Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Những vườn nho nước Pháp


Những vườn nho nước Pháp
French vinefield
***


VIDEO







    Vào mùa thu hoạch, các vườn nho nổi tiếng của nước Pháp xanh, đỏ rực khắp nơi trên các sườn đồi tạo nên khung cảnh tươi đẹp.
 
canhdongnho11-7539-1381546938.jpg
    Cánh đồng nho ở Auxerrois và Macon. Ở vùng này, đã có hơn 100 tên gọi các loại vang xuất xứ từ những vườn nho nổi tiếng.
 
canhdongnho22-8071-1381546938.jpg
    Khởi hành trên những sườn dốc từ Epernay dọc theo bờ biển Marne, bạn sẽ thấy những vườn nho trải dài ngút ngàn và  thấp thoáng là ngôi làng Champagne nổi tiếng.
 
canhdongnho33-1516-1381546938.jpg
    Đối diện với dãy núi Pyrénées, vùng đất này nằm giữa  thị trấn Oloron-Sainte-Marie và Pau bên dòng suối trên núi đã nổi tiếng với một loại rượu vang trắng từ thế kỷ XVI. Bức ảnh trên là ruộng nho ở thị trấn Oloron-Sainte-Marie và Pau.
 
canhdongnho44-3552-1381546939.jpg
    Ở phía Tây của Languedoc, nho được trồng trên những ngọn đồi xung quanh thủ phủ Carcassonne và những chai rượu vang được sản xuất mang nhãn hiệu Carcassonne đã trở thành thương hiệu quốc gia nổi tiếng.
 
canhdongnho55-5576-1381546939.jpg
    Trên đường từ Grands Crus de Bourgogne, bạn hãy dừng chân tại Fixey ở Côte-d'Or. Ở giữa vườn nho có nhà thờ Saint-Antoine de Fixey được xây với chiếc tháp hình chuông và nợp mái ngói đặc trưng vùng Bourgogne.
 
canhdongnho66-9662-1381546939.jpg
    Ở làng Champagne, việc hái nho vẫn giữ được nét truyền thống có từ thế kỷ XVIII. Khách du lịch rất thích tham gia thu hoạch nho cùng người dân.
 
canhdongnho77-4662-1381546939.jpg
Những vườn nho quanh co bên sườn đồi.
 
dongnho11-7003-1381546940.jpg
    Ruộng nho Nuits-Saint-Georges. Ở đây, rượu vang mang các nhãn hiệu như  Romanée-Conti, Echezeaux, Vougeot  hay Nuits-Saint-Georges...
 
dongnho22-5422-1381546940.jpg
    Alsace là một vùng đất của rượu vang. Nơi đây nổi tiếng với những ngọn đồi xanh mát, những ngôi làng đẹp như tranh vẽ, những ruộng nho trải dài dưới chân nhà thờ.
 
dongnho33-5873-1381546940.jpg
    Cách Bergerac một vài cây số, ngôi làng Montbazillac trồng nho trên những ngọn đồi. Tên của làng được lấy làm nhãn hiệu vang nổi tiếng.




 
Lynne (Theo Linternaute)

Source Internet.

Tình Nghĩa Phu-Thê ...

Tình Nghĩa Phu-Thê ...
(từ những nhân sĩ nổi tiếng)

***********************

After marriage , husband and wife become two sides of a coin ; they just can't face each other , but still they stay together . 
. (Al Gore)
Sau đám cưới , vợ chồng trở nên như hai mặt của đồng bạc cắc . Họ không thể trực diện nhau nhưng vẫn sống chung với nhau

A good wife always forgives her husband when she's wrong . (Barack Obama)
Người vợ tốt là người tha thứ cho chồng mình khi bà ta sai trái .
“ First there’s the promise ring , then the engagement ring , then the wedding ring... soon after.... comes Suffer... ing ! "(Jay Leno)
Trước là nhẫn hứa hôn , rồi nhẫn đính hôn , rồi nhẫn cưới , sau đó ... là... nhẫn nhục !

I had some words with my wife , and she had some paragraphs with me . (Bill Clinton)
Tôi chỉ nói với vợ vài lời mà bà ấy đáp lại bằng cả mấy đoạn văn .

" Some people ask the secret of our long marriage . We take time to go to a restaurant two times a week . A little candlelight , dinner , soft music and dancing . She goes Tuesdays , I go Fridays . "(George W. Bush)

Có người hỏi bí quyết nào giúp cho vợ chồng tôi bền chặt thế , tôi nói rằng cứ mỗi tuần chúng tôi đi ăn nhà hàng hai lần , những bữa ăn có ánh nến lung linh , tiếng nhạc dặt dìu và cả khiêu vũ nữa . Có điều bà ấy thì đi ăn thứ Ba còn tôi thì thứ Sáu .



" I don't worry about terrorism . I was married for two years . "
(Rudy Giuliani)
Tôi có sợ khủng bố đâu nà , vì tôi đã lấy vợ được 2 năm rồi còn gì .

My wife and I were happy for twenty years . Then we met . (Alec Baldwin)
Tôi và vợ đã sống vui vẻ trong suốt hai mươi năm cho đến khi chúng tôi gặp nhau .

There's a way of transferring funds that is even faster than electronic banking . It's called marriage ." (Michael Jordan)

Cách chuyển tiền nhanh còn hơn cả ngân hàng điện tử nữa ... đó chính là hôn nhân !

" I've had bad luck with all my wives . The first one left me and the second one didn’t . The third gave me more children ! " (Donald Trump)

Tôi gặp toàn chuyện xui trong hôn nhân . Bà vợ đầu bỏ tôi còn bà thứ hai thì không . Bà thứ ba thì đẻ khỏe ra gì !

Two secrets to keep your marriage brimming : 1. Whenever you're wrong , admit it . 2. Whenever you're right , shut up . (Shaquille O’Neal)
Hai bí quyết giúp cho hôn nhân khắng khít : 1. Luôn nhận mình là sai trái . 2. Còn khi bạn đúng thì nên câm họng .

You know what I did before I married ? Anything I wanted to. (David Hasselhoff)

Bạn biết trước khi lấy vợ tôi làm được chuyện gì không ? Làm hết mọi thứ tôi muốn.

The most effective way to remember your wife's birthday is to forget it once... (Kobe Bryant)

Cách nhớ ngày sinh của vợ hiệu quả nhất là cứ giả bộ quên một lần .



Marriage is the only war where one sleeps with the enemy . (Tommy Lee Jones)

Hôn nhân là cuộc chiến duy nhất mà trong đó hai kẻ thù ngủ chung với nhau .



A man inserted an 'ad' in the classifieds : " Wife wanted " . Next day he received a hundred letters . They all said the same thing : " You can have mine . "(Brad Pitt)
Có ông kia đăng báo : " Kén vợ " . Ngày hôm sau ông ta nhận cả trăm lá thơ hồi đáp , tất cả đều viết cùng một nội dung : “ Ông có thể lấy vợ tôi được đấy .”

 First Guy (proudly) : " My wife's an angel ! " Second Guy : " You're lucky , mine's still alive . "(Jimmy Kimmel)

Ông thứ nhất khoe : " Vợ tôi là một thiên thần " . Ông kia nói : " Vậy ông may mắn đấy , vợ tôi thì vẫn còn sống nhăn mới chết chứ " .



“ Honey , what happened to ‘ ladies first ’ ? ” Husband replies : “That’s the reason why the world’s a mess today , because a lady went first ! ” (David Letterman)

" Chồng ơi thế sao giờ không có màn phụ nữ được ưu tiên nữa là sao ? " " Cưng ạ , đó là lý do tại sao thế giới ngày nay rối tung như mớ bòng bong , bởi vì đàn bà cứ đòi đi trước

" . The great question...which I have not been able to answer...is , " What does a woman want ? "(George Clooney)
Câu hỏi to tát nhất... mà tôi chưa có câu trả lời ... đó là " đàn bà họ muốn cái gì thế nhỉ ?

