Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Suy Ngẫm


  •  “I will always choose a lazy person to do a difficult job because he will find an easy way to do it.”(Bill Gates) - (Tôi sẽ luôn chọn một người lười biếng để làm một việc khó khắn vì anh ta sẽ chọn cách giải quyết dễ dàng để giải quyết nó.)
  • You’ll never be brave if you don’t get hurt. You’ll never learn if you don’t make mistakes. You’ll never be successful if you don’t encounter failure. (Nếu bạn chưa bao giờ bị tổn thương thì bạn sẽ khó mà can đảm được. nếu bạn chưa bao giờ sai lầm thì bạn không thể học được gì. Nếu bạn chưa bao giờ thất bại thì bạn sẽ không thể thành công.)
  • “Don’t let your dreams just be dreams” (Đừng để giấc mơ chỉ là giấc mơ.)
  • “Sow a thought, and you reap an act. Sow an act, and you reap a habit. Sow a habit, and you reap a character. Sow a character, and you reap a destiny.” (Gieo suy nghĩ, gặt hành động. Gieo hành động, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Giao tính cách, gặt số phận.).
  • “Take care of your body. It’s the only place you have to live.” (Hãy chăm sóc bản thân bạn. Đó là nơi duy nhất mà bạn tồn tại.)
  • ” Don’t wait for the perfect moment. Take the moment and make it perfect.” (Đừng chờ đợi những khoảnh khắc hoàn hảo. Hãy tận dụng từng khoảnh khắc và khiến chúng trở nên hoàn hảo.)
  • “Friendship may, and often does, grow into love, but love never subsides into friendship.” (Tình bạn thì có thể, và thông thường là sẽ trở thành tình yêu, nhưng tình yêu thì không bao giờ chuyển thành tình bạn được.)


Source Internet.

Thứ đáng sợ nhất trên cõi đời này là gì?


Đôi khi ta vẫn tự hỏi thứ đáng sợ nhất trên cõi đời này là gì? 3 câu chuyện do vị thiền sư kể dưới đây có lẽ sẽ cho bạn một câu trả lời, rồi tự mình ngẫm nghĩ xem có đúng không.
Có người hỏi Thiền sư: “Điều đáng sợ nhất trên cõi đời này là gì?”
Thiền sư đáp: “Dục vọng!”
Người đó lộ vẻ mặt hoài nghi.
Thiền sư nói: “Hãy để tôi kể vài câu chuyện cho ông nghe vậy”.
Bạc vàng đáng sợ
Một vị tăng nhân hốt hốt hoảng hoảng từ trong rừng chạy đến, vừa khéo lại gặp được hai người bạn vô cùng thân thiết đang tản bộ bên rừng. Họ hỏi vị tăng nhân: “Chuyện gì mà ông hốt hoảng quá vậy?”.
Vị tăng nhân nói: “Thật là kinh khủng, tôi đào được một đống vàng ở trong rừng!”.
Hai người bạn, lòng không nhịn được nói: “Thật đúng là tên đại ngốc! Đào được vàng, việc tốt như thế mà ông lại cho là kinh khủng, thật là không thể hiểu nổi!”.
Thế là họ lại hỏi vị tăng nhân kia, “Ông đào được vàng ở đâu? Chỉ cho chúng tôi xem với!”.
Vị tăng nhân nói: “Thứ xấu xa như thế, các ông không sợ sao? Nó sẽ nuốt chửng người ta đấy!”.
Hai người gạt phăng đi, hùng hổ nói: “Chúng tôi đây không sợ, ông mau mau chỉ chỗ xem nào!”.
Vị tăng nhân nói: “Chính là bên dưới cái cây ở bìa rừng phía tây”.
Hai người bạn liền lập tức tìm đến chỗ vị tăng nhân vừa chỉ, quả nhiên phát hiện được số vàng đó. Người này liền nói với người kia rằng: “Tên hòa thượng đó đúng là ngốc thật, thứ vàng bạc mà mọi người đều khao khát đang ở ngay trong mắt ông ta, thế mà lại trở thành quái vật ăn thịt người”. Người kia cũng gật đầu đồng tình.
Thế là họ bàn với nhau làm thế nào để chuyển số vàng này về nhà. Một người trong đó nói: “Ban ngày mà đem nó về thật không an toàn cho lắm, hay là đêm đến thì mình mới vận chuyển, vậy sẽ chắc ăn hơn. Tôi ở lại đây canh chừng, ông hãy về mang chút cơm rau trở lại, chúng ta ăn cơm rồi đợi đến trời tối mới chuyển số vàng này về nhà”.
Người kia liền làm theo người bạn nói. Người ở lại nghĩ : “Nếu như số vàng này đều thuộc về sở hữu của riêng ta thì hay biết mấy! Đợi hắn quay lại, ta hãy dùng cây gậy gỗ đánh chết đi, vậy thì toàn bộ số vàng này là của ta hết rồi”.
Thế là khi người bạn đem cơm rau đến khu rừng, người kia liền từ phía sau lưng dùng gậy gỗ đánh mạnh vào đầu khiến ông ta chết ngay tại chỗ, sau còn nói rằng: “Bằng hữu hỡi, chính là số vàng này buộc tôi phải làm như vậy”.
Sau đó ông ta vớ lấy thức ăn mà người bạn mang đến, ăn ngấu nghiến. Chưa được bao lâu, người này cảm thấy rất khó chịu, trong bụng giống như bị ngọn lửa thiêu đốt. Khi đó, ông ta mới biết rằng mình đã bị trúng độc. Trước lúc chết, ông mới nói rằng: “Lời hòa thượng đó nói quả thật không sai!”.
“Đây thật là ứng với lời người xưa để lại: Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn. Đều là họa do lòng tham đưa đến, chính dục vọng đã khiến người bạn thân nhất trở thành kẻ thù không đội trời chung.”
Người nông dân mua đất
Có một người nông dân muốn mua đất, ông ta nghe nói có người ở vùng nào đó có đất muốn bán, liền quyết định đến đó hỏi thăm. Người bán đất mới với ông ta rằng: “Chỉ cần giao một nghìn lạng bạc, ta sẽ cho ông thời gian một ngày, bắt đầu tính từ lúc mặt trời mọc, đến khi mặt trời lặn xuống núi, ông có thể dùng bước chân khoanh tròn được bao nhiêu đất, thì số đất đó sẽ chính là ông, nhưng nếu ông không trở về nơi khởi điểm, thì ngay cả một tấc đất ông cũng sẽ không có được”.
Người nông dân đó nghĩ thầm: “Nếu như ngày này ta vất vả một chút, đi nhiều đường hơn một chút, há không phải có thể đi được vòng rất lớn, theo đó sẽ có được một mảnh đất rất lớn hay sao? Làm ăn như vậy quả thật là rất có lợi!”. Thế là ông ta liền ký kết giao ước cùng người chủ đất đó.
Mặt trời vừa mới nhô lên khỏi mặt đất ông ta liền cất bước thật lớn đi nhanh về phía trước; đến giữa trưa, bước chân của ông vẫn không dừng lại giây phút nào, cứ mãi đi về phía trước, trong lòng nghĩ: “Hãy ráng chịu đựng một hôm nay, sau này sẽ có thể hưởng thụ hồi báo của vất vả hôm nay mang đến rồi”.
Ông ta lại đi về phía trước quãng đường rất xa, mắt thấy mặt trời sắp xuống núi rồi mới chịu quay trở về, trong lòng vô cùng lo lắng, bởi vì nếu như không trở về thì một tấc đất cũng không thể có. Thế là ông ta vội trở về theo đường tắt. Tuy nhiên, mặt trời vội vàng sắp xuống núi, ông ta đành phải liều mạng mà chạy, cuối cùng chỉ còn thiếu vài bước thì đến vạch khởi điểm, nhưng sức lực đã cạn kiệt, ông ngã nhào xuống nơi đó.
“Dục vọng của con người và ranh giới với hiện thực mãi mãi cũng không cách nào vượt qua được, bởi lòng tham là vô đáy. Con người mãi mãi không biết thỏa mãn, đây chính là khuyết điểm lớn nhất trong nhân cách.”
Phật và ma
Có một họa sĩ rất nổi tiếng, ông muốn vẽ Phật và ma, nhưng không tìm được người làm mẫu phù hợp, vì đầu óc ông không tài nào tưởng tượng ra nổi hình dáng của Phật, nên rất lo lắng. Trong một lần tình cờ, ông lên chùa bái lạy, vô tình nhìn thấy một hòa thượng. Khí chất trên vị hòa thượng này đã thu hút người họa sĩ sâu sắc. Vậy là ông liền đi tìm vị hòa thượng đó, hứa cho anh một số tiền lớn, để anh làm người mẫu cho ông.
Về sau, tác phẩm của họa sĩ đã hoàn thành, gây chấn động ở vùng đó. Nhà họa sĩ nói: “Đó là bức tranh vừa ý nhất mà tôi từng vẽ qua, bởi người làm mẫu cho tôi quả khiến người ta vừa nhìn thấy nhất định cho rằng anh ta chính là Phật, loại khí chất thanh thoát an lành trên người anh có thể cảm động bất kì ai”.
Người họa sĩ sau đó đã cho vị hòa thượng đó rất nhiều tiền như lời đã hứa.
Cũng nhờ bức tranh này, mọi người không còn gọi ông là họa sĩ nữa, mà gọi ông là “họa Thánh”.
Bẵng đi một thời gian, họa sĩ chuẩn bị bắt tay vào việc vẽ ma, nhưng điều này lại trở thành một vấn đề khó của ông, vì chẳng biết tình hình tượng ma quỷ ở đâu. Ông đã hỏi thăm rất nhiều nơi, tìm rất nhiều người có vẻ ngoài hung dữ, nhưng không ai vừa ý cả.
Cuối cùng, ông tìm được trong nhà tù một tù nhân rất phù hợp với đối tượng ông cần vẽ. Họa sĩ vô cùng mừng rỡ, nhưng khi ông đối diện phạm nhân đó, người này đột nhiên khóc lóc đau khổ trước mặt ông.
Nhà họa sĩ rất lấy làm kinh ngạc, liền hỏi rõ ngọn ngành.
Người phạm nhân đó nói: “Tại sao lần trước khi người mà ông tìm để vẽ Phật là tôi, bây giờ khi vẽ ma quỷ, người ông tìm đến vẫn là tôi!”
Người họa sĩ giật cả mình, thế là ông lại nhìn kỹ người phạm nhân đó, rồi nói: “Sao lại có thể chứ? Người mà tôi tìm để vẽ Phật ấy khí chất phi phàm, còn cậu xem ra chính là một hình tượng ma quỷ thuần túy, sao lại có thể là cùng một người được? Điều này thật kì lạ, quả thật khiến người ta không thể nào lý giải được”.
Người kia đau khổ bi ai nói: “Chính là ông đã khiến tôi từ Phật biến thành ma quỷ”.
Họa sĩ nói: “Sao cậu lại nói như vậy, tôi vốn đâu có làm gì đối với cậu đâu”.
Ngươi đó nói: “Kể từ sau khi tôi nhận được số tiền ông cho, liền đi đến những chốn ăn chơi đàng điếm để tìm thú vui, mặc sức tiêu xài. Đến sau này, tiền tiêu sạch hết, mà tôi lại đã quen với cuộc sống đó rồi, dục vọng đã khởi phát mà không thể thu hồi lại được. Thế là tôi liền giật tiền người ta, còn giết người nữa, chỉ cần có được tiền, chuyện xấu gì tôi cũng có thể làm, kết quả đã thành ra bộ dạng này của ngày hôm nay đây”.
Người họa sĩ nghe xong những lời này, cảm khái vạn phần, ông sợ hãi than rằng bản tính con người trước dục vọng lại biến đổi mau chóng đến thế. Con người chính là yếu nhược như vậy đó. Thế là ông áy náy quăng cây bút vẽ xuống đất, từ đó về sau không còn vẽ bức tranh nào nữa.
Con người ta, một khi rơi vào trong cạm bẫy “theo đuổi ham muốn vật chất”, thì rất dễ đánh mất bản thân mình, muốn thoát ra khỏi đã trở thành mục tiêu rất khó khăn, vậy nên bản tính con người không thể đi cùng với lòng tham.
Thiền sư kể xong mấy câu chuyện, nhắm nghiền mắt lại không nói gì cả, còn người kia đã biết được đáp án từ trong những câu chuyện này: Thì ra điều đáng sợ nhất trên cõi đời này chính là dục vọng, dục vọng của người ta càng nhiều, thì sẽ càng không thỏa mãn, vậy nên sẽ càng không vui vẻ và phiền não vì thế cũng sẽ càng nhiều hơn.
Câu chuyện mà vị thiền sư đã nói với chúng ta rằng: Tiền tài tựa như gông xiềng, lòng tham tựa như mộ phần, tranh danh đoạt lợi cuối cùng chỉ là công dã tràng. Chỉ có tẩy đi các loại hư vọng trong tâm, buông bỏ tham dục, trở về bản chất chân thật, thì con người mới có thể nhìn thấu rằng tất cả vinh hoa phú quý của thế gian giống như mây khói thoảng qua, rốt cuộc đều là sắc tướng vô thường, cuối cùng mới thể nghiệm được niềm vui vô tận của sinh mệnh, tự tại tiêu dao.
Tiểu Thiện
Source Internet.

