Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Chiến binh siêu giáp trọng kỵ – những “chiếc xe tăng” thời cổ đại

Được coi là “cỗ xe tăng” thời cổ đại, mạnh mẽ không gì có thể ngăn cản được và là nỗi ác mộng của 10.000 người La Mã sống sót sau thảm kịch tại Carrhae.
Những chiến binh với bộ giáp sắt kín người và cả ngựa
Những chiến binh với bộ giáp sắt kín người và cả ngựa

Trong ngôn ngữ cổ đại, từ “Cataphract” được người La Mã và Hy Lạp sử dụng để mô tả những kỵ binh siêu nặng trên chiến trường. Nhưng bạn có từng hỏi, tại sao họ lại được gọi là kỵ binh siêu nặng?
Mọi người đều biết rằng, kỵ binh được chia làm 2 loại: kỵ binh nặng và kỵ binh nhẹ. “Nặng” và “nhẹ” là khái niệm dùng để chỉ lượng trang bị mà một kỵ binh mang theo, đó có thể là áo giáp, vũ khí, mũ mão, áo choàng sắt cho ngựa.
Nhưng với riêng các Cataphract, lượng trang bị mà họ mang nhiều hơn quá mức so với một kỵ binh nặng thông thường. Vì thế, người ta gọi Cataphract là lớp kỵ binh siêu nặng.
Các kỵ binh Cataphract là kiệt tác thời cổ đại
Khái niệm về kỵ binh nặng đã có từ rất lâu, những ghi chép cổ nhất cho thấy kỵ binh nặng đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 6 TCN tại khu vực Kwarezm, vùng đất thuộc châu Á gần biển Aral ngày nay.
Kỵ binh nặng dần thay thế chiến xa (chariot) và trở thành phần tử chủ lực trong quân đội của người Assyrian, người Achaemenid và Macedonia của Alexander Đại đế.
chien-binh-giap-sat2
Khái niệm “kỵ binh nặng” thời đó dần trở nên thông dụng, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chiến thuật thời cổ đại lúc bấy giờ.
Từ Cataphract (tiếng Latin cataphractus, tiếng Hy Lạp kataphractoi) bắt đầu xuất hiện để chỉ những kỵ binh “nặng” nhất.
Nếu như các kỵ binh Hetairoi (kỵ binh dưới thời Alexander Đại đế) thường được trang bị áo giáp ngực thì Cataphract lại vận giáp kín người bao gồm: mặt nạ, bọc tay, bọc chân và toàn bộ những phần cơ thể còn lại. Chưa kể có vậy, ngay cả những chú ngựa cũng được bọc trong những bộ giáp dày và nặng nề.
chien-binh-giap-sat3
Bản thân từ Cataphract trong tiếng Hy Lạp không có nghĩa mô tả lượng áo giáp khổng lồ mà một chiến binh phải mang theo tuy nhiên sau này, nó đã dần biến thể theo chính danh từ mà nó mô tả. Đến bây giờ trong tiếng Anh, Cataphract vừa có thể là tính từ (bọc kín trong giáp sắt) vừa có thể là danh từ (siêu giáp trọng kỵ).
Các học giả cổ sau này đều viết về Cataphract như thể đó là một tuyệt tác của thế giới cổ đại. Sallust (86 – 34TCN) nói “Bộ mặt của kỵ binh Cataphract chính là sắt” trong khi Ammianus Marcellinus (mất năm 350) lại cho rằng: “Những vòng tròn thép bọc vòng quanh cơ thể sẽ hoàn toàn che kín dù là bó cơ nhỏ nhất của chiến binh”.
chien-binh-giap-sat4
Ammanius ca ngợi các kỵ binh Cataphract như là “những bức tượng được làm dưới bàn tay Praxiteles”(nhà điêu khắc thiên tài thời cổ đại) và khiến đối thủ của họ phải tỏ ra e dè ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Hoàng đế La Mã Aurelian khi lần đầu nhìn thấy các kỵ binh của Đế chế Palmyrene trong trận Emesa năm 270 đã phải thốt lên: “Họ quá tự tin vào những bộ giáp nhưng quả thực chúng thật sự chắc chắn và an toàn”. Nhiều tài liệu cho biết, dưới những lớp giáp sắt, các kỵ binh còn mặc thêm giáp làm bằng da thú hoặc hợp kim đồng.
Kỵ binh Cataphract của đế chế Parthia và người Armenia.
Kỵ binh Cataphract của đế chế Parthia và người Armenia.
Làm sao một con người cũng như một chú ngựa có thể mang trên mình một khối lượng giáp khổng lồ như vậy mà không thấy mệt? Dĩ nhiên là họ sẽ rất nhanh mệt nhưng theo sử gia Heliodorus, các kỵ binh Cataphract đều được tuyển chọn kỹ càng – đó phải là những người có ngoại hình cùng kích thước cơ thể vượt trội.
Cả những chiến mã cũng phải trải qua vòng tuyển chọn gắt gao. Sử sách ghi lại rằng, chỉ có giống ngựa Nisean là thích hợp để làm vật cưỡi cho các kỵ binh Cataphract.
chien-binh-giap-sat8
Đây là giống ngựa có nguồn gốc từ vùng cao nguyên Nisean (Iran ngày nay), sở hữu kích thước và sức mạnh vượt xa các giống ngựa bình thường.
Người La Mã từng vô cùng ấn tượng trước sức khỏe phi thường và độ lì lợm của giống ngựa này khi chạm trán với Đế quốc Parthia. Người ta tin rằng Bucephalus – con vật cưỡi huyền thoại của Alexander Đại đế chính là một chú ngựa Nisean.
Giống ngựa Nisean thời đó quý và quan trọng đến mức thường xuyên trở thành đề tài chính gây ra các cuộc chiến tranh giữa nhiều quốc gia quanh khu vực Iran ngày nay.
Các Cataphract cầm Kontos bằng 2 tay.
Các Cataphract cầm Kontos bằng 2 tay.
Không chỉ sở hữu bộ giáp sắt thể hiện sự mạnh mẽ, các Cataphract còn là bậc thầy trong việc sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau, bao gồm cung tên, chùy, giáo, gươm… Tuy nhiên vũ khí thông dụng nhất của họ là một ngọn thương dài 3,6-4m có tên gọi là Kontos.
Các Cataphract thời kỳ đầu không sử dụng khiên vì lý do họ phải cầm Kontos bằng 2 tay. Với tốc độ của ngựa cùng trọng lượng siêu “khủng”, các Cataphract lao tới đối phương xuyên thủng hàng phòng ngự bằng trường thương Kontos.
Theo sử gia Plutarch, ngọn thương của các Cataphract có thể đâm xuyên 2 người mặc giáp cùng lúc. Đó quả là một cỗ xe ủi đúng nghĩa trên chiến trường cổ đại.
Tuy nhiên không có gì là hoàn hảo và các Cataphract cũng vậy. Bên cạnh “chi phí bảo dưỡng” cực đắt cho bộ giáp, sự nặng nề của chúng khiến cho việc xoay trở vô cùng khó khăn. Do vậy, kỵ binh Cataphract chậm chạp hơn nhiều lần so với các kỵ binh khác.
Đặc biệt là vào thời cổ đại, khi bàn đạp trên ngựa chưa được phát minh, việc điều khiển được những chú ngựa Nisean siêu khỏe càng trở nên khó khăn hơn.
Sử sách không ghi nhiều về những thất bại của Cataphract nhưng chúng ta cũng có thể hình dung ra, nếu bị ngã ngựa thì các Cataphract chưa chắc đã đứng dậy nổi. Sử gia Heliodorus mô tả Cataphract không ngựa giống như những thanh gỗ nằm dưới đất vậy.

Trí Minh (sưu tầm)

