Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2020

XIN ĐỪNG YÊU TÔI, HỠI “CHÀNG 19”

"Qua kinh nghiệm bản thân, tôi chỉ muốn chia sẻ với mọi người một điều quan trọng: Đừng hoảng loạn khi biết mình bị nhiễm Coronavirus. Vì đây là loại vi khuẩn biến chủng mới, lây lan và tấn công rất nhanh, chưa có thuốc chủng ngừa cũng như thuốc điều trị chính thức tại nhà, Bác sĩ chỉ có lời khuyên duy nhất là uống nước nhiều, nghỉ ngơi và cần thì đi CẤP CỨU."

***



Ởvào lúc bất ngờ nhất của đời người, 66 tuổi, tôi đụng “chàng”. Câu hỏi đầu tiên mà những người thân trong gia đình tôi thường thắc mắc là đụng ở đâu? Đụng ra sao? Có triệu chứng gì không? Tôi chỉ cười… đau khổ!
Mọi chuyện bắt đầu từ chuyến bay khuya từ Phoenix về lại Salt Lake vào giữa tháng Hai. Tôi ngồi kẹp giữa 2 hành khách. Bà khách sát cửa sổ bị cúm. Suốt chuyến bay, bà sụt sịt mũi. Thỉnh thoảng ho lên vài tiếng. Tôi hơi lo. Thể nào mình cũng sẽ “chẳng phải đầu cũng phải tai.
Sáng hôm sau, tôi thức giấc trong tâm trạng mừng rỡ. Rờ mũi, mũi vẫn khô ráo. Rờ họng, họng vẫn êm như nhung. Lẽ nào tôi được tha bổng dễ dàng vậy ta? Niềm lạc quan của tôi đã chẳng kéo dài. Đúng 24 tiếng sau, đang trong giấc ngủ, tôi bị đánh thức bởi cổ họng đau rát. Rồi ho như … gà. Làn hơi lạnh tựa pháo bông lan toả trong từng thớ thịt chạy lên chạy xuống. Tôi quấn chăn, bình tĩnh đợi nhà tôi thức giấc để được kê toa thuốc. Dẫu sao, với tôi, anh là một thầy thuốc xuất sắc dù không hành nghề. Tất cả những lần đau ốm, nhiễm trùng lỉnh kỉnh của mọi người trong gia đình đều được anh chữa khỏi ngoạn mục qua những liều thuốc có hơi mạnh tay nhưng đánh trúng bệnh. Lần này cũng thế, tôi khoẻ lại sau một tuần để rồi cái ho tiếp tục và 10 ngày sau, cũng trong thời điểm linh thiêng của nửa đêm về sáng, cổ họng tôi lại cháy bỏng lần thứ hai. Cơn ho ồn ào tiếp nối cùng cái lạnh quen thuộc chạy lên chạy xuống trong cơ thể. Tôi lại được tiếp tục chống cự với trụ sinh. Thuốc ho, anh đổi sang thuốc viên, canh giờ giấc đưa thuốc, đưa nước cho vợ ngày ba cữ. Chưa yên tâm, anh còn ngó vợ đăm đăm cho đến khi thuốc trôi qua khỏi thực quản mới tin đã làm xong nhiệm vụ vì anh biết, thuốc có đến tận tay, vợ anh cũng sẵn sàng quên rất hồn nhiên.
Sau 5 ngày điều trị, cổ họng tôi hết đau nhưng ho vẫn kéo dài. Anh chuyển sang … recipe mới, cho tôi uống bổ sung thêm các loại vitamin B12, C, D3, và Zinc nhằm tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giúp chống chọi với virus khi bị chúng xâm nhập.
Cuối tháng Tư, chính quyền tiểu bang khuyến khích người dân lắp ứng dụng Healthy Together App vô điện thoại di động cá nhân. Ứng dụng này giúp nhân viên y tế công cộng tiếp xúc dễ dàng với những người bị nhiễm. Ngoài ra, Healthy Together còn giúp người dùng đánh giá các triệu chứng mình có, tìm trung tâm xét nghiệm gần nhất, xem kết quả thử nghiệm và hiểu những việc cần làm sau khi được xét nghiệm COVID-19. Tôi hăng hái download, giữ trong điện thoại phòng khi có việc xài đến.
Đã mấy lần tôi định xin thử nghiệm Covid-19 nhưng “nghe nói” họ sẽ thọc cái que sâu vào mũi đau lắm, tôi lại ngần ngại. Cái ho dai dẳng của tôi được thuốc chặn lại nhưng hễ ngưng thuốc, bổn cũ vẫn tái diễn.
26 tháng Năm
Gần cuối tháng, chợt nhớ cái hẹn kiểm tra sức khoẻ thường niên vào đầu tháng Sáu với bác sĩ gia đình, tôi gọi đến phòng mạch để hỏi lại ngày. Cô y tá cho biết tôi phải nói chuyện với bác sĩ qua Telehealth trước khi được gặp chính thức. Trong cuộc khám bệnh ngắn online, tôi nói với bà về cái ho kéo dài đã gần 3 tháng. Bà trầm ngâm, yêu cầu tôi làm xét nghiệm về Covid-19 trước khi mặt đối mặt. Nhà tôi bảo, em ho lâu như vậy, không thể nào do Coronavirus. Trừ phi làm Antibody test, may ra họ tìm thấy em đã trải qua căn bệnh này. Tuy nhiên, anh khuyến khích tôi nên theo lời bác sĩ và ngay buổi chiều hôm đó, thứ Ba, May 26, tôi can đảm đi làm test ở Granger Medical Clinic, thành phố West Valley.
Gần 11 giờ khuya cùng ngày, đột nhiên tôi bị đau bụng dữ dội. Tôi vốn dĩ là người … tốt bụng nên rất ngạc nhiên với cơn đau bất ngờ cả mấy chục năm tôi chưa hề nếm mùi. Bụng tôi sôi lên sùng sục và ruột thì như con rồng đang cựa mình vùng vẫy. Chóng mặt và buồn ói, tôi đi nằm.
Nửa tiếng trôi qua, tình trạng khó chịu vẫn không suy giảm. Tôi vô buồng tắm, hy vọng sẽ ói ra được. Tôi đứng, tay vịn vào bồn rửa mặt, trong tư thế sẵn sàng tống ra ngoài mớ thức ăn tối mà tôi nghĩ, có thể khiến tôi bị … ngộ độc. Đột nhiên mắt tôi hoa lên, cơ thể không còn sức lực. Lồng ngực nặng nề. Hơi thở như bị chận ngang. Tôi choáng váng, mở cửa bước ra kêu lên: Anh ơi, tự dưng em khó thở và mệt quá! Ngó khuôn mặt tôi xanh xao, anh bắt mạch và gọi con trai, cả hai đưa tôi ra xe, vô thẳng phòng cấp cứu của nhà thương Intermountain Medical Center cách nhà chỉ 1 mile. Tại đây, bác sĩ cho truyền dung dịch Lactated Ringers (danh từ thông dụng “nước biển”) kèm theo thuốc giảm đau, cùng làm xét nghiệm về tim, chest X-ray, đo lượng oxigene trong máu. Ba tiếng sau, mọi sự ổn định, tôi được xuất viện với xấp giấy định bệnh và hướng dẫn khi về nhà với câu kết luận: “Tình nghi Covid-19”.
Những ngày tiếp theo, tôi trở lại bình thường với cơn ho cố hữu, không có triệu chứng chi khác hơn.
31 tháng 5
Năm ngày sau, vào buổi trưa Chủ Nhật đẹp trời, cả nhà đang vui vẻ nói chuyện thì kết quả xét nghiệm tới, được gửi thẳng vào điện thoại của tôi qua app Healthy Together. Con trai út đang ngồi bên mẹ hí hửng giật lấy cái phone, “Mẹ để con xem trước”. Vừa mở ra, Út rú lên: “Mẹ bị positive!”. Tôi không tin. Nhà tôi chưng hửng. Tôi bảo, “Con lại chọc mẹ phải không?”. Út đưa phone sang tôi: “Con nói thật mà!”. Dòng chữ đỏ đập ngay vào mắt, tôi cười: “Chắc là test sai”. Nhà tôi bảo, “Nếu đúng thì chắc chắn em mới bị nhiễm gần đây thôi, không thể nào từ ngày em đi máy bay.” Tôi thản nhiên: “Test sai rồi. Em vẫn bình thường mà!”. Tuy thế, tôi quyết định sẽ cách ly với chồng con như lời chỉ dẫn trong app, ở phòng riêng, dùng phòng tắm riêng , giữ social distancing và đeo mask khi ra khỏi phòng.
1 tháng Sáu
Cái tôi tưởng là bình thường đã hiện ra khác thường ngay hôm sau, thứ Hai 1 tháng Sáu, khởi đầu bằng những cơn ho từng tràng dài đau rát cổ họng, khác với cái ho từng tiếng hoặc tràng ngắn khi trước. Ho bung ra như tiếng nổ, tôi chỉ biết vội vàng bịt chặt miệng bằng … toilet paper được xếp thành một lớp dầy, nhằm hứng hết những giọt nước li ti bắn ra cùng vi khuẩn đi theo (Tôi … suy đoán như thế). Ho xong là đầu óc choáng váng. Anh cho tôi uống thuốc ho viên. Thuốc cũng giúp phần giảm bớt nhưng “sức mạnh” của những cơn ho quả để lại trong tôi ấn tượng khó quên. Lồng ngực bắt đầu “có vẻ” nằng nặng. Hơi thở cũng “có vẻ” không bình thường. Tôi tự hỏi, chẳng lẽ chữ Covid đã khiến tôi tưởng tượng ra những triệu chứng đó??
