Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

Người vắng bóng rồi, chim đã bay

 Điểu hoàn nhân diệc chi

(Người vắng bóng rồi, chim đã bay)

Lý Bạch


Năm 1985, tôi ra khỏi tù cải tạo. Trên xe lửa từ Bắc vô Nam, bạn đồng hành cũng là đồng tù với tôi là anh Thi.

Có một nguyên tắc là trong tù không được hỏi nhau về gốc gác. Làm gì, ở đâu, cấp bậc…” Và chuyện gia đình nữa. Ngay cả khi biết rõ về một người nào đó, tuyệt đối cũng không cho người khác biết. Thế nên, trong tù, tuy cùng chung lán, chung đội lao động, nằm cạnh nhau, tôi cũng không biết gì nhiều về anh Thi. Khi lên xe lửa, tôi mới hỏi”Anh về đâu”” ”Tôi về Sài Gòn” ”Vợ con còn ở đó”” ”Có lẽ vậy”.

Nghe ”Có lẽ vậy”, tôi thấy là có vấn đề nên ngưng ngay và tự giới thiệu ”Tôi cũng về Sài Gòn, ngã ba Cây Quéo” ”Tôi về Hoàng Hoa Thám” ”Vậy là mình ở gần nhau”. Trong tù anh Thi lúc nào cũng vui vẻ, nhưng khi ngồi trên xe lửa, anh thường nhìn qua cửa sổ vẻ đăm chiêu. Mỗi hoàn cảnh, người tù phải đối phó một cách riêng. Về đời, bao nhiêu khó khăn đang chờ đợi, khác hẳn trong tù, vì bất lực nên phải gạt hết mọi suy nghĩ để cười mà sống. Người tù, muốn sống sót, nhất là những người không được gia đình thăm nuôi như anh Thi, phải đạt đến cái tâm cảnh của một thiền sư. Phải giữ tinh thần cho vững, phải quên tất cả, không nghĩ đến những gì ngoài tầm tay của mình, phải biết cười với người khác thì mới khỏi âu sầu, sinh bịnh, để rồi bị khiêng đi chôn.

Gần tối, xuống xe lửa, chúng tôi đi bộ về nhà. Ngang qua một tiệm phở, còn chút tiền, chúng tôi ghé vào. Thấy anh Thi có vẻ tư lự, tôi tìm cách cho anh ta vui nên khi phở bưng ra, tôi xoa tay chào tô phơ û”Chà! Hơn mười năm mới gặp lại mầy”. Anh Thi chỉ mỉm cười nhưng cũng sốt sắng cầm đũa.

Trong lúc trò chuyện với chủ hàng phở, chúng tôi mới biết hôm đó là ngày ba mươi tết. Khi ra đường, tôi đề nghị sẽ cùng đi đến nhà anh trước, để biết nhà, sau nầy dễ thăm nhau, sau đó tôi mới về nhà mình. Anh ngần ngừ một lúc rồi đồng ý.

Đến đường Hoàng Hoa Thám, chúng tôi vào một con hẻm tối mù. Nhờ ánh đèn các nhà hai bên, chúng tôi dò dẫm đi được một quãng ngắn thì anh Thi bảo ”Anh đứng đây chờ tôi. Trước đây chúng tôi ở nhờ bên gia đình vợ, hiện nay không hiểu tình trạng ra sao” ”Vâng. Có gì anh ra cho tôi hay”

Nói thế nhưng chờ anh ta đi được mấy bước, tôi cũng đi theo, không cho anh ta biết. Anh ta đến một căn nhà gạch nhỏ, còn để đèn, tần ngần một lúc rồi gõ cửa, nách vẫn kẹp cái bọc đồ tù. Một chị đàn bà bồng con đi ra, theo sau là một thằng bé trên mười tuổi. Tôi nghĩ, nếu đó là vợ anh Thi, thì chị ta đã có chồng khác rồi, vì đứa bé trên tay chị ta, độ vài tuổi, không thể là con anh Thi được. Chị đàn bà nói gì đó. Anh Thi không trả lời, quay gót bước ra. Tôi lùi lại chỗ cũ, làm như không thấy gì.

Anh ta yên lặng qua mặt tôi. Tôi quay nhìn, thấy chị đàn bà bồng con và thằng bé ra đường đứng nhìn theo. Ra đường lớn, anh Thi hỏi tôi”Anh có thể cho tôi trọ đỡ một đêm được không”” Tôi sốt sắng ”Được chứ! Nhưng đây không phải nhà của tôi. Trước ba mươi tháng tư năm 1975, tôi đưa vợ con từ ngoài Trung vào ở nhờ người bà con, sau đó vợ con tôi về lại ngoài Trung, sống với gia đình bên vợ.. Tôi sẽ nói với chủ nhà, nếu họ không chịu thì tôi với anh ra ngủ lề đường, rồi sẽ tính sau”.

Chúng tôi, mỗi đứa ôm một gói đồ tù, quay lại ngã ba Cây Quéo. Khi tìm được nhà người bà con thì thấy nhà đóng cửa, tắt đèn tối thui. Gõ cửa, không ai mở. Họ đi vắng cả rồi.

Hai đứa tôi trở ra, lang thang xuống chợ Bà Chiểu xem chợ tết. Bánh trái, áo quần đầy chợ, tràn ra cả lề đường, người chen lấn nhau. Chúng tôi qua cầu Sắt, lên chợ Đa Kao, qua chợ Tân Định, ra đường Hai Bà Trưng rồi ngồi nghỉ mệt trên hiên nhà người ta. Chuyện trò một lúc, thấy đã khuya, chúng tôi lấy dép làm gối, rồi mặc cho muỗi đốt, chúng tôi vừa đói vừa mỏi chân, ngủ vùi một giấc. Hôm sau tỉnh dậy thì trời đã sáng.

Ngày tết ở Sài Gòn, đường phố vắng hoe, chỉ mấy gia đình kinh tế mới ngủ lề đường gần đó đang cuốn chiếu, gấp mùng, bỏ vào bị cói, đem gửi đâu đấy rồi tản mác khắp nơi để kiếm sống. Hai đứa tôi ngồi vấn thuốc hút, chuyện trò một lúc thì đứng lên, đến chợ Tân Định, tìm vòi nước, súc miệng rửa mặt xong mua mỗi đứa một ổ bánh mì không nhân (rẻ tiền), vừa đi vừa trẹo trạo nhai. Thật ra, tôi và anh Thi cũng có vài người thân quen ở Sài Gòn, nhưng mồng một tết mà mang thân tàn ma dại đến nhà người ta, chẳng ai vui. Thời đó, ít ai dám rây với tù cải tạo. Đa số bà con, bạn bè, thấy tù là họ làm mặt lạ, chứa trong nhà thì sợ công an đến hỏi thăm.

Suốt ba ngày tết, mỗi ngày chúng tôi chỉ ăn một ổ bánh mì không nhân, tối ngủ hiên nhà người ta, sáng dậy đi. Đi rã chân thì ngồi bên đường nghỉ một lúc rồi đi tiếp. Cứ lang thang mà chẳng biết đi đâu” Sài Gòn ngày tết vắng vẻ và buồn quá!

Chiều mồng ba tết, chúng tôi quyết định trở lại nhà người bà con ở Cây Quéo. Hóa ra, gia đình đó vẫn ở chỗ cũ, những ngày cuối năm mọi người đều ra chợ bán dưa hấu. Họ đang cúng đưa ông bà. Chúng tôi được tiếp đón rất thân tình, vui vẻ. Họ đem thức ăn trên bàn thờ xuống, giục chúng tôi đi tắm. Anh con trai lớn biếu chúng tôi, mỗi người một bộ đồ, cũ nhưng sạch sẽ, mặc vào, soi gương, thấy như vừa lột xác, thành người văn minh, hoạt bát.

Trong lúc ăn uống, chủ nhà hỏi chuyện gia đình, hỏi dự định sinh sống ra sao” Khi nghe anh bạn tôi nói bị vợ bỏ, không cho vô nhà, chủ nhà bảo, nên thông cảm cho người đàn bà, chân yếu tay mềm, chồng bị tù không biết ngày nào về hay bỏ xác trong tù, trong khi con cái phải cần cái ăn mới sống.

Lần đầu tiên, sau hơn mười năm, chúng tôi mới được thưởng thức một bữa cơm ngon lành nhờ không khí thân mật, ân cần của gia đình ân nhân đó. Có một tâm lý kỳ lạ mà phải mấy năm sau, người tù mới bớt bị ám ảnh, đó là thấy dọn nhiều món ăn, cứ thắc mắc sao không để dành cho ngày mai mà lại dọn cả lên, phí quá! Vì trong tù ngày nào cũng chỉ một ít khoai mì (hoạ hoằn mới có cơm), cùng với ca nước muối, lõng bõng vài cọng rau. (Sau nầy qua Mỹ, sống sung túc, trong bữa ăn chúng tôi cũng chỉ dọn vài món là tối đa).


Sau bữa ăn, chủ nhà bảo, chúng tôi cứ ở lại đây, khi nào có việc làm, kiếm được tiền thì muốn ở đâu tùy ý. Chúng tôi xin được ngủ dưới đất hay sau hè cũng quí rồi. Chủ nhà cho biết, nhà quá chật, nhưng có cái chuồng heo, nuôi heo nhưng bị bịnh dịch, đã bán hết cả, bây giờ chuồng bỏ trống, sẽ gác trên vách chuồng một cái sạp, làm chỗ ngủ tạm. Chủ nhà cũng quen với công an khu vực, hi vọng sẽ không bị làm khó dễ.

Thế là chỉ vài tuần sau, chúng tôi đã có việc làm. Tôi bán vé số bên đường chỗ Bộ Xã Hội cũ, trước nhà thờ Đức Bà. Anh Thi, vốn cao lớn, lúc ra tù ốm trơ xương, sau nhờ được ăn uống đầy đủ, trở nên mạnh khỏe, nên hành nghề đạp xích lô. Tất cả là nhờ mọi người trong gia đình đó tận tâm giúp đỡ.

