Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

Cách Giữ Cho Lâu Già

Cách Giữ Cho Lâu Già
 
 
 

 Lê Tấn Tài    
 Biết cách sống, ta có thể làm chậm được quá trình lão hóa, kéo dài được tuổi thọ, có thể điều chỉnh được chiếc đồng hồ sinh học trong con người chúng ta chạy chậm lại, ta cũng có thể giữ bộ máy cực kỳ tinh vi của ta được bền vững lâu dài hơn.



 Khi nào các bộ phận trong cơ thể của con người bắt đầu thoái hóa? Già là một điều không ai tránh khỏi. Hiện nay các viện nghiên cứu y khoa đã cho biết một cách chính xác các bộ phận trong cơ thể của con người bắt đầu thoái hóa từ lúc nào.
Các bác sĩ người Pháp đã tìm thấy chất lượng tinh trùng bắt đầu suy thoái từ tuổi 35, bởi thế khi người đàn ông 45 tuổi thì một phần ba số lần mang thai sẽ dẫn đến sảy thai. Angela Epstein đã viết trong DailyMail, tuổi của các bộ phận trong cơ thể bắt đầu suy thoái như sau :
1./ Não bắt đầu suy thoái lúc 20 tuổi. Khi chúng ta trưởng thành, các tế bào não bị giảm dần. Và não cũng teo nhỏ lại. Khởi đầu con người có 100 tỉ tế bào não, nhưng đến tuổi 20 con số nầy giảm dần, và đến tuổi 40 con người mất mỗi ngày 10.000 tế bào ảnh hưởng rất nhiều đến trí nhớ và có tác dụng rất lớn đến tâm sinh lý người già.
2./ Ruột bắt đầu suy giảm từ tuổi 55. Ruột tốt có sự cân bằng giữa các vi khuẩn có ích và có hại. Vi khuẩn có ích sẽ giảm đi đáng kể sau tuổi 55, đặc biệt ở phần ruột già. Sau 55 tuổi bộ tiêu hóa bắt đầu xấu đi và sẽ gây hại cho các bệnh đường ruột. Táo bón là một bệnh thông thường của tuổi già, cũng như dịch vị từ bao tử, gan, tuyến tuỵ, ruột non bị suy giảm .
4./ Bọng đái bắt đầu suy thoái từ tuổI 65. Người già thường mất kiểm soát bọng đái. Nó bắt đầu co lại đột ngột, ngay cả khi không đầy. Phụ nữ dễ gặp trục trặc này hơn khi chấm dứt kinh nguyệt. Khả năng chứa nước tiểu của bọng đái một người già chỉ bằng nửa so với người trẻ tuổi, khoảng 2 cốc ở tuổi 30 và 1 cốc ở tuổi 70. Ðiều này khiến người già phải đi tiểu nhiều hơn, và dễ nhiễm trùng đường tiểu.
5./ Vú bắt đầu thoái hóa từ năm 35 tuổi. Khi người đàn bà đến 30 tuổi thì vú mất dần các mô và mở, sự đầy đặn và kích cở của bộ vú bị suy giảm. Khi 40 tuổi núm vú bị teo lại và vú thòng xuống.
6./ Phổi lão hóa từ tuổi 20. Sụn sườn vôi hóa, lồng ngực biến dạng, khớp cứng ảnh hưởng tới thở, nhu mô phổi giảm đàn hồi, giãm phế nang. Dung tích của phổi bắt đầu giảm dần từ tuổi 20. Ðến tuổi 40 có nhiều người đã bắt đầu khó thở vì các cơ bắp và xương sườn buồng phổi bắt đầu xơ cứng .
7./ Giọng nói bắt đầu yếu và khàn kể từ tuổi 65. Phụ nữ có giọng khàn và nhỏ trong khi đàn ông giọng cao và nhẹ.
8./ Mắt lão hóa từ năm 40 và phần lớn phải mang kiếng, không còn nhìn rõ một vật ở xa. Khả năng tập trung của mắt kém hơn do cơ mắt yếu hơn.
9./ Tim lão hóa từ tuổi 40. Khối lượng cơ tim giảm. Tuần hoàn nuôi cơ tim cũng giảm, suy tim tiềm tàng, huyết áp tăng dần. Sức bơm của tim giảm dần vì các mạch máu giảm sự đàn hồi. Các động mạch cứng dần và bị mở đóng vào các thành mạch. Máu cung cấp cho tim cũng bị giảm bớt. Ðàn ông 45 tuổi và đàn bà 55 dễ bị đau tim.
10./ Gan lão hóa từ năm 70. Chức năng chuyển hóa và giải độc giảm. Tuy nhiên gan là một bộ phận gần như không chịu khuất phục tuổi tác. Người ta có thể ghép gan của một ông già 70 tuổi cho một người 20 tuổi.
11./ Thận lão hóa năm 50. Số đơn vị lọc chất thải khỏi máu bắt đầu giảm xuống ở tuổi trung niên.
12./ Tuyến tiền liệt lão hóa vào năm 50. Hệ thống sinh dục nam gồm có: tinh hoàn và bộ phận sinh dục phụ như đường dẫn tinh, tuyến tiền liệt, tuyến hành niệu đạo, túi tinh và dương vật. Tuyến tiền liệt thường lớn dần theo tuổi tác. Khi tuyến tiền liệt tăng kích thước sẽ ép vào niệu đạo và bàng quang, gây khó khăn cho tiểu tiện. Nó gây nên triệu chứng tiểu ngập ngừng, tiểu nhiều lần, tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu và tiểu khó.
13./ Xương lão hóa hóa vào tuổi 35. Cho đến giữa những năm 20 tuổi, mật độ xương vẫn còn tăng. Trẻ em xương lớn rất nhanh, cứ mỗi 2 năm lại thay đổi toàn bộ xương củ nhưng đến tuổi 35 thì xương đã lão, hiện tượng mất xương bắt đầu như một quá trình già cả tự nhiên.
14./ Răng suy từ tuổi 40. Răng bị hao mòn. Dễ bị bệnh nha chu. Niêm mạc bị teo dần.
15./ Bắp thịt lão hóa từ năm 30. Thông thường bắp thịt khi bị lão hoá thì được tái tạo ngay, nhưng đến tuổi 30 thì tái tạo ít hơn là lão hóa. Ðến tuổi 40, mỗi năm bắp thịt bị sút giảm từ 0.5 đến 2 % . Vì thế người già khó giữ thăng bằng, trở thành chậm chạp, dễ bị ngã và gẫy xương.
16./ Nghe [thính giác] giảm đi kể từ giữa năm 50. Rất nhiều người bị lãng tai kể từ năm 60.
17./ Da suy giảm kể từ năm 20. Chúng ta đã giảm dần việc sản xuất chất keo dính của da từ giữa tuổi 20. Việc thay thế các tế bào chết cũng chậm dần.
18./ Vị giác và khứu giác giảm từ năm 60. Thông thường chúng ta có thể nếm được 100.000 vị trên lưởi. Các vị này chúng ta chỉ nếm được phân nửa khi già và đến tuổi 60 thì không còn ngửi và nếm một cách chính xác được nữa.
19./ Sinh sản mất khả năng từ năm 35. Khả năng sinh nở của phụ nữ bắt đầu giảm sau tuổi 35, vì số lượng và chất lượng trứng trong tử cung giảm xuống.
20./ Tóc lão hóa từ tuổi 30. Thông thường cứ 3 năm thì tóc cũ sẽ được thay thế toàn bộ tóc mới. Và đến năm 35 tuổi thì tóc không còn đen nhánh nữa mà ngã màu đen xám và rụng dần đi.
Làm thế nào để làm chậm sự lão hóa ?
Già không phải là một bệnh nhưng già tạo điều kiện cho bệnh phát sinh và phát triển; cần chú ý một số đặc điểm sau:
- Người già thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc, có bệnh dễ phát hiện, nhưng cũng có bệnh rất kín đáo, tiềm tàng, nguy hiểm.
- Triệu chứng ít khi điển hình, không ồ ạt, không rõ rệt, nên khó chẩn đoán, dễ sai lạc nếu ít kinh nghiệm.
- Khả năng phục hồi sức khỏe sau các trận ốm thường chậm hơn so với người trẻ, nên sau điều trị phải có thời gian an dưỡng.
Một số biện pháp làm giảm tốc độ lão hóa:
Học thuyết âm dương của y học cổ truyền chứng minh con người là một chỉnh thể giữa âm dương, giữa khí và huyết. Luôn luôn thăng bằng với nhau từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong theo một quy luật nhất định, để duy trì sự sống của con người được bền vững dài lâu.
Vì thế muốn giảm tốc độ lão hóa cần phải:
Về tư tưởng luôn luôn lạc quan yêu đời, chủ động gạt bỏ những cái làm ảnh hưởng đến bộ não, hạn chế tối đa nỗi cô đơn, giải quyết tốt nhất mối quan hệ xã hội và gia đình, có triết lý sống đúng; phải chú ý cả 3 vấn đề: lẽ sống, lối sống và hành động sao cho khoa học văn minh để loại trừ 7 nguyên nhân gây bệnh của Ðông y là : hỷ, nộ, ưu, tư, bi, kinh, khủng.
Muốn được thảnh thơi phải có kiến thức, phải có hiểu biết để nhìn nhận vấn đề sao cho đúng đắn qua báo chí, đài phát thanh, truyền hình để làm chủ được mình và giáo dục cho gia đình, con cháu giảm các nỗi bực dọc và tự chăm lo cho mình.
Thường xuyên luyện tập đều đặn về trí tuệ và thể lực như đọc sách báo, nghe đài, xem TV, internet… đồng thời tập thể dục thể thao, đi bộ, tập thở, tĩnh tâm thư giãn, v.v… phù hợp với hoàn cảnh và sức khỏe từng người.
Sinh hoạt điều độ, không làm gì quá sức bình thường, giữ gìn trạng thái cân bằng giữa ngủ và nghỉ, giữa ăn và làm, giữa trí óc và chân tay, giữa trong nhà và ngoài trời, giữa lười và chăm, v.v… cũng rất quan trọng.
Ăn uống đúng và đủ theo khả năng của mình, không nên nghiện bất cứ thứ gì, hạn chế thịt nhất là mỡ, ăn nhiều rau quả tươi, giảm chất bột, giảm bánh kẹo, bảo đảm cân bằng thức ăn âm và dương, giữ người không béo và cũng không gầy. Nên nhớ con người là giống ăn ngũ cốc, nên thức ăn cho người phải 80% là ngũ cốc còn 20% là rau quả và các thứ khác, không nên ăn quá no, người già rất cần đạm ở đậu tương, vừng lạc, tôm cua, ốc hến…
Cần có môi trường sống tự nhiên tốt, phần lớn các cụ sống 100 tuổi trở lên đều ở vùng núi, ở nông thôn còn ở thành phố thì rất ít và gốc cũng không phải thành thị. Hiện nay môi trường sống đang bị tàn phá nghiêm trọng đó là tự hủy hoại mình (chặt cây, phá rừng, chất thải, phân hóa học, thuốc trừ sâu….) đã làm mất đi cảnh thanh bình của thiên nhiên, là điều cũng nên hết sức tránh.
Kiên trì áp dụng 10 bài học về sức khỏe của Nhật Bản, đất nước được mệnh danh là ‘vương quốc của tuổi thọ’ vì có tuổi thọ cao nhất thế giới hiện nay. 10 bài học đó là:
- Bớt ăn thịt, ăn nhiều rau
- Bớt ăn mặn, ăn nhiều chất chua
- Bớt ăn đường, ăn nhiều hoa quả
- Bớt ăn chất bột, ăn nhiều sữa
- Bớt mặc nhiều quần áo, tắm nhiều lần
- Bớt đi xe, năng đi bộ
- Bớt phiền muộn, ngủ nhiều hơn
- Bớt nóng giận, cười nhiều hơn
- Bớt nói, làm nhiều hơn
- Bớt ham muốn, chia sẻ nhiều hơn.

Những bài học trên có tác dụng rất lớn đối với những người bị tăng huyết áp, bệnh tim mạch, ung thư dạ dày, viêm gan…
Tóm lại: Biết cách sống, ta có thể làm chậm được quá trình lão hóa, kéo dài được tuổi thọ, có thể điều chỉnh được chiếc đồng hồ sinh học trong con người chúng ta chạy chậm lại, ta cũng có thể giữ bộ máy cực kỳ tinh vi của ta được bền vững lâu dài hơn.

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Điểm sách : Ngàn Giọt Lệ Rơi‏

