Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

Nhạc Rock - Sài Gòn 1968-1974

 00:00 CBC Band - Tinh Yeu Tuyet Voi (The Greatest Love)

03:50 Elvis Phuong - Bai Ca Ngong (The Crazy Song) 07:38 Carol Kim - Cai Tram Em Cai (Your Hair Clip) 12:12 Thanh Mai - Toc Mai Soi Van Soi Dai (Long, Uneven Hair) 16:50 Carol Kim - Noi Buon Con Gai (The Sadness of Being a Girl) 20:42 Bich Loan and CBC Band - Con Tim Va Nuoc Mat (Heart and Tears) 24:28 Phuong Tam - Dem Huyen Dieu (Magical Night) 29:07 Le Thu - Sao Bien (Etoile Des Neiges) (Starfish) 33:59 Minh Xuan & Phuong Hoang - Mat Troi Den (Black Sun) 37:00 Thai Thanh - Bung Sang (Dawn) 41:30 Bang Chan - Nhung Dom Mat Hoa Chau (Fireballs) 45:16 Giao Linh - Chuyen Tinh Sao Ly (A Love Story From Sau Ri) 49:57 Elvis Phuong - Kho Tang Cua Chung Ta (Our Treasures) 52:44 Thanh Lan - Hoai Thu (Autumn Memory) 56:54 Hung Cuong & Mai Le Huyen - Hon Anh Gian Em (Jealousy) 1:00:14 Mai Le Huyen - Duyen Phan Con Gai (A Girl's Destiny) 1:05:03 Phuong Dung - Do Ai (Riddles)

Tuyển chọn Những Bài Hát Ca Trù Hay Nhất

 


Source: Những Bài Hát Ca Trù Hay Nhất Tuyển chọn - YouTube

Chơi cho phỉ chí – Nguyễn Công Trứ

 

Chơi cho phỉ chí


Hát nói Chơi cho phỉ chí – Nguyễn Công Trứ

Chơi cho phỉ chí


Cầm kỳ thi tửu khách,

Đường ăn chơi mỗi cách mỗi hay.

Đàn năm cung réo rắt tính tình đây,

Cờ đôi nước rập rình xe ngựa đó.


Thơ một túi phẩm đề (1) câu nguyệt lộ (2),

Rượu ba chung tiêu sái (3) cuộc yên hà (4).

Thú xuất trần, tiên vẫn là ta,

Sánh Hoàng Thạch (5), Xích Tùng (6), ờ cũng đáng.


"Cầm tứ tiêu nhiên kỳ tứ sảng,

Thi hoài lạc hĩ, tửu hoài nồng" (7).

Một chữ nhàn giá đáng muôn chung,

Người cõi thế, trăm năm là mấy nhỉ.


Sách có chữ “nhân sinh thích chí” (8),

Đem nghìn vàng đổi lấy trận cười.

Chơi cho lịch mới là chơi,

Chơi cho đài các, cho người biết tay.

Tài tình, dễ mấy xưa nay.


Nguyễn Công Trứ

Source: Chơi cho phỉ chí – Hát nói (catrubichcau.com)


(1) Phê bình.

(2) Trăng và sương, ý nói câu thơ bóng bẩy.

(3) Phóng khoáng.

(4) Khói ráng, ý nói cảnh đẹp của đời ẩn dật.

(5) Cuối đời nhà Tần, Trương Lương đi chơi ở đất Hạ Bì, đến Dĩ Kiều gặp ông già trao cho quyển Binh thư tam lược mà dặn: “Đọc kỹ sách này sau có thể bình thiên hạ. Sau 13 năm nhà ngươi đến núi Cốc Thành, nếu thấy hòn đá vàng thì biết là ta đấy!” Vì thế sau này người đời tôn ông lão là Hoàng Thạch Công. Đúng như lời dặn của tiên ông, Trương Lương sau này giúp Lưu Bang lập nên nhà Hán.

(6) Theo Liệt tiên truyện, Xích Tùng Tử làm quan Vũ sư đời vua Thần Nông, sau đắc đạo thành tiên.

(7) Chữ Hán: 琴思瀟然棋思爽,詩懷樂矣酒懷濃. Nghĩa: Cung đàn hay, cuộc cờ thú; Câu thơ vui, chén rượu nồng.

(8) Đời Nam Tề, Trương Hàn có câu “Nhân sinh quý thích chí, tu phú quý hà vi?” (Người ta ở đời cốt thoả chí mình, nào cần giàu sang làm gì).



Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2021

Giai Thoại Về Nhạc Phẩm Làng Tôi

Phan Văn Thanh

Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh
Có sông sâu lờ lững vờn quanh êm xuôi về Nam …
Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau
Bóng tre ru bên mấy hàng cau đồng quê mơ màng!

