Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014
Học Làm Chồng ...
Ngày mà tôi đến Mỹ mọi sự đều cảm thấy lạ mắt. Tất cả chung quanh tôi đều là những bí mật cần phải khám phá. Gay cấn nhất là vụ phải học làm... chồng.
Vừa an cư được sáu tháng, bài học đầu tiên là ông Mỹ hàng xóm tôi, là một “điển hình.” Cứ mỗi lần vợ hắn đi chợ về, vợ tôi lại gọi tôi ra nhìn gia đình hắn mà học gương làm chồng.
Hắn nhanh nhẹn đon đả khi thấy vợ đi chợ về, mặt mày hí hửng ra phiá xe của vợ, mở cừa xe, đợi vợ xuống xe hôn nhẹ trên môi, sau đó tíu tít hỏi han. Sau đó bà vợ ung dung đi vào nhà, trong khi hắn phải mở trunk xe bê hết thứ này đến thứ khác mang vàò, để cẩn thận thứ nào ra thứ đó vào trong các kệ của garage. Hôm nào thấy xe vợ hắn bẩn một chút là hắn “khuyến mãi” thêm lau chùi xe cho sạch, vừa làm vừa húýt gió, ra điều rất vui sướng phục vụ cho vợ.
Đấy là chưa tính đến buổi sáng hắn mở cửa garage warm up xe cho vợ, đứng mở cửa xe, hôn nhẹ trên môi, đứng vẫy tay tiễn vợ đi làm miệng liên tục nói những lời chúc tốt đẹp, khi nào vợ đi khuất mới vào nhà…
Tôi ở bên nhà nhìn qua mà thấy ứa gan. Vợ tôi cười khẩy, ra điều đắc ý, nàng khẽ nói nhỏ làm như cố tình để tôi nghe thấy. “Chồng thế mới là chồng chứ”. Tôi đành phải nuốt giận vào trong, cười lên một tiếng cho vợ vừa lòng, làm như mình thần phục người đàn ông Mỹ ga lăng.
Rồi một lần khác ngoài trời đang mưa lớn, ra nhìn trời mưa tôi còn lười không muốn ngó. Thế mà vợ tôi cứ gọi tôi ra để nhìn ngoài trời mưa, để học bài học mới. Tôi đành miễn cưỡng ra nhìn để khỏi phải làm phật lòng mụ vợ đang được đổi đời…
Trời mưa tầm tã như thế ! Thằng Mỹ hàng xóm tay cầm dù thong thả, chậm rãi đứng mở cửa xe cho vợ, hôn nhẹ trên môi, rồi cầm dù che cho vợ bước vào nhà, trong khi hắn thì bị ướt, thế mà miệng hắn vẫn toe toét cười nói như Sáo, hớn hở làm như cả đời mới thấy cơn mưa, và hắn thích thú được dầm trong mưa, như làm của lễ hy sinh toàn mưa dâng cho vợ
Tôi chăm chú nhìn hắn ta. Rồi thầm chửi. “Đồ mũi lõ lịnh đầm. Vợ tôi hỏi ngược lại.”Anh phục hắn lắm hả?” Tôi nói to “Sát đất”.
Tôi vẫn quen thói gia trưởng như ở Việt Nam, Mình làm việc gì to tát, chứ ai lại đi chợ, lau nhà, nấu ăn. giặt quần áo…Ăn uống phải được vợ dọn bưng ra tận nơi, ăn xong tỉnh bơ đứng lên để vợ dọn dẹp, hôm nào ngon miệng tặng nàng vài lời khen cho nàng phổng mũi, hôm nào dở chê cho tối mặt…Nhưng từ hôm nhìn lóm được cách người Mỹ cư xử, tôi cảm thấy hơi chột dạ, nên cũng phải thay đổi đôi chút…
Hôm lễ Thank giving, chàng Mỹ hàng xóm mang qua nhà tôi biếu cho một con gà tây nướng, mừng tôi mới đến ở xóm này. (Đây là thank giving đầu tiên của chúng tôi đến Mỹ). Vợ tôi nhanh nhẩu hỏi hắn ai làm, và nướng gà đấy?, sao mà ngon thế!
Hắn tỉnh bơ, “Tôi làm,” rôi bồi luôn một tràng. Tôi hằng ngày nấu cơm cho vợ, giặt quần áo, làm hết mọi chuyện trong gia đình. Bà vợ chỉ việc ngồi vào ăn và cho điểm…
Tôi há hốc mồm định cầm con gà nướng của hắn ném vào góc nhà. Mụ vợ vội liếc xéo, để xem như tôi có nghe điều đó không. Tôi giả vờ cười gượng, miệng nói cám ơn, đi thẳng vào trong nhà làm như không thèm nói chuyện với hắn. Thế mà hắn vẫn không biết ý… Cứ thao thao bất tuyệt khoe khoang thành tích nịnh đầm của hắn với vợ.
Mụ vợ nhà tôi nghe không sót một lời nào. Nàng còn bạo mồm ước ao một người chồng giống hắn. Tôi nghe mà muốn điên cả máu, tính trở ra gặp hắn tiễn hắn về sớm cho tôi nhờ, để mụ vợ hết ba hoa…
Một năm sau thấy bên nhà chàng Mỹ hàng xóm bỗng có người đàn bà khác, lúc đầu tôi tưởng là em của hắn nên không để ý. Nhưng rồi có một lần vừa đi làm về thấy hắn đứng ở cửa như đang đợi vợ về chợ. Hắn chào tôi. Đúng lúc bà Mỹ mà tôi nghĩ là em hắn vừa về tới. Hắn trìu mến giới thiệu với tôi bà đó là vợ hắn.
Tôi ngạc nhiên, định hỏi người đàn bà trước, vợ hắn đâu. Nhưng tôi kịp thời dừng lại, cáo lui đi vào trong nhà.
Hắn ta không biết rằng cả năm qua tôi đã thay đổi và lôt xác như rắn hổ mang lột da theo chu kỳ chỉ vì bài học của hắn mà tôi phải thực hành. Vào ngày Tết cổ truyền, mụ vợ nhà tôi sáng ý mời hắn đến nhà ăn Tết. Tôi ngạc nhiên hỏi, sao không mời mấy anh em của tôi, bà vợ tỉnh bơ trả lời, “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. “ông ta lịch sự cho mình gà nướng mỗi năm anh không nhớ à?” Không dám làm phật ý nàng, tôi trả lời, thôi thì tùy em…
Hôm đến nhà tôi ăn hai vợ chồng hắn bước vào nhà, ăn mặc lịch sự như đi dự tiệc cưới, sức dầu thơm phưng phức, vào trong nhà tôi, hắn lịch sự cởi áo khoác cho vợ mắt ráo giác nhìn chung quanh nhà tôi coi cây hang ở chỗ nào. Lúc đầu thực sự tôi cũng không hiểu hắn muốn gì? Nhưng tôi nhanh ý cầm lấy từ tay hắn mang vào trong phòng, treo trong closet… Hắn luôn miệng nói Thank you.
