Thứ Hai, 13 tháng 9, 2010

Thiếu Lâm Hồng gia quyền (Shaolin Hung Gar Kuen)

Lời Giới Thiệu,

Một bài tham khảo thật công phu, tuy nói về Thiếu Lâm Hồng Gia nhưng đã bao gồm nhiều chi tiết lịch sử lý thú của hầu hết các
hệ phái Thiếu Lâm nói chung và đặc biệt là Thiếu Lâm Nam Phái một hệ phái mà võ thuật cổ truyền Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng sâu đậm.

***

Hồng Gia quyền


Hồng Gia quyền còn được gọi là Thiếu Lâm Hồng gia quyền (Shaolin Hung Gar Kuen), hay Hồng quyền (Hung Kuen), Thiếu Lâm Hồng Quyền (Shaolin Hung Kuen) là một hệ phái Võ Thiếu Lâm trong hệ thống võ thuật cổ truyền của Trung Quốc ở miền nam có gốc từ Nam Thiếu Lâm Phúc Kiến chứ không phải của Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam.

Nguồn gốc

Các danh quyền và danh phái võ thuật trong dân gian ở Trung Hoa thường được lưu truyền rằng đó là những bộ môn quyền thuật tiêu biểu, có tính đặc trưng cho tất cả các môn quyền và võ phái Trung Hoa cổ truyền khác, và nói chung là đều có nguồn gốc từ Thiếu Lâm. Do vậy ở Trung Hoa từ xưa đến nay thường có câu "thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm" nghĩa là "tất cả các bộ môn võ thuật ở Trung Hoa đều có nguồn gốc từ Thiếu Lâm". Thiếu Lâm Hồng gia thuộc Thiếu Lâm Nam Quyền trong hệ phái Võ Thiếu Lâm

Xem chi tiết tại Các hệ phái của Thiếu Lâm

Có nhiều giả thiết khác nhau về nguồn gốc Thiếu Lâm Hồng gia.

Hồng Hy Quan

Giả thiết thứ nhất cho rằng: người sáng lập môn phái là Hồng Hy Quan (phiên âm: Hung Hei-Gun)- một đệ tử tục gia của Chí Thiện (Jee Sin) thiền sư trụ trì tại chùa Nam Thiếu Lâm ở tỉnh Phúc Kiến vào đầu thời kỳ vua Càn Long nhà Thanh (không phải là chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn, huyện Đăng Phong, tỉnh Hà Nam). Sau khi chùa Thiếu Lâm Nam Phái Phúc Kiến theo truyền thuyết bị quan quân nhà Thanh đốt phá, Hồng Hy Quan đã rời chùa Nam Thiếu Lâm trở về thành phố Phật Sơn quê hương ông thuộc tỉnh Quảng Đông và mở võ quán truyền bá Thiếu Lâm quyền. Nhưng để giấu tung tích ông đã gọi môn võ này là Hồng Quyền (Hung Kuen) hay Hồng Gia Quyền (Hung Gar Kuen).

Lục A Thái (Luk A Choy) là truyền nhân của Chí Thiện Thiền Sư và sau này cũng được Chí Thiện Thiền Sư gửi đến Hồng Hy Quan để thụ huấn thêm Thiếu Lâm quyền.

Lục A Thái truyền lại cho Hoàng Thái (Wong Tai), Hoàng Thái truyền lại cho con trai là Hoàng Kỳ Anh (Wong Ky Ying), Hoàng Kỳ Anh truyền lại cho con trai là Hoàng Phi Hồng (Wong Fei Hung - 1840-1933), Hoàng Phi Hồng truyền lại cho Lâm Thế Vinh (Lam Sai Wing - 1850-1943), Lâm Thế Vinh truyền lại cho con trai là Lâm Tổ (Lam Cho - 1910-?) và cháu nội (con của Lâm Tổ) là Lâm Chấn Huy (Lam Chun Fai) sinh năm 1940, Lâm Tổ hiện nay đang sống ở Hồng Kông được 97 tuổi (2007), tất cả các môn đồ Hồng Quyền Hồng Hy Quan ở Quảng Đông và Hoa Kỳ hiện nay đều là học trò của Lâm Thế Vinh và Lâm Tổ.

Lâm Chấn Huy (1940 - ?) hiện nay vẫn còn sống tại Hongkong và là chủ tịch hiệp hội Hồng Gia Quyền Quốc Tế, năm 2004 Lâm Chấn Huy đã có chuyến du lịch sang Nga và các nước trong khối liên bang Nga (SNG) để truyền bá Hồng Gia Quyền.(xem Video Clip Lâm Chấn Huy diễn một đoạn ngắn Cung Tự Phục Hổ Quyền, Hổ Hạc Song Hình Quyền, Thiết Tuyến Quyền là 3 bài quyền chính yếu trong Hồng Gia Quyền phía dưới bài này trong mục Liên Kết Ngoài).

Lâm Thế Vinh đã viết 3 cuốn sách nổi tiếng trình bày bộ quyền thuật của Nam Thiếu Lâm là Cung Tự Phục Hổ quyền, Hổ Hạc Song Hình quyền, Thiết Tuyến quyền được xuất bản tại Hồng Kông vào năm 1920 và được dịch xuất bản ra tiếng Việt vào năm 1973 tại Sài Gòn trước năm 1975 (xem mục Tham Khảo phía dưới bài này). Họ Lâm còn truyền bá Hồng Gia quyền ra khắp tỉnh Quảng ĐôngHồng Kông, Bắc Mỹ, Anh quốc,...

Thật ra Hồng Gia quyền cũng như Nam Thiếu Lâm có rất nhiều bộ quyền khác 3 bộ quyền trên nhưng ít người biết đến. Do ảnh hưởng của họ Lâm mà Hồng Gia quyền được biết đến nhiều hơn ở bên ngoài Trung Hoa đại lục.

Chu Nguyên Chương

Nhưng với Hồng quyền Thiên Địa Hội thì cho rằng: Hồng Quyền có nguồn gốc từ Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương vì chữ Hồng có nghĩa là Hồng Võ Diên Niên là niên hiệu đầu tiên của vương triều nhà Minh.

Triệu Khuông Dẫn

Còn thuyết khác thì cho rằng Hồng quyền do Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn nằm mơ gặp Tiên Ông dạy cho 36 động tác căn bản Hồng quyền rồi theo đó sáng tạo Thái tổ trường quyền. Sở dĩ gọi là Thái tổ trường quyền là để phân biệt với các bài trường quyền của Wushu.

Nếu quan sát kỹ ta thấy bài Thái tổ trường quyền có rất nhiều động tác, thủ pháp căn bản của Hồng quyền mà sau này các hệ phái Thiếu Lâm Hồng Gia quyền khác đều có trong các hệ thống bài tập sau này.

Bài Tiểu Hồng quyềnĐại Hồng quyền nổi tiếng của chùa Thiếu Lâm Tung Sơn đang được truyền bá hiện nay tại chùa ở Trung Quốc và một số lưu phái Thiếu Lâm ở Việt Nam hiện nay là minh chứng hùng hồn nhất rằng Hồng Quyền xuất phát từ Thiếu Lâm Tung Sơn có trước khi chùa Nam Thiếu Lâm Phúc Kiến ra đời sau này. Do vậy môn Hồng Quyền có trước khi cả Chí Thiện Thiền Sư và Hồng Hy Quan xuất hiện.

Đặc trưng của Quyền Phổ Thiếu Lâm Hồng Gia

Lâm Thế Vinh, học trò của Hoàng Phi Hồng trong chiêu thức Tấn Mã Đầu Tranh Song Hổ Trảo trong bài Cung Tự Phục Hổ quyền của Nam Thiếu Lâm

Thiếu Lâm Hồng gia quyền chủ về cương ngạnh, cận chiến và bám tấn. Hệ thống bài quyền và binh khí rất phong phú, gồm: La Hán Xuất Động, Sư Tử Cổn Cầu, Song Long Xuất Hải, Yến Tử Quy Sào (én bay về tổ), Tiểu Hồng Quyền, Đại Hồng Quyền, Hồng Quyền, Nam Hồng Quyền, Thiết Tuyến Quyền, Hổ Hạc Song Hình Quyền, Cung Tự Phục Hổ Quyền, Dạ Hổ Xuất Lâm, Hắc Hổ Quyền, Hồng Gia Phá Sơn Quyền, Ngũ Hình Quyền (Long-Hổ-Báo-Xà-Hạc), Thập Hình Quyền (Long-Xà-Hổ-Báo-Hạc-Tượng-Hầu-Sư-Mã-Bưu), Kim Hầu Quyền, Ngũ Lang Bát Quái Côn, Bát Quái Côn Đơn Đầu, Lưỡng Đầu Côn, Đơn Đao, Song Đao, Mễ (Ghế Ngựa), Đơn và Song Ngư, Đinh Ba, Côn Tam Khúc, Tiêu, Quạt (Thiết Phiến),...

Hồng quyền xuất phát từ Tống Thái tổ Triệu Khuông Dẫn và Lý Tẩu thì luyện bài Thái tổ Trường quyền, Đại Hồng quyền, Tiểu Hồng quyền,... là những bộ quyền của Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam. Lý Tẩu vốn là cao thủ môn Hồng Động Thông Bối quyền mà dân gian vùng Hà Bắc (Trung Quốc) thường gọi tắt là Hồng quyền gây ra sự ngộ nhận lầm lẫn sau này với Hồng quyền của Hồng Hi Quan gọi tắt từ chữ Hồng gia quyền.

Hồng quyền của Hồng Hi Quan và Phương Thế Ngọc xuất phát từ Nam Thiếu Lâm Phúc Kiến nên luyện bài xưa nhất của Nam quyền là Cung Tự Phục Hổ quyền, Hổ Hạc Song Hình quyền, Thiết Tuyến quyền, Ngũ Hình quyền (Long, Hổ, Báo, Xà, Hạc), Thập Hình quyền (Long, Xà, Hổ, Báo, Hạc, Sư (tử), Mã, Hầu, Bưu [cọp con]), Hắc Hổ quyền, Phá Sơn quyền,...

Ngũ Hình Quyền

Điểm nổi bật giống nhau giữa các hệ phái Thiếu Lâm Hồng Quyền là hệ thống Ngũ Hình Quyền dựa trên cơ sở các động tác của Long, Xà, Hổ, Báo, Hạc tượng trưng cho Ngũ Hành (Long (Thổ) luyện Thần, Xà (Thủy) luyện Khí, Hổ (Kim) luyện Xương Cốt, Báo (Mộc) luyện Gân, Hạc (Hỏa) luyện Tinh). Cũng có một số hệ phái Hồng quyền không có hệ thống Ngũ Hình Quyền, những hệ phái Hồng quyền này rất ít và không phải là Hồng quyền tiêu biểu.

Ngũ Hình quyền thật ra có nguồn gốc ban đầu từ Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam vào thời nhà Nguyên do Thu Nguyệt thiền sư, là pháp danh của Bạch Ngọc Phong, sáng tác trên cơ sở phát triển của 173 chiêu thức của La Hán Thập Bát thủ (18 thế tay của phật A La Hán).

