Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

Cây nến



VIDEO
 


Có một cô gái trẻ vừa chuyển nhà mới. Cô phát hiện ra hàng xóm nhà mình là một phụ nữ goá chồng, nghèo, sống với hai đứa con nhỏ.
 
Một ngày nọ, khu phố bị mất điện đột ngột. Cô gái trẻ đang lục lọi trong ngăn kéo bàn để lấy nến ra thắp sáng căn phòng. Đúng lúc đó thì có tiếng gõ cửa. Hoá ra là đứa bé nghèo con nhà hàng xóm.
 
Nó hồi hộp hỏi: "Cô ơi cô, nhà cô có nến không ạ?"
Cô gái trẻ nghĩ: " Nhà nó nghèo đến nỗi nến cũng không có mà dùng ư? Cho nhà nó một lần, lần sau nó lại sang xin nữa cho mà xem!"
 
Thế là cô gái xẵng giọng lạnh lùng nói: "Không có!"
 
Cô đang định đóng cửa lại thì đứa trẻ nghèo nhà hàng xóm mỉm cười nói: "Cháu biết ngay là nhà cô không có nến mà!"
 
Nói xong, nó chìa ra hai cây nến: "Mẹ cháu với cháu sợ cô chỉ sống có một mình, cúp điện không có nến nên bảo cháu mang nến sang cho cô dùng tạm nè"
 
Cô gái đứng sững sờ không nói được một lời ...


Source Internet.

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2019

Tứ đại thánh đường ở Vatican



Wikipedia:
o0o





Tập tin:SantaMariaMaggiore front.jpg

File:Piazza Esquilino, Santa Maria Maggiore.JPG







Tập tin:Vatican StPeter Square.jpg

Tập tin:Watykan Bazylika sw Piotra.JPG





Capture-d-ecran-2011-09-06-a-09.45.24.png



File:Roma San Paolo fuori le mura BW 1.JPG






File:Facade San Giovanni in Laterano 2006-09-07.jpg




Emblem of the Papacy SE.svg




Source Internet.

Xí Quách chân kinh


Xí quách là gì? Hà, hà. Đơn giản xí quách là trư cốt, là xương heo đọc theo âm Quảng Đông. Hồi đầu mới du nhập Việt Nam, xí quách chỉ là xương heo, nhưng sau xương bò, xương gà, xương gì gì nữa cũng được kêu tuốt là xí quách. Xương heo để nấu nước lèo hủ tiếu (phở thì dùng xương bò).
Nó nè!
xi quach1