Nổi đau thương của dân tộc sau chiến tranh: Ngàn Giọt Lệ Rơi
Lê Quế Lâm
       Chiều ngày 16 tháng Năm vừa qua, tại Little Saigon, nam California (HK) có buổi ra mắt sách Tâm Tư TT Nguyễn Văn Thiệu của T/s Nguyễn Tiến Hưng. Trong phần một quyển sách, tác giả trình bày những dữ kiện dẫn tới việc TT Thiệu từ chức. Đó là việc quân dân ở Cao nguyên và Vùng 1 di tản trong hỗn loạn vì hoảng sợ CS, sau khi TT Thiệu ra lịnh rút các Sư đoàn Bộ Binh, Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến về phía Nam.
       Cũng chiều ngày 16/5, tại San José, bắc California có buổi ra mắt sách Ngàn Giọt Lệ Rơi của bà Đặng Mỹ Dung (MD). Sự hoảng hốt của đồng bào miền Trung hồi giữa tháng Ba 1975 đã lan tới Hawai, nơi MD và đứa con trai 5 tuổi đang sống êm đềm với chồng là John Krall -Thiếu tá Hải quân HK. Một ngày nọ, MD nhận được điện thoại từ Paris của một người xưng tên Jean Sagan, tự nhận là bạn thân của cha cô tức ông Đặng Quang Minh (ĐQM), Đại sứ Mặt trận Giải Phóng MN tại Moscow. Ông bảo MD phải tìm cách đưa mẹ và gia đình rời khỏi VN. Ông cho biết, những người bạn của ba cô sắp tiến vào Sàigòn. MD hỏi tại sao những người bạn của cha cô vào Sàigòn mà lại đưa mẹ mình xuất ngoại. Ông Sagan trả lời: đừng thắc mắc dài dòng, hãy đưa mẹ cô rời Sàigòn ngay. MD hỏi ông ta làm cách nào vì không người Việt nào được phép rời đất nước trong lúc này. “Cô hãy nói với chồng đến gặp Đô đốc Gaylor Tư lịnh Quân lực HK ở Thái Bình Dương, ông ta là người tốt sẽ giúp đỡ”.
       John không thể nhờ Đ/đốc Gayler can thiệp vì anh đã không báo thượng cấp sự việc cha vợ là cán bộ cao cấp của CS. Nay vì sự an nguy của mẹ vợ, John đã liều lĩnh đến Sàigòn mà không có phép của cấp chỉ huy. Sứ mạng được vợ giao gặp nhiều khó khăn, vì lẽ John không còn làm việc ở Nam VN. Một ngày nọ, từ bao lơn nhà mẹ vợ nhìn xuống đường, John phát hiện có kẻ lạ mặt, rõ ràng là cán bộ Việt Cộng lảng vảng trước nhà. Có lần họ gỏ cửa, mời bà đến chỗ hẹn để nhận tin tức chồng bà -ông ĐQM, nhưng bà từ chối. Những chỉ dấu đó cho thấy cá nhân bà đã bị theo dõi và nguy hiểm như ông Sagan đã nói. John phải làm liều, đến Tòa Đại sứ Mỹ báo cáo cha vợ là Đại sứ CSVN tại Moscow. Chi tiết trên được trình thượng cấp, nhưng họ không tìm thấy danh tánh ông đại sứ trong hồ sơ lưu trữ, có lẽ phần lớn đã bị hủy bỏ, phải chuyển về Tổng Hành Dinh CIA ở Langley, Virginia để kiểm chứng.
       Trong lúc John nóng ruột về việc ra đi của mẹ vợ, thì bà lại lo sợ về sự rủi ro của con rể, John có thể bị VC bắt cóc. Bà điện thoại báo cho con gái “Chồng con đã làm tốt mọi việc, sự có mặt của nó ở Sàigòn không còn an toàn nữa, con phải khuyên chồng con trở về Hawai ngay”. MD liền gọi cho chồng, John bảo vợ phải trình bày ngay sự việc với Đ/đốc Gaylor. Cô điện thoại đến tư thất viên tướng chỉ huy cao cấp nhứt của Quân lực Mỹ ở TBD. Tùy viên cho biết ông đang ngủ vì mệt mõi sau gần 18 giờ làm việc liên tục. MD xin được nói chuyện với phu nhân đô đốc. Sau khi lắng nghe, bà nói “Tôi phải đánh thức, ổng không thể ngủ trước một sự việc như thế này?’ Mỹ Dung tường thuật cho ông nội dung cuộc điện đàm giữa cô với ông Sagan ở Paris. Hôm sau, một viên chức dân sự mà MD tin là người của CIA đến tiếp xúc với cô. Cuộc giao tiếp giữa cô và CIA bắt đầu từ khởi điểm này. Hai tuần sau, mẹ và hai em MD, là những người VN di tản đầu tiên đến đảo Guam.
       Cuối tháng 7/1975, Đại sứ ĐQM hướng dẫn phái đoàn MTGPMN từ Moscow đến Nhựt tham dự hội nghị của tổ chức các lực lượng chống bom nguyên tử. Được tin này, MD cùng con đến Tokyo để gặp lại thân phụ sau 21 năm xa cách. Cuộc tái ngộ diễn ra trong nước mắt lẫn đắng cay. Ông Minh ôm con vào lòng, nước mắt dàn dụa “Con gái yêu của ba. Ba không có lời nào để nói hết nổi thương nhớ dành cho má con và các con”. Sau đó, nói đến cái chết của đứa con trai út Hải Vân, ông không dằn được sự tức tối: “Người ta nói với ba, nó bị Mỹ giết và chính những người đó đã lừa má con rời Sàigòn trước khi ba trở về. Ba không muốn nhắc đến Hải Vân nữa”. Song MD tìm cách giải tỏa định kiến của ông: “Liệu ba có tin vào sự thật hay chỉ muốn nghe những lời bịa đặt dối trá. Em con không bị ai giết cả, nó là phi công trong không lực VNCH, chết vì tai nạn trong khi huấn luyện. Ba nên tìm hiểu cái chết của em con từ chúng con, chớ không phải từ sự nói dối của chánh quyền cộng sản của ba”.
       MD vuốt ve tự ái của ông “Con rất hãnh diện vì ba là một người Việt Minh, bị tù đày cũng vì lý tưởng VM, nhưng con không chấp nhận sự hiện diện của chánh quyền Hà Nội ở MN”. Ông tiếp lời “Rồi con sẽ còn tự hào về ba, tin tưởng ba sẽ làm hết sức mình vì đồng bào MN. Chúng ta không phải là người chiến thắng duy nhứt. Người Mỹ cũng thắng cuộc chiến này”. MD không hiểu thân phụ mình hàm ý gì nên cãi lại: “Chỉ một ít những tên hoạt động phản chiến, chớ không phải tất cả người Mỹ. Chúng con không vui vì đã mất MN”. MD phân trần “Không ai dám nói thẳng như thế với một đại sứ của MTGP nhưng con may mắn là con của ba, con lợi dụng lợi thế đó để tâm tình với ba”. Ông đồng ý vì mẹ con nó đã đồng lao cộng khổ với ông trong 9 năm kháng chiến, họ đã hấp thụ được ở ông lòng yêu nước. Nhưng giờ đây lòng yêu nước không còn giống nhau, song họ vẫn thương yêu và tôn trọng chí hướng của nhau.
Vì tình máu mũ, MD hỏi “Anh con giờ đây ra sao?” Ông đáp: “Nó không còn ở trong quân đội, nó làm việc ở đài truyền hình. Sau khi về Hà Nội, ba và anh con sẽ trở về quê hương”. Nghe nói “trở về quê hương” MD xót xa, cảm thấy có sự phân cách lớn trong tình cảm gia đình. Giờ đây lá cờ đỏ của CS đang tung bay tại Sàigòn. Đó là quê hương của ba cô, chớ nơi đó không còn là quê hương của mình nữa. Ông Minh nói tiếp “Khôi nhớ thương con. Con phải về thăm gia đình”. MD dứt khoát “Không, thưa ba. Con không thể tìm nguồn vui riêng khi đồng bào MN bị chánh quyền Hà Nội đối xử tàn tệ”. Ông đè nén tự ái để bày tỏ ước vọng với con“Ba muốn má con về sống với ba”. MD trả lời “Má con cũng không mong gì hơn là được sống bên ba”. “Vậy con ráng đưa má con sang Paris để gặp ba.
       Trở về Hà Nội, ông ĐQM xin Tổng Bí thư Lê Duẩn cho phép ông được sang Paris công tác để thuyết phục vợ con trở về VN. Lê Duẩn lớn hơn ông Minh một tuổi, cả hai đều ở tù Côn Đảo từ 1940 đến 1945, sau đó tham gia kháng chiến chống Pháp đến 1954. Năm 1960 ông Duẩn trở thành Bí thư Thứ nhứt Đảng Lao động VN, còn ông Minh được cử làm Đ/sứ MTGPMN ở Moscow. Về phần Mỹ Dung, theo hướng dẫn của cha, cô liên lạc với Phan Thanh Nam (PTN) -quyền Đại sứ Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa MNVN ở Paris can thiệp với Bộ Ngoại giao Pháp cấp visa cho mẹ cô. Bà đã đến Paris kịp lúc với chồng vào tháng Chín 1976. Sau 22 năm xa cách, ông bà được hội ngộ ở tuổi cuối đời, MD mong muốn ba má được thoải mái trong không khí gia đình. Nhưng ông luôn bị nhân viên Sứ quán CS ở Paris bám sát. MD khéo léo gợi ý ông về hưu, ba mẹ hủ hỉ bên nhau trong tuổi về già tại một nước nào đó không phải VN cũng không phải HK, con cháu cũng tiện tới lui chăm sóc khi ông bà già yếu.
       Ông phản đối ý kiến của con, cho đó là thái độ vô cùng ích kỷ. Ông phải trở về nước, hoàn thành nhiệm vụ giúp MN tái thiết, để phát triển vững mạnh trong một thời gian năm bảy năm, trước khi thống nhất với MB. Trong khi ông lạc quan ở Paris, thì số cán bộ MTGPMN sau chiến thắng 30/4/1975 đã thấy rõ thân phận của mình, như câu nói của người xưa “Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh” (Thỏ chết thì chó săn bị làm thịt) nên họ âm thầm tổ chức một bửa tiệc đơn sơ để tuyên bố giải tán MTGPMN, rồi ngậm ngùi chia tay. Đảng và chính quyền CS không thèm cử đại diện đến tham dự. Giờ đây họ chỉ xử dụng những phần tử nào tiếp tục con đường “chống Mỹ cứu nước” như PTN ở Paris.
       Vụ án gián điệp Dragon Magic (Con Rồng kỳ diệu): MD được CS đón tiếp niềm nở. Nhờ đó cô có dịp đặt chân vào trụ sở MTGPMN và văn phòng bà Nguyễn Thị Bình trong thời gian diễn ra cuộc đàm phán Paris. MD đã tiếp xúc với Đại sứ Hà Nội Võ Văn Sung và phát hiện một số cán bộ CS nằm vùng ở Paris. Những ghi nhận về nhân sự và hoạt động của CSVN tại Paris đều được MD báo cáo cho CIA. Trong khi đó, PTN và các đồng chí ra sức “động viên” MD thuyết phục bà mẹ trở về nước. Y tuyên dương hành động trở về của bà là một chiến thắng lớn của CSVN, là cái tát vào mặt TT Gerald Ford và Chính phủ Mỹ đã cho CIA bắt cóc bà đem về Mỹ.
       Sau lần cha mẹ gặp nhau ở Paris, Mỹ Dung vẫn trì chí tìm mọi cách để ông bà và anh em đoàn tụ. Cô giữ mối liên lạc với những người CS bạn của ba cô ở Paris, ông có uy tín lớn đối với họ. CS tin tưởng MD với tình thương cha sâu đậm, cô sẽ giúp họ thu thập những tin tức kỹ thuật và tình báo từ chồng cô. Lần hồi qua sự giao tiếp, cô được Đ/sứ Võ Văn Sung giới thiệu với Chủ tịch hội Việt Kiều yêu nước ở Mỹ và Đinh Bá Thi, đại sứ CSVN ở LHQ. Qua PTN cô gặp Trương Đình Hùng và một số cơ sở CS hoạt động ở Hoa Thạnh Đốn. Hùng nhờ cô chuyển một số tài liệu mật do Ronald Humphrey (một viên chức cao cấp của bộ Ngoại giao HK được phép đọc tài liệu mật) lấy trộm từ bộ Ngoại giao. MD trao những tài liệu mật này cho CIA để tráo thành tài liệu giả chuyển đến Tòa Đại sứ Hà Nội ở Paris. Humphrey có vợ là cháu của một nữ cán bộ CSVN, ông liều lĩnh hành động để Hà Nội sớm cấp giấy xuất cảnh cho vợ con.
       Để lấy lòng MD, PTN giúp cô gởi quà về cha và anh cô ở Sàigòn. Cô nhét dấu đô la trong quà để giúp anh cô có tiền để vượt biên. Việc này được sự tán đồng của CIA, họ cũng muốn đón tiếp Khôi vào HK, vã lại cô còn giúp họ thu thập những tin tức về các hoạt động của Hà Nội ở Pháp và Mỹ. Tuy nhiên việc chuyển những tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Mỹ cho CS liên quan đến gián điệp, đây là công tác quá nguy hiểm. Các viên chức FBI luôn cảm thấy bức rứt khi thấy MD đi xa vào một điệp vụ rất nguy hiểm mà cô phải thường xuyên đối đầu. Còn Bộ Tư pháp nhận thấy việc làm của Ronald Humphrey gây tác hại lớn cho nước Mỹ, ông ta đã thâm nhập rộng rãi vào các thông tin đầy nguy cơ đối với nền an ninh quốc gia..
       Đối với FBI và Bộ Tư pháp, điệp vụ của MD lớn đến mức phải chấm dứt ngay một cách tuyệt đối. CIA phản đối mãnh liệt, họ không muốn việc làm của họ bị tiết lộ và MD sẽ không còn cơ hội cung cấp cho họ những tin tức quý giá của CS. Cuối cùng thẩm phán Bill phải đích thân giải quyết, ông nhận thấy tầm quan trọng của vụ án này và tìm mọi cách để truy tố kẻ phạm pháp ra tòa. Đó là vụ án gián điệp Dragon Magic. Giờ đây, MD phải đối đầu với một tình thế vô cùng nguy hiểm cho bản thân và gia đình, nếu cô ra tòa làm nhân chứng. Tuy nhiên, cô sẳn sàng với điều kiện là chính phủ Mỹ phải bảo đảm cho cha và anh cô được vào nước Mỹ, sau đó mới xúc tiến việc bắt giữ và truy tố Humphrey và Trương Đình Hùng. Yêu cầu của cô được Bộ Tư pháp chấp thuận. Sau đó, MD nhờ Đ/s Đinh Bá Thi chuyển thơ của cô đến Lê Duẩn cho biết mẹ cô không còn sống bao lâu nữa vì chứng bệnh nan y. Ước nguyện của bà là được gặp chồng lần cuối và đứa con trai thân yêu đã xa lìa bà trong suốt 23 năm dài.
       Mười ngày trước lễ Giáng sinh 1977, ông ĐQM được phép đến Luân Đôn gặp vợ. Trong hai tuần ở Anh, ban ngày ông sống với vợ con, ban đêm ông phải về trụ sở đảng của ông. MD và em gái lợi dụng mọi cơ hội, trong thân tình phụ tử mong muốn ông về hưu, đoàn tụ với gia đình với lý lẽ: Ba đã cống hiến gần hết cuộc đời cho dân tộc. Nay đất nước đã hòa bình, ba 68 tuổi rồi, chúng con muốn ba về sống với má và chúng con. Ông thối thoát: ba đã chiến đấu 46 năm cho đất nước, giờ đây đất nước vẫn còn cần ba góp sức xây dựng, tái thiết MN trong một thời gian dài, để còn thống nhất đất nước. Ba không thể bỏ cuộc, đào thoát sống ở nước ngoài. MD trả lời con đâu có muốn ba đào thoát, chúng con chỉ muốn ba về hưu, chọn một nước trung lập nào ba thích, dành quảng đời ngắn ngủi còn lại để má và chúng con được cận kề bên ba. Đó là lẽ công bằng. Ông dứt khoát: ba là người VN, sanh ra ở VN và sẽ chết ở VN. Ba được đến đây gặp má và chúng con là vì đảng và nhà nước tin tưởng ba. Nay ba ở lại, ba sẽ mất hết uy tín, các con thương ba, chắc các con không để ba mất danh dự. Ý định bắt cóc ông ĐQM, đưa ông bà về Mỹ của MD không thực hiện được. Việc này chỉ làm ông đau khổ thêm ở tuổi già, ông sẽ tự tử.
       Theo dõi cuộc đối thoại, mẹ MD thấy ai cũng có lý. Bà khuyên con đừng lên án CS để hành hạ ba con, vì ông là người CS. Ba đã nói với má, dù sống xa các con, song lúc nào ông cũng vẽ ra trong đầu hình ảnh đẹp về các con. Nay ông đã thấy các con hạnh phúc. Hảy để ba con được vui trọn vẹn trong những ngày đoàn tụ này. Đừng nói đến chánh trị nữa. Má con mình đã thương yêu, thì phải thương yêu cho trót, để ông làm hết bổn phận đối với đồng bào. Nghe lời mẹ, MD xin cha tha lỗi vì những ý nghĩ nông cạn của mình. Ông trả lời “ba luôn tha thứ, nhưng các con đừng bao giờ nhắc đến những ý nghĩ đó trước mặt má con, chỉ làm má con buồn”.
       Ngày về nước, ông ôm bà từ giả, rồi lầm lủi bước thẳng ra xe, không can đảm quay lại nhìn người vợ thân yêu lần cuối. Sau đó Bộ Tư pháp HK tiến hành thủ tục bắt giữ và truy tố Ronald Humphrey và Trương Đình Hùng về tội gián điệp. Vụ án được tòa xét xử từ đầu tháng Năm 1978, MD tuyên thệ làm nhân chứng chính của chính phủ HK. Quyển A Thousand Tears Falling kết thúc tại đây.
       Câu chuyện trong sách của bà Krall tức MD là sự thật, nhưng bản thảo không được CIA giải mật để sách được phát hành. Họ chỉ cho phổ biến những thông tin nào giúp làm sáng tỏ vụ án, song không phương hại đến nền an ninh quốc gia. Nổ lực đấu tranh để bản thảo được giải mật kéo dài quá lâu, người ta phải viện dẫn cả Tu Chính Án số 1 trong Hiến pháp HK về tự do ngôn luận. Vì thế 15 năm sau, sách A Thousand Tears Falling mới được xuất bản (1995). Còn ấn bản Việt ngữ Ngàn Giọt Lệ Rơi mãi đến 2010, nhân kỷ niệm lần thứ 35 ngày Quốc hận 30/4, mới chánh thức ra mắt đồng hương chúng ta. Đoạn cuối cuộc đời thân sinh của tác giả không được đề cập đến, kể từ buổi chia tay lần cuối với người cha mà cô hết mực kính yêu. Những tin tức sau này cho biết anh tác giả đã vượt biên tìm tự do năm 1986 và đã chết ở Mỹ năm 2006. Mẹ của tác giả cũng đã qua đời. Thân phụ MD chết vì chứng đột quỵ năm 1986. Ông Lê Duẩn cũng chết năm này. Đây là thời điểm CSVN chủ trương đổi mới để sống còn.
       Đoạn kết cuộc đời song thân của MD cũng đau thương như thảm cảnh chung của dân tộc. Tác giả NGLR không muốn khơi lại nổi đau của gia đình. Nhưng câu chuyện trong NGLR là một phần của lịch sử dân tộc. Vì đất nước ngày mai, người viết ghi lại một vài sự thật của MN với những tâm tình mà ông ĐQM chia sẻ với vợ con…Để nói lên sự đau đớn cuối đời của một người vì yêu nước đã hy sinh cả cuộc đời vì lý tưởng CS.
       Những trăn trở của người CS chiến thắng: Sau 45 năm đi làm cách mạng, ông ĐQM đã chiến thắng, giải phóng đồng bào MN khỏi trại trập trung khổng lồ của Mỹ Ngụy. Nhưng những người thân yêu nhứt đã rời bỏ quê hương, di tản sang Mỹ. Ngày trở về MN ông đã thấy xót xa, vợ con mình đã không còn tin ở mình thì làm sao đồng bào có thể đặt tin tưởng ở mình nữa.
       Vì lòng yêu nước ông đã chiến đấu chống thực dân Pháp. Nhưng trong cuộc chiến chống Mỹ, đồng bào MN lại được Mỹ bảo vệ để có cuộc sống phồn vinh, điển hình là ngôi nhà khang trang của vợ ông ở Sàigòn. Các con gái ông có chồng Mỹ, chồng MD hết lòng thương yêu vợ nên đã liều lĩnh về Sàigòn cứu mẹ vợ, và đã sắp xếp để ông có dịp gặp lại vợ con. Nhờ đó họ có dịp nói với ông một sự thực: MN đang sống trong tự do thanh bình, CS lại gây ra cuộc chiến đẫm máu. Ngày CSBV tiến vào MN, đồng bào từ Bến Hải trở vào lũ lượt bỏ nhà, tìm mọi cách chạy trốn CS trong hỗn loạn. Sau 30/4/1975 đồng bào phải mạo hiểm vượt biển bằng thuyền con để lánh nạn CS.
       Ông Minh bắt đầu ngờ vực về đảng CS của ông. Từ giả vợ con, ông về nước với ý nguyện tái thiết và phát triển MN vững mạnh trong một thời gian dài trước khi tái thống nhứt đất nước. Đó chỉ là ước vọng mà thôi. CS xâm lược MN, bần cùng hóa nhân dân và trả thù mà thôi. Hậu quả là MN lâm vào cảnh cùng khổ, lần đầu tiên trong lịch sử, đồng bào trong Nam bị đói, phải ăn độn bằng khoai bắp, bo bo. Mọi nhu yếu phẩm đều khan hiếm trầm trọng. Người dân MN bị áp đặt một chế độ độc tài chuyên chính còn tàn bạo hơn thời thực dân Pháp. Cả triệu người bị đưa vào các trại tù cải tạo chỉ vì tội bảo vệ tự do, kinh doanh làm giàu cho đất nước. Vợ ông Minh đã ra đi trước và cương quyết không nghe lời ông về nước. Nếu bà ở lại chờ ông về hoặc nghe lời ông hồi hương, thì giờ đây ông càng khổ tâm nhiều, làm sao có thể cứu được bà, một người đã phản bội cách mạng, phản bội chồng, cho các con lấy chồng Mỹ.
       Đối với MN, ông bất lực không thực hiện được ước mơ cuối đời của mình. Đối với người vợ tào khang tấm mẳn, đã sát cánh bên ông trong những ngày kháng chiến chống Pháp gian khổ, rồi tần tảo nuôi con để ông đi làm cách mạng suốt cả đời. Bà chỉ xin ông một việc nhỏ: “Giúp con, thằng Khôi gặp lại tôi”. Ông cũng không làm được. Đứa con trai lớn đã sống bên ông từ lúc sơ sanh đến tuổi 50, từng du học ở Trung Cộng và Liên Xô, cuối cùng cũng đến chào từ biệt ông, lên đường vượt biên tìm tự do, để gặp lại mẹ và các em. Tại quê hương chỉ còn nấm mộ của đứa con trai út mà ông thường lui tới thăm viếng tại nghĩa trang Biên Hòa. Đồng bào MN còn tri ơn nó đã hy sinh vì tổ quốc, vì dân chủ tự do cho đồng bào; chớ có mấy ai nhớ đến một người CS như ông!
       Nhớ lại ngày Lễ Giáng sinh 1977 ở Luân Đôn, ông kể cho các con nghe về quảng đời thanh xuân: Năm 16 tuổi, ba coi việc bảo vệ tổ quốc là một vinh dự lớn của thanh niên, nên đã tham gia cách mạng. Năm 26 tuổi ba gặp người con gái tâm đầu ý hợp là má con. Ông bà nội ngoại đều tán đồng, cho phép ba cưới má con. Từ đó đến nay, má con suốt đời chung thủy, hết lòng chăm lo cho các con, đúng như ý ba mong muốn.
       Có thể nói, trong việc lập gia đình ông ĐQM có sự lựa chọn đúng. Nhưng trong việc phục vụ dân tộc, ông đã chọn lý tưởng sai. Cha mẹ vợ của ông là những người yêu nước không có khuynh hướng CS. Vì thương con rể, ông bà không tán đồng cũng không phản đối chí hướng của con. Sự mâu thuẫn này kéo dài qua ba thế hệ. Con gái và các cháu ngoại của ông bà không ưa CS nhưng lại hết lòng thương yêu chồng và cha của họ là CS. Hậu quả đắng cay là gia đình ly tán.
       Ông ĐQM là người yêu nước tham gia đảng CS. Và khi CS chiến thắng, ông đem sự đau thương về cho vợ con nói riêng và đồng bào đất nước nói chung. Ông trở về trong trăn trở, lỡ khóc lỡ cười, “Mình là cộng sản hay là nạn nhân của cộng sản?” làm sao đồng bào hiểu được! Ông chỉ còn trông cậy vào con, có thể giúp ông giải bày nổi lòng. MD nói với Chủ nhiệm báo Việt Luận Úc Châu “Lần cuối cùng gặp ba tôi ở Luân Đôn, tôi có cho ba tôi biết là mấy chục năm nay tôi viết nhựt ký. Ba tôi có vẽ ưu tư rồi khuyên tôi nên viết thành sách cho con cháu trong gia đình biết về tổ tiên ông bà của chúng nó. Tôi nhớ hoài câu nói ngắn ngủi nhưng thành thật vô cùng của một đảng viên CS “Con viết dùm cho ba, hoàn cảnh chưa cho phép những người như ba viết hồi ký, chỉ có chánh phủ mới được viết hồi ký thôi con à”.
       Quyển Ngàn Giọt Lệ Rơi đã ra mắt độc giả, MD đã “viết dùm” cho thân phụ, để bên kia thế giới ông nhẹ đi phần nào mặc cảm, và giúp những người CS còn sống thức tỉnh, hầu góp phần không muộn vào công cuộc phục vụ quê hương. Cuộc đời của những thành phần yêu nước bị CS lợi dụng, lừa dối là một bài học hữu ích, phải được truyền giảng sâu rộng.
 
