Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Có Phải Thượng Đế Đã Tạo Nên Vũ Trụ?


Chapter 3: Có Phải Thượng Đế Đã Tạo Nên Vũ Trụ?
Nguyễn Austin chuyển ngữ từ
- The Newyork Times Notable Book Of The Year
God And The New Physics-
Paul Davies
đăng 10 tháng 4, 2011



'Tôi muốn biết Thượng đế đã tạo nên thế giới này như thế nào.’ - Einstein
‘Tôi không cần đến giả thiết này’ - Pierre Laplace trả lời Napoleon Bonaparte


Các nhà vũ trụ học đã tìm thấy Thượng đế!’ như đã được công bố mới đây nơi những hàng tiêu đề lớn của một tờ báo định kỳ nổi tiếng. Chủ đề của bài báo này là Vụ nổ lớn Big Bang và những tiến bộ mới đây trong kiến thức của chúng ta về những thời kỳ đầu tiên của vũ trụ. Trong giới báo chí phổ thông thì sự kiện sáng tạo chính nó đã được xem là đủ thẩm quyền để tiết lộ sự hiện hữu của Thượng đế. Nhưng khi nói Thượng đế đã gây ra sự sáng tạo thì điều đó thực sự có nghĩa như thế nào? Có thể nào quan niệm về sự sáng tạo mà không có Thượng đế hay không? Có phải Vũ trụ học hiện đại đã phô bày một cách không tránh né những giới hạn của một vũ trụ vật lý và bắt buộc chúng ta phải viện dẫn đến những lý do siêu nhiên?
Thuật ngữ ‘sáng tạo’ rất đa dạng về ý nghĩa và điều rất quan trọng là phải giữ sự phân biệt minh bạch giữa những ý nghĩa đó. Sự sáng tạo vũ trụ có thể có nghĩa là một hình thái có tổ chức đột ngột của vật chất đi từ hình thái hỗn loạn nguyên thủy , thiếu cấu trúc cho đến những trật tự phức hợp và những hoạt động vi tế được quan sát hiện nay. Nó có thể hiểu là sự tạo nên vật chất từ khoảng không trống rỗng tầm thường hay được hiểu là sự xuất hiện đột ngột của toàn bộ thế giới vật chất bao gồm không gian, thời gian từ cái hoàn toàn không-có-gì. Cũng có những vấn đề riêng biệt về sự sáng tạo ra cuộc sống và chính con người mà chúng ta sẽ đề cập sau này.
Phiên bản về sự sáng tạo của vũ trụ ‘trong ngày đầu tiên’ rất mơ hồ về những gì có liên quan đến nó. Hiện nay có hai cách giải thích về sự sáng tạo ,nhưng chẳng có lối giải thích nào đề cập một cách tường minh rằng vật chất mà từ đó các ngôi sao, hành tinh, trái đất và thân thể chúng ta được tạo nên, đã hiện hữu trước biến cố sáng tạo. Niềm tin rằng Thượng đế đã tạo nên chất liệu của vũ trụ từ cái không-có-gì là một phần giáo lý lâu đời của Thiên chúa giáo. Qủa thật là niềm tin này dường như phải được bổ sung bởi gỉa định về sự toàn năng của Thượng đế vì vật chất rất thô sơ mà nếu Thượng đế không tạo nên được vật chất thì điều đó hàm ý rằng khả năng của ông ta có giới hạn.
Trước thế kỷ này các nhà khoa học và thần học đều gỉa định giống nhau rằng vật chất không thể được tạo ra (hoặc hủy diệt) bằng các phương tiện có trong thiên nhiên. Dĩ nhiên, hình thái của vật chất có thể thay đổi chẳng hạn như trong các phản ứng hóa học nhưng lượng vật chất thì vẫn không đổi mà chưa có một ngoại lệ nào. Đối diện với vấn đề về nguồn gốc của vật chất các nhà khoa học có xu hướng tin rằng vũ trụ có vô hạn tuổi và như thế sẽ tránh được sự sáng tạo cần thiết. Trong một vũ trụ vĩnh cửu vật chất có thể tồn tại mãi mãi và như thế vấn đề nguồn gốc của nó sẽ không còn cần thiết.
Niềm tin rằng vật chất không thể được tạo ra bằng các phương tiện tự nhiên đã sụp đổ thảm hại vào những năm 1930 khi vật chất lần đầu tiên được tạo nên trong phòng thí nghiệm. Những biến cố dẫn đến sự khám phá này cung cấp một thí dụ cổ điển của vật lý hiện đại một cách tốt nhất.
Câu chuyện này bắt đầu vào năm 1905 từ Einstein cũng như từ nhiều người khác. Phương trình nổi tiếng của ông ta: E=mc2 là hiện thân tóan học của một khẳng định, rằng khối lượng và năng lượng là tương đương: khối lượng mang năng lượng và năng lượng có khối lượng. Khối lượng là lượng phẩm của vật chất: khối lượng của thân thể cho bạn biết có bao nhiêu vật chất chứa trong đó. Khối lượng lớn có nghĩa là nặng nề và chậm chạp, khối lượng nhỏ có nghĩa là nhẹ nhàng và nhanh nhạy. Sự kiện khối lượng tương đương với năng lượng theo một ý nghĩa nào đó có nghĩa là khối lượng là năng lượng bị “giam giữ”. Nếu được giải phóng theo một cách nào đó thì vật chất sẽ biến mất giữa sự bùng phát của năng lượng. Ngược lại, bằng cách nào đó nếu năng lượng đủ tập trung thì vật chất sẽ xuất hiện.
Trong quan niệm khởi đầu , phương trình Einstein chỉ là phó phẩm của Lý thuyết Tương Đối và nó chỉ liên quan đến tính chất của những vật chuyển động với vận tốc cực nhanh gần bằng vận tốc ánh sáng. Theo lý thuyết thì năng lượng của chuyển động phải làm cho vật trở nên nặng hơn (tăng khối lượng). Hiệu qủa này không đáng kể ở những vận tốc thông thường vì một khối lượng rất nhỏ tương ứng với một lượng năng lượng rất lớn. Chẳng hạn như một gam vật chất tương đương với một triệu đô la theo gía hiện hành.Tuy nhiên những máy gia tốc về các hạt cơ bản hiện đại có thể tăng tốc các hạt điện tử và proton suýt soát vận tốc ánh sáng mà ở đó khối lượng của chúng được quan sát đã tăng lên hàng chục lần.
Dĩ nhiên khối lượng tăng theo vận tốc không có nghĩa là sự sáng tạo vật chất. Đúng hơn nó chỉ liên quan đến vật chất được tăng trọng nhưng đã hiện hữu từ trước. Khả năng của một hạt vật chất mới, được sản sinh nằm ngoài sự tập trung của năng lượng chỉ nổi lên với giai đoạn xem xét về mặt tóan học của Paul Dirac vào khoảng 1930. Dirac đã nổ lực hoà hợp lý thuyết tương đối của Einstein cùng công thức E = mc2 với những cuộc cách mạng quan trọng khác trong vật lý thế kỷ 20 quan tâm đến ứng xử của vật chất ở tầm mức nguyên tử và hạ nguyên tử. Một lý thuyết lượng tử tương đối tính cần thiết để mô tả các hạt hạ nguyên tử chuyển động gần vận tốc ánh sáng chẳng hạn như các qúa trình xảy ra trong sự phóng xạ năng lượng hạt nhân.
Theo sự phân tích tóan học , Dirac đã đề nghị một phương trình mới nhằm mô tả vật chất ở tầm mức nguyên tử có tốc độ cao. Phương trình này là một sự thành công tức thời vì nó đã giải thích một tính chất kỳ ảo của electron cho đến giờ vẫn là được biết đến, cụ thể là chúng quay tròn theo một cách thức hoàn toàn kỳ lạ, xung khắc với cảm nhận chung và hình học cơ bản. Nói một cách thô thiển, mỗi electron phải quay quanh hai lần trước khi nó trở lại bề mặt ban đầu. Phương trình này cung cấp một thí dụ điển hình khác về việc làm thế nào toán học có thể thay thế trưc giác trong thế giới trừu tượng của vật lý.