" Woman inspires us to great things , and prevents us from achieving them .” (Mike Tyson)

Đàn bà gợi hứng cho chúng ta làm những việc vĩ đại , đồng thời họ lại ngăn cản chúng ta đạt được những điều vĩ đại ấy .

By all means marry . If you get a good wife , you'll be happy . If you get a bad one , you'll become a philosopher . (Socrates)
Đàn ông bằng mọi giá phải cưới vợ thôi . Nếu gặp vợ tốt thì vui còn lấy phải vợ cà chớn thì bạn sẽ trở thành một triết gia . 


When a man steals your wife , there is no better revenge than to let him keep her . (Lee Majors)
Khi có tên nào cướp mất vợ bạn , không có sự trả thù nào độc ác hơn là để nó giữ lấy bà ấy .

Source Internet.

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Không thể quay lại




 cô gái trẻ đang ngồi đợi đến giờ bay trong phòng chờ ở một phi trường lớn. Vì cô biết mình sẽ phải đợi trong nhiều giờ nên quyết định mua một quyển sách để đọc cho qua thời gian. Cô cũng đã mua thêm một gói bánh quy. Cô ngồi lặng yên đọc sách trên một chiếc ghế bành trong phòng VIP của phi trường. 
Kế bên chỗ chiếc ghế bành cô ngồi có một gói bánh quy và ngồi cạnh đó là một người đàn ông đang mở quyển tạp chí ra và bắt đầu đọc. Khi cô lấy một cái bánh, người đàn ông cũng lấy một cái. Cô tức tối lắm nhưng chẳng nói gì. Cô chỉ nghĩ "Hắn mới trơ tráo làm sao. Phải như mọi khi dám mình thụi cho hắn một quả lắm!". 
Mỗi khi cô ăn một miếng chiếc bánh, người đàn ông cũng ăn một cái. Cô tức điên lên nhưng vẫn không muốn gây chuyện cãi nhau. Khi chỉ còn lại một chiếc bánh, cô nghĩ " Để xem xem tên trơ tráo này sẽ làm gì đây?" Và rồi người đàn ông cầm lên chiếc bánh quy cuối cùng, bẻ ra làm đôi và đưa cho cô một nửa. Ồ, như vậy là quá đáng lắm rồi. Lúc này cô đã vô cùng giận dữ. 
Trong cơn điên tiết, cô vớ lấy quyển sách cùng đồ đạc rồi lao ra khỏi phòng chờ. Khi cô ngồi xuống ghế trên máy bay, cô lục tìm mắt kính trong túi xách tay và vô cùng bất ngờ khi nhìn thấy gói bánh quy của mình vẫn còn nguyên. 
Cô cảm thấy thật xấu hổ khi nhận ra mình đã sai. Cô đã quên mất gói bánh quy của mình vẫn còn để trong túi. Người đàn ông đó đã để cô ăn bánh cùng mà không hề tức giận hay khó chịu. Trong khi đó cô lại tỏ ra vô cùng giận dữ vì nghĩ rằng mình phải để người đàn ông đó ăn bánh của mình. Giờ thì chẳng còn cơ hội nào cho cô để giải thích hay xin lỗi người đàn ông đó. 

Trong cuộc sống có 4 điều mà bạn không thể nào lấy lại được: 

Một hòn đá... đã ném đi!
Một lời… đã nói ra!
Một cơ hội… đã mất đi!
Và thời gian… đã qua đi! 


Hãy nhớ lấy bạn nhé!

Source Internet.

Một bài văn của nữ sinh lớp 10 - Bản chất của thành công

Đề bài: Một bài học sâu sắc, ý nghĩa mà cuộc sống đã tặng cho em

"Bản chất của thành công
Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ bỏ cả cuộc đời mình theo đuổi? Phải chăng đó là kết quả hoàn hảo trong công việc, sự chính xác đến từng chi tiết? Hay đó là cách nói khác của từ thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu sang, được mọi người nể phục?
Vậy thì bạn hãy dành chút thời gian để lặng mình suy ngẫm. Cuộc sống sẽ chỉ cho bạn có những người đạt được thành công theo một cách giản dị đến bất ngờ.
Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8-3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy.
Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai bố con không thể thành công trên "chiến trường" bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ "đóa hồng" của tình yêu. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ.
Thành công còn là hình ảnh một cậu bé bị dị tật ở chân, không bao giờ đi lại bình thường được. Từ nhỏ cậu đã nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Sau bao nỗ lực khổ luyện, cậu bé trở thành cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ, và chưa bao giờ được chính thức ra sân.
Nhưng đó không phải là thất bại. Trái lại, thành công đã nở hoa khi cậu bé năm xưa, với bao nghị lực và quyết tâm, đã chiến thắng hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ từ ngày thơ bé. Thành công ấy, liệu có mấy người đạt được?
Sau mỗi mùa thi đại học, có bao "sĩ tử" buồn rầu khi biết mình trở thành "tử sĩ". Hai bảy điểm, cao thật đấy. Nhưng cao mà làm gì khi NV1 lấy tới hai bảy phẩy năm?
Đó thật ra không phải là thất bại, chỉ là khi thành công – bị – trì – hoãn mà thôi. Cuộc sống vẫn chào đón họ với NV2, NV3. Quan trọng là họ đã nỗ lực hết sức để khẳng định mình. Đó là ý nghĩa vẹn nguyên của các kỳ thi, và cũng là bản chất của thành công.
Ngày còn nhỏ, tôi đã được đọc một câu chuyện rất xúc động. Truyện kể về một cậu bé nghèo với bài văn tả lại mẹ – người phụ nữ đã che chở cuộc đời em.
Cậu bé viết về một người mẹ với mái tóc pha sương, với đôi bàn tay ram ráp nhăn nheo nhưng dịu hiền và ấm áp. Cậu kết luận rằng: bà ngoại là người mẹ – người phụ nữ đã nâng đỡ em trong suốt hành trình của cuộc đời. Bài văn lạc đề, phải về nhà viết lại.
Nhưng đó mới chính là một tác phẩm thành công, bởi ở đó chất chứa tình yêu thương của đứa cháu mồ côi dành cho bà ngoại. Liệu có thành công nào, tình cảm nào thiêng liêng hơn thế?
Nhiều năm trước, báo chí từng vinh danh một cậu học trò nghèo thi đậu đại học với vị trí thủ khoa. Đối với cậu, đó là một thành công lớn.
Nhưng có một thành công khác, lặng thầm mà lớn lao, đó là chiến thắng của một người cha gần 20 năm trời đạp xích lô nuôi con ăn học.
Bao niềm tin và hi vọng hiện lên trên gương mặt vốn đã chịu nhiều khắc khổ. Và ngày con trai đậu đại học cũng là ngày tốt nghiệp khóa – học – của – một- người – cha.
Tôi biết có một nữ sinh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu gần hai mươi năm trước. Với tài năng của mình, cô có thể gặt hái thành công trên con đường sự nghiệp và danh vọng.
Nhưng cô sinh viên năm ấy đã chấp nhận hi sinh những cơ hội của đời mình để trở thành một người vợ đảm đang, một người mẹ dịu hiền của hai cô công chúa nhỏ.
Cho tới bây giờ, khi đã là một phụ nữ trung niên, Người vẫn nói với tôi rằng: "Chăm sóc bố và hai con chu đáo, đối với mẹ đã là một thành công lớn". Mỗi khi nghe câu nói ấy, tôi lại rơi nước mắt. Gia đình là hạnh phúc, là thành quả đẹp đẽ của đời mẹ, và chúng tôi phải cảm ơn mẹ vì điều đó.
Con người luôn khát khao thành công, nhưng mù quáng theo đuổi thành công thì thật là vô nghĩa. Bạn muốn mình giàu có, muốn trở thành tỷ phú như Bill Gates?
Vậy thì hãy gấp đồng tiền một cách cẩn thận rồi trao nó cho bà cụ ăn xin bên đường. Với việc làm đẹp đẽ ấy, bạn sẽ cho mọi người hiểu được bạn không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có tâm hồn. Khi đó, bạn đã thực sự thành công.
Cũng có khi bạn ước mơ thành công sẽ đến với mình như đến với Abramovich – ông chủ của đội bóng toàn những ngôi sao?
Thành công chẳng ở đâu xa, chỉ cần bạn dành thời gian chăm sóc cho "đội bóng" của gia đình bạn. Ở đó, bạn nhận được tình yêu thương vô bờ bến, thứ mà Abramovich không nhận lại được từ những cầu thủ của ông ta. Thành công đến với mọi người một cách giản dị và ngọt ngào như thế!
Bạn được sinh ra, đó là một thành công vĩ đại của cha và mẹ. Trách nhiệm của bạn là phải gìn giữ cho vẻ đẹp hoàn thiện của thành công ấy.
Đừng bao giờ ủ ê nghĩ rằng cuộc sống là một chuỗi của thất bại, bởi như một giáo sư người Anh từng nói: "Cuộc sống này không có thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi".
Còn đối với tôi, thành công là khi ai đó đọc được bài viết nhỏ này. Có thể sẽ chẳng được điểm cao, nhưng gửi gắm được những suy nghĩ của mình vào trang viết, với tôi, đó là một thành công."

