Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Quốc Gia biển và Tư duy biển

Trần Sa Thạch

Với hơn 3000 km bờ biển, nhưng người Việt Nam ta từ xưa đến nay đã chưa hề có TƯ DUY BIỂN… Thời phong kiến, trong giao thương lẫn quốc phòng, ta chỉ có Giang Thuyền, di chuyển quanh quẩn trong sông rạch và ven biển, không có Hải Thuyền (nên chỉ có thể Thủy Chiến, không có Hải Chiến…).Các sứ giả ta nếu phải công cán ở các nước xa thì đều phải đi nhờ tàu buôn của ngoại quốc…
Trận thủy chiến cổ nhất còn ghi trong sử sách là vào năm 42 sau CN. Đô đốc Hán là Đoàn Chí bị đánh bại bởi Đô đốc Việt là Công Chúa Gia Hưng Trần Quốc, Đại đô đốc thời Lĩnh Nam (thời Hai Bà Trưng). Nay còn đền thờ tại làng Hoàng Xá, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội; có chữ đại tự trên đền là Vạn Cổ Anh Phong; câu đối ở mặt tiền nói lên huân nghiệp của ngài:
Tô khấu tước bình trực bả quần thoa đương kiếm kích,
Trưng vương dực tải hảo tương cân quắc hộ sơn hà.
(Bình giặc Tô Định, đem quần thoa chống cự kiếm kích,
Phò vua Nhị Trưng, đem khăn yếm giữ gìn non sông.)
Các trận Chương Dương, Hàm Tử, Vân Đồn, Bạch Đằng... Đại Việt đánh thắng kẻ thù truyền kiếp là Trung Quốc, đều là Thủy Chiến, mai phục, tập kích trên sông hoặc trên biển...
Trận “Hải Chiến” dưới thời Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần, đánh đuổi tàu Hà Lan, chưa đến tầm mức của một trận “Hải Chiến” về thực chất, đó chỉ là một trận “Tập Kích” trên biển.
Trận Rạch Gầm - Xoài Mút, Nguyễn Huệ đánh thắng quân Xiêm, cũng là Thủy Chiến, mai phục, tập kích trên sông; Trận Thị Nại, nhà Nguyễn đánh thắng nhà Tây Sơn, cũng là Thủy Chiến...
Cho đến thời Gia Long, việc chính thức khẳng định chủ quyền vươn ra được đến Hoàng Sa – Trường Sa nhưng cũng chỉ bằng những chiếc thuyền con, nhỏ bé, mong manh, không thể đương đầu với sóng to gió lớn, đến độ người binh phu ra đi là cầm chắc cái chết… Vậy mà cũng chỉ “tư duy” được đến việc cầu cúng, Khao Lề Thế Lính, Hình Nhân Thế Mạng, Mộ Gió... chứ không tư duy được đến việc đóng Hải Thuyền để chinh phục biển cả…
- Thời Tự Đức, có mua sắm Pháo Thuyền, nhưng cũng chỉ quanh quẩn ở các cửa biển Thuận An, Tư Hiền, Đà Nẵng… để bảo vệ kinh đô Huế…
- Thời chiến tranh 1945-1954, trận địa chỉ ở các vùng rừng núi, trung du…
- Đến thời chiến tranh 1954-1975, Miền Bắc không phát triển mạnh về Hải Quân nên Miền Nam cũng không phát triển Hải Quân để đối phó, lực lượng hải quân VNCH chỉ có vỏn vẹn 2 Khu Trục Hạm đủ khả năng Hải Chiến; các Tuần Duyên Hạm chỉ để đối phó với “đoàn tàu không số” của Miền Bắc cải tranh dưới dạng tàu đánh cá, và yểm trợ Hải Pháo cho các lực lượng khác; các Giang Thuyền chỉ để tuần tiểu trên sôn… Việc tuần tiểu ngoài khơi xa vẫn phó thác cho Hạm Đội 7 Mỹ…
1956, lợi dụng thời điểm quân đội Pháp rút khỏi Miền Nam Việt Nam, quân đội Miền Nam Việt Nam chưa kịp tiếp quản các đảo, Trung Cộng đã bí mật cho quân chiếm đóng đảo Phú Lâm và một số đảo nhỏ khác ở phía đông quần đảo Hoàng Sa... Cùng thời gian này, Trung Hoa Dân Quốc, tức Đài Loan, cũng bí mật đưa quân chiếm đóng trái phép đảo Ba Bình, đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa... VNCH đã chỉ có thể tiếp tục khẳng định chủ quyền bằng hành động thực tế trên các đảo còn kiểm soát được ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, còn các đảo bị xâm lược thì chỉ có thể tiếp tục khẳng định chủ quyền trên bình diện pháp lý...
1973, Hiệp Định Đình Chiến Pais được ký kết, Mỹ ngưng tham chiến ở Việt Nam để đổi lấy “lá bài” Trung Cộng, hải quân VNCH đã chiến bại trong trận Hải Chiến Hoàng Sa 1974 trước “kẻ thù chung” của dân tộc, Trung Cộng...
Chiến tranh kết thúc, lực lương Hải Quân vẫn không được chú trọng đúng mức để bảo vệ lãnh hải… Trong suốt một thời gian dài, 1975 - 2007, vấn đề chủ quyền biển đảo vẫn chìm trong im lặng… Mặc dù, năm 1988, kẻ thù truyền kiếp là Trung Hoa lại tiếp tục chiến thắng trong Hải Chiến Trường Sa, chiếm đóng bãi đá Gạc Ma...
Gần đây, Vinashin và Vinalines lại một lần nữa chứng minh “hùng hồn” rằng: Việt Nam vẫn chưa hề có TƯ DUY BIỂN…
Nếu chiến tranh trên biển nổ ra, những người lính Việt Nam lại phải tiếp tục dùng Máu Xương của mình để đối phó với các lực lượng Hải Quân Hiện Đại của đối phương với TƯ DUY BÁ QUYỀN TRÊN BIỂN đã được hoạch định chu đáo…
Đến bao giờ thì người Việt Nam ta mới biết dùng TƯ DUY để thay thế cho MÁU XƯƠNG…!? Liệu chúng ta sẽ phải còn nghiêng mình biết bao lần để tưởng niệm và tri ân những người (chắc chắn) sẽ còn phải ngã xuống (một cách vô vọng) cho quê hương…!?

Source Lá Thư Úc Châu - NNS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.