Tuy nhiên, phương trình Dirac đã có một khía cạnh đáng ngạc nhiên. Các nghiệm của nó mô tả một cách chính xác ứng xử của các electron thông thường, nhưng với mỗi nghiệm như thế lại tồn tại một nghiệm liên hợp khác. Nghiệm này lại có vẻ không tương ứng với bất kỳ cái gì đã được biết đến trong vũ trụ. Với một chút tưởng tượng ,người ta vẫn có thể nghĩ đến những loại hạt chưa biết đến. Về khối lượng và spin (độ lớn), chúng hoàn toàn giống như các electron thông thường nhưng trong khi các electron mang điện tích âm thì những hạt này lại mang điện tích dương. Một số tính chất khác chẳng hạn như spin (chiều) thì lại ngược lại, đã làm cho những loại hạt mới này như là hình ảnh trong gương của các electron.
Sự tiên đóan của Dirac lại còn ngoạn mục hơn nữa, rằng nếu có năng lượng đủ lớn để có thể tập trung thì một trong các hạt ‘phản electron ‘ này có thể xuất hiện ở nơi mà trước đó không có gì tồn tại. Để cho điện tích được bảo toàn, biến cố này phải được đi kèm bởi sự xuất hiện đồng thời của một electron. Theo cách này thì năng lượng có thể được dùng một cách trực tiếp để tạo ra vật chất trong hình thức của một cặp electron -phản electron.
Vào khoảng thời gian này (1930), nhà vật lý C.Y.Chao đang thí nghiệm về năng suất xuyên thấu của tia gamma (photon ánh sáng mang năng lượng cao) trong các loại vật chất nặng như chì. Ông ta nhận thấy rằng những tia gamma mang năng lượng lớn nhất lại bị yếu đi một cách đáng kể theo cách thức rất lạ. Nguyên nhân của sự hấp thụ bổ sung của các tia này là một bí mật đối với Chao. Ngày nay chúng ta biết rằng điều đó là do sự sinh cặp electron-phản electron.
Thế rồi, vào năm 1933, khi Carl Anderson nghiên cứu về sự hấp thụ của các tia vũ trụ-những hạt mang năng lượng rất lớn từ không gian- bởi các tấm kim loại ông ta đã phát hiện lần đầu tiên sự xuất hiện rõ ràng của các ‘phản electron’ của Dirac. Vật chất đã được tạo ra trong các thí nghiệm được kiểm soát trong phòng thí nghiệm. Các tính chất được mong đợi của loại hạt mới nhanh chóng được kiểm chứng và Dirac cùng Anderson chia nhau giải Nobel cho sự tiên đóan và phát hiện xuất sắc ra loại hạt này.
Những năm sau đó, việc tạo nên các electron và phản electron (thường được gọi là positron ) trở nên phổ biến trong một loạt qúa trình trong phòng thí nghiệm. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai sự phát triển của các máy tăng tốc cho các loại hạt hạ nguyên tử cũng đã có thể tạo nên một số loại hạt khác theo cách thức có kiểm soát. Các hạt phản proton, phản neutron đã được tạo nên. Ngày nay ,các hạt positron và phản proton đả được tạo nên với số lớn và được giữ trong các “chai từ tính”. Tựu trung lại, các phản hạt được gọi chung là phản vật chất và ngày nay nó được tạo nên thường xuyên trong các phòng thí nghiệm Vật lý.
Được trang bị bởi các sự kiện này, cách thức giải thích một cách tự nhiên về nguồn gốc của mọi vật chất dường như đã được mở ra. Trong thời kỳ BigBang, một năng lượng cực lớn đã có sẵn cho việc tạo nên một lượng lớn vật chất và phản vật chất. Cuối cùng, khi bị lạnh đi nhiều, những vật chất này có thể đã hội tụ thành các ngôi sao và hành tinh. Nhưng thật không may cho ý tưởng đơn giản đó, đã có những trở ngại bất ngờ xuất hiện: khi vật chất gặp phản vật chất thì cả hai phải tiêu hủy lẫn nhau và phóng thích một năng lượng mạnh mẽ. Đó là qúa trình ngược của quá trình tạo nên vật chất.
Như thế thì một vũ trụ chứa hỗn hợp vật chất -phản vật chất sẽ bất ổn định dữ dội. Một số những giới hạn chặt chẽ có thể áp đặt lên một lượng phản vật chất, nhưng đó là một lượng không đáng kể. Như thế thì tất cả các phản vật chất đã biến đi đâu? Trong phòng thí nghiệm, mỗi hạt được tạo ra luôn đi kèm theo một phản hạt. Do đó chúng ta có thể trông đợi rằng vũ trụ là một hỗn hợp 50-50. Nhưng những quan sát thực nghiệm đã loại bỏ điều này. Một số các nhà Vật lý vũ trụ đã thử giải thích vấn nạn này bằng cách gỉa thiết rằng bằng cách nào đó vật chất và phản vật chất đã tự thu xếp để tách ra thành những khu vực rộng lớn mà ở đó một trong hai loại hạt và phản hạt sẽ chiếm ưu thế. Có thể toàn bộ thiên hà nào đó được tạo nên bởi phản vật chất và những thiên hà khác lại được tạo nên bởi vật chất. Tuy nhiên, không có một cơ chế nào cho sự tách biệt này được đề nghị và lý thuyết về vũ trụ đối xứng [giữa vật chất và phản vật chất: người dịch] đã rơi vào sự thất sủng.
Như vậy, các nhà khoa học nào đã nhấn mạnh rằng BigBang là một sự Sáng tạo sẽ phải đối mặt với nhu cầu gỉa tạo, bất chấp đến các định luật vật lý là sự gỉa định rằng một qúa trình siêu nhiên nào đó đã bơm vật chất vào vũ trụ không có phản vật chất. Những viện cớ mơ hồ về điều “ tất cả các định luật dù sao cũng đều bị phá vỡ tại điểm dị thường” chẳng làm dịu đi cái cảm giác không thoải mái về cách giải thích này.
Tuy nhiên, rất gần đây một lối thoát khả dĩ cho vấn nạn này đã xuất hiện. Mặc dù trong những điều kiện của phòng thí nghiệm thì sự tạo ra vật chất và phản vật chất luôn luôn đối xứng, nhưng dưới nhiệt độ cực kỳ cao của Bigbang thì một sự vượt trội nhẹ của vật chất là khả dĩ được phép. Ý tưởng này là hệ qủa của một chương trinh về lý thuyết nhằm tìm cách cung cấp một sự mô tả thống nhất về bản chất của bốn loại lực (chủ đề này sẽ được bàn luận trong chương 11). Theo những tính toán về lý thuyết, ở nhiệt độ hàng tỷ,tỷ, tỷ độ có thể đạt tới chỉ trong một phần tỷ ,tỷ, tỷ của một giây thì đối với một tỷ phản-proton sẽ có một tỷ và một proton được tạo nên. Tương tự như thế số electron sẽ hơn số positron là 1 trong một tỷ hạt.
Một sự vượt trội như thế dù là nhỏ nhưng có ý nghĩa quan trọng. Trong chuỗi hủy diệt tiếp theo đó, một tỷ cặp proton và phản-proton sẽ biến mất chỉ còn lại proton riêng lẻ sống sót cùng với electron đơn lẻ. Những hạt còn sót lại này- gần như là một ý định muộn màng của tự nhiên-đã trở thành vật liệu mà sau cùng hình thành nên tất cả thiên hà, ngôi sao, hành tinh- và chúng ta. Theo lý thuyết này thì vũ trụ của chúng ta được dựng nên bởi phần cặn dư vật chất còn sống sót như là di tích của phút giây hiện hữu đầu tiên không thể nghĩ bàn.
Cũng như mọi lý thuyết khả tín khác, các nhà vật lý tìm thấy lời giải thích này về nguồn gốc của vật chất là thuyết phục. Nhưng tìm đâu cho được những chứng cứ mạnh mẽ?
Có hai kết qủa khả dĩ có tính khẳng định. Kết qủa thứ nhất liên quan đến sự hủy diệt toàn phần của hàng tỷ các cặp hạt-phản hạt đi kèm với mỗi hạt vượt trội ngay từ lúc khởi đầu. Năng lượng tạo ra từ sự hủy cặp này cũng phải sống sót và được gỉa định dưới dạng nhiệt. Nhưng như đã được đề cập trong chương trước thì vũ trụ thực sự được ngâm trong bức xạ nhiệt còn sót lại từ Bigbang. Vấn đề đơn giản là tính tổng cộng năng lượng nhiệt cho mỗi nguyên tử sống sót để xem những con số có đúng với phép tính (một trong một tỷ) hay không. Những con số đó ăn khớp! hay ít nhất là phù hợp với những mô hình hợp lý. Do đó không chỉ nguồn gốc của vật chất được gỉai thích bởi lý thuyết này mà nó còn tính toán được nhiệt độ chính xác của vũ trụ. Đó là một công trình đáng chú ý.