Sau này bộ Ngũ Hình quyền này đã truyền vào chùa Nam Thiếu LâmPhúc Kiến, do vậy các phái võ miền Nam Trung Hoa có nguồn gốc từ Nam Thiếu Lâm Phúc Kiến đều có Ngũ Hình quyền, ví dụ như Vịnh Xuân quyền chẳng hạn cũng có bài Ngũ Hình quyền riêng không giống Ngũ Hình quyền của Hồng Gia quyền.

Bài Ngũ Hình quyền của Hồng Gia quyền sau này được phát triển lên thành Thập Hình quyền (Long, Xà, Hổ, Báo, Hạc, Tượng, Mã, Sư, Hầu, Bưu), có nhiều lưu phái Hồng Gia quyền của Hồng Hy Quan đã không còn dạy bài Ngũ Hình nữa mà chỉ còn dạy bài Thập Hình.

Hiện nay nhiều lưu phái Hồng Gia quyền lấy hẳn bài Thập Hình quyền làm đặc trưng quyền pháp vì trong đó đã có bài Ngũ Hình rồi.

Bạch Mi quyền của Bạch Mi đạo nhân sau này cũng được sáng tác trên cơ sở Hổ hình quyền và Báo hình quyền của Ngũ Hình quyền của Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam.

Kiều thủ

Tuy rằng các hệ Hồng Quyền có chung đặc trưng là Ngũ Hình Quyền (Long, Xà, Hổ, Báo, Hạc) nhưng để phân biệt Hồng Quyền của Hồng Hi Quan đó là kĩ thuật Kiều Thủ chia thủ pháp (đòn tay) làm 3 tiết đoạn: cổ tay, từ cổ tay đến cùi chỏ, từ cùi chỏ đến vai, và lối đánh phổ biến là kĩ thuật Trường Kiều (cánh tay thẳng dài và nắm thành quyền) đong đưa hai bên vai và hông như đòn gánh và đứng tấn Đại Mã tức thế tấn rộng và thấp.

Chí Thiện Thiền Sư và Hồng Hi Quan là người đã phát kiến và sáng tạo ra lối đánh Trường Kiều độc đáo và Kĩ Thuật Trường Kiều sau này đã trở nên rất thịnh hành trong các môn quyền thuật của Thiếu Lâm Trung Ngoại Chu Gia, Thiếu Lâm Thái GiaThái Lý Phật, Thiếu Lâm Phật Gia Quyền của các vị Lạt MaTây Tạng, đặc biệt là trong bài Nam Quyền của bộ môn Wushu hiện đại của Trung Quốc hiện nay.

Kĩ Thuật Trường Kiều (người Quảng Đông còn gọi là Phao Quyền) đứng tấn Đại Mã (bộ tấn rộng) là kĩ thuật rất đặc trưng trong bài Cung Tự Phục Hổ Quyền, Hổ Hạc Song Hình Quyền, Ngũ Hình Quyền (Long, Hổ, Báo, Xà, Hạc), Thập Hình Quyền (Long, Xà, Hổ, Báo, Hạc, Tượng, Sư, Hầu, Mã, Bưu) Bưu là con cọp (hổ) con, Hắc Hổ Quyền của Thiếu Lâm Hồng Quyền và Tiểu Phục Hổ Quyền, Đại Phục Hổ Quyền của Thiếu Lâm Trung Ngoại Chu Gia,...

Bất cứ ai đã học Hồng Quyền Hồng Hi Quan đều biết kĩ thuật Trường Kiều Đại Mã là sở trường của lưu phái này chuyên chủ cương trong khi các hệ Hồng Quyền khác thường đánh đoản kiều (đòn tay ngắn) và chủ về cương nhu nhập nội (cận chiến).

Triệt Quyền Đạo và Nam Quyền Thiếu Lâm Hồng Gia

Chiến thuật Tầm kiều - Phá mã là một chiến thuật phổ biến trong tất cả các hệ phái Nam Quyền Thiếu Lâm từ Hồng Gia quyền cho đến Bạch Mi quyền, Vịnh Xuân quyền, Phật Gia quyền, Trung Ngoại Chu Gia, Thái Gia quyền. Triệt Quyền Đạo của Lý Tiểu Long cũng phát triển trên nguyên lí này thành 2 nguyên lí căn bản của Triệt Quyền Đạo:

  1. Triệt Đầu Quyền: ngăn chặn đòn của đối phương ngay từ trong gốc trước khi phóng ra đến mục tiêu trên người ta (nên mới gọi là Triệt Đầu Quyền, Triệt có nghĩa là ngăn chặn khi quyền đối phương mới khởi phát).
  2. Tiếp Vĩ Quyền: đối phương vừa dứt đòn hết tầm ngay lập tức ta xuất thủ tiếp quyền đối phương (nên mới gọi là Tiếp Vĩ, là cái đuôi, ý nghĩa là như vậy).

Chữ Kiều có nghĩa là Cái Cầu, ở đây chỉ khoảng cách đo lường giữa ta và đối phương.

Tuy nhiên có một đặc điểm trong kĩ thuật quyền pháp của Trung Hoa rằng khái niệm Kiều có nghĩa là Điếu Kiều tức là cái cầu ở cửa thành ngày xưa hạ xuống cho người ra vào, nên khi muốn tấn công đối phương nghĩa là trước khi Công Thành ta phải phá Cửa Thành (Phá Kiều) rồi mới xông vào Thành, tức là đánh gẫy (triệt hạ) tay chân (quyền cước) đối phương trước rồi mới công thành.

Xét cho cùng Triệt Quyền Đạo của Lý Tiểu Long không phải là mới mẻ gì mà chỉ là sự phát triển trên cơ sở các Nguyên Lí Quyền Kĩ Nam Thiếu Lâm Hồng GiaThiếu Lâm Vịnh Xuân quyền.

Nhưng sự sáng tạo của Lý Tiểu Long ở chỗ là Lý nhấn mạnh đến tính đơn giản, trực tiếp và phi cổ điển.

Nghĩa là phải chăng Lý đã chối bỏ mọi Hình Thái Quyền Pháp Thiếu Lâm để tiến đến Nguyên lí Vô chiêu thắng Hữu chiêu?

Thật ra không phải như vậy.

Lý muốn nói rằng mọi Nguyên lí Triết học Trung Hoa trong Võ Thuật như Âm - Dương, Cương - Nhu, Hư - Thực, Động - Tĩnh và các hình thái quyền pháp (tức là những Chiêu thức, Chiêu số) chỉ là lột tả cái ý niệm sống động nào đó của quyền thuật. Các ý niệm quyền thuật này thể hiện ở ngay tên của các chiêu thức quyền pháp trong bài quyền theo cách tư duy tượng hình (mô phỏng) có tính ví von và so sánh bằng hình ảnh của người xưa.

Chẳng hạn ở tư thế Trung Bình Tấn (Hồng quyền Hồng Hi Quan gọi là Tứ Bình Bát Phân) một tay quyền để ở hông còn tay kia xuất quyền đánh thẳng ngang về phía một bên hông của tay đó có tên là Hoa Vinh xạ tiễn ám chỉ động tác tay vung quyền tấn công tựa như dang cánh cung về một bên, trong khi tay còn lại nằm ở hông giống như đang nắm mũi tên kéo về sắp sửa bật dây cung bắn ra, còn Hoa Vinh là tên của một trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc trong tiểu thuyết Thủy Hử của Thi Nại Am. Hoặc chiêu thức Ngọa Hổ Tầm Dương (cọp nằm bắt dê) chẳng hạn. Còn nếu như hai tay nắm thành quyền nằm ở hai bên hông thì gọi là Nhị Hổ Tiềm Tung (như hai con cọp nằm hai bên cổng) hay Long Tàng Hổ Phục (rồng và cọp nằm hai bên chờ thời xuất công)...

Do vậy Lý đã đưa ra khái niệm Triết học vận động trong võ thuật có nghĩa là giữa các hình thái quyền pháp - tức là các chiêu thức - luôn có sự biến hóa có thể không theo một trình tự nhất định nào để trở thành một khuôn vàng thước ngọc mà tùy theo khả năng ứng biến theo tình thế của người luyện tập và trong khi chiến đấu ngoài đời thật sự. Đó là tư tưởng "Không câu chấp, không câu nệ và vạn pháp hư không" trong thuyết lí Thiền Tông Phật Giáo Trung Hoa.

Và Lý đã đi đến kết luận Học nguyên tắc rồi giải trừ nguyên tắc, nghĩa là qua sông rồi thì nên để lại Thuyền mới đi tiếp được, nếu cứ câu nệ vào phương pháp tức là quá quan tâm đến hình thức mà không hướng đến nội dung thì Tâm Pháp bị vướng bận, năng lực bị giam hãm và không được giải phóng thì cho dù có tập luyện quyền thuật lâu ngày cũng không có kết quả gì.

Như vậy người mới học quyền thuật rất cần các Hình thái Quyền pháp căn bản, đến khi tinh luyện rồi thì thiên biến vạn hóa, từ chỗ có chiêu số đi đến chỗ không có chiêu số nghĩa là Vô ảnh quyền, vô ảnh cước, mọi cử động bất kỳ của thân thể cũng có thể trở thành chiêu thức phòng thủ, tấn công hay phản công đối phương hữu hiệu.

Các Lưu phái Thiếu Lâm Hồng gia

Hoàng Phi Hồng, Chân sư Hồng Gia quyền Quảng Đông vào cuối nhà Thanh.

Các dòng quyền thuật Thiếu Lâm Hồng Gia có rất nhiều và các hệ thống bài tập của các hệ Hồng Quyền này thậm chí khác nhau hoàn toàn. Có thể kể ra một số lưu phái Hồng Quyền đang thịnh hành tại Trung Hoa Đại Lục và ngoài Trung Hoa Đại Lục như sau :

  • Hồng quyền Quảng Đông của Hoàng Phi Hồng bắt đầu từ Lục A Thái (sư đệ của Hồng Hi Quan) truyền đến Lâm Thế Vinh. Lâm Thế Vinh là người có công quảng bá Hồng Quyền Hồng Hi Quan ra khắp tỉnh Quảng Đông đến Hồng Kông và Hoa Kỳ. Nhờ có Lâm Thế Vinh viết 3 cuốn sách Cung Tự Phục Hổ Quyền, Thiết Tuyến Quyền, và Hổ Hạc Song Hình Quyền mà người ta thường nói đó là quyền kỹ Hồng Hi Quan.
  1. Hồng quyền Quảng Đông còn có Hồng Quyền của Phương Thế Ngọc nổi danh với Ngũ Hình Quyền (Long, Xà, Hổ, Báo, Hạc) khác với Ngũ Hình Quyền của Hồng Hy Quan là Long, Hổ, Báo, Xà, Hạc. Hồng Quyền của Phương Thế Ngọc học từ mẹ là Miêu Thúy Hoa, Miêu Thúy Hoa học từ cha là Miêu Hiển.

Hồng quyền Quảng Đông chính là nguồn gốc của các bài Nam quyền của Wushu hiện đại Trung Quốc ngày nay.