Chiều chiều, các bợm nhậu thường ghé quán hủ tiếu gọi một tô xí quách lai rai. Chừng mà chủ quán kêu hết xí quách rồi thì coi như đời tàn, chẳng còn gì vui hết, lại phải về sớm với bà vợ lắm điều. Mà nhiều khi còn bị vợ hỏi xóc hông “Ông chơi với bạn bè ra sao mà người ta không cho vô bàn nhậu, phải về sớm vậy nè, hả?”. Xương còn cứng thì dáng người thẳng thớm. tướng đi hùng dũng. Xương loãng rồi tướng đi lòm ròm, đầu gối lủng củng còn gì là uy phong. Ngoài ra, xương sống mà nhất là tủy sống là nơi sản sinh ra cội nguồn sự sống. Lớn tuổi rồi, bộ máy sinh học đã mệt mỏi theo năm tháng, phần cần dùng lúc nào cũng nhiều hơn năng lực sản xuất. Không biết cách điều tiết thì nhiều khi phải ăn vào vốn, là nguy cơ đi gặp ông bà sớm. Vậy là hết xí quách rồi.
nhau xi quach
Giờ bàn qua hủ tiếu. Hủ tiếu là món ăn gốc Tàu. Gọi người Hoa là dân Tàu hoàn toàn không có ý khi dễ. Nguyên xưa người Hoa “phản Thanh phục Minh’ trốn chạy nhà Thanh di cư xuống Đông Nam Á bằng tàu biển nên dân Việt gọi họ là dân Tàu. Người Việt là anh Hai rồi thì người Hoa là Ba Tàu thôi chứ biết sao. Hủ tiếu có ba loại là Hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho và hủ tiếu Tàu. Không biết ba loại này khác nhau ra sao, ai biết chỉ giùm. Có dịp ở Phnom Pênh, tui hỏi ngừơi Miên, họ gọi đó là món đọc nghe như Ku Tíu. Vậy có thể đoán món đó từ người Tàu ở Nam Vang có trước rồi mới truyền sang Miền Nam. (Ngoài Bắc ảnh hưởng của Tàu nhiều hơn nhưng không có món này). Sợi hủ tiếu xưa gốc bằng bột gạo, sau này để sợi thêm dai, họ cho nhiều bột năng. Muốn ăn hủ tiếu gạo, phải về Miền Tây mà trong miệt vuờn mới có. Hủ tiếu nước thì có nhiều quán ăn được nhưng như tui là fan của hủ tiếu khô thì hơi khó tìm quán nấu ngon. Trước kia kêu tô khô, chỉ cần trộn đều là vừa ăn, đi kèm là chén nước lèo có thịt bằm và hành lá nổi đầy mặt chén. Còn giờ bắt buộc phải xịt thêm nước tương (nước tương lại không rõ nguồn gốc), còn chén nước lèo trong veo, nhiều khi hơi mặn, phải bỏ, tiếc hùi hụi.
Kêu sẵn cho mỗi người một tô đây:
hu tieu xuong
Còn đây là xí quách  (Xí quách này hơi xịn, thịt không hà)
xi quach nac nhieu
Có món ngon rồi, lại phải biết cách ăn mới thú. Tui có sưu tầm được cái kêu là “triết lý gặm xương” xin chép lại đây chia sẻ với mọi người:
Cái thú thứ nhất về khẩu vị trong việc gặm xương là hưởng được những bất ngờ. Dĩ nhiên cục xương phải là loại xương có thịt như giò heo, đuôi bò, hoặc xí quách. Xương như xương nấu nước lèo phở thì chẳng còn gì để gặm; xương ở nhà hầm thì được vì còn dính nhiều thứ. Xương nước lèo phở phải là loại xương trắng, đã bị cạo bỏ tất cả những gì bám bên ngoài, và thụt bỏ tuỷ bên trong. Nước lèo của tiệm phở trong veo như nước mưa, mùi thơm nức. Để chuẩn bị nấu nước lèo, thấy họ nạo xương ống sạch trơn bên ngoài, rồi cưa ra thọc bỏ tuỷ bên trong; nếu còn dính tí gì thì nước đục, không thơm. Xương như vậy thì chẳng còn gì để gặm. Xương còn dính thịt cho ta cái bất ngờ là lúc đang gặm tí thịt còn lắt léo trong góc kẹt của cục xương thì bỗng sựt một cái, ta cắn được một miếng gân hoặc một miếng sụn dòn. Đang gặm tí da tí mỡ của giò heo thì lại đớp được một mẩu thịt nạc. Khoái hơn nữa là gặm cái sụn giòn tan nằm cuối xương ống chân gà, nhất là loại gà công nghiệp. Những khi ăn đám ăn tiệc, ta buộc lòng phải bỏ mấy cái xương gà loại này vì muốn bảo toàn danh dự, tuy lòng tiếc hùi hụi. Hưởng được những bất ngờ đó khoan khoái như “tha hương ngộ cố tri” hoặc “nắng hạn gặp mưa rào.” Lòng ta phơi phới. Ta nhai nhai một tí, rồi tợp một tợp hoặc tu một tu.
xi quach 2
