Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

VŨ THÀNH AN - CÓ OẰN MÌNH ĐỚN ĐAU, MỚI HIỂU ĐƯỢC TÌNH YÊU



Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm


Câu chuyện kể của 1 người phụ nữ Saigon trước 1975 về câu chuyện tình đầy cảm động của chị trong thời ly loạn.

Tóc mai sợi ngắn sợi dài,
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm…
Lần đầu gặp anh, chị mới 16 tuổi, nhỏ xíu, tóc bó đuôi gà, đôi môi mỏng lém lỉnh. Hôm ấy, ba chị đưa về một thanh niên trẻ người Mỹ, giới thiệu người phụ tá của mình với gia đình, anh đã nhìn chị không chớp mắt… Đến khi chị vênh mặt hỏi “Tôi có chỗ nào không ổn?”, anh mới ngượng ngùng sực tỉnh, lí nhí… nói câu xin lỗi!
Không biết sao anh bị chị thu hút, đến mất hồn mất vía, còn chị thì tỉnh rụi, chẳng để ý gì đến anh chàng người Mỹ đồng nghiệp của ba mình. Sau đó anh hỏi ba chị thuê hẳn một tầng lầu trên cùng để ở, thì chị và anh gặp nhau mỗi ngày… Sống chung nhà, nhưng đường ai nấy đi, đối với chị, anh là bạn của ba, người lớn rồi, nên chị không coi anh như bạn bè của mình. Nhưng rồi chị cũng biết anh mới 24 tuổi, đến từ Washington DC; nhiệm sở ở Việt Nam này là công việc đầu tiên của anh sau khi tốt nghiệp đại học. Tuy còn bỡ ngỡ với xã hội Việt Nam, nhưng lạ một điều là anh nói tiếng Việt giọng Bắc rất chuẩn và lưu loát như được đào tạo qua trường lớp đàng hoàng.
Anh ít nói nghiêm nghị, nhưng mỗi lần gặp chị, anh lúng túng, mặt mày đỏ gay, làm chị nổi tính nghịch ngợm, muốn trêu anh. Có lần trong bữa ăn, chị đưa cho anh quả ớt tròn đỏ, rất đẹp, chị bỏ nguyên trái vô miệng, nói ngon lắm, và đưa cho anh một trái, bảo ăn thử… Anh tưởng thật, bắt chước chị, bỏ vô miệng nguyên trái, nhai rốt rột, rồi anh sặc, anh ho, anh khóc, còn chị nhả trái ớt ra, ôm bụng cười ngặt nghẽo. Anh cay quá, có ý giận, cầm cốc nước bỏ lên lầu một mạch…
Đến tối không thấy anh xuống, thấy cũng tội nghiệp, chị sai thằng em bưng lên cho anh ly nước đậu nành tạ tội, nhưng thằng em xuống nói anh ấy không có ở trên lầu, đi đâu rồi. Chị có ý đợi, muốn thử coi sau khi ăn trái ớt, mặt mũi anh ra sao. Nhưng mấy ngày liền anh không về, nghe ba nói với mẹ anh đi công tác. Cả tuần không gặp, chị thấy thiếu thiếu, chị nghĩ có lẽ tại mình chơi ác với người ta nên mình thấy có lỗi… áy náy đó thôi.
Tuần sau anh về, bước vô nhà thấy chị, còn tức nên vờ như không thấy, anh xách vali đi thẳng lên lầu, từ đó anh luôn giữ vẻ mặt lạnh lùng làm chị thấy… tự ái ghê gớm luôn.
Một hôm chị đang học thi tú tài, ban đêm ở trường thầy Hai Ngô về, từ đường Nguyễn Huệ đạp xe về tới nhà chị cũng khá xa. Vừa tới góc ngã ba hơi tối, xe chị tự nhiên trở chứng, phải dắt bộ về, đường tối chị thấy sợ ma. Vừa đi vừa run, vậy mà xui khiến sao gặp anh, đang lái xe đi ngang mặt, tài thật anh nhận ra chị ngay và “de” xe ngược lại. Dù đang giận, nhưng chị cũng để anh giúp, đem xe về nhà. Trên đường về anh không nói, chị cũng không (đang hờn mát mà).
Gần tới nhà, anh quay qua nhẹ giọng hỏi chị: “Sao em ghét tôi quá thế?”
Bị hỏi thình lình, chị ấm ớ: “Tôi có ghét anh đâu?”
Anh nhìn vào mắt chị: “Thế sao em vẫn muốn tôi khóc, để em cười?”.
Tự nhiên chị thấy lúng túng. May quá tới nhà, chị cảm ơn, rồi vội vã xuống xe vào nhà, để anh ngẩn ngơ nhìn theo…
Đêm ấy lạ ghê, không ngủ được, chị cứ thấy đôi mắt như hai ánh sao của anh chập chờn trước mặt, lần đầu tiên chị mất ngủ vì một chàng trai. Sáng ra, trước khi đi học chị có ý chờ xem có gặp anh không, nhưng không gặp, đến giờ, chị phải đi học thôi. Chiều về chị cũng không gặp. Ba chị nói, anh về nước có chuyện gấp. Mấy ngày anh không có ở nhà, chị như người mất hồn, cứ ra vô, ăn ngủ không yên…
Đến khi anh về, vừa thấy anh bước vô từ cửa, chị mừng như bắt được vàng, ánh mắt long lanh, chị cười nói huyên thuyên. Anh bỏ vali xuống, rạng rỡ nhìn chị, âu yếm lắng nghe và cuối cùng hỏi chị một câu: “Em nhớ tôi lắm hả?”
