiến Quốc cho đến đầu thời Hán bởi nhiều tác giả khác nhau.
(8) Đạo gia là trường phái tư tưởng của Lão tử và Trang tử, hai triết gia lớn trong bách gia chư tử đời Tiên Tần, sau trở thành một tôn giáo trong tam giáo (Nho, Phật, Đạo) của Á đông. Đạo gia có hình thành một chi nhánh do các đạo sĩ chuyên luyện đan và tu để thành tiên.
(9) Lão Tử - Đạo đức kinh; chương 80.
(10) Theo Sơn Hải kinh, núi Bồng Lai (蓬萊) nằm trên một hòn đảo ở rìa phía đông của Bột Hải, cùng với 4 đảo khác trên đó có tiên ở gọi là Phưong Trượng ,Doanh ChâuĐại Dư và Viên Kiều .
Hiện nay thành phố Bồng Lai thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, nơi này vẫn tự hào về truyền thuyết xưa và tuyên bố rằng đây là điểm đến của Bát Tiên. Một số người lại cho rằng núi Bồng Lai nổi tiếng vì từ trên núi có thể nhìn thấy được các ảo ảnh thường xuyên xảy ra trên biển. Một thuyết khác do Nghĩa Sở thời Hậu Chu cho là hòn đảo truyền thuyết này chính là Nhật Bản, trong đó núi Bồng Lai chính là núi Phú Sĩ.
(11) “Đào hoa nguyên kí” là bài tựa ở đầu tập thơ “Đào hoa nguyên thi” của Đào Tiềm.

Source: http://newvietart.com/

Số Mạng

TRẦN HỮU HỘI


- Chú Trứ có tin con người ta sống hay chết đều do số mạng không?
Tiếng gió rít từng hối trên ngọn dương liễu bên ngoài cùng với cơn mưa rã rich giữa khuya, trong biệt giam tối và lạnh làm cho câu hỏi của Tưởng như có gì huyển hoặc xa vời.
Tưởng lớn hơn Trứ chừng sáu tuổi, bị tội buôn, trộm và mổ bò lậu, lãnh án ba năm, ở trong Trại giam Phan Thiết hai năm nay rồi. Gần đây, bắt được một vụ trộm bò ở Ninh Thuận, khai ra có lên can với Tưởng trong những vụ trước. Anh lại bị đưa về Ninh Thuận để làm việc.
Tưởng không hề trộm bò, anh chỉ chuyên mổ bò. Trong căn phòng nhỏ cỡ bốn mét vuông, một đêm anh có thể mổ sáu con, các mối chở xương và thịt đi, sáng ra là đã được dọn sạch phi tang. Tưởng ở chung phòng biết giam với Trứ cả tháng nay.
- Ý anh là sao?
- Nghĩa là khi cái số mình chưa tận, thì cho dù có bỏ trong lu, lấy búa tạ mà đập thì cũng không chết!
Trứ cười, anh cũng thường nghe nói đến số mệnh, không riêng gì chuyện sống, chết, mà giàu nghèo, sang hèn, sướng khổ…đều có số định sẵn. Nghe thì nghe thế nhưng do tuổi tác còn trẻ, anh ít quan tâm. Giờ đột nhiên nghe hỏi, cũng chẳng biết sao mà trả lời:
- Tôi có nghe nói nhiều nhưng vu vơ, mơ mơ hồ hồ, bản thân thì mới hai sáu tuổi đầu chưa có gì gọi là kinh nghiệm về chuyện này nên nói không tin thì không phải, mà tin một cách chắc chắn cũng không!
- Tôi thì tôi tin vì ngay chính bản thân tôi, mấy lần tưởng tiêu đời rồi nhưng cuối cùng vẫn cứ sống nhăn!
- Có ai đó bỏ anh vô lu mà đập bằng búa tạ à?!
- Hà hà, bỏ vô lu thì chưa, nhưng bắn và bỏ cho chết đói thì có rồi!
- Anh Tưởng kể đi.
- Ừ, thì kể.
oOo