Lý thuyết tiên đóan được sự vượt trội rất nhỏ của sự sản sinh ra vật chất cũng tiên đoán được sự hủy diệt đồng thời rất nhỏ của vật chất bởi cùng một cơ chế. Theo lý thuyết này thì trải qua một thời gian rất lâu proton sẽ phân hủy thành positron. Hạt này [positron]sẽ tiếp tục biến mất cùng với electron [qúa trình hủy cặp].Theo cách thức này thì vật chất cuối cùng sẽ biến mất. Tuy nhiên, thời gian cho sự biến mất này sẽ rất lâu đến nỗi mà trong suốt một đời người thì thân thể người ta tính trung bình chỉ mất một proton mà thôi. Để kiểm tra lý thuyết này các nhà khoa học đang nghiên cứu sự tích tụ rất lớn của vật chất dưới sâu trong lòng đất để loại bỏ sự ô nhiễm của các tia vũ trụ và cố gắng bắt qủa tang hạt proton đang phân hủy. Bởi vì nguồn gốc qúa trình là thống kê (giống như trong phóng xạ), nên cho dù là chu kỳ phóng xạ của proton ít nhất là mười ngàn tỷ tỷ tỷ năm, sự phân hủy thất thường cũng sẽ được quan sát sau khỏang vài tuần chờ đợi. Khó khăn nằm ở chỗ là phải tích lũy nhiều tấn vật chất (nghĩa là có nhiều proton) mới phát hiện ra biến cố có tính ngẫu nhiên này. Một vài thí nghiệm như thế đang được tiến hành và ít ra có một thí nghiệm đã tạo nên được một số khả dĩ biến cố phân rã của proton.
Câu hỏi về nguồn gốc của vật chất sẽ làm sáng tỏ vấn đề cơ bản đang thử thách bất kỳ nỗ lực nào để dẫn đến kết luận về sự hiện hữu của Thượng đế từ các hiện tượng vật lý. Sự xuất hiện của vật chất mà không có mặt của phản vật chất dường như đã từng được xem là phép lạ và có lẽ nó đã đòi hỏi sự áp đặt siêu nhiên vào Bigbang, thì nay lại có vẻ dễ hiểu dựa trên nền tảng thông thường của vật lý và dưới ánh sáng của sự hiểu biết ngyà càng được cải thiện của khoa học. Đây là một sự kiện gây ngạc nhiên và không gỉai thích được vào lúc này, nhưng chúng ta không bao giờ tuyệt đối chắc chắn rằng vào một lúc nào đó trong tương lai ,sẽ không có một hiện tượng tự nhiên nào được khám phá để giải thích sự kiện ấy.
Những tiến bộ khoa học đó phải chăng có nghĩa là hiện nay chúng ta có thể giải thích được sự sáng tạo bằng các qúa trình tự nhiên? Nhiều nhà thần học phủ nhận điều ấy. Những qúa trình được mô tả ở đây không đại diện cho sự sáng tạo của vật chất từ cái không- có gì mà chỉ là sự chuyển đổi từ năng lượng đã hiện hữu trước sang dạng vật chất. Chúng ta còn phải giải thích rằng năng lượng đến từ đâu ở vị trí đầu tiên. Phải chăng điều này đòi hỏi một sự giải thích siêu nhiên?
Tuy nhiên, người ta phải thận trọng về việc chuyển trách nhiệm từ vật chất sang năng lượng theo cách này. Đúng hơn năng lượng là một khái niệm rất khó nắm bắt, đặc biệt là trong Vật lý học hiện đại. Năng lượng là cái gì? Nó có thể có rất nhiều dạng. Chẳng hạn như, đơn giản nó là chuyển động. Trong phòng thí nghiệm, các hạt va chạm với nhau ở vận tốc lớn và bốn hạt xuất hiện tại ngay chỗ mà trước đó chỉ có hai. Các hạt mới là cái gía phải trả cho việc giảm tốc độ của hai hạt ban đầu. Sự chuyển đổi từ chuyển động sang vật chất rất mơ hồ. Điều này có thể đến rất gần với tinh thần của việc sáng tạo từ cái không-có-gì.
Vẫn có một khả năng đáng chú ý khác. Đó chính là việc tạo nên vật chất từ trạng thái zero của năng lượng. Khả năng này nảy sinh vì năng lượng có thể dương lẫn âm. Năng lượng của chuyển động hay năng lượng của khối lượng luôn luôn dương, nhưng năng lượng của hấp dẫn chẳng hạn như do các loại trường trọng lực hay điện từ lại có gía trị âm. Đó là trường hợp mà trong đó năng lượng dương để hình thành khối lượng của các hạt vật chất mới bằng đúng với năng lượng âm của lực hấp dẫn hay điện từ. Chẳng hạn như trong trường hợp sau đây: Trong vùng lân cận của hạt nhân nguyên tử thì lực điện rất lớn. Nếu một hạt nhân chứa 200 proton được hình thành (có khả năng nhưng khó khăn) thì khi không có bất kỳ dạng năng lượng nào được thêm vào, hệ sẽ trở nên không bền do sự sinh cặp electron-positron tức thời. Lý do của việc này là năng lượng điện âm được tạo bởi các hạt mới có thể bù trừ chính xác năng lượng của khối lượng chúng.
Trong trường hợp lực hấp dẫn thì tình huống này còn lạ lùng hơn nữa vì trường hấp dẫn chỉ là sự cong của không gian-không gian cong. Năng lượng bị nhốt trong độ cong của không gian có thể chuyển hóa thành các hạt vật chất và phản vật chất. Chẳng hạn như nó có thể xảy ra ở gần lỗ đen và có lẽ nó cũng là nguồn hạt quan trọng nhất trong Bigbang. Như vậy, vật chất xuất hiện tức thời từ không gian trống không. Câu hỏi được đặt ra là có phải vụ nổ nguyên khởi đã mang năng lượng, hay toàn bộ vũ trụ là một trạng thái zero năng lượng trong đó năng lượng của tất cả vật chất bù trừ với năng lượng âm của lực hấp dẫn trọng trường.
Có thể giải quyết vấn đề bằng một phép tính đơn giản. Các nhà vũ trụ học có thể đo được khối lượng của các thiên hà, khoảng cách trung bình giữa chúng và tốc độ dời xa nhau của chúng. Đem tất cả những số liệu này vào trong một công thức sẽ nhận được một đại lượng mà các nhà vật lý đã diễn giải nó như là năng lượng tổng cộng của vũ trụ. Kết qủa nhận được đúng thực là zero với độ chính xác có thể quan sát được. Lý do về kết qủa hết sức đặc biệt này là những vấn đề nan giải các nhà Vũ trụ học. Một số đề nghị lời giải đáp rằng phải có một nguyên lý vũ trụ sâu xa vận hành đòi hỏi Vũ trụ phải có chính xác năng lượng zero. Nếu thực sự như vậy thì Vũ trụ có thể hình thành theo lộ trình ít sức cản nhất. Nó hiện hữu mà không đòi hỏi bất kỳ vật chất hay năng lượng nào được thêm vào.
Vật chất đã trở nên phức tạp hơn bởi sự kiện là ngay năng lượng cũng không được định nghĩa một cách rõ ràng khi có mặt của lực hấp dẫn. Trong một số trường hợp vẫn có thể làm rõ khái niệm năng lượng tổng cộng trong một hệ cô lập bằng cách xem xét ảnh hưởng của lực hấp dẫn ở khoảng cách rất xa ( thực ra là vô hạn). Nhưng chiến lược này thất bại hoàn toàn trong trường hợp vũ trụ vô hạn như mô hình vũ trụ của Einstein (được thảo luận trong chương trước). Trong một vũ trụ đóng như thế thì năng lượng toàn phần là một đại lượng vô nghĩa.