Cái thú thứ hai là hưởng được nhiều thứ cùng một lúc. Tuỳ là bò, gà, hay heo, những thứ bám vào xương có thể kể ra nhiều: thịt nạc, thịt mỡ, gầu, nạm, da, sụn, gân, tuỷ. Cục xương to nhất không hơn nắm tay như giò heo hoặc đuôi bò, dài khẳng khiu không hơn cây bút chì như xương chân gà, lại cho ta nhiều thứ để thưởng thức như vậy. Ăn thịt heo luộc thì chỉ có nạc và mỡ, ăn bít tết thì chỉ có thịt, ăn nem thì có thịt có da; không thức ăn nào cho ta hưởng được nhiều thứ như gặm xương. Có lẽ vì sảng khoái như vậy nên dân nhậu thường lấy xương làm mồi. Ở Sài gòn lúc trước, nhiều dân thầy dân thợ sau khi tan sở tạt vào một xe xí quách, loại xe phở đậu trên vỉa hè, lai rai một vài xị hay vài chai trước khi về nhà. Rỉa một miếng xí quách, chấm vào xì dầu (nước tương) có pha tương ớt, cho vào miệng nhai, rồi ngẫm nghĩ, “Đời cũng còn nhìều thú vui đơn sơ mà đáng sống.” Mà đúng thật, ăn xí quách cũng như sống cuộc đời, đủ mùi vị khi ngọt bùi, khi cay đắng, khi đầy toan tính, khi thực bất ngờ. Ấy là chưa kể nhấm thêm vài lá húng quế hoặc ngò mùi, ngò gai, cắn một tí ớt. Cộng hưởng với men nồng của rượu, thực không có gì tiêu biểu cho cuộc đời lên voi xuống chó cho bằng gặm xương.
xi quach 3
Gặm xương còn là một liều thuốc bổ, Calcium. Không hiểu sao nhiều người phải mua calcium về uống, trong khi xương là nguồn calcium vô tận. Thử hỏi uống một viên Calcium, vừa nhạt nhẽo vừa nóng, sao cho bằng gặm một cục xương, vừa béo vừa bùi? Người Mỹ người Tây cần uống Calcium vì họ không biết gặm xương! Chẳng những người Mỹ người Tây không biết gặm xương mà thậm chí chó Mỹ chó Tây cũng không được gặm xương thật. Lũ chúng nó chỉ được gặm xương giả hoặc xương khô, không bao giờ được gặm xương do chủ thưởng trực tiếp như chó quê nhà. Trời đất, chó thì phải gặm xương. Chó mà không được gặm xương thì… làm chó để làm gì?
lau xi quach
Ngoài việc được khoái khẩu ra, cái thú gặm xương còn đem lại cho ta nhiều lợi ích tinh thần. Trước hết, gặm xương tập cho ta biết lập kế hoạch. Gắp cục xương bỏ vào tô, vào chén, hoặc vào đĩa xong, ta phải ngắm nghía để lập phương án. Ta nên bắt đầu từ chỗ nào? Phải gặm ngay từ bàn chân heo hay phải bắt đầu từ chỗ bên trên có nhiều thịt? Gặm ở đâu thì còn tuỳ người. Có người thích cái dễ dàng trước khi đến chỗ khó, nghĩa là gặm chỗ thịt nhiều trước khi đến chỗ gân. Gặm thế này là gặm xuôi. Người khác lại thích gặm ngược, nghĩa là bắt đầu từ chỗ móng, tuy khó khăn nhưng được cái miếng ngon thích thú, cái sần sật của bàn chân heo. Kiểu gặm móng này cũng như cách tán gái. Có người thích đốp chát, gặp em nào là phang ngay câu đầu môi chót lưỡi “Anh yêu em.” Anh chàng này miệng thì vậy nhưng mắt thì lấm lét nhìn cô khác. Người khác lại theo phương án chậm mà chắc, cứ từ từ mà tán, đi đâu mà vội. Khổ nỗi, có anh chậm quá nên người khác nhanh chân hơn phỗng mất người mình yêu dấu!
Gặm xương tập cho ta đức kiên nhẫn. Ai không kiên nhẫn sẽ gặm ngay vào chính cục xương, không gãy răng cũng dập môi. Từ từ mà gặm, nhìn lui nhìn tới tính toán cho kỹ rồi ghé răng vào cắn một cái. Không chắc là cắn ra được ngay đâu. Có thể lại phải cắn lui cắn tới, nhùng nhà nhùng nhằng. Cục xương cứ như người đẹp, ngúng nga ngúng nguẩy “Em chã, em chã!” Cứ yên tâm, trước sau gì em cũng thuộc về ta. Nói thì nói thế nhưng cũng có lúc phải bỏ cuộc. Đã bảo cục xương giống như người đẹp mà, có phải cô nào ta tán cũng theo ta đâu?
Gặm xương là một việc mạo hiểm. Khi gặm xương, ta không biết điều gì đang chờ ta. Thịt chăng? Mỡ chăng? Gân chăng? Sụn chăng? Hay lại chính là cục xương làm mẻ răng ta? Ta chẳng khác gì người đang mò mẫm trong một hang động hoang vắng có cái khoái cảm của người mạo hiểm “ngậm ngải tìm trầm.”
Gặm xương còn dạy cho ta biết tuỳ thời, nghĩa là biết khi nào gặm, khi nào bỏ. Đến lúc gặm mà không gặm thì mất miếng béo bở; đến lúc bỏ mà không bỏ thì càng ráng càng gặp sức cản trở, không khéo thì gãy răng như chơi! Chẳng ai còn lạ gì câu, “Thuận thiên dã tồn; nghịch thiên dã vong.” Thế nhưng cái sự “thuận thiên” này cũng truân chuyên lắm. “Thuận thiên” mà không khéo thì bị phê là “nịnh bợ” hoặc là “ăng-ten”. Tuỳ thời trong việc gặm xương cũng na ná như lập phương án, biết bắt biết buông, chẳng khác gì người biết chơi đàn thập lục.
Một cái lợi nữa của việc gặm xương là tập luyện miệng răng lưỡi. Ba cơ quan này phải phối hợp chặt chẽ để đạt hiệu quả cao nhất. Khi đã luyện được mười thành công lực, ta có thể đem công phu này áp dụng nhiều nơi. Nhưng quan trọng nhất là ta có thể tuyên bố xí quách ta vẫn còn ngon.
Hy vọng sẽ được các bạn “nghiên cứu áp dụng ” trong thực tế. Ai có hứng thú xin bàn luận tiếp.
Biên soạn theo bài viết của: Thái, đăng trên Yume
Source Internet.


Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

Tinh thần Nhật Bản




Trên một đất nước có diện tích nhỏ bé gần 380.000 km2 so với dân số 128 triệu mà địa hình đa số là đồi núi, ý thức giữ gìn trật tự và kỹ luật được coi chìa khóa giải quyết sự thăng bằng, ổn định trong xã hội Nhật Bản.
 
Gai mẹ con tại Hiroshima, Japan, 1946. Nguồn: LIFE
Hai mẹ con tại Hiroshima, Japan, 1946. Nguồn: LIFE

Nhắc đến Nhật Bản, có lẽ chúng ta đều biết rằng đây là quốc gia duy nhất trên thế giới phải chịu đựng sức tàn phá khủng khiếp của bom nguyên tử thả xuống hai thành phố Hiroshima (Quảng Đảo) và Nagasaki (Trường Kỳ) [như tác giả Tiến Dũng đã từng diễn tả trong loạt bài Khoa Học & Triết Lý] là quả bom thứ nhất mang tên “Thằng Nhóc” Little Boy giáng xuống Hiroshima ngày 6/8/1945 và 3 ngày sau quả bom “Phì Lủ” Fat Man tiếp tục nổ tung tại Nagasaki, buộc Thiên Hoàng Chiêu Hòa phải đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên đài phát thanh quốc gia vào ngày 15/8 cùng năm. Sự kiện này cũng kết thúc cuộc đệ nhị thế chiến và Nhật Bản chấp nhận hậu quả do chính sách xâm chiếm các lân quốc và nhất là đánh úp Hoa Kỳ trong trận Trân Châu Cảng [Pearl Habor]; Sau khi bại trận, Nhật Bản bị lực lượng đồng minh chiếm đóng, đánh dấu lần đầu tiên đất nước Phù Tang bị ngoại bang thống trị. Và cũng từ đó, Nhật Bản chuyển hướng sang thể chế Quân Chủ Lập Hiến với địa vị của Thiên Hoàng chỉ còn là biểu tượng về mặt tinh thần cũng như mang tính cách đại diện trong nghi lễ truyền thống. Nhưng đó lại chính là động lực tinh thần mãnh liệt nhất đưa họ từ một đất nước lụn bại vì chiến tranh tàn phá vươn đến vị trí một cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi.

Từ những giọt lệ đau thương, thấm thía thân phận của kẻ bại trận qua từng lời tuyên bố đầu hàng nhìn nhận trách nhiệm của Thiên Hoàng Chiêu Hòa, người Nhật đã tự nhủ rằng họ sẽ không bao giờ đi theo vết xe đổ của tiền nhân gây hấn mà phải chung sức, đoàn kết để tái kiến thiết đất nước. Cùng lúc cũng có rất nhiều bậc trí thức, sĩ quan, võ sư đã mổ bụng tự sát để được chết theo cục diện thảm bại khiến Thiên Hoàng phải đích thân đầu hàng, như là một hình thức lãnh nhận trách nhiệm của tầng lớp trí giả trước quốc dân, đã cho thấy tinh thần ái quốc cao độ của người Nhật.

Trong âm thầm lặng lẽ, không hô hào, không khẩu hiệu, không cưỡng bách lao động và nhất là không thần tượng hóa bất cứ cá nhân nào kể cả Thiên Hoàng, người Nhật đã tạo nên cuộc một cách mạng xã hội lẫn kinh tế được gọi là “điều thần kỳ Nhật Bản”. Đối với người Nhật, từ khi nền dân chủ được thiết lập, Thiên Hoàng vẫn được coi là mẫu số chung cho niềm tự hào dân tộc và cho dù không còn nắm quyền lực nhưng đa số dân chúng vẫn kính trọng nhà vua theo ý nghĩa là một sự tập hợp sức mạnh tinh thần.

Cho đến nay, những thước phim tài liệu trắng đen ghi lại hình ảnh thời kỳ cùng cực khốn khổ của người dân Nhật ngay sau khi chiến tranh kết thúc vẫn còn được trình chiếu gần như là hàng đêm trên đài truyền hình NHK để nhắc nhở dân chúng về sự hy sinh gian khổ của thế hệ đi trước trong công cuộc phục hưng xây dựng cho quốc gia Nhật Bản hùng cường. Qua đó, nhiều cụ già oằn lưng cày cấy, trồng trọt trên những thửa ruộng khô cằn, cùng những bà mẹ cõng con đến trường trong khi người cha làm đủ mọi việc để kiếm sống. Bên cạnh đó, cũng có những đứa trẻ quần áo lam lũ trong mùa đông giá rét vẫn tươi cười hồn nhiên gặm khoai lót dạ qua ngày.

Hơn một thập niên sau chiến tranh, thế hệ sinh ra vào thời kỳ này chính là những nhân chứng trải qua giai đoạn thử lửa và họ cũng chính là những nhân tố đưa nước Nhật từng bước đứng dậy vào đầu thập niên 1970 khi nền kinh tế bắt đầu cất cánh.

Nhìn lại cảnh những học sinh tiểu học đến giờ nghỉ trưa, không có cơm ăn phải đọc sách hoặc truyện tranh để lướt qua cơn đói hoặc những người công nhân chỉ có mỗi mảnh cơm vắt trong ngày sau nhiều giờ làm việc trong thời kỳ đầu thập niên 1950 có lẽ không ai tưởng tượng nỗi chỉ 20 năm sau Nhật Bản lại trở thành một quốc gia giàu mạnh. Chính xác hơn, có thể nói đó là giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1964, tức 19 năm trổi dậy của con cháu Thái Dương Thần Nữ.

Đối chiếu với trường hợp đất nước VN, tiếng súng đã ngưng hẳn từ năm 1975, trải qua gần 40 năm cho đến nay đại đa số người dân vẫn chìm đắm trong cảnh nghèo nàn, đói khổ dù VN đứng đầu trong danh sách nhận viện trợ xây dựng hạ tầng cơ sở và phát triển quốc gia từ Nhật Bản.

