Phạm Phú Minh giới thiệu
Bàng bạc gấm hoa” là một cách nói tượng hình mà tác giả dùng để đặt tên cho cuốn sách độc giả đang cầm trên tay. Gấm hoatượng trưng cho vẻ đẹp ở đời, và tất cả những bài viết trong sách này đều về các vấn đề văn học, văn hóa, nhằm mô tả nét xinh tươi của ngôn ngữ trong văn, thơ, trong lời ca tiếng hát, vẻ đẹp của hội họa, của hội hè, của các hành vi nhằm nâng cao phẩm chất của cuộc sống… Những vẻ gấm hoa đó không biểu lộ ra một cách cụ thể như một tòa nhà bề thế của một đại gia, như một chiếc xe sang trọng của người giàu có, nhưng nó thấm đẫm và ẩn hiện khắp các ngõ ngách của đời sống, làm cho cuộc nhân sinh của chúng ta ý nghĩa hơn, vui tươi hơn, thậm chí biện minh cho sự hiện diện của con người trên mặt đất này.
Gấm hoa chỉ hiện hữu trong cuộc đời và trong lòng người một cách bàng bạc, nghĩa là có đấy nhưng không cụ thể, đó là cách nói phù hợp nhất khi tiếp cận và mô tả những vấn đề văn hóa. Và đó chính là công việc của nhà văn Mặc Lâm, người phụ trách mục văn hóa /nghệ thuật cho ban Việt ngữ của đài Á châu Tự do tại thủ đô của nước Mỹ.
Khác với cách làm đài phát thanh của khoảng ba mươi năm về trước, “đài phát thanh” của thế giới ngày nay không chỉ loan truyền thông tin bằng tiếng nói trên làn sóng điện, mà còn làm cả báo viết, báo hình trên các trang mạng của mỗi đài. Thậm chí đã đến giai đoạn, có “đài phát thanh” còn không gửi cả tiếng nói vào làn sóng vô tuyến, mà chỉ còn làm báo chữ trên các trang mạng. Với các tiến bộ về kỹ thuật Internet, ngày nay trên một trang mạng có thể kết hợp nhiều thứ: nghe, nhìn, đọc, tức là vừa đóng vai trò truyền thông bằng lời nói, vừa hình ảnh (truyền hình) và vừa mang tính cách báo in truyền thống mang văn bản đến cho độc giả.
Với các lợi thế đó, trong nhiều năm qua nhà văn Mặc Lâm vẫn phát các chương trình văn hóa, nghệ thuật của mình qua làn sóng phát thanh, đồng thời đưa các bài vở ấy vào trang nhà của RFA. Và bây giờ ông lại đúc kết tất cả các công trình đó vào một quyển sách in trên giấy, một hình thái truyền thông xưa cũ của loài người mà dù kỹ thuật điện tử ngày nay đã tiến bộ vượt bậc, vẫn chưa thể hoàn toàn thay thế sách in được.
Nhờ thế chúng ta có quyển Bàng Bạc Gấm Hoa ngày hôm nay, để thưởng thức một cố gắng liên tục trong nhiều năm lựa chọn, nghiên cứu và đưa ra thành bài viết về những sự kiện văn hóa văn học của tác giả Mặc Lâm. Nhìn chung thì nội dung cả cuốn sách là về các vấn đề văn hóa và văn học nghệ thuật của Việt Nam, tác giả đã phân loại thành các nhóm đề tài: Tác giả, tác phẩm (về văn học); Văn hóa dân gian (các lễ hội và hình thái văn nghệ truyền thống); Sắc màu cuộc sống (gồm hầu hết các tùy bút của tác giả); Nét đẹp Việt (về hội họa).