Còn mụ vợ nhà tôi miệng cười hớn hở, cứ liếc xem tôi có chú ý học việc vừa rồi hắn làm không. Tôi thì quần short áo thung bận tíu tít dọn bàn ghế chuẩn bị thức ăn, còn hơi đâu mà hjọc với hành.
Đến bàn ăn, tôi chỉ chỗ cho hắn và bà vợ hắn ngồi. Hắn lịch sự kéo ghế cho vợ, rồi trịnh trọng sửa tướng khi đã ngồi xuống. Tôi mở rượu tính đổ vào ly mời khách, hắn đỡ chai rượu đỏ từ tay tôi, muốn chính tay rót rượu cho vợ. Rót một ít vào ly cho vợ hắn, tay hắn nhẹ nhàng xoáy chai rượu ngược lên để giọt rượu khỏi rơi xuống bàn rất điệu nghệ. Bà vợ hắn nâng ly lên ngửi tỏ vẻ hài lòng rồi gật đầu, lúc này hắn mới châm thêm rượu vô ly. Hắn tính rót cho vợ tôi, nhưng tôi cũng làm bộ ga lăng như hắn, đỡ chai rượu từ tay hắn, rót ào vào ly của vợ tôi, mắt nàng cứ chăm chăm nhìn tôi như trách sao mà xỗ sàng đến thế! Làm tôi chợt nhớ ra điệu bộ của hắn lúc nẫy. Nhưng làm như tự nhiên tôi rót rượu cho hắn và tôi.
Trong khi ăn hắn lịch sự từng lời ăn tiếng nói với vợ hắn. Miệng nhai chẳng bao giờ mở miệng. Tất cả những cử điệu khoan thai nhẹ nhàng thỉnh thoảng lại cầm cái khăn đưa lên miệng chấm chấm hai bên mép. Liên tục khen từng món ăn làm vợ tôi phổng cả mũi. Tôi biết món sào hôm nay qúa tay hơi mặn, nhưng hắn cứ luôn miệng tuyệt vời! tuyệt vời! Bà vợ hắn cười đắc ý như muốn phụ họa thêm với chồng. Từ tốn hỏi chuyện chúng tôi, quan tâm đến từng đứa con của chúng tôi. Vợ tôi cứ liên tục liếc tôi coi tôi có để ý mà học điều đó không?
Sau bữa ăn tôi mới biết đó là thâm ý của vợ tôi. Tôi tự trách mình sao mà dại thế. Thì ra mụ vợ nhà tôi, nhờ bữa tiệc đó để dạy cho tôi cách ăn uống ở bên Mỹ, cố ý để dằn mặt tôi.
Tôi tự trách mình sao lại bị trúng kế, từ nay ăn uống phải dè chừng rồi!
Mụ vợ từ ngày dạy tôi, biết làm người chồng văn minh, thì lấy làm mãn nguyện như đã thuần hóa được giống cọp giữ, biết canh nhà, và làm việc hầu hạ như nô lệ.
Tôi thầm tiếc cho thời oanh liệt khi còn ở Việt Nam qúa! Nhưng lại nghe hết người này đến người kia hù, “Cãi vã lại vợ, coi chừng vào tù như chơi”.
Tôi thấy mà thương cho tôi qúa vì bà vợ tôi được đổi đời, chỉ mỗi bài học của thằng hàng xóm.
Tôi bây giờ đảm đang lắm! chăm chú việc nhà, chỉ biết cơm ngày hai bữa, không bao giờ dám nghĩ tới phở, vì sợ làm mệt đêm ngủ nằm mơ nói lảm nhảm bà cho một đạp xuống giường thì toi đời.
Thời gian thấm thoát đã năm năm đến Mỹ, chúng tôi tổ chức tiệc gia đình, định mời ông Mỹ hàng xóm thầy dậy trường đời của tôi, đã truyền cho tôi bí kíp chiều vợ, mà không phải tôn tiền tới lớp. Nhưng lạ một điều không thấy bà vợ tôi nhắc nhở học tập gương sáng trước mặt nữa, làm như mụ đã phát hiện ở ông hàng xóm điều gì, nhưng dấu không cho tôi biết.
Thời gian gần đây vì bận rộn công việc, nên tôi cũng không để ý đến ông hàng xóm tốt bụng nữa. Hôm nay Tôi đứng ở nhà nhìn ra trước cửa nhà, cố ý nếu thấy ông Mỹ hàng xóm đợi ra mở cửa xe cho vợ, sẽ xông ra mời ông ta luôn.
Khi vừa thấy ông bước ra cửa tôi vôi đi ra lễ độ chào ông. Vừa lúc đó chiếc xe lexux đời mới xuất hiện, cửa garage cũng vừa mở, tôi thấy một người đàn bà gốc Á trẻ trung bước xuống, tôi tưởng người realtor bán nhà, chưa kịp định thần thì thấy ông Mỹ trắng ra mở cửa hôn nhẹ trên môi như mọi khi ông gặp vợ. Chưa kịp định thần, ông đến bên tôi lịch sự giới thiệu với tôi người vợ mới cuả ông ta…
Tôi á khẩu lắp bắp nói lời từ biệt, cũng không kịp mời ông ta đến nhà dự kỷ niệm năm năm đến Mỹ.
Về đến nhà tôi vẫn còn bàng hoàng. Nghĩ quẩn, thì ra chàng Mỹ hàng xóm có chiêu độc mà mình quên không chịu hoc.
Bà vợ tôi càng ngày càng điệu đà, rảnh rang đi tán chuyện, ăn nói có vẻ tự tin, lâu lâu lại điệp khúc cũ, “Sao anh chẳng chịu chiều vợ, cứ sao nhãng công việc, để nhà bừa ra thế !
Có lần Nàng trách Tôi. “Anh chẳng biết ga lăng chút nào, vợ về chợ cứ lờ đi, không chịu ra giúp. Chưa có giây phút nào lãng mạn. Chẳng bao gìơ đi chung với gia đình, đi cạnh vợ con thì cứ như sợ người ta nhận dạng. Sinh nhật, hay ngày cưới, chẳng thèm quan tâm tí nào.”