Câu hỏi bất ngờ làm chị khựng lại mấy giây, đỏ mặt… như ăn trộm bị bắt quả tang. Xấu hổ quá, chị vờ có việc, kiếm cớ bỏ đi.
Sinh nhật 17 tuổi của chị, chị mời bạn bè tới nhà chơi, một đám choai choai con nít, nói cười ầm ĩ. Tới tối tiệc tan, lúc về phòng ở lầu hai, chị thấy anh đứng đó, trong bóng tối, chìa ra cho chị một bó hoa hồng rồi anh bỏ đi. Ôm bó hoa, chị hồi hộp… Về phòng, cả đêm chị cứ ngắm bó hoa, từng cánh nhung mềm mại, đẹp ơi là đẹp, mở ra, trong cánh thiệp mỏng có bức thư ngắn kèm theo:
Em của tôi.
Lần đầu gặp, em đẹp như một bức tranh.
Lần thứ hai gặp, em tinh quái như một con mèo.
Lần thứ ba gặp, con mèo đánh cắp trái tim tôi…
Bây giờ, tôi bắt đền … em để trái tim tôi ở đâu?
Tôi muốn xin em trả lại…!
Trời đất! phải làm sao đây? Đọc xong bức thư, chị tái mặt. Lại cả đêm trằn trọc, sáng ra chị không dám ra khỏi phòng, lỡ gặp anh chàng thì biết ăn nói làm sao?
Mối tình của chị bắt đầu như vậy, dễ thương, nhẹ nhàng.
Lấy nhau chẳng đặng, thÆ°Æ¡ng hoài ngàn năm(Ảnh minh họa)
Năm ấy, chị thi tú tài IBM lần đầu ở Qui Nhơn. Tràn đầy tự tin, chị xúc tiến thủ tục đi du học.
Nhưng một sáng đầu năm 75, anh đi Sài Gòn họp khẩn cấp và không trở về. Toàn bộ nhân viên Ngoại giao Mỹ được lệnh rút khỏi Việt Nam. Anh gọi điện thoại cho ba chị, xin ông đưa cả gia đình đi, anh sẽ sắp xếp chuyến bay, nhưng ba chị không chịu. Anh lại xin ba chị cho cưới chị để đưa chị theo, nhưng ba chị cũng không chịu, đời nào ông để con gái ông lấy Mỹ.
Những chi tiết này chị không hề hay biết, thấp thỏm chờ, và lòng chị có ý trách, sao anh nỡ bỏ đi không một lời từ giã…
Biến cố năm 75 ập tới, ba chị đi tù, nhà cửa toàn bộ bị tịch biên hết, giấc mộng du học của chị vỡ tan. Cả gia đình chị tan tác như chiếc lá rơi rụng cuối mùa, chị buồn đau một thời gian dài.
Rồi chị cũng gượng dậy giúp mẹ bôn ba, buôn bán nuôi đàn em dại. Và chị lấy chồng, hai vợ chồng tương đối hạnh phúc, nhưng lại gặp phải mẹ chồng khắc nghiệt nên làm chị kiệt quệ tinh thần lẫn thể xác. Chị thất vọng về chồng mình, vì thấy anh rất sợ mẹ, không giúp gì được cho chị. Dù bụng mang dạ chửa, chị cũng phải quần quật không khác gì con ở, nên với chồng chị có phần oán trách và tình cảm chị dành cho chồng, do đó phai nhạt ít nhiều.
Đứa con gái ra đời, cũng không cứu vãn được vấn đề. Mẹ chồng lúc nào cũng chì chiết, hà khắc, chị cô đơn trong gia đình chồng, đến nỗi có lần chị xin chồng ly dị, vì thấy mình khổ quá không chịu nổi. Nhưng rồi chị phát hiện mình mang thai đứa con thứ hai.
Đành vậy, có những lúc buồn, chị ôm con mà nhớ quay quắt về anh, với những thương yêu cũ. Sau này chị đã biết rõ câu chuyện do ba chị trước khi đi tù, đã kể lại với giọng ân hận: “Biết vậy ba gả con cho nó.”
Khi chị biết anh đã tìm đủ mọi cách có thể để đưa chị đi nhưng tình trạng hỗn loạn lúc đó, anh không làm sao hơn được, chị tin chắc anh cũng đau lòng như chị, khi phải đành phải xa nhau. Và chị chấp nhận số phận, không còn oán trách anh nữa.
Sau đó không lâu, có một người lạ mặt tới đưa cho má chị ít tiền và địa chỉ và số điện thoại của anh bên Mỹ. Chị cầm đọc, mà hai hàng nước mắt chảy dài, chẳng biết để làm gì, nhưng chị vẫn cất kỹ số điện thoại và địa chỉ của anh, để thỉnh thoảng lấy ra nhìn, mà buồn vời vợi…
Mang thai lần này chị yếu hẳn, thai 7 tháng mà bụng chị nhỏ xíu, chị gầy, khô như que củi, nhìn vô gương chị không nhận ra mình, đứa con gái xinh đẹp, nhí nhảnh, năng động năm xưa đâu rồi nhỉ? Thình lình, một tối chồng chị về, mẹ con rầm rì to nhỏ, có chuyến đi vượt biên. Mẹ chồng muốn mẹ con chị ở lại, để chồng chị đi một mình. Nhưng anh không chịu, đi thì phải đi cùng. Lần đầu tiên chị thấy anh cương quyết, cuối cùng mẹ chồng nhượng bộ. Vậy là vợ chồng, con cái chị, dắt díu nhau ra khơi.