Các loại đề tài rất đa dạng, thật khó cho một người bao biện hết mọi chuyện chỉ với kiến thức riêng của mình. Nhưng chính vì thế ta mới thấy khả năng nhìn tổng quát của tác giả để thấy được nhiều lãnh vực khác nhau về văn hóa của một đất nước, và đi tìm đề tài cho từng mảng một. Đó là khả năng nhạy bén của một nhà báo có kinh nghiệm, cộng với cách nhìn sự vật của một nhà văn, cộng với kiến thức dồi dào của một nhà nghiên cứu. Để thực hiện một bài viết, tác giả đã theo nhiều cách: hoặc chính mình tìm hiểu về đề tài ấy qua sách vở tài liệu rồi viết thành bài; hoặc tiếp xúc hỏi chuyện nhân vật chính liên quan; hoặc tổng hợp cả hai cách, vừa tìm hiểu, vừa phỏng vấn lấy ý kiến của nhiều người khác để làm sáng tỏ vấn đề. Theo cách làm việc linh động và kỹ lưỡng như thế, mỗi bài viết đều mang được một giá trị riêng, gửi đến người đọc một số hiểu biết mới mẻ, đôi khi rất bất ngờ thú vị. Chúng ta thử góp nhặt một số ví dụ điển hình.
Trong cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy khi ông đã 92 tuổi, chỉ một thời gian ngắn trước khi nhạc sĩ qua đời, chúng ta được biết ý nghĩa của nhan đề bài “Việt Nam! Việt Nam!” mà thú thực kẻ viết những dòng này đã hát chung khúc ấy của trường ca Mẹ Việt Nam cách đây hơn nửa thế kỷ khi nó mới ra đời, đây mới là lần đầu tiên nghe lời giải thích của tác giả
Anh nhớ lại từng chữ từng câu trong bài “Việt Nam! Việt Nam!”. Tại sao đầu đề lại hai chữ “Việt Nam! Việt Nam!”? Bởi vì nước Việt Nam mình bị chia làm hai, thành hai thứ “Việt Nam – Việt Nam”.
Và cũng lần đầu tiên từ khi Phạm Duy về sống tại Việt Nam chúng ta được nghe những lời tâm sự trong lần phỏng vấn sau cùng này:
“Tôi đưa ra một câu nói thôi: “Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” đất nước bơ vơ, nó rối bù đi nên tôi phải khóc. Lúc nào đoàn kết thì tôi cười theo. Khóc cười theo mệnh nước. (…) Các anh yêu tôi thì nói là tôi có sự nghiệp hơi đầy đủ, hơi lớn một tí đấy, nhưng mà riêng tôi thì tôi thấy cho đến giờ phút này tôi hoàn toàn thất bại. Bởi vì đất nước đã thống nhất rồi mà lòng người thì không thống nhất, thành thử đại khái nếu tôi có chết đi thì gần như là tôi không được thỏa mãn.
(… ) Anh muốn biết tại sao thì anh hỏi thẳng chính quyền ấy. Anh phải hỏi thẳng chính quyền tại sao lại như thế?”
Và một trường hợp khác. Trong phần trò chuyện giữa Mặc Lâm và nhạc sĩ Cung Tiến, khi câu chuyện xoay quanh việc sáng tác nhạc, người đọc hẳn thú vị với đoạn trao đổi sau đây:
“Mặc Lâm: Là một người yêu thích âm nhạc và có những nhạc phẩm nổi tiếng rất sớm như: Hoài Cảm, Thu Vàng, Hương Xưa… lý do nào khiến ông trở thành một chuyên gia kinh tế học và ông có cho rằng kinh tế và âm nhạc là hai lĩnh vực khó hòa hợp lẫn nhau hay không?
Nhạc sĩ Cung Tiến: Câu hỏi này nó có hai phần, một phần là tại sao tôi trở thành chuyên gia kinh tế học và một phần là giữa âm nhạc và kinh tế có hòa hợp với nhau hay không. Tôi được học bổng kinh tế học vì âm nhạc không phải là ngành mà ngoại quốc cho chính phủ VNCH hồi đó.
Sự thực thì âm nhạc và kinh tế không phải là khó hòa hợp vì cả hai đều là nghệ thuật cả. Kinh tế học không phải là một khoa học mà là một nghệ thuật giữa kẻ mua người bán, giữa người sản xuất và người tiêu dùng, cho nên nếu không hòa hợp được thì cũng không thể xung khắc lẫn nhau.”