2 tháng Sáu
Tôi thức giấc trong thể xác mệt mỏi. Đêm tôi ho, anh đã chạy sang mang thuốc và nước . Trong giấc ngủ không yên, tôi biết suốt đêm, thỉnh thoảng anh lại thò đầu vào, xem vợ ra sao. Lúc này là lúc mà tình và nghĩa hiển hiện rõ nhất. Lòng tôi thật xúc động.
Cảm giác nặng ngực tăng lên nhanh chóng. Tôi ho thường xuyên hơn. Hơi thở ngắn đi thấy rõ. Chỉ có điều không bị sốt cao như mấy chục năm nay, thân nhiệt của tôi chẳng bao giờ thay đổi cho dù có bị cảm cúm nặng chăng nữa. Tôi mệt mỏi thực sự. Anh lo lắng, “Mệt quá thì cho anh hay. Đừng cố gắng chịu đựng.” Tôi trấn an, “Chưa đến nỗi nào đâu anh. Em OK mà!”.
Suốt ngày thứ Ba, tôi chỉ ra ngoài ăn chút xíu và nằm là chính. Anh mang thuốc và nước đến tận giường cho tôi, chẳng e ngại lây nhiễm.
3 tháng Sáu
Lồng ngực tôi đã nặng nề lắm rồi. Trong bữa ăn, nghe hơi thở gấp rút của tôi, anh lại nhắc: “Em cần vô cấp cứu không? Đừng ráng. Đừng để quá trễ để phải đặt ống. Đến tình trạng phải đặt ống thở thì vừa đau đớn, xác xuất sống chỉ còn từ 15-30%.” Tôi gắng gượng… mặc cả: “Đợi thêm đi anh! Để … xem sao đã”. Tôi nghĩ đến những người nặng hơn mình rất nhiều, họ cần giường và cần Bác sĩ hơn tôi.
Anh và Út cứ quan sát tôi, thúc dục nên vào nhà thương.
Buổi chiều, nhắm không còn chịu nổi, tôi đồng ý nghe lời hai cha con. Xe vừa chạy thì trưởng nam của chúng tôi gọi tới. Cháu đang nội trú năm thứ hai ở bệnh viện U of U về Neurology. Cháu bảo, “Con vừa từ nhà thương ra và đang trên đường xuống mẹ. Mẹ về nhà gặp con một chút để con xem mẹ ra sao!” . Thương con, tôi nói Út quay xe lại. Vừa bước vô nhà, hai chân tôi đột nhiên tê rần rần. Tôi ngộp thở, cơ thể không còn sức chống đỡ, tôi chỉ nói được với anh, “Cho em đến nhà thương đi”. Anh và con vội dìu tôi ra xe.
Tại phòng cấp cứu, sau thủ tục giấy tờ nhanh chóng, cô y tá nhận bệnh đẩy xe đưa tôi vào. Trước khi di chuyển, cô nói: “You can say goodbye to your family now.” Tôi còn đang… ngỡ ngàng, chưa hiểu ý nghĩa sâu sa của câu nói thì anh và con trai đã ào tới ôm tôi thật chặt. Anh xoa đầu tôi, dịu dàng như nói với đứa… con nhỏ: “Em đừng sợ. Anh có để trong ví em cái phone với sợi dây charge. Có gì, em gọi ra ngoài cho gia đình yên tâm.”
Út hôn lên đầu mẹ: “Mommy, don’t worry mommy. Mommy will be OK! Mommy will be OK!”
Tôi chưa kịp nói lời “từ giã” cùng gia đình thì cô y tá đã nhanh nhẹn đẩy tôi đến cánh cửa ngăn với phòng cấp cứu bên trong.
Một y tá trang bị bảo hộ y tế từ đầu đến chân đẩy cửa đón tôi. Cô y tá đưa bệnh dừng lại ở đó. Cánh cửa khép lại sau lưng và tôi hiểu, bệnh nhân vào trong này chỉ có con đường “một mình”. Hoặc là trở ra “một mình”. Hoặc được giữ lại điều trị “một mình”. Và hoặc sẽ ra đi cũng “một mình” …
Suốt thời gian trong phòng cấp cứu, đôi chân tôi vẫn tê rần rần và nặng trĩu, tưởng như có tảng đá ngàn cân kéo trì hai cẳng chân xuống. Mọi thử nghiệm cấp kỳ như lần đầu lại diễn ra. Lần này, theo yêu cầu của trưởng nam chúng tôi, họ làm thêm thử nghiệm về phản ứng của thần kinh. Chức năng vận động của tôi vẫn tốt. Riêng cảm giác tê và nặng nề thì không thể giải thích.
Sau hai tiếng trong phòng cấp cứu, mọi kết quả xét nghiệm đều ổn định, ngoại trừ đôi chân hơi … bất thường, tôi được xuất viện kèm theo lời căn dặn nếu triệu chứng của chân không thuyên giảm, tôi nên gặp bác sĩ thần kinh để được tiếp tục theo dõi.
4 tháng 6
Có lẽ nhờ “nước biển”, cơ thể tôi khoẻ hẳn lên. Lồng ngực nhẹ nhàng hơn, thở dễ hơn nhưng ho vẫn như thế.
5 tháng Sáu
Tôi mệt trở lại. Lồng ngực nặng và hơi thở ngắn, tuy không trầm trọng như hôm vô cấp cứu.
Từ ngày đó trở đi, mọi triệu chứng thuyên giảm từ từ. Cô Yến, y tá của CDC chuyên về tracing, dò tìm sự lan truyền của dịch bệnh, gọi đến tôi. Cô hỏi sinh hoạt của tôi, bắt đầu từ 7 ngày trước khi đi test, cho đến 4 ngày quan trọng nhất là 4 ngày trước khi làm test. Cô hỏi thăm từng ngày tôi đã đi những đâu, đặc biệt là những nơi công cộng, gặp những ai v.v… Cô rất niềm nở và dễ thương, giải thích kỹ những gì tôi thắc mắc. Tôi giật mình vì đúng 7 ngày trước khi làm test, tôi có xuống downtown Salt Lake, một trong 2 điểm nóng về dịch bệnh của Salt Lake County, la cà gần 2 tiếng trong một khu chợ. Dĩ nhiên, trong chợ, khách hàng thì người đeo mask ít hơn người không đeo. Nhưng cũng không hẳn từ ngôi chợ đó. Làm sao chắc chắn được “chàng trai 19” từ đâu nhẩy xổ ra???
Khi thấy mẹ bị dương tính, con trai tôi vội xin được xét nghiệm vì e ngại cháu là tác nhân mang bệnh về cho mẹ. Cháu gọi đến 3 clinics nhưng đều bị từ chối với lý do tuy ở chung nhà nhưng không có “any symptoms” thì không phải test. Chỉ cần giữ social distancing và đeo mask. Đến chỗ thứ 4, cháu nói dối là bị ho nên được hẹn cho thử ngay. Kết quả negative.
Nhà tôi cũng không có bất kỳ triệu chứng nào mặc dầu anh đã trải qua ung thư ruột và thêm một số bệnh nền của tuổi… già.
Qua kinh nghiệm bản thân, tôi chỉ muốn chia sẻ với mọi người một điều quan trọng: Đừng hoảng loạn khi biết mình bị nhiễm Coronavirus. Vì đây là loại vi khuẩn biến chủng mới, lây lan và tấn công rất nhanh, chưa có thuốc chủng ngừa cũng như thuốc điều trị chính thức tại nhà, Bác sĩ chỉ có lời khuyên duy nhất là uống nước nhiều, nghỉ ngơi và cần thì đi CẤP CỨU.
Vâng, CẤP CỨU là điều quan trọng nhất vì chính bạn hiểu rõ cơ thể mình hơn ai hết. Tiến trình của Covid-19 không chậm rãi mà tấn công rất nhanh vào phổi. Đó là lý do Bạn phải là người quyết định và quyết định kịp thời, nên nhập viện lúc nào, đừng để quá trễ. Trong trường hợp nhẹ, “nước biển” giúp Bạn khá tốt trong việc tăng thêm sức lực giữa lúc… ngặt nghèo. Dẫu sao, dù phải vô cấp cứu 2 lần, tôi vẫn biết tôi rất may mắn vì đã bị nhiễm… nhẹ.
Theo CDC Utah, một người bị dương tính COVID-19 sau 3 tuần lễ mà còn… sống thì coi như đã khỏi, không cần test lại. Tôi đã “sống” qua tuần thứ năm, kể từ ngày biết mình dương tính. Tuy nhiên, di chứng của nó thì không rõ bao giờ sẽ chấm dứt. Hơi thở tôi vẫn còn yếu và ngắn, không thể hít thở bình thường như trước. Lồng ngực vẫn rêm rêm đau. Có phải phổi tôi đã bị tổn thương và chưa hồi phục như nhiều nạn nhân của Covid-19 đã trải qua, kẻ nặng, người nhẹ?
Tuy thế, tôi không có điều gì để phàn nàn nàn vì tôi biết, tôi vẫn là một nạn nhân MAY MẮN của COVID-19.
Như thế đủ rồi ! Xin đừng yêu tôi, CHÀNG 19.
Nguyen
Source: https://nguoiviettudoutah.org/76639/