Năm ấy, đoàn hát Kim Chung lần đầu tiên có kế hoạch thực hiện bộ phim nhựa có tiếng nói (âm thanh). Để cho bộ phim thêm phần hấp dẫn, trang trọng và gây ấn tượng với công chúng trong buổi chiếu ra mắt, toàn bộ êkíp điều hành, bầu sô, đạo diễn … đồng ý việc tổ chức một cuộc thi sáng tác bài hát làm nền cho phim với giải thưởng lớn cho tác phẩm được chọn. Đây cũng là bộ phim nhựa có âm thanh đầu tiên của ngành điện ảnh Việt Nam vào thời ấy. (1952)


Nhạc sĩ Chung Quân và tác phẩm Làng Tôi

Trình chơi Âm thanh

Giai Thoại Về Nhạc Phẩm Làng Tôi

Trang Nhạc Sĩ


Cuộc thi được tổ chức rộng rãi trong công chúng, không phân biệt tuổi tác, chuyên nghiệp hay nghiệp dư…đã có nhiều nhạc sĩ tên tuổi cùng một số những người mới thành danh trong làng ca nhạc giải trí thời đó tham gia. Đề tài sáng tác là quê hương và con người Việt Nam.

Sau nhiều lần chọn lựa rất công bằng và vô tư, ban giám khảo đã mất khá nhiều thời gian bàn bạc, nhận xét rồi cân nhắc để đưa ra một sự chọn lựa chính xác, dù biết đó là một quyết định rất khó khăn. Cuối cùng, Ban tổ chức đã công bố, tác phẩm được chọn để trao giải là bài hát “Làng Tôi” của một tác giả vô danh tiểu tốt, cái tên nghe chừng như rất xa lạ trong làng ca nhạc Việt thời ấy đó chính là nhạc sĩ Chung Quân.

Bản nhạc Làng Tôi được chọn vì nó mang hơi thở của một vùng quê yên bình, lời lẽ cũng mộc mạc, dung dị thấm đẫm tình cảm của người dân Việt Nam, cho dù năm đó tác giả bài Làng Quê mới chỉ vừa 16 tuổi. Nhạc phẩm Làng Quê và cái tên Chung Quân ra đời từ dạo ấy. Nhờ giai điệu du dương, thắm thiết tình người tình quê của Làng Tôi cứ mãi bay xa mà cái tên nhạc sĩ Chung Quân trở nên nổi tiếng và đi vào lòng người.

Nhiều nhạc sĩ tên tuổi và giới văn nghệ thời đó có hơi ngỡ ngàng, nhưng mọi người đều công nhận bản nhạc “Làng Tôi” xứng đáng được nhận giải thưởng vinh dự đó.

Quê tôi chìm chân trời mờ sương
Quê tôi là bao nguồn yêu thương
Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn
Là bao vấn vương tâm hồn … người bốn phương.

Bản Làng tôi đã giành được giải của công ty điện ảnh, đoàn cải lương Kim Chung ở Hà Nội để làm bản nhạc nền cho phim Kiếp Hoa.

Hành trình về phương Nam


Thế rồi, thế sự đổi thay theo mệnh nước nổi trôi. Năm 1954, Chung Quân cùng gia đình di cư vào Nam, định cư ở vùng Khánh Hội. Nhờ đã từng học sư phạm chuyên ngành về nhạc và danh tiếng của Làng Tôi, Chung Quân được Bộ Quốc gia Giáo dục của Đệ Nhất Cộng Hòa ưu đãi, cho dạy môn nhạc tại hai trường trung học Chu Văn An, và Nguyễn Trãi. Thời gian giảng dạy ở trường Nguyễn Trãi, Chung Quân là thầy dạy nhạc của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng sau này như Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Đức Huy, Nam Lộc… Cũng khoảng thời gian 1955 – 1956, ông có soạn bản hợp xướng Sông Bến Hải, theo một vài ý kiến thì đó là một trường ca có giá trị nghệ thuật, viết về cuộc di cư năm 1954, nhưng về sau không thấy phổ biến rộng rãi.

Trường Nguyễn Trãi năm ấy có cậu học trò nghèo nên buổi trưa thường không về nhà mà nghỉ lại ở trường cùng bữa ăn trưa là gói xôi mà mẹ cậu đã mua cho cậu đem theo từ sáng sớm. Thay vì nghỉ trưa, cậu học trò lại tha thẩn trong trường để rồi lắng nghe được câu chuyện tranh cãi giữa hai người thầy.

Trong một căn phòng, tiếng của vị giáo sư Hà Đạo Hạnh (cử nhân toán) đang ầm ĩ nói với nhạc sĩ Chung Quân

– Trình độ học vấn của anh chỉ đáng là học trò của tôi thôi. Việc anh được dạy chung với những giáo sư như chúng tôi là một vinh dự cho anh, anh có biết điều đó không?

– Nhưng thưa giáo sư, nếu hỏi công chúng có biết nhạc sĩ Chung Quân là ai không? Thì chắc chắn nhiều người biết đó là tác giả của bản nhạc Làng Tôi. Còn như hỏi họ, có biết giáo sư Hà Đạo Hạnh là ai không? Tôi tin người ta không mấy người biết.

Câu chuyện đang đến hồi hấp dẫn, và cậu học trò cố áp sát tai để chờ nghe tiếp xem Giáo sư Hà Đạo hạnh trả lời ra sao, bỗng từ phía sau, một bàn tay lạnh lùng của thầy giám thị véo vào tai cậu học trò kéo đi chỗ khác! Và vì thế mà câu chuyện đành dở dang ở đây.

Rồi thời gian trôi qua, tưởng mọi chuyện đã rơi vào quên lãng. Nhưng không, nhạc sĩ Chung Quân đã không chịu bỏ qua dễ dàng như vậy, ông nhất định phải đòi lại món nợ danh dự này. Không công danh thà nát vói cỏ cây.