Nếu như không có câu hỏi rất thông minh của Mặc Lâm thì làm sao chúng ta được nghe một ý tưởng rất độc đáo của một nhạc sĩ nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam như thế ? Chỉ có người trong cuộc, từng sáng tác nhạc từ năm 14 tuổi (bài Hoài Cảm), lớn lên đi du học ngành kinh tế học và làm việc trong ngành này, mới có thẩm quyền đưa ra một nhận xét rằng có sự tương đồng về mặt nghệ thuật giữa môn kinh tế và môn sáng tác nhạc, một điều thoạt đầu phần lớn chúng ta không ai dám nghĩ tới.
Trong các cuộc phỏng vấn văn nghệ sĩ của Mặc Lâm, một số bài dành cho các nhà thơ ở phía bên kia, thuộc chế độ cộng sản. Tôi cho đây là những tìm kiếm và khám phá rất xuất sắc, đem lại ích lợi lớn cho người đọc, nhất là độc giả ở hải ngoại. Trường hợp nhà thơ Nguyễn Duy chẳng hạn. Năm 1988, khi đang ở Mạc Tư Khoa, Nguyễn Duy đã viết bài thơ “Nhìn từ xa… Tổ Quốc” với như câu như sau:
Chích một giọt máu thường xét nghiệm
tí trí thức – tí thợ cày – tí điếm
tí con buôn – tí cán bộ – tí thằng hề
phật và ma mỗi thứ tí ti…
Khốn nạn thân nhau
nặng kiếp phân thân mặt nạ
Thì lột mặt nạ đi – lần lửa mãi mà chi
dù dối nữa cũng không lừa được nữa
khôn và ngu đều có tính mức độ
(… )
Xứ sở kỷ cương
sao thật lắm thứ vua
vua mánh – vua lừa – vua chôm – vua chỉa
vua không ngai – vua choai choai – vua nhỏ…
Lãnh chúa sứ quân san sát vùng cát cứ
lúc nhúc cường hào đầu trâu mặt ngựa
Luật pháp như đùa như có như không có
một người đi chật cả con đường.
Các nghệ sĩ lớn có khi viết ra những điều như là tiên tri. Trường hợp Nguyễn Duy thì không hẳn là tiên tri, vì ông đang sống giữa những điều ông viết, nhưng ông là người cảm nhận các sự thật của chế độ cộng sản giữa thời điểm nó còn độc tài và bưng bít một cách rất dữ dằn và có đủ can đảm mô tả chúng ra sớm hơn nhiều người khác, trong những vần thơ có thể xem là thiên tài. Thiên tài ở chỗ nhìn thấu suốt tâm can phèo phổi của cái chế độ ấy, tìm những từ không thể nào thích hợp hơn để mô tả chúng, cho nên khi bài thơ được tạp chí Sông Hương công bố, nó như một quả bom nổ giữa lòng chế độ, đưa đến việc tờ báo phải đóng cửa.
Qua cuộc phỏng vấn của Mặc Lâm, nhà thơ có dịp cởi mở rất nhiều tâm sự của một người từng là lính cầm súng đánh chiếm miền Nam, từng tham dự cuộc chiến với Khmer Đỏ trên đất Campuchia, mà ngay giữa lúc đánh nhau đã nhìn thấy sự phi lý của chiến tranh. Đối với độc giả ngày nay, đó là một kho tàng quý giá mới vừa được khám phá.
Qua mảng Văn hóa dân gian chúng ta gặp các bài đề cập đến một số thể loại ca hát cổ truyền như Ca trù, Quan họ, Hát xoan, Hát xẩm, Hát văn, Đàn tính hát then, Bài chòi, Đờn ca tài tử Nam bộ… , và nếu chịu khó đọc kỹ các bài khảo sát này, chúng ta sẽ có một kiến thức căn bản cho mỗi thể loại. Khi đề cập đến một đề tài, tác giả giới thiệu những hiểu biết căn bản về thể loại đó, tiếp theo là những cuộc trao đổi với những nhà nghiên cứu hoặc các nghệ sĩ trình diễn để trình bày được một cách linh động sức sống của bộ môn ấy trong quá khứ cũng như hiện tại.