37 trang web sau sẽ giúp bạn học thêm nhiều điều hay



(NDH) Thay vì dành hết thời gian rảnh rỗi để lướt Facebook, bạn có thể nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình với 37 trang web sau.
Các khóa học trực tuyến
edx: Bạn có thể vào trang web này để tham gia các khóa học trực tuyến của các trường hàng đầu thế giới.
Coursera: Trang web này cung cấp miễn phí các khóa học trực tuyến tốt nhất thế giới.
Coursmos: Bạn có thể tìm thấy những khóa học thuộc các lĩnh vực khác nhau tại trang web này.
Highbrow: Với trang web này, bạn có thể nhận được các khóa học hàng ngày ngay ở trong hòm thư của mình.
Skillshare: Các lớp học và dự án trực tuyến giúp bạn phát triển khả năng sáng tạo của mình.
CuriousBạn có thể nâng cao các kỹ năng của mình với những bài học được dạy qua video tại đây.
lynda.com: Nếu bạn muốn học thêm về công nghệ, kỹ năng sáng tạo và kinh doanh, hãy tham khảo trang web này.
CreativeLive: Trang web này cung cấp cho bạn những khóa học miễn phí về sáng tạo từ các chuyên gia hàng đầu thế giới.
UdemyĐây là trang “trường học trực tuyến” với rất nhiều môn học thuộc nhiều thể loại như lập trình web, photoshop, thiết kế đồ họa...
Học cách viết code
Codecademy: Trang web dạy code miễn phí.
Stuk.io: Bạn có thể học về code từ những kiến thức cơ bản nhất tại đây.
Udacity: Các chương trình học giúp bạn nhận được chứng chỉ nano-degree.
PlatziHọc trực tuyến về thiết kế, marketing và code.
Learnable: Một trong những trang tốt nhất để học phát triển web.
Code school: Học code bằng cách thực hành.
Thinkful: Nâng cao cơ hội nghề nghiệp với người cố vấn trực tuyến của bạn.
Code.org : Bạn có thể bắt đầu học về code hôm nay với các bài giảng cơ bản.
BaseRails: Rèn luyện Ruby on Rails và các công nghệ web khác.
Treehouse: Tìm hiểu HTML, CSS, các ứng dụng iPhone và hơn thế nữa.
One monthHọc code và xây dựng ứng dụng web trong vòng 1 tháng.
DashDạy cách tạo ra một trang web tuyệt vời.
Học cách làm việc với số liệu
DataCampTrang web cung cấp các khóa đào tạo về khoa học dữ liệu.
DataQuest: Bạn cũng có thể tìm hiểu về khoa học dữ liệu tại trang web này.
DataMonkey: Trang web giúp bạn phát triển các kỹ năng phân tích một cách đơn giản nhưng thú vị.
Học ngoại ngữ
Duolingo: Bạn có thể học ngoại ngữ miễn phí tại đây.
Lingvist Trang web này giúp bạn tìm hiểu một ngôn ngữ trong 200 giờ.
BUSUU: Cộng đồng học ngoại ngữ miễn phí.
Memrise Sử dụng Flashcard để học từ vựng.
Mở rộng kiến thức
TED-Ed TedEd khơi dậy sự tò mò của những học viên vòng quanh thế giới bằng cách tạo ra một thư viện các bài giảng được đánh giá cao.
Khan AcademyKhông chỉ mang đến cơ hội được tiếp cận với kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực, Khan Academy còn có các tính năng cho phép người dùng luyện tập và theo dõi các số liệu liên quan đến việc học của mình.
Guides.co: Bạn có thể tìm thấy rất nhiều hướng dẫn thú vị tại trang web này.
SquareknotNếu muốn mở rộng kiến thức của mình, bạn cũng có thể tham khảo trang web Squareknot.
Learnist: Nơi bạn có thể khám phá và chia sẻ rất nhiều kiến thức với mọi người thế giới
PrismaticBạn có thể học thêm nhiều điều thú vị từ những lời gợi ý.
Các web khác
ChesscademyNếu bạn muốn học chơi cờ miễn phí thì đây là trang web bạn nên tham khảo.
PianuBạn có thể học chơi piano trực tuyến tại đây.
YousicianTrang web này giống như một gia sư riêng giúp bạn học chơi guitar.
Source http://m.ndh.vn/tat-facebook-di-37-trang-web-sau-se-giup-ban-hoc-them-nhieu-dieu-hay-20150824043411845p5c125.news?ismobile=false

