Thứ Hai, 23 tháng 3, 2009
Mà Chi ...
Thoắt đi tựa bóng mây
Những si mê cuồng dại
Như gió thoảng mây bay
Ngẫu nhiên hay tiền định
Nợ trả hay nợ vay
Bao kẻ đời xa lạ
Gặp gỡ rồi chia tay
Trên đường đời ai đi
Bao hội ngộ chia ly
Cơ duyên dường đã định
Buồn chi vui mà chi ...
NTTN.
Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2009
Seaspray Du Ký - Săn Bắn & Câu Cá
Tối hôm đó, mọi người trong nhà truyền nhau tờ báo rồi một người nói:
- N mang tờ báo này về nhà đọc đi rồi tìm cách liên lạc để book cho cả gia đình cùng đi lên đó chơi cho vui.
Gia đình tôi có truyền thống đi săn từ đời Ông Cha. Ông Ngoại tôi ngày xưa làm xếp (chief) một đồn điền thời Pháp nên có súng riêng và rất mê săn bắn. Cho đến đời Cậu & Ba của tôi cũng ham đi săn. Tôi đã từng nghe nhiều giai thoại ly kỳ thích thú về chuyện đi săn trong gia đình.
Giai thoại về Ông Ngoại tôi đã từng bắn mấy con cọp dữ ở vùng cao nguyên VN . Ông đã từng canh suốt đêm để bắn heo rừng và có đêm trong lúc nằm phục bắn heo rừng Ông tôi đã nghe tiếng oan hồn của một người mẹ và một đứa bé khóc rất thảm thiết. Ông tôi đóan rằng hai mẹ con người này có thể đã bị chết vì loạn lạc chiến tranh giữa Việt Minh và Pháp thời đó. Chuyện hồn ma này đã được xác định lại mấy mươi năm sau khi nhà tôi lên vùng này sống sau năm 1975.
Giai thoại về Ba tôi một lần đi săn đã bắn trúng vai Cậu tôi bằng súng cạc bin, vì Cậu ham mồi đuổi theo con heo rừng, Ba tôi tưởng lầm Cậu là con mồi và đã nhắm "chính xác" (may mà chỉ trúng vai). Nghe kể sau khi Cậu tôi bị bắn trúng vai, mấy anh em về nhà tự lấy dao mổ để lấy viên đạn ra, không dám cho Ông tôi biết vì sợ Ông sẽ cấm không cho đi săn nữa .
Giai thoại Ba tôi được trực thăng đón tận nhà & được thả vào rừng để săn ban đêm nhưng khi trời tối chưa thấy nai hươu đâu cả mà chỉ thấy VC đầy trong rừng, may mà Ba tôi cùng người bạn đã kịp thời rút chạy ra hướng đường quốc lộ để hôm sau đón xe hành khách về nhà.
Từ nhỏ tôi đã nghe nhiều giai thoại về săn bắn, đã thấy Ông, Ba, Cậu trang bị súng ống đi săn, đã ăn lắm lọai thịt rừng từ nai, nhím, chồn, heo v.v. cho đến cả thịt voi. Có lẽ tôi cũng có chút ảnh hưởng hay di truyền chi đó của Ông, Cha, Cậu nên khi nghe đến săn bắn là tôi muốn đi liền, mặc dầu chỉ 2-3 tuần nữa là chúng tôi sẽ lái xe mấy ngày cây số đi Queensland.
Tôi đang suy nghĩ không biết phải làm sao để liên lạc với người tổ chức, tôi dự định có lẽ phải liên lạc với báo Việt Luận để xin liên lạc với tác giả và từ đó may ra tôi có thể xin được số điện thoại chăng...
Hữu Duyên Thiên Lý Năng Tương Ngộ …
Từ khi tôi có dịp được nói chuyện với một người bạn Phật tử & được giải thích về chữ Duyên, tôi ngày càng tin chữ DUYÊN một cách lạ lùng. Sau khi cầm tờ báo về nhà, đọc lại từ đầu đến cuối một lần nữa, linh cảm báo cho tôi điều gì đó khi nhìn thấy hai tên Long & Loan nghe rất quen thuộc .
Một tuần sau đó tôi vẫn lu bù với công việc ở chỗ làm và ở nhà nên chưa tiện liên lạc với quý báo, thì đùng một cái cuối tuần đó chúng tôi lại gặp nhau, lần này một người trong nhà lại đưa tôi số điện thoại liên lạc. Tôi lấy làm lạ và hỏi rằng số điện thoại này ở đâu ra vậy, thì được trả lời là trên báo TV Tuần San có 1 mục quảng cáo rất nhỏ với số điện thoại & tên Long-Loan nghe rất khớp với nột dung bài báo trên Việt Luận. Tôi cầm số điện lên và nhận ra số điện thoại thuộc vùng Altona-North hoặc Newport đâu đó, tự dưng tôi tự hỏi có phải đây là người quen mà tôi đã lâu không gặp chăng ?
Tôi bốc điện thoại lên gọi và đầu dây bên kia một giọng nói quen thuộc trả lời:
- Hello ...
- Hello ...
- Xin lỗi, có phải đây là số điện thoại của anh Long hay chị Loan không ạ?
- Phải, Loan đây ...
- Xin lỗi, có phải chị ở Altona-North không ?
- Phải... Xin lỗi có chuyện chi không ?
Tính tôi từ trước đến giời vẫn hay đùa...
- Hello, chị Loan còn nhớ em không ?
- Xin lỗi, ai dzậy ?
- Em là đứa ngày xưa ăn phá nhà chị đó ...
- Xin lỗi ai tui hổng nhớ...
- N đây...
- Thằng wỷ ...
Số là ngày xưa tôi mới chân ướt chân ráo đến Úc này gần 20 năm về trước, lúc đó chưa có bạn bè và cũng chẳng mấy người quen. Bởi duyên dây mơ rễ má từ hồi nảo hồi nao nên hai anh chị thường gọi tôi đến nhà chơi & thưởng thức mấy món đặc sản chị nấu. Lúc đó tôi vừa từ trại tỵ nạn Paula Bidong sang, không biết vì chị Loan nấu ngon quá hay vì bị đói từ bên trại mà cái gì ăn cũng ngon. Nói đùa vậy thôi chứ cái lý do tôi ăn thấy rất ngon chính là vì tay nghề nấu ăn của chị Loan, còn lý do đói chắc chỉ là việc phụ. Điều này đã được chứng minh vì sau bao nhiêu năm không gặp anh chị, khi gặp lại tôi lại được thưởng thức mấy món chị nấu (tôi xin sẽ kể sau) mà tôi vẫn thấy ngon.
Trở lại vấn đề "ăn", tôi xin mạn phép leo lề một chút để nói về cái "tật xấu" của tôi. Nếu ai còn kẹt lại VN sau năm 75 thì đều biết cảnh đói khát hồi đó như thế nào, thế mà Mẹ tôi hồi đó phải còng lưng nuôi ba thằng con trai trong nhà, thằng nào cũng ăn như "hạm". Mấy người hàng xóm lúc đó ai thấy tụi tôi ăn cũng lắc đầu nói với Mẹ tôi rằng làm sao chị có thể chạy gạo để nuôi mấy đứa này. Sau này tôi đi vào Sài Gòn ở nhờ nhà một người quen để chờ đi vượt biên, tôi còn nhớ cả nhà 4-5 người chỉ ăn có 1/3 nồi cơm thôi, riêng tôi làm trọn 2/3 nồi (trung bình mỗi bữa tôi ăn 12 chén cơm).