Nói chung quốc gia nào trên thế giới hiện nay cũng có nguy cơ dân chúng ngày càng xa cách với những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc mình, vì các thông tin và phương tiện văn nghệ hiện đại quá mạnh mẽ. Riêng Việt Nam, trong một thời gian dài, chính quyền cộng sản ở miền Bắc không coi trọng nếu không nói là cấm đoán những hình thái văn nghệ dân gian và cổ truyền, nhất là những loại có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, nên nguy cơ mai một của mảng văn hóa dân gian trở thành rất lớn. Hiện nay, với biến chuyển không ngừng của xã hội giữa một thế giới gọi là toàn cầu hóa, cũng rất khó mà có sự phục hồi các truyền thống một cách đúng nghĩa trong dân gian, ngoài các nhóm nhỏ nghiên cứu và sinh hoạt riêng lẻ. Nhưng chúng ta may mắn có Mặc Lâm, luôn luôn để mắt theo dõi các “động tĩnh văn hóa” khắp nơi, và đề cập đến từng bộ môn vừa theo cung cách tường thuật thời sự của người làm truyền thông nhưng các thông tin vẫn đầy chiều sâu nhờ vào kiến thức của những bậc chuyên môn qua phỏng vấn trực tiếp.
Hát xoan là gì? Chúng ta ngày nay cảm thấy xa lạ ngay cả cái tên gọi ấy, chứ đừng nói đến chuyện hiểu biết nó. Lý do:
Hát xoan tuy xuất hiện lâu đời nhưng trong dân gian cả nước lại ít có người biết thể loại này như Quan họ Bắc Ninh của miền bắc, Hát Cung đình của Huế hay thậm chí gần nhất là Đàn ca tài tử của miệt sông nước Nam bộ. Với bề dày như thế nhưng Hát xoan chỉ quanh quẩn tại khu vực Đền Hùng hay chỉ vài vùng chung quanh đang là câu hỏi lớn cho các nhà văn hóa của tỉnh Phú Thọ, nơi sở hữu di sản văn hóa phi vật thể vừa được UNESCO thừa nhận.
Lạ thật, có một loại ca hát chỉ dùng trong nghi lễ cúng tế các vua Hùng thôi, trải qua hàng mấy mươi thế kỷ mà nó vẫn tồn tại ở vùng Phú Thọ là nơi có di tích của Hùng Vương. Vì nơi đây là cái nôi đích thực của dân tộc Việt Nam chăng? Cư dân quanh vùng có đền thờ Hùng Vương là các ông từ bà từ giữ đền của Quốc Tổ từ bao nhiêu thế kỷ rồi chăng ?
Hát xẩm là gì ? Đối với kẻ viết bài này thì từ nhỏ đã nghe đến chữ hát xẩm qua các câu hát của nhạc sĩ Lê Thương:
Có con dế mèn
Suốt trong canh thâu
Hát xẩm không tiền
Nên nghèo xác xơ
Nhưng mãi đến ngày hôm nay khi đọc bài Hát Xẩm trong quyển sách này mới gọi là biết một chút lịch sử và nội dung của hát xẩm là gì.
