Thứ Năm, 20 tháng 1, 2022

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2022

Lấp kín không gian ...

Ta đưa tay bấu vào không khí

Vận sức bình sinh níu lấy thời gian

Kéo quá khứ ...lần sâu vùng ký ức

Gom kỷ niệm xưa ... lấp kín không gian ...


NTTN

19-01-2022

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2022

Lòng Mẹ - A mother's heart

Sáng tác: Y Vân

Artist: Y Van



Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, rạt rào.

A mother's heart is like the Pacific Ocean, wide and calm.

Tình mẹ tha thiết như giòng suối hiền, ngọt ngào.

A mother's love is forgiving and true like the water of a spring, fresh and sweet.

Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều, rì rào.

A mother's voice is light like the rice fields in the afternoon, waving.

Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu.

With her welcoming voice like the moon on the porch, the mother loves.


Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn, mùa thu.

A mother's heart is like the golden full moon, in autumn.

Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa, mặt hồ.

A mother's love is like a light wind playing on the face of a lake.

Lời ru man mác êm như sáo diều, dật dờ.

A mother's words are like the willow tree, light and elegant.

Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ.

Rain or shine, early or late, happy with the singing of children.

 

Thương con thao, thức bao đêm trường.

To love children, is to be up how many nights.

Con đã yên giấc, mẹ hiền vui sướng biết bao.

When the children are quiet, the kind mother is happy, you know not how much.

Thương con khuya, sớm bao tháng ngày.

To love children late and early how many days and months.

Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn.

To raise and feed the children until the day they are grown and wise.



Dù cho mưa gio không quản thân gầy, mẹ hiền.

Although the season of rain and wind has come, mother is kind.

Một sương hai nắng cho bạc mái đầu, buồn phiền.

One blessing and two difficulties makes a mother's head grey, and troubled.

Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ, một niềm.

Day and night, early and late happy with her children, is a memory.

Tiếng ru êm đêm mẹ hiền năm tháng triền miên.

 Her welcoming voice brings a mother through many years.


Source: https://lyricstranslate.com



Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2022

Má!

 


Nhìn chiếc giường bệnh viện chuyển về nhà cho má nằm gần 10 tháng nay, bây giờ đã trống vắng ... Những ký ức từ từ quay về như những thước phim ...

Những hình ảnh đầu tiên con nhớ được lúc con 2-3 tuổi là mỗi sáng Má bế đưa con sang cho chị Mai (người giúp việc) trước khi má đi làm, và mỗi chiều Má đi làm về mặc chiếc áo dài và con nhảy chồm chồm từ tay chị Mai đòi má bế ...

Rồi ngày em L ra đời năm 1971, con nhớ Ba chở con cùng anh K & chị T trên một chiếc xe 6-7 chỗ ngồi đến thăm Má và L ở nhà Mụ Hiền.  Con nhớ lúc đó là buổi tối, thời chiến tranh nên tất cả các cây cầu đều có lính gác, Ba xuống nói gì đó và họ đã kéo cổng gác cho xe mình đi qua.

Năm con 4 tuổi, anh K và chị T đã được gởi đi học nội trú ở trường Mai Liên và con nhất định đòi đi học nên má đã đưa con đến gặp Bà Nhất xin cho con học.  Con nhớ Má nói với Bà Nhất ở trường nội trú rằng:

- Nó còn nhỏ quá mà cứ đòi đi học, không biết có học được không Bà Nhất ?

Và con nhớ Bà Nhất vuốt má con & nói bằng một giọng Huế ngọt ngào hiền hoà:

- Nhìn mặt cháu sáng sủa, chắc cháu bắt đầu học được đấy ...

Rồi con được một ma sơ đưa con đến căn phòng học cuối của dãy bên trái của trường, Má đã đi theo con cho đến khi con vào lớp nhìn một lúc rồi má vẫy tay chào trước khi đi về.  Con còn nhớ ma sơ dạy con ngày hôm đó được mấy đứa trong lớp gọi là "Sơ Bê Ri Nha", và năm viết trên góc phải của chiếc bảng đen hôm đó là năm 1972.  Chiều hôm đó sơ Bê Ri Nha dạy cho tụi con bài hát "Một ngày kia tôi thấy chim non, chim nó nhảy nhay nhảy ..", lúc đó đã về chiều và tự dưng con nhớ Má chỉ muốn xe nhà trường đưa con về nhà sớm hơn ...