       NGLR chuyên chở những ý nghĩa gì?
 
       Tại sao những người như ông ĐQM không được viết hồi ký mà chỉ có chánh phủ mới được viết? Điều này chứng tỏ ở VN không có tự do ngôn luận. Những người CS yêu nước mà không được viết, thì những người không CS làm sao có thể bày tỏ nguyện vọng của mình để xây dựng đất nước! Những người yêu nước viết hồi ký, họ sẽ nói sự thật, vì mục tiêu đấu tranh của họ trong sáng: vì quyền lợi tối thượng của dân tộc VN. Trong khi các lãnh tụ CSVN phục vụ Nga Tàu thì làm sao họ dám nói sự thật phủ phàng đó, nên phải gian dối và lừa gạt để khỏi mang tiếng phản bội dân tộc.
       MD phát hành quyển NGLR đúng vào ngày Mother Day, có lẽ để tưởng nhớ người mẹ. Bà là mẫu người phụ nữ Việt Nam điển hình với các đức tính truyền thống “tam Tòng tứ Đức”. Lúc trẻ bà sống với song thân được giáo dục tốt, nên bà đã dạy các con biết cách cư xử ở đời sao cho phải đạo làm người. Khi “xuất giá tòng phu”, từ 18 tuổi đến gần 40 tuổi, bà luôn ở bên chồng đang chiến đấu chống thực dân Pháp. Năm 1954, chồng tập kết ra Bắc, bà thay chồng nuôi dạy các con. Đến khi CS chiến thắng trong đó có chồng bà, bà quyết định theo con. Đó có phải vì “phu tử, tòng tử” chồng đã chết nên phải theo con?
       Chồng bà yêu nước nên chống thực dân đế quốc, để nước nhà được độc lập tự chủ, chớ không phải chống Pháp Mỹ để mang vào đất nước chế độ độc tài tàn bạo phi nhân của CS Nga Tàu. Vì vậy, bà coi như chồng đã chết từ thời điểm này. Sau đó hai lần gặp lại chồng, bà đối xử với ông cho trọn đạo nghĩa phu thê…Nhưng dứt khoát không trở về với chồng mà trong tâm tư bà coi như đã chết. Dù ông có quyền cao chức trọng, bà cũng coi mình đã trở thành góa phụ từ khi MN lọt vào tay CS. Bà là biểu tượng của người Việt Tự do ở hải ngoại, không bao giờ chấp nhận hòa giải với những người CS phản bội dân tộc.
       Còn tác giả quyển NGLR? Trong lời nói đầu quyển A Thousand Tears Falling, cựu Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ -ông Griffin Boyette Bell đề cao “Yung Krall đúng là một công dân Mỹ vĩ đại. Tình yêu nước Mỹ đã dẫn dắt cô trở thành nhân chứng then chốt trong vụ án gián điệp mang tên Con Rồng Kỳ Diệu (Magic Dragon) mà cô biết chắc chắn sẽ đặt cô và đứa con trai nhỏ của cô trước vô cùng hiểm ngay”.
       Ngoài sự can đảm chấp nhận hiểm nguy, MD còn chấp nhận sự đau lòng của đứa con chí hiếu. Việc đứng ra làm nhân chứng của cô sẽ làm tiêu tan hy vọng của bà mẹ ngày đêm mong được gặp lại trưởng nam của bà. Hành động của MD còn tác hại đến địa vị của người cha ở VN. Ngoài ra cô còn phụ lòng CIA, cơ quan đã đáp lại yêu cầu của cô đưa mẹ và các em rời VN và sau đó tạo điều kiện giúp ba má cô gặp nhau hai lần. CIA sẳn sàng ủng hộ và mong muốn cô khước từ việc làm nhân chứng trước tòa án.
       Vậy động lực nào khiến cô được đề cao là công dân Mỹ vĩ đại, có phải chồng cô là người Mỹ, cô có bổn phận phục vụ nhà chồng? Điều đó chỉ đúng một phần, theo suy nghĩ của người viết, vì cô là một người Mỹ gốc Việt -một người VN ngay thẳng. Sở dĩ cô hành xử như vậy, vì cô là một “người Việt Nam biết điều”. Chấp nhận hiểm nguy, hy sinh tình cảm cá nhân, chỉ với tấm lòng thành muốn được “đền ơn trong muôn một” đất nước HK vì những hy sinh của họ đối với dân tộc VN.
       Bài học của người lãnh đạo CS: Tác giả NGLR không đề cập nhiều đến nhân vật có thể nói là “ly kỳ bí mật” Jean Sagan. Ông đã góp phần đưa câu chuyện riêng tư của một gia đình VN gắn liền với vận mạng dân tộc. Phải nhắc lại bối cảnh thời cuộc lúc bấy giờ để ôn lại lịch sử và vì đất nước ngày mai. Người viết liên tưởng đến buổi điều trần của Đại sứ Martin trước Tiểu ban Điều tra Đặc biệt của Ủy ban Liên hệ Ngoại giao Quốc tế Hạ viện HK ngày 22/1/1976. Một dân biểu đã nhắc lại lời tuyên bố của NT Kissinger ngày 5/5/1975 “cho đến ngày 27/4/1975 HK vẫn còn nhiều hy vọng CSBV sẽ không có ý chiến thắng về quân sự mà họ sẽ thương lượng một giải pháp chính trị với Dương Văn Minh”. Vị dân biểu đã hỏi Đ/s Martin “Sự kiện nào đã khiến HK nghĩ chuyện đó có thể xảy ra?
       Đ/s Martin trả lời: Sở dĩ NT Kissinger tuyên bố như vậy trong cuộc họp báo ngày 29/4/1975 ngay sau khi HK di tản khỏi Sàigòn là vì “HK đã liên lạc với nhiều người trung gian đại diện cho MTGPMN và BV và có được một vị trí để trao đổi quan điểm qua lại”. Đ/s Martin còn tiết lộ ngày 5/5/1975 NT Kissinger “có nói là người Nga đã giúp đỡ chúng ta di tản người Mỹ và Việt, đồng thời họ cũng cho biết có một khả thể nào đó cho sự thay đổi về thương lượng chính trị cho hai bên”. Ông trình bày tiếp, hồi cuối tháng Tư 1975, VNCH đã nhanh chóng đáp ứng những đòi hỏi của CSBV như là điều kiện thương thuyết: TT Thiệu từ chức, TT Hương người kế vị cũng từ chức. Họ chỉ nói chuyện với DVM, đòi hỏi này cũng được thỏa mãn, DVM lên làm tổng thống. Sàigòn thỏa mãn tất cả những đòi hỏi của phía CS. Tuy nhiên như NT Kissinger đã tuyên bố “vì những lý do gì không rõ, CSVN thay đổi ý kiến vào đêm 27/4 và thi hành kế hoạch quân sự của họ”. (Cao Văn Viên, Những ngày cuối của Việt Nam Cộng Hòa (Nguyên tác The Final Collapse, bản dịch của Nguyễn Kỳ Phong) Viet Nam Bibliography xuất bản, 2003, Tr.278-279)
       Qua dẫn chứng trên, người viết có thể suy đoán Sagan là một giới chức ngoại giao Pháp có cảm tình với MTGPMN, với nhân dân VN hoặc đó chính là cán bộ cao cấp của MTGP. Họ tạo ra mối ân tình giữa Đại sứ MTGP tại Moscow với HK, có thể sẽ giúp giải pháp kết thúc chiến tranh của HK thành tựu, qua sự hòa giải giữa hai bên MN theo tinh thần HĐ Paris 1973. Kế hoạch trên đã bất thành trong đêm 27/4/1975 vì chủ trương của Hà Nội là dùng bạo lực quân sự thôn tính MN. Mâu thuẫn cuối cùng trong chiến tranh VN vào hồi kết thúc cuối tháng Tư 1975 không phải giữa VNCH và MTGP mà là giữa MTGP với Hà Nội. Vì thế MTGP không thể tiếp xúc riêng với HK để kết thúc chiến tranh bằng giải pháp DVM. Để MTGP từ bỏ ý định này, Hà Nội sẽ không ngần ngại cầm giữ bà Đại sứ MPGP và cả con rể, để áp lực ông ĐQM. Đó là lý do tại sao ông Sagan yêu cầu MD phải đưa mẹ và em gái rời khỏi VN. Và đó cũng để trả lời thắc mắc trên của NT Henry Kissinger.
       Kế hoạch hòa bình cho VN không tiến hành được, MN lọt vào tay CSBV. Song HK đặc biệt là Đ/đốc Gayler tin tưởng qua tình cảm giữa MD và người cha Đ/sứ MTGP có thể giúp hồi hương những tù binh chưa được CS phóng thích năm 1973 và số phận hơn 2000 quân nhân Mỹ còn mất tích ở VN. Đ/đốc Gayler là giới chức cao cấp nhứt của Mỹ đã tiếp xúc sơ khởi với số tù binh vừa hồi hương, có thể ông được báo cáo còn nhiều tù binh chưa được phóng thích. Cuối 1975, dân biểu Sonny Montgomery tiểu bang Mississippi đến thăm VN. Qua vị dân biểu này Hà Nội cho biết họ không còn giam giữ người Mỹ nào cả. Tuy nhiên HK vẫn hy vọng qua trung gian của MD, giới lãnh đạo Hà Nội có thể thương thảo với HK về việc thiết lập bang giao.
       Năm 1977 khi TT Carter lên cầm quyền, HK tiếp tục phán với Hà Nội việc bình thường hóa bang giao, từ tháng 5/1977 tại Paris. Hà Nội vẫn khăng khăng đòi HK số tiền 3250 triệu đôla mà họ gọi là tiền bồi thường chiến tranh, coi đó là điều kiện tiên quyết trước khi đặt vấn đề thiết lập bang giao. Họ còn tổ chức gián điệp lấy cấp tài liệu mật của Mỹ và khuyến dụ bà ĐQM hồi hương để hạ nhục Mỹ. Trong khi Bắc Kinh sẳn sàng thiết lập bang giao với HK vì lợi ích chung của hai nước. Việc này được tiến hành ngay sau khi Hà Nội phát động chiến dịch đánh tư sản, cải tạo công thương nghiệp, đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của hàng triệu người Việt gốc Hoa. BK coi hành động trên như cái tát đập vào mặt họ khi CSVN bày tỏ thái độ thù nghịch với TC, thành lập nước Cộng hòa XHCN/VN theo đúng khuôn mẫu LX. Tháng Chín 1978, Hà Nội ký Hiệp ước Hợp tác hữu nghị với LX. Đầu năm 1979, TC chánh thức thiết lập bang giao với HK, và hơn một tháng sau họ đưa quân vượt biên giới tấn công CSVN.
       Ba thập niên sau, tháng 4/2010, ông Nguyễn Dy Niên cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hà Nội (2000-2006) bày tỏ sự luyến tiếc về việc đảng CSVN đã “thực hiện những chính sách mà đáng lẽ nếu tỉnh táo hơn, thì bây giờ VN đã mạnh lắm và cường thịnh lắm”. Ông nhận xét “Thời gian sau 30/4/1975 là cơ hội cực kỳ tốt mà chúng ta chậm khai thác. Mỹ muốn bình thường hóa quan hệ với ta. Nhưng rất tiếc là chúng ta còn dè dặt –cũng một phần do ràng buộc của lý luận- nên đã bỏ lỡ, không tận dụng được cơ hội ấy. Từ 1976 ta bắt đầu đàm phán với Mỹ, mình đưa ra cả một cục xương thì làm sao họ nuốt nổi, đó là bồi thường chiến tranh”. Đó là việc đối ngoại, ông Niên còn nêu lỗi lầm khác nữa là “thay vì khoan dung và khéo léo trong đối nội, chúng ta lại có chính sách như cải tạo công thương nghiệp. Những chính sách ấy từ khi áp dụng ở MB đã thấy trục trặc rồi, vậy mà vẫn tiếp tục thực hiện ở MN”. (www.nguyendynien/thoisu-dcpt)
       Nghe cựu bộ trưởng Ngoại giao CSVN nói đến sự “ràng buộc của lý luận” và sự “tỉnh táo” khiến người viết nhớ buổi phỏng vấn của cô Ánh Nguyệt, đài RFI với một nhân chứng lịch sử lão thành là Giáo sư Vũ Quốc Thúc về quyển sách của ông vừa được xuất bản Thời Đại Của Tôi. G/sư Thúc nói rằng, những ai giữ mãi một ý kiến, không biết thích nghi trong việc ứng xử trước những hoàn cảnh đã thay đổi, thì chỉ có người điên mà thôi, nhẹ nhất là cố chấp, nặng hơn là cuồng tín.
       Lý luận của những người CS, trước cũng như nay, không bao giờ thay đổi, thì làm sao họ có thể tỉnh táo được, dù Milovan Djilas - lãnh tụ CS nổi tiếng của Nam Tư đã thức tỉnh, từng cảnh cáo “Cộng sản là một thế lực suy tàn. Có người còn nói đó là một xác chết, nhưng là một xác chết có thể lôi ta cùng xuống mồ với nó”.
Lê Quế Lâm

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

 
Phương pháp trị vọp bẻ cấp tốc rất hiệu nghiệm
Vọp bẻ (còn gọi là bị chuột rút - Muscle Cramps) là do các sớ thịt li it trong cơ bắp (thường là bắp chân dưới hay còn gọi là bắp chuối) đan thắt lại với nhau mà không thư giãn trở lại trạng thái bình thường, nên cơ bắp bị phồng co cứng, rất đau, nhất là trong khi ngủ.
Chứng vọp bẻ thường xảy ra ở người thiếu kali, thiếu nước hay bị nhiểm lạnh v.v...
Nếu bạn đang đi bỗng nhiên bị vọp bẻ bạn chỉ cần bước lùi (đi ngược) vài bước thì sẽ hết ngay.
Nếu bạn đang ngồi, không cần đứng dậy để đi lùi, bạn chỉ cần đặt chân chạm đất rồi nhẹ nhàng nhất chân di chuyển lui về sau vài ba bước (nếu vậy bạn từ từ duỗi chân Ra trước xa xa để có khoảng cách phía sau gót mà dời chân lui được nhiều bước hơn)
Nếu bạn đang nằm ngủ, bạn trở mình nằm ngữa, sau đó co chân lên và cũng dời gót chân lui vài bước hướng về mông (bạn co chân thế nào để có một khoảng cách khá xa giữa gót chân và mông mà khi bạn dời chân sẽ được nhiều bước hơn)
Nếu bạn đang bơi, thì cũng vậy, cố gắng làm Sao bước lui trong nước vài bước thì vọp bẻ sẽ hết.
Chúc bạn luôn an lạc và gặp nhiều may mắn trong đời sống.

 Tổng hợp những kiến thức về VỌP BẺ (chuột rút)
Chứng “vọp bẻ”, bắp thịt co thắt dữ dội hay “muscle cramp”, xảy ra bất ngờ như thể bị điện giựt, bặp thịt như bị xoắn lại và cơn đau kéo dài dai dẳng. Khi cơn vọp bẻ xuất hiện, người đang bơi không thể quẫy đạp và có thể chết chìm, người đang đạp xe ngưng chân và té ngã; người đang chạy khuỵu xuống đường lộ vì bắp thịt đau dữ dội.


Sự co thắt quá mức của bắp thịt gây đau đớn, mức đau đớn mà không lực sĩ nào muốn tự tạo bằng cách vận động. Hầu như lực sĩ nào cũng trải qua những cơn vọp bẻ: 39% những lực sĩ chạy việt dã,79% những lực sĩ điền kinh và 60% những tay đua xe đạp bị vọp bẻ.

Vọp bẻ có thể xảy ra trong lúc đang tập luyện, ngay sau khi tập luyện, hoặc cả 6 tiếng sau khi tập luyện… Dù có khá nhiều phương cách “chữa trị” theo các huấn luyện viên thể dục như dùng sinh tố, dùng zinc và magnesium, thoa bóp bắp thịt, uống nhiều nước, uống đủ loại nước chứa các chất mang điện cực (electrolyte) như sodium và potassium. Duỗi (stretch) các bắp thịt trước khi tập luyện, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng… Theo Tiến Sĩ Andrew Marks, một chuyên gia khảo cứu về sinh hóa bắp thịt và Khoa Trưởng khoa Sinh Lý Học, trường Y khoa tại Đại Học Columbia, chứng vọp bẻ thông thường như thế nhưng vẫn là một sự bí mật mà ta chưa hiểu tường tận để chữa trị một cách hiệu quả.

Một số bệnh tật đưa đến vọp bẻ như chứng nghẽn động mạch, thần kinh bị đè ép như chứng “spinal stenosis”, chứng nhiễu tuyến thyroid, không đủ nội tiết tố thyroid (hypothyroidisnm), hoặc thấp potaasium vì dùng thuốc lợi tiểu. Những chứng bệnh này dù có thể gây vọp bẻ nhưng không giải thích được nguyên nhân của vọp bẻ tại những người khỏe mạnh.


Hiện tại, ta có 3 giả thuyết về cách chữa và ngăn ngừa vọp bẻ:

1. Thuyết “thiếu nước”: uống đủ nước là hết vọp bẻ. Tuy nhiên gia thuyết này không vững vì Bác Sĩ Martin P. Schwellnus, giáo sư về Y học Thể Thao (Sport Medicine), đã chứng minh rằng không có sự khác biệt về lượng nước trong cơ thể những người bị vọp bẻ trước và sau khi chạy đua, và so với những người không bị vọp vẻ, cả hai nhóm đều có đủ nước trong cơ thể.

2. Thuyết thiếu chất mang điện cực (electrolyte) trong máu: ta chỉ cần có đủ sodium và potassium. Theo Tiến Sĩ Michael F. Bergeron, Medical College of Georgia, thuyết này chỉ đúng một phần, với một số người bị chứng vã mồ hôi. Khi vận động, nhóm người này tháo mồ hôi, chất sodium và potassium (theo mồ hôi ra khỏi cơ thể) ở một lượng thấp nên thần kinh trở nên “mẫn cảm” (hypersentivive). Khởi đầu bằng vài co giật ( twitch) nhỏ, khoảng 20-30 phút, nếu lực sĩ không ngừng vận động, bắp thịt sẽ co giật dữ dội và khi sờ nắn, ta sẽ “thấy” được một bắp thị xoắn chặt co cứng và người bị vọp bẻ đau đớn đến tháo mồ hôi. Sự co thắt bắp thịt này sẽ lan truyền đến nhiều nơi trong cơ thể, kể cả ngón tay và mặt.

Ông Bergeron nói rằng nhóm người này cần uống nhiều nước chứa sodium và potassium như Gartoradelà có thể ngăn ngừa những cơn vọp bẻ.