Thỉnh thoảng tôi đi đâu không về ăn cơm làm cả nhà khổ sở vì cơm dư nhiều quá. Kể đến đây tôi cũng xin mở ngoặc để nói lên tấm lòng biết ơn của tôi đến gia đình ân nhân này. Gia đình này không có quan hệ bà con ruột thịt chi cả chỉ quen biết gián tiếp với Má tôi, thế mà họ đã bảo bọc tôi trong bao nhiêu năm. Thời đó ở Sài gòn công an còn lùng hộ khẩu gắt gao lắm, đến nỗi những người bà con ruột thịt cũng không dám chứa tôi vì sợ liên lụy đến bản thân & gia đình họ, bởi tôi sống “ngoài vòng pháp luật”. Thế mà gia đình ân nhân của tôi không chỉ cho tôi chỗ nương thân mà còn coi tôi như con cháu trong nhà.
Tôi nhớ có một đêm công an vào nhà gõ cửa giữa khuya để kiểm tra hộ khẩu, tôi bị bắt tại trận vì không biết chạy đường nào từ trên lầu 3. Chủ nhà sau đó đã đút lót năn nỉ để công an tha cho tôi, nhận tôi là thằng cháu mới ghé lên thăm, quên đem giấy tờ... Tôi còn nhớ ân nhân của tôi chẳng những tốt bụng mà còn hiền lành hết mực, mấy lần tôi bất ngờ đi đâu không báo là ở nhà bị ế cơm quá trời. Thế mà khi về nhà, Dì tôi (chủ nhà) vẫn ngọt ngào với giọng miền Nam thật nhẹ nhàng nhắc tôi rằng "Bữa sau con có đi chơi … đâu con nói cho Dì biết …hổng thôi dư cơm wá trời bỏ uổng...". Cuộc đời tôi sao gặp những người tốt quá!
Trở lại chuyện nhà anh chị Long Loan cũng vậy, không biết bao nhiều lần tôi đã ăn cạn mấy nồi từ cơm, mì, phở, hủ tiếu, bánh trái,đồ tráng miệng tráng môi v.v. Bây giờ tôi không nhớ hết, chỉ nhớ một điều là tôi ăn nhiều lắm. Ăn phá như vậy mà tuần nào hai anh chị cũng gọi lên nhà ...
Lúc tôi mới đến Úc, anh chị Long Loan cũng là người đầu tiên dắt tôi đi đây đó câu cá, bắt ốc, bắt bào ngư v.v. Ở VN tôi chỉ biết đến cần câu tre & cái phao, qua đến đây lần đầu tiên xài cần câu có ổ quay, dây nhợ lung tung thấy lạ lạ nhưng khi đã kéo được cá lên thì nỗi hào hứng kéo được cá ở đâu cũng giống nhaụ Thời đó, cá ốc bào ngư có vẻ còn nhiều hơn bây giờ. Chuyến nào đi về cũng tha hồ ăn đồ biển, ăn đến chán chê thì thôi.
Bẵng đi một thời gian, sau đó mấy năm tôi đổi chỗ ở mấy lần & anh chị Long Loan cũng đổi chỗ nên mất liên lạc. Thời gian trôi qua ai cũng bận rộn với kế sinh nhai, rồi chỉ qua một bài báo, tôi lại được gặp anh chị, quả là "Hữu Duyên Thiên Lý Năng Tương Ngộ ".
Bốn người khiêng 1 băng ca ...
Chúng tôi đến Seaspray khoảng 6:30 chiều nhưng trời vẫn còn rất sáng. Theo dự định, chúng tôi sẽ rời Melbourne khoảng 2 giờ chiều, tuy nhiên vì một số trục trặc kỹ thuật nên mãi gần 4 giờ chiều mới xuất phát. Sau khi đến nơi, sắp xếp đồ đạc xong, cả nhà kéo nhau ra biển.
Bờ biển ở đây không giống như bờ biển của vịnh Port Philip Bay ở Melbourne, nó có vẻ giống một vài bờ biển hướng Lorne hoặc Appolo Bay hơn (bờ biển dọc theo con đường đèo nổi tiếng Great Ocean Road phía Tây Melbourne). Nếu đi dọc theo đường lái xe ngay tại khu Seaspray, ta không thể thấy được bãi biển, vì dọc theo bờ là đồi cát cao khoảng 5-6m chắn ngang phân chia giữa vùng dân cư và bãi biển. Địa hình ở đây cũng hay, vì nơi đây gió thổi trực tiếp từ biển đông vào nên thường rất mạnh, đồi cát đã đóng vai trò che chắn gió một cách hữu hiệu cho khu dân cư.
Mới đến bờ biển, vừa xuống xe chúng tôi đã thấy 4 người thanh niên lực lưỡng nặng nhọc khiêng một chiếc băng ca từ trên đồi cát đi xuống. Khi tôi nhìn theo thì thấy có một ít máu thấm qua lớp vải lưới của chiếc băng ca. Tôi đang thầm nghĩ mình mới đến bãi biển mà đã có người bị tai nạn phải cấp cứu có vẻ không được vui cho lắm. Khi đến gần thì hỡi ôi! nạn nhân trên băng ca là một chú cá mập nặng trên 100kg. Cổ & ruột của chú cá mập đã bị cắt nên máu vẫn rỉ ra. Nhìn thấy chú cá mập nằm bất động mà hàm răng nhọn hoắc vẫn nhe ra tôi nghĩ thầm, nếu mình đang bơi dưới biển mà gặp chú này thì khốn chứ chẳng chơi.
Chưa bước xuống đến biển mà nhìn thấy chú cá mập làm tôi thầm nghĩ, sao biển này lắm cá mập thế, liệu mình lội xuống nước có an toàn không ... Một lúc sau ra đến bờ thì mới biết làm sao các thợ câu này câu được cá mập lớn như vậy. Những tay câu professional xài cần & ổ câu biển thật lớn. Dây cước họ dùng nếu bảo rằng to bằng chiếc đũa thì hơi quá nhưng đại loại cũng cỡ gần bằng đầu đũa. Họ có một chiếc tàu con gọi là torpedo, chiều ngang khoảng 40-50cm chiều dài khoảng một thước, điều khiển bằng remote control. Họ móc mồi vào lưỡi câu rồi gắn mồi vào chiếc torpedo và
điều khiển cho nó chạy tít ra xa, thả mồi & lưỡi câu ngoài đó. Trong bờ họ cắm chiếc cần câu vào một cái cọc gỗ thật chắc chắn. Có thế họ mới câu được chú cá mập to cỡ đó, chứ amateur như tụi tôi nếu con cá này có cắn câu mình cũng đành chịu thua.
Phải chờ Sư Phụ thôi ...
Tôi và T thằng bạn nối khố & cũng là anh em cột chèo, quyết định quăng cần. Hai thằng sửa soạn cần xong thì được mấy anh professional câu cá mập cảnh báo rằng, bữa nay biển rất nhiều rong nên câu bờ (surf fishing) kiểu tụi tôi là không xong. Tuy nghe vậy nhưng đã ra đến đây thì cũng phải thử thời vận. Nhưng khi quăng cần mới biết gió mạnh quá, sóng nổi lên ầm ầm, nhìn đầu cần câu bị đưa tới đưa lui theo từng cơn sóng chúng tôi có thể đoán được cần đã bị vướng rong. Kéo cần lên thì ôi thôi rong rêu vướng đầy, chờ thêm một lúc nhưng chúng tôi nhắm không xong đành quyết định chuyển qua phương án B, đó là đi câu cá đối.