(Hà Minh Ngọc - 2006)

Làm sao khi bị người khác hiểu lầm?



Trong cuộc đời chúng ta sẽ ít nhiều gặp phải những sự tình không thuận lợi hay những lúc bị người khác hiểu lầm, bị người khác làm tổn thương. Những khi ấy, bạn sẽ làm thế nào? Dưới đây là câu trả lời của bậc trí giả.
https://i1.wp.com/www.daikynguyenvn.com/wp-content/uploads/2016/06/nhan-nai-1-675x353.jpg
Bị người khác hiểu lầm, phải làm sao?

Khi bị người khác hiểu lầm, ai cũng muốn giải thích, nhưng khi ấy, không nói là một loại độ lượng.
Sự tình thật hay giả, thời gian sẽ cho câu trả lời tốt nhất.
Bị người khác làm thương tổn, phải làm sao?
Không nói là một loại thiện lương.
Tình cảm ấm áp hay lạnh lẽo, thời gian sẽ cho minh chứng tốt  nhất.
https://i2.wp.com/www.daikynguyenvn.com/wp-content/uploads/2016/06/Im-lang.jpg
Bị người chửi bới, bôi nhọ, gièm pha, phải làm sao?
Không nói, là một loại hàm dưỡng.
Nhân phẩm của một người thật sự là tốt hay xấu, thời gian sẽ làm sáng tỏ.
Bị người vu cáo, vu oan, phải làm sao?
Đừng để ý, quan tâm quá tới điều đó, bởi vì đã có Đạo trời. Đạo trời vốn không phân biệt thân quen, rất công bằng. Qua vài năm nhìn lại, bạn sẽ thấy rõ được kết cục ra sao.
Sống trên đời, gặp bất kể chuyện gì cũng không cần phải vội vã biện bạch thanh minh. Điều gì cũng không cần phải vội vàng đi bộc lộ hết, nói hết.
Người xưa nói, một người để học được nói chuyện chỉ cần vài năm, nhưng hiểu được cần im lặng lại phải mất vài thập niên.
Độ cao của cuộc đời, không phải là ở việc người ta có thể thấu tỏ bao nhiêu sự tình mà là ở việc người ta có thể xem nhẹ bao nhiêu sự tình.
https://i0.wp.com/www.daikynguyenvn.com/wp-content/uploads/2016/06/zenstones-627x250.jpg


Độ rộng của tâm linh không phải thể hiện ở việc người ta có thể quen biết được bao nhiêu người mà là ở việc họ bao dung được bao nhiêu người.
Làm người phải giống như núi, nhìn được vạn vật mà cũng bao dung được vạn vật.
Làm người phải giống như nước, có thể tiến thoái, biết lúc nào nên tiến lúc nào nên lui.
Làm người chấp nhận chịu thiệt thì sớm muộn cũng sẽ được hồi báo, cuối cùng cũng sẽ không bị thiệt.
Làm người nếu bằng lòng chịu thua thì cuối cùng cũng sẽ không bị đánh mất tự tôn mà còn giành được lòng người.
Theo Secretchina

Mai Trà biên dịch

Source Internet.

