Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Nghệ thuật chỉ huy và người nhạc trưởng


Trước thế kỷ XIX, ngôn ngữ âm nhạc và tiết tấu chưa phức tạp nên vai trò của người nhạc trưởng trong hòa tấu âm nhạc không quan trọng và chưa được chú ý. Họ thường là những người đánh organ hoặc clavicin hay violon thứ nhất của dàn nhạc (lúc đó dàn nhạc còn ít nhạc công). Vì vậy mà nghệ thuật chỉ huy cũng chưa hình thành rõ ràng. Đến thế kỷ XIX, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật nói chung, ngôn ngữ và tiết tấu của âm nhạc cũng trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi phải có một người nhạc trưởng chuyên trách điều khiển dàn nhạc. Vai trò của người nhạc trưởng không thể thiếu và trở nên quan trọng trong dàn dựng, hòa tấu và biểu diễn âm nhạc. 
Nghệ thuật chỉ huy bắt đầu phát triển và đóng vai trò quan trọng. Ở những nước có nền nghệ thuật và âm nhạc chưa cao như nước ta, phần lớn còn chưa biết và chưa hiểu về nghệ thuật chỉ huy, nghệ thuật điều khiển, dàn dựng và biểu diễn với dàn nhạc và hợp xướng. Phần lớn công chúng ngoại đạo, kể cả trong đạo đều cho rằng nhạc trưởng đứng trước dàn nhạc cho oai, cho đẹp và “bơi” theo dàn nhạc. Chính vì vậy nhiều nhạc sĩ rất thích, điếc không sợ súng, liều lĩnh xông ra chỉ huy.
Nhạc sỹ R.Wagner
Người nhạc trưởng cần phải có kiến thức sâu rộng về âm nhạc, có năng khiếu nghiên cứu và phân tích âm nhạc, năng khiếu thể hiện và biểu cảm âm nhạc bằng ánh mắt, thần sắc, thôi miên và kỹ thuật truyền cảm của tay và cả cơ thể. Có thể nói đây là nghề cần kiến thức tổng hợp về âm nhạc và nghệ thuật, càng biết chơi nhiều nhạc cụ và biết thanh nhạc (hát) thì càng thuận lợi cho nghề nghiệp. Có thể ví người nhạc trưởng như người đạo diễn kịch, còn nhạc công của dàn nhạc là những diễn viên, chỉ có khác là khi biểu diễn thì người đạo diễn (nhạc trưởng) cùng biểu diễn với các diễn viên (nhạc công). Dàn nhạc là nhạc cụ gián tiếp của người nhạc trưởng, tất cả những sắc thái và biểu cảm của nhạc trưởng đều được truyền tải qua sự thể hiện của các nhạc công. Chính vì vậy sức thuyết phục của xử lý và truyền cảm âm nhạc của người nhạc trưởng là yếu tố quyết định, đánh giá đẳng cấp của từng nhạctrưởng. Điều này nói lên khối lượng công việc của người nhạc trưởng. Đó là sự nắm bắt và am hiểu (thuộc bài) thấu đáo tác phẩm âm nhạc – bản giao hưởng, vở opera (nhạc kịch), concerto... am hiểu tác giả. Hầu như tất cả các nhà chỉ huy lớn của thế giới đều chỉ huy thuộc lòng các bản giao hưởng, các vở nhạc kịch, thậm chí cả các bản con- certo viết cho các nhạc cụ độc tấu cùng dàn nhạc. Nhạc trưởng người Áo Herbert Von Karajan, từng là giám đốc nghệ thuật và chỉ huy chính của dàn nhạc giao hưởng Berlin Philharmoniker – ngôi vị cao nhất của làng chỉ huy thế giới. Ông luôn chỉ huy thuộc lòng tất cả các tác phẩm. Có lần ông tổng duyệt 3 tập opera “Nhẫn Nibelung” (kéo dài 3 ngày) của R.Wagner, một nữ vai chính giọng soprano đang hát aria, ông đã dừng lại và sửa: “xin lỗi, bà đã ngân không đủ dài nốt rê bemol đen chấm dôi”. Vai trò và trách nhiệm của người chỉ huy là như vậy. Không những thế, tại các nhà hát lớn của thế giới, các vở opera đều được dàn dựng bằng tiếng nguyên bản như tiếng Ý, Đức, Pháp, Anh, Nga... Cho nên người chỉ huy cũng phải dàn dựng và thuộc bằng tiếng nguyên bản.