Trước khi đi tụi tôi đã lên Google search kỹ nên tương đối nắm vững địa hình Seaspray. Chúng tôi thâu cần và di chuyển theo con đường dọc bãi biển về hướng Nam, đi một đoạn vòng vèo đến một con kinh (creek), nơi này cửa kinh giao tiếp với biển . Chúng tôi lại đổi từ cần lớn sang cần nhỏ để câu cá đối, nhưng lúc đó nước xuống rất thấp, nên quăng cần một lúc mà chẳng thấy động tĩnh gì. Nhóm phụ nữ đã nhụt chí nên rút về nhà trọ (nhà của anh Long & chị Loan) nghỉ ngơi & lo cơm tối. Tôi & T cùng hai boy nữa quyết định ở lại thi gan 1 lúc nữa xem sao. T chuyển sang dùng mồi giả để câu vì nghe vùng này có cá taylor, còn tôi đứng chờ một lúc cũng bắt đầu mất niềm tin nhưng thấy T còn đang hăng say nên tôi rủ con trai tôi đi dạo 1 vòng cho biết phong cảnh ở đây.
Chúng tôi thả bộ theo con đê chạy dọc bờ kinh, một bên là nhà và một bên là rừng cây nước mặn. Chung quanh vùng này có nhiều bãi caravan park & khu cắm trại, tôi đoán vào mùa holiday chắc nơi này cũng nhộn nhịp lắm. Chúng tôi đi dạo một hồi cho đến chập choạng tối, lúc này thỉnh thoảng thấy mấy chú thỏ rừng chạy qua chạy lại và vài chú chim bay vội vã chắc là đang bay về tổ.
Khi quay trở lại chỗ câu thì T cũng đã ngừng tay, tôi & T bàn với nhau rồi cuối cùng hai thằng quyết định rút về nhà trọ chờ sư phụ (anh Long) lên dắt đi săn, bởi trước khi đi anh Long có hẹn tụi tôi anh sẽ lên khoảng 10 giờ tối để đưa tụi tôi đi săn .
Phát súng đầu tiên ...
Chúng tôi vừa ăn tối xong thì cũng là lúc anh Long & chị Loan lên đến nơi. Anh Long dắt tôi & T ra ngoài truyền đạt cho một vài kinh nghiệm trước khi đi săn như cách nhắm súng, lên đạn v.v. Sau đó cánh đàn ông chúng tôi lên đường.
Khi đến cửa rừng anh Long chỉ cho chúng tôi cách lái xe làm sao để người đứng sau thùng xe có thể đứng bắn dễ dàng & an toàn. T tình nguyện lái xe trước, hai boy ngồi trong xe còn anh Long, tôi & nhạc phụ của tôi đứng sau thùng xe. Anh Long đưa tôi 1 cây súng, anh giữ 1 cây còn nhạc phụ tôi đứng giữa soi đèn.
Vừa chạy một đoạn chúng tôi đã thấy hai con kangaroo nhảy từ đằng xa nhưng có lẽ mới đầu đêm nên chúng còn nhát, nhảy băng qua con đường đất phóng nhanh vào rừng làm chúng tôi chưa kịp nổ súng.
Tôi mặc 1 áo T-shirt dài tay và mang theo 1 áo jacket, nhưng có lẽ cảm giác exciting của lần đầu súng lăm lăm trong tay làm tôi cảm thấy cái lạnh đêm đó chỉ hơi man mát thật dễ chịu . Anh Long trang bị thật đầy đủ, anh làm 1 giàn kê súng trên mui xe để khi gặp mồi chúng tôi có thể tì súng lên đó mà bắn. Tuy chưa thấy con mồi nào xuất hiện sau hai con kangaroo nhưng tôi vẫn tì
súng trên bệ đưa súng theo ánh đèn để tập nhắm bắn cho quen. Chuyện này không phải là dễ lúc bắt đầu vì đêm tối mình phải chuyển họng súng theo ánh đèn để nhìn thấy mục tiêu, sau khi đã thấy mục tiêu rồi mình còn phải nhắm cho nó vào đúng giữa chữ thập trong ống ngắm.
Chúng tôi chạy giữa cánh rừng thông, thật sự đây là một lâm trại trồng thông (pine farm). Thông được trồng trong những farm này theo tôi biết sẽ được thu hoạch mỗi vài chục năm. Rừng thông ở đây bạc ngàn, chúng tôi cứ đi ngang dọc trong rừng theo sự hướng dẫn của anh Long. Khi anh quơ đèn pin qua trái thì xe quẹo trái, qua phải thì xe quẹo phải. Khi nhìn thấy thú rừng anh đập nhẹ trên mui xe để xe dừng lại. Có những lúc xe chạy lố T phải lui lại để chúng tôi có thể ngắm bắn con mồi cho chính xác.
Đường trong rừng ngang dọc đủ hướng, nhưng anh Long có vẻ đã thuộc trong lòng bàn tay. Đi vòng quanh khoảng 15-20 phút chợt anh Long đập nhẹ trên mui xe, T dừng xe lại rất điệu nghệ, anh Long ra hiệu cho T lui xe lại một chút rồi dừng hẳn. Tôi vẫn chưa nhìn thấy gì trong khi anh Long đã đưa súng lên ngắm về hướng bên trái & nói:
- Nó đó…
- Đâu đâu ?
Tôi vừa hỏi vừa đưa súng lên ngắm về hướng anh Long chỉ. Nhìn trong ống ngắm tôi thấy 1 ánh sáng nhỏ xíu, thì ra đó là con mắt của 1 con kangaroo đang đứng nhìn ngang về hướng ánh đèn. Con kangaroo tuy lớn nhưng cái đầu lại tương đối nhỏ so với thân hình của nó, bởi thế rất khó nhắm trong ống ngắm.
Tôi còn đang cố nhắm sao cho con mắt của con mồi vào giữa chữ thập của ống ngắm thì đã nghe "đùng", anh Long vừa bắn xong nhưng con mồi vẫn đứng đó không động đậy. Lúc đó tôi cũng vừa đưa được con mắt của con mồi vào đúng chữ thập "đùng", tôi bóp cò nhưng con mồi vẫn đứng đó như thách thức . Tôi chưa kịp lên đạn thì đã nghe anh Long bắn tiếp phát
nữa, trong ống ngắm tôi nhìn thấy con mồi nhảy dựng lên rồi ngã vật xuống, thật là 1 phát bắn thiện xạ.
Tôi và anh Long nhảy xuống xe, tôi cầm súng, anh Long cầm đèn đi về hướng con mồi. Vừa đi được mấy thước thì xoẹt một chú thỏ nhảy vọt qua mặt chúng tôi, anh Long quyét đèn theo để tôi bắn nhưng có lẽ chú thỏ này đã nhìn thấy cảnh chú kangaroo vừa ngã gục nên chú phóng một mạch vào bụi cây.