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

Một Chút Tâm Tình Gửi Những Nguời Tình Chu Văn An

Một nguời bạn giới thiệu tôi đến Quán gió. Của những nguời Chu văn An,Trần Lục, Nguyễn Trãi …  Vì sao là Quán Gió nhỉ. Nhiều gió? Gió tự muôn phuơng? Anh hùng bốn bể là nhà? Gió đồng nội? Hưong gió quê?  Tha hồ cho tôi đoán…
Nhưng cảm thấy hay hay. Quán. Tự nó đã cho ta một cái gì bình dị. Gần gũi biết bao. Hình dung một nơi chốn thân mật. Như là nhà.
Tôi là cựu nữ sinh Gia Long. Viết đến chữ nữ sinh, cảm thấy nguợng ngùng.
Đã xa rồi thời ấy. Nữ sinh ngày nào bây giờ tóc đã đểim sương.
Nhưng trên net thì có bạn viết “ Vào đây là không kể thời gian, không gian. Tuổi tác là vô nghĩa”.  Ừ thì không kể tuổi tác nữa. Cứ viết như là ta đang suy nghĩ.
Chu Văn An thuờng là “ bồ tèo”  của Trưng Vuơng  vì đều là dân di cư với nhau. Tôi là con gái bắc kỳ 54. Con gái bắc 54 dễ thuơng lắm.Không phải là con gái bắc của truớc 54 mà “lão” Nguyễn Tất Nhiên đã hài tội “ Em hãy nhớ dịu dàng mà dấu chanh chua..” Nhất là bắc kỳ 54 và học Gia Long thì lại càng dễ thưong hơn! Lại  mèo khen mèo dài đuôi.
Vì sao tôi học Gia Long, không biết. Ngày xưa bố bảo thi  đâu thì chui vào đó. Miễn thắc mắc. Nhưng vì là con gái bắc kỳ nên tôi thích con trai Chu Văn An. Nói đúng hơn tôi thích con trai bắc di cư như tôi! Vì thế, đây chính là lý do tôi lạc vào Quán Gió.
Ngày xưa kỷ luật của Gia Long rất nghiêm. Cấm anh trai đón em gái (vì có thể là bồ nhưng giả bộ là anh) Chải đầu cao là bị giám thị bắt gội đầu tại chỗ. Phớt tí phấn là bắt rửa mặt. Nên những ngày học Gia Long, tôi cũng rất ngoan. Chỉ lo học, chẳng biết gì đến tình yêu. Leo xe đưa rước, rồi mải mê học. Cha mẹ chăm sóc gắt gao. Lấy đâu ra tình yêu.  Lên đại học mà ba tôi còn cấm không cho bạn trai đến nhà đấy. Năm thứ hai, có một tên đến đại và vì hắn đẹp trai, nói năng lễ phép… ông cụ không la.Thế là các tên “con chai” khác mới dám mò đến.
Vì thế tôi chỉ có kỷ niệm với Những nguời tình Chu Văn An khi lên đại học.
Xin đừng hiểu tôi có lắm cuộc tình. Không đâu, đặt tựa cho kêu ấy mà ! Những nguời tình, xin hiểu cho là những người Chu Văn An mà tôi có cảm tình. Vậy nhé?
Tôi quen anh khi ghi danh. Đẹp trai, hát hay, vẽ giỏi, học giỏi nhưng tính nết thì ngang tàng, buớng bỉnh. Cãi nhau với giảng nghiệm viên rồi bỏ thi. Mấy năm chơi với nhau, thú vị là người này nói nửa câu là nguời kia đã hiểu ngay.
Anh hay trêu chọc tôi nhẹ nhàng. Ví dụ anh bảo “Sao con gái bây giờ sắc mắc ghê còn Lan Chi  thì ngây thơ quá đỗi.” Tôi lại mở to mắt “Sao cơ?”
Anh nói gì đó, tôi lại “Gì cơ?”
Anh bịa chuyện, tôi nắc nẻ “Xạo ke!’ Anh cuời ” Xạo ke! Lan Chi  dùng chữ ngộ quá. Ke! nghe như một tiếng thuỷ tinh vỡ.”
Anh đi theo sau lưng tôi hôm áo vàng:
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân truờng
Tôi cắc cớ “Thế áo nàng đen thì sao?” “Ừ, để tôi đi hỏi Nguyên Sa!”
T của tôi đấy
Vì sao tôi quen anh nhỉ, không nhớ lắm. Duờng như anh và một đám bạn hay phụ phòng học vụ mỗi kỳ ghi danh.Thấy tôi đứng xớ rớ, anh bảo “Cô gì kia ơi, đưa đây tôi làm cho”. Đuợc lời như mở tấm lòng. Tôi chuồi hồ sơ cho anh.Vì nếu chờ đến lượt thì cũng lâu lắm.
Rồi tôi vào lớp thầy  Sơn. Đang học, tôi ngạc nhiên quá khi thấy anh đi ngang lớp. Nhìn nhìn. Nhận ra tôi. Anh đưa xấp hồ sơ ghi danh cho nguời ngồi ngoài bìa. Họ chuyển vào. Thủ tục ghi danh đã đuợc  anh hoàn tất. Tôi mỉm cuời nháy mắt cám ơn.
Một lần ở nhà xe. Anh trêu tôi
Trúc xinh trúc mọc bờ mương
Chi xinh Chi đứng trong truờng cũng xinh
Lũ bạn phá ra cười.Tôi xấu hổ.
Anh mượn tập thơ. Tôi ra điều kiện: phải làm một bài cho tôi. Anh đồng ý. Và rồi trong tập thơ kỷ niệm của tôi là dòng chữ trêu chọc của anh :
Năm nay chúc Chi đẹp gấp hai
Vừa đẹp vừa xinh lại vừa tài
Tài cao chí lớn đi ăn cướp
Cướp lấy cử nhân kẻo cũng hoài!
Tức quá, tôi họa lại
Ai khiến anh chúc gì kỳ khôi
Nhất định nguời ta phải tài rồi
Tài cao chí lớn làm nữ chúa
Đâu thèm cướp có cử nhân thôi?
P của tôi đấy
Cũng quen anh vì anh ở trong đám quậy của truờng. Anh đã lớn. Dường như hơn tôi nhiều tuổi. Chẳng như mấy vị kia. Chỉ hơn một hay hai tuổi. Tại sao anh không bị  đi quân dịch nhỉ? Không biết. Chỉ thấy anh tà tà học dù tuổi khá lớn. Và còn ở trong ban Đại diện truờng..
Còn nhớ, một lần tôi thực tập trong phòng Sinh Hoá. Anh đi ngang. Vô tình nhìn qua cửa kính.Thấy tôi, anh đứng lại nheo mắt.Cười làm quen tỉnh bơ. Đúng là dân Chu Văn An có khác. Thông minh, lém lỉnh, dí dỏm. Đó là những gì mà Gia Long tôi muốn tặng cho dân Chu Văn An
Một lần anh đem xe đến đón tôi đi học về. Có lẽ vì ngày đó tôi quá ngây thơ, thánh thiện (?) nên anh đã đưa về đàng hoàng, không dụ dỗ.  Tôi hơi sợ anh Vì thấy anh lớn, vì anh ở Ban đại diện truờng. Tôi sợ mình bị dụ dỗ. Dù với tôi, anh luôn dịu dàng, ân cần.
L của tôi đấy
Hỡi những nguời tình Chu Văn An của tôi.
Xa lắc rồi ư, ngày xưa ấy
Đêm nay chong lửa viết tình thơ
Những nguời năm cũ giờ đâu tá?
Còn chút gì không thuở mộng mơ?
Hoàng Lan Chi
Sau khi đọc bài trên, CVA Nguyễn Phương Lâm (Pat Lâm)  sáng tác nhạc phẩm “Nguời tình Chu văn An”. Một thân hữu CVA thực hiện hình ảnh với giọng hát Pat Lâm  tại link sau:



Source: http://hoanglanchi.com/


Những Người Tình “Chu Văn An”!

Tôi là dân Bắc kỳ chín nút tức Bắc Kỳ di cư 1954. Bắc kỳ này khi di cư vào Nam còn “nhỏ híu” nhưng “chảnh” lắm, nhất định giữ giọng Bắc của mình cơ chứ không lai căng gì cả. Nhất là tôi lại học Gia Long chứ chả học Trưng Vương vậy mà giọng nói không bị lai là vì yêu tiếng Bắc của mình lắm lắm.Lý do nào tôi học Gia Long thì đã viết trong nhiều tuỳ bút. Ở đây chỉ nhắc lại là thường thì Gia Long “bồ tèo” với Petrus Ký nhưng cái cô Gia Long Bắc Kỳ này không thân thiết với dân ấy mà lại thích dân “Chu Văn An” cơ. Có gì đâu, cùng tông bắc kỳ mà! Người miền Nam sợ con rể Bắc vì nói con trai Bắc hay có tính gia trưởng này và …láu cá nữa chứ. Còn tôi, tôi chỉ thấy con trai Bắc thông minh, lém, ăn nói dí dỏm làm mình vui chứ mấy ông “Nam Cờ” lắm khi thành thật quá thấy “cù lần lửa” chết đi được!
Tôi chỉ chơi nhiều với dân Chu Văn An khi lên đại học. Lý do chính là “made in con nhà giáo”! Thuở trung học bị ông bố kềm kẹp cấm không có bạn trai thì lấy đâu ra bạn mà chơi. Phí của giời vì:
Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
(Thơ Nguyên Sa)
Cái ông thi sĩ này yêu con gái còn vị thành niên khôn bỏ xừ đi ấy. Tuổi mươì ba là tuổi mới truởng thành, còn ngây thơ vô tội chứ chưa vô số tội! Vì ngây thơ vô tội thì tình yêu sẽ thuần tuý tình yêu và chưa hề tính toán. Nói theo kiểu các bạn trẻ bây giờ là “yêu anh vì đó là anh”!
Tôi quen một dân Chu Văn An ngay đầu năm thứ hai đại học. Trường hợp quen cũng dễ thương tuy không lãng mạn theo kiểu mưa rơi và trú cùng mái hiên. Hôm đó, anh chàng đứng cạnh tôi nơi cửa sổ ghi danh. Một con sâu từ cây còng me tây chơi gian ác đu xuống rồi bình thản đậu trên tay cô nàng Bắc Kỳ chỉ sợ …ma và sâu. Nói nào ngay hồi đó tôi hiền lắm chứ chả như bây giờ. Bây giờ ấy à, chị Ngô Minh Hằng chọc tôi “Người đánh Nam dẹp Bắc mà lại sợ ma và sâu”! Ý chị Hằng ám chỉ việc tôi viết bài “uýnh” việt gian cứ bén như dao bổ cau ấy mà. Con sâu dù bé tí cũng đủ làm hồn vía lên mây và tôi hét lớn. Có lẽ vì âm thanh quá lớn… làm phiền hàng xóm nên anh chàng giật mình và túm cổ con sâu vặt ra làm sáu mảnh! Tôi nhìn anh chàng cười duyên một cái. Này các ông “Chu văn An” ạ, con gái Bắc Kỳ cũng ranh ma lắm đấy chứ chả vừa đâu. Thấy mình có cái gì “đèm đẹp” là lợi dung tối đa. Ví dụ tôi biết có đôi mắt nai rất ư là “tồ và ngố” nên chuyên môn mở to mắt ra cái điều em ngây thơ lắm em chả biết gì đâu. Hay biết mình có cái răng hơi “khênh khểnh” nên gặp dịp tốt là nàng khoe ngay tắp lự! Cũng chả biết ma xui đất khiến thế nào mà sau đó chúng tôi chơi với nhau rất lâu. Nhưng duyên số không có nên sau khi ra trường một năm thì đường ai nấy đi. Mấy chục năm sau chúng tôi  gặp lại trên đất khách sau khi gặp nhau ở net! Việc gặp lại này xin nhường cho CVA Đàm Trung Phán (biệt danh Lãng Xẹt) kể nhé:
Lãng Xẹt và Hoàng Lan Chi
 