Liên quan đến bước tiến kinh tế thần kỳ của Nhật Bản là nét về văn hoá và con người Nhật Bản.

Trên một đất nước có diện tích nhỏ bé gần 380.000 km2 so với dân số 128 triệu mà địa hình đa số là đồi núi, ý thức giữ gìn trật tự và kỹ luật được coi chìa khóa giải quyết sự thăng bằng, ổn định trong xã hội Nhật Bản. Ý thức này đặt trên nền tảng của hai nét đặc trưng dễ dàng nhìn thấy nơi cá tính người Nhật là tinh thần tự trọng và tự giác. Điều đầu tiên mà trẻ con được dạy dỗ trong gia đình, chưa nói đến môi trường giáo dục trong nhà trường là “không bao giờ được làm phiền người khác”, kế đến là lòng tự giác tuân thủ theo những quy định chung tại nơi công cộng, hãng xưởng. Từ đó, đưa đến thói quen xếp hàng và giữ gìn giờ giấc đã hẹn trước.

Poster ứng xử trên Metro Đông Kinh. TokyoReporter
Poster ứng xử trên Metro Đông Kinh. TokyoReporter

Cho dù là một tiệm ăn nhỏ hay siêu thị hoặc trước nhà ga đông đúc, người Nhật vẫn có thói quen xếp hàng trong trật tự và im lặng. Lúc đó, họ đọc báo, xem truyện tranh và khi điện thoại di động đã trở thành vật bất ly thân đối với mọi người thì họ dùng phương tiện này giải trí hoặc gửi, đọc tin nhắn cho nhau. Có khi phải chờ đến cả giờ nhưng không ai than phiền vì họ tự giác và cho rằng đó là do mình quyết định xếp hàng chứ không hề bị ép buộc.

Nhắc đến điện thoại di động mà tiếng Nhật gọi là Keitai Denwa, tức điện thoại mang theo thì có rất nhiều công dụng đối với người Nhật mà phổ biến nhất là dùng để trả tiền khi mua sắm thay vì dùng thẻ hay tiền mặt. Đương nhiên là tại các cửa tiệm cũng có thiết đặt hệ thống đọc được các dữ kiện từ điện thoại để nối liền với ngân hàng xác nhận số tiền lưu trữ mà người mua phải trả. Trong khi đó, các em nhỏ cũng sử dụng điện thoại di động có gắn hệ thống định vị để gia đình biết được các em đang ở đâu sau khi rời khỏi nhà.

Nhưng cũng vì sự phát triển kỹ nghệ điện với tốc độ khác biệt từng ngày nên có nhiều sản phẩm kỹ thuật cao của Nhật chỉ dùng trong quốc nội rồi bị đào thải khi chưa kịp xuất cảng ra thế giới bên ngoài, cũng như có một số sản phẩm của họ không thông dụng trên toàn cầu. Điển hình là loại điện thoại di động của Nhật hiện đã tiến gần đến ý niệm vạn năng vì vừa là một máy truyền hình nhỏ, một ví tiền điện tử, một danh bạ, thẻ học sinh sinh viên, máy chụp ảnh, máy chơi game, máy định vị và còn là máy gửi fax, gửi tài liệu để in cùng hàng loạt công dụng khác được khoá mật mã tự động bằng dấu vân tay của người dùng nên dù bị đánh mất cũng không ảnh hưởng gì.

Tại Nhật, người sử dụng không mua điện thoại di động theo hãng mà họ xài theo hợp đồng với hãng viễn thông, tức hãng cung cấp đường dây sử dụng điện thoại nhà. Do các hãng viễn thông ở Nhật phát triển theo hướng độc lập không tương ứng với thế giới bên ngoài, nên người Nhật không dùng được điện thoại của họ khi ra ngoại quốc dù so về cơ năng các loại điện thoại như Nokia của Phần Lan [Finland], hay Samsung tức Tam Tinh và LG của Đại Hàn vẫn còn kém xa Nhật Bản. Điều này giải thích được vì sao các hiệu xe hơi và những sản phẩm điện tử khác của Nhật làn tràn khắp thế giới trong khi lại vắng bóng những chiếc điện thoại mang theo nhỏ gọn, xinh xắn.

Người Nhật còn nổi tiếng về hình thức lễ nghi trong việc đáp lễ bằng quà tặng. Khi nhận được quà của ai đó thì bắt buộc họ cũng sẽ tìm cách để đáp lễ lại. Tuy những món quà này chỉ là đồ vật tầm thường nhưng luôn được gói lại một cách cẩn thận trang nhã khiến cho người nhận cũng thấy cảm kích vì sự chu đáo của người tặng.

Hình thức lễ nghi còn thể hiện qua các cách cúi đầu chào trong việc giao tiếp hàng ngày mà người Nhật gọi là Reigi Tadashii, tức đúng phép tắc lễ nghĩa.