Phải chăng những ví dụ đó, chẳng hạn như sự sáng tạo tự nhiên của vật chất từ không gian trống không mà không cần đến năng lượng thêm vào, có thể giải thích cho sự sáng tạo ex nihilo của thần học? Có thể chấp nhận rằng khoa học vẫn chưa giải thích được sự hiện hữu của không gian (và thời gian). Nhưng chấp nhận rằng sự tạo ra vật chất mà từ rất lâu vẫn được xem như là kết qủa của một tác động thần thánh và nay (có lẽ) đã được hiểu biết trong các thuật ngữ khoa học bình thường thì phải chăng chỉ có một cách duy nhất là viện dẫn đến Thượng đế thì con người mới giải thích được lý do tại sao chỉ có một vũ trụ duy nhất – hay là tại sao không gian và thời gian lại hiện hữu trước rồi vật chất có thể có mặt từ đó?
Niềm tin rằng Vũ trụ như là một toàn thể phải có nguyên nhân và nguyên nhân ấy là Thượng đế, đã được phát biểu bởi Plato và Aristote, được khai triển bởi Thomas Aquinas, và rồi đạt đến một hình thức mạch lạc hơn với Gottfried Wilhelm von Leibniz và Samuel Clarke trong thế kỷ 18. Nó vẫn được biết đến như là những biện giải thần học về vũ trụ cho sự hiện hữu của Thượng đế. Có hai phiên bản về biện giải vũ trụ này: Biện giải nhân qủa (sẽ được xem xét ở đây) và biện giải từ sự ngẫu nhiên (sẽ được thảo luận trong chương tiếp theo). Biện giải thần học về vũ trụ đã được xem xét với sự ngờ vực bởi David Hume, Immanuel Kant và nó cũng bị công kích dữ dội bởi Bertrand Russel.
Mục đích của biện giải vũ trụ có hai hướng. Đầu tiên là để thiết lập sự hiện hữu của “ người khởi xướng”- một thực thể nhằm để giải thích cho sự tồn tại của thế giới. Sau đó là để chứng minh rằng thực thể này thực sự là Thượng đế như vẫn được hiểu trong giáo lý Thiên chúa giáo.
Biện giải này được tiến hành dọc theo lộ trình sau đây. Mỗi biến cố, được nhấn mạnh, đều đòi hỏi một nguyên nhân. Không thể nào có một chuỗi vô hạn các nguyên nhân, do đó phải có một nguyên nhân đầu tiên cho mọi thứ. Nguyên nhân này là Thượng đế. Giờ đây, phải khẳng định ngay từ sự khởi đầu rằng đã có nhiều phiên bản của biện giải vũ trụ và rất nhiều những diễn giải tinh vi về ý nghĩa đến nỗi mà ,trải qua nhiều năm ,cuộc tranh luận này nay đã trở nên bí hiểm và phức tạp. Ở đây, tôi không có ý định đưa ra sự đánh gía cân bằng giữa sự ủng hộ và chống đối, mà chỉ muốn nói rằng biện giải này đã thu hút sự chú ý của một số các trí thức lớn trong lịch sử loài người. Tuy vậy, nó cũng không ngăn được những người ủng hộ cũng như chống đối luận đề này tránh khỏi việc đưa ra những sai lầm về mặt logic cũng như triết học. Mối quan tâm của chúng ta ở đây là xem xét lại gỉa thiết về chuỗi nhân qủa dưới ánh sáng của khoa học hiện đại.
Hãy kiểm tra bước đầu tiên trong biện giải: mỗi biến cố có một nguyên nhân. Như Clarke đã tuyên bố : ‘ Không có điều gì có thể vô lý hơn là giả định rằng điều gì đó là như thế, mà tuyệt đối không có lý do để giải thích tại sao nó là như vậy,mà tại sao nó không lại là như vậy’. Nói một cách lỏng lẻo, người ta thường gỉa định rằng mọi thứ xảy ra đều có nguyên nhân bởi một cái gì khác và mỗi vật khi sinh ra đều được tạo bởi một cái gì đó đã hiện hữu sẵn. Có vẻ là hợp lý, nhưng có thật sự như thế?
Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta hiếm khi nghi ngờ rằng về điều :mọi biến cố đều có nguyên nhân theo một cách nào đó. Một cái cầu gãy đổ vì nó qúa tải; tuyết tan vì không khí ấm lên; cái cây mọc lên vì hạt mầm đã gieo xuống, ….Nhưng liệu có những gì đó không có nguyên nhân?
Hãy xem xét khẳng định ở trên ‘ mỗi vật thể sinh ra đều được tạo nên bởi cái gì đó’. Điều gì đó là gì nếu vật thể không được sinh ra nhưng vẫn luôn hiện hữu? Điều như thế chắc chắn có thể cảm nhận được. Không gian trong vũ trụ ở trạng thái bền là một ví dụ. Đặt câu hỏi về một vật thể tồn tại vĩnh cửu- một vật thể không có thời điểm kết thúc- có nguyên nhân hay không, là một việc có ý nghĩa chăng? Người ta vẫn có thể hỏi ‘Tại sao nó hiện hữu?’ Sự bắt bẻ ‘nó luôn luôn [hiện hữu] như thế’ có vẻ què quặt vì người ta có thể tưởng tượng dễ dàng rằng một vật thể có thể không hiện hữu. Có vẻ là hợp pháp khi đi tìm lý do của sự hiện hữu hơn là lý do không hiện hữu, bất kể đến cái tuổi vô hạn của nó. Do vậy, theo ý kiến của một số người thì dẹp bỏ sự sáng tạo ( như trong trường hợp vũ trụ đang ở trạng thái bền) cũng không làm mất đi sự cần thiết về việc gỉai thích tại sao vũ trụ lại tồn tại.
Hãy tạm để sang một bên vấn đề về những vật thể vô hạn và gỉa định rằng chúng ta chỉ giới hạn vào sự “đi vào hiện hữu” của các vật thể. Có thể nào một điều gì đó được tạo ra từ cái “không có gì”? Chúng ta đã thấy các hạt đã được tạo ra từ không gian trống rỗng như thế nào, nhưng trong trường hợp đó thì độ cong của không gian lại là nguyên nhân. Chúng ta vẫn phải giải thích không gian đến từ đâu (nếu nó không luôn luôn hiện hữu). Một số người có thể đã đặt câu hỏi liệu không gian có phải là sự vật. Đương nhiên, khó mà có thể tưởng tượng được Thomas Aquinas hay Leibniz xem nó như là một phần trong chuỗi nhân qủa. Chúng ta lại nhấn mạnh rằng: cái gì làm cho không gian đột ngột xuất hiện trong Bigbang? Điểm kỳ dị chăng? Nhưng điểm kỳ dị hầu như chắc chắc không phải là một sự vật. Nó là biên giới của sự vật ( không -thời gian). Bế tắt!
Có phải mọi biến cố đều có nguyên nhân? Có thể nào một điều gì đó xảy ra mà không có bất kỳ tác động có trước, hay bất kỳ lý do thuần lý? Báo chí luôn đề cập đến ‘Vật thể trong không gian không gỉai thích được’ Tuy vậy điều đó không có nghĩa là những hiện tượng trên bầu trời xảy ra mà không có sự giải thích mà nó chỉ có nghĩa là không có một lời giải thích được biết đến. Một điều không may là chúng ta khó mà thấy được cái khẳng định ‘ mọi biến cố đều có nguyên nhân’ là hoàn toàn là gỉa tạo. Để thấy được điều đó chúng ta không chỉ phải tìm ra một biến cố không có nguyên nhân tường minh mà phải đi đến việc chứng minh rằng trong rất nhiều thông tin mà người ta đã biết về vũ trụ và đào sâu sự hiểu biết về thiên nhiên, thì không có nguyên nhân nào được tìm thấy. Điều đó dường như là không thể. Làm sao người ta có thể chắc chắn rằng biến cố đang xem xét không được tạo bởi một qúa trình hoàn toàn mơ hồ, cực kỳ hiếm, chưa từng gặp, gây trở ngại và bất thường?
Ngành khoa học gần nhất để đánh đổ khẳng định rằng mọi biến cố đều có nguyên nhân là Cơ học lượng tử. Như chúng ta sẽ thấy trong chương 8, trong thế giới của các hạt hạ-nguyên tử thì cách ứng xử của các hạt thông thường là không thể tiên đóan được. Từ thời điểm này sang thời điểm kế cận anh không thể chắc rằng một hạt sắp làm điều gì. Nếu, trong một biến cố người ta sẽ chọn nơi đến của một hạt là một vị trí riêng biệt nào đó thì , theo lý thuyết lượng tử, biến cố ấy không có nguyên nhân theo nghĩa là nó vốn không thể tiên đoán được. Cho dù có rất nhiều thông tin có sẵn về các lực và các ảnh hưởng tác động lên hạt thì vẫn không có cách nào để cho rằng việc đến một vị trí được chỉ định trước, được xem là được ‘định sẵn’ bởi bất kỳ điều gì khác. Kết qủa cho thấy là vị trí đến của hạt hoàn toàn có tính ngẫu nhiên nội tại. Hạt chỉ nổi lên vị trí đó không nhịp điệu, không lý do.
