Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Một chút Lịch sử Nha Trang

Tp Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hòa (Kauthara), đã được biết đến từ năm 90 BC, do các nhà hàng hải Ấn Độ trên đường giao thương với Trung Hoa qua hải trình từ Bengal, ghé Óc Eo (Thủ đô nước Phù Nam, nay là Hà Tiên, Châu Đốc), qua Kauthara và vượt Sông Hồng..để mua hồ tiêu và gia vị . Sừ ghi, tại các hải cảng ở Kauthara, như Chutt (Chụt) và Kamran (Cam Ranh), thương gia Ấn mua trầm hương, ngà voi, sừng tê giác và đồi mồi để bán cho Trung Quốc. Thị trấn Ya-Tră kể từ 1653 phát âm thành Nha Trang, được lịch sử Chăm nhắc đến vào năm 653 khi Nữ hoàng Jagadharma mất, dân Chăm lập đền thờ bà trên một ngọn đồi, bên cạnh một con sông, chính là tiền thân tháp Po Nagar – Tháp Bà - ở Cầu Xóm Bóng Nha Trang ngày nay.

Vào thế kỷ thứ 1 AD, người bản xứ ở Nha Trang thuộc sắc tộc hải đảo Malayo-Polynesien, thuộc Phù Nam, theo văn hoá Ấn Độ, và đến khoảng thế kỷ thứ hai mới thuộc Chiêm Thành, tức Nam Chiêm (Panduranga) có lãnh thổ từ Khánh Hoà đến Bình Thuận.

Kể từ thế kỷ thứ hai, dưới thời Lâm Ấp (Chiêm Thành), hải cảng Chutt và Kamran là nơi thuyền buôn từ Ấn Độ tấp nập đến buôn bán, và truyền bá văn minh, văn hoá, tổ chức xã hội, kỷ thuật hàng hải, thương mại, nông nghiệp của Ấn Độ. Đạo Bà La Môn và Phật Giáo (Tiểu Thừa) thịnh hành ở Nam Chiêm. Như vậy, Phật Giáo đã có ở Nha Trang từ thế kỷ thứ 2, và từ Nha Trang văn hoá Ấn Độ được truyền sang Bắc Chiêm, vốn bị ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa (nhà Hán).

Phật giáo Đại Thừa và lễ cúng Ông Bà được di dân Việt du nhập vào Khánh hoà kể từ năm 1653.

Như vậy, dưới thời Chiêm Thành, Nha Trang vừa là trung tâm tôn giáo (Tháp Bà), vừa là hải cảng phồn thịnh vừa là một vị trí chiến lược. Năm 774, quân Nam Đảo (Indonesia) đổ bộ vào Nha Trang đốt Tháp Po Nagar và cướp đi nhiều báu vật. Từ hải cảng Nha Trang và Cam Ranh, vào những năm 803 và 808, Chiêm Thành mang thuyền chiến tấn công vào Châu Hoan và Châu Ái của Đại Việt, rồi đem thủy quân trừng phạt vương quốc Kelantan ở Java, và Patani ở Malaysia, rồi chiếm đất Đồng Nai Thượng của Khmer; năm 808 lại tấn công Châu Hoan, Châu Ái; năm 817, tấn công Kambujas (Kampuchia). Năm 1600, các hải cảng Nha Trang và Cam Ranh được Chiêm Thành trang bị đại pháo tối tân mua của Châu Âu để phòng thủ chống với Việt Nam.

Nha Trang thuộc về Việt Nam từ năm 1653. Chúa Nguyễn đưa di dân từ Quảng Nam-Bình Định đến Khánh Hoà, và di dân Việt sống xen kẻ với người Chăm từng cụm như da beo. Xung đột Việt Chăm thường xảy ra ở vùng đất này, phần đông do tranh chấp ruộng đất, phần thua thiệt về người Chăm. Năm 1712, chúa Nguyễn Phúc Chu phải thoả thuận 5 điều khoản để bảo vệ quyền lợi và đối xử công bằng với người Chăm. Vào thế kỷ 18, nhiều nhà truyền giáo Âu Châu tường trình còn thấy nhiều làng người Chăm ở gần Nha Trang. Ngày nay đã không còn. Hiện nay, duy nhất trong Vịnh Vân Phong, có một đảo nhỏ tên Hòn Điệp (hay Hòn Bịp), cách bờ trên 10 km, trên đó có một sắc dân sống cô lập trong vài chục căn nhà, không giao tiếp với thế giới bên ngoài, người Việt ở Vạn Ninh gọi họ là “Dân Đàng Hạ” hay “Người Hạ”. Dân đảo có nước da ngâm đen, tai tái, có đôi mắt trắng xác, ít nói; không khiêng gánh như người Việt mà đội trên đấu. Vào đầu thập niên 30, quan huyện Vạn Ninh gọi tất cả dân đảo này vào ghi danh lập sổ Bộ Đinh, nhưng khi hỏi tên họ, thì chỉ có tên mà không có họ. Cuối cùng, quan huyện bảo: “Thôi thì đàn ông lấy họ Đinh, còn đàn bà lấy họ Trần vậy”. Xét qua phong tục, tập quán và hinh dáng con người, có lẽ đây là những người Chăm còn tồn tại ở Khánh Hoà cho tới ngày nay.