Còn những người không bị vã mồ hôi thì sao? Ông Bergeron không có câu trả lời. Trong khi đó, các thử nghiệm khác cho thấy không có sự khác biệt nào về electrolyte giữa những nhóm người vận động bị vọp bẻ và không bị vọp bẻ. Nói một cách khác, giả thuyết electrolyte của Tiến Sĩ Bergeron đã được chứng minh là sai lầm.

3. Thuyết “mất quân bình” của thần kinh: Theo Tiến Sĩ Schwellnus, khi sự mất quân bình giữa các tín hiệu từ thần kinh kích thích và ức chế việc co thắt bắp thịt xảy ra, thì bắp thịt rơi vào trạng thái vọp bẻ. Sự mất quân bình này xảy ra khia các bắp thịt mệt mỏi. Ông này khuyến khích các lực sĩ đừng vẫn động quá mức, ăn uống đủ một lượng tinh bột, và thường xuyên kéo giãn các bắp thịt hay bị vọp bẻ. Đây là một giả thuyết chưa được chứng minh.

Một số các huấn luyện viên thể dục khác theo những phương cách riêng để "chữa" vọp bẻ, như thoa bóp các bắp thịt thường xuyên, ngâm thân thể hay bắp thịt trong nước ấm …

Tóm lại, ta có một số giả thuyết về vọp bẻ, nhưng cho đến nay nguyên nhân gây vọp bẻ vẫn chưa được chứng minh tường tận; trong khi đó ta có những giải pháp giúp giảm bớt những cơn vọp bẻ theo kinh nghiệm cá nhân của những lực sĩ và các huấn luyện viên.

Nói chung, theo Y học thường thức, vọp bẻ hay sự co thắt bắp thịt bất ngờ (musle cramp) khác với sự co giật (musle twitch) không kiểm soát của bắp thịt. Vọp bẻ xảy ra trong nhiều trường hợp:

- Bắp thịt mỏi (mệt)
- Sau những lần vận động quá mức
- Cơ thể mất nước (dehydration)
- Trong khi thai nghen
- Nhiễu tuyến thyroid (hypothyroidism)
- Lượng magnesium hoặc calcium trong cơ thể xuống thấp
- Nhiễu biến hóa (metabolic problem)
- Chứng nghiện rượu
- Suy thận
- Dược phẩm kể cả thảo mộc và thức ăn phụ (nutrition supplement)

Ta có thể làm gì khi bị vọp bẻ? Kéo giãn bắp thịt bị vọp bẻ một cách chậm rãi sẽ làm giảm cơn đau.

Đi khám bệnh nếu bị vọp bẻ thường xuyên và không bớt đau với những cử động kéo giãn bắp thịt.

Khi đi khám bệnh, sau khi khám nghiệm, để chẩn đoán bác sĩ có thể sẽ hỏi những câu như sau:

- Cơn vọp bẻ bắt đầu từ khi nào?
- Cơn đau kéo dài bao nhiêu lâu?
- Cơn vọp bẻ có thường xuyên không? Hàng ngày? Hàng tuần?
- Bắp thịt nào bị vọp bẻ thường xuyên nhất?
- Bà / Cô có thai không?
- Có bị ói mửa tiêu chảy, vã mồ hôi … hoặc những lý do đưa đến việc mất nước trong cơ thể?
- Đang dùng các thứ thuốc men, dược thảo nào?
- Có vận động quá mức không?
- Có uống rượu quá mức không?

Bác sĩ có thể sẽ dùng một số thử nghiệm sau để chẩn bệnh:

- Thử máu để đo lượng calcium, potassium, magnesium
- Đo lượng nội tiết tố thyroid
- Đo lường mức hoạt động của thận qua lượng BUN và creatinine
- Thử thai nghén
- Dùng cơ động đồ (electromyography)

Dùng một trong những món thuốc giảm đau loại nhẹ (analgesic) như acetaminophen (hay paracetamol, Tylenol) để giảm cơn đau trong khi bị vọp bẻ.

(Theo sưu tầm)

Bạn đã đọc những bài này chưa:

NHƯ DÒNG THÁC CHẢY RA BIỂN ...

 
NHƯ DÒNG THÁC CHẢY RA BIỂN ...

Hạnh Phúc Đối Diện Tử Sanh

Tác giả Matthieu Ricard
(Plaidoyer pour le Bonheur)
Nguyễn Thượng Chánh chuyển ngữ

Chết tuy xa mà gần. Xa, vì chúng ta nghĩ rằng nó chỉ đến sau nầy mà thôi; gần vì nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Chết là điều cầm chắc, nhưng lúc nào là điều không ai có thể tiên liệu trước được.
Khi giờ ra đi đã đến rồi thì không một lời lẽ nào có thể thuyết phục bắt nó phải chờ được, không một quyền lực nào đẩy lùi được nó, không có tiền của nào mua chuộc được, cũng như không có một sắc đẹp nào có thể quến nó được hết.
Như dòng thác chảy ra biển cả,
Như vầng nhật nguyệt khuất dần sau rặng núi hướng Tây,
Ngày cũng như dêm, thời gian và khoảnh khắc đều trốn đi,
Kiếp phù sinh dần dần trôi qua không tiếc nuối.

Comme le torrent qui court vers la mer,
Comme le soleil et la lune qui glissent vers les monts du couchant,
Comme les jours et les nuits, les heures, les instants qui s’enfuient,
La vie humaine s’écoule inexorablement.
(Padmasambhava, Đại sư Tây Tạng, người đã đem Phật giáo vào Tây Tạng vảo  thế kỷ thứ 8-9. M.Ricard dịch).
Đối với người biết trích lấy tinh khí của cuộc sống thì chết không có nghĩa là sự suy tàn cuối cùng, nhưng là sự kết thúc trong thanh tịnh của một đời sống trọn vẹn: một cái chết êm đềm là kết quả của một cuộc sống tốt đẹp.
Văn hào Victor Hugo đã từng nói: “Sống hạnh phúc thì chết vinh quang” ( C’est le bonheur de vivre qui fait la gloire de mourir).
Hãy nhớ đến cái chết để trân quý mỗi giây phút trong cuộc sống hiện tại
Làm sao đương đầu với cái chết mà không quay lưng lại với cuộc sống?
Làm sao nghĩ tới cái chết mà không thất vọng, không sợ hãi cũng như không cắt đứt hết tất cả mọi lạc thú và sung sướng trong đời?
Etty Hillesum có nói: “Loại bỏ cái chết ra khỏi cuộc đời, chúng ta không thể sống trọn vẹn được, còn chấp nhận cái chết trong lòng cuộc sống, sẽ mở rộng và phong phú hóa cuộc đời của chúng ta hơn.”
Bởi vậy, cách chúng ta tư duy đến cái chết của bản thân sẽ ảnh hưởng không ít đến phẩm chất của cuộc sống. Có người thì hốt hoảng,nhưng có người thì không màng quan tâm đến nó, và người khác thì ngắm nhìn cái chết như một thực thể không thể tránh khỏi. Thái dộ nầy giúp chúng ta trân quývàtận hưởng giá trị mỗi giây phút đang trôi qua trong cuộc sống.
Cái chết nhắc nhỡ chúng ta phải quan tâm và tránh phung phí thời gian trong những cuộc vui chơi vô ích.
Mọi người đều bình đẳng trước cái chết, nhưng chúng ta khác nhau về thái độ và cách chuẩn bị giây phút lâm chung của chính mình.
Esther "Etty" Hillesum (15 January 1914 in Middelburg, Netherlands – 30 November 1943 in Auschwitz, Poland) was a young Jewish woman whose letters and diaries, kept between 1941 and 1943 describe life in Amsterdam during the German occupation. They were published posthumously in 1981, before being translated into English in 1983
Tốt hơn hết là chúng ta nên biết cách lợi dụng nỗi lo sợ trước cái chết hơn là có thái độ thờ ơ với nó.
Chúng takhông sống trong nỗi thù hằn với cái chết, nhưng vẫn phải ý thức về sự mong manh của kiếp nhân sinh. Chúng ta không nên thờ ơ nhưng phải biết trân quý thời gian còn lại trong phù sinh.
Cái chết thường đến bất ngờ mà không cần báo trước: đang có một sức khoẻ tốt, đang thưởng thức một bữa tiệc vui cùng bạn bè trong khung cảnh tuyệt vời, biết đâu đócó thể đó là lúc chúng ta đang sống những giây phút cuối cùng đời mình.
Chúng ta đành bỏ lại cho người thân, cuộc hàn huyên gián đoạn, dĩa thức ăn lở vỡ và những dự án chưa hoàn tất.
Không có gì để tiếc nuối hết?
Nếu biết lợi dụng tối đa tiềm năng phi thường mà sự sống đã mang đến cho mình, thì tại sao mình phải dày vò tiếc nuối làm chi trước cái chết.
Dù cho thời tiết có ưu đãi hay không đi nữa thì người nông dân nào đã cày, đã gieo mạ, đã chăm sóc và chu toàn vụ mùa rồi thì họ không có lý do gì phải tiếc nuối cả.
Chúng ta chỉ có thể tiếc nuối khi chúng ta chểnh mảng và thiếu sự quan tâm mà thôi.
Người nào biết lợi dụng mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống để tự rèn luyện thành một người hoàn thiện hầu đóng góp vào hạnh phúc của tha nhân thì người đó có quyền được chết với tâm thanh tịnh.
Không còn gì cả
Cái chết cũng không khác hơn gì một ngọn lữa đã tắt liệm, một giọt nước tan thấm vào lòng đất khô cằn.
Nếu cuộc phiêu lưu không dừng nơi đây thì chết chỉ là một trạm trong hành trình mà thôi.
Như Phật giáo đã nói tâm thức của chúng ta đã từng sống và sẽ còn sống mãi trong vô số kiếp nữa.
Vậy khi gần đến phút lâm chung, sẽ không thích hợp nếu chúng ta âu lo là mình sẽ bị đau đớn hay không nhưng cần phải tự vấn là mình đã sẵn sàng chưa trước ngã rẽ quyết định nầy.
Trong tất cả mọi trường hợp, vào những tháng cuối cùng của cuộc đời chúng ta cần phải giữ cho tâm trạng được thanh tịnh hơn là rơi vào trong một trạng thái lo âu.
Tại sao chúng ta phải dày vò với ý tưởng là phải bỏ lại người thân, bỏ lại tài sản để rồi sống trong sự chán ghét thân xác mình?
Như Đại Sư Sogyal Rinpoché đã giải thích: “Chết tượng trưng cho sự hủy hoại tối thượng và không tránh khỏi của những gì chúng ta gắn bó nhất: đó là chính chúng ta.Bởi vậy những lời dạy về vô ngã (sans-égo) và bản chất của trí tuệ có thể giúp ích cho chúng ta.” (Đai Sư là tác giả của Tác phẩm nổi tiếng Tạng Thư Sống Chết).
Khi đến giờ phút sắp ra đi,chúng ta cần phải giữ cho tâm được thanh tịnh, vị tha và buông xả. Như thế chúng ta tránh được sự dày vò tinh thần và thể xác./.
La mort représente l’ultime et inévitable destruction de ce à quoi nous sommes le plus attaché:nous même.On voit donc à quel point les enseignements sur le sans égo et la nature de l’esprit peuvent aider. Il convient donc, à l’approche de la mort, d’adopter une attitude sereine, altruiste, sans attachement. On évite ainsi de faire de la mort une torture mentale autant qu’une épreuve physique”.
Montreal, April 20, 2011

MƯỜI HAI CÁCH TẠO NGHIỆP TỐT

MƯỜI HAI CÁCH TẠO NGHIỆP TỐT

Cư Sĩ Lillian Too - Thích Nguyên Tạng dịch

 
Đạo hữu Lillian Too, một nhà phong thủy nổi tiếng thế giới, đã viết hơn tám mươi cuốn sách về đề tài này, và bà cũng đã cho xuất bản tạp chí Feng Shui World (Phong Thủy Thế Giới) phát hành hai tháng một kỳ. Mới đây bà đã mở rộng công việc xuất bản của mình với số đầu tiên là Mahayana (Đại Thừa Phật Giáo), một tạp chí trình bày truyền thống Đại Thừa Phật Giáo Tây Tạng, như phương châm " vì lợi lạc cho quần sanh". Mahayana đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của mọi người tại quê hương của bà ở Singapore vào cuối năm ngoái. Bài viết sau đây là một phần nhỏ mà Tạp chí Mandala đã trích đăng từ tập sách của bà với tựa đề " 108 phương cách tạo nghiệp tốt" (108 ways to create Good Karma), sẽ được xuất bản vào đầu năm 2009.



Theo giáo lý nhà Phật, luật nhân quả được giải thích rằng mỗi sự việc xảy ra sẽ có một sự kiện khác đi theo sau đó. Hệ quả xảy ra có an lạc, hạnh phúc hay khổ đau, khó chịu, có lợi hay có hại cho người khác và cho chính mình, tất cả đều tùy thuộc vào nguyên nhân ban đầu của hành động đó. Luật nhân quả dạy rằng gieo gió sẽ gặp bão, trồng cam sẽ được quả ngọt, trồng chanh ắt phải hái trái chua, đem niềm vui đến cho người, mình sẽ được hạnh phúc, gây khổ đau cho người, mình sẽ chịu sự bất hạnh. Người ta không thể thoát khỏi nghiệp quả của mình một khi chính mình đã gây tạo. Có nhiều cách tạo ra nghiệp tốt để hóa giải đi những nghiệp xấu mà chính mình đã cố ý hay vô tình gây ra trước đó. Bài viết này xin cống hiến 12 cách mà bạn có thể làm được ngay trong kiếp này để đời sống của bạn thay đổi.


1/ Hãy lấy từ bi làm tôn giáo của mình: tạo nghiệp tốt không có nghĩa là theo tôn giáo hay mộ đạo. Người ta không cần phải là một tín đồ Phật Giáo hay thuộc về một tín ngưỡng nào đó để có thể tạo nghiệp tốt. Con người chỉ cần thể hiện thái độ tử tế ân cần với người khác. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma thường nhắc nhở " Tôn giáo của tôi là lòng từ bi", như vậy đã tạo nghiệp tốt rồi, không phải chỉ tử tế với người khác trong chốc lát mà phải luôn luôn, suốt cuộc đời của mình, trong mọi phương diện của đời sống, trong mọi mối liên hệ, trong mỗi công việc làm, trong tất cả những giao tiếp; khi chúng ta tiếp cận một việc gì mình làm, được thể hiện tấm lòng từ bi, thì khi đó chúng ta đang tạo nghiệp tốt, và đó là loại nghiệp tốt tạo ra một hệ quả mà tất cả mọi người khác đều tử tế với mình. Đó là phương cách chắc chắn nhất để gây dựng một cuộc đời mà trong đó những phiền não khổ đau sẽ tiêu tan.


2/ Trì chú: trì chú là việc làm cơ bản và dễ nhất cho một hành giả tu theo Mật Tông để bắt đầu đi trên con đường mở ra những chân trời mới cho tâm trí. Trước hết trì chú là cách thức mạnh nhất để thanh lọc những ác nghiệp mà chúng ta đã mang tới trong thế gian này với mình từ quá khứ. Nghiệp quả xấu vẫn còn ở trong thần thức của mỗi người, giòng tâm thức mà chúng ta mang theo từ kiếp sống quá khứ. Chúng ta hãy bắt đầu với thần chú nổi tiếng nhất thế giới, đó là tâm chú của Bồ Tát Quán Thế Âm " Án Ma Ni Bát Di Hồng" (Om Mani Padme Hum). Khi trì thần chú này, hãy tập trung vào âm thanh của chú và để âm thanh thâm nhập vào tận tâm thức của mình. Luôn luôn trì chú với ý tưởng mang lợi ích đến cho người khác. Không bao lâu sau đó, chúng ta sẽ thấy kết quả với những lợi ích tuyệt vời thâm nhập qua tâm thức của mình. Chúng ta sẽ sớm cảm thấy mình trở nên dễ thương hơn, khoan dung hơn, bớt bối rối hơn và trở nên bình tĩnh hơn. Nhiều vị Lạt Ma cao cấp nói rằng trì thần chú " Án Ma Ni Bát Di Hồng" có thể đưa chúng ta đến giác ngộ. Đây là một trong những thần chú có nhiều oai lực nhất mà chúng ta có thể hành trì hằng ngày. 


3/ Niệm Phật: Một cách thức mạnh mẽ không ngờ để giải trừ những ác nghiệp là niệm danh hiệu Phật và lễ Phật sám hối. Trong khi niệm Phật chúng ta phát khởi ý nghĩ sám hối về những nghiệp xấu đã tạo ra trong những kiếp trước và ngay trong kiếp sống này. Niệm Phật thành tâm, nhờ tha lực của chư Phật cùng với sự tự lực của bản thân sẽ giúp cho những bất thiện nghiệp của chúng ta tiêu tan dần theo năm tháng. Chúng ta phát tâm quy ngưỡng Phật, tôn kính Phật, lễ Phật và niệm danh hiệu Phật là pháp tu phổ thông để tội diệt phước sanh, là một phương pháp rất mạnh mẽ để hóa giải những chướng ngại gây ra phiền não khổ đau cho chúng ta trong đời sống này.


4/ Thực hành thiền quán: Mấy năm trước khi gặp Thầy Bổn Sư của tôi là Lạt Ma Zopa (lãnh đạo tối cao của Hội Bảo Tồn Truyền Thống PG Đại Thừa, fpmt.org), tôi thỉnh ngài hướng dẫn tôi ngồi thiền, tôi trình với ngài rằng " lúc nào con cũng cảm thấy u uất trong lòng , xin Thầy hướng dẫn con tập thiền để tâm con được an tĩnh". Thầy Zopa cười nhẹ và nói " tham thiền là một pháp tu tuyệt vời. Thiền không phải chỉ để tâm trí an tĩnh thôi đâu, mà thiền còn có mục đích cao hơn nữa con ạ". Ngài vắn tắt giải thích rằng, thiền định hay sự phát triển tâm linh, hay sự quán chiếu về khổ đau, vô thường và vô ngã. Tham thiền là cách làm cho tinh thần tập trung, thanh thản và trong suốt như một dòng sông nước trong mà người ta có thể nhìn thấy tận đáy, từ đó ý thức biết được sự thể nghiệm về giải thoát và giác ngộ. Tham thiền cũng là quá trình tập trung và thấm nhập nhờ đó mà tâm chúng ta được an tĩnh và nhất tâm bất loạn, rồi đi đến giác ngộ. Nên hiểu rằng Thiền là sự nhận chân ra một năng lực tâm linh mới để có thể phán đoán sự vật trên một quan điểm mới, với mục đích là dứt khoát lật đổ ngôi nhà giả tạm mà mình đang có để dựng lên cái khác trên một nền móng hoàn toàn mới. Mái nhà cũ gọi là vô minh khổ đau, và ngôi nhà mới được gọi là giác ngộ giải thoát. Đó là đích đến của mọi hành giả tu theo Đạo Phật. Về căn bản, hành giả ngồi trên một tấm nệm với hai chân khoanh lại, lưng thẳng, hai mắt hé mở, nhìn khoảng một thước về phía trước, và bắt đầu thở đều hòa. Suy ngẫm và tập trung vào lý do hành thiền, động cơ ngồi thiền của mình, đó là phát tâm làm lợi ích cho chúng sanh. Xem động lực vị tha này là nền móng của việc tham thiền. Từ đó trở đi hành giả có thể quán tưởng về bất cứ một đề mục nào liên quan đến việc phát triển sự hiểu biết về đời sống của mình. Khi quán tưởng như vậy, hành giả nhẹ nhàng suy ngẫm về sự quý báu của đời người và sự may mắn là mình đã được sanh ra làm người, được sống, được gặp chánh pháp như hôm nay. Hành giả sẽ nhận thức rằng chỉ riêng việc sinh ra làm người đã là một may mắn rồi, vì mình có khả năng phân biệt, hiểu biết và suy nghiệm nghĩa lý sâu xa của Phật lý, để rồi biết tu tập để giải thoát vòng sinh tử khổ đau.