Nhạc sĩ Berlioz nói về nghệ thuật chỉ huy: “Không một nhạc sĩ nào có ác ý với tác phẩm của mình, nhưng tất cả họ đều cho rằng họ biết chỉ huy, và với sự ấu trĩ đó họ đã làm hại những tác phẩm có giá trị...Người ta nói, Beethoven đã nhiều lần làm hỏng các giao hưởng của mình vì muốn tự chỉ huy, thậm chí khi ông đã điếc hẳn. Nhạc công vì vậy đã thỏa thuận đánh theo bè trưởng violon I, không nhìn theo đũa chỉ huy của Beethoven. Từ đây có thể hiểu, chỉ huy giao hưởng, ouverture hay những tác phẩm có tốc độ (tempo) đều đều và ít thay đổi sắc thái - đó thực sự chỉ là trò trẻ con so với chỉ huy opera và những tác phẩm có những đoạn hát nói (recitativ) tự do, aria và những dấu lặng nghỉ tự do trong dàn nhạc...Người chỉ huy phải nhìn và nghe được, phải có phản xạ nhanh và quyết đoán, phải hiểu biết nghệ thuật sáng tác, tính năng các nhạc cụ. Ngoài ra phải có tố chất đặc biệt, truyền tải cảm xúc của mình đến các nhạc công. Nếu không có khả năng này anh ta sẽ không thể điều khiển và dẫn dắt dàn nhạc, chỉ đơn thuần là người đánh nhịp thay máy”.
Nhạc sỹ F.Liszt
Tại Nhạc viện Tchaikovsky và các nhạc viện trên thế giới, những thí sinh thi vào học chỉ huy thường đã tốt nghiệp một chuyên ngành như piano, violon, chỉ huy hợp xướng, sáng tác hay kèn hoặc các nhạc công đã chơi trong dàn nhạc lâu năm. Nhạc viện Tchaikovsky mỗi năm chỉ tuyển 2 hoặc tối đa là 3 sinh viên chỉ huy vì dàn nhạc ở Nga cũng không nhiều. Các sinh viên mỗi năm được làm việc với dàn nhạc 1 tuần, ngoài ra họ có thể tham dự và theo dõi các buổi tập của các chỉ huy nổi tiếng. Vì vậy họ có điều kiện thuận lợi giao tiếp, chà xát và thu lượm kinh nghiệm nghề nghiệp. Ở Việt Nam chúng ta, mơ ước khinào mới có được điều kiện này?...Thực trạng việc đào tạo âm nhạc cổ điển chuyên nghiệp, đầu ra và đời sống của nó thật sự là câu chuyện buồn. Sân khấu ca nhạc chỉ có nhạc thị trường: ca khúc quần chúng, tràn ngập nhạc trẻ bừa bãi thiếu chất lượng, nhất thiết phải có múa minh họa, tạo nên mốt thời trang âm nhạc - “nhạc nhìn”. Tuyển sinh đầu vào tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp phải “vơ bèo, vặt tép”, không còn ai muốn học nhạc cụ dây, kèn và gõ (đây là nền tảng của âm nhạc chuyên nghiệp mà Liên Xô cũ và các nước Đông âu đã đào tạo cho Việt Nam một đội ngũ chuyên giâ đầu ngành, nay đã già và mất dần), phải lấy cả những thí sinh không có năng khiếu âm nhạc mà đã thi trượt các trường khác và hậu quả là khi vào học thì đau khổ cả trò lẫn thày. Tốt nghiệp xong hầu như không tìm được việc làm, phải làm những việc không đúng chuyên môn và không đủ nuôi thân. Một số học sinh con nhà nòi, khá giỏi, tìm cách đi du học và khi học xong cũng tìm cách ở lại làm việc vì về nhà sẽ khó hoặc không tìm được việc. Chỉ những học sinh kém, không tìm được việc thì trở về. Đó là bức tranh chảy máu chất xám nói chung, không chỉ trong âm nhạc.
Câu chuyện buồn này có thể nói không có hồi kết, nhưng trong năm mới, năm con rồng vàng sjc này chúng ta phải cố hy vọng vào một tương lai sáng sủa hơn. Hy vọng nhà nước sẽ quan tâm hơn và đầu tư thích đáng cho nền âm nhạc chuyên nghiệp để không tụt hậu so với các nước ASEAN, để cho các tài năng âm nhạc của Việt Nam không phải lưu lạc kiếm sống ở nước ngoài.

Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.