Source http://vothuat.vn/

Đôi Chim Cu Đất Và Mối Tình Già




Viết tặng một người yêu dấu,
Vợ chồng tôi dọn đến Irvine khi các con bắt đầu vào lớp tiểu học. Thành phố mới thành lập được vài thập niên nên tổ chức tiện nghi để con trẻ có thể học hành từ lớp vỡ lòng đến chương trình đại học. Những năm đầu, chúng tôi hạnh phúc nhìn các con đi bộ băng ngang công viên đến trường nhưng rồi thời gian đó đã qua nhanh và ngôi nhà xưa kia đầy đủ năm người hiện nay chỉ còn vợ chồng già lủi thủi bên nhau...
“Chim nhà” đủ lông đủ cánh đã bay đi tìm tương lai ở phương trời xa, chim trời bay ngang mỗi ngày thấy căn nhà vắng vẻ, để ý rồi làm tổ như câu nói “đất lành chim đậu”. Sống đời hưu trí nên thanh thản, tôi có thói quen uống cà phê khi người vợ trẻ dậy sớm đi làm. Một mình ngồi nhâm nhi mùi thơm vị đắng, tôi sung sướng được dịp quan sát cảnh vật chuyển mình vào lúc trời bừng sáng.
Mùa xuân năm nay, tình cờ tôi có đôi bạn... Vợ chồng Dove đến xây tổ dưới mái nhà. Mourning Dove là tên Mỹ vì tiếng gáy nỉ non như than khóc nhưng thực ra đó là tiếng lòng ỉ ôi của chim đực gọi mái. Chúng sống có đôi, cùng ấp trứng nuôi con theo giờ giấc quy củ, chẳng bao giờ thấy giận hờn lại thường say đắm tỏ tình... Chỉ vài đặc điểm ấy thôi cũng chứng tỏ chúng là những cặp uyên ương lý tưởng mà xã hội loài người thầm mong ước. Người Việt gọi chúng là chim Cu Đất, Cu Gáy hay chim Cổ Cườm...
Từ cửa sổ, tôi có thể quan sát đôi chim một cách kín đáo sau bức màn che... Nhìn chúng đi lại, dễ phân biệt con trống và con mái vì chồng nó giống tôi, thân hình đẫy đà hơn “my Dove” một chút. Chim Cu Đất có đôi mắt đẹp, nhìn nó tôi thường bị hớp hồn bởi nét thơ ngây thanh tịnh và chất từ bi ở một thế giới hòa bình không thật trên cõi đời này. Yêu nhau... Đạp mái xong thì nàng mang thai, ấy cũng là lúc cả hai cùng bay để tìm nơi an cư tạm trú.
Chim mái tình cờ chọn chỗ nằm ở ngay dưới mái nhà của chúng tôi. Chim đực chiều ý vợ, nàng bảo sao chàng nghe vậy rồi tha về những cành khô để nàng làm tổ. Xây xong thì nàng đẻ hai trứng, vợ chồng thay phiên ấp ủ sáng chiều, vợ nằm thì chồng kiếm ăn mang về nuôi đến khi hai chim con ra đời, mỗi đứa một việc giống như cảnh “chồng cầy, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Sau đó, chim bố và chim mẹ cùng bay luẩn quẩn gần tổ tìm thêm hạt để mớm cho con. Chúng há miệng to lắm, kêu tíu tít gọi mẹ hoặc bố để dành miếng ăn.
Khoảng năm giờ, khi nắng chiều bớt gay gắt và màu vàng ngọc vẫn còn lung linh trên đầu cây ngọn cỏ... Nhiều hôm, tôi thấy vợ chồng chim đứng phơi nắng sát bên nhau trên giàn dậu trước căn phòng bếp, càng nhìn cảnh mặn nồng thiên hướng ấy tôi càng thấy động lòng yêu thương! Vào giờ này, vợ tôi cũng đã về sau một ngày làm việc, chúng tôi cùng ngắm đôi chim rỉa lông, chùi mỏ, mắt khép mắt mở âu yếm hôn nhau... Chim vợ nhiều hưng phấn, rên rỉ trong cổ tựa như “love me tender, love me sweet, never let me go” rồi rúc đầu vào lông chồng say đắm.
Khoảnh khắc đó đứng bên cửa phòng, tôi có thể chiêm ngưỡng được cảnh gia đình chim đầm ấm ở cả hai nơi. Giữa tổ, hai chim con no nê thản nhiên nằm ngủ trong lúc bố mẹ đứng sổ lông tỏ tình bên hàng dậu thưa. Tôi quay lại định khoe thì thấy vợ tôi cũng đang chăm chú nhìn và mỉm cười... Nhưng có lẽ cử chỉ tự nhiên sỗ sàng ấy đã làm nàng ngượng ngùng nên mau chóng quay về với bếp núc, sửa soạn đồ ăn cho bữa cơm chiều.
Khi nắng tắt, không gian nhuộm màu xám đục là lúc mẹ về bên con. Mẹ nằm giữa, hai con hai bên và mỗi đứa ủ một đầu cánh dự trù nhiệt độ ban đêm sẽ xuống thấp. Lạ thay, chim bố không bao giờ nằm chung tổ mà hay một mình trên mái nhà, cứ như thi sĩ tìm cảm hứng, đứng thơ thẩn nhìn hoàng hôn đi... Chẳng tối nào ngủ cùng vợ con nhưng mỗi sớm mai, bình minh vừa lên là đã thấy nó bay vờn quanh tổ để thay vợ ấp trứng từ sáng đến trưa. Khi vợ ấp thì chàng vất vả bay đi bay về kiếm từng hạt cây nuôi nàng cho đến khi mỏi cánh... Vợ chồng chỉ gần nhau nghỉ ngơi trên hàng dậu vào lúc chiều tàn suốt hai tuần chờ trứng nở ra con.
Nhìn tổ chim kích thước giới hạn, tôi tò mò suy ra chút sự thật... Tổ ấm xây hình tròn, nhỏ đủ cho gia đình chim chỉ một mẹ hai con chứ không có chỗ để chim bố ngủ đêm nhưng tôi thắc mắc chẳng biết chàng sẽ về đâu hằng đêm? Ngủ vất vưởng một mình dưới cành lá kín hay cũng lập phòng nhì, năm thê bẩy thiếp như các đấng nam nhi loài người? Mỗi chiều khi hoàng hôn dần tắt nắng, chim bố vô tư giữa trời với nét thanh thản, có lẽ chàng tự mãn vì đã lo xong bổn phận một ngày đầy đủ đối với gia đình? Tôi cố đoán xem chim nghĩ gì sau giây phút ân ái với người tình bên hàng dậu rồi cô đơn đứng trên nóc nhà mà chẳng thể nào hiểu thấu tâm tư nỗi lòng của nó.
Thế rồi một buổi sáng, bình thường như mọi ngày, tôi không còn thấy đôi bạn ấy nữa. Chim con ra ràng đã đủ lông cánh bay xa và bố mẹ chúng cũng giã từ tổ ấm. Gia đình chim bỏ tôi đi không lời từ biệt. Tôi ngơ ngẩn bắc thang lên thăm và thấy tổ được xây đắp thật công phu thế mà đôi chim cũng chẳng màng, sẵn sàng trả lại trời đất những gì chúng đã vay mượn! Ngắm cái tổ rơm một thời hạnh phúc bây giờ te tua hoang tàn mà lòng buồn mênh mang, tôi đành phá đi và hốt chùi rác rưởi cho ngôi nhà sạch sẽ trở lại. Thế là vợ chồng chim đã tá túc ở đây gần một tháng mùa xuân để chồng nuôi vợ, vợ ấp trứng ra con rồi đường ai nấy đi không chút bận bịu, không cả một tiếng trách móc kêu than... Anh đường anh, em đường em, tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi! Tự do bay đi, tự do bay về khắp bốn phương trời, trước và sau thời gian xum họp.
Chim đi rồi... Nhớ vợ chồng chim nên tôi đọc sách tìm hiểu. Hóa ra người đời vẫn thường dễ lầm. Có cái lầm bé nhưng đôi khi cũng “bé cái lầm” nghĩa là lầm lớn tựa như câu chuyện tình của chim Cu Đất! Chẳng ai có thể ngờ chúng yêu nhau suốt đời, không tin cũng phải tin... chung thủy chỉ một vợ một chồng từ lúc trưởng thành cho đến phút biệt ly lìa trần. Ý trời hay ý chim? Dĩ nhiên phải là ý trời và vì sống theo ý trời nên chim “đạo đức” ngay thẳng có sẵn trật tự thiên nhiên... rõ ràng hiệu nghiệm hơn những giáo huấn hay dự luật gia đình của xã hội loài người. Qua bao thế kỷ, tình người vẫn điêu ngoa, gian dối, ngoại tình, ly dị, “ông ăn chả bà ăn nem”, “vợ cả vợ hai... cả hai đều là vợ cả” bất chấp phép vua hay lệ làng từ thời cổ đại đến văn minh. Phải chăng tiếng chim Cu êm ái là tiếng lòng thánh thót nên đẹp và trong sáng? Còn tiếng hát loài người “Yêu ai yêu cả một đời...” vừa nghe xong, chúng ta đã có ý nghĩ xấu vì mang đầy hoài nghi lẫn ngờ vực!
Câu chuyện tình của đôi bạn Dove đến đây vẫn chưa kết thúc bởi vào khoảng đầu xuân năm sau, chúng tôi lại thấy vợ chồng Cu Đất tha cành khô đến làm tổ cũng tại nơi chốn cũ. Biết ngay nàng chim say tình nên bây giờ sắp đến ngày đẻ trứng... Rồi chỉ vài tuần, chim mẹ lại sinh hai con, nuôi nấng trong tiết xuân nên chúng lớn nhanh như thổi. Bình minh mỗi sáng, tôi may mắn nghe lại tiếng chim “cúc cu” rộn ràng khi ngồi uống cà phê một mình. Buổi chiều, vợ chồng lại nhìn chúng đứng trên hàng dậu âu yếm, chùi mỏ, tỉa lông rúc vào nhau như chuyện mùa xuân cũ năm xưa.
Tôi vui hơn vì có bạn... Hạnh phúc thay gia đình đôi chim Cu! Chúng cư xử với nhau hiền hòa, không thấy cảnh chịu đựng mà chỉ thấy yêu thương, ấp trứng nuôi con và cất tiếng hót “cúc cu” từng ngày. Đôi khi tôi cảm nhận sự thật để phân bì loài chim với loài người... Mối tình già nào xét ra cũng mang ít nhiều mâu thuẫn chẳng bao giờ được suôn sẻ giống như mối tình của chim Cu Đất. Ai cũng sống một đời, chim cũng thế! Chả lẽ chim lại khôn hơn người hay tất cả đều do bản năng sắp đặt và con người sân si nhiều dục tính chỉ là nạn nhân đáng thương hay đáng tội? Ít ai tâm niệm và đắc ý có thể “Yêu ai yêu cả một đời..”như tính năng bẩm sinh của đôi chim Cu Đất trong cõi Ta bà ngày nay.
Mỗi độ xuân về, tôi lại có ý chờ... Đôi chim giữ thông lệ, bay đến xây tổ mới dưới nóc nhà, chắc hẳn nàng yêu chồng quá nên lại thai nghén sắp trở dạ? Vợ chồng tôi mỗi năm mỗi già, sức khỏe yếu dần và theo năm tháng tính tình một ngày một khó mà nhìn quanh ít thấy ai thân thiết hơn nên vẫn phải cố gắng chịu đựng gắn bó với nhau. Tuy nhiên, chuyện đời ở thế gian này vốn dĩ chẳng lúc nào phẳng lì như mặt nước hồ thu mà ngược lại chất chứa đầy rủi ro, hận thù... đe dọa muôn loài mỗi lúc mỗi nơi!
Hôm ấy, ra phố về nhà vào giữa trưa, tôi bàng hoàng thấy lông chim bay tơi tả và hãi hùng nhận ra vài vết máu loang lổ dính trên giàn dậu. Tim đập mạnh, tôi âu lo vì biết vừa có án mạng xảy ra ở nơi đây. Nhìn lên nóc nhà, hai chim con ngủ gục thỉnh thoảng kêu khẽ có lẽ vì đói lạnh? Bố mẹ chúng vắng tổ nhưng ai đã bị giết khi mỏi cánh nghỉ ngơi ở hàng dậu? Đợi đến chiều khi vợ tôi về, chúng tôi cùng ra quan sát thì thất vọng nhìn cảnh tượng thảm thương! Hỡi ôi... chỉ nửa ngày mồ côi mà một con đã rớt nằm chết dưới đất, con trong tổ đang quằn quại vì bị kiến cắn. Tôi vội vã leo lên ẵm chim xuống, đưa cho vợ chăm sóc rồi dọn sạch đàn kiến... chúng manh nha ngửi thấy mùi tử khí nên bắt đầu bu quanh thân xác con vật đáng thương.
Chim con chưa mọc lông nên vợ tôi ủ khăn ấm cho thân trần nó đỡ lạnh rồi để lại vào tổ đợi mẹ hay bố nó bay về. Quả nhiên, gần chập tối, nhìn từ cửa sổ sau bức màn che, tôi thấy một con đã bay về nằm xòe cánh ấp. Trời chiều nên chẳng rõ chim bố hay mẹ? Không bỏ rơi con nhưng liệu lòng nó có đau khi thấy thiếu mất một? Suốt bữa cơm muộn buổi tối hôm đó, vợ chồng tôi không ngớt bàn chuyện gia đình chim... Buồn vì đoán chừng diều hâu đã ăn tươi nuốt sống chim bố hoặc mẹ và chim con bất hạnh đã được chúng tôi chôn cất trước nhà. Dù sao, vợ chồng vẫn còn vui khi thấy bố mẹ nó sống sót bay về lo lắng cho con.
Tảng sáng hôm sau, cầm ly cà phê nóng trên tay, tôi bước ra thăm tổ chim thì cảnh đau thương thêm một lần nữa hiện ra trước mặt... Đàn kiến bu đầy thân chim con chết trong tổ một mình, bố hay mẹ đã bay đi, bỏ lại xác con lúc nào không hay! Thế là hai nấm mộ chim sơ sinh được an táng gần nhau. Kể từ hôm ấy, Dove không bao giờ trở lại nhưng chuyện tình một thời hạnh phúc qua nhiều mùa xuân của đôi chim Cu Đất vẫn mãi mãi nằm trong kỷ niệm của gia đình chúng tôi bởi vì:
Vợ chồng tôi nhận ra rằng... Cái tai nạn của gia đình Dove cũng có thể ngày mai xảy đến với bất cứ gia đình nào! Quả tình, không ai biết trước được tương lai. Bất hạnh chợt đến, chợt đi chẳng bao giờ rung chuông báo động và dĩ nhiên suy diễn thêm thì mỗi sáng rời nhà, người vợ trẻ của tôi chắc gì một ngày như mọi ngày... sẽ về ăn chung bữa cơm chiều? Với tuổi già, chỉ có hôm nay là hệ trọng rồi tự hỏi còn bao lâu nữa sẽ đến ngày giờ vĩnh viễn chia phôi thì hiểu ngay bài toán cuộc đời.
Rất gần... gần đất xa trời! Vậy thì một ngày với tuổi già là quý, “không vui cũng mất một ngày” thế sao vẫn bất lực để những mâu thuẫn xâm chiếm tâm hồn? Yêu, ghét, hờn giận, hiền hòa, khó khăn, gắn bó, chịu đựng... chỉ là những trạng thái tâm lý. Con người dễ dàng sửa đổi tâm trạng nếu có tri thức. Chân lý đi từ chữ “hiểu” vần đến chữ “thương” một cách nhanh chóng với tất cả nồng nàn tha thiết.
Chỉ một tai nạn bất ngờ ập đến đã kéo sập tổ ấm gia đình Dove giống như học thuyết hiệu ứng Domino. Giả sử chàng Dove đã bị tàn sát, tôi cũng không biết nàng Dove hiện nay đã chết theo chồng, tái giá hay còn góa bụa độc thân... nhưng chuyện tình hạnh phúc và bất hạnh của đôi bạn Dove chính là những bài học quý giá, chân thành, ngoạn mục cho mối tình già của vợ chồng tôi vào ngã rẽ cuối đường đời. Bao khó khăn vô nghĩa hầu như tự cảm thông tan biến ở cả hai phía.
Yêu không nghĩa là ôm nhau ngủ hằng đêm, cứ tự do bay nhảy cho tâm hồn sảng khoái nhưng cố giữ tình chung thủy với bổn phận chu toàn. Yêu là biết quên mình để yêu người... chung tình như Mourning Dove! Cảm ơn Cu Đất và cảm ơn Em./-
Cao Đắc Vinh