Tôi vội cười trừ cho qua. May mà kỳ này không còn thấy nàng đưa nhân vật điển hình tiên tiến của nước mỹ nữa.
Nhưng tôi lại ghen tức với ông Mỹ trắng hàng xóm. Hắn lấy vợ lần này là lần thứ ba rồi. Cô vợ nào hắn cũng một bài ga lăng lịch sự, như muốn hàng xóm chứng kiến giây phút hạnh phúc của hắn từ ngoài cửa vào tới trong nhà.
Mà không hiểu sao hắn lại ly dị dễ đến thế? Hai bà vợ đầu là Mỹ trắng đẹp rất dễ thương, bà vợ hiện giờ là Trung Hoa, đẹp gái dáng cao như người mẫu. Nhờ hắn đổi khẩu vị thường xuyên, mà người hắn cứ hây hây ra.
Rồi có một lần cũng một điệp khúc chê đàn ông Việt Nam, thế này thế kia…như ám chỉ. Tôi mạnh bạo lấy ông Mỹ trắng, hàng xóm ra làm điển hình ngay.
Em đừng vội lên mặt. Em coi cái ông Mỹ trắng hàng xóm, mà em lấy làm điển hình cho đàn ông Mỹ ga lăng. Hắn lấy con vợ này, là lần thứ ba rồi đấy! Con vợ nào đi chợ về là hắn cũng săn be cứ hôn chùn chụt, honey ! honey !, ra chiều thương vợ và chung tình lắm. Hai vợ chồng hắn sang nhà mình chơi ăn tối, hắn lịch sự kéo ghế cho vợ ngồi, dùng những cử điệu, vuốt ve ra chiều cưng vợ hết ý, khoe khoang tặng vợ hết món qùa này đến món qùa khác. Nhưng hắn đã thay tới ba đời vợ rồi đấy !!!!
“Còn chồng của em đây này, tuy có gia trưởng một tí nhưng cũng biết thế nào là bổn phận và trách nhiệm, chung thủy suốt bao nhiêu năm suốt ngày quanh quẩn ở xó nhà. Cầy ruộng khô cứ trợn cả mắt. Đấy em ngon thì kiếm thử thằng Mỹ cho biết mặt.” Chẳng hiểu sao hôm đó tôi vùng lên nói hăng thế.
Ấy nhờ vậy như gáo nước lạnh tạt vào mặt Nàng. Hình như bà vợ tôi biết gương trước mắt. Đàn ông Mỹ không chung thuỷ hay thay đổi Mà Nàng bớt lên mặt với Tôi.
Cô ấy như tỉnh ra, và đã thay đổi rất nhiều. Bây giờ Nàng hiền hậu như xưa, cúc cung tận tụy với chồng con, hết dám lên mặt. Nhưng Tôi cũng đã phải cố gắng thay đổi để sống cho phù hợp, nhưng vẫn giữ lại tính cách chung thuỷ của đàn ông Việt.
Tuyết Phong
Source Internet.
Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014
ÁNH SÁNG CUỐI ĐƯỜNG HẦM
PHAN XUÂN SINH
Sau khi lên ngồi phía sau xe taxi, Hiền nói với người tài xế: “Tôi muốn đi tìm nhà người
quen ở Thanh Khê. Lâu quá rồi tôi không đến đây nên chỉ còn nhớ mang máng. Từ ngã ba
Thanh Khê vào một con hẻm lớn chừng hai trăm thước, rồi lại quẹo phải chừng năm mươi
thước, căn nhà đó nằm bên phải. Người bạn tôi tên Lượm, dân cố cựu vùng nầy. Nhờ anh
tìm giùm. Anh đừng lo, tôi sẽ bồi dưỡng cho anh hậu hỉ”.
Người tài xế hỏi lại: “Thế chị không tới đây từ bao lâu rồi?”
Hiền trả lời, hình như đã tính trước: “Chừng mười lăm năm”
“Mười lăm năm, biết bao nhiêu vật đổi sao dời, sợ rằng mọi vị thế đều thay đổi, nhận
không ra. Hy vọng anh ấy là dân sống ở đây lâu năm thì hàng xóm láng giềng biết sẽ chỉ
cho chị, hy vọng không khó lắm”.
Người tài xế cho xe chạy ra đường Hùng Vương, con đường huyết mạch của Đà Nẵng
ngày xưa, xe cộ tấp nập nhưng chị không để ý, suy nghĩ miên man. Chị quyết tâm gặp lại
Lượm và đứa con gái của chị, sau mười lăm năm chị vượt biên biệt tích, không có một tin
tức nào về cha con họ. Dù Lượm có xỉ vả mắng nhiếc chị, có xua đuổi thì chị cũng phải
gặp họ để nói một lời xin lỗi, để nhìn lại đứa con gái mà khi chị ra đi nó chỉ mới bốn
tuổi.
Đứa con mà bao nhiêu năm sống cơ cực ở quê nhà, chị không gửi một đồng bạc
nào về cho con bởi lòng ích kỷ vì sợ Lượm sẽ bắt liên lạc, gây khó khăn cho chị. Trong
lúc chị muốn tránh tất cả, để mọi người nghĩ rằng chị đã chết. Khi ra đi trong lúc
Lượm còn trong trại cải tạo, gia đình nghèo khổ, tất cả đồ đạc trong nhà đều bán
sạch. Cũng vừa lúc đó có những chuyến vượt biên bán chính thức dành cho người
Hoa, chị được một người đàn ông quen biết đề nghị giúp chị với điều kiện chỉ một
mình chị đi, con phải để lại. Chị đắn đo bao nhiêu ngày, nếu ở lại với tình trạng nầy
mẹ con đều chết đói, chi bằng gửi con về bên nội rồi qua đến Mỹ chị gửi tiền về nuôi
con. Chỉ có một con đường nầy giải quyết ổn thỏa bức bách về sự sống còn của chị và
con. Thế nhưng oan nghiệt thay…
Xe ngừng trước một con hẻm, tài xế quay qua nói với chị: “Đã đến nơi, chị cứ ngồi trên
xe, để tôi xuống hỏi những người quanh xóm nầy có biết ông Lượm còn ở đây không?”
Chị nhìn quanh nhưng không thể nhận ra có cái gì quen thuộc mà trước đây chị sinh sống.