Nếu có dịp đi ngang qua các cửa tiệm bán hàng hóa điện tử ở khu Nipponbashi trong thành phố Osaka vào khoảng trước 10 giờ sáng, có lẽ du khách sẽ phải ngạc nhiên khi nhìn qua cửa kiếng là các nhân viên bán hàng đứng tập họp lại đồng loạt cúi đầu xuống và hô lớn tiếng nhiều lần câu nói: “Irasshaimase”, tức xin mời quý khách. Trong khi đó, một người là cấp trên của họ đứng bên cạnh lắng nghe cho đến khi cảm thấy hài lòng vì thấy nhân viên đã thể hiện đúng tinh thần lễ phép phục vụ khách hàng thì mới ra hiệu cho nhân viên dừng lại rồi mới bắt đầu mở cửa tiệm buôn bán.

Nổi tiếng là một đất nước rất coi trọng nghi thức và lễ nghĩa, đối với người Nhật việc đánh giá một người đối diện không chỉ dựa vào cách nói chuyện mà đầu tiên là sự phán đoán qua cử chỉ, thái độ của đối phương. Chính vì vậy, những nhân viên mới vào làm việc tại các công ty được huấn luyện rất kỹ về điều này và có nhiều trường hợp người cấp trên đã dùng thước để đo độ gập thân cúi chào của nhân viên, vì họ cho rằng cúi gập người chào khách là điều vô cùng quan trọng thể hiện sự tôn kính đối với khách hàng và sự kính trọng đối với cấp trên. Nhờ vào ý thức tôn ti trật tự này đã giúp cho nước Nhật có được sự vận hành tốt đẹp trong xã hội.

Trong khi đó, có nhiều dư luận ngoại quốc cho rằng người Nhật quá bảo thủ, cứng nhắc theo nguyên tắc truyền thống không được cởi mở như người Âu Mỹ chỉ chào hỏi bằng cách bắt tay nhẹ nhàng. Điều này không sai, nhưng theo quan niệm của người Nhật họ kiêng tránh việc đụng chạm vào người đối diện vì sợ xúc phạm hay lỡ có chuyện gì xảy ra họ sẽ phải nhận trách nhiệm nên hình thức cúi chào khom người xuống xét ra cũng không có gì là quá cứng nhắc và ngược lại còn thể hiện sự tôn kính cần thiết.

Khi chào, đầu tiên là đứng thẳng lưng, đồng thời ngẩng cao đầu, nửa thân trên chuyển động cúi hướng về phía trước. Đầu hướng về phía trước, phần thân dưới còn lại vẫn giữ trên một đường thẳng không để cong ra phía sau. Thông thường, phái nam để thẳng tay cặp sát hai chân rồi cúi người xuống, cón phái nữ thì dịu dàng hơn với bàn tay phải đặt lên bàn tay trái thành hình chữ V để trước bụng và cúi chào.

Trong tiếng Nhật, hình thức chào gọi là Ojigi, có âm Hán Việt là Tự Nghĩa với 3 cách:
Thứ nhất là cách chào Eshaku (Hội Thích): Đây là kiểu Ojigi ở mức độ nhẹ nhàng nhất, dùng khi chào hỏi bạn bè hoặc những người cùng cấp bậc với mình. Với kiểu Eshaku, người Nhật sẽ cúi đầu khoảng 15º tính từ đường thẳng khi đứng và độ nghiêng của lưng khom xuống khi chào nhau.

Cách thứ hai là Keirei, tức Kính Lễ: là kiểu dùng để chào người cấp trên, khách hàng hoặc những người lớn tuổi hơn mình. Lúc đó, người Nhật cúi đầu xuống khoảng 30 ~ 35º khi thực hiện kiểu chào này.

Thứ ba là cách chào Saikeirei, tức Tối Kính Lễ: đây là kiểu chào lịch sự nhất trong hình thức Ojigi để trình bày lời cảm tạ, lời xin lỗi hoặc thể hiện thành ý của mình với đối phương. Qua kiểu chào này, người Nhật cúi đầu khoảng từ 45~60º.

Tựu chung, đối với cấp trên hay những bậc cao niên, người Nhật càng cúi thấp và giữ tư thế này lâu hơn bình thường, có khi còn lặp lại nhiều lần trước khi chia tay vì cho rằng đó là hình thức càng thể hiện sự kính.

Nói cách khác, chỉ cần nhìn qua cách chào, chúng ta có thể nhận ra được đó là người Nhật Bản hoặc là người ngoại quốc đã quen thuộc với phong tục của Nhật Bản.

Source Internet.


Hãy thong thả Sống


Trần Mộng Tú
Nhiều khi chúng ta sống mà quên bẵng đi là mình có thể chết bất cứ lúc nào. Ta hối hả sống, vui, buồn, khỏe, yếu, ta cứ lướt qua rồi không ngoái đầu lại nhìn chuỗi ngày tháng ta đã tiêu hao của một đời người. 
                      