Chúng tôi đến chỗ con mồi, theo sự phỏng đoán của tôi khoảng cách từ con mồi đến nơi chúng tôi bắn cũng khoảng 100m, thế mà anh Long đã bắn trúng vai con mồi. Chúng tôi kéo con mồi quăng lên xe và tiếp tục đi ...
Con Khỉ ....
Sau khi tôi đã nổ súng được 1 lần, tinh thần càng hăng say, tưởng tượng nếu lúc đó có hàng trăm con mồi xuất hiện chắc tôi vẫn bóp cò mà không biết mỏi tay. Tuy hăng như vậy nhưng tôi cũng nghĩ đến T, tội nghiệp nãy giờ T cứ lo lái xe, còn chúng tôi xôn xao bóp cò, bàn tán chuyện săn bắn phía sau thùng xe chắc T không khỏi nôn nao . Khi dừng xe lần kế tiếp, lúc tụi tôi vừa hụt một con thỏ, tôi vội nhảy xuống xe đổi tay lái cho T lên cầm súng.
Chạy 1 đoạn không xa lắm, tôi nghe tiếng đập trên mui xe & nghe anh Long nói với T:
- Nó kia, bắn đi T...
- Đâu đâu ?
- Đó ...
Cũng lại cái điệp khúc quen thuộc, anh Long lớn hơn tôi & T gần một thế hệ (cách nhau khoảng 17-18 tuổi), thế mà sao mắt anh tinh hơn mắt tụi tôi thế! T vẫn chưa nhìn thấy chi cả nên hỏi:
- Đâu, đâu ? Em hông thấy thôi anh Long bắn đi ...
- Đùng ...
Tôi nhìn theo ánh đèn pha và thấy rõ đường đạn đi trong đêm, tôi hơi ngạc nhiên dù đây không phải là lần đâu tiên nhìn thấy hình ảnh này .
Thời chiến tranh, lúc tôi còn nhỏ sống chung với Ông Bà Nội, nhà Nội tôi ở trong 1 xóm đạo di cư. Vùng đó cũng như đa số các vùng ven đô thời trước 75 thường bị mất an ninh, có nghĩa là ban ngày Quốc Gia còn ban đêm CS có thể đột nhập vào nhà dân . Ông tôi có vai vế chi đó trong hội đồng tỉnh nên đêm đến thương có lính nghĩa quân và nhân dân tự vệ canh gác . Ba tôi thời đó nghe kể sau khi bị thương được giải ngũ về ứng cử hội đồng địa phương và có trách nhiệm chỉ huy mấy chú nhân dân tự vệ .
Có 1 đêm tôi đang ngủ thì bỗng nghe tiếng súng nổ liên tục ngoài sân. Tôi trèo vội xuống giường chạy ra ngoài sân, thấy Ba tôi đang nói chuyện trên một máy điện đàm lớn, sau này lớn lên tôi hỏi thì được Ba tôi cho biết lúc đó Ba gọi về Quận để xin tiếp viện.
Đêm đó Ba tôi ra lệnh cho một số địa phương quân thay đạn lửa bắn lên trời để làm hiệu, và đó là lần đầu tiên tôi thấy cảnh đạn bắn trong đêm như pháo bông (firework) vậy. Tối hôm đó đạn bắn sáng cả vùng trời, cảnh này còn thêm hấp dẫn khi Ba tôi thụt mấy ống xi-nhan (signal) làm bầu trời thêm phần rực rỡ. Tôi còn nhớ Ba tôi cầm từng cái ông nhôm tròn, đường kính bằng khoảng lọ tăm, rút nắp đậy ở trên, gắn vào đáy ống bên dưới, rồi cầm ống dộng mạnh xuống nền xi măng ngoài sân . Kế tiếp là cảnh ánh sáng tóe lên giữa trời và tiếng leng keng của chiếc ống nhôm rơi xuống sân .
Nghĩ lại thật buồn cười, vì tôi chắc rằng đêm đó Ba tôi cùng mấy chú lính không kém phần căng thẳng trong khi bọn con nít như tôi thấy khoái chí như ngày hội vậy . Nếu không bị ai đó nắm chặt lấy tay tôi, thì chắc tôi đã chạy ngang chạy dọc trong sân để xem cảnh bắn súng.
Sau tiếng súng của anh Long, tôi thấy con mồi lật nhào, anh Long nhảy xuống xe, chạy đến con mồi và nói con này là wallaby ăn không ngon & quay trở lại xe . Chạy thêm một đoạn nữa, chúng tôi thấy một chú thỏ nhảy ngang qua đường, vừa lúc đó anh Long đập trên mui xe, tôi dừng lại hơi gấp nên mấy người phía sau hơi "lắc lư". Sau nàu lúc đã về nhà, anh Long vừa cười vừa
nói:
- Trời ơi, ông N này ổng chạy mà kiu ổng đứng lại, ổng thắng muốn chúi nhủi. Chỉ có thằng T lái xe là ngon ...
Tôi cười hề hề nói:
- Vậy là có hai chuyện để bàn: thứ nhất là chuyến sau nếu đi bắn đêm tiếp, cứ giao cho T lái xe là thoải mái, còn em sẽ đứng bắn với anh; thứ hai là trong đường dài nếu anh còn tổ chức nhiều cuộc đi săn kiểu này, anh cứ cho T một job lái xe là chắc ăn như bắp, bảo đảm mọi người dzui dzẻ ...
Kể lại chuyện con mồi, 1 chú thỏ, sau khi chạy qua chạy lại, chú đứng lại giữa đường và có vẻ chịu đèn. Tôi nghe anh Long nói:
- T bắn đi ...
- OK
- Click...
- Con khỉ ... N bắn xong hổng chịu lên đạn
- Đùng ...
Anh Long nổ súng & chú thỏ lăn quay, lúc đó tôi mới thanh minh:
- N lên đạn rồi mà ...
- T bóp cò mà đâu thấy nổ khỉ gì đâu …
- Tại đạn T lép thì T phải chịu chứ sao bây giờ ...
Tôi đùa với T , anh Long tiếp:
- T đưa súng anh coi ...
- Con khỉ tụi bây hông biết lên đạn, chắc là giựt mấy lần đạn bay ra ngoài hết rồi.
Thì ra mỗi băng đạn chỉ có 5 viên, và khi lên đạn thay vì bẻ cần lên, kéo mạnh hết về phía sau rồi đẩy ra trước, kéo chốt về chỗ cũ. Nhưng khi lên đạn, tôi đã không kéo hết về phía sau nên nó bị kẹt và cứ thế tôi giật tới giật lui khi đẩy được chốt về chỗ cũ thì đạn đã chẳng còn viên nào trong băng.
Thế là T hơi bị xui có mỗi một con mồi đứng yên một chỗ mà bắn không được. Còn gì ấm ức cho bằng khi lâm trận mà súng không chịu nổ, chẳng trách T cứ đem ba đời con khỉ ra mà kêu ...
Con nai vàng ngơ ngác...
Chúng tôi vòng qua vòng lại trong rừng thế mà đã gần hai tiếng. Cuối cùng chỉ bắn được 1 con thỏ & hai con kangaroo. Trước khi ra khỏi rừng anh Long quyết định bỏ con kangaroo chỉ lấy con thỏ. Chắc anh Long biết tôi và T vẫn còn đang hăng nên anh hứa đưa hai đứa tôi về farm của anh để bắn thỏ tiếp .