Nhạc sĩ Chung Quân sau đó đã quyết chí tiếp tục con đường kinh sử, ông ghi danh theo học và hoàn thành tú tài toàn phần, sau đó, ông lại tiếp tục việc học để đạt cho kỳ được mảnh bằng Đại học. Cuối cùng, ông đã tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Anh quốc.

Đã mang tiếng đứng trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông

Nhớ lại câu chuyện ngày xưa, nhạc sĩ Chung Quân sao chép tất cả văn bằng mà mình có được gửi về cho giáo sư Hà Đạo Hạnh kèm theo lời nhắc nhở rất nhẹ nhàng lịch sự.

Thưa giáo sư Hà Đạo Hạnh, tất cả những gì mà giáo sư làm được thì Chung Quân tôi cũng đã làm được. Còn những gì Chung Quân tôi làm được thì giáo sư đã không làm được.

Viết tới đây tôi bỗng nhớ tới bài thơ của cụ Nguyễn Công Trứ có đoạn như sau:

Đã hẳn rằng ai nhục ai vinh
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm lên tiếng phi thường đâu đấy tỏ…

Nhạc sĩ Chung Quân đã đòi lại món nợ danh dự năm xưa một cách sòng phẳng bằng ý chí và lòng kiến nhẫn của chính ông. Rất lịch sự, tế nhị mà cũng rất quân tử. Không ồn ào, không gióng trống khua chiêng làm người khác phải ngượng ngùng, mất thể diện. Quả thật, chẳng ai biết trước được chuyện gì xảy ra trong cuộc đời.

Cậu học trò nghe lén câu chuyện ngày xưa sau này cũng theo cái nghề “gõ đầu trẻ”. Ông dạy Trung học đệ nhị cấp (cấp 3) ở miệt dưới tận tỉnh Bạc Liêu. Ngoài công việc dạy học, ông còn làm thêm nghề tay trái là viết báo, viết văn với bút hiệu Thái Phương. Sau biến cố 1975, ông nghỉ dạy và chuyển hẳn sang viết báo. Hiện nay, độc giả biết nhiều đến ông với bút danh nhà văn Đoàn Dự.

Đã có lần, nhà văn Đoàn Dự gặp lại thầy cũ là giáo sư Hà Đạo Hạnh và ông có hỏi vị giáo sư:

– Thưa Thầy, sao ngày đó thầy lại nặng lời với Nhạc sĩ Chung Quân thế ạ!
– Hồi ấy tôi có hơi nóng nảy nên đã quá lời

Mọi chuyện rồi cũng qua đi, người xưa giờ cũng đã trở về cùng cát bụi, nhưng câu chuyện thì sẽ còn mãi như một bài học, một tấm gương về cách đối nhân xử thế của người xưa vậy.

Phan Văn Thanh
CHS Văn Đức

Lớp 12C Niên Khóa 1972 – 1975 


Source: Giai Thoại Về Nhạc Phẩm Làng Tôi | Hoàng Trọng (wordpress.com)



Phỏng vấn Gs Andre Nguyễn văn Châu tác giả cuốn sách A lifetime in the eye of the storm


 

Phỏng vấn Gs Andre Nguyễn văn Châu tác giả cuốn sách A lifetime in the eye of the storm, viết về cuộc đời bà Ngô Đình Thị Hiệp, em gái Tổng thống Ngô Đình Diệm và mẹ ruột Hồng Y Nguyễn Văn Thuận









                                                 


Source: Cựu Sinh Viên Khoa Học Kỹ Thuật Minh Đức Khóa Một: Phỏng vấn Gs Andre Nguyễn văn Châu tác giả cuốn sách A lifetime in the eye of the storm, viết về cuộc đời bà Ngô Đình Thị Hiệp, em gái Tổng thống Ngô Đình Diệm và mẹ ruột Hồng Y Nguyễn Văn Thuận (svkhktmdk1.blogspot.com)


Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

Sự thâm thúy ẩn trong bài ca trù “Hồng Hồng Tuyết Tuyết”

 

Nhạc sĩ Dân Huyền

Năm 2005 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, trong liên hoan ca trù toàn quốc do Bộ Văn hóa – Thông tin tổ chức có 14 tỉnh, thành phố tham gia. Một vấn đề đặt ra về yêu cầu là các chiếu hát của những đơn vị ấy, khi trình diễn bắt buộc phải trình bày bài “Hồng Hồng Tuyết Tuyết” trước khi hát những bài sở trường quen thuộc của mình. Đây là một trong những bài mẫu mực về nghệ thuật và có giá trị tư tưởng tốt.

Từ trước đến nay, khoảng trên dưới 100 năm, những nhà nghiên cứu văn học và yêu thích nghê thuật ca trù đã biết khá rõ những bài thơ nói của tiến sĩ Dương Khuê (1839-1902) trong toàn bộ di sản văn chương và thơ ca của cụ ở nửa thế kỉ XIX trong thiên niên kỷ trước, nhưng ít ai đánh giá đúng giá trị đích thực phẩm chất Dương Khuê trong mảng văn chương được thể hiện bằng loại ca trù, đặc biệt là bài “Hồng Hồng Tuyết Tuyết”. Chúng ta chỉ biết cái nghĩa đen của lời ca mà không hiểu gì hoàn cảnh và tâm trạng của tác giả, bối cảnh lịch sử cụ thể mà cụ Dương Khuê đã trải qua.