Rồi sau đó mỗi sáng Má lại chuẩn bị đồ ăn sáng cho con mang theo, trước khi "xe trường (school bus)" đến đón. Ở trường các ma sơ cho ăn buổi giữa sáng và giữa chiều thường là sữa & bánh mì, còn buổi trưa tụi con được ăn thật "thịnh soạn" với đĩa, muỗng, nĩa & dao.  Kỷ niệm cười ra nước mắt là con không quen dùng nĩa & dao để ăn nên khi ma sơ vừa quay đi là con bỏ ngay nĩa dao để "bốc bằng tay", làm các ma sơ phải khổ công tập luyện cho con dùng nĩa và dao hết mấy ngày.  Con nhớ có lần mấy ma sơ kể lại cho Má nghe chuyện này ...

Cũng năm 1972, chú Hà đi không quân bị tử trận, chú là người rất thương con.  Mỗi lần chú về phép thường bế con đi thăm hàng xóm.  Vì thương tiếc chú nên Ba & Má đã đổi tên quán cà phê của nhà mình thành quán "Cà Phê Hà".  Quán cà phê nằm cạnh một trạm kiểm soát quân sự vì vậy khách thường là những chú lính VNCH với lưng vai mang đầy súng đạn.  Con nhớ mấy chú trước khi rời quán để leo lên những chiếc GMC thường quay lại vẫy tay "chào chị Hà" vì nghĩ Má tên là Hà.  Rồi chiều chiều cũng những chiếc GMC từng đoàn chở quan tài phủ cờ chạy ngang, Má lại buồn và thường nói "Tội quá!".

Năm 1975 mọi người chuẩn bị chạy loạn và nhà mình cũng vậy, nhưng may mắn cha xứ đã quyết định hủy bỏ cuộc chạy loạn vì quá nguy hiểm.  Con nhớ có một đêm tụi con được chuyển lên nhà Ngoại và đến sáng thức dậy không thấy Ba & Má đâu, hỏi thì bà Ngoại nói Ba Má đi cải tạo mấy hôm nữa sẽ về.  Mấy ngày đầu tụi con cũng nhớ Ba Má lắm nhưng còn nhỏ quá, ngày qua ngày ở với bà Ngoại cũng dần quen.  Bây giờ lớn lên con mới hiểu Má đã cố tình đi vào "trại cải tạo" lúc sáng sớm khi các con còn ngủ để tránh cảnh "chia ly".  Tưởng tượng cõi lòng một người mẹ tan nác ra sao khi bỏ lại đàn con ...

Thời gian này, thỉnh thoảng bà Ngoại lại chuẩn bị một giỏ đồ ăn cho anh K đi xe đạp vào trại thăm nuôi Ba Má.  Một hôm thấy anh K chở em L đi thăm nuôi, ngày hôm đó con nghịch dao bị đứt tay rất nặng nhưng sợ bà Ngoại la nên lên giường đắp mền nằm giả bị bệnh bỏ ăn tối rồi ngủ thiếp đi.  Đến khoảng 3-4 giờ sáng bỗng con thấy có người mở mền con ra, mở mắt nhìn thì thấy là Má, con vừa mừng vừa lo.  Con còn nhớ Má la hoảng lên "trời ơi" khi thấy bàn tay đầy máu me của con.  Rồi Má bế con ra rửa vết thương và băng bó lại.  

Lúc đó con không hiểu tại sao Má lại xuất hiện bất ngờ như vậy, sau này mới biết là ngày trước đó, theo lời Má dặn anh K chở em L đi theo khi thăm nuôi cho Má gặp đỡ nhớ.  L còn quá nhỏ ngồi sau chiếc xe đạp không thể giữ vững nên đã rơi xuống đường, khi vào trại thì mặt mày L trầy sướt máu me, ông giám thị trại thấy tội đã quyết định cho Má về nhà 3 ngày.  Má đã rời trại từ xế chiều, tay bế L đi bộ mười mấy cây số đến 3-4 giờ sáng thì về đến nhà Ngoại và khi vào giường dở mền ra thăm từng đứa con mới biết con bị đứt tay ...