Chúng tôi vừa ra khỏi rừng, chạy một đoạn, đang rôm rả về cuộc săn vừa rồi thì một người trong nhóm la lên:
- Nai ...
- Con nai ở bên trái, anh Long ...
Tôi nhìn sang bên trái thì quả là hình ảnh một "con nai vàng ngơ ngác". Con nai đứng gần một bụi cây bên đường, thấy chúng tôi ngừng xe bất ngờ, nó nhảy băng qua bên phải con đường.
Anh Long chưa kịp dừng xe hẳn thì chú nai đã chạy vòng ra sau xe, lúc đó tôi không thấy được nó nhưng nghe T thì thào:
- Nó đang đứng sát phía sau xe anh Long ...
Tôi nói nửa đùa nửa thật:
- De xe lại tông nó luôn anh Long ...
Anh Long vẫn chưa kịp phản ứng thì con nai đã nhảy vòng sang bên trái một lần nữa. Lúc đó xe đã dừng hẳn, tôi thấy con nai phóng qua đầu xe chạy về bên phải . Anh Long ra khỏi xe nhảy lên thùng xe lấy súng chạy sang bên phải, tôi vội cầm đèn chạy theo . Chú nai vẫn nhớn nhác không biết chạy đi đâu nên cứ dọc theo con đường có lúc chú chạy tới, có lúc lại quay đầu chạy ngược lại . Tôi vẫn soi đèn theo dõi từng di động của chú, bất ngờ chú nai đứng lại quay đầu nhìn đèn, nhưng vừa khi anh Long đưa súng lên ngắm thì chú lại quay đầu chạy tiếp. Anh Long cầm súng tôi cầm đèn vẫn nhè nhẹ đuổi theo, bỗng chú nai nhảy vào một bụi cây cao quá đầu, chúng tôi cứ đinh ninh là chú nai vẫn còn ở trong bụi cây đó, nhưng khi đến gần thì chẳng thấy bóng dáng chú đâu .
Thật quái lạ, hai bên bụi cây đều là cỏ thấp, phía sau bụi cây là hàng rào farm tương đối cao. Chú nai đã không nhảy qua hàng rào này mấy lần nên mới chạy dọc theo con đường thế mà bây giờ nhìn đâu cũng không thấy. Chúng tôi rọi đèn bên phải, bên trái, rọi cả vào trong farm. Farm này chỉ
có cỏ chắc là để nuôi bò nên nếu chú nai chạy vào đây khi quyét đèn chúng tôi cũng có thể nhìn thấy, chú nai đã biến mất như một bóng ma ...
Thật sự trước đó tôi không hề biết rừng ở Úc lại có nai, khi quay lên xe tôi hỏi anh Long:
- Ủa, rừng ở đây có nai hả anh Long?
- Có chứ ...
- Hay là nai trong farm bị sổng chuồng ...
- Không, đây là nai rừng, người ta gọi là "hog deer"
- Vậy mà trước giờ em vẫn tưởng ở Úc không có nai rừng.
Anh Long tiếp:
- Hôm trước thằng W con anh tông một con nai ở Honey Suckle (cách Seapray khoảng 5-7km về hướng Bắc ) cũng gần vùng nàỵ Nó lôi con nai bỏ lên thùng xe mang về, nhậu hết sẩy ...
Lúc sau, khi về đến nhà, kể lại chuyện thấy con nai bên đường, chị Loan vừa cười vừa nói:
- Cái ông wỷ Long nè, bữa trước thằng W nhà chị nó tông một con nai bị banh cái đầu xe, dzậy mà khi về tới nhà nó dzô kiu Ba nó, ổng hổng lo cái xe mà chỉ lo ra coi con nai .
Chị Loan kể, tối đó thằng W lái xe về, chạy vô gọi:
- Ba, con mới tông con nai
Anh Long chạy ra:
- Thiệt, nai hả ...
Rồi ảnh nhảy lên thùng xe khiêng con nai với thằng W mà chẳng màng gì tới chiếc xe.
Theo đúng sách vở ...
Chúng tôi vẫn còn tiếc hùi hụi con nai bên đường thì anh Long đã dừng xe lại trước cổng farm. Anh nhảy xuống mở cổng rồi chạy xe vào trong farm, anh dừng xe cho tôi, T & H con trai tôi ra khỏi xe . Nhạc phụ của tôi đã thấm lạnh sau hơn 2 tiếng đồng hồ nên không muốn ra khỏi xe nữa . Khổ một nỗi H bị cận thị mà lại quên mang kiếng cận, nên khi giao cho H cầm đèn rọi cho tôi & T bắn là hơi thất sách .
Ba chúng tôi leo lên thùng xe, tôi đứng bên trái, T đứng bên phải còn H đứng giữa cầm đèn. Thỏ trong farm có vẻ nhiều hơn trong rừng nhưng chúng cũng nhát hơn. Địa hình farm của anh Long không bằng phẳng, nhưng có chỗ cao chỗ thấp, địa hình này rất thuận tiện cho săn thỏ. Bởi địa hình nhấp nhô thỏ không thấy mình từ xa, có khi xe mới nhô lên một con đồi là đã thấy mấy chú thỏ đứng sững sờ ở đó. Có lẽ khi bất ngờ nhìn thấy ánh đèn mấy chú có vẻ ngạc nhiên nhìn chằm chằm vào ánh đèn, còn nếu địa hình bằng phẳng hơn, mấy chú có thể nhìn thấy ánh đèn từ xa, và theo tôi để ý thì cơ hội mấy chú bỏ chạy rất cao, trước khi mình có thể tới gần vừa tầm bắn .
Anh Long mở đèn pha, cặp đèn pha của chiếc Toyota Hilux quyét sáng cả 1 vùng, thế nhưng vẫn không đủ ánh sáng nếu không dùng thêm chiếc đèn rọi trên thùng xe . Lúc xe vừa mới vượt qua đỉnh đồi đang ở tư thế chúi xuống dốc, chúng tôi thấy một đám 4-5 con thỏ, chúng khựng lại nhìn đèn một chút rồi bắt đầu bỏ chạy, tuy nhiên hai con trong đám như có vẻ vẫn chưa thỏa chí tò mò nên đứng lại nhìn ánh đèn . H không nhìn rõ nên khi thấy mấy chú thỏ chạy loạn xạ H quyét đèn đuổi theo, tôi phải 1 tay cầm súng 1 tay nắm lấy tay H chỉnh ánh đèn chiếu vào hai chú thỏ đang đứng . Làm như vậy hơi bất tiện bởi người ta thường nói "nhát như thỏ", mấy chú này thường không đứng lâu, mấy lần sau khi tôi cầm tay H chỉnh hướng đèn cho đúng khi cuối xuống định nhắm bắn thì con mồi đã chạy mất tiêu . Lucky cho tôi & T lần này, hai chú thỏ có vẻ lì lợm .
- Đùng ...
- Rắc rắc đùng ...
T đã bắn 2 phát trong khi tôi vẫn còn đang dán mắt vào ống ngắm để đưa 1 trong hai chú vào đúng chữ thập .
- Đùng
Tôi bóp cò, một chú ngã lăn quay.
- Đùng
Chú còn lại đã trúng đạn của T, anh Long ngồi trong xe nói vọng ra:
- Trúng hai con rồi ...
T hỏi:
- T có bắn được con nào không?