Khoảng năm 2001, tôi đọc trên Internet thấy tên một tác giả nghe rất ngộ: Hoàng Lan Chi (HLC) và tôi bắt đầu đọc những bài viết của HLC. Tác giả viết văn theo lối học trò, mang một niềm nuối tiếc không những của thời còn là một nữ sinh Gia Long, một sinh viên trường Khoa Học mà còn cả một bầu trời Miền Nam nước Việt trước năm 1975. Ðiều đặc biệt là tuy tác giả còn đang sống tại Việt Nam mà “Bà Bà LC” cứ thẳng tay mà “vuốt mặt nhà nước”. Thời kỳ này, Lãng tôi bắt đầu vào đọc và viết trên Vietbao Online. Cũng vì vậy mà Xẹt tôi đã có dịp “gặp” HLC vừa trên Phố Rùm (Forums), vừa qua I- Meo.
 
Một hôm tôi đọc trên Quán Gió bài viết “Những người tình Chu Văn An” của HLC. Tôi nhìn con ruồi bay qua màn hình điện toán và mỉm cười vu vơ, chẳng qua là vì tôi cũng đã là một cựu học sinh của trường Chu Văn An. Ðọc đến đoạn HLC nhắc tới người tình CVA mang tên T nay đã có vợ Mỹ và năm đứa con, tôi cười hô hố và suýt té khỏi cái ghế có năm cái bánh xe. Nhân vật T này rất đặc biệt vì hai “điểm son” đó nhưng lại chẳng có xa lạ gì với tôi: hắn là bà con với bà Cai BN của tôi! Hắn không những đã “dám” lấy vợ Mỹ mà còn “dám” có một lúc 5 đứa con trên cái “cõi-đờí-thiên-hạ-có-ít-con” này nữa. Tôi ngưng cười và gọi BN vào đọc bài viết này. Xẹt tôi bèn I- meo ngay cho “chàng Trương” để nghe hắn tâm sự ra sao. Sau khi tôi được nghe đương sự “thú nhận tội lỗi”, T và BN kể cho tôi nghe nhiều mẩu chuyện của thời sinh viên ngày xưa và tôi cũng được trở về với khung cảnh của Việt Nam vào cuối thập niên 60 và trước hồi tháng 4,1975. Vì những kỷ niệm dễ thương của thuở mới vào đời đó mà vợ chồng tôi bắt đầu viết I- meo cho HLC. BN và HLC cùng là dân Bắc Kỳ 9 Nút và cựu nữ sinh Gia Long! Lúc đó, HLC vẫn còn đang kẹt lại ở Việt Nam. HLC và tôi thường hay “gặp” nhau trên Phố Rùm của Vietbao Online.
Vâng, từ CVA Lãng Xẹt Đàm Trung Phán, khi đọc tuỳ bút của tôi, T nhận ra ngay Hoàng Lan Chi chính là QG ngày xưa vì thuở sinh viên chàng ta chuyên bỏ giờ học ngồi bậc thềm xem truyện ngắn của tôi đăng trên các báo thời đó. “Văn QG lúc nào cũng vậy”. T viết như thế. Ngày tôi đến Virginia, thành phố tình nhân xứ hoa anh đào thì T lên gặp tôi. Mấy chục năm hội ngộ nơi đất khách, hai mái đầu đã bạc. Chút kỷ niệm xưa chỉ còn là kỷ niệm.
Khi tôi gửi bài “Những người tình Chu Văn An” đầu tiên lên web Quán Gió khoảng năm 2001 thì giời ơi, bao ông CVA xôn xao. Ông nhận mình là T, ông nhận mình là L…Đó là do ông webmaster tường trình vì chính anh ta cũng khoái “con bé” và nhận làm em gái văn nghệ!  Một cựu CVA là ông Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh cũng chú ý bài ấy. Năm 2006 có việc phỏng vấn ông Vinh, ông hỏi tôi về bài đó, tôi ngớ người ra vì không dè ông Vinh cũng nhớ bài ấy. Toàn bộ “Những người tình CVA” trong bài viết ấy đều là có thật trăm phần trăm nhưng gia vị mắm muối bột ngọt tôi nêm vào đó thì chỉ có tôi và các đương sự biết!
Nhớ lại thuở trước chúng ta có những nề nếp mà bây giờ đã quá lỗi thời. Nhắc lại nếp xưa sẽ làm chùng tim cao niên chúng ta nhưng với bọn trẻ thời nay thì có khi họ lại ré lên cười. Chẳng hạn như cô em họ tôi “Mẹ em bảo ngày xưa mẹ đi học về, mỗi góc phố đều có người đứng nhìn! Còn em bây giờ mà thấy thằng nào như vậy, em nghĩ thằng đó khùng hay vô gia cư vô nghề nghiệp!”
Ừ nhỉ, đã qua rồi thời chúng ta với thuở quen nhau thật lãng mạn! Tôi còn nhớ chàng T của tôi thuổng ở đâu đó được bài thơ như sau:
Em có biết đường đến trường mấy ngả
Con đường nào anh đếm bước nhiều hơn
Gốc cây nào anh thường quen đứng đợi
Nhớ nhung gì khi bóng ngả hoàng hôn
Hồi đó tôi khờ và tồ lắm, cứ ngỡ thơ của chàng cơ nên tôi viết cho chàng như sau:
Em vẫn biết đường đến trường nhiều ngả
Đường không em anh đếm bước nhiều hơn
Gốc me tây anh thường quen đứng đợi
Nhớ em nhiều khi bóng ngả hoàng hôn!
Ấy, tôi viết đúng ‘thực tế” lắm đó nhé. Là nhiều lần chàng đứng đợi tôi nè. Là trường Khoa Học có nhiều cây còng me tây lắm cơ. Chỉ có điều tôi phịa là “Nhớ em nhiều khi bóng ngả hoàng hôn”! Chàng viết và hỏi thế thì mình cứ nhận chàng nhớ mình đâu có siu phải không? Nhưng nói nào ngay, chàng này có lời tỏ tình mà tôi đã viết thành một tuỳ bút với cái tựa là“Lời tỏ tình dễ thương” và các netter “nhí” tha đi khắp nơi. Bây giờ chàng chỉ còn là một hình ảnh của dĩ vãng đã vô cùng xa mờ.
Hiện nay tôi có nhiều “Người tình Chu Văn An” khác! Tôi phải “copy” lại cái câu tôi viết vào khoảng năm 2001 trong bài “Hỡi người tình Chu Văn An” nhé. Đó là “Người tình không phải là người tình mà là người tôi có cảm tình”! Ca va! C’est tout! Ấy, từ khi sang xứ Cờ Hoa tôi bực mình vì cái vốn Anh văn của mình quá. Ngày xưa sinh ngữ chính là Pháp, còn Anh Văn chỉ học vỏn vẹn ba năm và xì tốp cả hai thứ khi vào đại học. Do đó sang đây tôi bị trở ngại ngôn ngữ ghê quá. Chính vì thế trong giai đoạn đầu tôi luôn nhờ vả “người tình T” của tôi và sau đó đã viết “Vẫn có anh bên đời” để ám chỉ việc, mấy chục năm sau, “Quỳnh ngày xưa vẫn có anh nhưng …là thông dịch cho Quỳnh!’ Vì thế lâu lâu phải xổ Pháp ra cho đỡ bực mình vì có biết tiếng Anh đâu cưa chứ?!