Tàu gặp bão, giông tố tưởng đã nhấn chìm con tàu mấy lượt, vậy mà trời thương, may sao chiếc tàu rách nát vẫn còn tiếp tục chạy. Nhưng mấy hôm sau nữa thì máy hư, hết nước, hết thức ăn, lênh đênh vô định trên biển…
Môi nứt nẻ, rướm máu, sức tàn lực kiệt. Mấy lần chị hôn mê tưởng chừng không bao giờ tỉnh lại. Trong cơn mộng mị, chị thấy mình về lại ngày mới lớn, vui tươi, nhí nhảnh bên anh, những ngày lãng mạn, tươi đẹp, nhuộm xanh cả bầu trời. Hình như giấc mơ đã giúp cho chị thêm chút sức lực, và trời thương, đã có lúc chị thấy mình mở mắt, để thấy đứa con gái bé bỏng ngủ vùi trong lòng mình và đứa con trong bụng có lúc quẫy đạp.
Thuyền nhân vượt biển sau biến cố 1975(Ảnh minh họa)
Có lẽ nhờ đó, mà ý chí phải sống trong chị trỗi dậy mạnh mẽ, nhưng tới lúc gặp được tàu cứu thì chị một lần nữa chìm sâu vào hôn mê. Không biết bao lâu, khi chị tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trong bệnh xá xa lạ, tâm trí hoang mang, mơ hồ. Chị hỏi đây là đâu. Qua người y tá bản xứ, chị biết đây là một đảo thuộc Mã Lai. Biết mình đã tới bến tự do, nhưng quá yếu, chị lại hôn mê. Trước khi ngất, không hiểu sao trong tiềm thức, như một lời trăn trối, chị rút cái địa chỉ giấu trong lai áo, đưa cho cô y tá, nhờ đánh giùm điện tín cho người này, nói chị đang ở đây.
Qua hôm sau, trong cơn thập tử nhất sinh, cái thai có triệu chứng sinh non, mà chị lại quá yếu. Bác sĩ đang lo lắng, không biết có cứu nổi cả mẹ lẫn con không? Trong cơn mê, chị nghe tiếng khóc của chồng, và cảm giác hơi ấm bàn tay nhỏ nhắn của đứa con gái bé bỏng vuốt ve trên mặt, chị như được được hồi sinh lần nữa. Bác sĩ quyết định mổ.
Như cơn gió lốc, anh của những ngày tháng cũ, vẫn cao gầy, dáng thư sinh, tuy khuôn mặt bơ phờ, mái tóc nâu rối bời, và cặp mắt xanh lơ, giờ đã không còn sáng như hai vì sao nữa, bởi từ lúc nhận được điện tín, liên lạc được với Liên Hiệp Quốc để xác minh, anh đã không hề chợp mắt…
Chuyến bay tốc hành đã đưa anh tới đảo nhỏ này, và giờ đây, đứng nhìn chị bé bỏng, hôn mê trên giường bệnh. Trước khi đi qua đây, trong đầu anh không hề nghĩ tới chị đã có chồng, con và một đứa nữa sắp chào đời.
Đứng đó nhìn chị, anh đau đớn, xót xa, đầu óc anh tràn đầy xúc động. Anh véo tay mình mấy lần, để biết chắc đây không phải là một giấc mơ.
Khoảnh khắc, đau đớn, ngỡ ngàng rồi cũng qua đi, Anh thảo luận với bác sĩ, nói chuyện với chồng chị, giới thiệu sơ về mình, và anh khẩn cấp liên lạc bệnh viện lớn nhờ giúp đỡ.
Ngay ngày hôm đó chị được trực thăng chuyển về bệnh viện lớn ở thủ đô Kuala Lumpur, với sự chăm sóc đầy đủ nhất. Chị được cứu sống, cả mẹ lẫn con.
Biết chị đã vượt qua cơn nguy hiểm, lòng anh rộn rã. Đứng bên ngoài phòng, nhìn đứa bé gái sinh non, lớn hơn con mèo một chút, ngo ngoe trong lồng kính, cảm giác tràn ngập thương yêu như chính con mình. Anh ngỏ lời với chồng chị, xin làm cha đỡ đầu của đứa bé.
Trước hôm về lại Mỹ, anh và chị lần đầu nói chuyện trực tiếp với nhau ở bệnh viện, khi chị đã tỉnh táo. Bên giường bệnh, nhìn chị, ốm xanh như chiếc lá. Ánh mắt yêu thương, như ngàn lời muốn nói, nhưng anh biết, có rất nhiều điều cần phải giữ lại cho riêng mình.
Chị nhìn anh cảm kích, biết ơn. Những thứ này có nghĩa gì với những điều chị đang chất chứa trong lòng. Nhưng cũng như anh, chị biết mình không thể nói hay biểu lộ ra những gì mình đang nghĩ, tự nhủ lòng… phải quên thôi! Ánh mắt nhìn nhau thăm thẳm như biển sâu, chị chỉ nói được một câu: “Em xin lỗi”.
Có những niềm riêng một đời giấu kín
Như rong rêu chìm đắm trong biển khơi
Có những niềm riêng một đời câm nín
Nên khi xuôi tay còn chút ngậm ngùi…