Sáng sớm, chúng tôi dậy, ra đầu ngõ uống li cà phê rồi lên đường kiếm sống, buổi chiều, chúng tôi về nhà ăn cơm. Mỗi tháng chúng tôi gửi chủ nhà ít tiền. Vợ tôi được tin chồng ra tù, bèn dẫn con vào thăm. Vợ tôi khuyên nên ở lại Sài Gòn, không khí dễ thở hơn (cô sẽ tìm cách vào với tôi sau), đừng về ngoài Trung, chính quyền địa phương rất khó khăn. Bạn tôi thỉnh thoảng có đến trường gặp thằng con, (là thằng bé mà tôi thấy hôm anh ta đến nhà vợ) cho ít tiền ăn quà và dặn đừng cho mẹ nó biết. Anh ta dự định sẽ đón con về ở chung, nhưng không cách nào thực hiện được vì chính bản thân anh ta còn chưa biết sẽ ra sao”


Đến đầu năm 1990, có chương trình HO đi Mỹ. Với tôi thì lo hồ sơ không khó khăn lắm, nhưng anh Thi thì bị kẹt vì vợ anh ta không cho mượn hộ khẩu để làm giấy tờ. Anh ta đến năn nỉ vợ, hứa lập danh sách vợ, các con và cả bà mẹ vợ nữa để cùng đi, khi đến Mỹ anh ta sẽ làm giấy li dị để chị ta về lại Việt Nam làm hôn thú đón chồng sau qua Mỹ. Nhưng nói gì, chị ta cũng nhất quyết lắc đầu, mời anh ta ra khỏi nhà. Không cho mượn là không! Cuối cùng nhờ chạy chọt, hồ sơ anh ta cũng được chấp nhận, trong đó có tên thằng con.

Nhờ người bạn tù vượt biên qua trước bảo trợ, gia đình tôi và anh Thi được qua cùng tiểu bang, nhà gần nhau. Vừa đến Mỹ là anh Thi lăn lưng vào việc kiếm tiền. Anh ta làm hai jobs ”Tôi phải có một căn nhà cho con tôi. Phải chuẩn bị tiền nong khi nó vào đại học. Lúc ở Việt Nam, nó đã bị đói khổ, bị đánh đập, nay nó phải được đền bù”.

Thời đó, khoảng thập niên 1990, nhà ở Mỹ còn rẻ. Bạn tôi mua nhà, sắm xe mới cho con, nhưng anh vẫn lùi xùi như lúc còn ở Việt Nam. Anh ta đi làm từ sáng sớm, gần khuya mới về. Thằng con anh ta, đi học về là đến thẳng nhà tôi ăn cơm. Vợ tôi còn bới thức ăn để nó mang về cho bố nó.

Sau bao nhiêu năm tù đày, nay được đến xứ tự do cùng gia đình, chúng tôi dốc hết sức lực còn lại để kiếm tiền cho con cái theo đuổi việc học hành. Mục tiêu, ước vọng của chúng tôi là các con nên người, đủ sức đua chen với đời. Khi đứa con anh Thi tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, theo đề nghị của chúng tôi, anh ta chỉ làm một job. Buổi sáng, tôi và anh ta ra tiệm cà phê ngồi chuyện trò, cuối tuần, chúng tôi nấu nướng, cùng với các bạn khác, ra sau nhà ăn uống, chuyện trò.

Thấy anh Thi độc thân, chúng tôi dự định tìm cho anh ta một người đàn bà, làm bạn, để giúp đỡ, nương tựa nhau trong quãng đời còn lại.

Vợ tôi có một cô bạn, chủ một tiệm nail (làm móng tay), tuổi trên bốn mươi, chồng chết đã hơn năm năm nay, tính tình đàng hoàng, hiền lành, dung nhan còn đẹp đẽ, hấp dẫn. Với chủ ý cho anh Thi và cô bạn tìm hiểu nhau nên mỗi khi tổ chức ăn uống cuối tuần, chúng tôi mời cô ta đến chung vui, rồi làm như vô tình, sắp xếp cho hai người ngồi gần nhau.


Khi biết anh Thi còn cô đơn, cô ta không còn e ngại, giữ kẽ nữa mà vui vẻ góp chuyện với mọi người. Anh Thi, đã bớt trầm tư mà trở nên hoạt bát, lịch sự tiếp món ăn cho cô ta, đôi khi lại thì thầm như có chuyện riêng tư với người đẹp. Khoảng vài tháng sau, theo thường lệ, vợ tôi gọi điện thoại mời hai người đến dự bữa cơm gia đình thì cả hai đều trả lời rằng bận việc, không đến được. Hóa ra họ đưa nhau đi nhà hàng.

Cô bạn tâm sự với vợ tôi ”Em thấy vẻ mặt ảnh buồn buồn, em thương quá! Em mời ảnh đi ăn riêng để tìm hiểu tâm sự ảnh, nhưng ảnh chỉ cười bảo, tính ảnh vậy thôi chứ không có gì đáng nói.”Vợ tôi trấn an ”Chị đừng bận tâm. Mấy ông ”mất nước” lâu lâu xụ mặt, thở ra, nhưng sau đó lại vui vẻ như thường. Ông xã em cũng vậy. Nhưng theo yêu cầu của chị, để em hỏi ông xã em, xem anh ta có chuyện gì ấp ủ trong lòng mà không nói ra” ”Chị có biết gì về cô vợ trước của ảnh không” Theo ảnh kể thì cô ta đối xử rất tệ bạc với ảnh khi ảnh đi tù về. Có thật vậy không”” ”Chuyện nầy thì chắc chắn, vì ông xã em ra tù cùng một ngày, cùng đến nhà vợ anh ta, ông xã em thấy tận mắt chị ta đuổi ảnh, không cho vô nhà. Dù sao em cũng sẽ hỏi lại thằng con ảnh xem nội vụ ra sao rồi sẽ báo với chị sau” ”Em thương ảnh thì em cũng chấp nhận hoàn cảnh, tâm sự của ảnh. Em chỉ muốn biết để an ủi ảnh, làm cho ảnh vui. Chị biết không, khi có em bên cạnh, ảnh rất vui, thương em và chiều chuộng em nhiều lắm” ”Vậy thì được rồi. Biết ảnh thương yêu chị là đủ rồi. Người đàn ông nào cũng vậy, mình hết lòng, hết dạ với họ thì dù có tâm sự, chuyện riêng tư họ cũng bỏ hết mà về với mình, chỉ biết một mình mình thôi. Chị yên tâm mà vui với ảnh. Cứ thắc mắc, lo lắng hoài chi cho mệt trí. Đời người có bao lâu đâu. Vui lên đi chị ơi!”


Cô bạn nhắc đến chuyện tư lự của anh Thi, chúng tôi mới nhớ lại, khi đến nhà chúng tôi ăn cơm, nhiều lúc, đang chuyện trò, anh ta bỗng nhiên ngưng nói, trông như người mất hồn. Ăn xong, anh ta mang lon bia ra sau nhà, đứng một mình cả giờ đồng hồ.

Tuy nói thế nhưng vợ tôi cũng gọi thằng con anh Thi đến để hỏi về mẹ nó ở Việt Nam hiện nay ra sao, có thường liên lạc với ba nó không” Thằng nhỏ kể ”Mấy lần mẹ con bên Việt Nam gọi điện thoại cho con, nhờ con thưa với ba con, xin ba con tha thứ và bảo lãnh cho mẹ con qua đây để săn sóc cho ba con. Mẹ con nói hiện nay ở Việt Nam, mẹ con không có khó khăn gì về đời sống, chỉ sợ ba con đã lớn tuổi, khi đau ốm không ai săn sóc, lo cơm nước. Mẹ con có dặn là đừng gởi tiền về, mẹ con không nhận đâu. Mẹ con cứ nhắc con thưa với ba con nhiều lần mà con không dám. Một lần con chỉ thưa với ba con là mẹ con có gọi điện thoại hỏi thăm. Chỉ mới chừng đó thôi mà ba con nổi nóng, ba con la ”Nói bà ấy đừng gọi điện thoại qua đây nữa. ”Một buổi tối, mẹ con gọi điện thoại nhằm lúc ba con ở nhà, ba con bắt máy. Không biết mẹ con nói gì mà ba con la hét vào máy như người nổi cơn điên ”Xin xỏ gì” Lỗi phải gì” Bát nước đổ xuống đất rồi, có hốt lại được không” Bà đừng hòng năn nỉ, khóc lóc vô ích. Bà thử xét lại lương tâm bà đi. Từ nay tôi cấm bà không được gọi điện thoại cho thằng con tôi, không được gọi điện thoại về nhà nầy. Bà nhớ chưa” Tôi cấm bà. Tôi cấm bà!…”

Ba con đập cái điện thoại bể tan rồi ngồi ôm đầu, gục xuống. Con sợ quá, vào phòng đóng cửa lại. Từ đó, thỉnh thoảng mẹ con chỉ gọi điện thoại cho con hỏi thăm chuyện ăn uống, sức khỏe ba con ra sao, nhưng dặn đừng nói lại với ba con, sợ ba con giận”

”Con có nói với mẹ con về chuyện ba con có bạn gái chưa”””Hôm trước con có kể là ba con vừa quen được một bà, hai người thường đưa nhau đi ăn tiệm.. Mẹ con hỏi tính tình người đàn bà đó ra sao” Công việc làm ăn của bà ta thế nào” Có để ý săn sóc cho ba con không hay chỉ đưa nhau đi ăn rồi ai về nhà nấy” Mẹ con hỏi nhiều lắm, sau đó mẹ con nói cũng mừng cho ba con, mong cho hai người sống chung để ba con có người săn sóc, lo lắng miếng ăn giấc ngủ. Ba con đi tù về, tuổi cũng lớn rồi, sức khỏe suy yếu, cần có người đàn bà bên cạnh. Mẹ con vừa nói vừa khóc. Không hiểu sao con cũng khóc theo. Con rất nhớ mẹ con nhưng ba con cấm con về Việt Nam thăm mẹ con. Ba con giận mẹ con nhiều lắm”

”Con có biết gì về người chồng sau nầy của mẹ con không”” ”Lúc con ở chung với mẹ con, ổng chẳng tử tế gì với con. Bị bỏ đói và bị bợp tai, đá đít hoài, nhưng con biết thân phận, im lặng chịu đựng. Lần trước, mẹ con gọi điện thoại kể với con rằng hai người đã chia tay, ông ta đi đâu mất, không hề gặp lại. Con chỉ nghe vậy thôi chứ không hỏi thêm”.