Nghệ nhân ca trù Hà Thị Cầu

Trình chơi Âm thanh

Sự thâm thúy ẩn trong bài ca trù “Hồng Hồng Tuyết Tuyết”

Trang cổ nhạc

Cụ Dương Khuê sinh năm Kỷ Hợi (1839), quê làng Vân Đình, tổng Phương Đình, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Năm Mậu Thìn, niên hiệu Tự Đức 21 (1868) cụ thi Hội đỗ tiến sĩ, ngay sau đó được bổ nhiệm chức tri phủ Bình Giang, Hải Dương. Cụ bước vào quan trường, đến khi Tự Đức qua đời (16/6/1883) và Hòa ước mất nước ký giữa triều Nguyễn và Pháp (1883). Đó là giai đoạn 15 năm đầu trong cuộc đời làm quan của cụ có nhiều tâm trạng mà cụ đã gửi gắm trong bài ca trù “Hồng Hồng Tuyết Tuyết”. Năm 1867, cụ cáo quan về ở ẩn, và mất năm 1902, hưởng thọ 63 tuổi. Có thể dự đoán bài ca trù ấy được viết vào năm 1883 với đầy đủ những sự kiện lịch sử và tâm trạng của tác giả .

Qua nhiều tài liệu còn lưu lại thì bài ca trù “Hồng Hồng Tuyết Tuyết” về hình thức là bài thơ hát nói khá mẫu mực, bài có điệu Mưỡu 1 và 2 ở đầu, phần hát nói có 11 câu với 3 trổ cơ bản, ý tứ khúc chiết, rõ ràng, và không chỉ có một “nghĩa đen” mà nhà thơ còn gửi tâm trạng của mình với một “nghĩa ẩn dụ” trong đó. Đoạn mở đầu, tác giả viết:

Ngày xưa Tuyết muốn lấy chồng
Ông chê Tuyết bé, Tuyết không biết gì
Bây giờ Tuyết đã đến thì
Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già.

Nghĩa “đen” thì đã quá rõ, còn nghĩa “bóng” ta có thể hiểu là: Ngày xưa tôi là người trong trắng (như Tuyết) mới thi đỗ làm quan, muốn giúp vua nhưng bị chê là không biết gì (Dương Khuê dâng sớ lên Tự Đức phải quyết liệt với người Pháp, cụ bị chê là “Bất thức thời vụ” – Không hiểu thời cuộc). Bây giờ, tôi đã hiểu biết khôn ngoan, ông muốn dùng tôi thì tôi lại thấy ông già nua, nhu nhược (đầu hàng Pháp).

Tiếp đến phần hát, tác giả viết:

Hồng Hồng Tuyết Tuyết
Mới ngày nào chưa biết cái chi chi
Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì
Ngoảnh mặt lại đã tới kì tơ liễu

Hồng Tuyết ngoài nghĩa “đen” là tên một cô đào hát hoặc hai cô đào hát, còn chứa đựng cái nghĩa “bóng” mà tác giả gửi gắm.

Phần này theo nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, nhà thơ Trần Huyền Trân, nhà báo Tô Dũng đã có chung nhận xét là: Mới ngày nào bước vào quan trường ta như cánh chim. Hồng bay tung hoành nào có biết cái chi chi, thấm thoắt cuộc đời làm quan đã 15 năm (1868 – 1883) mới đó bây giờ nhìn lại cũng đã khôn ngoan, trưởng thành rồi.

Cười cười nói nói sượng sùng
Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại

Khi Tự Đức lên ngôi vua (1847) ở tuổi 19, còn ít tuổi (lúc đó Dương Khuê chỉ là đứa trẻ 8 tuổi ham chơi). Nay vua hứa “gả bán” tôi cho người Pháp thì tôi đã già (trước khi Tự Đức mất 16/6/1883, Hòa ước mới được lập xong, nó công nhận cuộc bảo hộ của Pháp ở Nam Bộ và cho đặt công sứ Pháp ở các tỉnh Bắc Kỳ mới chính thức “gả bán”). Trước thực trạng ấy cả vua tôi đều sượng sùng, thẹn đến đỏ mặt (hồng nhan) và lo buồn đến bạc tóc (bạch phát) thật là ái ngại…

Cuối bài tác giả đã viết:

Riêng một thú thanh sơn đi lại
Khéo ngây ngây dại dại với tình
Đàn ai? Một tiếng dương tranh

Chữ thanh sơn ở đây muốn chỉ triều đinh lúc bấy giờ, còn dương tranh được hiểu là những cuộc tranh đấu đã nổi lên ở Bắc Kỳ (năm 1883 Hà Nội, Nam Định đã có các cuộc nổi dậy chống Pháp, viên đại tá Henri Riviere bị tử trận ở Cầu Giấy, Hà Nội). Chữ dương tranh, không phải là đàn tranh vì trong hát ca trù người ta đã sử dụng đáy cầm (dàn đáy). Vậy đoạn này hiểu là: Sau hòa ước bán nước 1883, vua quan nhà Nguyễn chỉ còn biết đi đi lại lại trong triều đình của mình như một thú vui ngây dại. Trong khi đó thì những cuộc nổi dậy chống Pháp ở Bắc Kỳ đã diễn ra như một tiếng cảnh tỉnh (ở đây tác giả mượn tiếng đàn).