Trước lúc chia tay, anh trao riêng cho chồng chị một phong bì, bên trong có một xấp tiền mặt. Chồng chị tự ái, không nhận, nhưng anh cứ bắt chồng chị phải nhận, anh nói: “Cứ coi như tôi cho mượn, sau này anh có thì trả lại tôi…” Bốn tháng sau, giữa năm 1980 gia đình chị chính thức định cư ở San Jose, California, Mỹ.
Thời gian qua nhanh, hai năm sau đó chị có thêm một thằng cu tí ra đời. Nhìn ba đứa con ngày mỗi lớn, chị giờ đã bình thản hơn, sóng gió trong lòng đã dịu đi nhiều. Mỗi năm đến ngày lễ lớn hay sinh nhật của từng đứa con chị, anh đều gửi thiệp, gửi quà. Nhưng hai bên không ai nói chuyện trực tiếp, chị thấy vậy cũng tốt, thôi thì cố coi như “chỉ là giấc mơ qua”! Hai vợ chồng chị đều đi học lại, có nghề nghiệp ổn định và đời sống kinh tế vững vàng. Món tiền 3 ngàn đô-la năm xưa, chồng chị gởi trả lại cho anh sau 3 năm tới Mỹ .
Nợ tiền đã trả được… nhưng nợ tình thì sao? Có một điều làm chị bứt rứt là anh không lấy vợ, 40 tuổi anh vẫn sống độc thân. Công việc của anh đi nhiều, và anh lấy công việc bận rộn làm vui…
Mẹ anh thỉnh thoảng nói chuyện với chị qua điện thoại. Bà thương chị như con dù chưa bao giờ gặp, tuy nhiên bà biết mặt chị qua tấm ảnh trong phòng anh. Những gì bà ấy nói thường làm chị buốt nhói trái tim, làm chị cảm động đến khóc được, và qua bà, chị biết được toàn bộ cuộc sống của anh. Hai người đàn bà, cùng nắm giữ trái tim một người đàn ông. Chị gọi bà bằng mẹ, các con chị gọi bà là bà ngoại.
Một chiều mùa thu, bà gọi cho chị biết anh đang ốm nặng.
Chị muốn đi thăm lắm nhưng vì công việc làm không thể nghỉ, hơn nữa có những lý do tế nhị chị không đi được. Chị chỉ có thể gởi một bình hoa thật đẹp vào bệnh viện cho anh.
Hôm biết anh xuất viện, chị gọi điện thăm nhưng anh còn yếu, chưa nói chuyện được.
Mẹ anh vừa khóc vừa nói vớí chị: “Con biết không? Họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp gửi hoa tới bệnh viện rất nhiều nhưng đến lúc xuất viện, ngồi trên xe lăn, còn rất yếu mà nó chỉ ôm khư khư bình hoa của con, đem về nhà, để bên đầu giường.”
Chị khóc!
Hai năm sau đang giờ làm việc, mẹ anh gọi báo tin anh hấp hối, cuộc giải phẫu tim không thành công. Chị bỏ hết công việc lên thăm anh lần cuối, đi cùng chị có con bé giữa, đứa bé năm nào nhờ anh mà được sống sót… Nhìn anh thoi thóp trên giường bệnh, chị khóc như chưa bao giờ được khóc, lần đầu cũng là lần cuối, chị khóc thương cho tình yêu của anh và của chị. Khóc thương cho người đàn ông đã yêu chị bằng một tình yêu bền bỉ, không bao giờ ngưng nghỉ, chưa hề đòi hỏi ở chị một điều gì.
Trong một lúc hiếm hoi, tỉnh táo, anh bình thản nhìn chị với ánh mắt tràn ngập thương yêu… Anh cười, bảo chị đừng buồn, đời sống có sinh, có tử. Anh cảm ơn Thượng đế, đã cho anh gặp và yêu chị. Chị đau đớn nghẹn lời, cũng chỉ nói được một câu: “Em xin lỗi”.
Ánh mắt xanh lơ, cái nhìn đằm thắm, anh thu hết tàn lực nói với chị rằng: “Nếu có kiếp sau, em đừng nói câu xin lỗi.”
Đám tang anh vào một ngày đầu mùa đông… buồn. Anh ra đi ở tuổi 46.
Chị trở về cuộc sống thường ngày, thế gian này từ nay thiếu vắng anh nhưng trong lòng chị, anh vẫn có một chỗ đặc biệt dành riêng.
Ba tháng sau đám tang anh, chị nhận được thư mời của luật sư, sẵn dịp chị bay lên thăm mẹ anh, bà đã già đi nhiều sau cái chết của con trai.
Hôm mở di chúc của anh, chị mới biết cả ba đứa con chị đều có phần trong tài sản của anh để lại. Số tiền không nhiều nhưng dư đủ cho cả ba đứa vào học những trường đại học danh tiếng nhất.
Chiều tàn, bên ngôi mộ anh, chị lặng lẽ thầm thì những lời thương yêu mà lúc anh còn sống chị đã không thể nói. Theo gió chị gửi tới anh, những lời của một tình yêu, mà chị biết kiếp này và… cho tới kiếp sau chị vẫn ao ước được có, cũng như được gặp lại.
Văng vẳng bên tai chị nghe có tiếng anh thì thầm: “Nếu có kiếp sau xin em đừng nói câu xin lỗi”…
Source: https://nhacxua.vn/lay-nhau-chang-dang-thuong-hoai-ngan-nam/