“Người tình CVA” là “fan” của tôi thì khá nhiều. Đa số quý cụ CVA đọc văn thấy nghịch ngợm, gợi nhớ ngày xưa nên thích. Ai thì tôi cũng chơi hết cả nhưng mức độ thân thì sau này tôi không dám thân với ai. Lý do năm 2001 gì đó, tôi khá thân với một anh vì anh làm thơ, viết văn đều hay cả dù xuất thân ngành khoa học. Chúng tôi chơi công khai ở một forum, nơi có nhiều người tham gia. Anh đã viết một câu chuyện ngồ ngộ làm “netters” thích thú theo dõi và sau đó ở đoạn cuối anh làm các “netters” chưng hửng vì nhân vật nữ chính của câu chuyện đó là …Lan Chi! Chính tôi cũng bị bất ngờ. Tối đó, anh gọi về Việt Nam cho tôi và hai anh em cười vui hể hả. Từ câu chuyện của anh đã gợi hứng cho tôi viết “Bẩy ngày ngà ngọc”, một chuyện tình lồng trong phong cảnh Việt Nam và được nhiều “netters” đón nhận. Thậm chí một trang web nào đó còn lấy ra đọc. “Bẩy ngày ngà ngọc”, nghe thì tưởng “nhảm nhí” nhưng thực ra thì chả nhảm tí nào mà lại rất lãng mạn mơ mộng. Ông chồng cũ của ca sĩ Lệ Thu, ký giả Hồng Dương viết cho tôi “Lan Chi ơi, truyện này dễ thương, giọng văn cao sang lắm…” Tôi không hiểu giọng văn cao sang là sao? Còn Vũ Trung Hiền, em ruột nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm cũng khen nhưng bảo tôi “Cái chi tiết hai người kéo nhau lên Ban Mê Thuột mà …chả có gì nghe không thực”! Ơ hay, Vũ Trung Hiền “trần tục” quá đi,  tại sao hai người lại “phải có gì”!
Trở lại anh bạn trên. Sau đó khi khổng khi không bà xã anh (cũng sinh hoạt cùng trang net đó và chính chị làm quen tôi trước anh) nổi cơn Hoạn Thư. Từ đó khi gặp quý cụ fan, tôi cũng chơi nhưng sau một thời gian thì “ông/tôi” để các bà khỏi mất công ghen.
Năm 2008 tôi nhận mail của CVA Pat Lâm xin phép phổ bài thơ. Tôi không nhớ nổi thơ nào liên quan đến dân CVA cả để mà chấp thuận đơn thỉnh cầu của đương sự! Pat Lâm kêu trời “Thơ mình mà không nhớ?!”! Sau đó Pat Lâm phải giải thích, đó là một ông CVA gửi truyện “Những người tình CVA” và Pat Lâm thích mấy câu thơ cuối của bài viết và đã phổ nhạc. Anh Bùi Bảo Sơn đưa lên web CVA 65-66 gì đó của anh. Thú thật nghe bản nhạc thấy cũng vui vui và vì tôi thích tiếng huýt sáo! Tôi nói với Pat Lâm “Chắc ngày xưa ông hát hay lắm. Bây giờ nghe hơi khàn khàn nhưng còn chất lắm đó! Sau nữa nghe ông huýt sáo làm tôi nhớ thuở sinh viên của tụi mình quá”. Bản nhạc của Pat Lâm được ai đó làm youtube và khá phổ biến ở net. Buồn cười là từ người xa lại nhận họ hàng với người gần. Nôm na thế này, nghe Pat Lâm kể về web CVA, tôi kể cho Pat Lâm nghe, tôi và Bùi Bảo Sơn chưa gặp bao giờ nhưng không xa lạ vì hai gia đình là bằng hữu từ thuở Thái Bình. Ông Bùi văn Bảo, thân phụ Bùi Bảo Sơn là bạn thân bác và cả cha tôi. Sau đó anh Sơn gửi mail với cái tựa “Nhận họ hàng”!
Một cư dân CVA khác nhưng “duyên” tái ngộ không phải từ diễn đàn CVA mà là từ “group” Tổng Nha Kế Hoạch. Tổng Nha Kế Hoạch, nơi tôi làm việc đầu tiên ngay sau khi ra trường năm 1971, trực thuộc Bộ Kế Hoạch và Phát Triển Quốc Gia. Năm 2008, vô tình tôi “lụm” được ông Phó Tổng Giám Đốc Trần Lương Ngọc từ “group CP” (nhóm du học thời VNCH với học bổng Colombo, CP là Colombo Plan). Sau đó tôi viết bài “Bác Phó của tôi”. Rồi “Bác Phó” giới thiệu bài với group “Tổng Nha” của bác. Từ đó, tôi lai rai trò chuyện trong group này cũng như group Khoa Học của tôi. Một chuyên viên Tổng Nha, cư dân CVA, đã viết lại kỷ niệm xưa thật dễ thương làm trái tim già cỗi của tôi bồi hồi. Cư dân CVA này viết như sau, thử hỏi quý cụ CVA là có đúng dân CVA “lém” như Lan Chi nhận xét không nhé:
“ Cô Quỳnh Giao này có trí nhớ tốt thật. Tôi nhớ lúc ấy tôi làm ở Nha Viện Trợ. Anh Từ Trì đã chuyển sang Bộ Ngoại Giao. Giám Đốc NHa Viện Trợ lúc đó là anh Trần Hữu Dũng. Khi cô Quỳnh Giao đến làm việc, thấy cô bé này ” hay hay” nên mấy anh chuyên viên trẻ thách nhau đến làm quen. Và tôi đã nhận lời đưa cô nhân viên mới này đi giới thiệu khắp nơi. Tôi nhớ mình thắng được chầu cà phê vỉa hè đường Lê Thánh Tôn. It lâu sau tôi chuyển sang làm việc ở trụ sở 244 Phan Thanh Giản, cùng bộ phận nghiên cứu dưới quyền Ông Nguyễn Như Cương và không có dịp gặp lại cố nhân Quỳnh Giao nữa.
Vậy mà đã hơn 30 năm rồi. Năm ngoái, khi đọc lại bài viết của Lan Chi về ngày cô vào làm ở Tổng Nha Kê Hoạch, tôi làm được một bài thơ ngắn, trong đó có mấy câu :
” Một vùng như thể” trên trang Web
Người vẫn nguyên đài các diễm kiều
Có nhớ Saigon ngày xưa ấy
Có kẻ vì ai đã mộng nhiều
“Một vùng như thể ” là tôi lấy phần đầu câu Kiều.( Một vùng như thể cây Quỳnh cành Giao )Trên trang Web là cô em gái Đỗ Nghiêm Trinh gởi hình Lan Chi trên e mail cho những anh em Kế Hoạch . Ngay từ ngày Quỳnh Giao vào làm ở Kế Hoạch  là tôi nghĩ đến câu thơ này mỗii lần nghĩ đến cô, và hình như tôi nghĩ đến cô hơi nhiều.
LQT”
Oregon hay mưa. Mưa Oregon không gợi nhớ mưa Sài Gòn vì rả rích. Anh bạn CVA bắt viết cho đặc san CVA, không cho Lan Chi “xu huyền”  mà Lan Chi thì không biết viết gì nữa. Thôi thì nhắc lại chuyện “Những người tình CVA” vậy! Tình cũ có, tình mới có nhưng điều ngậm ngùi là:
…có những “người tình CVA” mà Lan Chi thấy rất đáng yêu bởi dân CVA lúc nào cũng đáng yêu cả vì thông minh, lém lỉnh, dí dỏm nhưng không yêu được vì quý cụ đang là “chim hót trong lồng”!!! 
 