Khi chùa Nam Thiếu Lâm ở Toàn Châu tỉnh Phúc Kiến bị hỏa thiêu dưới bàn tay tàn bạo của quan quân nhà Thanh, có 5 người đệ tử cuối cùng xuất sắc nhất của Thiếu Lâm Nam Phái Phúc Kiến (do vị Phương Trượng trụ trì lúc đó là Hồng Mi Sư Tổ - là một trong những vị tiền bối xuất sắc sáng lập ra Nam Quyền Thiếu Lâm - truyền dạy) trốn khỏi chùa.

5 người đó là : Chí Thiện Thiền Sư, Ngũ Mai lão ni (Ngũ Mai Sư Thái) (sau này là sư phụ của Nghiêm Vịnh Xuân - người đã sáng tạo ra Thiếu Lâm Vịnh Xuân Phật Sơn sau này), Bạch Mi Đạo Nhân (gọi là đạo nhân vì ông này sau đó bỏ Phật Gia đi theo Đạo Gia) - Bạch Mi chính là người sáng tạo ra dòng Nam Quyền nổi tiếng ngang ngửa Hồng Quyền Hồng Hy Quan là dòng Thiếu Lâm Bạch Mi với lối đánh đoản kiều phát kình trong tầm ngắn cực kỳ dũng mãnh và tàn khốc, người thứ tư là Phùng Đạo Đức (sau này làm quan cho nhà Thanh), và người thứ năm chính là Miêu Hiển và cũng chính là ông ngoại của Phương Thế Ngọc.

Chùa Nam Thiếu Lâm ở thành phố Toàn Châu, tỉnh Phúc Kiến bị thiêu hủy 2 lần chính yếu: lần thứ nhất là vào năm Ung Chính thứ 2 tức năm 1723 Tây lịch do Ung Chính đế ra lệnh, sau đó Chí Thiện Thiền Sư đã tìm cách xây lại, lần thứ hai và cũng là lần sau cùng bị thiêu hủy tận diệt là vào năm Càn Long thứ 28 tức năm 1763 do Càn Long đế ra lệnh và cấm tiệt xây dựng lại vĩnh viễn do vậy sự kiện này đã là mầm mống cho các phái võ miền Nam Trung Hoa sau này xuất hiện như: Bạch Hạc quyền tại địa hạt Vĩnh Xuân thuộc tỉnh Phúc Kiến, Bạch Mi quyền tại thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, Vịnh Xuân quyền tại thành phố Phật Sơn thuộc tỉnh Quảng Đông, Hồng Gia quyền của Hồng Hy Quan tại khắp tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Bạch Hổ Phái của Phùng Đạo Đức, Thiếu Lâm Thái Gia của Thái Phúc và Thái Cửu Nghi, Thiếu Lâm Lưu gia của Lưu Tam Nhãn, Thiếu Lâm Lý gia của Lý Hữu Sơn, Thiếu Lâm Mạc gia của Mạc Thanh Kiều là nữ nhân, Thái Lý Phật của Trần Hưởng ở Tân Hội tỉnh Quảng Đông, Thiếu Lâm Trung Ngoại Chu Gia quyền của Chu Long cũng tại Tân Hội tỉnh Quảng Đông cùng 4 người em ruột là Chu Hiệp, Chu Hải, Chu Điền, Chu Bưu, Thiếu Lâm Phật gia quyền ở Vân Nam và Quảng Đông,...

Trên thực tế võ Thiếu Lâm nguyên thủy có nguồn gốc từ Tung Sơn thuộc huyện Đăng Phong, tỉnh Hà Nam mới là chính thống khởi nguyên võ công Thiếu Lâm và không hề có tục lệ nhận đệ tử tục gia vào chùa truyền võ rồi cho rời chùa xuống núi, hành động này chỉ có ở chùa Nam Thiếu Lâm Phúc Kiến với danh tiếng mỗi đệ tử muốn rời chùa phải qua 36 quan ải chiến đấu với 18 (có thuyết nói 36) tượng đồng La Hán (La Hán Đồng Nhân) làm cho biết bao thế hệ võ thuật say mê võ công Thiếu Lâm cứ tưởng đấy là truyền thuyết có thật tại chùa Thiếu Lâm Tung Sơn. Truyền thuyết về những bức tượng La Hán Đồng Nhân này được khẳng định trong một tài liệu kỹ thuật quân sự trung cổ vào thời nhà Minh tên là Võ Bị Chí được lưu giữ trong phái Vĩnh Xuân Phúc Kiến Bạch Hạc quyền và trường phái Karate Hakutsuru (Không Thủ Đạo Bạch Hạc) của Đại Sư Hohan Soken là truyền nhân chính thống đã được ghi vào sách kỷ lục Guiness về kỳ tích diễn quyền trên một tấm ván mỏng thả trên mặt nước. Phái Không Thủ Đạo Bạch Hạc có nguồn gốc từ Bạch Hạc quyền chính là thủy tổ của tất cả các hệ phái Không Thủ Đạo ngày nay.

Tại chùa Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam không hề có một sự khẳng định hay một dấu vết nào nhắc đến niềm tự hào về truyền thuyết những tượng đồng La Hán cả và cũng không có một thư tịch nào khẳng định chùa đã từng có chính sách nhận đệ tự tục gia vào để truyền thụ võ công rồi cho hạ sơn.

Câu chuyện về 36 quan ải tại chùa Nam Thiếu Lâm ở Phúc Kiến với các bức tượng đồng nhân La Hán đã được đạo diễn của hãng phim Thiệu Thị là Lưu Gia Lương đồng thời cũng là võ sư và là truyền nhân của Hồng Gia quyền dựng thành một bộ phim nổi tiếng vào tháng giêng năm 1978 mang tựa đề Thiếu Lâm 36 Quan ải với diễn viên chính là Lưu Gia Huy.

Lưu Gia Lương đã từng đạo diễn rất nhiều phim võ thuật Hồng Kông chung với các vị đạo diễn nổi tiếng của Hong Kong như La Duy, Trương Triệt tại phim trường Thiệu Thị qua các bộ phim như: Hồng Hy Quan và Phương Thế Ngọc (tháng giêng năm 1974), Hoàng Phi Hồng và Lục A Thái (năm 1976), Thiếu Lâm 36 Quan ải (tháng giêng năm 1978), Túy Hầu (Khỉ Say), Thiếu Lâm Hồng Gia quyền (năm 1975)...

Trên thực tế vua Khang Hi nhà Thanh là ông nội của vua Càn Long, cả 2 người đã có công bỏ tiền của ra xây lại chùa Thiếu Lâm Tung Sơn cho rộng rãi hơn, tấm biển Thiếu Lâm Tự ngày nay tại cổng chính trước chùa chính là bút tích thư pháp của Khang HiCàn Long đã viếng thăm Tung Sơn Thiếu Lâm Tự vào năm Càn Long thứ 15 tức năm 1750 Tây lịch.

Sở dĩ vua Càn Long cho lệnh đốt chùa Nam Thiếu Lâm tại thành phố Toàn Châu tỉnh Phúc Kiến do chùa này là căn cứ địa của phong trào Phản Thanh Phục Minh tại miền Nam Trung Hoa.

Do vậy khi nói đến chùa Thiếu Lâm tại Trung Quốc thường có khái niệm chùa Nam chùa Bắc, chùa Nam chính là Nam Thiếu Lâm Tự tại Phúc Kiến (có 3 chùa Nam Thiếu Lâm Phúc Kiến: ở Toàn Châu, Phủ ĐiềnPhúc Thanh), chùa Bắc chính là Hà Nam Tung Sơn Thiếu Lâm tự và Hà Bắc Bàn Sơn Tử Cái đỉnh Thiếu Lâm tự. (xem Các ngôi chùa Thiếu Lâm tại Trung Quốc)

Những võ sư nổi tiếng

Sau hàng trăm năm, Hồng quyền đã sản sinh ra rất nhiều võ sư nổi tiếng như Hoàng Thái (cha của Hoàng Kỳ Anh, Hoàng Kỳ Anh (cha của Hoàng Phi Hồng), Lâm Thế Vinh, Lục A Thái, Tô Tử Quang, Trình Hoa, Trình Luân, Hà Châu,Hồng Viên Anh, Nguyễn Mạnh Đức Hồng Gia La Phù Sơn (hậu duệ đích tôn 4 đời của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến)... Hồng gia quyền được người dân Trung Hoa coi là Nam Quyền Vương (vua của dòng Nam Quyền) hay còn gọi là Hồng Quyền Nhất Gia (Hồng Gia Quyền đứng đầu Trung Quốc) trong Ngũ Đại Danh Gia Quyền Thuật Thiếu Lâm Nam Quyền Phúc Kiến là Hồng, Lưu, Lý, Mạc, Thái (Hung Gar, Liu Gar, Li Gar, Mo Gar, Choy Gar).

Trong Ngũ Đại Danh Gia Quyền Thuật của Thiếu Lâm Nam Quyền Phúc Kiến thi Thiếu Lâm Mạc Gia (Shaolin Mo Gar) chỉ có các đệ tử hoàn toàn là phái nữ do Mạc Thanh Kiều cũng là nữ nhân sáng lập.

Sự truyền bá Thiếu Lâm Hồng gia vào Việt Nam

Miền Bắc

Môn phái Thiếu Lâm - Hồng Gia quyền được truyền bá vào Hà Nội là do công của cố võ sư Tô Tử Quang (1910 - 1998). Ông sinh năm 1910 tại Long Châu, Quảng Tây, Trung Quốc. Ông là sư phụ của Quyền sư Hồng Viên Anh - Trưởng môn phái Thiếu Lâm Trần Gia Quyền.

Ngay từ nhỏ ông đã được đích thân cha là cụ Tô Cao Lân, một võ sư thành danh ở tỉnh Quảng Đông, truyền dạy môn Thiếu Lâm- Hồng Gia với sự say mê khổ luyện, ông đã tiếp thu được tinh hoa và kỹ thuật huyền diệu của môn phái năm 18 tuổi trong một cuộc thi võ hàng năm của tỉnh Quảng Tây, ông đã đạt giải nhì toàn tỉnh và được mệnh danh là “Thần đồng võ thuật”[cần dẫn nguồn].

Do hoàn cảnh, năm 1954 ông Tô Tử Quang sang Việt Nam sinh sống và làm việc tại nhà máy in báo thanh niên Hà Nội, sau này là nhà máy in Thống Nhất.

Năm 1954 ông Tô Tử Quang đã biểu diễn võ thuật tại nhà thi đấu Đông Dương nay là Thuỷ Tạ với bài La Hán Quyền, ông đã đạt huy chương bạc.

Từ năm 1954 ông Tô Tử Quang luôn là người đại diện cho võ phái Thiếu Lâm Hồng gia quyền của người Hoa tại Hà Nội cho đến ngày ông mất tháng 11-1998.

Năm 1982 ông đã tham gia thành lập và phát triển hội võ thuật Hà Nội. Ông đã được bầu làm ban cố vấn võ thuật của Liên Đoàn võ thuật Việt Nam, và các môn phái khác đều công nhận ông Tô Tử Quang là chưởng môn đầu tiên của Thiểu Lâm Hồng gia quyền tại Hà Nội.