- Chừng hai mươi ngày sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi mới hai mươi hai tuổi. Hồi tới tuổi lính, tôi vào Địa Phương Quân, binh nhì, bốn năm lính, tôi trình diện ủy ban quân quản với cấp bậc hạ sĩ. Không biết chọn lựa theo công tội thế nào mà có một sồ cho học tập tại nhà, một số phải đi tới trại.
Hôm tập trung trình diện, cán bộ quân quản thông báo đi cải tạo, học tập chính sách và đi ngay, ai cũng hoảng là lo. Cán bộ nói là trại gần, thân nhân sẽ đem đồ dùng đến sau. Hai bộ đội chính quy cùng hai thằng du kích, người trong xã, dẩn đám ngụy quân, ngụy quyền chúng tôi chừng ba mươi lăm người lên trại, cách nhà chừng mười cây số, đi hàng một. Lính gồm những thằng tre trẻ như tôi, một vài người hơi lớn chừng bốn mươi, bồn lăm. Các bác được gọi là ngụy quyền thì lớn hơn, già không hà, gồm trưởng thôn, mấy ông trong ban đại diện xã…
Đi được chừng năm cây số thì bác trưởng thôn quay lại xin nước uống. Anh lính đi sau bác không có, tôi may có cái bình hai lít mẹ tôi đưa cho hồi sáng, tôi đưa cho anh lính chuyền cho bác. Uống thì phải dừng lại, bác ấy đang dốc cái bình lên miệng thì thằng du kích, nó cũng là người trong xã nhưng thoát ly đâu từ lâu nên lạ, tống một báng súng ngay bụng làm bác ấy gập người xuống, cái bình rơi ra xa, tôi bước tới cúi xuống đinh nhặt thì bị nó cho một đá ngay mông chúi người tới trước. Tuy là lính Địa Phương Quân, một binh chủng thuộc loại hiền nhưng tôi ba gai cũng chẳng thua ai. Máu bốc lên đầu, định chụp cây súng của nó nhưng Bác trưởng thôn và mấy anh em ôm tôi lại…Tụi tôi đi tiếp nhưng nó cứ hầm hè, còn tôi thì chẳng ngán, lườm lại nó. Một bộ đội chính quy đi lên ngang nó rồi bảo nó đi lùi ra sau, anh ta đi vào vị trí của nó. Chiều thì đến trại. Rất đông người đến trước đã dựng lều lán lúc nào rồi, vùng này mất an ninh từ lâu, thỉnh thoảng đơn vị tôi có vào hành quân và choảng nhau nơi này.
Chúng tôi được chia ra, chiều tối, khi các tổ đến trước đi lao động về, sắp hàng điểm danh và chúng tôi cùng theo họ vào lán trại, tôi cùng hai người nữa, vào một tổ mới mà tổ trưởng là một người cao to, da đen, có vẻ là sĩ quan chế độ cũ. Mấy người mới chúng tôi được nằm gần nhau, Bác thôn trưởng cũng được chia ở cùng tôi. Lán vẫn còn rộng rinh, chắc là còn nhiều người sẽ đến.
Sáng ra, tôi cùng những người mới đi làm việc với những anh em đến trước. Chiều về, lúc sắp hàng điểm danh trước khi vào lán, tôi thấy thằng du kích hôm trước đi nhìn từng người, hắn thấy tôi và bác trưởng thôn đúng gần nhau, mắt hắn trường trừng nhìn tôi rồi lặng lẽ đi về cuối trại.
Tối lại, nằm bên tôi, bác thôn trưởng, lúc này tôi đã biết tên bác vì khi điểm danh nghe hô Trương Quang Cần. nghiêng qua thì thầm:
- Cháu nên tách xa bác ra, bác sợ cháu bị liên lụy!
- Sao vậy bác?
- Thằng du kích đó, nó thù bác, sẽ kiếm cách trả thù.
- Vì sao nó thù bác?