Mọi vật đều thay đổi xa lạ. Tự nhiên chị hồi hộp, tim chị đập mạnh không biết chuyện gì
sẽ xẩy ra với chị khi đứng trước mặt anh. Bây giờ chị mới thật sự thấy lo lắng. Chị lấy
kính đen ra mang để mọi người trong xóm nầy không ai nhìn ra được chị, người đàn bà có
một thời gian dài sống ở đây. Làm sao chị có thể bước xuống xe đi bộ vào con hẻm trước
bao nhiêu cặp mắt soi mói nhìn mình. Có phải chăng đây cũng là một hình phạt về cái
chuyện mình đã gây ra cho cha con họ. Vì sự ích kỷ của mình, vì gặp một hoàn cảnh nhục
nhã mà mình không muốn cho cha con họ biết, nên mình đã cắt đứt liên lạc với chồng
con, để bây giờ mọi chuyện đều ngỡ ngàng, cảm thấy xấu hổ.
Người tài xế trở ra nói với chị: “ Anh Lượm còn ở đây, nhưng không có ở nhà, đang bán
phở ngoài đường cái. Tôi đưa chị ra đó”.
Xe chạy ra đầu hẻm thì ngừng, quán phở nằm bên kia đường. Chị ngồi trên xe nhìn qua
quán phở nhận ra anh ngay. Anh đang đứng phía sau nồi nước lèo đang bỏ bánh phở vào
tô cho khách. Vẫn bộ râu mép rậm rạp, vẫn nụ cười luôn luôn trên môi mà ngày xưa anh
đã chinh phục chị. Chỉ khác một điều là ngày xưa anh là một phi công, còn bây giờ anh là
người bán phở. Chị ôm mặt cúi đầu khóc nức nở, thương cho anh quá nhưng bây giờ làm
sao đây. Tóc anh nhuốm bạc, da sạm, đôi gò má hóp đủ biết anh sống trong cơ cực, bần
hàn, thế mà bao nhiêu năm nay chị không chi viện một đồng bạc nào cho anh và con để
sống. Nghĩ tới sự bạc tình của mình, chị cảm thấy xấu hổ. Làm sao cha con anh không oán
trách?
Người tài xế hỏi chị:
“Chị xuống xe, hay còn đi đâu khác?”
“Anh cho tôi xuống đây”. Rồi chị móc ví trả tiền xe, không quên gửi tiền thêm cho tài xế.
Chị vào một quán nước đối diện với tiệm phở của anh bên kia đường, tìm một chỗ ngồi
thích hợp để nhìn qua. Chị phân vân không biết làm cách nào để gặp anh, trong lúc khách
khứa còn ra vào. Chị gọi một ly café đá rồi hỏi chuyện người bán quán:
“Tiệm phở bên kia đường bán có khá không chị?”
“Phở bình dân rẻ tiền, bán cho khách lao động quen biết, kiếm đủ sống?”
Chị muốn hỏi về đứa con gái của chị, nhưng không biết cách nào chị phải hỏi một cách
lòng vòng, mông lung:
“Có một mình anh đó đứng bán, không có ai giúp anh ấy sao?”
“Trước đây thỉnh thoảng có đứa con gái phụ với cha, bây giờ nó đi học xa chỉ một mình
ổng làm”.
Chị ngạc nhiên:
“Bộ ở đây không có trường sao mà phải đi học xa?”
“Con bé học giỏi lắm. Lên đại học, ở đây không có ngành đó, nên nó phải vào Sài Gòn”.
Chị cuối mặt thoáng một vẻ vui mừng. Chị nói một cách bâng quơ:
“Bán phở bình dân mà nuôi con lên đại học, giỏi thiệt”.
Người bán quán dừng tay pha café, nhìn chị như soi mói và trách móc một cách nhẹ
nhàng:
“Ông đó có vợ đi Mỹ nhưng biệt tích, nghe nói bà ta có chồng khác không giúp gì cho
cha con ông ấy hết. Tệ thật”.
Một lời cố ý hay vô tình đã làm cho chị thấm đau. Một người dưng bên ngoài không ở
trong cuộc, nhưng thấu hiểu được hoàn cảnh của cha con anh, lời của họ như muối xát
vào mặt chị, huống gì cha con anh làm sao tránh được sự phẩn nộ? Chị tự hỏi có nên gặp
anh ngay bây giờ không? Chị có chịu nổi sự chửi bới nặng nề của anh giữa lúc tiệm đang
có khách, có mặt những người lạ.
Chị hỏi người bán café:
“Quán phở bên kia mấy giờ mới đóng cửa?”
“Sắp đóng cửa bây giờ. Quán chỉ bán buổi sáng và trưa, hai giờ chiều đóng cửa để ông ấy
đi chợ lấy hàng về nấu, chuẩn bị cho sáng mai. Ngày nào cũng vậy, tội nghiệp”.
“Anh ấy không lấy vợ khác sao?”
“Ông ấy bảo rằng mình nghèo quá không lo cho người ta trọn vẹn, làm khổ thêm một
người nữa, mình không đành. Thôi ở vậy nuôi con. Ông ấy cũng có nhiều bà thương, cũng
có bà lắm của nhiều tiền, nhưng ông không màng tới, hình như ông sợ chuyện lấy vợ. Một
con chim bị thương nên sợ hãi tiếng bật của cung”.
Chị cúi xuống, khóc nức nở như có ai thọc trúng yếu huyệt. Sau cơn giằng xé con tim,
chị gỡ kiếng đen ra lấy khăn lau nước mắt.
Ngày xưa anh đẹp trai, một trung úy phi công bay bướm. Nhưng khi kết hôn với chị, anh từ bỏ tất cả các thú vui về sống với vợcon. Lương trung úy của anh cộng với lương giáo viên của chị, hai vợ chồng không giàu có nhưng sống thoải mái. Những ngày sống với nhau thật hạnh phúc, buổi chiều anh chở vợ con trên chiếc xe lambretta đi hóng mát trên bờ sông Hàn. Thứ bảy gửi con cho bà ngoại, vợ chồng đi xem ciné hay nhảy đầm. Một khoảng thời gian ngắn đó đã cho chị hiểu được thế nào là hạnh phúc, mà suốt cuộc đời sau nầy chị không thể nào tìm lại được. Chính chị là người đánh rơi mất cái hạnh phúc tuyệt vời đó, chối bỏ
chồng con, chạy theo một thứ danh lợi phồn hoa. Đày ải anh và con lâm vào cảnh bần
cùng tồi tệ.
Chị nói thật với người bán café:
“Tôi là vợ của anh Lượm trước đây và là mẹ của cháu Hậu. Không ngờ rằng tôi đã gây ra
nhiều oan nghiệt cho cha con họ quá. Chính tôi cũng không thể tha thứ cho lầm lỗi của
mình, thì làm sao tôi đòi hỏi chồng và con tôi tha thứ cho tôi được”.