Source Internet.

Tản Mạn về Dòng Họ Đỗ Việt Nam

BS. Đỗ Văn Hội

Lịch sử Việt Nam có từ 5000 năm. Trước đó lâu đời đã có những truyền thuyết, nay dần dần được sáng tỏ qua những khám phá di tích gần đây. Rất nhiều dòng họ tồn tại và phát triển trong lịch sử dân tộc như Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Phạm, Nguyễn, Trịnh, Trương, Bùi, Đặng, Đoàn, Đỗ, Phan, Tôn Thất, Võ, Vũ, Hồ, Hoàng, Mạc, Dương, v.v… Dù xuất xứ như thế nào, tất cả đã vun bồi lịch sử đất nước và văn hóa Việt Nam trong nhiều ngàn năm, sản sinh nhiều nhân tài để chúng ta có quyền hãnh diện. Đó cũng chứng minh vì sao dân tộc Việt Nam vẫn giữ được nền độc lập trước bao phen bị ngoại bang dày xéo, nhất là từ phương Bắc cả ngàn năm.
Là một người mang họ Đỗ lại viết về dòng họ của mình có thể bị cho là chủ quan. Tuy nhiên, tự hào về dòng họ, nhận là hậu duệ của một họ lâu đời trong lịch sử Việt Nam, đó cũng là lý do tại sao tác giả đã tìm tòi, nghiên cứu và viết tản mạn về dòng họ Đỗ hầu cống hiến quý vị độc giả thưởng lãm và góp ý kiến, nhất là những người cùng mang dòng họ Đỗ.

Chúng tôi mong quý độc giả bỏ qua những sơ xuất trong bài viết ngắn ngủi này. Cũng xin thưa cùng các tác giả của tài liệu sách báo mà chúng tôi trich dẫn ở đây, vì khó khăn ngăn cách địa dư không thể liên lạc để xin phép, xin quý vị lượng thứ. HVĐ.
***
350px-distribution_of_vietnamese_family_namesTheo thống kê đăng trong website: Các Dòng Họ Việt Nam, dân số những người mang họ Đỗ được xếp hạng thứ 10 sau các dòng họ Nguyễn, Trần, Lê, Phạm, Hoàng (Huỳnh), Phan, Vũ (Võ), Đặng, Bùi.
Về nguồn gốc, họ Đỗ được xếp vào một trong những dòng họ lâu đời nhất tại Việt Nam . Theo những chứng tích mới tìm thấy, họ Đỗ đã có mặt trên 5000 năm lịch sử lập quốc.

Họ Đỗ Việt Nam được phân biệt với họ Đỗ bên Tàu. Chưa có tin tức chính xác nào cho thấy có sự liên hệ giữa họ Đỗ Việt Nam nguyên thủy bắt nguồn từ họ Đỗ bên Trung Hoa ngoại trừ  một số tài liệu cho biết vào thời nhà Ngô, cha ông Đỗ Cảnh Thạc có gốc gác từ Trung Quốc. Nhưng theo tài liệu của Cụ Phùng Khắc Khoan thì chi tiết của tài liệu này khác xa với những gì Cụ Khoan đã tìm thấy qua gia phả họ Đỗ.
 
  Bên cạnh họ Đỗ, họ Đậu cũng được coi như cùng dòng với nhau, nhưng không rõ vì sao họ Đỗ lại được đổi thành Đậu. Theo một giả thuyết thì ở miền Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, người dân thường phát âm chữ “đỗ” với giọng rất nặng, do đó “đỗ” thành “độ”, lâu ngày thành “Đậu”.. Cũng vậy, ngoài Bắc thường gọi tên một loại hột ngũ cốc là đỗ, trong khi miền trong gọi là “đậu”; “thi đỗ” đựợc gọi là “thi đậu” cũng cùng lý do phát âm.

Về chứng liệu, hiện nay tại Việt Nam có nhiều sách báo, trang mạng toàn cầu chuyên thông tin về dòng họ  Đỗ Việt Nam như: www.hodovietnam.vn  vàwww.hodovietnam.net . Ngoài ra còn rất nhiều bài tham khảo, nghiên cứu về dòng họ đăng rải rác trong các sách báo, mạng toàn cầu, blogs..
 
Gần đây, trong nước có phát hành sách “Họ Đỗ Việt Nam tập I và tập II” sưu tầm lịch sử dòng Họ Đỗ, tuy chưa đầy đủ những cũng cung cấp nhiều tin tức giá trị mà chúng tôi trich nhiều trong bài viết này. Theo sách trên, có “khoảng 320 chi , nhánh họ Đỗ ở các làng xã (trong đó có 124 chi họ Đỗ ở vùng Nghệ - Tĩnh, Nam Thanh Hoá, gọi là Đậu ), thực tế con số này chỉ là một phần nhỏ trong tổng số các chi nhánh họ Đỗ ở khắp mọi miền tổ quốc. Qua tìm hiểu sơ bộ một số nơi cho thấy: Các chi, nhánh họ Đỗ Việt Nam ở các làng xã khắp nơi còn rất đông; chẳng hạn tỉnh Vĩnh Phúc có 150 xã, phường, thị trấn thì có tới 144 xã có người họ Đỗ định cư, trong khi hai tập sách chúng tôi  mới chỉ giới thiệu được 5 nơi . Không ít làng, xã có tới 5 - 9 chi, nhánh họ Đỗ có gốc thuỷ tổ khác nhau. Những tư liệu này cho thấy không gian sinh sống của cộng đồng cư dân họ Đỗ khá rộng lớn.”.
Trong bài ngắn này, chúng tôi xin đưa ra một số thông tin về nguồn gốc họ Đỗ trong lịch sử nước Việt cùng với một số danh nhân tên tuổi trong quá khứ. Bài sau, chúng tôi sẽ liệt kê những người mang họ Đỗ hiện nay tại Việt Nam và ở hải ngoại. Rất mong bài viết này sẽ tạo cơ hội cho những người họ Đỗ hải ngoại tìm lại gần  nhau.