Cho đến khi có một người bạn vừa ngã bệnh, bệnh nặng, không biết sẽ mất đi lúc nào, lúc đó ta mới xa, gần, hốt hoảng gọi nhau. Tưởng như chưa từng có người bạn nào “Chết” bao giờ. Hay ta có một người thân trong gia đình, đang rất khỏe vừa báo tin bị bệnh hiểm nghèo. Gia đình, họ hàng cuống lên, sợ hãi như chưa nghe đến ai nói về cái chết bao giờ, chưa chứng kiến cảnh vào bệnh viện, cảnh tang ma bao giờ.
Cả hai người trên có thể đã ngoài 70 tuổi. Lạ thật! Cái tuổi nếu có chết thì cũng đã sống khá lâu trên đời rồi, sao những người chung quanh còn hoảng hốt thế. Hóa ra người ta, không ai muốn nghe đến chữ “Chết” dù chữ đó đến với mình hay với người thân của mình.
Hình như không ai để ý đến mỗi sáng chúng ta thức dậy, nhìn thấy mặt trời mọc (nếu còn để ý đến mặt trời mọc) là chúng ta đã tiêu dùng cái ngày hôm qua của đời sống mình. Có người vì công việc làm ăn, cả tuần mới có thời giờ ngửng mặt nhìn lên mặt trời. Buổi sáng còn tối đất đã hấp tấp ra đi, buổi chiều vội vã trở về lúc thành phố đã lên đèn, làm gì nhìn thấy mặt trời. Nhưng mặt trời vẫn nhìn thấy họ, vẫn đếm mỗi ngày trong đời họ. Họ tiêu mất cái vốn thời gian của mình lúc nào không biết. Tiêu dần dần vào cái vốn Trời cho mà đâu có hay. Rồi một hôm nào đó bỗng nhìn kỹ trong gương, thấy mình trắng tóc. Hốt hoảng, tiếc thời gian quá! Khi nghe tin những người bạn bằng tuổi mình, bệnh tật đến, từ từ theo nhau rơi xuống nhanh như mặt trời rơi xuống nước, họ vừa thương tiếc bạn vừa nghĩ đến phiên mình.
Thật ra, nếu chúng ta bình tâm nghĩ lại một chút, sẽ thấy “Cái chết” nó cũng đến tự nhiên như “Cái sống”.
Đơn giản, mình phải hiểu giữa sống và chết là một sự liên hệ mật thiết, vì lúc nào cái chết cũng đi song song từng ngày với cái sống.
Dẫu biết rằng, đôi khi có những cái chết đến quá sớm, nhưng ta cũng đâu có quyền từ khước chết.
Tôi biết có người mẹ trẻ, con của bạn thân tôi. Chị bị ung thư, chị cầu xin Thượng Đế cho sống đến khi đứa con duy nhất của mình vào Đại Học. Chị không cưỡng lại cái chết, chị chỉ mặc cả với Thượng Đế về thời gian vì con chị lúc đó mới lên 3 tuổi. Thượng Đế đã nhận lời chị. Ngày con chị tốt nghiệp Trung Học, chị ngồi xe lăn đi dự lễ ra trường của con và tuần lễ sau chị qua đời. Trong suốt mười mấy năm trị bệnh, chị vẫn làm đủ mọi việc: chị đội tóc giả đi làm, đến sở đều đặn, lấy ngày nghỉ hè và ngày nghỉ bệnh đi trị liệu. Những bạn làm chung không ai biết chị bị ung thư, ngay cả xếp của chị. Khi họ biết ra, thì là lúc chị không đứng được trên đôi chân mình nữa. Chị sửa soạn từng ngày cho cái chết với nụ cười trên môi. Vẫn vừa đi làm, vừa cơm nước cho chồng con, ân cần săn sóc cha mẹ, hiền hòa giúp đỡ anh em trong nhà, chị mang niềm tin đến cho tất cả những người thân yêu của mình. Sau ba năm chị mất, cậu con trai, mỗi năm vẫn nhận được một tấm thiệp sinh nhật mẹ viết cho mình (Mẹ đã nhờ qua người dì gửi hộ). Hôm sinh nhật 21 tuổi của cậu cũng vào ngày giỗ năm thứ ba của Mẹ, cậu nhận được tấm thiệp mừng sinh nhật mình, với dòng chữ nguệch ngoạc, chị viết cho con: Mừng sinh nhật thứ 21 của con. Hãy bước vui trong đời sống và nhớ rằng mẹ luôn luôn bên cạnh con. Tôi đọc những dòng chữ mà ứa nước mắt.
Tôi nghĩ đến chị với tất cả lòng cảm phục. Chị là người biết sống trong nỗi chết. Khi không thắng được bệnh tật, chị biết hòa giải với nó để sống chậm lại với nó từng ngày cho con mình. Chắc “Cái chết” cũng nhân nhượng với chị, thông cảm với chị như một người bạn.