“Tôi không ngạc nhiên, vì Hậu giống bà như đúc. Khi nghe bà hỏi thăm ông Lượm là tôi
có linh tính đoán ra được bà là vợ của ông ấy trước đây. Bà cứ qua đó gặp ổng, chắc ông
mừng lắm”.
“Không đâu. Tôi nghĩ anh ấy có thể giết tôi cho hả giận, nhưng tôi không sợ. Có lẽ như
vậy tôi cảm thấy thanh thản hơn”.
Chị trả tiền café, đứng dậy, cám ơn, rồi băng qua đường. Người bán hàng nhìn theo chị
vừa lo lắng, vừa thương hại, và cũng vừa có chút trách móc. Anh đang chuẩn bị đóng cửa
tiệm, chị bước tới đứng phía sau, gọi khẻ:
“Anh Lượm”.
Anh quay lui, sững sờ, mắt anh sáng rực, đôi mày anh nhíu lại, rồi anh thốt lên:
“Hiền đó à, khỏe không em?”
Em không muốn anh hỏi em như vậy. Hãy tát vào mặt em, chửi rủa hành hạ em và nếu
cần có con dao thái thịt trên bàn, anh có thể chém em một nhát. Em sẳn sàng tất cả
rồi, phải dùng những phương tiện tồi tệ nhất đối với em chứ đừng nhỏ nhẹ với em như
vậy. Em không có quyền nhận sự mềm mỏng, sự tha thứ nào của Anh và con…
“Hiền vào quán, anh khóa cửa. Chúng ta nói chuyện không có ai quấy rầy”
Chị nhìn quanh cửa tiệm, vỏn vẹn có năm cái bàn nhỏ, một quày tính tiền, hai bếp lò than
kê sát vách tường. Một quán phở bình dân dành cho dân lao động. Tài sản sơ sài của anh
khoảng chừng một trăm dollars, thế mà nuôi con ăn học đàng hoàng. Chị kéo ghế ngồi
vào bàn, hai tay chống trên bàn mặt cúi xuống, chị gỡ kính ra lau nước mắt, nhưng nước
mắt cứ trào. Chị khóc cho ai, cho chị hay cho anh? Chị không còn phân biệt được, nhưng
có một điều nước mắt sẽ làm cho người đàn ông phấn chấn và xiêu lòng. Anh kéo ghế
ngồi đối diện, không nói một lời, nhìn chị khóc cho hả bớt sự tức tối, đay nghiến chính
mình. Sau một hồi lâu, anh mới lên tiếng:
“Em đừng chống tay lên bàn dơ tay áo. Hôm nay anh chưa lau bàn”.
“Anh đừng lo, cái dơ bẩn nầy nhằm nhò gì cái dơ bẩn của em đang mang trong người.
Mọi người biết chuyện đều xa lánh khinh bỉ em, chửi rủa mắng nhiếc em. Còn anh, sao
anh lại tiếp em, không hành xử thô bạo với em, để cho hả dạ mà em đã gây ra cho anh…”
Anh nhìn chị rồi cười:
“Như vậy thì ích gì cho anh? Thú thật với em, từ lâu anh không còn biết giận hờn là gì
cho nên lòng anh mới được thanh thản. Nếu cứ mang hận thù mãi trong người, chồng chất
cái nầy lên cái kia, đến bây giờ chắc nó đã dìm anh chết mất. Nhưng thôi, lâu quá mới gặp
em, nói chuyện khác cho vui”.
“Chuyện gì với em cũng không thể vui được. Từ khi ngồi trên máy bay em khóc mãi cho
đến bây giờ. Em nghĩ gặp anh, em sẽ bị xua đuổi, sẽ bị nguyền rủa thậm tệ. Em đã chuẩn
bị những tình huống xấu nhất. Dù thế nào, dù có chết em cũng phải gặp anh và con, để
cho em thấy được mặt, rồi sau đó ra sao cũng mặc”.
“ Cái gì mà ghê gớm đến thế. Tụi mình cũng đã bắt đầu mấp mé đến tuổi già, không bằng
lòng cái gì thì nói với nhau, gây cho nhau khó khăn để làm gì? Con Hậu nó đi học ở Sài
Gòn, em cần thì anh cho địa chỉ để vào gặp nó. Còn anh bao giờ cũng vậy, tà tà sống qua
ngày, không còn bị ràng buộc những bon chen, những tranh giành. Bây giờ anh không còn
gì để mất, một cơn bão đã bật tung cội rễ, một canh bạc đã làm khánh tận. Có ngồi than
thân trách phận cũng chẳng được gì. Chi bằng mình gạt bỏ tất cả để sống cho mình, cho
con. Đủ rồi”.
Chị ngồi trước mặt anh, cách nhau một cái bàn, có thể nắm lấy tay nhau được. Thế nhưng
sao hai người có một khoảng cách rộng lớn quá. Anh sống cho mình, cho con, nhưng chị
cứ nghĩ anh đang sống cho tha nhân, lòng anh mở toang. Anh rộng lượng như Bồ Tát, tính
tình anh thay đổi một cách lạ kỳ.
Ngày xưa chị khiếp sợ trước cơn giận dữ của anh, đôi mắt anh sáng quắc nhìn chị như ăn tươi nuốt sống. Chị tránh nhìn vào đôi mắt đó, hình như nó có một cái gì đó làm cho chị khiếp sợ, thuần phục. Thế nhưng sau cơn giận, bao giờ anh ôm chị rồi xin lỗi chị trước. Còn bây giờ cũng đôi mắt đó sao nó có vẻ lung linh dịu hiền, có một thần lực sâu kín, một cái nhìn vị tha. Còn chị, chỉ biết bo bo sống cho mình, hẹp hòi, ích kỷ. Luôn luôn nghĩ tới lợi ích, chà đạp lên tất cả, bất chấp dư luận. Chị đã ruồng bỏ chồng con, xem như họ không có mặt trên cuộc đời nầy. Chị quên họ để dễ bề tái lập một cuộc sống mới cho đở hổ thẹn với lương tâm. Mà làm gì có lương tâm khi con người không còn tình thương yêu đồng loại, đừng nói gì đến tình máu mủ ruột thịt. Anh đang ngồi bên kia đối diện. Cái áo thun cũ mèm, chiếc
quần tây mốc thếch, đôi dép Nhật mòn lẳng. Vẫn đôi lông mày rậm rạp, mái tóc muối
tiêu bềnh bồng một chút phong trần, vẫn hồn nhiên tươi cười, thanh thản. Một tấm
lòng rộng lượng. Trông anh sao oai vệ, lớn lao quá. Còn chị, trong bộ áo quần đắt
tiền, sang trọng. Khuôn mặt hồng hào trắng trẻo. Sao chị vẫn cảm thấy mình thấp hèn
và u tối quá.