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Câu chuyện hai trái táo

Một bé gái hai tay cầm hai quả táo, mẹ cô bé bước đến mỉm cười và nhẹ nhàng hỏi:

- Con gái yêu của Mẹ, con có hai trái táo, vậy con muốn cho Mẹ trái nào?

Cô bé nhìn Mẹ với ánh mắt long lanh và đột nhiên cắn vào một trái táo, sau đó thật nhanh cắn vào trái táo kia.

Người mẹ khựng lại với hành động vừa rồi của bé với một thoáng buồn không dấu được trên mặt.  Bỗng cô bé đưa cho mẹ một quả táo mà bé đã cắn một miếng, rồi vui vẻ nói:

- Mẹ ơi! Mẹ lấy trái này nè, trái này ngọt hơn nhiều ...

***

Dù bạn nghĩ bạn là một người từng trải hay có kiến thức đến đâu, bạn cũng cần cẩn thận khi suy xét.

Hãy cho người khác một cơ hội giải thích. Cái gì bạn thấy chưa chắc đã thật.  Đừng vội nhận xét người khác.


Đừng nhận xét người khác qua bề mặt mà không cố gắng hiểu họ trước đã.

Những người luôn sẵn sàng trả tiền cho bạn, chẳng phải họ dư tiền mà chỉ bởi họ coi trọng tình bạn hơn tiền bạc

Những người luôn làm rước công việc cho bạn, chẳng phải họ dại mà vì họ hiểu thế nào là tinh thần trách nhiệm

Những người xin lỗi trước sau một cuộc cãi vã chưa chắc họ sai chỉ bởi vì họ quý trọng những người chung quanh

Những người luôn sẵn lòng giúp bạn, chẳng phải vì họ nợ bạn mà chỉ bởi họ xem bạn như một người bạn quý của họ

Những người thường nhắn gởi tin tức cho bạn chẳng phải họ không có việc gì tốt hơn để làm chỉ bởi vì bạn luôn ở trong tim của họ

Những người bỏ thời gian tâm sự với bạn chẳng phải vì họ rảnh rỗi chỉ bởi họ cho rằng giữ mối liên hệ với bạn là quan trọng

Một ngày nào đó chúng ta sẽ chẳng còn được gần nhau.  Chúng ta sẽ nhớ đến những cuộc trò chuyện & những ước mơ chúng ta từng ấp ủ.  Ngày tháng dần qua đến một lúc những liên lạc với nhau sẽ trở nên hiếm hoi.

Một ngày nào đó con cái chúng ta sẽ nhìn vào những tấm hình và hỏi "Những người này là ai vậy?".  Và chúng ta sẽ mỉm cười với những giọt lệ hạnh phúc cố nén bởi nỗi xúc động dâng trào từ đáy tim & chúng ta sẽ nói "Đây là những người bạn mà Bố/Mẹ đã từng có những ngày vui nhất trên đời với họ"


Source Internet.

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Bảo vật để lại

Trần Mộng Tú

Mùa hè, giữa những chùm hoa nắng lung linh, giữa những trái táo chín đỏ, trái cam ngọt lừ, giữa tiếng ong vo ve, tiếng chim ríu rít, tiếng lao xao rất nhẹ của cánh bướm muôn màu, có người kể tôi nghe một câu chuyện:
Một tai nạn giao thông xảy ra, người đàn ông qua đời ở tuổi bốn mươi. Lục phủ, ngũ tạng anh không hề tổn thương, nhưng bộ não bị chấn thương mạnh đã đưa anh tới cái chết.
Người mẹ già, ôm thân thể bất động của người con trai duy nhất, không khóc được nữa. Bà như đang chết cùng với con, con bà tách khỏi đời sống bà từng mảnh, từng mảnh.
Anh đã hiến tặng tất cả nội tạng của anh cho những người đang cần để nối tiếp cuộc sống của họ.
Bà biết hai lá phổi của con đã đặt vào một lồng ngực con của người khác. Bà nghe thêm: trái tim cũng đã mang đi, đập thổn thức trong một khung ngực lạ. Rồi hai quả thận, nhiều người đang xếp hàng, nó sẽ làm công việc thật tốt đẹp cho một người phải ra vào bệnh viện thường xuyên trong cả mấy năm nay để lọc máu. Nó rất hữu ích và hiền lành. Lá gan của con bà có hai thùy, thì một thùy đã được mang thay thế cho người có một bên gan hư hại. Bây giờ còn lại một thùy gan, chắc chỉ nay mai sẽ có người tới nhận.
Đôi mắt là phần cuối cùng cũng sẽ được cho đi. Chao ôi! Đôi mắt của con bà, đôi mắt biết cười, đôi mắt cười trước khi môi nhếch lên. Bà yêu đôi mắt đó vô cùng.
Đôi mắt từ tuổi thơ ngây cho đến lúc trưởng thành lúc nào cũng cười với bà, làm sao bà không tiếc. Người ta nói với bà là đôi mắt cũng đã được xếp đặt để mang đi, trong một sớm mai, có một người con của ai đó sẽ được hưởng đôi mắt của con bà. Không, bà không muốn, bà nhất định không muốn cho đôi mắt đó.
Nhưng chao ôi! Dù không cho đi bà cũng làm sao mà giữ lại. Đôi mắt đó sẽ thành tro ngay lập tức nếu bà hỏa thiêu thân xác con, hay đôi mắt đó sẽ mục nát trong lòng đất nếu bà chôn con xuống đất. Hình như có một vòng tay của ai đó đang ôm đầu bà vào lòng vỗ về: “Đôi mắt biết cười của con sẽ lại tiếp tục cười trên một khuôn mặt khác. Cho đi, cho đi mẹ ơi!”
Mai đây, trong những ngày tháng còn lại của đời người có khi nào bà mẹ này bâng khuâng tự hỏi: “Tim, phổi của con tôi, đôi mắt của con tôi hiện đang ở trong thân thể ai, hiện đang ở đâu trên mặt đất này?” Rồi bà ngơ ngác đi tìm, đi nhìn vào từng lồng ngực, từng cặp mắt của mỗi người trên quãng đường bà qua.
 Mùa thu với lá phong đỏ, với sóc nâu, với hạt bồ đào, với cá Hồi đang từ biển tìm về dòng suối cũ để sinh nở, sinh xong cá mẹ sẽ lìa đời. Giữa sự hồi sinh và hy vọng có người kể tôi nghe một câu chuyện khác về cái chết, về tình mẫu tử, về sự trao tặng nội tạng.
 Người con trai 19 tuổi, trong một phút bất mãn với cuộc đời, anh tự hủy mạng sống mình. Sau cái chết đó anh cũng để lại nội tạng của mình cho những người không may mắn. Người mẹ chỉ giữ được hũ tro của phần thân thể con còn lại. Biết con khi còn sống ôm mộng được du lịch vòng quanh thế giới. Ba năm sau cái chết đau thương đó, người mẹ đã tìm cách liên lạc được với những người trên mạng xã hội nhờ họ mang tro của anh đi rải bất cứ nơi nào trên thế giới. Khi có một người bằng lòng, bà lấy một phần tro, cho vào một cái túi nhỏ, kèm theo một lá thư và bức ảnh của anh gửi tới họ. Thân xác tro bụi của anh đã được mang rải vào lãnh thổ của 100 quốc gia trên thế giới. (*)
Người mẹ đó tin rằng, làm như thế, anh sẽ được di du lịch khắp thế giới như khi còn sống anh từng mong ước.
 Nghĩ xa thêm một chút thì chắc bà sẽ thấy: Thân thể của anh phải chăng chỉ là một cái hộp vô tri, dùng để cất giữ những nội tạng của anh mà thôi. Những nội tạng này đã hiến dâng cho người khác, đang mang sự sống mới đến cho người khác, mới là những bảo vật quý giá nhất. Những người được nhận các bảo vật này, họ chắc không bao giờ quên người đã hiến tặng.
 Mùa xuân vào tuần lễ có rất nhiều hoa đào nở hai bên đường, có áo len mỏng đi trong gió, có những buổi sáng lất phất mưa xuân tạt ở hiên nhà, tạt cả vào những ly cà phê còn bốc khói, có những buổi chiều mưa rắc nhẹ trên mặt hồ lăn tăn gợn sóng, tôi cũng được nghe những câu chuyện xúc động của cha mẹ sẵn sàng cho đi nội tạng của đứa con bất hạnh còn rất bé của mình cho đứa bé khác. Có khác chi mẹ nói: “Chia cho em đi con, món đồ chơi này con không còn chơi nữa, chia cho bạn đi con.”
Phải là người có trái tim bao dung nhân hậu lắm, thương yêu con người như con mình, mới làm được những việc cao cả đó.
Rồi cả bốn mùa tôi được nghe những câu chuyện người này được lắp bàn tay, người kia được thay bàn chân. Giống như những phép lạ trong truyện cổ tích, có bà tiên cầm chiếc gậy thần, quơ lên một cái, cho người sắp chết được sống, người tàn tật trở thành bình thường.
Thế rồi, xuân tàn, hạ qua, thu chết, đông ngưng, nhưng dòng đời vẫn chảy, sinh tử vẫn nối tiếp theo nhau. Tôi lại được nghe, một nhân viên làm việc trong cơ quan phụ trách phân phối nội tạng đã nói với đôi mắt rớm lệ:  “Cái xác người nằm đó, hiến tặng nội tạng của họ cho những người đang cần. Cho dù khi sống họ có làm điều gì nhầm lẫn tới đâu, tôi cũng chắc Thượng Đế sẽ tha thứ hết cho họ.”
Thượng Đế tha hết những lỗi lầm thế gian của người hiến tặng nội tạng và những người nhận tặng vật mang mãi cái ơn trong lòng họ đi suốt đời người.
Có bao giờ người ta nghĩ tới, ở mỗi nghĩa trang, nên dựng một tấm bia ghi ơn cho những người hiến dâng nội tạng. Vì chắc chắn trong bất cứ nghĩa trang nào cũng có những cái hộp thân thể đã chôn xuống đất, nhưng những bảo vật trong đó đã để lại dương trần cho người khác thừa hưởng, một người họ chưa gặp bao giờ.