Vợ tôi gọi đến cô bạn kể rằng, Anh Thi coi bộ thù chứ không chỉ giận cô vợ ở Việt Nam và đề nghị hai người nên về sống với nhau. Cứ đi ăn tiệm rồi ai về nhà nấy mãi sao” Cô bạn nói ”Có mấy lần ảnh mời em về nhà, nhưng em cũng chỉ đến thăm một lát rồi về. Em có bàn với ảnh, nếu muốn sống chung thì nên cưới hỏi đàng hoàng. Em không muốn bị dị nghị nầy nọ. Ảnh nói cũng được, nhưng còn ngại, nếu cưới hỏi, làm hôn thú thì ảnh không muốn rắc rối chuyện của cải, tài sản của em. Ảnh sợ mang tiếng mà các con em cũng không bằng lòng” ”Nếu vậy thì làm một buổi tiệc nho nhỏ ở nhà hàng, mời bà con, bạn bè đến dự, coi như ra mắt để hợp thức hóa chuyện hai người sống chung nhau”

Tiệc cưới hôm đó có khoảng năm mươi người tham dự, gồm bạn bè và cả con cái của hai người. Thế là cô ta dọn về ở với anh Thi. Những ngày đầu, hai người có vẻ hạnh phúc lắm. Cô ta thường gọi điện thoại kể chuyện sinh hoạt trong gia đình, việc nấu nướng, săn sóc, chiều chuộng nhau. Hai người còn đưa nhau đi du lịch bên Châu Âu nữa. Thấy họ vui vẻ, thân ái, quấn quít nhau như vợ chồng trẻ, chúng tôi cũng mừng.


Nhưng rồi, khoảng một năm sau, cô ta gọi điện thoại tâm sự với vợ tôi ”Lối rày hình như ảnh trở lại vẻ suy tư, lơ đãng. Em nói chuyện với ảnh cả buổi, ảnh ậm ừ mà chẳng biết em nói gì” Buổi tối, ăn cơm xong, ảnh đem bia ra sau nhà, ngồi uống một mình, đến khuya mới vô. Em chẳng hiểu ra sao cả!”” Vợ tôi tưởng chuyện chẳng có gì quan trọng nên an ủi” Ông xã em cũng thường uống rượu một mình. Đàn ông đôi khi thích suy nghĩ những chuyện trên trời dưới đất. Em cũng thường để cho ổng những phút riêng tư, coi như tôn trọng họ vậy thôi chứ không sao đâu. Chị đừng để ý đến!”

Không ngờ, một buổi chiều, đi làm về, tôi thấy cô vợ của anh Thi ngồi tỉ tê, mếu máo với vợ tôi. Hỏi ra mới biết là vì anh chồng uống rượu mà cô ta giận, xách va li về nhà mình. Khi đi ngang nhà tôi, cô ta ghé vào tâm sự. ”Vợ chồng, tuy chưa sống với nhau đủ để có cái nghĩa thì cũng có cái tình. Em thương ảnh, ảnh biết nên cũng tỏ vẻ chiều chuộng, săn sóc, lo lắng cho em, nhưng em linh cảm như ảnh làm bổn phận. Em thấy như xa cách, như không thật tình. Em với ảnh đâu còn trẻ dại, sống với nhau là để sau nầy nương tựa nhau, giúp đỡ nhau trong lúc tuổi già, ốm đau, bịnh hoạn, vui buồn có nhau thì những gì riêng tư thầm kín cũng nên cho nhau biết để an ủi, chia sớt nhau mới nhẹ lòng. Vậy mà em hỏi. Sao ảnh buồn” Ảnh lắc đầu. Em giận quá mới nói ”Em về nhà, cho anh được yên tĩnh mà suy tư”. Vậy là em xách va li về đây. Có lẽ hồn vía ảnh bị cô, bà nào bắt mất rồi chị ơi!”. Vợ tôi vọt miệng”Dám ảnh bị hồn ma bóng quế nào ám rồi. Phải mời thầy đến cúng, cho bùa trừ ma…”Tôi la vợ tôi ”Em hay tin nhảm nhí!” Rồi tôi trấn an cô vợ bạn ”Vợ chồng trẻ nhìn tương lai toàn màu hồng, thấy cuộc sống dễ dàng quá, nhưng đến tuổi gần về chiều thì mất tự tin, bị ám ảnh bởi tuổi già với những bất trắc, bịnh hoạn, tử biệt sanh ly nên thường lo sợ, buồn phiền vu vơ. Tôi với ông xã chị bị tù cả chục năm, tâm trí không còn bình thường nữa, khi về với xã hội vẫn còn vụng về trong cư xử. Hơn nữa ảnh đã trải qua quá nhiều đau khổ vì chuyện gia đình, nay có chị bên cạnh là một an ủi lớn cho ảnh. Chị yên tâm. Ngoài chị ra, ảnh không thương yêu ai đâu. Nên trở về mà lo cơm nước, kẻo ảnh bị đói tội nghiệp”. Cô có vẻ xiêu lòng nhưng vẫn lắc đầu. Tôi bảo ”Hay là chị cứ ngồi đây. Tôi đến kêu ảnh qua rước chị”.


Tôi ra xe, vợ tôi chạy theo, thì thầm ”Tối nào cũng say mềm rồi lăn ra ngủ! Hỏi ảnh có phải vì chuyện đó thì tìm cho ảnh ít thuốc ”Tôi phì cười ”Cũng có thể. Để anh xem.”

Tôi lái xe qua, đẩy cửa bước vào. Anh Thi đang ngồi uống bia, nhìn cái TV., chỉ chiếu hình chứ không có tiếng nói. Cũng không chắc anh ta nhìn cái màn hình hay nhìn vách tường sau TV.

Tôi ngồi xuống bên cạnh. Anh ta mở cho tôi một lon bia. Tôi yên lặng cầm lon bia. Một lát, tôi nói ”Bà xã anh qua nhà tôi…”.

Anh ta vẫn nhìn cái TV .”Tôi biết. Trước sau gì bả cũng bỏ tôi. Tôi muốn xin lỗi bả từ lâu”

”Tôi thấy hai người đâu có gì trở ngại…”

Anh ta lắc đầu như muốn xua đuổi một ý nghĩ, muốn ngăn mình đừng nói ra một điều gì. Tôi nói ”Qua nhà tôi đón bả về”, rồi yên lặng chờ đợi.

Anh Thi cầm lon bia lên nhưng lại để xuống, bàn tay rung lên nhè nhẹ. Rồi bỗng anh ta ôm mặt, cúi xuống.

Một lúc thật lâu, anh ta thở ra, giọng lạc hẳn ”Tôi thương nhớ vợ tôi. Tôi không thể nào nguôi thương nhớ vợ tôi”.

Phạm Thành Châu


Source: Internet.


Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

TÓC XƯA

 

“Tóc Xưa”  là nhac phẩm của NS Ngô Thụy Miên, phổ từ bài thơ cùng tên của BS Dương Văn Thiệt năm 2014.
 Không biết có phải đây là nhạc phẩm cuối cùng của mình hay không mà lúc đó trong lá thư viết gửi cho BS Lê Văn Thu, người yêu cầu phổ nhạc dùm nhà thơ Dương Văn Thiệt, NS Ngô Thụy Miên đã viết :
“…..Như anh đã biết vì hoàn cảnh riêng, tôi đã không còn sinh hoạt âm nhạc, văn nghệ... Nhưng mến anh chị, cũng như quí tình bạn của 2 anh, và nhất là tình nghĩa vợ chồng của anh Thiệt, tôi phổ nhạc bài thơ Tóc Xưa và mong đó là một kỷ niệm đẹp cho anh ấy.”
 
Chính vì thế mà  có người đã tự hỏi: “Phải chăng đây là  nhạc phẩm cuối cùng của NTM?”…
Bây giờ xin mời quý vị  hãy  đi vào niềm tâm sự nhớ nhung đó của BS DVT trong nhạc  phẩm TÓC XƯA qua tiếng hát của Ca Sĩ Đoàn Thanh Tuyền, em vợ của NS NTM và cũng là thứ nữ của cố tài tử Đoàn Châu Mậu, với hình ảnh minh họa (4K) của Trần Ngọc .
Xin click Link dưới đây để coi hình ảnh rõ nét:



Cám ơn quý vị
Trần Ngọc

Ngày nào nhặt tóc quanh đây
Sợi nằm bên gối sợi bay ra vườn
Sợi dài buộc mối yêu thương
Sợi ngắn cột lấy nỗi buồn xa quê
Mượt mà một thuở tóc thề
Gió lùa qua tóc mân mê vai mềm
Sợi nào đánh rớt bên thềm
Nhặt về chờ tối ru đêm giấc nồng
Sợi nào sáng gội chiều hong
Gió đưa hương tóc qua song cửa mành
Lạc vào ngõ vắng nhà anh
Quen người quen cảnh không đành rời xa
Tóc nào đen óng hôm qua
Gởi vào trang sách bên ta mỗi ngày
Sợi nào là sợi tóc mai
Loà xoà bên trán làm ai phải lòng
Để mà sáng đợi chiều trông
Sợi kề bên má sợi hôn môi người
Sợi nào từ thuở đôi mươi
Tóc tơ se kết tiếng cười nỗi đau
Sợi nhìn ngày tháng qua mau
Tóc xanh hôm trước bạc màu hôm nay
Tóc xưa giờ đã xa bay
Sợi buồn ở lại ngắn dài xót xa...
-----------------------------------------------------------
Hoàn Cảnh Sáng Tác Nhạc Phẩm “TÓC XƯA”
1)    Trang Web ĐỌT CHUỐI NON (3/30/2014)
Bài Viết của Trần Lê Túy Phượng
Hôm nay xin hân hạnh giới thiệu đến quý vị  thi khúc “Tóc Xưa” củanhà thơ  Dương Văn Thiệt và Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên.
Thi sĩ Dương Văn Thiệt là một bác sĩ y khoa làm việc trong một bệnh viện ở thành phố Sài Gòn trước 1975. Sau 1975, ông cùng gia đình sang định cư ở Bolton, England.
Khoảng năm 2010, hiền thê của ông chẳng may bị bệnh ung thư qua đời. Trong nỗi nhớ thương người vợ hiền đã có hơn 40 năm chia sẻ cuộc đời cùng ông nên ông cảm tác bài thơ “Tóc Xưa” tưởng niệm. Bạn ông, Lê Văn Thu, giới thiệu bài thơ này đến nhạc sĩ Ngô Thụy Miên nhờ phổ nhạc vì cảm nhận bài thơ thật hay.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên vì cảm kích mối tình tuyệt đẹp của hai ông bà nên đã phổ chẳng những một mà là hai bài “Tóc Xưa” – một cung trưởng và một cung thứ dành riêng cho bác sĩ Dương Văn Thiệt.
2)Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
Số tháng 1 năm 2015 – Bài viết của BS Lê Văn Thu
Bài thơ Tóc Xưa đã đến với Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên qua một điện thư thân tình nhưng trân trọng của tôi đề ngày 18 tháng 2 năm 2014:
 
 
“Tôi có một người bạn cùng lớp y khoa, hiện ở bên Anh, mới mất vợ cách đây gần 2 năm. Anh ấy rất thương vợ và đã làm rất nhiều thơ. Khi chị ấy mất, anh đã chôn hết thơ theo vợ; nhưng mới đây, trong một lần thấy được sợi tóc của vợ sót lại bên gối, anh đã viết được một bài thơ mà chúng tôi khi đọc đều thấy xúc động. Thơ được làm theo thể lục bát.
 
 
Biết anh là một nhạc sĩ có tài phổ nhạc - chính những bản nhạc phổ thơ của anh mà mọi người, nhất là giới sinh viên thuở trước, mới biết đến Nguyên Sa - tôi xin mạn phép gởi anh bài thơ đó để anh xem. Nếu như bài thơ gợi cho anh chút cảm hứng thì xin anh phổ nhạc giùm. Anh ấy không nhờ tôi, nhưng tôi vốn rất thương anh ấy qua tư cách và tình cảm của anh ấy, và đồng thời rất quí trọng anh, mặc dù mới quen - thấy anh chị rất hiền hòa, đôn hậu, khiêm nhượng - nên muốn được làm trung gian để giới thiệu bài thơ đó với anh.”
 
Ngày 5 tháng 8 cùng năm, tôi nhận được điện thư của Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên với nội dung sau:
 
Dear anh Thu,
 
 
((….Như anh đã biết vì hoàn cảnh riêng, tôi đã không còn sinh hoạt âm nhạc, văn nghệ... Nhưng mến anh chị, cũng như quí tình bạn của 2 anh, và nhất là tình nghĩa vợ chồng của anh Thiệt, tôi phổ nhạc bài thơ Tóc Xưa và mong đó là một kỷ niệm đẹp cho anh ấy.
 
Thân,
 
Bình (Ngô Quang Bình là tên thật của Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên))
Thật ngạc nhiên và rất vui khi nhận được món quà vô giá này, tôi liền gởi ngay cho Dương Văn Thiệt, tác giả bài thơ. Thiệt cho tôi biết, anh sẽ đóng khung bản nhạc và để bên cạnh di ảnh của chị Thọ Chí với hy vọng chị sẽ được an ủi về sự kiện này.
Cả hai bản Tóc Xưa với hai âm giai trưởng và thứ đã được Ca sĩ Đoàn Thanh Tuyền, em vợ Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên (tức con gái thứ của cố Nghệ sĩ Đoàn Châu Mậu), soạn hoà âm, đệm đàn và hát. Tưởng cũng nên biết, Ca sĩ Thanh Tuyền này là người đã cùng Đức Huy xuất hiện chung ở Saigon thập niên ‘70 trong hai vai trò, nhạc sĩ và ca sĩ chính, của ban nhạc trẻ Đức Huy. Giọng hát Thanh Tuyền vẫn mượt mà, đã diễn tả rất chuẩn cả hai bài, đưa người nghe vào môt không gian huyễn mộng của đôi nhân tình chung quanh mái tóc, và kết thúc bằng một đớn đau “tóc xưa giờ đã xa bay, sợi buồn ở lại ngắn dài xót xa”.

Mời nghe tiếng hát Bằng Kiều "Tóc Xưa"



https://www.youtube.com/watch?v=iARV3ZYj6rw


Source: http://www.chimvenuinhan.com/2017/08/toc-xua-tho-cua-bs-duong-van-thiet-ngo.html

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

Tâm sự về nhạc phẩm “Lệ Đá”, sáng tác cùng Trần Trịnh

 

Nhà thơ Hà Huyền Chi có tên thật Đặng Trí Hoàn, sinh ngày 21/12/1935 tại Hà Đông, Hà Nội. Năm 1954 một mình đi vào Nam. Năm 1957 nhập ngũ theo đời binh nghiệp (Võ bị QG Đà Lạt), năm 1975 qua Mỹ và hiện cư ngụ tại Washington State, vùng Tây Bắc Hoa Kỳ.

 

Hà Huyền Chi tập làm thơ hồi còn rất trẻ, tác phẩm đầu tay của ông là “Saut” Đêm xuất hiện vào năm 1963. Đến nay ông đã in 22 tập thơ, 8 truyện dài. (Giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật bộ môn Thơ, 1971). Đóng 8 phim và đạo diễn 2 phim (Giải Tượng vàng 1972, Đạo diễn xuất sắc nhất cho bộ môn phim tài liệu). Ông còn dùng nhiều bút hiệu khác như : Mậu Binh, Hồ An, Mã Tử, Hạc Bút Ông… Cũng tính đến nay, ông đã có 409 bản nhạc phổ thơ từ 48 nhạc sĩ. Nhưng nhạc phẩm được nhiều người ưa thích nhất là bài “Lệ Đá” do Trần Trịnh soạn nhạc và ông đặt lời, và bài “Goá Phụ Ngây Thơ” doTrần Thiện Thanh phổ nhạc sau này.

 

Tác phẩm Hà Huyền Chi đã xuất bản gồm Saut Ðêm (1963), Còn Gì Cho Anh, Khu Vườn Chim Sẻ, Những Nụ Gai Mòn, Rừng Ái Ân, Vũng Tối Ðầy (1970), Bước Ðam Mê, Mưa Ðêm Trong Chiến Hào (1971), Trên Cánh Ðồng Mây, Cho Mặt Trời (1975), Tên Nô Lệ Mới (1979), Như Ðá Ngàn Năm (1981), Cõi Buồn Trên Ta (1984), Ðời Bỗng Dưng Thừa (1987), Không Gian Vương Dấu Giày (1988), Hành Trình 30 Năm Thơ Hà Huyền Chi, Thơ Ðen (1991), Thơ Kẽm Gai, Tháng Một Buồn (1994), Thơ Trong Da Ngựa (1995), Một Túi Bình Sinh Một Túi Thơ, Ðồng Thiếp (1996), Bão Ðầy (1998), Bên Trời Mài Kiếm (thơ song ngữ-Anh,Việt 1999)

 


 

Theo nhà thơ Hà Huyền Chi cho biết, do tình cờ khi ông còn ở binh chủng Nhẩy Dù ông đã viết nhiều truyện ngắn và thơ. Có bài thường xuyên đăng trên báo quân đội, nên nhẩy vào nghề báo chí rồi nhẩy vào điện ảnh như một thử thách, vì có lúc ông làm phụ tá trưởng phòng Điện ảnh của cục Tâm Lý Chiến. Làm Đạo diễn trong Đạo diễn đoàn thuộc Nha Điện Ảnh của Bộ Thông Tin.

 

Nhà thơ Hà Huyền Chi vốn mê thơ, nên từ lúc ông còn đi học đã tập làm thơ, do nghĩ rằng làm thơ là lối đi dễ nhất để vào thế giới văn chương. Tuy nhiên theo ông tâm sự, để đi vào đường văn chương, bước đầu người ta nên tập viết truyện dài, sau đó tập viết truyện ngắn. Cuối cùng mới nên tập làm thơ, bởi thơ vốn là đỉnh cao nhất của văn chương. Còn ông đã đi ra khỏi cái quy luật thứ tự đó.

 

Có người thống kê, nhà thơ Hà Huyền Chi là thi sĩ có thơ được phổ nhạc nhiều nhất và người phổ thơ ông nhiều nhất là nhạc sĩ Mai Anh Việt, với 65 bài. Vì thế có người nhận xét “thơ Hà Huyền Chi mang nhiều chất nhạc”. Có lẽ khi ông làm thơ đã có ý niệm đem phổ nhạc, ý niệm này xuất phát từ khi nhạc phẩm “Lệ Đá” được ông đặt lời sau bản nhạc chưa lời của Trần Trịnh.

 

Luận về người làm văn chương – nghệ thuật

 

Khi nói về những người đang làm văn chương nghệ thuật hôm nay, theo nhà thơ Hà Huyền Chi cho biết :

- “Trước hết, chúng ta đang có tình trạng lạm phát số người muốn tự khoác cho mình chiếc áo thi sĩ, nhạc sĩ. Nhiều người đã tự bỏ tiền ra in thơ hay nhạc, mà trong lúc chưa nắm vững được kỹ thuật căn bản, nhập môn. Của niêm luật, vần điệu, thanh điệu, hợp âm và phối âm.