“Anh thù ghét em, khinh bỉ em, phỉ nhổ em... anh làm đi, hãy làm đi để em được thấy
mình bị trừng phạt, bị nguyền rủa. Em không mong anh và con tha thứ, mọi thứ nầy em
không xứng đáng nhận lãnh. Về đây, em chỉ mong thấy được anh và con, rồi em có chết
cũng thỏa lòng”.
“Tại sao em phải đày ải mình như vậy để làm gì? Được em còn nhớ tình xưa đến thăm
cha con anh, đó là diễm phúc lắm rồi. Chúng ta không còn nợ gì với nhau, hãy để mọi
chuyện yên nghỉ. Nếu em còn ở đây thỉnh thoảng đến thăm anh, còn vào Sài Gòn thì đến
thăm Hậu, nếu em có thì giờ. Cuộc sống của cha con anh như một cổ máy vận hành đều
đặng, mười mấy năm không ngơi nghỉ. Em về, tự nhiên anh cảm thấy có một chút giao
động, cuộc sống như chựng lại. Hy vọng mọi chuyện sẽ trở lại như cũ”.
“Có phải chăng đó là lời cảnh cáo? Đừng làm phiền anh phải không?”
Anh nhìn đi chỗ khác:
“Em nghĩ sao cũng được, bây giờ không phải lúc tranh cãi những chuyện vu vơ. Anh
không nói như vậy. Nhưng nếu em nghĩ như vậy thì cũng chẳng sao. Từ lâu anh sống trong
cô đơn quen rồi, em về khuấy động lòng anh không ít. Dù có dửng dưng thì cũng bị một
cái ”sốc”. Anh thấy tủi thân. Hay là em đừng tới nữa, để anh yên vị với cách sống xưa nay
của mình”.
Chị bật khóc nức nở, anh đã thẳng thừng đuổi chị nhưng chị cảm thấy như vừa lòng. Bây
giờ chị mới nhận được một chút hất hủi, ít ra nó phải mang một cái gì đó thể hiện sự
trừng phạt.
Mười lăm năm, anh đã đắng cay trong cực khổ, chờ vợ thương tình gửi cho
một ít tiền nuôi con, vợ lờ đi. Anh bữa đói bữa no, hy sinh cho con. Những nhọc nhằn
trong thời kỳ khó khăn đó, anh không quên được. Bây giờ đời sống đã tạm ổn dù vẫn
nghèo khó, vẫn chật vật, nhưng không ở trong tình trạng bức bách như hồi trước. Anh
tự cảm thấy bằng lòng với mình. Mỗi tháng gửi cho con một ít tiền ăn học, dặn dò con
cố gắng dè xẻn trong số tiền ít ỏi đó. Tội nghiệp con bé, biết cha khổ cực nên không
dám tiêu một đồng bạc nào phung phí. Con bé nói với cha nhiều lần là nó phải học.
Chỉ có học sau nầy mới giúp được cha thoát khỏi cái cảnh nghèo khó. Con bé khôn
lanh từ nhỏ, đã lăn lóc với cha trong mưu sinh, trưởng thành trong chật vật, nên hiểu
cái giá trị đồng tiền tạo ra từ mồ hôi, từ khổ nhọc. Chính vì vậy nên anh cũng yên lòng
khi phải xa con.
Sau khi những xúc động, những ngỡ ngàng gặp lại nhau trôi qua. Bây giờ anh nhìn chị
một cách kỹ càng, để xem một con người hiền hậu, thương yêu chồng con của thủa nào,
sau một thời gian ngắn đến Mỹ, đã chối bỏ quá vãng của mình một cách dễ dàng, ruồng
bỏ chồng con. Anh lắc đầu, không thể hiểu nỗi lòng dạ con người, khéo léo che đậy bên
trong một sự phản phúc thối tha. Cái nhận xét của anh có trung thực không? Có cay
nghiệt không? Hay anh là một nạn nhân của hoàn cảnh nên phán xét sự việc nghiệt ngã
như vậy. Anh đã cố quên đi những uất hận, những khổ đau của một con người sống cô thế
nghèo hèn, bằng lòng với những gì mình tạo ra được, cuốn mình trong cô đơn. Từ lâu đã
quen sống trong một môi trường chật vật, không còn tha thiết đến chuyện lập lại gia đình.
Anh ngán ngẩm với lòng người. Khi mới học tập trở về, nghe tin vợ đến Mỹ, anh mừng
lắm. Như vậy đời sống của cha con anh có một tia hy vọng, sẽ được vợ trợ cấp, rồi một
ngày nào đó sẽ được vợ bảo lãnh. Thế nhưng năm nầy qua năm khác, trông ngóng dài cổ
vợ vẫn biệt vô âm tín. Cha con anh sống trong khổ cực, trong thiếu thốn phải cắn răng
chịu đựng. Tất cả các ước mong trong anh đều tan biến, không còn một tia hy vọng nào.
Cũng may, giữa lúc khó khăn như vậy thì một người bạn được gia đình bảo lãnh đi Mỹ,
bán lại tiệm phở bình dân nầy bằng cách trả góp. Một cái phao vớt anh ra khỏi sự ngụp lặn
trong bon chen, dù nó không đắt khách lắm nhưng sau khi trang trải mọi thứ, cha con anh
cũng có một cuộc sống tạm ổn.
Anh nói với chị:
“Con Hậu giống em như tạc, nhưng nó không hiền hậu khéo léo bằng em. Nó sống với
cha từ nhỏ nên tính tình của nó cứng rắn, dứt khoát”.
Không hiền hậu khéo léo bằng em, sao anh không nói nó không điêu ngoa, không lừa
lọc như em. Để em dễ dàng nhận thấy mình còn được một diễm phúc, là con em ít ra nó
khác xa mẹ nó về tính nết, về xử sự, về nhân tính…Anh đã ném cho em một cục đường,
mà khi nuốt vào mắc ngang cổ họng. Cái đau của sự ngọt ngào nầy như một chất
cường toan thiêu đốt em. Sao anh vẫn còn đối xử với em nhẹ nhàng để làm gì? Khi mà
em muốn mọi người phải hành hạ em, phải chửi rủa em. Mười lăm năm nay em chưa
thấy mặt con, nhưng em biết nó là một đứa bé ngoan, một mình đi xa trọ học, quyết
tâm thay đổi cuộc sống khá hơn sau nầy, để giúp cha thong thả trong tuổi già sức yếu.