Source Internet.

Cảnh lều chõng đi thi ở Việt Nam thời Chúa Nguyễn


image

Nho sinh phải mất rất nhiều công phu học và vất vả gian nan. Cực khổ nhất là phải chờ hai ba năm mới có kỳ thi. Khi đi thi thí sinh lại phải mang theo lều, chõng, thức ăn, lặn lội xa xôi lên kinh thành.

Giáo dục khoa cử ở Việt  Nam  có từ thời nhà Lý, kì thi đầu tiên vào năm 1075 dưới thời vua Lý Nhân Tông. Đến năm 1802, sau khi Nguyễn Ánh lật đổ triều Tây Sơn và lập nên triều Nguyễn, dù là một triều đại trong thời kì cận đại nhưng nhà Nguyễn vẫn duy trì Nho học bởi tư tưởng Nho giáo vẫn còn là công cụ cai trị hữu hiệu cho một triều đình phong  kiến.

image

Trường học thời nhà Nguyễn là nơi học sinh đến để học chữ Nho và Nho giáo. Ở nông thôn cũng như thành thị trước khi khoa cử bị bãi bỏ vào đầu thế kỷ 20 đều có những thầy đồ mở trường tư tại gia dạy học.


image
Thầy đồ làng


Thầy đồ đa số là những vị quan về hưu hoặc những người chỉ đỗ tú tài tự ý mở lớp chứ không có sự giám sát của chính quyền. Một người thầy hay chữ có thể có đến hàng nghìn học sinh theo học. Với số đông như vậy thầy giáo thường chọn lấy một người học trò giỏi giang hơn cả mà giao phó trách nhiệm làm trưởng tràng, giúp thầy trông coi các môn đệ. Ngoài ra lại có cán tràng và giám tràng hiệp lực.

Trẻ con muốn nhập học thì thường mang xôi, gà đến biếu thầy và làm lễ khai tâm, cúng Khổng Tử để xin làm đệ tử.

Ở những làng giàu có thì một phần công điền gọi là "học điền" có thể được dùng để lấy tiền gạo nuôi thầy đồ trong làng, còn ở những làng không có phương tiện thì chỉ nhà giàu mới có tiền cho con theo học mà thôi.



image


Ngoài ra còn có một số cơ sở giáo dục thuộc nhà chùa, tuy không với mục đích dạy học trò để thi đỗ nhưng cũng góp phần vào việc đào tạo một số người.

Triều đình thì ở cấp huyện trở lên mới tham gia trong việc giáo dục. Thấp nhất là trường huyện có quan huấn đạo (hàng thất phẩm) dạy. Lên tới phủ thì quan Giáo thụ (hàng lục phẩm) rồi Đốc học (hàng tứ phẩm) ở trường tỉnh trông coi.

Kể từ năm 1803 thì ở Huế mở trường Quốc Tử Giám để các con quan và những người trúng tuyển ở các tỉnh vào thụ giáo các quan tế tửu và tư nghiệp.



image
Trường Quốc học Huế

Về tổ chức khoa thi, đời vua Gia Long chỉ tổ chức thi Hương, nhưng đến đời vua Minh Mạng khoa cử được chỉnh đốn lại và năm 1828 mở thi Hội, rồi thi Đình để chọn tiến sĩ.

Vua Minh Mạng cũng ra thêm học vị Phó bảng năm 1829 để chọn đỗ thêm người. Đặc biệt, việc thay đổi thời này là việc bỏ Đệ nhất giáp, học vị Trạng Nguyên, Bảng nhãn không còn trên khoa bảng nữa. Những thay đổi ở đời Minh Mạng kéo dài mãi đến năm 1919, thể chế khoa bảng chính thức bị bãi bỏ.



image


Năm 1887, thực dân Pháp xâm lược ở nước ta, người Pháp đã tổ chức ra một bộ máy cai trị khá hoàn chỉnh từ trung ương cho đến địa phương, cách tổ chức thi cử,giáo dục từ đó cũng thay đổi theo. Trong giai đoạn đầu (1862-1917) ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ có sự tồn tại song song giữa một chế độ khoa cử kiểu Nho giáo, và chế độ giáo dục của Pháp ở Nam Kỳ.

Như vậy, nhà Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng áp dụng hình thức thi cử theo lối nho giáo tồn tại cả ngàn năm. Cùng nhìn lại khoa cử, giáo dục thời Nguyễn:



image
Nho sĩ thời Nguyễn


image
Trường thi  Nam Định năm 1897.


image

image
Cảnh lều chõng đi thi.


image

image
Giám khảo coi thi.


image
Bảng vàng.


image

image
Sĩ tử và thân nhân nghe xướng danh.


image

Tổng đốc thay mặt nhà vua ban yến tiệc cho các tân khoa.


image
Tân khoa dự tiệc.


image
Tân khoa dạo phố

image




Lê Trang - Hữu Phước

Source Internet.

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

U50 trẻ như gái đôi mươi nhờ bài tập của người Tây Tạng


Nhìn chị Nguyễn Thanh Nga (hiện đang làm tại tổ chức Unicef Việt Nam - Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc) không ai nghĩ năm nay, chị đã bước sang tuổi 52.
Source http://tamsugiadinh.vn/

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

Dùng đũa‏



Khi ăn đừng gắp thức ăn cho người khác
 
BS Trần Bá Thoại
 
 

Gắp thức ăn cho người khác - Ảnh: T.T.D.
Gắp thức ăn cho người khác - Ảnh: T.T.D.
 
 
Trong nhiều buổi tiệc tùng, họp mặt, một thực khách dùng đũa mình đang ăn, gắp thức ăn cho những người ngồi cùng bàn.

Người gắp không biết người cùng bàn nhiều khi khó chịu nhưng không nói ra.
 