- Nó là cháu bên vợ bác, cha nó chết sớm, lêu lỏng ăn chơi chẳng chịu học hành làm ăn gì. Cách nay chừng hai năm, cảnh sát bắt nó vì tội đánh lộn, phá phách trong quán bida. Mẹ nó đến khóc lóc nhờ bác, bác đến Cuộc cảnh sát khuyên lơn nó, cũng hăm he cho nó sợ rối bảo lãnh cho nó về. Mấy ngày sau, nó cùng hai thằng bạn giữa đêm vào nhà đánh bác rồi phá phách lung tung. Bác chưa làm gì thì cả ba thằng biến mất. Nó nghỉ là bác đã cho cảnh sát bắt nó!
Cuộc cảnh sát cho biết là chúng vào rừng theo Việt Cộng.
Tính tôi ngang, đã vậy tôi cũng không ngán, cứ ở gần bác Cần. Gia đình thăm nuôi có gì chúng tôi gom lại ăn chung. Bác nhắc lại hoài chuyện tách xa bác nhưng tôi gạt ngang:
- Ngán gì bác, chẳng lẻ nó bắn chết mình!
Tưởng đâu chừng một tháng hay tháng rưởi chi là được về, ai dè hơn hai tháng vẫn chưa nghe động tỉnh gì. Vài ngày lại có một số lên xe đi đâu đó, phần nhiều là sĩ quan, công chức cấp cao. Bác Cần nghe nói là những người đó bị đưa ra Bắc.
Một hôm đi lao động về, bác Cần ham hái rau sam nên tụt lại sau, tôi ngờ ngợ có chuyện nên quay lại tìm, đúng lúc thằng du kích chận bác lại, nó ngó trước ngó sau rồi thoi vào bụng bác làm bác gập người xuống, mớ rau văng tung tóe. Tôi chạy nhanh đến, không thấy nó cầm súng nên lao vào đạp nó một đạp từ sau lưng, nó ngã chúi lên người bác Cần, thì ra nó bỏ cây súng xuống gần đó để đánh bác Cần bằng tay, nó lăn qua chụp cây súng nhưng bác Cần kịp ôm chân nó hét:
- Chạy lên ban chỉ huy trại đi.
Tôi chạy nhưng nó vùng dậy được, vừa bắn nó vừa hô:
- Trốn trại, trốn trại…
Chỉ cách không đầy mười lăm mét, nó vừa chạy vừa nhắm thẳng vào tôi mà bắn, tôi cắm đầu chạy về phía trại chỉ huy. Cả tràng đạn AK đi đâu mất tiêu, tôi chẳng bị gì cả. Trong lán chỉ huy chạy ra mấy bộ đội chính quy, người có súng, người tay không. Tôi đưa hai tay lên trời, dừng lại trước họ. Bác Cần cũng vừa chạy đến, bác cũng đưa hai tay lên đầu. Thằng Du kích chạy đến chỉ vào tôi
- Báo cáo thằng này trốn trại.
Trại trưởng, một bộ đội lớn tuổi, lệnh đưa hai chúng tôi và cả thằng du kích vào trại chỉ huy.
Mấy bản tường thuật, kiểm điểm của tôi và bác Cần giống nhau. Chúng tôi được cho về trại. Nhưng ba ngày sau, tôi được gọi lên rồi bị dẩn ra ruộng dưa. ở đó có một cái chòi trơ trọi. Tôi hơi lo, không biết họ định làm gì!
Một thằng du kích và một bộ đội, cả hai đều có súng, không có thằng du kích thù tôi nên cũng hơi yên tâm.
Chờ một lúc lâu, có hai thằng du kích nữa, vác đến một cái gì bằng gỗ, lần này thì có thằng du kích đó. Tôi được đưa vào lều, bên trong tối om. Một tên du kích bảo tôi nằm xuống, tôi nằm sấp úp mặt xuống thì nghe bảo nằm ngửa ra. Tôi nằm ngửa ra, một thằng kéo khúc gỗ tới bỏ hai chân tôi vào hai lỗ hai bên, thằng kia bỏ một khúc gỗ khác chồng lên hai chân tôi khít vào hai lỗ, một thanh sắt thọc ngang bên trên rồi khóa lại bằng ổ khóa to. Tôi đoán đây là cái mà các anh em ở trại thường gọi là cùm.
Trước khi đi, tên bộ đội nói:
-Anh bị kỷ luật, bỏ ý định trốn trại đi, cứ chấp hành cho tốt sẽ được tha.
Tôi hoang mang, băn khoăn, lo đủ điều. Tôi không mang theo được gì kể cả tấm chăn!