Một thời gian sau Ba vẫn ở trại cải tạo và Má được thả về, mấy mẹ con dọn về căn nhà xưa lúc này có mấy chú bộ đội đang ở.  Mấy chú này về sau rất mến gia đình mình nên dù đã bao năm cách xa khi có dịp mấy chú lại ghé về thăm nhà mình.

Rồi một ngày Ba cũng được về, mình bán căn nhà xưa chuyển đến một vùng đồng không mông quạnh. Đêm đến không thấy một ánh đèn chung quanh chỉ nghe tiếng giun dế kêu rỉ rả.  Thời gian này có lẽ là thời gian khổ nhất của nhà mình, Má phải làm thêm nghề đan áo len & bán dần nữ trang để sống.  Con vẫn nhớ suốt thời gian này, hằng đêm bất cứ giờ nào tụi con dậy dẫu là 2, 3 hay 4, 5 giờ sáng vẫn thấy Má ngồi bên ánh đèn dầu để đan từng chiếc ao.  Rất nhiều lần tụi con đã thấy Má gục bên chiếc đèn dầu rồi giật mình tỉnh dậy tay lại đan ... Không biết thời gian này một đêm Má ngủ được mấy tiếng hay Má vẫn thức trắng đêm và ngày hôm sau vẫn phải ra đồng đi làm "tập thể" cho Hợp Tác Xã ...

Rồi tụi con từng đứa rời nhà, chỉ còn hai đứa em nhỏ TD & AT ở với Má, Má vẫn phải làm việc quần quật để chu cấp cho những đứa đi xa cho đến khi tụi con có khả năng tự lập ...

Niềm an ủi cuối đời dẫu sao gia đình mình đã được nước Úc nhân hậu cưu mang và Má đã được ở Úc trên 25 năm để nhìn thấy con cháu trưởng thành và đứa nào cũng rất thương Bà Nội, Bà Ngoại ...

Hôm nay Má đã về trời ...

Trần gian trống vắng …đâu lời hỏi han

Cháu con ngơ ngác lạc đàn ...

Cầu mong nơi chốn thiên đàng Má vui …


Con

NTTN


MELBOURNE 15-01-2022.

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2022

Vì sao 5+5+5 khác 5×3?

Hồi nhỏ, ba tôi quan niệm không bao giờ cho đi học thêm. Cho nên, lúc vào lớp 6, khi tôi vào học ở một lớp chọn, mọi thứ đều rất khó khăn với tôi, nhất là môn toán. Trong khi các bạn trên lớp đều học thêm rất nhiều, giải toán nhanh như chớp, có những con tính tôi không hiểu sao họ có thể gộp đầu, gộp đuôi lại để tính nhanh hơn. Còn tôi, mọi thứ đều phải tự bơi lội, tự mua sách về đọc thêm, tự mò làm thêm. Điểm số của tôi khá bình thường so với những bạn cùng tuổi thời đó. Khi tôi hỏi sao không cho tôi đi học thêm để điểm cao, ba tôi bảo đó là cách nhanh nhất để tước đi trí sáng tạo của trẻ con và nó làm hại tôi hơn là cái lợi trước mắt.