Những Người mang họ Đỗ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam
Các cuộc nghiên cứu trong nước gần đây cho thấy họ Đỗ đã bắt nguồn rất lâu đời trong lịch sử dựng nước (*).
Theo các tài liệu này, người Việt họ Đỗ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam được biết là cụ bàĐỗ Ngoạn, tức công chúa Đoan Trang, thường được gọi là cụ bà Đỗ Quý Thị. Chồng của cụ tên Nguyễn Minh Khiết (tức là vua Đế Minh) cách đây khoảng 5000-6,000 năm, trước thời đại đầu tiên là nước Văn Lang, trước cả vua Hùng Vương thứ nhất. Hai cụ sinh con trai tên Lộc Tục (sau này khi làm vua đổi thành Kinh Dương Vương).
Vì bất hòa với chồng, bà cụ mang con trai đi tu ở Động Tiên (huyện Lạc Thuỷ thuộc tỉnh Hoà Bình ngày nay). Bà cụ có 8 người em trai: Đỗ Xương, Đỗ Tiêu, Đỗ Kỷ, Đỗ Chương, Đỗ Dũng, Đỗ Bích, Đỗ Trọng, rất tài giỏi, hết lòng dạy dỗ cháu Lộc Tục thành tài, sau này nối ngôi cha là Đế Minh, đặt vương hiệu Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỷ. Mộ và miếu thờ bà cụ hiện nay vẫn còn ở Ba La, thị xã Hà Đông miền Bắc Việt Nam .
 
Các người em này của Cụ được gọi là Bát Bộ Kim Cương vì có công phò vua, chấn hưng đất nước, người đời phong cho là Thành Hoàng (bảo vệlàng, xã, đất đai…). Hiện vẫn còn mộ bia hình “Con Cóc” tại ở vùng Ba La, thị xã Hà Đông cách mộ của cụ bà Đỗ Quý Thị không xa.
Vào “đời Hùng Vương thứ Sáu có Đỗ Phụng Chân ở trang Khê Kiều, huyện Thư Trì, tỉnh Thái Bình ngày nay, đã có công đánh giặc Ân, được dân làng tôn làm Thành Hoàng.”
Thời Hùng Vương thứ 17 (Hùng Nghị Vương), “tại trang Nhân Lý, nay là làng Tiểu Quan (Châu Giang, Hưng Yên) có một gia đình họ Đỗ (Đỗ Quang) gồm 3 người con đã có công giúp nước, trong đó có một con gái.”
Đời Hùng Vương thứ 18, có nhiều nhân vật lịch sử họ Đỗ xuất hiện, như ở trang Cổ Tiết (Thái Bình) có gia đình Đỗ Công Điềm và ba con trai là Đỗ Quân Tấu , Đỗ Lục LangĐỗ Điền Khánh và con gái là Liên Nương đã có công đánh giặc, giúp nước, được suy tôn làm Thành Hoàng, hiện có miếu thờ.
Từ đầu thiên niên kỷ thứ nhất Tây Lịch, đặc biệt kể từ thời Hai Bà Trưng, các nhân vật họ Đỗ ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Một tài liệu cho biết thầy giáo của hai bà Trưng là người mang họ Đỗ (xem ở phần dưới).
Họ Đỗ, dòng Họ Hiếu Học, Đỗ Đạt Cao, 60 Tiến Sĩ trong vòng 2 thế kỷ
 
Dòng họ Đỗ Việt Nam là một dòng họ hiếu học, có nhiều người đỗ đạt cao. Theo tông phả tính từ đời thứ 5 đến đời thứ 12 thời Lê - Mạc (từ 1463 đến 1733 tức trong vòng 270 năm) dòng họ đã có 60 người đỗ đại khoa.
 
- Có 8 người đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ (2 Trạng nguyên, 2 Nhất giáp, 3 Bảng nhãn và 1 Thám hoa);  13 người đỗ Hoàng giáp và 39 người đỗ Tam giáp Tiến sĩ. Người khởi đầu giai đoạn này là Đỗ Hân, con ông Đỗ Viên Đạo, quê ở xã Cao Ly, huyện Thanh Miện, Hải Dương, thi đỗ Hoàng giáp khoa Quý Mùi (1463)’ làm quan Tả Thị Lang. Em cùng cha khác mẹ là Đỗ Nhuận (như sẽ nói ở phần dưới) ở xã Kim Hoa, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) đi thi Hội đỗ Đệ Tam Giáp Tiến Sĩ khoa Bính Tuất (1466). Đỗ Nhuận là người thông minh hiếu học, làm quan đến chức Thượng thư, thời vua Lê Thánh Tôn.
 
- Sau có 10 người nữa cũng thành đạt trong đời vua Lê Thánh Tôn, niên hiệu Hồng Đức, như Đỗ Thuần Nhân, tam giáp Tiến sĩ năm 1472; Đỗ Vinh, tam giáp Tiến sĩ năm 1475; Đỗ Toàn nhị giáp Tiến sĩ năm 1475;Đỗ Bá Linh tam giáp Tiến sĩ năm 1481; Đỗ Duy Kiểm nhị giáp tiến sĩ năm 1490;  Đỗ Công Cẩn tam giáp Tiến sĩ năm 1490; Đỗ Nhân Cươngnhị giáp Tiến sĩ năm 1493; Đỗ Toại tam giáp Tiến sĩ năm 1496; Đỗ Hoằng tam giáp Tiến sĩ năm 1496; Đỗ Túc Khang tam giáp Tiến sĩ năm 1496. Trong số 10 người này đáng chú ý là Đỗ Nhân Cương tức Đỗ Nhạc, con trai ông tổ đời thứ 6 Đỗ Viên Tể, 20 tuổi đỗ Hoàng giáp, làm quan tới chức Hộ bộ Thượng thư, Đô ngự sử, Đông Các Đại Học Sĩ Nhập Thị Kinh Diên. Con trai Đỗ Nhạc là Đỗ Tổng, đỗ Trạng nguyên khoa Kỷ Sửu nhà Mạc (1529), làm quan tới Hình bộ Tả thị lang, Đông các đại học sĩ. Đỗ Tấn, em ruột Đỗ Tổng, đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1535; Đỗ Trực, em Đỗ Tấn, đỗ nhị giáp Tiến sĩ năm 1580.
 
- Đời vua Lê Hiến Tông có 6 người đỗ đại khoa. Đỗ Lý Khiêm là con trai thứ tư của ông Đỗ Viên Đức, thi đỗ Trạng nguyên khoa Kỷ Mùi (1499), làm quan tới chức Đô ngự sử, Chánh sứ sang sứ nhà Minh. Đỗ Huỳnh, em Đỗ Lý Khiêm, thi đỗ Hội nguyên năm 1508. Cùng thời còn có 3 người nữa là Đỗ Bá Huân, tam giáp Tiến sĩ năm 1505, Đỗ Hoàng (Miện), tam giáp Tiến sĩ năm 1505, Đỗ Văn Trung, tam giáp Tiến sĩnăm 1505. Hai người đỗ vào đời vua Tương Dực (1514) là Đỗ Cảnh, nhị giáp Tiến sĩ, con ông tổ đời thứ 7 và Đỗ Văn Hãng, con ông tổ đời thứ 5 là Viên Phúc làm quan võ ở trong cung.
 
- Đời vua Quang Thiệu có hai người đỗ là Đỗ Văn Quýnh, con trai thứ ba tổ đời thứ 5 chi trưởng Đỗ Viên Ngạn, thi đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1520;Đỗ Dương, có tài văn chương nổi tiếng, thi đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1518. Đỗ Tam Cương, em Đỗ Dương, đỗ tam giáp Tiến sĩ đời Thống Nguyên năm 1523.
 
- Trong thời nhà Mạc có 11 người,  ngoài 3 anh em Đỗ Tổng kể trên còn 8 người khác cũng đỗ đạt cao. Đỗ Uông, con trai cả của Cụ Đỗ Viên Trinhđời thứ 7, thi đỗ Bảng nhãn (1556), làm quan tới chức Lại bộ Thượng thư.Đỗ Hiểu, con của Đỗ Hiếu, đỗ tam giáp Tiến sĩ (1574). Đỗ Uông, con ông chú là Đỗ Phi Tán, đỗ tam giáp (1544), làm quan tới chức Thượng thư, Thiếu bảo. Đỗ An, con ông tổ đời thứ 5 chi thứ là Đỗ Văn Lan, thi đỗ nhị giáp Tiến sĩ (1568).
 
- Thời Lê Trịnh, có 22 người đỗ đại khoa, một số đỗ cao như Đỗ Tất Đại, con của Đỗ Phi Tán (làm quan với nhà Mạc) đỗ đệ nhất giáp chế (1556), làm quan Đông các đại học sĩ. Em là Đỗ Tế Mỹ cũng đỗ đệ nhất giáp Chế (1565), làm quan tới chức Thượng thư. Con Đỗ Tế Mỹ là Đỗ Công Liêm đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1670, làm Giám sát ngự sử. Gia đình Đỗ Phi Tán đã có 4 người đỗ đạt. Một gia đình 3 cha con đều đỗ Tiến sĩ là Đỗ Văn Tổng, con Tả đô đốc Khương hầu Đỗ Viên Khang. Con trai cả Đỗ Văn Tổng là Đỗ Văn Luân 26 tuổi đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1659. Con trai thứ là Đỗ Công Toản đỗ tam giám Tiến sĩ năm 1683. Một nhà hai cha con đều đỗ Tiến sĩ là Đỗ Công Bật, con ông tổ đời thứ 8 là Thượng tướng đô đốc Đỗ Viên Thành.  Con trai Đỗ Công Bật là Đỗ Công Đĩnh đỗ Hội nguyên năm 1760. Đỗ Huy Kỳ đỗ Đình nguyên Thám hoa năm 1731, đi sứ nhà Thanh. Đỗ Công Trấn thi đỗ Bảng nhãn năm 1728, làm quan tới chức Thượng thư bộ Binh, Bồi tụng.
 
Ta không thể kể hết tên 60 người đã đỗ đạt cao trong bài viết ngắn này, nhưng có thể kết luận đây là một trong những dòng họ có nhiều người đỗ đại khoa nhất ở nước ta. Hoàng giáp Đỗ Thiện Chính có công lập Bản Tông phả này, ông làm quan ở Thăng Long và đã từng đi nhiều nơi để tìm hiểu về dòng họ của mình.
 