Tôi thử uốn người ngồi dậy nhưng hai lỗ cùm cao quá, hổng hai chân lên nên chỉ gồng người được một lát là phải nằm lại.
Trưa hôm đó, không có ai cho tôi cơm nước gì, chiều tối, có người đem một túm cơm gói trong bịch nilon, miếng cá khô và một chai đựng nước đến. Tôi đói, ăn hết túm cơm mà vẫn còn đói. Ngày sau, khoảng trưa thì người đó mang cơm đến, anh ta bỏ túi nilon cơm và một can chừng hai lít nước xuống sát bên hông tôi rồi nói:
- Ông Cần chuyển trại đi nơi khác rồi!
- Đi đâu?
- Không biết!
Vốc cơm ăn, lòng băn khoăn không biết bác Cần chuyển đi đâu, có bị như mình không?!
Ngày sau, không có ai đem cơm đến cho tôi và những ngày sau nữa, tôi đói lả người. mắt tôi hoa lên, chập chờn nhiều ý nghỉ và hình ảnh trong đầu. Tôi thấy mẹ tôi, chị tôi vừa chạy vừa la “ Tưởng ơi Tưởng, con đâu rồi, con đâu rồi!!!”.
Thỉnh thoảng tôi tỉnh lại, với lấy cái chai nước dốc vào miệng, cái chai không còn giọt nào, cái can nhựa còn một ít, tôi uống cầm chừng, không nhớ được là mấy ngày như thế. Đến khi cái can cũng hết nước, tôi đái vào can rồi uống từng ngụm nhỏ, không hề thấy khai, cứ ngậm cho thấm từ từ…
Tôi không còn phân biệt được ngày hay đêm và không ăn mấy ngày rồi. Có lần tôi tỉnh dậy vì như có ai cào vào chân tôi, ngay giữa háng. Nằm một lát tôi nghe tiếng gà gáy rồi tục tác. Trong đầu tôi thoáng qua ý nghỉ là con gà hoang nào vào đẻ ?!.
Con gà bươi một hồi rồi nằm im, đúng là con gà đẻ, ngay giũa háng tôi. Khi nó bay đi rồi, tôi sờ xuống, một cái trứng mềm còn nóng. Muốn lấy ăn ngay nhưng tôi nhớ lại, có nghe người ta nói là con gà khi vào đẻ lại, thấy trong ổ không có trứng thì đi tìm ổ khác hoặc không đẻ nữa, người nuôi gà khi nào cũng chừa một hoặc hai cái trong ổ, tôi cố nhịn không dám ăn, rồi mê đi…
Con gà lại vào đẻ, khi sờ xuống thấy hai cái trứng tôi biết mình mê đi một ngày. Tôi thò tay lấy một cái trứng đưa lên miệng, gỏ vào răng rồi hút, cả cái trứng tót vào họng,chỉ còn chút nhầy nhầy tanh tanh ở lưỡi!
Con gà đều đặn đẻ như thế, tôi không đếm được là bao nhiêu ngày.
Cho đến một hôm, tôi mơ hồ nghe tiếng người xôn xao, hình như nhiều người, đỡ tôi dậy, tháo cùm rồi khiêng tôi đi…
- Anh có biết vì sao họ bỏ đói anh không?
- Họ không bỏ đói mà là họ quên !
Tôi bị kỷ luật, phần cơm của tôi vẫn chia về toán, bác Cần lấy cơm rồi nhờ người đưa đến cho tôi, khi bác chuyển đi, không còn ai nhớ đến tôi! Lúc mẹ và chị tôi lên thăm, trại mới nhớ lại. Nếu mẹ và chị tôi không lên thăm hoặc thăm trể đi vài ngày, chắc là tôi tiêu rồi vì con gà đã ngưng đẻ hai ba ngày trước! Sau này mới biết tôi không ăn cơm mười một ngày, trong thời gian đó, con gà cho tôi tám cái trứng!
Tôi tin vào số mạng là vậy, nếu con gà không vào đẻ, hay đẻ xa tôi chừng mét rưỡi thì tôi không sống nỗi tới ngày mẹ tôi vào thăm. Số tôi chưa tận!
Ngoài biệt giam vẫn mưa, gió vẫn thổi, thỉnh thoảng lùa vào phòng từ ô cửa trên cao, tôi nằm ngẩm nghỉ về sự trùng hợp lạ kỳ của chuyện con gà đẻ.
Anh Tưởng lên tiếng hỏi:
- Chú ngủ rồi à?
- Chưa!

Sài Gòn, tháng 9 năm 2015.

Source: http://newvietart.com/