No photo description available.
Lần lượt sau nhiều năm khi tôi học lên Master và PhD, lúc này tôi mới hiểu vì sao ba tôi không nên cho tôi đi học thêm. Những bài thi của cuộc đời tôi sau này khó hơn gấp nhiều lần mà không thể có trong những lần đi học thêm, đồng nghĩa với tôi chẳng thể có sự chuẩn bị nào khác ngoài việc mang những gì đã học để "brainstorm". Khi chúng ta đã cố gắng hết sức, chúng ta ít nhất sẽ không hối tiếc dù kết quả kém hay tốt.
Một lần trong buổi tán gẫu với một giáo sư, chúng tôi trò chuyện về thầy cô giáo ngày xưa. Ông bảo có một cô giáo dạy lớp 3 của ông mà ông nhớ mãi đến tận giờ khi gần 60, bởi cô ấy là cô giáo tồi nhất của ông. Trong một lần gặp một bài toán hay và ông rất hứng khởi làm cả tối để sáng hôm sau mang đến hỏi cô giáo mình làm thế này đúng hay sai. Nhưng cô giáo của ông chỉ bảo, hãy đợi đến khi cô ấy dạy tới phần này. Ông rất thất vọng với cách giải quyết vấn đề của cô. Điều quan trọng với một học sinh, theo ông, đó là cách chúng tư duy khi gặp một vấn đề, chứ không nằm ở việc chúng được dạy những công cụ mạnh để mang ra giải quyết. Con người khác với robot ở chỗ đó. Mọi robot đều được lập trình sẵn mọi khả năng, để khi gặp vấn đề, chúng mang ra đối phó. Nhưng nếu vấn đề không nằm trong những likelihoods đã lập trình sẵn, robot sẽ ngưng làm việc ngay lập tức.
Về sau, ông giáo sư có làm 1 bài trắc nghiệm về tính diện tích của một hình không gian rất phức tạp, nhưng ông chia chúng thành những hình tam giác, hình thang, hình bình hành khác nhau và đều cho biết diện tích của những hình đó. Ông đưa bài toán cho 2 học sinh, lớp 1 và lớp 10. Kết quả rất bất ngờ, học sinh lớp 1 lại tính được, còn học sinh lớp 10 thì vứt bài ở đấy. Khi ông hỏi từng người, ở cô bé lớp 1, mặc dù kết quả bị sai nhưng cách làm của cô bé là cộng dần dần từng hình một vào nhau để ra kết quả hình không gian cuối cùng. Còn ở cậu bé lớp 10, cậu trả lời là không biết có công thức nào để tính cho tổng diện tích đó không, và ngồi 15 phút chỉ để lục lại trong trí nhớ về sự tồn tại của công thức đó.
Phép nhân sẽ không tồn tại khi chưa có phép cộng. Bạn mến có thể dùng phép cộng thay cho phép nhân nếu như bạn quên mất cái bảng cửu chương. Giống như tích phân, bạn không cần học thuộc công thức của chúng nếu bạn hiểu tích phân chỉ đơn giản là tổng diện tích của các hình thang nhỏ mà thôi. Điều quan trọng nhất, bạn có thực sự hiểu kiến thức cơ bản.
Tôi sợ những ba mẹ luôn ép con phải làm những thứ mà bản thân họ không làm được.
Tôi sợ những ba mẹ luôn mong con thực hiện ước mơ mà họ không thể làm được trước đây.
Tôi sợ những ba mẹ luôn thích nghĩ hộ, làm hộ cho con cái.
Con người sinh ra, hạnh phúc nhất là được làm điều mình muốn. Vậy,khi bắt con làm theo ý mình, ba mẹ có phải là người luôn mong con được hạnh phúc nhất?