Nội cái suy nghĩ đã đượm cả một nhân sinh quan đạo đức đó thôi, đủ biết nó sống hết
mình với thân thuộc. Hậu là con em, nhưng bỏ xa một khoảng cách dài trong quan
niệm sống của em. Nó rộng rãi với người thân bao nhiêu thì em nhỏ nhen ích kỷ bấy
nhiêu. Quả thật em không còn xứng đáng một người mẹ, nhưng cũng may cho em, an
ủi được em là con em đang là một thiên thần, trong lúc em đã là một quỷ sứ.
“Em à, anh phải đi chợ chiều nay, rồi về nhà nấu, để ngày mai dậy sớm bán hàng. Bây giờ
đã trễ quá rôi, sợ người ta không chờ mình được”.
“Anh có thể đóng cửa vài hôm được không? Em năn nỉ anh, cho em xin một cơ hội được
gần anh với con vài ngày. Rồi sau đó em sẽ ra đi không còn làm phiền lòng anh nữa”.
“Anh nghĩ, chúng ta đã trao đổi với nhau đủ rồi, cái gì cần thì đã nói. Không cần phải kéo
dài ra thêm để làm gì. Chân đã bước qua khỏi lằn ranh, không rút lại được. Tiếc nuối làm
gì thì cũng vậy thôi”.
Chị gục xuống bàn khóc. Cũng tiếng khóc nầy, cũng con người nầy mà ngày xưa khi
giận dỗi chị vào buồng lên gường nằm khóc, dù có tức giận cách mấy nghe chị khóc
anh không làm sao chịu được, nó rưng rức, nghẹn ngào đã làm cho anh xốn xang. Bao
giờ anh cũng thua cuộc trước. Lấy khăn lau nước mắt, dỗ dành chị. Còn bây giờ, cũng
tiếng khóc đó nhưng sao anh cảm thấy xa lạ. Nó không đánh động được lòng anh. Sao
vậy? Mười bảy năm từ khi anh vào trại cải tạo, anh không còn được nghe chị khóc.
Bao nhiêu năm xa nhau đã làm cho con người anh chai lì, không còn biết rung động,
ngược lại anh thù ghét tất cả. Cũng may anh còn đứa con gái là chiếc phao cuối cùng
anh vịn vào đó để sống. Những năm đầu, anh oán hận chị nhưng dần dần về sau
nguôi ngoai, mang làm gì cái đó trong người cho thêm nặng nề. Tự nhiên cuộc sống
được bảo hòa, anh cố quên đi tất cả để sống thoải mái an lạc.
“Thôi được, anh treo bảng đóng cửa vài ngày vì bận việc gia đình, để khách khỏi phải
đợi”.
Anh vẫn chìu chị, anh cứng rắn lắm kia mà, sao lạ vậy? Anh cũng không biết tại sao
mình lại mềm lòng như thế. Chỉ vài ngày rồi chị ra đi, anh không nở khi chị trở qua bên
kia mà còn mang trong lòng u uất, dù điều nầy xứng đáng với hình phạt bỏ bê chồng con
của chị. Thôi, mọi chuyện đâu vào đấy. Gây thêm làm gì những rắc rối cho người khác.
Anh phân vân có nên gọi Hậu về thăm mẹ, hay để mẹ vào Sài Gòn rồi đến thăm con. Hậu
là đứa con gái cứng đầu, thù ghét dai dẳng chắc gì nó tiếp mẹ, mặc dù nó cần có mẹ. Anh
đề nghị với chị nên đánh điện tín gọi Hậu về, dù gì có anh bên cạnh nó cũng không dám
đay nghiến mẹ hay lở lời với mẹ. Anh về nhà tắm rửa thay đồ rồi lấy chiếc xe honda cà
tàng của mình chở chị ra bưu điện. Chiếc xe nầy thuộc loại cũ mèm, khi qua tay anh nó
chưa có hân hạnh chở người, mỗi ngày anh dùng nó chở thịt, bánh phở, rau v.v.. mọi thứ
cho tiệm phở của anh. Đây là lần đầu tiên chở người. Sau khi suy nghĩ, anh đánh điện tín
cho Hậu với nội dung: “Hậu, Ba đau nặng. Mua vé máy bay về gấp”.
Sau hơn mười bảy năm, bây giờ chị mới ngồi phía sau xe anh chở. Chị cảm thấy thật
hạnh phúc, tay chị ôm ngang lưng anh, đầu tựa vào vai, chị được ngửi lại mùi da thịt
quen thuộc của những ngày êm ả thủa nào. Chị cảm thấy thương quá, thân hình anh
ốm o, vóc dáng như nhỏ lại. Ước gì hai tay chị được ôm siết anh thật chặt như ngày
xưa, cái mơ ước thật nhỏ bé, thật đơn giản, đang ở trong vòng tay chị. Thế nhưng nó
quá xa vời, chị không đủ can đảm tiến tới thêm, hình như nó đang có một lực cản mà
chị không tiến tới được, vừa xấu hổ vừa quý trọng đang âm ĩ trong người chị.
“Em có cần đi đâu nữa không?”
“Anh chở em đi vòng thành phố một chút được không? Em muốn nhìn thấy lại thành
phố”.
Anh không thấy gì ở chị một sự thay đổi, vẫn nhỏ nhẹ như ngày nào, vẫn còn thùy mị mà
sao trong lòng chị thay đổi nhiều như vậy. Anh không muốn hỏi về gia đình của chị ở Mỹ,
vì anh sợ đụng tới một sự thật phủ phàng. Thôi hỏi để làm gì, khi mà mọi thứ đều nằm
ngoài tay với, biết để rồi ấm ức chứ ích gì. Anh đưa chị đi những nơi mà ngày xưa vợ
chồng hay lui tới, khung cảnh tuy có đổi khác, nhưng trong lòng của hai người vẫn còn
đọng những dấu ấn. Chị xin anh cho chị về nhà ở vài ngày được không, để chờ con Hậu về
rồi tính sau. Anh phân vân, lại làm khó cho anh nữa rồi. Cũng may căn nhà anh mới xây
lại năm vừa qua, tuy không tiện nghi nhưng cũng có nơi để chị nghỉ. Ghé qua khách sạn
để chị lấy đồ đạc. Anh ngạc nhiên, đi bao lâu mà mang đồ nhiều quá vậy, bốn cái va-li và
một cái xách tay, phải nhờ khách sạn gọi taxi chở đồ.