Những Danh Nhân Họ Đỗ Trong Lịch Sử Việt Nam
Trong lịch sử dựng nước và bảo vệ đất nước của dân tộc, Việt Nam có rất nhiều danh nhân mang họ Đỗ, chẳng những làm vang danh dòng họ mà còn đóng góp tích cực cho đất nước và dân tộc. Vì chưa đủ tài liệu, hoặc vì thất truyền, chúng tôi chỉ xin liệt kê ra đây một số danh nhân họ Đỗ quan trọng cùng những công lao của họ qua các tài liệu hiện có.
Về những người mang họ Đỗ trong lịch sử cận đại, mang dòng họ Đỗ nhưng có những trọng trách khác nhau trong các chế độ chính trị khác nhau hiện đang còn tranh cãi, chúng tôi sẽ chỉ nêu tên trong bài viết kỳ tới mà không đi vào chi tiết để tránh gây những chia rẽ trong dòng họ hoặc tạo những thắc mắc cho mọi người.
Sau đây là bảng sắp theo phân loại tương đối dòng họ Đỗ đã thành danh:
-  219 nhân vật lịch sử, xưa và nay.
-  132 vị Đại khoa thời trước:  5 vị bậc Tam Khôi, Trạng Nguyên , Bãng nhãn, Thám hoa; 18 Tiến sĩ Đệ Nhị Giáp; 62 Tiến sĩ Đệ Tam Giáp; 8 Phó Bảng. 
-  167 vị đỗ Trung khoa (Hương cống, Cử nhân).
-  Sứ Thần cũ có 26 vị.
-  Có 27 vị Chân tu trong các Tôn Giáo.
-  Có  62 được phong là Phúc Thần và Thành Hoàng làng (thần giữ làng).
Dưới đây là danh sách những người họ Đỗ được lưu danh trong lịch sử:
Cụ Bà Đỗ Quý Thị
Như đã nói ở trên, bà Cụ Đỗ Quý Thị là người họ Đỗ lâu đời nhất được biết trong lịch sử Việt Nam. Cụ Bà còn giữ vai trò quan trọng, là mẹ của vua Kinh Dương Vương, một trong những vị vua đầu tiên của  nước ta. Hiện nay có đền thờ ở Ba La, thị xã Hà Đông (miền Bắc Việt Nam).
Bát Bộ Kim Cương họ Đỗ gồm có 8 vị: Đỗ Xương, Đỗ Tiêu, Đỗ Kỷ, Đỗ Chương, Đỗ Dũng, Đỗ Bích, Đỗ Trọng (như đã trình bày ở trên).
Đỗ Năng Tế, thầy dạy của Hai Bà Trưng, có công rèn luyện Hai Bà (Theo “Phụ quốc Đại thần Đỗ Tế Công phu phụ Ngọc phả”).
 
 
 
 
 
 
Đền thờ Đỗ Tướng Công Đỗ Năng Tế
 
 
 
 
Dòng chữ ghi trên mộ chí: Mộ chí Tướng công Phù Trưng Vương diệt Đông Hán…
(Theo nhà giáo Lương Nghị viết trong cuốn “Chuyện kể thầy giáo và học trò thời đại Hùng Vương”, Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin xuất bản 2009, ông đã sưu tập, tìm thấy được các chứng tích liên quan tới 18 thầy liên quan tới thấy dạy học, 37 học trò trong thời đại Hùng Vương; thời Hai Bà Trưng đã tìm thấy dấu tích liên quan tới 18 thầy làm nghề dạy học và 28 học trò…Thấy Đỗ Năng Tế là 1 trong 38 thầy và Hai Bà Trưng là 2 trong 65 học trò thời Hùng Vương. Cũng theo Nhà giáo Lương Nghị, ông đã sưu tầm được thời Hùng Vương và Hai Bà Trưng có 98 ngôi trường được thành lập tại 16 địa phương từ Nghệ An trở ra…)- Trích từ “THĂM MỘ PHẦN CỦA TƯỚNG CÔNG ĐỖ NĂNG TẾ, THẦY HỌC CỦA HAI BÀ TRƯNG” của nhà văn Phạm Viết Đào.
Đỗ Cảnh Thạc (912-967), danh tướng tài giỏi thời Nhà Ngô (939-965).Theo Thần phả Đỗ tướng công, “Đỗ Cảnh Thạc sinh năm Nhâm Thìn (912), thân phụ là Đỗ Quảng Lăng, mẹ là Trần Thị Thọ, ở Đỗ Động Giang, ấp Động, nay thuộc Thanh Oai, Quảng Oai (Hà Nội). Lúc thiếu thời ông đã nổi tiếng thông minh, khôi ngô, khỏe mạnh. Năm 12 tuổi đã biết cưỡi ngựa, bắn cung, thường theo cha đi săn muông thú.”  Ông giữ chức Chỉ Huy Sứ, có nhiều công lao giúp Ngô Vương Quyền chống xâm lăng, đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (lần thứ nhất) năm 938. Ông đã có công phục hồi nhà Ngô bị soán ngôi, thành lập nhà Hậu Ngô. Sau này nhà Ngô tan rã, đất nước loạn lạc, ông lập sứ quân lớn mạnh nhất trong 12 sứ quân để cát cứ một phương, uy thế dũng mãnh, xưng  là Đỗ Cảnh Công, sau bị Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan.
 
Đỗ Thái Hậu: mẹ của vua Lý Cao Tông, tính tình nhân hậu, trái với Lê Thái Hậu (Lê Thị). Lê thị tư thông với quan triều đình, nắm toàn quyền bính tạo rối loạn trong triều.
 
Đỗ Nhuận (1439-?), Danh sĩ đời vua Lê Thánh Tôn, quê làng Kim Hoa, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phú. Thuở nhỏ thông minh, ham học, nhưng rất tinh nghịch. Đỗ tiến sĩ năm 1466, nổi tiếng về văn chương, được vua Lê Thánh Tôn quý mến phong làm Đông Các Đại Học Sĩ, cùng với Thân Nhân Trung giữ chức phó nguyên soái Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú (vua Lê Thánh Tôn là Nguyên Soái); làm quan tới chức Thượng Thư; cùng soạn thảo Thiên Nam Dư Tập, bài ký Văn Bia Tiến Sĩ năm 1484. (Nguồn: Tri thức Việt); Wikipedia:Đỗ Nhuận (Hậu Lê)
 
Đỗ Cận: trước tên là Đỗ Viên, sau vua Lê Thánh Tôn cho đổi thành Đỗ Cận, người xã Thống Thượng, huyện Phổ Yên (nay thuộc tỉnh Thái Nguyên). Đỗ Tiến Sĩ khoa Mậu Tuất (1478), thời vua Lê thánh Tôn, Hồng Đức thứ 9, làm quan đến chức Thượng Thư, có đi sứ sang Tàu. Ông là tác giả tập “Kim Lăng Ký” (theo Dương Quảng Hàm).
 
Đỗ Túc Khang, (1470-1534), tiến sĩ, quán tại làng Tác Vỹ, Xã Hà Vỹ, Tổng Hà Lỗ, Huyện Đông Ngàn, Đạo Kinh Bắc. Nay là Thôn Giao Tác, Xã Liên Hà, Huyện Đông Anh, Hà Nội. Cụ có 04 người em đều là những nhà trí thức lớn của Việt Nam gồm: Đỗ đại Uyên (em thứ ba), thi đỗ tiến sĩ gọi là cụ nghè Me (làng Me, Xã Hương Mạc, Huyện từ Sơn- Tỉnh Bắc Ninh). Đỗ Túc Khiêm(em thứ 4), thi đỗ Thám Hoa (trên Tiến sĩ) ở làng Mỹ Đình, Xã Phú Mỹ, Huyện Từ Liêm Hà Nội. Đỗ Danh (tức Đỗ Vinh em thứ 5), đỗ Tiến sĩ làm quan thượng thư (hiện con cháu ở thôn Tức Mạc, xã Lộc Vượng, thị xã NamĐịnh). Đỗ Viên Nghị được triều đình nhà Lê phong "Phục tướng quân, Bắc quản đô đốc, chánh quản thần vũ vệ, Xuyên đinh quang hầu", ở làng Bồng Sơn, xã bồng Trung, Huyện Vĩnh Lộc- Tỉnh Thanh Hoá.
 
Đỗ Chân Thiết. Chí sĩ nổi tiếng ở Bắc Hà đầu thế kỷ XX, người làng Thịnh Hào, tỉnh Hà Đông, nhiệt tình yêu nước, bỏ khoa cử đi làm cách mạng, thảo bản “Hưng Quốc Sách” định dâng lên vua Thành Thái yêu cầu vua xét lại hiệp ước Giáp Thân với Pháp, đòi quyền tự trị. Sau ông ðứng ra khuếch trương thương mại, gây tài chánh giúp quỹ Ðông Kinh Nghĩa Thục. Ông vượt biên giới sang Tàu hợp tác cùng cụ Phan Bội Châu và các nhà cách mạng nhằm lật đổ chính quyền thực dân. Sau ông bị bắt khi đưa vũ khí về nước, bị tòa án quân sự Yên Bái tuyên án tử hình, hy sinh cùng 17 đồng chí ngày 2-12-1914. Ông có một con trai tên Đỗ Bàng, con gái tên Đỗ Thị Tâm, cả hai tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng sau bị Pháp bắt và hy sinh.
 
Đỗ Đức Tường, linh mục Thiên Chúa Giáo, tham gia Việt Nam Quang Phục Hội chống Pháp thời tiền bán thế kỷ XX, chỉ huy Quang Phục Quân Hà Tĩnh. Ông bị bắt đầy ra Côn Đảo rồi chết ở đó.
 
Đỗ Hành, tướng nhà Trần, bắt được Nguyên Soái giặc là Ô Mã Nhi và tướng Tích Lệ Cơ Ngọc trong trận Bạch Đằng (tháng 3, Mậu Tí, 1288).
 
Đỗ Minh Tâm,  tục gọi là Nhiêu Tâm, tự Minh Giám, quê Vĩnh Long, nhà thơ trào phúng miền Nam đầu thế kỷ XX.
 
Đỗ Pháp Thuận (915-990), danh tăng nhà Tiền Lê, thường vào triều bàn việc nước với vua Lê Đại Hành, giỏi văn học; giả làm lái đò đón sứ nhà Tống, trổ tài ứng đối khiến sứ Tống rất  phục.Thiền sư mất năm 990, để lại tập “Bồ Tát Hiệu Sám Hối Văn”.
 