Một số (thiểu số) các nhà vật lý không xem xét ý tưởng đó một cách nghiêm túc. Einstein bác bỏ nó bằng một bắt bẻ nổi tiếng:’ Thượng đế không chơi trò súc sắc’. Những nhà vật lý đó mong muốn rằng mỗi biến cố phải được tạo nên bởi một điều này hay điều khác ngay cả ở tầm mức hạ-nguyên tử. Điều đủ làm ngạc nhiên là, hoàn toàn có thể thực hiện một thí nghiệm để chứng minh rằng, trừ phi là các ảnh hưởng có thể di chuyển nhanh hơn ánh sáng, các hệ nguyên tử thật sự không tiên đoán được- ‘ Thượng đế ‘đang chơi trò súc sắc. Khẳng định này dường như đang có nền tảng khá vững chắc miễn sao những ý đồ phi thường của thiên nhiên không phản bác các kết qủa thực nghiệm.
Do đó, nếu người ta chấp nhận rằng những biến cố lượng tử không có nguyên nhân trực tiếp một cách riêng lẻ thì phải chăng sự tạo ra vật chất ,như là một thí dụ cổ điển, có thể được xem là không có nguyên nhân vật lý? Theo một nghĩa nào đó thì Đúng là như thế. Một hạt riêng lẻ sẽ được sinh ra đột ngột và không thể tiên đoán được vào một vị trí hay thời điểm bất kỳ. Tuy nhiên cách ứng xử của hạt tuy độc lập nhưng vẫn chịu chi phối bởi các định luật xác suất. Cho trước độ cong không gian có một độ lớn đặc biệt thì có khả năng rất cao là hạt sẽ xuất hiện trong một thể tích nhất định của không gian và trong một khoảng thời gian nào đó nhưng không bao giờ xác định. Ngược lại, dù cho xác suất cực kỳ nhỏ nhưng vẫn có cơ may nhất định cho một hạt như thế nổi lên ở một nơi nào đó trong phòng khách của bạn ngay lúc này. Trong thế giới lượng tử, những điều như thế xảy ra không hề báo trước. Sự kiện rằng xác suất để tạo nên một hạt phụ thuộc vào độ cong của không gian đã hàm ý một liên quan nhân qủa lỏng lẻo. Độ cong của không gian đã làm cho sự xuất hiện của hạt dễ xảy ra hơn. Liệu điều đó có được xem là nguyên nhân của sự xuất hiện hạt một cách chặt chẽ hay không? Đó chỉ là vấn đề ngữ nghĩa trên qui mô rộng lớn.
Giờ đây người ta có thể phản đối rằng trọng tâm của việc thảo luận liên quan đến vấn đề liệu toàn thể vũ trụ có nguyên nhân hay không chứ không phải sự tạo ra hạt electron hay chuyện nó đến một vị trí nào đó có nguyên nhân hay không. Một số nhà vật lý không ngần ngại trả lời rằng toàn thể vũ trụ cũng bị chi phối bởi những nguyên lý lượng tử, nhưng điều này lại dẫn chúng ta đến một chủ đề gây tranh cãi về Vũ trụ học lượng tử mà bản thân lý thuyết này chứa đầy những vấn đề về thống nhất nội tại (consistency). (Những thảo luận xa hơn sẽ được đề cập trong chương 16, ở đó tôi sẽ gợi ý một kịch bản lượng tử có thể giải quyết vấn đề về nguồn gốc vũ trụ). Hiện giờ, vẫn không đi ngược lại lý thuyết lượng tử chúng ta chấp nhận rằng toàn thể vũ trụ có thể được xem là có nguyên nhân và nguyên nhân đó là cái gì? Thượng đế?
Tới đây chúng ta tiến hành xem xét bước thứ hai của biện giải vũ trụ : không thể có một chuỗi vô hạn các nguyên nhân. Trách nhiệm sau cùng phải dừng ở một nơi nào đó. Những thiên hà hình thành từ những tinh vân xoáy tròn, tinh vân được cấu tạo bởi khi hydrô sơ khai, hydro lại được tạo bởi các proton và được tạo nên từ vụ nổ đầu tiên, các proton lại xuất hiện do độ cong của không gian. Sự gỉa định luôn luôn là chuỗi nguyên nhân này phải có thành phần đầu tiên. Aquinas đã viết:
Trong thế giới quan sát được thì các nguyên nhân được tìm thấy được sắp xếp thành các chuỗi. Chúng ta không bao giờ quan sát, không bao giờ có thể thấy, caí gì đó tự tạo nên chính nó vì điều đó có nghĩa là nó đã có trước nó, và điều này là bất khả. Một chuỗi nguyên nhân như thế bắt buộc phải dừng ở một chỗ nào đó vì nguyên nhân sớm hơn sẽ tạo nên nguyên nhân trung gian và nguyên nhân trung gian sẽ tạo nên nguyên nhân cuối cùng (cho dù nguyên nhân trung gian là một hay nhiều). Giờ đây nếu bạn bỏ nguyên nhân thì bạn cũng hủy hệ qủa của nó để rồi bạn không thể có nguyên nhân cuối cùng, không có nguyên nhân trung gian trừ phi bạn còn lại nguyên nhân đầu tiên. Do đó không có điểm dừng trong chuỗi nguyên nhân sẽ không có nguyên nhân đầu tiên, không có nguyên nhân trung gian và cũng chẳng có hệ qủa cuối cùng và điều này là một sai lầm công khai. Vì thế người ta buộc phải gỉa định một nguyên nhân đầu tiên nào đó và đặt tên là “Thượng đế”.(2)
Trong phần lập luận chống lại chuỗi vô hạn về nhân qủa thì cả Aquinas và Clarke đã không đưa ra những phản biện dựa trên nền tảng đó là một chuỗi vô hạn.Thật vậy, cả hai tư tưởng gia đã khai triển lập luận của họ trong khung cảnh của một vũ trụ vĩnh cửu và bằng lòng với điều đó để dẫn đến bằng chứng của sự sáng tạo nằm ở sự ‘mặc khải thần thánh’ hơn là những lập luận lý trí. Đúng hơn thì những phản bác này dường như cho rằng một chuỗi vô hạn nhân qủa chứa toàn thể vũ trụ là điều không thể có được.
Nếu chúng ta xem xét một tiến trình vô hạn…..Đơn giản là , toàn thể chuỗi hiện hữu của mọi loài không thể có nguyên nhân từ’ cái không’ bởi vì mọi thứ đã được giả định là đã và đang được chứa trong vũ trụ. Và rất đơn gỉan là, không thể có nguyên nhân về sự hiện hữu lại nằm trong chính nó vì không có sự hiện hữu nào trong chuỗi vô hạn này được gỉa định là tự hiện hữu hay nhất thiết như thế… nhưng mọi thứ phụ thuộc vào cái có trước….Như thế một tiến trình vô hạn của những hiện hữu với tính chất hoàn toàn phụ thuộc, mà không có bất kỳ một nguyên nhân ban đầu độc lập, là một chuỗi không cần thiết và không có nguyên nhân…trong chính nó hoặc từ cái không: nghĩa là, đó là một sự mâu thuẫn và bất khả thi rõ rệt.(3)
Niềm tin rằng một tiến trình vô hạn của các ‘sự hiện hữu có tính chất phụ thuộc’ là một chuỗi nhân qủa vô hạn, rất lỏng lẻo. Nó cần sự giải thích cho sự tồn tại của chính nó (sự giải thích này không thể tìm thấy khi cho rằng chuỗi đó lại bao gồm mọi thứ đang hiện hữu) và bị công kích sắc bén bởi các triết gia đặc biệt là Hume và Russell. Trong một thảo luận nổi tiếng ở BBC với cha Copleston, Russell đã minh họa quan điểm của ông như sau: ‘Mỗi người hiện hữu đều có một người mẹ…..nhưng rõ ràng là loài người thì không có một người mẹ’. Ngắn gọn là, chừng nào mà mỗi một thành phần riêng lẻ của tiến trình được gỉai thích thì, ipso facto [vì sự kiện đó mà], tiến trình được giải thích. Và vì mỗi thành phần của chuỗi có sự tồn tại nằm ở một hay nhiều thành phần trước đó nên mỗi thành phần của chuỗi vô hạn được gỉai thích. Đặt câu hỏi về nguyên nhân của toàn thể vũ trụ có một vị thế về logic khác với đặt câu hỏi về nguyên nhân của từng đối tượng riêng lẻ hay của từng biến cố trong vũ trụ.