5/ Nhường đường khi lái xe: đã không ít tai nạn chết người xảy ra khi người lái xe giành đường, do vậy khi người Phật tử chạy xe trên đường phải giữ chánh niệm và biết rằng đây cũng là cơ hội cho ta tạo nghiệp tốt. Nhường đường cho người khác là chúng ta chạy chậm lại khi có người muốn vượt lên trước mình, dằn cảm giác khó chịu xuống hay không bóp kèn khi có người quẹo xe ẩu hoặc thậm chí đụng phải xe của mình. Những phiền não như vậy trong việc giao thông là những cơ hội cho ta đào luyện tâm trí với một nụ cười hoan hỷ trong bình tĩnh. Chúng ta cũng có thể nhường đường cho người khác ngay cả khi mình có quyền ưu tiên. Khi không có ý tưởng xem con đường là nơi tranh chấp giữa mình và những người lái xe khác, việc giao thông của chúng ta sẽ thú vị hơn nhiều và mỗi lần nhường đường cho người nào, chúng ta sẽ rất vui lòng vì biết rằng việc kềm chế tánh dễ nổi nóng của mình và đây cũng là một cách để tạo nghiệp tốt mà kết quả có về sau là đời sống của mình luôn gặp mọi sự hanh thông và may mắn.


6/ Dành phần thắng cho người khác và chấp nhận thua thiệt: khi nhường nhịn người khác, chúng ta nhiếp phục được sự tự ái của mình, và không thể để cho tự ngã của mình nghĩ đến những điều vị kỷ. Khi chấp nhận thua thiệt, sẽ là cơ hội cho ta diệt trừ tính kiêu ngạo. Pháp tu đặc biệt hữu dụng khi hoạt động trong thế gian vật chất hay trong cách cư xử với người khác trong công việc. Khi làm việc gì quan trọng hay phải làm xong một việc nào đó trước thời hạn, sự căng thẳng thường phát sinh giữa mình và người khác, và đó là lúc người ta nghĩ đến ảo tưởng thắng và thua, được và mất. Hãy xem đó là những cơ hội tạo nghiệp tốt. Tôi nhớ có những lần tôi đã tranh luận một cách nóng nẩy chỉ để biện minh cho quan điểm của mình, để rồi rốt cuộc tôi nhận ra rằng mình đã không chỉ gây ra phiền não cho mình mà còn làm cho người khác bực mình, khó chịu nữa. Chỉ khi gặp được Lama Zopa và được học Phật, tôi mới học được phương cách đối trị tính háo thắng của mình. Tôi đã khám phá tính chất giải thoát của sự chịu thua thiệt, sự buông bỏ và sự không bị trói buộc vào tham vọng chiến thắng. Đó là lúc tôi nhận ra là mình đã cảm thấy an lạc nhiều hơn mỗi khi chấp nhận thua thiệt, nhường phần thắng cho người khác. Hành vi đầu hàng trước ý kiến hay quan điểm của người khác không phải là trốn tránh thảo luận, mà là một lối đồng ý với nhau rằng chúng ta không đồng ý kiến, và đồng thời vẫn tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ nhau. Khi làm như vậy, chúng ta đang tạo nghiệp tốt và tất nhiên bạn sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ tương tự của người khác trong tương lai.


7/ Tránh sát hại những sinh vật nhỏ nhất: Người ta dễ dàng xâm hại đến sinh mạng của các loài vật, đặc biệt là những loài nhỏ nhất. Một hôm đang đi trên lề đường, tôi nhận thấy có nhiều con kiến bò ngang lối đi, tôi biết rằng nếu mình không có ý thức thì mình đã vô tình giết chết nhiều sinh mạng và như vậy chúng ta dễ dàng tạo ác nghiệp về sát sinh ngay trên mỗi bước chân của mình. Tôi cẩn thận không giẩm đạp lên những con kiến nhỏ bé này và tôi ngạc nhiên cảm thấy sự vui sướng rộn lên trong lòng của mình. Phật dạy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, ngay cả những con vật nhỏ nhất cũng có Phật tánh, nhưng vì kiếp này chúng vì nghiệp chướng nặng nề nên phải mang thân hình khác người, hiểu điều đó, nên ta cố gắng tránh sát hại một cách vô ý thức của chúng ta. Kết quả tránh sát hại sinh vật sẽ giúp chúng ta sống khỏe mạnh, không bệnh tật và tăng tuổi thọ về sau.


8/ Phóng sinh loài cá: phóng sinh là hành động cứu sống, công đức rất lớn, có thể giúp người làm việc này giảm bệnh tật và kéo dài tuối thọ ngay trong hiện đời. Mấy năm trước khi tôi đến thành phố Varanasi, Ấn Độ (nơi Đức Phật chuyển pháp luân đầu tiên), trong chuyến hành hương với Thầy tôi, Lama Zopa. Ngài đã đưa chúng tôi đến thăm sông Hằng và hướng dẫn chúng tôi làm công đức. Chúng tôi ngồi trền thuyền cầu nguyện và thả cá xuống giòng sông. Tôi có cảm giác tuyệt vời khi nhìn thấy những con cá tươi sống mà chúng tôi vừa mua từ những người dân chài ở gần đó, chúng quẫy đuôi nhảy trở lại nước sông và bơi lội tự do. Sau đó thầy tôi ghi câu thần chú trên một trái bong bóng rồi cột ở mạn thuyền để cho bong bóng chạm vào làn nước trong khi chiếc thuyền lướt đi. Ngài giải thích rằng bằng cách này để cho thần chú của Phật chạm vào làn nước để ban phước cho những loài vật sống dưới nước.


9/ Cúng nước: Mấy năm trước khi gặp Thầy tôi, Lạt Ma Zopa lần đầu tiên, tôi thỉnh Ngài về nhà tôi. Ngài rất hoan hỷ khi nhìn thấy bức tượng Phật độc nhất mà tôi chưng trong phòng khách. Ngài bảo tôi lấy chén nước để ngài cúng bức tượng đó. Ngài dạy tôi cúng chén nước sẽ tạo nhiều công đức và là phương thức có oai lực lớn để hóa giải những nghiệp xấu về sân hận và những vấn đề khác còn tồn tại trong tâm trí của mình. Tôi đã làm theo lời dạy của ngài mỗi ngày, và không bao lâu chúng tôi đã có hàng trăm chén nước trong nhà, chỉ vì thời gian qua tôi có thêm những tượng Phật mới. Tôi rất thích đi tìm những loại chén pha lê và việc thay nước mỗi buổi sáng đã trở thành một nghi lễ trong gia đình của tôi. Qua thời gian, tôi cảm thấy những kết quả tốt, căn nhà của tôi đã trở thành một ốc đảo thấm đầy an lạc, và những chướng ngại trước đây trong đời sống của chúng tôi nay đã tan biến mất. Những sân hận cáu gắt, những trận cải vã vô nghĩa, nhỏ mọn thường phá sự yên tĩnh trong nhà chúng tôi, nay đã không còn nữa, những cơn nóng giận đã đi vào quá khứ. Thật là một điều kỳ diệu khi chúng ta cúng nước cho Chư Phật.


10/ Bố thí, đóng góp cho việc từ thiện: Hành động hiến tặng cho người khác là một cách thức tuyệt vời để tạo nghiệp tốt trong đời sống ngắn ngũi này. Bố thí là hạnh đi đầu của những ai muốn thực thi Bồ tát hạnh. Kết quả của hạnh bố thí là mình được giàu sang, phú quý về sau. Về phương diện tinh thần thì lòng tham lam, bủn xỉn của mình nhỏ dần lại và biến mất sau một thời gian mình thực hành việc bố thí. Khi hiến tặng cho người cũng là lúc chúng ta gia tăng tích lủy thiện nghiệp xuất phát từ lòng từ bi. Mình luôn cho ra với một tấm lòng quảng đại, vui vẽ, hoan hỷ không có bất cứ một điều kiện nào đi kèm, đó là bố thí đúng nghĩa với lời Phật dạy. Nếu bạn không có khả năng bố thí tiền bạc thì có thể bố thí thời giờ, công sức, sự hiểu biết hay tài năng của mình, để giúp cho đời sống này bớt khổ đau, tất cả những điều này cũng có giá trị ngang nhau với tiền bạc. Một khi động lực tinh truyền, không một ý đồ mưu toan xen lẫn vào hành động bố thí thì bạn đã thành công phần nào đó trong công hạnh này rồi. 


11/ Nuôi cá cảnh: khi viết những cuốn sách về phong thủy, tôi luôn đề nghị thân chủ nuôi cá cảnh để tạo lực thịnh vượng và sự mát mẻ trong gia tộc. Nhưng việc nuôi cá cũng có mục đích cao hơn về tinh thần. Mỗi buổi sáng khi cho cá ăn hoặc thay nước cho cá, đó là bạn đang tạo nghiệp tốt. Thật vậy mỗi lần cung cấp thức ăn cho cá là bạn có niềm vui vì biết mình đang làm một việc tốt. Những con cá không cần phải đẹp và hồ nước của cá cũng không cần phải có ý nghĩa phong thủy để làm động lực cho lòng từ bi của bạn phát sinh. Hãy nghĩ như vậy rồi những con cá sẽ mang đến cho bạn những niềm vui lớn trong đời sống này.


12/ Sẳn lòng lắng nghe tâm sự của người khác: khi có người nào tìm đến mình để tìm sự an ủi, chia sẻ hay để nương tựa vào bạn, vì họ không có người nào để tìm tới, bạn đừng xua đuổi họ, dù đó là người mà bạn chưa từng quen biết, dù bạn đang bận rộn, dù bạn không thích nghe người khác than thở. Bạn chỉ cần dành một chút thời gian cho họ. Hãy sẳn sàng làm bạn với cả những người xa lạ. Dùng tinh thần mạnh mẽ của mình để giúp những người yếu đuối. Chia sẻ kinh nghiệm an lạc của mình với người khác, dù cho người ấy không quen thân với mình, làm được như vậy là bạn đang thực hành tốt lòng từ bi trong đời sống và cũng là người đang đi trên lộ trình hành Bồ Tát Đạo.

 
Thích Nguyên Tạng dịch từ một tai liệu của mật tông.

Có Phải Thượng Đế Đã Tạo Nên Vũ Trụ?


Chapter 3: Có Phải Thượng Đế Đã Tạo Nên Vũ Trụ?
Nguyễn Austin chuyển ngữ từ
- The Newyork Times Notable Book Of The Year
God And The New Physics-
Paul Davies
đăng 10 tháng 4, 2011



'Tôi muốn biết Thượng đế đã tạo nên thế giới này như thế nào.’ - Einstein
‘Tôi không cần đến giả thiết này’ - Pierre Laplace trả lời Napoleon Bonaparte