Đó là những cái rất xưa, bắt nguồn từ miền đất gốc của dân tộc Việt, là châu thổ sông Hồng. Đến cái mới nhất, là Đờn ca tài tử Nam Bộ chúng ta cũng có cảm tưởng nó đang vuột ra khỏi ký ức tập thể của thế hệ chúng ta, trừ những người như Giáo sư Trần Văn Khê đã sống thực với nó trong tuổi trẻ của ông và hiểu biết nó một cách sâu xa cặn kẽ. Sâu xa và cặn kẽ đến nỗi ông nói thẳng ra rằng tinh thần “tài tử” nay không còn nữa. Cái nét hào sảng của dân cư miền đồng bằng sông Cửu Long trong các trò đàn hát của mình ngày xưa, nay đã biến mất nhiều đi rồi. Cũng điệu đàn ấy, vẫn ca khúc ấy được tấu lên, hát lên, nhưng niềm hứng khởi nghệ thuật, tinh thần vui chơi thuần túy của ngày xưa nay đã thành vang bóng của một thời:
“Tinh thần tài tử nó mất từ khi có radio và khi đài phát thanh kêu vô đờn thì bắt đầu mất rồi. Từ khi có du lịch thì càng mất nữa. Nhưng điều đó không thể nào mình tránh khỏi được, bởi vì bất cứ nghệ thuật nào thì nó không phải bất di bất dịch, nó cũng phải thay đổi theo môi trường, phải thay đổi theo quan điểm thẩm mỹ, theo thị hiếu của quần chúng thành ra cũng có nhiều chuyện lắm…
Nhưng mình phải làm sao giữ cho nó còn cái tinh thần đó để ít nhất cũng còn một số người chơi. Người nào làm ra tiền thì cứ làm ra tiền. Nhưng mà bây giờ phần nhiều sống trong thời đại mà đem tiền vô thì người ta thích, kể cả chính quyền không bao giờ làm chuyện gì về văn hóa. Bởi vì làm văn hóa thì phải bỏ tiền ra mà không cần thu tiền vô, chứ còn kinh doanh thì bỏ tiền ra phải có tiền vô! Bây giờ người ta chỉ sống trong thời đại kinh doanh mà không còn sống trong thời đại văn hóa nữa.”
Ngoài loạt bài có tính chất báo chí thực hiện bằng cách thu thập tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó phỏng vấn thường là cách sinh động nhất, tác giả Bàng Bạc Gấm Hoa còn một số bài viết nửa phóng sự nửa tùy bút, bộc lộ bản lãnh ngòi bút của mình một cách rõ rệt.
“Họ, những cánh bướm đêm dập dìu trong bóng tối” có thể coi là một bài phóng sự xuất sắc của ký giả Mặc Lâm. Phóng sự là công việc của nhà báo, trình bày một biến cố, một hiện tượng có thật trong xã hội bằng cách tiếp cận, điều tra, tìm hiểu theo những cách thức riêng của mình, để đưa những mảng sự thật đó đến với thính giả, độc giả. Nhưng “sự thật” đó không thể là những tường thuật thô sơ, những tài liệu gốc đưa ra một cách chân phương như những tấm ảnh đen trắng “thấy sao nói vậy”. Những đoàn người trẻ trung hăng hái ra đi từ nhiều vùng khác nhau của đất nước Việt Nam, đến những đất nước xa lạ đang cần sức làm việc của họ, hiện tượng ấy gọi là “xuất khẩu lao động”, không có gì lạ trong sinh hoạt kinh tế của thế giới ngày nay. Nhưng vấn đề mà Mặc Lâm ra công điều tra ở đây là: một số rất lớn phụ nữ Việt Nam sau khi đi xuất khẩu lao động sang Malaysia đã thành những nàng Kiều bán thân nuôi miệng trong các ổ điếm của nước này. Ông biết rõ luật Sharia của Hồi giáo không bao giờ tha thứ cho việc mua bán dâm, nhưng nước Hồi giáo Malaysia vẫn làm công việc tổ chức ngành làm ăn này với đặc tính người mua và bán dâm không phải là công dân họ: hầu hết người “bán” là phụ nữ Việt Nam đi xuất khẩu lao động, hầu hết người “mua” là dân Tàu lục địa đến đây qua các tour du lịch. Tác giả đã tiếp xúc chuyện trò tìm hiểu những người đồng bào tội nghiệp của ông trong loại “lao động” này, để biết rõ từng hoàn cảnh, cách tổ chức đường dây từ Việt Nam sang các nước Đông Nam Á, cách thức làm thế nào để các cô gái ấy có thể gia hạn hộ chiếu để ở lại “làm ăn” tại Malaysia…
Đây là một thiên điều tra phóng sự rất hoàn chỉnh của một nhà báo có tâm huyết. Nhưng không phải chỉ có thế. Bài viết còn gợi những cái nhói đau trong lòng người đọc. Những người phụ nữ Việt Nam có quê hương, có gia đình, bỗng nhiên biến thành những cánh bướm đêm dật dờ nơi chốn ăn chơi xứ người. Nó gợi người đọc hình dung cả một guồng máy của một đảng mafia thao túng cả một vùng Đông Nam Á. Qua cách tường thuật, Mặc Lâm đã truyền cho chúng ta sự thật đầy đau khổ và không lấy gì đáng hãnh diện của thân phận người dân Việt Nam nơi xứ người. Ông không thuần túy làm phóng sự, ông viết với cái tâm của một người Việt Nam biết yêu thương và quan tâm đến đồng bào của mình. Độc giả cần ghi nhận tấm lòng và tình cảm ấy của tác giả.