“Tình trạng trăm hoa đua nở này không có lợi cho sự tiến hóa chung của hai bộ môn nghệ thuật này. Nếu không muốn nói là có hại.

 

 

 

“Chúng ta hãy thử tưởng tượng, trên bất kỳ một sân khấu nào, ai cũng có quyền nhẩy lên ca, ngâm bạt mạng, thì sớm muộn gì cũng giết chết các sinh hoạt này”.

Rồi nhà thơ tâm sự tiếp : là một người thích sưu tập về thơ (collection, chưa là selection) mà ông không có cách gì mua được cho đầy đủ những thi tập được ấn hành ở hải ngoại. Có thể nói, mỗi tuần đều có “thi tập” mới ra lò. Về âm nhạc cũng vậy, các CD nhạc đang ở mức độ lạm phát, tràn ngập thị trường từ VN đem sang ở hải ngoại ấn hành. Nếu không nói các CD “thượng vàng hạ cám” đều xuất hiện hàng ngày. Chưa kể “trận giặc hạ giá” của các CD sản xuất từ VN gửi sang, đã tàn phá thị trường ca, ngâm. Có lẽ vẫn còn tình trạng lạm phát này dài dài.

 

CD hải ngoại bây giờ khó tiêu thụ, vì bây giờ gặp nạn các ca nghệ sĩ thường làm giá quá đáng, đòi “cát-sê” cao ngất từ 3 tới 5 ngàn đô cho một bài hát thâu âm, đang giết chết giới sản xuất. Giống như giới tài tử điện ảnh Mỹ đòi thù lao vài chục triệu đô cho mỗi phim, khiến hàng loạt các rạp chiếu phim phá sản vì giá vé cao. Cũng thế, ca sĩ hải ngoại đòi thù lao từ 3 tới 5 ngàn đô cho một bài hát thâu âm. Khiến giá bán một CD quá cao so với giá CD sản xuất từ VN, cho nên vẫn còn bế tắc, nan giải chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.

 

Nói về nhạc phẩm Lệ Đá trước đây, nhà thơ Hà Huyền Chi cho biết :

 

Ngó lui mấy chặng đường Lệ Đá

 

- Nhạc phẩm “Lệ Đá” trước hết không phải là một bài thơ phổ nhạc. Phải nói là tôi đã đặt lời cho bản nhạc (vốn không tên) của nhạc sĩ Trần Trịnh. Do một cơ duyên đặc biệt, do người bạn tên Đông chơi Clarinet, giới thiệu Trần Trịnh đến với tôi, khi đó Trần Trịnh (giữa thập niên 1960) chưa có nhiều tiếng tăm trong làng tân nhạc thời bấy giờ :

 

- Nhạc Trần Trịnh khá lắm, nhưng rất ít người biết đến. Xin anh giúp thằng bạn em một lần, đặt lời ca giùm cho nó.

 

Nhạc sĩ Trần Trịnh
 

Tôi liền lắc đầu : “Em biết là anh vốn mù nhạc mà !”

 

- Em biết chứ, nhưng em thành thực nghĩ rằng chỉ có anh mới giúp được nó.

 

Còn Trần Trịnh cười hiền lành nói thêm :

 

- Xin anh giúp cho. Tôi nghĩ là sẽ có cách…

 

Bấy giờ tôi thẳng thắn đặt điều kiện :

- Nể thằng em, coi như tôi chấp thuận trên nguyên tắc. Tuy nhiên, tôi cần nghe anh đàn bản nhạc này vài lần để có khái niệm về nhạc tính. Và tôi cũng cần ý kiến thẩm định về nhạc thuật của bài này với những Pianist như Dzương Ngọc Hoán (chồng Pianist, ca sĩ Quỳnh Giao)

 

Chúng tôi kéo nhau lên đài phát thanh Quân Đội, Trần Trịnh ngồi vào piano. Và điều ngạc nhiên là tôi ưa ngay cái âm hưởng buồn ngất ngây dịu nhẹ đó, rất Pianissimo ấy. Melody thật tha thiết, ngọt ngào, bắt nhĩ. Khi ấy Đông đã kéo Dzương Ngọc Hoán qua và Hoán khen bản nhạc này không tiếc lời, khiến tôi có ngay quyết định giúp Trần Trịnh. Tôi nghe Trịnh đàn thêm vài lần nữa và cố gắng nhập tâm cái âm hương của bản nhạc.

 

Hôm sau, tôi đem đến Trần Trịnh lời ca thứ nhất của Lệ Đá. Kết quả ngoài sức tượng tượng, là không biết bằng cảm hứng nào đó, tôi đã hòa được cái rung cảm đích thực của thơ tôi vào nhạc Trần Trịnh. Trần Trịnh mừng rỡ tới sững hồn. Anh và Hoán cùng hân hoan hát Lệ Đá khiến tôi cũng choáng ngợp trong niềm vui.

 

Lập tức tôi viết lời 2. Buổi trưa nắng gắt, dưới mái tôn thấp lè tè của quán cơm lính trong trại. Trên chiếc bàn bọc nhôm nóng bỏng, cáu bẩn, tôi thả hồn bay với Lệ Đá. Tôi viết thật dễ dàng, và khóc cũng dễ dàng với lời 2 này.

 


 

Tôi cứ vừa viết vừa khóc thế đó, như khi ngồi chép lại những dòng nàỵ Tôi bỏ dở bữa ăn, đem lời 2 lên đài Quân Độị gặp Nhật Trường trước phòng vi âm. Tôi đưa Lệ Đá ra khoe, Nhật Trường hát ngay với nỗi hân hoan bốc lửa. Hắn túm ngay lấy Trần Trịnh đòi soạn cấp kỳ hoà âm cho ban nhạc và 2 bè khác cho Mai Hương, Như Thủy ca. Khoảng nửa giờ sau Lệ Đá được thâu cấp kỳ. Nhật Trường, Mai Hương, Như Thủy, mỗi nguời trên tay một bản Lệ Đá “mì ăn liền” say mê hoà ca với nỗi xúc động đồng thiếp. “Take one Good take !” Hát và thâu hoàn chỉnh ngay lần thứ nhất.


Nhật Trường như bay ra khỏi phòng vi âm ôm lấy tôi và Trần Trịnh :

 

- Ông đặt lời thần sầu. Bản này sẽ là Top Hit.

 

Tôi nhún nhường:

- Top Hit được là nhờ nhạc Trần Trịnh bay bổng như diều đấy chứ.

 

Nhật Trường cướp lời :

- Nhưng ông là gió lớn. Đại phong mà…

 

Lời bài hát Lệ Đá (1)  sáng tác cuối thập niên 60

 

Hỏi đá xanh rêu…bao nhiêu tuổi đời / Hỏi gió phiêu du…qua bao đỉnh trời / Hỏi những đêm sâu… đèn vàng héo hắt

 

Ái ân… bây giờ là nước mắt / Cuối hồn một… thoáng nhớ mong manh

Thuở ấy tôi như… con chim lạc đàn / Xoải cánh cô đơn…bay trong chiều vàng / Và ước mơ sao…trời đừng bão tố / Để yêu thương… càng nhiều gắn bó / Tháng ngày là… men say nguồn thơ

 

Điệp khúc

Tình yêu… đã vỗ… cánh rồi / Là hoa.. rót mật… cho đời / Chắt chiu… kỷ niệm… dĩ vãng / Em nhớ gì… không em ơi

 

Mầu áo thiên thanh… thơ ngây ngày nào / Chìm khuất trong mưa… mưa bay rạt rào / Đọc lá thư xưa…một trời luyến tiếc / Nhớ môi em…và mầu mắt biếc / Suối hẹn hò… trăng xanh đầu non

 

 

Lời bài hát Lệ Đá (2)  sáng tác cuối thập niên 60

 

Tượng đá kiên trinh… ru con đời đời / Là nét đan thanh… nêu cao tình người / Là ánh chiêu dương… đẩy lùi bóng tối / Tháng năm xa… trùng trùng sóng gối / Ngóng nhìn từ… bát ngát chân mây

 

Bài hát ca dao… theo tôi vào đời / Và giữ cho tim… tôi xanh nụ cười / Nào biết trong em… còn nhiều trống vắng / Trái yêu đương… chỉ là trái đắng / Gã tật nguyền… buông trôi niềm tin

 

Điệp khúc

Tình yêu… đã vỗ… cánh rồi / Là hoa… rót mật… cho đời / Chắt chiu… kỷ niệm… dĩ vãng / Em nhớ gì… không em ơi

 

Tương đá kiên trinh… ôm con đợi chồng / Nhạc lá thu mưa… hay chân ngựa hồng / Lệ đá tuôn rơi… dòng dòng nối tiếp / Ngóng chinh phu… đời đời kiếp kiếp / Suối vọng tìm… trăng xanh đầu non

 

Cái ma kiếp của một bài ca được yêu chuộng thường yểu tử, và xuống cấp. Nhưng Lệ Đá thì không. Nó may mắn thoát khỏi định số ước lệ ấý. Vào những năm 67, 68 nhạc phẩm “Lệ Đá” được cất tiếng thường xuyên hầu như ở khắp mọi sinh hoạt văn nghệ mà thời kỳ này nhạc Trịnh Công Sơn đang được mọi người hâm mộ. Lệ Đá góp mặt hàng đêm ở các phòng trà, tiệm nhảy. Lệ Đá vào khuê phòng, ra máy nước. Rồi quán cà phê cũng Lệ Đá, phim ảnh cũng Lệ Đá với tiếng hát Khánh Ly, phim do Thanh Nga, Đoàn Châu Mậu diễn xuất, và Bùi Sơn Duân đạo diễn.