Thật ra, chủ đề về ‘tập hợp của các tập hợp’ có tiếng là khó nắm bắt. Nếu một tập hợp được định nghĩa một cách vô thưởng vô phạt như là sự thu thập các sự vật (cụ thể hay trừu tượng) thì như Russell đã chứng tỏ bằng nghịch lý nổi tiếng của ông: một tập hợp của các tập hợp có thể không phải là một tập hợp! Này nhé, chúng ta có thể xem xét một danh mục liệt kê của tất cả cuốn sách trong thư viện là một tập hợp. Nhưng có phải chính danh mục này cũng nằm trong danh sách? Đôi khi có trường hợp đó. Hãy gọi những danh mục như thế là ‘loại I’ và những danh mục khác không bao gồm chính nó được gọi là ‘loại II’. Giờ đây hãy xem xét một danh mục chính trong thư viện trung tâm như là tập hợp của các tập hợp. Chức năng của nó là liệt kê tất cả danh mục loại II; nó là một tập hợp các danh mục. Có đủ hợp lý chăng? Thật không may là ‘không’.Tập hợp của các danh mục loại II là nghịch lý, vì chúng ta khám phá ngay khi chúng ta đặt câu hỏi, có phải danh mục chính là loại I, hay loại II? Nếu nó là loại II thì nó không được bao gồm chính nó. Nhưng danh mục chính được định nghĩa như để liệt kê tất cả các danh mục không kể chính nó (loại I I). Như vậy nó phải liệt kê chính nó và như vậy nó là loại I. Nhưng điều này không thể được vì danh mục chính chỉ liệt kê loại II, như thế nó không thể liệt kê chính nó nếu nó là loại I. Nghĩa là nó không liệt kê chính nó, vậy thì nó là loại II. Kết quả: một sự vô lý do tự mâu thuẫn.
Kết luận cuối cùng cho mọi điều này là khái niệm vũ trụ của tất cả mọi sự vật đang hiện hữu thật sự là một khái niệm tinh tế. Điều không rõ ràng là vũ trụ là một sự vật và nếu nó được định nghĩa như là tập hợp các sự vật thì nó sẽ dẫn đến nghịch lý. Những vấn nạn như thế đang chực sẵn để giăng bẫy những ai cố gắng lập luận một cách logic về sự hiện hữu của Thượng đế như là nguyên nhân của mọi sự vật.
Cho đến nay ngay cả chấp nhận lập luận rằng vũ trụ phải có nguyên nhân thì vẫn có những khó khăn về mặt logic khi gán nguyên nhân ấy cho Thượng đế vì lẽ chúng ta có thể hỏi tiếp: ‘Cái gì tạo nên Thượng đế?’ Câu trả lời thường là ‘ Thượng đế không cần nguyên nhân. Sự hiện hữu của Thượng đế là đầy đủ và nguyên nhân được tìm thấy trong chính Ngài’. Nhưng lối lập luận vũ trụ về sự tồn tại của Thượng đế lại dựa trên gỉa định rằng mọi thứ đều có nguyên nhân .Vậy mà cuối cùng lại kết thúc bằng một kết luận rằng ít nhất một thứ ( Thượng đế) lại không đòi hỏi nguyên nhân. Lối lập luận như thế có vẻ tự mâu thuẫn. Hơn nữa, nếu người ta được chuẩn bị để thừa nhận rằng một cái gì đó-Thượng đế- có thể tồn tại không cần một nguyên nhân bên ngoài thì tại sao lại phải theo cái chuỗi qúa dài ấy? Tại sao vũ trụ lại không thể tồn tại mà không cần một nguyên nhân bên ngoài? Phải chăng gỉa định rằng vũ trụ tự là nguyên nhân của chính nó đáng hoài nghi hơn gỉa định Thượng đế tự là nguyên nhân của chính mình?
Nếu chúng ta dừng lại, và không đi xa hơn (Thượng đế), tại sao phải đi qúa xa?Tại sao không dừng lại ngay cái thế giới vật chất này?....Bằng việc gỉa định nó chứa những nguyên lý về trật tự trong chính nó thì chúng ta đã thực sự khẳng định nó [thế giới vật chất] chính là Thượng đế.(4)
Đoạn trích của Hume này gợi nhắc đến niềm tin mênh mang của rất nhiều nhà khoa học rằng :” Thượng đế là thiên nhiên” hay “ Thượng đế chính là vũ trụ”
Tuy nhiên, có lẽ sự phản bác quan trọng nhất đối với phiên bản nhân qủa của lối lập luận thần học về vũ trụ chính là sự kiện: nguyên nhân và hậu qủa chỉ là những khái niệm dính chặt với ý niệm về thời gian. Cho đến nay như chúng ta đã biết ,ngành vũ trụ học hiện đại đề xuất rằng sự xuất hiện của vũ trụ có liên quan đến sự xuất hiện của chính thời gian. Thường thường chúng ta chấp nhận rằng nguyên nhân luôn luôn đi trước hậu qủa về thời gian chẳng hạn như cái đích bị vỡ tan sau khi súng nổ. Trong trường hợp đó, nếu hành động sáng tạo có liên quan đến việc sáng tạo ra chính thời gian, thì thật là vô nghĩa khi nói về việc Thượng đế tạo ra vũ trụ theo nghĩa nhân qủa thông thường. Nếu không có “ lúc trước” thì không thể có nguyên nhân ( theo nghĩa thông thường) của Bigbang theo nghĩa tự nhiên cũng như siêu nhiên.
Quan điểm này dường như đã được tán thưởng nhiệt liệt bởi St. Augustine (354-430) khi ông chế nhạo ý tưởng cho rằng Thượng đế chờ một thời gian vô hạn và rồi quyết định tạo ra vũ trụ vào một thời điểm thuận tiện.’ Thế giới và thời gian có cùng điểm khởi đầu’ Ông ta đã viết như thế. ‘ Thế giới được làm nên không phải theo thời gian mà đồng thời với thời gian’ (5) Đó là một dự đoán xuất sắc của ngành khoa học vũ trụ hiện đại khi xem xét những ý tưởng hoàn toàn sai lầm về không gian và thời gian trong thời đại của Augustine.
Dù vậy ,cũng nên tò mò một chút về lối diễn giải của Sáng Thế Ký (Genesis) mà sau này nó bị thách thức khi giáo hội Thiên chúa giáo chịu ảnh hưởng của truyền thống Hy lạp cổ vào thế kỷ 13. Trong cuộc tranh luận sau đó, Hội đồng Giáo hội lần thứ tư (1215) đã bác bỏ triết lý của Aristote về một vũ trụ vô hạn tuổi và nhấn mạnh rằng, như một chương về đức tin của người Thiên chúa giáo, vũ trụ đã có điểm khởi đầu trong thời gian .Vậy mà ngay cả ngày nay các nhà thần học vẫn chia ra làm nhiều phe phái đối với lối diễn giải trong Sáng Thế Ký.
Việc mặc nhiên công nhận một Thượng đế siêu việt thời gian mặc dù có thể làm cho ông ta có thể đến ‘ nơi này và ngay bây giờ’ nhưng nó cũng tạo nên vấn đề . Đó là vì rất nhiều những tính chất mà con người đã gán cho Thượng đế chỉ có ý nghĩa trong khung thời gian. Có chắc là Thượng đế có thể lên kế hoạch, trả lời các người cầu nguyện, diễn tả niềm hài lòng hay lo âu về tiến triển của con người và rồi sau này ngồi phán xét? Phải chăng ông ta vẫn liên tục hoạt động trong thế giới, làm việc, ‘cho dầu trơn vào bánh răng của guồng máy vũ trụ’ vân vân…..Tất cả những hoạt động đó đều không có nghĩa ngoại trừ trong một khung thời gian. Làm thế nào Thượng đế lại có thể lên kế hoạchtác động nếu không có thời gian [giữa hai hành động đó]? Nếu Thượng đế siêu việt thời gian và biết được tương lai thì tại sao ông ta lại quan tâm đến tiến triển của nhân loại hay là cuộc đấu tranh chống cái ác? Vì tất cả kết qủa đã được Thượng đế nhận biết! ( Chúng ta sẽ quay lại chủ đề này trong chương 9).