*
Từ nhiều năm qua thính giả của đài Á châu Tự do đã được nghe nhiều bài về văn hóa, văn học của Mặc Lâm, rồi sau đó được đọc trên trang mạng của đài. Nhưng dù nội dung của loạt bài đó có phong phú và linh hoạt thế nào đi nữa, chúng cũng chỉ đóng vai trò một mục của một cơ quan truyền thông lớn, đến rồi đi, để nhường chỗ cho những chương trình tiếp nối như một dòng sông trôi chảy không bao giờ ngừng. Tâm lý con người trong thời đại truyền thông hiện nay thường hay bị phân tán do lượng thông tin lớn lao tràn ngập hàng ngày, khó có thể dừng lâu một chỗ nào.
Quyết định của nhà văn Mặc Lâm tập trung phần lớn các bài mình đã thực hiện để trình bày trên làn sóng điện -của đài phát thanh lẫn trang Blog- để in thành một cuốn sách như ngày hôm nay là một việc cần thiết. Cần thiết cho tác giả thì đã hẳn: một Tuyển tập của những gì chính mình đã viết như là một chứng tích các hoạt động văn hóa của đời mình trong nhiều năm, đó là nhu cầu rất chính đáng của bất cứ một người cầm bút nào.
Nhưng lợi lạc của cuốn sách này mang lại, theo tôi, chính yếu thuộc về giới đọc sách. Quần chúng độc giả sẽ được thưởng thức một Tuyển tập đặc biệt về nhiều vấn đề, từ các tác giả văn học như Mai Thảo, Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Cung Tiến, Lê Tất Điều – Cao Tần, cho đến Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Trần Vàng Sao; các sinh hoạt ca hát dân gian như Hát Xoan, Ca Trù, Quan Họ, Bài Chòi, Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ… ; một số nét đẹp trong nghệ thuật tạo hình từ quá khứ (tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống… ) đến các họa sĩ ngày nay như Ann Phong, Hồ Thành Đức và Bé Ký, Phạm Tuấn Dũng…
Tất cả các bài viết đó hôm nay được tập trung lại thay vì mất hút theo thời gian. Cuốn sách không dày nhưng chứa sức nặng của năm tháng lẫn sức nặng của sự quan tâm, nghiên cứu, hỏi han một cách cẩn trọng mỗi khi thực hiện một đề tài. Tác phẩm này do đó mang một ý nghĩa tinh thần rất đáng trân trọng: những nét đẹp khác nhau của nền văn hóa Việt Nam được nhắc nhở đến, mỗi bài như một tiểu phẩm để trình bày trong một chương trình phát thanh hoặc một bài báo, nhưng công lao, tấm lòng lẫn tâm tình mà tác giả đã gửi gấm trong đó thì tôi nghĩ không nhỏ chút nào.
Little Saigon, Nam California
Tháng Tư, ngày 8, năm 2017
Phạm Phú Minh
Source: Internet.