Miền Nam

Xem Phả hệ nhân vật Hồng Gia quyền phía dưới

Hồng Quyền được truyền đến Sài Gòn có hai lưu phái khác nhau là Hồng Quyền Hồng Hy Quan chính tông chân truyền từ các môn đồ Hồng Hy Quan ở Quảng Đông sang Việt Nam bắt đầu từ cụ Trình Luân (đã qua đời tại quận Bình Thạnh, Sài Gòn trước năm 1975) và cụ Hà Châu hiện đang sống ở phường Bình Khánh, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ), hiện nay (2007) cụ đã 83 tuổi nhưng theo khai sinh thì chỉ 80 tuổi.

Võ công của cụ Hà Châu tập trung vào các môn luyện nội công và ngạnh công (công phá). Có thể thấy rằng trong các môn đồ Hồng Gia quyền truyền từ Hồng Hy Quan đến nay chỉ có cụ Hà Châu là luyện đạt thành nội công chân truyền của Nam Thiếu Lâm và cả các môn ngạnh công, như Thiết đầu công, dùng đầu đập vỡ 4-5 viên gạch Tàu dày đến 25-30 phân; và Chưởng pháp, dùng bàn tay không đóng đinh 20 phân rồi nhổ lên cũng bằng tay không, dùng tay không chém vỡ trái dừa khô; cho đến môn Thiên cân trụy, dùng thân mình chịu sức nặng của xe ủi lô làm đường lên đến 12 tấn !

Ngoài võ sư Hà Châu ra, còn có võ sư Huỳnh Thuận Quý từ Quảng Đông (Trung Quốc) sang Sài Gòn Chợ Lớn (miền nam Việt Nam) vào năm 1968 truyền bá Hồng Quyền Hồng Hy Quan chính tông chân truyền tại hội võ quán Liên Nghĩa Đường tại quận 11 và truyền đến võ sư Huỳnh Kiều. Ngày nay Liên Nghĩa Đường vẫn còn hoạt động với nhiều sinh hoạt múa Lân Sư Rồng trong cộng đồng người Quảng Đông tại Chợ Lớn.

Hồng Quyền thứ hai là Hồng Gia Quyền La Phù Sơn (Hung Ga Kuen Luofu Shan) truyền từ cụ Nguyễn Mạnh Đức (là cháu đích tôn của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến), cụ Nguyễn Mạnh Đức (đã qua đời tại Pháp) học từ cụ Lý Văn Tân (người Trung Quốc) tại núi La Phù Sơn tỉnh Quảng Đông), Trung Quốc giáp ranh tỉnh Móng Cái miền Bắc Việt Nam.

Cụ Nguyễn Mạnh Đức truyền lại cho con trai là Nguyễn Minh Chánh, thường được gọi là anh Lân, sau này tự xưng là Lý Hồng Thái, sinh năm 1952 tại Hà Nội, hiện đang cư ngụ tại Mỹ (Hoa Kỳ). Cụ Đức không có học trò nào khác ngoài người con trai được truyền thụ trực tiếp từ chính cụ Đức đầy đủ hệ thống Hồng Gia Quyền La Phù Sơn.

Hồng Gia Quyền La Phù Sơn không chú trong luyện các môn ngạnh công (công phá) hay nội công mà chủ yếu luyện về nội khí và dưỡng thần, dùng khí hóa thành nội kình khi diễn quyền, không chu trong dùng tay không đánh vào các vật cứng bên ngoài.

Lý Hồng Thái đã rất thành công khi phát triển Hồng Gia Quyền La Phù Sơn và lấy tên Hồng Gia Việt Nam phát triển tại Hoa Kỳ, Nga, Việt Nam... Lý Hồng Thái cũng đã từng quay lại núi La Phù để tìm về cội nguồn của Hồng Gia La Phù nhưng môn đồ của dòng quyền thuật này đã qua đời chỉ còn vài người lưu lạc ra bên ngoài. Hiện nay ở Sài Gòn, trong cộng đồng người Hoa tại quận 5 tương truyền còn một vài người nhưng không còn lưu truyền bộ môn này nữa.

Nếu như Hồng Gia quyền của Hồng Hy Quan chủ về cương với thế quyền dũng mãnh ào ạt, do có nguồn gốc từ Nam Thiếu Lâm Phúc Kiến, thì Hồng Gia La Phù Sơn lại chủ cương nhu phối triển với thế quyền linh hoạt và uyển chuyển, phong cách kín đáo hơn.

Hồng Quyền La Phù Sơn có 36 thức khí công căn bản sử dụng thủ pháp đặc trưng của Hồng Quyền và 5 bộ khí công Long, Xà, Hổ, Báo, Hạc, 5 bài Long Hình Quyền, Xà Hình Quyền, Hổ Hình Quyền, Báo Hình Quyền, Hạc Hình Quyền rất đặc trưng và kỹ thuật MA VÂN THỦ tuyệt kỹ công phu. Cuối cùng ở cấp cao nhất là bài Kim Hầu Quyền tinh diệu đặc trưng cho thấy những nét tiêu biểu nhất của Thiếu Lâm Quyền Tung Sơn Hà Nam : bộ pháp (tấn pháp và cước pháp) di chuyển nhanh và kín đáo, thủ pháp (đòn tay) chặt chẽ có cương có nhu gọn gàng và tiết kiệm động tác; sử dụng cầm nã thủ pháp và cùi chỏ, đầu gối rất nhiều, phát kình thì cương mãnh.

Ở Sài Gòn, quận 5 trên đường Hàm Tử có võ đường của Thiếu Lâm Trung Ngoại Châu Gia do võ sư Lưu Kiếm Xương. Vào năm 2007, tuy đã 62 tuổi nhưng võ sư vẫn rất tráng kiện, ông là con trai của cố võ sư Lưu Hào Lương gốc người Quảng Đông di cư sang Việt Nam - đang truyền bá bộ môn này với đội lân mang tên NHÂN NGHĨA ĐƯỜNG đại diện cho đội lân Việt Nam đã từng đoạt giải nhất Múa lân - sư - rồng tại Hồng KôngSingapore (thắng luôn cả đội Trung Quốc, Hong Kong, và Đài Loan) khi biểu diễn múa Lân-Sư-Rồng trên Mai Hoa Thung là những cọc cao 2-3 mét được xếp thành những trận đồ hình hoa Mai.

Phả hệ nhân vật Hồng Gia quyền

Danh sách sau đây cho biết những nhân vật là truyền nhân chính thống của Hồng Gia quyền phát xuất từ Hồng Hy Quan.

Những nhân vật thuộc các nhánh Hồng Gia quyền khác chưa có nguồn tài liệu chính thống và chính xác nên không thể liệt kê vào, điều đó không có nghĩa là phủ nhận các nhánh Hồng Gia quyền khác không phát xuất từ Hồng Hy Quan. Nói chung các nhánh Hồng Gia quyền đều phát xuất từ Hồng Hy Quan, kể cả Hồng Gia quyền La Phù Sơn (Hung Ga Kuen Luo Fu Shan), Bắc Hồng quyền (Bak Hung Kuen), Hồng quyền Ngũ Hình (Ng Jing Hung Kuen), Hạ Tứ Hổ Hồng Gia Quyền (Ha Sei Fu Hung Gar Kuen), Hồng Quyền Hổ Hạc Song Hình (Hung Kuen Fu Hok Seung Jing), Hồng quyền Lĩnh Nam (Hung Kuen Lingnaam)... Ngoại trừ Hồng quyền (Hong Quan) của Lý Tẩu và Tống Thái tổ Triệu Khuông Dẫn tại chùa Thiếu Lâm Tung Sơn ở huyện Đăng Phong, tỉnh Hà Nam là không có liên quan.

Cần chú ý danh từ Hồng Quyền (Hung Kuen) viết tắt từ Hồng Gia Quyền (Hung Ga Kuen) hay Hung Style là của Hồng Hy Quan. Trong khi Hồng Quyền của Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam được viết là Hong Quan hay Red Fist khi dịch sang tiếng Anh.

Các môn Hồng quyền mà dùng chữ Hung Kuen khi chuyển từ âm Quảng Đông sang tiếng Anh (Latin hóa) chính là viết tắt từ chữ Hồng gia quyền (Hung Ga Kuen) có nguồn gốc từ Hồng Hy Quan với Kỹ pháp đặc trưng là Kiều thủ (Kìu Sẩu) còn gọi là Kiều pháp (Kiu Fa) và Hồ Điệp Chưởng (Hú Dié Zhǎng, Wùh Dihp Jéung) và không dùng danh từ Trung Bình Tấn mà dùng danh từ khác gọi là Tứ Bình Mã (Sei Ping Ma) hay Tứ Bình Bát Phân (Sei Ping Baat Fahn) và được dịch sang tiếng Anh là Four Level Horse Stance.

Xin lưu ý chữ HỒNG trong Hồng quyền (Hong Quan) của Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam xuất phát từ Lý Tẩu và Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn khác với chữ HỒNG trong Hồng Gia Quyền (Hung Ga Kuen) gọi tắt là Hồng quyền (Hung Kuen) xuất phát từ Hồng Hy Quan.

Hồng quyền phát xuất từ Hồng Hy Quan nổi tiếng với kỹ pháp có câu nói nổi tiếng là Ổn Mã Ngạnh Kiều, Trường Kiều Đại Mã, Đoản Kiều Tiểu Mã, tạm dịch là Ngựa Vững Cầu Cứng, Ngựa Lớn Cầu Dài, Ngựa Nhỏ Cầu Ngắn, nghĩa là bộ tấn vững chãi đòn tay rắn chắc, đòn tay dài với bộ tấn rộng thấp, đòn tay ngắn với bộ tấn nhỏ hẹp và cao (Cao Mã).

Danh sách các nhân vật dưới đây có kèm theo âm Latin hóa từ âm Quảng Đông và kèm theo cả Hán tự để cho độc giả có thể đánh máy tên nhân vật vào các trang web trên www.youtube.com để xem các video clip do chính những nhân vật này diễn luyện những bài quyền nổi tiếng của Hồng quyền (Cung Tự Phục Hổ quyền, Hổ Hạc Song Hình quyền và Thiết Tuyến quyền), tên của các nhân vật (âm Latin hóa) chính là từ khóa trên www.google.com, đây là những nhân vật sống động và là truyền nhân chính thống của Hồng Gia quyền vẫn còn đang tồn tại trong thế giới hiện đại.