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2020

Con gái Mỹ Tho


Con gái Mỹ Tho xưa nay không chỉ có tiếng đẹp, mặn mòi và có duyên,"ngồ ngộ", nhìn tấm hình này thì có thể hình dung ra những cái thuộc về ngày xưa
“Thấy cô nhỏ thó lại có hường nhan
Chưn mày lan con mắt lộ
Đất Lục Tỉnh này ai ngộ bằng cô”

Mỹ Tho Đại Phố là phố chợ xưa nhứt của miền Nam Kỳ Lục Tỉnh, được lập năm 1623 bỡi tướng tổng binh Long Môn Dương Ngạn Địch, ông là người Tàu tị nạn được chúa Nguyễn cho định cư ở Peam Mesor thuộc Thủy Chân Lạp
Mesor phát âm riết thành M’Tho, và người Việt đọc trại thành Mỹ Tho
Mesor-Mỹ Tho là cô gái da trắng xinh đẹp
Người Mỹ Tho là người lai giữa người Tàu và người Việt,vì lính ông Dương Ngạn Địch lấy vợ người bản xứ mà định cư
Là người có máu Tàu nên dân Mỹ Tho xưa buôn bán rất giỏi,họ lập ra chợ Mỹ Tho sầm uất,có lúc hơn cả Sài Gòn
Mỹ Tho có đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho đầu tiên ở Đông Dương,có cầu tàu lục tỉnh náo nhiệt ngày đêm
Khách từ Sài Gòn theo xe lửa về ga Mỹ Tho ,sau đó ngủ đêm ở Mỹ Tho sáng sớm xuống cầu tàu lục tỉnh đi tiếp đến ba tỉnh Miền Tây
Tàu lục tỉnh từ Sài Gòn ở bến Hàm Tử chạy về Mỹ Tho,Trà Vinh, Sa Đéc, Vĩnh Long, Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu,Phnôm Penh và nhứt định phải ghé qua Mỹ Tho rước thêm khách ở cầu tàu ngay Cầu Quay
Người con gái Mỹ Tho có máu Tàu nên tướng cao dạo,mặt tròn,bầu ,mắt mí lót phần nhiều ,mũi vừa,và tất nhiên là da rất trắng
Nói chung gái Mỹ Tho xưa nay không có tiếng đẹp lộng lẫy,họ chỉ dễ nhìn và có gì đó phúc hậu
Nhiều cô gái Mỹ Tho đậm Tàu nên mắt mí lót và còn xếch nữa
“Gái Mỹ Tho mày tằm mắt phụng
Giặc đến nhà chẳng vụng huơ đao”

Và một câu ca dao xuất xứ từ dân thương hồ neo ghe trên vàm Bảo Định chọc mấy cô chèo ghe bán vàm, “ba trách” là ba cái nồi đất
“Gái Mỹ Tho l... kho ba trách
Con trai xứ này nhóc nhách đòi ăn”

Cái giọng nói của người con gái Mỹ Tho cũng ngộ,nó không có kiểu quê trớt Cái Bè, Cai Lậy "gòi gòi" ,nó không kiểu Bến Te, Ba Ti
Cái giọng Mỹ Tho phải nói là sang hơn giọng miệt dưới, nó pha giữa Gia Định và Miền Tây nên có thể nói là giọng chuẩn của Miền Tây ,không đớt, không trộn hay nuốt âm, nói rõ ràng và ấm cúng
Trong Lục Tỉnh , xứ Mỹ Tho góp vô và để lại một dấu ấn rất đậm đà từ con người tới văn hóa
"Hò ơ....
Chẻ tre bện sáo ngăn sông
Phải chi đó vợ đây chồng mới ưng
Chẻ tre bện sáo cho dày
Ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp em".
Image may contain: 1 person

Source Internet.