Thành phố hoa hồng Portland 2010
Hoàng Lan Chi
Source: http://hoanglanchi.com/

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

Trường Fulbright Việt Nam và vấn đề ký ức chiến tranh

Ts Nguyễn Hưng Quốc (VOA)

Vừa qua, ở trong nước, trên báo chí chính thống cũng như trên các diễn đàn mạng, người ta bàn tán sôi nổi về việc ông Bob Kerrey được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Quản trị trường đại học quốc tế Fulbright Việt Nam mới được chính thức cấp giấy phép thành lập tại Sài Gòn. Trường đại học Fulbright Việt Nam là trường đại học tự trị, phi lợi nhuận và theo mô bình giáo dục của Mỹ đầu tiên được thành lập tại Việt Nam.
Trong buổi nói chuyện tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia vào ngày 24 tháng 5 vừa qua, Tổng thống Barack Obama đã xem sự xuất hiện của trường ấy như một dấu son trong tiến trình hoà giải và hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ. Nhiều trí thức Việt Nam chào đón sự ra đời của trường học ấy như một bước ngoặt trong nỗ lực hiện đại hoá ngành giáo dục đại học tại Việt Nam.Người ta hy vọng, với nó, một tầng lớp trí thức mới sẽ được đào tạo một cách bài bản để có thể giúp việc xây dựng đất nước.
Tuy nhiên, mừng thì mừng, có một số người vẫn áy náy, thậm chí, giận dữ về việc ông Bob Kerrey được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Quản trị. Sinh năm 1943, ông Bob Kerrey là một chính khách khá lớn của Mỹ. Ông từng là Thống đốc tiểu bang Nebraska (1983-1987), Thượng nghị sĩ (1989-2001) và là ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ vào năm 1992. Lúc còn trẻ, đi lính, ông được điều sang Việt Nam. Vào đầu năm 1969, đơn vị của ông gây ra một vụ thảm sát đầy tai tiếng tại làng Thạnh Phong, Bến Tre, ở đó, có 24 người, bao gồm 14 phụ nữ, trẻ em và người già, bị giết chết. Theo lời ông Kerrey, mặc dù ông không trực tiếp giết một ai, nhưng cuộc thảm sát do đơn vị của ông gây ra, cũng để lại trong lòng ông một vết thương và một mặc cảm tội lỗi không nguôi day dứt. Ông luôn luôn tìm mọi cách để chuộc lại lỗi lầm ấy. Trong nhiều vai trò khác nhau trong bộ máy chính trị của Mỹ, ông luôn luôn tìm cách thúc đẩy tiến trình hoà giải giữa hai dân tộc, luôn luôn tìm cách giúp đỡ Việt Nam, đặc biệt về phương diện giáo dục, trong đó có việc thành lập trường đại học quốc tế Fulbright Việt Nam.
Sự hối cải và nhiệt tình của Bob Kerrey vẫn không đủ làm cho một số người Việt Nam hài lòng. Họ vẫn nhớ đến bàn tay vấy máu của ông. Họ vẫn cho việc ông làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị đại học Fulbright Việt Nam là một tín hiệu không tốt: Nó gợi nhớ đến chiến tranh và những tội ác của chiến tranh cũng như nó chạm vào vết thương chưa lành hẳn của nhiều người.
Một số người khác cho cách nhìn ấy nặng về cảm tính. Họ cho trong thời điểm hiện nay, điều Việt Nam cần làm là quên đi những vết thương của chiến tranh, cùng nhìn về tương lai để cùng nhau cộng tác xây dựng đất nước cũng như thúc đẩy tiến trình hội nhập của Việt Nam vào sân chơi lớn của thế giới.
Tôi đồng ý với quan niệm sau, của những người muốn quên thù hận. Nhưng tôi cũng đồng cảm với những người vẫn còn loay hoay với quá khứ. Tuy nhiên, trong bài này, tôi không muốn tham gia vào cuộc tranh luận ấy. Tôi muốn nhân cơ hội này bàn mốt chút về ý nghĩa của ký ức, đặc biệt về ký ức chiến tranh.
Để nhận diện đặc điểm nổi bật nhất của loài người, trước, thời Phục Hưng và Khai Sáng, người ta chú ý đến lý trí (kiểu “tôi tư duy vậy tôi hiện hữu” của Descartes hay “con người là cây sậy biết tư duy” của Pascal); đầu thế kỷ 20, với Phân tâm học, người ta chú ý đến tiềm thức và vô thức; từ vài thập niên trở lại đây, người ta chú ý đến vai trò của ký ức với câu nói nổi tiếng: “Chúng ta là những gì chúng ta nhớ”. Chính ký ức tạo nên ý niệm về bản sắc của cá nhân cũng như của tập thể: Những gì chúng ta nhớ mang lại ý nghĩa cho những gì chúng ta làm, chúng ta thấy, chúng ta nghe, từ đó, góp phần trả lời câu hỏi ta là ai. Ký ức cũng nối liền từng người lại với nhau, tạo thành một cộng đồng, hay rộng hơn, một quốc gia: Đó là một tập thể những người chia sẻ với nhau một số những ký ức chung về nguồn cội cũng như về lịch sử, kể cả lịch sử đương đại.
Liên quan đến chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến đã kết thúc hơn 41 năm, ký ức vẫn tiếp tục tồn tại trong nhiều người, thuộc nhiều thế hệ và thuộc nhiều chỗ đứng khác nhau. Những người lưu vong, hiện sống ở hải ngoại, xa lắc Việt Nam, vẫn không nguôi trăn trở với những ký ức về chiến tranh, đặc biệt về trận Mậu Thân cũng như tháng 4, 1975 và những tháng ngày sau đó, với các trại cải tạo và những cuộc vượt biển đầy nguy hiểm. Những người ở miền Bắc vẫn không quên những chuyến vượt Trường Sơn và những trận mưa bom dữ dội của Mỹ ngay tại Hà Nội. Mọi người vẫn nhớ và những cái nhớ ấy vẫn tiếp tục chi phối cách suy nghĩ cũng như cách hành xử của họ.
Với những người ngoại quốc từng tham gia vào chiến tranh Việt Nam, ký ức ấy vẫn còn nóng hổi.
Tại trường Đại học Victoria, trong ngành Việt học, ngoài các lớp về ngôn ngữ, văn chương và văn hoá Việt Nam, tôi còn có một lớp về chiến tranh Việt Nam, tập trung chủ yếu vào khía cạnh văn hoá và ký ức chiến tranh (Many Vietnams: War Culture and Memory). Thường, mỗi năm, tôi mời một cựu chiến binh của Úc đến trình bày kỷ niệm và kinh nghiệm của họ. Nhớ nhất là cuộc nói chuyện của nhà văn Barry Heard. Ông vừa nói vừa khóc. Sinh viên của tôi vừa nghe vừa khóc. Cuối buổi học, mắt ai nấy đều đỏ hoe. Barry Heard kể ông vào lính lúc mới vừa học xong trung học. Sau mấy tháng huấn luyện quân sự, ông được đưa đến Việt Nam. Sau mấy ngày nghỉ ngơi tại Vũng Tàu, đơn vị của ông được máy bay thả xuống một khu rừng rậm với một chỉ thị: Bắn bất cứ người nào họ gặp. Không bao lâu sau, họ gặp người thật. Họ được lệnh khai hoả. Khi tiếng súng ngưng, họ chạy đến xem. Thấy đó là một đoàn bộ đội, có cả phụ nữ. Lần đầu tiên nhìn người chết, nhất là những người đó chết vì những viên đạn do mình bắn ra, cả đơn vị, gồm những thanh niên vừa mới lớn, oà lên khóc nức nở. Có người còn ói mửa liên tục. Nhưng rồi, họ cũng tiếp tục đi hành quân và tiếp tục bắn giết... Khi trở lại Úc, Heard cứ bị ám ảnh mãi bởi những hình ảnh những xác chết trong rừng rậm ấy. Ông bị khủng hoảng tâm thần đến độ nhiều lần phải vào nhà thương điên. Sau, các bác sĩ khuyên ông hãy viết tất cả những gì ông từng trải nghiệm trong chiến tranh Việt Nam lên trang giấy. Nghe lời, ông viết cả mấy cuốn hồi ký. Tất cả đều bán chạy và từ đó, ông trở thành một trong những nhà văn nổi tiếng nhất về đề tài chiến tranh Việt Nam tại Úc. Cuối buổi học, tôi hỏi ông bây giờ đã thấy thanh thản hẳn chưa. Ông đáp: Chưa. Ông vẫn bị ám ảnh về những xác chết trong rừng rậm. Thỉnh thoảng ông vẫn bị những cơn trầm cảm. Ông vẫn phải uống thuốc an thần. Ông lấy một phần tiền từ nhuận bút các cuốn sách ông viết để thành lập một quỹ học bổng giúp các học sinh và sinh viên Việt Nam nhưng ông vẫn không dám về Việt Nam. Tôi hỏi tại sao. Ông đáp: Vì sợ. Ông sợ sẽ không chịu đựng nổi khi nhìn lại khung cảnh Việt Nam. Vừa nói ông vừa ứa nước mắt.
Tôi cũng có một người bạn vốn là hoạ sĩ tại Úc. Anh cũng từng tham chiến tại Việt Nam. Anh kể một lần đụng trận; anh nhắm mắt xả súng về phía trước. Khi trận chiến chấm dứt, anh thấy trước mắt mình xác một thanh niên còn trẻ măng. Trên cổ người thanh niên ấy có một sợi dây chuyền với hình Quan Thế Âm. Anh vừa khóc vừa gỡ sợi dây chuyền ấy. Bây giờ, gần nửa thế kỷ sau, anh vẫn còn đeo sợi dây chuyền ấy trên cổ. Một lần, kể lại câu chuyện ấy với chúng tôi, anh vẫn khóc. Những ký ức về cuộc chiến tranh xa xôi về cả không gian lẫn thời gian ấy vẫn còn sống mãi và vẫn còn khiến anh đau đớn.
Tôi nghĩ Bob Kerrey cũng là một người như thế. Cũng không thoát được những ký ức về chiến tranh Việt Nam. Và cũng muốn làm một điều gì đó cho Việt Nam.