Có người lấy đũa mình đang ăn để gắp cá, thịt... bỏ vào chén của người cùng bàn hoặc gắp rau, hải sản cho vào nồi lẩu và nhúng đũa đè rau xuống nồi.
 
Có người lấy muỗng hoặc vá, múc nước trong nồi lẩu để nêm nếm, xong lại lấy cái muỗng đó khuấy nồi lẩu rồi nếm tiếp, rồi múc lẩu cho vài người.
 
Một số người  nghĩ rằng gắp cho người, múc cho khách, thể hiện sự tôn trọng người khác.
Nhưng điều này hoàn toàn là võ đoán.

Thử hỏi một người bệnh gút, bệnh thừa mỡ máu đang ăn kiêng, chúng ta lại gắp cho họ hải sản, thịt đỏ thì họ có ưng bụng không?

Ðơn giản hơn, một người ăn chay trường, lại bị bị gắp cho món mặn thì cũng  khó xử.
 
Các bệnh truyền nhiễm lây lan qua thực phẩm hay đồ uống là một vấn đề phổ biến, gây lo lắng và đôi khi đe dọa tính mạng con người.
 
Tại Hoa Kỳ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ước tính mỗi năm có một trong sáu người Mỹ (48 triệu người) bị bệnh, 128.000 người nhập viện và 3.000 người chết vì các bệnh lan truyền từ ăn uống.
 
Một trong những bệnh lan truyền do đường miệng này là viêm gan siêu vi A.
 
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), virút gây viêm gan A lây truyền chủ yếu qua đường phân - miệng, một người lành ăn phải thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm mầm bệnh (phân của người bệnh), sẽ mắc bệnh viêm gan A.
 
Virút cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc vật lý gần gũi với người nhiễm, nhưng khả năng ít hơn nhiều.
 
Cũng theo WHO, ở các nước đang phát triển với điều kiện vệ sinh môi trường kém, thì hầu hết trẻ em (90%) bị nhiễm viêm gan siêu vi A, trước 10 tuổi.
 
Theo Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam (VNAGE), trên 80% dân số nước ta bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.
Vi khuẩn này gây ra khá nhiều bệnh của dạ dày - tá tràng như: chứng rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, loét dạ dày - tá tràng.
 
Vi khuẩn H. pylori có nhiều trong nước bọt, mảng cao răng, niêm mạc dạ dày của người bệnh và lan truyền chủ yếu qua ăn uống.
 
Do đó, để tránh lây nhiễm, cần ăn chín, uống sạch, tránh các thói quen xấu như: uống chung ly rượu, chấm chung nước mắm, lấy đũa mình đang ăn gắp thức ăn cho người bên cạnh...
 
Từ những thông tin trên, có thể kết luận rằng dùng đũa mình đang ăn, gắp thức ăn cho người khác, là thiếu vệ sinh và có khả năng lây lan bệnh truyền nhiễm.
 
Mâm cơm gia đình của đa số người Việt thường chung cơm, canh, cá, thịt... nhưng chén đũa riêng.
 
Chúng ta có thể dùng chung tô canh (vá riêng), giẽ chung miếng cá, gắp chung đĩa thịt kho... nhưng chẳng ai dùng chung đũa chén cả; nếu nghi dùng nhầm thì có lẽ mọi người, kể cả tôi, sẽ thay bộ khác ngay.
 
Và đương nhiên, nhiều người không dám ăn những món đã bị người khác khoắng lên bằng đũa đang ăn của họ.
 
Nhờ ý thức, ngày nay việc ăn chung đũa cũng đã có phần cải thiện: gắp đũa hai đầu, bố trí muỗng nĩa, vá, đũa... ở các món chung.
 
Nhiều gia đình người Quảng tổ chức giỗ kỵ, liên hoan bằng món đặc sản mì Quảng nổi tiếng. Ðây thật sự là món buffet dân dã Việt Nam.
 
Chủ nhà nấu chuẩn bị: một nồi nhân lớn thịt gà, thịt bò, tôm, trứng, một lượng nước dùng thích hợp, đủ thứ rau và gia vị cần thiết.
Khách khứa chỉ việc chọn loại thích dùng, lượng theo ý, người trước, kẻ sau đều thỏa mãn.
 
Tiệc đứng kiểu này có ưu điểm: 1/ là hợp khẩu vị, nhu cầu dinh dưỡng, ai nhiều ai ít tùy chọn; 2/ là rất vệ sinh, tránh chung đụng đũa, chén, muỗng, nĩa và 3/ là tiết kiệm và hợp lý.
 
Ăn uống bao hàm dinh dưỡng, khoa học và văn hóa.
Một thức ăn ngon, hợp khẩu vị nhưng thiếu khoa học, kém vệ sinh chắc chắn sẽ không được số đông chấp nhận.
 
Vì vậy khi ăn tiệc, liên hoan... trong trường hợp đối đế, nếu muốn chia thức ăn cho người cùng bàn, bỏ rau, thịt, cá vào nồi lẩu, thì không nên dùng muỗng đũa mình đang ăn để gắp, múc mà hãy dùng mỗi người một bộ đồ ăn riêng.
 
BS Tr
n Bá Thoi
 
*************************************************************

Góp nước miếng húp chung

Tràm Cà Mau
(*Đừng dùng đũa của mình ăn mà gắp thức ăn cho người khác!)


 

Nhà có đám giỗ, chị Hương hớn hở nói với đứa con trai: “Sao không mời con Da-Ni-Phờ đến ăn cho vui? Con bé nầy dễ thương, vui vẻ, và ưa lăn vô bếp lăng xăng làm việc nầy việc nọ. Có khi giành rửa cả núi chén bát, mà mặt vẫn tươi như hoa nở.”

Trân thẳng thắn trả lới mẹ: “Nó ớn thấu óc lối ăn uống nhà mình rồi mẹ à. Nó nói thiếu vệ sinh, dễ lây lan truyền nhiễm bệnh từ người nầy qua người khác.”
“Sao vậy?” Chị Hương tròn mắt ngạc nhiên hỏi.

Trân rùn vai: “Nó nói nhà mình ăn đũa, ngậm vào miệng, rồi gắp thức ăn trong dĩa chung. Dính cả nước miếng, đờm dãi của người khác. Có người mang bệnh truyền nhiễm, không ai biết, rồi lây lan cho mọi người. Dơ dáy.”

Chị Hương gằn giọng: “Dơ dáy? Tụi bây hôn môi, ngoạm mồm, trún nước bọt cho nhau, dễ thường vệ sinh sạch sẽ hơn ăn đũa sao?”

Trân không dám cãi lại mẹ, lảng đi nơi khác. Bố của Trân hạ cuốn sách xuống nhìn bà vợ, rồi cười:

“Tôi đã nói với bà nhiều rồi, đừng dùng đũa gắp thức ăn cho ai cả. Mấy lần bà mút đũa cho sạch, rồi gắp thức ăn bỏ vào dĩa cho con Da-Ni-Phờ, tôi thấy cái mặt nó cứng sượng lại, dáng điệu sợ hãi lắm, cứ nhìn chăm chăm vào miếng ăn bà vừa gắp cho nó, mà không dám đụng đến. Bà gắp cho tôi thì được, chứ đừng nên gắp cho ai cả. Ngay cả bạn bè thân thiết hay con cái trong nhà cũng đừng. Riêng tôi với bà, thì xem như một, tôi không sợ cái dơ của bà, bà không sợ tôi lây bệnh. Đó là chuyện riêng của vợ chồng. Nhưng có lẽ, ngay cả vợ chồng, cũng không nên dùng đũa gắp bỏ cho nhau.”

Chị Hương hừ một tiếng, giọng giận hờn: “Người ta có thương, có quan tâm, mới gắp miếng ngon mời ăn. Nếu không thì mặc kệ. Hơi đâu mà tốn sức!”

Ông chồng chị tiếp lời: “Bà có cái thói dùng đũa sục sạo, moi móc, đão lộn thức ăn trong dĩa, tìm miếng ngon bỏ cho người khác. Cái tâm của bà tốt thật, nhưng hành động đó không hợp với văn minh chút nào.”

“Ưà, tui dã man mọi rợ như vậy đó. Ai chịu thì chịu, không chịu thì thôi!”