Con Bướm Đen



Bút ký của ông Nguyễn Quang Thành
Nguyên Giáo sư trường nữ trung học Đà Nẵng


Lời người viết:

- Bài viết này là nén nhang thắp lên để tưởng nhớ anh tôi là Nguyễn Quang Khóa, nguyên Trung tá phi công phản lực, Trưởng phòng kế hoạch Không đoàn 41 Chiến thuật, xuất thân khóa 61A SVSQKQ đã chết tại trại tù số 3 Kỳ Sơn, Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

- Chân thành cảm ơn anh Phan Trừng, và anh Đan Hoài Bửu (Phượng Hoàng Kim Cương), nguyên Trung tá phi công phản lực, bạn học cùng khóa của anh tôi, đã giúp tôi hoàn thành bút ký này.

- Quý vị nào là bằng hữu, chiến hữu hoặc cựu tù binh biết về cái chết và mộ phần của anh tôi, xin liên lạc với tôi qua địa chỉ email:


Gia đình tôi ít anh em. Không phải do ba mẹ tôi hiếm muộn mà do thời gian ba tôi ở Pháp khá lâu. Hơn mười năm từ khi mẹ tôi sinh ra anh, hai ông bà mới gặp lại nhau, nên tôi kém anh tôi đúng một con giáp.

Mặc dù khoảng cách tuổi tác sai biệt khá nhiều, nhưng anh em tôi đều có điểm tương đồng là yêu thích toán học và ôm mộng viễn du. Vì thế chúng tôi đều học ban khoa học toán và tình nguyện gia nhập quân đội sau khi đậu tú tài toàn phần:
“Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả, trả vay

Chí làm trai, nam bắc đông tây
ho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”


Hình minh họa

Mùa hè 1960, anh tôi nhập học khóa 61A SVSQKQ. Khoảng tháng sau lại có giấy báo nhập học ban Toán của trường Đại học sư phạm gửi về nhà, ba tôi mở ra, đọc đi đọc lại nhiều lần, mặt đăm chiêu, ra chiều nghĩ ngợi nhiều lắm.

Mười năm sau, tôi cũng vừa thi vào đại học sư phạm, đồng thời làm đơn xin gia nhập trường Võ bị Đà lạt để được sống và học tập trong khung cảnh hào hùng và thơ mộng của vùng đất cao nguyên, mà tôi đã bị quyến rũ trước đây qua bài “Ai Lên Xứ Hoa Đào” của nhạc sĩ Hoàng Nguyên và một số hình ảnh của người sinh viên sĩ quan Đà Lạt trong đoạn phim giới thiệu về trường Võ Bị Quốc Gia Đà lạt, đã chiếu tại trường vào dịp cuối năm lớp Đệ nhất (lớp 12) tại trường Quốc Học, Huế.

Tôi đã trúng tuyển vào trường đại học sư phạm nhưng không thấy giấy báo nhập học trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt gửi về nhà. Vì thế, sau này tôi đã trở thành một giáo sư khoa học tại một trường nữ trung học đúng theo ý nguyện của ba mẹ tôi, nhưng tôi không bao giờ quên được hình ảnh hào hùng và lịch lãm của người trai thế hệ mà mình mơ ước.

Sau khi học đại học sư phạm được vài tháng, nhân một buổi ăn tối của gia đình, ba tôi mới ôn tồn cho tôi biết là ông đã nhận được giấy báo của trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt gửi về nhà, nhưng ông không cho tôi biết, vì anh tôi đã là pilote de guerre vào sinh ra tử trên bốn vùng chiến thuật (ba tôi có thói quen nói nửa Việt nửa Pháp, như ông thường viết các toa thuốc cho bệnh nhân).