Xem như vậy, bài ca trù “Hồng Hồng Tuyết Tuyết” có hai nghĩa. Ngoài mối tình “trái khoáy” của một ông già với một cô đào trẻ, tác giả Dương Khuê còn gửi gắm tâm trạng của mình. Chính tâm trạng ấy cũng đủ làm nổi bật phẩm chất cao quý của một nhà nho, một viên quan đương thời trong sạch, có tấm lòng yêu nước, trăn trở với thế sự éo le lúc đó của đất nước.

Thông qua giai điệu âm nhạc, mà chủ yếu chỉ vẻn vẹn mấy nốt chính là Si, Sol, Sị, Sị sol, Si. Người nghệ nhân nhạc công đàn Đáy đã rất khéo biến hóa để tôn thêm cho lời thơ bay bổng và đi vào lòng người.

Nhạc sĩ Dân Huyền

Source: Sự thâm thúy ẩn trong bài ca trù “Hồng Hồng Tuyết Tuyết” | Hoàng Trọng (wordpress.com)


Phương pháp phê bình duy vật biện chứng của Trương Tửu


Thụy Khuê

Trương Tửu là một nhà văn, nhà tư tưởng của phái nghèo. Trong tiểu thuyết cũng như trong phê bình, ông luôn luôn bênh vực giai cấp vô sản, khuynh hướng ấy đã gặp ở triết học Karl Marx những mẫu số chung cần thiết, đặc biệt cho việc phê bình văn học. Sự tiếp cận triết học Mác-xít và tìm thấy ở đó một đường lối mới cho phê bình không chỉ có ở Trương Tửu mà một số người cùng thời với ông như Tam Ích, cũng thừa nhận, khoảng năm 1936, đã tiếp xúc với chủ nghiã này :«Trong các sách Mác-xít, tôi để ý đến biện chứng pháp duy vật nhiều nhất, là vì tôi cần biết để để dùng làm phương pháp phê bình» (trích thư trả lời Nguyễn Văn Trung về câu hỏi « Tiếp cận đầu tiên với Mác-xít và Cộng sản »).


Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa

Trình chơi Âm thanh

Phương pháp phê bình duy vật biện chứng của Trương Tửu

Trang Phê Bình Văn Học – Thụy Khuê                                         Nghe thêm về Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa

Về phần Trương Tửu, ngoài một phương pháp luận cho phê bình, ông còn tìm thấy ở triết học Mác-xít, những giải pháp phù hợp với lý tưởng đấu tranh xã hội của ông. Trong bản Tuyên ngôn cộng sản năm 1848, hàng chữ đầu tiên của Karl Marx là: «Lịch sử tất cả mọi xã hội cho đến chúng ta, là lịch sử đấu tranh giai cấp». Cho nên, ngay từ năm 1935, khi phê bình các tác phẩm của Hoàng Ngọc Phách, Khái Hưng, Nhất Linh, Tam Lang, Trương Tửu đã dùng tính chất đấu tranh và mâu thuẫn, như hai yếu tố nòng cốt để biện luận, ông vạch ra tính đấu tranh và mâu thuẫn giữa tự do cá nhân và nền luân lý độc tài của xã hội Khổng Mạnh. Ở tác phẩm của Tam Lang là tính chất đấu tranh giai cấp giữa nghèo và giầu. Sau này, khi Trương Tửu quay lại công kích Nhất Linh, Khái Hưng, cũng lại là một hình thức đấu tranh giai cấp: bởi Tự Lực Văn Đoàn tiêu biểu cho giai cấp trí thức tiểu tư sản còn Trương Tửu là chiến sĩ của giai cấp vô sản.

Sự nghiệp phê bình của Trương Tửu có thể chia làm hai giai đoạn : Giai đoạn thứ nhất ký tên Trương Tửu gồm loạt bài phê bình trên báo Loa năm 1935, mang tựa đề «Văn học Việt Nam hiện đại» và cuốn Kinh Thi Việt Nam do Hàn Thuyên xuất bản năm 1940, ký tên Trương Tửu.

Ở giai đoạn này, tính đối kháng nổi bật. Trong Nửa chừng xuânTố Tâm và Đoạn tuyệt là sự đối kháng cá nhân chống lại gia đình; và trong Kinh thi Việt nam là sự phản kháng của giai cấp bình dân chống lại hệ thống chính trị nho giáo của giai cấp cầm quyền.

Giai đoạn thứ nhì, gồm các tác phẩm như : Nguyễn Du và truyện Kiều (1942), Nhân loại tiến hoá sử (1943), Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (1944) v.v… ký tên Nguyễn Bách Khoa, là giai đoạn phân tích xã hội. Ông đi sâu hơn vào duy vật biện chứng, nhất là ở cuốn Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ ông đã sử dụng duy vật biện chứng như một phương pháp phê bình mà ông cho là: «phương pháp khoa học cao nhất, hiệu nghiệm nhất trong tư tưởng hiện đại».