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2020

Những thành ngữ có thể bạn hiểu sai

Những thành ngữ bạn có thể hiểu sai (Phần 1)

Hàng ngày chúng ta vẫn sử dụng những thành ngữ quen thuộc do ông cha để lại trong khi nói chuyện hay viết lách. Tuy nhiên, có nhiều thành ngữ mặc dù thường xuyên sử dụng, nhưng câu gốc hay ý nghĩa của nó lại khác xa so với những gì ta nghĩ. Sau đây là một số những thành ngữ như vậy.

Nghèo rớt mùng tơi

Nhiều người vẫn nhầm tưởng mùng tơi ở đây là cây mùng tơi mà chúng ta vẫn thường nấu canh hay dậu mùng tơi trong thơ Nguyễn Bính.
Nhưng thật ra, mùng tơi hoàn toàn khác với những gì bạn nghĩ. Trước đây người nông dân khi ra đồng thường khoác một chiếc áo được đan từ lá cọ để che nắng che mưa gọi là áo tơi. Phần trên cùng của áo tơi được khâu lại để luồn dây đeo qua vai gọi là mùng tơi.
Với những người rất nghèo, họ cứ đeo mãi một cái áo tơi cho đến khi phần dưới rách nát, rụng tơi tả còn mỗi cái mùng tơi sắp rớt (rụng) ra mà vẫn phải sử dụng. Cho nên câu trên muốn nói đến người rất nghèo, nghèo đến tột cùng.

Đều như vắt tranh

Chúng ta vẫn thường nói "đều như vắt chanh", nhưng thực ra câu này không có ý nghĩa. Vì vắt quả chanh thì làm sao mà đều được.
Với những bạn sinh ra trước những năm 7x, các bạn sẽ được biết đến hình ảnh nhà tranh vách đất. Khi lợp mái tranh, người ta sẽ đan những lá cọ (hoặc lá dừa) vào với nhau thành một vắt gọi là vắt tranh. Từ những vắt tranh này mới được đưa lên mái nhà để lợp. Với những người thợ giỏi, họ biết sắp xếp các lá đều nhau nên vắt tranh rất đều và đẹp.
Đều như vắt tranh ý nói làm một cái gì đấy mà sản phẩm rất đồng đều.

Lang bạt kỳ hồ

Khi nghe câu trên nhiều người nghĩ ngay đến hình ảnh một người sống phiêu bạt giang hồ, nay đây mai đó. Nhưng thực ra, đây là một câu thành ngữ Hán-Việt. Lang là con Sói, bạt là giẫm đạp, kỳ là đại từ chỉ chính con sói, hồ là vạt yếm dưới cổ.
Vậy Lang bạt kỳ hồ có nghĩa là con Sói dẫm vào chính cái yếm của nó. Ý nói người náo đó đang rất lúng túng, quẩn quanh không tìm ra lối thoát.

Con cà con kê

Thoạt nghe nhiều người nghĩ ngay là con gà, con kê, tức muốn ám chỉ một người nói vòng vo vì con gà với con kê thực ra là một.
Nhưng nghĩa gốc của nó lại hoàn toàn khác. Ngày xưa làm nông nghiệp, người dân sau khi gieo cây cà, cây kê, đến thời điểm nhổ lên để trồng ra luống người ta cũng buộc lại thành từng bó như bó mạ mà các bạn thấy trên hình, được gọi là con cà, con kê. Việc trồng cà, trồng kê rất mất nhiều thời gian và tỉ mẫn vì phải tách từng cây trong bó ra rồi mới trồng.
Câu con cà con kê ý nói rất dài dòng, không biết bao giờ mới dứt như công việc trồng cà, trồng kê.

Chạy như cờ lông công

Thoạt nghe cứ tưởng cờ lông công chỉ là một từ ghép nghe cho nó vần. Nhưng thực ra cờ lông công là một loại cờ hiệu được sử dụng từ thời xa xưa.
Ngày nay, việc trao đổi thông tin đã có hòm thư điện tử, bạn chỉ cần soạn thảo và một cái nháy chuột là xong. Tuy nhiên, từ thời xa xưa, khi việc di chuyển còn khó khăn thì việc trao đổi thông tin mất rất nhiều thời gian. Khi cần chuyển một thông tin hỏa tốc, người lính trạm dùng tín hiệu là một lá cờ có gắn thêm lông đuôi con công, gọi là cờ lông công. Vì là thông tin hỏa tốc nên người lính trạm khi gắn cờ này thường chạy rất nhanh, chạy qua chạy lại rất nhiều chặng đường.
Vì vậy, để nói đến những người suốt ngày chạy khắp nơi ngoài đường, hoặc chạy vội vã người ta thường sử dụng thành ngữ chạy như cờ lông công.

Những thành ngữ có thể bạn hiểu sai (Phần 2)

Trong phần trước, chúng ta đã được tìm hiểu một số thành ngữ thường được sử dụng trong đời sống hàng ngày nhưng ý nghĩa thực sự nhiều khi lại khác xa so với những gì ta tưởng. Trong phần này, mình xin giới thiệu tiếp những câu thành ngữ như thế.
1. Đanh đá cá cày
Câu này thường để chỉ những người phụ nữ có tính ương ngạnh, không được hiền lành, dịu dàng. Tuy nhiên, do ngôn ngữ vùng miền nên nhiều người đọc thành cá cầy khiến nhiều người tưởng đanh đá như con cá Cầy.
Thực ra, cá cày là một thứ làm bằng gỗ hoặc tre, có hình dáng gần giống với con cá được sử dụng trong chiếc cày thô sơ ngày xưa để điều khiển nâng hoặc hạ bắp cày để có đường cày nông hay sâu theo ý mình. Trong cấu tạo của cả chiếc cày, cá cày có hình dáng rất nhỏ nhưng nó có thể điều khiển được cả chiếc cày theo ý mình.
2. Sư tử Hà Đông
Nhiều người vẫn dùng hình ảnh trên để nói về những bà vợ của mình. Tuy nhiên, không ít người lầm tưởng Hà Đông ở đây là quận Hà Đông, Hà Nội (trước đây thuộc tỉnh Hà Tây). Thực ra, Sư tử Hà Đông lại chẳng liên quan gì đến địa danh Hà Đông của chúng ta mà nó bắt nguồn từ một điển tích bên tận Trung Quốc.
Trần Tạo tự Quý Thường, người đời nhà Tống, quê ở Vĩnh Gia. Vợ của Trần họ Liễu vốn có tính ghen dữ ghê gớm. Quý Thường rất sợ vợ nhưng rất có lòng tôn sùng đạo Phật. Hằng ngày ngồi đọc kinh, vợ lấy làm bực, la hét om sòm, nhưng Trần vẫn điềm nhiên, không dám cự một tiếng.
Tính của Trần cũng hào hoa, bằng hữu nhiều, nên ở nhà thường có yến tiệc. Để tăng phần hứng thú, long trọng của buổi tiệc, Trần chiều khách, mời kỹ nữ xướng ca. Liễu Thị trong phòng mượn điều này, điều nọ, quát tháo om sòm. Trần có lúc hốt hoảng, cầm gậy nơi tay bỏ rơi mất gậy. Bạn thân của Trần là Tô Đông Pha, nhân đó làm một bài thơ đùa cợt trong đó có hai câu như sau:
Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống,
Kinh hoàng bỏ gậy rớt nơi đâu.
Từ đó, sư tử Hà Đông được dùng để chỉ những bà vợ có tính ghen tuông và mỗi khi xảy ra việc gì lập tức nổi cơn tam bành với chồng.
3. Kẻ tám lạng người nửa cân
Mọi người vẫn thường dùng câu trên để nói về cuộc đấu giữa hai đội quân hay hai người cân sức, cân tài. Nhưng tại sao lại là tám lạng với nửa cân mà không phải năm lạng và nửa cân? Thực ra, cân ở đây là cân ta từ ngày xưa: mỗi cân tương đương với 16 lạng, khoảng 0,6kg bây giờ. Vì vậy, nửa cân khi đó bằng đúng tám lạng.
4. Công như công cốc
Nghe có vẻ như hai chữ công cốc người ta chỉ nói cho có vần, có điệu. Nhưng thực chất, chữ cốc ở trong câu thành ngữ này là một loài chim. Con chim Cốc cũng có màu đen và trông giống với con Quạ nhưng kích thước lớn hơn khá nhiều. Chúng là loài chim săn cá điệu nghệ nên nhiều ngư dân thuần hóa chim Cốc để đánh bắt cá. Thường các ngư dân sẽ đeo vào cổ con chim một chiếc vòng để sau khi chim bắt được cá to thì sẽ không thể nuốt được.
Vì vậy mà người ta thường dùng thành ngữ công như công cốc hay đơn giản là công cốc để ám chỉ những việc làm dù rất cố gắng mà không mang lại thành quả.