Thật vậy, cái ý tưởng về Thượng đế tạo ra vũ trụ, như chúng ta đã thấy, là một tác động chỉ xảy ra trong thời gian. Khi giảng về Vũ trụ học, tôi luôn luôn được hỏi rằng cái gì xảy ra trước Bigbang. Câu trả lời là, không có cái ‘trước’ vì Bigbang cũng biểu thị cho sự khởi đầu của chính thời gian. Câu trả lời này luôn luôn bị ngờ vực- ‘ phải có một cái gì đó tạo ra nó’. Nhưng nguyên nhân và hệ qủa là những khái niệm gắn với thời gian và chúng không thể được dùng cho một trạng thái mà trong đó thời gian không tồn tại. Câu hỏi như thế là vô nghĩa.
Nếu thời gian thật sự có điểm khởi đầu thì bất kỳ nỗ lực nào nhằm giải thích về nguyên nhân của nó đều phải viện dẫn đến một khái niệm rộng rãi hơn về nguyên nhân so với khái niệm quen thuộc với chúng ta trong đời thường. Một khả năng là nới lỏng yêu cầu rằng nguyên nhân luôn luôn đi trước hệ qủa. Có thể nào để tạo nên các hệ qủa có trước thì nguyên nhân phải tác động ngược chiều thời gian? Dĩ nhiên, ý tưởng thay đổi qúa khứ có qúa nhiều nghịch lý. Gỉa sử rằng liệu bạn có thể gây ảnh hưởng đến những biến cố của thế kỷ 19 theo một cách nào đó để bạn không được sinh ra, chẳng hạn như vậy? Tuy thế đã có một số những lý thuyết trong Vật lý hiện đại liên quan đến cái ‘nguyên nhân tác động ngược’ này. Những hạt theo giả thuyết chuyển động nhanh hơn vận tốc ánh sáng (thường được gọi là Tachyon) có thể hoàn tất việc này. Để tránh nghịch lý, người ta phải gỉa định rằng kết nối giữa nguyên nhân-hệ qủa rất lỏng lẻo và không kiểm soát được hay nó rất sự đa dạng và vi tế. Như chúng ta sẽ thấy, lý thuyết lượng tử đòi hỏi một kiểu nhân qủa ngược chiều như thế vì lẽ sự quan sát được thực hiện ngày nay có thể góp phần vào việc xây dựng một thực tế trong qúa khứ xa xăm. Quan điểm này được nhấn mạnh bởi nhà Vật lý học John Wheeler : ’ Các nguyên lý lượng tử chứng tỏ rằng có một ý nghĩa nào đó trong đó cái mà người quan sát sẽ làm trong tương lai, lại định nghĩa cái đang làm trong qúa khứ- ngay cả trong một qúa khứ xa xăm mà sự sống chưa hiện hữu.’(6)
Wheeler đưa vào ở đây cái tâm tưởng (mind) (‘của người quan sát’) một cách sâu sắc, vì thật ra người ta bắt buộc phải làm trong lý thuyết lượng tử, và cũng đưa vào dính mắc giữa sự tồn tại của tâm tưởng vào một giai đoạn rộng hơn trong sự tiến hóa của vũ trụ với sự sáng tạo ban đầu của vũ trụ:
Phải chăng cái cơ chế hiện hữu của vũ trụ là vô nghĩa hay không hoạt động hay cả hai trừ phi vũ trụ được bảo đảm để tạo nên sự sống, ý thức và sự quan sát ở nơi nào đó và trong một khoảng thời gian ngắn ngủi nào đó trong lịch sử hình thành của nó?(7)
Wheeler hy vọng rằng chúng ta có thể khám phá, trong khung cảnh của Vật lý, một nguyên lý cho phép vũ trụ sinh ra với ‘sự phù hợp của chính nó’. Trong sự tìm kiếm một lý thuyết như thế, ông nhận xét:’ không có nguyên lý dẫn đường nào có vẻ mạnh mẽ hơn yêu cầu là nó phải cung ứng cho vũ trụ cách thức để được tạo ra(8) .Wheeler đã ví vũ trụ ‘tự tạo nên’ với dòng điện ‘tự kích thích’ trong điện học.
Giờ đây, ngay cả nếu như có thể tìm được một nguyên nhân cho sự tạo nên không -thời gian từ một hoạt động tự nhiên nào đó sau này (có thể là tâm tưởng hay vật chất) thì cũng rất khó mà thấy được làm thế nào mà sự sáng tạo từ ‘cái không có gì’ có thể xảy ra một cách tự nhiên. Vẫn cần phải là “vật liệu thô” cho tâm tưởng hay bất kỳ cái gì đi vào hoạt động khi đi ngược về qúa khứ. Wheeler đề nghị rằng không gian và thời gian thật ra là những cấu trúc tổng hợp- chúng được tạo nên từ những thành phần ‘bit’ mà ông ta gọi là yếu tố ‘tiền không gian’ (pregeometry). Nhiều nhà Vật lý khác lại đề nghị rằng không gian và thời gian không phải là những khái niệm cơ bản mà chỉ là những khái niệm gần đúng giống như vật chất có vẻ liên tục nhưng thực ra lại được xây dựng từ các nguyên tử. Vì thế, không-thời gian có thể được xây dựng bởi các thực thể sơ khởi và trừu tượng hơn. Điều này có thể là kết qủa của nỗ lực tìm kiếm một lý thuyết lượng tử về lực hấp dẫn ( hấp dẫn chỉ thuần túy là hình học của không thời gian). Trong một điều kiện cực kỳ đặc biệt nào đó, chẳng hạn như vào lúc khởi đầu Bigbang, không thời gian có thể ‘tách ra’ và phô bày những thành phần nội tại. Diễn tả điều này theo ngôn ngữ tượng hình thì Bigbang có thể xem là biến cố trong đó các ‘ bánh răng’ nhập khớp vào nhau và sắp xếp thành cái không-thời gian liên tục một cách biểu kiến. Theo cái nhìn này thì Bigbang là sự khởi đầu của không gian, thời gian và vật chất nhưng không phải là các giới hạn của vật lý. Xa khỏi Bigbang ( không phải ‘trước’ vì không có cái ‘trước’ ) thì các ‘bánh răng’ nằm tách biệt. Chúng là các thực thể vật lý nhưng không nằm trong không gian hay thời gian.
Trước khi rời chủ đề về sự sáng tạo và liệu có ý nghĩa hay không khi hỏi rẳng có phải nó đã được tạo nên bởi cái gì đó thì chúng ta phải xem xét khả năng rằng câu trả lời có thể là “có”, nhưng cái gì đó có thể không phải là Thượng đế. Như đã nhấn mạnh, vế thứ hai của những lập luận thần học về vũ trụ tìm kiếm sự thiết lập một Thượng đế sáng tạo vũ trụ. Tuy nhiên, những khám phá của Vật lý hiện đại đã mở ra những khả năng mới mà những người ủng hộ cho lập luận thần học đó không bao giờ mơ tưởng đến.
Trong chương trước chúng ta đã giải thích rằng sự tạo nên vật chất đã được xác định thích hợp trong một không gian gĩan nở (độ cong của không gian). Hơn thế nữa, dường như không có giới hạn cho một tính chất đàn hồi của không gian. Vùng nhỏ nhất có thể nới rộng ra cái vô hạn. Vào thời điểm một phần tỷ giây sau sự tạo nên vũ trụ được quan sát hiện nay ( tất cả thể tích cỡ hàng tỷ, tỷ, tỷ năm ánh sáng -khối đã co rút thành một thể tích của hệ mặt trời. Vào thời điểm trước đó nó còn nhỏ hơn nữa. Do vậy, không gian có thể phát triển từ cái không –có gì và vật chất cũng xuất hiện từ không gian. Tuy nhiên, người ta cảm thấy một cái gì đó ắt hẳn là khởi đầu từ một đốm vô cùng nhỏ của không gian đang trong lộ trình giãn nở vì nổ tung. Đó chính là nơi chúng ta đi trở về những kỳ dị, nhân qủa, vân vân….