Các nhà vũ trụ học đã tìm thấy Thượng đế!’ như đã được công bố mới đây nơi những hàng tiêu đề lớn của một tờ báo định kỳ nổi tiếng. Chủ đề của bài báo này là Vụ nổ lớn Big Bang và những tiến bộ mới đây trong kiến thức của chúng ta về những thời kỳ đầu tiên của vũ trụ. Trong giới báo chí phổ thông thì sự kiện sáng tạo chính nó đã được xem là đủ thẩm quyền để tiết lộ sự hiện hữu của Thượng đế. Nhưng khi nói Thượng đế đã gây ra sự sáng tạo thì điều đó thực sự có nghĩa như thế nào? Có thể nào quan niệm về sự sáng tạo mà không có Thượng đế hay không? Có phải Vũ trụ học hiện đại đã phô bày một cách không tránh né những giới hạn của một vũ trụ vật lý và bắt buộc chúng ta phải viện dẫn đến những lý do siêu nhiên?
Thuật ngữ ‘sáng tạo’ rất đa dạng về ý nghĩa và điều rất quan trọng là phải giữ sự phân biệt minh bạch giữa những ý nghĩa đó. Sự sáng tạo vũ trụ có thể có nghĩa là một hình thái có tổ chức đột ngột của vật chất đi từ hình thái hỗn loạn nguyên thủy , thiếu cấu trúc cho đến những trật tự phức hợp và những hoạt động vi tế được quan sát hiện nay. Nó có thể hiểu là sự tạo nên vật chất từ khoảng không trống rỗng tầm thường hay được hiểu là sự xuất hiện đột ngột của toàn bộ thế giới vật chất bao gồm không gian, thời gian từ cái hoàn toàn không-có-gì. Cũng có những vấn đề riêng biệt về sự sáng tạo ra cuộc sống và chính con người mà chúng ta sẽ đề cập sau này.
Phiên bản về sự sáng tạo của vũ trụ ‘trong ngày đầu tiên’ rất mơ hồ về những gì có liên quan đến nó. Hiện nay có hai cách giải thích về sự sáng tạo ,nhưng chẳng có lối giải thích nào đề cập một cách tường minh rằng vật chất mà từ đó các ngôi sao, hành tinh, trái đất và thân thể chúng ta được tạo nên, đã hiện hữu trước biến cố sáng tạo. Niềm tin rằng Thượng đế đã tạo nên chất liệu của vũ trụ từ cái không-có-gì là một phần giáo lý lâu đời của Thiên chúa giáo. Qủa thật là niềm tin này dường như phải được bổ sung bởi gỉa định về sự toàn năng của Thượng đế vì vật chất rất thô sơ mà nếu Thượng đế không tạo nên được vật chất thì điều đó hàm ý rằng khả năng của ông ta có giới hạn.
Trước thế kỷ này các nhà khoa học và thần học đều gỉa định giống nhau rằng vật chất không thể được tạo ra (hoặc hủy diệt) bằng các phương tiện có trong thiên nhiên. Dĩ nhiên, hình thái của vật chất có thể thay đổi chẳng hạn như trong các phản ứng hóa học nhưng lượng vật chất thì vẫn không đổi mà chưa có một ngoại lệ nào. Đối diện với vấn đề về nguồn gốc của vật chất các nhà khoa học có xu hướng tin rằng vũ trụ có vô hạn tuổi và như thế sẽ tránh được sự sáng tạo cần thiết. Trong một vũ trụ vĩnh cửu vật chất có thể tồn tại mãi mãi và như thế vấn đề nguồn gốc của nó sẽ không còn cần thiết.
Niềm tin rằng vật chất không thể được tạo ra bằng các phương tiện tự nhiên đã sụp đổ thảm hại vào những năm 1930 khi vật chất lần đầu tiên được tạo nên trong phòng thí nghiệm. Những biến cố dẫn đến sự khám phá này cung cấp một thí dụ cổ điển của vật lý hiện đại một cách tốt nhất.
Câu chuyện này bắt đầu vào năm 1905 từ Einstein cũng như từ nhiều người khác. Phương trình nổi tiếng của ông ta: E=mc2 là hiện thân tóan học của một khẳng định, rằng khối lượng và năng lượng là tương đương: khối lượng mang năng lượng và năng lượng có khối lượng. Khối lượng là lượng phẩm của vật chất: khối lượng của thân thể cho bạn biết có bao nhiêu vật chất chứa trong đó. Khối lượng lớn có nghĩa là nặng nề và chậm chạp, khối lượng nhỏ có nghĩa là nhẹ nhàng và nhanh nhạy. Sự kiện khối lượng tương đương với năng lượng theo một ý nghĩa nào đó có nghĩa là khối lượng là năng lượng bị “giam giữ”. Nếu được giải phóng theo một cách nào đó thì vật chất sẽ biến mất giữa sự bùng phát của năng lượng. Ngược lại, bằng cách nào đó nếu năng lượng đủ tập trung thì vật chất sẽ xuất hiện.
Trong quan niệm khởi đầu , phương trình Einstein chỉ là phó phẩm của Lý thuyết Tương Đối và nó chỉ liên quan đến tính chất của những vật chuyển động với vận tốc cực nhanh gần bằng vận tốc ánh sáng. Theo lý thuyết thì năng lượng của chuyển động phải làm cho vật trở nên nặng hơn (tăng khối lượng). Hiệu qủa này không đáng kể ở những vận tốc thông thường vì một khối lượng rất nhỏ tương ứng với một lượng năng lượng rất lớn. Chẳng hạn như một gam vật chất tương đương với một triệu đô la theo gía hiện hành.Tuy nhiên những máy gia tốc về các hạt cơ bản hiện đại có thể tăng tốc các hạt điện tử và proton suýt soát vận tốc ánh sáng mà ở đó khối lượng của chúng được quan sát đã tăng lên hàng chục lần.
Dĩ nhiên khối lượng tăng theo vận tốc không có nghĩa là sự sáng tạo vật chất. Đúng hơn nó chỉ liên quan đến vật chất được tăng trọng nhưng đã hiện hữu từ trước. Khả năng của một hạt vật chất mới, được sản sinh nằm ngoài sự tập trung của năng lượng chỉ nổi lên với giai đoạn xem xét về mặt tóan học của Paul Dirac vào khoảng 1930. Dirac đã nổ lực hoà hợp lý thuyết tương đối của Einstein cùng công thức E = mc2 với những cuộc cách mạng quan trọng khác trong vật lý thế kỷ 20 quan tâm đến ứng xử của vật chất ở tầm mức nguyên tử và hạ nguyên tử. Một lý thuyết lượng tử tương đối tính cần thiết để mô tả các hạt hạ nguyên tử chuyển động gần vận tốc ánh sáng chẳng hạn như các qúa trình xảy ra trong sự phóng xạ năng lượng hạt nhân.
Theo sự phân tích tóan học , Dirac đã đề nghị một phương trình mới nhằm mô tả vật chất ở tầm mức nguyên tử có tốc độ cao. Phương trình này là một sự thành công tức thời vì nó đã giải thích một tính chất kỳ ảo của electron cho đến giờ vẫn là được biết đến, cụ thể là chúng quay tròn theo một cách thức hoàn toàn kỳ lạ, xung khắc với cảm nhận chung và hình học cơ bản. Nói một cách thô thiển, mỗi electron phải quay quanh hai lần trước khi nó trở lại bề mặt ban đầu. Phương trình này cung cấp một thí dụ điển hình khác về việc làm thế nào toán học có thể thay thế trưc giác trong thế giới trừu tượng của vật lý.
Tuy nhiên, phương trình Dirac đã có một khía cạnh đáng ngạc nhiên. Các nghiệm của nó mô tả một cách chính xác ứng xử của các electron thông thường, nhưng với mỗi nghiệm như thế lại tồn tại một nghiệm liên hợp khác. Nghiệm này lại có vẻ không tương ứng với bất kỳ cái gì đã được biết đến trong vũ trụ. Với một chút tưởng tượng ,người ta vẫn có thể nghĩ đến những loại hạt chưa biết đến. Về khối lượng và spin (độ lớn), chúng hoàn toàn giống như các electron thông thường nhưng trong khi các electron mang điện tích âm thì những hạt này lại mang điện tích dương. Một số tính chất khác chẳng hạn như spin (chiều) thì lại ngược lại, đã làm cho những loại hạt mới này như là hình ảnh trong gương của các electron.
Sự tiên đóan của Dirac lại còn ngoạn mục hơn nữa, rằng nếu có năng lượng đủ lớn để có thể tập trung thì một trong các hạt ‘phản electron ‘ này có thể xuất hiện ở nơi mà trước đó không có gì tồn tại. Để cho điện tích được bảo toàn, biến cố này phải được đi kèm bởi sự xuất hiện đồng thời của một electron. Theo cách này thì năng lượng có thể được dùng một cách trực tiếp để tạo ra vật chất trong hình thức của một cặp electron -phản electron.
Vào khoảng thời gian này (1930), nhà vật lý C.Y.Chao đang thí nghiệm về năng suất xuyên thấu của tia gamma (photon ánh sáng mang năng lượng cao) trong các loại vật chất nặng như chì. Ông ta nhận thấy rằng những tia gamma mang năng lượng lớn nhất lại bị yếu đi một cách đáng kể theo cách thức rất lạ. Nguyên nhân của sự hấp thụ bổ sung của các tia này là một bí mật đối với Chao. Ngày nay chúng ta biết rằng điều đó là do sự sinh cặp electron-phản electron.
Thế rồi, vào năm 1933, khi Carl Anderson nghiên cứu về sự hấp thụ của các tia vũ trụ-những hạt mang năng lượng rất lớn từ không gian- bởi các tấm kim loại ông ta đã phát hiện lần đầu tiên sự xuất hiện rõ ràng của các ‘phản electron’ của Dirac. Vật chất đã được tạo ra trong các thí nghiệm được kiểm soát trong phòng thí nghiệm. Các tính chất được mong đợi của loại hạt mới nhanh chóng được kiểm chứng và Dirac cùng Anderson chia nhau giải Nobel cho sự tiên đóan và phát hiện xuất sắc ra loại hạt này.
Những năm sau đó, việc tạo nên các electron và phản electron (thường được gọi là positron ) trở nên phổ biến trong một loạt qúa trình trong phòng thí nghiệm. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai sự phát triển của các máy tăng tốc cho các loại hạt hạ nguyên tử cũng đã có thể tạo nên một số loại hạt khác theo cách thức có kiểm soát. Các hạt phản proton, phản neutron đã được tạo nên. Ngày nay ,các hạt positron và phản proton đả được tạo nên với số lớn và được giữ trong các “chai từ tính”. Tựu trung lại, các phản hạt được gọi chung là phản vật chất và ngày nay nó được tạo nên thường xuyên trong các phòng thí nghiệm Vật lý.
Được trang bị bởi các sự kiện này, cách thức giải thích một cách tự nhiên về nguồn gốc của mọi vật chất dường như đã được mở ra. Trong thời kỳ BigBang, một năng lượng cực lớn đã có sẵn cho việc tạo nên một lượng lớn vật chất và phản vật chất. Cuối cùng, khi bị lạnh đi nhiều, những vật chất này có thể đã hội tụ thành các ngôi sao và hành tinh. Nhưng thật không may cho ý tưởng đơn giản đó, đã có những trở ngại bất ngờ xuất hiện: khi vật chất gặp phản vật chất thì cả hai phải tiêu hủy lẫn nhau và phóng thích một năng lượng mạnh mẽ. Đó là qúa trình ngược của quá trình tạo nên vật chất.
Như thế thì một vũ trụ chứa hỗn hợp vật chất -phản vật chất sẽ bất ổn định dữ dội. Một số những giới hạn chặt chẽ có thể áp đặt lên một lượng phản vật chất, nhưng đó là một lượng không đáng kể. Như thế thì tất cả các phản vật chất đã biến đi đâu? Trong phòng thí nghiệm, mỗi hạt được tạo ra luôn đi kèm theo một phản hạt. Do đó chúng ta có thể trông đợi rằng vũ trụ là một hỗn hợp 50-50. Nhưng những quan sát thực nghiệm đã loại bỏ điều này. Một số các nhà Vật lý vũ trụ đã thử giải thích vấn nạn này bằng cách gỉa thiết rằng bằng cách nào đó vật chất và phản vật chất đã tự thu xếp để tách ra thành những khu vực rộng lớn mà ở đó một trong hai loại hạt và phản hạt sẽ chiếm ưu thế. Có thể toàn bộ thiên hà nào đó được tạo nên bởi phản vật chất và những thiên hà khác lại được tạo nên bởi vật chất. Tuy nhiên, không có một cơ chế nào cho sự tách biệt này được đề nghị và lý thuyết về vũ trụ đối xứng [giữa vật chất và phản vật chất: người dịch] đã rơi vào sự thất sủng.
Như vậy, các nhà khoa học nào đã nhấn mạnh rằng BigBang là một sự Sáng tạo sẽ phải đối mặt với nhu cầu gỉa tạo, bất chấp đến các định luật vật lý là sự gỉa định rằng một qúa trình siêu nhiên nào đó đã bơm vật chất vào vũ trụ không có phản vật chất. Những viện cớ mơ hồ về điều “ tất cả các định luật dù sao cũng đều bị phá vỡ tại điểm dị thường” chẳng làm dịu đi cái cảm giác không thoải mái về cách giải thích này.
Tuy nhiên, rất gần đây một lối thoát khả dĩ cho vấn nạn này đã xuất hiện. Mặc dù trong những điều kiện của phòng thí nghiệm thì sự tạo ra vật chất và phản vật chất luôn luôn đối xứng, nhưng dưới nhiệt độ cực kỳ cao của Bigbang thì một sự vượt trội nhẹ của vật chất là khả dĩ được phép. Ý tưởng này là hệ qủa của một chương trinh về lý thuyết nhằm tìm cách cung cấp một sự mô tả thống nhất về bản chất của bốn loại lực (chủ đề này sẽ được bàn luận trong chương 11). Theo những tính toán về lý thuyết, ở nhiệt độ hàng tỷ,tỷ, tỷ độ có thể đạt tới chỉ trong một phần tỷ ,tỷ, tỷ của một giây thì đối với một tỷ phản-proton sẽ có một tỷ và một proton được tạo nên. Tương tự như thế số electron sẽ hơn số positron là 1 trong một tỷ hạt.
Một sự vượt trội như thế dù là nhỏ nhưng có ý nghĩa quan trọng. Trong chuỗi hủy diệt tiếp theo đó, một tỷ cặp proton và phản-proton sẽ biến mất chỉ còn lại proton riêng lẻ sống sót cùng với electron đơn lẻ. Những hạt còn sót lại này- gần như là một ý định muộn màng của tự nhiên-đã trở thành vật liệu mà sau cùng hình thành nên tất cả thiên hà, ngôi sao, hành tinh- và chúng ta. Theo lý thuyết này thì vũ trụ của chúng ta được dựng nên bởi phần cặn dư vật chất còn sống sót như là di tích của phút giây hiện hữu đầu tiên không thể nghĩ bàn.
Cũng như mọi lý thuyết khả tín khác, các nhà vật lý tìm thấy lời giải thích này về nguồn gốc của vật chất là thuyết phục. Nhưng tìm đâu cho được những chứng cứ mạnh mẽ?
Có hai kết qủa khả dĩ có tính khẳng định. Kết qủa thứ nhất liên quan đến sự hủy diệt toàn phần của hàng tỷ các cặp hạt-phản hạt đi kèm với mỗi hạt vượt trội ngay từ lúc khởi đầu. Năng lượng tạo ra từ sự hủy cặp này cũng phải sống sót và được gỉa định dưới dạng nhiệt. Nhưng như đã được đề cập trong chương trước thì vũ trụ thực sự được ngâm trong bức xạ nhiệt còn sót lại từ Bigbang. Vấn đề đơn giản là tính tổng cộng năng lượng nhiệt cho mỗi nguyên tử sống sót để xem những con số có đúng với phép tính (một trong một tỷ) hay không. Những con số đó ăn khớp! hay ít nhất là phù hợp với những mô hình hợp lý. Do đó không chỉ nguồn gốc của vật chất được gỉai thích bởi lý thuyết này mà nó còn tính toán được nhiệt độ chính xác của vũ trụ. Đó là một công trình đáng chú ý.
Lý thuyết tiên đóan được sự vượt trội rất nhỏ của sự sản sinh ra vật chất cũng tiên đoán được sự hủy diệt đồng thời rất nhỏ của vật chất bởi cùng một cơ chế. Theo lý thuyết này thì trải qua một thời gian rất lâu proton sẽ phân hủy thành positron. Hạt này [positron]sẽ tiếp tục biến mất cùng với electron [qúa trình hủy cặp].Theo cách thức này thì vật chất cuối cùng sẽ biến mất. Tuy nhiên, thời gian cho sự biến mất này sẽ rất lâu đến nỗi mà trong suốt một đời người thì thân thể người ta tính trung bình chỉ mất một proton mà thôi. Để kiểm tra lý thuyết này các nhà khoa học đang nghiên cứu sự tích tụ rất lớn của vật chất dưới sâu trong lòng đất để loại bỏ sự ô nhiễm của các tia vũ trụ và cố gắng bắt qủa tang hạt proton đang phân hủy. Bởi vì nguồn gốc qúa trình là thống kê (giống như trong phóng xạ), nên cho dù là chu kỳ phóng xạ của proton ít nhất là mười ngàn tỷ tỷ tỷ năm, sự phân hủy thất thường cũng sẽ được quan sát sau khỏang vài tuần chờ đợi. Khó khăn nằm ở chỗ là phải tích lũy nhiều tấn vật chất (nghĩa là có nhiều proton) mới phát hiện ra biến cố có tính ngẫu nhiên này. Một vài thí nghiệm như thế đang được tiến hành và ít ra có một thí nghiệm đã tạo nên được một số khả dĩ biến cố phân rã của proton.
Câu hỏi về nguồn gốc của vật chất sẽ làm sáng tỏ vấn đề cơ bản đang thử thách bất kỳ nỗ lực nào để dẫn đến kết luận về sự hiện hữu của Thượng đế từ các hiện tượng vật lý. Sự xuất hiện của vật chất mà không có mặt của phản vật chất dường như đã từng được xem là phép lạ và có lẽ nó đã đòi hỏi sự áp đặt siêu nhiên vào Bigbang, thì nay lại có vẻ dễ hiểu dựa trên nền tảng thông thường của vật lý và dưới ánh sáng của sự hiểu biết ngyà càng được cải thiện của khoa học. Đây là một sự kiện gây ngạc nhiên và không gỉai thích được vào lúc này, nhưng chúng ta không bao giờ tuyệt đối chắc chắn rằng vào một lúc nào đó trong tương lai ,sẽ không có một hiện tượng tự nhiên nào được khám phá để giải thích sự kiện ấy.
Những tiến bộ khoa học đó phải chăng có nghĩa là hiện nay chúng ta có thể giải thích được sự sáng tạo bằng các qúa trình tự nhiên? Nhiều nhà thần học phủ nhận điều ấy. Những qúa trình được mô tả ở đây không đại diện cho sự sáng tạo của vật chất từ cái không- có gì mà chỉ là sự chuyển đổi từ năng lượng đã hiện hữu trước sang dạng vật chất. Chúng ta còn phải giải thích rằng năng lượng đến từ đâu ở vị trí đầu tiên. Phải chăng điều này đòi hỏi một sự giải thích siêu nhiên?
Tuy nhiên, người ta phải thận trọng về việc chuyển trách nhiệm từ vật chất sang năng lượng theo cách này. Đúng hơn năng lượng là một khái niệm rất khó nắm bắt, đặc biệt là trong Vật lý học hiện đại. Năng lượng là cái gì? Nó có thể có rất nhiều dạng. Chẳng hạn như, đơn giản nó là chuyển động. Trong phòng thí nghiệm, các hạt va chạm với nhau ở vận tốc lớn và bốn hạt xuất hiện tại ngay chỗ mà trước đó chỉ có hai. Các hạt mới là cái gía phải trả cho việc giảm tốc độ của hai hạt ban đầu. Sự chuyển đổi từ chuyển động sang vật chất rất mơ hồ. Điều này có thể đến rất gần với tinh thần của việc sáng tạo từ cái không-có-gì.
Vẫn có một khả năng đáng chú ý khác. Đó chính là việc tạo nên vật chất từ trạng thái zero của năng lượng. Khả năng này nảy sinh vì năng lượng có thể dương lẫn âm. Năng lượng của chuyển động hay năng lượng của khối lượng luôn luôn dương, nhưng năng lượng của hấp dẫn chẳng hạn như do các loại trường trọng lực hay điện từ lại có gía trị âm. Đó là trường hợp mà trong đó năng lượng dương để hình thành khối lượng của các hạt vật chất mới bằng đúng với năng lượng âm của lực hấp dẫn hay điện từ. Chẳng hạn như trong trường hợp sau đây: Trong vùng lân cận của hạt nhân nguyên tử thì lực điện rất lớn. Nếu một hạt nhân chứa 200 proton được hình thành (có khả năng nhưng khó khăn) thì khi không có bất kỳ dạng năng lượng nào được thêm vào, hệ sẽ trở nên không bền do sự sinh cặp electron-positron tức thời. Lý do của việc này là năng lượng điện âm được tạo bởi các hạt mới có thể bù trừ chính xác năng lượng của khối lượng chúng.
Trong trường hợp lực hấp dẫn thì tình huống này còn lạ lùng hơn nữa vì trường hấp dẫn chỉ là sự cong của không gian-không gian cong. Năng lượng bị nhốt trong độ cong của không gian có thể chuyển hóa thành các hạt vật chất và phản vật chất. Chẳng hạn như nó có thể xảy ra ở gần lỗ đen và có lẽ nó cũng là nguồn hạt quan trọng nhất trong Bigbang. Như vậy, vật chất xuất hiện tức thời từ không gian trống không. Câu hỏi được đặt ra là có phải vụ nổ nguyên khởi đã mang năng lượng, hay toàn bộ vũ trụ là một trạng thái zero năng lượng trong đó năng lượng của tất cả vật chất bù trừ với năng lượng âm của lực hấp dẫn trọng trường.
Có thể giải quyết vấn đề bằng một phép tính đơn giản. Các nhà vũ trụ học có thể đo được khối lượng của các thiên hà, khoảng cách trung bình giữa chúng và tốc độ dời xa nhau của chúng. Đem tất cả những số liệu này vào trong một công thức sẽ nhận được một đại lượng mà các nhà vật lý đã diễn giải nó như là năng lượng tổng cộng của vũ trụ. Kết qủa nhận được đúng thực là zero với độ chính xác có thể quan sát được. Lý do về kết qủa hết sức đặc biệt này là những vấn đề nan giải các nhà Vũ trụ học. Một số đề nghị lời giải đáp rằng phải có một nguyên lý vũ trụ sâu xa vận hành đòi hỏi Vũ trụ phải có chính xác năng lượng zero. Nếu thực sự như vậy thì Vũ trụ có thể hình thành theo lộ trình ít sức cản nhất. Nó hiện hữu mà không đòi hỏi bất kỳ vật chất hay năng lượng nào được thêm vào.
Vật chất đã trở nên phức tạp hơn bởi sự kiện là ngay năng lượng cũng không được định nghĩa một cách rõ ràng khi có mặt của lực hấp dẫn. Trong một số trường hợp vẫn có thể làm rõ khái niệm năng lượng tổng cộng trong một hệ cô lập bằng cách xem xét ảnh hưởng của lực hấp dẫn ở khoảng cách rất xa ( thực ra là vô hạn). Nhưng chiến lược này thất bại hoàn toàn trong trường hợp vũ trụ vô hạn như mô hình vũ trụ của Einstein (được thảo luận trong chương trước). Trong một vũ trụ đóng như thế thì năng lượng toàn phần là một đại lượng vô nghĩa.
Phải chăng những ví dụ đó, chẳng hạn như sự sáng tạo tự nhiên của vật chất từ không gian trống không mà không cần đến năng lượng thêm vào, có thể giải thích cho sự sáng tạo ex nihilo của thần học? Có thể chấp nhận rằng khoa học vẫn chưa giải thích được sự hiện hữu của không gian (và thời gian). Nhưng chấp nhận rằng sự tạo ra vật chất mà từ rất lâu vẫn được xem như là kết qủa của một tác động thần thánh và nay (có lẽ) đã được hiểu biết trong các thuật ngữ khoa học bình thường thì phải chăng chỉ có một cách duy nhất là viện dẫn đến Thượng đế thì con người mới giải thích được lý do tại sao chỉ có một vũ trụ duy nhất – hay là tại sao không gian và thời gian lại hiện hữu trước rồi vật chất có thể có mặt từ đó?
Niềm tin rằng Vũ trụ như là một toàn thể phải có nguyên nhân và nguyên nhân ấy là Thượng đế, đã được phát biểu bởi Plato và Aristote, được khai triển bởi Thomas Aquinas, và rồi đạt đến một hình thức mạch lạc hơn với Gottfried Wilhelm von Leibniz và Samuel Clarke trong thế kỷ 18. Nó vẫn được biết đến như là những biện giải thần học về vũ trụ cho sự hiện hữu của Thượng đế. Có hai phiên bản về biện giải vũ trụ này: Biện giải nhân qủa (sẽ được xem xét ở đây) và biện giải từ sự ngẫu nhiên (sẽ được thảo luận trong chương tiếp theo). Biện giải thần học về vũ trụ đã được xem xét với sự ngờ vực bởi David Hume, Immanuel Kant và nó cũng bị công kích dữ dội bởi Bertrand Russel.
Mục đích của biện giải vũ trụ có hai hướng. Đầu tiên là để thiết lập sự hiện hữu của “ người khởi xướng”- một thực thể nhằm để giải thích cho sự tồn tại của thế giới. Sau đó là để chứng minh rằng thực thể này thực sự là Thượng đế như vẫn được hiểu trong giáo lý Thiên chúa giáo.
Biện giải này được tiến hành dọc theo lộ trình sau đây. Mỗi biến cố, được nhấn mạnh, đều đòi hỏi một nguyên nhân. Không thể nào có một chuỗi vô hạn các nguyên nhân, do đó phải có một nguyên nhân đầu tiên cho mọi thứ. Nguyên nhân này là Thượng đế. Giờ đây, phải khẳng định ngay từ sự khởi đầu rằng đã có nhiều phiên bản của biện giải vũ trụ và rất nhiều những diễn giải tinh vi về ý nghĩa đến nỗi mà ,trải qua nhiều năm ,cuộc tranh luận này nay đã trở nên bí hiểm và phức tạp. Ở đây, tôi không có ý định đưa ra sự đánh gía cân bằng giữa sự ủng hộ và chống đối, mà chỉ muốn nói rằng biện giải này đã thu hút sự chú ý của một số các trí thức lớn trong lịch sử loài người. Tuy vậy, nó cũng không ngăn được những người ủng hộ cũng như chống đối luận đề này tránh khỏi việc đưa ra những sai lầm về mặt logic cũng như triết học. Mối quan tâm của chúng ta ở đây là xem xét lại gỉa thiết về chuỗi nhân qủa dưới ánh sáng của khoa học hiện đại.
Hãy kiểm tra bước đầu tiên trong biện giải: mỗi biến cố có một nguyên nhân. Như Clarke đã tuyên bố : ‘ Không có điều gì có thể vô lý hơn là giả định rằng điều gì đó là như thế, mà tuyệt đối không có lý do để giải thích tại sao nó là như vậy,mà tại sao nó không lại là như vậy’. Nói một cách lỏng lẻo, người ta thường gỉa định rằng mọi thứ xảy ra đều có nguyên nhân bởi một cái gì khác và mỗi vật khi sinh ra đều được tạo bởi một cái gì đó đã hiện hữu sẵn. Có vẻ là hợp lý, nhưng có thật sự như thế?
Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta hiếm khi nghi ngờ rằng về điều :mọi biến cố đều có nguyên nhân theo một cách nào đó. Một cái cầu gãy đổ vì nó qúa tải; tuyết tan vì không khí ấm lên; cái cây mọc lên vì hạt mầm đã gieo xuống, ….Nhưng liệu có những gì đó không có nguyên nhân?
Hãy xem xét khẳng định ở trên ‘ mỗi vật thể sinh ra đều được tạo nên bởi cái gì đó’. Điều gì đó là gì nếu vật thể không được sinh ra nhưng vẫn luôn hiện hữu? Điều như thế chắc chắn có thể cảm nhận được. Không gian trong vũ trụ ở trạng thái bền là một ví dụ. Đặt câu hỏi về một vật thể tồn tại vĩnh cửu- một vật thể không có thời điểm kết thúc- có nguyên nhân hay không, là một việc có ý nghĩa chăng? Người ta vẫn có thể hỏi ‘Tại sao nó hiện hữu?’ Sự bắt bẻ ‘nó luôn luôn [hiện hữu] như thế’ có vẻ què quặt vì người ta có thể tưởng tượng dễ dàng rằng một vật thể có thể không hiện hữu. Có vẻ là hợp pháp khi đi tìm lý do của sự hiện hữu hơn là lý do không hiện hữu, bất kể đến cái tuổi vô hạn của nó. Do vậy, theo ý kiến của một số người thì dẹp bỏ sự sáng tạo ( như trong trường hợp vũ trụ đang ở trạng thái bền) cũng không làm mất đi sự cần thiết về việc gỉai thích tại sao vũ trụ lại tồn tại.