Bài phê bình cuốn Tố Tâm có thể coi là một trong những bài viết đầu tiên xác định phong cách phê bình của Trương Tửu, mở đầu, ông giải thích vì sao sự nghiên cứu tác phẩm Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách phải bắt nguồn từ xã hội:

« Mấy ngàn năm nay, trong xã hội Việt Nam vẫn tiềm tàng sự xung đột âm thầm của cá nhân và gia đình. Quá trọng lý tính, nho giáo đàn áp những tình cảm thiên nhiên của lòng người. Bao nhiêu lễ nghi, phong tục ở gia đình -gốc của xã hội- kiềm chế sự phát triển tự do của cá nhân. (…) Vì thế nên trong cái yên lặng giả dối của xã hội Việt Nam, vẫn ẩn nấp một sức phá hoại. Dân tộc ta sống theo hai dòng sinh khí ngược nhau. Ở tầng trên, các đồ đệ trung thành của đạo Khổng chịu hy sinh cá thể cho chế độ tổ quyền. Trái lại, đám bình dân quê mùa, thô lỗ vẫn chạy theo tự nhiên. Những câu ca dao tục ngữ, tự tình, chỏng lỏn, mánh khóe, theo ý tôi, chính là sự trả thù cái quan niệm nhân sinh khô khan của Nho giáo. (trích bài Tố Tâm của Song An, in trên báo Loa số 78-79 ra ngày 15-22/8/1935)

Đời sống xã hội Việt Nam như thế, nhưng, theo ông, nhờ sự tình cờ của lịch sử, đầu thế kỷ hai mươi, văn chương Pháp trở thành môn học bắt buộc của thanh niên- và chính những cái phải học một cách bắt buộc ấy đã mở cửa cho thanh niên Việt Nam bước vào hai thế giới tân kỳ: Mỹ thuật và Ái tình và dẫn họ vào vũ trụ lãng mạn. Và Trương Tửu cho rằng: với cuốn Tố Tâm, Song An muốn « đánh hai cái dấu hỏi thật lớn vào trang đầu của thời đại » đó là :«Đôi trai gái «lãng mạn» gần nhau có tránh thoát được ái tình không? »  «Ái tình ấy, ở hiện trạng xã hội bây giờ gặp những trở lực gì và gây ra những tai hoạ gì ?

Một vấn đề tâm lý và một vấn đề xã hội. Toàn truyện là một bài khảo cứu cái nguyên nhân và cái kết quả của thời bệnh (le mal du siècle) ».( trích Tố Tâm của Song An, in trên báo Loa số 78-79 ra ngày 15-22/8/1935). Qua một bài phê bình ngắn, Trương Tửu đã đặt tác phẩm vào trong lòng xã hội, ông làm lộ những vấn đề nóng bỏng đề ra trong tác phẩm: Trong một xã hội có truyền thống «nam nữ thu thụ bất thân », « ái tình», hay tình yêu tự do bị coi là «căn bệnh của thế kỷ» thì những câu hỏi «lớn» phải là: đôi trai gái gần nhau có thoát được sự tự do luyến ái hay không ? Và tình yêu này dẫn họ đến đâu?

Lối phê bình của Trương Tửu do đó cũng là một cách nghiên cứu xã hội qua tác phẩm văn học: ông đọc Tố Tâm không chỉ để thưởng thức tác phẩm, mà để tìm ra những điều tiềm ẩn đằng sau chữ nghiã, tức là phần hồn của tác phẩm, và ở Hoàng Ngọc Phách, đó là tình yêu tự do, là «căn bệnh của thế kỷ » lần đầu tiên được mổ xẻ sâu sắc trong một cuốn tiểu thuyết quốc ngữ.

Khi phê bình Nửa chừng xuân, Trương Tửu nhận xét: «Trong Tố Tâm, cá nhân xung đột với một cảm tình ». Còn trong Nửa chừng xuân « cá nhân chiến đấu với một chế độ». Khi phê bình Đoạn tuyệt ,Trương Tửu nêu lên trục chính của tác phẩm:

«Đoạn tuyệt nêu ra một vấn đề điều kiện. Viết nó, Ông Nhất Linh muốn:

1- Tuyên cáo cho mọi ngưòi biết rằng mới và cũ hay cá nhân và gia đình vì điều kiện thành lập trái ngược nhau không thể đi đôi được.

2- Nhân đó bày cho thanh niên còn lưỡng lự một phương pháp xác định : hoàn toàn theo mới.

3- Công bố sự phá sản hoàn toàn của gia đình cũ.

4- Phác họa cho thanh niên một tương lai rực rỡ.

Và trong bài so sánh ba tác phẩm, Trương Tửu rút ra những nhận xét sau đây :

«Tố Tâm bày ra một hiện trạng. Nửa chừng xuân phác ra một lý tưởng. Đoạn tuyệt vạch ra một con đường. Song An tả, Khái Hưng nghĩ, Nhất Linh phá (…)

Trước sức mạnh của chủ nghiã gia đình, Song An phục tòng than khóc, Khái Hưng cười nụ trốn đi, Nhất Linh gióng trống đánh lại. (…)

Song An là nhà tâm lý. Khái Hưng là nhà tư tưởng. Nhất Linh là nhà cải cách».