Một chị bạn kể cho nghe về một bà bạn khác. Bà này mới ngoài sáu mươi, nhanh nhẹn, khỏe mạnh và tính nết vui vẻ, yêu đời. Nhưng khi nào đi ra khỏi nhà bà cũng mang theo một bộ quần áo đặc biệt, đủ cả giầy vớ bỏ vào một cái túi nhỏ riêng trong va-li. Hỏi bà, sao lại để bộ này ra riêng một gói vậy, bà thản nhiên nói:“Nếu tôi chết bất thình lình ở đâu, tôi có sẵn quần áo liệm, không phiền đến ai phải lo cho mình.” Bà mang theo như thế lâu lắm rồi, tôi không biết có khi nào bà ngắm nghía mãi, thấy chưa dùng tới, bà lại đổi một bộ mới khác cho ưng ý không? Giống như người phụ nữ sắp đi dự tiệc hay cầm lên, để xuống thay đổi áo quần sao cho đẹp. Đi vào cái chết cũng có thể coi như đi dự một đám tiệc.
Tôi nghĩ đây là một người khôn ngoan, sẵn sàng cho cái chết mà bà biết nó sẽ đến bất cứ lúc nào. Bà đón nhận cái chết tự nhiên,giản dị như đi dự tiệc, hay một chuyến đi xa,đi gần,nào đó của mình.
Nhưng không phải ai cũng nghĩ về cái chết giản dị như vậy. Phần đông muốn được sống lâu, nên bao giờ gặp nhau cũng thích chúc cho nhau tuổi thọ. Thích hỏi nhau ăn gì, uống gì cho trẻ trung mãi. Loài người nói chung, càng ngày càng thích sống hơn chết. Họ tìm kiếm đủ mọi phương thuốc để kéo dài tuổi thọ. Người ta ức đoán, trong một tương lai rất gần, loài người có thể sống đến 120 tuổi dễ dàng với những môn thuốc ngăn ngừa bệnh tật và bồi dưỡng sức khỏe.
Rồi người ta sẽ còn tạo ra những bộ phận mới của nội tạng để thay thế cho những bộ phận gốc bị nhiễm bệnh. Gan, ruột, bao tử v.v, sẽ được thay như ta thay những phần máy móc của một cái xe cũ. Chúng ta, rồi sẽ sống chen chúc nhau trên mặt đất này.
Chỉ tiếc một điều là song song với việc khám phá ra thuốc trường thọ người ta cũng phải phát minh ra những người máy (Robot) để chăm sóc những người già này, vì con cháu quá bận (Chắc đang chúi đầu tìm thuốc trường sinh) không ai có thời giờ chăm sóc cha mẹ già. Theo tôi, ngắm nhìn hình ảnh một cụ ông hay một cụ bà lưng còng, tóc bạc, đang cô đơn ngồi trong một căn buồng trống vắng, được một người máy đút cơm vào miệng, thật khó mà cảm động, đôi khi còn cho ta cái cảm giác tủi thân nữa.
Nhưng sống như vậy mà có người vẫn thích sống. Một người đàn ông ngoài bẩy mươi, bị bệnh tim nặng, đang nằm trong phòng đặc biệt (ICU) khi mơ màng tỉnh dậy, nhắn với các con cháu là khi nào vào thăm không ai được mặc áo mầu đen. Ông kiêng cữ mầu của thần chết. Ông quên rằng thần chết, đôi khi, có thể đến với chiếc áo mầu hồng.
Thật ra, chính nhờ “cái chết” cho ta nhận biết là “cái sống” đẹp hơn và có giá trị hơn, dù có người sống rất cơ cực vẫn thấy cuộc đời là đẹp.
Những bậc thiên tài, những nhà văn lớn đã tự tìm về cái chết khi họ bắt đầu nhìn thấy cái vô vị trong đời sống như nhà văn Ernest Hemingway, Yasunari Kawabata vàhọa sĩ Vincent van Goh, v.v. Chắc họ không muốn sống vì thấy mình không còn khả năng hưởng hết vẻ đẹp của “cái sống” nữa. Họ là một vài người trong số nhỏ trên mặt đất này sau khi chết để lại tên tuổi trên những trang sử, lưu lại hậu thế, còn phần đông nhân loại, sau khi chết một thời gian, không để lại một di tích nào. Con cháu có thờ cúng được một hai thế hệ, sau đó tên tuổi mờ dần, mất hẳn theo ngày tháng, vì chính những kẻ thờ phụng đó lại tiếp theo nằm xuống cùng cát bụi.
Ðời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích.(Thánh Vịnh)
Thượng Đế khi đem mình vào đời, có hỏi ý kiến mình đâu. Nên chắc chắn là khi Ngài gọi mình đi cũng chẳng cần thông báo trước.
Chúng ta cứ thong thả sống từng ngày, khi nào chết thì chết, mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, bông hoa nở rồi bông hoa tàn, thế thôi.
Tại sao ta phải cay cú với cái chết? Hãy dùng trí tưởng tượng của mình, thử hình dung ra một thế gới không có cái chết. (*)
Chắc lúc đó, chúng ta sẽ không còn không khí mà thở  chứ đừng nghĩ đến có một phiến đất cho bàn chân dứng.
Trần Mộng Tú

Viết trong ngày các bạn ở Người-Việt và Diễn Đàn Thế Kỷ đi thăm bạn Nguyễn Xuân Hoàng
Aug.10th/2013
(*) Why this fuss about death? Use your imagination, try to visualize a world without death.
- Charlotte Gilman


Source Internet.