“Ai mà dám không chịu bà? Bà bỏ đói cho vêu mỏ ra thì khốn. Nhưng tôi có nhận xét sau đây, nói ra bà đừng buồn giận nghe! Bà học được cái thói đão thức ăn trong diã của mẹ bà. Mỗi lần về thăm ông bà cụ, trong bữa ăn tôi ớn lắm. Có lần ăn thịt gà bóp rau răm, mẹ dùng tay bốc và xé thịt bỏ vào chén tôi. Nhìn mười ngón tay của mẹ, móng dài, đóng khớm đất đen ngòm. Tôi cũng ớn lạnh. Mắt tôi muốn nổ đôm đốm. Tôi cứ hốt hoảng bảo xin mẹ để cho con tự nhiên, trong nhà cả mà, con đâu dám khách sáo. Nhưng mẹ cứ bốc bỏ thêm vào chén tôi. Tôi biết đó là tình thương, là lòng tốt của mẹ dành cho con rể, không thể phụ lòng mà từ chối, không đổ đi được, sợ mẹ buồn. Tôi nín thở nhắm mắt mà nuốt trỏng, không dám nhai, nó cứ nhờn nhợn trong cổ, nuốt hoài không xuống. Cứ nghĩ phải ăn các thứ vi khuẩn, vi trùng, sán lãi, chất dơ bẩn dính trong mười cái móng tay đen điu đó, không nổi gai ốc sao được. Chúng ta phải can đảm mà công nhận cái chưa đúng, lối sống thiếu vệ sinh của mình. Tìm cách cải tiến sửa đổi cho hợp với thời đại văn minh hơn. Nhiều lần tôi đề nghị ăn đũa hai đầu như thời xưa mấy người đi kháng chiến chống Pháp trong bưng biền, mà không ai chịu.”

 

Bà Hương cười chế diễu: “Ăn đũa hai đầu văn minh lắm hay sao! Mấy người đó, ở trong rừng đặt bày chuyện vệ sinh, khi về thành, có còn ai dùng đũa hai đầu nữa đâu. Hai đầu đũa đều dính dơ, dễ quệt vào áo quần. Khi muốn tạm gác đũa cũng không được, không biết gác vào đâu. Thêm lúng túng vụng về. Tôi nhớ nhiều lần ông đề nghị để thêm vài ba đôi đũa chung trên mâm cơm, để cả muỗng chung vào các dĩa thức ăn, khi gắp, thì dùng các thứ đũa muỗng chung đó. Thế mà ngay chính ông, cứ lẫn lộn, cầm đũa chung mà ăn, dùng đũa riêng mà gắp, lẫn lộn nhau, được năm ba hôm, phiền phức quá, rồi cũng dẹp. Chính ông phá chứ không ai cả.”

Ông chống bà rùn vai cười gượng: “Đúng. Tôi cứ lẫn lộn mãi vì quen thói cũ. Nếu chúng ta cứ tập lần lần, kiên nhẫn theo, rồi thành quen và sẽ không lẫn lộn nữa. Cái gì cũng phải tập, thói quen mấy chục năm từ ngày còn thơ ấu, đâu thể bỏ ngay được?”

Ông chồng bà Hương thở một tiếng rất dài, tằng hắng rồi nói:
“Cách ăn uống ở quê tôi còn thiếu vệ sinh hơn nhiều. Một lần tôi về thăm, được mời cơm chiều. Chiếu trải trên giường, mâm cơm có hai tô canh, một dĩa rau luộc lớn, một tô nước chấm bằng mắm nêm pha loảng với ớt cay, tỏi bằm, thêm một dĩa mắm cà vun. Quanh mâm cơm có tám người, hai ông bà nội, hai vợ chồng, ba đứa con, và tôi. Đường xa, đói bụng, nhìn mâm cơm tuy thanh đạm, nhưng tôi đã cảm được cái ngon trong tô canh, trong diã rau luộc và tô nước chấm cay xè. Cả nhà, ai cũng đua nhau ăn mau như vũ bảo. Mọi người dùng đũa gắp rau, rồi nhúng vào chén nước chấm chung, quậy quậy đũa, rồi đưa thẳng vào mồm. Thỉnh thoảng có người đang nhai nhồm nhoàm cơm đầy trong miệng, cầm tô canh lên húp một tiếng ‘rột’, rồi bỏ xuống, người khác bắt chước, cầm tô húp theo. Tô nước chấm hòa đủ nước miếng của mọi người trong nhà qua đôi đũa, càng ngày càng loảng và nhạt ra. Tôi đi đường xa, tuy bụng đói, nhưng cũng ngại ngần, không dám ăn rau luộc, không dám chan canh, chỉ khười khười mấy trái mắm cà, vì món nầy ít bị những đôi đũa xáo trộn.”

Ngưng một lát, ông chồng nói tiếp: “Đừng hỏi tại sao không chia cho mỗi người một chén nước chấm riêng. Nhà nghèo, chén đâu có nhiều mà bày ra. Dù nếu có được chén, cũng không thể đủ nhiều nước chấm để chia riêng cho từng người vài muỗng. Bởi thế, khi trong nhà có người bị bệnh truyền nhiễm thì nó lây lan vô tội vạ. Rán mà chịu. Nhưng thật ra, thì không biết làm sao hơn. Biết đâu đó cũng là một cách chủng ngừa lạc hậu nhưng lại hiệu nghiệm.”

Anh con trai tán thêm: “Khi nào đi ăn tiệc, con tránh ngồi chung bàn với ông Tư, dì Sáu, chú Tám. Mấy người nầy ăn uống tự nhiên, dễ dàng. Cứ dùng đũa đào bới lật qua lật lại thức ăn trong dĩa, gắp miếng nầy lên, bỏ miếng kia xuống, cho đũa chạy rong từ dĩa nầy qua dĩa khác để tìm gắp những miếng ăn mà họ vừa ý. Có mấy người khách chung bàn cứ nhíu mày, mắt theo dõi chăm chăm các đôi đũa đang sục sạo, có lẽ để tránh các nơi thức ăn đã bị đũa người khác nhúng vào rồi. Con thì cứ cười cười, quan sát nét mặt bất bình, không vui của những người sợ, và cái hớn hở thản nhiên của người đang dùng đũa bới đào chọn lựa, tìm được miếng ngon, thấy mà thương. Bác Ngô nói với con rằng, thường chỉ ăn được mấy miếng đầu tiên, khi những đôi đũa dơ dáy chưa đào xới diã thức ăn. Sau đó, bác gác đũa, ngồi nói chuyện vui. Bởi thế, mỗi lần phải đi dự tiệc tùng, bác bèn ăn cơm nguội trước ở nhà cho lưng lửng bụng mới ra đi. Bác nói tiếp, có thể người ta sạch sẽ vệ sinh hơn bác, nhưng bác không muốn ăn nước bọt, uống đờm dãi của người khác.”

Bà Hương trừng mắt gắt: “Thôi, thôi, mẹ không muốn nghe cái lối nói thiếu tử tế đó. Việc chi mà kêu là uống đờm dãi của người khác, nghe không lọt tai. Nên ăn nói cho thanh lịch, tử tế hơn. Ông ấy đâu có vệ sinh văn minh chi hơn ai mà bày đặt chê bai.”

Ông chồng bà Hương thấy vợ nỗi cáu, quay qua nháy mắt với anh con trai, và hạ giọng nói riêng với nó:
“Lần nọ ăn tiệc, ba ngồi gần bà chị hàng xóm cũ. Bà nầy quen thân từ nhỏ. Ngồi gần nhau, bà vui mừng nói chuyện tíu tít. Bà cho biết mới bị bệnh cúm xong, chưa lành hẳn, lâu lâu bà hắt xì nhảy mũi, lấy khăn xịt mũi xì xì, và ho sù sụ. Ba cũng sợ lây bệnh lắm, nhưng đành phó mặc cho Trời, và cầu sao đừng bị lây. Chị em lâu ngày gặp lại nhau, dù về nhà có bị bệnh, cũng đành chấp nhận. Nhưng chị cứ dùng đũa của chị, gắp thức ăn bỏ vào chén của ba mãi. Ba cứ van lơn cầu khẩn chị để cho ba tự nhiên, ưa ăn món nào thì sẽ tự gắp. Nhưng chị không chịu, cứ gắp bỏ cho ba hoài. Ba buồn lắm, nhưng không biết làm sao. Thấy dĩa thức ăn của ba cứ đầy vun, chị hỏi sao không ăn, ba  ngại ngần giả vờ nhăn mặt, nói rằng bỗng  nhiên nghe  đau quặn trong bụng. Rồi ba chỉ uống nước cho đến khi tiệc tàn.”