Đỗ Lễ, Đại tướng thời vua Trần Duệ Tông (1872-1877). Ông ngăn vua đừng xua quân tấn công thành Đồ Bàn của Chế Bồng Nga, nhưng vua không  nghe nên bị phục kích và thua trận.
 
Đỗ Thành Nhơn (hoặc Đỗ Thanh Nhân), còn có tên khác là Hữu Phương, danh tướng nhà Nguyễn Ánh, anh hùng đất Định Tường, người làng Minh Hương, Hương Trà, Thừa Thiên, vào Nam ngụ tại Phiên An Trấn, tập hợp hào kiệt, chiêu mộ hơn 3000 quân binh chống lại nhà Tây Sơn. Theo Chúa Nguyễn Phước Thuần, rồi chúa Nguyễn Phước Ánh đánh bại quân Tây Sơn, sau sang dẹp loạn ở Chân Lạp. Tính tình cương trực nhưng nóng nảy nên gây oán thù, Nguyễn Vương nghe lời dèm pha nên xử trảm ông năm 1781 tại Gia Định. (Theo Trần Trọng Kim).
 
Đỗ Thị Tâm, quán ở Dư Hàng, gần Hải Phòng, con gái của nhà cách mạng Đỗ Chân Thiết, gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng chống Pháp. Cuộc khởi nghĩa thất bại, cô chống trả kịch liệt, sau bị bắt, tra tấn tàn nhẫn, phải nuốt giải yếm tự vẫn lúc mới 18 tuổi. (Theo Nhượng Tống, Nguyễn Thái Học)
 
Đỗ Thúc Tịnh, nhà yêu nước nhiệt tình, quê ở Quảng Nam, chiêu mộ nghĩa dõng tạo phong trào kháng Pháp sôi nổi (Theo Phan Khoang).
 
Đỗ Trinh Thoại (-1861), chiến sĩ chống pháp thời hạ bán thế kỷ XIX ở miền Nam, giữ Tri Huyện Gò Công. Sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông, ông khởi nghĩa, cầm 600 quân đánh úp Gò Công ngày 22-6-1861, bị Pháp phản công, tử trận cùng với nhiều nghĩa binh khác.
 
Đỗ Văn Sửu, tổ nghề dệt gấm ở nước ta, người Hà Đông, có công phát triển nghề dệt gấm, giúp nhiều người thành công, nên tôn ông  làm ông tổ.
 
Đỗ Xuân Cát, Danh sĩ thời nhà Nguyễn, người huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, đỗ cử nhân thời vua Thiệu Trị, có tài kinh tế. Ông gửi vua Tự Đức bản điều trần 5 điểm tu sửa đê điều ởBắc, được vua triệu về triều đình, nhưng ông thấy không hợp nên cáo bệnh vềnhà. Sau khi chết, ông được phong hàm Hàn Lâm Viện Biên Tu. Tác phẩm của ông: Châu Tâm Văn Tập; Gia Phả Tự Lệ; Lâm Hành Tạp Lục. (Theo Cao Xuân Dục).
 
Đỗ Cơ Quang, tự là Chân Thiết (Xem Đỗ Chân Thiết)
 
Đỗ Khắc Chung, thời nhà Trần, quê huyện Giáp Sơn (Hài Hưng), năm 1285 khi quân Nguyên đánh Thăng Long, ông tình nguyện sang do thám trại địch và đưa thư giảng hòa, ứng đối khôn ngoan nêu cao chính nghĩa. Sau ông đổi thành họ Trần, làm quan cao trong triều tới chức Thượng Thư Tả Bộc Xạ. Năm 1307 ông đưa công chúa Ngọc Trân từ Champa về nước. Ông mất năm 1330.
 
Đỗ Quang (1807-1866), sĩ phu yêu nước thời Nguyễn, quê ở Hải Hưng, đỗ tiến sĩ năm 1832, giữ nhiều trọng trách ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, và triều đình Huế. Khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông, ông bí mật về Gò Công cùng với Trương Định chống Pháp. Sau hòa ước 1862, ông bị điều làm tuần phủ Nam Định, rồi tuần phủ Bắc Ninh, sau chết tại quê nhà.
Đỗ Bá Công Đạo, tinh thông địa lý phong thuỷ, người vẽ bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vào thế kỷ thứ 16. Ông còn có tên là Đỗ Công Luận, người làng Bích Triều, tỉnh Nghệ An, truyền dạy được nhiều học trò giỏi. Khoảng thời đại Chính Hoà (1680-1705), Ông từ quan đi đây đó vượt Thuận Hóa, qua các nước Chiêm Thành, Chân Lạp, bí mật nghiên cứuđịa lý vẽ bản đồ các xứ Thuận Quảng trở vào, dâng cho chúa Trịnh hiến kế Nam Chinh. Chúa Trịnh bèn giao cho ông vẽ “Tứ Chí Lộ Đồ” trong đó tài liệu vẽ và chú giải hai quần đảo Hòang Sa và Trường Sa trước đây gọi là “bãi Cát Vàng”.
***
Trên đây chỉ là một số danh nhân dòng họ Đỗ trong lịch sử dựng nước và bảo vệ đất nước. Còn rất nhiều vị khác trong quá khứ cũng như hiện tại, ở nhiều lãnh vực, nhưng vì trang giấy có hạn, hơn nữa tài liệu chưa được đầy đủ chính xác, nên chúng tôi tạm ngưng ở đây, hẹn trong một bài khác sẽ có thêm nhiều nhân vật, đặc biệt là những nhân vật họ Đỗ trước đây ở trong nước và hiện nay tại hải ngoại. 
BS Đỗ Văn Hội
Hải ngoại, Tháng Tư, 2012.
____________________________________________
 
Tài liệu tham khảo:
 
(*) Sách "Họ Đỗ Việt Nam" Tập 1, NXB, VH-TT, Hà Nội, năm 2001, trang 239-244 do PGS Đỗ Tòng chủ biên và sách "Việt Nam cội nguồn trăm họ" của GS Bùi Văn Nguyên, NXB, KH-XH, Hà Nội 2001, tr 75-83.
 
Họ Đỗ Việt Nam website
 
Xích Quỷ (An việt Toàn Cầu)
 
Wikipedia: Đỗ Cảnh Thạc
-Thần phả thờ Đỗ Tướng Công được cụ Phùng Khắc Khoan phát hiện và giới thiệu
-Danh nhân Đất Việt, cuốn 4, Quỳnh Cư, Nguyễn Anh, NXB Thanh Niên, 1999, trang 108-172 (Đỗ Nhuận).
-Việt Nam Danh Nhân Từ Điển, Nguyễn Huyền Anh, NXB Khai Trí, in lần thứ ba, 1970.
-Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, nxb Miền Nam tái bản.
-Từ Điển Bách Khoa Việt Nam, cuốn 1, Trung Tâm Biên Soạn Từ Điển Bách Khoa Việt Nam, 1995.



Source Internet.

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Tuần này 40 năm trước

Tuần này của 40 năm trước bắt đầu bằng các cuộc di tản tràn ngập vào Sài Gòn và thị xã Vũng Tàu chứ không còn ở xa. 

Quân đội thì di tản chiến thuật, dân thì tị nạn. 

Họ chạy từ khắp nơi, từ Tây Nguyên, từ miền Trung kéo về với những tin đồn: «Từ vĩ tuyến 13 đến vĩ tuyến 17 sẽ là vùng trái độn, vùng trung lập». Đài BBC liên tục tiên đoán thời gian các tỉnh sẽ rơi vào tay quân giải phóng; thật tai hại vì người dân và các sĩ quan trong quân đội đã quá tin vào BBC cho nên khi nghe tiên đoán là bỏ quân sĩ mà đem vợ con chạy... và cuối cùng thì tiên đoán trúng phóc, đến nỗi Tổng thống Thiệu trong bài diễn văn từ chức đã cho rằng việc mất một phần lãnh thổ là do lỗi của đài BBC Luân Đôn. 

Ngày từ chức, ông Thiệu tỏ ra mất bình tĩnh và căm hận chính sách của Mỹ nhiều. Ông nói huỵch toẹt ra tất cả những bí mật trong diễn tiến hoà đàm Paris, về định nghĩa thế nào là quân ngoại nhập và nặng nề nhất vẫn là về việc Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự. Khi Phó tổng thống Trần Văn Hương đã nhận chức Tổng thống, ông Thiệu vẫn cay đắng, chạy lên cầm micro nói tiếp: «Ông Kissinger bảo là vì tôi còn tại vị nên ngưng viện trợ, vậy thì bây giờ tôi từ chức để xem Mỹ có viện trợ tiếp hay không!!!» 

Và ông cũng cam kết ở lại Việt Nam trong tư thế một ông tướng tiếp tục chiến đấu. Tiếc rằng, chỉ vài ngày sau đó, ông đã kín đáo được hộ tống lên máy bay nhỏ, cùng gia đình qua Đài Loan để không bao giờ còn cơ hội trở lại. 

Cũng trong tuần này, Cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ trong quân phục và lon thiếu tướng cùng Linh mục Trần Hữu Thanh tuyên bố ở lại chiến đấu đến cùng. Ông Kỳ cho là đã quen ăn mắm tôm, sẽ không ra đi. Số dân chúng từ các nơi chạy về Vũng Tàu không còn kiểm soát nổi, binh sĩ chạy tứ tán và không tìm được cấp chỉ huy. 

Phủ Tổng ủy Công vụ nhận được yêu cầu của trung tâm huấn luyện cán bộ quốc gia Vũng Tàu tăng cường nhân lực để thực hiện công tác cứu trợ. Nhìn quanh quẩn không lấy đâu ra người, đại tá Quách Đình Hà liên hệ trường Quốc gia Hành chính (QGHC) xin người. 

Lúc ấy thì các sinh viên thực tập ở Đà Lạt chạy về cũng đông và trường chưa biết phải đối phó ra sao, do đó Giáo sư Viện trưởng chỉ thị tôi thay mặt, đi cùng một trung tá của Phủ Tổng ủy Công vụ đem một số sinh viên thực tập ra Vũng Tàu... Ngày hôm ấy, xe vừa tới địa phận Biên Hoà thì Dinh Độc Lập bị thả bom (người thực hiện phi vụ đó hình như là Nguyễn Thành Trung)! 