Gần đây ngẫu nhiên tôi gặp trên mạng rất nhiều bài tập về ...giai thừa cho các em học sinh lớp 3, lớp 4 ở VN làm tôi giật mình. Tôi biết chắc chắn các em sẽ làm được, bởi việc ép buộc ngồi học từ sáng tới tối mịt đã giúp rất nhiều học sinh VN vào được các trường chuyên, lớp chọn nhờ việc tối ngày làm đi làm lại các bài toán khó. Điều này đúng với cả người Trung Quốc. Nhưng, dù người TQ có điểm cao GRE và TOEFL nhất trong các dân tộc sang Mỹ học Graduate, thì khi qua giai đoạn học courses - nơi điểm số 100% luôn thuộc về người TQ, bước tới giai đoạn làm research thì chỉ sinh viên Mỹ mới là những người nghĩ ra nhiều thứ mới. Tiêu chuẩn một PhD nằm ở những publications. Sự sáng tạo không thể phát triển ở những con người luôn chỉ bó hẹp trong những không gian kiến thức mà họ suốt ngày ngồi học thuộc và làm đi làm lại cho bộ não khỏi quên. Điều này cũng lý giải vì sao mà nước Mỹ luôn có những Facebook, Google, Apple ... từ những người chưa cần học hết đại học hoặc bỏ ngang PhD giữa chừng.
Sức sáng tạo luôn tồn tại trong con người từ khi sinh ra. Nó tồn tại hay mất dần do những người xung quanh ảnh hưởng. Khi một em bé mới nhận thức cuộc sống, bé đặt ra nhiều câu hỏi và cũng trả lời nhiều câu đôi khi làm người lớn giật mình.
Tôi thích cách các cô giáo dạy trẻ con mẫu giáo ở Mỹ hay làm mỗi khi các em bé chỉ vào một thứ và hỏi đó là cái gì, câu đầu tiên họ hay nói là "Vậy bé nghĩ nó giống cái gì bé từng gặp hay từng nằm mơ?" Câu hỏi rất đơn giản nhưng chúng giúp trẻ em tư duy rất tốt.
Có lần tôi chứng kiến, một em bé chỉ vào một cái vòng và cô giáo của em đã không nói nó là hình tròn, mà hỏi bé lại bé nghĩ nó là cái gì. Em bé rất hào hứng trả lời lại "Nó giống cái hồ trước nhà của bé, giống mặt trăng trên trời, giống biển Stop trên đường" và điều bất ngờ, em bé lấy một cái dây và quấn 2 đầu lại với nhau, lấy các ngón tay bé xíu dang sợi dây dần dần thành hình tròn. Một em bé hơn 4 tuổi làm được nhiều điều hơn là chỉ nhập tâm vào đầu một cái định nghĩa khô cứng về hình tròn mà em chưa thể hiểu ở tuổi đó.
Cuộc sống không chỉ gói trong các trang giấy, cũng như cuộc đời bạn chẳng thể chỉ loanh quanh trong lớp học. Tốt nghiệp đại học hay PhD chỉ là sự khởi đầu của một chặng đường khác, mà trong đó bạn phải chuẩn bị đương đầu với nhiều khó khăn bỗng dưng xuất hiện giống như những viên mưa đá đột ngột rơi xuống đường vào những ngày giông bão. Bạn mến cần sự sáng tạo không chỉ trong học tập, mà sự sáng tạo giúp bạn đối đầu với mọi khó khăn.
Sức sáng tạo luôn giúp bạn chịu tự mở ra một quyển sách để đọc, tự bước chân đi tìm người khác để học hỏi, và tự tin vào những điều mình đang lựa chọn. Để những lúc bạn ra trường thất nghiệp với ngành bạn học, những lúc bạn đi làm mà không thấy lối thoát, những lúc bạn đang chán chường với xã hội xung quanh, bạn mến sẽ không phải ngồi than vãn mà luôn biết mình phải làm gì để bản thân thoát ra được vũng lầy mình đang đứng.
Đặt câu hỏi cho chính mình là sự khởi đầu cho việc đi tìm câu trả lời. Nơi nào có câu hỏi, nơi đó câu trả lời đang ở rất gần bạn.