Nha Trang vào năm 1905 khoảng 3,000 dân, tăng lên 40,000 dân năm 1943, 172,000 năm 1979, 213,500 năm 1989, và 340,000 năm 1998. Năm 2011 đã trên 1/2 triệu.

Theo bút tích của các nhà truyền giáo Tây phương, Nha Trang vào đầu thập niên 30's còn nhiều nơi hoang vắng, không người ở, đêm đêm cọp lai vảng dọc biển trên đường Avenue de la Plage khoảng gần Chụt. Khoảng đất từ Nhà Thờ Núi tới biển còn hoang vu, chưa có dân cư, toàn là cát trắng, mồ mả, và cây ma dương. Trong thành phố, dân sống thưa thớt, nghề chính là đánh cá, nghề nông, một số ít là công chức. Phố xá, chỉ tập trung trên một phố chính, vẫn là ngôi chợ cũ nhỏ (chưa có Chợ Đầm). Trên Avenue De La Plage chỉ có một số biệt thự người Pháp như đã có từ 1903.

Phải nói công trình phát triển Nha Trang phần lớn là nhờ Bác sĩ Yersin, đến Việt Nam ngày 18 tháng 10 năm 1890, đặt chân đến Nha Trang ngày 29 tháng 7 năm 1891, và qua đời ngày 01 thảng 3 năm 1943, chôn trên một ngọn đồi nhỏ trong vườn cao su Suối Dầu. Viện Pasteur đựợc xây năm 1895 do Ông chủ xướng.

Năm 1902, khi Ông Beau lên làm Toàn Quyền Đông Dương thay thế Toàn Quyền Paul Doumer, Ông bãi bỏ Nho Học thay vào bằng chữ Pháp, lập Y Tế Cục, lập nhà thương, bưu điện, sở công chánh. Vì vậy, Nha Trang có một trường tiểu học kiểu mẫu dạy chữ quốc ngữ khánh thành năm 1906, đó là Trường Nam Tiểu Học Nha Trang đầu tiên.

Nha Trang có một nguyệt san đầu tiên, năm 1930, “Les Cahiers de la Jeunesse ” viết bằng tiếng Pháp do thầy Cung Giũ Nguyên và Ông Raoul Sereone (nhân viên Hải Học Viện Nha Trang) chủ trương.

Về giao thông, Quốc lộ xuyên Việt bắc nam đi qua Nha Trang đã có từ thời Chiêm Thành, nhưng núi rừng ma thiêng nước độc, lắm đèo cao, nhiều sông rộng, đường bộ chỉ dùng khi chinh chiến. Giao thông chính vẫn là đường biển, từ các cảng Chutt, Cửa Bé và Cam Ranh thuyền bè tấp nập ra Bắc vào Nam. Sau khi thống nhất đất nước (1802), vua Gia Long cho trùng tu lại quốc lộ Bắc Nam (Route Mandarine – Đường Cái Quan hay Quan Lộ) từ năm 1803, và thành lập các bưu trạm liên lạc bằng ngựa. Đường bằng đất, có nơi rải đá, mùa hè thì bụi bậm, mùa mưa thì lầy lội. Đến thời Pháp (sau 1885), để đặt nền cai trị lâu dài và khai thác tài nguyên, chính quyền Pháp ưu tiên trong việc thành lập dinh trại binh lính địa phương (Khố Xanh, Khố Đỏ) ở các yếu điểm quân sự, đặc biệt bảo vệ khu Công Sứ Pháp, thành lập cơ sở Lục Lộ để làm đuờng mới, nới rộng và tráng nhựa. Sở Lục Lộ Nha Trang được thiết lập đầu thế kỷ 20, dưới thời ông Toàn quyền Beau (1902), do các kỹ sư Pháp quản lý, công nhân là Việt Nam. Năm 1936, một hoàng tử Lào, đậu kỹ sư Công Chánh ở Paris, về Nha Trang làm ở sở Lục Lộ, cưới một cô gái Nha Trang làm vợ. Vị hoàng tử này chính là Tiao Souphanouvong, có một thời (1946-1949) cùng vua anh cai trị nước Lào. Con đường chạy dọc biển từ Xóm Cồn tới Chutt mang tên “Avenue de la Plage”.

Đó là sơ lược về chút Lịch sử của Nha Trang mà NNS góp nhặt.


Theo NNS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.