Hãy tạm để sang một bên vấn đề về những vật thể vô hạn và gỉa định rằng chúng ta chỉ giới hạn vào sự “đi vào hiện hữu” của các vật thể. Có thể nào một điều gì đó được tạo ra từ cái “không có gì”? Chúng ta đã thấy các hạt đã được tạo ra từ không gian trống rỗng như thế nào, nhưng trong trường hợp đó thì độ cong của không gian lại là nguyên nhân. Chúng ta vẫn phải giải thích không gian đến từ đâu (nếu nó không luôn luôn hiện hữu). Một số người có thể đã đặt câu hỏi liệu không gian có phải là sự vật. Đương nhiên, khó mà có thể tưởng tượng được Thomas Aquinas hay Leibniz xem nó như là một phần trong chuỗi nhân qủa. Chúng ta lại nhấn mạnh rằng: cái gì làm cho không gian đột ngột xuất hiện trong Bigbang? Điểm kỳ dị chăng? Nhưng điểm kỳ dị hầu như chắc chắc không phải là một sự vật. Nó là biên giới của sự vật ( không -thời gian). Bế tắt!
Có phải mọi biến cố đều có nguyên nhân? Có thể nào một điều gì đó xảy ra mà không có bất kỳ tác động có trước, hay bất kỳ lý do thuần lý? Báo chí luôn đề cập đến ‘Vật thể trong không gian không gỉai thích được’ Tuy vậy điều đó không có nghĩa là những hiện tượng trên bầu trời xảy ra mà không có sự giải thích mà nó chỉ có nghĩa là không có một lời giải thích được biết đến. Một điều không may là chúng ta khó mà thấy được cái khẳng định ‘ mọi biến cố đều có nguyên nhân’ là hoàn toàn là gỉa tạo. Để thấy được điều đó chúng ta không chỉ phải tìm ra một biến cố không có nguyên nhân tường minh mà phải đi đến việc chứng minh rằng trong rất nhiều thông tin mà người ta đã biết về vũ trụ và đào sâu sự hiểu biết về thiên nhiên, thì không có nguyên nhân nào được tìm thấy. Điều đó dường như là không thể. Làm sao người ta có thể chắc chắn rằng biến cố đang xem xét không được tạo bởi một qúa trình hoàn toàn mơ hồ, cực kỳ hiếm, chưa từng gặp, gây trở ngại và bất thường?
Ngành khoa học gần nhất để đánh đổ khẳng định rằng mọi biến cố đều có nguyên nhân là Cơ học lượng tử. Như chúng ta sẽ thấy trong chương 8, trong thế giới của các hạt hạ-nguyên tử thì cách ứng xử của các hạt thông thường là không thể tiên đóan được. Từ thời điểm này sang thời điểm kế cận anh không thể chắc rằng một hạt sắp làm điều gì. Nếu, trong một biến cố người ta sẽ chọn nơi đến của một hạt là một vị trí riêng biệt nào đó thì , theo lý thuyết lượng tử, biến cố ấy không có nguyên nhân theo nghĩa là nó vốn không thể tiên đoán được. Cho dù có rất nhiều thông tin có sẵn về các lực và các ảnh hưởng tác động lên hạt thì vẫn không có cách nào để cho rằng việc đến một vị trí được chỉ định trước, được xem là được ‘định sẵn’ bởi bất kỳ điều gì khác. Kết qủa cho thấy là vị trí đến của hạt hoàn toàn có tính ngẫu nhiên nội tại. Hạt chỉ nổi lên vị trí đó không nhịp điệu, không lý do.
Một số (thiểu số) các nhà vật lý không xem xét ý tưởng đó một cách nghiêm túc. Einstein bác bỏ nó bằng một bắt bẻ nổi tiếng:’ Thượng đế không chơi trò súc sắc’. Những nhà vật lý đó mong muốn rằng mỗi biến cố phải được tạo nên bởi một điều này hay điều khác ngay cả ở tầm mức hạ-nguyên tử. Điều đủ làm ngạc nhiên là, hoàn toàn có thể thực hiện một thí nghiệm để chứng minh rằng, trừ phi là các ảnh hưởng có thể di chuyển nhanh hơn ánh sáng, các hệ nguyên tử thật sự không tiên đoán được- ‘ Thượng đế ‘đang chơi trò súc sắc. Khẳng định này dường như đang có nền tảng khá vững chắc miễn sao những ý đồ phi thường của thiên nhiên không phản bác các kết qủa thực nghiệm.
Do đó, nếu người ta chấp nhận rằng những biến cố lượng tử không có nguyên nhân trực tiếp một cách riêng lẻ thì phải chăng sự tạo ra vật chất ,như là một thí dụ cổ điển, có thể được xem là không có nguyên nhân vật lý? Theo một nghĩa nào đó thì Đúng là như thế. Một hạt riêng lẻ sẽ được sinh ra đột ngột và không thể tiên đoán được vào một vị trí hay thời điểm bất kỳ. Tuy nhiên cách ứng xử của hạt tuy độc lập nhưng vẫn chịu chi phối bởi các định luật xác suất. Cho trước độ cong không gian có một độ lớn đặc biệt thì có khả năng rất cao là hạt sẽ xuất hiện trong một thể tích nhất định của không gian và trong một khoảng thời gian nào đó nhưng không bao giờ xác định. Ngược lại, dù cho xác suất cực kỳ nhỏ nhưng vẫn có cơ may nhất định cho một hạt như thế nổi lên ở một nơi nào đó trong phòng khách của bạn ngay lúc này. Trong thế giới lượng tử, những điều như thế xảy ra không hề báo trước. Sự kiện rằng xác suất để tạo nên một hạt phụ thuộc vào độ cong của không gian đã hàm ý một liên quan nhân qủa lỏng lẻo. Độ cong của không gian đã làm cho sự xuất hiện của hạt dễ xảy ra hơn. Liệu điều đó có được xem là nguyên nhân của sự xuất hiện hạt một cách chặt chẽ hay không? Đó chỉ là vấn đề ngữ nghĩa trên qui mô rộng lớn.
Giờ đây người ta có thể phản đối rằng trọng tâm của việc thảo luận liên quan đến vấn đề liệu toàn thể vũ trụ có nguyên nhân hay không chứ không phải sự tạo ra hạt electron hay chuyện nó đến một vị trí nào đó có nguyên nhân hay không. Một số nhà vật lý không ngần ngại trả lời rằng toàn thể vũ trụ cũng bị chi phối bởi những nguyên lý lượng tử, nhưng điều này lại dẫn chúng ta đến một chủ đề gây tranh cãi về Vũ trụ học lượng tử mà bản thân lý thuyết này chứa đầy những vấn đề về thống nhất nội tại (consistency). (Những thảo luận xa hơn sẽ được đề cập trong chương 16, ở đó tôi sẽ gợi ý một kịch bản lượng tử có thể giải quyết vấn đề về nguồn gốc vũ trụ). Hiện giờ, vẫn không đi ngược lại lý thuyết lượng tử chúng ta chấp nhận rằng toàn thể vũ trụ có thể được xem là có nguyên nhân và nguyên nhân đó là cái gì? Thượng đế?
Tới đây chúng ta tiến hành xem xét bước thứ hai của biện giải vũ trụ : không thể có một chuỗi vô hạn các nguyên nhân. Trách nhiệm sau cùng phải dừng ở một nơi nào đó. Những thiên hà hình thành từ những tinh vân xoáy tròn, tinh vân được cấu tạo bởi khi hydrô sơ khai, hydro lại được tạo bởi các proton và được tạo nên từ vụ nổ đầu tiên, các proton lại xuất hiện do độ cong của không gian. Sự gỉa định luôn luôn là chuỗi nguyên nhân này phải có thành phần đầu tiên. Aquinas đã viết:
Trong thế giới quan sát được thì các nguyên nhân được tìm thấy được sắp xếp thành các chuỗi. Chúng ta không bao giờ quan sát, không bao giờ có thể thấy, caí gì đó tự tạo nên chính nó vì điều đó có nghĩa là nó đã có trước nó, và điều này là bất khả. Một chuỗi nguyên nhân như thế bắt buộc phải dừng ở một chỗ nào đó vì nguyên nhân sớm hơn sẽ tạo nên nguyên nhân trung gian và nguyên nhân trung gian sẽ tạo nên nguyên nhân cuối cùng (cho dù nguyên nhân trung gian là một hay nhiều). Giờ đây nếu bạn bỏ nguyên nhân thì bạn cũng hủy hệ qủa của nó để rồi bạn không thể có nguyên nhân cuối cùng, không có nguyên nhân trung gian trừ phi bạn còn lại nguyên nhân đầu tiên. Do đó không có điểm dừng trong chuỗi nguyên nhân sẽ không có nguyên nhân đầu tiên, không có nguyên nhân trung gian và cũng chẳng có hệ qủa cuối cùng và điều này là một sai lầm công khai. Vì thế người ta buộc phải gỉa định một nguyên nhân đầu tiên nào đó và đặt tên là “Thượng đế”.(2)
Trong phần lập luận chống lại chuỗi vô hạn về nhân qủa thì cả Aquinas và Clarke đã không đưa ra những phản biện dựa trên nền tảng đó là một chuỗi vô hạn.Thật vậy, cả hai tư tưởng gia đã khai triển lập luận của họ trong khung cảnh của một vũ trụ vĩnh cửu và bằng lòng với điều đó để dẫn đến bằng chứng của sự sáng tạo nằm ở sự ‘mặc khải thần thánh’ hơn là những lập luận lý trí. Đúng hơn thì những phản bác này dường như cho rằng một chuỗi vô hạn nhân qủa chứa toàn thể vũ trụ là điều không thể có được.
Nếu chúng ta xem xét một tiến trình vô hạn…..Đơn giản là , toàn thể chuỗi hiện hữu của mọi loài không thể có nguyên nhân từ’ cái không’ bởi vì mọi thứ đã được giả định là đã và đang được chứa trong vũ trụ. Và rất đơn gỉan là, không thể có nguyên nhân về sự hiện hữu lại nằm trong chính nó vì không có sự hiện hữu nào trong chuỗi vô hạn này được gỉa định là tự hiện hữu hay nhất thiết như thế… nhưng mọi thứ phụ thuộc vào cái có trước….Như thế một tiến trình vô hạn của những hiện hữu với tính chất hoàn toàn phụ thuộc, mà không có bất kỳ một nguyên nhân ban đầu độc lập, là một chuỗi không cần thiết và không có nguyên nhân…trong chính nó hoặc từ cái không: nghĩa là, đó là một sự mâu thuẫn và bất khả thi rõ rệt.(3)
Niềm tin rằng một tiến trình vô hạn của các ‘sự hiện hữu có tính chất phụ thuộc’ là một chuỗi nhân qủa vô hạn, rất lỏng lẻo. Nó cần sự giải thích cho sự tồn tại của chính nó (sự giải thích này không thể tìm thấy khi cho rằng chuỗi đó lại bao gồm mọi thứ đang hiện hữu) và bị công kích sắc bén bởi các triết gia đặc biệt là Hume và Russell. Trong một thảo luận nổi tiếng ở BBC với cha Copleston, Russell đã minh họa quan điểm của ông như sau: ‘Mỗi người hiện hữu đều có một người mẹ…..nhưng rõ ràng là loài người thì không có một người mẹ’. Ngắn gọn là, chừng nào mà mỗi một thành phần riêng lẻ của tiến trình được gỉai thích thì, ipso facto [vì sự kiện đó mà], tiến trình được giải thích. Và vì mỗi thành phần của chuỗi có sự tồn tại nằm ở một hay nhiều thành phần trước đó nên mỗi thành phần của chuỗi vô hạn được gỉai thích. Đặt câu hỏi về nguyên nhân của toàn thể vũ trụ có một vị thế về logic khác với đặt câu hỏi về nguyên nhân của từng đối tượng riêng lẻ hay của từng biến cố trong vũ trụ.
Thật ra, chủ đề về ‘tập hợp của các tập hợp’ có tiếng là khó nắm bắt. Nếu một tập hợp được định nghĩa một cách vô thưởng vô phạt như là sự thu thập các sự vật (cụ thể hay trừu tượng) thì như Russell đã chứng tỏ bằng nghịch lý nổi tiếng của ông: một tập hợp của các tập hợp có thể không phải là một tập hợp! Này nhé, chúng ta có thể xem xét một danh mục liệt kê của tất cả cuốn sách trong thư viện là một tập hợp. Nhưng có phải chính danh mục này cũng nằm trong danh sách? Đôi khi có trường hợp đó. Hãy gọi những danh mục như thế là ‘loại I’ và những danh mục khác không bao gồm chính nó được gọi là ‘loại II’. Giờ đây hãy xem xét một danh mục chính trong thư viện trung tâm như là tập hợp của các tập hợp. Chức năng của nó là liệt kê tất cả danh mục loại II; nó là một tập hợp các danh mục. Có đủ hợp lý chăng? Thật không may là ‘không’.Tập hợp của các danh mục loại II là nghịch lý, vì chúng ta khám phá ngay khi chúng ta đặt câu hỏi, có phải danh mục chính là loại I, hay loại II? Nếu nó là loại II thì nó không được bao gồm chính nó. Nhưng danh mục chính được định nghĩa như để liệt kê tất cả các danh mục không kể chính nó (loại I I). Như vậy nó phải liệt kê chính nó và như vậy nó là loại I. Nhưng điều này không thể được vì danh mục chính chỉ liệt kê loại II, như thế nó không thể liệt kê chính nó nếu nó là loại I. Nghĩa là nó không liệt kê chính nó, vậy thì nó là loại II. Kết quả: một sự vô lý do tự mâu thuẫn.
Kết luận cuối cùng cho mọi điều này là khái niệm vũ trụ của tất cả mọi sự vật đang hiện hữu thật sự là một khái niệm tinh tế. Điều không rõ ràng là vũ trụ là một sự vật và nếu nó được định nghĩa như là tập hợp các sự vật thì nó sẽ dẫn đến nghịch lý. Những vấn nạn như thế đang chực sẵn để giăng bẫy những ai cố gắng lập luận một cách logic về sự hiện hữu của Thượng đế như là nguyên nhân của mọi sự vật.
Cho đến nay ngay cả chấp nhận lập luận rằng vũ trụ phải có nguyên nhân thì vẫn có những khó khăn về mặt logic khi gán nguyên nhân ấy cho Thượng đế vì lẽ chúng ta có thể hỏi tiếp: ‘Cái gì tạo nên Thượng đế?’ Câu trả lời thường là ‘ Thượng đế không cần nguyên nhân. Sự hiện hữu của Thượng đế là đầy đủ và nguyên nhân được tìm thấy trong chính Ngài’. Nhưng lối lập luận vũ trụ về sự tồn tại của Thượng đế lại dựa trên gỉa định rằng mọi thứ đều có nguyên nhân .Vậy mà cuối cùng lại kết thúc bằng một kết luận rằng ít nhất một thứ ( Thượng đế) lại không đòi hỏi nguyên nhân. Lối lập luận như thế có vẻ tự mâu thuẫn. Hơn nữa, nếu người ta được chuẩn bị để thừa nhận rằng một cái gì đó-Thượng đế- có thể tồn tại không cần một nguyên nhân bên ngoài thì tại sao lại phải theo cái chuỗi qúa dài ấy? Tại sao vũ trụ lại không thể tồn tại mà không cần một nguyên nhân bên ngoài? Phải chăng gỉa định rằng vũ trụ tự là nguyên nhân của chính nó đáng hoài nghi hơn gỉa định Thượng đế tự là nguyên nhân của chính mình?
Nếu chúng ta dừng lại, và không đi xa hơn (Thượng đế), tại sao phải đi qúa xa?Tại sao không dừng lại ngay cái thế giới vật chất này?....Bằng việc gỉa định nó chứa những nguyên lý về trật tự trong chính nó thì chúng ta đã thực sự khẳng định nó [thế giới vật chất] chính là Thượng đế.(4)
Đoạn trích của Hume này gợi nhắc đến niềm tin mênh mang của rất nhiều nhà khoa học rằng :” Thượng đế là thiên nhiên” hay “ Thượng đế chính là vũ trụ”
Tuy nhiên, có lẽ sự phản bác quan trọng nhất đối với phiên bản nhân qủa của lối lập luận thần học về vũ trụ chính là sự kiện: nguyên nhân và hậu qủa chỉ là những khái niệm dính chặt với ý niệm về thời gian. Cho đến nay như chúng ta đã biết ,ngành vũ trụ học hiện đại đề xuất rằng sự xuất hiện của vũ trụ có liên quan đến sự xuất hiện của chính thời gian. Thường thường chúng ta chấp nhận rằng nguyên nhân luôn luôn đi trước hậu qủa về thời gian chẳng hạn như cái đích bị vỡ tan sau khi súng nổ. Trong trường hợp đó, nếu hành động sáng tạo có liên quan đến việc sáng tạo ra chính thời gian, thì thật là vô nghĩa khi nói về việc Thượng đế tạo ra vũ trụ theo nghĩa nhân qủa thông thường. Nếu không có “ lúc trước” thì không thể có nguyên nhân ( theo nghĩa thông thường) của Bigbang theo nghĩa tự nhiên cũng như siêu nhiên.
Quan điểm này dường như đã được tán thưởng nhiệt liệt bởi St. Augustine (354-430) khi ông chế nhạo ý tưởng cho rằng Thượng đế chờ một thời gian vô hạn và rồi quyết định tạo ra vũ trụ vào một thời điểm thuận tiện.’ Thế giới và thời gian có cùng điểm khởi đầu’ Ông ta đã viết như thế. ‘ Thế giới được làm nên không phải theo thời gian mà đồng thời với thời gian’ (5) Đó là một dự đoán xuất sắc của ngành khoa học vũ trụ hiện đại khi xem xét những ý tưởng hoàn toàn sai lầm về không gian và thời gian trong thời đại của Augustine.
Dù vậy ,cũng nên tò mò một chút về lối diễn giải của Sáng Thế Ký (Genesis) mà sau này nó bị thách thức khi giáo hội Thiên chúa giáo chịu ảnh hưởng của truyền thống Hy lạp cổ vào thế kỷ 13. Trong cuộc tranh luận sau đó, Hội đồng Giáo hội lần thứ tư (1215) đã bác bỏ triết lý của Aristote về một vũ trụ vô hạn tuổi và nhấn mạnh rằng, như một chương về đức tin của người Thiên chúa giáo, vũ trụ đã có điểm khởi đầu trong thời gian .Vậy mà ngay cả ngày nay các nhà thần học vẫn chia ra làm nhiều phe phái đối với lối diễn giải trong Sáng Thế Ký.
Việc mặc nhiên công nhận một Thượng đế siêu việt thời gian mặc dù có thể làm cho ông ta có thể đến ‘ nơi này và ngay bây giờ’ nhưng nó cũng tạo nên vấn đề . Đó là vì rất nhiều những tính chất mà con người đã gán cho Thượng đế chỉ có ý nghĩa trong khung thời gian. Có chắc là Thượng đế có thể lên kế hoạch, trả lời các người cầu nguyện, diễn tả niềm hài lòng hay lo âu về tiến triển của con người và rồi sau này ngồi phán xét? Phải chăng ông ta vẫn liên tục hoạt động trong thế giới, làm việc, ‘cho dầu trơn vào bánh răng của guồng máy vũ trụ’ vân vân…..Tất cả những hoạt động đó đều không có nghĩa ngoại trừ trong một khung thời gian. Làm thế nào Thượng đế lại có thể lên kế hoạchtác động nếu không có thời gian [giữa hai hành động đó]? Nếu Thượng đế siêu việt thời gian và biết được tương lai thì tại sao ông ta lại quan tâm đến tiến triển của nhân loại hay là cuộc đấu tranh chống cái ác? Vì tất cả kết qủa đã được Thượng đế nhận biết! ( Chúng ta sẽ quay lại chủ đề này trong chương 9).
Thật vậy, cái ý tưởng về Thượng đế tạo ra vũ trụ, như chúng ta đã thấy, là một tác động chỉ xảy ra trong thời gian. Khi giảng về Vũ trụ học, tôi luôn luôn được hỏi rằng cái gì xảy ra trước Bigbang. Câu trả lời là, không có cái ‘trước’ vì Bigbang cũng biểu thị cho sự khởi đầu của chính thời gian. Câu trả lời này luôn luôn bị ngờ vực- ‘ phải có một cái gì đó tạo ra nó’. Nhưng nguyên nhân và hệ qủa là những khái niệm gắn với thời gian và chúng không thể được dùng cho một trạng thái mà trong đó thời gian không tồn tại. Câu hỏi như thế là vô nghĩa.
Nếu thời gian thật sự có điểm khởi đầu thì bất kỳ nỗ lực nào nhằm giải thích về nguyên nhân của nó đều phải viện dẫn đến một khái niệm rộng rãi hơn về nguyên nhân so với khái niệm quen thuộc với chúng ta trong đời thường. Một khả năng là nới lỏng yêu cầu rằng nguyên nhân luôn luôn đi trước hệ qủa. Có thể nào để tạo nên các hệ qủa có trước thì nguyên nhân phải tác động ngược chiều thời gian? Dĩ nhiên, ý tưởng thay đổi qúa khứ có qúa nhiều nghịch lý. Gỉa sử rằng liệu bạn có thể gây ảnh hưởng đến những biến cố của thế kỷ 19 theo một cách nào đó để bạn không được sinh ra, chẳng hạn như vậy? Tuy thế đã có một số những lý thuyết trong Vật lý hiện đại liên quan đến cái ‘nguyên nhân tác động ngược’ này. Những hạt theo giả thuyết chuyển động nhanh hơn vận tốc ánh sáng (thường được gọi là Tachyon) có thể hoàn tất việc này. Để tránh nghịch lý, người ta phải gỉa định rằng kết nối giữa nguyên nhân-hệ qủa rất lỏng lẻo và không kiểm soát được hay nó rất sự đa dạng và vi tế. Như chúng ta sẽ thấy, lý thuyết lượng tử đòi hỏi một kiểu nhân qủa ngược chiều như thế vì lẽ sự quan sát được thực hiện ngày nay có thể góp phần vào việc xây dựng một thực tế trong qúa khứ xa xăm. Quan điểm này được nhấn mạnh bởi nhà Vật lý học John Wheeler : ’ Các nguyên lý lượng tử chứng tỏ rằng có một ý nghĩa nào đó trong đó cái mà người quan sát sẽ làm trong tương lai, lại định nghĩa cái đang làm trong qúa khứ- ngay cả trong một qúa khứ xa xăm mà sự sống chưa hiện hữu.’(6)
Wheeler đưa vào ở đây cái tâm tưởng (mind) (‘của người quan sát’) một cách sâu sắc, vì thật ra người ta bắt buộc phải làm trong lý thuyết lượng tử, và cũng đưa vào dính mắc giữa sự tồn tại của tâm tưởng vào một giai đoạn rộng hơn trong sự tiến hóa của vũ trụ với sự sáng tạo ban đầu của vũ trụ:
Phải chăng cái cơ chế hiện hữu của vũ trụ là vô nghĩa hay không hoạt động hay cả hai trừ phi vũ trụ được bảo đảm để tạo nên sự sống, ý thức và sự quan sát ở nơi nào đó và trong một khoảng thời gian ngắn ngủi nào đó trong lịch sử hình thành của nó?(7)
Wheeler hy vọng rằng chúng ta có thể khám phá, trong khung cảnh của Vật lý, một nguyên lý cho phép vũ trụ sinh ra với ‘sự phù hợp của chính nó’. Trong sự tìm kiếm một lý thuyết như thế, ông nhận xét:’ không có nguyên lý dẫn đường nào có vẻ mạnh mẽ hơn yêu cầu là nó phải cung ứng cho vũ trụ cách thức để được tạo ra(8) .Wheeler đã ví vũ trụ ‘tự tạo nên’ với dòng điện ‘tự kích thích’ trong điện học.
Giờ đây, ngay cả nếu như có thể tìm được một nguyên nhân cho sự tạo nên không -thời gian từ một hoạt động tự nhiên nào đó sau này (có thể là tâm tưởng hay vật chất) thì cũng rất khó mà thấy được làm thế nào mà sự sáng tạo từ ‘cái không có gì’ có thể xảy ra một cách tự nhiên. Vẫn cần phải là “vật liệu thô” cho tâm tưởng hay bất kỳ cái gì đi vào hoạt động khi đi ngược về qúa khứ. Wheeler đề nghị rằng không gian và thời gian thật ra là những cấu trúc tổng hợp- chúng được tạo nên từ những thành phần ‘bit’ mà ông ta gọi là yếu tố ‘tiền không gian’ (pregeometry). Nhiều nhà Vật lý khác lại đề nghị rằng không gian và thời gian không phải là những khái niệm cơ bản mà chỉ là những khái niệm gần đúng giống như vật chất có vẻ liên tục nhưng thực ra lại được xây dựng từ các nguyên tử. Vì thế, không-thời gian có thể được xây dựng bởi các thực thể sơ khởi và trừu tượng hơn. Điều này có thể là kết qủa của nỗ lực tìm kiếm một lý thuyết lượng tử về lực hấp dẫn ( hấp dẫn chỉ thuần túy là hình học của không thời gian). Trong một điều kiện cực kỳ đặc biệt nào đó, chẳng hạn như vào lúc khởi đầu Bigbang, không thời gian có thể ‘tách ra’ và phô bày những thành phần nội tại. Diễn tả điều này theo ngôn ngữ tượng hình thì Bigbang có thể xem là biến cố trong đó các ‘ bánh răng’ nhập khớp vào nhau và sắp xếp thành cái không-thời gian liên tục một cách biểu kiến. Theo cái nhìn này thì Bigbang là sự khởi đầu của không gian, thời gian và vật chất nhưng không phải là các giới hạn của vật lý. Xa khỏi Bigbang ( không phải ‘trước’ vì không có cái ‘trước’ ) thì các ‘bánh răng’ nằm tách biệt. Chúng là các thực thể vật lý nhưng không nằm trong không gian hay thời gian.
Trước khi rời chủ đề về sự sáng tạo và liệu có ý nghĩa hay không khi hỏi rẳng có phải nó đã được tạo nên bởi cái gì đó thì chúng ta phải xem xét khả năng rằng câu trả lời có thể là “có”, nhưng cái gì đó có thể không phải là Thượng đế. Như đã nhấn mạnh, vế thứ hai của những lập luận thần học về vũ trụ tìm kiếm sự thiết lập một Thượng đế sáng tạo vũ trụ. Tuy nhiên, những khám phá của Vật lý hiện đại đã mở ra những khả năng mới mà những người ủng hộ cho lập luận thần học đó không bao giờ mơ tưởng đến.
Trong chương trước chúng ta đã giải thích rằng sự tạo nên vật chất đã được xác định thích hợp trong một không gian gĩan nở (độ cong của không gian). Hơn thế nữa, dường như không có giới hạn cho một tính chất đàn hồi của không gian. Vùng nhỏ nhất có thể nới rộng ra cái vô hạn. Vào thời điểm một phần tỷ giây sau sự tạo nên vũ trụ được quan sát hiện nay ( tất cả thể tích cỡ hàng tỷ, tỷ, tỷ năm ánh sáng -khối đã co rút thành một thể tích của hệ mặt trời. Vào thời điểm trước đó nó còn nhỏ hơn nữa. Do vậy, không gian có thể phát triển từ cái không –có gì và vật chất cũng xuất hiện từ không gian. Tuy nhiên, người ta cảm thấy một cái gì đó ắt hẳn là khởi đầu từ một đốm vô cùng nhỏ của không gian đang trong lộ trình giãn nở vì nổ tung. Đó chính là nơi chúng ta đi trở về những kỳ dị, nhân qủa, vân vân….
Tuy nhiên vẫn có một cách giải thích khác cho vũ trụ của không gian và vật chất. Điều này có thể được sao chép, nói thô thiển là ‘vũ trụ copy’. Nó được mô tả tốt nhất bằng phép tương tự. Vì không gian có tính đàn hồi, hãy tưởng tượng nó được biểu thị bởi một màng cao su. ( Tấm màng này chỉ có hai chiều trong khi không gian là 3 chiều. Đây chỉ là một thiếu sót mang tính khái niệm nhưng vẫn có gía trị về mặt logic. Những gì sắp được mô tả vẫn có gía trị trong không gian 3 chiều nhưng không thể hình dung nó trong trường hợp đó.)
Hình 5 chỉ cho thấy một chuỗi giai đoạn. Đầu tiên , một cái bướu được tạo nên trên tấm màng cao su. Rồi cái bướu phồng lên trong lúc tạo nên một cái ‘cổ’ rất hẹp nối nó với tấm cao su. Cái bướu có hình dạng của trái banh. Bây giờ, cho phép cái cổ co rút lại cho đến khi tấm cao su chỉ còn hoàn toàn tiếp xúc với trái banh. Cuối cùng, cắt cái cổ để giải phóng trái banh và cho phép cái cổ tự lành vết trong tấm cao su liên tục lần nữa. Tấm cao su đã tạo nên trái banh hoàn toàn độc lập và tách rời . Trái banh lại có thể giãn nở đến vô tận. Nếu mong muốn thì trái banh mới này lại có thể tự sử dụng chính nó để tạo nên những trái banh khác.
 