Tôi nói:
- Chắc chắn là T đã bắn trúng 1 con, bởi nãy giờ N mới bắn có 1 phát thôi .
Anh Long giải thích:
- N bắn trúng con bên trái, T bắn trúng con bên phải.
Quả là sư phụ, ngồi trong xe không biết anh nghe được tiếng súng hay thấy được đường đạn đi mà phán đoán thật chính xác .
T khoái chí :
- Ha ha ... dzậy là T cũng bắn được 1 con .
Tôi thắc mắc:
- Làm sao T có thể bắn nhanh hay vậy, N mới bắn 1 phát mà T đã làm 3 phát liền.
T nói:
- T đâu có nhắm ống ngắm đâu, T đứng bắn luôn .
- À thì ra, N cứ phải theo đúng sách vở, kê súng lên bệ gỗ, nhắm mục tiêu đúng giữa chữ thập mới bóp cò .
Nói đến chuyện "đúng sách vở" tôi nhớ bao nhiêu năm về trước lúc còn là sinh viên nghèo, vào mỗi mùa nghỉ hè, T & tôi cùng mấy đứa bạn thường tụ tập binh sạp xám giải khuây . Chúng tôi thường gài mấy độ sạp xám nhẹ như 1 chi 5-10 cent hoặc đứa nào thua thì "mời" anh em ra ngoài uống nước . Có khi không tiện đi ra ngoài chúng tôi gài độ uống nước tại nhà nhưng luật được đổi ngược lại, đứa nào thua thì tự mời mình uống nước lã. Gài độ kiểu này có đêm cả đám thức trắng mắt sáng ra đứa nào cũng bơ phờ, không phải vì muốn thức mà vì đứa nào cũng uống nhiều nước quá cứ vừa nằm xuống là phải đứng dậy đi "xả hơi", thật là chẳng cái dại nào giống cái dại nào .
Tôi muốn nhắc đến chuyện binh sạp xám là bởi vì T hay có thói quen binh theo sách vở rất cẩn thận theo kiểu "thùng thủ cù lũ dương" . Bởi thế tôi hay tìm cách đè cây đầu hay cây giữa của T tùy theo sự suy đoán của tôi, mà thường là tôi thành công nếu tôi đoán đúng bài của T . Thế mà giờ đây đi săn tôi lại là thằng săn "theo sách vở" còn T thì ngược lại. Có điều qua kinh
nghiệm cuộc săn tôi nhận thấy cứ theo sách vở sư phụ dạy thì có vẻ tốt hơn. Bằng chứng la sau cuộc săn đêm đó, khi điểm lại chiến tích, tỷ số con mồi T hạ được so với tôi là 1/3. Thế mới biết câu "Đi săn mà không nghe lời sư phụ thì trăm đường lỗ to" ...
TẢ XUNH HỮU ĐỘT
Anh Long cứ thế lái xe, lúc lên đồi lúc xuống dốc, mỗi lần anh dừng xe lại là chắc chắn có con thỏ đứng gần đâu đó, chỉ có điều tôi & T mắt hơi bị kém nên cứ hát mãi bài ca "đâu đâu..." làm anh Long cứ phải lập lại cái điệp khúc "đó đó ...". Có một lần một con thỏ đứng trước đầu xe chỉ khoảng 20-30m nhưng tôi & T nhìn qua nhìn lại hoài vẫn không thấy, cho đến khi anh Long chạy đến gần còn khoảng 5-10m, chú thỏ phóng đi thì tôi & T mới nhìn thấy.
Chúng tôi chạy vòng vòng trong farm của anh Long bắn hết mấy băng đạn, T cũng bị tình trạng giống tôi đó là mất đạn không ít vì không biết cách lên đạn. Bới vậy có lúc chúng tôi nhắm được con mồi trong ống ngắm nhưng khi bóp cò thì súng không nổ. Có lúc T & tôi hết đạn cùng lúc đành nhìn con mồi đủng đỉnh chạy đi. Chúng tôi biết mỗi băng đạn có 5 viên, nhưng cứ bị bắn đạn lép vì khi bắn đến viên thứ 2 thứ 3 thì đã hết đạn rồi .
Chúng tôi tả xung hữu đột trong farm, bắn cho đến khi mấy chú thỏ sợ quá chạy hết sang mấy farm bên cạnh mới thôi . Trong farm đêm đó có mấy con ngựa, tôi nói nhỏ với T:
- Bắn làm sao mà thỏ không trúng lại trúng mấy con ngựa này thì đổ nợ ...
Chúng tôi săn trong farm khoảng nửa tiếng và chiến lợi phẩm là 4 con thỏ. Anh Long nhìn mấy con thỏ nói:
- Trời vừa mưa xong mấy cơn, cỏ mọc nhiều nên thỏ tơ cũng nhiều. Con nào con nấy mập như vậy ăn ngon lắm.
Chúng tôi thu chiến lợi phẩm rồi rời farm trở về nhà. Về đến nhà anh Long ra tay làm hết mấy con thỏ, bỏ vô tủ lạnh để ngày hôm sau chị Loan nấu món cà ri. Tôi học thêm cách làm thỏ kiểu Úc, xưa kia tôi cũng đã từng làm thịt thỏ ở VN, nhưng cách làm của anh Long thật nhanh gọn. Anh Long làm đến một con thỏ do tôi bắn, ảnh nói:
- Chu cha coi ông N ổng bắn nè, con thỏ có hai cái đùi mà ổng bắn trúng đít nát bấy hết hai cái đùi ...
Mọi người cười ồ lên, tôi bào chữa:
- Rõ ràng là em nhắm cái vai nhưng chẳng hiểu sao lại bắn trúng cái mông ...
Sau khi rửa tay thay quần áo xong, chị Loan pha một bình trà. Đã bao năm không gặp, bao nhiêu chuyện để tâm sự. Chúng tôi ngồi nói chuyện với vợ chồng anh Long cho đến ba giờ sáng ...
MỘT THỜI THƠ ẤU
Ngày hôm sau anh Long đưa chúng tôi đến farm của một ông bạn để câu cá. Chủ farm một ông Tây to lớn, vẻ mặt trông phúc hậu. Phía sau farm của ông là một dòng sông nhỏ nghe nói có nhiều cá hanh. Tuy nhiên có lẽ ngày hôm đó chúng tôi đến không đúng con nước hoặc không đúng ngày nên sau khi quăng cần, chờ một lúc vẫn chẳng thấy động tĩnh gì. Anh Long đổi ý quay lại xe lấy khẩu súng và rủ tôi đi săn thỏ với anh ở quanh khu đó.
Chúng tôi dọc theo bờ sông đi một đoạn đã thấy mấy chú thỏ đang nhởn nhơ nhảy nhót ở đằng xa. Tuy nhiên săn thỏ ban ngày khác với săn ban đêm ở chỗ ban đêm thỏ có thể vì ánh đèn lóa mắt không nhìn thấy người săn, còn ban ngày chúng rất tinh mắt có thể nhìn thấy người từ xa và bỏ chạy trước khi mình có thể đến gần tầm bắn. Bởi thế tôi và anh Long cứ phải tay xách súng đi trong tư thế lom khom, có lúc phải bò dựa theo những mô đất hoặc bụi cây để thỏ không phát hiện ra mình.