Anh tôi du học tại Hoa Kỳ năm 1961. Gia đình tôi đều đặn nhận được thư từ và hình ảnh của anh tôi, chụp tại các trường huấn luyện phi công, luôn luôn kèm bên chiếc phi cơ đã bay, hoặc các hình ảnh chụp tại các tiểu bang đã đi qua nhân dịp cuối tuần hoặc các dịp lễ lạc. Tôi ước mơ một ngày nào đó mình cũng được như vậy.

Ngoài thư từ gửi cho gia đình, anh tôi còn gửi cho chị M.T., sinh viên trường CSYT, con gái của một người bạn của ba tôi, mà ba tôi đã chấm theo tiêu chuẩn “Công-Dung-Ngôn-Hạnh” cho anh tôi, trong lúc hai người chưa một lần gặp gỡ.

Nhiều lần tôi cảm thấy xót xa cho chị, khi chị đưa lá thư anh gửi cho tôi xem với hai câu thơ mở đầu:

“Người ơi, gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không”

Năm 1963 anh về nước. Hai câu thơ trên trích trong tập truyện Kiều của cụ Nguyễn Du mà anh đã lồng vào trong bức thư, gửi cho chị M.T. như một định mệnh đã an bài.

Ba tôi đã phải nói lời xin lỗi với cha mẹ chị, vì việc đi hỏi chị là do ba tôi đơn phương quyết định.

Một lần nữa, ba tôi lại đăm chiêu, suy nghĩ nhiều lắm.

Dĩ nhiên, anh tôi từ đó không về nhà, cứ ở mãi Sài gòn. Lúc đầu, anh ở Liên Phi đoàn 33 Vận tải tại căn cứ Tân Sơn Nhứt, sau đó chuyển qua Phi đoàn 518 Khu trục tại căn cứ Biên Hòa.

Thỉnh thoảng anh gửi thư cho ba mẹ tôi nói rằng anh quen một người con gái gốc Bắc, con của một sĩ quan cấp tá, bạn của cậu tôi. Chị là sinh viên trường Đại học Luật khoa Sài gòn và cũng là bạn cùng học tại ĐHLK với anh tôi (sau khi ở Hoa kỳ về, anh lại ghi danh học ĐHLK).

Chị có tên rất ấn tượng: Phạm Chất L.

Thư từ giữa hai anh chị chất đầy như núi. Một lần vào cư xá thăm anh, tôi tò mò đọc được một lá thư của chị gửi cho anh, với bài thơ mà tôi chỉ nhớ được hai câu:

“Đời phi công có mấy người chung thủy
Mỗi đường bay thay một cánh hoa yêu”

Hay một lá thư khác:

“Oublie, c’est le nom d’une fleur
N’oubliez pas, c’est le vœux de mon cœur”
(Xin người giữ lấy hoa quên
Và đừng quên nhé lời nguyền trong tâm)

Chị cũng không quên ép vào những trang thư tình màu tím một con bướm đen đậu trên nhánh hoa Forget Me Not. Điều này làm tôi liên tưởng đến sự trùng hợp màu sắc một cách ngẫu nhiên: Bộ áo bay của anh tôi màu đen với khăn quàng cổ màu tím, tôi thường thấy anh tôi mặc trong những phi vụ đặc biệt.

Đời phi công thật hào hùng và bay bướm. Trong tủ sách anh tôi để lại cho tôi học, tôi thích thú khi đọc cuốn Đời phi công của Toàn Phong, Chuyến bay đêm (Vol de nuit), Cõi người ta (Terre des hommes) của nhà văn phi công Saint Exupery. Càng thích thú hơn, khi biết Toàn Phong là bút hiệu của Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, tác giả cuốn Hình học Không gian không thua kém gì các cuốn Géométrie dans L’espace của Le Bosse hoặc của Caronner mà anh em tôi xem như là quyển Tự điển Toán Hình học Không gian.

Suy cho cùng, toán học và văn chương tuy thuộc hai phạm trù khác nhau nhưng luôn luôn có sự tương quan logic. Toán học tuy khô khan, nhưng nhà toán học lại là người rất nhạy cảm. Sự nhạy cảm là khởi đầu cho bao đề tài lãng mạn trong văn chương.

Thời gian dần trôi, tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, anh tôi được điều động ra căn cứ Đà nẵng. Ác liệt nhất là trận đánh Tết Mậu Thân 1968 và sau đó là Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.

Hình minh họa

Phi vụ oanh tạc, giải tỏa cố đô Huế dịp Tết Mậu Thân, chiếc Khu trục cơ Skyraider AD6 do anh tôi lái bị bắn với chi chít lỗ đạn phòng không của Bắc quân, đặc biệt là bánh đáp bị bắn gãy nhưng anh tôi đã đáp bụng an toàn.

Phi vụ oanh tạc, giải tỏa cổ thành Quảng Trị, chiếc phản lực cơ A37 của anh tôi bị bắn rơi trên bầu trời cổ thành, anh đã nhảy dù thoát hiểm và may mắn được một trực thăng cứu thoát, đưa về căn cứ Đà Nẵng an toàn.