Anh con trai cười thích thú kể cho hai ông bà nghe: “Ba mẹ có biết không, thằng James nó nói ăn lẩu là “góp nước miếng húp chung”. Mọi người đều gắp tôm cá thịt, rau, nhúng vào nồi, nhận chìm rau, quậy vục, chờ sôi, thọc đũa riêng vào mà vớt, mò, đôi khi lại dùng cả muỗng riêng mà múc nước húp, rồi cho vào chén. Mọi người đều cùng làm một động tác như nhau, không ai ngán ai lây truyền bệnh hoạn. Không biết nồi lẫu sôi có giết hết được các loài vi khuẩn, vi trùng hay không. Bởi thế, khi có ai mời di ăn món lẫu, nó thẳng thừng từ chối ngay, con cũng thế. Con ngán nhất những bữa cơm chung, khi có người kêu canh chua cá bông lau, nghe đề nghị là con can ngay. Vì cũng như ăn lẩu, mọi người vui vẻ thọc đũa vào tô canh mò, vớt cá ra dĩa, rồi thọc đũa riêng vào mà dày xéo xâu xé con cá. Có lẽ họ nghĩ nước mắm mặn cũng đủ giết chết vi trùng, vi khuần rồi chăng? Bởi vậy, khi nào ăn lẩu, ăn canh chua là không có con.”

Chị Hương tiếp lời anh con trai: “Người mình ăn đũa, dù cho là thiếu vệ sinh, nhưng đã chết ai đâu mà ầm ĩ?”

Ống chồng chị đưa tay ngắt râu ngứa, rồi từ tốn nói: “Có chắc chưa chết ai không? Thế mà thống kê cho biết, chỉ tại Hoa Kỳ thôi, số người bị lây nhiễm qua đường miệng do ăn uống  hàng năm có đến gần 50 triệu người, mà 130 ngàn người phải đưa vào bệnh viện, và chết hơn ba ngàn người. Còn Việt Nam mình không có thống kê, cứ lặng lẽ truyền bệnh, âm thầm mà chết. Tôi nghĩ rằng, sở dĩ người Việt Nam mình đông đảo người bị bệnh gan, là hậu quả của ăn đũa. Đôi đũa, gây đại họa, đôi đũa bí mật giết người.”  

Chị Hương đã yếu giọng: “Chi đến nỗi bi thảm đến thế? Dễ chừng những xứ không ăn đũa ít bị bệnh gan hơn chăng?”

Anh con trai xen vào: “Ba nói đúng đó mẹ à. Bố mẹ của bạn con, mười người chết, thì có đến năm sáu người chết vì bệnh gan, chai gan, ung thư gan, bệnh gan B, bệnh gan C. Rồi mới đến bệnh tim,  ung thư phổi, tử cung, ruột. Bác Sáu nói rằng, không hiểu sao những người hay về Việt Nam chơi, khi trở lại Mỹ, thường bị bệnh gan mà chết. Nói thế thì có lẽ cũng không đúng hẳn, không lẽ chỉ họ chết mà người bên Việt Nam mình không sao?”

Chị Hương lên giọng: “Đôi đũa cũng được xem như là một phát minh quan trọng của loài người. Là một bước tiến của nền văn minh cổ đại. Dùng đũa, có nhiều điều kỳ diệu. Còn bao hàm một cả triết lý của đông phương. Đó là nguyên lý âm dương, ngũ hành, kết hợp giữa thế động và thế tĩnh, động là chiểc đũa trên di động, tĩnh là chiếc dưới nằm yên. Đũa tiện dụng, có thể đào, bới, kẹp, lùa, xắn, cắt, xé, phân nhỏ, xiên, đè, quẹt, hất, giữ. Chỉ đôi đũa thôi, nó còn đa năng hơn hai ngón tay, hơn con dao, hơn cả muỗng nĩa. Đũa chỉ không gắp được chất lỏng mà thôi. Có lẽ vào thời xa xưa nào đó, khi còn ăn lông ở lỗ, tổ tiên chúng ta đã dùng que, nhánh mà khều thức ăn nướng trong lửa nóng. Ban đầu dùng một thanh, sau đó dùng hai thanh mà gắp, thấy thuận tiện, nên đôi đũa được phát sinh. Cũng có học giả cho rằng, loài người bắt chước những con chim mỏ dài gắp cá mà làm nên đôi đũa. Khi tay dơ dáy, dính đầy bùn đất, không muốn bốc thức ăn đưa lên miệng, dùng đũa là giải pháp tốt nhất.” - Ngưng một lúc, chị nói tiếp - “Dùng đũa, còn vệ sinh hơn dùng tay mà bốc như cách ăn của người Ấn Độ, Trung Đông. Đang  ăn, ngứa đầu đưa tay lên gãi tóc,  ngứa mông thọc tay vào quần gãi, rồi cũng bàn tay đó, bốc thức ăn cho vào miệng. Ăn đũa không rườm rà như ăn bằng dao, nĩa, muỗng của người Âu Châu. Người Nhật, người Hàn cũng dùng đũa, họ bày đặt ra những quy định riêng khá nghiêm ngặt khi sử dụng đũa, cũng bảo đảm được phần nào vệ sinh trong  khi ăn chung.”

Anh con trai góp chuyện: “Con nghe chú Tú kể rằng, thời mới được tàu Nhật vớt trong khi vượt biển. Đến Nhật tình cờ gặp được người bạn cũ vào thời du học tại Mỹ trước đây.  Được bạn mời cơm nhiều lần, và chú đã phạm phải nhiều sai sót khi dùng đũa. Vì người Nhật đã đưa nghệ thuật ăn đũa thành một thứ văn hoá, với nhiều quy định chặt chẽ.  Chú cứ gắp thức ăn từ dĩa, lia lịa đưa thẳng vào miệng. Chủ nhà vì lịch sự không nói, nhưng có vẻ không bằng lòng. Trong khi đang ăn, nhiều lúc chú tạm gác đũa qua chén. Làm chủ nhà tròn mắt ngơ ngác. Với người Nhật, đây là một hành động cực kỳ vô phép, xúc phạm đến người nấu ăn, ý muốn nhắn rằng, đồ ăn dở như hạch, hay là tôi cóc cần các thức ăn nầy. Có khi chú đã dùng đũa đâm xiên vào cục thịt, cũng là một hành động vô lễ, giống như thử xem thức ăn đã nấu chín hay chưa. Sau nầy, chú đọc sách,  học được nhiều quy tắc trong khi dùng đũa của người Nhật. Ví như không được ngậm đũa trên miệng, không được dùng đũa đề chuyền thức ăn cho nhau, giống hành động gắp tro xương người chết.  Không cắm đôi đũa vào tô cơm, đũa chỉ được cắm vào tô cơm cúng người chết mà thôi. Cũng không được dùng đũa để chuyển dịch tô chén trên bàn ăn. Không được nhảy đũa từ món nầy qua món kia. Không mút đũa. Không dùng đũa khoắng trong tô canh. Khi gắp món ăn, gắp từ miếng nằm trên dần xuống miếng dưới, chứ không đào bới tìm miếng ngon vừa ý. Kể ra những quy tắc đó, có nhiều phần đúng với phép vệ sinh, nhưng cũng có nhiều cái mang nặng tính cách quy định không cần thiết. Nếu ăn đũa theo người Nhật, cũng bớt được phần nào truyền nhiễm bệnh từ nước miếng khi ăn chung.”

Sau khi pha cho chồng và con hai ly nước trái cây, chị Hương lục lọi trong tủ đựng các dĩa phim, rồi bảo sẽ cho chồng xem nghệ thuật cao siêu của người sử dụng đũa thuần thục. Trên màn ảnh truyền hình hiện lên một kiếm khách xứ Phù Tang, đầu đội nón rê xùm xụp, mang áo tơi lá, trông tơi tả nhếch nhác như một kẻ ăn mày, khệnh khạng bước vô quán,  xem như chung quanh không còn ai. Lặng lẽ nâng cốc cạn rượu. Bỗng từ phía bàn kia, có người ném một ‘ám khí’ bay vụt thẳng vào mặt kiếm khách. Không né tránh, không vội vàng, kiếm khách cầm đôi đũa lên, gắp được miếng ám khí đang bay, vụt hất ngược lại, địch thủ thét lên một tiếng đau đớn mà ngã lăn quay ra chết. Rồi cũng đôi đũa đó, gắp lia lịa giết bọn ruồi nhặng đang bay vo ve trên dĩa thức ăn.