Lê Anh Tuấn

Source: https://www.ohay.tv/


TẢN MẠN VỀ BÀI THƠ KỶ VẬT CHO EM

TẢN MẠN VỀ BÀI THƠ KỶ VẬT CHO EM
Người viết :Linh Phương

Nhận được email của anh Nguyễn Hòa đề nghị viết về những sự kiện quanh bài thơ “Kỷ vật cho em” mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc gây xôn xao giới yêu thơ, yêu nhạc một thời trước năm 1975, thực tình tôi không biết khởi đầu từ đâu và viết những sự kiện gì, bởi rất nhiều sự kiện và mình có nên viết hay không?
Thôi thì kể lan man một vài chuyện về bài thơ đó vậy! Xuất xứ bài thơ của tôi đăng trên nhật báo Độc Lập vào năm 1970 với tựa đầu tiên “Để trả lời một câu hỏi”, để tặng người con gái tên Hương. Trang sáng tác của tờ báo này do Âu Lăng (tức nhà thơ Trần Dạ Từ, chồng của nhà văn Nhã Ca) phụ trách. Tôi thường xuyên đăng bài ở trang báo này, có thể nói một tháng 30 ngày thì bài của tôi xuất hiện khoảng hơn 20 ngày với tên Linh Phương, Vương Thị Ái Khanh và Phạm thị Âu Cơ.
Khi nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc với duy nhất tên ông, tôi không có phản ứng gì. Nhưng tôi có người bạn làm việc ỡ hãng tin THT đã đưa vấn đề tác quyền lên trang tin tức của 1 tờ báo đại ý “Tác giả Kỷ vật cho em” sẽ kiện nhạc sĩ Phạm Duy ra tòa. Tiếp theo là tờ tuần báo Sân Khấu Truyền Hình của Phan Bảo Quân cho in nột bài viết đề cập tác quyền và tên Linh Phương phải được để là đồng tác giả bản nhạc “Kỷ vật cho em”.
Thời đó ở Sàigon có trên 20 tờ Nhật báo và 30 tờ Tuần báo và rất nhiều Tạp chí, bán Nguyệt san, Nguyệt san. Và chuyện tác quyền giữa tôi và nhạc sĩ Phạm Duy đều có bài viết, thư nhạc sĩ Phạm Duy gởi tôi, thư tôi trả lời… hầu hết trên báo chí lúc ấy.
Cuối cùng thì một người cháu của nhạc sĩ Phạm Duy là Phạm Duy Nghĩa tìm gặp tôi tại địa chỉ 104/231 đường Yersin nhà người bạn thân của tôi là Vũ Trọng Quang.
Phạm Duy Nghĩa đưa tôi đến phòng trà ca nhạc Đêm Màu Hồng nơi ban Thăng Long thường xuyên trình diễn.
Ở đây, tôi và nhạc sĩ Phạm Duy đã có sự thông cảm với nhau về vấn đề bài thơ “Kỷ vật cho em”. Nhạc sĩ Phạm Duy chở tôi trên chiếc xe “trắc xông” đen đến phòng trà ca nhạc Queen Bee do nhạc sĩ Ngọc Chánh làm chủ. Ở Queen Bee, nhạc sĩ Phạm Duy đã giới thiệu tôi trước công chúng về tác giả bài thơ “Kỷ vật cho em”. Sau cái bắt tay giữa tôi và nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Ngọc Chánh, quái kiệt Trần văn Trạch, nữ ca sĩ Thái Thanh đã trình bày bài thơ phổ nhạc này.
Sáng hôm sau, tôi đến tư gia của nhạc sĩ Phạm Duy ở 215 E/2 đường Chi Lăng Phú nhuận ăn cơm và ký hợp đồng bài thơ “Kỷ vật cho em” tại đây. Trong bản hợp đồng tiền tác quyền là 30,000 đồng (thời điểm đó giá vàng – nếu tôi nhớ không lầm là khoảng 10,000 đến 12,000 đồng) nhưng thực tế thì nhạc sĩ Phạm Duy trả tôi 50,000 đồng (30,000 đồng chèque nhận ở Pháp Á Ngân hàng – 20,000 tiền mặt).
Lúc bản “Kỷ vật cho em” được hát là lúc cuộc chiến tranh Việt Nam trở nên dữ dội, nên đã gây những chấn động lớn lao vào tâm hồn của những Quân nhân Sàigòn cũng như trong tầng lớp dân chúng. Như trong hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy phát hành ở hải ngoại đã dành chương 20 viết về “Kỷ vật cho em” và tác giả có đoạn… “Tôi hát bài này trước tiên ở phòng trà Ritz của Jo Marcel với ban nhạc Dreamers rồi hầu hết các ca sĩ từ Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Thanh Lan và Nhật Trường đều thu thanh vào băng nhạc. Bài hát trở thành một hiện tượng lớn thời đó. Ở phòng trà – khi ca sĩ hát bài đó lên bao giờ cũng có sự náo động nơi khán thính giả, nếu là thường dân thì phản ứng cũng vừa phải, nhưng vì hồi đó dân nhà binh ở 4 vùng Chiến thuật về Sàigòn là đi phòng trà và khi trong đám thính giả có 1 sĩ quan đi nghỉ phép hay 1 thương phế binh là có sự phản ứng ghê hồn nơi người nghe. Có thể nói bài này gây một không khí phản chiến nhưng có một cái gì cao hơn chính trị. Nó nói đến định mạng của con người VN mà ai cũng phải chấp nhận cuộc chiến tranh càng ngày càng trở nên khốc liệt, nhất là cuộc hành quân Lam Sơn 719 qua bên kia Hạ Lào”.
Có nguồn tin tôi đã nằm lại ở Hạ Lào, không biết xuất phát từ đâu và cái chết của Linh Phương, tác giả “Kỷ vật cho em” còn có bài viết của tác giả Trần Tường Trình đăng trên nhật báo Sóng Thần của Chu Tử và một số phân ưu chia buồn trên các báo khác. Rồi mặt trận Kampuchea bùng nổ – tôi lại được khai tử lần nữa tại chiến trường này.
Lúc đó anh Thiện Mộc Lan, ký giả báo Đuốc Nhà Nam đã có công tìm sự thât về cái chết của tôi. Sau nhiều ngày tìm hết chỗ này đến chỗ khác qua nhiều người, ký giả Thiện Mộc Lan đã đến nhà nhạc sĩ Phạm Duy – như tác gỉa bài báo kể… Chúng tôi chợt nhớ nghĩ đến nhạc sĩ Phạm Duy, hy vọng rằng giữa nhạc sĩ và nhà thơ có nhiều liên hệ từ “Kỷ vật cho em” ra đời , thế nào nhạc sĩ Phạm Duy cũng biết rõ về Linh Phương. Khi nghe chúng tôi báo tin Linh Phương chết, nhạc sĩ Phạm Duy sửng sốt. “Linh Phương mới thăm tôi cách đây nửa tháng mà… lẽ nào… như vậy được. Ôi dzời, tôi nghĩ anh ta chưa chết đâu…”.
Được nhạc sĩ Phạm Duy ghi cho địa chỉ, ký giả Thiện Mộc Lan tìm đến tư gia nhà thơ Vũ Trọng Quang và gặp tôi tại đây.
Báo Đuốc Nhà Nam đã đăng loạt bài 4 kỳ báo qua những tít:
– Nhà thơ có nhiều huyền thoại, tác giả “Kỷ vật cho em” Linh Phương còn sống hay đã vĩnh viễn ra đi.
– Liên lạc khắp nơi Đuốc Nhà Nam mới tìm ra tông tích tác giả “Kỷ vật cho em”.
– Linh Phương thích làm thơ nhưng không mang danh thi sĩ.
Thực ra, không chỉ bài thơ “Kỷ vật cho em” tốn nhiều giấy mực báo chí, mà còn có 2 bài thơ đăng cùng một số báo trên tờ tuần báo Khởi Hành của Hội văn nghệ sĩ Quân Đội Sàigon đó là bài thơ “Bài cho chiến trường Đông Dương” nói về cái chết của người Việt Nam trên đất Kampuchea, Hạ Lào và bài thơ “Từ giã bọn mày” nói về thân phận của những lao công đào binh. Tôi chỉ còn nhớ 3 khổ thơ của bài này như sau: Từ giã bọn mày
Từ giã bọn mày tao lên núi
Mặc áo lao công đập đá xây thành
Làm bạn vắt mòng chống với muỗi
Đáp lũy thông hào chờ cuộc giao tranh
Từ giã bọn mày tao đi nhặt nốt
Vỏ đạn đồng rơi rớt giữa quê hương
Từ giã bọn mày tao đi nhặt nốt
Dưới ruộng – dưới đồng – những máu – những xương
Từ giã bọn mày xin đừng đưa tiễn
Dù một lần tao làm gã tội nhân
Từ giã bọn mày tao xuống biển
Tay ngoằn ngoèo vẽ trọn chữ Việt Nam
Khi báo phát hành khoảng 2 giờ sau thì bị cảnh sát tịch thu tất cả những số báo còn lại. Đấy là một trường hợp không hai vì đây là tờ báo của Hội văn nghệ sĩ Quân Đội.
Sau 1975, đúng hơn là năm 1978, tôi từ Côn Đảo lăng bạt về Cà Mau – ba chìm bảy nổi, bị người ta “đánh” tơi tả, không có chỗ dung thân, dạt về Kiên Giang, cho đến bây giờ.
Có những lúc tôi chảy nước mắt khi tự hỏi tại sao người ta không sống với nhau bằng tấm lòng để cư xử với nhau tử tế hơn?
Có lẽ tôi lan man hơi nhiều, dù còn biết bao chuyện quanh bài thơ “Kỷ vật cho em”, mà tôi chưa kể hết. Chỉ hy vọng một ngày nào đó tôi viết một cuốn hồi ký, họa may mới dàn trải được số phận của “Kỷ vật cho em”. Kỷ vật cho em (Thơ Linh Phương)
Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Không bằng chiến trận Pleime
Hay Đức Cơ – Đồng Xoài – Bình Giả
Anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng
Mai trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Mai trở về bờ tóc em xanh
Vội vã chít khăn sô vĩnh biệt
Mai anh về em sầu thê thiết
Kỷ vật đây viên đạn mầu đồng
Cho em làm kỷ niệm sang sông
Đời con gái một lần dang dở
Mai anh về trên đôi nạng gỗ
Bại tướng về làm gã cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá

Thì thôi hãy nhìn nhau xa lạ
Em nhìn anh – ánh mắt chưa quen
Anh nhìn em – anh sẽ cố quên
Tình nghĩa cũ một lần trăn trối.
Source: https://www.vntv.online/?p=4914

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2020

Một bài thơ hay của Trịnh Công Sơn




Một nhóm những người yêu thơ mời tôi tham gia chọn một chùm những bài thơ tình hay của thế kỷ. Tôi tiến cử một bài, đó là ca từ bài hát “Đêm thấy ta là thác đổ” của Trịnh Công Sơn.
Một đêm bước chân về gác nhỏ
Chợt thấy đoá hoa tường vi
Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ
Giờ đây đã quên vườn xưa
Một hôm bước qua thành phố lạ
Thành phố đã đi ngủ trưa
Đời ta có khi tựa lá cỏ
Ngồi hát ca rất tự do
Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà
Từ những phố kia tôi về
Ngày xuân bước chân người rất nhẹ
Mùa xuân đã qua bao giờ
Nhiều đêm thấy ta là thác đổ
Tỉnh ra có khi còn nghe
****
Một hôm bước chân về giữa chợ
Chợt thấy vui như trẻ thơ
Đời ta có khi là đốm lửa
Một hôm nhóm trong vườn khuya
Vườn khuya đoá hoa nào mới nở
Đời ta có ai vừa qua
Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ
Tôi thấy quanh đây hồ như
Đời ta hết mang điều mới lạ
Tôi đã sống rất ơ hờ
Lòng tôi có đôi lần khép cửa
Rồi bên vết thương tôi quì
Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia.
Ca từ bài này (tách khỏi nhạc) hoàn toàn đứng được như một bài thơ. Một bài thơ hay.
Đọc bài thơ ta đi vào thế giới mơ mơ của gác nhỏ và đốm lửa, của lá cỏ và lời khấn nhỏ, của đoá hoa mới nở và bước chân người rất nhẹ… Trong thế giới nhỏ nhẹ này có thác đổ. Sự mãnh liệt của tình yêu thường được so sánh với bão táp (Cơn bão tới rồi, tiếng rì rầm nước, lửa…, Maiacopxki). Cơn bão nào rồi cũng tan. Trận bão nào cũng để lại tan hoang, phá phách. Thác đổ cũng mãnh liệt. Nhưng đây là sự mãnh liệt vĩnh cửu và không hề có sự phá phách. Thác đổ là “tình yêu vô cùng”.
Không thể không nói đến không gian thành phố trong bài thơ này.
Một hôm bước qua thành phố lạ
Thành phố đã đi ngủ trưa…
Dễ từ Nguyễn Bính, phố đã vào thơ. Và tiếp theo phố tỉnh là phố huỵện, phố nhỏ, phố buồn, phố cảng, phố núi… Nhưng chưa có thành phố. Trịnh Công Sơn phát hiện chất thơ của thành phố: những giấc mơ và những chiều lộng gió, không gian màu áo bay lên và những con đường nằm nghe nắng mưa… (hẳn là thành phố biết ơn người nghệ sĩ đã dốc hết tinh hoa để nhân loại hoá nó). Đồng thời cảm nhận sâu sắc âm hưởng bi kịch của thành phố “hoang vu” , thành phố “không hồn”.
Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia.
Rất có thể bên đời kia là “sa mạc thành phố”, nỗi ám ảnh không riêng gì của người nghệ sĩ du ca.
Tình yêu không bao giờ cũ và hình như cũng không bao giờ mới. Ấn tượng tính hiện đại trong thơ Trịnh Công Sơn là ở cảm quan thành phố của tác giả.
Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và nhạc sĩ Văn Cao hết sức coi trọng ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn. Nguyễn Xuân Khoát: “Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra”. Văn Cao: “với những lời,ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ, ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ”. Thơ Việt hiện đại không thể thiếu những bài thơ hay trong ca khúc Trịnh Công Sơn.
“Tài hoa, tinh tuý đã cất cánh từ những ca khúc đầu tay và độc chiếm một đường bay ngoạn mục, sầu muộn của văn chương lãng mạn thế kỷ này” (lời của Kim Ngọc, nhạc sĩ Hà nội trả lời bài phỏng vấn của Hoàng Ngọc Hiến về ca khúc Trịnh Công Sơn).
Hoàng Ngọc Hiến
Source: https://nhactrinh.vn/mot-bai-tho-hay-cua-trinh-cong-son/