Năm đó, tôi đang học năm thứ hai. Vừa ra khỏi giảng đường, một con bướm đen to bằng bàn tay, bay lởn vởn và đậu trên vai tôi vài tích tắc rồi biến mất. Sau đó tôi gặp một viên thiếu úy phi công trực thăng đến trường tìm một người bạn, vô tình kể lại chuyên anh ta vừa cứu thoát một thiếu tá phi công phản lực A37 bị bắn rơi tại Quảng trị, tôi nghe chuyện và hỏi tên người phi công lâm nạn, thì ra người phi công phản lực đó chính là anh tôi.

Sau này, trong tập san Lý Tưởng của binh chủng Không quân có đăng bài Cánh Thiên Thần Trên Bầu Trời Cổ Thành Quảng Trị của ký giả L.R.viết về anh lúc cánh dù bung ra từ chiếc phản lực cơ lâm nạn trên vùng trời lửa đạn.

Bạn bè cùng khóa 61 A SVSQKQ và các khóa sau đã có nhiều người ra đi không bao giờ trở lại như tráng sĩ Kinh Kha qua sông Dịch không hẹn ngày về. Chiến tranh đồng nghĩa với mất mát, đau thương, cô đơn và giá lạnh:

“Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Chinh phu, tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn”

Biến cố khó quên đối với gia đình tôi xảy ra vào ngày 29/3/1975 sau khi tôi nhận bằng tốt nghiệp và sự vụ lệnh bổ nhiệm làm giáo sư tại trường trung học được vài tháng. Đà nẵng đang trong cơn hấp hối. 

Tình hình chiến sự vô cùng căng thẳng.

Anh tôi một mình lái xe jeep ra nhà, hối hả chở cha mẹ tôi vào phi trường Đà nẵng, còn tôi không liên lạc được phải chạy một mình ra cảng Tiên sa mong thoát thân bằng đường biển.

Vừa đến cảng thì bị pháo kích dồn dập, tôi chỉ kịp nằm bẹp xuống một mương nước, và chiếc vali trong tay tôi rơi lúc nào cũng không hề hay biết. Một quả đạn pháo kích rơi ngay trước mặt tôi chừng mươi thước, đúng lúc một chiếc xe jeep trờ tới, mọi người trên xe bị hất tung lên và trở thành tro bụi trong phút chốc.

Quá hoảng sợ, tôi chạy lùi theo một số người tìm đường ra biển Sơn Trà.

Lúc này có một vài chiếc phi cơ bay vút qua, hướng ra biển Đông. Tôi ngửa mặt lên trời, ước gì ở trên cao có anh tôi thấy để cứu vớt tôi. Thế nhưng, tất cả đều đã bay xa cho đến khi chỉ còn là vài chấm đen trên nền trời ảm đạm.

Lúc này tôi đã ra đến bờ biển Sơn trà, gặp được một chiếc tàu đánh cá đang đậu cách bờ chừng vài trăm thước. Mừng quá, tôi cởi vội quần áo và lao nhanh xuống biển. Lúc tay tôi chạm vào mạn tàu cũng là lúc trên bờ xuất hiện vài người có vũ khí cầm tay, ra hiệu cho tàu vào bờ. Một số người trên tàu vội vã kéo tôi lên đồng thời tàu nổ máy chạy thẳng ra khơi.

Nhóm người võ trang nhắm thẳng vào tàu bắn liên tục nhưng chỉ làm bị thương một người trên tàu, còn lại đều vô sự.

Một tiếng sau, tàu này được tàu Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa cứu vớt và chuyển lên một chiến hạm của hải quân Hoa Kỳ.

Trên boong tàu, tôi đưa mắt nhìn vào phía đất liền. Mịt mù trùng khơi. Biển vây kín biển cả. Tiếng sóng vỗ ào ào. Tàu lắc lư chao đảo. Tôi ngửa mặt lên trời, tự nhủ: Có phải đây là giờ phút vĩnh biệt của anh em tôi? Đột nhiên bầu trời trở nên u ám, vài hạt mưa đã rơi nhanh xuống sàn tàu.

Sau này, qua một người quen cho biết: khuya 29/3/1975 anh tôi đã lên và lái một chiếc phản lực cơ A 37 ra phi đạo nhưng không thể cất cánh được vì đã bị hư hại. Vì thế anh tôi đã trở thành tù binh tại trại tù số 3 Kỳ Sơn, Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Hơn một năm sau, trong lúc gia đình đang ăn cơm trưa, bỗng nhiên có một con bướm đen to bằng bàn tay, bay vòng vòng trong phòng và đậu trên vai từng người rồi cuối cùng đậu ngay chính giữa bàn thờ gia đình. Năm phút sau, nhận được tin báo là anh tôi đã chết, nằm trong một bụi cây bên ngoài trại tù chừng 800 mét. Mọi người đều sửng sốt, bàng hoàng nhưng không dám bật thành tiếng khóc.

Đến khi bình tĩnh lại, nhìn về phía bàn thờ, con bướm đen cũng đã vỗ cánh bay ra khỏi nhà.

Đêm hôm đó, tôi nằm mơ thấy anh tôi mặc bộ áo bay màu đen với khăn quàng cổ màu tím, đang lái chiếc xe jeep về nhà nhưng máu đã đẫm ướt phi bào.