Anh chồng chị Hương vỗ đùi cười vang mà nói: “Xạo  gần bằng chuyện đội phụ nữ anh hùng Thanh Hóa dùng cù ngéo tre móc rớt máy bay ‘Con Ma’ bắt giặc lái Mỹ.”

Chị Hương hỏi chồng: “Ngày nay văn minh, cả thế giới như đã thu hẹp lại. Hiểu biết và văn hóa phổ biến khắp nơi, thì tại sao các dân tộc ăn bốc không biết cải thiện, mà dùng dao nĩa, dùng đũa? Không biết dân Ấn Độ ăn bốc có vục tay vào tô cà ri mà thay muỗng, đưa lên miệng húp sồn sột, rồi mút và liếm bàn tay hay không? Có lẽ là không. Có thể họ đổ ra tô, diã của họ, rồi chấm mút chăng?”

Chồng chị Hương thong thả: “Nghe đâu ăn bốc, theo quy định, chỉ được bốc bằng các ngón của tay mặt mà thôi, tay trái được nghỉ ngơi, có lẽ vì tay trái chỉ xử dụng để làm những việc dơ dáy. Món ăn nào bị bàn tay trái của người khác đụng vào, thì xem như đã bị ô nhiễm, không ai dám đụng đến nữa, phải bỏ đi. Người ta khinh bỉ người ăn bằng tay trái, bị xem là hạ tiện, bất lịch sự. Trong truyện ‘Ngàn Lẻ Một Đêm’ của dân  Ả Rập có kể chuyện một thương gia giàu có, vì ăn tỏi hôi tay, nên bị người tình là bà hoàng, chặt mất bàn tay mặt, phải dùng tay trái trong lúc ăn, ông ta bị khinh bỉ, hất hủi, miệt thị.

Khi bốc những thức ăn rời rạc như cơm, đậu, thì chúm các ngón tay mà vít lên, rồi lật ngữa bàn tay, để thức ăn vào giữa bốn ngón, sau đó dùng ngón tay cái mà lùa vô miệng. Không để thức ăn trong lòng bàn tay. Không bốc thức ăn từ dĩa đưa thẳng vào miệng. Ăn quen thì cũng gọn gàng, không bôi tèm lem vào râu ria, môi miệng.”

“Ăn bốc có gì hay mà không thay đổi nhĩ?” Chị Hương hỏi vẩn vơ.

Trân, con trai bà Hương trước đây có cô bạn gái người Ấn Độ, hay lui tới và định ‘kết’ với cô nầy, nên đã tìm hiểu, bèn giải thích cho mẹ:
“Ăn bốc cũng có cái triết lý cao siêu riêng của nó, chứ không phải là dã man, chưa văn minh, chưa biết dùng đến đũa hay dao nĩa. Họ quan niệm rằng, ăn bốc là một phối hợp kỳ diệu của ngũ hành với hệ thống thần kinh não bộ, nối liền với hệ thống bộ tiêu hoá, có nhiều ích lợi dinh dưỡng cho đời sống. Họ quan niệm năm ngón tay hàm chứa năng lực ‘ngũ hành’. Ngón cái là tiêu biểu cho lửa, ngón trỏ là khí, ngón giữa là trời, ngón đeo nhẫn là đất, ngón út là nước. Nếu mất thăng bằng của ‘ngũ hành’ nầy, thì dễ sinh bệnh hoạn. Khi ăn bằng tay, bốc bằng năm ngón, thì năm thứ năng lượng tiềm tàng nầy đi theo thức ăn mà vào cơ thể, làm cho thức ăn thành một món thuốc, chữa lành các bệnh hoạn, tăng sinh lực cho các vùng yếu đuối của cơ thể. Khi bốc bằng tay, thì cái xúc giác đưa tín hiệu lên não bộ, vào hệ thống kinh mạch, nên bao tử biết để đón nhận, và chấp nhận, tiết ra những dịch vị thích ứng, cho nên thực phẩm dễ tiêu hoá hơn. Mấy ngón tay cũng là cái nhiệt kế đo lường độ nóng lạnh của thực phẩm, để khỏi phỏng miệng la làng.”

Chị Hương cười: “Bày đặt! Tưởng tượng! Có chi chắc là nước, lửa, trời, đất, khí nằm trên năm ngón tay? Người ta tưởng rằng, ăn dao nĩa là văn minh và thuận tiện nhất. Không hẵn. Trước tiên, phải cho mỗi người một bộ. Dao nĩa cũng không thuận lợi bằng đôi đũa. Phở mà ăn bằng nĩa thì bất tiện lắm. Không thể nào câu sợi phở lên, cũng không thể quấn vòng vòng như ăn mì sợi, nó tuột mất. Thử xem, khi muốn gắp cục xương, dùng đũa vẫn dễ dàng hơn dùng nĩa, cục xương nằm chênh vênh trên cái nĩa, rất dễ rơi rớt ra bàn, văng vào áo quần người khác. Ăn bằng dao nĩa, phải phối hợp với ăn bốc. Như ăn bánh mì, họ phài dùng tay mà xé, ăn gà nướng, cũng bốc bằng tay. Nếu dùng đũa, thì không cần phải bốc bao giờ.”

Trân kể cho bố mẹ nghe rằng, sở dĩ con Da-Ni-Phờ không dám đến nhà ăn nữa, vì năm ngoái, nó đi du lịch bên Việt Nam với bạn. Chúng nó nghe nói thức ăn của các bà bán hàng rong rất ngon. Chúng ăn bún ốc. Ăn mỗi đứa ba tô ngon lành. Khi ăn thì chúng không để ý. Khi thấy chị hàng rong rửa tô trong một cái chậu nước nhỏ, và lau bằng cái khăn ướt ngã màu đen điu, mà trước đó nó thấy đàn ruồi bu đen, chạy nhảy trên khăn. Nó chợt nhận ra chậu nước đó đã rửa cả hàng chục cái tô của hàng trăm thực khách, bao nhiêu dơ dáy đều gom lại trong đó hết. Nó nghe dờn dợn trong cổ họng, rồi quay ra, kê đầu vào gốc cây mà nôn thốc nôn tháo ra hết. Nó tởn, không dám đụng đến các gánh hàng rong nữa. Sau đó, con Da-Ni-Phờ còn thấy tận mắt các bà bán hàng móc túi thối tiền, những tờ đen điu bèo nhèo dơ dáy, rồi cũng dùng bàn tay trần đó, bốc thịt, bốc rau, nhón tiêu hành, thả vào các tô chén cho thực khách ăn. Nó khiếp vía từ đó.

Chị Hương nói với Trân: “Con cứ kêu con Da-Ni-Phờ đến ăn đám giỗ cho vui. Nói cho nó biết, sẽ cho nó một dĩa riêng thức ăn, không chung đụng với ai cả. Con bé nầy dễ thương vui vẻ. Mỗi xứ có cái văn hoá riêng. Ai cũng tự hào về văn minh của mình. Đừng ai chê ai. Ăn bốc cũng tốt, ăn bằng dao nĩa cũng hay, nhưng tốt và tiện nhất là ăn đũa như chúng ta.”

Trân tiếp ý mẹ: “Thế sao chúng ta không phối hợp giữa dao nĩa, và đôi đũa mà ăn uống cho vệ sinh? Có đũa muỗng riêng, đũa muỗng chung, không ai ngại ai. Như thế thì có vệ sinh hơn không. Ngày nay, đũa muỗng cũng rẻ rề, mua bao nhiêu cũng có. Cứ tập dần, cái gì hay thì theo, cái gì không tốt thì bỏ đi.”

Chị Hương nghĩ ngợi một lúc, vui vẻ nói: “Mẹ tán thành ý kiến của con. Kể từ ngày mai, sẽ thi hành. Trong bữa ăn ai vi phạm sẽ xử phạt bằng tiền. Mẹ chắc Ba con sẽ bị phạt dài dài đó. Phạt mãi, sợ tốn tiền, thì sẽ tuân thủ mau.”

Ông chồng chị quay lại nói lớn: “Ừ, ừ, để xem ai bị phạt nhiều hơn ai cho biết. Bà cứ chê tôi hoài!” ./.


Tràm Cà Mau 2015

* Các ông trong bàn nhậu, nên tránh việc dùng chung một ly để "dzô" với nhau mà thành ra: "Góp nước miếng húp chung!!!"


Source Internet.