NgAustin04

Hình 5: tính chất đàn hồi của không gian được gợi ý bởi lý thuyết Tương Đối Tổng Quát của Einstein cho phép sự phát triển và tách biệt của một “ vũ trụ con” (bong bong) từ một “vũ trụ mẹ’ (tấm cao su). Sự thay đổi về mặt tôpô được đề nghị trong một số lý thuyết gần đây nhưng vẫn chưa được hiểu hoàn toàn.
Nếu chúng ta xem xét vũ trụ của chúng ta- tất cả những không gian mà chúng ta có thể tiếp cận một cách vật lý- như là một “trái banh mới” thì đây chắc chắn là trường hợp vũ trụ không luôn luôn tồn tại: nó được tạo ra. Tuy nhiên, kẻ sáng tạo ra nó vẫn có thể được tìm thấy trong khuôn khổ của những qúa trình vật lý, cụ thể đó là một cơ chế sáng tạo với nguồn gốc của nó nằm trong ‘tấm cao su mẹ”. Tấm màng đó hiện nay chúng ta chưa thể tiếp cận được. Nó xa khỏi không- thời gian của chúng ta và như thế chúng ta vẫn không tìm thấy nguyên nhân nào về sự hiện hữu của nó trong phạm vi vũ trụ của chúng ta nên Thượng đế vẫn chưa can dự vào.
Nét chính nổi bật từ ý tưởng này là cái mà vẫn thường được xem là “vũ trụ”, thật ra có thể chỉ là một mảnh rời rạc của không thời gian. Có thể có nhiều, ngay cả là vô tận, những vũ trụ khác nhưng tất cả đều không được tiếp cận từ những vũ trụ khác. Với định nghĩa “vũ trụ’ thì sự giải thích về vũ trụ của chúng ta không nằm trong chính nó- nó nằm ngoài xa. Nó không dính líu gì tới Thượng đế mà chỉ liên hệ với không thời gian và cơ chế vật lý khá kỳ lạ mà thôi.
Một cơ chế như thế đã được đề nghị gần đây trong một số nghiên cứu về mặt lý thuyết (9). Dưới một nhiệt độ cực kỳ cao có thể quan niệm rằng không gian trở nên không bền để “sinh sản” những “trái banh” khác theo cách này. Người ta còn có thể xem xét đến một tập thể các tiến bộ kỹ thuật đủ sức để cân nhắc việc tạo nên các vũ trụ mới. Tuy nhiên những người theo chủ nghĩa truyền thống chắc chắn sẽ phản bác rằng gỉa thiết về sự sáng tạo theo cách thức này chỉ chứa một sự gỉai thích giả mạo vì nó vẫn chưa gỉải thích cho cái toàn thể “ tấm cao su và bong bong”. Đúng như thế, nhưng đây chỉ là ví dụ minh họa rằng mọi thứ chúng ta có thể quan niệm ,về nguyên tắc, vẫn được tạo ra bởi các nguyên nhân tự nhiên vào một thời gian nào đó và rằng, cái gì (nếu có) nằm ngoài tất cả không- thời gian của chúng ta cũng không thể hoàn toàn là siêu nhiên.
Sự phân tích này đã góp phần được điều gì cho sự tìm kiếm của chúng ta về Thượng đế như là kẻ sáng tạo ? Lập luận cho rằng phải có nguyên nhân đầu tiên cho mọi thứ đã mở ra những nghi vấn nghiêm trọng chừng nào mà chúng ta còn gắn chặt với bất kỳ khái niệm đơn giản nào về nguyên nhân, bất kể là vũ trụ có vô hạn tuổi hay có sự khởi đầu của thời gian. Những cơ chế nhân qủa kỳ lạ, chẳng hạn như tính nhân qủa đảo ngược hay những qúa trình lượng tử về tinh thần có thể lấy đi sự cần thiết của một nguyên nhân đầu tiên của sáng tạo. Tuy vậy, người ta vẫn còn lại những cảm giác không dễ chịu. Nhà thần học Richard Swinburne đã viết:
Sẽ là một sai lầm khi gỉa định rằng nếu vũ trụ này có vô hạn tuổi và mỗi trạng thái của vũ trụ vào một thời điểm được giải thích hoàn toàn bởi những trạng thái trước của vũ trụ và các định luật tự nhiên (và như thế Thượng đế không được viện dẫn)và rằng sự hiện hữu của vũ trụ qua thời gian vô hạn được giải thích đầy đủ hay hoàn toàn. Không có sự giải thích này cũng không có sự giải thích kia. Nó hoàn toàn là không giải thích được. (10)
Để minh họa quan điểm này, hãy gỉa sử rằng những con ngựa luôn luôn hiện hữu. Sự hiện hữu của mỗi con ngựa có thể được gỉai thích một cách nhân qủa bởi sự hiện hữu của cha mẹ nó. Nhưng chúng ta vẫn chưa giải thích được tại sao lại có tất cả con ngựa- tại sao lại có những con ngựa mà đúng hơn là không có chúng hay đúng hơn là chỉ có loài độc sừng chẳng hạn. Dù chúng ta có khả năng tìm ra mọi nguyên nhân cho mọi biến cố ( không chắc chắn về phương diện các hiệu ứng lượng tử) nhưng chúng ta vẫn còn cái bí ẩn về lý do tại sao vũ trụ lại có được cái tự nhiên mà nó đang có, hay cơ bản hơn là tại sao lại có một vũ trụ.


Phụ chú:
  Samuel Clarke khai triển phiên bản về những lập luận thần học về vũ trụ trong các bài giảng Boyle năm 1704, sau đó được ấn bản dưới tựa “ A Demonstration of the being and Attributes of God” cùng với các bài giảng khác vào năm 1905 ,những bài giảng này được in lại như “A Discourse Concerning the Being and Attributes of God, the Obligations of Natural Religion, and the Truth and Certainty of the Christian revelation ( John and Paul Knapton;London,1738, nine edtion)
  Aquinas, Summa Theologiae (ed T.Gilby; Eyre& Spottiswoode 1964)
  Clark,op,cit pp 12-13
  D.Hume, ‘Dialogues Concerning Natural Religion (ed H.D.Aiken;Hafner 1969; first published 1779).Part IV.
  St.Augustine of Hippo, ‘On the beginning of time” ,“The City of God” (trans.M.Dods;Hafner 1948).
  J.A.Wheeler, “Genesis and observershipFoundational Problems in the Special Sciences (eds R.E.Butts and K.J.Hintikka;Reidel 1977).
  Ibid
  J.A.Wheeler, “Beyond the black hole”, “Some Strangeness in the Proportion” (ed.H.Woolf; Addison-Wesley 1980)
  A so-called ‘bubble cosmology’ has been proposed by J.R.Gott III in Nature 295,304 (1982)
  R.Swinburne, The Existence of God (Oxford: Clarendon Press 1979) p .122