Như thế, trong thời kỳ phôi thai của nền phê bình văn học Việt Nam, Trương Tửu là người đầu tiên đã có cái nhìn phân tích và tổng hợp về tác giả và tác phẩm.

Trong cuốn Kinh Thi Việt Nam, ông áp dụng một cách hệ thống lối phê bình sử học và xã hội học mác-xít. Vận dụng thuyết của Marx vào trường hợp Khổng giáo, ông viết :

« Trong Khổng giáo, tất cả triết lý và chính trị đều dựng trên sự nhận định này: con người là một động vật sống trong xã hội. Không có xã hội thì không có Khổng giáo. Đạo của Khổng Tử là một hệ thống triết lý chỉ có thể xuất hiện trong một xã hội đã tổ chức, hơn nữa một xã hội nông nghiệp đang ở thời kỳ hỗn độn của chế độ phong kiến có xu hướng tiến đến thời kỳ trật tự của chế độ quân quyền. Bởi phát sinh từ cỗi rễ ấy nên Khổng giáo mới coi con người sống trong xã hội là con người muôn thủa và mới tin ở sức mạnh cùng cực của chế độ chính trị trong việc cải tạo con người. Theo Đức Khổng thì tình cảm con người thiện hay ác là do chính trị tốt hay xấu.» (Kinh Thi Việt Nam, Liên Hiệp tái bản, Sàigòn 1950, trang 35-36).

Lối vận dụng Marx khéo léo này của ông, khiến ta có cảm tưởng rằng Khổng đã nghĩ như Marx, tức là Khổng cũng cho rằng: «con người là một động vật sống trong xã hội». Ông lồng tư tưởng Marx vào Khổng như vậy để làm gì? Để trả lời câu hỏi :«Tại sao Khổng Tử san định Kinh Thi » và để trả lời câu hỏi này, ông viết: « Khổng Tử san định Kinh Thi bởi vì Khổng Tử tìm thấy ở Kinh Thi một phương pháp trị dân «Khổng Tử tin rằng nghệ thuật là sản phẩm của tình cảm. Vì thế, cái khởi điểm giáo hoá của Khổng Tử là chỉnh lại nền tình cảm của con người. Muốn chỉnh lại tình cảm của con người, Ngài cho học Thi vì thơ chính là tiếng nói của tình cảm (…). Ngài cho rằng thơ, nhạc vả tình cảm có ảnh hưởng mật thiết với nhau. Tình cảm trong sạch thì thơ nhạc thiện, tình cảm vẩn đục thì thơ nhạc ác : Ngược lại, thơ nhạc dâm oán thì lôi cuốn tình cảm vào tội lỗi, thơ nhạc khoan hoà thì biến tình cảm theo điều thiện» (trang 34-35).

Chúng ta có thể nhận ra đây cũng là lập luận của Socrate về thi nhạc. Vậy thì, đi từ một lập luận như thế, về Khổng Tử, Trương Tửu tiến đến « đoàn thể», một ý niệm mới mẻ nữa của triết học Mác-xít, ông viết: « Muốn biết rõ tình cảm của một đoàn thể, không gì bằng xét những phát hiện tinh thần của đoàn thể ấy. Cái phát hiện thuần khiết nhất của nó là thơ và nhạc, vì thế nên Khổng Tử đã nói trong Nhạc ký: «Thanh âm chí đạo, dữ chính thông hỷ: đạo thanh âm thông với chính trị vậy » và lại nói: «Thẩm nhạc dĩ tri chính : xem kỹ âm nhạc thì biết cách chính trị ». Đã nói: « thơ nhạc do tình cảm con người mà sinh ra » lại nói : «tình cảm con người do chính trị tạo thành » thì có khác gì nói: «thơ nhạc bắt nguồn ở xã hội »? Cái mối tương quan của nghệ thuật và nhân sinh diễn đạt đến như trong Khổng giáo thật cũng đã cặn kẽ và đanh thép lắm. Từ cái thuyết : «thơ nhạc gốc ở tình cảm, tình cảm gốc ở chính trị », Khổng Tử đã đi đến một kết luận rất hợp lý, là : «Có thể dùng thơ nhạc để cải tạo tình cảm và luôn thể cải tạo xã hội » (các trang 38- 39).

Tất cả những dẫn chứng và biện luận trên đây của Trương Tửu để đưa đến luận điểm then chốt sau cùng: « Chúng ta cũng có một kinh Thi quý giá không kém gì Kinh thi của người Tàu. Bổn phận chúng ta ngày nay là phải ghi chép nó, san định nó, chú thích nó, như Chu Công đã ghi chép, Khổng Tử đã san định, Chu Hy đã chú thích kinh Thi của Trung Hoa» (trang 23).

Với những ai cho rằng không phải Khổng Tử san định Kinh Thi, thì chỉ cần thay Khổng Tử bằng những người cầm quyền, là lập thuyết của Trương Tửu vẫn đứng vững: Khi người cầm quyền lấy văn hoá, lấy nhân nghiã mà cai trị thì sẽ đạt được kết quả tốt. Văn chương là sản phẩm của xã hội, vậy muốn biết xã hội như thế nào thì phải khảo sát văn chương. Hai luận điểm này đã dẫn ông đến việc phê bình ca dao. Và khi phê bình ca dao, ông dùng các phương pháp sử học, xã hội học và tâm lý học và nhất là ông dựa trên tư tưởng nòng cốt: Lịch sử tiến hoá của nhân loại là lịch sử đấu tranh giai cấp.