Mặc dù phải di chuyển trong tư thế lom khom và mắt luôn dán căng về phía trước, nhưng đầu óc tôi bỗng dưng liên tưởng đến một thời ấu thơ khi nhìn thấy những cảnh vật chung quanh. Cảnh ở đây đối với tôi sao nó thân thương kỳ lạ, có lẽ bởi những dòng suối nhỏ chạy quanh, có lẽ bởi những bụi cây, những gò đất, những đồng cỏ trông đâu cũng thấy hết sứ quen thuộc.
Sau năm 1975 gia đình tôi di cư về sống ở một vùng quê, có lẽ bởi Ba Mẹ tôi "chán đời" sau cuộc biến động 30-4 và sau những ngày tù cải tạo, hoặc có lẽ muốn tránh sự để ý của chính quyền lúc bấy giờ. Dẫu với lý do nào thì gia đình tôi đã trả một giá rất đắt cho quyết định này, khi cả gia đình từ Ba Mẹ tôi cho đến đứa em trai út (5 tuổi) hàng ngày phải quần quật lao động để đổi lấy những "công điểm" mà giá trị một năm của nó không đủ nuôi sống gia đình trong một tuần.
Thôi hãy gác chuyện đau thương của gia đình tôi và của đa số những người dân VN phải chịu đựng thời đó để tìm lại một chút kỷ niệm thân thương của tuổi ấu thơ. Niềm an ủi thời ấu thơ của tôi có lẽ là cảnh đồng quê. Tôi còn nhớ sau những ngày lao động mệt nhọc hoặc sau những giờ nghỉ ngắn ngủi tôi thường tìm một bóng cây nằm nhìn lên trời xanh. Hoặc có những buổi hoàng hôn đứng trên đồi cao nhìn ra cánh đồng lúa, mía xanh rì uốn mình như những đợt sóng vô tận trong gió chiều lồng lộng.
Có những buổi trưa tranh thủ giờ nghỉ tôi lang thang trên cánh đồng tìm những ổ chim cút, chim chiền chiện. Có lúc tôi cùng lũ bạn ngụp lặn dưới những dòng sông, dòng suối không biết chán. Dẫu sao thượng đế vẫn an ủi những đứa trẻ chúng tôi thời đó khi ban cho chúng tôi cảnh đẹp thiên đường giữa một địa ngục trần gian.
Giờ đây bước trên cánh đồng của một đất nước xa xôi mà sao tôi thấy nhớ da diết một thời ấu thơ. Khí hậu ở đây không giống khí hậu ở VN, thế mà sao những bụi cây, đồng cỏ, con suối lại giống VN đến thế. Ôi! lòng yêu quê hương của con người thất khó hiểu, nó dường như ngấm vào máu thịt, ngấm vào từng dây thần kinh, từng cảm xúc trong ta mãi mãi và mãi mãi. Xin lỗi tôi lại lạc đề của chuyến đi săn, nhưng dầu sao những cảm xúc của tôi có lẽ cũng như bao cảm xúc của những người VN tha phương kha'c cũng rất cần được chia sẻ.
Xin trở lại cuộc săn bắn ngày hôm đó, sau khi "bò lết" một đoạn chúng tôi gặp rất nhiều thỏ, nhưng vì ban ngày chúng tinh mắt nên thường bỏ chạy trước khi tôi có dịp ngắm bắn. Một điều khó khăn cho tôi khi săn ban ngày là việc giữ súng khi bắn. Khi đi săn đêm trước đó chúng tôi đứng sau thùng xe và có bệ kê súng nên không bị run tay. Đi săn ban ngày như hôm đó, nếu may tôi có thể gác súng lên một nhánh cây hoặc một mô đất, nhưng có lúc phải ở trong tư thế nửa quỳ nửa ngồi, súng cứ nhô lên nhấp xuống theo nhịp thở rất khó ngắm. Đó là chưa kể việc tim đập thình thịch vì phải đi trong tư thế lom khom và hồi hộp khi nhìn thấy con mồi. Lắm lúc có chú thỏ đứng một chỗ "vuốt râu" thật lâu mà tôi bắn mãi không trúng.
Tôi và anh Long đã băng qua mấy cánh farm bắn được 5-6 con thỏ, lúc mặt trời còn độ 2-3 con sào chúng tôi bất ngờ nhìn thấy một chú chồn (fox) chạy gần bờ suối. Anh Long khoát tay ra dấu cho tôi chạy về phía anh vừa chỉ về hướng con chồn dang chạy vừa nói :
- Anh & N đuổi theo bắn con này, nếu bắn được về nấu giả cầy nhậu hết ý ...
Thế là chúng tôi cứ mải mê đuổi theo chú chồn, chú ta cứ chơi trò trốn tìm, lúc ẩn lúc hiện làm chúng tôi quên mọi người đang câu cá ở bờ sông. Lúc sau chúng tôi sực nhớ và quay trở lại bờ sông thì mọi người đã rút trại, tôi gọi điện thoại thì mới biết mọi người rủ nhau đi Honey Suckle dạo chơi vì câu chẳng được con cá nào .
Tôi và anh Long lái xe trở về nhà, vừa lúc trời đổ mưa to, chẳng bao lâu sau mọi người cũng quay trở về . Chúng tôi mở chai rượu vang ra uống chưa hết chai thì trời đã ngưng mưa . Nhìn ra ngoài thấy trời vẫn còn sáng, anh Long rủ tôi và T đi săn tiếp .
Tôi & T mỗi thằng ôm một cây súng, anh Long lái xe trở lại địa điểm chúng tôi vừa săn trước đó . Trời vừa mưa xong lại là lúc chạng vạng tối, thỏ rừng chạy khắp mọi nơi nhưng không hiểu sao tôi & T chẳng bắn được con nào . Chúng tôi lùng sục từ farm này sang farm kia, có lúc tưởng đã bắn trúng mấy chú thỏ nhưng khi đến nơi thì mấy chú đã không cánh mà bay . Chúng tôi vẫn còn đang rất hăng, có lẽ vì chưa hạ được chú thỏ nào, nhưng trời mỗi lúc một tối chúng tôi lại chẳng mang đèn theo nên đành phải quay về .
Tối hôm đó chúng tôi nhậu món cà ri thỏ do chị Loan nấu . Ai cũng vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon . Món này ngon ở chỗ nó chẳng có tí mùi thịt rừng nào mà ngược lại còn có một mùi thơm thật hấp dẫn, chưa kể đến vị nêm nếm rất vừa miệng . Nhóm phụ nữ muốn học hỏi bí quyết nấu thịt rừng của chị Loan, chị bật mí cho biết ngoài cách nêm nếm ra, khi nấu thịt rừng (thịt rừng nào cũng vậy) nên dùng nước dừa tươi chẳng những tránh được mùi hôi (thịt rừng) mà còn cho thêm vị thơm ngon đặc biệt. Thế là các bà đã học được thêm một bí quyết cho kho tàng nấu ăn của mình, chỉ tiếc từ đó đến nay chưa ai có dịp thử qua (vì muốn thử thì cần phải có thịt rừng).