 

May sao, Lệ Đá vẫn chưa trở thành nhạc sến, nhạc đứng đường. May sao, tôi vẫn được yên thân, bởi vẫn giữ kín cơ duyên “nhảy dù” vào nghề viết lời nhạc. Để mọi người đều hiểu lầm rằng Trần Trịnh phổ thơ tôi.

 

Khi ấy tôi viết thêm lời 3 cho Lệ Đá khi đi công tác ở Sóc Trăng, Cà Mau. Nơi Rừng Mắm của Bình Nguyên Lộc với muỗi mòng dễ nể. Nhà văn Bình Nguyên Lộc dọa, chỉ cần quơ tay một cái là đã túm được cả chục con muỗí. Bạn bè hăm, trâu bò còn phải ngủ trong mùng. Khách sạn tỉnh lẻ không khá gì hơn mấy quán trọ trong phim Anh Hùng Xạ Điêu, Cô Gái Đồ Long. Thực khách vừa nhâm nhi, vừa quơ chưởng, đuổi muỗí. Mới chập tối, tôi đã chui vô chiếc mùng thố. Và buồn tình tôi viết lời Lệ Đá 3:

 

Lệ Đá lời 3 (Tháng 9, 1968)

 

Từ những đam mê… xa trong cuộc đời / Từ những cơn vui… tan theo nụ cười / Từ phút trao đi… cuộc tình thứ nhất / Giá băng khi… tuổi hồng đã mất / Dấu bèo chìm… khuất sóng xa khơi

 

Dòng tóc mây thơ… trên vai rủ mềm / Mười ngón tay em… đan trong tủi phiền / Lời hứa cao bay… cuộc tình cút bắt / Giấc mơ hoa… đầu đời đã tắt / Có gì vừa… trôi qua tầm tay

 

Điệp khúc

Người đi… đi mãi… không về/ Thời gian… xoá vội… câu thề / Bóng anh… nhạt nhoà… bóng núi / Em với tình… yêu trăng soi

 

Lạy chúa ngôi… ba nghe con nguyện cầu / Và giúp cho con… quên đi tình sầu / Lời thánh ru êm… giọt đàn thống hối / Chúa trên cao… mỉm cười thứ lỗi / Những giọt đàn… vang trong trời tin

 

Sáng hôm sau, chỉ có Chúa ngôi ba mới biết được cơn sợ hãi của tôi đến cỡ nào khi thức giấc. Trong mùng tôi, cả trăm con muỗi đen đủi no căng đu mình say ngủ an bình !!!

 

 

Lệ Đá lời 4 (Riêng cho Khánh Liên, tháng 4, 1975)

 

Chiều 27/4/1975 tôi còn cái hẹn với người tình Khánh Liên ở Thị Nghè. Tình hình thời cuộc lúc đó biến chuyển cực nhanh, nên tôi không đến được với Khánh Liên, tôi đã không thể thu xếp để tới chỗ hẹn, nói lời từ giã cuối cùng với nàng. Nỗi buồn đeo cứng lấy tôi. Khi ngồi nín thở dưới hầm, khi ráng ngoi nhìn mặt sông Lòng Tảo lần cuối. Nhìn mặt sông cuồn cuộn đau, khi thấp thoáng nghĩ ngàn dặm sẽ chia lìa cùng Sài Gòn, quê hương và người tình Khánh Liên…

 

Nên bài lời 4 này khởi viết từ tháng 4 và được hoàn chỉnh vào tháng 7/1975.

 

Lệ Đá lời 4

 

Từ nỗi xa đau… như đêm và ngày / Mỏi cánh thư bay… bay trong mùa đầy / Hòn đá đeo trên… cuộc đời héo hắt / Mãi bơi trong… vực sầu nước mắt / Chút tình buồn… lãng đãng men say

 

Người lỡ chia xa… đôi bên địa cầu / Tình lỡ chia xa… hai bên đỉnh sầu / Người đã xa khơi… cuộc tình tách bến / Chút hương xưa… làm thành vốn liếng / Cũng cùn mòn… theo chân thời gian

 

Điệp khúc

Muà xanh… đã khép… mắt đời / Hè khô… nức nở… ma cười / Gió thu… liệm vàng… nỗi nhớ / Đông xám… màu tang… nơi nơi

 

Một nét sao bay… trên khung trời buồn / Ngọn lá me khô… lăn trên mặt đường / Tưởng tiếng chân quen… tìm về lối ngõ / Tiếng chân xưa… chỉ là tiếng gió / Gió thở dài… lung lay hồn trăng

 

Không rõ điều gì đã khiến tôi không xa rời được cái giao hưởng của Lệ Đá 1, 2, khiến đôi khi, khúc này hầu như là một phó bản, mô phỏng của khúc trước. Nó dẫn tôi quanh quẩn trong trình tự ấy không rời.

 

 

Lệ Đá lời 5 (Riêng cho Nguyệt Lãng)

 

Có lẽ tôi là một kẻ chung tình mang trái tim phản trắc. Năm 1992, tôi đắm hồn vào một tình yêu mới. Nguyễn Tà Cúc – Nguyệt Lãng – Ác Bà Bà, là  Ba đại ác nhân và mỹ nhân, đã cho tôi hạnh phúc và hành tôi điêu đứng không cùng.

 

Nguyễn Tà Cúc thì không thể nào không… tà cho được. Nàng đến với tôi như một tiểu muội thứ thiệt. Rồi tôi đổ đốn đâm ra yêu tiểu muội, qua một phân thân của nàng là Nguyệt Lãng (sóng trăng).

 

“Tháng Một Buồn” in năm 1993, là thi tập ghi dấu tình tôi với nàng. Rồi Nguyệt Lãng lại phân thân, lần nữa. Từ cây bút hoa bướm hiệu đoàn, Ác Bà Bà soi kính chiếu yêu vào đời sống, văn chương. Và chứng tỏ năng khiếu trong lãnh vực phê bình văn học, và đàn hạch tư cách bất chính của nhà văn. Trong và ngoài văn chương.

 

Tôi xa nàng từ 1993. Dù cái tình của chúng tôi vẫn là ngàn đời chẳng thể chia xa. Và từ tháng Mười 1992 đến tháng Chạp 2002, đã là hơn 10 năm vèo qua trong thân tình, chúng tôi vẫn chưa hề giáp mặt nhau, dù chỉ một lần. Dù tôi đến Cali nhiều bận. Rất nhiều bận. Không gặp, phải chăng là cố gắng phi thường của chúng tôí. Để giữ cho tình mãi đẹp. Cho dù, những năm sau này, tiểu muội của tôi đã trong tình trạng không còn ràng buộc bởi hôn nhân.

 

Lệ Đá lời 5

 

Từ lúc yêu trăng… tiêu hoang cuộc đời / Từ phút say hoa… tương tư biển trời / Muội rót cho huynh… ngọt ngào suối biếc / Đắm say trên…từng hàng chữ viết / Cũng muộn phiền… suốt kiếp chưa vơi

Sợi tóc biên cương… xa hơn ngàn trùng / Nguyệt lãng sông chia... tang thương chẳng cùng / Là nhánh phong lan… vì người vẫy gió / Lúc trăng vơi… người còn mãi nhớ / Vẫn nồng nàn… thơm hương tịnh yên

 

Điệp khúc

Tình đau… lấp lánh… cuối trời / Ngàn khuya… gió thở… vai người / Tóc đêm… mượt mà… suối nhớ / Trăng đắm… hồn si... trăng trôi

Tình lỡ đăng quang… sông vui, dặm phiền / Còn chút dư hương… vương trên cỏ hiền / Để mãi thương nhau… đời này kiếp khác / Những đêm sâu… thảng lời gió hát / Khúc tình hoài… trăm năm, ngàn năm

 

 

Nguyễn Lê Quan


Source: https://hon-viet.co.uk/NguyenLeQuan_TamSuVeNhacPhamLeDaSangTacCungTranTrinh.htm

Định Mệnh Đã An Bài Chi tiết về Toa Thuốc của Đạt Ma Sư Tổ Trị Lành Bệnh Ung Thư

 

Đây là tự truyện đặc biệt của một nhà giáo viết thành thư gửi em gái. Theo bài viết, tác giả là một nhà giáo dạy tại trường Văn Học, ngôi trường nổ tiếng chuyên dạy lớp Đệ Nhất do nhà giáo, nhà thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan điều hành. Ông vượt sông Bến Hải vào Nam năm 1957, rồi vượt biển tìm tự do năm 1976. Từ chối việc định cư tại Mỹ, tác giả sống cô đơn tại Pháp, từng bị ung thư ruột và được chữa lành. Trong bài có đề cập tới một toa thuốc của Đạt Ma Sư Tổ, chữa lành ung thư, do chính Bác sĩ Trần Lữ Y -từng là Bộ Trưởng Y Tế thời VNCH- trao cho. Kính chúc tác giả an lành.

***

Em gái Phúc Chi thân mến,

Tháng Tư em mới trở về Mỹ, anh viết thư cho em ngay. Người xưa thường nói huynh đệ như thủ túc. Đọc thư em, anh như tìm lại một phần thân thể của mình. Đã từ lâu anh được tin em đã vào Mỹ. Anh hỏi anh Tùng thì anh nói rằng: Chi đã vào Mỹ, nó và thằng Quyến đã kết hôn với nhau. Anh lẩm bẩm nói với mình rằng: Anh biết kỹ em và Quyến hai tính tình quá khác nhau như đen với trắng, lấy nhau đâu có hợp! Nhận định chủ quan của anh nên anh đã nhốt nó ở trong bụng, không nói ra miệng.

Em đang ở Việt Nam với gia đình, anh nhờ em chuyển đến bác gái của thằng bạn rất thân của Mạnh Hoàng và Huy Phong. Anh kính chúc bác gái và gia đình được an khang, thịnh vượng.