30 Bản Hòa Tấu Saxophone Những Tình Khúc Nhạc Pháp




Source: https://www.youtube.com/watch?v=DQ59tyVXcKY

Có một nhà thơ tên Trịnh Công Sơn



Người ta vẫn gọi Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ chứ chưa mấy ai gọi anh là nhà thơ, dù anh cũng đã in dăm ba bài thơ lẻ. Cũng có người gọi anh là “người thơ ca” hay “người hát thơ”, nghĩa là, anh là người tác hợp giữa thơ và nhạc. Nhưng với tư cách là một nhà thơ, tôi đã khảo sát ca từ của Trịnh Công Sơn, và tôi dám khẳng định rằng, anh chính là một nhà thơ đích thực.
Cho dù khi sáng tác ca khúc, Trịnh Công Sơn có thể viết lời và nhạc cùng một lúc, hoặc có đoạn lời viết sau khi đã có nhạc, hay trước khi “phổ nhạc” thì mỗi lời ca của anh đều là những bài thơ hoàn chỉnh kể cả về ý, tứ, cấu trúc, ngôn từ và cảm xúc. Mà Trịnh Công Sơn không phải là một nhà thơ bình thường, anh là nhà thơ rất độc đáo ôm chứa tư tưởng nhân sinh và thời cuộc với một thi pháp khá riêng biệt trong thơ Việt.
Trịnh Công Sơn rất nhuần nhuyễn trong các thể thơ truyền thống như lục bát, đồng dao. Ngay từ lần nghe đầu tiên ca khúc Ở trọ, tôi đã phát hiện ra đấy là một bài thơ lục bát rất tài hoa. Từ cái chuyện ở trọ bình thường trong đời, anh đã đẩy liên tưởng tới cái “cõi tạm” chốn trần gian trong triết lý của Đạo Phật với một cách nói thoải mái, thông minh và hóm. Anh nhìn thấy con chim ở trọ trên cành cây, con cá ở trọ dưới nước, cơn gió ở trọ giữa đất trời, rồi đẩy tới một khái quát bất ngờ:
Trăm năm ở đậu ngàn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn
Có những liên tưởng còn bất ngờ hơn khi nói tới vẻ đẹp ở trọ trong thân thể, hay tâm hồn của người nữ:
Môi xinh ở đậu người xinh
Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều
Vì thế mà có câu:
Xin cho về trọ gần nhau
Mai kia dù có ra sao cũng đành
Và khi con người đã ở trọ vào nhau bằng tình yêu thì dù có phải xa rời cõi tạm, vẫn mãi mãi khăng khít cùng nhau:
Tim em người trọ là tôi
Mai kia về chốn xa xôi cũng gần
Nhiều bài thơ phỏng theo nhịp đồng dao (bốn chữ) khá thành công nhờ cách lập tứ và chọn từ như Em đi qua chiều/ Cũng sẽ chìm trôi / Nhật Nguyệt trên cao – Ta ngồi dưới thấp, nhưng có lẽ Ngụ ngôn mùa đông mới là một bài thơ bốn chữ gây ấn tượng khó phai mờ trong lòng người đọc. Bài thơ nói về “Một người Việt Nam – Đi ra dòng sông – Nhớ về cội nguồn… Đi lên đồi non – Nhớ về cội nguồn” thật tươi đẹp, thật máu thịt, rồi bỗng:
Một ngày mùa đông
Trên con đường mòn
Một chiếc xe tangTrái mìn nổ chậm
Người chết hai lần
Thịt da nát tan…
Người Việt ấy chết rồi lại còn phải chết thêm một lần nữa vì “trái mìn nổ chậm” của chiến tranh. Cái tứ thơ này không chỉ chia xẻ với cái chết đau thương tang tóc của con người mà còn có sức mạnh tố cáo chiến tranh thật sâu sắc:
Súng từ thị thành
Súng từ ruộng làng
Nổ xé da non
Phố chợ thật buồn
Cuộn giây gai chắn
Chắc mẹ hiền lành
Rồi cũng tủi thân
Nhịp thơ năm chữ trong thơ Trịnh Công Sơn cũng xuất hiện không ít, và lặng lẽ tuôn chảy trong veo buồn thương, ngơ ngác. Khi thì khao khát hồn nhiên: “Môi nào hãy còn thơm – Cho ta phơi cuộc tình – Tóc nào hãy còn xanh – Cho ta chút hồn nhiên”, khi thì hoang vắng, lạnh câm: “Như đồng lúa gặt xong – Như rừng núi bỏ hoang – Người về soi bóng mình – Giữa tường trắng lặng câm”, khi thì tuyệt vọng ngậm ngùi: “Không còn, không còn ai – Ta trôi trong cuộc đời – Không chờ, không chờ ai” (Ru ta ngậm ngùi), và có lúc đầy mộng mơ khao khát giữa ưu phiền: “Tôi con chim thanh bình – Mơ được sống hồn nhiên – Như hoa trên đồng xanh – Một sớm kia rất hồng” (Như chim ưu phiền). Nhịp thơ năm chữ vốn rất phổ biến trong đối đáp dân gian, nhưng với Trịnh Công Sơn, nó trở nên lồng lộng, thênh thang và quý phái:
Người ngỡ đã xa xăm
Bỗng về quá thênh thang
Ôi áo xưa lồng lộng
Đã xô dạt trời chiều
(Tình nhớ)
Cùng với những ý thơ bất ngờ đến từ trong vô thức:
Trăng muôn đời thiếu nợ
Mà sông không nhớ ra
Hoặc:
Cây trưa thu bóng dài
Và tôi thu bóng tôi
Tôi thu tôi bé lại
Làm mưa tan giữa trời…
(Biết đâu nguồn cội)
Ít thấy nhịp thơ sáu chữ ở Trịnh Công Sơn, nhưng không phải là không có. Câu thơ sáu chữ xuất hiện đan xen trong nhiều bài thơ của anh thường tạo được hiệu quả lạ, như một dấu nhấn của cảm xúc và ý tưởng. Ví dụ như trong bài Nhìn những mùa thu đi, sau mỗi câu năm chữ là câu sáu chữ khá hay: “… Em nghe sầu lên trong nắng… Nghe tên mình vào quên lãng… Tay trơn buồn ôm nuối tiếc”.
Bài Ru em là một bài thơ lục ngôn từ đầu đến cuối:
Ru em ngủ những đêm khuya
Ru em ngủ những âm u
Ru em cùng những u mê
Ru em dù đã chia xa…
Nhân nói đến thơ lục ngôn; bỗng nhớ đến một bài thơ nhịp 3 hết sức đặc biệt của Trịnh Công Sơn. Đó là bài Mưa hồng:
Trời ươm nắng
Cho mây hồng
Mây qua mau
Em nghiêng sầu
Còn mưa xuống
Như hôm nào
Em đến thăm
Mây âm thầm
Mang gió lên…
Điều đó nói lên sự đa dạng và tài hoa của Trịnh Công Sơn khi sử dụng thi điệu, bởi thơ nhịp 3 thường tươi vui nhí nhảnh, mà ở đây lại tả cái tâm trạng thương nhớ xa xăm: “Người ngồi xuống/Xin mưa đầy/Trên hai tay/Cơn đau dài”…).
Nhịp thơ thất ngôn là một sở trường của Trịnh Công Sơn. Dường như anh thẩm thấu Đường thi, nhưng hơi thở thì đã khác. Những câu thơ bảy chữ vào bài hát của anh rất tự nhiên. Nhiều bài thơ (bài hát) đã mở đầu bằng câu thơ bảy chữ thật nhẹ nhàng như chẳng có một cố ý nào. Có thể dẫn ra nhiều những trường hợp như vậy: “Một đêm bước chân về gác nhỏ”, “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi”, “Trên đời người trổ nhánh hoang vu”, “Người đi quanh thân thế của người”, “Vẫn thấy bên đời còn có em”…