Sáng dậy, nhớ lại giấc mơ đêm qua, tôi cảm thấy một vị đắng, chua cay tràn ngập cổ họng. Tôi nghe như đâu đây phảng phất tiếng hát .của một nữ ca sĩ nỗi tiếng một thời:

“Ngày xưa khi anh vừa khóc chào đời
Mẹ yêu noi gương người trước đặt lời
...
...
Người phi công giữ khung trời
Vẫn còn mang số phận con người”

Bất giác hai dòng nước mắt tuôn trào lúc nào không hay.

Hai mươi năm sau, một mình tôi trở lại vùng rừng thiêng nước độc, nơi anh tôi đã bị lưu đày, khổ nhục. Trại tù giờ đây chỉ là một vùng lau lách đầy cỏ dại, rất khó xác định.

Nghĩ mình đã vượt núi, băng rừng, lội suối trong mùa nước lũ, chẳng lẽ bó tay trở về.

Trời đã nhá nhem tối, tôi thì thầm khấn nguyện anh tôi. Bỗng từ đâu một con bướm đen to bằng bàn tay bay đến trước mặt tôi, như có ý dẫn đường. Tôi tiếp tục khấn nguyện. Con bướm đen bay vòng vòng, tôi chạy theo và bị té sấp vào một bờ đất.

Sau phút hoảng hốt, tôi lồm cồm bò dậy và nhận ra một số nấm mộ nho nhỏ nằm khuất dưới đám cỏ dại. Tất cả gồm 12 nấm mộ vô chủ. Người dân địa phương cho biết đó là mộ của tù binh tại trại 3 Kỳ Sơn. Tôi vội vàng hốt 12 nắm đất bỏ vào 12 bao nilon nhỏ và đánh dấu theo số thứ tự, rồi đến nhà dân xin ngủ tạm qua đêm.

Sáng hôm sau về lại Tam Kỳ, tìm đến nhà một thầy ngoại cảm. Thầy cho biết anh tôi nằm ở ngôi mộ số 3.

Tuy nhiên tôi vẫn mong trong tương lai, khi bài viết này của tôi được nhiều người biết đến, tôi có thể có nhiều tin tức hữu ích và cụ thể để xác định chính xác mộ phần của anh tôi.


Nguyễn Quang Thành

Source: http://hon-viet.co.uk/NguyenQuangThanh_ConBuomDen.htm

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

Châu Á (Ngôn Tinh Ngữ Tuý - Vĩnh Lạc)


Phần 1



Phần 2




Phần 3




Phần 4






Thứ Ba, 24 tháng 9, 2019

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2019

Giấc Mộng Đêm Hè - A Midsummer Night's Dream (Ngôn Tinh Ngữ Tuý - Vĩnh Lạc)


Phần 1



Phần 2




Phần 3



Phần 4




Phần 5



Phần 6


Phần 7



Phần 8


Phần 9



Phần 10




Phần 11





Phần 12










Source: YouTube

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

Đất trời cuộc chia ly ...



Hoa đào nở rực rỡ
Xuân đã về thật rồi
Đông vẫn còn bỡ ngỡ
Ngập ngừng chẳng muốn rời

Chàng Đông chừng đắm say
Nhìn nàng Xuân ngất ngây
Nàng về ta chẳng nỡ
Ra đi dầu một ngày

Nhưng là luật đất trời
Nàng Xuân như thỏ thẻ
Chàng và thiếp đời đời
Cùng nhau là không thể

Vấn vương vài ngày thôi
Rồi Đông phải ra đi
Nàng Xuân dường bịn rịn
Đất trời cuộc chia ly ...

Làng Nam

09-2019

PS: Cám ơn Bác H đã tặng tấm hình hoa đào & gợi lên ý thơ ...




Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019

Khi Trời Chớm Thu




Khi Trời Chớm Thu

Dặn em thôi những vội vàng
Ngước nhìn mấy cụm mây ngàn giữa thu
Bôn ba chi cõi sương mù
Trăm năm ngó lại cũng như.. khóc chào!

Dặn em ngày tháng hư hao
Hãy thôi mở mắt chiêm bao, dật dờ
- Dù đời đó một cơn mơ
Cũng xin dệt nốt bài thơ thiện lành.

Dặn em học để mà hành
Phải đâu mỗi chút hơn tranh với người,
Ai chen đua, ấy chuyện đời!
Nguyện làm sen trắng bên trời tỏa hương..

Dặn em sống Hiểu và Thương
Vì Tâm, cảnh ấy vô thường cả hai 
Nhân gian tô vẽ hình hài
Em ngồi, soi lại một đài gương tâm.

Dặn em quên những thăng, trầm
Đừng ôm dĩ vãng - âm thầm viễn mơ... 
- Về đây, thôi sống hững hờ
Xưa, sau là mộng. Bây giờ trạm nhiên.

Dặn em, lắng giọt ưu phiền
Nhìn thu trải nắng trên miền cỏ hoa 
Chi rồi cũng sẽ phôi pha
Trăm năm đó chẳng qua là một hơi!

- Dặn em quên lối ngược, xuôi
Ngồi yên, thở nhẹ, biết trời chớm Thu..
 Như Nhiên- ThíchTánhTuệ 

Source Internet.