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

Cách phân biệt Chùa, Đình, Đền, Miếu, Nghè, Điện, Phủ, Quán, Am

Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt Nam có rất nhiều nơi thờ cúng khác nhau như đình, đền, chùa, miếu, phủ, quán, am,… Nhưng không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của những địa điểm thờ cúng đó.
Cho nên có rất nhiều người đi chùa mà không hiểu được ý nghĩa của việc đi chùa, ở gần nhà có cái đình mà cũng không hiểu vì sao cái đình lại “mọc” lên ở đó,…
Vì vậy, chúng tôi đã biên tập bài viết này để giúp bạn đọc dễ dàng phân biệt được các địa điểm thờ cúng khác nhau, hiểu được ý nghĩa của việc thờ cúng và những nhân vật được thờ cúng trong đó.
Chùa là gì?
Chùa là cơ sở hoạt động và truyền bá Phật giáo, là nơi tập trung sinh hoạt, tu hành và thuyết giảng đạo Phật của các nhà sư, tăng, ni. Mọi người kể cả tín đồ hay người không theo đạo đều có thể đến thăm viếng, nghe giảng kinh hay thực hành các nghi lễ Phật giáo.
Ở một số nơi, chùa cũng là nơi cất giữ xá lị và chôn cất các vị đại sư.
Đình là gì?
Đình là nơi thờ Thành hoàng của các làng, đồng thời là nơi hội họp, bàn việc của dân làng. Đình được coi là trung tâm sinh hoạt văn hóa gắn bó với một cộng đồng cư dân và mang đặc trưng của nền văn minh lúa nước Việt Nam.
Thành hoàng là người có công với dân, với nước, lập làng, dựng ấp hay sáng lập nên một nghề (ông tổ của nghề). Dưới các triều vua thường có sắc phong cho Thành hoàng, vì hầu hết Thành hoàng đều có công với nước. Dân làng, hay phường hội đi lập nghiệp nơi khác cũng xây miếu, đền thờ Thành hoàng quê gốc của mình tại nơi ở mới.
Đền là gì?
Đền là công trình kiến trúc được xây dựng để thờ cúng một vị Thánh hoặc những nhân vật lịch sử được tôn sùng như thần thánh. Ở Việt Nam, phổ biến nhất là các đền thờ được xây dựng để ghi nhớ công ơn của các anh hùng có công với đất nước hay công đức của một cá nhân với địa phương được dựng theo truyền thuyết dân gian.
Các đền nổi tiếng có thể kể đến ở nước ta như Đền Hùng, đền Kiếp Bạc, đền Sóc, đền Trần… thờ các anh hùng dân tộc.
Đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Kim Liên, đền Quán Thánh… thờ các vị thánh theo truyền thuyết dân gian.
Miếu là gì?
Miếu là một dạng di tích văn hóa trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có quy mô nhỏ hơn đền. Đối tượng được thờ ở miếu rất đa dạng, thể hiện ở tên gọi của miếu – tên gọi theo đối tượng được thờ thường phiếm chỉ và tượng trưng.
Ví dụ: miếu Cô, miếu Cậu, miếu thờ thần núi gọi chung là miếu Sơn thần, miếu thờ thần nước gọi là miếu Hà Bá hoặc miếu Thủy thần. Miếu thờ thần đất gọi là miếu thổ thần hoặc thần Hậu thổ.
Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân sinh. Ở một số nơi, trong các ngày giỗ thần như ngày sinh, ngày hóa (nhân thần), ngày hiện hóa (thiên thần) làng mở tế lễ, mở hội, nghinh rước thần từ miếu về đình. Tế lễ xong, lại rước thần về miếu yên vị.
Miếu nhỏ còn được gọi là Miễu (cách gọi của người miền Nam)
Nghè là gì?
Một hình thức của đền miếu, thờ thần thánh. Đây là kiến trúc thường có mối quan hệ chặt chẽ với một di tích trung tâm nào đó. Nghè có khi thờ thành hoàng làng ở làng nhỏ, được tách ra từ làng gốc như Nghè Hải Triều (Cẩm Giàng – Hải Dương).