Năm 1976, anh vượt biên cập bến Singapore vào cuối tháng 6 sau chuyến vượt biển, anh quan niệm rằng: Cuộc đời ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh của anh là do định mệnh đã an bài. Cuộc đời anh có những điểm gọi là thành công, như 2 chuyến vượt biên. Lội qua Bến Hải vào Nam năm 1957 và vượt biển mùa thu năm 1976, quả là anh đã tứ chỗ chết tìm ra đất sống, nên một người lớ ngớ như anh mà vượt sông, vượt biển cả hai lần. Điều đó do định mệnh của anh tốt, nó phù trợ cho anh, chứ tài cán thì không có.

Năm 1976, chính anh phải liều mình xuống Rạch Giá để mua ghe cho chuyến đi có bảy người góp vốn, mỗi người mấy chục ngàn. Xuống Rạch Giá, anh gặp anh Quân là lính của Hải Quan, học anh lớp đệ nhất C ở lớp tối trường Văn Học. Anh Quân dẫn anh về nhà giới thiệu với bác anh là chủ vụ Ba Đức, ông nói anh: "Chú muốn mua ghe, thì chú cứ ở ụ của tôi để tránh những con mắt nhòm ngó của thiên hạ, rồi tôi sẽ mua cho chú một cái ghe bọc bằng sắt, chú đi biển thì chỉ có trời hại được chú! Còn giông bão thì không thể."

Ghe bọc sắt, trước khi ra biển đi đánh cá, ông đã kéo ghe lên ụ, hàn xì và sơn phết lại, khi nghe ra biển bị bão lớn. Lườn ghe ông hàn xì kỹ quá nên bị chảy, nước ngập vào cả cabine nên ghe bị chết máy trôi lênh đênh ngoài biển cả tháng trời. Một bữa, buổi chiều tụi anh bảy đứa, nằm ngửa mặt trên ghe, để uống nước mưa. Anh Hiền hiện là luật sư ở bên Mỹ, sờ tay vào túi, nhớ đến cái bùa cô Kiều Nguyệt Nga (trong truyện Lục Vân Tiên) hắn nói lớn: "Ấy còn cái bùa của cô Nguyệt Nga, mình thử gọi hồn cô xem ra sao?" Hắn gào thực lớn "Ơi cô Kiều Nguyệt Nga ơi! Ghe chúng tôi bị chết máy, cả trên nửa tháng nay rồi! Xin cô cho ghe tôi nổ máy, không thì chết hết cô ơi!"

Hắn gọi thằng Bảy, một lính người nhái đảm đang việc lái ghe:

"Bảy ơi! Tao đã kêu cứu cô Nguyệt Nga rồi! Mày nổ máy xem ra sao?"

Thằng Bảy uể oải đứng dậy nói: "Đù mẹ, ghe đã chết máy trên nửa tháng nay rồi, còn nổ cái con mẹ gì nữa!" Hắn xuống cabine nổ máy kêu ùng ục. Quả là phép lạ, đã trên 30 năm nay, chúng tôi đều nghĩ, nhưng vẫn chưa hiểu tại sao?

Ghe chạy gần một ngày, ghe chúng tôi gặp một tàu đánh cá thực lớn, ông chủ tàu là người Thái Lan, có lẽ ông nhìn thấy thảm cảnh của bảy cái xác không hồn, ông động từ tâm nên cứu vớt chúng tôi và chạy thẳng vào hải cảng Singapore.

Tòa Đại Sứ Mỹ ở Singapore đã cử ông Lãnh Sự Mỹ xuống ghe làm lễ tuyên thệ để vào định cư tại Mỹ. Đến lượt anh, ông Lãnh Sự bảo giơ tay để tuyên thệ. Anh đã trả lời ông lãnh sự Mỹ: "Tôi không xin vào Mỹ định cư thì giơ tay để làm gì?"

Ông Lãnh Sự Mỹ như bị chạm tự ái: "Ông không tuyên thệ để vào Mỹ, thì ông định vào nước nào?"

"Tôi là người tị nạn chính trị Việt Nam. Nước nào nhận người tị nạn thì tôi vào nước đó, chỉ trừ có hai nước."

"Hai nước nào?"

"Các nước Cộng Sản và nước Mỹ."

"Được rồi, tôi sẽ cho ông đi nước Marốc!"

Anh không muốn định cư ở Mỹ, vì Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam một cách thản nhiên, không một chút áy náy (bức tử Việt Nam Cộng Hòa)

Hai ngày sau, anh được tòa lãnh sự Pháp cho tuyên thệ vào định cư tại Paris.

Năm 1978, anh và ông Nguyên Sa Trần Bích Lan xin chiếu khán vào Mỹ.

Nhân viên Lãnh Sự dở hồ sơ ra coi và nói với anh: "Ông đã ghét nước Mỹ thì ông vào Mỹ làm cái gì?"

"Tôi xin vào Mỹ để thăm bạn bè tôi, chứ tôi đâu có đến để xem nước Mỹ đẹp."

Vào tuổi 30, anh có ông bác họ, làm thầy giáo tiểu học, ông là bạn vong niên với cụ Ba La. Ngày tết, ông nói với anh rằng: "Cháu muốn xem số tử vi, ông thông chữ hán và đoán số giỏi thì cháu đến cụ Ba La, chẳng những cụ giỏi chữ Hán và đoán số giỏi. Ở Sài-gòn, Chợ Lớn, Gia Định không ai có thể qua mặt được cụ Ba La."

Anh đến coi số cụ Ba La, một cụ trên 90 tuổi, râu dài, da hồng hào chỉ sự khỏe mạnh. Anh có hai lá tử vi. Khi mẹ anh đẻ liên tiếp 5 người con gái. Bố mẹ anh vào Chùa Hương cầu tự người con trai, được 2 tuổi thì anh chết yểu. Bố mẹ anh lại vào Chùa Hương cầu tự xin đứa con trai trở lại. Khi anh sinh ra đời, bố mẹ anh hoàn toàn giữ bí mật, chỉ có bà vú nuôi mới nói cho anh biết:

"Cậu ra đời hoàn toàn giống người anh của cậu, dáng người nhỏ bé, đến khuôn mặt, đến cả nốt ruồi..." Bố mẹ anh cho anh mang khai sinh của người anh mới chết. Anh sinh năm 1938, anh của anh sinh năm 1935.

Khi đi xem số anh đều đưa ngày tháng năm sinh của người anh. Vì anh nghĩ rằng "Nếu thầy coi số giỏi thì sẽ biết sẽ chết năm bao nhiêu tuổi?"

Cụ Ba La bấm số của anh và hỏi anh: "Có phải cậu là người nhỏ bé, mặt tròn và có nốt ruồi đỏ tay phải?"

"Thưa vâng, đúng là hình ảnh của cháu."

Cụ Ba La đã đổ mồ hôi ở chân, tóc mai, cụ lẩm bẩm nói rằng: "Nếu quả lá số này của cậu, thì dù gia đình cậu có phúc đức cũng chỉ sống không quá bốn tuổi." rồi cụ nói với anh: "Xin cậu lấy tiền lại. Cậu về nói với bác cậu: tôi bất tài, không coi được số của cậu."

Anh về thuật lại tài coi số của cụ với ông bác, ông nói:

"Thế là đêm nay cụ lại mất ngủ."

"Cháu thấy lòng cháu ân hận lắm! Nhưng biết làm cách nào để chuộc lại lỗi của cháu?"

"Mai cháu lại sớm cụ, nói rõ sự thực và cúi xin cụ tha lỗi và đưa số tử vi của cháu để cụ coi cho."

Sáng hôm sau, anh tới cụ Ba La, "thú thực là lá số của anh cháu đã chết từ năm hai tuổi." và anh đưa lá số của anh để cụ bấm số. Cụ cười nói với anh rằng:

"Số tử vi của anh, nó rõ ràng, mạch lạc như thế này cơ mà. Số của cháu là số mệnh vô chính diệu đắc tam không phùng nguyệt lô. Giờ bác bấm những điều cháu có thể kiểm chứng lại. Số của cháu được phúc của ông bà tổ tiên, hay số có quý nhân phò trợ, số cháu trường thọ, năm 87 tuổi cháu mới chết! Số cháu không được thừa hưởng cái gì của cha mẹ, phải xa gia đình, thân tự lập thân. Cháu cao số: người ta mắc một đại hạn đã là khổ lắm rồi, cháu mắc bốn cái đại hạn!"

"Mỗi đại hạn là bao nhiêu năm và tính từ năm bao nhiêu tuổi thưa cụ?"


"Mỗi đại hạn là 12 năm và đại hạn tính từ năm 18 tuổi. Nhưng đại hạn cuộc đời cháu nó thăng trầm. Những năm hạn cháu vẫn kiếm nhiều tiền. Nhưng tiền vào nó lại ra, nên cháu đến tuổi này vẫn không nhà, không cửa, không vợ, không con. Số cháu cao nên bác quả quyết rằng: Cháu không thể lấy vợ trước năm 65 tuổi. Nếu cháu lấy được vợ thì bác xin đập tráp, không làm nghề bấm tướng số... về học hành, cháu học không thông minh lắm. Nhưng nhờ phúc đức của ông bà phù trì nên cháu thi đâu đỗ đó. Không bao giờ trượt! Cháu thử nghĩ lại coi có đúng không?"

Năm anh 11 tuổi, đang học lớp nhì. Nhưng trước đó anh học tư, cậu Võ Tâm Tịnh đã dạy anh môn Toán, môn Chính Tả và làm luận hết lớp nhất. Năm đó anh đang học lớp nhất. Ty tiểu học ra thông báo:

"Kỳ thi tiểu học năm nay, ai có khả năng đều có thể thi, không cần phải nộp chứng chỉ học bạ." Anh nhủ mình: "Thế thì mình nộp đơn thi để có kinh nghiệm. kết quả kì thi đó, anh đỗ thứ tư trong toàn trường! Quả là số mạng anh tốt thực.