Phả hệ nhân vật Hồng Gia Quyền

Thông tin thêm

Logo của Hồng Gia quyền dòng của cụ Hà Châu.
  • Hồng Hy Quan có rất nhiều môn đồ (có đến cả chục vạn người ở Quảng Đông), cụ Trình Hoa và cụ Trình Luân cũng chỉ là môn đồ trong số đó mà thôi, Hoàng Thái, Hoàng Kỳ Anh, Hoàng Phi Hồng cũng tương tự như vậy.
  • Riêng bài Phá Sơn Quyền chưa phải là đặc trưng nổi bật của Hồng Quyền Hồng Hy Quan vì đặc trưng của hệ quyền này là lối đánh Trường Kiều Đại Mã trong hệ thống Kiều Thủ (Kìu Sẩu - người Trung Quốc dịch sang tiếng Anh gọi là Bridge Hand) hay còn gọi là "Kiều pháp" - Kiều nghĩa là Cây Cầu ở đây chỉ khoảng cách tay quyền dài hay ngắn, Thủ là Tay Quyền cho nên trong Thiếu Lâm Vịnh XuânPhép Chi Sẩu tức là phép Niêm Thủ đối phương nên khi tập phải bịt mắt để dùng xúc giác ở đôi tay Thính Kình mà nghe lực tay quyền đối phương - và trong Thiếu Lâm Quyền hay có câu "Tầm Kiều - Phá Mã" là một chiến thuật đo lường khoảng cách ta-địch (Tầm nghĩa là tìm, Kiều là Cây Cầu chỉ khoảng cách) và triệt tiêu bộ tấn (Phá Mã) đối phương ngay khi vào trận giao đấu.
  • Bài Phá Sơn Quyền có lối đánh ngắn (đoản đả) nhiều hơn và mang tính cận chiến, Kiều Thủ ở đây chủ yếu là Đoản Kiều (Kiều ngắn) và đứng tấn cao (Cao Mã). Trong bài Phá Sơn quyền (thuộc nhánh Hà Châu) có thể nói là kỹ thuật Kiều Thủ được triển khai tối đa trong cách đánh cận chiến nhập nội.
  • Thái Gia Quyền (Choy Gar Kuen) của Thái Lý Phật (Choy Lee Fut) theo sách Nam Quyền Toàn Thư (xem mục Sách Tham Khảo phía dưới bài có giới thiệu) chú thích rằng đó là môn quyền của ba hệ phái Thái Gia (Choy Gar), Lý Gia (Li Gar), và Thiếu Lâm Phật Gia Quyền (Shaolin Fut Gar Kuen) được kết hợp tinh tuyển lại. Có nghĩa là Thái Lý Phật không phải tên riêng của một nhân vật, nên lưu ý điểm này.
  • Thiếu Lâm Trung Ngoại Châu Gia (Shaolin Chung Oi Chau Ka or Shaolin Zhong Oi Jow Gar) do Châu Long (Jow Lung) sáng tạo (xin xem tài liệu tham khảo bằng tiếng Anh phía dưới mục Liên Kết Ngoài - Tham Khảo) thì lại là sự kết hợp giữa Hồng Gia Quyền và Thái Gia Quyền nên trong giới võ thuật thường hay nói quyền thuật của Thiếu Lâm Châu Gia là đầu Hồng đuôi Thái (Hung Tau Choy Mei dịch âm Hán Việt là Hồng Đầu Thái Vỹ). Xét cho cùng, Thiếu Lâm Châu Gia cũng có thể coi như một nhánh phân lưu của Hồng Gia Quyền. Hệ quyền của Châu Gia hết 70% là nguyên bản các bài của Hồng Gia Quyền (như bài Cung Tự Phục Hổ Quyền, Hổ Hạc Song Hình Quyền, Vạn Tự Quyền) nhưng bị cải biến đi khá nhiều tiết đoạn.
Website Hồng Gia Quyền La Phù Sơn (Hung Ga Kuen Luofu Shan):

Website các tài liệu tham khảo liên quan bài viết:

  • Lược Khảo Võ Thuật Trung Hoa - Nguyên tác Từ Triết Đông - Dịch giả Trí Chi và Hồ Hiếu Vũ, nhà xuất bản Võ Thuật Tùng Thư Sài Gòn ngày 10 tháng 12 năm 1973

Các Website Thiếu Lâm Trung Ngoại Châu Gia (bản tiếng Anh)

Website Thiếu Lâm Thái Gia (Shaolin Choy Gar) của Thái Lý Phật (Choy Lee Fut) (bản tiếng Anh)

Tham khảo

  • Lược Khảo Võ Thuật Trung Hoa - Quốc Kỷ Luận Lược Nguyên tác Từ Triết Đông, dịch giả Trí Chi và Hồ Hiếu Vũ diễn giải - Nhà Xuất Bản Võ Thuật Tùng Thư ngày 10 tháng 12 năm 1973
  • Thái Cực Quyền Toàn Thư - Biên dịch và sưu tầm Nguyễn Anh Vũ - Võ sư Đỗ Đặng Phong hiệu đính - Nhà Sách Trẻ Thành Phố Hồ Chí Minh phát hành - Nhà Xuất Bản Đồng Nai năm 2000
  • Thái Cực Quyền Thường Thức Vấn Đáp - Nguyên tác Trương Văn Nguyên, dịch giả Đàm Trung Hòa, nguồn tài liệu lưu hành nội bộ
  • Nam Quyền Toàn Thư - Nguyên tác Trương Tuấn Mẫn, dịch giả Thiên Tường - Nhà Xuất Bản Mũi Cà Mau tháng 1/2004
  • Tiểu Hồng Quyền - Nguyên tác Kim Long - Nhà Xuất Bản Mũi Cà Mau tháng 6/2002
  • Đại Hồng Quyền - Nguyên tác Kim Long - Nhà Xuất Bản Mũi Cà Mau tháng 6/2002
  • Tam Lộ Pháo Quyền - Nguyên tác Kim Long - Nhà Xuất Bản Mũi Cà Mau tháng 6/2002
  • Thiếu Lâm Tự Địa Đàng Mai Hoa Quyền - Nhà Xuất Bản Mũi Cà Mau tháng 6/2002
  • Tiểu La Hán Quyền - Nguyên tác Kim Long - Nhà Xuất Bản Mũi Cà Mau tháng 6/2002
  • Thông Bối Quyền - Nguyên tác Lưu Ba - Nhà Xuất Bản Mũi Cà Mau tháng 3/2004
  • Đàm Thối Quyền - Nguyên tác Vương Hoài Kỳ - Nhà Xuất Bản Thanh Niên tháng 1/1999
  • Nam Quyền - Nguyên tác Nguyễn Anh Vũ - Nhà Xuất Bản Đồng Nai tháng 10/2000
  • Trường Quyền - Nguyên tác Nguyễn Anh Vũ - Nhà Xuất Bản Đồng Nai tháng 10/2000
  • Thập Bát La Hán Quyền - Nguyên tác Lạc Việt - Nhà Xuất Bản Thể Dục Thể Thao tháng 4/1999
  • Cung Tự Phục Hổ Quyền - Nguyên tác Lâm Thế Vinh (bản dịch tiếng Việt)- Nhà Xuất Bản Võ Thuật Hồng Lĩnh Sài Gòn năm 1973
  • Thiết Tuyến Quyền - Nguyên tác Lâm Thế Vinh (bản dịch tiếng Việt)- Nhà Xuất Bản Võ Thuật Hồng Lĩnh Sài Gòn năm 1973
  • Hổ Hạc Song Hình Quyền - Nguyên tác Lâm Thế Vinh (bản dịch tiếng Việt)- Nhà Xuất Bản Võ Thuật Hồng Lĩnh Sài Gòn năm 1973


Nguồn http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93ng_Gia_quy%E1%BB%81n

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

Lại Chuyện Bà Hàng Xóm




Lại Chuyện Bà Hàng Xóm


Chưa bao giờ tôi được theo dõi một cuộc bầu cử hào hứng, hồi hộp như kỳ này. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Úc từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, hai đảng lớn đã có số ghế quốc hội quá sát sao như vậy. Một cuộc bầu cử mà hơn hai tuần lễ sau đó mới có thể biết được kết quả.

Theo dõi cuộc bầu cử này tôi cứ tưởng như theo dõi một trận Worldcup final giữa hai đội banh sừng sỏ thế giới, trong đó hai bên đã chơi một trận dài hơn 2 tuần lễ và liên tục sang bằng tỷ số lẫn nhau làm khán giả phải nhiều phen nín thở. Tỷ số cuối trận đấu ở đây là những ứng cử viên độc lập, không biết mấy ông này có định cho bà con và đảng viên hai đảng "ăn không ngon, ngủ không yên" hay không mà các ông chơi trò ú tim suốt hai tuần lễ.

Quay trở lại đêm thao thức của ngày bỏ phiếu, Tivi đã dùng bản đồ Úc Châu và dùng hai đường vẽ màu đỏ xanh để biểu tưởng cho hai đảng. Họ bắt đầu từ hướng Đông nước Úc tiểu bang NSW, chạy qua Bắc Úc (NT), vòng sang Tây Úc (WA), xuống Nam Úc (SA), rồi chạy về Victoria. Đêm đó tôi ngồi theo dõi hai cái đường xanh đỏ ấy suốt mấy tiếng đồng hồ, cứ tưởng tượng như đang coi một trận đua giữa hai con ốc sên bò với tốc độ chậm rì (vì hàng triệu phiếu cần được đếm).

Hai con ốc sên này như cố tình bò thật chậm, lúc thì con này vượt lên trước một chút để rồi không lâu sau lại tuột lại đằng sau một chút. Cứ như thế hai con ốc sên đã bò trên màng hình Tivi đến quá nửa đêm, làm thiên hạ theo dõi mỏi cả mắt, cháy cá ruột (trường hợp của tôi đêm đó hơi bị tốn nhiều bia để "chữa trận cháy lòng") mà vẫn không biết được kết quả. Không những thế thiên hạ chẳng ai dám cả gan phỏng đoán đảng nào sẽ có cơ may cầm quyền vì kết quả quá sát sao.

Tôi còn nhớ đêm đó ông lãnh tụ đảng đối lập Tony đã lên Tivi phát biểu với vẻ mặt mang nhiều hy vọng, còn khi Tivi chiếu sang đảng đương quyền của "bà hàng xóm" của tôi thì ôi thôi! một cảnh "vườn không nhà trống" chỉ lèo tèo vài người quyét dọn, bặt nhiên không thấy một đảng viên nào. Nhìn cảnh này làm tôi liên tưởng đến chuyện Khổng Minh lừa Tư Mã Ý năm xưa trong truyện Tam Quốc.

Nếu ai đọc qua truyện Tam Quốc hẳn còn nhớ, khi Tư Mã Ý bất ngờ mang cả vạn quân truy đuổi quân Thục, trong khi Khổng Minh chỉ còn vỏn vẹn hai ngàn quân trong thành bởi các quân tướng còn lại đã được điều động cho việc rút quân. Khổng Minh bèn bày kế mở cổng thành & ra lệnh cho tất cả mọi người ẩn núp chỉ để vài người cầm chổi quyét ở cổng thành, còn Khổng Minh thì ôm đàn ngồi gảy, hai bên là hai người hầu cầm quạt phe phẩy. Kế này đã làm Tư Mã Ý ngại bị sập bẫy Khổng Minh nên cắm đầu mà chạy.