Nghè cũng có thể là một ngôi đền nhỏ của một thần trong xã nhằm thích ứng với dân sở tại để tiện việc sinh hoạt tâm linh khi ngôi đền chính khó đáp ứng được nhu cầu thờ cúng thường nhật, như Nghè ở Trường Yên là một kiến trúc phụ của đền vua Đinh.
Hiện ngôi nghè cổ nhất được tìm thấy từ thế kỷ XVII.
Điện thờ là gì?
Điện là sảnh đường cao lớn, thường chỉ chỗ Vua Chúa ở, chỗ Thần Thánh ngự. Như vậy Điện thờ là một hình thức của Đền, là nơi thờ Thánh trong tín ngưỡng Tam tứ phủ. Tuy vậy quy mô của Điện nhỏ hơn Đền và Phủ, lớn hơn so với Miếu Thờ. Điện thông thường thờ Phật, thờ Mẫu, Công đồng Tam tứ phủ, Trần Triều và các vị thần nổi tiếng khác.
Điện có thể của cộng đồng hoặc tư nhân. Trên bàn thờ thường có ngai, bài vị, khám, tượng chư vị thánh thần và các đồ thờ khác: tam sơn, bát hương, cây nến, đài, lọ hoa, vàng mã,…
Phủ là gì?
Phủ là đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu (tín ngưỡng bản địa của người Việt Nam). Một số nơi thờ tự (ở Thanh Hóa) gọi đền là phủ. Có thể hiểu Phủ là nơi thờ tự Thánh Mẫu khá sầm uất, mang tính chất trung tâm của cả một vùng lớn, vượt ra ngoài phạm vi địa phương, thu hút tín đồ khắp nơi đến hành hương (tương tự như chốn Tổ của sơn môn đạo Phật).
Ngôi phủ sớm nhất còn lại hiện biết là điện thờ các thần vũ nhân ở chùa Bút Tháp, có niên đại vào giữa thế kỷ XVII.
Quán là gì?
Quán là một dạng đền gắn với đạo Lão (Đạo giáo). Vào các thế kỷ XI và XIV đạo Lão ở Việt nặng xu hướng thần tiên nên điện thờ thực chất giống như một đền thờ thần thánh.
Sang tới thế kỷ XVI và XVII, sự khủng hoảng của Nho giáo đã đẩy một số nhà Nho và một bộ phận dân chúng quan tâm nhiều tới Lão giáo, và điện thờ đạo Lão có nhiều sự phát triển mới, với việc thờ cúng các thần linh cơ bản theo Trung Hoa.
Đó là Tam thanh (Nguyên Thủy Thiên Tôn, Linh Bảo Đạo Quân, Thái Thượng Lão Quân), Ngũ Nhạc mà nổi lên với Đông Phương Sóc và Tây Vương Mẫu, rồi Thánh Phụ, Thánh Mẫu. Cửu Diệu Tinh Quân (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, Mặt Trời, Mặt Trăng, Hồ phủ, Kế đô) đồng thời trên chính điện cũng có cả tượng của Hoàng Quân giáo chủ (Ngọc Hoàng).
Có thể kể tới các quán điển hình như: Hưng Thánh Quán, Lâm Dương Quán, Hội Linh Quán, Linh Tiên Quán… đều ở Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). “Thăng Long Tứ quán” bao gồm: Chân Vũ quán (tức đền Quán Thánh ở phố Quán Thánh); Huyền Thiên cổ quán (nay là chùa Quán Huyền Thiên ở phố Hàng Khoai); Đồng Thiên quán (nay là chùa Kim Cổ ở phố Đường Thành); Đế Thích quán (nay là chùa Vua ở phố Thịnh Yên).
Am là gì?
Hiện được coi là một kiến trúc nhỏ thờ Phật. Gốc của Am từ Trung Quốc, được mô tả như ngôi nhà nhỏ, lợp lá, dùng làm nơi ở của con cái chịu tang cha mẹ, về sau đổi kết cấu với mái tròn, lợp lá, làm nơi ở và nơi đọc sách của văn nhân. Từ đời Đường, Am là nơi tu hành và thờ Phật của ni cô đặt trong vườn tư gia.
Với người Việt, Am là nơi thờ Phật (Hương Hải am tức Chùa Thầy, Thọ Am tức Chùa Đậu – Hà Tây…) cũng có khi am là ngôi miếu nhỏ thờ thần linh của xóm làng – Vào thế kỷ XV (thời Lê sơ) là nơi ở tĩnh mịch để đọc sách làm thơ của văn nhân. Miếu thờ thần linh ở các làng hoặc miếu cô hồn ở bãi tha ma cũng gọi là Am.
Theo Kiến thức


Source: https://www.facebook.com/groups/811334885905270/posts/1529915894047162