Niên khóa năm 53-1954, anh học lớp đệ tam ở Hà Nội. Ba tháng hè, anh học tư của cậu Nguyễn Sỹ Hồng đã gần hết chương trình Toán, Lý, Hóa đệ nhị. Năm 1954 chính quyền mới tiếp thu Hà Nội, anh thường xuống Hải Phòng để chuẩn bị di cư với bà chị. Anh đi bộ gần cuối đường cái dài có ngôi đình cấm thấy một tờ giấy viết bằng tay.

Kỳ thi Tú Tài 1 cuối cùng trên đất Bắc kỳ thi này những ai có khả năng đều có thể làm đơn thi, không cần chứng chỉ học bạ.

Anh lại nhủ mình: Nộp đơn thi cho có kinh nghiệm thi cử. Khóa thi đó cả bạn A và bạn B chỉ có gần 40.

Đề thi do các thầy đã di cư vào Sàigon ra Hải Phòng để chấm thi, anh còn nhớ Giám Đốc kỳ thi đó là Giáo Sư Tăng Xuân An. Lớ ngớ làm sao kỳ thi đó anh trúng tuyển thi viết. Còn bao nhiêu môn thi vấn đáp anh chưa hề học, nước đã đến chân, sao mà nhảy được! Thôi đành thi bằng vò đầu gãi tai vậy. Buổi sáng vào thi vấn đáp thì ông Lê Quang Luật Chủ Tịch Ủy Ban Bảo Vệ Bắc Việt đến thăm trường thi, ông cho biết: Đây là kỳ thi Tú một cuối cùng trên đất Bắc, nên ủy ban bảo vệ Bắc Việt đã xin với Bộ Giáo Dục cho một đặc ân: những thí sinh đã đỗ kỳ thi viết, còn vấn đáp bỏ là đặc ân của bộ. Quả là chó ngáp phải ruồi. Anh đỗ tú tài một trong khung cảnh ấy.

Nghe bạn bè nói: Tú tài một đỗ kỳ đó chỉ có giá trị học lớp đệ nhất, còn xin việc làm thì không được công nhận.

Năm 1976, anh xin tị nạn tại Paris, cuối năm đó phải thi, nếu đỗ thì được vào học trường kỹ thuật Cachan chỉ nhận một lớp 40 học sinh, nên phải thi tuyển hai môn: Pháp văn và Lý Hóa... những người dự thi, đỗ tú tài trường Pháp và đỗ cử nhân thực nhiều. Anh nghĩ rằng: Kỳ thi này, là tử địa đối với mình. Khi thi môn Lý Hóa, anh còn nhớ công thức nên làm được bài. Đến môn Pháp Văn, anh ngơ ngẩn như người mất hồn, vì anh quá dốt Pháp Văn. Khi bóc đề thi anh mới hoàn hồn. Vì đề thi là diễn văn của ông Camus khi lãnh giải thưởng Nobel... diễn văn này, anh đã đọc ở Saigon, nó đã được dịch sang tiếng việt. Thế là anh cắm đầu làm bài. Kết quả anh lại thoát hiểm một lần nữa, khóa học 9 tháng, và mỗi tháng được lãnh trên 2 ngàn Făng.

Đầu thu năm 1976, anh tới Paris, anh đã có một quyết định quan trọng: Anh ở độc thân suốt đời không lấy vợ.

Năm 1993 anh bị bệnh đi cầu ra máu, anh đến chữa bệnh ở ông Lữ Y (Louis). Hơn năm sau, bệnh vẫn chưa khỏi. Bác sĩ Lữ Y nói anh rằng: "Tôi sở trường về máu. Tôi chữa cho cậu hơn một năm, tôi nghĩ rằng cậu có bệnh gì ở trong ruột, cậu phải đi chiếu điện, để biết rõ bệnh mới mong chữa được." Anh đi chiếu điện mang phim về cho bác sĩ coi. Ông để tấm phim lên tường bấm điện cho coi ruột già của anh bị đen kịt. Ông bác sĩ nói: "Rõ ràng cậu bị ung thư rồi!"

"Thưa bác sĩ bệnh ung thư thì bằng cách nào chữa khỏi?"

"Thuốc trị ung thư thì chưa có nên cậu phải mổ thôi! Mà mổ thì phần chết gấp bội phần sống."

Anh rất sợ mổ, sợ đến khiếp đảm. Anh thưa với bác sĩ: "Tôi chấp nhận cái chết. Tôi về nhà để chờ chết."

"Ông đừng vội bi quan. Gia đình tôi, đến tôi là đời thứ ba có giữ một toa thuốc gia truyền. Một gia đình Tàu sang Chợ lớn làm ăn, ông cho gia đình tôi một toa thuốc Tàu để chữa bệnh ung thư. Ngày mai cậu tới, tôi sẽ đưa photocopy đơn thuốc ấy cho cậu."

Ngày hôm sau, anh tới lấy đơn thuốc về đọc thuộc kỹ: Thì ra, đơn thuốc này của Đức Đạt Ma Sư Tổ, khi ngài từ Ấn Độ sang truyền đạo ở Trung Hoa.

Ngài nói rằng: "Ấn Độ và Trung Hoa bệnh căng xe đã có từ lâu rồi. Nhưng người ta kêu là bệnh Nưỡi. Trung Hoa có hai thứ cỏ tên là:

1) Bách Hoa Xà Thiệt Thảo, Tàu kêu bằng Pá Xế Trực Thẩu.

2) Bán Liên Chi, Tàu kêu là Pán Ký Lìn.

Hai thứ cỏ này trộn lẫn với nhau. Rồi cho vào ấm, đổ nước nóng vào như ta pha trà vậy. Phải uống rất đều đặn, nhiều lần trong ngày. Sau bảy tháng đi chiếu điện xem bệnh tình ung thư ra sao?

Quả nhiệm mầu. Anh đã lành bệnh ung thư nhờ uống hai thứ cỏ trên hàng ngày.

Năm 2004, có mấy anh bạn đến chơi, anh nấu nước sôi để pha trà mời bạn. Anh vốn chưa quen nấu, lóng ngóng làm sao lửa bắt vào tay áo anh, rồi nó cháy lên tới nách tay phải. Bạn bè chở đi nhà thương Cochin, phải nằm nhà thương năm tháng và qua hai lần mổ, tới nay vẫn chưa khỏi, nên anh phải viết bằng tay trái, nên chữ của anh mới nghệch ngoạc khó đọc.

Cụ Ba La khi bấm số cho anh, cụ có nói: "Bác đố cháu lấy vợ được trước năm 65 tuổi và số của cháu có số xuất ngoại. Số của cháu sống ở ngoại quốc nhiều hơn ở quê hương, và khi chết , cháu phải chôn ở hải ngoại đấy cháu ạ."

Lúc đó anh cúi mặt xuống và mỉm cười cho là cụ nói bậy, vì lúc đó anh đang trốn lệnh đi học Thủ Đức, nên những ngày nghỉ anh muốn đi Vũng Tàu hay Đà Lạt còn không dám đi, còn nói chi đến xuất ngoại, chỉ là những câu nói không tưởng...

Anh bị bệnh cháy đã gần chín năm nay, không người thân, không bạn bè tới thăm. Anh đã "diện bích" ngồi nhìn bốn bức tường và lẩm bẩm nói chuyện một mình!

Một bữa có thằng bạn thân làm ở bộ ngoại giao đến chơi. Vừa bước vào nhà, nó đã hỏi thực lớn: "Bây giờ mày đã vào đường cùng ngõ cụt rồi! Mày đã chịu lấy vợ chưa?"

"Tao có kén vợ đâu? Mà mày hiểu vậy! Có điều tao nghĩ, cha già thì con cọc, mình đã già lấy vợ đẻ con thì chỉ khổ cho đứa trẻ khi ra đời. Hơn nữa tao giờ thân tàn ma dại, còn ai người ta chịu lấy?"

"Thế mà có đứa nó chịu lấy mày, thì mày nghĩ sao?"

"Ai hở mày?"

"Em gái tao. Tao nói rõ cho mày biết trước. Em gái tao nó đã gần 60 tuổi rồi! Nó đã có chồng và sinh ra ba đứa con. Chồng nó là một nhạc sĩ đã chết mấy năm nay. Nó phải chịu lấy mày. Vì nó phải lấy chồng thì mới có cơ hội ở lại Pháp."

Anh phải lấy vợ vì tình cảnh ngặt nghèo của bệnh tật.

. . .

Chi ạ! Đã gần chín năm nay, anh không có ai lại thăm hỏi. Anh chỉ nằm nhà nói chuyện một mình, anh là kẻ quá cô độc và cô đơn! Được viết thơ cho một người thân như em, anh viết quá dài và khó đọc. Mong em thông cảm.

Cách đây mấy năm, anh đã gặp Tâm ở Paris rồi em ạ. Tâm nó giống em như hai giọt nước, nó nhỏ con hơn Mạnh Hoàng. Nhưng nó đã tỏ ra một người con trai hoạt bát, hiếu động và thực đáng mừng. Vì Tâm vẫn giữ được phong thái con nhà. Còn Lành nếu anh nhớ không lầm: anh dậy hắn ở lớp đệ tam trường Phan Sào Nam. Cho anh gửi lời thăm Tâm và Lành nghe em.

Từ năm 1978 anh và ông Nguyễn Sa Trần Bích Lan đến thăm bạn bè ở Mỹ, và hai lần sau đó. Các cảnh ở Mỹ quốc đều đẹp, có nhiều giải trí cho mọi lứa tuổi. Các người con của bạn anh đã thành đạt, học hành thành công đều ra là Bác sĩ, Nha sĩ, Dược sĩ, Kỹ sư... cũng mừng cho các cháu có môi trường để phát triển khả năng của mình tại Hoa Kỳ.

Cầu mong em mạnh khỏe để đọc lá thư tràng giang của anh.

Thân ái
Anh của em,
Nguyễn Hữu
Paris 19/2/2012.


Source: https://vvnm.vietbao.com/a191234/dinh-menh-da-an-bai-chi-tiet-ve-toa-thuoc-cua-dat-ma-su-to-tri-lanh-benh-ung-thu