Source Internet.

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

Tuyệt Đối Đừng Nói Rằng Bạn Có Tiền…


Đời Người Tựa Như Một Giấc Mộng, Tuyệt Đối Đừng Nói Rằng Bạn Có Tiền…


Con người được sống khỏe mạnh chính là hạnh phúc nhất rồi, những thứ khác đều là phù du cả. Đừng cho rằng bạn có tiền, nếu không có sức khỏe thì tiền nhiều cũng chẳng có chút gì đáng giá.


Tuyệt đối đừng nói rằng bạn có tiền, đọc xong 8 câu chân ngôn dưới đây, bạn sẽ hiểu rõ ràng tất cả:

1. Đừng có xem áp lực thành động lực, lao động quá sức, để rồi tổn hại bản thân.
2. Đừng quên sức khỏe mới là tiền vốn, không có sức khỏe, thì không cách nào tận hưởng được hết niềm vui của đời người.
3. Đừng xem nặng danh lợi quá, sau khi hào nhoáng qua đi, mới nhận ra mọi thứ đều chỉ là mây khói thoáng qua.
4. Đừng có nghĩ rằng bác sĩ là người có thể cứu lấy mạng sống của bạn, thật ra không phải như vậy, chính bạn mới là người quyết định, dưỡng sinh quan trọng hơn cứu mạng.
5. Đừng mong nghĩ rằng cho đi sẽ được báo đáp lại, chỉ có không kể báo đáp, mới có thể thực hành được việc hành thiện, lấy đức báo oán.
6. Chớ nghĩ rằng làm quan thì “ngầu” hơn dân, một khi bị mất chức, cuối cùng vẫn chỉ là một thường dân thôi.
7. Đừng bỏ mặc những người có duyên với bạn, bởi vì sau khi vinh hoa qua đi, bạn mới hiểu được rằng rất nhiều người sẽ rời xa bạn, khi ấy bạn mới thấy tri kỷ thật khó tìm.
8. Đừng nghĩ rằng hỏi han là quấy rầy, những người thường gửi tin nhắn cho bạn nhất định là người ở trong tâm có hình bóng của bạn.

Một nhà doanh nghiệp rất nổi tiếng, cứ cách một đoạn thời gian, ông lại dẫn theo vợ con đến nơi hỏa táng để xem. Có người không hiểu, hỏi ông nguyên do. Ông nói rằng, chỉ cần đến nơi hỏa táng, cái tâm nóng nảy sẽ rất mau chóng an tĩnh lại, thấy danh lợi tiền tài thật nhẹ nhàng.

Ở nơi hỏa táng này, không kể bạn là quan to quý tộc quyền cao chức trọng, uy danh hiển hách hay là một người dân bình thường, nghèo rớt mồng tơi, không ai biết đến, cuối cùng đều sẽ phải đến đây, chung một tư thế, lặng yên nằm xuống, sau đó bị đưa vào bên trong lò hỏa táng đang bốc cháy ngùn ngụt, khi trở ra lần nữa, thì chỉ là một chiếc hộp vuông nho nhỏ được bọc trong tấm vải đỏ.

Khi đến chẳng mang theo thứ gì, khi đi chỉ như một làn khói. Đời người chính là đơn giản như vậy! Vinh hoa phú quý phút chốc thoáng qua, ân ái tình thù cũng chỉ như cát bụi.

Hôm nay sống trong một thế giới vật chất dục vọng tràn lan, bên cạnh chúng ta là đầy những cám dỗ mê hoặc: quyền lực, địa vị, tiền bạc, mỹ sắc…, hễ không cẩn thận, thì trong tâm sẽ dậy sóng. Nội tâm chúng ta vốn dĩ trong sáng, thuần tịnh, bình lặng sẽ trở nên ngông cuồng, ngạo mạn và tư lợi.

Khi bạn cảm thấy hiện thực và lý tưởng có sự chênh lệch,
Khi bạn cảm thấy uất ức thương tâm, không có người hiểu bạn,
Khi bạn vì ân oán tình thù mà canh cánh trong lòng,
Khi bạn vì lợi ích được mất mà so đo tính toán,
Khi bạn khom lưng chau mày đối với quyền thế,
Khi bạn vì địa vị cao thấp mà mưu tính hại nhau…, sao bạn không đi đến nơi hỏa táng xem thử, đối diện với một nắm tro bụi, bạn còn có gì không buông xuống được đây?

Đời người tựa như một giấc mộng! Tuyệt đối đừng nói rằng bạn có tiền!

Tiểu Thiện, dịch từ Secretchina

Source: http://nguoiphuongnam52.blogspot.com.au/2016/06/oi-nguoi-tua-nhu-mot-giac-mong-tuyet-oi.html


Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

Rồi Có Một Chiều

image


Rồi có một chiều khi nắng phai
Vui, buồn, thương, ghét.. những bi ai..
Ta cười thả gió nghìn tâm sự 
Luẩn quẩn niềm riêng.. sống mệt nhoài!
Rồi bỗng một ngày ta liễu tri
Niềm chân hạnh phúc, biết cho đi.
Ngày mai nhỡ tiếng vô thường gọi
Ta có mang theo được những gì ?

Rồi chợt một lần ta nhận ra
Trên đời mọi thứ sẽ phôi pha,
Không chi chắc thật và miên viễn
Và dĩ nhiên ta.. cũng đã già!

- Ta trả mây trời bao viễn mơ
Của ngày tuổi trẻ đã xa mờ.
Của đêm quen sống trong hoài niệm.
Bỏ hiện tại gầy hao, xác xơ..

Ta đã cưu mang một kiếp người
Một đời gom nhặt chẳng hề ngơi
Trót quên, chớp mắt trần gian mộng!
Mà sống mê man cuộc khóc, cười.

Rồi bỗng một ngày ta hiểu ra
Thân này đâu phải của riêng ta,
Mảnh Tâm cuồng vọng làm đau khổ
Có nghĩa gì đâu để mặn mà .

.. Rồi buổi sớm nào trên bến sông
Tâm hồn ta chợt thấy mênh mông..
Lặng nghe trong cõi đời sâu thẳm
Chẳng có chi ngoài lẽ Sắc, Không.


Thích Tánh Tuệ

Source Internet.