Tuy nhiên cảnh tượng đêm đó của đảng Lao Động đương quyền còn thê thảm hơn, tôi chẳng thấy Khổng Minh (Julia) đâu cả, phóng viên Tivi muốn tìm một phát ngôn viên của đảng để phỏng vấn nhưng "tìm đâu thấy liễu xanh xanh màu mây". Tôi xem cảnh ấy mà thấy não lòng & nghĩ thầm chẳng nhẽ bà hàng xóm của mình trong vòng mấy tuần lễ lại lập liên tục bao nhiêu chuyện lịch sử: Bà là người nữ Thủ Tướng đầu tiên của nước Úc, là nhân vật chính trường liên bang đầu tiên xuất thân từ xóm lao động v.& v.v. rồi cuối cùng có thể là vị Thủ Tướng có thời gian tại chức ngắn nhất chăng?

Rồi tiếp theo hai tuần sau đó tin tức liên tục về những vùng có số phiếu ngang ngửa vẫn chưa ngã ngũ về ai. Mấy ông ứng cử viên độc lập lâu lâu lại tuyên bố vài câu chẳng ai biết đường đâu mà đoán. Đầu tiên đảng đối lập Tự Do có vẻ thắng thế hơn một chút với số ghế 73 so với đảng đương quyền Lao Động là 72. Hai con ốc sên bây giờ không những bò chậm mà còn chậm đến mức độ khủng khiếp. Tỷ số 73/72 kéo dài tưởng chừng như thiên thu thì đùng một cái Lao Động san bằng tỷ số 73/73 với sự ủng hộ của một đảng viên đảng Xanh. Bà Julia (Lao Động) trên mặt như có thêm một nụ cười nhưng trong lòng chắc vẫn lo ngay ngáy, còn ông Tony (Tự Do) vẫn tuyên bố sang sảng trên Tivi nhưng lòng ông chắc cũng sốt vó không kém.

Vài ngày sau, Lao Động lại phá lưới nâng tỷ số 74/73 nghiên về Lao Động với sự ủng hộ của ứng cử viên độc lập đơn vị đảo Tasmania. Ông này cho biết lý do về quyết định của ông là bởi kết quả Bộ Tài Chánh cho thấy kế hoạch tài chánh của ông Tony có lỗ hổng từ 7 đến 11 tỷ Úc Kim. Bởi thế ông đã từ chối lời hứa hẹn 1 tỷ đô la của ông Tony, để nhảy sang ủng hộ bà Julia với lời hứa chỉ khoảng 300 triệu đô tu sửa bệnh viện Tasmania. Sự kiện này đã được báo chí bình luận là "một cái tát" khá mạnh vào mặt ông Tony làm ông choáng váng không ít.

Với tỷ số 74/73 nghiên về phía Lao Động, ông Tony cần phải có sự ủng hộ của tất cả 3 ứng cử viên độc lập còn lại, trong khi bà Julia chỉ cần hai. Tuy nhiên nói như thế cũng chưa ai dám chắc "con ốc sên" nào sẽ về đích trước để nắm chính quyền.

Đến sáng hôm nay, ngày 7 tháng 9 năm 2010, ba ông dân biểu độc lập chẳng còn lý do chi để câu giờ thêm nữa nên các ông đã gặp nhau ở thủ đô và hứa sẽ tiết lộ cho truyền thông biết quyết định của các ông vào lúc 3 giờ chiều. Tuy nhiên khoảng 1 giờ 30 chiều, một ông ứng cử viên độc lập cao bồi thuộc một đơn vị ở Queensland đã nhảy rào tuyên bố ông sẽ ủng hộ đảng Tự Do, như thế tỷ số bây giờ là 74/74. Chắc cả ông Tony lẫn bà Julia đều đứng ngồi không yên.

Giới báo chí & giới cá cược quả thật thông minh, sau khi ông cao bồi này tuyên bố quyết định của ông, một vài tờ báo đã đoán bà Julia sẽ thắng vì cách xé rào tuyên bố trước của ông cao bồi. Một số phóng viên còn tinh ý chụp hình cuốn sổ ông cầm trên tay và phân tích những lằn dọc ngang ông viết trên ấy, và họ đã đóan bà Julia sẽ thắng. Giới cá cược cũng không kém, trước khi ông cao bồi tuyên bố, tuy sự chọn lựa đánh cá về sự thắng lợi của đảng Lao Động có cao hơn một chút nhưng vẫn không cách biệt đáng kể. Tuy nhiên sau đó, giới cá cược đã đổ hàng trăm ngàn đô vào để đánh cá phần thắng sẽ về tay Lao Động.

Tôi ngồi trong sở hồi hộp từng giây phút để theo dõi "thời cuộc", vừa email phiếm đàm với những người bạn về sự kiện này. Đã 3 giờ rồi báo chí vẫn chưa có tin, nhìn lên Net hàng ngàn người chui vào các trang báo để theo dõi tin tức, đường internet chạy chậm rì. 3 giờ 5, 3 giờ 10 phút vẫn chưa biết được kết quả. Rồi đùng một cái, 3 giờ 11 phút thằng bạn đồng nghiệp chui vào một website nào đó lấy được tin & la lên "Labor wins!" & tôi la lên "Yes!"....


Làng Nam
7/9/2010.

Nguồn hình & tranh phiếm họa:
- The Age
- www.fridaymash.com
- www.abc.net.au

Thứ Năm, 2 tháng 9, 2010

TRUYỆN RẤT NGẮN

TRUYỆN RẤT NGẮN

1- Nồi cá bống kho tiêu

Ba mươi tuổi đầu, lận đận chiến chinh, chưa kịp lấy vợ thì trời sập. Đi tù. Mẹ thăm nuôi 6 tháng một lần. Quà chỉ có nồi cá bống kho tiêu và nước mắt thương con. Được 3 năm thấy mẹ già đi, tóc bạc phơ. Thương mẹ, hắn bảo mẹ đừng lên thăm nữa. Nhưng đến kỳ thăm lại đi ra đi vào, trông ngóng mẹ. Suốt hai năm không thấy mẹ lên thăm.

Được tha, về nhà mới hay khi mẹ về gặp mưa bị cảm nặng trong lần thăm nuôi sau cùng và đã qua đời hai năm rồi. Giỗ mẹ, hắn đi chợ mua cá bống về kho tiêu. Giỗ xong bưng chén cơm và đĩa cá bống kho tiêu cúng mẹ xuống ăn, hình như có vị mặn của nước mắt.

2- Tình đầu

Mười tám tuổi, yêu tha thiết, tỏ tình. Nàng chu mỏ: học trò ,nhỏ xíu, bày đặt. Hai mươi hai, Thiếu úy Sư Đoàn 18, về phép đến thăm, nàng lạnh lùng. Sợ làm góa phụ lắm. Hai mươi sáu Đại úy Trưởng khối CTCT Trung Đoàn. Khó chết rồi, xin bỏ trầu cau. Nàng ậm ừ để suy nghĩ lại đã. Tháng 4/75 chạy giặc, lạc mất nhau.

Ở tù ra, gặp lại. Nàng đã có chồng, hai con. Buồn và mặc cảm, thôi cứ ở vậy không lấy ai. Ba mươi năm sau, lận đận quê người ,gặp lại. Nàng chồng chết, các con trưởng thành ra ở riêng. Mừng rơn ,mời nàng đi ăn cơm tối nhà hàng. Tỏ tình. Nàng thẳng thừng: già rồi bận bịu nhau làm gì, ở một mình cho khỏe.

3- Hai chị em

Chị quen anh Hân, trung úy phi công. Anh đến nhà chơi, thấy em gái quấn quít Hân, chị nhường. Hai người tổ chức đám cưới, chị gom hết tiền để dành tặng đôi vợ chồng mới.

Em có thai đứa con đầu lòng được 6 tháng thì Hân đi tù cải tạo. Chị thương em đang có con dại, thay em đi ra Bắc thăm nuôi Hân. Con được hai tuổi, em đi buôn hàng chuyến, lỡ có thai với người tài xế. Chị tiếp tục đi thăm, dối Hân em dẫn con đi vượt biên rồi. Thấy Hân mừng cho tương lai vợ con mình, chị xấu hỗ, tủi thân, âm thầm khóc lặng lẽ trên chuyến tàu lửa từ Hà Nội về lại Sài Gòn.

Hân về, biết sự thật. Buồn, dẫn con gái đi vượt biên. Nghe tin hai cha con chết trên biển, chị lập bàn thờ. Lấy tấm hình Hân đứng bên cạnh chiếc máy bay phản lực F5 Hân tặng chị hồi mới quen rọi lớn ra, bỏ vào khung đặt lên bàn thờ, chị khóc gọi Hân ơi…

4- Trả hiếu

Thằng Út đói bụng, tìm Lan. Chị ơi nấu cho em gói mì. Từ sáng đến giờ hai chị em chưa ăn gì cả. Nhà hết mì gói ăn liền lại hết cả gạo.

Lan dỗ dành , ba đi thồ về thế nào cũng mua bánh mì cho em. Trời tối dần vẫn không thấy ba về, Lan dẫn em ra đầu hẽm nơi anh Tư sửa xe gắn máy, ngồi đợi. Tư và Lan thương nhau đã hơn hai năm. Tư đang cố dành dụm ít tiền để sang năm làm đám cưới. Trời tối hơn, chú Bảy xe thồ chạy về báo tin ba bị xe đụng gãy chân rồi. Bệnh viện đòi 5 triệu mới chịu bó bột.

Lan về nhà thay áo, chạy vội ra nhà dì Năm đầu phố. Dì ơi con bằng lòng. Đêm bán trinh cho ông Đài Loan, Lan khóc lặng lẽ. Anh Tư ơi, cho em xin lỗi…

5- Khói thuốc

Năm thứ hai ở Đại học CTCT Đà Lạt, Duy quen Trinh, học năm thứ nhất ở Đại học Chính Trị Kinh Doanh. Hai đứa yêu nhau tha thiết, thề hẹn sống chết với nhau . Tốt nghiệp, Duy về Sư Đoàn 5 bộ binh, hành quân liên miên Bình Dương, Bình Long, Phước Long. Đêm hành quân giăng võng nằm trong rừng cao su Đồng Xoài, Duy mơ có dịp về phép Đà Lạt, cùng Trinh tay trong tay dạo khắp Thành Phố Sương Mù, rồi vào Cà phê Tùng gọi một gói thuốc Capstan, một tách cà phê sữa, một ly sữa đậu nành nóng, cho ấm.

Trinh ra trường về nhà ba mẹ ở Sài Gòn. Duy xin phép thường niên được 7 ngày, ghé thăm. Trinh báo tin ba mẹ gả em cho anh giám đốc Trung Á ngân hàng. Cưới xong chắc em cũng vào làm ở đó luôn cho tiện. Mẹ bảo em hãy quên ông Trung úy đó đi.

Hai tháng sau Duy bị thương về nằm Tổng Y Viện Cộng Hòa. Anh lính đơn vị cử đi theo chăm sóc chạy về báo tin hôm nay đám cưới cô Trinh, thấy nhà trai tới với nhiều xe hơi sang trọng lắm.