Cũng là thơ thất ngôn, nhưng cách gieo nhiều vần bằng liên tiếp theo cảm hứng âm nhạc, đã khiến cho thơ anh không bị gò ép vào khuôn thước cổ thi, mà thoát ra, phong quang và mềm mại hẳn lên. Có những đoạn thơ chỉ gieo toàn vần bằng:
Màu nắng hay là màu mắt em
Mùa thu mưa bay cho tay mềm
Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm
Rồi có hôm nào mây bay lên
Lùa nắng cho buồn vào tóc em
Bàn tay xôn xao đón ưu phiền
Ngày xưa sao lá thu không vàng
Và nắng chưa vào trong mắt em
Cũng có khi, thơ thất ngôn của anh được gieo vần trắc:
Em đi biền biệt muôn trùng quá
Từng cơn gió và từng cơn gió
Em đi gió lạnh bến xa bờ
Từng nỗi nhớ trùng trùng nỗi nhớ
Lại có khi thơ thất ngôn được tổ chức theo từng khổ ba câu với những hình ảnh thật đẹp, thật lạ như: “lòng như khăn mới thêu”, “lòng như nắng qua đèo”, chỉ đọc một lần là bâng khuâng xao xuyến mãi:
Mười năm xưa đứng bên bờ dậu
Đường xanh hoa muối bay rì rào
Có người lòng như khăn mới thêu
Mười năm sau áo bay đường chiều
Bàn chân trong phố xa lạ nhiều
Có người lòng như nắng qua đèo
Các thi ảnh vừa tươi mới vừa lạ lùng cứ nối tiếp nhau hiện lên trong thơ Trịnh Công Sơn để đẩy tứ thơ đến tận cùng bất ngờ: “Có một dòng sông đã qua đời”. Tại sao dòng sông lại qua đời? Phải chăng, đấy chính là dòng sông biểu tượng cho tình yêu đã cạn!
Trịnh Công Sơn thuộc thế hệ những người mê đắm Thơ Mới, và thể thơ tám chữ mà các thi sĩ của phong trào Thơ Mới đã có công cải hóa và Việt hóa từ thơ Pháp có một nhịp điệu dễ mê hoặc lòng người. Trịnh Công Sơn tiếp thu nhịp điệu này, và chính âm nhạc đã thêm một lần nữa làm thơ tám chữ:
Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa
Giọng người gọi tôi nghe (tiếng) rất nhu mì
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ
(Bên đời hiu quạnh)
Hoặc dùng lại đúng cái nhịp Thơ Mới vẫn thường dùng, nhưng tinh thần thì đã khác:
Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông
Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em là tôi và tôi cũng là em
(Tôi ơi đừng tuyệt vọng)
Một thi sĩ với rất nhiều cung bậc trong điệu nhạc tâm hồn, Trịnh Công Sơn thả sức bay lượn trong các nhịp thơ tự do đầy phóng túng. Những câu thơ dài ngắn khác nhau cứ tung tẩy trong các bài thơ tự do của anh. Khi thì triết lý: “Tình yêu như trái phá con tim mù lòa”, khi thì lộng lẫy: “Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay”, khi thì trùng điệp: “Bốn mùa thay lá thay hoa thay mãi đời ta”, “Rừng núi dang tay nối liền biển xa – Ta đi, vòng tay lớn mãi để nối sơn hà”, khi thì gập ghềnh mệt mỏi: “Ngựa buông vó/ Người đi chùng chân đã bao lần/ Nửa đêm đó/ Lời ca dạ lan như ngại ngùng/ Vùng u tối/ Loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng”, và có khi nhịp điệu trôi xa như sông bỗng quay về gần gũi như mưa:
Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ
Ôi những dòng sông nhỏ
Lời hẹn thề là những cơn mưa
Dù là phóng túng trong thơ tự do, nhưng vần điệu và ý tưởng lạ và đẹp ở thơ anh giống như chiếc neo thuyền, neo vào lòng người để nó chẳng bao giờ trôi đi vô vọng.
Có lẽ Trịnh Công Sơn là nhà thơ được người ta thuộc nhiều nhất. Điều đó không lạ, bởi thơ anh luôn có sự truyền tải diệu vợi bằng âm nhạc của chính anh. Nhưng cũng có thể nói ngược lại, âm nhạc của Trịnh Công Sơn luôn được thơ nâng cánh. Trong ca từ của anh có rất nhiều những câu thơ thật hay như:
– Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em, biết không?
Để gió cuốn đi!
– Làm sao em biết bia đá không đau
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau
– Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
– Mùa xanh lá
Loài sâu ngủ quên trong tóc chiều
– Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tim yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người
– Chiều nay em ra phố về
Thấy đời mình là những quán không
Bàn im hơi bên ghế ngồi
Ngày đi đêm tới đã vắng bóng người
– Bàn chân ai rất nhẹ
Tựa hồn những năm xưa
– Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau
– Mẹ là nước chứa chan
Trôi giùm con phiền muộn
Cho đời mãi trong lành
Mẹ chìm dưới gian nan
– Hà Nội mùa thu
Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ
Nằm kề bên nhau
Phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu
Nhớ đến một người để nhớ mọi người…
Có một tập ca khúc thời trẻ của Trịnh Công Sơn mang tên là Kinh Việt Nam. Phải chăng, trong sâu thẳm lòng mình, anh khao khát sáng tạo ra những bài kinh cầu cho dân tộc, cho tình yêu và cho thân phận? Đây chính là bài kinh cầu bên bờ vực linh hồn cần được cứu rỗi. Những bài kinh ấy chính là những bài thơ còn lại của Trịnh Công Sơn với một niềm yêu tin “gần như là tuyệt vọng” đã vượt lên số phận chia sẻ với đương thời và hậu thế, đấy là lòng tin vào con người khởi nguồn từ dòng cảm xúc tự nhiên, vượt qua cả tôn giáo và định kiến, bởi vì hương thơm đã sẵn đốt trong hồn (chữ của Chế Lan Viên). Cũng với một lòng tin như vậy, tôi xin mạn phép đổi một chữ trong câu thơ của anh để tạm kết thúc bài viết này:
Ngày sau sỏi đá cũng cần có THƠ!
Nguyễn Trọng Tạo
Source: https://nhactrinh.vn/co-mot-nha-tho-ten-la-trinh-cong-son/