Hai ngày đi săn trôi qua thật nhanh, thật lòng mà nói tôi rất thích đi săn, tuy nhiên có lẽ vì ở Úc đã lâu chẳng mấy khi làm chuyện "sát sanh" nên khi nhìn những chú thỏ & kangaroo bị trúng đạn, tôi thật sự cảm thấy tội nghiệp . Nhưng sau đó nghe anh Long kể chuyện Hội Đồng Địa Phương (local Council) ở đây thỉnh thoảng phải bỏ tiền ra thuê người diệt bớt thỏ & kangaroo vì dân số của chúng tăng quá mức làm ảnh hưởng tai hại đến môi trường xung quanh, chưa kể đến việc mấy chú phá hoại nông sản của các chủ farm trong vùng. Nghe thế lương tâm tôi cũng cảm thấy đỡ áy náy. Dẫu sao cuộc đi săn này đã cho tôi cơ hội gặp lại anh chị Long & Loan, nó cũng cho tôi cơ hội để hồi tưởng lại một thời ấu thơ, hồi tưởng lại những hình ảnh quê hương một thời đã qua . Tôi chợt nhận ra, nỗi nhớ quê nhà tưởng chừng đã vơi theo thời gian nhưng không ngờ nó vẫn còn mãnh liệt, da diết đến như vậy ...
Melbourne 12-2008
Thơ của tuổi 12
Ngọn lửa như con quỷ đói khổng lồ
Với đôi mắt rực đỏ
Nỗi cuồng nộ chảy tràn trong từng mạch máu
Cơn đói hung tàn như lửa ngàn nung nấu
Nó phóng mình đến những căn nhà
Nơi mọi người đang hoang mang lưỡng lự
Có ngờ đâu nỗi kinh hoàng ập đến
Khi nghe tiếng ầm ầm như sóng thần tràn bến
Tiếng cây đổ ào ào
Dưới bàn chân con quái vật khổng lồ
Nó tràn lên những oan hồn gào thét
Rực lên bản nhạc thần chết
Nhiều người bỏ chạy và nhiều người ngã gục
Cố vượt thoát ngọn lửa hung tàng
Đôi mắt rực lửa của nó như chắng thể lụi tàn
Nhưng bùng lên với trò chơi thần chết
Một đoàn quân xông lên chống con quái vật khổng lồ
Với những đoạn ống nước nhỏ màu vàng
Lòng dũng cảm, những con người bé nhỏ
Đang chiến đấu trước biển lửa lan tràn
Những kẻ đương đầu với con quái vật
Mang số phận anh hùng
Họ thật vô tư lạc lõng
Mặt đối mặt sẵn sàng xáp trận
Con quái vật, ngọn lửa hung tàn không thương tiếc
Đốt cháy những trẻ thơ lúc chúng đùa chơi
Nó thiêu hủy không chỉ những rừng cây xanh tươi
Nhưng hàng trăm mạng người như lửa trời đổ xuống
Nó nuốt chửng như con quỷ đói
Dù đã no đầy với bao cơn lửa khói
Nó truy tìm những người trốn chạy
Ào ào lướt đi trong lửa cuồn sóng dậy
Nó đuổi theo những chiếc xe đang vùn vụt chạy
Và bủa vây chúng trong trái cầu lửa
Nó tung ra những quả banh lửa khổng lồ
Những con người kinh hãi
Ngọn lửa đã dừng lại trước đoàn quân nọ
Và bỗng dưng nó cảm thấy hoảng sợ
Những đợt phản công dũng mãnh đã đè bẹp nó
Cơn cuồn nộ của nó đã đến hồi cáo phó
Và thế là cuối cùng
Một huyền thoại phải kết thúc
Một huyền thoại của chiến tranh & hòa bình
Một huyền thoại nhiều người nghe đến
Mà ngôn từ không thể nào kể hết…
Henry Nguyen
Để tưởng nhớ những người đã khuất.
The fire was a hungry giant
With eyes of glowing red
The anger flowing through its veins
Its hunger still unfed
He rushed along towards the houses
Where the people still pondered round
So blind of the horrors yet to come
Until the crackling sounds
The sounds of trees being crushed beneath
Below the giant’s heavy feet
The cries of souls as he rushed on
Blazing a loud deathly song
Many fled and many failed
To escape his rampaging flame
His burning fire never fading
But picking up with game
Those who stood against his fury
Met a heroic fate
So naïve, so missed are they
To try and fight him face to face
The giant, its merciless flaming torture
It seared the children from their play
It crisped more than rooted wood
Hundreds crowded heavens way
It followed on still quite hungry
Despite its heavy meal
It looked for all who ran away
Through skidding, burning wheels
It chased along the speeding cars
And trapped it in a sphere
The giant tossed great fireballs
The people sweated fear
An army rose against the giant
With Meters of yellow pipes
Their bravery, yet, is still belittled
Their fight with the enormous light
The fire stood before this army
And suddenly it felt dread
The power pouring down on it
And now its rage was dead
And so at last
This tale must end
This tale of war and peace
This tale that many people hear
This to say the least.
Written by Henry Nguyen – Feb 2009
(Year 7 – The University High School)
In respect for those who died.
===========================================
Global Warming
Chú ong siêng năng
Bay tới bay lui
Ôi! sao đẹp quá
Cánh mỏng xinh tươi
Cá hồi múa nhảy
Khung cảnh tuyệt vời
Trên dòng sông chảy
Mãi ra biển khơi
Ôi! thôi ...
Tôi đã thấy gì ?
Hai người tiều phu
Chặt cây xanh rì
Nước chảy chậm lại
Nước vơi đi nhiều
Gom lại tất cả
Còn được bao nhiêu
Những bãi tuyết trắng
Lạnh lẽo nơi này
Nhưng còn là gì ?
Cho ta vui đây
Tuyết đang tan chảy
Vỡ thành từng mảnh
Rơi xuống vực sâu
Nước chảy về đâu
Ai gây nên nỗi
Ai người đổ lỗi
Có phải ta chăng
Đáng để ăn năn
Khí thải nhà kính
Đâu phải chuyện đùa
Xe cộ hãng xưởng
Bao nhiêu cho vừa
Từ những căn nhà
Ánh đèn ta dùng
Khói lửa phá rừng
Trái bom nổ tung
Dầu hỏa nơi này
Than đá đằng kia
Đời tàn từng phút
Khí tan từng chút
Mặt trời rực rỡ
Chiếu xuống chúng ta
Những cơn gió lộng
Có chi đâu mà ?
Hãy đội nón lên
Xe đạp vững yên
Hàng ngày ta chạy
Cho đất sống thêm .
Henry Nguyen (Year 6 St. Mary’s School – September 2008)
Busy bee
Flying by,
Oh how beautiful
That you fly.
Leaping salmons,
What a show.
Pushing through,
The rivers flow.
Oh no,
What’s this I see?
Two men,
Cutting a tree.
The water slowing
Thinning now.
So little left,
It trickles down.
In the snow
It’s freezing here.
But what’s this?
No don’t cheer!
The ice is melting,
Breaking off.
Smashing bottoms,
Water tops.
Who has done it!?
Who’s to blame!?
Us of course,
Such a shame.
Carbon dioxide,
It’s not tame.
Cars and factories
That’s where it came!
House too,
The light I use.
Smoking , cutting,
I’ve blown a fuse!
Oil Here,
Coal there.
Killing us,
Killing air.
Bust the sun still shines,
Down on us.
The winds blow strong,
What’s the fuss?
Grab your helmet,
Get a bike,
Ride to work,
Give earth some life!!!
Written by Henry Nguyen (Year 6 St. Mary’s School – September 2008)