Con người là sản phẩm của môi trường. Tác phẩm văn chương do con người làm ra, vì vậy, nó vừa phản ảnh cái môi trường sống ấy, và nó cũng phản ảnh cá tính riêng của tác giả và tâm lý dân tộc. Từ luận điểm đó, Trương Tửu chủ trương phải san định lại ca dao Việt nam. Bởi ca dao mới là tiếng nói của dân tộc Việt Nam qua các thời đại. Qua ca dao, người ta biết được phong tục tập quán của dân tộc Việt. Ca dao chính là tiếng nói phát xuất từ quần chúng đối kháng lại giai cấp cầm quyền. Ca dao là những mũi tên phản kháng bắn vào hệ thống đạo đức cổ hủ của nho gia, chống lại chế độ phụ quyền, chống lại đạo đức nam nữ thụ thụ bất thân của Khổng Mạnh, đòi tự do nhục dục, chống lại vấn đế trinh tiết, chống lại vấn đề lẽ mọn, v.v…

Tóm lại, ca dao là hình thức phản kháng thường trực của người dân.

Để chứng minh phản ứng của dân tộc Việt Nam trong ca dao đối với nho giáo. Ông thiết lập một bảng thống kê những luật tắc của Nho giáo :

1- Tôn trọng quyền đàn ông và áp chế quyền đàn bà.

2- Tôn trọng quyền chồng và áp chế quyền vợ

3- Tôn trọng quyền cha và đoạt mất quyền con

4- Tôn trọng quyền vua và đàn áp quyền dân

5- Tôn trọng lý tính và toả chiết tình cảm cùng bản năng

Và ông viết :« Chân tướng của nho giáo là vậy đó. Chính cái thứ nho giáo này đã được quyền tràn lấn sang xứ Việt Nam ta, hồi đầu Tây lịch kỷ nguyên. Và tôi phải nói ngay rằng nó đã bị dân chúng Việt Nam nổi lên chống lại rất dữ dội. Vì ở một hoàn cảnh kinh tế và xã hội khác với Trung quốc, dân ta không thể chịu đồng hoá theo cái triết lý ngoại bang ấy. Suốt khoản lịch sử mấy nghìn năm của xứ Việt Nam chỉ là cuộc xung đột gắt gao giữa dân chúng Việt Nam và nho giáo. Tổ tiên ta đã chứng tỏ một tinh thần độc lập hùng mạnh vô cùng. Cho nên tuy được giai cấp cầm quyền (vua, quan, sĩ) cần cù truyền bá và ủng hộ, nho giáo vẫn phải luôn luôn lùi bước trước sức phản kháng của dân chúng Việt Nam» (trang 79).

Nhưng để hiểu ca dao tức là Kinh thi Việt Nam, thì không những phải tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử Việt Nam từ thời Bắc thuộc đến ngày nay, mà còn phải hiểu cả bản chất của Kinh thi và xã hội Trung Hoa nữa. Sự tìm kiếm này dẫn ông đến lập luận: Kinh Thi là một tài liệu xã hội học. Và ông chứng minh lập luận này qua ba yếu tố sau đây :

1- Kinh Thi đánh dấu sự xuất hiện của văn tự.

2- Nó là bức họa chân xác của những tín ngưỡng, tư tưởng, chính pháp, phong tục trong một xã hội.

3- Nó điểm chỉ cho nhà xã hội học những vết tích của một cuộc sinh hoạt kinh tế.

Xuyên qua những dẫn chứng trong Kinh Thi, ông tái tạo bộ mặt xã hội Trung Hoa cổ, với những nề nếp, phong tục của người Tàu:

« Nghiên cứu theo quan điểm xã hội học và tâm lý học, Kinh Thi của Trung quốc đã cho ta những tài liệu quý báu như trên. Phải nhìn thấu suốt được chân tướng nó, lại phải am hiểu được tình trạng xã hội đặc biệt của xứ Việt Nam mới có thể hiểu được cái xu hướng chống nho giáo của nền thơ phong dao Việt Nam – Kinh Thi của nước nhà. (trang 72-73).

Trong những chương kế tiếp cho đến hết cuốn sách, ông đã căn cứ vào ca dao, để «truy cứu tới cái cơ sở hạ tầng và cái kiến thiết thượng tầng của xã hội Việt Nam» .

Ở thời điểm những năm ba mươi của thế kỷ trước, Trương Tửu đã góp phần như một nhà phê bình văn học có tư tưởng cấp tiến, dùng một phương pháp khoa học để hệ thống hoá tiến trình cải cách xã hội mà ông đã nhìn ra trong một số nhà văn đương thời, và nhất là ông đã tìm thấy ở ca dao, hình thức thi ca lâu đời nhất của dân ta, như một cuôc cách mạng thường trực. Và ông đã dấn thân vào cuộc cách mạng văn hoá xã hội ấy, vừa như một chứng nhân, vừa như một tác tố, kích động tiến trình dân chủ hoá xã hội qua ngả nghiên cứu và phê bình văn học.

RFI


 Source Phương pháp phê bình duy vật biện chứng của Trương Tửu | Hoàng Trọng (wordpress.com)