Chúng tôi vẫn tiếp tục đi Vũng Tàu, bàn giao anh em cho đại tá Bé 
(tác giả bộ sách rất giá trị Những ý tưởng trên đường xây dựng quê hương) chỉ huy trưởng trung tâm. Được đại tá  mời ở lại ăn bữa cơm trưa, nghe lóm một vài tin, tôi cho rằng nơi đây là đơn vị cuối vẫn giữ được kỷ luật. 

Trên đường về đến Thủ Đức thì lệnh cấm xe hơi vào thành phố, chỉ trừ xe quân đội mới được chạy, chúng tôi đành bỏ xe, lội bộ rồi thuê Honda ôm về nhà. Hoang mang cực kỳ... 

Ngày 26/4, Giáo sư Viện trưởng ra lệnh các giáo sư, sinh viên tập họp để làm danh sách di tản chi đó( tôi thì theo vào họp với GS Nguyễn Ngọc Huy nên không rõ nội dung.)

Nhưng cũng lúc ấy, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy lại yêu cầu sinh viên và giáo sư gặp ông tại một giảng đường khác để nghe ông nói chuyện. Mà ở trường này, tuy Giáo sư Viện trưởng giữ chức vụ cao nhất nhưng hầu hết giáo sư và sinh viên lại có cảm tình và kính nể đặc biệt đối với Giáo sư Huy. Vì thế mà phía bên Giáo sư Viện trưởng, số sinh viên, giáo sư tụ tập chẳng bao nhiêu, nhưng phòng Giáo sư Huy thì lại chật cứng! 

Giáo sư Huy cho rằng bỏ chạy là vô lý, sẽ chỉ đạp lên nhau mà chết... Hãy ở lại chiến đấu! Đại úy Nguyễn Tầm, Trưởng lớp Đốc sự 21 cũng lên cho biết là tình hình không đáng ngại, còn khả năng chiến đấu, anh Nguyễn Tầm là đại úy thuộc phòng 7 TTM trước khi vào trường, lại là trưởng lớp, anh em sinh viên lại càng thêm tin tưởng. Nhìn qua lớp đàn em, Đốc sự 22 lại có một thiếu tá quân cảnh, một thiếu tá hạm phó Chiến hạm Cam Ranh, anh Nguyễn Ban, cũng cương quyết ở lại. Anh em hăng hái tô biểu ngữ dán khắp nơi: Nên hoà hay chiến, hội nghị Diên Hồng... chẳng còn ai nghĩ đến chuyện lập danh sách ra đi. 

Nhưng với cương vị sinh viên thực tập của trường, ngồi kiểm điểm thì thật là thê thảm. Trường có 3 lớp, mỗi lớp chỉ có khoảng 15 quan võ nhưng chưa hẳn đã cầm súng, cộng thêm mỗi lớp có 5 anh Võ bị Đà Lạt thuộc diện thương phế binh như lớp tôi, Đốc sự 21 có 5 anh khoá 19, trong đó có thiếu tá Lê Trường Hậu, Tiểu đoàn phó Thủy quân lục chiến thì gãy một chân, đại úy Phan Văm Nhậm Đại đội trưởng TQLC bị mất một mắt, đại úy Hạnh thì bị sang máu nhiều sau một lần trọng thương, người lúc ửng hồng, lúc xanh lét! Ba lớp cộng lại chưa được 60 mạng, mà đa số toàn quan to, các giáo sư của trường và sinh viên thuần túy thì cả đời chưa sờ đến súng. Quân số đã thế, vũ khí lại càng thê thảm hơn vì cả trường có đúng 3 khẩu carbine M1 mà đạn thì cũng chưa bao giờ nhìn thấy vì cả lũ chúng tôi dù là quan to hay học trò vào trường thì cũng biến thành "nhân dân tự vệ", có bao giờ phải cầm đến súng! 

Vì thế mà các biểu ngữ «hoà, chiến» chỉ dán la liệt, chứ bảo là tổ chức chiến đấu thì cho dù có thêm vài ông tướng 2, 3 sao ra đấy cũng chịu chết. 

Trong lúc ấy thì Tổng thống Hương cũng chẳng biết phảilàm sao để chiến đấu tử thủ, đại tướng Cao Văn Viên ra đi chẳng bàn giao, tướng Vĩnh Lộc lên thay, đọc một bài diễn văn đầy tinh thần trách nhiệm, lên án đại tướng Viên đào ngũ để rồi khi tiếng của tướng Vĩnh Lộc vẫn oang oang trên đài phát thanh thì ông và ca sĩ Minh Hiếu đã ngồi trên Đệ thất Hạm đội. 

Tổng thống Hương vẫn biết là ông chỉ nhận chức vụ theo danh nghĩa vì đã già quá, việc lãnh đạo phải tìm người để giao phó. Ông có 2 chọn lựa là tướng Kỳ và tướng Dương Văn Minh. Áp lực quốc tế và các đoàn thể chính trị ngả theo tướng Minh nhiều hơn. Đa số cho rằng tướng Minh đã có đường giải quyết theo hướng hoà hợp, hoà giải dân tộc, nhưng Tổng thống Hương không tin tưởng lắm vì tướng Minh quả thật không trình bày được một đường lối nào cả. Đây là vài đoạn phát biểu trước Quốc hội Lưỡng viện mà tôi cho rằng rất trẻ con trong lúc đất nước nguy vong: 

Lời Tổng thống Hương: «Tôi là tổng thống mà không lẽ lại đi tìm đến nhà đại tướng, do đó, chúng tôi đã gặp nhau tại nhà một người bạn chung (có lẽ là nhà cụ Nguyễn V Huyền, Chủ tịch Thượng viện) và tôi đã mời đại tướng đảm nhiệm chức vụ thủ tướng. Nhưng đại tướng Minh lại nói với tôi rằng: «Thày đã hy sinh nhiều rồi, bây giờ thì thày nên hy sinh nốt chức vụ Tổng thống, giao cho tôi để cứu nước». 

Chính vì lời tường thuật này của Tổng thống Hương mà Quốc hội Lưỡng viện đã ủng hộ Tổng thống Hương tiếp tục lãnh đạo để rồi vài ngày sau, khi tình thế không còn cứu vãn nổi, Quốc hội Lưỡng viện lại biểu quyết với đa số, vượt hiến pháp để Tổng thống Hương trao quyền cho đại tướng Minh (vì theo hiến pháp, nếu Tổng thống Hương không đủ sức lãnh đạo thì phải trao quyền cho Chủ tịch Hạ viện chứ không phải muốn trao cho ai thì trao). 

Ngày 29.4.1975 

Thủ đô Sài Gòn đã thực sự loạn lạc, tiếng súng nhỏ chưa có nhưng âm thanh của hoả tiễn 130 ly, đại bác và những người bị trúng đạn đã có, hoả tiễn xuyên thủng một hệ thống nước thải chung cho cả thành phố, hệ thống này do Mỹ xây dựng và ngày họ thực hiện, mọi người vẫn đồn đại là dùng để chuyển quân vì nó kiên cố, vuông vức, rộng lớn và kéo dài khắp nơi. Những người bị thương được anh em nhảy dù băng bó, người chết thì chẳng được ai đem đi, chỉ được che mặt bằng giấy và vải... Phi trường Tân Sơn Nhất bị tê liệt vì đạn pháo kích. Ngoài những người tìm đường di tản, cũng có nhiều người lo chạy đi hôi của và khiêng gạo vì Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo đã biết lo xa cho dân, cứ vài góc đường lại có một xe vận tải chở đầy gạo để sẵn. Trên radio và TV, thông báo, quyết định được đọc đi đọc lại, Bộ trưởng Vũ Văn Mẫu phổ biến yêu cầu cơ quan DAO (Defense Attached Office) của Hoa Kỳ phải ra khỏi Việt Nam trong vòng 48 giờ. Xen vào giữa những thông báo là một bài hát hình như của hướng đạo được sửa lại lời, tôi chỉ còn nhớ vài câu đầu: 

«Đừng chạy Bắc, đừng chạy Nam cũng đừng chạy Tây làm gì. 
Chúng ta là, chúng ta là Việt Nam thuần túy. 
Cùng sinh ra, cùng mẹ cha... 
...cùng ngồi hiệp thương...» 

Nghe bài ca là cả một sự thê thảm! 

Ra đi và ở lại 

Tôi nhớ là trước ngày ông Thiệu từ chức, người Mỹ có kế hoạch di tản cho các nhân viên phục vụ cho Mỹ. Toà đại sứ của họ tràn ngập người muốn di tản. Đã từng làm việc cho họ trước kia, tôi cũng đến và rồi cũng chen chân vào được. 

Sau khi xòe đủ các giấy tờ cần thiết, một nhân viên Tòa Đại sứ bảo: 

«Tụi tao chỉ lo cho các gia đình những người mà mạng sống của họ bị đe dọa và đang làm cho tụi tao thôi, mày hết làm từ 1971 lại đang là công chức chính phủ Việt Nam nên không làm thủ tục được.» 

«Thế thì mày nghĩ rằng những năm tháng làm cho chúng mày không nguy hiểm cho tao à... 525 quân báo Hoa Kỳ, 173 nhảy dù HoaKỳ, bộ Việt Cộng nó để yên à?» 

«Thôi được, làm thủ tục như mọi người thì không được, nhưng tao có thể giải quyết cho mày ở đây rồi đi luôn vì mày mà ra khỏi Tòa Đại sứ thì khó mà vào trở lại!» 

«Vợ con tao thì sao?” 

“Không biết, tụi tao chỉ lo cho mày...” 

Tôi ra khỏi Tòa Đại sứ sau đó, từ chối một ân huệ của một đám chủ bạc bẽo. 

Trong đời, tôi đã làm nhiều việc có vẻ đúng lúc này nhưng lại sai lúc khác và ngược lại, nên thường tự an ủi theo lối tái ông thất mã, nhờ sai nên lại may mắn nhờ cái sai ấy. Học hành khá nhưng lại chỉ thích làm lính, chẳng thích làm quan, tôi tình nguyện vào làm lính. Khi Hoa Kỳ làm giấy lo thủ tục cho qua Hoa Kỳ học khóa sĩ quan OCS năm 69, tôi cũng bỏ thủ tục nửa chừng. Năm 72 lại được QĐ Việt nam cho qua Mỹ học về kỹ thuật để rồi đến ngày đi may quần áo xuất ngoại thì tôi cũng xin hủy bỏ để thi vào QGHC. Chẳng bao giờ cương quyết một điều gì lo cho công danh, sự nghiệp cả! 