Tuy nhiên vẫn có một cách giải thích khác cho vũ trụ của không gian và vật chất. Điều này có thể được sao chép, nói thô thiển là ‘vũ trụ copy’. Nó được mô tả tốt nhất bằng phép tương tự. Vì không gian có tính đàn hồi, hãy tưởng tượng nó được biểu thị bởi một màng cao su. ( Tấm màng này chỉ có hai chiều trong khi không gian là 3 chiều. Đây chỉ là một thiếu sót mang tính khái niệm nhưng vẫn có gía trị về mặt logic. Những gì sắp được mô tả vẫn có gía trị trong không gian 3 chiều nhưng không thể hình dung nó trong trường hợp đó.)
Hình 5 chỉ cho thấy một chuỗi giai đoạn. Đầu tiên , một cái bướu được tạo nên trên tấm màng cao su. Rồi cái bướu phồng lên trong lúc tạo nên một cái ‘cổ’ rất hẹp nối nó với tấm cao su. Cái bướu có hình dạng của trái banh. Bây giờ, cho phép cái cổ co rút lại cho đến khi tấm cao su chỉ còn hoàn toàn tiếp xúc với trái banh. Cuối cùng, cắt cái cổ để giải phóng trái banh và cho phép cái cổ tự lành vết trong tấm cao su liên tục lần nữa. Tấm cao su đã tạo nên trái banh hoàn toàn độc lập và tách rời . Trái banh lại có thể giãn nở đến vô tận. Nếu mong muốn thì trái banh mới này lại có thể tự sử dụng chính nó để tạo nên những trái banh khác.
 
NgAustin04

Hình 5: tính chất đàn hồi của không gian được gợi ý bởi lý thuyết Tương Đối Tổng Quát của Einstein cho phép sự phát triển và tách biệt của một “ vũ trụ con” (bong bong) từ một “vũ trụ mẹ’ (tấm cao su). Sự thay đổi về mặt tôpô được đề nghị trong một số lý thuyết gần đây nhưng vẫn chưa được hiểu hoàn toàn.
Nếu chúng ta xem xét vũ trụ của chúng ta- tất cả những không gian mà chúng ta có thể tiếp cận một cách vật lý- như là một “trái banh mới” thì đây chắc chắn là trường hợp vũ trụ không luôn luôn tồn tại: nó được tạo ra. Tuy nhiên, kẻ sáng tạo ra nó vẫn có thể được tìm thấy trong khuôn khổ của những qúa trình vật lý, cụ thể đó là một cơ chế sáng tạo với nguồn gốc của nó nằm trong ‘tấm cao su mẹ”. Tấm màng đó hiện nay chúng ta chưa thể tiếp cận được. Nó xa khỏi không- thời gian của chúng ta và như thế chúng ta vẫn không tìm thấy nguyên nhân nào về sự hiện hữu của nó trong phạm vi vũ trụ của chúng ta nên Thượng đế vẫn chưa can dự vào.
Nét chính nổi bật từ ý tưởng này là cái mà vẫn thường được xem là “vũ trụ”, thật ra có thể chỉ là một mảnh rời rạc của không thời gian. Có thể có nhiều, ngay cả là vô tận, những vũ trụ khác nhưng tất cả đều không được tiếp cận từ những vũ trụ khác. Với định nghĩa “vũ trụ’ thì sự giải thích về vũ trụ của chúng ta không nằm trong chính nó- nó nằm ngoài xa. Nó không dính líu gì tới Thượng đế mà chỉ liên hệ với không thời gian và cơ chế vật lý khá kỳ lạ mà thôi.
Một cơ chế như thế đã được đề nghị gần đây trong một số nghiên cứu về mặt lý thuyết (9). Dưới một nhiệt độ cực kỳ cao có thể quan niệm rằng không gian trở nên không bền để “sinh sản” những “trái banh” khác theo cách này. Người ta còn có thể xem xét đến một tập thể các tiến bộ kỹ thuật đủ sức để cân nhắc việc tạo nên các vũ trụ mới. Tuy nhiên những người theo chủ nghĩa truyền thống chắc chắn sẽ phản bác rằng gỉa thiết về sự sáng tạo theo cách thức này chỉ chứa một sự gỉai thích giả mạo vì nó vẫn chưa gỉải thích cho cái toàn thể “ tấm cao su và bong bong”. Đúng như thế, nhưng đây chỉ là ví dụ minh họa rằng mọi thứ chúng ta có thể quan niệm ,về nguyên tắc, vẫn được tạo ra bởi các nguyên nhân tự nhiên vào một thời gian nào đó và rằng, cái gì (nếu có) nằm ngoài tất cả không- thời gian của chúng ta cũng không thể hoàn toàn là siêu nhiên.
Sự phân tích này đã góp phần được điều gì cho sự tìm kiếm của chúng ta về Thượng đế như là kẻ sáng tạo ? Lập luận cho rằng phải có nguyên nhân đầu tiên cho mọi thứ đã mở ra những nghi vấn nghiêm trọng chừng nào mà chúng ta còn gắn chặt với bất kỳ khái niệm đơn giản nào về nguyên nhân, bất kể là vũ trụ có vô hạn tuổi hay có sự khởi đầu của thời gian. Những cơ chế nhân qủa kỳ lạ, chẳng hạn như tính nhân qủa đảo ngược hay những qúa trình lượng tử về tinh thần có thể lấy đi sự cần thiết của một nguyên nhân đầu tiên của sáng tạo. Tuy vậy, người ta vẫn còn lại những cảm giác không dễ chịu. Nhà thần học Richard Swinburne đã viết:
Sẽ là một sai lầm khi gỉa định rằng nếu vũ trụ này có vô hạn tuổi và mỗi trạng thái của vũ trụ vào một thời điểm được giải thích hoàn toàn bởi những trạng thái trước của vũ trụ và các định luật tự nhiên (và như thế Thượng đế không được viện dẫn)và rằng sự hiện hữu của vũ trụ qua thời gian vô hạn được giải thích đầy đủ hay hoàn toàn. Không có sự giải thích này cũng không có sự giải thích kia. Nó hoàn toàn là không giải thích được. (10)
Để minh họa quan điểm này, hãy gỉa sử rằng những con ngựa luôn luôn hiện hữu. Sự hiện hữu của mỗi con ngựa có thể được gỉai thích một cách nhân qủa bởi sự hiện hữu của cha mẹ nó. Nhưng chúng ta vẫn chưa giải thích được tại sao lại có tất cả con ngựa- tại sao lại có những con ngựa mà đúng hơn là không có chúng hay đúng hơn là chỉ có loài độc sừng chẳng hạn. Dù chúng ta có khả năng tìm ra mọi nguyên nhân cho mọi biến cố ( không chắc chắn về phương diện các hiệu ứng lượng tử) nhưng chúng ta vẫn còn cái bí ẩn về lý do tại sao vũ trụ lại có được cái tự nhiên mà nó đang có, hay cơ bản hơn là tại sao lại có một vũ trụ.


Phụ chú:
  Samuel Clarke khai triển phiên bản về những lập luận thần học về vũ trụ trong các bài giảng Boyle năm 1704, sau đó được ấn bản dưới tựa “ A Demonstration of the being and Attributes of God” cùng với các bài giảng khác vào năm 1905 ,những bài giảng này được in lại như “A Discourse Concerning the Being and Attributes of God, the Obligations of Natural Religion, and the Truth and Certainty of the Christian revelation ( John and Paul Knapton;London,1738, nine edtion)
  Aquinas, Summa Theologiae (ed T.Gilby; Eyre& Spottiswoode 1964)
  Clark,op,cit pp 12-13
  D.Hume, ‘Dialogues Concerning Natural Religion (ed H.D.Aiken;Hafner 1969; first published 1779).Part IV.
  St.Augustine of Hippo, ‘On the beginning of time” ,“The City of God” (trans.M.Dods;Hafner 1948).
  J.A.Wheeler, “Genesis and observershipFoundational Problems in the Special Sciences (eds R.E.Butts and K.J.Hintikka;Reidel 1977).
  Ibid
  J.A.Wheeler, “Beyond the black hole”, “Some Strangeness in the Proportion” (ed.H.Woolf; Addison-Wesley 1980)
  A so-called ‘bubble cosmology’ has been proposed by J.R.Gott III in Nature 295,304 (1982)
  R.Swinburne, The Existence of God (Oxford: Clarendon Press 1979) p .122

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.