Khi xe về tới đầu hẻm, cả xóm chạy ra nhìn chị. Chị cảm thấy thẹn thùng, cúi đầu đi
nhanh vào nhà. Chị còn nghe tiếng trằm trồ: “Bà đẹp quá, giống con Hậu như đúc”. Hàng
xóm phụ anh mang va-li vào nhà, không quên chúc mừng anh đoàn tụ. Anh nghe như có
cái gì mỉa mai, thấm đau. Có ai biết được nội tình của anh bây giờ. Vợ sờ sờ ở đó mà
không phải của mình. Xa nhau lâu ngày khi gặp lại mà trong lòng vẫn bình lặng.
“Tối rồi, em muốn ăn gì anh chở đi”.
“Em ăn chay, mười lăm năm nay”.
Anh nghe như có cái gì đó chói tai. Ăn chay mười lăm năm nay để rồi bỏ bê chồng con
như vậy sao? Con người nầy càng gần càng thấy khó hiểu. Những người có tâm nguyện ăn
chay thì phải hướng về những điều lương thiện. Việc của chị đối xử với cha con anh mười
lăm năm nay không có chút lương thiện tí nào. Anh không thể nào hiểu nổi lòng dạ đàn
bà.
Hai ngày sau, Hậu về tới nhà. Bước vào cửa, Hậu nhìn thấy chị, kinh ngạc và biết ngay
người đó là mẹ mình. Hậu quay mặt vào vách khóc nức nở, tiếng khóc mang nhiều suy
nghĩ lẫn lộn: trách móc, thù ghét, mừng tủi v.v.. chị lại gần ôm con. Mười lăm năm bao
giờ chị cũng nghĩ tới con, chính vì nó mà chị giữ lại mạng sống nầy. Ai hiểu được cái đau
khổ tột cùng của chị. Nước mắt chị rơi trên vai con.
Hậu nói trong nước mắt:
“Từ lâu con cứ nghĩ mẹ đã chết”.
“Vâng, chính mẹ cũng nghĩ rằng mẹ đã chết. Hãy tha thứ cho mẹ”.
Khi ra đi, con mắt của con cứ đau đáu trông chờ chị. Mỗi ngày qua đi là mỗi ngày chị
cầu nguyện cho chồng con chóng quên chị, xem như chị đã bỏ thây trên biển đông.
Chị không liên lạc để cho chồng con nghĩ rằng chị đã chết. Nhưng mỗi lần toan tính
quyên sinh là mỗi lần chị thấy đôi mắt của đứa con hốt hoảng nhìn chị, nên chị phải
dừng lại ý định nầy. Thế mà chị không đủ can đảm bắt liên lạc với chồng con. Chị sợ
rằng sẽ gây cho họ một sự đau khổ, một nhát chém trên lưng mà không bao giờ lành
được. Mười lăm năm, chị không thể chờ thêm được nữa. Phải trông thấy được mặt con,
mặt chồng rồi qua lại Mỹ quyết định mọi chuyện”.
Chị ôm vai Hậu lay nhẹ:
“Hậu à, cho mẹ xin lỗi. Về đây mẹ mới biết được một điều là ba và con hận mẹ, nhưng
không xua đuổi mẹ. Rồi đây con sẽ hiểu mẹ hơn. Cho đến bây giờ mẹ vẫn ở vậy, không
có gia đình. Làm sao mà tái giá được khi mà lòng mẹ bao giờ cũng nghĩ về ba và con.
Nhưng thôi chuyện nầy sẽ nói với con sau”.
Anh giật mình nhìn sửng chị. Hậu nín khóc ngay, quay lui nhìn mẹ. Tất cả chờ đợi.
Chị thong thả nói với con:
“Mẹ không nói dối con. Mười lăm năm nay mẹ chỉ biết đi làm, về nhà tụng kinh rồi đi
ngủ, ngày nào cũng vậy. Chỉ có cuối tuần đi chợ mua thức ăn. Mẹ nghĩ rằng Ba bây giờ đã
có vợ khác. Không ngờ mọi chuyện không như vậy. Tội nghiệp, tất cả đều do mẹ”.
“Thật hả mẹ, con mừng quá”.
Chị ôm con vò đầu:
“Trong bốn cái va-li mẹ mang về, áo quần của con và Ba. Còn mẹ đồ dùng chỉ trong xách
tay. Qua lại Mỹ dần dần mẹ sẽ chuyển tất cả tiền về cho con và Ba tùy nghi. Đó là số tiền
dành dụm mười lăm năm của mẹ”.
*
Thay đoạn cuối
Thưa chị Hiền,
Chị đã kể cho tôi nghe câu chuyện của đời chị. Chuyện quá sức thương tâm của một
người đàn bà bị dày vò bởi những nghịch cảnh trên biển đông, trong lúc vượt biển. Mà sau
nầy không dám nhìn lại chồng con. Luôn luôn bị dằn vặt, ám ảnh bởi những hình ảnh dã
man của một lũ người mọi rợ, dày xéo trên thân thể của những người đàn bà cô thế, vô
tội. Làm cho nhiều người xem mình như đã chết, không dám nhìn lại những người thân,
trong đó có chị. Có một điều, sau mười lăm năm chị mới tỉnh người và có một quyết định
sáng suốt trở về gặp lại chồng con.
Tôi không đủ chữ nghĩa để mô tả lại cái đau khổ tột cùng của chị, cái chờ đợi mỏi mòn
của chồng con chị. Tôi là người ghi nhận vô cùng thiếu sót, mong chị lượng tình tha thứ.
Song tôi nghĩ dù sao đi nữa câu chuyện nầy cũng làm cho nhiều người cùng hoàn cảnh
thấy được chính mình, cho người khác thông cảm những mảnh đời oan ức của những
người đàn bà bị làm nhục, bị dày xéo, đọa đày. Tôi nghĩ, tất cả mọi người nghiêng mình
kính phục những người như chị. Đó là vấn nạn khổ đau chung của dân tộc chúng ta, trong
một hòan cảnh bi đát của đất nước. Thế giới phải sửng sốt, lương tâm của những con
người được đánh động và tình thương đã thắng.
Tôi mong rằng chị sẽ được sống thanh thản với chồng con, với cộng đồng loài người và tự
hào tình thương đã đùm bọc lấy nhau, san sẻ cho nhau và tương kính nhau để sống.
Chúc chị và gia đình thành công trên bước đường còn lại.
Dallas, ngày 29 tháng 9 năm 2008
Phan xuân Sinh
++++++++++++++++
Bà Mẹ Vượt Biên và Hải Tặc Thái Lan
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)