Duy chống nạng ra ngồi trước hiên, châm điếu thuốc. Thẩm quyền! bộ ông đang khóc đó hay sao? Không phải đâu, chỉ là khói thuốc lá cay cay làm chảy ra nước mắt…

6- Chồng xa

Tin vào chủ trương của lãnh đạo ủy ban nhân dân huyện, cha Hạnh bỏ lúa đổi sang nuôi tôm xuất khẩu. Vay của ngân hàng nhà nước 3 tỷ bạc. Tôm chết trắng ruộng, lỗ nặng. Đến hạn trả nợ, không trả được bị ngân hàng hăm tịch thu nhà. Vịnh, em trai đang học lớp 10 muốn bỏ học đi làm thuê. Hạnh khuyên em cứ tiếp tục học lên đại học, mong sau nầy đổi đời. Nợ nần của gia đình để chị lo.

Nuốt nước mắt vào lòng, Hạnh lên Sài Gòn tìm mối lấy chồng Đại Hàn. Được ba tháng chị gọi phôn về thăm Vịnh, dặn dò em cố gắng học và chăm sóc cho cha. Tiếng chị nghèn nghẹn như đang khóc. Thương chị,Vịnh nghẹn ngào hứa vâng theo lời chị dặn dò. Hai tuần sau, tòa lãnh sự Đại Hàn mời gia đình đến nhận bình đựng tro cốt của Hạnh. Họ giải thích tại chị nhảy lầu tự tử…

Trên chuyến xe đò từ Sài Gòn về Long Xuyên, xe chạy qua những cánh đồng lúa bạt ngàn tận chân trời, Vịnh thút thít khóc gọi chị Hai ơi…

Nguồn - Email từ thân hữu

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

Một ngày không vội vã...

Một ngày không vội vã...



Mỗi năm một lần , tôi về thăm Mẹ và các em hiện đang sống ở Montréal , Canada. Năm nay cũng như thuờng lệ, tôi về thăm nhà 2 tuần cuối tháng 6. Nói sao cho hết niềm vui gặp lại gia đình. Montréal vào mùa hè thật nóng bức, có ngày lên đến hơn 100 độ F, nên cả nhà thường rủ nhau đi ra ngoài chơi cho mát mẻ.

Tôi còn nhớ sáng hôm đó, cả nhà định dẫn mấy đứa cháu ra công viên cho tụi nhỏ hưởng chút khí trời . Tôi thì đã thay quần áo từ lâu, cứ chờ mãi mà mọi người cứ " xàng qua xàng lại ", gần 9 giờ vẫn chưa xong, nhất là mấy đứa nhóc thì cứ lăng xăng chơi game, không ai chịu thay quần áo.

Thế là tôi bắt đầu nổi quạu " Nhà mình sao làm gì cũng như rùa bò vậy ? Có đi hay không thì bảo ... ?

Cô em tôi nhỏ nhẹ " Thì từ từ, vacation mà lị , chị sống ở Mỹ riết rồi quen thói " stress out " hà ... ".

Cậu em trai thì nói " Chị làm gì mà dữ vậy, chị có biết hôm nay là " ngày không vội vã " hôn ?

Tôi ngạc nhiên, tưởng tai mình nghe lầm, nên hỏi lại " Ngày gì ? Không vội vã là sao ? " .

Thế là Má tôi bật tivi lên. Trên màn ảnh, đài nào cũng đang nói về cái ngày đặc biệt này. Ồ, thì ra là từ vài năm nay, mỗi năm chính phủ Canada chọn ra một ngày, thường là vào mùa hè, một ngày cuối tuần, và năm nay rơi vào ngày 26 tháng 6, gọi là " một ngày không vội vã ".

Khoảng chừng vài tuần truớc đó, là báo chí, các cơ quan truyền thông đều loan báo và nhắc nhở để mọi người chuẩn bị. " Ngày không vội vã " bắt đầu từ 8 giờ sáng cho đến 9 giờ tối. Mọi người được khuyên là " Bạn hãy ngủ cho thẳng giấc, thức dậy khi nào mình muốn. Hãy nhâm nhi tách cà phê , và ngồi ngắm khu vườn của bạn, nghe tiếng chim hót líu lo . Hãy đi ra ngoài nếu bạn thích, vào ăn trưa ở một restaurant nào mà bỗng dưng bạn muốn. Còn nếu không, bạn có thể mời bè bạn đến nhà làm BBQ. Bạn cũng có thể chạy xe đạp một vòng thành phố, hay nằm dài trên bãi cỏ của một công viên gần nhà, vân vân và .. vân vân " .

Tóm lại, chính phủ khuyến khích người dân : " Hãy enjoy từng phút giây hạnh phúc, bình an của ... một ngày không vội vã. Hãy biết sống và tận hưởng Hạnh phúc ở quanh ta ", như lời của một người phóng viên trên đài tivi đang nói.

Rồi còn có các màn phỏng vấn vài người dân , hỏi xem họ dự định sẽ làm gì trong cái ngày đặc biệt này trong năm, thì đa số câu trả lời đều là " spend time với gia đình, người thân ".

Có một cảnh trên màn hình làm tôi nhớ mãi. Hình ảnh một cụ già tóc bạc phơ, lụm cụm trả lời phỏng vấn với nụ cười móm mém " Tôi luôn mong đợi và yêu nhất cái ngày này trong năm, vì đó là ngày duy nhất mà tất cả con cháu tôi không ... bận rộn, chúng nó tề tựu đông đủ để họp mặt với tôi. Cám ơn chính phủ, cám ơn ân nhân nào đã " đặt ra " cái ngày ý nghĩa này ... " .

Thế là bỗng dưng tôi đổi ý . Tôi bảo gia đình " Hôm nay là ngày đặc biệt, vậy thôi mình làm chương trình gì special đi nhe .. " .

Thế là cả nhà nhao nhao hưởng ứng, người thì bảo " khỏi nấu cơm, đi ăn tiệm cho khỏe ", kẻ thì nói " nhà hàng đông lắm, đi xuống downtown chơi ".

Em trai tôi thì muốn đi xe đạp ( ở Montréal có rất nhiều bãi cho mướn xe đạp, bạn chỉ cần " quẹt " cái credit card vô là có thể lấy xe đạp đi ngay ) .

Mấy cháu nhỏ lại muốn đi tàu BateauMouche. Rồi lại có ý kiến đi câu cá, hay đi xe ngựa một vòng thành phố. Và thế là giơ tay biểu quyết. Cuối cùng thì đa số thắng thiểu số : đi xuống Vieux-port ( khu phố cổ ) chơi và sẽ đi tàu BateauMouche. Thế là chúng tôi lên đường , thảnh thơi, không vội vã ...

Đường xuống phố đông nghẹt, và kẹt xe, thế mà không một xe nào bóp kèn. Thiên hạ ngồi trong xe, an nhiên chờ đợi, còn mở cửa kiếng xuống nhìn nhau cười, và vẫy tay " No hurry ! Be happy ! ". Tôi thật sự " thấm " được thế nào là ý nghĩa của 3 chữ " không vội vã ! ".



Đến chừng xếp hàng mua vé đi tàu, thì lại là một hàng thật dài, trong cái nắng gắt của mùa hè. Vậy mà ai ai cũng cười, cũng nói, cũng bắt tay, với cả những người ... không quen biết. Dường như con người ở đây, ngày hôm nay, không ai bị stress cả. Cả một thế giới hoà bình, thanh thản quanh tôi ...

Lúc bước xuống tàu, David, thằng cháu nhỏ 5 tuổi hối hả muốn chạy đến dành chỗ, thì bị Christina - cô cháu 4 tuổi , " chỉnh " ngay : " David ! Bữa nay là " No hurry day " mà, sao David cứ hurry hoài vậy ? ", làm cả nhà cùng cười. Tôi cũng bật cười theo vì sự nhận thức dễ thương của cô bé này .

Trưa đến, đói bụng, chúng tôi ghé vô một nhà hàng Tàu. Lại đông nghẹt khách, nhưng ai ai cũng vui vẻ xếp hàng đợi đến lượt mình. Đang đứng chờ thì người bên cạnh tôi, một phụ nữ Quebécois bắt chuyện hỏi tôi đã làm gì ngày hôm nay. Tôi kể lại một ngày vui chơi với gia đình cùng các cháu. Bà cười , chỉ hai người con " Chồng tôi mất lâu rồi, năm nào vào ngày này, tôi cũng để tụi nó quyết định muốn đi đâu, làm gì... Cuộc sống mà, có gì mà phải vội vã ...". Rồi bà tiếp " Như trưa nay nè, bỗng dưng con gái tôi thèm ăn món lẩu Tàu, thế là chúng tôi vô đây, xếp hàng, nghe nói nhà hàng này món nào cũng ngon lắm .. " . Tôi gật đầu đồng ý và cảm thấy vui vui trong lòng......

Ăn no xong, thì đến chiều. Không ai muốn về nhà, thế là kéo nhau ra park chơi. Nhìn quanh, thiên hạ đông như kiến , tự dưng tôi thấy lòng mình vui chi lạ.Trải tấm chiếu trên bãi cỏ, tôi nằm xoải người, vươn vai một cái thật đã . Dường như hơn 10 năm sống trên đất Mỹ, tôi chưa hề có được cái " đã " nào như thế này . Cứ để mặc tụi nhỏ tha hồ chơi xích đu, cầu tuột, chạy chơi, la hét ... tôi nằm đeo cặp mắt kính mát, tận hưởng từng làn gió thoảng qua một cách khoái chí, do ... nothing , lim dim ... ngẫm nghĩ sự đời. Kể cũng lạ, nhờ có cái ngày này, mà tôi mới nhận ra là hình như trong đời , tôi chưa hề bao giờ có được một ngày không ...vội vã ...
... Sinh ra và lớn lên ở Saigòn, trong một gia đình nghèo, nên tôi biết rất rõ là chỉ có ráng học thì mới có thể giúp tôi thoát khỏi cái kiếp nghèo muôn thuở đó. Ngay từ nhỏ tôi đã rất hiếu học. Từ lớp tiểu học, đến phổ thông, rồi đại học, cả đời tôi chỉ biết có sách vở, và suốt ngày chỉ cắm đầu cắm cổ mà học. Tuổi thơ tôi chưa hề có một ngày không vội vã. Hôm nào cô giáo bệnh , được nghỉ và về sớm , trong khi các bạn bè cùng trang lứa lăng xăng tìm chỗ đi chơi, hay la cà các hàng quán , thì tôi lại vui mừng vì .. có thêm giờ để học bài. Tôi hối hả đạp xe về nhà, rửa mặt vội vàng và ngồi vào ngay bàn học. Bài thi nào cũng vậy, được 9 điểm là tôi buồn, vì phải điểm 10 cơ thì tôi mới chịu. Mọi người luôn bảo là tôi thích sự tuyệt đối, và như vậy thì đời tôi sẽ khổ...