Chiều 29/4, anh tôi lái xe về với một thùng tiền - là tiền mà mẹ tôi bán căn nhà từ năm ngoái rồi gửi ở ngân hàng nơi anh tôi làm giám đốc - và khuyên tôi một lần cuối: «Phải ra đi, vì ở lại quá nguy hiểm». Địa điểm lên tàu anh tôi đã cho, cùng với cách tự giới thiệu để học cho lên; nói chung là anh tôi vẫn chu đáo lo lắng cho các em... Mẹ tôi cũng khuyên, vì thế mà tôi đem cả vợ con hướng bến Bạch Đằng. Tàu anh tôi bảo đến là một chiếc tàu sắt khá to, dân chúng đứng chen chúc ngoài bến nhưng không lên được vì một trung tá TQLC đứng ngay cầu tàu với M16. Được dặn trước, tôi và vợ con lên tàu dễ dàng. Vào trong tàu rồi, nhìn xuống lòng tàu thì thấy toàn là bao gạo, thì ra tàu này đang chuẩn bị chở gạo đi đâu đó và được trưng dụng cho các quan chức di tản. 

Lúc ấy khoảng 4 giờ chiều, tiếng hoả tiễn 130 ly thỉnh thoảng vẫn gây rợn người, mặc dù đã biết chắc là nếu còn nghe được tiếng đạn thì có nghĩa là đạn đã rơi vào nơi khác. 

Nhìn lên bầu trời Sài Gòn... thương quá đất nước này. 

Nghĩ về tương lai xứ người, tôi thấy cũng chẳng đáng lo, làm việc với người Mỹ từ 19 tuổi, tôi biết là kiếm ăn ở nước người không khó, muốn chết đói cũng không dễ. 

Nhưng... 

Đất nước này, Việt Nam yêu dấu này sẽ chấm dứt chiến tranh nay mai thôi, cơ hội đóng góp cho quê hương lúc thanh bình mà mình ấp ủ từ bao năm nay, đây là cơ hội để mang sức thanh niên ra đóng góp thì sao lại bỏ đi? Còn tính về tội, kiểm điểm lại, trong suốt cuộc chiến, tôi chưa hề có cơ hội dùng M16 bắn thẳng vào đối phương, có chăng là chửi nhau qua lại mà tôi là người ngồi trên trực thăng Mỹ thời gian 1969, hai bên là 2 giàn loa, mỗi giàn 25 cái loa sắt mở những bài hát chiêu hồi như "Từ đó em buồn", tôi thích bài này lắm nên mở cho hát đi hát lại trong những đêm phụ trách chương trình MEDCAP của 173 nhảy dù HK (Medical Civic Action Program) tại các LZ (Loading Zone) của Mỹ vùng tam biên, trực thăng bay lên, cứ mỗi tối, chỉ riêng tôi cũng ném xuống rừng hàng ngàn cái radio bé tí để người Mỹ hy vọng quân nhân phe kia nhặt được và mở ra nghe chương trình phát thanh chiêu hồi, người Mỹ còn cẩn thận gói ghém thêm cả pin dự trữ nếu pin trong máy bị hết! Ngược lại, cứ mỗi hoàng hôn tại vùng tam biên này, chúng tôi cũng co cụm lại trên đồi, bảo vệ mình và đồng đội và mìn định hướng, thỉnh thoảng các "người anh em" cũng dùng loa giấy chửi vọng lên, nhìn vào ống kính, họ cũng chỉ là những người dân, bắn xuống nhầm là lại sinh chuyện, thôi thì mặc kệ, họ chửi mình lúc này, lúc khác mình chửi to hơn... hòa và công bằng. 

Vì thế mà tôi đã ngồi yên trên tàu rồi mà cứ nghĩ vẩn vơ và cuối cùng thì bắt vợ con xuống tàu! 

Đang cãi nhau với vợ vì vợ nhất định đi thì anh tôi lên tàu. 

Anh em nói chuyện, thôi thì tôi ở lại cũng phải vì ở nhà chỉ còn bà mẹ và mấy đứa em gái, một thằng em trai bệnh tật và một thằng em nhất định tử thủ, gọi về cũng không chịu về ở trường sĩ quan cảnh sát Thủ Đức, chẳng biết nó sẽ ra sao! 

Anh tôi còn căn dặn, khuyên lấy xe hơi của anh mà đi, lại còn dặn trong xe có cả súng, cần thì dùng vì lúc ấy tình hình an ninh không còn ai lo, cảnh sát biến mất hết và cả thành phố do anh em nhảy dù gìn giữ trong khi anh em biệt động quân tan hàng và cướp phá khá nhiều khi họ cần phương tiện (tại bệnh viện Nguyẽn V Học, họ dùng súng bắn khóa các xe Honda và lái đi mà chẳng ai dám ngăn cản). 

Tôi cũng chẳng cần dùng xe hơi, bỏ luôn nó ở bến Bạch Đằng, dùng Honda chở vợ con trở về trong sự ngạc nhiên, khóc lóc của mẹ tôi và tiếng cằn nhằn của bà vợ. 

Đêm 29, thủ đô chỉ còn tiếng trực thăng di tản của Mỹ và tiếng đạn bắn lên trời của nhiều anh em quân nhân uất ức vì bị bỏ rơi, pha vào đấy là những tiếng bom đạn từ xa dội về... 

6 giờ sáng 30.4.1975 

Anh LTN, một đại úy biệt động quân gọi cửa khẩn cấp. 

Anh đến để kéo chúng tôi đi vì tìm ra một nơi có tàu, hoàn toàn không mất tiền vì đều quen biết cả, tôi vẫn từ chối, anh bực lắm nhưng cũng cho tôi một kỳ hạn, trước 9 giờ sáng tại một garage ở đường Mạc Đĩnh Chi. Tôi gặp anh Nhật lần ấy là lần cuối cho mãi đến 1989 mới gặp lại ở Cali. Anh đã trở thành một nhạc sĩ. 

7 giờ sáng, đài phát thanh phát đi lệnh gọi quân nhân các cấp trình diện để chiến đấu tại biệt khu thủ đô, ý thức được trách nhiệm, tôi cũng phóng Honda đến nhưng chẳng thấy ai phụ trách tiếp nhận, đành lái xe trở về nhà... Hình ảnh một quân nhân nhảy dù lấy băng cứu thương để cấp cứu cho một em bé mặt be bét máu vì đạn pháo kích trước cổng nhà thờ Tân Định cũng là hình ảnh cuối tôi thấy ở một quân nhân QLVNCH lúc còn cầm súng. 

Toà đại sứ Mỹ đã thực hiện xong các phi vụ di tản cuối cùng. 

Giờ thứ 25 cho một thành phố, thủ đô của một quốc gia tự do đã bắt đầu. 

Khoảng hơn 9 giờ, một thông báo từ đài phát thanh kêu gọi dân chúng đón chờ thông điệp của Tổng thống Dương Văn Minh. 

Khoảng 10 giờ, thông báo được phát đi, tiếng thu rất rè... Tổng thống Minh yêu cầu quân đội hai bên ai ở yên đó để xúc tiến thủ tục bàn giao trong vòng trật tự... Tất nhiên là chẳng ai ngồi yên cả, mỗi người ở mỗi vị thế có những hành động khác nhau... 

Ngoài đường Võ Tánh, ngã tư Phú Nhuận (Hoàng Văn Thụ), các quân nhân QLVNCH bắt đầu trút bỏ quân phục. 

Gia đình tôi thì khóa cửa thật chặt đề phòng cướp bóc. 

Đến khoảng một giờ trưa thì hàng xóm kháo nhau âm ĩ. Quân đội giải phóng miền Nam đã đến! 

Tôi mở cửa ra đường để xem. 

Trên các molotova, bộ đội trẻ quá, nhiều người chắc chỉ 16 tuổi, mà sao lại ăn mặc sạch sẽ như vừa thay quần áo... Ôi, non choẹt thế mà đánh nhau được à? Về sau này mới biết, đó chỉ là những anh em được tuyển chọn để vào tiếp quản thành phố, còn các anh em chiến đấu thứ thật thì vãn còn đang lo giải quyết các nút chặn cuối cùng. 

Những ai đã được xem qua TV cảnh quân đội Mỹ tiến vào Iraq sẽ nhận ra một điểm khác biệt: những quân nhân Hoa Kỳ lúc tiến vào Baghdad rất căng thẳng, còn khi các molotova tiến vào Sài Gòn, nhìn mặt bộ đội trông rất vui vẻ và ngây ngô. 

Còn phản ứng của dân chúng cũng y hệt nhau và tôi khinh miệt thái độ chạy theo chiều gió của rất nhiều người, có lẽ chỉ có lúc Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại mới có những phản ứng trật tự, ôn hoà. Qua đến cuộc lật đổ Tổng thống Diệm rồi ngày 30/4, cả hai chẳng khác gì ngày dân chúng ủng hộ Tổng thống Saddam Hussein và ngày Mỹ tiến vào Iraq! Những thành phần hèn hạ chạy theo thời cuộc, bán rẻ liêm sỉ ấy tại Sài Gòn ngày đó được gọi là "bọn 30 tháng Tư", chính họ đã đóng góp rất nhiều vào việc làm cho dân chúng sớm chán ghét chế độ và gây nên những làn sóng liều chết ra đi của chính quyền lãnh đạo sau này, đây cũng chính là nhận định của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong lần trả lời báo chí gần đây, ông cho rằng nếu được làm lại chắc sẽ không làm như thế, cũng như ngày kỷ niệm hôm nay tại Việt Nam vẫn có triệu người buồn. 

Thế hệ tiếp nối chắc chắn sẽ phải là thế hệ giải quyết được mâu thuẫn này bằng cách xóa đi được khác biệt chính kiến, tôn trọng tự do dân chủ và lãnh đạo bằng luật pháp.


Minh Trinh

Source FB.