Vào đại học, 5 năm, tôi lại chưa hề có được một ngày không vội vã. Lúc nào tôi cũng bận rộn, với bài vở và với những cuộc thi . Tôi luôn tham lam, mong muốn mình phải đạt điểm 10 trong mọi bài thi. Tôi sẵn sàng thức khuya , dậy sớm, miễn sao đạt được điểm tối đa là tôi vui. Có lần nhỏ bạn thân bảo tôi một câu chí lý " Học mà không chơi giết mòn tuổi trẻ, Chơi mà không học giết cả tuơng lai .. ". Tôi nói ngay " thì bởi vậy, tao học nè , chỉ có cái học mới giúp mình thoát ra khỏi nghèo khó ", nhỏ bạn cười " Tao thì chọn ... cả hai, vừa học vừa chơi, miễn sao không thi lại là " đủ xài " rồi, rồi mai này mày sẽ hối tiếc khi tuổi trẻ trôi qua uổng phí ... ". Tôi chỉ cười, nhưng bây giờ mới nhận ra là nó có lý ...

Ra trường ở Canada, đi làm, tôi lại lao vào công việc, làm thật nhiều, để mong kiếm thật nhiều tiền trong thời gian ngắn nhất. Tôi tình nguyện là 7 ngày 1 tuần, mỗi ngày 13 tiếng. Ròng rã 3 năm thì tôi đuối sức, nên đành giảm bớt chỉ làm 5 ngày. Mười năm trời, tôi dành dụm đựơc một số tiền, và nỗi ao ước, làm giàu, thật nhanh , đẩy tôi vào thị trường chứng khoán. Tôi say mê chơi stock, nên ngày nào tôi cũng luôn bận rộn với Wallstreet, với giá cả và những con số lên xuống của từng công ty. Trúng stock, chỉ qua một đêm, tôi bỗng nhiên thành triệu phú. Ấy thế mà tôi vẫn chưa có được một ngày không bận rộn. Ngay hôm đó, đầu tôi lại tính toán cách đầu tư nào để nhân đôi, nhân ba số tiền tôi đang có. Thế là lại mạo hiểm, lại chơi những ván bài to hơn . Ông bà ta đã có câu " Có gan làm giàu kia mà ". Tôi đã có gan, và tôi đã giàu, thì bây giờ nếu muốn giàu hơn, tôi cần phải có gan hơn ...



Thị trường chúng khoán sụp đổ, tôi trở tay không kịp, thế là mất trắng . Tôi không nản " không sao, còn sức khoẻ, còn quyết tâm , ta có thể làm lại từ đầu, thì sẽ có tất cả " . " Có chí thì nên " , nên tôi quyết định qua Mỹ, vì Hoa kỳ là đất nước của cơ hội. Tôi lại lao vào công việc, cần cù, ký cóp ... để dành tiền.

Vào những năm sau 2000, ngành dược và computer đang lên cơn sốt thiếu người. Thế là thiên hạ ùn ùn đổ sang Mỹ, vì làm việc nhiều tiền hơn. Tôi lại đi làm full time, 5 ngày một tuần , và luôn sẵn sàng làm overtime bất cứ khi nào công ty cần. Tôi đi làm từ sáng đến tối, ăn thì " cơm chỉ " , food to go, không xài gì cả, cắc ca cắt củm để dành từng đồng xu, hy vọng sẽ có cơ hội đổi đời ... Và rồi thì cơ hội đến thật, khi cơn sốt bất động sản bùng nổ. Giá nhà cửa tăng vùn vụt , từng ngày. Hễ ai chậm tay là ... sorry, ráng mà chịu khó ngồi nhìn " căn nhà mơ ước " vuột khỏi tầm tay, bạn nhé. Và tôi lại bị cuốn xoáy vào cơn lốc này, như hàng triệu người ở xứ Mỹ .

Mỗi tuần chỉ có được hai ngày nghĩ làm, tôi rời nhà từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối , lái xe khắp mọi ngõ ngách, để tìm xem có căn nhà nào " For sale by owner " không, hay có căn nào trông lụp xụp mà mình có thể tân trang chút đỉnh lại rồi " flip ", kiếm vài chục ngàn bỏ túi . Có những bữa tôi không có cả thời giờ để ăn cơm, mua vội vàng chút food to go bỏ bụng . " Thảy " 1 căn nhà, wow , ngon ăn quá, tôi làm căn thứ nhì, rồi thứ ba. Lòng tham con người là không đáy kia mà . Thì đùng một cái, cái " bong bóng " nhà đất nổ tung . Bao nhiêu kẻ mất nhà, tay trắng, và có tôi trong số đó . Từ một triệu phú ( lần thứ hai ) , tôi trở thành người mang nợ ngập đầu. Và thế là tôi phải đi làm bù đầu bù cổ để ráng cầm cự mấy căn nhà. Đến chừng thật sự đuối, thì tôi đành phải buông - trong cay đắng, vì không còn sự lựa chọn nào khác. Tôi shortsale mấy căn nhà, trước khi để nhà bank kéo . Rồi giờ thì tôi phải tiếp tục đi cày , cả đời , để mà trả nợ. Một bài học .. suốt đời không thể nào quên. Cho đáng kiếp mày, một kẻ tham lam ...

Hôm nay nằm dài trên bải cõ, hít thở bầu không khí trong lành của một ngày nắng ấm, chẳng có việc gì phải làm, thế mà tôi thấy lòng mình , tâm mình sao mà thảnh thơi chi lạ. Giờ phút này, tôi không giàu, nhưng sao tôi lại có được sự bình an, điều mà đã hai lần là triệu phú, tôi hoàn toàn chưa bao giờ có được. Thật sự tôi phải cám ơn chính phủ Canada, hay cám ơn người ân nhân " trí tuệ " nào đó, đã nghĩ ra cái ngày đặc biệt này trong năm, để giúp người dân biết trân quý sự thanh thản mà cuộc sống ban cho chúng ta. ...

Bỗng dưng tôi chợt nhớ mới cách đây vài tuần , tôi tình cờ gặp lại cô bạn củ hồi trung học, khi vô tiệm food to go ở Cali mua đồ ăn . Hai đứa chỉ kịp chào hỏi vài câu, thì cô bạn vội vã về đón con, còn tôi thì lật đật đi ra xe sợ trễ giờ làm. Cô bạn than " Sao cuộc sống tụi mình lúc nào cũng tất bật quá há, chỉ khi nào hết thở thì mới hết ... bận rộn ... ".

Tôi chỉ cười " Xứ Mỹ mà lị ... " .

Cô bạn tự dưng hỏi xin địa chỉ email của tôi, rồi bảo rằng " sẽ email gửi cho bồ một bài ý nghĩa lắm ", rồi cô cười nói thêm " nhưng đọc thì hay, mà làm có được hay không lại là chuyện khác . .. ".

Tối đó check mail, tôi nhận được ngay , với vài dòng nhắn nhủ " Bồ ráng cố gắng thực hành theo lời khuyên trong bài này nhé, còn mình thì ... đời vẫn lăng xăng .. ".

Tôi bật cười , và click vô đọc bài viết ngắn của cô bạn :

BẬN RỘN làm cho ta không có bình an và hạnh phúc
BẬN RỘN làm cho sự hành xả của ta vụng dại
BẬN RỘN làm cho cái hiểu biết của ta khô cằn
BẬN RỘN làn cho sự sống của ta ngắn lại
BẬN RỘN khiến ta không thấy được cái đẹp của người ta thương yêu
BẬN RỘN khiến ta đi trên đường như ma rượt ...

Đời sống bận rộn là đời sống ... bất hạnh nhất trên đời ... !

Thế đấy, nhưng con người ai ai cũng luôn tìm đủ mọi lý do để mà ... BẬN RỘN.

Và rồi một ngày kia, thử hỏi có ai mang theo được cái " BẬN RỘN " về bên kia thế giới ?

Hãy biết dừng lại
Hãy biết ngơi nghĩ
Hãy tập thanh thản
và buông xả, thảnh thơi ...

thì khi cái ngày ấy đến , chúng ta mới có thể ra đi với cái tâm ... KHÔNG ... BẬN RỘN .... !!!

Đúng vậy, dường như chúng ta , ai ai cũng luôn tự tìm cho mình một " lý do " để mà bận rộn , mà chưa hề bao giờ biết cách " nếm " được hương vị cuộc sống của mỗi ngày. Tôi chợt nhớ đến cô Kim Anh , cô cũng đã bảo tôi câu này khi bác sĩ cho biết là cô chỉ còn vài tháng để sống, và cô đã nói với tôi " Mỗi người đều có số phần, cô cũng mừng là cô còn " vài tháng ", thì ít nhất cô cũng sẽ có được vài tháng sống trong bình an, không vội vã.. ".

Chiều xuống, trời bắt đầu ngã tối. Thiên hạ lần lượt rời công viên. Cả nhà tôi cũng lục đục thu xếp đồ lại.

Bé Tina có vẻ nuối tiếc, bé hỏi bà chị tôi " Mommy, ngày mai có còn là " No hurry day " hôn ? " .

Chị tôi cười " Hết rồi con, mỗi năm ở Canada có một ngày hà .. ".

Na phụng phịu " Na muốn every day đều là " No hurry day " cơ... ".

Chị tôi nói ngay " Dễ thôi con , nếu mỗi ngày mà con biết enjoy, thư thả, con đừng làm việc gì gấp gáp hết, thì mỗi ngày sẽ là " No hurry day " rồi.. .".

Tôi đứng đó, nuốt từng lời bà chị nói, và cảm thấy " ganh tỵ " với đứa cháu của mình, vì chỉ mới 4 tuổi, mà cháu đã được học một bài học quý giá nhất trên đời, còn tôi , gần nữa đời người mới được học bài học đó ...
Lên xe, cậu em trai mở nhạc, vặn thật lớn bài hát mà tôi rất thích :

... " Nếu chỉ còn một ngày để sống
Chợt nhận ra cuộc đời quá đẹp
Phải chăng ta sống quá vội vàng
Nên ra đi chưa được bình an ... "

Đúng thật , cả một đời tôi luôn sống quá vội vàng , thì làm sao có thể ra đi bình an ? Một lần nữa, xin cám ơn cái ngày đặc biệt này, đã giúp tôi có một cái nhìn mới , khác hơn về cuộc sống ...

Tự dưng tôi nhớ đến hai cô bạn thân. Cô bạn đạo Chúa thì chủ nhật nào cũng đi nhà thờ, hễ rảnh là đọc cuốn Thánh kinh nhỏ lúc nào cũng kè kè trong bóp. Cô hay nói với tôi " Chúng ta nên làm theo lời dạy của Ngài, thì lúc ra đi, mình sẽ được lên Thiên đàng với Chúa .. ".

Nhỏ bạn đạo Phật thì hễ rảnh là đến Chùa, niệm Phật, nó nói tôi " Ở lành, giữ ngũ giới, làm từ thiện, thì chắc chắn sẽ được về với Phật .. ". Còn giờ phút này, tôi hiểu ra một điều " Nếu như chúng ta biết tự làm cho mỗi ngày của mình thành " MỘT NGÀY KHÔNG VỘI VÃ " , thì chúng ta sẽ có được 365 ngày một năm đang sống ở Thiên đàng, hay Niết bàn ... rồi đó ...

Chúc mỗi người trong cuộc đời, luôn có được những ngày ... không vội vã ...

Hoàng Thanh